banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

THƠ TÌNH CỦA THI SĨ

VÂN UYÊN NGUYỄN VĂN ÁI

Trần Văn Cảnh

Photo 049

1. Bác sĩ Nguyễn Văn Ái là người của chính trị, xã hội Việt Nam. Thi sĩ Vân Uyên là người của văn học Việt Nam. Trong bài « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời gs Trần Văn Cảnh », ngày 05-09-2009 », viết về tiểu sử của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã chỉ muốn tóm tắt qua mấy dữ kiện chính yếu. Trong bài « Điếu văn đọc trong tang lễ GS Nguyễn Văn Ái », Bs Phạm Tu Chính viết đầy đủ hơn về tiểu sử của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ái sinh ngày 07 tháng 02 1920 tại Hà Nội , từ trần tại Paris sáng ngày 31 tháng 08,2015. Ông theo học tại các trường: Tiểu học: trường Hàng Than Hà Nội. Trung Học: trường Albert Sarraut Hà Hội. Đại Học Y Khoa Hà Nội, học tiếp Đại Học Y Khoa Paris, tốt nghiệp năm 1952. Học thêm Cao Học các bộ môn Sinh Học Đại Học Paris, Viện Pasteur Paris. Làm việc tại Viện Pasteur Paris 1953-1957. Tổng Giám Đốc các viện Pasteur Việt Nam (Saigon, Nha Trang, Dalat) 1957-1975. Giáo Sư giảng dạy môn Vi Trùng học Đại Học Y, Nha, Dược Saigon 1957-1975. Tổng Thư Ký Hội Đồng Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học Việt Nam Cộng Hòa Chủ tịch Hội Y Học Việt nam. Chủ tịch Phong Trào Trí Thức Công Giáo PAX ROMANA Việt Nam. Quốc Vụ Khanh Nội Các Nguyễn Bá Cẩn 1975. Năm 1975, Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, Giáo sư bị đưa vào trại cải tạo trong 4 năm (1975-1979), bị cầm tù qua nhiều trại ở trong Nam và ngoài Bắc. Năm 1983, Giáo sư qua Pháp đoàn tụ với con và định cư tại Pháp. Thành viên Ba Lê Thi xã, và Câu lạc bộ Văn Hoá Paris. Giáo sư được Huy Chương Vàng Toà Thánh Vatican 1997.
Tác giả nhiều bài viết nghiên cứu và thơ trong các tập san "Bulletin de la Société de Pathologie Exotique, Paris", Tập San Hội Đoàn Công Giáo, báo Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, Tập San Hội Y Sĩ Gia Nã Đại, Nội San Hội Y Giới VN Tự Do tại Pháp, Tập San Y Nha Dược Victoria, Úc Châu.
Sách đã xuất bản: Cuốn "Khoa Học và Đức Tin" (Giới thiệu tư tưởng của Teilhard de Chardin), Kim Lai Ấn Quán xuất bản năm 1965, Cuốn Vi Trùng học Y Khoa, Saigon 1960, Bốn tập thơ: Những vần lưu niệm (Paris 1966), Tình thơ (Paris 1997), Duyên kiếp thiên tình (Paris 1999), Nghĩa nợ tình (Paris 2011). Huy chương vàng Toà Thánh Vatican 1997.<br/ Giáo sư Nguyễn Văn Ái tính tình điềm đạm, với tiếng cười rộn rã, dạy học công minh, thích nghiên cứu khoa học và tôn giáo... Về già Giáo sư vui trong đời sống hưu viên chuyển qua làm thơ với bút hiệu Vân Uyên, nhiều bài thơ đủ loại về tôn giáo, tình phu thê, tình ông bà, cha mẹ, con cháu , tình bạn bè , đồng đạo v.v…

2. Về bút hiệu Vân Uyên của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã giải thích như sau:
«Vân Uyên còn có một bút hiệu khác là Quốc Như nhưng nay không còn dùng nữa. Bút hiệu này do ông thầy dạy chữ nho đặt cho từ câu "Ái quốc như gia". Những bài viết trong thời kỳ sinh viên được ký dưới bút hiệu này».
Bút hiệu Vân Uyên ký dưới những bài viết trong Báo Giáo xứ Việt Nam Paris ít ai để ý tới. Nhưng từ khi viết thơ (năm 1998), một số độc giả tò mò muốn biết Vân Uyên là ai. Khi đã biết họ ngạc nhiên vì đọc thơ họ vẫn tưởng tác giả là một nữ thi sĩ đa cảm. Đây cũng là một điểm nên lưu ý. Độc giả thường thích đọc thơ hơn những bài văn. Những ý thơ cô đọng trong vần điệu hình như dễ thu hút sự chú ý của người đọc.
Vân nghĩa là mây. Uyên có nghĩa là yêu. Vân Uyên có thể hiểu là Tình yêu trên Trời. Có hai người gửi tặng Vân Uyên hai cây triện chữ nho để đóng dấu đỏ trên các bài thơ gửi các báo ở Mỹ và Canada. Cây triện khắc ở Việt Nam chữ Vân khắc đúng. Còn chữ Uyên khắc thành chữ Uyển có nghĩa là vườn hoa. Các bạn thâm nho khuyên dùng cái triện này cũng có ý nghĩa ví những bài thơ như những bông hoa trong vườn hoa ở trên mây.
Cây triện khắc ở Trung Hoa chữ Vân không có chi thay đổi. Nhưng chữ Uyên khắc có thêm nét thành có nghĩa là con chim uyên. Chim uyên thường sống có đôi (uyên ương). Vân Uyên có thể hiểu là con chim uyên nay sống một mình ở trên mây.
Bút hiệu Vân Uyên thật ra đã được chọn một cách rất đơn sơ. Cũng như Bs.Trần Văn Bảng lấy bút hiệu Bằng Vân chỉ là đổi ngược Văn Bảng thành Bằng Vân. Cũng như vậy, Vân Uyên là đổi Văn Ái thành Vân Uyên ».
Những ý nghĩa mà bác sĩ Nguyễn văn Ái đã giải thích về bút hiệu VÂN UYÊN của mình có một dấu chứng tiền định và thiên định về cuộc đời của ông. Xuất thân là một bác sĩ, sau khi đã tham dự và thực hiện nhiều công việc giáo dục, văn hóa, xã hội, chính trị… ông đã “đảo ngược” cuộc đời từ năm 78 tuổi: bỏ cuộc đời “Kinh bang tế thế” của Bs Nguyễn Văn Ái, để theo duyên “Tình thơ” của thi sĩ Vân Uyên. Vân Uyên, bút hiệu của Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, có nghĩa là tình yêu trên Trời.

3. Từ ngày đổi đời, năm ông 78 tuổi, tức là năm 1998, sau khi người bạn đời, nữ Bs Nguyễn Tuyết Lan, đã ra đi được hai năm, ông đã sẽ chỉ là Vân Uyên, nghĩa là "con chim uyên nay sống một mình ở trên mây". Và là “Tình yêu trên Trời”. Từ nay, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên. Và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên.
Bài thơ “Lời tình”, sáng tác ngày lễ các Thánh 01/11/1996, phản ánh sâu đậm âm hưởng của “Ngôi Lời” trong phúc âm Gioan (Jn I, 1-18). Vân Uyên đã khởi đầu mô tả Thơ theo một tiếp cận rất hữu thể học. Thơ chẳng những là “bóng là thanh”, mà còn “tạo thể gây hình dương âm”. Thơ “hiển hiện tình”. “Thơ, Tình như xác với hồn”. Từ một tiếp cận siêu hình hữu thể học, Vân Uyên đã tiến sang một tiếp cận huyền nhiệm. Thơ là như «linh khí» hiện hình «thổi về», giải thích được một cách thần thánh huyền nhiệm tình yêu «phu thê kiếp người». Thơ như vậy chính «là Lời, là Tình», đưa ta linh cảm được “Ngôi Lời Thần Ngôn”. Khi có dịp, chúng ta sẽ trở lại bài thơ này để phân tích kỹ hơn về khía cạnh siêu hình hữu thể và khía cạnh ý nghĩa huyền nhiệm của Thơ và Tình của Vân Uyên. Bây giờ, chúng ta hãy đọc và khai vị thưởng thức bài thơ.
LỜI TÌNH
Tình nguyên thủy vô thanh vô bóng,
Thơ thành lời là bóng là thanh.
Lời thơ linh động ẩn tình,
Duyên thần tạo thể gây hình dương âm.
Thơ hiển hiện tình tâm thầm lặng,
Chốn U linh văng vẳng thần ngôn.
Thơ, Tình, như xác với hồn,
Thi Thanh tình nhập thơ còn hồn thơ.
Phân nhất thể chia giờ biệt tử,
Nương hồn tình ngôn ngữ thần thi
Nhập thơ linh khí thổi về
Huyền sinh thần giải phu thê kiếp người
Âm dương sinh tử lứa đôi
Lời tình linh cảm Ngôi Lời Thần Ngôn
Chúng ta đã biết rằng «Vân Uyên là tình yêu trên Trời. Vân Uyên làm thơ. THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Nhưng duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ?

4. Theo lời kể và qua thơ Vân Uyên, bốn duyên tình đã đưa ông làm thơ.
4a. Trong một cuộc nói truyện vào khoảng cuối năm 1996, Vân Uyên đọc cho tôi nghe bài thơ đầu tiên của ông. Sau này, trong một điện thơ, ông kể cho tôi nghe rằng : «Bài thơ đầu tay của Vân Uyên là bài : "Chim khuyên" đăng trong báo Giáo Xứ Việt Nam Paris (số 125, tháng 06.1996, trg 15). Vân Uyên không bao giờ tưởng sẽ có ngày viết thơ, tuy rất thích đọc thơ, nhất là những cổ thi và những bài bình luận thơ. Nhà tôi tên Tuyết Lan mất đầu năm 1996 cũng vào tuổi 78 vì bệnh nan y. Đôi khi nhớ tới người bạn đời, ngồi ghi lại một vài kỷ niệm, không ngờ tự nhiên thấy thành vần, tiếp tục viết thành bài thơ. Đó là trường hợp bài "Chim khuyên". Mỗi độ xuân về có đôi chim khuyên bay tới lượn hót trong vườn. Xuân này đôi khuyên lại đến, nhưng thiếu tiếng nhà tôi gọi ra xem. Vân Uyên mơ màng cầu nguyện được gặp lại bạn đời trước mặt Thiên Chúa, nhưng không biết "lúc đó mặt và tay của chúng tôi sẽ ra sao"? Bài thơ đó như sau:
CHIM KHUYÊN
Đôi khuyên chim chíp song song
Đâu lời âu yếm tay lồng sóng đôi
Đường đời còn mấy nổi trôi
Khôn ngoan nước bước đứng ngồi hỏi ai
Thôi thì đến thế thì thôi
Tinh anh thể phách kiếp người biết sao
Thiên nhan hẹn ước trời cao
Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay
Nguyện cầu hương khói trầm bay
Đưa về vĩnh phúc tình này tới đâu
Kiếp này đành gẫy nhịp cầu
Thấm đau niềm nhớ ngậm sầu làm vui.
(Báo Giáo Xứ, số 125, 06/1996)
Bài thơ xoay quanh hai ý tưởng: Ý tưởng thứ nhất: hình ảnh « Đôi khuyên chim chíp song song » và thực tại ra đi của người bạn đời làm sự ra đi càng thê thảm. Nỗi nhớ thành xoắn lòng với bao kỷ niệm « Đâu lời âu yếm tay lồng sóng đôi », « Khôn ngoan nước bước đứng ngồi hỏi ai ». Nhưng nén lòng, chôn nhớ, đành chấp nhận thực tại kiếp người « Tinh anh thể phách kiếp người biết sao». Ý tưởng thứ hai: Một lời ước hẹn mơ màng đến niềm hy vọng được gặp lại nhau trên trời cao « Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay », nơi « Đưa về vĩnh phúc tình này tới đâu ». Còn bây giờ « Kiếp này đành gẫy nhịp cầu » thôi đành « Thấm đau niềm nhớ ngậm sầu làm vui ».
Quả thật nội dung chủ chốt của bài thơ là nỗi nhớ tình phu thê, khi nhịp cầu bị gẫy vì sự ra đi của bạn đời. Duyên tình thứ nhất khiến Vân Uyên làm thơ là tiếng lòng của tình phu thê. Đó cũng là ý tưởng mà ông đã xác nhận trong bài thơ «Tình và Thơ»:
Hứng khí chân, sinh, ánh đạo tâm,
Lời thơ hoan nở nụ tình thâm
Tỏa hương thiêng ý qua vần nhụy
Bung cánh linh hoa lúc vịnh ngâm.
(Paris, Septembre 1996)
4b. Bài thơ tình phu thê «Chim khuyên» được phổ biến, nhiều bạn bè khuyến khích. Vân Uyên kể tiếp: "Vân Uyên tiếp tục viết thơ là nhờ sự khuyến khích và nâng đỡ của rất nhiều người, trong số này phải kể tới thi sĩ Bằng Vân (Bs Trần Văn Bảng) và triết gia công giáo (Gs Nguyễn Huy Bảo). Mỗi người đứng về một khía cạnh đều thúc dục Vân Uyên phải viết thơ mỗi khi Vân Uyên tỏ ý ngần ngại vì tuổi tác còn viết thơ tình.
Thi sĩ Bằng Vân khuyến khích Vân Uyên tiếp tục viết thơ vì những lý do văn học. Bằng Vân rất mê thơ, thường nói "nợ thơ", giới thiệu Vân Uyên với nhóm Ba-lê Thi-xã. Nhờ đó Vân Uyên được gặp những nhà thơ Hương Bình Cao văn Chiểu, Quỳnh Liên, Liên Đài, Hàm Thạch, Thanh Liên, Minh Châu, Phương Du, Đỗ Bình…
Giáo sư triết Nguyễn Huy Bảo còn sốt sắng hơn thi sĩ Bằng Vân thường xuyên điện thoại thúc dục Vân Uyên viết thơ. Giáo sư nói: Anh đừng ngại nhiều tuổi còn viết thơ tình. Trái lại vì đã có nhiều kinh nghiệm đạo đời anh có thể đem thêm chiều sâu cho thơ tình. Nhất là thơ về tình yêu phu thê, một huyền nhiệm thâm sâu nhất trong đạo của chúng ta. Không phải vấn đề ngại hay không ngại, nhưng đây là một bổn phận khi chị bất thần ra đi anh nhận được thiên phú viết thơ. Không phải chỉ một vài bài thương vợ nhớ vợ, nhưng những bài thơ diễn tả huyền nhiệm tình yêu vừa nhân tính vừa thiên tính trong nghĩa vợ chồng. Rất tiếc cả hai vị nay đã thành người thiên cổ, thành Vân Uyên mất hai người bạn chí tình không còn được nghe những lời khuyên phê bình về văn về ý cho các bài thơ viết gần đây. Cả hai vị đều trên Vân Uyên 10 tuổi".
Những khuyến khích của bạn bè đã là duyên tình thứ hai khiến Vân Uyên sáng tác thơ nhiều hơn. Nhưng những bài thơ này, nhờ suy nghĩ, tìm hiểu, đã ăn rễ sâu hơn vào văn hoá dân tộc và nhất là vào nền tảng thần học của bí tích hôn nhân công giáo, mà Vân Uyên gọi là "Hôn phối tích thần giao nhất thể". Bài thơ sau đây ghi rõ bước tiến thứ hai trong thơ tình của Vân Uyên. Tình, vẫn có gốc là tình phu thê, nhưng đã vươn lên TÌNH YÊU.
HÔN PHỐI TÍCH
Một năm qua chưa khô ngấn lệ
Độ ngầm đau niên kỷ hương buồn
Bên nhau ai tưởng chặng đường
Tâm can thầm gọi thịt xương thuở nào
Hôn phối tích thần giao nhất thể
Hạ xuân tình chia sẻ đông thu
Đường đời chìm nổi trầm u
Ước nguyền chung sống chứng từ thâm sâu
Nay chuyển kiếp thiên thâu ân ái
Nghĩa phu thê thuận trái sánh đôi
Như bao mầu nhiệm ý Trời
Thiên tình tương vấn kiếp người huyền vi
Tuyên xưng tín lý diệu kỳ
Phục sinh nhân thể hướng về huyền sinh.
(Ngày giỗ đầu Tuyết Lan. Paris Mùng một Tết dương lịch 1997)
Tình vẫn còn những nét "ngấn lệ, hương buồn, thịt xương,…", nhưng đã thấm hương yêu "hôn phối tích, thần giao, nhất thể, kiếp thiên thâu ân ái, mầu nhiệm, ý Trời, Thiên tình, huyền vi, tín lý, diệu kỳ, phục sinh, huyền sinh,…. Từ ngữ xử dụng trong bài thơ này đã nêu rõ duyên tình thứ hai khiến Vân Uyên làm thơ. Đó là sự suy nghĩ và học hiểu, đặc biệt là suy nghĩ về văn hóa tình yêu việt nam và huyền nhiệm hôn nhân công giáo.
4c. Duyên tình thứ ba khiến Vân Uyên làm thơ là chiêm niệm và cầu nguyện. Trong cũng một điện thơ gởi cho người viết, Vân Uyên kể tiếp: "Nhớ tới những lời của hai vị (Thi sĩ Bằng Vân và Giáo sư Bảo), Vân Uyên đã cầu nguyện, nghiên cứu học hỏi thêm về Thánh Kinh, về truyền thống dân tộc. Vân Uyên cầu xin Thánh Linh hướng dẫn tâm tư để viết những câu thơ thật thơ, đời thật đời, nhưng có tiềm ẩn những lẽ đạo thật đạo, trong thầm ước coi việc viết thơ như những chiêm nghiệm cầu nguyện. Viết được đến đâu hay đến đó, không mơ tưởng thành thi sĩ, nhưng chỉ là người viết thơ có suy tư tôn giáo". Sự suy tư, chiêm niệm và cãu nguyện có thể kết thúc bằng những niềm tin, niềm cậy, niềm mến. Nhưng cũng có thể khởi đầu bằng những vấn nạn, những câu hỏi, những cuộc suy tư, đi tìm ý nghĩa. Bài thơ "Nghĩa yêu" sau đây, sáng tác ngày 11.01.1997, đánh dấu bước tiến thứ ba trên con đường làm thơ của Vân Uyên.
NGHĨA YÊU
Từ cát bụi, trở về cát bụi,
Đến thinh không, quy lại thinh không.
Nào đâu nghĩa mặn tình nồng ?
Nào, đâu cười nói môi hồng thơm hương ?
Nghĩa định mệnh yêu đương duyên kiếp ?
Hửi về đâu nối tiếp một đời ?
Thờ ơ thiên kỷ làm người
Sợi giây sinh tử vận hồi trong đêm ?
Đặt câu hỏi, niềm tin vẫn có,
Nghĩa kiếp người vui khổ hư không ?
Đường Tình, đường Thánh song song
Thánh, Tình, Sinh, Tử trong cùng nghĩa yêu.
(Paris, 11.01.1997)
4d. Không hoàn toàn ý thức, nhưng gốc là một tín hữu công giáo tiến hành, Vân Uyên đã khai mở một con đường thứ tư trong tiến trình làm thơ của ông. Đó là duyên tình "Chia sẻ Tin Mừng". Vân Uyên đã có lần chia sẻ với tôi: "Nhưng từ khi viết thơ, một số độc giả tò mò muốn biết Vân Uyên là ai. Khi đã biết họ ngạc nhiên vì đọc thơ họ vẫn tưởng tác giả là một nữ thi sĩ đa cảm. Đây cũng là một điểm nên lưu ý. Độc giả thường thích đọc thơ hơn những bài văn. Những ý thơ cô đọng trong vần điệu hình như dễ thu hút sự chú ý của người đọc.
Thơ Vân Uyên lẽ tự nhiên được in trên Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ngoài ra vốn thuộc ngành y, nên thơ Vân Uyên cũng được in trong nhiều Tập san Y giới Việt Nam ở Pháp (Paris), ở Mỹ (Florida), và thường xuyên ở Canada (Montréal).
Nhóm Ba-lê Thi-xã giới thiệu nên thơ Vân Uyên cũng thấy xuất hiện trong Nguyệt san Vietnam Forum (Đức), Nguyệt san Hương Xa (Na-uy), Tam cá nguyệt san Cỏ Thơm (Mỹ), Tuần báo Đại Chúng (Mỹ).
Gần đây đáp lời kêu gọi góp nhặt thơ công giáo của LM. thi sĩ Trăng Thập Tự, thơ Vân Uyên cũng gửi tới những mạng net: Dũng Lạc và Hồn Nghệ Sĩ.
Như vậy thơ Vân Uyên không phải chỉ dành riêng cho đồng đạo trong Giáo Xứ nhưng đã được rải rộng tới những người có đạo cũng như không có đạo ngoài Giáo Xứ".
Với chủ đề "Con Đường Hẹp", Vân Uyên đã viết hai bài "Hương Trần" và "Khiêm Lòng Nhận", nhân dịp ông nhận Huy Chương vàng "Pro ecclesia et Pontifice" Tòa Thánh tặng năm 1997. Dưới một góc độ nào đó, người ta nhận ra ở đây chiều hướng "Chia sẻ và mở ra của Tin Mừng" trong thơ Vân Uyên.
CON ĐƯỜNG HẸP
HƯƠNG TRẦN
Một chút hương thơm dưới thế trần
Chia cùng lão bá với phu nhân
Đèn hoa đại lễ trong hoàng phục
Nhạc khúc thần ca khắp giáo dân
Cảm khái vấn vương lòng kẻ nhận
Chung vui đâu đó bóng người thân
Thời gian thoáng lặng chiều in dấu
Thánh giới hương linh hẹn tới lần.

KHIÊM LÒNG NHẬN
Phần thưởng huy chương cõi thế gian
Nêu gương kẻ khó tới Ngôi Hoàng
Yêu thương Nhiệm Thể khiêm lòng nhận
Thắm thiết Thần Ngôn nặng nghĩa mang
Vận hội ngày nay tình Giáo Xứ
Khai công thủa nọ tự Liên Đoàn
Thiên ân ẩn hiện con đường hẹp
Hưởng phúc cùng Ai bước vững vàng.
(Paris 11.05.1997. Kỷ niệm ngày 10 người trong Cộng Đoàn Giáo Xứ lãnh huy chương "Pro Ecclesia et Pontifice" của ĐGH Gioan Phaolô II)

LỜI KẾT
Qua những dòng trình bày trên đây, theo đúng lời của Vân Uyên, thì "Vân có nghĩa là mây. Uyên có nghĩa là yêu. Vân Uyên có thể hiểu là Tình yêu trên Trời".Từ ngày đổi đời, năm ông 78 tuổi, tức là năm 1998, sau khi người bạn đời, Nữ bác sĩ Nguyễn Tuyết Lan, đã ra đi được hai năm, ông đã sẽ chỉ là Vân Uyên, nghĩa là “con chim uyên nay sống một mình ở trên mây". Và là “Tình yêu trên Trời”. Từ nay, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên. Và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Có bốn duyên tình đã đưa Vân Uyên tới việc làm "THƠ TÌNH". Thứ nhất: Khời thủy, lòng nhớ người bạn đời phát thành thơ, thơ tình phu thê. Thứ hai: Thơ tình phu thê ấy, được một số bạn bè khuyến khích, đã được suy tư hơn để hướng về và đi vào huyền nhiệm tình yêu, biến thành Thơ Tình Yêu. Thứ ba: Thơ Tình Yêu thấm lời cầu nguyện, dầy công nghiên cứu đã trở thành Thơ Tình Yêu chiêm niệm cầu nguyện. Thứ tư: Thơ Tình Yêu chiêm niệm cầu nguyện đã trở thành Thơ Tình Yêu chia sẻ, mở ra, được phổ biến nhiều nơi, cho người có đạo cũng như không có đạo.
Đọc thơ Vân Uyên, về sức mạnh và thiên tài thơ làm ta liên tưởng đến Victor Hugo "Tình yêu là tiếng gọi rạng đông, là tụng ca ban đêm". Về phong phú của tư tưởng làm ta nhớ đến thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" của Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, mà sau đây là vài trích dẫn mà Vân Uyên đã xa gần đề cập đến trong thơ của mình.
Câu 1. Thiên chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Những lời này được trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan, diễn tả rõ ràng điều làm nên trọng tâm đức tin Kitô giáo: hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo, từ hình ảnh này rút ra hình ảnh con người và con đường của họ. Thêm nữa, cũng ngay trong câu đó, Thánh Gioan đưa ra cho chúng ta một công thức tóm tắt đời sống Kitô hữu: ''Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”.''Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa”: Người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế.
Câu 6. Tình yêu không còn tìm cho chính bản thân mình - sự chìm đắm trong say mê hạnh phúc - nhưng chỉ muốn điều tốt lành cho người mình yêu: tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật, vâng, tình yêu muốn như thế.
Câu 11. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 2,24). Hôn nhân căn cứ trên một tình yêu đơn nhất và dứt khoát, trở thành cách trình bày sự liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Người: cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người.
Câu 22. Bản chất Hội Thánh được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt: rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria) cử hành các Bí tích (leiturgia), phục vụ bác ái (diakonia). Đó là những trách nhiệm lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái đối với Hội Thánh không phải là một cách thức hoạt động trợ giúp có thể giao cho người khác, nhưng nó thuộc về bản chất của Hội Thánh, là một biểu lộ bản chất không thể từ bỏ được.
Những ý tưởng về bốn sắc thái tình yêu trên đây đã được Vân Uyên cảm nhận và diễn tả chi tiết qua bốn bài thơ liên hệ trích dẫn trên đây và tóm lược tổng hợp phần nào qua bài thơ "TÌNH CHỈ TÌNH" sau đây:
TÌNH CHỈ TÌNH
Con của Người
Con của Trời
Đến yêu
Để lại một lời thủy chung
Hướng yêu
Yêu thật lạ lùng
Tình trên thập tự
Tận cùng Trời yêu
Con của Người biết yêu là khổ
Con của Trời biết khổ vẫn yêu.
Khổ, Yêu, đôi gánh tín điều
Gánh tình, gánh khổ đường yêu kiếp người
Nguồn thiêng mạch sống lứa đôi
Thần linh Nhiệm thể hướng đời tình chung.
Tình chỉ tình, khi tình chung thủy
Có yêu nhau hồn xác mới là yêu
Có yêu nhau sống thác mới là yêu
Tình người ghép mối thiên tình
Mới không khô héo nụ tình dở dang
Hoa yêu mới nở thiên đàng duyên may
Tình nào tình mới đắm say
Yêu nào chẳng nhuốm đắng cay tội trần
Trời tình thách đố vô ngần
Chỉ yêu chung thủy, mới gần Trời yêu.
("Tình chỉ tình", trong Thơ Vân Uyên: Nghĩa nợ tình, Giáo xứ Việt Nam Paris, 2011, tr. 21-22)
Dưới một góc độ nào đó, có thể có người sẽ nghĩ đến một con đường Tình tổng hợp, dẫu còn hạn hẹp, nhưng đang được mở ra, hòa hợp trộn lẫn bốn duyên tình vào bốn góc tường nền tảng văn hóa Việt Nam là Phật, Lão, Khổng và Công giáo ?

Paris, ngày 27 tháng 03 năm 2016
Cập nhật ngày 11.11.2016
Gs Trần Văn Cảnh

Trích tuyển tập "Những khuôn mặt Văn hóa VN Paris"

 

Đăng ngày 20 tháng 11.2016