banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chuyện Quê nhà

Dạy môn “Công dân và Tổ quốc”

nhưng Tổ quốc tên là gì?


Hà Sĩ Phu


Ảnh: Thí sinh thi Sử, một mình một hội đồng thi! Nguồn: internet

Cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng “cách nhìn mới” về lịch sử. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử thiếu tính hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước hiểm họa thấy rõ.”

Bài viết dưới đây là quan điểm của ông Hà Sỹ Phu trước việc Bộ Giáo dục cho rằng cần “tích hợp” môn Lịch sử chung với 2 môn khác thành môn học “Công dân và Tổ quốc”:

Xuất thân là một thày giáo phổ thông, rồi giảng viên đại học, rồi viết về những vấn đề chính trị xã hội, tôi rất quan tâm đến cuộc tranh luận quyết liệt về xử lý môn học Lịch sử hiện nay.
Phía cơ quan chủ quản tức Bộ Giáo dục thì bảo vệ cho quan điểm cần “tích hợp” môn Lịch sử chung với 2 môn khác thành môn học “Công dân và Tổ quốc”, trong khi hầu hết các trí thức trong nước, ngoài bộ phận chủ quản nói trên, đều nói rằng làm như vậy thì “Thực chất là xoá bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông” , đây “là một việc làm không đúng, cần phải kiên quyết loại bỏ. Phải nghiên cứu lại một cách nghiêm túc với sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học”, “chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm “teo” môn lịch sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các bậc tổ tiên để có đất nước như ngày hôm nay”…(1)

1/ Ý kiến đã nhiều nhưng nỗi lo chưa hết
Trên công luận thì ý kiến trái chiều với Bộ Giáo dục tỏ ra áp đảo, nhưng đừng vội mừng, kinh nghiệm cho biết trong cơ chế vận hành hiện nay những ý kiến “trái chiều” dù có tình có lý rõ ràng, dù có lợi cho dân cho nước cũng “không là cái đinh gì” khi “Trên” đã quyết định, khi đã là chủ trương lớn của ĐCSVN, (và người ta có lý do để nghi ngờ, nếu điều này có bàn tay của Trung quốc thì thật khó thoát ra như cái gông 16 chữ vàng rất êm ả mà tai quái). Vậy tuy đã có rất nhiều lời phân tích xác đáng song mối lo ngại bị “teo” dần môn Sử Việt vẫn không được phép nguôi ngoai, cho tới khi nào nguyện vọng chính đáng của nhân dân, mà đại diện là giới trí thức độc lập, được thành hiện thực.

2/ Ý nghĩa đặc biệt của môn Sử Việt và môn Sử Đảng:
Ý nghĩa chung thì đã rõ, mỗi dân tộc đều “lớn lên thành người” theo một quá trình riêng của dân tộc mình, quên cái quá khứ cụ thể ấy là lấy đi cái nền phát sinh sinh của con người, thì dân tộc ấy như người bị chặt cụt 2 chân, chỉ ngồi trên xe lăn để người ta đưa đẩy đi đâu cũng được. Không còn biết mình là ai thì mất hết sức mạnh tự thân.
Không ít người ngộ nhận, tưởng đang cùng thế giới chia sẻ những giá trị văn minh kỹ thuật hiện đại như nhau thì có nghĩa mọi dân tộc đã ngang hàng với nhau. Thực ra, cái tầm vóc NGƯỜI , đẳng cấp NGƯỜI tức cái hồn NGƯỜI bên trong vẫn có thể khác nhau nhiều lắm. Tầm vóc NGƯỜI là kết quả được tạo ra từ một quá trình lịch sử lâu dài và gắn chặt với một cộng đồng xác định gọi là Dân tộc.

Vậy trong trường hợp cộng đồng dân tộc Việt Nam, đặc điểm lịch sử quan trọng nhất là gì?
– Trong QUÁ KHỨ , VN là một dân tộc thuần hậu, đã còn nhiều lạc hậu lại phải sống cạnh một nước láng giềng khổng lồ đầy tham vọng và thâm hiểm. Nhưng dù có nền văn hóa rất gần nhau mà sau 1000 năm đô hộ, kẻ khổng lồ gian ác vẫn không đồng hóa được nước nhò này, giang sơn gấm vóc Việt Nam vẫn nguyên vẹn. Lịch sử Việt Nam ( gọi tắt là Sử Việt để phân biệt với môn Sử Đảng) chủ yếu là Lịch sử chống xâm lược Tàu, qua đó khẳng định một Dân tộc có sức sống và khả năng thích nghi mãnh liệt.
– Nhưng trong Lịch sử HIỆN TẠI tức mấy chục năm gần đây Việt Nam gặp một bước ngoặt bất ngờ. Kẻ thù cũ có dịp quay trở lại, nhờ tận dụng được một cơ hội mới quý như vàng, đó là Ảo tưởng Cộng sản đã nhốt chung con sói và bày hươu vào chung một chuồng, cái chuồng sơn son rất đẹp có tên “đại gia đình Xã hội chủ nghĩa, bốn phương Vô sản đều là anh em”.
Đã là XHCN thì mọi việc cứ do hai ĐCS ngồi với nhau quyết định, trong đó thế bất lợi luôn thuộc về cái ĐCS nhỏ và chịu ơn. Còn nhân dân bị trị thì bị nền CS toàn trị tước hết mọi vũ khí tinh thần và vật chất và khóa chặt, không còn điều kiện tối thiểu để tự đứng lên làm một sự nghiệp gì. Sự hỗ trợ quốc tế thì bị hạn chế tối đa bởi chủ trương chỉ đối thoại song phương, không chấp nhận nước thứ ba can dự và trì hoãn việc kiện ra Liên hiệp quốc. Nước nhỏ mà thực hiện ba điều ấy thì khác nào tạo “điều kiện cần và đủ để cho địch nhất định thắng-ta nhất định thua” như dọn cỗ cho kẻ xâm lược. Giai đoạn Lịch sử ngắn ngủi này là thời gian của Sử Đảng, tuy được viết rất hùng tráng song chính là giai đoạn làm cho Việt Nam chịu ơn Trung quốc, thất thế trước Bành trướng Đại Hán và rước họ trở lại.
Nay trước vận nước lâm nguy, đúng lúc phải tăng cường Sử Việt để sống lại tinh thần Thoát Trung, và sửa những sai lầm của giai đoạn Sử Đảng đã giúp Đại Hán cơ hội trở lại thì giới cầm quyền Việt Nam đã khéo léo làm toàn những điều ngược lại: lấy cớ “giảm tải cho học sinh” để giảm dần Sử Việt truyền thống,đồng thời tăng cường môn Sử Đảng bằng mọi phương tiện, thử hỏi như vậy thì có lợi cho giặc hay có lợi cho dân tộc ta? Nếu có một tên Thái thú Tàu thì nó cũng chỉ mong làm được như vậy.
Còn nhớ hồi ông Lê Khả Khiêu đang làm Tổng Bí thư, có đoàn đại biểu Trung quốc sang thăm, trao đổi về những vấn đề lý luận. Phía Việt Nam nói ĐCS Trung quốc đảm nhiệm phần lý luận, VN chỉ nhiều kinh nghiệm thực hành. Phía Trung quốc nói VN cần sửa lại Lịch sử của mình !

Theo ý Trung Quốc, Việt Nam chỉ là “đứa con hoang” cần trở về với mẹ thì những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm của Lê Lợi, Hưng Đạo, Quang Trung…chẳng qua chỉ còn là những vụ phản loạn của địa phương, như bọn giặc có nổi lên chống lại chính quyền Trung ương chứ có gì khác?
Dã tâm gian ác của giặc Bành trướng Đại Hán đã nằm trong gien của họ, đấy là việc của họ. Nhưng những người cùng được mang dòng máu Việt của những anh hùng cứu quốc trong Sử Việt mà nay bị cái “đại cục Ý thức hệ đầy lợi quyền lừa đảo” cuốn đi, cúi mặt làm tay sai, làm nhục tổ tiên thì sao mà tha cho được? Họ chỉ lo cho Đại Hán khi thấy tâm lý người Việt ghét xâm lược Tàu, họ hứa với Tàu sẽ đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước, họ hứa sẽ sửa những trang lịch sử oanh liệt chống giặc Tàu…Chương trình “tích hợp” môn lịch sử kiểu này khác nào tiếp tục triển khai mật ước phục vụ ý đồ của giặc xâm lăng? Liệu có oan không, khi nhớ rằng ông Bộ trưởng bảo vệ cái đề án xóa nhòa môn Sử Việt này cũng chính là người mấy năm trước đã ra lệnh cấm học sinh sinh viên tham gia biểu tình yêu nước đấy! Chẳng có gì là ngẫu nhiên cả.

3/ Tích hợp thành môn “Công dân và Tổ quốc” gây hiệu quả tốt hay xấu?

Tích hợp kiểu này, môn Sử Việt sẽ bị phá nát
Có sự tích hợp là tốt, có sự tích hợp là xấu, tùy theo tính chất và tương tác của các môn hợp phần. TS Vũ Thị Phương Anh cho biết khi giảng về chủ đề “người dân tộc thiểu số ở VN“, trong đó tích hợp luôn cả lịch sử, cả địa lý, và cả văn hóa vào nữa. Đó là ví dụ về sự tích hợp tốt làm tăng hiệu quả. Sự tích hợp có nhiều mức độ, có khi chỉ cần bổ sung hay minh họa bằng những bài đọc thêm kẻm theo bài chính.
Nhưng sự tích hợp môn Sử Việt với hai môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng cho ta ví dụ ngược lại, nó sẽ “phá nát” môn Sử Việt (như lờiGS Đỗ Thanh Bình – nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Bản thân môn Lịch sử (Sử Việt) với tư cách là một khoa học và ổn định, nhưng hiện nay đã bị nhiễm “tính Đảng”, bị chính trị hóa khá nhiều rồi (và đó là một nguyên nhân khiến môn Lịch sử bị áp đặt và khô khan), đã thế bây giờ lại ghép vào hai môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng là hai môn gắn chặt với thể chế chính trị trước mắt, chứa đầy “đảng tính” là yếu tố chính trị nhất thời, thì Lịch sử sẽ bị băm nát và biến tính ra sao, thiết nghĩ có thể biết trước.
Nếu chỉ vì tâm lý học sinh chán môn Sử mà phải tinh giảm thì còn đâu là chuẩn mực sư phạm? Lỗi không ở học sinh, không ở bản thân môn học, mà ở nội dung áp đặt chủ quan vô lý và người truyền đạt vô hồn.

Vướng ngay từ cái tên môn học
Việc “tích hợp” môn Sử Việt này vào một môn chung bị vướng ngay từ cái tên của môn chung đó: Công dân và Tổ quốc! Tổ quốc tên là gì vậy? Người dân Việt nào cũng hiểu đây là Tổ quốc Việt Nam, thế thôi. Nhưng xin thưa không phải thế, ĐCSVN đã đổi tên chính thức cho Tổ quốc là Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, nhiều khi chỉ gọi tắt là Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Tổ quốc có kèm một tính ngữ để định hướng, để đừng lầm với cái Tổ quốc cổ truyền. Tổ quốc cũng phải mang “tính Đảng”, phải chính trị hóa.
Trong bài ”Đôi điều suy nghĩ của một công dân” (1993) tôi đã viết như sau:
“Vượt lên trên mọi sự tranh giành giai cấp, vượt qua mọi thể chế, Tổ quốc chúng ta bao giờ cũng là Tỏ quốc Việt Nam thôi! Ta gọi những đồng bào ta ở nước ngoài muốn đem sức người sức của về xây dựng đất nước là ‘Việt kiều yêu nước’ nhưng họ có yêu Chủ nghĩa Xã hội đâu? Nếu ta chuyển cả Tổ quốc thành ‘Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa’ thì những đồng bào yêu nước ấy còn đâu nước để mà yêu? Tôi tin rằng sẽ có ngày chúng ta làm lễ trả lại ‘tên khai sinh’ cho Tổ quốc là Tổ quốc Việt Nam, thì sức mạnh của Người sẽ tăng lên gấp bội, những con dân nước Việt sẽ rưng rưng nước mắt, nắm chặt lấy tay nhau mà reo hò.”

Phẩm chất người thày quyết định hiệu quả môn học
Tổng số tiết dạy tất nhiên là một yếu tố quan trọng nhưng nội dung giảng dạy và phẩm chất người thày quan trọng hơn nhiều. Nội dung môn học thì đã như trên phân tích. Phẩm chất người thày thì sao? Bên cạnh phương pháp, kỹ năng truyền đạt thì quan điểm, tư tưởng, nhiệt tâm và nhân cách của người thày là yếu tố quyết định. Người thày hiện nay ra sao, họ phải là những “cán bộ giáo dục của Đảng”, phẩm chất đầu tiên là không được có ý kiến khác với Đảng, nếu có sẽ bị loại trừ ngay. Nhà trường là nơi bị quản lý chính trị rất chặt, trong những trí thức có tư tưởng dân chủ tiến bộ, dám lên tiếng phản biện lâu nay hỏi có được mấy người là các nhà giáo? Các nhà giáo bị nhiễm độc CS (một cách tự nguyện hay bắt buộc) lại đứng trên bục, giảng cái gọi là môn Lịch sữ đã “tích hợp” bị nhiễm độc nặng nề thì nạn nhân là những người bị nuốt những thức ăn tinh thần độc hại đó là những con em chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ bị nhiễm độc hàng loạt, sẽ chết từ từ cả về trí tuệ và tâm hồn, đến lượt họ lại thành những người thày đi gieo chất độc thì xã hội chỉ còn là con thuyền lạc bến, buông trôi theo mật ước Thành Đô.
***
Để dứt lời, xin các thày giáo cô giáo, những đồng nghiệp của tôi miễn thứ cho tôi nếu có những lời làm quá đau lòng đồng nghiệp trước cái “đại cục” nhức nhối cho tương lai của giống nòi mình. Nhưng cũng thật mừng trong cuộc tranh luận về môn Sử Việt này, nhiều thày giáo cô giáo đã không thể im lặng, đã lên tiếng phản biện quyết liệt. Thương trò, thương mình và thương Dân tộc. Xin trích lời của Phó Gíáo Sư Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) làm một ví dụ:

“Cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng "cách nhìn mới" về lịch sử. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử thiếu tính hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước hiểm họa thấy rõ.”

21-11-2015
Hà Sĩ Phu

(1) Tham khảo:
http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-mon-lich-su-se-gay-hoa-kho-luong-20151106211528458.htm
http://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/273281/cuoc-hoi-thao-chua-tung-co-ve-mon-lich-su.html
https://www.danluan.org/tin-tuc/20151117/tranh-cai-ve-viec-bo-mon-lich-su-trong-truong-hoc#sthash.BodkZwBa.dpuf


 Thực hư môn Sử bị "xóa sổ"?

19 tháng 11 2015

Giáo dục Việt Nam

Giáo dục và đào tạo được xác định là "quốc sách hàng đầu"của Việt Nam 

Giới sử học cần phải chủ động thay đổi trước vì nếu tiếp tục dạy như cũ thì 'thà đừng dạy còn hơn', đó là ý kiến của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trao đổi với Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC về môn sử trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam.
Trách nhiệm 'lớn hơn' đối với môn lịch sử hiện nay trong nhà trường là của 'những người biên soạn sách giáo khoa' và trách nhiệm này còn lớn hơn nữa 'chính là giới sử học', theo ý kiến tại tọa đàm của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam.
Truyền thông và diễn đàn chất vấn ở Quốc hội Việt Nam những ngày gần đây nóng lên vì một chủ đề có liên quan tới điều được cho là ‘số phận’ của môn lịch sử trong nhà trường ở Việt Nam, mà đặc biệt tới môn sử sẽ được dạy và học ra sao ở cấp trung học phổ thông.
Liệu có đúng là môn sử có thể sẽ bị ‘xóa sổ’, thậm chí có người nói là ‘khai tử’ hay không ở đây, hay là môn lịch sử đang được tổ chức lại, mà như cách gọi là ‘tích hợp’ để dạy và học tốt hơn, hiệu quả hơn trong nhà trường, có lợi hơn cho học sinh và xã hội?
Trao đổi tại Bàn tròn Thứ Năm hôm 19/11/2015 từ Sài Gòn, Giáo sư Trần Ngọc Thêm bình luận về cuộc tranh luận đang diễn ra ở Việt Nam.
Ông nói: "Trước hết đối với giới sử học và các giáo viên, các thầy cô dạy sử, tôi nghĩ là phải chủ động thay đổi trước... Nếu mà tiếp tục dạy sử như hiện nay thì thà đừng dạy còn hơn. Nhưng mà nếu đừng dạy thì vô cùng nguy hiểm bởi vì nó sẽ đứt đoạn.
"Nếu như nghỉ dạy một thời gian, để chuẩn bị, chuẩn bị tốt, rồi sau đó tiếp tục dạy, thì như thế có những thế hệ sẽ không được đào tạo sử đến nơi đến chốn.
"Hoặc là nếu bớt hẳn chương trình dành cho môn sử đi, dù như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nói rằng là số giờ dạy sử vẫn là nhiều đấy, nhưng tôi thì tôi nghĩ rằng nó cần phải được dạy ngang với môn văn, môn tiếng Việt.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng những 'hình tượng' được "sáng tác" như Lê Văn Tám là "điều rất tổn thương" với thế hệ của chính ông.

"Tôi rất đồng ý với Giáo sư Phan Huy Lê rằng có ba môn ở Việt Nam luôn luôn có truyền thống coi trọng, đó là Quốc ngữ, Quốc văn và Quốc sử, chứ địa là không có, không có Quốc địa rồi."

'Điều rất tổn thương'
Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói tiếp:
"Ba môn đó tôi đồng ý là phải dạy đến nơi, đến chốn, nhưng mà phải dạy theo cách khác, chắc chắn là phải theo cách khác... Nội dung giảng dạy phải tôn trọng sử học, chứ không thể có chuyện là Lê Văn Tám...
"Bởi vì Giáo sư Phan Huy Lê đã được sự ủy nhiệm của nhà sử học, Bộ trưởng Trần Huy Liệu đã công bố chuyện rằng là hình tượng Lê Văn Tám là hình tượng do ông sáng tác ra.
"Thế thì không thể để một giai đoạn mấy chục năm là học sinh, cả bản thân chúng tôi cũng được học Lê Văn Tám, và như thế thế hệ chúng tôi đã bị đánh lừa.
"Chúng ta có thể nhân danh cuộc chiến đối với kẻ xâm lược là đế quốc Pháp để mà làm chuyện nọ, chuyện kia, nhưng mà không được nhân danh đó để đánh lừa cả một thế hệ.
"Tôi cho điều đó là điều rất tổn thương đối với chúng tôi và không thể để sự tổn thương này tiếp tục được nữa...", Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nói với BBC.

Trách nhiệm của ai?
Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm về cuộc tranh luận đang diễn ra về môn lịch sử ở nhà trường Việt Nam.
Ông nói: "Tôi cho rằng những ý kiến mà dư luận đã đưa lên, hoặc là những ý kiến ngay trong buổi tọa đàm của chúng ta hôm nay, nói về việc dạy sử ở Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng đúng như thế thật.
"Thế nhưng trách nhiệm là của ai? Tôi nghĩ rằng trách nhiệm trước hết là của các thầy, các cô trực tiếp đứng lớp. Nhưng mà trách nhiệm lớn hơn các thầy các cô là của những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa.
"Nhưng mà lại lớn hơn trách nhiệm của những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa nữa chính là của giới sử học.
"Bởi vì... người ta than phiền là vì sao mà chúng ta (Việt Nam) chỉ dạy có lịch sử chiến tranh, mà không có lịch sử văn hóa, lịch sử kinh tế, thế thì là vì tại anh không có thành tựu nghiên cứu thì lấy đâu ra mà dạy?
"Thứ hai người ta chê là tại sao sử của mình cứ viết một chiều, một chiều tôi phải xin nói cái đấy không phải là lỗi của người viết sách giáo khoa."


GS. Nguyễn Minh Thuyết
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người viết sách giáo khoa phải viết theo "chính sử của nhà nước".

"Người viết sách giáo khoa người ta phải viết theo chính sử của nhà nước, cho nên bây giờ tôi nghĩ chính các vị ở giới sử học ấy là phải có một sự đổi mới thật là mạnh mẽ thì như vậy ta mới mong dạy môn sử tốt được.
"Điểm thứ hai là dạy sử phải gắn với thực tế, thí dụ như là cho học sinh đi tham quan bảo tàng, tham quan những địa điểm lịch sử, ví dụ ở Hà Nội có thể đến thăm Gò Đống Đa, địa điểm lịch sử.
"Các địa phương khác, địa phương nào cũng có những địa điểm lịch sử, cho học sinh gặp những nhân vật lịch sử, những người mà đã trải qua những giai đoạn lịch sử, hoặc là mời họ đến trường nói chuyện, thì tôi thấy tất cả những cách làm đó nó sẽ làm cho môn sử sinh động hơn nhiều.
"Và tôi cũng chia sẻ với Giáo sư Trần Ngọc Thêm là giới văn nghệ sỹ cũng không thể đứng ngoài chuyện ấy được.
"Nếu chúng ta có nhiều phim hay, nhiều thơ hay, nhiều truyện hay, nhiều nhạc hay về các giai đoạn lịch sử thì chắc chắn là trẻ em mà người lớn cũng sẽ hiểu sử hơn," Giáo sư Thuyết nói.

Vẫn rất cần thiết
Từ Sơn Tây, một phụ huynh đồng thời là nhà giáo, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói với BBC dù được 'tích hợp' hay là không trong chương trình giảng dạy trung học phổ thông tổng quát, thì môn lịch sử vẫn là một học rất cần thiết trong nhà trường.
Bà Thanh Nhàn nói: "Tôi cũng nghe đồng nghiệp trao đổi về việc dạy tích hợp môn lịch sử và cũng như là một số môn học khác ở trong nhà trường. "Bởi vì tích hợp là rất nhiều môn chứ không phải chỉ là môn lịch sử và chúng tôi cũng nói với nhau nhiều về chuyện này.
"Với riêng bản thân tôi, tôi nghĩ rằng cho dù là tích hợp hay là không tích hợp, thì môn lịch sử vẫn là môn học rất cần thiết cho nhà trường. "Bởi vì rõ ràng là con người có tổ, có tông, có nguồn, có gốc, và môn lịch sử không chỉ dạy cho học sinh, trang bị cho học sinh kiến thức, mà nó còn góp phần hình thành nhân cách, rồi cả tinh thần yêu nước, rồi cả chuyện yêu truyền thống của cả dân tộc mình.
"Cũng như là cần hiểu biết về nền văn minh của dân tộc, cũng như là nền văn minh của cả nhân loại, và từ đó thì nó có thể có được tinh thần tự tôn dân tộc, cũng như là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ Sơn Tây cho rằng môn lịch sử dù được giảng dạy 'tích hợp' hay không vẫn luôn quan trọng và cần thiết trong nhà trường.

"Tôi nghĩ rằng môn lịch sử là rất cần thiết trong nhà trường, còn nếu để dạy tích hợp, thì có thể đấy cũng là một cách giảm tải tốt cho học sinh.
"Giảm tải tốt, bởi vì học sinh sẽ bớt đi cái áp lực của bộ môn.
"Tuy nhiên tôi cũng nghĩ rằng Bộ Giáo dục sẽ cần phải xây dựng chương trình và đổi mới cách dạy sao đó để môn sử đạt được hiệu quả cần thiết nhất của nó trong trường học," nhà giáo Thanh Nhàn, từ Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, nói với Bàn tròn của BBC.

Truyền thông quan tâm
Trao đổi với Bàn tròn Thứ Năm từ Bangkok, phóng viên Ben Ngô của BBC Việt ngữ tường thuật góc nhìn và quan tâm của truyền thông, báo chí với cuộc tranh luận về môn lịch sử ở trường học Việt Nam.
Anh Ben Ngô nói: "Theo tôi thấy một số tờ báo lớn ở Sài Gòn cũng như Hà Nội chủ yếu họ đề cập đến chuyện yêu nước với môn lịch sử.
"Nhưng mà thực ra tôi thấy trong vấn đề này nó có ba chuyện.
"Thứ nhất là bối cảnh, thời điểm diễn ra dự án tích hợp môn lịch sử này, trong lúc ông Tập (Cận Bình) mới thăm Việt Nam xong, rồi trong lúc Biển Đông tiếp tục căng thẳng, thì cái chuyện đề án tích hợp môn lịch sử có thể khiến công luận người ta hoài nghi cái lộ trình gì đó.
"Ngoài ra tôi cảm thấy một vấn đề mà nhiều nhà báo họ có nói trên mạng xã hội thôi chứ họ không nói trên mặt báo ở trong nước (Việt Nam) là chuyện môn lịch sử ở trong nhà trường lâu nay thì... hình như là chỉ dạy về lịch sử của chế độ thôi, là gần như bỏ qua quá trình lịch sử dân tộc trước hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
"Ngoài ra, tôi thấy một nhà báo đặt vấn đề cũng đáng quan tâm là ông ấy nói có những nhân vật trong sách giáo khoa lịch sử như là Lê Văn Tám, Bế Văn Đàn, thì nhân vật đó là hư cấu hay là thực?


Ben Ngô, phóng viên BBC Việt ngữ, Bangkok
Phóng viên BBC Việt ngữ từ Bangkok, Ben Ngô, tường thuật quan tâm của truyền thông Việt Nam với cuộc tranh luận về dạy sử.

"Bao giờ công bố sự thật về những nhân vật lịch sử mà người ta không biết chắc là hư cấu hay là có thực trong lịch sử. "Những vấn đề đó người ta ít đọc được trên những tờ báo trong nước mà chỉ có thể thấy trên mạng xã hội thôi," phóng viên Ben Ngô nói với Tọa đàm.

Tích hợp và thích hợp
Từ Đại học Maine Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, chia sẻ với BBC góc nhìn của ông về việc dạy học môn sử trong các nhà trường ở Mỹ và so sánh với Việt Nam.
Ông nói: "Trước hết là nước Mỹ có 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang ở nước Mỹ họ chọn cách dạy và họ chọn những sách giáo khoa các môn học sử và các môn khoa học xã hội.
"Ở Mỹ, tất cả các bang đều tích hợp, họ tích hợp từ lớp 6 cho đến lớp 12. Nhưng vấn đề không phải là vấn đề tích hợp, mà vấn đề dạy có thích hợp hay là không.
"Những bang nghèo, ví dụ như bang Maine của chúng tôi, thì không có đủ tiền để tiếp tục tập huấn và dạy cho các giáo viên, cho nên thường thường ở nhiều chỗ giáo viên không đồng đều.
"Thành ra chúng tôi ở Đại học bang Maine, chúng tôi tự lập ra những chương trình đi từ trường này cho đến trường kia, giúp tập huấn lại cho các giáo viên để cho họ có thể hiểu vấn đề phân tích lịch sử, phân tích xã hội như thế nào.
"Bởi vì vấn đề lịch sử nó không chỉ là lịch sử, không chỉ là sự kiện thế này, thế kia, mà lịch sử là học vấn đề phát triển của đất nước, phát triển của loài người và phải giúp cho người ta hiểu những mô hình phát triển nó như thế nào.
"Các thời đại như thế nào, các thời kỳ như thế nào, thì những vấn đề này giáo viên lúc ban đầu họ không được huấn luyện tốt, thành ra bây giờ vẫn tiếp tục làm.
"Thành ra nếu bây giờ so sánh bang của tôi với bang California là bang rất là giàu, thì nhất định là bang California họ dạy rất là giỏi. Trong khi chúng tôi, khi các em lên đại học, ở Đại học vẫn bắt buộc học ở khoa sử, thì chúng tôi phải dạy lại hết, là bởi vì họ dạy sai ở dưới trung học và tiểu học.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam "phân luồng quá sớm".

"Thành ra cái vấn đề nó không phải chỉ là vấn đề ở Việt Nam, nhưng mà nếu nói vấn đề ở Việt Nam, tôi xin nói thêm như thế này: Việt Nam phân luồng quá sớm... rồi bây giờ nói rằng các em không đi vào khoa học tự nhiên, thì nên học thứ khác, thì nó vô lý.
"Bởi vì làm như vậy các giới trẻ lớn lên, nó có sự hiểu biết về lịch sử gián đoạn và khác nhau, ở Mỹ không như vậy. Ở Mỹ, tất cả mọi người học cùng và nếu mà chưa hiểu hết, thì lên đại học sẽ tiếp tục dạy thêm.
"Bao giờ môn lịch sử và tất cả các môn khác nó cũng đi với nhau, nó tích hợp, tích hợp tùy cách tích hợp, tuy nhiên nó có thích hợp hay là không, lên trên Đại học phải chọn bao nhiêu là lớp sử, được chọn bao nhiêu lớp khoa học xã hội khác, nhưng thường thường các giáo sư họ làm những lớp thích hợp và ở dưới bắt buộc tất cả mọi em đều học giống như nhau, để cho có một nền tảng giống như nhau," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC.

http://www.bbc.com/vietnamese/


Hạ giá hay xóa bỏ môn lịch sử?

Ngô Nhân Dụng

Ngày Chủ Nhật tuần rồi, 15 Tháng Mười Một, 2015, Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo trong đó nhiều vị giáo sư báo động học sinh nay mai sẽ không còn được học môn lịch sử đầy đủ, theo dự thảo chương trình bậc Trung Học Phổ Thông, mà Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo có thể thi hành. Theo chương trình soạn thảo, từ năm 2018 các học sinh sẽ không được học riêng môn Lịch Sử, mà môn này sẽ được gộp chung vào thành một môn học mang tên là “Công dân với Tổ quốc;” trong đó có thêm hai môn khác là Giáo Dục Công Dân và An Ninh Quốc Phòng. Trước đó hai tuần, Bộ Giáo Dục đã họp các nhà giáo để giải thích việc cải cách này; nhưng giới sử học nghe không xuôi tai!

Các viên chức Bộ Giáo Dục đã giải thích và bênh vực chủ trương của họ, nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn nghĩ khác. Sử gia Phan Huy Lê cho rằng dù Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo có giải thích thế nào thì chương trình mới này đã khai tử, đã xóa bỏ môn Lịch Sử trong thực tế. Giáo Sư Kiều Thế Hưng khẳng định: “...dù với bất cứ lý do nào thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn Lịch Sử ở trường phổ thông.” Một cuộc thăm dò cho biết hơn 80% học sinh chống lại ý kiến bãi bỏ môn lịch sử như một môn học riêng.
Lời báo động của vị chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam nói đến tương lai khi môn học lịch sử có thể bị xóa bỏ. Nhưng thật ra trước khi chính quyền Cộng Sản đưa ra chương trình cải tổ này thì môn học Lịch Sử đã bị họ bỏ rơi, bỏ rớt, bỏ xó từ lâu rồi! Một bằng cớ là hiểu biết của các em học sinh về lịch sử Việt Nam rất kém. Năm ngoái, cả nước đã bàn tán về tình trạng “dốt lịch sử” được biểu lộ trong một cuộc thi đố trên màn ảnh truyền hình trên đài VTV. Chương trình tivi này phỏng vấn bảy em học sinh, đặt một câu hỏi về vua Quang Trung, tức Nguyễn Huệ, vị anh hùng áo vải đại thắng quân Thanh năm 1789. Trước mặt các khán giả tham dự để cổ võ, tất cả bảy em học sinh trên không em nào trả lời đúng và đầy đủ. Có em nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con, có em đoán đó là hai anh em, nhưng sau đó em này còn muốn tỏ ra mình biết nhiều, nói thêm rằng, “Ông Quang Trung chính là ông Nguyễn Du.”

Chúng ta không nên căn cứ vào một chương trình giải trí trên tivi mà phán đoán trình độ hiểu biết về lịch sử của học sinh Việt Nam. Nhưng có thể đoán rằng những em được chọn đưa lên đài truyền hình dự thí chắc đã được coi là khá về môn này, ít nhất theo thẩm định của cha mẹ và thầy, cô giáo các em - trừ khi nhân viên đài truyền hình đã chọn các em dự thi theo tiêu chuẩn ai trả nhiều tiền nhất thì được... lên đài! Nếu phụ huynh và giáo sư nghĩ rằng các em này học giỏi môn sử nên đồng ý cho đi thi, mà trình độ các em dốt như vậy, thì chính những “người lớn” này cũng hoàn toàn không biết gì về lịch sử! Tức là có hai thế hệ dốt sử chứ không phải chỉ có một lớp trẻ! Thật đáng buồn!
Bây giờ, theo dự thảo chương trình tổng thể của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo, môn Lịch Sử riêng biệt không còn tồn tại trong hệ thống các môn học bắt buộc nữa. Không biết trình độ hiểu biết về lịch sử của các thế hệ sau sẽ xuống đến mức nào?

Một lý do khiến trẻ em dốt lịch sử là từ lâu nay học sinh đã chán học môn sử. Một năm gần đây khi nghe tin kỳ thi sắp tới không phải thi môn lịch sử nữa cả đám học sinh đã reo hò sung sướng đem vứt các cuốn sách giáo khoa từ trên lầu xuống sân trường, náo động, vui tươi như một ngày hội. Theo Giáo Sư Phan Huy Lê, lý do khiến học sinh chán là vì “...chương trình và sách giáo khoa nặng kiến thức, dày đặc sự kiện, kiểu dạy một chiều thiếu sinh động lại còn đòi hỏi thuộc lòng thì... Chán học sử đang là điều tất yếu.”

Giáo Sư Phạm Phụ nói rõ hơn về “kiểu dạy một chiều” này, “Ðáng lý ra môn Sử là môn cực kỳ hấp dẫn đối với học sinh, thế nhưng tại sao không đến mức say mê môn Sử mà thậm chí lại còn chán ghét ? Là vì cách dạy của ta, chương trình của ta, sách giáo khoa và cách truyền thụ của thầy giáo làm cho nó khô cứng. Trong một thời gian dài môn Sử bị xơ cứng, chính trị hóa thế này thế khác thì đâm ra nhàm chán.”

Môn học bị chính trị hóa thành xơ cứng như thế nào? Vẫn theo Giáo Sư Phạm Phụ thì phần lịch sử sau 1945 chiếm tỷ lệ rất lớn “trong đó nhiều phần lồng vào sử của đảng Cộng Sản Việt Nam, học trò học mãi những thứ đó nó nhàm chán thôi chứ có gì đâu... môn Sử không trình bày bằng những sự kiện mang màu sắc khoa học mà như là cái môn nhằm mục đích tuyên truyền vậy thì người ta nghe mãi người ta chán thôi.” Khi biết như vậy, chúng ta hiểu rằng cảnh các học sinh đua nhau ném các cuốn sách giáo khoa lịch sử xuống sân thì chính là các em đang vứt bỏ các tài liệu tuyên truyền của đảng Cộng Sản!

Chỉ sử dụng môn Lịch Sử như một phương tiện tuyên truyền cho nên chế độ Cộng Sản đã coi nhẹ các cuộc chiến đấu của tổ tiên chúng ta chống những cuộc xâm lăng của đế quốc Hán tộc. Giáo Sư Phạm Phụ nhận xét: “Lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc cũng có chứ không phải không nhưng tổng số rất ít.”

Giảm bớt không cho dạy phần lịch sử ngàn năm Bắc thuộc chính là một chủ trương của đảng Cộng Sản, từ năm 1950 cho tới bây giờ. Với đường lối ngoại giao coi Trung Cộng “vừa là đồng chí, vừa là anh em;” với sự có mặt của các “cố vấn Trung Quốc vĩ đại” kèm bên các chiến dịch cải cách xóa bỏ nền nếp xã hội Việt Nam cổ truyền, chế độ Cộng Sản Việt Nam tất nhiên phải tìm cách che lấp các tội ác bành trướng của các triều đại Hán, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đối với nước ta.

Khi còn học bậc tiểu học và trung học, ở Hà Nội trước năm 1954 và tại Sài Gòn sau đó, bản thân tôi đã thấy môn học lịch sử đã đào luyện tấm lòng yêu nước; càng học càng say sưa về truyền thống bất khuất của dân tộc. Trước năm 1975, tôi làm nghề dạy học, tuy phụ trách môn Quốc Văn nhưng nhiều lần phải dạy môn lịch sử cho bậc trung học, khi nhà trường không đủ giáo sư chuyên về sử. Kinh nghiệm cho tôi thấy các học sinh rất thích những bài lịch sử về công cuộc chống xâm lăng phương Bắc. Có lúc dạy tới đoạn Lê Lợi kháng Minh, tôi khuyến khích các em học sinh đọc bài Bình Ngô Ðại Cáo, bản dịch của Bùi Kỷ in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Rất nhiều em đã học thuộc lòng cả bài văn dài với rất nhiều chữ Hán mà không thấy chán. Sau đó 50, 60 năm, nhiều em gặp lại vẫn còn cảm ơn thầy giáo đã cho mình cơ hội thưởng thức một áng văn trác tuyệt, hào hùng đó. Trong hai ngàn năm qua, lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã được đào luyện qua lịch sử kháng cự các cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Bất cứ người Việt nào học lịch sử cũng trào lên một tấm lòng yêu nước khi biết đến những Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Phùng Hưng, cho tới Trần Bình Trọng, Quang Trung!

Cho nên, việc hạ thấp vai trò của môn học lịch sử trong cấp trung học phổ thông là một dụng ý chính trị của đảng Cộng Sản, theo Nghị Quyết 29 NQ/TW của Hội Nghị Trung Ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Bản dự thảo chương trình bậc Trung Học Phổ Thông của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo ở Hà Nội được đưa ra trong lúc phong trào chống Trung Cộng xâm lược đang cuồn cuộn sôi lên trên cả nước Việt Nam. Hạ thấp giá trị của môn Lịch Sử là một cách khiến cho các thế hệ sau này không thấy cần học sử nữa. Không học lịch sử dân tộc thì cũng lòng yêu nước cũng mờ nhạt. Ðó là một chủ trương trong chính sách giáo dục của đảng Cộng Sản Việt Nam. Như Giáo Sư Văn Như Cương nêu ra, “Ví dụ trong sách giáo khoa lịch sử không nói đến Biển Ðông, không nói đến Gạc Ma, không nói đến Tàu không nói đến Hoàng Sa, Trường Sa của ta bị chiếm đóng thì cũng không tôn trọng lịch sử.”

Tất nhiên, sách giáo khoa môn Sử của Việt Cộng thì không thể nào nhắc đến các tội xâm lược của Trung Cộng. Bởi vì nếu không có Trung Cộng bao bọc thì Việt Cộng cũng không tồn tại từ năm 1950 đến giờ! Không những lờ đi không nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Gạc Ma, Biển Ðông, mà Việt Cộng còn muốn tránh không nói đến cả Hà Hồi, Ngọc Hồi, Chi Lăng, Chương Dương, Hàm Tử nữa! Như Giáo Sư Hà Sĩ Phu đã từng nhận xét, Việt Cộng theo Trung Cộng đem ảo tưởng về chủ nghĩa Cộng Sản vào nước ta gây nên hậu quả là “Ảo tưởng Cộng Sản đã nhốt chung con sói và bày hươu vào chung một chuồng, cái chuồng sơn son rất đẹp có tên ‘đại gia đình Xã hội chủ nghĩa, bốn phương vô sản đều là anh em!’” Ông Hà Sĩ Phu cho biết thời Lê Khả Khiêu đang làm tổng bí thư, có đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm, trao đổi về những vấn đề lý luận, và “Phía Trung Quốc nói Việt Nam cần sửa lại lịch sử của mình!” Công cuộc “tẩy não” đã kéo dài qua mấy thế hệ, từ thời Hồ Chí Minh đến Lê Khả Khiêu. Cho nên hậu quả tất nhiên là học sinh bây giờ dốt sử, không biết Quang Trung cũng là Nguyễn Huệ!

Bàn về dự thảo chương trình mới của Bộ Giáo Dục, Giáo Sư Phan Huy Lê lo lắng: “Lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí là biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên,... thì làm sao có thể viết tiếp trang sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?” Nhưng đảng Cộng Sản muốn bảo vệ tổ quốc hay chỉ lo bảo vệ chế độ để họ tiếp tục nắm quyền và tham nhũng?
Gần đây ông Phùng Quang Thanh tỏ ra hoảng hốt khi thấy nhiều người Việt Nam đang chống Trung Quốc! Dân Việt mà chống Trung Quốc thì ông Thanh rất lo lắng cho tiền đồ dân tộc! Chúng ta phải đặt câu hỏi: “Phùng Quang Thanh có được ai dạy lịch sử nước Việt Nam hay không?” Ông ta có biết Hai Bà Trưng là ai không? Hay ông ta được các cố vấn vĩ đại dạy bài học khác: “Ðồng chí Mã Viện qua Giao Chỉ tổ chức cải cách ruộng đất, vận động nhân dân đứng lên đấu tố bọn địa chủ ác ôn Thi Sách và chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị!”

(Source: NVOnline)


 
Bỏ môn sử là đúng quy trình


Reng reng ren....Tiếng chuông điện thoại reo.

Bộ Trưởng PVL (Phạm vũ Luận) : Vâng, tôi bộ trưởng Phạm Vũ Luận, thưa thủ tướng.

Thủ tướng NTD (Nguyễn tấn Dũng) : Này đ/c, mấy hôm rày khắp nơi xì xào về việc bộ bỏ dạy môn lịch sử, sự việc thế nào, đ/c báo cáo vắn tắt cho?

Bộ Trưởng PVL: Thưa thủ tướng đúng như vậy.

TT NTD: Môn lịch sử, người ta viết cái gì trong trỏng, dạy về cái gì? Đ/c
đưa ra một định nghĩa thật nghiêm túc về lịch sử, cho tôi xem.

BT PVL: Thưa, lịch sử là những gì đã qua, mà có liên quan tới con người.

TT NTD: Tôi chưa nắm được, tôi muốn đ/c nêu một ví dụ cụ thể.

 BT PVL: Ví dụ tháng 5 năm 1954 quân ta chiến thắng Điện Biên Phủ, hoặc anh hùng Lê Văn Tám dùng thân mình làm bó đuốc, đốt kho xăng Nhà Bè.

TT NTD: (Hằn học) Trời đất, những bài học quý giá như thế, tại sao bỏ môn lịch sử đi? Các đ/c điên hết rồi à?

BT PVL: Thưa TT có hai lý do. Một là do "gợi ý" của bộ Giáo Dục Trung Quốc.Hai là đại bộ phận nhân dân bây giờ, họ không tin vào việc chống Pháp, chống Mỹ nữa, họ chỉ chăm cắm vào những trang sử chống Tàu xâm lược thôi.

TT NTD: Tại sao Trung Quốc gợi ý mình làm như vậy?

BT PVL: Thưa TT để đơn giản sự việc, tôi trình bày thế này:Ví dụ một quyển sách sử dày 300 trang, ta viết 290 trang về chiến tranh chống Pháp, Mỹ, còn 10 trang ta viết về chống Tàu, người dân cũng như học trò, không thèm xem 290 trang chống Pháp, Mỹ, chỉ xem 10 trang còn
lại mà thôi. Chỉ cần 10 trang thôi, nó ôn lại truyền thống chống quân
Tàu, tạo lên lòng căm thù giặc Tàu sâu sắc. Đó là "mối nguy hiểm cho dân tộc" như lời đại tướng Phùng từng nói.

TT NTD: Lịch sử cũng chống Trung Quốc nữa à? Tôi hoàn toàn không hiểu?...

BT PVL: Thưa TT, nước ta hàng mấy ngàn năm chống giặc Tàu xâm lược, dù ta viết chỉ 10/300 trang, nhưng trong ấy tự nó hiện lên nhiều vô số sự
kiện, ví dụ chỉ cần nói Lê Lợi chiến thắng quân Minh, là người dân từ bé tới già ai cũng biết.

TT NTD: Quân nhà Minh, là quân nào?

BT PVL ; thưa  TT  hễ vua nào bên Tàu kéo quân quan xâm lấn bên ta, người dân lấy tên ông vua đó đặt tên cho quân giặc, vì thế nói giặc Minh, cũng là giặc Tàu.

TT NTD: Vậy Lê Lợi là tên phản động à?

BT PVL: (Bấm bụng cười thầm) Dạ không phải, xưa kia chưa có đảng ta, nên toàn dân có quyền chống giặc xâm lược. Nhiều lắm thưa TT như Ngô Quyền, năm 939 đánh tan quân Nam Hán, trên Bạch Đằng Giang, tạo nên nền độc lập tự chủ đầu tiên của nước mình.

TT NTD: Cái gì? Ngoài bác Hồ, là người đầu tiên khai sinh ra nước
ta, người đầu tiên đọc tuyên ngôn độc lập, ở quảng trường
Ba Đình, chứ làm gì có anh Ngô Quyền nào? Ngô Quyền có bà con với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng không? Vậy Ngô Quyền có đọc tuyên ngôn độc lập không?

BT PVL: Thưa không, Ngô Quyền không đọc TNĐL, và chưa xét lý
lịch, nên chưa biết có liên hệ gì không, giữa hai ông Ngô Quyền và Ngô
Quang Trưởng. Tôi sẽ chuyển hồ sơ qua Trần Đại Quang, hy vọng sẽ có câu trả lời cho TT sớm nhất.
Thưa chuyện lịch sử còn dài lắm, thưa ngài chỉ cần nói một cái tên thôi, người dân tự nhiên họ nhớ lại hàng trăm sự kiện lịch sử, như Hai Bà Trưng, chẳng hạn.

TT NTD: Hai Bà Trưng ở đâu? Hai bà này quân chủ lực miền, hay du kích?

BT PVL: Thưa không, hai bà này khởi nghĩa, cách nay vài ngàn năm (năm 40) đánh quân Hán, lập kinh đô ở Mê Linh, bà chị Trưng Trắc lên làm vua. Đó là vị Nữ Vương đầu tiên, có thể nói là vị vua nữ đầu tiên của nhân loại.

TT NTD: Vậy, có phải khắp nước, nơi nào cũng có tên đường Hai Bà Trưng, là chiện (chuyện) này đó hả?

BT PVL: Thưa TT, chính xác như vậy.

TT NTD:Trời đất, dị (vậy) giờ này nhờ đ/c nói tôi mới biết, xưa rày đi qua đường Hai Bà Trưng, tôi cứ nghĩ họ Trưng, là người Tàu, chắc hai bà ở
khu Bàn Cờ Chợ Lớn, nuôi cán bộ mình, che dấu bộ đội mình, mới làm nên bản nhạc Người Mẹ Bàn Cờ, hay huyền thoại Mẹ, gì đó chớ!

BT PVL: Hơi sức đâu TT tin ba cái tụi xiểm nịnh ấy, chúng nó thấy mình ở trên rừng mới xuống, tưởng mình khờ, ra ba bản nhạc, định kiếm một chỗ ké cái đít, nhắc tụi nó làm gì.

TT NTD: Còn bài thơ gì đó, Nam Đế Nam Hà Nam Đế Cư, nghe cũng ì xéo lắm, đ/c báo cáo luôn cho tôi.

BT PVL: Thưa, không phải, nguyên văn: Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư. 

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Từ thời xa xưa đã dịch thế này:
 
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành ghi rõ ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
 
Ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) sử dụng bản dịch:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

TT NTD: Tại sao mình không giữ lời dịch ngày xưa?

BT PVL: Vì lời lẽ có tính qúa khích, bên Trung Quốc họ gợi ý mình cứ vài ba năm, sửa lại một lần cho nó tàn phai bớt đi, nó nguội dần, nhạt dần trong thơ.

TT NTD: Thôi được cảm ơn đ/c đã trình bày, bây
giờ tôi hiểu hết rồi, bên Trung Quốc gợi ý, mình phải nghe thôi. Đ/c bảo tụi báo chí viết bài, tựa đề:Bỏ môn lịch sử là đúng quy trình.

Ông Bút

 

Đăng ngày 21 tháng 11.2015