Dưới đây là một bài viết do LS Jenny Đỗ kể lại câu chuyện lúc tuổi còn thơ cho chúng ta thấy một khía cạnh những gì cô đã và đang làm: tổ chức Friends of Hue Foundation giúp các trẻ em tại VN, các việc tranh đấu chống tệ nạn buôn người... Cô được Quốc Hội Tiểu Bang California tuyên dương là Người Phụ Nữ Tiêu Biểu Tại Địa Hạt 23 trong năm 2007 và được Thành Phố San Jose trao tặng Life Time Achievement Award (Giải Thưởng Thành Tựu Trọn Đời).
Dân Biểu Liên Bang Zoe Lofgren, một nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng tại Quốc Hội Hoa Kỳ, đã vinh danh cô với bằng tưởng lục của Quốc Hội Hoa Kỳ cho các nỗ lực tranh đấu cho cộng động của LS Jenny Đỗ.
ĐÓI
Chữ viết tôi bắt đầu bị lệch hàng. Tôi không sao tường thuật rõ ràng về cuộc hành quân của quân đội Đức Quốc Xã qua vùng băng tuyết của nước Nga trong Thế Chiến Thứ II. Khi phải viết về cơn đói khát và cái lạnh nghiệt ngã mà quân đội họ phải đương đầu, mắt tôi dường như mờ đi. Tim tôi đập chậm lại. Người tôi đổ xuống băng ghế trong lớp. Loáng thoáng tiếng bạn bè nhốn nháo quanh tôi.
Tiếng thằn lằn trên trần nhà phòng bệnh làm tôi tỉnh lại. Về sau tôi biết người ta đã đưa tôi vào bệnh viện Nguyễn Văn Học gần trường. Bác sĩ chẩn bệnh bảo tim tôi “đập loạn nhịp” và cho tôi được nhập viện. Tám ngày nằm trong nhà thương là tám ngày hạnh phục nhất của tuổi thơ tôi. Tôi được ăn!
Sau ‘giải phóng’, gia đình tôi bỗng như thành vô hình, không được công nhận là dân cư Sài gòn. Chỉ vì chúng tôi đi vượt biên thất bại sau ngày 30 tháng 4, rồi sau đó trốn lên Túc Trưng làm ruộng để khỏi bị ‘đấu tố’ và ‘chôn sống’. Mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã được nghe mẹ kể rất nhiều về chuyện đấu tố ngoài Bắc, chuyện người trong họ của mẹ tôi bị chôn sống sau cuộc Cách Mạng Tháng 8 Năm 1945. “Mình không thể ở lại đây được, nhất là vì có bé Thanh”. Mẹ tôi nói đi nói lại câu này với những người trong gia đình. Bà khẳng định là nhà tôi phải rời thành phố Sài gòn bằng mọi giá. Vì tôi! Lúc ấy, tôi không thể hiểu được nguyên do lạ thường kia. Nhưng tôi cũng chẳng hỏi, chỉ làm theo những gì người lớn sai bảo trong những ngày căng thẳng đó.
Vì vắng mặt ở Sài gòn trong những ngày đầu của việc kiểm tra các “hộ dân”, gia đình tôi không được cấp "hộ khẩu" – giấy chứng nhận dân cư của Thành phố. Đây là nguồn gốc của bao cuộc thăng trầm. Chín năm đầy đọa. Chín năm dạy cho tôi những bài học làm người. Chín năm thấm nhận được sự những đói khát của cơ thể, những đói khát của trí tuệ. Thấm đến tột đỉnh. Chín năm thèm thuồng màu sắc đến điên dại.
Không có hộ khẩu là mất quyền mua gạo và thực phẩm theo giá nhà nước. Chúng tôi sống bên lề xã hội và trở thành thành nạn nhân của thị trường chợ đen. Giá một một kí gạo là 2 đồng “Cụ Hồ”, nhưng mẹ tôi phải phải mua giá chợ đen là 20 đồng, để cũng chỉ mua được một kí gạo mốc. Cái tủ gỗ lim của mẹ tôi, bàn ghế trong nhà, tranh trên tường, các chén kiểu Thượng hải của Ngoại tôi để lại, bộ đồ “com lê” của một người đàn ông mà tôi chưa từng gặp và những vật dụng có giá trị khác dần dần đưa nhau đi đánh đổi lấy gạo, khoai mì, khoai lang, hoặc rau muống. Gạo nấu cơm phải trộn lẫn với bắp, rồi dần dần trộn thêm khoai lang. Và sau cùng khoai lang cũng bị thay thế bằng sữa bột Liên-Xô. Tôi được uống sữa này cũng chỉ vì các gia đình khác đều chê. Ai cũng sợ sữa bột của Liên Xô, vừa tanh vừa hăng. Mỉa mai thay, những giọt sữa hôi tanh mà tôi bất đắc dĩ phải uống lại là nguồn sống giúp tôi cầm cự một thời gian trước khi bị ngã gục trong lớp vào giờ thi Sử.
Sáng dậy mẹ tôi nấu một nồi nước nóng để đủ khuấy được sáu bát sữa. Tôi được uống một bát đầu ngày trước khi đi học và một bát vào buổi tối. Thế thôi. Ngồi trong lớp, bạn bè tôi thường cười ầm lên khi nghe tiếng cồn cào ọt ẹt từ bao tử tôi vọng ra.
Cái đáng sợ nhất của ngày ấy là phải nhìn người khác ăn uống quanh mình. Cơm, xôi, bánh mì, thức ăn của người khác đe dọa tôi làm người tôi nhu bị thu nhỏ lại, biến tôi thành một đứa trẻ hèn hạ, thấp kém. Mệt và thèm là hai tình trạng đáng buồn của cơ thể. Nó hay xuất hiện vào buổi trưa hoặc tối. Giờ tan học dưới ánh nắng cháy da là lúc tôi phải trở về với thực tế phũ phàng. Tiếng chén đũa khua vào nhau, tiếng người gọi người về ăn, mùi thức ăn bay trong không khí nhắc cho tôi biết tôi vẫn còn sống và còn đầy cảm giác, nhưng cũng bắt tôi trở thành câm và điếc. Tôi phải tranh đấu trong sự câm điếc đó để cơ thể không còn cảm nhận được những cám dỗ của thế giới chung quanh. Tôi không thể đầu hàng trước sức mạnh của cái Đói. Tôi phải tìm đủ mọi cách để tránh những giờ phút đầy cám dỗ và nhục nhã đó.
Tan học về là tôi đến thẳng cổng chùa, nơi mẹ tôi để một tủ bán thuốc lá rất nhỏ ngay trước cổng. Tôi dành ngồi đó bán thuốc cho mẹ nhưng thực chất là để đọc truyện để quên đói. Chỉ có truyện mới có giúp tôi tìm được lối thoát. Càng đói tôi càng đọc nhiều. Tôi quên đi các bài toán lý hóa, các lý thuyết chính trị vô nghĩa của nhà trường. Khi hòa mình vào hàng chữ ngả nghiêng nhảy múa trên giấy là khi tôi thoát được cái nôn nao dày vò của cơ thể.
Ngày ấy, “sách truyện” mà tôi tìm được là những tờ giấy tái dụng sần sùi, ố bẩn được khâu vào với nhau thành những cuốn vở dày. Người ta chép truyện bằng tay trên những trng giấy đó và chuyền tay nhau để đọc. Mặc dù mọi người nâng niu những “cuốn sách” đó, các trang giấy dần dà cũng bị nát ra từng mảnh. Vào cái thời “Cải cách giáo dục” này, các sách nước ngoài đã dịch ra tiếng Việt và sách của “chế độ cũ” đều bị cấm và bị đốt. Những bản chép tay trên giấy ố là những bè phao vô giá đã cứu vớt tôi, đã cho tôi nhìn thấy những bầu trời của chị em trong gia đình họ Bronte, chia sẻ nỗi bất hạnh của nàng Tess d’Urberville.
“Cuốn sách” mà tôi đọc đi đọc lại là tác phẩm “Thằng Gù Trong Nhà Thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Tôi cảm thấy gần gũi với cô nàng gypsy trong truyện và mong được lang thang như cô, tuy rằng không hiểu được tại sao đời lại hắt hủi cô. Có những đêm tôi để nước mắt tuôn rơi xuống gối để thấy mình là Cosette trong “Les Miserables”. Trong những đêm sống ở chùa, nghe nước mắt rơi chầm chậm trên má, tôi mong đợi bàn tay của Jean Valjean đến cứu tôi, nhưng Jean Valjean của tôi không hề xuất hiện.
Cơn ngất xỉu trong lớp lần ấy đã vực tôi dậy và làm tôi sống lại. Giờ cơm đầu tiên trong Khoa Nhi của bệnh viện, tôi kêu thốt lên thành tiếng khi thấy mâm đồ ăn đặt xuống giường ngay trước mặt tôi. Nào là cơm trắng, nào là đậu hũ kho vàng quyến rũ và rau luộc xanh mướt đầy ắp trước mắt tôi. “Cháu có được ăn hết chỗ này không ạ?” Tôi ngớ ngẩn hỏi người y tá mặc áo trắng khi cô nhanh chân đẩy xe cơm ra khỏi phòng. Xấu hổ lắm nhưng tôi phải thú thật là tôi đã ăn như chưa bao giờ được ăn. Sặc lên được. Vừa nghẹn vừa hả hê.
Sau lần đầu tiên được thưởng thức lại mùi cơm trắng, mùi đồ ăn, tôi mong đợi từng giờ từng phút để được đến bữa ăn kế tiếp. Điều lạ lùng hơn hết là cứ trước giờ ăn thì tôi lại được một bác sĩ đứng tuổi tên Phú có bộ râu cằm lởm chởm đến khám bệnh cho tôi. Phòng chúng tôi có sáu trẻ, sáu giường. Tôi lúc ấy 14 tuổi, là đứa lớn nhất trong đám trẻ. Đứa bé nhất chỉ mới lên bốn tuổi, những đứa còn lại hầu hết khoảng sáu bảy tuổi. Bác sĩ đến phòng này chỉ để khám bệnh cho tôi. Lần nào bác sĩ cũng cởi áo tôi ra để đặt ống nghe lên tim tôi, rồi sau đó là ông nắn ngực tôi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái. Ông cứ làm vậy liên tục. Có lần ông làm tôi đau lắm vì ông nắn hơi mạnh. Tuy nhiên, tôi không hề than phiền vì tôi biết rằng sau giờ khám bệnh tôi sẽ được ăn cơm.
Khi mẹ tôi đến thăm và bảo tôi chuẩn bị xuất viện, tôi cảm thấy thất vọng và buồn một cách vô lý. Tôi mỉm cười khi nhìn thấy giấy xuất viện ghi “bệnh” tôi là “thiếu dinh dưỡng” chứ không phải là bị đau tim.
Vì chuyện tôi bị ngất xỉu, cô Bắc, một người bạn quen giàu có của mẹ tôi nhắn tin bảo tôi lên thăm nhà cô ở trên đường Trương Minh Giảng. Mẹ tôi liền bảo tôi nghỉ học một ngày để làm chuyện đó. Ngày trước giải phóng, gia đình tôi còn khá giả, mẹ tôi thường mặc áo dài chấm chân cùng cô Bắc đi “dạo phố” mua hàng. Từ ngày chúng tôi trở thành vô sản, mẹ tôi không còn đi lại với cô Bắc và những người quen giàu có khác. Sau nhiều năm trôi qua, tôi lại được trở lại nhà cô. Cô khen tôi lớn nhanh và bắt đầu có “nét phụ nữ”. Tôi kể cho cô nghe những cơn đói dữ dội của tôi. Cô nghe nhiều hơn là nói, trước khi tôi về cô đưa cho tôi một cái bao khá nặng. “Gạo Nàng Hương mới đây con, ngon lắm. Cho cô biếu mẹ con.” Tôi cám ơn cô rối rít, thầm nhủ “gạo Nàng Hương chắc chắn phải thơm lắm” mặc dù chẳng biết gạo Nàng Hương là gạo gì! Tôi thường mơ thấy những cơn mưa rào của Sài gòn, những hạt mưa đang rơi ào ạt bỗng chợt biến thành gạo. Phải chi tôi được đứng dưới những cơn mưa gạo trắng xóa như trong giấc mơ.
Tôi hí hửng ôm bao gạo lên bến xe buýt đi về chùa. Chiều gần tối, trời như sắp chuyển mưa, gió hất giấy rác và bụi đập vào tôi làm mắt tôi cay xé, xe đông kịt. Xe quá đông khách. Tôi ngần ngại nhưng cũng phải chen chân lên xe vì không muốn phải đợi chuyến sau, sợ trời mưa. Tôi cố lấn lên. Mọi người thúc nhau, đẩy nhau, người sát người, nhễ nhại. Cơ thể tôi được mọi người xô đẩy dần dần vào bên trong. Xe chạy lắc lư, người ta nhào qua nhào lại ôm bám lẫn nhau để có thể đứng vững. Bao gạo nặng trên tay tôi từ từ sa xuống chân. Xe lại nhào thật mạnh. Tôi suýt té. Sợ mất bao gạo, tôi nhìn xuống chân để kiểm lại. Đột nhiên tôi thấy có hai bàn tay to, bóng nhớt và đen thủi đang nắn nót bộ ngực nhỏ của tôi. Tôi bắt đầu cảm giác được sức mạnh của sự nắn bóp này. Nó là một cảm giác rất lạ. Trong thoáng giây đó, tôi liên tưởng đến các buổi viếng thăm của Bác Sĩ Phú! Cảm giác ghê sợ chợt tràn về, như một cơn lũ mãnh liệt.
Mặt tôi nóng lên, rồi người tôi nóng lên, không thở được.
Ngay lúc đó, xe ngừng lại ở một trạm xe lớn tại chợ Bà Chiểu. Vẫn chưa tới nhà, nhưng như người đang tê liệt bỗng chợt bị bỏng, tôi vùng người để thoát ra khỏi đôi bàn tay đen nhễ nhại kia để theo mọi người bước ra khỏi xe. Tôi nhảy xuống đất, hứng trọn cơn gió lốc đầy bụi lúc đó. Khi đã hoàn hồn, tôi quay lại để nhìn xem người có bàn tay đen đủi đó là ai. Tôi nhìn thẳng lên cửa xe và nhận ra được cái đầu hói của một người đàn ông nhô ra giữa đám người đứng chen nhau như cá hộp, và thấy cánh tay đen của người đàn ông đó đang xoa bụng dưới của ông ta. Tôi không sao quên được đôi mắt nhỏ và sâu của ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi một cách thật bình thản. Tim tôi vẫn đập mạnh mặc dầu cửa xe đã đóng lại và xe đã chuyển bánh. Bụi cát bay mịt mờ. Tôi lấy tay dụi mắt và sực nhớ là tay mình đã không còn bao gạo nữa!
Á! Tôi chết lặng trong người rồi vội vã thất thanh chạy theo chiếc xe buýt. “Ê! Bác Tài ơi, đứng lại!” Tôi hét lên trong cơn gió. Vừa vẫy tay, vừa gào, vừa chạy. Mọi người xung quanh nhìn tôi chăm chăm. Đầu xe càng lúc càng nhỏ dần. Tôi thở hổn hển đứng lại giữa dòng xe đạp đổ lên từ hai bên. Tôi biết mình đã mất gạo thật rồi và không hiểu mình sẽ phải giải thích thế nào với mẹ. Tôi đã mất cơ hội làm cho mẹ tôi vui, mất cơ hội cho mẹ tôi và em tôi được ăn cơm. Sự mất mát này khủng khiếp quá. Tôi làm sao có thể kể lại câu chuyện xấu xí kia dù chính bản thân cũng không hiểu tại sao nó xấu và tại sao tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi không có lời giải thích chuyện gì đã xảy ra. Không. Tôi không thể nói thật cho mẹ tôi biết được. Tôi phải nghĩ ra một kế nào thật đặc biệt để làm mẹ tôi tội nghiệp cho tôi và không trách tôi bất cẩn hoặc đãng trí.
Bị bùa! Thế là tôi nghĩ ra giải pháp. Tôi sẽ bảo với mẹ tôi bị người ta bỏ bùa để lấy mất bao gạo. Tôi nhỏ lớn chưa biết “bùa” hình thù ra sao; nhưng hình như mọi người ai ai cũng tin vào sự màu nhiệm của nó. Truyền rằng hễ ai bị bỏ bùa thì người đó bị mê hoặc, phải làm theo sự điều khiển của người giữ bùa. Đó là lần đầu tiên tôi nói dối với mẹ. Mẹ tôi chắng những tin tôi mà còn cám ơn Trời đất là người có bùa đã không bắt cóc tôi. Mẹ tôi cho rằng tôi hết sức may mắn nên chỉ mất gạo chứ không mất người! Thấy mẹ tôi mừng mà lòng tôi như bị xé ra trăm mảnh. Hối hận là đã lừa dối bà nhưng tôi không biết làm sao để nói lên sự thật kia. Tuy không hiểu tôi đã làm sai chuyện gì, tôi chỉ biết là tôi cảm thấy xấu hổ nhục nhã vô cùng.
Tôi giữ kín câu chuyện này cho đến hơn mười năm sau mới kể lại cho mẹ nghe. Và mẹ tôi đến giờ lâu lâu vẫn nhắc đến chuyện tôi bị “bỏ bùa” mất gạo.
Jenny Đỗ
Sau 40 năm cai trị đất nước theo chủ nghĩa ngoại lai, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã làm được gì cho người dân Việt?
Cụ già 70 tuổi “quỳ lạy” xin tha xe bán nước rồi ngất xỉu
Một cụ bà 70 tuổi gầy gò ngất xỉu sau khi xe bán trái cây rong là nguồn sống của cụ bị công an phường thu giữ. Một số người dân thấy cảnh đau lòng xúm lại bế cụ đi cấp cứu. – (Ảnh: Facebook)
“Cái xe tui mua góp có 1 triệu mà người ta thu người ta phạt 2 triệu rưỡi. Tui bán đây cũng đóng thuế đường hoàng, khi họ đi dẹp tôi kéo xe vào trong kia rồi nhưng 6,7 người vào lôi ra, tôi khóc xin, tôi quỳ lạy… nhưng họ nhất quyết không tha… Tui lôi không lại, tôi ngất xỉu… Chú ơi, tôi có bệnh tim trong người…”, lời kể của cụ bà 70 tuổi khiến nhiều người không khỏi cảm thấy xót thương cho hoàn cảnh của cụ.
Câu chuyện về cụ bà bị công an phường thu giữ xe bán dừa được bạn H.P chia sẻ lên Facebook đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của cộng đồng mạng, nhiều bạn sau đó đã chủ động tới thăm cụ.
Theo bạn H.P chia sẻ, sự việc xảy ra lúc 4h30 chiều 17/11, trong lúc dọn dẹp vỉa hè lòng đường, lực lượng chức năng phường 27, quận Bình Thạnh, Sài Gòn đã thu giữ xe bán dừa của cụ. Cụ quỳ lạy van xin, và sau đó đã ngã xuống đường ngất xỉu. Người dân xung quanh vội đưa cụ đi bệnh viện cấp cứu.
Hiện, cụ đã bình phục và tiếp tục cuộc sống mưu sinh.
Bạn H.P chia sẻ trên trang cá nhân:
“Bà tên Trần Thị An, quê bà ở Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán dừa trái ngay góc chợ Thanh Đa.
Bà trú nhờ tại một kho bỏ hoang khoảng 3 mét vuông!!!) trong cư xá cũ nát Thanh Đa. Theo được biết, bà đẩy xe từ 4h sáng đến 10h đêm mới nghỉ. Bà có con nhưng con bà cũng nghèo khó nên không lo cho bà được.
Bà kể lại: “… Người ta thấy tui tội nghiệp nên người ta cho tui ở nhờ trong kho đó, hồi trước bỏ hoang bọn xì ke hay trốn vào chích hút…
Tui còn sức nên tôi cố lay lất, chớ không muốn làm gánh nặng cho con, con tui hắn cũng nghèo khó, bấp bênh lắm!
Cái xe tui mua góp có 1 triệu mà người ta thu người ta phạt 2 triệu rưỡi. Tui bán đây cũng đóng thuế đường hoàng, khi họ đi dẹp tôi kéo xe vào trong kia rồi nhưng 6,7 người vào lôi ra, tôi khóc xin, tôi quỳ lạy (!!!) nhưng họ nhất quyết không tha…. Tui lôi không lại, tôi ngất xỉu… Chú ơi, tôi có bệnh tim trong người mà họ cũng không tha. Chú có phải phải phóng viên, nhà báo không? Chú lên tiếng cho bà con tụi tui sống với…”
Cụ bà với ánh mắt buồn xa xăm không biết ngày mai cuộc sống mình sẽ như thế nào – (Ảnh: Facebook)
Một người dân sống gần đó cho biết: “Em ở ngay cư xá chỗ cụ bà này bán dừa (cụ nói tiếng Huế đặc), cụ bà bán về rất trễ và hôm nào mua dừa uống em cũng mua của bà nhưng không hề hay biết, cũng không hề hay nghĩ cụ lại khổ đến thế. Mấy bữa trước ngày 13 hay 14/11 gì đó ở góc đường phía đối diện xe dừa của bà có treo băng rôn” cấm buôn bán lòng lề đường và cách vài ngày lại đi dẹp mấy xe đẩy này 1 lần, nhưng sao cụ lại phải đóng thuế đường rồi không được tha? Hay tại đóng ít quá?”.
Bạn Trọng Nguyên cho rằng: “Nếu muốn giữ cho đường phố sạch đẹp thanh lịch không còn bừa bộn với những hàng rong hè phố hoặc những xe đẩy lấn chiếm vỉa hè thì trước tiên nhà nước phải có chính sách chăm lo cho những người lớn tuổi không còn sức lao động, những người tàn tật neo đơn, có vậy mới hợp lý”.
Đây là nơi cư trú hàng ngày của cụ. Cụ ở ké trong kho của cư xá Thanh Đa, p27, Bình Thạnh. Ban ngày, cụ bán rong ngay góc chợ, có lúc thì đẩy đi nơi khác, tối khuya mới về – (Ảnh: Facebook)
Qua mạng xã hội, nhiều người biết được hoàn cảnh của cụ nên đã tổ chức quyên góp tiền ủng hộ và tới thăm cụ.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy như cụ, đáng lẽ ra là cái tuổi an nhàn, tuổi già vui vầy bên con cháu, người thân… nhưng cụ hàng ngày phải vất vả mưu sinh, kiếm sống qua ngày. Chứng kiến cảnh này, nhiều người đã không khỏi rơm rớm nước mắt.
Từ Ân / ĐKN
Bi hài chuyện sống trong những căn nhà siêu nhỏ ở Hà Nội
Đếm được ngày "làm vợ" vì… nhà chật
Gần 20 năm sống trong căn nhà vỏn vẹn 3m2 là chỗ hõm cầu thang nhà tập thể trong phố Hàng Vải, hơn ai hết, bà Hoàng Thị Dung thấm thía sự trái ngang của chuyện "yêu" trong nhà chật. Nhớ lại những ngày đầu tiên làm dâu, làm vợ, bà Dung không kìm được tiếng thở dài. Bà kể, đêm tân hôn của mình ngập trong nước mắt. Lúc đó, vợ chồng bà chưa dọn sang cái gầm cầu thang 3m2 mà ở cùng cả đại gia đình bên cạnh. Căn nhà tập thể 16m2 của nhà chồng bà là nơi ở của bà mẹ chồng và 4 cặp vợ chồng nữa là anh em trong gia đình. Không gian chật chội đã đành, sự xuất hiện của cô con dâu mới cũng có phần nào xáo trộn gia đình, các cặp vợ chồng khác có phần… dè chừng và ngại ngùng khi chung sống trong không gian bé tí ấy.
Bà Dung có thể... đếm được số ngày mình "làm vợ"
Đêm tân hôn hai vợ chồng thì thào, nhỏ to tâm sự, đang tính chuyện "yêu đương" thì bị mẹ chồng dựng dậy. Sáng hôm sau, ông bà phải dậy sớm để tiện sinh hoạt chung của cả nhà.
Bà kể, mẹ chồng bà tuổi già khó ngủ, lại rất thính, một tiếng động nhỏ giữa đêm cũng làm cụ tỉnh giấc. Phần vì ngượng, phần vì chưa quen sống trong căn nhà ẩm mốc, cả người bà Dung cũng… "mốc" theo nên sau khi cưới vài tháng, ông bà vẫn chưa có điều kiện "tân hôn". Mấy tháng sau, hai vợ chồng bà mới dọn sang ở bên gầm cầu thang sát nhà, khi đó được tận dụng làm nhà kho. Lúc đó, thời gian "làm vợ" của bà mới thực sự bắt đầu. Tuổi thanh xuân của bà đã vụt đi rất nhanh mà chưa kịp tận hưởng trọn vẹn.
Bà Dung tâm sự, chuyện "gần gũi" của hai vợ chồng lúc nào cũng nơm nớp, vội vàng, tranh thủ như đánh trận, rồi lâu dần, cái chật chội, bức bí không gian đã khiến những ham muốn đời thường ấy mất dần theo thời gian… Còn cô con gái 17 tuổi của ông bà, chẳng bao giờ có bạn bè đến chơi. Bà chỉ lo không biết vài năm nữa, con bé có người yêu thì đem về nhà giới thiệu kiểu gì…
Không dám đẻ con vì… không có chỗ ở
Sống trong căn nhà rộng 5m2 trên cùng dãy phố, 2 cặp vợ chồng trẻ con của ông Trần Đăng Tuyền cũng khổ sở vì chuyện "tế nhị". Cơi nới được hai tầng trên nóc nhà vệ sinh công cộng của khu, ông Tuyền cũng thu xếp được chỗ ở cho gia đình hai cậu con trai. Tầng hai được chia làm đôi là nơi sinh hoạt của hai cặp vợ chồng trẻ.
Con dâu ông Tuyền, chị Thanh Huyền chia sẻ: "Ngăn nhau bởi cánh cửa lùa, vẫn có không gian riêng cho từng đôi, nhưng căn phòng vẫn từng đấy mét, từng đó con người sinh sống, mỗi động tĩnh nhỏ trong phòng là người ở bên cạnh nghe thấy hết".
Không gian riêng của đôi vợ chồng trẻ.
Chị kể, nhà chật chội nên việc sinh hoạt của vợ chồng vô cùng khó khăn, nhất là hồi mới cưới. Cả hai đôi cùng cưới một năm, ở cách nhau một tấm vách, muốn tâm sự gì với nhau cũng phải nói thật khẽ, "hành sự" cũng phải nín thở để hạn chế âm thanh tế nhị và phải vô cùng nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động. "Cô chú ấy cũng thế, những chuyện kín đáo như vậy phải để ý từng ly từng tí, tránh làm phiền đến nhau và tránh những pha… hớ hênh" - chị thỏ thẻ.
Ông Tuyền cũng tâm sự, ông rất hiểu cái khó của các con trai, con dâu. "Chúng tôi già rồi, chẳng khát khao gì nữa, nhưng các anh chị ấy thì đúng là bí thật. Nhưng được cái anh chị em chúng nó biết ăn biết ở, nhường nhịn nhau lắm. Hồi chưa cưới, các con dâu tôi đến chơi, thấy gia cảnh như vậy nhưng chúng vẫn quyết lấy nhau. Tôi cũng chỉ mong chúng yêu thương nhau thế này là êm đềm rồi".
Ông Tuyền bảo: "Tôi đã có hai cháu nội rồi, mỗi cậu một đứa. Chắc chúng không đẻ thêm nữa đâu, đẻ nữa thì chỗ nào mà ở…"
Không được phép chết trong nhà vì không mang quan tài vào được
Giữ kỷ lục về ngõ nhỏ phải kể đến số 14 ngõ Gạch ở quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội. Theo báo Người đưa tin, ngõ rộng chưa đến 50cm, chỉ xe đạp mới dắt được vào bên trong.
Bà Lại Thị Ân nói: "Ở ngõ này, khổ nhất có lẽ là chuyện ma chay. Hễ gần tắt thở là phải lập tức cõng ra đường rồi đưa đến nhà tang lễ Phùng Hưng, không được phép chết trong nhà". Theo lý giải của bà Ân, nếu chết trong nhà thì thật gay go vì không có cách nào có thể mang quan tài vào trong nhà được.
Dắt chiếc xe đạp mà cũng phải chật vật mãi mới ra hết ngõ
Một con ngõ siêu nhỏ khác ở số 13 Hàng Giấy rộng chừng 70cm, cao chưa đầy 2m, sâu hun hút như một địa đạo tối đen.
Anh Ngô Thành Công, một người dân sống trong ngõ này cho biết, hiện có năm gia đình với tổng cộng 25 nhân khẩu đang sinh sống trong ngõ. Với diện tích trung bình khoảng 15m2/căn hộ gồm 5 người ở thì việc mua sắm đồ đạc luôn được giản tiện đến mức tối đa. "Chưa ở đâu đồ đạc siêu mini lại được trọng dụng như ở đây". Phương tiện để "đối phó" với con ngõ siêu nhỏ này chỉ có thể là xe số nhưng cũng phải tìm mọi cách để đơn giản hóa các bộ phận của xe như: Bẻ bớt núm tay lái, gập gương chiếu hậu… Anh Công cho biết thêm: "Có tiền chúng tôi cũng không dám mua xe tay ga đắt tiền bởi không thể "vượt ải" lại mất thêm một khoản không nhỏ dành cho việc gửi xe hàng tháng".
Không gian sinh hoạt chật hẹp, lối vào bất tiện nên ngay cả việc người dân muốn làm dăm mâm cơm đám cưới cho con cũng đành ngậm ngùi mượn tạm bãi xe công cộng nơi gầm cầu Long Biên để tổ chức.
Ngôi nhà không bao giờ đóng cửa
Ngôi nhà nằm ở ngõ 44 phố Hàng Buồm (Hà Nội) của cha con anh Hoàng Văn Xuân chỉ vỏn vẹn 5m2 và không bao giờ đóng cửa.
Căn phòng rộng 1,9m; chiều dài 2,7m; chiều cao 1,2m kiêm đủ chức năng vừa là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng học... của anh Xuân và cậu con trai 17 tuổi. Nơi đây quanh năm tối tăm và không bao giờ có ánh nắng chiếu vào. Nếu không quen, các vị khách không thể ngồi quá lâu trong phòng dù là vào mùa đông. Mùa hè, không khí lại càng ngột ngạt, khó thở; ngày mưa lại ẩm thấp vì nước mưa theo những kẽ hở trên trần dột xuống.
Trong ngôi nhà này, cả 2 bố con anh Xuân không bao giờ đứng thẳng người được, vì cứ đứng lên là đầu đụng phải trần nhà.
Anh Xuân kể, những hôm trời nóng bức nhất là vào mùa hè, căn phòng của 2 bố con ngột ngạt đến khủng khiếp. Bố con anh còn không dám nấu cơm ở nhà mà phải đi ăn bên ngoài bởi lẽ, chỉ cần nghĩ đến việc ngồi ăn cơm trong nhà, mồ hôi vã ra như tắm, không khí ngột ngạt khó thở đã thấy khiếp sợ rồi.
Anh Xuân than thở thêm, ở trong ngôi nhà vốn đã nhỏ hẹp, thiếu không khí, thiếu ánh sáng mà còn phải hứng khói và hơi nóng từ bếp than tổ ong từ các hàng quán tạt vào. “Có những hôm đang ngồi trong phòng mà bố con tôi phải bảo nhau chạy dạt ra bên ngoài. Biết khói, hơi nóng từ than tổ ong, từ hàng ăn thức uống xung quanh ảnh hưởng trực tiếp đến mình nhưng vẫn phải chịu thôi vì thực ra hàng xóm cũng có muốn thế đâu, cũng chỉ tại nhà cửa, đường đi lối lại quá chật chội mà thôi”.
Theo Trí Thức Trẻ
Những ngôi nhà siêu nhỏ giữa trung tâm thành phố Sài Gòn
Ba thế hệ gia đình chung sống và sinh hoạt trong ngôi nhà có diện tích chỉ 2 mét vuông tưởng chừng là điều không thể nhưng nó đã tồn tại hàng chục năm nay ở Sài Gòn.
Giữa Sài Gòn hoa lệ, những ngôi nhà tồi tàn, xập xệ tồn tại hàng chục năm đã gắn liền với cuộc sống của nhiều thế hệ gia đình. Những căn nhà “siêu nhỏ”, xập xệ nằm sâu trong những con hẻm yên bình.
Căn nhà với khoảng chừng 2 mét vuông ngụ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP HCM là nơi sinh sống của gia đình gồm 7 người. Sống lay lắt và bám trụ nhiều năm qua với họ một căn nhà mang đúng nghĩa là một điều không tưởng giữa đời thực.
Ngôi nhà siêu nhỏ nằm đầu con hẻm là nơi sinh sống của gia đình ông Lê Minh Hải (54 tuổi) ở đã nhiều năm nay. Hiện tại ngôi nhà này có 7 người.
Do diện tích quá nhỏ, các thành viên trong gia đình ông thường chia nhau ra đi làm nhiều nơi đến tối mới tập trung về.
“Đêm đến muốn ngả lưng phải dọn dẹp hết đồ đạc lại, cứ mỗi buổi sáng tui phải sắp xếp đồ đem lên gác mới có chỗ chui vào chứ nhà nhỏ quá 1 người ngồi cũng không đủ chỗ nữa”, ông Hải chia sẻ.
Ban ngày, căn nhà siêu nhỏ giống như một cái “lò thiêu”, việc nấu nướng, sinh hoạt của các thành viên hầu như đều diễn ra trước nhà.
Cạnh gia đình ông Hải còn có ngôi nhà siêu nhỏ 2 mét vuông của gia đình bà Phan Thị Quang (62 tuổi), đặc biệt gia đình này có đến 10 người sinh sống. Theo tìm hiểu mỗi ngày gia đình bà Quang phải lặn lội ra chợ Vườn Chuối (quận 3) để tắm, giặt. Còn chỗ ăn uống, nấu nướng hằng ngày đều được diễn ra ngoài đường. “Điều khiến tôi đau lòng nhất là bà ngoại, mẹ và chồng đã qua đời mấy chục năm nay nhưng không có chỗ để thờ, nhà nhỏ quá”, bà Quang chia sẻ.
Bà Quang cho biết: “Sau những năm giải phóng vì hoàn cảnh khó khăn, không có nhà cửa nên gia đình bà phải sống lay lắt ngoài đường suốt một thời gian dài. Đến năm 1991, gia đình đưa nhau trở lại Sài Gòn và sống trong căn nhà này.
Vì căn nhà quá chật chội nên chỉ có những đứa cháu nhỏ nhất mới được ngủ bên trong nhà. Bà Quang phải tận dụng khoảng trống trước hẻm để nấu ăn.
Ngôi nhà sơ sài dựng tạm bằng tôn, ván ép và chiếc cột gỗ đã mục trở thành trụ chống chính cho căn nhà này.
Vật dụng trong nhà được đưa ra ngoài sân để tạm.
Những ngôi nhà siêu nhỏ tồn tại từ nhiều năm qua đã gắn liền với nhiều thế hệ của một gia đình. Tuy cuộc sống vất vả, mọi sinh hoạt khó khăn nhưng họ vẫn bám trụ để mưu sinh giữa thành phố hoa lệ. Đôi khi giấc ngủ chập chờn và thổn thức ấy vẫn cứ tiếp diễn từ năm này sang năm khác như một thói quen đối với những người “phiêu bạt” như gia đình bà Quang, ông Hải…
Ngọc Minh
http://saostar.vn
_____________
Youtube: "Tuổi thơ của em đâu" - LHNCGQ
Chủ tịch Trương Tấn Sang thực sự có bao nhiêu căn nhà?
Ngày 18/10/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gây sốc khi phát biểu: “Khi thấy mình nhu nhược, thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ, thậm chí về quê, trả lại nhà cho đảng, nhà tôi nhỏ thôi, chỉ 51 mét vuông, khi về hưu tôi sẽ không lấy một mét đất nào”. Người dân và cử tri cả nước choáng váng về sự liêm khiết được chính bản thân Tư Sang tô vẽ: “một vị chủ tịch nước liêm khiết sống chui rúc trong một căn nhà 51m2 ?!”. Lẽ ra Tư Sang phải chín chắn hơn và trung thực khi phát biểu câu này, vì dù ông có giỏi che đậy đến bao nhiêu thì người dân đều biết hết, biết đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Bất cứ ai sinh sống ở khu vực Thạch Thị Thanh, phường Tân Định đều biết ông Sang tối thiểu có 3 căn nhà và con trai ông – Trương Tấn Sơn có một công ty to đùng đều nằm trên đường Thạch Thị Thanh.
1 - Căn thứ nhất: 60 Thạch Thị Thanh, Phường Tân Định, Q1, TPHCM. Diện tích đất: 51m2 (1 trệt + 3 lầu + sân thượng, 4m x 13m). Diện tích sử dụng: 255 m2 (chưa tính phần lan can lấn chiếm thêm 8m2 mỗi tầng). Giá thị trường: 12 tỷ đồng.
Căn này do Đảng cấp cho Trương Tấn Sang lúc đương chức lãnh đạo thành phố. Để bảo vệ danh tiếng “liêm khiết”, Tư Sang, vợ, con, cháu đều đăng ký thường trú ở căn nhà này. Với thành tích tham vọng cá nhân, nói nhiều, không làm gì cho Dân cho Đảng mà chuyên đi chọc ngoáy đáng xấu hổ như hiện nay, Tư Sang nên “viết đơn xin từ chức” và trả nhà ngay lập tức. Và Tư Sang cũng cần phải nhớ, đã làm đến chức Chủ tịch nước thì phải phát biểu cho chính xác, biết bao nhiêu người đã hy sinh để ông leo lên được chức Chủ tịch nước như hiện tại.
2 - Căn thứ hai: 17/51 Thạch Thị Thanh, Phường Tân Định, Q1, TPHCM. Diện tích đất: 105m2 (1 hầm + 1 trệt + 1 lửng + 4 lầu + sân thượng, 5m x 21m). Diện tích sử dụng: 720 m2. Giá thị trường: 21 tỷ đồng..
Đây là căn nhà ông được TPHCM cấp năm 1979 khi là Giám đốc nông trường Phạm Văn Hai Minh Diện - Bùi Văn Bồng. Đến năm 1992, khi lên làm Bí thư Thành uỷ TPHCM, ông đột nhiên “cho, tặng” căn nhà này cho em gái ruột tên Trương Thị Hồng Huệ (hiện đang công tác tại Hải quan TPHCM, một trong các nhân vật chuyên lo chuyện đứng tên các khối tài sản kếch sù thay cho Tư Sang sẽ được vạch trần trong các bài tiếp theo).
Trương Thị Hồng Huệ- Nhân vật chuyên lo chuyện đứng tên các khối tài sản kếch sù thay cho Tư Sang
Nay không rõ sổ đỏ căn nhà 17/51 Thạch Thị Thanh đang đứng tên ai, nhưng nó đang được em gái Trương Tấn Sang cho thuê với giá 2.000 USD/tháng và không rõ tài sản này của nhân dân đã được gia đình Chủ tịch Trương Tấn Sang “biến hoá” và “tẩu tán” đến đâu rồi?!!
Căn nhà 17/51 Thạch Thị Thanh hiện đang được em gái Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho thuê với giá 2.000 USD/tháng
Và dĩ nhiên TPHCM không thể để Bí thư Thành uỷ vô gia cư hoặc phải đi “ăn nhờ ở đậu” nên những người đại diện nhân dân TPHCM đã “cắn răng lấp liếm” cấp tiếp căn nhà 60 Thạch Thị Thanh cho Tư Sang có chỗ “chui ra chui vào”. Khổ thân Tư Sang mà cũng khổ cho thân phận nhân dân TPHCM! Tư Sang giờ chắc đã quên căn nhà 17/51 Thạch Thị Thanh nên người dân TPHCM cũng không còn hy vọng gì ông sẽ trả lại. Đúng không Tư Sang?
Chỉ cần vào ngõ 17 Thạch Thị Thanh hỏi nhà Chủ tịch nước sẽ được người dân dẫn đến căn nhà 17/51 Thạch Thị Thanh
3 - Căn thứ ba: 29/5C Thạch Thị Thanh, Phường Tân Định, Q1, TPHCM. Diện tích đất: 90m2 (1 trệt + 1 lửng + 3 lầu + sân thượng, 5m x 18m). Diện tích sử dụng: 480m2. Giá thị trường: 10 tỷ đồng.
Người dân Thạch Thị Thanh ai cũng biết, căn nhà này là nơi quý tử Trương Tấn Sơn của Chủ tịch nước thường xuyên lui tới. Đây cũng là trụ sở Công ty TNHH Thương mai – Dịch vụ - Sản xuất – Xây dựng – Trang trí nội thất LE CA DE- một công ty có quy mô và doanh số lớn trong ngành nội thất, đây chỉ là một trong những công ty nằm trong hệ thống các công ty của gia đình Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đặc biệt, mặc dù nằm trong 2 con hẻm khác nhau nhưng hai căn nhà 17/51 và 29/5C Thạch Thị Thanh nằm liền kề (hình chữ L) và thông nhau.
Trên website và trên giấy phép Đăng ký kinh doanh của công ty Lecade ghi rõ: “Trụ sở 29/5C Thạch Thị Thanh, Phường Tân Định, Q1, TPHCM”.
4 - Căn thứ tư: Hai căn hộ Penthouse liền kề (các căn số 2201 và 2202), tầng 22 của toà nhà A2 chung cư cao cấp Imperia An Phú. Diện tích: 300m2. Giá thị trường: 20 tỷ đồng.
Đây là căn hộ siêu sang mà sau khi mua lại với giá 15 tỷ, Trương Tấn Sơn đã bỏ thêm hơn 2 tỷ để hoàn thiện nội thất và chi thêm gần 3 tỷ để trang bị đồ đạctrong căn hộ. Căn hộ siêu sang này đang đứng tên vợ chồng Sơn Nhớt(Trương Tấn Sơn).
Bản thiết kế căn hộ siêu sang trị giá 20 tỷ tại tầng 22 của toà nhà A2 chung cư cao cấp Imperia An Phú của vợ chồng Trương Tấn Sơn – quý tử Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Vừa mới đi du học ở Anh về, chưa làm gì nên hồn, không rõ nguồn tiền từ đâu mà Sơn Nhớt mua, hoàn thiện nội thất và trang bị cho căn hộ siêu sang nói trên?! Nếu nói là tiền của Sơn Nhớt tự kiếm được thì xem thường nhân dân quá, còn nếu nói tiền của Tư Sang thì lại kẹt quá. Mong là ngài Chủ tịch nước đừng giải trình đây là tiền có được do bán căn nhà 17/51 Thạch Thị Thanh mà những người nhân danh nhân dân TPHCM đã cấp cho ông, vì trên giấy tờ ông không hề bán mà chỉ “mượn” tài sản nhân dân để “cho tặng” người em gái ruột của mình. Nếu ông đã “cho” hay bán nó để cho tiền Sơn Nhớt mua nhà, thì căn hộ siêu sang này cũng phải trả về cho nhân dân! Có phải không ngài Chủ tịch nước liêm khiết?
Như vậy dù chỉ mới đếm sơ sơ trên giấy tờ, đã có ít nhất 3 căn nhà và 1 căn hộ siêu sang mà ngài Chủ tịch nước liêm khiết đang sở hữu, đã “cho, tặng” người em gái ruột. Chưa kể tiền mặt, cổ phần và các tài sản khác, chỉ riêng số bất động sản này đã có 546 m2 (không phải 51 m2 ít ỏi như ông nói), diện tích sử dụng lên đến 1755 m2 có giá trị ước tính lên đến 63 tỷ đồng. Một phần trong số này là tài sản của nhân dân giao Tư Sang sử dụng và ông cần phải trả lại vì từ lâu không còn phục vụ nhân dân mà chỉ theo đuổi mưu đồ và tham vọng quyền lực cá nhân. Một phần khác đến từ các nguồn bất minh, các mối quan hệ làm ăn mờ ám của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (sẽ được lột trần trong các phần tiếp theo).
Đề nghị Uỷ ban kiểm tra Trung Ương vào cuộc, kiểm tra việc kê khai tài sản của Trương Tấn Sang, Trương Tấn Sơn, Trương Thị Hồng Huệ và những người khác trong gia đình để từ đó đối chiếu với thực tế nhằm sớm có câu trả lời cho nhân dân: “Ông Trương Tấn Sang có thực sự liêm khiết như ông này thường nói không? Hay ông chính là một con sâu cực lớn giỏi đánh võ mồm, khéo che đậy và quen thói mị dân côn đồ nham hiểm?
Trương Tấn Sang thực sự có bao nhiêu nhà? NHÂN DÂN đã biết rõ tối thiểu là 4 (3 căn nhà ở Thạch Thị Thanh và 1 căn hộ siêu sang ở toà nhà A2 Imperia An Phú). Còn lại bao nhiêu căn khác và bao nhiêu m2 nữa thì Ban Nội chính Trung Ương và Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương phải trả lời! Nếu hai ban này tiếp tục bị vô hiệu hoá thì NHÂN DÂN sẽ tiếp tục tìm và công bố.
Nhân dân Phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM
Tái bút: “Kính thưa” Chủ tịch nước, NHÂN DÂN không trách vì ông có nhiều nhà, thậm chí NHÂN DÂN còn muốn ông có càng nhiều nhà càng tốt (vì tại các vùng ông ở luôn được canh gác bảo vệ tối đa, nhờ thế nguời dân chung quanh cũng được "bảo vệ ké") nhưng NHÂN DÂN căm thù, phỉ nhổ ông vì ông quá xảo trá, diễn kịch quá trơ trẽn, chuyên dùng mỹ từ để lừa dối cấp trên, lừa gạt đồng chí đồng đội và quen thói mị dân côn đồ nham hiểm.
Mặc dù đã dặn dò tuyệt đối không được chụp ảnh trong nhà, nhưng “nhạc mẫu” của Sơn Nhớt không thể kiềm chế sự sung sướng đã chụp hình tại góc bếp nhà con rể.
http://quanlambao.blogspot.com
Hoàng cung của TBT Nông Đức Mạnh
Trong bài tường thuật chuyến đi chúc tết các cựu lãnh đạo đảng và nhà nước hôm 19/2/2015, báo Tiền Phong đã đăng bức ảnh ông Nông Đức Mạnh tiếp đón bí thư trung ương đoàn Nguyễn Đắc Vinh trên bộ ngai vàng đầu rồng, xung quanh là nội thất gian phòng được trang hoàng theo kiểu vua chúa, đằng sau có bức tượng Hồ Chí Minh được mạ vàng.
Lối ăn chơi đồng bóng của cựu TBT Nông Đức Mạnh - tức Mạnh vương với bộ ngai vàng đầu rồng
Tài Sản Nổi của Nguyễn Tấn Dũng
Nguyễn Tấn Dũng được xếp vào một trong vài người giầu nhất châu Á với một tài sản chìm nổi khổng lồ.
Từ khi CSVN bịa ra chuyện kê khai tài sản cán bộ? chưa ai đề cập đến ở đâu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều tài sản như nhà hàng, khách sạn, đất đai, đoàn xe taxi vài trăm chiếc, tậu đất, mua nhà, gởi nhà băng nước ngòai.
Nhà thờ họ của Nguyễn Tấn Dũng sang trọng hơn 100 lần nhà thờ họ Hồ (Hồ Chí Minh ở Làng Sen, Nghệ An).
Nhà thờ họ của Nguyễn Tấn Dũng: to, đẹp, sang trọng hơn cả đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực. “Nhà thờ họ” này đã và đang là “bia miệng” trong dân chúng Việt Nam.
Nguyễn Tấn Dũng hô hào chống tham nhũng “quyết liệt”!?? Vậy AI… chống AI…? khi sự thật là:
Nhà riêng của Nguyễn Tấn Dũng tại Kiên Giang:
Khu đất rộng hơn 3.000 m2 này tọa lạc tại đường Nguyễn Trung Trực, phường An Hòa - Rạch Gía, nguồn gốc lấy ruộng của dân với cái cớ là Quy hoạch ….thời 3 Dũng còn làm bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, nay 3 Dũng lên chức thủ tướng được thêm nhà mới ở SàiGòn, còn ngôi nhà này cho công ty bảo hiểm thuê lại.
Cây xăng của mẹ ruột Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cách nhà của Ba Dũng chưa đầy 50m) ngay đầu cầu Quay - An hòa - Rạch Gía. Đây là cây xăng chỉ bán trá hình thôi chứ thực sự là nơi chứa xăng cung cấp cho Đòan xe taxi hàng trăm chiếc của Tư Thắng (em của Ba Dũng) và Ba Dũng đang ngang dọc khắp các nẻo đường Miền Tây. Đoàn xe Taxi của tập đòan Ba Dũng + Tư Thắng có mặt khắp các tỉnh miền Nam có các tên như Gia Thảo, Phương Trinh, Hoàn Mỹ…. Đậu ngổn ngang chiếm lòng lề đường trong thành phố nhưng chẳng có anh công an giao thông nào dám đến hỏi thăm như những chiếc xe khác… Đây là những lợi thế kinh doanh “Quyền Lực“.
Những dãy nhà này của ông Nguyễn hữu Khai một cán bộ cao cấp trong thường vụ Tỉnh uỷ .
Ông KHAI đã dùng quyền lực tham nhũng hàng chục tỷ đồng từ các “phi vụ” mua Tàu Hải âu kê khống gía, đục khóet gian lận trong xây dựng công viên An Hòa Kiên Giang. Ông Khai đã cấu kết với nhiều cán bộ trong tỉnh ủy xẽ quãng Trường Lạc Hồng để bán nền nhà, đồng thời dùng thủ đọan chiếm đọat nhiều nền có vị trí “ngon “ như hình trên. Trong các vụ này đều có sự nhúng tay của Tư Thắng (em ruột N.T. DŨNG ). Dư luận rất phẩn nộ và trông chờ đưa vụ án này ra ánh sáng. Nhưng tất cả đã được N.T. Dũng về “dàn xếp” ổn thỏa. Thế là vụ án ông Khai bị chìm xuồng ….. Nay ông Khai đã được định cư ở Mỹ???
Bệnh viện Bình An – Rạch Giá mới được xây thêm khi đảng viên làm kinh tế tư nhân?!! Theo tin được biết từ nội bộ trong hội đồng quản trị thì có đến 80% cổ đông là cán bộ cao cấp của tỉnh Kiên Giang có phần hùn không dưới 5 tỷ đồng, như hai ông : Ba Tân 05 tỷ (Phó Chủ tịch Tỉnh ), Trần Lam 10 tỷ(Nguyên Phó Chủ tịch Tỉnh )………
Đăng ngày 09 tháng 12.2015