Bà Phạm Qụy, nhũ danh Trần thị Thương Thương, là Giáo sư trường Nữ Trung học Gia Long (Sàigòn) trước năm 1975. Bà đã sống và đi dạy học nhiều năm trong vùng Việt Minh chiếm đóng trước khi trốn thoát vào Nam.
Kể chuyện ngày xưa
(Letters to a teacher)
Trần thị Thương Thương
Falls Church, 16 tháng 3 năm 1995
Kính Thầy Cô,
Vì con thấy Cô vui khi đọc thơ con kể chuyện ngày xưa, nên hôm nay con cũng viết kể chuyện ngày xưa, hồi con đi dạy ở vùng Việt Minh để Thầy Cô đọc cho vui.
Con ra trường Sư Phạm năm 1945. Hồi ấy thầy Nguyễn Lân (dạy con) làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục, con không muốn đi dạy xa nên thưa với thầy khi nào có chỗ ở Huế con mới xin thầy cho con đi còn không cho con ở nhà nghỉ. Đến đầu 1946 thầy gọi con vào trong Bộ bảo con: "Nay có một chỗ cần lắm ở Hà Tĩnh cũng là quê của Phạm Quỵ (thầy cũng dạy Anh Quỵ con) vậy thầy bổ Chị ra làm tạm, thầy hứa nhiều lắm là một năm thôi sẽ đưa Chị về Huế." Cùng lúc ấy cụ Nguyễn Khoa Phong gọi Anh Quỵ con đến bảo: "Bây giờ trường Luật đang đóng cửa, Anh dạy làm gì ở Khải Định, nay toà án Hà Tĩnh đang cần người, Anh tạm ra làm, tôi sẽ tìm cách đưa Anh về Huế, chậm lắm là một năm thôi." Thế là chúng con xem như "Ông Trời sắp đặt" cùng ra đi đến một chỗ và cùng hy vọng một năm nữa trở lại Huế.
Không ngờ chúng con ra đi biền biệt hơn bảy năm trời, mãi đến tháng 6 năm 1952 mới trốn về được. Sau khi con về được một tháng con có đến thăm Thầy Cô ở Gia Hội, lúc ấy hai cháu Thanh Dương và Lang Hoàn của con còn nhỏ xíu.
Không ngờ con ra đi tháng 4 năm 1946 đến đầu niên khoá tháng 9 năm 1946 con bị làm Hiệu trưởng trường Dỹ Long, trường Tiểu học lớn thứ hai trong tỉnh Hà Tĩnh. Nói là lớn (trường có 9 lớp) nằm trên bờ sông La Giang trong vắt rất đẹp, gần bến phà Linh Cảm, chỗ rẽ sông Phố Châu đi qua Lào, nhưng nghèo không thể tả vì Việt Minh lên đã một năm rồi. Trường ốc thì tốt vì là cái xác ngày xưa còn lại. Lúc con bị cử làm hiệu trưởng, con không muốn nên con làm đơn xin nhường lại cho một ông cụ, cụ Chương dạy đó cũng ngoài 20 năm và lúc ấy hơn 50. Con lấy cớ mới ra trường (lúc ấy con 20 tuổi) chưa có kinh nghiệm và cụ Chương đã dạy ở đó lâu, giàu kinh nghiệm. Nhưng đơn con không được chấp nhận. Lúc bàn giao công việc, ông hiệu trưởng cũ giao sổ sách và quỹ trường còn đúng 17$. Con ngao ngán và con không hiểu với cái quỹ 17$ thì ông hiệu trưởng có cái tài như thế nào mà điều khiển trường bao năm nay; mà Uỷ ban hành chánh huyện và tỉnh thì bảo trường tự túc. Mà chương trình ngoài giáo dục còn tăng gia sản xuất, lao động, công tác xã hội... ngoài việc công tác xã hội như đào nương, vệ sinh hàng xóm... Có ủy ban họ gọi đâu là ngày chủ nhật ấy phải đi thì con khỏi phải lo. Còn tăng gia sản xuất ngày nào cũng có mõ rao khắp "Cá nhân tăng gia, đoàn thể tăng gia, người người tăng gia. Trồng một cây cà cũng báo cáo, trồng một cây cải cũng báo cáo..." Rồi "lao động là vinh quang, cá nhân lao động, đoàn thể lao động, người người lao động..." Con họp các thầy lại (có 1 cô, 7 thầy và con mà con là người nhỏ tuổi nhất), con không muốn làm giả như mọi người làm để báo cáo, hôm nay báo cáo trồng 10 cây cải, ngày mai 10 cây đã khô héo, nhưng trong sổ của ủy ban đã có 10 cây cải rồi... Con muốn làm thật và báo cáo thật, cho nên tăng gia phải có thực dụng. Con thấy miền ấy, Châu Phong, Hương Sơn, Linh Cảm, Dỹ Long... là vùng nuôi tằm dệt lụa. Có nhiều lúc phải đi mua dâu ở những làng xa từ 3 giờ sáng này ra đi, hái dâu mãi đến 8, 9 giờ tối hôm sau mới về. Trường con có một vạt đất trống rất rộng bên bờ sông, cỏ mọc um tùm, thế là trọng tâm tăng gia sản xuất đầu tiên của chúng con là khẩn hoang vạt đất ấy. Mỗi buổi chiều chỉ có một giờ thôi, mấy em lớn lớp nhất, lớp nhì và mấy thầy lo đào đất, đốt cỏ, đập cho mịn, xong đánh luống, đào lỗ... Cả tháng sau vạt đất đã xong xuôi. Không có một xu để mà mua cây và mua phân bón. Con phải xin mời một số phụ huynh học sinh nhờ họ kinh nghiệm xem vạt đất trồng được bao nhiêu gốc dâu và cần phân bao nhiêu, rồi con xin ai cho được mấy cành dâu, và xin mỗi người ai cho được 1/2 hay 1 ký phân bón. Thế là con có đủ (một cành dâu cắt khúc ra được 4, 5, 6, 7... trồng xiêng lại là lên rễ). Một tháng sau là trường đã có một vườn dâu cả ngàn cây (vì trồng sát nhau) xanh mướt. Thế là học sinh có mục tiêu hoạt động, nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước. Mỗi buổi chiều tưới nước thì thật là một cảnh vui tưng bừng, tạm quên được những lo âu sầu muộn. Nước sông La trong vắt, cát trắng lòng sông, học sinh đứng thành hàng cầm gàu làm bằng mo cau chuyền nước sông lên vườn dâu, làm theo dây chuyền, vừa làm vừa hát, reo cười... dưới sự hướng dẫn của các thầy, thế là một giờ qua nhanh như tên bắn... Hơn một tháng sau, thuyền bè qua lại khúc sông trường Dỹ Long (sau năm 1949 đổi là Mỹ Long) đã thấy:
"Xanh xanh những mấy ngàn dâu,
Ngàn dâu xanh ngắt một màu..."
Và hơn hai tháng sau cứ 15 ngày thì bán một lứa dâu được hơn 1500$, và họ giành nhau để được mua dâu của trường, phải đấu giá, vì dâu trường đẹp không có một con sâu... Mấy lớp nhỏ thì các thầy và cô hướng dẫn trồng mấy luống cà hay cà chua... Nhìn các em vui mừng cầm một, hai trái cà bát hay cà chua đem về cho mẹ, lòng con cảm động đến rưng rưng nước mắt. Xứ nghèo, dân nghèo mà đời sống thời ấy quá cơ cực.
Thưa cô, ngày ấy học sinh không có mực tím (mực xanh thì không có rồi, mực đỏ cũng không), không có phấn, không có ngòi bút... Mực tím chúng con phải ra đồng hay lên đồi hái trái mua về giã nát, vắt lấy nước, nấu sôi làm mực tím; nhưng không có alum mà bỏ vào một chút nên độ 3 ngày thì phải đổ vì có mùi hôi. Cây mua giống đúc như cây sim, nhưng lá và trái có lông nhiều, lá sim không có lông, hoa mua thì hoàn toàn giống hoa sim, có lẽ lớn hơn một chút, màu tím nhạt, mùa xuân nở ngát một đồi. Những người xa Huế như con không sao ngăn được nỗi khắc khoải nhớ đồi sim xứ Huế. Ở ngoài ấy không có sim. Trong các bài thơ làm ngoài ấy như bài "Màu tím hoa sim":
Những chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim...
Những đồi hoa sim...
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt...
Đó là đồi mua. Và trong bài thơ "Nơi ấy" của Lưu Quang Vũ có câu:
Ở nơi ấy có một đồi mua tím
Có con đường đất mịn mát chân đi.
Trái mua không ăn được, cứng, có hột đầy và không tím, nhưng nước thì như mực. Phấn thì chúng con phải đi rất xa, đi với học sinh, đến một ruộng có bùn như đất sét trắng, đem về khuấy tan trong nước, lọc lấy nước ở trên cho khỏi cát, để lắng lại đổ hết nước rồi trộn với nước cháo loãng, vắt lại từng thoi dài, để dành dùng cho cả trường.
Ngòi bút thì ai có một chút thùng bằng fer blanc ngày xưa, hay có một lần họ có bán mấy miếng nhỏ bảo rằng đó là nơi cánh máy bay bị bắn rớt thế là bán ra từng chút về tự cắt lấy ngòi bút.
Giấy thì em nào có cha mẹ là công chức ngày trước thì có giấy họ dùng một mặt, mặt kia trắng thì em ấy là sang trọng nhất. Giấy ở ngoài ấy màu rất đen và lổm chổm cả cành tre thành viết hư hết ngòi bút mà nhiều lúc tre xướt đứt cả tay và mắc cả dằm tre trong tay.
Kim may cũng hiếm lắm, có người phải tự mài một khúc thép, đập dẹp một đầu đục một cái lỗ để làm kim.
Dụng cụ ở trường hoàn toàn không có gì hết. Con phải hướng dẫn làm cho mỗi lớp một cái compas, một cái équerre, một cái thước gỗ, tự làm lấy hết. Ngày chủ nhật con tự đến trường, vẽ trên hai tường lớp, lớp nhất và nhì (4 lớp) một bên là địa đồ thế giới, một bên là địa đồ Việt Nam vì chương trình có học. Lớp ba và tư thì địa đồ Việt Nam và tĩnh Hà Tĩnh. Lớp năm thì địa đồ tỉnh Hà Tĩnh và xã.
Mấy cái bảng đen thì bạc hết mà không có sơn. Mỗi buổi phải có em phụ trách, lúc đi học ghé một ruộng khoai lang, hái một nắm lá và giây khoai cầm nắm lá và giây ấy đánh kỹ khắp mặt bản thì mới viết lên được... Còn nhiều chuyện nữa Cô, vất vả lắm.
Sau này con được đề cử đi học lớp tu nghiệp dạy trung học, lớp mở cho cả khu IV. Con thì thích văn chương mà con không dám chọn văn chương, con phải chọn toán và khoa học vì văn chương phải dính đến chính trị nhiều quá mà chính trị thì phải tô điểm cho chế độ, nên con chọn khoa học. Con học hai hè, mỗi hè học hai tháng, mỗi ngày 8 giờ chuyên môn; thứ bảy thì không học chuyên môn mà thực tập; bốn người dạy rồi sau đó phê bình, họp chuyên môn. Tuy dạy khoa học mà khi nào cũng phải giảng theo nguyên tắc "dân tộc, khoa học, đại chúng". Thật là một vấn đề rất khó khăn, nhiều khi thao thức cả đêm mà chưa tìm ra được ngày mai phải giảng cái bài này như thế nào để hợp với nguyên tắc "dân tộc", phải như thế nào để đạt được "đại chúng", còn "khoa học" thì tự nhiên bài khoa học hay bài toán dễ đạt rồi.
Mấy lớp tu nghiệp ấy mở ở Lam Kiều (Hà Tĩnh) thành đầu hè Anh Quỵ con đi với con, đi bộ 20 km rồi ngủ đêm ở một quán nhỏ dọc đường, mai đi sớm 25 km đến trường. Hai tháng sau anh con đến đón về. Chớ nhiều người phải đi từ Thanh Hoá vào, từ Thừa Thiên ra. Lớp con chỉ có chị Ngọc Anh (dâu cụ Bữu Trưng) ở Thanh Hoá vào, chị học lớp chị Đệ; Chị Quới (em chị Hoa) hình như có học với Cô, từ Nghệ An hay Thanh Hoá, Trần Thị Tính (Quảng Bình ra) và con là bốn người đàn bà; con nhỏ nhất, chị Ngọc Anh lớn nhất, còn thì độ 20 anh, toàn lớn hết. Họ cho chúng con ở chung trong một gia đình nông dân, các anh cũng chia ra ở các nhà hoặc 3, hoặc 4 người.
Hồi ấy có đường lối "tam cùng", nghĩa là mình ở nhà nào thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với ngưới ta và nhà ấy có nhiệm vụ báo cáo về đủ mọi mặt về người ở trọ trong nhà. Buổi trưa thì chúng con ăn "tập thể" ở trường, buổi tối thì ăn ở nhà trọ. Họ nấu ăn thì mình phải làm với họ, chuyện ấy thì quá dễ vì vo gạo, nấu cơm, một nồi rau luộc hay canh rau... Xay lúa, giã gạo con cũng làm được vì giã gạo không giã chày vồ mà giã chày có cần dài rất nặng rất lớn, có một sợi giây dọc theo cái chày và treo cao, đầu cái cần là cái chày giã vào một cối đá lớn; mình đứng lên cái cần, vịn tay vào sợi giây, bước một chân đến trước thì tự nhiên cái chày giã xuống cối, giở cái chân lên thì cái chày ngóc đầu lên. Chúng con chia hai người giã gạo. Còn xay thì có cối xay làm bằng cây cau chẻ nhỏ nên nêm khít lại như gỗ, và cái chày có một giây treo, hai người (họ mạnh thì một người) nắm hai bên cái que ngang kéo cái tay xay. Các chị khi nào cũng cho con giã vì con nhỏ và yếu nhất. Khi xay lúa và giã gạo, chúng con hò, hát, đọc récitation... vui lắm. Con còn nhớ con bày cho các chị hát cái bài mà ngày xưa con có học trong quyển Lecture:
“Il fait jour, le ciel est rose,
L’horizon merveil.
Quand la lune se repose,
Lève-toi soleil… »
Ngày nay con vẫn còn thuộc cả.
Nhưng có một chuyện gánh nước thì con không sao học được. Chiều nào cũng phải gánh hai gánh nước. Ba chị Anh, Quới, Tính giỏi lắm, các chị gánh được ngay. Mà từ chỗ cái khúc có cái giếng về nhà trọ đường xa và ngoắc nghéo lắm, con phải học mãi, mỗi một ngã bẽ là có cái gì để mà nhớ đường. Các chị tập mãi mà không sao con bỏ gánh lên vai được, vừa bỏ gánh lên chưa bước là con nghe như ai cầm cả nồi nước sôi xối từ đầu xuống, mặt con đỏ bừng không sao nhấc một bước chân.
Sau bà chủ nhà bà thương (vì chiều nào con cũng phải khóc) nên bà cho con không phải hai cái thùng thiếc, cũng không phải hai cái ghè, mà là hai cái nồi đồng, gọi là "nồi 7" (con chẳng hiểu sao gọi là nồi 10, nồi 7, nồi 3), thế mà con cũng không sao gánh được; đau vai như bị gãy xương là chuyện phải nhưng như ai xối nước sôi từ đỉnh đầu xuống thì lạ quá. Sau mấy chị phải làm cách giúp con. Chiều nào đi học về chúng con cũng gánh nước rồi ra giếng tắm để cả áo quần ướt vậy, về nhà thay. Mấy chị gánh nước xong rồi thì hai chị tắm, một chị đi với con lấy cái đòn gánh lồng hai nồi nước vào, con cầm một đầu đòn gánh, chị kia cầm một đầu, về ngang cửa thì con bưng từng nồi nước vào đổ trong bể cạn, và phải đi hai chuyến mới được 4 nồi (2 gánh nước); sau đó mấy chị chờ con ngoài giếng, con tắm sau cùng và cùng về, nấu cơm, ăn cơm, xay lúa, giã gạo. May bà chủ nhà tốt nên bà không báo cáo xấu cho con, mà trong nhà còn cha mẹ, chồng của bà, em chồng... đông lắm mà sao con cũng không bị gì hết.
Đến hôm cuối cùng của buổi học là ngày thứ bảy, chúng con đến trường gọi là "liên hoan" rồi chia tay và họ bảo mình phải làm một buổi cơm đãi chủ nhà. Bọn con đi chợ về nhà đang lo nấu nướng thì có máy bay, chúng con chạy ra hầm, nghe bắn và bom ở xa xa thôi. Sau khi hết máy bay chúng con chạy vào bếp tiếp tục nấu cơm, một chốc nghe khóc la quá sức thì thấy bà dâu trẻ trong nhà ấy, ôm cả bụng đầy máu me, chúng con chạy ra đỡ bà thì thấy ruột lòi ra cả một bao bà lấy áo ôm lại, chúng con tưởng bà bị bom; thì ra vì bom, ở xa thôi, nhưng trâu nó hoảng sợ (bà ấy đi chăn trâu bò đến mấy con) chạy tán loạn, bà sợ mất trâu chạy theo, nó húc bà lủng bụng. Chúng con sợ quá, mà con thì tánh dễ hoảng hốt, con khóc quá; thế mà ông cụ ở nhà tỉnh như không bảo: "Đừng la hoảng lên, để ta lo cho." Thế là ông cụ đi ra vườn đào một củ nghệ, hái mấy thứ lá, con quên mất tên rồi, đem vào không rửa gì cả, bỏ vào cối giã nhỏ với một viên vôi ăn trầu lớn rồi bỏ ruột của chị người dâu vào, khép chỗ bị trâu húc (dài cả gang tay, may khúc ruột không thủng!) rồi đắp các thứ ấy vào, lấy vải buộc lại. Chị ấy đau la quá sức. Ông cụ nghe con xin cho chị đi nhà thương Lam Kiều, ông bảo ông đã làm nhiều lần thế "ở nhà quê trâu bò húc lòi ruột là thường, rồi lành hết, vào nhà thương có người chết". Đêm ấy chị ấy la suốt đêm, chúng con thức suốt đêm với chị. Sáng hôm sau chúng con ra về cả. Thế mà năm sau chúng con trở lại, chị ấy lành thật đó Cô.
Bữa nay con viết thư thế này Cô Thầy đọc mệt rồi, con xin ngừng sẽ viết tiếp sau. Kính hầu thăm Cô Thầy và các em.
Nay kính
Con
Thương Thương
_____________
Falls Church, 26 tháng 3 năm 1995
Kính Thầy Cô,
Con xin kể tiếp những chuyện ngày xưa lúc con ở ngoài vùng Khu IV, mong rằng sẽ đem lại đôi phút giải khuây cho Thầy Cô.
Hồi học ở Đồng Khánh, khoá của chúng con là lúc Thế Chiến thứ II, nên trong chương trình con có lớp Infirmières Auxiliaires, mỗi tuần học trọn buổi thứ năm và học kỹ lắm về bệnh lý, chẩn mạch, băng bó đủ kiểu, chăm sóc vết thương, tiêm thuốc... từ 1ère Année đến cuối năm 3e Année thì ra trường. Môn học này đã giúp con rất nhiều trong 7 năm trời con ở ngoài hậu phương. Và con cũng tổ chức trong trường con lớp học cứu thương vì con thấy cần thiết quá. Con chọn những em lớn ở lớp nhất và lớp nhì (ngày ấy học sinh lớn tuổi lắm, trong lớp con có một em trai con nhớ tên Phạm Khuyên đã có vợ và con gần một năm trong khi con mới bắt đầu có thai cháu Thanh Dương) cho học lớp cứu thương; các em gái nhất nhì có lớp may vá thực dụng (may áo cụt, quần chân què vì ở nhà quê họ không dùng quần đáy giữa, áo cụt đàn ông 5 thân..., cô Vinot có dạy con). Tiêm thuốc thì con dạy nhưng lúc cần tiêm thì con tiêm thôi. Sau đó trường con có một tủ thuốc, rất nghèo nàn, chỉ có bông, băng, rượu 90°, thuốc tím, teinture d'iode, aspirine, quinine, ganidan, dagénan... và nhiều nhất là thuốc ghẻ, con tự mua vật liệu chế lấy theo công thức con học do thầy Martin dạy (bây giờ con quên công thức rồi chỉ nhớ có lưu huỳnh) và thuốc đau mắt sulfate de zinc. Mỗi buổi chiều đến giờ "tăng gia sản xuất" là học sinh tất cả trường ai cần đến sự chăm sóc, theo thứ tự lớp nhỏ rồi đến lớp lớn sắp hàng chờ được lau rửa ghẻ lở mụt nhọt bôi thuốc, rửa mắt, điểm thuốc... vui lắm. Tuy cực khổ, thiếu thốn lắm, nhưng có lẽ tuổi còn trẻ, đời mới rộng mở, nên con và chắc tất cả mọi người, không ai than thở và lòng tràn đầy mộng ước. Mỗi buổi chiều cái lớp của con thành một cái bệnh xá nhỏ, bàn ghế được đưa ra sân, từng nhóm học sinh theo công việc đã chia cắt làm nhiệm vụ của mình. Và con cảm thấy rất vui vì con đã giúp ích được nhiều. Con còn nhớ một hôm có một em leo lên cột cờ nghịch, lúc truột xuống không để ý, một bắp chân trên phía trong, móc vào cái móc lớn để quấn giây kéo cờ, trên đà tuột xuống không sao giữ lại được, em mặt quần đùi, cái móc sắt móc vào thịt sâu cả hơn 1 cm, kéo cả một mãnh thịt lòng thòng. May lúc nào con cũng đến trường sớm độ nửa giờ; con ở trong lớp nghe khóc la ngoài sân, chạy ra thấy em ấy máu chảy tràn, con hoảng hồn cho bạn bè em bồng em vào nằm trên bàn; thế là con áp dụng cái học của con, cột ngang trên vết thương cho máu đừng chảy nhiều, rồi lau rửa vết thương, sát trùng, bỏ cả giây thịt lòng thòng (cả 7, 8 cm) vào rồi nghiền nát bột thuốc dagénan rắc lên, băng chân lại; và cho đi gọi cha mẹ em ấy đến đem em về và mỗi ngày ra trường thay băng. Con vừa làm mà vừa hồi hộp lo sợ, thầm khấn cho vết thương lành, vì con không làm thì chẳng biết đem em đi đâu, mà nếu làm mà hỏng việc chắc cũng bị tù đày. May quá, em ấy lành bình yên, và vết thương sát, sẹo dài nhưng không cồm. Lại một lần khác, mẹ một em trai học lớp nhì đến trường khóc bảo con bà bị tả suốt đêm ngồi trên miệng hố và sáng ra ngất xỉu. Con bảo với bà tìm thầy thuốc cứu em chớ con đâu phải là bác sĩ, bà bảo nếu con không cứu con bà thì đành để số phận đưa đến đâu thì đến chớ bác sĩ có có đâu, có một ông y tá nhưng tiền đâu mà mua thuốc và trả tiền y tá. Thế là con vừa cầu nguyện mà vừa cho thuốc liều vậy. Con chỉ có ganidan thôi, mà phải cho hàng ngày chớ không dám đưa một lúc mấy ngày sợ uống quá liều thì nguy, và bắt uống nước thật nhiều, nước gạo rang bỏ vài lát gừng và ăn cháo trắng nấu loảng đánh nhuyễn. May cho con, em ấy lành. Những chuyện may mắn nhỏ nhỏ như vậy cũng nhiều, nên sau này không phải chỉ các em học sinh mà rồi mấy người trong làng cũng đến xin thuốc.
Tổ chức xong tủ thuốc và một "đội cứu thương", con lại phải nới rộng "tăng gia sản xuất" và "lao động ngoài trường". Ngày ấy gỗ lim, kiền kiền... để làm nhà không có nữa, ai có chút đỉnh thì làm cột, kèo... bằng gỗ mít, nhưng gỗ mít cũng đắt vì ít, nhà nghèo chỉ làm nhà mái rạ, vách tre hay bùn và cột gỗ sầu đông (ở Huế gọi thầu đâu) hay tre, nên con cho trồng quanh trường một hàng cây sầu đông, cứ xen kẻ một cây lớn một cây nhỏ để có thể trồng khít khít mà cành lá không vướng nhau và lúc bán thì cứ bán xen kẻ, cây nào lấy đi thì trồng ngay cây mới vào. Thành cuối mùa xuân quanh trường có một vòm hoa tím rất dễ thương. Sầu đông thì rất dễ kiếm cứ bảo mỗi em đi đào một cây nhỏ đem đến là đủ.
Còn sinh hoạt ngoài trường thì bắt buộc phải đi hai tháng một lần không kể mấy lần do ủy ban địa phương tổ chức đi làm vệ sinh công cọng hay đào sữa đường sá... Con cho các em, mùa nắng ráo, lên đồi núi kiếm củi; sau mùa gặt đi nhủi tôm tép ngoài đồng. Nhủi tôm tép thì phải sau mùa gặt tháng 10, trời mưa dầm rét mướt và phải xin phép chủ ruộng, thường họ cho đi những cánh đồng xa vì gần thì họ để dành cho họ đi nhủi. Thường đi nhủi thì chỉ các em lớp nhì lớp nhất cùng đi với thầy. Bao giờ họ biết có học sinh đi như vậy là buổi chiều chờ sẵn để mua. Gánh củi xuống đồi thì bán ngay, con bảo em nào ở nhà cần củi thì cho đem về, em nào bán tại chỗ thì chỉ để cho trường 1/3, số tiền còn thì đem về cho cha mẹ. Đi kiếm củi thì vui như đi cắm trại vậy. Còn đi nhủi về mùa đầu đông, rét và mưa, mà phải đi xa thành mệt hơn, lại phải vát nhủi, vát oi. Cái nhủi giống giống như cái cào lá về mùa thu ở đây (rake) nhưng rộng độ gấp rưỡi và có cái nẹp ngay ở đầu và răng cài dày hơn. Đến nơi mấy đám ruộng họ cho phép nhủi thì chia cho mỗi lớp mấy đám. Học sinh đứng một hàng sát nhau (mấy cái nhủi cái này sát cái kia) dài theo một bờ ruộng, cứ cùng một lúc đẩy cái nhủi qua bờ ruộng phía đối diện, thế là cá, tôm, tép vào cả trong nhủi; nhấc nhủi lên bắt vào oi. Lại đứng thành hàng sát bờ, cùng đẩy nhủi trở lại bờ kia; đi nhiều nhất là hai vòng thì hết cá, tôm. Nhủi hết cả mấy đám ruộng có khi cũng đầy cả oi. Nhủi cá thì con cho các em mang về vì mùa đông rét mướt, thức ăn khan hiếm tội nghiệp lắm.
Công việc trường con tiến triển khả quan. Thấm thoát mà sầu đông của con đã sắp bán lứa đầu, có người đã đến cho giá 350$ một cây (hồi ấy mỗi cái trứng gà độ 25 - 30$, sau này một cái trứng hay một trái chuối 200$, một viên aspirine 250$...).
Gần giữa năm 1949, một luồng gió đặc biệt thổi vào Việt Nam làm thay đổi nếp sống. Một hôm con được giấy bảo phải đi họp khẩn cấp. Đến nơi thì họ cho biết "Hồng quân Trung Hoa đã đại thắng" và Việt Nam sẽ theo gót "đàn anh vĩ đại". Sau buổi họp một người lên dạy cho chúng con hát bài "Hồng quân Trung Hoa". Phải học thật thuộc để về tập lại cho học sinh. Thế rồi trong làng, xóm... bắt đi họp ban đêm. Sau khi đi họp liên tiếp độ một tháng thì chị giữ cháu Thanh Dương của con (lúc ấy cháu 2 năm mà yếu lắm vì con không có sữa cho bú no, mà sữa bò hộp không có, thành cháu cứ phải uống nước cháo thay sữa) khóc nói với con: "Em phải bỏ Cô, em thương cô lắm, thương em bé lắm. Nhưng một tháng nay họ kêu em đi họp cứ bảo em là không ai làm nô lệ cho ai cả, đi về đi, không được đi làm công cho ai. Em nói với họ là Cô không bóc lột em, em làm với Cô, em có ăn có mặc, em về nhà có thể chết đói. Mà họ doạ em nếu không chịu thôi việc họ sẽ bắt em." Thế là hai chúng con ôm nhau cùng khóc và chị ấy ra về. Con một thân một mình, Anh Quỵ con ở xa...
Như trong thư trước con thưa Thầy Cô, lúc đầu Anh Quỵ con ra Hà Tĩnh là làm ở Toà Án Đức Thọ (sau này không có toà án nữa). Hằng ngày đi xe đạp phải qua bến đò Kẻ Tàng, rồi đạp xe 6, 7 km, mỗi ngày đi về 14, 15 km bằng xe đạp thì cũng không có gì vất vả đối với tuổi 23, 24. Nhưng 6, 7 km đường bị đắp ụ quanh quẹo, họ bắt dân đào đường lên, đắp từng ụ cao độ 1 m, lấy mấy cái traverse của đường xe lữa đắp hai bên và trên chóp ụ "để cho quân đội Tây không thể cho xe tiến vào nhanh" thành phải đi quanh co vì một đoạn đường độ 10m ụ bên mặt, độ 10m ụ bên trái... suốt đường dài như vậy. Rồi đến một đoạn đường làng tuy ngắn nhưng đầy cả gai, tre, trúc, nè, hóp. Mà xe đạp còn lại ngày xưa, bánh xe còn lại ngày xưa không có cách gì mua lại được. Thế là tối nào cũng độ 9 giờ anh con về, ăn cơm xong là vá lốp xe đạp đến 11, 12 giờ khuya mới xong. Một tháng 30 ngày vá lốp xe 30 đêm. Thế là anh con đau không làm đó được. Trường Huỳnh Thúc Kháng, lúc ấy ở Chợ Bông (gần Hương Khê) vội gọi anh con đi dạy Pháp văn cho lớp Tú tài hai. Anh con lên ở trên đó đi dạy, vui lắm vì nhiều bạn bè vì hoàn cảnh đất nước học hành đang dở dang đều ra dạy. Anh con ở trọ nơi một nhà nông dân. Một thời gian ngắn trường dời về Châu Phong (gần đồi Linh Cảm) thì mở thêm hai lớp dự bị Đại học, họ lại đưa anh con lên dạy dự bị Đại học. Anh con ở trọ nhà một người không quen, có người chỉ cho vậy thôi, nhưng họ không nấu cơm trọ, thế là anh con phải ra quán ăn, mới một vài tuần thôi là anh con bị đau thương hàn rất nặng. Thế là con làm đơn xin người dạy thế một thời gian và theo anh con đi nhà thương. Thật ra lúc ấy con không biết bác sĩ nào cả, có cụ Đốc Kỷ (cụ Lê Văn Kỷ) có con là bạn với chị con, cùng ở nội trú Đồng Khánh xưa, nên con tìm đến cụ. Cụ bảo mướn một nơi gần phòng mạch của bác sĩ.
Trong thời gian Anh Quỵ con chữa bệnh con đến gặp ngay thầy Phạm Đình Ái, lúc ấy làm Tổng giám đốc Học Chánh khu IV, con xin thầy cho con thôi việc, tuy lúc ấy không có việc làm là một điều rất nguy biến nhưng con không có cách gì hơn. Thầy thương chúng con vì thầy là thầy dạy chúng con, nên thầy bảo cho con thôi ngay và nhận việc mới ngay tại trường Trung học Phan Đình Phùng, gần trường Huỳnh Thúc Kháng. Thế là con không mất một ngày nào và con được nghỉ thêm một tháng để chăm sóc Anh Quỵ con. Lúc ấy mấy khoá tu nghiệp cũng hết. Con trở về trường bàn giao công việc, chưa có hiệu trưởng mới chính thức, chỉ bàn giao cho ông quyền hiệu trưởng là người con xin đến dạy thế con lúc con đem anh con đi nhà thương. Con có cho mời ông Chủ tịch ủy ban địa phương đến vì ông ấy không phải là hiệu trưởng mà Anh Quỵ con thì đau nặng quá con đâu làm sao hỏi ý kiến anh ra sao cho hợp pháp hợp lệ. Đến khi Ban tài chánh đưa sổ sách thì, thưa Cô, quỹ trường đã được hơn 1 triệu 7. Con không ngờ vườn dâu của chúng con lúc đầu cứ 15 ngày bán một lứa hơn 1.500$ lần lần rậm rạp tốt và mùa đông bán mỗi lứa 3, 4 ngàn; và đi củi không bao lăm và bán mấy chục cây sầu đông mà được như vậy. Nhưng nghe nói 1 triệu 7 tưởng nhiều chớ khi ấy đời sống đã đắt đỏ quá rồi. Và đó cũng là cái thời may chớ sau này vườn dâu chắc phải bỏ vì phụ nữ nông thôn không còn lo việc nội trợ, đồng áng, tầm tang... nữa. Đã có phong trào hát bài vè:
Mẹ mi mô rồi hỡi!
Tao đi tỉnh mới về,
Chộ một chuyện hay ghê,
Trước vườn hoa bưu điện,
Các phụ nữ thành Vinh
Cùng nhau họp mê-tinh,
Họ hy sinh chiến đấu,
Thề một lòng chiến đấu.
Họ làm mình thêm xấu
Nghĩ đến gấy ở nhà
Chỉ dưa, nhút, lợn gà,
Rồi ngồi lê mà học chuyện,
Mẹ con ngồi trảo chuyện...
Bài dài lắm, ngày nào họ cũng dạy hát khắp đường, khắp sá, thế là tự nhiên nó vào tai thôi, con không nhớ hết, chỉ nhớ ngang đó thôi, ngẫm nghĩ thì nhớ thêm.
Con từ giã ngôi trường mà con đã để hết lòng, hết tâm trí để xây dựng với lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, và đám học sinh con yêu quý mà ngày nay mỗi lần nhớ lại con vẫn cảm thấy nặng trong tâm, không một bài diễn văn, không một tách nước trà... chỉ mấy cái vẩy tay, vài lời thân mật... Trước khi ra về cho kịp trở về nhà thương trước khi trời tối mịt, vì mùa đông ngày ngắn lắm, các em học sinh 9 lớp đã đứng sắp hàng ngoài sân, con vội chạy vào từng lớp một, nhìn quanh cái phòng trống, rồi nhìn lên hai bức tường hai bên với mấy cái bản đồ mà con đã mất mấy chục ngày chủ nhật, với sự giúp đỡ của Anh Quỵ con, kẻ ô vuông, vẽ, tô màu (bản đồ lớn lắm nên mất nhiều thì giờ) với biển thì hoà viên dương xanh (dương áo quần ngày xưa), núi thì pha đất đỏ vào vôi, và có pha một chút keo cho vôi khỏi rã. Rồi đi vội ra bến đò để qua sông, còn phải lên bờ đi bộ 8 km mới đến nhà thương. Tất cả các thầy, cô và học sinh đứng rợp cả bãi sông, cả hàng trăm bàn tay vẩy vẩy... Thuyền qua đến bờ bên kia con còn quay lại nhìn, những bàn tay vẩy đã mờ trong sương chiều mùa đông. Từ đó con có gặp ít học sinh, và cả phụ huynh học sinh... nhiều lần vì họ tìm đến thăm con chớ con chưa bao giờ trở lại trường xưa, ngôi trường Dỹ Long bên bờ sông La nước trong vắt và cát trắng lòng sông!
Anh Quỵ con lúc ấy đau nặng lắm. Thường bệnh thương hàn cố gắng giữ cho qua được 21 ngày thì hạ sốt và bớt dần, thế mà anh con trên 25 ngày vẫn còn mê mang. Cả một tháng rưỡi mới lành.
Lúc ấy chiến tranh lan rộng. Họ cử 3 ông bác sĩ đến trường Huỳnh Thúc Kháng để khám sức khoẻ và tuyển binh. Ba ông bác sĩ là ông Xuân, ông Tố và ông Lai (con nhớ hình như ông Nguyễn Trọng Lai, còn hai ông kia con quên họ) nghe nói đến trường hợp của Anh Quỵ con, họ vội tìm đến cái phòng trọ của chúng con thăm chúng con và gặp cụ Đốc Kỷ. Rồi sau có Bác sĩ Đoái, bà con với cô Phước và cô Cầm, có ba con trai học với anh con, cũng đến thăm. Thế là cả năm vị cùng giúp chúng con vì lòng nhân đạo. Có lẽ nhờ vậy mà bỗng nhiên một buổi sáng anh con mở mắt sau một cơn mê có đến 4, 5 ngày, và mạch hạ dần.
Một tháng sau không thuê được nhà, chúng con thuê một miếng đất gần bờ đê ven bờ sông La Giang chảy qua Châu Phong, cất một mái nhà tranh nhỏ rồi về ở đó. Lúc đó chỉ còn độ một tuần là đến Tết năm 1950 (là Tết năm Dần, con không biết gì Dần).
Cuộc đời chúng con rẽ qua một bước ngoặc và đất nước cũng thay đổi lớn lao. Đời sống rất đắt đỏ, bạc ra giấy 5.000$ (trước chỉ có 1 và 2), một cái trứng gà 200 - 250$, một trái chuối 200 - 250$, một bó rau cải nhỏ 300$ (chỉ nấu được 2, 3 bát canh). Và việc lớn hơn hết là thay đổi lương công chức, tất cả mọi người không kể chức vụ, học vấn, bằng cấp... mỗi tháng 35 kg gạo. Cứ đến ngày 20 trong tháng thì họ xem giá gạo rồi tính ra (thí dụ ngày 20 tháng này gạo 200$ một ký tức là lương mỗi người 200$ X 35 = 7.000$) thì họ cho lãnh một nửa là tiền (3.500$) còn một nửa là lúa ( 17 kg 5 gạo cũng như gần 35 kg lúa ) mà lãnh lúa phải đi rất xa, có khi cả 30 km, vì vậy bao giờ cũng lãnh ngày chủ nhật. May cho chúng con là hai vợ chồng làm chung một sở, lãnh lúa chung một ngày và một nơi; nên chỉ thuê một người đi theo gánh về hai phần lúa là 70 ký. Khi nào cũng Anh Quỵ con đi vì con không sao đi về 50, 60 cây số một ngày. Tội nghiệp những người gánh lúa họ cũng nghèo quá, đi gánh lúa để được tấm, cám, nấu cháo ăn và nuôi heo, còn trấu để ủ lửa thôi, chớ không lấy tiền thuê. Họ đem lúa về xay, giã rồi gánh gạo lại cho mình, được bao nhiêu thì nhờ bấy nhiêu, chớ có cân lượng gì đâu.
Chúng con phải bắt đầu đi học tập chính trị một tuần hai lần, tối thứ ba và tối thứ sáu. Đi dạy về ăn cơm gấp ra trường học tập từ 8 giờ tối đến 11 giờ khuya. Mỗi người phải có một quyển sổ học tập, đó là "lá bùa hộ mệnh" của mình. Đau có thể xin nghỉ dạy nhưng đi học tập thì phải đi, đi công tác gì ở xa, việc đầu tiên đến nơi ấy là phải đi tìm chỗ học tập chính trị của địa phương đó để đi đến học tập, cho có chữ ký của trưởng ban ở nơi đó. Nghĩa là một năm có 52 tuần thì sổ học tập phải có đủ 104 chữ ký.
Chúng con là công chức giáo dục phải lo vụ đạc điền, chính phủ bắt phải đo lại ruộng đất, tính lại diện tích từng đám ruộng một để sửa sang thuế má. Thế là cả 3 tháng hè chúng con không được một ngày nghỉ. Từ sáng sớm ra đi, mang theo một củ khoai, củ sắn, hay một vắt cơm, phải giăng dây, chia hình, đo từng li từng tí, cái thì hình vuông, cái thì chữ nhật, cái thì tam giác, hình thang, muôn hình vạn trạng..., phải lội xuống nước bùn... Con sợ con trùn, con đĩa..., con đạp phải con trùn là sợ đến chết giấc, nếu con đỉa cắn chắc con chết thật. May quá, các anh trong trường làm biếng làm toán, và với tâm trạng vạn mối lo âu cọng trừ còn sai nữa huống chi là nhân chia. Nên thấy con sợ trùn, sợ đĩa, các anh sướng quá bảo: "Mấy chục đám ruộng của Chị để chúng tôi đo cho. Còn mấy trăm đám ruộng của cả nhóm chúng ta, Chị lo cọng, trừ, nhân, chia lấy." Thế là con mừng quá sức, mấy trăm đám ruộng chớ mấy ngàn đám ruộng con cũng xin chấp tay vái cảm tạ. Thế là con phải làm một danh sách: Anh A, Anh B, Anh C... (Trung học của con chỉ có con là đàn bà) rồi mỗi anh có từng tờ giấy nhỏ, mỗi nhóm độ 2, 3 anh, giăng dây, đo, ghi vào từng tờ giấy nhỏ, đem lên bờ đưa cho con, con phải để riêng từng nhóm A, B... vì công tác phải báo cáo từng người. Chiều ra về là mấy anh yên. Con thì về, ăn cơm tối xong, là thắp một ngọn đèn dầu (thứ dầu gì chứ không phải dầu phụng) nơi cái dĩa nhỏ có một sợi tim bấc và con làm toán 1, 2 giờ sáng mới xong. Rồi sáng mai lại ra đi một nơi khác; có nhiều khi phải đi xa lắm.
Xong công tác đạc điền đến bình nghị; bình nghị thì phải họp đêm, họp chung với ủy ban địa phương và đại diện nông dân, để chia lại cấp đẳng của các đám ruộng: nhất đẳng điền, nhị đẳng điền, tam... tứ... Cả một vấn đề gay go vô cùng... Mấy người chủ ruộng nghe đám ruộng của mình thuộc loại "nhất đẳng" là sợ muốn tắt thở. Sau này con mới hiểu vì sao. Sau khi bình nghị đẳng cấp, đến bình nghị thu hoạch. Ba tháng hè qua, ba tháng ngày ngày trên trời, dưới ruộng, chúng con lại tiếp tục ban ngày đi dạy, ban đêm ngoài thứ ba, thứ sáu học tập chính trị, đêm nào cũng đi họp. Đến khi bình nghị thu hoạch, con mới hiểu rõ vì lẽ gì "được bảng hiệu nhất đẳng, nhị đẳng..." là như bị cái án "chung thân khổ sai". Con phải làm một thí dụ Thầy Cô mới biết chớ không dự buổi bình nghị ấy thì khó lòng hiểu được nỗi khổ của người "bị gọi là phú nông". Ông chủ tịch đưa tên, thí dụ Ông Nguyễn ở làng ấy có một đám ruộng diện tích 10 mẫu... giáp ranh giới làng X và làng Y, được chấm "nhất đẳng điền" một mẫu trung bình (chớ không phải lúc được mùa) mỗi năm hai mùa là bao nhiêu? Thế là có 2, 3, 4 ngón tay giơ lên. Được hỏi "mỗi mùa ở đó bao nhiêu" họ trả lời "mỗi mùa 20 tạ, hai mùa 40 tạ; lúc được mùa có thể được 60, 70 tạ" và mấy ngón tay kia được hỏi cũng nói như thế. Sau này con mới nghĩ mấy ngón tay đưa lên là người họ sắp đặt. Người chủ điền thì hoảng hốt van lạy: " bao giờ được mùa mới được 20 tạ một mùa, còn phần nhiều chỉ có 12, 15 tạ" nhưng quyết định cuối cùng vẫn là: "Nhân dân bình nghị trung bình 30 tạ" và thuế là 15 tạ. Thế là người có 10 mẫu ruộng phải trả thuế 150 tạ trong khi họ chỉ thu được có 100 hay 120 tạ thôi. Họ không làm sao trả thuế nổi nên đơn xin hiến điền tới tấp. Nhưng chính phủ bảo: "Chính phủ không lấy của của ai cả." Mà trả thuế là trả bằng lúa và lúa phải phơi, quạt cho kỹ. Chúng con đã từng chứng kiến một nhà gặt hái về, phơi quạt được 30 tạ, phải bán của cải trong nhà để mua thêm 20, 25 tạ mà nộp thuế. Chúng con là công chức giáo dục trong giai đoạn ấy, đâu đâu cũng có mặt; các ngành khác không có, có lẽ các ngành khác cán bộ nhiều hơn mà cán bộ nhiều người chính yếu là tuổi đảng chắc cọng, trừ, nhân, chia... không rành. Thế là từ khi xã hội, đất nước rẽ một bước ngoặc là chúng con không còn có ngày nghỉ, có khi một tháng 30 ngày, dạy có khi nghỉ được chủ nhật, chớ họp đêm thì đủ 30 ngày. Tội nghiệp nhất là chúng con có làm được gì trong những buổi họp ấy đâu, chỉ ngồi trơ mắt ngơ ngác nhìn một bên chính quyền, một bên nông dân giằng co cải vã nhau về thu hoạch, và chúng con đã chứng kiến mấy người được gọi là "phú nông" oà khóc khi chính quyền bình nghị "thuế 15, 20 tạ một mẫu". Xót xa quá mà phải bình thản như mình đi xem một lớp tuồng trên sân khấu, mà một lớp tuồng không vui, không buồn vậy thôi. Thế mà phải thức đến 2, 3 giờ sáng.
Cuộc đời ăn không đủ no, rét không đủ mặc, ngày đi dạy, đêm đi họp 1, 2, 3 giờ sáng và kéo riết 5, 6 tháng. Thế là ai nấy đều đau, thế mà ai nấy đều phải kéo cày.
Lại thêm một chuyện mới được đưa ra áp dụng là vấn đề kiểm thảo, trong các cơ quan mỗi tuần một nhân viên tự làm một tờ kiểm thảo, họ đặt từng câu hỏi mình trả lời rồi khi họp lại mỗi người tự đọc tờ kiểm thảo của mình. Và mỗi năm kiểm thảo toàn tỉnh riêng từng cơ quan, thí dụ các trường trong tỉnh phải kiểm thảo chung. Khi nào họp hàng năm thì cả mấy tuần, làm vào nghỉ hè.
Đời sống mỗi ngày mỗi khắc nghiệt, lương tiền chỉ ăn rau, ăn dưa mà độ nhiều nhất là 10 ngày.
Con là đàn bà độc nhất ở cấp trung học nên con tuy phụ trách Toán và Lý Hoá nhưng chương trình nữ công, gia chánh, quản trị gia đình của 1ère, 2e, 3e Année con phải phụ trách hết. Nữ sinh ban Tú tài không học mấy môn này. Về gia chánh và quản trị gia đình, cứ dạy làm dưa, làm nhút, muối cà, làm mắm tép, mắm cá đồng (như thứ cá tép mà hồi con ở Dỹ Long cho học trò con đi nhủi vậy) và họ bắt dạy chất dinh dưỡng của dưa cải và nước muối, dưa cải là bổ hơn cả sâm nhung, thịt cá... vân vân và vân vân...
Đến đây con xin phép Thầy Cô ngừng tạm; xin Thầy Cô chờ thư sau con sẽ kể tiếp. Cuộc đời của dân chúng lồng vào lịch sử của đất nước.
Kính Thầy Cô vui mạnh.
Con
Thương Thương
_____________
Falls Church, 18 tháng 5 năm 1995
Kính Thầy Cô,
Đáng lẽ con phải viết thư kính thăm Thầy Cô lâu rồi, nhưng con cứ bận những việc lặt vặt linh tinh, không sao tỉnh tâm tỉnh trí ngồi ôn lại những chuyện ngày xưa để kể lại mong Thầy Cô được vui chốc lát.
Sau một mùa hè và những tháng cuối năm rất vất vả của 1950, lo vụ đạc điền, rồi bình nghị đẳng cấp ruộng nương, đến bình nghị thu hoạch, tiếp đó đến vụ thu thuế ruộng. Chúng con công chức ngành giáo dục, không thiếu mặt nơi nào. Ngày chủ nhật chúng con phải đến một địa điểm, có khi phải đi xa hàng chục cây số, dân làng bị gọi là địa chủ phải gánh lúa đã phơi quạt rồi đến nộp thuế. Ở đó có mấy cái bàn nhỏ, mỗi người phụ trách một quyển sổ của một xã; có 4, 5 cái máy quạt tay và bao nhiêu bồ lúa. Họ gánh lúa đến phải đổ vào máy quạt lại, cho bay thật hết các hột lúa dẹp, rồi đong và cân cho đủ số phải đóng thuế, vào sổ sách, rồi lúa mới được cho vào bồ. Vừa nắng, vừa bụi lúa mù mịt, vừa ồn ào tiếng nói, tiếng la, tiếng van nài khóc lóc... Sau một ngày về là phờ phạc. Sau khi thu thuế lúa xong mọi người đổ xuống đau. Anh Quỵ con bị suyễn nặng quá, ngày nhỏ anh con không bị suyễn, ra ngoài ấy vất vả bị suyễn nhưng thỉnh thoảng mới có một cơn, sau này thì nặng quá phải nghỉ dạy một thời gian dài. Cũng may sau khi hoàn tất việc thu thuế, công chức chúng con được tạm nghỉ những công tác ấy một thời gian, chỉ có việc dạy và học tập chính trị một tuần hai đêm và thỉnh thoảng có họp và công tác đặc biệt thôi.
Nhưng đời sống vật chất thì đã đến lúc nguy lắm, nên con phải làm đủ nghề để phụ thêm cho đồng lương quá eo hẹp. Con lãnh bông vải về nhà cán rồi xe sợi. Họ đưa cho mình cả kiện bông ép chặt, bông vừa lấy ở hoa vải ra còn đầy cả hột, mình đem về cho bông vào máy cán để cho hột tách riêng ra, rồi cho bông đã hết hột vào một cái máy khác cho xe lại thành con cúi (từng thỏi bông lớn độ bằng ngón tay cái lớn và dài độ 1/2 m thì cắt) xong rồi lại cho con cúi vào một cái máy kéo ra sợi làm thành từng guồng lớn. Những guồng sợi phải ngâm nước, một ngày một đêm, rồi đem ra dùng một cái chày trơn đập kỹ, xả nước cho sạch; ngâm lại, rồi đập, rồi xả, rồi ngâm; phải ngâm 3 lần, đập 3 lần, xả 3 lần rồi phơi khô; sau đó giao lại cho họ, họ mới hồ và dệt vải. Thế là cả ngày đi dạy, chiều về cơm nước xong là con thức cán bông, xe con cúi, rồi ngâm đập... Tuy vất vả (nhất là ngâm và đập -có cô em út giúp- nếu không ngâm kỹ, đập kỹ thì sợi bở lắm) nhưng con thấy nghề cán bông kéo sợi có một cái gì nên thơ lắm, ở trong nhà vừa làm vừa hát, đọc thơ... cũng vừa ru con vào giấc ngủ êm đềm vậy.
Nhưng nghề cán sợi kéo bông chỉ được mấy tháng trong năm, sau mấy tháng hết mùa hái bông thì cũng hết. Con lại đi chằm nón. Họ đưa cho mình cả một kiện lá kè khô, nhăn nhúm, khô dòn. Thế là phải lấy một liếp lá ngâm vào nước lạnh ít nhất là một đêm. Rồi đi xin mấy cái lưỡi cày gãy, miếng lưỡi nào lớn để làm cái bàn, miếng nhỏ độ bằng nữa bàn tay hay hơn để làm bàn ủi; đặt cái bàn lưỡi cày (phải mài cho trơn và không rét) xuống đất; miếng lưỡi cày nhỏ cũng mài trơn đốt trên lửa cho nóng, bọc vào một xấp vải cũ rách nhúng nước vắt ráo, cầm cái bọc có lưỡi cày nóng ấy, trải tấm lá kè trên cái bàn lưỡi cày và cứ cầm cái bọc nóng vuốt từng lá một, cả hai mặt lá cho đến khi thẳng và láng bóng; phải ủi từng lá một để sang một bên. Xong đâu đấy rồi mới lên khuôn nón rồi may từng mũi chỉ. Con chằm nón dưới một gốc cây bên miệng hầm, vì bom đạn quá, có báo động là nhảy xuống hầm, thu nhanh cái nón vào bụi cây vì sợ máy bay thấy màu trắng.
Hết chằm nón con lại đi làm thuốc lá. Làm thuốc lá thì buồn hơn vì không ở nhà được phải đến nơi của họ. Con chỉ biết tước lá thuốc cho cọng và gân lớn của lá riêng ra. Rồi lá ấy họ ủ mấy ngày cho héo, xong họ nấu cọng thuốc phun vào lá, rồi ủ lại; như vậy mấy lần họ mới xe lại từng xe dài độ 40 cm, tròn đường kính độ 3, 4 cm rồi họ cắt trong cái dao cầu cắt thuốc bắc, rồi vấn lại như thuốc tây..., mọi việc làm bằng tay.
Ngoài những việc theo từng mùa ở trên, việc thường xuyên của con là đan áo sợi (tay cánh thôi, khi nào họ đặt áo tay dài mới đan) cho một bà bán áo sợi nơi một nhà hàng. Một cái áo tay cánh họ cho tiền công 100 hay 120$ mà lúc ấy một cái trứng gà đã 80 - 100$ rồi. Đêm nào con cũng cặm cụi đan (mỗi tuần hay hai tuần giao hàng một lần). Đêm không trăng thì đan dưới ngọn đèn dầu leo lét, đêm nào có trăng thì ngồi bên cửa sổ đan dưới ngọn đèn trời sáng hơn và thanh mát hơn; phần nhiều mỗi tuần con đan được hai áo; khi lãnh sợi thì cân, khi giao áo thì cân áo, và cân sợi còn lại rồi trả, nhận tiền.
Miền con ở là miền nuôi tằm, dệt lụa. Con cũng bắt chước người ta nuôi tằm, nhưng con chỉ nuôi được có một lưá (4 nong lớn) vì lúc con tằm nhỏ bằng nửa con kiến thì con ít sợ, chỉ việc cắt nhỏ lá dâu rải lên, một chốc nó lên cả trên lớp lá dâu mới, thế là con dùng đôi đũa gắp từng lớp dâu cho qua nong mới (mỗi đêm phải mỗi thay nong và cho dâu mới cho nó ăn cả đêm, ban ngày phải cho dâu hai lần nữa nhưng không thay nong) nhưng độ 3 ngày sau nó bắt đầu lớn, con sợ hết vía, Anh Quỵ con phải thay nong và rải dâu dùm con, nhưng có một đêm anh con đau nhiều, lên cơn suyễn nặng không giúp được con, con phải làm; mới mở cái nong đậy lên con hét quá vì con sợ quá sức, mấy con tằm đã to bằng ngón tay út và dài bằng ngón tay trỏ. Bà hàng xóm trước mặt nhà nghe con khóc và hét chạy qua; bà hiểu ra chuyện, cười ngất bảo con từ nay để bà bỏ dâu và thay nong cho, bà đưa tay không bắt từng con một cho qua nong sạch và lấy dâu cả cành cả lá cho lên trên, "tằm đã ăn lên, sắp làm kén, không phải cắt dâu". Mấy ngày sau con tằm vàng như tơ không ăn nữa; bà bảo con lượm cành trúc, cành hóp, bà để một nong đầy cồm, thế là con tằm tự leo lên và nhã tơ làm kén. Xong rồi để vài ngày sau gỡ kén ra. Nấu một nồi lớn, nước gần sôi, bỏ một nắm kén vào, dùng một đôi đũa dài trộn vài vòng, tơ nó dính vào đũa, một sợi tơ là 4, 5, 6 múi tơ trong mấy cái kén, dính lại, cho múi tơ vào guồng tơ, quay guồng tơ bằng tay trái, nồi nước sôi bên tay mặt; tay mặt cứ cầm đũa vuốt vuốt nơi sợi tơ để cho nó suôn, mịn; tay trái cứ quay guồng tơ. Chốc chốc lại cho một nắm kén vào nước. Thế là con làm được mấy guồng tơ vàng óng, đủ để dệt một tấm lụa. Nếu tay mặt cầm đũa không vuốt đều nơi mấy sợi tơ thì thỉnh thoảng nó có gút thì tơ ấy dệt đủi chớ không dệt lụa được và bán rẻ hơn. Bà hàng xóm bán dùm tơ cho con. Sau này con đi kéo tơ một vài lần cho người ta chớ không bao giờ con nuôi tằm nữa. Con thích kéo tơ dệt lụa vì con yêu âm thanh của guồng tơ quay đều đều, và âm thanh của con thoi đưa qua đưa lại nhịp nhàng, nhất là đêm khuya thanh vắng, những âm thanh nhẹ nhàng ấy cho ta nghĩ đến một cảnh thanh bình êm ấm. Nhưng thật chỉ là lòng ước mơ của mọi người thôi; cảnh bình lặng vài tháng nay cũng chỉ như trời quang đãng, gió yên lành trước một cơn bảo tố. Người ta đang manh nha một việc gì, một chiến dịch mới đang thành hình.
Một buổi chiều, sau khi cơm nước xong, chúng con dắt hai cháu nhỏ đi dạo trên bờ đê ven bờ sông La. Đang nói chuyện bỗng Anh Quỵ con la lên: "Thôi chết rồi, em ơi!", bàn tay anh nắm chặt lấy cánh tay con mà run lắm, con nhìn qua anh thấy mặt anh con tái mét mà mắt mở trừng trừng nhìn lên phía trước. Con hoảng sợ nhìn theo ánh mắt anh thì thấy phía trước xa có treo một cái biểu ngữ, con đọc thấy viết: "Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giai cấp". Ngày ấy tuy học tiếng Việt không nhiều nhưng con cũng không đến nỗi tệ lắm; và chữ Hán con cũng học thêm với Thầy con ngoài cái học ở trường nên con đã viết chính tả bằng chữ Hán được, vì vậy đọc câu biểu ngữ trên, từng chữ thì con hiểu nhưng chung lại thì con không hiểu rõ nói cái gì, nhất là không hiểu vì sao Anh Quỵ con mới thấy câu ấy mà run đến thế và tái mặt đến thế. Con hỏi dồn dập: "Anh có sao không?... Tại sao Anh run thế?... Câu ấy nói cái gì?..." Anh con đưa tay ra dấu bảo đừng hỏi, rồi nhìn quanh quất trước sau không thấy ai, và chiều hôm ấy trời quang gió lặng (nếu có gió không dám nói vì luồng gió mang tiếng nói đi xa lắm), anh mới nói nhỏ bên tai con: "Cọng sản rồi, không sống được đâu, nguy lắm rồi!" Con đâm ra lo, nhưng thật sự con lo vì cái lo của Anh Quỵ con, chớ con cũng chưa biết gì về cọng sản bao nhiêu. Nhưng không bao lâu sau thì con hiểu dần dần. Ở ngoài ấy chuyện gì cũng thành một "chiến dịch" và một chiến dịch đều mở màn bằng bao nhiêu biểu ngữ, bài hát, câu hò...
Ngày ấy chúng con "học tập" về cuộc kháng chiến chống Pháp có 4 giai đoạn:
1 - Tiêu thổ kháng chiến
2 - Du kích kháng chiến
3 - Vận động chiến
4 - Tổng phản công
Con chỉ nhớ sơ sơ vậy thôi vì con rất dốt nát về chính trị, mà mỗi buổi học chính trị con không bao giờ nghe; con không chuyện trò với ai cứ ngồi một góc với một quyển tập ghi chép rất sơ sài, còn thì cứ hai cái tay con, tay mặt và tay trái chơi X O với nhau thôi; họ thuyết trình ở trên nó vào trong tai cái gì thì biết cái ấy. Thế mà một hôm con bị bắt làm thuyết trình, con năn nỉ: "Tôi chưa biết một, xin cho tôi ngồi nghe để biết thêm hai, ba phần; chớ tôi đem cái hiểu biết rất nông cạn của tôi trình bày ra thì ích lợi được gì cho ai" thế mà họ cứ bắt con làm. Con nhờ Anh Quỵ con làm, con đọc qua đọc lại mấy lần mà vẫn mờ như người đi đêm. Đến ngày thuyết trình con nói với chủ toạ đoàn và chính trị viên: "Tôi tìm hiểu để thuyết trình, nhưng hiểu biết của tôi vẫn nông cạn lắm. Vậy tôi xin thuyết trình nhưng nếu có anh chị nào chất vấn xin các ông trả lời dùm tôi, tôi không biết trả lời đâu". Thế là con thuyết trình như một con vẹt tập nói rành mấy câu, còn thì họ chất vấn cái gì con cũng chẳng để ý, có khi mấy ông ấy trả lời, có khi mấy ông chần chờ thì Anh Quỵ con đỡ lời cho con.
Giai đoạn "tiêu thổ kháng chiến" bao nhiêu biểu ngữ "vườn không nhà trống", "một tấc đất cũng không để cho giặc Pháp"... Rồi bỗng chỉ một đêm thôi, thành phố Vinh, Hà Tĩnh... bị bỏ mìn, sáng mai lại dân chúng có nhà cửa, cửa hàng, phố, chợ... ngẩn ngơ nhìn một hoang tàn đổ nát. Chưa có một trận bom nào tàn phá đến như vậy; thật là bình địa, của mồ hôi nước mắt từ tổ tiên để lại... chỉ một đêm thành cát bụi, cây cối cũng không còn. Có người mất trí luôn sau vụ mất mát ấy. Con không thấy cảnh ấy, nhưng Anh Quỵ con có lần đi chấm thi bên Bạch Ngọc (Nghệ An) đi qua thành phố Vinh thấy cảnh điêu tàn ấy. Dân chúng chỉ được báo trước có mấy ngày để thoát thân thôi. Sau "tiêu thổ kháng chiến" thì song song với "du kích chiến" là có chiến dịch "thành thị hoá thôn quê", những người ở thành thị phải đổ dồn vào mấy làng quê, tập trồng trọt, ruộng nương, và người thôn quê bắt chước người thành thị; chắc trong lịch sử Việt Nam, cái mấn (cái váy) của người đàn bà thôn quê từ vùng Nghệ Tĩnh ra Bắc không còn nữa từ năm ấy (1949-50). Rồi đến giai đoạn "vận động chiến", thấm thoát đã đến "tổng phản công", thôi bao nhiêu là biểu ngữ mừng ngày chiến thắng trong tương lai; và trong giờ "học tập chính trị" chúng con phải tập một bài hát "Ngày mai tươi sáng", con còn nhớ bài hát, con xin chép ra một tờ giấy riêng để Thầy Cô xem cho vui. Chúng con học mãi về Tổng phản công, lúc đầu thì hân hoan, hăng hái... dần dần lơ là dần, và một hôm chúng con phải học "Trường kỳ kháng chiến", lại bao nhiêu biểu ngữ và một bài hát mới "Chiến tranh còn dài" thế là con ngày nào cũng hát bài ấy để ru con ngủ và khóc sướt mướt vì không biết có ngày về hay không.
Hai năm 1950 và 1951 là hai năm sôi động nhất. Chỉ có hai năm mà bao nhiêu chuyện xảy ra dồn dập, tới tấp đến nỗi bây giờ nghĩ lại không hiểu vì sao có nhiều chuyện thế.
Cuối hè năm 1950, trời làm một trận lụt lớn, vỡ đê. Tuy đê vỡ ở Lam Kiều (cùng chung một con đê ven bờ sông La, từ Linh Cảm đến Lam Kiều) cách nhà con cũng khoảng 25 - 30 km thế mà nhà con, ngôi nhà tranh nhỏ làm trên nền đất nện, cũng lún xuống đất cả hơn một thước tây. Trời chỉ mưa có mấy ngày thôi, cứ mưa rào rào một trận rồi nắng ráo trời quang, rồi lại mưa rào rào, rồi tạnh ráo nắng vàng hiu hiu, cứ như vậy thôi, thế là người dân quê biết là mưa lụt. Mõ rao khắp làng: "mỗi nhà mỗi đầu đinh là 5 bao cát". Trong nhà con có Anh Quỵ con và cháu trai thế là hai đinh, con phải đi mua bao lát đựng gạo và cát, ở ủy ban xã và về làm 10 bao cát để sẵn. Từ trưa hôm ấy mõ đã rao khắp làng: "dân đinh từ 15 tuổi đến 50 tuổi ra hộ đê". Thế là trên bờ đê Châu Phong đen nghịt cả người. Bao nhiêu trống, phèn la, xập xoã... trong làng đưa lên bờ đê, cả nồi đồng, đồ sắt nữa, đánh vang dội, nghe tiếng loa gọi chỗ nào có nước xoáy là họ cứ vào những nhà gần đấy mang mấy bao cát ra nhét thật kỹ. Và rùng rợn nhất là tiếng trống ngũ liên đánh liên hồi, mỗi khúc đê có một cái trống cùng đánh một lúc, tiếng vọng rất xa. Tối đến trời mưa đồn dập, tối đen, nhưng bờ đê là một dòng ánh sáng, bao nhiêu đèn gió, đèn bão đều đem ra, và đuốc cây đu đủ (cây đu đủ lúc gìa chết không bao giờ đem vứt, để một góc vườn, bao giờ thịt nơi thân cây mục, tiêu theo mưa nắng, nó còn lại một thân dài xơ như xơ mướp mà mềm xốp hơn, thế là người ta bó lại từng khúc lạt như đòn chả khổng lồ, dùng làm đuốc rất tốt vì lửa không tắt dưới mưa, lúc nào mưa thật lớn mới sợ tắt thôi). Lúc này canh khuya trời tối mịt, tiếng trống ngũ liên lại càng rùng rợn hơn nữa, chúng con sợ thót cả người như tim rụng. Bỗng chốc tiếng trống ngũ liên lại càng dồn dập hơn, và phèn la, xập xoã, soong nồi cùng khua vang, rồi tiếng loa và mõ cũng thét: "Không cầm cự được nữa, di tản ngay, di tản ngay". Thế là mọi người tuôn ra đường, hướng ngược về phía con đê ra đồi núi. Chúng con chạy ra vườn thì ra nước đã ngang ngực con rồi. May cho con lúc ấy trong nhà có chú em Anh Quỵ con vừa đậu Tú tài xong đến ở nhà để Anh Quỵ con dạy Pháp văn để thi vào trường thuốc ở Thanh Hoá (khi ấy trường thuốc còn học theo tiếng Pháp vì dùng sách Pháp), còn một cô út thì ở chung với chúng con lâu rồi, cô mới 9, 10 tuổi đang học lớp 3; Anh Quỵ con vì đau nên không đi hộ đê, thế là anh cõng một cháu, chú em cõng một cháu, còn cô út và con, hai chị em dắt nhau chỗ nào nước cao thì nắm tay nhau nhảy, vì vậy đi lâu lắm mới qua khỏi con đường làng nước ngập; rồi chúng con cứ theo dân chúng lên núi vào một ngôi đền ngồi một góc. Vừa mới ngồi xuống thì một tiếng "ầm" long trời lỡ đất, mấy trăm người chật nghẹt nơi ngôi đền đều oà lên khóc. Đê vỡ rồi! mà không biết vỡ khúc nào, khúc nào gần đó thì sẽ không còn một viên gạch nền nhà nữa. Lúc ấy độ 4 giờ sáng. Trưa hôm sau chúng con mới biết là vỡ ngay khúc nhà thương Lam Kiều; may mà chiều hôm trước họ đã di tản hết bệnh nhân và nhân viên, dân chúng quanh vùng cũng được lệnh đi hết rồi. Lam Kiều thành bình địa. Lúc chúng con trở về thấy lạ vô cùng, cái nhà tranh của chúng con cao độ 2m50 thêm cái mái nhọn nữa là độ 3m50, lúc về ngôi vườn thấy mái nhà úp trên mặt đất, chắc tường còn hơn 1 m thôi; thì ra nền đất sũng nước nên mọi vật đều lún xuống đất, chỉ có cái mặt bàn, cái mặt bằng của cái tủ gỗ, 3 cái mặt giường nằm sát mặt đất như nền nhà còn thì không có gì nữa. Nhà ai ở trên nền đất như của chúng con đều bị tình trạng như vậy.
Vì thiên tai, vì chiến tranh lan rộng... nên chiến dịch "Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giai cấp" cũng chậm lại một thời gian. Tuy nhiên nỗi ưu tư lo sợ đã hiện rõ trên mặt mọi người, chúng con đã bắt đầu nghe vọng lại từ khu III (chúng con là khu IV) đến Thanh Hoá, những cuộc đấu tố, gọi là tố khổ, và chúng con đã bắt đầu học "Kế hoạch tằm ăn dâu" nghĩa là dùng một nơi làm thí điểm để bắt đầu làm "chiến dịch" và "rút kinh nghiệm" của vùng thí điểm ấy áp dụng dần dần ra các vùng khác "cho được tinh vi hơn".
Trong lúc tinh thần căng thẳng, tâm tư xao động, thì bom đạn tơi bời. Những hầm trú ẩn dài, hay vuông hay chữ nhật dùng cho cả gia đình, không thể dùng nữa, nhà nhà phải đào hầm cá nhân, sâu 2m50, rộng 1 m và bên trong phải khoanh một cái nòng đan bằng nứa để cho đất khỏi đổ sụp xuống. Chúng con đào 3 cái hầm thật tốt, mỗi hầm có một cây tre chặt hết cành lá còn một khúc nè ngắn ở mỗi mắt tre để làm cái thang lên xuống. Anh chị Khai, ở trước mặt nhà con thích 3 cái hầm của chúng con, nên lúc nào không có chúng con ở nhà mà có báo động thì anh chị chạy qua đem hai cháu nhỏ của con và cô em út của Anh Quỵ con xuống hầm. Anh chị Khai rất thương chúng con vì có một lần chị bị thổ tả mà con chữa lành, con có biết gì đâu nhưng ngày xưa học thì con biết là thổ tả, con chỉ cho uống nước gạo rang có bỏ gừng, nghiền nát thuốc stovarsol cho uống, và lấy đất sét giữa lòng ruộng, vo lại một viên đốt cháy cho vào một tô nước đun sôi để nguội rồi cho uống dần dần; thế là Trời giúp con nên chị lành bệnh.
Thường thường mỗi ngày ít nhất là một lần máy bay bắn phá và thả bom vùng xa xa hay miền lân cận, nhưng bao giờ cũng bay qua vùng con, có khi sà cánh rất thấp, bắn lẻ tẻ vào bờ bụi..., cũng có người trúng đạn bị thương hoặc chết nhưng rải rác thôi.
Bỗng ngày 1-6-1951, ngày ở ngoài ấy gọi là "Ngày Nhi đồng Quốc tế", trường được nghỉ, vừa mới xong cơm trưa thì máy bay đến. Chắc vì gió ngược chiều nên máy bay đến gần mới nghe, thì tiếng trống và phèn la inh ỏi nổi lên (không có còi hụ báo động) dân chúng lúc ấy mới chạy ra hầm. Anh Quỵ con và Cô Chín, em út, chạy ra cùng hai cháu, cứ một hầm 1 người lớn 1 trẻ con, con chưa kịp ra (vì con đang chấm bài thi đệ nhị Lục cá nguyệt phải sắp xếp lại kẻo lạc) thì bom nổ đinh tai vỡ tim, Anh Quỵ con hốt hoảng la lên: "Nằm xuống, chờ lúc máy bay đến gần ngang nhà thì chạy ra hầm". Con vừa nhảy xuống hầm thì một cành cây mít gãy đổ ngang trên miệng hầm và bom nổ liên hồi, bắn phá rát lắm. Lúc hết máy bay chúng con leo lên thì trời đất mù mịt vì cát bụi, vì khói, vì cây cối xơ xác... Thì ra bom nổ ở Dinh Cụ Quận (dinh cụ Hoàng Cao Khải, cách nhà con độ 6, 7 trăm thước) vì dinh cơ đẹp, nhà cửa to lớn, xung quanh thành cao bao bọc, máy bay tưởng là cơ quan của chính phủ. Con nghĩ ngay đến cô Chanh (cô ở trong vòng dinh cụ Quận, cô là chị cô Khang dạy con năm lớp nhì 2e année). Dinh tan nát, hơn 150 người chết xác bay khắp mọi nơi cả trên bờ tre, ngọn cây... thật là một cảnh điêu tàn rùng rợn. Loa gọi dân đinh từ 20 - 50 tuổi đi nhặt xác để an táng. Nhiều gia đình không còn ai, có một cô gái 17, 18 tuổi vừa cơm trưa xong thì gánh gánh đậu hủ đi bán như thường ngày thì dinh bị bom, sau cô trở về thì cha mẹ, anh chị em đã mất hết rồi. Thế là từ ngày ấy vùng Châu Phong của con trên bờ sông La bị bom hàng ngày, có hôm đã gần tối rồi mới dám họp chợ mà máy bay đến thả bom ngay chợ, cũng chết mấy chục người.
Độ khoảng giữa tháng 6, gần chỗ con có đồi Linh Cảm, đồi thông xanh rất đẹp, cảnh trí rất nên thơ, đó là một địa điểm rất quan trọng về quân sự vì đồi Linh Cảm ngó ngay ra chỗ sông Phố Châu, gặp sông La, tức là ven đường số 8 lên Lào đến Thakhet, nên ngày trước quân đội Pháp có đào địa đạo khắp đồi. Dân chúng quanh vùng không đào hầm, cứ có trống phèn la báo động là chạy lên hầm địa đạo ấy. Ngày ấy chắc dân chúng chạy lúc tầm máy bay thấy được, nên một trận bom dội xuống đồi Linh Cảm, gần 200 người chết, bị thương cũng nhiều lắm. Cả vòng địa đạo khúc khuỷu (nơi thì góc nhọn, nơi góc vuôn...), quanh đồi bị bom dội sập chết hết, cả đồi thông xanh tan nát, trốc gốc, cây nào còn lại thì trơ trụi giơ bộ xương không còn một ngọn lá. Ở nhà con nhìn lên đồi, cách độ 200 m, mấy ngày sau, quạ đánh hơi về đậu quanh kín cả đồi. Ngay tối hôm ấy Anh Quỵ con phải đi theo đội đi đào nhặt xác và chôn cất. Công việc chỉ làm ban đêm thôi vì ban ngày, từ hôm ấy, mọi việc tạm ngưng, trường tạm đóng cửa, nhà dậy 4 giờ sáng, ăn uống cho xong 6 giờ sáng phải ra hầm ngồi, 8 giờ tối vào ăn tối, rồi đàn ông từ 20 - 50 tuổi phải đi nhặt xác đến 1, 2 giờ sáng mới về (hơn một tháng mới xong nhưng mấy tháng sau đi ngang qua đồi Linh Cảm vẫn còn mùi ám khí).
Trong trường con có cụ Nguyễn Duy Quang (bạn của Vua Bảo Đại, sau này làm Đại sứ bên Paris) thuê một cái nhà trên núi xa, cách đê Châu Phong 7, 8 km, cụ và một người quen cụ bảo chúng con cứ 4 giờ sáng dậy nấu cơm rồi mang đi, lên trên núi ấy tránh bom, tối về. Chúng con đi theo. Sáng nào cụ và người bạn cũng qua nhà con cõng hai cháu với Anh Quỵ con, và cô út và con xách áo quần các cháu và giỏ cơm đi. Sáu giờ ra về, thì về nhà cũng vừa sửa soạn cơm tối. Sáng ngày 30 tháng 6 ấy con đau, sốt và run nữa, như sốt rét, con lo cơm nước chuẩn bị để đi, con nói với Anh Quỵ con cùng cô út đi với hai cháu như thường, anh con bảo nếu ở nhà thì ở nhà hết. Đến khi cụ Quang và bà bạn đến nghe nói vậy cụ bảo: "Anh ở nhà với chị là phải, không để chị một mình được. Nhưng cô út và hai cháu đi theo hai bác, hai bác lo cho." Chúng con lại ra hầm ngồi bên miệng hầm. Con vừa chấm xong xấp bài Lý Hoá, con vào trong nhà để xếp thứ tự vì là bài thi lục cá nguyệt. Lúc ấy độ 1 giờ trưa, con cũng không nhớ rõ, bỗng báo động máy bay đến. Anh Quỵ con gọi tới tấp, con chỉ kịp chạy ra nhảy xuống hầm chớ không đủ thì giờ để bước trên những khúc nè của cái thang tre... thì bom nổ quả đầu tiên, ở xa lắm nhưng tự nhiên nóng rực như thiêu, không có lửa nhưng sức nóng và mặt trời cuối tháng 6, và lòng hầm đan bằng nứa đã khô, có lẽ như vậy, tự nhiên vòng nứa trên miệng hầm cháy. Anh Quỵ con la lên: "Lên lập tức, nằm nép theo bờ tre". Rồi anh bảo con cứ nép sát bờ tre nhìn phía trước, lúc nào thấy anh bò là phải bò thật nhanh, lúc nào anh nằm im là phải nằm thật im đừng nhúc nhích. Thế là cứ khi nào máy bay đến cách độ 7, 8 m là bò thật nhanh cho đến lúc máy bay qua độ 7, 8 m rồi nằm im... Cứ như vậy chúng con bò xa dần nơi nguy hiểm ra bờ ruộng xa. Máy bay bắn các bờ tre nhiều lắm, con không hiểu vì lẽ gì chúng con thoát được. Lúc đến bờ ruộng xa thì dân chúng đã trầm mình trong bùn ruộng. Lúc ấy vì quá lo sợ, hãi hùng, nên chân tay rách nát vì gai góc, trúc, tre, nè, hóp đâm thủng, hai đầu gối và hai cùi tay quần áo mòn rách và chợt da giơ thịt thế mà xuống bùn cũng chẳng thấy đau rát gì cả, và con cũng chẳng nghĩ đến mà sợ con đĩa nữa. Máy bay vẫn bay quanh vùng, bắn phá không ngừng, chỉ có 2 hay 3 chiếc thôi, hồi ấy người ngoài ấy gọi là máy bay "bà già". Vào khoảng 4, 5 giờ chiều một tiếng nổ long trời lở đất, không khí bỗng nóng hừng hực và một dòng sông lửa, ngọn cao lên tận mây, chạy dài phía xa kia, "thôi cả vùng ven bờ đê Châu Phong cháy rồi" mọi người đều la hoảng nhưng tiếng tắt nghẹn, vì quá kinh hoàng, không ai lên tiếng khóc, chỉ trố mắt nhìn dòng sông lửa. Trời tối đã lâu rồi nhưng phía chân trời xa xa kia mây đỏ rực. Chắc cũng đến 10, 11 giờ khuya mọi người từ các đám ruộng mới leo ra khỏi bùn và về nhà.
Lúc về gần nhà, nóng như một lò lửa, lửa ngọn tắt rồi, nhưng ven bờ đê dài, một vồng than như một dải đồi thấp suốt dài con đê còn đỏ đượm. Chỉ có hai quả bom Napalm (con chắc là hai quả vì trong suốt thời gian bò ra ruộng con không nhớ có bom) mà tàn phá cả dãy nhà ven đê dài mấy chục cây số!
Chúng con thật là hoàn toàn trắng tay. Lại thêm một bước rẽ trong cuộc đời.
Nay kính
Con
Thương Thương
Bài hát: Ngày mai tươi sáng
Ngày mai tươi sáng kia
Khi đoàn quân trở về
Súng rừng, gươm giáo với cờ vàng sao
Tô màu chiến thắng.
Đô thành vang tiếng cười,
Thanh bình ca vang trời,
Phố phường tươi thắm với những nụ cười
Nở trên ngàn môi.
Năm xưa quân đi
Quyết đem về một ngày toàn thắng
Qua bao năm tranh đấu tung hoành lòng vẫn không sờn
Đoàn trai hiên ngang
Một đêm hô vang hiện về chốn cũ,
Đuổi quân cướp nước, giữ lấy đô thành bất diệt ngàn thu.
Ngày về tươi vui
Nhưng giữa thủ đô ai luống ngậm ngùi,
Bao mái tóc xanh quấn vành khăn trắng,
Đôi má nhăn nheo lệ cuốn tơi bời
Chờ chồng mong con, ngày về chiến thắng
Trong toán quân về đếm thiếu những ai!
*
Bài hát: Chiến tranh còn dài
(Bài này sau này trong miền Nam của mình có sửa lại vài chữ rồi cũng đưa ra hát ở miền Nam)
Một chiều Anh bước đi
Em tiễn chân Anh ra tận đồi
Nghe dặn lời rằng: Kháng chiến còn trường kỳ
Rằng: Kháng chiến còn trường kỳ
và còn gian khổ!
Máu còn rơi, xương còn rơi
Bao lớp người tiền tuyến xông pha
Ngăn quân thù giày xéo dân ta
Dựng cuộc đời mới.
Một ngày vui tới (í) phơi phới
Như dòng sông ra đại dương
Qua bao ghềnh và đá cheo leo
Chiến tranh này còn dài, Em ơi!
Mới đến ngày toàn thắng.
Và xa xôi Em nhớ lời rằng:
Muốn có một ngày về
Thì kháng chiến còn trường kỳ
Và còn gian khổ!
____________
Falls Church, 26 tháng 5 năm 1995
Kính Thầy Cô,
Con xin, trước là kính thăm Thầy Cô, sau xin kể tiếp chuyện ngày xưa lúc con ở ngoài khu IV để Thầy Cô xem cho vui, để Thầy Cô xem cho biết đúng hơn.
Sau khi bom Napalm thiêu rụi vùng ven đê Châu Phong, trường đóng cửa, nghỉ hè sớm; mọi sinh hoạt ngưng lại chỉ trừ 2 buổi học tập chính trị. Chúng con về tạm trú tại nhà Ông Nội các cháu để gởi các cháu rồi đi tìm thuê nhà. Chúng con thuê được một phòng của nhà Cố Hiệu (cố mất rồi chỉ có hai người con trai là anh Hiệu, anh Tài). Cái phòng để thờ có một cái phản ngựa lớn và một cái bàn nhỏ; nhà trên một ngọn đồi cách Châu Phong cở 7 km. Chúng con về ở đó vì con dạy gần đó.
Hồi ấy ở ngoài ấy nghỉ hè có 2 tháng thôi. Tháng 9 lúc đi học lại, trường làm lại bằng tranh mà chưa xong, nên các lớp tạm dạy rải rác trong các ngôi đình xưa, chỗ này một ngôi, đồi khác một ngôi, và lúc ấy phải học khuya vì còn bom đạn quá, nghĩa là học từ 1 giờ khuya đến 5 giờ sáng; chợ họp từ 3 giờ khuya đến 5 giờ sáng... ban ngày mọi sinh hoạt đều trên miệng hầm. Có ngôi đền được một lớp, ngôi đền nơi con xưa lắm, rộng, nên được 2 lớp. Thầy trò ngồi xuống đất thôi, không có bàn ghế, và 1 cấp lớp học chung một ngôi đền hay hai ngôi gần nhau.
Đi dạy đêm, con không có đèn gió và đèn bão gì cả, mà đồng hồ cũng không vì trong vụ cháy nhà chúng con chỉ có thoát được thân với một bộ quần áo trên người thôi. May trong vùng ấy có 4, 5 em là học trò của con, và em Phái có đồng hồ. Em Phái mỗi đêm cứ 12 giờ khuya là đi ngược lại phía nhà con, gọi con, và con đi ra với em, qua lại nhà em và lên đồi cao hơn có ngôi đền; mỗi lần như vậy cứ gọi nhau "ơi ới" cùng đi chung 5, 6, 7 người. Em Phái là người sinh trưởng ở vùng ấy, trong nhà có ông bà nội, cha mẹ và anh em đông, nhà nghèo, làm nghề cày ruộng mướn cho người ta và ban đêm phải đi đặt nơm hay câu đầm để phụ thêm cho đủ sống. Sở dĩ con nói dài dòng về em Phái vì con muốn kể một chuyện quan trọng sau này. Đặt nơm nghĩa là họ đem 3, 4 cái nơm để một nơi có nước chảy cho nước chảy vào miệng nơm. Nếu cá theo luồng nước vào nơm thì không ra được, họ để cả đêm như vậy. Câu đầm là cho cả chục cần câu, có móc mồi, như đi câu nhưng thả chìm xuống nước, thu dấu cần trong bụi bờ nào đó, để như vậy cả đêm, phải ngũ lại đó, sáng mai lấy nơm, lấy cần lên, cá vào nơm bao nhiêu, cá cắn mồi bao nhiêu là nhờ bấy nhiêu. Khi nào ít thì dùng trong nhà, khi nào nhiều thì đi bán quanh trong xóm. Con biết nhà em Phái vì lúc đi đến trường và về đều có qua nhà em, nhưng em thường nói với con: "Bao giờ có cá, em gọi chị, chớ chị đừng đến nhà em, thường không có ai ở nhà" (ngoài ấy gọi anh chị chớ không gọi thầy cô).
Một hôm như thường lệ 12 giờ khuya, em Phái qua nhà con rồi cùng đến trường; các em khác gần đó cũng nhập bọn thành nhóm con có đến 7, 8 người; đi theo con đường mòn trên núi thành ra đi hàng một hay hai thôi, con đi chậm nên đi sau cùng. Bỗng lúc đi ngang qua nhà em Phái, con nghe tiếng rên, khóc... rùng rợn lắm, con hoảng sợ vội hỏi: "Trong nhà em có ai đau vậy, ông bà hay cha mẹ em?" Em Phái đi trước vội chạy lui bấm tay con đau điếng và kề tai nói nhỏ: "Chị đừng nói, ai nghe là chết cả gia đình em, em sẽ đến nhà chị nói chuyện sau." Trưa hôm đó em đến nhà con, nhà không có ai, anh Hiệu và anh Tài chủ nhà đều đi làm ngoài đồng, em Phái mới kể chuyện bí mật cho chúng con nghe. Em bảo là trong nhà em lúc nào cũng có 3 người lạ mặt, họ bắt người nhà phải canh gác. Mấy người ấy suốt ngày bị còng, mỗi ngày cho ăn một lần là một bát cơm và muối và một chút rau. Cứ ban đêm 12 g, 1 giờ khuya họ đem 3 người ấy đi bảo là đi "học tập", 4 giờ sáng đem về, một tuần 2, 3 lần đi như vậy. Lúc nào mấy người ấy về cũng đều máu me đầy người, mặt mày sưng vếu, tím bầm... Có khi đem đi 3 người về còn lại 2 người thôi, họ bảo là "người ấy tiến bộ rồi cho về với gia đình" và họ lại đem người khác đến cho đủ số. Họ bảo "đây là bí mật quốc gia, nếu tiết lộ là cả nhà bị giết; và nếu để mất một người là một người trong gia đình phải đền mạng." Đó là lý do em Phái không cho con đến nhà. Và em cũng cho chúng con biết là trong vùng ấy có nhiều nhà phải canh giữ người như nhà em, nhà ít là 1 người, có một nhà rộng, người đông phải giữ 4 người, còn thì 2 và 3 người, nhiều lắm.
Thì ra chúng con "học tập chính trị" bảo là "dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không có nhà tù", thật ra nhà tù rải rác trong nhà dân chúng, những nông dân nghèo, chất phác, ở những vùng đồi núi hẻo lánh, những nơi nhà cửa thưa thớt xa nhau... đó là những nhà tù. Những nơi nhà san sát nhau, nhà công chức... không bị cảnh ấy. Chúng con nghe mà xót xa, buồn vô hạn và suy nghĩ miên man. Nhưng chúng con đâu dám hé môi cho một người nào đâu vì vận mạng của cả một gia đình của một em học sinh rất dễ thương vì đặt hết lòng tin tưởng nơi con mới thổ lộ một bí mật mà chắc chắn em mang nặng trong lòng từ lâu.
Con dạy trên ngôi đền ấy chỉ vài tuần thôi thì trường con đã làm xong 2 dãy nhà tranh ven bờ đê Châu Phong thay cho 2 dãy nhà ngói khang trang ngày trước. Và từ đó trường dạy ban đêm từ 7 giờ tối đến 12 giờ khuya. Từ ngọn đồi có nhà Cố Hiệu chúng con thuê đến trường xa đến 7 cây số nếu đi đường cái, nhưng nếu đi băng đường ruộng trên đê nhỏ (diguette) thì độ 5, 6 cây số thôi. Con chưa bao giờ thấy con đường cái vì các em học sinh vùng đồi chỉ dùng con đường tắt.
Mỗi buổi chiều, trước 6 giờ, con đi với các em trong xóm con (Anh Quỵ con vẫn nghỉ phép vì bệnh cho đến khi chúng con trốn về anh con vẫn chưa đi làm lại), khuya 12 giờ ra về, đi đêm tối tăm nên chậm hơn cũng gần 2 giờ sáng mới về đến nhà.
Mà đi học phải mang theo nhiều chuyện lôi thôi lắm, mỗi người phải có một cây gậy dài và một cây đèn lồng vì Ông Trời không tha một tai ách nào. Từ sau lúc bom đạn tơi bời thì chó dại nhiều lắm, người ta bảo chó hoảng sợ phát điên, nhưng con nói phải có dịch chó dại, chớ chó phát điên thì chỉ hung hăng cắn bừa thôi chớ đâu có chết thê thảm thế. Một anh bạn dạy học chung trường với chúng con là anh Nghiêm Trúc bị chó cắn, ngoài ấy không có thuốc tiêm, sau anh phát dại người ta bắt anh trói vào cột giường và anh sùi bọt mép, mặt đỏ gay, tru lên rất rùng rợn; bạn bè trong trường và chúng con đến thăm chỉ biết nhìn anh mà khóc chớ có làm gì được, anh chết rất thê thảm, gia đình ở xa. Rồi một chị ở gần nhà con, buổi trưa nằm võng ru con ngủ, một con chó ở đâu nhảy vào cắn cũng chết rùng rợn như anh Trúc... Mãi đến tháng 9 trời đã dịu nắng, đã có đôi ngày gió thu heo hắt, mà vẫn còn chó dại. Một đêm ở trường về, lúc ấy cũng khoảng hơn 1 giờ sáng, chúng con, một nhóm bảy tám người, bị một con chó dại tấn công; con vội chụp lấy mấy cây đèn gió của các em học sinh và các em cầm gậy múa tứ tung, nhưng con chó dữ lắm, nó cứ chồm tới. Con sực nhớ "chó dại sợ nước lắm". Con vội bảo các em nhảy ngay xuống ruộng (vì chúng đi về trên con đê nhỏ băng ruộng), dùng nón tát nước, một chốc con chó sợ chạy mất, chúng con mới leo lên bờ tiếp tục đi về nhà.
Học trò của con trong lớp đêm hồi đó có từng nhóm, nhóm gần trường là Châu Phong, Đông Thái, Đức Thọ, nhóm xa có nhóm Chợ Cầu... vì đi đêm 1, 2 giò sáng phải tìm bạn chớ không ai dám đi lẻ tẻ vì sợ. Nhóm các em Chợ Cầu và dưới Chợ Cầu ở xa nhất, từ trường về nhà phải 7, 8, 10 cây số. Sau mấy tháng học đêm, con để ý thấy mấy em nhóm Chợ Cầu (7, 8 em trai) xem bộ buồn bã và gầy xanh. Một hôm vào giờ ra chơi con gọi các em ở lại lớp, con bảo các em là con thấy các em sức khoẻ sút kém, các em đang tuổi lớn (15, 16, 17 tuổi) cần ăn ngủ, mà đi học đêm các em ở xa phải 2, 3 giờ sáng mới về đến nhà; vậy phải tìm cách ngủ bù ban ngày bên miệng hầm hay dưới hầm... Con lấy làm lạ vì thấy các em im lặng nhìn nhau, rồi thúc cùi tay nhau nói nhỏ: "Nói đi, không can gì đâu, nói hết cho chị nghe."
Các em học sinh vùng Chợ Cầu và Chợ Tràng (xa hơn Chợ Cầu độ 2 tới 3 cây số) đến trường trên con đường hồi ấy gọi là Quốc lộ số 8 (đi từ Vinh đến Linh Cảm rồi qua sông Phố Châu qua Lào). Hai bên đường Quốc lộ số 8 không có xóm làng, nhà cửa, ruộng lúa... mà là ruộng mía trùng trùng điệp điệp. Mía ở ngoài ấy không phải như mía ở Huế mỗi bụi 7, 8 cây cong keo trồng rời rạc, đây mía trồng từng luống sát nhau và bụi này sát bụi kia, cây cao thẳng ít nhất là 2 m 50 rồi đến lá và hoa, hoa mía giống hoa bắp mà lớn mạnh hơn, thành ra cây mía cao cả 3 m 50 hay hơn và dày đặc. Ai ở trong ruộng mía, ban ngày cũng khó tìm kiếm, ban đêm thì chắc là chịu.
Các em học sinh nhóm Chợ Cầu, Chợ Tràng nói với con là các em sợ lắm, nhiều câu hỏi cứ lảng vảng trong trí, nhiều lo lắng thắc mắc trong lòng mà không dám thổ lộ với ai, không biết tìm giải đáp nơi nào.
Mỗi buổi chiều lúc các em đi đến trường (khoảng 4 giờ 30 đến 5 giờ chiều) trên con đường số 8, tứ bề im lặng, gió chiều dầu có lay động hoa mía lá mía cũng chỉ gây nên một bản nhạc đều đều trầm buồn chớ không đủ làm xáo động bầu không khí êm đềm của buổi chiều hoang vắng; nhưng ban đêm là một sự rùng rợn hãi hùng.
Các em đi học đêm đều có gậy và đèn gió. Phần nhiều đêm nào cũng vậy, lúc các em đi ở xa nghe phía trước xa có tiếng quát tháo, la mắng, đánh đập và tiếng khóc la, van nài, tiếng thét vang đau đớn... lúc gần đến nơi chỗ đoán là có tiếng động ấy thì chỉ nghe hai bên bờ ruộng mía xáo động rào rạc, mặc dầu không có gió, rồi im lặng. Đi xa chỗ ấy lại nghe phía trước và phía sau xa xa có ánh đèn và những tiếng động rùng rợn như từ cõi âm ti dịa ngục kia lại nổi lên, lúc đến gần gần, ruộng mía lại xao động xào xạc rồi lại im lặng. Suốt quãng đường dài ấy có đến mấy đoạn có tiếng "ma khóc quỷ hờn" ấy.
Các em sợ tái người nên ban đêm chỉ chuyện trò cười giỡn lúc đi qua các xóm làng thôi, còn lúc ra đến đường số 8 thấy ánh đèn mờ thật xa là các em đã đi sát vào nhau, im lặng và lúc nghe tiếng la hét... là run lên bần bật.
Một hôm, sau mấy ngày đi học đêm, trời nắng ráo đã lâu rồi, đêm ấy không trăng trời tối lắm, các em đang đi, nhiều em bỗng dẫm phải cái gì nhơn nhớt như bùn ướt, lúc soi đèn mới thấy là từng vũng máu, các em lạnh toát người mà không dám la, muốn vùng chạy mà lại không dám chạy vì sợ có người biết mình đã biết được những gì không nên biết. Và sau này thỉnh thoảng các em lại gặp phải chuyện như thế. Các em thắc mắc, lo lắng, ưu tư... nhờ con giải thích và hỏi phải làm sao...
Con lạnh người, ngơ ngẩn, bàng hoàng... nhưng đâu dám mở miệng giải bày một điều gì đâu. Con chỉ bảo các em: tuổi các em là tuổi ăn học, cố gắng học hành, cố gắng bình tâm để tâm hồn được thanh thản, còn những chuyện các em nghe thấy là "chuyện ma hay chuyện người" như lời các em hỏi thì hãy để hoặc là người của thế giới vô hình hoặc là người có dính líu đến những chuyện ấy làm sao thì làm, chưa phải lúc mình bàn đến.
Con thuật lại những chuyện ấy cho Anh Quỵ con và chúng con mất hết cái hồn nhiên vui vẻ của tuổi trẻ từ đó.
Đem hai chuyện của em Phái kể và của các em nhóm Chợ Cầu, Chợ Tràng nhập lại thì hiểu rõ mọi chuyện.
Thì ra đêm đêm họ đem những người bị giam cầm ở nhà dân ra đường số 8 tra khảo, đánh đập, cùm kẹp... nếu có chết thì chôn xác mất tiêu. Họ có sợ gì đâu, vì đi đêm ai cũng có đèn, đèn đến gần thì cứ bịt miệng nạn nhân kéo xuống ruộng mía trùng trùng điệp điệp và dày đặc, rồi đèn đi xa lại kéo lên tiếp tục... Một "chế độ không có nhà tù" mà nhà tù là đồng núi bao la, không tốn cơm ăn, không tốn người canh giữ; phòng tra khảo không phải là một hai phòng hẹp ở một ngôi nhà nào mà là trời rộng thênh thang, đường dài đến mấy cây số, cùng một lúc có thể tra khảo bao nhiêu nạn nhân... Thật là rùng rợn, hãi hùng.
Chúng con may mắn được các em tin cẩn nên dám thổ lộ những việc "mắt thấy tai nghe" ấy chớ chắc gì mấy người khác biết được. Mà chúng con cũng đâu dám hé môi nói lại cho một người nào biết đâu, cho nên những người bị chết oan trên con đường số 8 vào một ngày xa xưa kia vẫn mãi mãi biệt âm vô tín, mãi mãi là những oan hồn vất vưởng gia đình không ai hay. Thật là tội nghiệp!
Như các em học sinh nói với con "Lúc đầu chúng em sợ quá nghĩ là ma", những việc xảy ra sau làm cho các em xác định không phải ma.
Riêng phần con, chắc đi đêm con đã gặp ma rồi. Con xin kể chuyện này để Thầy Cô khuây đi cảm giác vừa rùng rợn vừa xót xa khi nghe qua câu chuyện của các em học sinh vùng Chợ Cầu, Chợ Tràng.
Vừa mới về dạy đêm nơi ngôi trường tranh ven bờ đê Châu Phong độ mươi bữa thì tối hôm ấy, không biết trước, trường cho hay là sau lúc học sinh ra về, tất cả nhân viên phải ở lại họp. Lúc họp xong ra về, con không nhớ rõ, nhưng chắc phải hơn 2 giờ sáng. Bạn bè ở nhiều nơi, người thì Đông Thái, Đức Thọ, kẻ thì Linh Cảm, Chợ Nướt, phần đông thì ở Châu Phong phía sau đồng ruộng không bị cháy nhà, chỉ một mình con ở phía đồi Tùng Ảnh xa ấy. Lúc mọi người tản mác ra về cả rồi và những ngọn đèn dầu trong trường đã tắt hết, con mới hoảng hốt vì con không hề có đèn. Các em trong xóm nhà Cố Hiệu có bảo để ở lại chờ con nhưng con bảo về vì sợ cha mẹ các em mong, chỉ nhờ ghé tin cho Anh Quỵ con là con phải họp; con cũng quên mượn một cây đèn.
Trời tháng 10 tối đen như mực, lại mưa lâm thâm. Con đường từ trường ra đến bờ ruộng dài độ non một cây số, thẳng và khá rộng mà trời tối quá cũng khó đi, may là một chốc trời có chớp con nhìn thấy 5, 6 thước trước mặt rồi lại phải dừng lại chờ cái chớp... Đến khi ra đến bờ ruộng thì con hoảng sợ vì không biết phải đi trên con đê nhỏ (diguette) nào. Chỉ mới mươi ngày đi với mấy em con không để ý, mà ruộng mênh mông không có nhà cửa, cây cối để làm một cái mốc, và những con đê nhỏ ngòng ngoèo ở đâu cũng giống nhau, nếu đi ban ngày con cũng không biết đường đi nữa huống là ban đêm mưa lâm thâm, trời tối đen như mực. Lúc ấy con sợ quá sức, không muốn khóc mà nước mắt tự nhiên trào xuống má. Lúc trời chớp thấy mấy con đê chằng chịt mà con vẫn đứng im, hoang mang, lo sợ. Con bỗng thốt ra một câu chỉ đủ con nghe thôi, cầu Trời cho con về đến nhà bình yên và tìm ra được đường về. Tự nhiên con nghe tiếng động sau lưng. Nhìn lui lại con thấy một ông đi câu, đầu đội nón lá sụp xuống nên con không thấy mặt, mang một cái tơi lá, vai mang cái oi đựng cá, một tay cầm 2, 3 cái cần câu, một tay cầm một cây đèn gió. Ông đi qua mặt con và bước xuống ruộng (ông không đi trên đê). Con không suy nghĩ gì hết vội vàng chạy theo ông bước ngay xuống ruộng, và nói: "Ông ơi Ông! Ông cho tôi đi theo với, tôi không có đèn, trời tối quá tôi không thấy đường mà đi. Ông đi về vùng nào? Ông có biết nhà Cố Hiệu ở trên ngọn đồi gần cây đa giữa đồng không?" Ông không trả lời, không nói năng gì cả cứ tiếp tục đi bì bõm trong bùn và đi rất nhanh. Con cũng cứ chạy lúp xúp bì bõm trong bùn để theo ông. Con muốn phá tan bầu không khí vắng lặng nên cứ tìm chuyện ra nói: "Nhà Ông ở đâu? Thường Ông đi câu có nhiều cá không? Trời mưa và lành lạnh như hôm nay cá có cắn câu không?..." Ông hoàn toàn im lặng, cứ tiếp tục đi, và con không hề thấy mặt ông.
Bỗng chốc ông bước lên một mô đất nhỏ, ở giữa có một cây đa cổ thụ, rễ phụ lòng thòng, đó là mô đất và cây đa độc nhất giữa cánh đồng mênh mông. Con mừng quýnh vội la lên: "Cây đa đồi Cố Hiệu đây rồi" và ngó lên trước để cám ơn ông. Con không thấy ông đâu nữa và tứ bề trời tối đen như mực, một màn đêm mênh mông không một ánh đèn. Con sợ quá, chân con như nặng cả ngàn cân không sao nhấc lên để chạy, con đứng như bị Trời trồng và hét lên một tiếng lớn chưa bao giờ hét được như vậy.
Anh Quỵ con nghe tiếng hét mà biết là tiếng của con nên vội cầm một cây đèn dầu nhỏ đi xuống đồi rồi theo một con đê nhỏ, độ 30, 40 thước thì đến cây đa. Con vừa thấy Anh Quỵ con tự nhiên con khóc oà.
Sáng mai kể chuyện lại cho anh Hiệu, anh Tài chủ nhà, hai anh nói là may phước cho con được Ông Thần cây đa đưa đường, chớ không phải ma đâu. Hai anh lại bảo có nhiều người bị ma thu giữa bụi tre rậm, cả miệng bị trét bùn, chân tay bị gai nè đâm.
Sau đó chúng con không dám ở trên đồi nữa vì sẽ có nhiều lúc con phải đi về khuya một mình, và trường con cũng về lại bờ đê Châu Phong rồi.
Chúng con tìm được một ngôi nhà tranh bên bờ đê Châu Phong cách trường hơn 1 cây số. Và ban đêm đi dạy, ban ngày mọi hoạt động vẫn trên miệng hầm. Bom đạn vẫn tơi bời và đời sống dân chúng sôi động vì lo lắng như biết trước một việc gì sắp xảy đến.
Những chuyện trên con đường số 8 và những ngôi nhà mang nhiều bí mật trên ngọn đồi nhà Cố Hiệu cứ lảng vảng trong trí chúng con, chúng con thật sự mất hẳn tuổi trẻ từ đó.
Chúng con xin kính chúc Thầy Cô vui mạnh.
Nay kính
Con
Thương Thương
____________
Falls Church, 7 tháng 10 năm 1995
Kính Thầy Cô,
Hôm nay được biết Cô có khoẻ hơn một chút nên con xin viết thơ kính thăm Thầy Cô và kể chuyện dông dài để Thầy Cô đọc cho vui, mong Thầy Cô quên bớt những ngày thu đã bắt đầu ảm đạm.
Đầu năm 1950 chúng con về ở vùng Châu Phong trên bờ đê sông La Giang, đời sống tuy thiếu thốn vất vả nhưng chúng con vui lắm. Lúc ấy chúng con ở gần gia đình cụ Phan Thanh Thiệu, cụ xem chúng con như con ruột, và chúng con cũng xem hai cụ như cha mẹ. Hai cháu nhỏ của con gọi hai cụ là "Ông Bà Ngoại chiến khu". Anh Trần Đình Gián, chồng chị Ty Ty (con đầu hai cụ) dạy trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng với Anh Quỵ con, cụ bà lo về phòng y tế của trường, Bích Túy (em Kim Hoàn) làm thư ký ở trường. Cô còn nhớ Kim Hoàn có học với Cô một tuần, sau lớp đông quá phải đổi qua lớp cô Hoàn, Kim Hoàn và con khóc hết nước mắt? Lúc ấy con, tuy xa gia đình, mà như có tình gia đình ấp ủ. Ngày nào cụ bà cũng ghé thăm các cháu trên đường đi làm về; và em út Kim Hoàn là Thái Hà, lúc ấy chưa đi dạy, cứ phiên chợ là ghé qua nhà con, nếu nhằm ngày nghỉ thì con cùng đi chợ với em, nếu không thì em đi chợ cho con, có khi đi chợ nhằm lúc may có mua con cá thì em ghé lại nhà kho cá rồi để đó đi về vì ở ngoài ấy không nhà ai đóng cửa.
Lúc Anh Quỵ con đau thương hàn (cả gần hai tháng) con gởi cháu Dương nơi ông nội cháu, còn cháu Lang Hoàn lúc ấy mới độ 5 tháng con gởi nhà hai cụ Thiệu, chị Ty Ty cho bú thép (vì chị có con lớn hơn cháu Hoàn gần một năm mà còn bú mẹ) và Bích Túy, Thái Hà thì ru hời ru hỡi, ban đêm cháu khóc lại có cả cụ ông cũng bồng ẵm nữa. Biết bao ân tình nên chúng con thật sự được tình gia đình ấp ủ.
Nhưng hè năm 1950 thì trường chuyên khoa dời về Bạch Ngọc. Anh Quỵ con không đi theo vì nếu đi phải xa gia đình một thời gian, con phải xin phép đổi và phải xem ở Bạch Ngọc, vùng ấy có trường trung học và có thiếu thầy mới được, thành ra anh con ở lại thì dạy chung trường Phan Đình Phùng với con, lớp Tú tài. Cũng nhiều thầy xin ở lại vì quen nơi quen chốn, vì nhà ở đã ổn định... Cụ Nguyễn Duy Quang, cụ Hoàng Mộng Kham, anh Tôn Thất Uẩn... đều về dạy trường con.
Chúng con buồn thắt ruột lúc tiễn anh Gián, chị Ty Ty, Thái Hà và các cháu xuống thuyền; mấy ngày sau, hai cụ Thiệu và Bích Túy cùng anh bạn của Bích Túy, sau này là chồng Bích Túy, thì đi bộ qua Bạch Ngọc. Chúng con không ngờ ngày chia tay trên bờ sông La Giang, vào một buổi sáng tinh mơ mùa thu mây bàng bạc, cho đến nay hơn 45 năm rồi! Lúc bấy giờ chúng con, nhất là con, thật sự cô đơn, nhìn quanh nhìn quất không một người bà con. Đồng nghiệp thì đông nhưng lúc ấy đã đến cái giai đoạn "không ai tin ai được", vợ có thể đi tố chồng, con cái có thể báo cáo về cha mẹ, cho nên bạn bè chuyện trò thân mật chắc đếm chưa tròn bàn tay.
Với bao nhiêu biến chuyển dồn dập về đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, bao nhiêu chuyện mắt thấy tai nghe... chúng con thật sự mất hết tinh thần, lòng nhiệt thành của thuở thiếu thời, niềm vui hồn nhiên của tuổi thanh xuân... không còn nữa. Tuy không nói ra nhưng trong lòng chúng con, và chắc là nhiều bạn bè chúng con, mang nặng một ước mong "Thoát".
Hồi ấy vùng con ở chưa có ai trốn đi được, nhưng những vùng xa hơn, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hoá... đã có nghe bạn bè quen biết thoát được, người ngoài ấy dùng chữ "dinh tê", họ bảo là đi vào vùng Tề. Và mấy người cán bộ gọi những người bất mãn với chế độ và những người đi trốn là bọn "tạch tạch xè" ( T.T.X. = Tiểu tư xản (sản) ).
Đầu năm 1951, sáng ngày mồng một Tết năm Mão, con ra chơi với hai cháu nhỏ ngoài vườn thì gặp cụ Hàn Cung khăn áo chỉnh tề đi chơi xuân. Con vội chào và chúc Tết cụ, mời cụ vào nhà xơi nước. Cụ bảo: "Tôi phải vào cụ Nguyễn Duy Quang và cụ Hoàng Mộng Kham, các cụ đợi. Nhưng mừng anh chị sang năm "Ngộ Phụ, Ngộ Tài, Ngộ Quang". Con thưa lại: "Chúng con gặp lại cha tức là cha mẹ, được có tài lộc, được gặp ánh sáng tức là sung sướng?" Cụ bảo: "Đúng". Con mừng quýnh và ngớ ngẩn hỏi lại: "Bẩm Cụ, con làm sao gặp được Thầy Mẹ con, thế thì mình đánh vào thấu trong Huế, hay Tây đánh ra đến đây?" Cụ cười xoà bảo: "Cứ hẵn nhớ lời tôi bảo, còn việc kia thì "thiên cơ bất khả lậu". Chúng con rất phấn khởi vì đầu năm được một niềm hy vọng nhưng chúng con cũng chỉ biết chờ đợi tin lành được hiện thực chớ chẳng biết làm gì.
Đến đây con xin ra ngoài lề một chút để nói vài lời về cụ Hàn Cung. Cụ người làng Đôn Mỹ, tỉnh Hà Tĩnh, một nhà nho xưa, có chút ít ruộng vườn, và rất giỏi về số tử vi, tướng số, nhâm độn... Khi con biết cụ thì cụ cỡ 60 tuổi. Chúng con nghe nói cụ xem số tử vi cho các ông khâm sứ, ông toàn quyền, các cụ, các quan... giỏi lắm nên được hàm Hàn lâm viện. Riêng về phần chúng con thì cụ có nói một việc thật lạ và tài lắm. Đã từ lâu, kể từ 19 tháng 12 năm 1946, khởi điểm toàn quốc kháng chiến, con hoàn toàn không liên lạc được với gia đình, năm 1947 con sinh cháu đầu, đánh điện tín về nhà, điện tín cũng bị trả lui, thế là hoàn toàn biệt vô âm tín. Hè năm 1950 có hội nghị Rèn Cán Chỉnh Cơ (rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn cơ quan) họp tại Hà Tĩnh, gần làng Đôn Mỹ, riêng cho giáo dục. Sau khi họp một tuần xong, có 5 anh bạn của Anh Quỵ con bảo Anh Quỵ con cho họ đi xem cụ Hàn Cung (sau này chúng con mới biết là các anh đi đều để hỏi về việc đi trốn). Anh Quỵ con đem đi.
Lúc các anh xem xong ra về thì cụ gọi Anh Quỵ con lại bảo là cụ muốn nói chuyện, cụ biết Anh Quỵ con vì cứ đem bạn đi xem cụ luôn va cụ quen ông nội các cháu. Cụ bảo: "Anh chị sắp được một số tiền đang trên đường đến đây, không mà, vừa đến rồi. Có một điều lạ là số tiền đáng lẽ 400.000$ mà sao tôi thấy có 4.000$". Chúng con hoang mang vô cùng và cũng lạ lùng nữa. Hội nghị xong chia tay về nhà là ngày chủ nhật. Sáng thứ hai (còn nghỉ hè) trường cho người đến gọi con ra trường lãnh tiền ngân phiếu gởi. Con ra trường nhận được 4.000$ và một cái thư của chú con. Trong thư bị xoá đen nhiều hàng. Tối ấy chúng con thắp đèn lên, soi thư trước đèn thì đọc rõ được chỗ xoá đen. Chú viết: "Thầy Mạ gởi cho Em 1.000$ Đông Dương, chú phải đổi ra được 400.000$, gởi ra cho Em." Thì ra họ lấy hết, chỉ giao lại cho con 4.000$. Chúng con đọc ra được câu ấy mà run sợ, mất tiền quá nhiều là cái lẽ tất nhiên, mà sợ vì lời cụ Hàn Cung. Cụ lại còn bảo là: "Đến ngày 12 tháng 6 âm lịch sẽ được một số tiền lớn hơn nhiều, và do một người thanh niên gầy, da đen lắm, đem đến". Ở ngoài ấy không nhà ai có lịch, hiếm lắm, ở trường có nhưng chúng con vừa nghỉ hè thành ra ngày âm lịch không biết gì cả, chúng con chỉ biết ngày theo phiên chợ. Chợ không họp hàng ngày mà họp phiên, chợ này thì ngày 3, 7; chợ kia thì 2, 5, 9... nghĩa là có chợ ngày mồng 3, mồng 7, 13, 17, 23, 27 và chợ kia mồng 2, mồng 5, mồng 9, 12, 15, 19, 22, 25, 29 tháng âm lịch. Hôm ấy phiên chợ, con ra đi chợ sớm (bom đạn lúc này chưa nhiều ở vùng này nên chợ họp ban ngày) cắp cái nón và cái rổ nơi tay, con đang bước nhanh trên đường đê lộng gió, bỗng phía ngược chiều con đê một người rảo bước đến gọi lớn: "Chị Thương Thương!" Con sững sờ nhìn người thanh niên, gầy nhom và đen như cột nhà cháy, không biết là ai. Anh ta vội nói: "Em là Phong, em chị Bạch Lan, Chị không nhớ em sao?" Thì ra là em của chị dâu con, mà ngày trước anh ta không đen và không gầy thế nên con nhận không ra. Thế là chúng con trở về nhà và anh ta lấy ra dưới gót giày đưa cho con một bức thư và một lượng vàng. Hôm ấy đúng là ngày 12 tháng 6 âm lịch.
Trong hè ấy, một hôm chúng con đem các cháu về thăm nhà (ông nội các cháu), cụ gọi riêng Anh Quỵ con bảo tìm cách trốn đi. Anh Quỵ con thưa là cả gia đình ở đây, làm sao anh con bỏ đi được. Cụ bảo: "Thầy già rồi, có sống thêm cũng 5, 7 năm thôi. Đời các con còn dài, đời các cháu lại dài hơn nữa; anh em đã lớn cả rồi, Thầy trông mong đứa nào đi được thì mừng đứa ấy. Con không lo được cho anh em đâu, mỗi người phải tự lo lấy." Thế là từ đó chúng con mới nghĩ đến chuyện trốn mà cũng cứ chờ đợi một cơ hội may chớ chẳng biết làm gì.
Những ngày đầu hè khá êm ả phút chốc không còn nữa. Chiến tranh lan rộng, chính trị bước qua một giai đoạn mới, đời sống xáo động, thiên tai, bom đạn..., con người bị xoay như một con chong chóng trong cơn gió lốc... cho nên khát vọng tìm tự do cũng như một ảo tưởng bị quên lãng, lắng chìm trong tiềm thức.
Sau khi vùng ven đê Châu Phong bị bom Napalm thiêu rụi (tháng 6 - 1951), lúc trở lại trường, thiếu mất cụ Nguyễn Duy Quang và cụ Hoàng Mộng Kham. Thế là nhóm người thân tình của chúng con lại vắng thêm. Ngày học tập chính trị đầu tiên trong niên khoá ấy, chính trị viên tuyên bố: "Chính phủ đưa hai đồng chí N. D. Quang và H. M. Kham đi công tác xa trong một thời gian dài". Họ không muốn cho chúng con thấy có người bất mãn đã trốn đi.
Một hôm vào một ngày chủ nhật không có công tác, lại có mấy anh bạn nhờ Anh Quỵ con đem đi cụ Hàn Cung. Sau khi các anh hỏi xong rồi ra về, cụ kéo Anh Quỵ con ở lại, các anh chờ ngoài cổng, cụ bảo: "Tôi nói sang năm Ngộ Phụ, Ngộ Tài, Ngộ Quang, đã hết năm nay rồi, mình phải làm, Trời mới giúp, chớ không phải ngồi thế mà chờ. Phải đi, chị đi trước, Anh đi sau, không thể đi chung được. Phải nghe lời tôi chớ đừng cãi lời tôi mà bị bắt như ông Phan Thúc Huỳnh (con cụ Phan Thúc Ngô), ông nóng ruột đi trước ngày tôi dặn." Nghe nói không đi chung một lần thì Anh Quỵ con hoảng sợ, cụ vội bảo: "Tôi cam đoan với Anh là hai ông bà và các cháu sẽ lại đoàn tụ. Chị phải đi trước, mọi việc sẽ yên ổn giống như Ông Trời che mắt mấy người công an lúc chị đi trước mặt họ. Phải xúc tiến việc ra đi, gấp kẻo không kịp. Nhớ, chị đi trước ,Anh đi sau, phải nghe lời tôi."
Từ đó cứ ban đêm độ 2, 3 giờ sáng, Anh Quỵ con giả bộ đi ra vườn, đi một vòng quanh xem có ai lai vãng, rồi vào nhà cùng con bàn bạc tỉ tê trong đêm tối, vừa giải thích, vừa năn nỉ, vừa doạ... Con sợ quá, khóc hết nước mắt, nhưng cuối cùng chỉ có một con đường sống cho anh và các con, nên con bằng lòng đi trước một mình. Đúng ra không phải là bằng lòng mà đánh liều bước một bước dài mà không biết chân sẽ đặt trên nền đất cứng chắc hay hụt hẵng trên vực thẳm, thật đúng là:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu!
Một vấn đề đã được giải quyết nhưng còn việc quan trọng là đi ra sao, đi đường nào, ra Phát Diệm hay vào Đồng Hới, có ai dắt đường chỉ lối... chúng con hoàn toàn không biết gì cả, thành ra chúng con lại rơi vào tình trạng bất động chờ thời. Hồi ấy người ta hay đi ra Phát Diệm. Ở Nghệ An và Thanh Hoá đi ra Phát Diệm gần và dễ, còn con ở Hà Tĩnh thì xa và khó khăn lắm. Chúng con cũng có nghe nói có ít người đi đường Đồng Hới.
Bỗng một hôm con được thư của chị Nguyễn Thị Hạc (anh Đặng Phúc Đỉnh, chồng chị Hạc, là anh con cậu của con), chị bảo con đến nhà anh chị bác sĩ Thái Can cho chị gặp. Anh Đỉnh và chị Hạc lúc trước dạy chung với Anh Quỵ con. Khi trường chuyên khoa dời đi Bạch Ngọc (gần Đô Lương, Nghệ An) anh chị đi theo, chúng con ở lại. Anh Quỵ con và con đến thăm chị. Thì ra chị vừa ở Huế ra. Chị lấy cớ đau, xin nghỉ việc, rồi làm đơn xin đem con về Huế gởi cho gia đình, rồi chị trở lại. Chị bày cho con làm đơn xin đi. Lúc đầu chúng con làm đơn xin đi cả gia đình vì Anh Quỵ con đau, đang được nghỉ dài hạn. Đơn không được chấp nhận. Con làm đơn lại xin cho con đem hai con về gởi cho gia đình và xin thuốc men đem ra. Một thời gian đơn bị trả lại vì lý do "chỉ cho phép đem một đứa con", còn một đứa ở lại làm con tin. Thế là con làm đơn lại đề tên cháu trai vì cháu lớn. Nhưng con nói với Anh Quỵ con họ bắt đề tên một đứa thì con đề tên một đứa, nhưng lúc đi con nhất định đem cả hai, nếu Trời cho thoát được thì cùng thoát, nếu bị bắt lại thì cùng chịu khuất phục số mạng, chớ để lại một cháu biết Anh Quỵ con có lo cho cháu nổi không, và lúc anh trốn, có đi được cả hai không. Xa một đứa con, thà là con ở lại.
Lúc con làm đơn xin đi thì phải gởi theo hệ thống hành chánh, trường con gởi đơn và trong trường ai cũng biết hoàn cảnh gia đình con, một năm 365 ngày không có ngày nào không có người đau, nên ai cũng cầu mong cho con được đi. Và việc ra đi của con thành công khai. Nhiều người có cảm tình với chúng con, tuy rằng thường ngày không phải trong nhóm bạn tâm giao, bày vẽ đủ mọi điều. Và có một anh bạn trong trường, người hiền lành, thật thà, gốc Quảng Bình, ở làng Văn Phú, một hòn đảo lớn cách đồn Quảng Khê độ 5, 6 giờ đường thủy. Hè nào có một lúc rảnh, anh ấy cũng đi theo mấy người đi buôn bán, có khi yên thì về được nhà thăm cha mẹ, lúc không yên thì cũng gặp được người làng đi buôn bán để nhắn nhủ tin tức. Anh tốt bụng thấy chúng con hoang mang lo lắng, anh bảo nếu đi đường Quảng Bình thì anh sẽ đưa đi, về đến làng anh thì thuê thuyền đến Quảng Khê.
Chúng con mừng quá sức, giống như bỗng nhiên có một vị thiên thần từ trên Trời xuống để giúp vậy. Thế là chúng con lo chuẩn bị, chờ có giấy tờ là đi. Đường đi sẽ mất mấy ngày, ban ngày đi bộ trong rừng cứ theo đường rầy xe lửa mà đi, ban đêm có chỗ đi thuyền nếu có sông, còn không thì kiếm chỗ nghỉ. Trước hết phải kiếm mỗi người một vài khúc lồ ô lớn, dài vừa đủ che hai cánh tay dưới vì đi rừng hay gặp mấy con đười ươi, dễ sợ lắm. Nó gặp mình là chụp hai tay không làm sao thoát được. Trước khi nó cào cấu thì nó sung sướng cười, thành ra phải để ý lúc vừa thấy nó thì cho hai cánh tay vào ống lồ ô, cho nó cầm cái ống, chờ lúc nó híp mắt cười ngắc nghẻo thì lẹ làng rút tay ra và thoát cho mau lẹ, nó vẫn nắm cái ống và cười. Việc thứ hai là đi xin cái ruột xe đạp cũ cắt sẵn mấy khoanh cao su (ngoài ấy không có giây thun) vì đi rừng lúc trời mưa hay sau khi mưa, con vắt, đĩa rừng, nhiều lắm, nó nhảy từ trên cây xuống, từ dưới đất lên và chui vào trong người hút máu, rứt là đứt luôn cả thịt da, nên phải bó hai ống quần, hai ống tay áo và lấy giây cột cổ áo lại; và phải may mỗi người một bao đội đầu che cả hai lỗ tai. Lại phải mua một đôi giép làm bằng vỏ bánh xe hơi, đắt lắm, đồng lương của cả Anh Quỵ con và con dồn lại không đủ mua một đôi giép tốt cắt ở chỗ dày giữa bánh xe, con phải mua một đôi mỏng cắt bên bìa. Đồ ăn thì mấy ngày đầu có khoai sắn, mấy ngày sau thì bánh tráng nướng, nước có nước sông nước suối... Chuẩn bị xong xuôi rồi thì chúng con chỉ chờ giấy phép. Anh bạn chúng con rất tử tế, anh bảo là anh chờ khi nào con có giấy phép là đi ngay cho kịp trong hè vì sợ họ thay đổi ý kiến, nếu chờ hết hè thì cũng không sao, anh không đi được thì cũng chỉ đường và gởi gắm cho chúng con.
Một buổi chiều thứ sáu một anh học trò cũ của Anh Quỵ con, cũng là người làng, đến nhà. Sau khi thôi học anh ta đi đâu chúng con cũng không biết và cũng không hề liên lạc. Thì ra anh ta làm ở Ủy ban hành chánh tỉnh. Anh ta cho chúng con hay là hôm thứ tư anh nhận được từ Ủy ban hành chánh và Công an khu IV giấy phép cho con đi. Anh ta gởi liền giấy phép qua Công an tỉnh để họ cấp chứng minh thư cho con (ở ngoài ấy đi từ tỉnh này qua tỉnh kia đều phải có chứng minh thư). Nhưng sáng nay (thứ sáu) thì nhận được giấy chận lại giấy hôm trước, không cho đi vì lý do Thầy con đang giữ một chức vụ gì ở miền Nam. Anh ấy muốn giúp chúng con nên anh viện cớ là cuối tuần rồi, để thứ hai mới đưa qua công an lệnh thu hồi giấy phép. Anh ta bảo Anh Quỵ con nội sáng thứ bảy hôm sau phải vào Công an tỉnh ở Lam Kiều xin cho bằng được giấy chứng minh thư và về đi ngay, nếu không thật không có cách gì thoát dược. Chúng con thật không biết lấy gì để cảm tạ lòng tốt của anh ấy, chỉ xin mãi mãi ghi tạc mối ân tình.
Ngay tối hôm ấy Anh Quỵ con tin cho anh bạn biết và đi tìm người xin giúp đỡ vì đi Lam Kiều 30 - 35 km, cả đi cả về 60, 70 km làm sao đến Ty kịp trước buổi trưa và về kịp trước tối nhất là anh con đau làm sao đi được 70 km một ngày. May quá, có một ông bạn, không phải là đồng nghiệp và lớn hơn chúng con nhiều, ông có đứa con trai đầu là học trò cũ của Anh Quỵ con, và hai con gái cùng một con trai sau là học trò cũ của con, nên ông bảo để ông chở xe đạp cho Anh Quỵ con đi. Ông viết một cái đơn xin nghỉ một ngày bảo con trai ông ngày mai dậy sớm đưa đến sở ông vì ngoài ấy làm việc cả ngày thứ bảy.
Lúc Anh Quỵ con đến Ty công an tỉnh ở Lam Kiều, họ bảo thứ hai hay thứ ba trở lại, chớ cuối tuần bận rộn lắm họ không cấp giấy, năn nỉ mãi cũng không được. Tự nhiên vì quá mệt và lo lắng, tinh thần căng thẳng, Anh Quỵ con nổi lên một cơn ho dữ dội, như xé gan xé phổi, ông bạn mới chỉ Anh Quỵ con bảo là anh con đau, ông ta phải xin nghỉ để chở xe đạp cho đi, nếu để tuần sau ông ta đâu có thể nghỉ thêm được và anh con sẽ không có cách gì đi đến đây. Thế là họ vừa cằn nhằn vừa cấp giấy. Về nhà gần 1 giờ trưa, chúng con vội vừa đi vừa chạy về thăm nhà, chỉ ngồi độ 15, 20 phút rồi lại vừa đi vừa chạy trở về. Lúc ấy độ 5 giờ chiều. Chúng con chỉ kịp lấy cái ballot áo quần và một túi vải đựng những thứ linh tinh rồi đi một đỗi đường khá xa ra bến sông. Anh bạn đồng nghiệp đã có mặt ở đó.
Thuyền lớn không như ở Huế, lòng rộng cả 4 thước, ngoài ấy gọi là đò choèn. Người xuống thuyền đã hết rồi. Chúng con vội vã theo chân họ, chưa ngồi yên chỗ thì thuyền đã nhổ sào. Con hốt hoảng chới với nhìn lên bến sông, chỉ một người đi tiễn là Anh Quỵ con cô đơn giữa bến vắng. Hai cháu vội gọi: "Ba" rồi oà lên khóc, con phải bảo nhỏ: "Đừng khóc, đừng để cho người ta để ý đến mình". Con phải nuốt nước mắt. Thì ra chúng con mãi chạy theo công việc dồn dập, tới tấp, nên chia tay chớp nhoáng, không bịn rịn, không một lời nhắn nhủ... Biết có ngày gặp lại hay không!
Trong thuyền đông nghẹt cả người, phần nhiều là đàn bà đi buôn, nào gióng, nào thúng mủng, giỏ, xách... Người ta nói nói, cười cười, không ai có cái tâm sự ngổn ngang trăm mối như con, cho nên giữa một đám đông mà con như cô đơn trên một hoang đảo. Mắt con không nhìn thấy xung quanh mà lại quay nhìn trong trí não tâm tư của mình. Con không thể nào tả được tâm trạng của con lúc ấy.
Khuya ấy (lúc 12 giờ khuya hay 1 giờ sáng) thì thuyền đến Chu Lễ (Hương Khê). Vùng này là vùng rừng núi. Chúng con vừa xuống thuyền, leo lên đồi, thì may mắn chuyến tàu chở muối đi về hướng Ba Đồn sắp chạy. Mấy toa tàu đầy ngập muối hột. Thế là cả đoàn người được ông lái tàu cho lên, ngồi, nằm ngay trên muối, đi được một đêm, thâu ngắn được một đoạn đường dài, khỏi mỏi chân, khỏi tìm chỗ nghỉ. Hai cháu nhỏ vô tư chẳng biết gì, như được nhịp tàu và tiếng động đều đều ru vào một giấc ngủ ngon cho đến lúc tờ mờ sàng. Tàu ngừng lại, tìm chỗ trú ẩn, bỏ cành lá che mấy toa muối trắng. Chúng con xuống tàu bắt đầu một ngày đi bộ băng rừng, cứ việc theo con đường tàu mà đi, nhưng nghe có tiếng máy bay là phải mau mau nằm xuống, nấp trong lá, trong cây, bất động.
Cả đoàn người chúng con, không phải chỉ một thuyền mà đến mấy thuyền, đông lắm, cả hơn trăm người. Nếu gặp buổi thanh bình, được đi chơi núi vào lúc tháng sáu, đầu hè, khí trời còn mát mẻ, cây cỏ xanh tươi... thì vui biết mấy! Nhưng con, mắt không nhìn ra cảnh vật mà phải quay vào nhìn tâm tư, lo sợ, tính toán, chuẩn bị lúc gặp bất trắc... Giấy tờ của con hợp lệ mà lại bất hợp lệ, một đứa con không có tên trong giấy phép, biết tính sao đây... Thật là vạn sự rối bời.
Anh bạn chúng con thì anh bảo phần nhiều hè nào anh cũng lấy cớ cha mẹ già yếu làm đơn xin miễn công tác 7, 8 ngày để đi thăm, kỳ thật anh có buôn bán chút đỉnh để phụ thêm cho đồng lương quá eo hẹp, cho nên các trạm công an anh ấy đều có biếu quà và họ quen mặt anh, khi vào các trạm ấy để anh lo về cháu nhỏ đi "bất hợp pháp" cho, chỉ có đội tuần giang kiểm soát ven sông thì mỗi ngày một toán khác anh không quen thôi.
Cả ngày ấy chúng con mệt lắm vì phải đi trên đường rầy xe lửa, nóng và đau chân, hai bên bờ cây cỏ rậm, gai góc, giây dại bò chằng chịt khó bước lắm. Con may một cái đãy bằng vải mang cháu nhỏ sau lưng, còn cháu Dương phải đi bộ, đường đầy đá, đôi giép của nó không chịu được, đứt nát, con phải lấy áo băng hai chân lại mà vải cũng rách, chân bị phỏng phồng rướm máu, mà vẫn nhăn nhó bước chớ không khóc. Tội quá sức, thỉnh thoảng anh bạn cõng nó đi một đoạn đường. May không gặp mưa nên không bị nạn con vắt cắn. Và cũng không thấy bóng con đười ươi nào, nếu có nó ở đâu đấy mà thấy cả đoàn người lũ lượt, thúng gióng, đòn gánh, đòn xóc... chắc nó cũng chẳng dám ló mặt ra.
Chúng con cũng có đi qua vài trạm công an nhỏ nhưng họ cũng chẳng khám xét gì, như cách có mặt để cho người đi đường biết thế thôi. Cũng có vài tấm phên lá che lên, chỉ bán một nồi nước chè xanh, vài cái bánh tráng nướng, vài củ khoai sắn, vài trái chuối. Chiều tối hôm ấy chúng con lại kiếm được thuyền đi qua đêm, sáng sớm hôm sau đi một đoạn trong rừng thì đến trạm công an lớn nhất và cuối cùng của tỉnh Hà Tĩnh là trạm Đò Vàng. Lúc ấy độ 9, 10 giờ sáng. Chỗ này kiểm soát rất kỹ.
Ở đây người đông, ngồi rải rác từng nhóm nhỏ chờ vào trình giấy tờ, kéo dài dài cả mấy chục thước. Tim con bỗng đập dồn dập như trống trận, hơi thở muốn tắt. Anh bạn, anh lớn hơn chúng con nhiều, anh bảo con: "Bây giờ Chị và cháu Dương chờ tôi ở đây ít nhất là hơn nửa giờ nữa Chị hãy đem cháu vào trình giấy tờ. Cháu Hoàn, Chị giao cho tôi, tôi vào trước. Ở đây mấy người công an tôi quen hết, tôi sẽ nói cháu nhỏ của tôi được hơn một năm, tôi cõng về thăm Ông Bà vì Ông Bà chưa biết cháu. Tôi sẽ chờ Chị ở phía xa đầu kia. Chị có giấy tờ, cứ bình tĩnh đừng lo sợ mà họ nghi ngờ." Con năn nỉ cháu Hoàn: "Con theo Bác, đừng nhìn mẹ, đừng gọi mẹ, đừng kêu anh Dương, đừng khóc. Nếu không thì như bom nổ dễ sợ lắm." Nhưng nó cứ khóc nên con phải đi theo xa xa. May quá, khi nào cũng như có Trời giúp con, có ba ông vác rựa, vác câu liêm... đi qua thấy cháu khóc gọi "Mẹ" họ đưa rựa ra doạ chơi: "Nín đi, không thì chết". Tự nhiên nó nín khe. Thế là con lùi lùi lại xa xa, ngồi xuống vệ đường chờ đợi.
Con bảo nhỏ cháu Dương có ai hỏi đi với ai thì chỉ nói đi với mẹ, không có ai cả, có gặp Bác Khương và em bé thì lơ đi như không quen biết, nếu họ hỏi ở nhà còn ai thì bảo còn Ba và em bé, còn hỏi gì khác thì cứ lắc đầu không biết. Tội nghiệp cháu Dương còn nhỏ, 5 tuổi, mà đã thấy nhiều chuyện hãi hùng, nên bảo gì là cháu nghe theo ngay.
Thời gian chờ đợi quả là lâu. Con nghĩ chắc cũng hơn nửa giờ lâu rồi, con mới dắt cháu Dương thủng thỉnh đi đến cái cầu bằng tre rộng, dài cỡ hơn 10 m, bắt ngang qua một thung lũng để vào sở công an bên kia thung lũng. Vừa bước lên đầu cầu tim con như bị ai bóp nghẹt vì con thấy anh bạn cõng cháu Hoàn vừa trong phòng công an bước ra. Con quýnh quáng, nếu trở lui thì bên kia họ thấy sẽ nghi ngờ, cứ đi tới lỡ cháu Hoàn thấy con, khóc gọi thì nguy lắm, nhưng đã đến lúc phải liều, con bước thong thả, bấm vai cháu Dương bảo nhỏ: "Đừng nhìn Bác Khương và em, ngó thẳng trước mặt mà đi". Lúc hai bên đi ngang nhau, con liếc nhìn thấy cháu Hoàn hai hàng nước mắt chảy mà không gọi không khóc. Tim con se thắt.
Thế rồi chúng con qua lọt, không những họ xem giấy tờ của con không bắt bẻ gì mà lại còn viết cho con một cái thư giới thiệu với công an các nơi giúp đỡ cho con được về thăm gia đình bình yên.
Ra khỏi trạm công an, chúng con tiếp tục đi ra phía bờ sông. Chúng con còn rảnh cho đến tối vì ở đây sẽ lấy thuyền đi Ba Đồn mà phải đi ban đêm. Gần đến bờ sông thì thấy có hai cái quán bên đường cách nhau độ 100 m. Anh bạn chỉ cái quán đầu bảo: "Chị vào đây cho các cháu ăn cơm đi. Tôi gởi ballot cho Chị, tôi ra sông tắm rồi về ăn sau. Còn nhiều thì giờ, chiều mới đi." Bà chủ quán nghe nói các cháu mấy ngày đi đường chỉ ăn bánh tráng, bà tội nghiệp bảo để nấu một bát canh thịt bò với cà chua cho các cháu. Bà đang sửa soạn, tự nhiên con nhìn qua quán bên kia thấy treo lủng lẳng nhiều thứ lắm mà ở xa không biết là gì, con buột miệng nói: "Quán bên kia nhiều đồ ăn quá". Bà không những không giận mà lại nói: "Phải, quán bên kia có nhiều thứ lắm. Tội nghiệp các cháu, hay là tôi đem Cô và hai cháu qua bên kia, nhiều thứ ngon hơn." Con không hiểu sao lúc ấy con lại tệ như vậy, tánh con không phải thế, người ta tử tế đang lo cơm nước cho mình, quán ế khách được mấy người vào họ mừng quá, thế mà nỡ bỏ đi, con cứ tự trách con suốt đời. Bà chủ tốt bụng nói xong thì lanh lợi đến cõng cháu Dương lên vai và xách cái ballot của anh bạn, con thì cầm nón và ballot con rồi ẵm cháu Hoàn đi qua quán bên kia.
Vừa xếp đặt mọi thứ vào một góc và ngồi vào bàn, chắc bà kia vừa về đến quán, thì báo động. Bà chủ quán mới bảo: "Chạy theo tôi. May quá, tôi chỉ có một cái hầm cho hai vợ chồng và một đứa con. Từ sáng đến giờ chồng tôi đem con bé vào làng chơi không thấy về. Thành Cô và hai cháu xuống hầm với tôi."
Chúng con xuống cái hầm tròn cá nhân, hai người lớn ngồi chống hai đầu gối lên. Bà chủ quán cao lớn hơn con nhiều, cháu Hoàn ngồi trên đầu gối bà, cháu Dương ngồi trên đầu gối con. Vừa mới xuống hầm, cháu Dương bị một con rít cắn, nó đau quá khóc thét lên. Chưa ai kịp có phản ứng gì thì bom nổ chát chúa, gần lắm thành ra đất bị dội vào hầm như ai xúc từng thúng đổ xuống. Rồi liên tiếp ầm ầm, ầm ầm... đất cứ dội vào chôn dần chúng con. Tiếng khóc của cháu Dương im bặt. Con đã bị chôn ngang bụng, ngang cổ, ngang miệng... May hai cháu ngồi trên đầu gối, đầu nó cao hơn đầu con. Rồi con bị lấp hết mặt, con nghẹt cứng nhưng trong tiềm thức vẫn còn nghe tiếng nổ. Rồi mọi sự im bặt... Bỗng nhiên con nghe đau đầu và tiếng khóc của hai cháu, con choàng mở mắt, thì ra mấy người giựt tóc con, họ vừa kéo con ra khỏi hầm. Bà chủ nhà chỉ bị đất lấp ngang vai, con bị lấp ngang trán. May là ông chủ quán đi chơi trong xóm, biết bom thả ngay xóm nhà ông, nên vừa hết báo động là chạy về cùng với hàng xóm cứu được chúng con. Họ phải đào vì bom dội đất xuống hầm nén chặt lắm, nếu không có người giúp thì bà chủ quán dù chỉ bị đất lấp ngang vai cũng không sao tự vươn mình lên được vì lòng hầm hẹp mà đất nén chặt quá. Sau đó mọi người lũ lượt chạy lên rừng. Quán không bị bom, chỉ bị sập một nửa. Nhưng nhìn qua bên kia, cái quán đầu tiên con vào chỉ còn là một hố sâu, và nhìn ra sông, cầu bị bom sập rồi... Con đau thót trong tim, hai hàng nước mắt trào ra, thương cho bà chủ quán tốt bụng chắc không thể thoát được, lo cho anh bạn, mà cũng thương cho mình nếu anh Khương tắm ngoài sông bị bom có mệnh hệ gì thì con biết làm sao! Ngay chiều nay nếu tìm được thuyền con cũng chẳng biết làm sao nữa. Thuyền thì khi nào cũng đông người nhưng người ta đi buôn bán, hay về thăm nhà... có nơi có chốn chớ có ai ở hoàn cảnh con đâu. Tâm sự rối bời nhưng con cũng xách hai ballots cùng hai cháu đi theo bà chủ quán lên rừng với mọi người. Đến rừng bà bảo: "Tôi có đem nồi cơm đây, Cô hái cho mấy cái lá làm chén cho các cháu ăn kẻo đói". Trong rừng có cây gì lá lớn bằng bàn tay xoè ra, con hái một xấp, phủi bụi rồi lấy cơm ra, mọi người bốc cơm ăn; con thì rối tâm rối trí làm sao nuốt cơm được. Bỗng con nghe phía xa bên kia rừng tiếng gọi: "Dương ơi! Dương!" liên tiếp, con không nhận ra tiếng của ai nhưng con bảo cháu Dương đứng dậy cố hét thật lớn: "Dương ở đây, con ở đây", cứ hét tiếp. Một chốc thì anh Khương chạy đến trố mắt nhìn chúng con, hỏi: "Làm sao Chị và hai cháu thoát được, chính mắt tôi trông thấy quả bom đầu tiên thả đúng ngay giữa quán, trái thứ hai thả cầu, tôi nấp sát chân cầu nên yên lành". Cả thảy 8 quả bom. Sau khi nghe con thuật lại việc con đổi quán, anh ta bảo: "Thật là trời cứu!"
Tối hôm ấy chúng con ra bờ sông theo người ta lên thuyền đi Ba Đồn. Sáng hôm sau đến Ba Đồn. Chỗ này nhiều hàng quán, đông người, họ buôn bán, trao đổi hàng hoá là ở đây. Chúng con vào một quán lớn ở trên bờ đá dựng đứng, có bán phở, cháo gà, cà phê, bánh mì... Con gọi cháo gà cho hai cháu, phở cho anh bạn, còn con thật chưa có lòng dạ nào mà thưởng thức món ăn nên con uống một ly cà phê sữa và một khúc bánh mì. Chúng con phải ở đây suốt ngày, chiều thì tìm thuê thuyền về làng Văn Phú là làng của anh Khương. Trong khi anh bạn đi tìm xem hàng hoá và thăm người quen, chúng con ở lại quán. Trên bờ đá cao nhìn xuống xa ngoài kia có một con sông, cảnh trí thật đẹp, và có một ngọn núi lớn chắn ngang dòng sông, người ta bảo đó là Động Phong Nha, qua phía bên kia ngọn núi, dòng sông lại tiếp nối lấp lánh ánh bạc dưới mặt trời buổi sáng. Tiếc thay một thắng cảnh của quê hương mà chỉ được đứng xa nhìn! Trưa hôm ấy anh Khương về vui vẻ cho hay là anh gặp hai bà người làng ra đây buôn chuối, và chiều nay chúng con sẽ theo thuyền chuối về làng Văn Phú.
Chiều hôm ấy chúng con xuống thuyền. Ở đây chỉ có thuyền nhỏ không có thuyền buôn lớn như ở ngoài kia vào. Bà chủ thuyền còn trẻ và một bà bạn lớn hơn. Họ buôn từng buồng chuối chất đầy cả lòng thuyền cao như núi. Chúng con ngồi ở sàn thuyền phía đầu mũi.
Đi được một lúc thì sắp sửa đến chỗ có đội công an tuần giang. Anh Khương nhờ bà chủ thuyền nhận cháu Hoàn là con, bà bảo không được vì trên giấy tờ bà đi một mình, bây giờ phải che dấu cháu bằng cách đặt nó nằm dưới lòng thuyền rồi chất chuối lên cao. Đến lúc này cấp bách quá, không có cách gì nữa, chúng con phải theo lời. Lúc ấy cháu nhỏ đang ngủ say trên tay con. Bà chủ dỡ chuối lên để một chỗ trống, đặt cháu Hoàn xuống, rồi sắp lại những buồng chuối lên cao như cũ. Không bao lâu chúng con đã thấy bên bờ phía tay trái ba người đứng trên bờ gọi thuyền vào. Tim con đập liên hồi nghẹn thở. Một người đứng riêng cầm cái súng A.K. chĩa về phía thuyền, hai người xem giấy tờ của tất cả, mọi người đều hợp lệ. Xong họ hỏi: "Có buôn gì bất hợp pháp không? có gạo, nếp, đậu... không?" Hai bà trả lời không. Họ bèn lấy cái thùng đựng nước trên thuyền, múc hai thùng nước tưới tràn lên chuối. Con đứng tim, nghẹn thở, mặt tái ngắt, nước mắt chảy dòng "Nếu cháu Hoàn bị sặc nước khóc lên thì chết cả thuyền". Nhưng không hề có một tiếng động. May trời chiều, họ tát nước tung toé ướt cả mọi người nên mặt con tái, nước mắt chảy dòng mà họ không để ý. Và cũng vì trời chiều họ làm biếng không bắt dỡ chuối ra. Họ ném lại cái thùng và bảo: "Nếu mấy người trái lệnh buôn gạo về bán vùng Tây thì cũng sũng nước hết rồi. Thôi đi đi!" Chúng con đi một đoạn xa, trời đã tối mới dỡ chuối đem cháu Hoàn ra, cháu ướt mẹp cả áo quần tóc tai mà vẫn ngủ một giấc ngủ thiên thần. Chúng con thở một hơi dài sung sướng!
Bây giờ càng khuya thuyền đi lại trên sông càng nhiều. Không thuyền ai thắp đèn cả chỉ có ánh sao mờ mờ và trăng lưỡi liềm trên nền mây bàng bạc. Thuyền ở ngoài đi vào và ở trong đi ra đều chào hỏi, liên lạc với nhau, trao đổi tin tức bằng tín hiệu, bằng cách nói láy, con hoàn toàn không hiểu gì cả. Độ hơn 10 giờ khuya, con đoán thế, một chiếc thuyền ở trong ra, nói gì một tràng dài, hai bà bỗng bảo anh Khương: "Cậu ơi! ở làng mình động, cậu không về được đâu!" Vì ban ngày thì Tây hay về, ban đêm thì họ hay về. Thế là anh bạn gởi gắm hai cháu và con lại cho hai bà rồi anh nói: "Rất tiếc là không đưa Chị và các cháu đến nơi đến chốn cho Quỵ yên tâm. Nhưng hai bà đây sẽ lo cho Chị, họ như người trong gia đình tôi, Chị yên tâm. Tình thế thế này Chị về ở với bà chủ thuyền đây an ninh hơn. Tôi phải chia tay ở đây". Con chỉ nói được hai chữ "Cám ơn" về tất cả những khó nhọc anh phải chịu vì chúng con. Rồi một bà nói láy gọi một chiếc thuyền ghé lại và anh Khương bước sang, đi trở về hướng Ba Đồn.
Tự nhiên nước mắt con trào ra không ngừng. Con lo sợ và cảm thấy quá cô đơn, con chới với như người bị cuốn trong dòng thác lũ mà không nơi bám víu... Đang suy nghĩ triền miên thì bà chủ thuyền bảo: "Sắp đến đoạn sông nguy hiểm vô cùng, ai bắt mình cũng chết, nên phải im lặng, không nói, không ho..., chèo không động nước, đây là đoạn sông ngậm tăm (nghĩa là ngậm một cái tăm ngang miệng để không nói). Cô phải nhét vải trong miệng hai đứa nhỏ, nếu nó khóc là chết hết." Cháu Dương đang ngủ gà ngủ gật, con phải thức cháu dậy bảo mọi điều; cháu Hoàn thì nhỏ quá (hai tuổi mà nhỏ xíu) đâu hiểu gì, nó đang ngủ trên tay con, con phải lấy cái khăn tay cho vào miệng nó, lơi lơi thôi, để lỡ nó có khóc thì tiếng nhỏ và đủ thì giờ dỗ nó.
Rồi thuyền đi vào đoạn sông ngậm tăm. Chắc không dài bao nhiêu nhưng chèo không khua nước nên thấy như đứng một chỗ không xê dịch. Tinh thần căng thẳng đến tột độ; muốn qua khỏi đoạn đường này nhanh chừng nào may chừng nấy, mà lại phải lần lần, rờ rờ, chậm chạp... Thuyền phải đi hơi hơi sát bờ để bóng cây che khuất và nếu có tàu tuần hành thì kịp nằm im. Nhưng đi gần bờ cũng là một mối lo lớn, nếu đáy thuyền hay cái chèo vướng phải rễ cây hay gặp chỗ nước cạn e gây tiếng động. Thật là hồi hộp, nghĩ mà thương cho người dân đi buôn bán làm ăn lương thiện mà mỗi tháng phải mấy chuyến qua lại khúc sông ngậm tăm thì hại tâm thần biết bao nhiêu! Hai tai phải lắng thật kỹ nghe ngóng tiếng dộng, mắt phải mở thật lớn nhìn hai bên bờ... Nhưng may mắn rồi cũng qua khỏi khúc sông kinh hoàng ấy. Thuyền đi vào phá. Độ 5 giờ sáng thì thuyền cập bến Văn Phú.
Nhà bà chủ thuyền ở trên bờ phá. Trong nhà có bà mẹ già và một đứa con gái cỡ 15 tuổi. Sau khi giới thiệu qua lại vài câu, bà chủ nhà nói: "Cô bối tóc cao lên cho ra vẻ nhà quê. Ai hỏi thì bảo Cô là cháu gọi mẹ tôi bằng dì ở Ba Đồn về thăm ít ngày, đó là nói người lạ, chớ người xóm tôi thì tốt lắm, Cô là bạn dạy một trường với Cậu Khương, chúng tôi quý Cô lắm, Cô đừng ngại gì hết." Rồi bà tiếp: "À, Cô lấy tro bếp bôi vào mặt con cháu bé cho lem luốc người lạ đừng để ý."
Bỗng chuông nhà thờ gióng lên rộn rã. Thì ra đây là một xóm đạo. Bà chủ nhà bảo: "Bây giờ ba bà cháu tôi đi nhà Thờ. Nếu ở nhà Cô nghe tiếng ca nô tức là Tây đến, thì cứ theo người làng chạy ra nhà Thờ, ở đó có Cha lo cho. Nếu không chạy kịp mà bị bắt thì Cô đừng nói tiếng tây, cứ làm ra vẻ nhà quê, có người thông ngôn..." Chắc lúc ấy độ 6, 7 giờ sáng.
Các cháu đòi ra độn, con vừa đem các cháu đến nơi thì nghe tiếng ca nô. Con vội vã một tay bồng cháu nhỏ, một tay kéo cháu lớn chạy xuống độn để cho kịp theo dân làng. Mọi người cúi rạp mình xuống nấp vào bờ tre mà chạy về phía nhà Thờ. Chờ cho dân chúng vào hết, Cha đóng cửa lại, bảo yên lặng để đếm xem mấy chiếc ca nô. Cả thảy 14 chiếc. Xong, Cha bảo: "Bây giờ cha và các cha phụ làm Lễ. Tất cả mọi người, dầu không có đạo, cũng lấy sách lễ đọc theo tự nhiên. Nếu quân đội Pháp vào thì cứ để mặc các cha đối đáp." Thế là trong nhà Thờ lại vang lên tiếng đọc kinh.
Tiếng súng bỗng vang lên liên tiếp, tiếng chân chạy dồn dập, tiếng giày đinh nện cồm cộp trên sỏi đá, rồi tiếng la hét, đánh đập, van lạy, khóc lóc... gần lắm như ngay bên ngoài cửa, gần đến nổi tiếng thét hỏi và trả lời rõ mồn một. Và xa hơn nữa cũng súng nổ liên hồi, và ồn ào, hỗn độn... Độ hai giờ sau thì vẫn náo động rộn rịp nhưng tiếng súng thưa dần và lại nghe tiếng ca nô. Cha bảo: "Im lặng, đếm cho đủ 14 chiếc ca nô rời bến xa, mới được ra về." Mọi người thở một hơi dài sung sướng, họ bố ráp làng bên cạnh chớ Văn Phú được yên.
Tối hôm ấy bà chủ bảo con đem hai cháu theo bà ra thuyền đậu ngoài phá.
Làng này chuyên nghề đánh cá và buôn bán ven sông bằng thuyền. Văn Phú như là một vùng không có chính phủ và tiêu hai thứ tiền (tiền Đông Dương và tiền Việt Minh). Ban đêm thuyền về bến đậu san sát, phá trở thành một xóm nhà nổi có đến 200, 300 chiếc thuyền. Bà chủ bảo con: "Cô không ngủ trong nhà được. Ban đêm họ hay về lùng lắm, bên nào cũng nguy. Ngủ thuyền, hễ họ đến phía này thì bước qua thuyền khác, cứ đi vòng vòng nhảy từ thuyền này qua thuyền kia, không biết đường đâu mà tìm." Thì ra sống thêm một ngày là biết thêm một chuyện lạ và nguy hiểm!
Xóm này là một xóm đạo, rất ngoan đạo. Con đến vừa lúc lễ Thăng Thiên (Ascension) nên muốn thuê thuyền đi Quảng Khê không được phải chờ sang tuần sau. Càng kéo dài ngày chừng nào thì sự lo lắng ngày đêm lại càng nhiều. Lúc nào cũng phải cảnh giác. Bà cụ anh Khương có cho người ra thăm chúng con và cho đem chuối, quýt, kẹo cho các cháu nhưng không cho chúng con vào thăm vì bảo tình thế không yên, vào trong ấy có gì không có ngõ thoát. Qua lễ rồi con thuê thuyền cũng gặp nhiều khó khăn vì con, một mẹ hai con còn nhỏ, con không dám thuê thuyền mấy người đàn ông, dầu người già, dầu có sự giới thiệu bảo đảm hiền lành, chất phác, đức độ, vì đi nửa ngày đường trên sông bể mênh mông ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra; mà đàn bà thì họ sợ không dám đến gần đồn tây. Con lo lắng quá sức, mỗi ngày qua, gánh lo âu thêm nặng trĩu hai vai và tâm trí, và hy vọng lại càng bớt dần. Con đã ở trên đảo hơn một tuần rồi, ngày ở trên đất, đêm ở thuyền, luôn luôn cả đôi mắt, cả tâm và trí đều phải thức tỉnh. Cuối cùng có hai bà cụ trên 65, 70 tuổi đến nói với con: "Chúng tôi nghe nói Cô bằng lòng trả tiền cao. Chúng tôi già rồi, làm ăn vất vả cũng không đủ sống. Nếu đi một chuyến đò, được một số tiền khá cũng đáng đánh liều để được sung sướng một chút." Con mừng quýnh.
Lúc chị Hạc về Huế rồi ra lại, Mẹ con có gởi cho con một lượng vàng nhưng chị Hạc không dám đem theo nhiều, chị xin làm một chiếc xuyến 5 chỉ thôi. Nhờ vậy con có chiếc xuyến nhờ bà chủ đem bán, bà đi hỏi giá rồi giữ chiếc xuyến cho bà và đưa cho con 1.500$ Đông Dương (1$ Đ.D. hình như 50.000$ ở ngoài ấy). Con hỏi các bà bằng lòng giá bao nhiêu. Họ bảo cho mỗi người 150$, tức là 300$ hai người. Thế là con mừng quá sức và sáng mai đi sớm. Con đưa tiền trước cho hai bà.
Sáng hôm sau chúng con từ giã gia đình bà chủ nhà tốt bụng và xuống thuyền lúc độ 8 giờ sáng. Vùng này thuyền đi giữa sông và phá ban ngày được. Độ hơn 1 giờ trưa thì đã thấy xa xa Đồn Quảng Khê có mấy cái lô cốt (blockhaus) có súng chĩa ra. Hai bà chèo thuyền sợ quá vội bảo con: "Nếu Tây bắt thì Cô tìm cách gỡ cho chúng tôi." Con đáp liều: "Họ có bắt thì bắt tôi chớ các bà không can gì đâu." Một chốc sau thì thuyền không đi được nữa vì hôm ấy nước ròng, thủy triều xuống, thuyền mắc cạn phải ngừng xa ngoài phá. Con bảo tất cả mọi người đứng dậy ngó vào phía lô cốt đưa hai tay lên đầu. Neo thuyền cẩn thận rồi nhờ hai bà cõng hai cháu (hai bà lớn tuổi nhưng người đường biển mạnh khoẻ lắm) mà tay vẫn đưa thẳng lên, các cháu thì một tay ôm cổ các bà một tay đưa lên, con mang ba lô sau lưng cũng đưa tay lên và lội bì bõm vào bờ. Nước quá đầu gối và đi trên cát nên cách bờ chỉ độ 50 m mà lâu lắm. Con đi vào một cái chòi canh bằng gỗ có một người lính Việt Nam gác. Con nói với ông lính: "Nhờ ông tìm cách liên lạc với các vọng gác là có người về 'đầu thú' (lời họ dùng như vậy) thuê chiếc thuyền của hai bà già. Xin để cho hai bà già về bình yên." Rồi con cảm ơn hai bà và bảo hai bà vẫn đưa thẳng tay lên đầu mà trở về thuyền.
Ông lính hỏi giấy tờ con. Con bảo con không có giấy tờ gì cả, con đi dạy ở ngoài kia và trốn vào đây. Ông bảo chờ đến 2 giờ 30 Đồn Dân vệ mở cửa thì ông đưa vào trình diện. Rồi ông bước ra khỏi chòi canh và nhường chỗ cho ba mẹ con con vào đứng trong ấy cho khỏi nắng. Đang chờ đợi thì có một ông Việt Nam ăn mặc âu phục chững chạc đến hỏi gì người lính gác rồi đến nói với con: "Bà đi dạy thì bà biết tiếng Pháp, bà vào trình diện ở đây chứ qua Đồn Dân vệ làm gì. Mời Bà theo tôi." Ông tự giới thiệu là ông Hạt trưởng. Con không muốn đi theo ông, nhưng không đi thì sợ bị nghi ngờ.
Ông Hạt trưởng đưa con vào văn phòng một vị quan ba, nói vài câu rồi đi ra. Ông quan ba rất lễ độ, mời chúng con ngồi, rồi bấm chuông gọi một người lính vào bảo nhỏ mấy câu. Con nghĩ ngay phải đưa thầy con ra để may gì họ biết và nể nang không làm gì khó dễ. Con bảo con đi dạy ở Hà Tĩnh và trốn về đây. Chồng con không thể cùng đi được và sẽ tìm cách đi trong một ngày gần đây. Thầy con trước 1945 làm Thượng thư bộ Giáo dục nay về hưu trí. Ông bảo ông còn trẻ mới ở Pháp qua có 5 tháng, ông không biết thầy con để ông hỏi xem. Ông gọi điện thoại ngay về Huế và nói với con là điều con nói về thầy con trước là đúng nhưng hiện nay thầy con là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên hiệp và Chủ tịch Viện Giám sát, con có hiểu gì về những chuyện mới lạ ấy đâu. Ông chỉ ngồi nói chuyện với con, hỏi gì con nói, thỉnh thoảng ông ghi chép sơ sơ trên một quyển sổ lớn trước mặt, chớ không bắt con viết gì cả, chỉ ghi tên tuổi, con cái, nghề nghiệp... lúc đầu thôi.
Đang nói chuyện thì có một vị sĩ quan vào cho hay cơm đã dọn. Ông mời con đem hai cháu theo vị sĩ quan đến phòng ăn. Đến nơi con thấy một ông sĩ quan người Việt Nam, ông bảo: "Xin lỗi Bà, hôm nay không phải là ngày phiên chợ nên không có thịt và rau tươi." Con trả lời: "Thật là một bữa tiệc quá linh đình, sao ông lại xin lỗi, và khéo là trong một thời gian ngắn mà làm được bao nhiêu món. Xin cảm ơn ông và quý vị đã lo buổi cơm." Ngồi lại một mình trước một bàn đầy tràn hải vị ngon lành tự nhiên con tủi thân tại sao trong 7 năm trời này mình không được dùng những món ngon lành vậy, nào cá chiên, cá hấp, tôm hùm, tôm rim, cua, mực... Con ứa nước mắt và không ăn gì cả chỉ gặm một lát bánh mì mỏng. Hai cháu cũng chẳng ăn gì, nó thấy cơm thật trắng bảo là xôi và chỉ ăn mỗi đứa nửa chén xôi với một chút cá. Cả bàn đồ ăn cho độ 7, 8 người không ai đụng đến. Đang ăn thì máy bay lên, hai đứa quăng đũa chạy núp xuống bàn và la lên: "Mẹ ơi, ra hầm mau". Không tìm thấy hầm, chúng nó cuống cuồng khóc ầm lên. Phải giải nghĩa một chốc chúng mới hết run.
Chúng con lại trở lại văn phòng của ông quan ba, ông vẫn hỏi đủ thứ chuyện như nói chuyện chớ không phải điều tra. Đến chiều ông gọi một viên sĩ quan Pháp bảo cho người sửa soạn một phòng trong đồn cho ba mẹ con con. Con sợ quá cứ nghĩ đến chuyện ban đêm lính Pháp say rượu, nên vội nói: "Nếu có thể, cho tôi ở ngoài đồn. Gần 7 năm trời, tôi không liên lạc được với gia đình; tôi nghe nói V.C. hay pháo kích đồn, tôi sợ chết mà không gặp cha mẹ tôi. Tôi có một ít tiền tôi có thể trả khách sạn." Con lại sợ họ nghi ngờ nên nói tiếp: "Tôi trốn về đây nên tôi sợ V.C. lắm, xin tìm cho tôi khách sạn gần đồn." Ông quan ba cười tử tế bảo: "Bà chớ lo về chuyện tiền, tất cả phí tổn chính phủ lo. Tôi sẽ cho tìm khách sạn gần đồn cho Bà." Chiều tối ấy họ đưa xe jeep cho chúng con về khách sạn, chỉ cách đồn độ 3, 4 phút đi xe. Vừa bước vào phòng khách con nghe tiếng "Ô`". Chưa kịp thấy gì, một người đã ôm lấy hai vai con gọi: "Chị Thương Thương!", con nhìn chị ấy thấy quen nhưng không nhận ra ai; chị nói tiếp: "Em là ... (nay con lại quên tên rồi!), em là em chị Tuyết dạy thể thao ở Đồng Khánh. Em bạn của Chi Minh, em Chị, Chị không nhớ em sao?" Chị là bạn của em con mà lại ở ngoại trú thì con chỉ thấy quen thôi, nội trú thì lớp trên hay lớp dưới chúng con đều quen nhau. Nói chuyện ra thì anh lại là bạn học từ hồi tiểu học với anh đầu của con. Anh, chủ khách sạn, tên Đinh Gia Em. Tối hôm ấy chúng con không ăn cơm theo khách trọ mà ăn bữa cơm gia đình với anh chị Em. Kể từ ngày 17 tháng 5 năm 1952 con rời nhà ở Châu Phong cho đến nay đã hơn nửa tháng rồi con mới ăn hột cơm đầu tiên. Con tạm quên mọi lo âu, trong bữa ăn chỉ cứ nhắc đến trường cũ, thầy, bạn... Và lần đầu tiên, không phải từ hơn nửa tháng nay, mà cả 5, 6 năm rồi con mới ngủ được một đêm bình yên trong tin cậy.
Sáng hôm sau xe jeep lại đến đón chúng con. Vừa vào văn phòng thì ông quan ba nói: "Tôi hứa với Bà hôm nay đưa Bà về Đồng Hới, nhưng hiện giờ ba chiếc ca nô còn rảnh thì đều hỏng cả, đang sửa chữa." Tự nhiên nước mắt con chảy ra, con không hiểu sao mà con mau nước mắt thế, có lẽ lo lắng quá nên một trở ngại dầu nhỏ cũng làm con nghĩ đến sự sụp đổ, tâm thần giao động. Ông ấy thấy thế vội nói: "Tôi biết Bà nóng lòng muốn gặp gia đình. Bà đừng lo, ca nô chữa xong giờ nào thì tôi cho Bà đi giờ ấy."
Độ hơn 12 giờ trưa có một chiếc ca nô xong. Thế là con được đưa xuống ca nô. Và một đoàn có mấy chục người cả sĩ quan cả lính Pháp, súng ống đầy đủ, đem chúng con đi.
Thuyền đi trong phá rồi ra biển. Một chốc sau cháu Hoàn say sóng, mặt tái xanh và nôn thốc nôn tháo một chốc thì mệt lả, nằm bất động. Rồi đến phiên con cũng thế. Lúc con gần mệt lả con nghe mấy người sĩ quan và lính nói với nhau: "Chắc không phải say sóng, say sóng gì mà nặng vậy, họ ở ngoài kia vào có thể bị thổ tả." Con hoảng sợ, con nhớ đến việc đi biển mà đau chết hay bị bệnh truyền nhiễm là họ ném xuống biển vì sợ lây. Con vội cố gắng ngồi thẳng dậy, cố gắng tỉnh táo nói: "Các ông lầm rồi, chính là say sóng, chớ không phải thổ tả đâu. Thổ tả có triệu chứng khác chứ không phải chỉ có nôn." Rồi con tiếp thêm: "Đừng nghĩ sai lầm, đừng ném chúng tôi xuống biển." Các ông không ngờ con nói thế vội trả lời: "Không có đâu, chúng tôi lo vì thấy con bé như hết thở, mà Bà cũng nặng quá." Cũng may cháu Dương không hề mệt gì hết, nó chạy tung tăng trên boong tàu. Con bảo nhỏ cháu: "Coi chừng em cho mẹ, đừng để họ đến gần em"... Rồi ca nô đã bớt tốc lực và đi dần dần vào bến Đồng Hới. Sóng nhẹ và bớt gió nên cháu Hoàn cũng bắt đầu tỉnh lại và con cũng bớt mệt.
Một chiếc xe jeep đã chờ sẵn trên bến, đưa chúng con về Toà Tỉnh trưởng. Ngồi nói chuyện một chốc với ông tỉnh trưởng rồi ông cho xe đưa chúng con về ở tạm nhà bà cựu tỉnh trưởng (ông vừa bị V.C. thanh toán độ 1, 2 tháng nay thôi) để bà đem con đi mua sắm mọi thứ cần dùng. Ngày hôm sau bà đem con đi chụp ảnh để làm căn cước, còn bảo con mua sắm áo quần, giày dép, con không chịu. Chiều ấy về nhà nghe tin tức trên đài phát thanh mới biết đồn Quảng Khê bị pháo kích đêm vừa rồi. Con vội viết cái thư vừa để cảm ơn anh chị Em, chủ khách sạn, mà cũng để hỏi thăm về vụ pháo kích. Hai ngày sau được thư chị trả lời, con lạnh cả người, ngay hôm con rời Quảng Khê đi Đồng Hới thì tối ấy đồn bị pháo kích, quả pháo đầu tiên nổ ngay tại phòng ngủ dành cho ba mẹ con con, hai giường ngủ tan nát.
Sáng hôm sau có giấy của Phòng nhì mời con đến. Ông trưởng Phòng nhì, con không nhớ cấp bậc, tên Le Petit, hỏi chuyện vài ba câu, rồi trao cho con một xấp giấy dày. Con phải ngồi một bàn riêng trong phòng ấy trả lời 150 (hay 250 con quên rồi) câu hỏi, nhiều câu bắt phải trả lời tỉ mỉ để chỗ trống đến nửa trang giấy đánh máy. Con cứ trung thực trả lời, cái gì không biết thì đề không biết. Gần hai ngày con mới trả lời xong, cứ sáng độ 9 giờ đến 12 giờ, chiều 3 giờ đến 5 giờ, khi nào con cũng đem hai cháu đi theo ngồi một bên con. Ngày hôm sau ông Le Petit cầm xấp giấy của con đọc từng câu và chất vấn từng ly từng tý. Họ hỏi không thiếu một vấn đề gì, một khía cạnh nào trong đời sống.
Lúc này mới thấy rõ bộ mặt bắt bẻ, làm khó dễ của ông. Ông bảo con: "Bà khai không thật. Tại sao Bà biết một viên aspirine, một viên quinine, 1 kg gạo... giá bao nhiêu, mà lại không biết 1 kg muối, 1 kg đường, 1 lít nước mắm, 1 m vải trắng... giá bao nhiêu". Con cứ điềm đạm trả lời: "Vì tôi muốn khai chân thật. Ở ngoài ấy không có đường cát trắng như ông hỏi, chỉ có đường chén, đường thẻ đen, chúng tôi mua một chén đường hay vài thẻ, có biết cân lượng bao nhiêu. Muối thì họ bán bằng cái thìa tre, mua 1, 2 thìa họ gói vào lá chuối, làm sao biết mấy thìa là 1 kg, ông hỏi giá 1 thìa muối tôi biết chớ giá 1 kg làm sao tôi biết rõ. Nước mắm đong nơi cái chũm bằng tre làm sao biết một lít là bao nhiêu." Ông ta đuối lý nên nóng mặt gắt: "Thế sao hỏi Bà tháng 6 năm 1951, ở vùng Châu Phong Linh Cảm, chính là chỗ Bà ở, bom thả trúng cơ quan nào Bà bảo chỉ trúng dân chúng thôi?" Con trả lời: "Vì mắt tôi trông thấy chỉ có dân chết. Tôi nói thật, hơn 6 năm trời tôi ở ngoài ấy tôi không biết cơ quan ở đâu. Lúc cần liên lạc chỉ liên lạc ở một cái trạm nhỏ thôi"... Trưa hôm ấy ra về, một anh thanh niên Việt Nam đón con ngoài đường, bảo con: "Lão Le Petit là một thực dân, nhất là với đàn bà con gái, nó làm khó dễ, doạ nạt để cho sợ. Chị đừng sợ, cả phòng thư ký bên cạnh sẽ ủng hộ Chị, Chị phải cho vững". Con cám ơn ông và cảm thấy có sự che chở, đỡ cô đơn.
Con ở đây gần cả tuần rồi. Chỉ quanh quẩn như vậy mà kéo ngày này qua ngày khác. Nhiều câu hỏi tăn măn tỉ mỉ, nhiều câu tổng quát, nhưng cũng nhiều câu thật cập nhật, như bom ở Đò Vàng vừa mới tháng trước cách đây vài tuần thôi, lúc con đi ngang đó, cũng có trong xấp giấy. Ông Le Petit còn bắt bẻ nhiều chuyện lắm...
Một buổi tối con gặp anh chị Hà Thúc Lãng đến nhà bà cựu tỉnh trưởng. Chị Lãng là con dì cả của con. Thế là con theo chị về nhà chị ở.
Khi con đến Đồng Hới thì ông Tỉnh trưởng có gọi điện thoại cho Thầy con. Cho nên mấy ngày sau anh con đi cùng mẹ con ra đón con.
Sáng hôm ấy Phòng nhì cũng bắt con phải trở lại. Anh con bảo con ở nhà, anh con đến gặp ông Le Petit nói với ông còn muốn hỏi gì thì con về Huế rồi sẽ hỏi.
Hôm sau con theo mẹ con và anh con về Huế. Hai tháng sau Anh Quỵ con về. Anh con đi gặp mọi sự dễ dàng. Anh mua một chiếc xe đạp cũ rồi anh bạn và anh thay phiên nhau đạp, đi theo đường rừng, không đi thuyền (và đi đường Kỳ Anh, không đi Chu Lễ) tránh nơi nguy hiểm (con vì có trẻ con không đi đường khác được). Về Văn Phú gặp lúc yên, Anh Quỵ con về ở nhà anh bạn hai ngày rồi thuê thuyền đi Quảng Khê. Mọi việc may mắn, nên đi từ Hà Tĩnh về Huế chỉ độ 10 ngày, con gần cả tháng.
Thế là gia đình đoàn tụ như lời cụ Hàn Cung đoán trước. Lúc ấy con vừa đúng 26 tuổi mà sao con thấy như con già trên 75 vì sống quá nhiều, thấy quá nhiều, biết quá nhiều mà cũng lo lắng, ưu tư chịu đựng, từng trải quá nhiều!
Kính Thầy Cô, con thuật chuyện dài dòng để Thầy Cô đọc mỗi ngày vài trang trong thời gian dài con vắng mặt, con không gọi điện thoại, không viết thư. Lúc trở về con sẽ lại liên lạc với Thầy Cô. Con cầu mong Cô chóng bình phục để con lại được nghe giọng Cô nói cười qua điện thoại.
Con xin kính thăm Thầy Cô và các em.
Nay kính
Con
Thương Thương
Ghi thêm: Ngày thứ bảy (17/05/1952) ngay sau khi anh Qụy con vào Lam-Kiều xin được giấy chứng minh thư, thì chiều ấy chúng con đi ngay, con và hai cháu nhỏ, rời Châu-Phong lúc độ 6g30, 7 giờ chiều. Ngày thứ hai liền sau đó (19/05/1952) Ty công-an cho người đến nhà đòi lại giấy chứnh minh thư. Anh Qụy con bảo là hôm ấy có mấy bà đi buôn quen, nên cố xin cho được giấy tờ ngay để về đi với họ, nên đã đi rồi. May quá sức.
Chú thích:
• Cô Cáo là Cô giáo của bà Phạm Qụy lúc Bà học tiểu học.
• Khi bà Phạm Qụy viết các bức thư này, năm 1995, Bà đã 69 tuổi. Cô Cáo lúc đó vào khoảng 89-90 tuổi.
• Bức thư cuối cùng bà Phạm Qụy viết trước khi về thăm VN lần đầu tiên. Lúc bà Phạm Qụy ở VN về lại Mỹ thì Cô Cáo đã mất. Thầy Cáo để cả 5 bức thư của bà Thương Thương trên bàn thờ của Cô, để nhắc nhở cho con cháu trong nhà hiểu rõ sự tôn kính và lòng yêu thương của học trò mà Cô đã thu nhận được trong suốt cuộc đời đi dạy của Cô.
• Bà Phạm Qụy đã qua đời năm 2019 tại Mỹ.
• Năm bức thư này đã được dịch sang tiếng Anh và được phổ biến trên website www.lulu.com với tựa đề "Letters to a teacher"
http://www.lulu.com/spotlight/lhp
Đăng ngày 15 tháng 02.2020