Giới thiệuThơ Nhạc:
Đỗ Bình
MÙA XƯA VỖ CÁNH
Thơ ĐỖ BÌNH
CỘI NGUỒN xuất bản 2007
Tác giả phát hành và giữ bản quyền
Tranh bià: Họa sĩ NGỌC TUYẾT
Trình bày: BẢO TRÂN
Phụ bản:
Đằng Giao, Thanh Trí,
Mùi Quý Bồng, Phạm Cung,
Khưu Từ Chấn, Phạm Văn Mùi
MÙA XƯA VỖ CANH/ Poetry
© 2007 By DO BINH
All Rights Reserved by the Author
Printed in The United States of America
_________
DẠO KHÚC
Đỗ Bình
Hành trình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận. Thơ bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn, nơi ẩn chúa những khối tình thiêng liêng sâu kín nhất. Phải chăng làm thơ là đi giữa cõi mộng và thực để đời trổ nhánh đâm hoa, và đưa thực vào mộng cho hồn vơi đi những nỗi đau trần thế? Riêng tôi say thơ nên ôm cả mộng lẫn thực để thấm chuỗi thời gian hững hờ. Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương; mà hương thì vô ảnh người đời chỉ cảm nhận chứ nào thấy được hình tướng. Nhưng ngay cả lúc hữu hình, hồn thơ hóa thể thành sợi khói, vầng mây…chúng ta đều nhìn thấy nhưng nào ai nắm bắt được? Phải đợi đến lúc con tim rung cảm thúc đẩy hồn thơ hòa nhập, thơ mới bật. Thơ vốn sãn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa…làm hồn tôi say đắm nên đã nặng nợ với tình thơ, để rồi dệt ước mơ viết lên những dòng tâm khúc tặng đời như kiếp tằm nhả tơ.
Tôi có cái thú hay suy tưởng; nhất là vào ban đêm khi vạn vật chìm trong không gian trầm lắng, chính lúc đó hồn tôi bay bổng. Nhiều khi tự hỏi: «Nếu trên đời không có tình yêu, cuộc sống chẳng còn ý nghĩa, thơ sẽ hết hương thơm, mật ngọt, đắng cay của cõi bồng bềnh, như thế cỏ cây, hoa lá và sỏi đá nào khác gì nhau ?!” Vẫn biết đời chỉ là giấc mộng, nhưng sao hồn tôi mãi vương vấn màu nắng quê hương, khi mà nơi đây cũng có nắng vàng nghiêng hè phố, trăng thanh nhuộm bạc không gian. Thế mới biết đời còn lắm giấc mơ kỳ lạ khiến hồn tôi xao xuyến. Do đó tôi thường ca ngợi tình yêu và ví von quê hương như người tình để tha thiết và đắm say, rồi hư cấu giữa thực và mộng trộn lẫn tình của tha nhân, tình mình với tình quê hương thành một thứ tình yêu đôi lứa để yêu thương, ấp ủ và hờn giận. Mặc dù những tình yêu đó thực thể có khác nhau, nhưng chúng lại cùng bắt nguồn từ rung cảm của tâm hồn, nơi khát vọng bừng cháy đã đan nhau kết thành một giải cầu vồng muôn sắc mang tên: «Mùa Xưa Vỗ Cánh » để tự ru đời còn lại chút ấm thời gian. Ngày tháng nơi xứ người qua rất nhanh! Tôi đã cảm nhận được sự mầu nhiệm của thiên nhiên với bốn mùa thay đổi, khi hoa xuân vừa chớm nụ, khách yêu hoa chưa kịp thưởng lãm đã thấy hạ sang. Nắng hồng mới vừa chớm ngọn lá thì gío thu chợt đến mang những chiếc lá vàng đi và trên cành chỉ còn lại chùm tuyết mùa đông.Thời gian quả vô tình như chiếc bóng lặng lẽ trôi.Tôi đã thấm trọn nỗi buồn trong xương tủy của kẻ xa xứ, và thông cảm cho những tâm hồn nghệ sĩ, vì chỉ có họ mới cảm nhận được cái bóng của thời gian chấp cánh. Họ đã sống và hòa với nhịp thở của thời gian nên nắn bắt được quá khứ và giữ cho dòng thời gian không bị đứt đoạn, tan loãng. Họ đã minh họa nó qua áng văn, vần thơ, điệu nhạc để hoài niệm một thời xa khuất…Đôi khi vượt trước cả thời đại để vọng lên tâm khúc bằng thứ ngôn ngữ riêng biệt mà người đương thời còn ngỡ ngàng, chưa hòa điệu! Đôi khi chợt phát hiện thấy mình thật lạ trong gương tôi mới thấm thía sự bẽ bàng của thời gian! Quê hương và những chuyện tình mộng mị chỉ là chiếc bóng của chuỗi kỷ niệm chưa tan, nhưng mùa xưa đã vút cánh bỏ tôi bay mất !
Paris ngày cuối xuân 2006
Đỗ Bình
Sắc màu văn ảnh trong thơ Ðỗ Bình
Lê Mộng Nguyên
Thơ với Ðỗ Bình, cũng như theo nhà văn nữ Pháp Bà De Staël (1766-1817): “...phải là phản ảnh, bằng cách ứng dụng những màu sắc, âm thanh và tiết điệu của tất cả những vẻ đẹp trên thế gian”(La Poésie doit réfléchir par les couleurs, les sons et les rythmes, toutes les beautés de l’universes. Thật đúng như tâm tình tác giả Mùa Xưa Vỗ Cánh trong Dạo Khúc: «Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa…làm hồn tôi say đắm nên đã nặng nợ với tình thơ, để rồi dệt ước mơ viết lên những dòng tâm khúc tặng đời như kiếp tằm nhả tơ».Ta hãy lắng nghe hơi thở như non nước thì thầm của thi nhân trong một đêm « Khi vạn vật đắm chìm trong không gian trầm lắng»:
Dạ khúc mưa khuya sầu trút cạn.
Long lanh giọt nước bóng thời gian.
Mùa xưa vỗ cánh về trăng mộng,
Phố, biển, nhòa theo sóng khuất ngàn!
Mùa Xưa)
Tả tình, tả cảnh, hồi tưởng trong đêm lạnh một dĩ vãng thương đau nay trở về trong chốc lát rồi bị xóa nhòa và biến mất với màu thời gian , thật là quá diễm lệ và đầy ẩn ý... Ðó chính là dấu hiệu rõ ràng của một văn nghệ sĩ có biệt tài. Nhà thơ Ðỗ Bình qua màu sắc diễm ảo của giọt nước muốn níu kéo cái bóng thời gian xin quá khứ hãy ngừng lại, khoan vỗ cánh bay dù rằng thời gian vẫn lặng lẽ trôi và giọt nước đã hòa theo sóng mang đi màu kỷ niệm. Hứng cảm đó tương tự thi hào Pháp Alphonse de Lamartine khi người nhớ lại người yêu Elvire bên hồ Kỷ Niệm ( Le Lac )…Với mục đích mời ta đi sâu vào tâm tư của Mùa Xưa Vỗ Cánh và tìm biết những gì ông muốn nói từ một bức tranh linh động qua muôn tiếng nhạc vàng:
Romance du temps passé
En écoutant la sérénade
Je regarde la pluie de minuit,
ma tristesse dans mon âme enfouie
tout doucement se tarit
Des goutttes d’ eau scintillantes
se dissolvent dans l’ombre du temps
De tendres souvenirs se sont envolés
vers la lune de mes rêves d’antan
Des images des villes et des gens
s’estompent, s’effacent, englouties
et disparues dans la mer cruelle
avec le chant de terre et du ciel.
(bản dịch Pháp ngữ của Lê Mộng Nguyên)
Ðỗ Bình là một nhà thơ biểu hiện (poète expressionniste), như Van Gogh (1853-1890) về mặt hội họa là người tiên khu. Biểu hiện là một hình thức nghệ thuật hội họa, văn thơ hoặc âm nhạc, mà giá trị của miêu tả nằm toàn trong sự biểu lộ tâm tình tận cùng, như một đam mê không bờ bến. Ðỗ Bình đã đẩy cảm xúc lên tận cùng để hòa điệu với cái say của men tình tha nhân:
Thơ thẩn vì đóa hoa thiếu nắng
Khép mi cho lòng đỡ ngất ngây.
Bỗng dưng ta thấy đời im lặng
Như mất nửa hồn theo áng mây!
Nếu lỡ đã say mà quên lối
Thì đành ôm chút mộng hờ thôi.
Tình chỉ là mơ sao bối rối?
Quay đi..hồn vướng mãi nụ cười
(Chỉ Là Mơ)
Một hoài niệm
Em đó ta đây cách khoảng đường,
Muốn gần nhưng ngại…tóc em vương!
Sợ mùi hương cũ làm quên lối,
Về ngẩn ngơ hồn, giấc luyến thương!
(Hương xưa )
Một đam mê vượt thời gian:
Mai ta chết giã từ hành tinh mộng
Khép buồn vui thả vào cõi hư vô.
Dẫu gàn sau hồn lạc lõng phiêu bồng,
Ta vẫn cảm mùi hương em trong gió.
(Nỗi cảm)
Một đam mê không bờ bến
Em thơm ngát toát ra từ da thịt,
Ta chìm sâu trong hơi thở xanh xao!
Mắt nhắm tít trên vòng tay mù mịt,
Môi tìm môi ngôn ngữ lạc phương nào!
Ðất trời nghiêng cháy sém cả trăng sao,
Hương ngây ngất mười ngón tay tình tự,
mười ngón chân khua động lửa tế bào
nghe ấm áp một mùa đông lữ thứ.
(Vòng tay)
Cái say sưa của Ðỗ Bình ở đây, trái lại với Vũ Hoàng Chương: Ta quá say rồi, Sắc ngã màu trôi… Gian Phòng không đứng vững, Có ai hư ảnh sát kề môi. Say đi em ), là biểu thị một tâm hồn tinh khiết của thi nhân.
Thơ Ðỗ Bình ngoài mặt diễn tả cực điểm nỗi lòng mình, còn chứa nhiều hình tượng, nghĩa là chất họa trong thơ, cho nên ta có thể nói rằng tác giả Mùa Xưa Vỗ Cánh không những là một thi sĩ biểu hiện mà còn là một nhà thi họa ấn tượng (poète – peintre impressionniste): Với những nét chấm phá tạo cho ngôn ngữ thơ những hình tượng đượm màu sắc tình yêu man mác, đậm đà, miên man, ông làm người đọc bâng khuâng, nhẹ nhàng rung cảm:
Chiều cuối thu lá vàng rơi khắp lối
Dìu em đi trong vạt nắng xanh xao
Tóc em bay thoảng mùi hương cỏ nội
Tình trao nhau ôi trái cấm ngọt ngào!
(Cõi Tình)
Trời vào thu Paris nắng lên màu,
Như lấp lánh cả Sài Gòn trìu mến.
(Xuân Muộn)
Bóng tàn cây soi xuống cốc nước dừa,
Con đường cũ lá me rơi muôn thuở.
(Hạ Buồn)
Tuyết phất phơ bay ngoài song cửa,
Sương rừng loang sắc bóng chiều đưa.
Tháng tư, rét mướt, đời phiêu bạt…
Xuân đến, hồn ta lộng gió mưa!
(Hững Hờ)
Ta về nghe núi rừng than thở!
Liễu rũ bên hồ dáng xác xơ...
Chiều xuống sương mù giăng bóng nước,
Dốc buồn, nắng nhạt, gót bơ vơ!...
(Cao Nguyên Xứ Lạ)
Liễu rũ trăng nghiêng soi bóng cửa,
Trải dòng suối bạc ngỡ rừng xưa..
(Mộng Thừa)
Những dấu chân sâu trên sóng tuyết,
Mịt mờ quê cũ lẫn vào thơ.
(Tiếng Lòng)
Từ điển Le Petit ROBERT định nghĩa ấn tượng như sau:« Style, manière d’ écrivains, de musiciens qui se proposent de rendre par le langage, les sons les impressions fugitives, les nuances les phus délicates du sentiment» : Bút pháp, cách viết của nhà văn, nhà âm nhạc – nương dựa trên ngôn ngữ và âm thanh - để làm sống lại những cảm giác thoáng qua, những màu sắc linh động tinh tế nhất của tình cảm ).
Cùng theo một ý niệm, những văn ảnh trong thơ hay gợi buồn về quãng đời trong ngục tù cải tạo làm cho người đọc bùi ngùi:
Ðêm ngục sâu nghe lá sầu cóng lạnh,
Thu chưa vàng ta đã cảm nhạt màu!
(Trở Về)
Nhà thơ đã để lại một nửa phần ánh sáng của mình trong sà lim Cộng Sản:
Anh phóng đời qua lỗ khóa con,
Để còn trông thấy bóng trăng non,
Thèm nghe gió thở cùng tâm sự,
Và biết em buồn nhưng sắt son!
(Người Tù Và Bóng Tối)
«Vẫn biết đời chỉ là giấc mộng , nhưng sao hồn tôi vẫn vương vấn màu nắng quê hương »(Dạo Khúc), trong lúc tại kinh thành Ánh Sáng, nơi đất người tạm dung mặc dù cuộc sống đầy đủ vật chất và hạnh phúc gia đình, nhưng tâm hồn nhà thơ luôn cảm thấy «cô quạnh», cái tâm trạng của một người thiếu quê hương, thiếu những người cùng chí hướng:
Nắng vàng loang phố tuyết,
Trăng soi gót tha hương.
Chỉ đôi vầng nhật nguyệt,
Hiểu lòng ta đoạn trường!
(Cô Quạnh)
Tình yêu mẹ hiền chan chứa trong kiếp lưu vong, và mẹ ở đây không những là người mẹ hiền của nhà thơ mà còn là «Mẹ Tổ Quốc»:
Lên đỉnh non ngàn vọng cố hương,
Mắt buồn chĩu nặng mấy làn sương.
Nhìn quanh chẳng thấy trời quê mẹ,
Chỉ có tuyết rơi...dốc đoạn trường!
(Đỉnh Nhớ)
Tôi đã viết nhiều trong «Nhà Văn Hải Ngoại - Tập 1, Paris 2006, trang 30» về Ðỗ Bình, lòng hiếu thảo đi đôi với lòng trung thành của một người cựu sĩ quan QLVNCH với Tổ Quốc. Phải lìa nhà ra đi vì trạng huống, nay có thể trở về thăm mẹ nhưng không muốn vì quê hương vẫn còn bị cưỡng chế bởi độc tài toàn trị!
Ðỗ Bình cũng như phần đông văn nghệ sĩ và chính khách lưu vong, đêm ngày tưởng nhớ gia đình, mơ ước quê hương… « Cảnh đấy người đây luống đoạn trường» như Bà Huyện Thanh Quan thường hay than thở… song đã một lời thề nguyện với tổ quốc, nhà thơ không ngần ngại chờ đợi. Dưới thời Đệ Nhị đế chính Pháp (Second empire français), nhà chính khách đại thi hào Victor Hugo đã để lại tấm gương cho đời vì đã dám từ chối sự ân xá của bạo chúa Nã Phá Luân III (NVHN Tập 1, trang 201 ): “Trung thành với giao ước mà tôi đã ký kết với lương tâm, tôi sẽ chia xẻ đến tận cùng cái kiếp lưu vong của tự do. Ngày nào tự do được phục hồi, ngày ấy tôi sẽ trở lại cố hương”(Quand la liberté rentrera, je rentrerai):
Viễn xứ mây chiều vương dáng mẹ,
Mắt buồn u uẩn mấy hàng tre.
Tuyết rơi tê tái hồn vong quốc,
Mẹ xá cho con tội muộn về!
(Mẹ)
..Mưa đêm hay tiếng ho ngàn dặm ?
Ta bỗng hình dung dáng mẹ nằm,
Hiu hắt nét già thêm rũ rượi,
Quặn lòng! muốn chấp cánh về thăm.
Bến quê sóng đỏ dâng mù lối,
Thôi cũng đành như chiếc lá trôi!
Ngục tối sá gì cơn đói lả,
Mà e người khóc ngất trên đồi!
Cắn môi bật máu còn thơm sữa,
Lạy mẹ con nào khác thuở xưa,
Ngày tháng ngút sầu nên tóc bạc!
Bao xuân quên mất phút giao thừa!
(Paris Ðêm Buồn)
Tình yêu quê hương ngày xưa và tình yêu tha nhân hôm nay; cũng như tình yêu đôi lứa luôn luôn lẫn lộn trong tâm trí Ðỗ Bình thành một mối «Tình Muôn Thuở» mà nhà thơ đã gửi gấm trong quả tim với những lời thơ siêu quần tuyệt tác mà tôi xếp vào hạng những bài thơ hay nhất của Ðỗ Bình. Xin mời bạn đọc cùng thưởng lãm bài Tình Muôn Thuở:
« Em là giọt nắng lung linh
Từ muôn kiếp trước tái sinh kiếp này
Thành hoa tỏa ngát hương say
Ðời thơm dáng lụa ta ngây ngất hồn.
Nhà thơ viết cho người tình cũng là người bạn đời đã cùng ông chia sẻ những vui buồn trong quãng đời gian truân nơi quê nhà năm xưa và viễn xứ hôm nay :
Biển xanh loáng ánh hoàng hôn
Em về gót nhẹ phố xôn xao mừng.
Hồn ta một cõi sầu rưng,
Nhìn thành quách cổ bỗng dưng u hoài!
Bên em quên những tàn phai,
Xót phương trời ấy biết mai có vàng?!
Ôm đàn dạo khúc xuân sang,
Cảm màu hoa úa muộn màng nắng thơ.
Ông viết bài thơ này ở Paris trong lúc bệnh nặng tưởng như không qua được do hậu quả của những năm tù đày. Tâm trạng não nề về quê hương qua hình tượng:
Ðợi xuân tím ngắt nẻo chờ!
Em hong tóc lộng ta hơ nỗi sầu.
Chất lãng mạn và lòng chân thành của nhà thơ trong phút tuyệt vọng vẫn bao la vượt thoát; muốn một khi lìa đời sẽ mang theo mãi hình ảnh đẹp cuộc tình mà không muốn gặp người mình yêu ở bất cứ cõi nào nếu có kiếp sau; vì sợ làm khổ người mình yêu:
Ðừng thương mà hẹn kiếp sau
Thì xin em chớ... gặp nhau cõi nào
Ðể tình thắm giấc chiêm bao
Nghìn năm mộng vẫn dạt dào bóng em.”
(Tình muôn thuở)
Màu sắc hội họa trong thơ Ðỗ Bình ở đây chỉ có thể so sánh được với Francisco de Zurbarán (1598- 1664) trong «L’adolescence de la Vierge » mà họa sĩ Tây Ban Nha sáng tác vào khoảng năm 1660. Tôi nói như thế để thần linh hóa một mối tình muôn thở, bất diệt… Song đối với thi nhân, tất cả chỉ là «những chuyện tình mộng mị, chỉ là chiếc bóng của chuỗi kỷ niệm chưa tan, nhưng mùa xuân đã vút cánh bỏ tôi bay mất!» (Dạo Khúc):
Phố buồn tình vỗ cánh
Lá vàng che mất nhau
Ga chiều sương thu lạnh,
Áo trắng em về đâu?!
(Chỉ yêu cuộc tình )
Hoặc :
Em về bên đó xa xôi
Ðể trăng chiếc bóng bên đồi thở than!
Em theo dấu hạc lên ngàn
Tìm vui quên cội hoa tàn đau thương…
Vỗ cánh)
Ði đôi với bài Tình Muôn Thuở là bài « Mộng Vàng » mà ông tự phổ nhạc….Nhớ lại ngày thứ bảy 03 th.06-2000 tại Viện Ðông Nam Á Paris, nhà thơ Ðỗ Bình (Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam) đã có dịp phân tích lý do tại sao ca khúc tiền chiến «Trăng Mờ Bên Suối» được đánh giá một trong số những ca khúc hay nhất của thế kỷ qua, và vượt thời gian, không gian từ trong nước ra hải ngoại; còn lưu truyền mãi hôm nay: «TMBS sở dĩ được tồn tại với thời gian vì bản nhạc được cả lời lẫn nhạc. Ca từ là một bài thơ. Ðiểm đặc biệt ở đây là anh Lê Mộng Nguyên trước khi trở thành nhạc sĩ và sau này là giáo sư, anh đã làm thơ. Bài thơ TMBS được soạn nhạc do cùng một tác giả chứa tâm hồn thi nhạc soạn ra, do đó anh Lê Mộng Nguyên đã dễ dàng bắt được cái tính nhạc trong thơ mình, vì thế lời thơ ý nhạc hòa nhau chấp cánh. Một bài thơ có thể được nhiều người phổ nhưng duy nhất chỉ có một bài hay nếu người nhạc sĩ nào bắt được cái tính nhạc trong thơ, nếu không, dù cho nhiều người phổ một bài thơ thì cũng chỉ phổ cái thanh bằng trắc; một chất liệu cao độ của nhạc chứa sẵn trong câu trong thơ mà không bắt được cái hồn thơ. Mỗi bài thơ chỉ chứa một tính nhạc và đó cũng chính là hồn bản nhạc» (Nghệ Thuật-Montréal số 77, th. 08-2000, tr.44). Áp dụng những xác nhận trên của Đỗ Bình về TMBS vào Mộng Vàng của tác giả MXVC, để chứng minh sự giao duyên hứng cảm giữa hai thi nhạc sĩ, một hạnh phúc mong manh nhưng trường cửu: hồn thơ và ý nhạc ở đây hòa hợp trong một tán dương ca vạn vật, tình yêu và ly biệt:
Thời gian lặng trôi bao giấc mộng vàng! Người đi sầu vương ngày tháng.
Đồi tím biết có còn ươm giấc mơ?
Nhìn trăng ta nhớ mảnh hồn thơ.
Ngày xưa cùng em bắt bướm bên đồi,
Chờ nhau nhiều khi hờn dỗi!
Tình đó bỗng hóa thành mây lãng du,
Và em quên ước hẹn ngàn thu!
Lê Mộng Nguyên (Paris)
___________
* Nhạc Sĩ, Viện Sĩ Hàn Lâm Pháp Quốc Khoa Học Hải Ngoại, Gs Tiến Sĩ Quốc Gia Chính Trị Học, Nguyên Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Paris.Tác gỉa nhiều sách biên khảo Pháp, Việt.
Mùa xuân trong tâm thức
Vầng trăng tính thể quê hương
Nguyễn Thùy*
Nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết về 'Thơ Đỗ Bình': Thụy Khuê, Tô Vũ, Nguyễn Bá Hậu, Minh Châu, Lê Mộng Nguyên, Phù Vân, Diên Nghị, Hồ Trường An... Mọi khía cạnh tâm hồn cùng mọi cái 'hay', 'đẹp' nơi 'Thơ Đỗ Bình' đã được nêu ra rõ ràng. Nơi đây, tôi không 'dàn trải' thơ Đỗ Bình về nhiều mặt mà chỉ xin đề cập đến một điểm duy nhất, theo tôi, đấy là 'Hình tượng mùa Xuân' cùng 'sắc màu Triết lý'
“Nếu thật hồn quê không còn nữa
Xuân về cũng chỉ nụ hương thừa.
Dù hoa có rộ vàng lối ngõ
Thì vẫn đâu là hoa năm xưa!...”
(Hồn Quê)
Bốn câu, lời thơ trong lời nhạc. Toàn thể bài thơ là bản nhạc mênh mang hoài niệm 'Xuân qua' trước thực cảnh 'Xuân đang về'. Buông mình theo lời thơ, ru mình theo lời nhạc, ta thấy như lơ lửng, triền miên trong một luyến thương, tưởng nhớ không nguôi, trong một niềm đau thoang thoảng, rứt ray, giăng mắc không rời. Mùa Xuân nào đã qua mà hàng hàng mùa Xuân kế tiếp không thể làm phai mờ hương sắc cũ ? Xuân nầy, Xuân nữa và Xuân Xuân nữa vẫn chỉ là 'nụ hương thừa', vẫn chỉ là hư ảnh gợi lên ngậm ngùi, tê tái chứ không giúp 'sống' lại được nét màu tươi sáng buổi Xuân xưa. 'Xuân xưa', Xuân nào? Một biến cố trọng đại, một tan vỡ đau thương, một chia lìa thảm não, một may rủi quá lớn lao, một hạnh ngộ kỳ lạ trong vô thường, một hạnh phúc vô biên,một cuộc tình,một người tình trác tuyệt ;tất cả phải thế chăng?để như muôn đời không thể một lần,một lần thấy lại ? Ta có thể nghĩ đến Mùa Xuân 1975:
“Tháng tư rét mướt đời phiêu bạt
Xuân đến hồn ta lộng gió mưa!
(Hững hờ)”
Không hẳn thế. Nếu chỉ là hình ảnh 'Xuân 1975' thì hẳn nhiên lời thơ sẽ đắng cay,trầm thống chứ đâu có thể mỗi mùa Xuân sau lại là 'nụ hương thừa', và hoa Xuân bây giờ 'đâu là hoa năm xưa'. Nếu là mùa Xuân tang tóc đó của cả Đất nước Quê hương thì lời thơ khó thể có 'tính nhạc' lửng lơ, dìu dặt, trầm buồn, bảng lảng, chơi vơi và không mang chở nhiều sắc màu triết lý ẩn hiện bàng bạc qua lời thơ.Vậy 'mùa Xuân' nào?
Mùa Xuân xưa cũ đó, nơi đây, chính là 'mùa Xuân trong tâm thức' mà Đỗ Bình hầu như đã cảm nghiệm mơ hồ, nơi mình, lâu rồi ngay trong thời đang binh lửa. Mùa Xuân 75 làm dậy dàng nhức nhối, buồn đau nơi tất cả mọi người yêu nước. Nhà Thơ đã mượn sắc màu Xuân thiên để diễn tả hình ảnh 'mùa Xuân trong tâm thức', nghệ thuật bài thơ nằm ở đấy. 'Mùa Xuân trong tâm thức' nầy luôn đeo đưổi, ám ảnh, mời gọi, đồng thời cũng luôn thôi thúc gọi mời nghệ sĩ, phần nào có thể xem tương tự như hình ảnh Thượng Đế nơi một tín đồ tôn giáo thuần thành :'Thượng Đế luôn được mời gọi, luôn luôn gọi mời như tiếng đập âm thầm của nhịp máu chúng ta' (1). 'Mùa Xuân trong tâm thức' nầy mà nguồn thơ có khởi đi từ biến cố 1975 nơi hầu hết thơ ca người Việt hải ngoại vọng tưởng về Đất nước, Quê hương thì nơi Thơ Đỗ Bình hầu như không đơn thuần là một 'thực thể vật lý', một 'sự kiện lịch sử' mà mang chở những gì xa xôi hơn, cao rộng hơn, hoằng viễn hơn, viễn mơ hơn :
“...vẫn tưởng quê hương
là con sông,
nắm đất, bờ ao, núi thẳm
có đâu ngờ
nguồn gốc cũng xa xăm !...”
(mộng và thực)
Suốt quãng đời lính chiến phong sương, gian khổ; suốt tháng năm dài mỏi mòn trong ngục tù cải tạo; suốt thời gian lạnh gót tha hương nơi xứ người, không lúc nào Đỗ Bình xa rời nỗi 'hình tượng mùa Xuân' nầy. Và dù là thơ nói về đất nước, về mẹ, về người yêu, về vợ, về bạn, về trăng gió, núi mây... 'hình tượng mùa Xuân' đó vẫn lãng đãng tiềm phục để bất ngờ xuất hiện nơi đôi dòng, đôi câu nào đó. Và 'Em', người 'Em' quái ác (!) luôn quanh quẩn bên nhà thơ, nhập vào nhà thơ như một 'yêu nữ', như một 'tiên nương' dù tác giả đề cập đến vợ hay một người tình có thực:
“ta muốn thoát buồn xưa nhưng mù nẻo,
quên thời gian, quên giấc mộng xanh xao!
về bên em say nắng ngủ lưng đèo
nghe chim hót chiều thơm hương dã thảo;
ta gục ngã trong vùng mê huyền ảo
buông vòng tay hồn rớt xuống vực sâu!
lối xưa mất dấu vào, nghìn năm sau,
ta hóa đá đợi thuyền em ghế bến.”
(bến đậu)
'Em' là ai? 'Em' có là 'kỳ nữ' của Đinh Hùng hay 'em liêu trai' của thần thoại lúc nào cũng cách xa ta một tầm tay với? 'Em' chính là cái 'Mùa Xuân Tính thể' của Quê Hương và của lòng người. Người 'Em' đó, đã không 'bắt' dược mà còn chới với ngã vào vực sâu cho 'hồn xưa hóa đá' (cùng một lối về) thâu đêm đợi chờ, triền miên trong thời gian hầu như giờ đây không có thật:
“Ðó, đây, xuân cũng vầng mây lụa
vẫn nụ mai vàng thoảng nét xưa
ngày tháng hình như không có thật?
nên ta hờ hững phút giao thừa!”
(hững hờ)
'Em', người tình thiên thu, càng nhớ càng đau, đau mà vẫn nhớ. 'Em', một hoài vọng' thôi mà sao lúc nào cũng 'hiện thực', cũng lung linh trước mặt, trong lòng để nhà thơ quặn đau rêm nhức không nguôi .
Vâng, hình ảnh người 'Em' đó lãng đãng nơi tâm thức Đỗ Bình giữa đau buồn bức bách của lịch sử đã khiến 'nguồn gốc cũng xa xăm' để nhà thơ luôn hoài vọng trở về như 'lá vàng về với lá cây xanh', để 'lòng ta trở lại với lòng mình' (Nguyên Sa). Hồn thơ mang chở cái tâm thức 'trở về' đó của Đỗ Bình:
“Ngỡ ngàng sỏi đá gượng cười
đau như hạt vỡ, nhớ người thiên thu !”
(kỷ niệm)
“Em hiện về đây như ước mơ
ôi loài yêu nữ của mong chờ
sao em im lặng nhìn ta thế
chẳng lẽ tìm nhau lại hững hờ !”
...........
Em dẫu cùng ta rẽ lối về
sao hồn ta vẫn mãi đam mê
cho dòng nhung nhớ thành khô héo
để khối tình vương buổi hẹn thề !”
(yêu nữ)
Tự tạo cho mình một hình tượng, một mối tình, gắn chặt mình vào đó, như một lời thề nguyền để chẳng bao giờ quên, để luôn luôn khắc khoải vì lời thề không trọn vẹn và dùng đấy làm mực thước đo ra hạnh phúc đời mình, hạnh phúc chung của cả thế gian. Ai đã gần Đỗ Bình, đã từng nghe anh trò chuyện, đã nghe anh tranh luận những vấn đề liên quan đến Văn hóa, Chính trị và Con Người, hẳn nhận ra 'nét buồn u ẩn', sầu kín, xa xôi nơi ánh mắt, nơi làn môi, nơi thái độ dù có hăng say nhưng vẫn thoáng chút nặng nề, mệt mõi, buông lơi. Tôi quen Đỗ Bình khá trễ tràng và cũng chưa nhiều lần tiếp xúc nhưng qua cách nói, giọng nói của anh về những điều trên, tôi nhận ra đôi nét 'khác thường' nơi con người nầy. Tia lửa vẫn loang loáng hiện lên nơi màu mắt đục; hào khí vẫn sáng trên gương mặt phong trần; khí tiết can cường vẫn trải ra nơi giọng nói có khàn đi vì bao gian khổ và một nỗi buồn quanh quẩn gần xa, khép mở đêm ngày. Nơi anh, 'người lính, người dân, người chiến sĩ và người nghệ sĩ lãng mạn' lúc nào cũng như 'gắn bó', quấn quýt trong nhau dù trước đây trong chiến trận hay bây giờ lưu lạc nơi quê người. Bốn tính chất nầy đã tạo nên 'chất thơ' diễn đạt cái 'hình tượng mùa Xuân Tổ Quốc, Quê Hương với nụ hương tình, với màu hoa năm xưa' lãng đãng bao quanh để anh thẫn thờ trước bao cái 'chết' :
Cái chết của đồng đội, chiến binh :
“ Chiến hào cỏ biếc vây quanh,
tội cây cầu gảy cũng thành hồn oan”
(chứng tích)
Cái héo úa của một người tình trong tâm tưởng :
“Em xõa tóc nghiêng vai gầy mời gọi,
ta đắm hồn vào mộng tưởng xa khơi
làm cánh chim xiêu bạt khắp phương trời
em héo úa mang tình yêu vòi vọi!”
(sau mùa chinh chiến)
Cái 'chết' vì mòn mỏi của người tù phóng hồn qua lổ khóa, để được sống chút 'tự do' của mảnh trăng non tình tự nhắc nhở lòng em sắt son dù cả hai - em và anh - đang héo rủ, hao mòn, ôi em: người vợ, người tình, người khắc khoải tự do.
“ Anh phóng hồn qua lổ khóa con
để còn trông thấy bóng trăng non
thèm nghe gió thở cùng tâm sự !
và biết em buồn nhưng sắt son !
...........
Anh vẫn ngồi đây tim héo hon
đợi ngày tháng úa giết hao mòn
chờ con mắt lạc sâu đêm tối
là lúc côn trùng réo nỉ non...»
(người tù và bóng tối)
Cái 'hình tượng mùa Xuân trong tâm thức' nơi anh đã 'nuôi' anh trong một 'nỗi buồn dài' nhưng luôn luôn lại là 'động lực' để đưa anh đến một 'niềm tin' qua bao muộn phiền, dù có phải 'đường dài ôm mãi cô miên' thì vẫn không thể nào quên 'vừng trăng dĩ vãng', vẫn hướng về tìm lại mùi hương thuở nào qua từng cơn tháng ngày xế bóng.
Trăng', hình ảnh ta bắt gặp nhiều lần nơi thơ Đỗ Bình, là 'biểu tượng của tự do' (Thụy Khuê, đài R.F.I. ngày 25/05/94):
«Anh phóng hồn qua lổ khóa con
để còn trông thấy bóng trăng non
(người tù và bóng tối)
-ai nỡ xô trăng xuống vũng lầy
bẽ bàng trăng thẹn với cỏ cây
thích trăng ta đợi bên bờ suối
tát nước tìm trăng khuất bóng mây !
(xót trăng)
-thà như sợi tóc về mây trắng
ta vẫn thèm say tát ánh trăng
sợ thế nước nghiêng thành sóng vỡ
quê hương trôi mãi tận cung hằng !»
(sóng vỡ)
« Em về dệt mộng chiêm bao
hồn xưa hóa đá thuở nào đợi trăng. »
(cũng một lối về)
Nhà phê bình văn học Thụy Khuê viết thêm: 'Trăng hôm nay đi vắng và tự do còn là ảo mộng. Đối với Đỗ Bình, tự do đã là trăng, nàng thơ bất diệt, không ồn ào và không có bàn tay nào đọa đày nỗi. Người tát nước tìm trăng ấy chắc rồi sẽ tát cạn bể đông để tìm thấy vừng trăng lưu lạc một mình...của mình...' (R.F.I. dẫn trên). Đúng, nhưng không riêng 'của mình', không riêng của Đỗ Bình mà chung cho tất cả. Trăng của Tự Do, Trăng của Tình Tự, Trăng của Lý tưởng, Trăng của Thơ, của Mơ, của Mộng, Trăng 'kẻ bằng gia' (ami de la maison) của con người (2).Trăng trên trời là 'tính thể', trăng trong nước là 'nhập thế hiện sinh'. Trăng trên trời chỉ một, trăng dưới nước muôn vàn. Tùy theo hiện hữu mà trăng thế nầy thế nọ : nước đục trăng lu, nước trong trắng sáng. Tác động của con người -của nhà thơ, nói riêng- là 'tát vơi dòng nước đục' (cõi hiện hữu ê chề) để 'trăng trong nước cũng là trăng trên trời'. Đỗ Bình đến với Trăng trong ý đó. Ôi, em, hỡi em ! Em có nhận ra màu trăng muôn đời nguyên thể với 'cái nhìn' tinh tuyền buổi đó hay nhìn trăng qua làn mắt đục bây giờ, qua thăng trầm dâu biển, qua cảnh thế đa đoan do tình người đã cạn, do lòng người trí trá, gian ngoan?
“Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không ?”
(Bùi Giáng)
Trăng bao giờ cũng là trăng, xưa hay nay vẫn thế, khác nhau do cái 'nhìn', do 'cách thế sống' của con người. Đỗ Bình hướng đến màu trăng đó, nuôi màu trăng đó trong tâm tưởng, hồi phục màu trăng đó cho 'Quê Hương'. Nhưng 'màu trăng' đó không biết bao giờ 'về' nên nhà thơ cảm thấy 'hồn mình như hóa đá' trong đợi chờ khắc khoải triền miên. Đỗ Bình đau buồn trước cái nhìn nhân thế lâu nay dù 'qua cơn mê vẫn bước mù lòa' (mộng và thực) đã khiến trăng không còn được nhìn qua sắc màu nguyên thủy, tinh tuyền. Chiến tranh, hận thù, bạo tàn, danh lợi, quyền uy, tiếng tăm, lạc thú,...đã khiến trăng không còn là trăng trong sáng, dịu dàng, ân ái, đêm đêm 'đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn' (Xuân Diệu). Trăng chỉ còn là 'chiếc bóng' và Tổ Quốc Quê Hương cũng trở thành 'chiếc bóng', cái 'Bóng Quê' lãng đãng đêm ngày vì 'nguồn gốc cũng xa xăm'. Thi Ðây là tiếng lòng lãng đãng u sầu về hình ảnh Tổ Quốc Quê Hương không còn lung linh rạng rỡ nguyên màu để chỉ còn là kỷ niệm âm thầm, da diết trong tim nơi quê người, hồn đau theo lá úa. Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật đã đồng cảm với Đỗ Bình:
“Có một tình yêu như yêu nước
chết mang theo, sống để trong lòng
anh không nhìn nó bằng con mắt
mà cả tâm hồn, em biết không ?”
(Nguyễn Hữu Nhật đọc bản thảo thơ Đỗ Bình)
Thơ Đỗ Bình 'lời buồn' nhưng 'tiếng vui'. Có để ý đến cái 'mùa Xuân trong tâm thức' như đã nói, ta mới nhận ra cái 'Tiếng Vui' nơi thi tập. 'Lời' là lời thơ, lời nhạc, chữ và câu, vần và điệu. 'Tiếng' đây là 'Tiếng gọi, lời mời' của 'hình tượng' âm ỉ đêm ngày trong tâm thức . Lời thi sĩ, đúng là thi sĩ, là lời buồn nhưng ẩn chứa niềm vui. Cái niềm vui thông tuệ, lẩn khuất, mập mờ mà mặt ngoài trông ra tiêu điều, thiểu não. M.Heidegger gọi là Das Kuinzige (3). Không đọc ra được 'tiếng vui' đó trong lời 'thơ buồn' thì thi sĩ thường chỉ ru ta vào những buồn đau, bi lụy. Thi sĩ, qua tác phẩm mình, tuy khởi đi từ mình (cảm nghiệm về thân phận mình) nhưng là hướng đến tất cả, trao gởi đến tất cả (tha nhân và cuộc đời nói chung) ; mỗi bài thơ thường là một 'thông điệp buồn' (vì cuộc sống, cuộc đời vốn khổ -đau buồn là 'chất' của thơ) nhưng đọc ra 'tiếng vui' ẩn náu trong cái 'thông điệp buồn' kia, ta sẽ nhận ra ý tình nhà thơ muốn chia xẻ cùng ta 'nỗi buồn tại thế' không nguôi để cùng ta hướng đến những sắc màu hiện hữu trong sáng, tươi vui, thanh tân, thánh thiện ngay giữa thế gian nầy. Chức năng của thi sĩ không phải chỉ nhằm phản ảnh, miêu tả hiện thực hoặc giải bày tâm sự riêng tây mà chính là biến 'ngoại cảnh' thành 'tâm cảnh', một 'tâm cảnh' thơ mộng, sáng lạng, tươi vui nằm sâu trong tâm thức hầu báo biểu cái 'sẽ đến' tốt đẹp vượt qua những đau buồn bức bách của lịch sử. Do đó, thi sĩ phần nào có thể được xem là kẻ 'thấu thị', là người hướng đạo, chỉ dẫn bước ta đi, cái ta tìm, chỗ ta dừng, nơi ta đến (xin nghiền ngẫm suy tư 'Đoạn trường tân thanh' để dễ thấy điều nầy). Xin mượn bài 'sau mùa chinh chiến' (bài thơ viết cho vợ) để phần nào chứng minh điều vừa nói :“Em xõa tóc nghiêng vai gầy mời gọi
ta đắm hồn vào mộng tưởng xa khơi...
làm cánh chim phiêu bạt khắp phương trời
em héo úa mang tình yêu vòi vọi !
.......
hai mươi năm biết em buồn ngóng đợi,
mà hồn ta chỉ là áng mây trôi !
vẫn mơ em màu ánh mắt tuyệt vời
như tha thiết ngày về trong nắng mới...»
(sau mùa chinh chiến)
'Em', cái hình tượng đẹp đẽ kia, nằm sâu trong tâm tưởng luôn ngóng đợi ta về, để cả hai -Em và ta- 'hội ngộ, trùng phùng, hòa nhập' hầu cùng sống trọn vẹn trong một 'toàn mỹ, toàn chân'. Tôi xin phép bạn đọc được đi xa hơn chút khi liên tưởng đến 'người vợ ẩn nhiệm' theo nhà văn nữ người Pháp Annick de Souzenelle trong tác phẩm 'Le féminin de l'être'.Theo nhà văn nữ nầy, 'Em', hình ảnh người nữ -Ishah (tiếng Do Thái)- là 'hình ảnh bên trong', là cái 'phần bị che giấu' (côté voilé) cái 'phần chưa hoàn thành' (coté inaccompli) cái 'phương diện thứ hai', cái 'phương diện khác' (l'autre côté) nơi Adam -Ish (tiếng Do Thái). Cả hai phương diện nói lên cái 'lưỡng diện của bản chất người' (la double nature de l'homme). Khi không kết hợp cả hai phương diện thì con người -Adam, Ish- là thân phận lưu đày (en exil), một trạng thái sa đọa, gảy đổ (chute). Kết hợp được cả hai, con người mới là một 'tổng thể hoàn thiện' (4). Dĩ nhiên, Đỗ Bình không để ý, không dụng tâm đem cái 'triết lý' nầy vào thơ. Nhưng ý tình và lời thơ nơi bài nầy cũng như trong toàn bộ tập thơ cho ta hình dung mơ màng cái 'triết lý' đó qua thơ . Triết lý vào thơ qua ngọn bút, qua xúc cảm mà nhà thơ nào có biết, có hay. 'Ta' (nhà thơ) đang phải là cánh chim phiêu bạt, đang phải là áng mây trôi nhưng vẫn mơ về Em, vẫn thiết tha đợi mong 'ngày về trong nắng mới' để 'Em' -người Em tình tự, người 'vợ ẩn nhiệm' bên trong mình được gởi trao qua chính người vợ đang cùng sống với mình- không còn phải tháng ngày mòn mõi đợi trông.Ngày đó, Em và anh sẽ cùng trong một thể điệu hài hòa, trong một 'tổng thể toàn mỹ, toàn chân'. Ngày đó, Quê Hương không còn là'bóng quê' nữa mà trở thành hiện thực, 'mùa Xuân Tổ Quốc' sẽ không là 'nụ hương thừa' và hoa Xuân sẽ lại là 'hoa năm xưa'. Ngày đó, cái 'hình tượng Mùa Xuân' nơi Đỗ Bình không còn là hình ảnh mơ màng trong tâm thức mà sáng lạng trải dài trên Đất Mẹ Quê Cha, mùa Xuân tươi đẹp của thiên nhiên cũng là mùa Xuân của lòng người lộng lẫy .
Thơ Đỗ Bình hầu như lúc nào cũng vương vương sắc màu triết lý. Nhà thơ không là nhà triết lý nhưng đã 'sống' triết lý qua thơ. Triết lý trong thơ không là những lý luận đưa ta vào suy tư, biện bác mà là thứ triết lý của 'nòi tình' mênh mang ru ta vào 'cảm nghiệm' qua hình ảnh, văn ảnh , qua 'tính nhạc' của lời thơ theo cảm xúc dạt dào của 'hồn thơ' trước từng đối tượng bên ngoài hay ngay trong lòng mình.
«Soi gương giận chẳng thấy mình
đem treo xó bếp, bỗng hình hiện ra...
hoảng hồn tưởng gặp bóng ma !
sáng đèn mới tỏ chính ta dọa mình !»
(soi gương)
Sách nhà Phật thường nhắc thí dụ 'thấy chiếc giây cong queo trên nền đất đêm mờ mà ngỡ là con rắn' , thì nơi bài thơ nầy cũng thế. Ta thường ít nhìn ra ta trong cái 'tự thân, tự thể' của ta mà chỉ nhìn qua cái 'tấm thân phàm ngã' do từ 'tham, sân, si', do từ 'tư dục và ái hữu' nên nhiều lúc không rõ ta thực sự là thế nào, không hiểu ra 'ta là ai' và thấy gớm ghiếc, ghê sợ chính ta. Ta luôn sống trong 'cái tôi riêng bé nhỏ' (le petit moi) mà không sống với cái 'tôi chính mình' (le soi-même) có nghĩa là cái Tâm, cái 'Tự Tánh' nơi ta. Hai 'từ' cần để ý trong đoạn thơ nầy là 'mình' và 'ta'. 'Mình' là cái tự tánh, tự thể, cái 'con người thật', cái 'soi-même' ; 'Ta' là cái 'phàm ngã', cái 'ngã tướng', cái 'le moi'. Chính cái 'ta' đã làm điêu đứng cái 'mình'. Phải đợi có ánh sáng mới nhìn ra chiếc giây chứ không là con rắn (thí dụ trên) ; nơi đây, phải 'sáng đèn' (ánh sáng của Tâm), ta mới nhìn ra cái 'thân tự tánh' và cái 'thân phàm ngã' tương khắc, tương xung, tương dung, tương tại ra sao. Đi vào 'triết lý' thường luộm thuộm, lê thê. Thực ra, Đỗ Bình chẳng đem quan điểm nhà Phật vào đây nhưng 'triết lý, đạo học' đã vào trong thơ. Cảm xúc lên lời tự nhiên rồi 'triết lý' ẩn ngay nơi lời thơ mà nhà thơ đôi khi không ngờ, không biết. Đọc đoạn thơ, chắc không ai không thấy 'ngồ ngộ' sao sao ấy và từ đó trầm tư, tra vấn lại mình.
«Tay chinh chiến xưa lừng danh bắc đẩu
đời ly hương, mười ngón mãi giành nhau
mai ta chết thịt xương nầy rã hết
về bên kia chắc....có ngón cụt đầu !»
(bàn tay)
Bài thơ không khó hiểu nhưng nghe ra 'thấm' màu triết lý nhất là hai câu sau. Đời là phù du nhưng con người mãi giành giựt nhau mọi thứ 'ảo ảnh' : địa vị, quyền uy, danh vọng,...; lúc về 'thế giới bên kia', lắm kẻ đã phải 'cụt đầu', 'cụt đầu' vì 'bàn tay năm ngón', có ngón đã bị 'cụt' do đấu tranh giành giựt nhau trên dương thế hoặc tên tuổi không còn được trọng vọng nhắc nhở nơi lịch sử thế gian. Bài thơ, theo tôi, hầu như còn bóng gió nói đến một 'hiện thực' có tính cách thời sự. 'Mười ngón mãi giành nhau', giành nhau cái 'danh xưng, địa vị, tiếng tăm',....'Về bên kia', nơi đây không hẳn về với 'nước Trời' hay 'âm ty, địa ngục' mà là 'về với đất nước, quê hương'. 'Có ngón cụt đầu' có nghĩa có kẻ nào đó 'Tổ Quốc không thuận tình, Non Sông không thuận hảo, Quê Hương không thuận nhận' vì bao trái ngang , gàn dở 'mãi giành nhau' trong suốt thời gian lưu cư nơi đất khách. Bài thơ gián tiếp nhắn gởi tâm tình. Bàn tay năm ngón, dài ngắn, to nhỏ khác nhau, công dụng từng ngón khác nhau. Riêng từng ngón (từng người), kết quả lớn chẳng thể thành nhưng một ngón bị gảy, cả bàn tay thành tàn phế ; công việc sẽ thiếu một vai trò, một sức mạnh cần thiết đóng góp cho công trình chung thành tựu. Phải kết hợp cả năm ngón thành bàn tay, phải kết hợp từng người lại với nhau để tạo thành một khối đồng hợp mạnh hùng. Không dễ gì dùng hình ảnh 'bàn tay' để kín đáo nói đến một hiện thực có tính cách 'thời sự' -mà cũng là cái 'lẽ chung' trong thiên hạ- bàng bạc sắc màu triết lý.
Cái 'triết lý' nơi đây là nỗi lòng tác giả, là niềm bi thương của người thơ trước mọi thứ chữ nghĩa chỉ nói về sự việc mà chẳng chút lưu ý đến tình người.
«Cứ khom lưng mau vươn thân em ạ!
đời lõa lồ, chữ nghĩa cũng banh da.
toát hương môi cho vần thơ đỡ nhạt...
bờ vinh quang....cong chút nữa lấy đà !»
(bờ...lau lách)
Cả bài thơ là một 'triết lý' về cảnh thế nhân sinh, là 'cái nhìn' về con người và xã hội bất kỳ nơi đâu. Cái 'văn ảnh' nơi toàn bài thơ (bờ...lau lách) được diễn tả sinh động qua bao biện pháp 'nhân hóa, ẩn dụ' (khom lưng, vươn thân, đời lõa lồ, chữ nghĩa banh da, cong chút nữa lấy đà) không chỉ nói lên cái 'thực chất' của tâm lý con người mà của cả xã hội bon chen tiền tài, danh lợi,.. ; muốn tiến thân, muốn 'vinh quang' phải ráng quỵ lụy cúi đầu, phải 'lấy đà' bằng cách 'cong lưng' như lau lách. Tất cả, nhìn chung, không khác gì 'bờ lau lách'. Dấu 'ba chấm' nơi nhan đề bài thơ ngầm nói lên ý tình gì của tác giả : một ngần ngại, một mỉa mai, một chua xót, ngậm ngùi về nhân tình, thế sự ?
Triết lý đã vào thơ qua một ngõ ngách u tàng mà người thơ không hề lưu ý.
«Bóng quê hiện tách rượu đào
nhấp môi tưởng ấm nhưng sao ngút sầu
nhoáng men, thấy xác thuyền nâu
mục thành rong biển, lắng sâu cõi đời.»
(ảo giác)
Cứ ngỡ 'bóng quê' hiện về nơi tách rượu, nhưng, than ôi ! Hương rượu vào môi không đem nồng ấm mà chỉ dâng sầu lên cao vút, ngút ngàn. Quê hương qua hình ảnh hoán dụ (thuyền nâu, rong biển) hiện về qua một trang sử bi thương. Những cánh thuyền vượt biển nhỏ bé, mong manh đã mục thành rong biển, lặn chìm vào đáy đại dương vùi sâu hàng vạn cảnh đời chỉ mong một mong ước nhỏ : 'tự do'. Bốn câu thôi, vừa là tâm trạng vừa là một trang lịch sử đau thương của Quê hương, Dân tộc.
«Tưởng thoát nước
tìm nhau
làm mây viễn du,
nào hay tình xưa
chỉ là cơn mưa lũ !
giạt xuống đời
thành sóng lênh đênh,
........
vẫn tưởng quê hương
là con sông,
nắm đất, bờ ao, núi thẳm,
có đâu ngờ
nguồn gốc cũng xa xăm !
những tưởng bóng đêm
chỉ của bầy kên kên
và rác rưởi
nhưng trong vực sâu
sao vẫn thắm tình người ?
những tưởng chiến tranh,
ngục tù
là niềm đau khó xóa ?
nhưng qua cơn mê...
người vẫn bước mù loà !”
(mộng và thực)
Cái gì là mộng? Cái gì là thực? 'Chiến tranh, ngục tù, vực sâu, kên kên, rác rưởi, bóng đêm, mưa lũ, sóng lênh đênh', những cái có thực, vâng, chúng có thực nhưng sau chúng và qua chúng, có cái gì 'thực' hơn chúng, cái thực trường tồn, vĩnh cửu; đấy là cái 'nguồn gốc', cái 'tình người' hằng có dù trong chiến tranh, trong tù ngục, dù nơi vực sâu, nơi bóng đêm, giữa dòng gió sóng lênh đênh. Cái 'thực rất thực' nầy thường bị xem như là 'mộng', nhưng dù có cho là 'mộng' thì cũng sẽ trở thành 'thực' vì vốn đã là 'thực' rồi, miễn là...ta biết 'tỉnh thức', biết vượt qua cơn mê, biết vượt qua những 'bước mù lòa' ngay giữa lòng những cái 'thực' đương tại, đương thời.
-“Bức tranh cổ nửa đời say đắm
có thuở vàng son lắm khách thăm
một sáng tình cờ lau lớp bụi
mới hay mối đục mảnh trăng rằm !”
(chấm phá)
Lớp bụi thời gian hay 'lớp bụi do chính mình' gây ra do từ những tính toán tranh giành (xem bài 'bàn tay') đã khiến 'thuở vàng son' từng được hâm mộ nay bị tẩy xóa trắng trơn. Bài thơ ngắn nhưng là cả một 'văn ảnh' (5) lung linh ẩn dụ (bức tranh cổ, lớp bụi, mọt đục, trăng rằm) phản ảnh cái triết lý 'chính tự ta phá hủy đời mình'. Bao nhiêu bài thơ khác trong thi tập cũng cùng một thể điệu ngữ ngôn như thế, luôn luôn tâm sự đau buồn nhưng cũng luôn luôn vọng về, nhớ lại để thiết lập 'mùa Xuân đất nước huy hoàng' qua những nhắn nhủ, gởi trao đầm ấm :
“Cơn gió chướng cuốn anh đi muôn nẻo
xa trường xưa rời kỷ niệm thân thương
cốc dừa tươi mà hai đứa vẫn nhường...
còn len lén...ngất ngây dòng tâm tưởng...”
(hạ buồn)
Còn nhiều, nhiều nữa nhưng xin dừng cái 'triết lý bùi ngùi tâm sự' trên để đề cập đến ít nhiều cái 'triết lý thơ mộng' hơn.
“Mây lững lờ ngang núi
Gió thổi vướng thông già
Phất phơ thành giải lụa
Ngàn năm lại nở hoa.”
(nợ trần)
'Mây, núi, gió, thông, lụa, hoa', 'lững lờ, thổi vướng, phất phơ, ngàn năm lại nở', những từ, những hình ảnh nên thơ, thi vị, bàng bạc một thứ 'triết lý mông lung, mênh mang, gần xa thoang thoảng'. 'Mây, gió', những thứ vốn 'không', (không hiện hữu), 'không hình tướng' đã trở thành 'hình tướng (trở nên hiện hữu) do từ nước bốc hơi, do từ không khí áp suất đổi thay, tăng giảm. Gió đưa mây và mây theo gió phiêu du, rong chơi nơi bầu trời lồng lộng. Gió 'tạt' mây vào núi, vào thông để mây vướng mắc rồi mây thành giải lụa phất phơ và núi rừng nở hoa rung rinh trong gió; cả hai (gió, mây) 'đùa nhau' để bầu trời thêm đẹp. Núi nghĩ mình cao nhưng nào cao hơn thông vì thông sừng sững nơi đâu núi đó ; thông ngỡ mình 'già' nhưng đâu thể già hơn tuổi núi kia. Thật ra, núi, thông không phân biệt 'thấp cao, già trẻ, lớn bé, nhỏ to'; cả hai đều 'an nhiên' như vậy. Mây có vướng núi, núi mới nên thơ; gió có đưa mây vướng thông, mây mới thành giải lụa bềnh bồng và thông kia thêm phần thơ mộng. Để rồi tất cả 'nở hoa', ngàn năm như thế. Gió mây là 'hoa' (vẻ đẹp) trên trời ; núi thông là 'hoa' trên đất . Đất trời hòa hợp trong cùng vẻ đẹp thiên thu. Cái 'đẹp' trường tồn dù thời gian không phản hồi, không trở lại (irréversible). Thời gian không tuần hoàn nhưng vạn vật tuần hoàn. 'Tuế hành na khả truy, nhân hành na khả phục' (6). Vạn hữu tuần hoàn để cuộc sống, cuộc đời luôn đẹp, luôn vui dù có phải tái tê qua bao biến thiên, tang hải của lịch sử thế gian. Cũng thế, mùa Xuân đất trời luôn đẹp ; mùa Xuân nơi lòng người nhiều khi hiu hắt, buồn đau chỉ vì con người đã tự mình 'đánh mất' màu Xuân nguyên thể, đã tự dìm mình vào 'biển máu' của thù hận, hờn căm, của tranh giành, chiếm đoạt, của phân biệt thị phi, để khiến 'con chữ phải cau mày', để nhìn 'vừng trăng không trong nguyên màu tính thể'. Đấy là thứ 'triết lý' trong thơ Đỗ Bình, qua bốn câu, cho ta thấy cái 'đẹp' trường tồn của những gì cao quí, thiêng liêng (nguồn gốc, tình người, tự do, nhân quyền, nhân phẩm) mãi mãi trường tồn, dù có bị con người đánh mất hay cố quên thì cũng sẽ trở lại, trở về, miễn là 'đời phù du! xin giữ chút tình nồng' (cõi tình). Và đấy là cái 'đẹp' của 'mùa Xuân trong tâm thức' Đỗ Bình.
Cái 'đẹp' trong tình tự và trong sắc màu triết lý nơi thơ Đỗ Bình được thể hiện qua bao hình ảnh cô đọng, qua bao biện pháp tu từ sinh động. Đỗ Bình không chỉ làm thơ mà còn thiên về Hội Họa và Âm Nhạc. Trường phái 'ấn tượng' trong Hội họa đã giúp Đỗ Bình tạo ra vô số hình ảnh lung linh qua những biện pháp 'nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ' trong thơ. 'Sợ thế nước nghiêng thành sóng vỡ, quê hương trôi mãi tận cung hằng !' (sóng vỡ), lời thơ quá hay, ý tình tác giả quá mênh mang, biết sao diễn tả, chỉ còn hình dung qua tưởng tượng. Trong bài 'hồn thơ', 'lời thơ say' do từ 'sương mai vỡ ra muôn mảnh', để cảm thương hay để nói lên cái đẹp của sương lóng lánh trong nắng mai hóa trân châu ngời nhưng vốn kiếp phù du bụi trần phải vỡ ra muôn mảnh ; kiếp phù du của sương hay cái trân châu óng ánh nơi từng mảnh sương là đề tài, chất liệu cho những vần thơ say ? Không cần hiểu vì đằng nào cũng được. 'Tội cây cầu gảy cũng thành hồn oan !' (chứng tích), biện pháp hoán dụ thể hiện cảnh tàn phá không xót thương của chiến tranh cùng nỗi ngậm ngùi của nhà thơ trước cảnh tang thương hủy diệt. Nghệ thuật sử dụng 'nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ' giúp bài thơ ít lời nhưng ý mênh mông, phần nào tôi đã nói đến trong các bài thơ được trích dẫn. Riêng bài 'Bọt sóng' là cả một bức tranh vừa ấn tượng vừa tượng trưng, hàm chứa chất 'triết lý' rất hiện thực nhưng cũng rất lãng mạn. Bài thơ dài nhưng xin chép lại đủ, không thể ngắt ra từng đoạn vì, theo tôi, quá hay, chỉ có 'cảm' chứ khó lòng phân tích :
“Như pho tượng
đượm nét buồn thế kỷ
đời chìm sâu
những giai điệu tình si.
tít mù khơi
loài chim nhỏ thiên di,
vút tiếng hát
từ xa xăm mộng mị,
về biển xanh
mang theo chút phù sa.
sóng dìu em
vào tận cõi thiên hà.
em chắc lạnh
nơi hành tinh băng giá ?
chiếc tàn y
sao đủ ấm làn da !
trời hoàng hôn
sóng nhấp nhô trắng xóa,
mắt em buồn
màu cỏ úa xót xa !
ôi giai nhân
trong đáy nước nhạt nhòa,
em trôi mất
mảnh thuyền xưa mục rã !”
Chất 'ấn tượng' và 'tượng trưng' đan nhau, nhịp câu như đi theo 'tiếng nhạc'. 'Em', lại 'em', từ 'em' 'quái quắt' trong thơ, tượng trưng cho gì ? Cái 'đẹp' hay 'Quê hương, Tổ quốc' ? Em bên đó ôm buồn đau thế kỷ như pho tượng im lìm, câm nín, hắt hiu sầu trong những 'giai điệu tình si' bao thuở, giờ phải chìm sâu trong thân xác ù lỳ. Em bên nay (tít mù khơi, loài chim nhỏ thiên di) theo tiếng hát 'từ xa xăm mộng mị' đưa em 'vào tận cõi thiên hà' khiến em phải rẩy run vì 'chiếc tàn y' không đủ ấm hình hài trong 'hành tinh băng giá'. Em trở thành 'vô tri' nơi phía nọ, em trở thành 'mộng mị' nơi phía kia. Đỗ Bình không 'định danh' rõ rệt về người, về sự. Đỗ Bình không miêu tả, không, kể lễ, tự tình. Lời thay cho ý, chữ thay cho tình tác giả. 'pho tượng, đượm nét buồn thế kỷ, chim nhỏ thiên di, tiếng hát xa xăm mộng mị, chiếc tàn y,...', lời thơ chuyên chở vô số ý tình dìu vào liên tưởng, vào tượng tượng, trải dài xúc cảm bàng bạc, lâng lâng, đưa dẫn cảm giác vào tê tê, lành lạnh. Nơi đây, thơ và nhạc giao hòa. Phần triết lý nơi đây ẩn nơi các hình ảnh 'ấn tượng' và 'tượng trưng', không là triết lý về người, về việc mà là thứ 'triết lý tâm tình' của nhà thơ do từ cảm xúc và tưởng tượng tràn dâng xuất phát từ cảnh tình đất nước, từ hoài vọng 'màu trăng tính thể' được nuôi dưỡng từ lâu trong tiềm thức.
Xin được dông dài thêm đôi chút về nghệ thuật trong thơ Ðỗ Bình. Như đã nói, Ðỗ Bình sử dụng khá nhiều Mỹ từ pháp, khá nhiều Biện pháp tu từ trong thơ, các biện pháp đó lại thường cặp kè nhau, bổ xung cho nhau, tác động lẫn nhau, từ đó hình ảnh cũng sinh động. để tiến lên hàng văn ảnh. ‘Ẩn dụ, hiểu thông thường là mượn một sự việc bình thường, một sự việc hiện thực để bóng gió nói đến một sự việc nào xa xôi., ẩn khuất, diễn đạt được ý tình một cách bóng bẩy mà không phải quá nhiều lời.. Nhưng không chỉ thế. Nói theo Aristote trong ‘ La Poétique’ (nxb Le Seuil, Paris 1980): “Ẩn dụ là sự mang chở vào một sự việc, sự vật một cái tên để nói đến cái tên của một sự vật, sự việc khác, hoặc từ giới loại sang chủng loại, hay ngược lại., hoặc từ chủng loại sang chủng loại, hoặc dựa theo mối quan hệ tương đồng.”(7). Do từ mối tương đồng mà trong thơ thường gặp tính cách ‘mô phỏng’ hay băt chước (imitation, mimésic, người viết chưa thể dịch từ ‘mimésis’ sang Việt ngữ bằng một từ tương đương.). Nhưng ‘mô phỏng ’nơi đây, thoát ra khỏi tính cách máy móc, ước lệ và một lối ‘loại suy’(analogie) mang tính ‘sáng tạo’. Vì thế lối ẩn dụ ‘vừa là hiện thực vừa là phát minh kỳ diễm’, ‘vừa tái lập, vừa nâng cao’(8) Không chỉ riêng lối ẩn dụ, bao nhiêu lối khác (hoán dụ,, nhân hóa, đối lập, song hành..) cùng hòa nhịp với ẩn dụ đan chen nhau để từ hình ảnh tiến lên ‘văn ảnh . Sự việc chuyển nghĩạ (tropes) từ ngữ hầu như lúc nào cũng có nơi thơ Ðỗ Bình: “Tội cây cầu gãy cũng thành hồn oan! ‘Súng gươm lặng lẽ vào quên lãng, khấp khểnh đường chiều chiếc nạng cong ! ‘vẫn tưởng quê hương l àcon sông, nấm đất, bờ ao, núi thẩm, có đâu ngờ nguồn gốc cũng xa xăm !’Sợ thế nước nghiêng thành sóng vỡ, quê hương trôi mãi tận cung hằng...”bao bao nữa, cứ như thế, Ðỗ Bình luôn luôn chuyển nghĩa từ ngữ, chuyển đổi hìnhảnh qua các biện pháp tu từ, từ hiện thực sang trừu tượng và ngược lại, để tất cả phục vụ cho hình ảnh thi tập.
Thơ Đỗ Bình mang tính nhạc, thanh âm trong lời thơ phù hợp với nốt nhạc, cung bực trong nhạc, tôi không giỏi nhạc nên không phân tích 'tính nhạc trong thơ', chỉ biết trong một số bài, lời thơ như lời nhạc.
Thơ Đỗ Bình đẹp cả lời lẫn ý. Với bản chất 'người dân, người lính, người chiến sĩ và nghệ sĩ' trộn lẫn trong nhau ;Đỗ Bình đã 'đau cái đau chung của dân tộc, xót cái xót chung của đồng bào, buồn cái buồn chung của triệu phận ly hương' để phải âm ỉ đêm ngày vọng tưởng một 'lẽ sống' nào đó thực sự tốt đẹp cho Quê hương. Nỗi lòng đó, tâm tư đó hòa nhập vào cái năng khiếu 'thơ, nhạc, họa' đan nhau, tạo cho anh một nghệ thuật vững vàng, điêu luyện giúp thơ anh 'trác tuyệt' cả về nội dung lẫn hình thức. Tô Vũ đã viết về thơ Đỗ Bình : 'Một mối buồn không bao giờ nguôi, một vết thương không bao giờ lành' và dù nói về gì, 'tất cả đều có một mẫu số chung duy nhất là đất nước thương yêu' (Tô Vũ : bóng quê thơ đỗ bình). Cùng một mẫu số chung, nhưng như đã nói trên, nơi thơ Đỗ Bình, mẫu số chung đó mang chở bên trong một thứ gì viễn mộng, viễn mơ hơn. Đấy là hình ảnh 'Mùa Xuân trong tâm thức' Đỗ Bình hướng về 'Nguồn gốc', hướng về 'màu trăng nguyên thể' miên viễn nơi Đất Mẹ, Quê Cha và miên viễn nơi lòng người.
Với 'hồn thơ' phong phú, với tâm hồn luôn luôn gắn bó với nước non dân tộc, với nỗi lòng luôn đau đớn trước mọi thứ 'giành nhau' giết chết tình người, với 'chất thơ' súc tích, giàu đẹp, với nghệ thuật điêu luyện kết hợp cả 'thơ, nhạc và họa' và với cả bốn tính chất 'người dân, người lính, người chiến sĩ và người nghệ sĩ' nơi anh, thơ Đỗ Bình, dù nói về gì cũng chứa đựng những gì vừa 'gần gũi, thiết thân' nhưng đồng thời cũng vừa 'thăm thẳm, u trầm, kín nhiệm' mênh mang chuyên chở ta đến một cảnh đời, một cõi đời không còn vướng mắc 'tranh giành, chiếm đoạt, thị phi'. Từ đó, thơ Đỗ Bình mênh mang sắc màu triết lý, không phải thứ triết lý biện bác mà là, như đã nói, thứ triết lý của 'nòi tình' đi vào 'cảm nghiệm' hơn suy tư. Thơ không vào Triết mà chính 'Triết vào Thơ', nhẹ nhàng, kín đáo, tự nhiên bằng cửa ngỏ của cảm xúc, của liên giao tâm tư, của kinh nghiệm khổ đau qua thăng trầm thế sự, của ước mơ những gì thanh tân, thánh thiện cho con người, cho đất nước và xã hội. Với những ý tình đó, với 'chất thơ' súc tích, cô đọng, với nghệ thuật điêu luyện như đã nói trên, theo tôi những dòng Thơ của Đỗ Bình, có thể xem là 'trác tuyệt' và Đỗ Bình xứng đáng được gọi là 'nhà thơ lớn', một thi sĩ đúng theo nghĩa của từ nầy trong lớp nhà thơ viết về tình tự Đất nước, Quê hương.
Trong niềm ái mộ tập thơ, xin gởi đến Đỗ Bình mối đồng tình, đồng điệu:
“Bóng quê' còn vẳng lời tâm sự(9)
Thắp sáng trên đầu sông núi đen.”
để mai nầy 'mỗi mùa Xuân đến không là nụ hương thừa'
và 'hoa Xuân luôn luôn là hoa năm xưa...
Trong mùa Xuân đó 'hoa thanh quý nở bừng trang diễm sử' (Đinh Hùng)
và nhà thơ -Đỗ Bình ung dung, thoải mái đã tròn vẹn với mộng tưởng và chí hướng từng ấp ủ, dưỡng nuôi:
“Thả hồn lướt cánh say trong nắng
giải thoát đời qua kiếp đọa đày!”
(người tù và bóng tối)
Villefranche sur Saône (France)
Nguyễn Thùy *
___________
Chú thích :
*Nguyễn Thùy: Gáo sư, nhà nghiên cứu văn học, tác giả nhiều sách biên khảo, thơ, văn.
1) Hai câu thơ của Jules Suppervielle, nhà thơ Gia Nã Đại, gốc Pháp:
«-Dieu toujours appelé, toujours appelant
Comme le bruit confus de notre propre sang »
2) 'Bằng gia' (ami de la maison), thuật ngữ của thi sĩ Đức Johann Peter Hebel. Xem tiểu luận 'Hebel của M. Heidegger nơi Questions III, Gall. 1966, bản dịch Pháp ngữ của Julien Hervier, trang 48.Lời giảng luận của M. Heidegger khá dài và khó hiểu, xin không trích dẫn nơi đây. Xin hiểu thuật ngữ nầy bằng 'cảm nhận'.
3) Das Kuinzige: từ Đức ngữ của M.Heidegger, trong cảo luận 'Con đường điền dã' (le Chemin de Campagne), rất khó dịch. André Préau, trong bản Pháp ngữ đã dịch là 'Le gai savoir' và chú thích thêm theo chỉ dẫn của Heidegger như sau : 'bon à rien', 'propre à rien', dont le sens est passé à celui d' 'espiègle', 'malicieux', et finalement désigne aujourd'hui un état de sérénité libre et joyeux, aimant à se dissimuler, marqué par une ironie affectueuse et par une touche de mélancolie : mélancolie souriante, sagesse qui ne se livre qu'à mots couverts (xem Questions III, sđd, trang 13) Dịch ra Việt ngữ rất khó khăn và khá dài dòng nên xin để nguyên văn tiếng Pháp. Tuy nhiên, có thể hiểu qua lời Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: 'Đại trí nhược ngu' (kẻ có trí trông như người ngu).
4) Phần trích dẫn tác phẩm 'Le féminin de l'être' của Annick de Souzenelle trong Collection 'Spiritualités vivantes' 1997 nơi tạp chí 'Sciences et Avenir', số 113 tháng 12/97 và tháng Giêng 1998, trang 50, 51, 52. Trong tác phẩm nầy, nhà văn đã cơ sở vào sách 'Sáng Thế ký' (Genèse) tiếng Do Thái để phân tích như trên và kết luận rằng 'Eva' -người nữ- không do Thượng Đế tạo ra bằng một 'xương sườn' của Adam (une côte d'Adam) mà chỉ là một 'phương diện khác' của Adam (l'autre côté d'Adam) lúc Thượng Đế chỉ cho Adam thấy cái 'phần bị che giấu' bên trong mình.
5) Văn ảnh: tôi hiểu 'văn ảnh' là hình ảnh trong toàn bộ một đoạn thơ hay toàn bộ bài thơ trong lúc 'hình ảnh' thường dễ thấy nơi một từ hay một cụm từ
6) Lời thơ Tô Đông Pha: 'Nhân hành na khả phục, tuế hành na khả truy', xin tạm dịch :
«Người đi còn có bận về
Tháng năm biền biệt mãi mê khôn hoàn.»
7) La métaphore est le transport à une choset d ‘un nom qui en désigne une autre transport ou du genre à l’espèce à l‘espèce ou d’après le rapport d’ analogie (Aristote: «La poètique ‘ nxh Seuil, Paris 1980).
8)Elle (La métaphore) s’ impose à la fois comme soumission à la réalité et invention fabuleuse; restitution et surélévation ‘Daniel Leuwers: Introduction à la poésie moderne et comtemporaine ( édit Dunod, Paris 1998).
9) Nguyên văn hai câu trong bài 'Nhớ người Em Việt Nam' như sau:
«Tiếng xưa còn vẳng lời tâm sự
Thắp sáng trên đầu sông núi đen.»
Nơi đây, người viết xin đổi 'Tiếng xưa' thành 'Bóng Quê' để phù hợp với nhan đề thi tập của Đỗ Bình đã xuất bản./
"Cỏ dại" - tiếng hát: Tuyết Dung
"Phố xưa" - tiếng hát: Hương Giang
"Tình ru cõi mộng" - tiếng hát: Diệu Hiền
"Nắng thu" - tiếng hát: Tuyết Mai
"Em bên bờ lãng du" - tiếng hát: Quỳnh Lan
"Chiều trên sông Seine" - tiếng hát: Tấn Đạt
"Phố khuya" - tiếng hát: Xuân Phú
"Thu cảm" - tiếng hát: Ánh Tuyết
"Mưa nguồn" - tiếng hát: Xuân Phú
Đăng ngày 28 tháng 10.2016