banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nụ cười Tây nguyên


Vũ Công Hiển chụp ảnh và tường thuật

Có ai lớn lên ở miền Nam trước 75 mà không từng nghe “em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…”. Vậy mà phải đợi đến nửa thế kỷ sau tôi mới có cơ hội đặt chân tới cái thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ” này. Máy bay bị dời giờ bay (chuyện cơm bữa ở VN) nên tới Pleiku cũng đã khá khuya, chỉ còn kịp ghé ăn một tô phở khô, một đặc sản của Tây nguyên. Món này không giống phở xào của miền Bắc, cũng chả giống hủ tíu khô của miền Nam. Đặc sản nhưng không đặc sắc!

tay nguyen
Nhà Rông

Sáng hôm sau tôi quyết định tạm dời Pleiku, với “phố núi cao và đầy sương” để sang thẳng Kon Tum vì nơi đây đang có lễ hội của các sắc dân thiểu số. Những người này trước đây mình gọi họ là đồng bào Thượng, còn bây giờ thì gọi họ là đồng bào dân tộc. Cả hai lối gọi này họ đều không thích tí nào. Họ chỉ muốn được gọi là “đồng bào”, thêm chữ “dân tộc” đằng sau vừa vô nghĩa vừa mang tính phân biệt với người Kinh. Đường từ Pleiku sang Kon Tum đã được tu bổ nên chỉ mất khoảng 50 phút lái xe. Hai bên đường cũng là núi rừng, nhưng so với cảnh núi đồi mờ ảo của Hà giang thì không thể sánh được. Những địa danh Đắk Tô, Plei Me… vẫn còn được nhắc tới nhưng Tân Cảnh, Nguyễn Đình Bảo, đồi Charlie chỉ còn là những cái tên lịch sử.

tay nguyen

Kon Tum là tỉnh nằm về phía cực Bắc của Tây nguyên, ngay ngã ba Đông Dương - nơi mà "một tiếng gà gáy sáng cả ba nước Việt - Lào - Kampuchea cùng nghe". Cột mốc biên giới ba nước nằm ở cao độ 1000m, lặng gió và nóng cháy da vào tháng 3. Nóng đến độ tôi không còn hứng thú đứng chụp tấm hình kỷ niệm trước cột mốc đã phải vội bỏ đi. Phần lớn Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn.

Theo ngôn ngữ Ba Na thì Konlàng, Tumhồ. Vùng đất này ngày xưa hoang vắng với các sắc dân Xơ Đăng, Bana, Gia Rai sống thưa thớt. Bây giờ thì người Kinh chiếm đa số, dù là chưa quá nửa.

tay nguyen

Đa số dân ở đây theo Công giáo, Phật giáo, Tin Lành. Chỉ có duy nhất một người theo Hồi giáo. Du khách tới Kon Tum thường không bỏ sót hai nơi: Nhà Thờ Gỗ hơn 100 tuổi với kiến trúc rất đẹp từ trong ra ngoài và Tòa Giám mục với hai hàng cây hoa sứ trắng mà các cặp tân hôn thường mượn làm nơi chụp ảnh ngoại cảnh ngày cưới.

tay nguyen

tay nguyen

Nếu có dịp tới Kon Tum, các bạn đừng quên món gỏi lá. Nổi tiếng nhất là quán Út Cưng. Cô chủ quán nhỏ nhắn, mau mắn sẽ ra giới thiệu từng loại lá mà hầu hết chúng ta chưa nghe tên bao giờ. Khoảng hơn 40 loại lá rừng khác nhau. Rồi với bàn tay khéo léo, cô hướng dẫn cách cuốn, không phải bằng bánh tráng mà bằng lá cải hoặc lá mơ đặt ngoài thành hình phễu, bỏ dăm loại lá vào cùng với thịt ba chỉ thái mỏng, tôm luộc, bì… và nước chấm làm từ gạo nếp lên men, hành khô, mẻ, sa tế. Với thành phần phong phú, món này có vị bùi, chua và chan chát lạ lẫm. Món gỏi lá ngon ở nước chấm và đặc biệt ở chỗ là mỗi cuốn có một vị khác nhau tùy loại rau được chọn bỏ vào. Ăn xong mới hiểu tại sao cô Út chủ quán được Cưng.

Nếu các bạn thích ăn uống thì thì cũng đừng bỏ qua món xôi măng. Món ăn này gồm gạo nếp đồ chín và măng xào. Người dân nơi đây thích ăn cay nên mỗi bát thường cho thêm một quả ớt đỏ, bắt mắt. Cái giòn của măng quyện cùng vị dẻo của xôi khiến món này được lòng nhiều khách phương xa.

tay nguyen

Vì tới Kon Tum đúng vào dịp có Liên hoan Nghệ thuật Dân gian Tây nguyên nên tôi có cơ hội được xem buổi thi tạc tượng gỗ. Dù là tượng nhà mồ của người Ba Na, Gia Rai hay hình tượng của các vị anh hùng giữ gìn buôn làng của người Xơ Đăng… thì tượng gỗ dân gian Tây nguyên đều thể hiện những nét riêng không nhầm lẫn với bất cứ nghệ thuật điêu khắc nào. Tiếng cưa, tiếng đục, mùi gỗ khét lẹt từ máy cưa tạo thành một không khí tranh đua tạc tượng sôi nổi.

tay nguyen
Thi tạc tượng gỗ

Phía bên khuôn viên Bảo tàng tỉnh Kon Tum thì có cuộc triển lãm giới thiệu văn hóa Tây nguyên: cổng làng của người Xơ đăng, dệt thổ cẩm, đan lát, đồ gốm…

tay nguyen

Nói tới Tây nguyên mà không nói tới cồng chiêng thì thật là thiếu sót. Các nghệ nhân thường nói, chiêng ai đánh cũng kêu nhưng để chiêng “nói”, chiêng “hát” được thì phải đánh vào “tim” của nó. Trong cuộc trình diễn năm nay, các nghệ nhân sẽ tìm cách đưa cái chiêng lạc lối trở về với “bầy” của nó.

tay nguyen

tay nguyen
Để chiêng "hát" được phải đánh vào "tim" của nó

Và một trong những sinh hoạt nổi bật nhất, với số khán giả đông đảo trên một đoạn đường dài hơn cây số là Lễ hội Đường phố với sự tham dự của trên 500 nghệ nhân các tỉnh Tây nguyên đổ về. Mời các bạn xem bên dưới một số hình ảnh tôi chụp vội trong lễ hội này.

tay nguyen

 

tay nguyen
say mê, đầy cảm xúc...

tay nguyen

tay nguyen

 

tay nguyen

tay nguyen

tay nguyen

tay nguyen

Dân Tây nguyên vốn trẻ về mặt tinh thần, biết vui chơi ở mọi lứa tuổi. Yếu tố vô tư là cốt yếu đối với cuộc sống của họ. Do đó các trẻ em nghèo vẫn tìm ra các trò vui chơi rẻ tiền và bà cụ ngoài 90 vẫn còn giữ được nụ cười hồn nhiên.

tay nguyen
chỉ với mấy vỏ xe cũ cũng đủ tạo nên tiếng cười

tay nguyen
Nụ cười Tây nguyên

 

 Vũ Công Hiển
(ĐHSPSG, ban Sử Địa, 1964-1968)

 

Đăng ngày 05 tháng 04.2016