Chuyện Quê nhà
Khánh Hoà: Thêm người bị bắt
vì bày tỏ quan điểm trên Facebook
Thông điệp trên facebook Nguyễn Hữu Quốc Duy kêu gọi trả tự do cho em họ mình là Nguyễn Hữu Thiên An.
CTV Danlambao - Nguồn tin gửi đến Dân Làm Báo cho hay, cơ quan công an tỉnh Khánh Hoà vừa tiến hành bắt giam anh Nguyễn Hữu Quốc Duy (1985), thường trú Cam Ranh (Khánh Hoà) với cáo buộc “sử dụng Facebook vi phạm pháp luật”.
Được biết, Nguyễn Hữu Quốc Duy là anh họ của Nguyễn Hữu Thiên An (1995) - người ủng hộ phong trào Zoombie vừa bị công an tỉnh Khánh Hoà bắt giữ vào hồi cuối tháng 8/2015 đến nay chưa có tin tức.
Vào lúc 8h sáng ngày 27/11/2015, có ba công an đến nhà mời anh Duy đến trụ sở công an Cam Ranh để nhận lại giấy tờ, điện thoại và vật dụng cá nhân đã bị tạm giữ trong lần làm việc liên quan đến vụ việc Thiên An bị bắt giữ.
Tuy nhiên, khi mẹ của anh Duy vừa rời khỏi nhà thì có hơn 10 người, đi trên 3 xe hơi đã ập vào nhà, quay phim và đọc lệnh khám xét.
Công an đã tiến hành thu giữ một laptop cá nhân của Duy tại nhà.
Một công an đã thông báo miệng với gia đình rằng anh Duy bị bắt vì “sử dụng Facebook vi phạm pháp luật vì tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 88”.
Hiện nay, anh Nguyễn Hữu Quốc Duy đã bị đưa về công an tỉnh Khánh Hoà, trụ sở số 80 đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
Người thân và gia đình anh không nhận được bất kỳ văn bản nào về việc bắt giữ người ngoài lệnh miệng.
Vụ việc sẽ tiếp tục được cập nhật trên Danlambao ngay khi có thông tin mới nhất.
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com
Phong trào Zombie ở Việt Nam có thật sự đáng sợ?
Chân Như - RFA
Phong trào Zombie
Tuần này Chân Như và các bạn khách mời sẽ chia sẻ về vụ việc một số các thành viên trong nhóm Zombie Nguyễn đã bị chính quyền bắt bớ và sách nhiễu chỉ vì mặc áo có in hình Zombie xuống phố.
Vào chiều ngày 13 tháng 7, 2015 một số các bạn trẻ trong nước đã bị công an sách nhiễu chỉ vì mặc áo có in hình Zombie và tụ tập tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thậm chí một thành viên trong phong trào Zombie là anh Nguyễn Phi đã bị câu lưu mà không có lệnh bắt, cũng không có thông báo cho gia đình nạn nhân biết thông tin. Hành động này đã được ban quản trị Zombie Nguyễn chính thức lên tiếng kêu gọi chính quyền phải thả người ngay lập tức, vì việc bắt giữ người như thế là “tùy tiện trái pháp luật, làm xấu đi bộ mặt chính quyền của dân, do dân vì dân”. Trong Diễn Đàn Bạn Trẻ tuần này, Chân Như mời quý vị cùng đến với một số thành viên trong nhóm Zombie Nguyễn chia sẻ suy nghĩ của họ về vụ việc bắt bớ vừa qua cùng với ba bạn khách mời Hoàng Vũ, Kiều My và Thành Phát.
Chân Như: Xin chào các bạn, trước tiên các bạn có thể cho biết cảm nghĩ của các bạn về một số các bạn trẻ mang áo in hình zombie bị chính quyền bắt giữ và bi sách nhiễu tại Việt Nam vừa qua?
Hoàng Vũ: Với sự kiện này, em thấy việc làm của cơ quan công quyền khiến cho em cảm thấy bất ngờ đối với hành động của họ. Khi một người mặc áo với logo được in trên áo và biểu tượng hoàn toàn không có gì gọi là ghê gớm hay trái với pháp luật mà lại bị bắt; Em thấy họ cư xử như vậy hết sức là lạ lung và trái với pháp luật. Theo những gì em tìm hiểu thì không có luật nào cấm những người khác mặc áo có logo như vậy cả.
Kiều My: Em thấy bắt như vậy là không hợp lý, vì áo này cũng giống như một áo nhóm bình thường của các bạn trẻ hoạt động và chơi chung với nhau thì có thể mặc những áo giống nhau. Việc bắt áo này thì em không đồng ý.
Thành Phát: Em thấy điều đấy vô lý là tại sao cũng có nhiều nhóm khác mặc áo nhóm đâu chỉ một mình Zombie mặc áo nhóm tại sao chỉ bắt Zombie.
Chân Như: Một số ý kiến trái chiều cho rằng “đây không phải là phong trào do các bạn trẻ phát động; Một số các bạn không biết (đã) mặc theo số đông, và nhóm Zombie này cố tình muốn gây rắc rối công cộng, làm mất hình ảnh đẹp về con người Việt Nam đối vối du khách và sẵn sàng gây náo loạn thành phố”. Nhận xét của các bạn về những ý kiến này?
Zombie logo
Hoàng Vũ: Em hoàn toàn không đồng ý với lại những lời bình luận mà anh vừa trích dẫn. Bởi em là một (thành viên) Zombie em tham gia phong trào từ ngay những ngày đầu, em cũng có liên hệ và có tiếp xúc và nói chuyện với rất nhiều bạn thì em thấy trong họ không có tư tưởng nào gọi là gây náo loạn hoặc gây mất hình ảnh của họ cũng như của người Việt Nam đối với lại người nước ngoài hoặc đại loại những hành động suy nghĩ gì xấu xa cả. Em chỉ thấy các bạn trẻ muốn tìm hiểu những gì gọi là họ chưa biết, những sự thật hoặc là những kiến thức mới mà lâu nay họ chưa được tiếp cận chỉ đơn giản vậy thôi chứ không có gì hơn.
Kiều My: Em nghĩ phần chia sẻ đó chỉ mang tính phán xét ở một khía cạnh nào đó từ những góc nhìn khác so với các bạn ở trong hoạt động Zombie. Em cũng là một Zombie hoạt động từ những ngày đầu. Em cũng đã giao lưu với các bạn rất nhiều thì các bạn đa số là những người muốn học hỏi thêm về những kiến thức mà các bạn cần biết từ 12 năm nhà trường hiện nay vẫn chưa biết về kiến thức đó. Các bạn không chỉ giao lưu về kiến thức mà còn giao lưu về rất nhiều thứ, xã hội, gia đình và chia sẻ với nhau để cùng phát triển. Hoạt động của Zombie bị chỉ trích chỉ là mọi người hoạt động chung một nhóm và lâu ngày nói chuyện với nhau chỉ trên mạng xã hội thôi và mọi người muốn có một tấm hình chụp chung để làm kỷ niệm với nhóm chứ không hề có ý gây náo loạn hay làm mất hình ảnh về Việt Nam. Em nghĩ ý kiến này là không đúng.
Chân Như: Theo bạn thì hành động bắt bạn Phi và sách nhiễu đến nhà mời một số các bạn trẻ khác lên đồn để điều tra sách nhiễu chỉ vì mặc áo có hình Zombie, nói lên điều gì đối với chính quyền Việt Nam hiện nay?
Hoàng Vũ: Theo như em thấy thì chính quyền Việt Nam nói chung và nói riêng là những công an đã bắt giữ Phi thì dường như họ đang xem Phi là một mối nguy hại gì đó rất đặc biệt và họ rất để ý tới hình ảnh Zombie. Thật sự em không hiểu họ đang nghĩ gì? Có nên so sánh những hình ảnh Zombie này với lại IS? Em nghĩ nó hoàn toàn sai khi họ nghĩ đến hình ảnh Zombie nó giống như một tổ chức khủng bố, nhưng thật ra theo nhận xét của em cái tổ chức khủng bố ở đây chính là những người công an thì đúng hơn khi họ đã chà đạp lên pháp luật và họ cho rằng họ có thể làm bất cứ điều gì cảm thấy nguy hại hay ảnh hưởng đến họ mà họ không cần biết nó đúng hay sai.
Chân Như: Theo như Chân Như tìm hiểu và biết thì Zombie Nguyễn này chỉ là một nhân vật truyện tranh, đang trên đường đi tìm não của mình. Vậy theo các bạn vì sao một nhân vật không có thật lai khiến cho chính quyền Việt Nam hãi sợ?
Kiều My: Nói chung từ ngày đầu vào phong trào , tụi em cũng có tìm hiểu về truyện tranh này. Theo em truyện tranh phản ánh nhiều về giới trẻ tùy cách nhìn của từng người thì tìm bộ não sẽ khác nhau và trong não đó chứa gì thì chưa biết. Em thấy việc phán xét về việc tìm não và những suy nghĩ của chính quyền về việc tìm não đó mang tính áp đặt và không phù hợp. Trong khi chính quyền khuyến khích giới trẻ phải sống với chính mình và sống tìm được mục đích thi cuốn truyện tranh này em thấy nó mang tính khuyến khích người trẻ sống tốt và sống có mục đích. Vậy tại sao (chính quyền) lại nghĩ nó về một chiều hướng tiêu cực như vậy.
Thành Phát: Theo em thấy nó vui vì người Việt Nam có thói nếu xem cái gì đó hay thì sẽ bắt trước . Em nghĩ chính quyền Việt Nam sợ người ta đọc truyện đó xong người ta thấy hay sẽ bắt trước đi tìm não như (nhân vật) Zombie Nguyễn trong truyện thì sẽ có chuyện nữa.
Chân Như: Theo các bạn với những gì vừa xảy ra cho bạn Phi và một số các bạn trẻ khác, liệu việc này nó có làm ảnh hưởng đến cách suy nghĩ cũng như lý tưởng của các bạn và liệu nó có làm chùn bước trên con đường đi tìm “bộ não” của các bạn hay không?
Hoàng Vũ: Em nghĩ em sẽ không dừng lại tại vì em chỉ sử dụng những quyền căn bản, những gì chính quyền Việt Nam đã ký kết với Liên Hiệp Quốc trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, hoặc là tự do tiếp cận thông tin báo chí. Zombie của chúng em chỉ đơn giản là tiếp cận những thông tin ham học hỏi và đọc những sách, những thông tin bên lề trái hoặc lề phải. Em nghĩ cái đó cũng không có gì là vi phạm pháp luật nên bọn em vẫn sẽ tiếp tục để tìm hiểu, để mở mang thêm kiến thức của mình.
Kiều My: Em cũng sẽ vẫn tiếp tục với việc đi theo con đường và tư tưởng này. Đó là tư tưởng riêng của mỗi con người. Con đường mới này có hai tác dụng. Thứ nhất là để đáp đứng các nhu cầu về nhân quyền mà cả giới trẻ và mọi người xung quanh trong xã hội này cần. Thứ hai là sẽ đáp ứng được yêu cầu của tất cả các tổ chức trong và ngoài nước về việc khuyến khích người trẻ sống ham học hỏi tìm hiểu và tiếp thu sống thế nào có ích cho xã hội.
Thành Phát: Sau chuyện này, em suy nghĩ kỹ ra một điều là em chắc chắn sẽ tiếp tục vì em không thể nào để họ quyết định em bận gì khi ra đường.
Chân Như: Và sau cùng mời Hoàng Vũ có điều gì muốn gởi gắm đến cho các bạn trẻ, những người đang tìm hiểu về Zombie Nguyễn này?
Hoàng Vũ: Em có một vài điều để chia sẻ với các bạn trẻ. Tuổi trẻ thường đầy nhiệt huyết và có sức sống dồi dào, ngay chính em cũng vậy, em sẵn sàng đương đầu với những bão tố, chính xác ở đây là những việc bắt bớ. Và xét trên phương diện công lý thì việc làm của chính quyền sai trái nên những việc gì đúng em cứ làm, em không sợ hãi. Em biết rằng cái việc bắt bớ giống trường hợp của Phi sẽ tạo ra tâm lý cho những người trẻ không tốt về sau này; Hoặc họ sẽ bắt đầu suy nghĩ nên tiếp tục hay không trên con đường tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, em dám đảm bảo với họ một điều rằng sự thật lúc nào cũng là người chiến thắng. Em cám ơn.
Xin cám ơn ba bạn Hoàng Vũ, Kiều My và Thành Phát đã dành thời gian đến với chương trình Diễn Đàn BạnTrẻ kỳ này, cầu chúc cho các bạn luôn bình an. Chân Như cũng cám ơn quý vị và hẹn lại vào kỳ sau.
Nguồn: Chân Như/RFA
Việt Nam bỏ 'phiếu trắng' cho dự thảo nhân quyền
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc cho biết, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cho dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những người bảo vệ nhân quyền.
Ngày thứ Tư 25/11, sau phiên họp "căng thẳng", Ủy Ban số 3 của Liên Hiệp Quốc đã thông qua dự thảo Nghị quyết lần cuối về những người bảo vệ Nhân quyền.
Thông cáo từ Liên Hiệp Quốc cho biết phiên họp đã diễn ra với "thảo luận căng thẳng hàng loạt vấn đề", Ủy ban chuyên trách các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa đã thông qua dự thảo nghị quyết về những người bảo vệ nhân quyền, sẽ trình lên Đại Hội Đồng vào Tháng 12.
Đại diện từ Na Uy là người giới thiệu nội dung văn bản dự thảo trong cuộc họp. Nước này cho biết trong các phiên họp trước, 'Đại Hội Đồng đã thể hiện mối quan tâm khẩn cấp đối với những cuộc tấn công nhắm vào người bảo vệ nhân quyền'.
Bản dự thảo mạnh mẽ lên án bạo lực và đe dọa chống lại người bảo vệ nhân quyền. Với văn bản này, Đại Hội Đồng sẽ 'mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia kiềm chế các hành vi đe dọa hay trả đũa chống lại những người bảo vệ nhân quyền'. Văn bản này cũng 'nhấn mạnh vai trò của mọi tập đoàn doanh nghiệp tôn trọng quyền của những nhà bảo vệ nhân quyền'.
"Thiếu rõ ràng"?
Trong phiên họp, đã có 117 quốc gia bỏ phiếu thuận, 14 nước bỏ phiếu chống và 40 nước bỏ phiếu trắng.
Việt Nam bỏ phiếu trắng với dự thảo nghị quyết này.
Giải thích lý do bỏ phiếu trắng, thông cáo của Liên Hiệp Quốc dẫn lời người đại diện Việt Nam nói đoàn Việt Nam "đã tham vấn đầy đủ các cấp" và "vì lý do nghị quyết thiếu rõ ràng và cân bằng", Việt Nam quyết định bỏ phiếu trắng.
Trung Quốc bỏ phiếu chống vì cho rằng: "Các nước phương Tây đã sử dụng việc bảo vệ người bảo vệ nhân quyền là lý do để can thiệp vào nội bộ các nước đang phát triển".
14 quốc gia bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết gồm Burundi, Kenya, Nga, Syria, Myanmar, Nigeria, Ả Rập Saudi, Zimbawe, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nam Phi, Iran, Pakistan, Sudan.
Trước khi phiên họp ngày 25/11 diễn ra, Tổ chức quốc tế chống tra tấn OMCT và Phong trào nhân quyền thế giới FIDH đã gửi thư thỉnh nguyện đến Liên Hiệp Quốc yêu cầu công nhận vai trò của những nhà đầu tranh nhân quyền và việc bảo vệ họ.
Thư của OMCT viết:"Người bảo vệ nhân quyền thường phải đối mặt với hàng loạt sự xâm phạm và lạm dụng dưới bàn tay của nhà nước và các tổ chức phi nhà nước.Các quốc gia phải công nhận vai trò của người bảo vệ nhân quyền, những nguy cơ đặc thù họ phải đối mặt, và cam kết bảo vệ họ."
https://www.facebook.com/video.php?v=308884712650835
RSF gọi VN là "kẻ thù của internet"
Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF = Reporters Sans Frontières) nói Việt Nam nằm trong 5 quốc gia theo dõi internet một cách nghiêm ngặt nhất.
Bốn nước kia là Syria, Trung Quốc, Iran và Bahrain.
RSF cũng kêu gọi ngừng bán các công cụ theo dõi mạng cho các nước đang đàn áp bất đồng chính kiến.
Phúc trình mới mang tên " Kẻ thù của internet", chuyên đề theo dõi (surveillance), được RSF đưa ra đúng ngày 12/3 - ngày Thế giới chống kiểm duyệt mạng.
RSF cũng nêu danh 5 công ty: Gamma, Trovicor, Hacking Team, Amesys và Blue Coat là đã giúp các chính phủ kiểm soát mạng internet.
Việt Nam đứng thứ năm về theo dõi và kiểm duyệt mạng, với nhận xét: hệ thống mạng ở Việt Nam tuy chất lượng còn yếu nhưng vẫn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.
Phúc trình của RSF viết: "31 người sử dụng internet hiện đang bị cầm tù và các cà phê internet bị kiểm soát chặt chẽ, người dùng (theo quy định) phải xuất trình giấy tờ trước khi vào mạng".
Theo dõi chặt
RSF nhận xét rằng tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và theo dõi người sử dụng mạng.
Các nhà cung cấp chặn các website mà chính phủ không hài lòng.
Theo RSF, các nhà cung cấp dịch vụ có thể tự quyết định chặn các website nào mà không phải thống nhất với hãng khác. Thí dụ VNPT chặn Facebook, nhưng một số nhà cung cấp khác thì lại không.
Tổ chức nghiên cứu OpenNet Initiative năm 2012 đưa ra một danh sách các website bị chặn ở Việt Nam, bao gồm nhiều báo, blog cả trong nước lẫn nước ngoài, cùng các website mang thông tin nhân quyền và đối lập.
Kiểm duyệt và theo dõi gắt gao hơn Việt Nam có Syria, Trung Quốc, Iran và Bahrain.
Tại Syria, nơi có 5 triệu người sử dụng internet, 22 nhà báo và 18 người sử dụng internet bị bỏ tù.
Trung Quốc trong khi đó có mạng lưới kiểm duyệt internet rộng lớn nhất.
RSF nhắc tới hệ thống tường lửa đồ sộ và tinh vi, vốn được gọi là "Trường thành" của Bắc Kinh.
Phúc trình nói: "Trung Quốc bỏ tù con số người làm thông tin và báo chí nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác".
"Ngày nay, 30 nhà báo và 69 công dân mạng đang ngồi tù."
RSF kêu gọi cấm bán các thiết bị theo dõi mạng cho các nước vi phạm bị liệt kê trong danh sách 'Kẻ thù của internet'.
Tổ chức này cho rằng không thể trông đợi các công ty tự nguyện làm công việc này mà các chính phủ phải can thiệp và có chế tài.
Đăng ngày 28 tháng 11.2015