GS Phạm Cao Dương và hai tác phẩm:

 Bảo Đại-Trần Trọng Kim &

Siêu Quốc gia VN tại hải ngoại & Hiểm họa Bắc phương

Trần Thế Đức

Giáo sư Phạm Cao Dương là nhà nghiên cứu Sử, giáo sư Sử Học tại các viện đại học Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa và nhiều viện đại học miền Nam California, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu sử và văn hóa có giá trị. Ông cũng viết nhiều sách giáo khoa về sử và văn hóa Việt Nam rất cần thiết cho bậc đại học.


Giáo sư  Phạm Cao Dương là người hết lòng với đất nước, nhiệt tâm với các môn sinh. Trong nhiều bài nghiên  cứu, ông gửi gấm tấm lòng của ông đối với đất nước, tới sự tồn vong của dân tộc Việt. Đối với các môn sinh, ông “truyền lửa” cho tuổi trẻ: gây dựng tình cảm thầy trò thân mật,  khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ trẻ, nhắn nhủ thế hệ trẻ dấn thân cho  đất nước.

Truyền cảm hứng cho học trò như giáo sư Phạm Cao Dương đã thực hiện cũng là chủ trương của nhiều nhà giáo dục Tây phương. Nhiều thế hệ môn sinh của ông đã đi theo con đường do ông hướng dẫn và dành cho thầy lòng quý mến đặc biệt. Trước kia, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, sử địa chỉ là môn học khiêm nhường (hệ số 2 trong kỳ thi tú tài ở bậc trung học). Nhưng từ khi các giáo chức trung học được đào tạo dưới mái trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, trong đó giáo sư Phạm Cao Dương là một trong những vị thầy nòng cốt, sử địa không còn là môn “ăn chơi” nữa. Môn học này hun đúc tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ. Đây cũng là mục tiêu của  môn sử học trong nền giáo dục Úc Đại Lợi sau này: đào tạo thế hệ trẻ thành những công dân của cộng đồng và công dân của thế giới.

Nghiên cứu  là việc không có thời gian ngừng nghỉ đối với giáo sư Phạm Cao Dương. Vượt qua những trở ngại về tuổi tác (ngoài 80 tuổi) và  giới hạn về sức khỏe, ba năm trước, giáo sư Phạm Cao Dương đã cho ra mắt một công trình nghiên cứu đồ sộ Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới : Bảo Đại – Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam. Cuốn sách dầy 826 trang, soi sáng cho lịch sử hiện đại Việt Nam: nói lên những sự thật mà một số người không hiểu rõ và các sử quan của chế độ cộng sản cố tình xuyên tạc. Chẳng hạn trước khi Việt Minh cướp chính quyền, một chính phủ quốc gia đã thành hình gồm những thành phần ưu tú của đất nước, để cùng hoàng đế Bảo Đại thực hiện một cuộc cách mạng phi bạo lực, từ trên xuống ngõ hầu thực tiến trình dân chủ hóa đất nước. Nhìn vào cuốn sách sử dầy cộm, nặng ký, và khối lượng tài liệu khổng lồ mà sử gia dùng để tham khảo, học trò của ông cảm phục sức làm việc và tấm lòng của thầy.

Trong năm 2019, giáo sư Phạm Cao Dương lại cho ra mắt một công trình nghiên cứu khác: Siêu Quốc Gia Việt Nam Tại Hải Ngoại Và Hiểm Họa Bắc Phương. Đây là một tuyển tập dầy 448 trang gồm những bài viết của ông từ trước 1975 tới nay. Bút pháp của ông biến đổi: không sử dụng lời văn khô khan như các bài nghiên cứu bác học, mà dịu dàng, uyển chuyển khiến độc giả thoải mái, nhẹ nhàng khi đọc tác phẩm này. Tiềm năng của thầy vẫn phong độ.Thầy đóng góp thêm cho văn hóa Việt Nam một công trình giá trị. Dưới con mắt của sử gia, với phương pháp của sử học, giáo sư Phạm Cao Dương đã tìm kiếm, đánh giá, phân tích, liên kết, suy luận, giải thích,tổng hợp, ...những dữ kiện từ cổ chí kim để tìm ra sự thật. Ngoài những tài liệu nằm trong các thư viện, các viện nghiên cứu,...tự nó đã có giá trị, giáo sư Phạm Cao Dương không bỏ qua nhiều dạng tài liệu khác nằm trong dân gian, cộng đồng, mà giá trị thật sống động, gần gũi với người đọc. Tiểu sử nhân vật (thí dụ tiểu sử của chính ông) là bằng chứng sống trong giai đoạn nhiễu nhương của đất nước. Những câu ca dao tục ngữ, những bài hát, những tác phẩm văn học (đặc biệt là thơ) dưới con mắt của một sử gia, tạo nên tinh thần thân mật, nhẹ nhàng cho độc giả. Những sự kiện thời sự được nhìn dưới nhãn quan một nhà sử học: giải thích và liên kết sự kiện, tạo nên một tầm nhìn bao quát, để từ đó người đọc hiểu được những gì đang xảy ra ngay trước mắt họ.

Tuyển tập Siêu Quốc Gia Việt Nam Tại Hải Ngoại và Hiểm Họa Bắc Phương gồm bốn phần:
1. Phần thứ nhất: Biến đau thương thành sức mạnh – Sự hình thành của Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại.
2. Phần thứ hai: Hiểm họa mất nước hay là mưu độc ngàn năm của người Tầu.
3. Phần thứ ba: Thực chất của mối tình cố cựu môi hở răng lạnh Hoa-Việt.
4. Phần thứ tư: Phụ lục

Chúng ta có thể hiểu cuốn sách bao gồm hai đề mục: Sự hình thành của Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại và Mưu độc ngàn năm của người Tầu. Phần thứ ba của cuốn sách cũng không ngoài “Mưu độc ngàn năm của người Tàu”.
Sau biến cố 30 – 4 – 1975, “loài quỷ dữ xua con ra đại dương”, hàng triệu người Việt đành bỏ nước ra đi, bất chấp mọi hiểm nguy, tìm cuộc sống mới nơi đất khách, quê người. Người Việt phiêu bạt khắp nơi trên thế giới. Bước sang thế kỷ 21, mặt trời không bao giờ lặn trên những mảnh đất có người Việt cư ngụ. Giáo sư Phạm Cao Dương gợi ý dùng danh xưng cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại là Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại. Siêu quốc gia này hình thành không bằng lãnh thổ, chính quyền, mà bằng con người, con người với mồ hôi nước mắt  và nỗi thống khổ cùng cực của con người. Ông nhận định rằng chiến tranh có thể tránh được, vết thương dân tộc có thể hàn gắn được, nhưng người ta không làm. Ông nhắc tới thời đại Nguyễn Du: các sĩ phu Bắc Hà được phục vụ tân triều với đầy đủ danh dự, kể cả cấp cao của triều đình Huế. Ông cũng nhắc tới lịch sử chiến tranh Nam – Bắc Hoa Kỳ: khi kết thúc chiến tranh, hai bên đều giữ tư cách cho nhau, không phân biệt kẻ thắng, người thua. Với tinh thần như thế, Hoa Kỳ  vươn lên địa vị một cường quốc.

Giáo sư Phạm Cao Dương đặc biệt quan tâm tới giới trẻ Việt Nam hải ngoại, vì họ là những người mang sứ mạng góp phần xây dựng một nước Việt  Nam cường thịnh và một dân tộc dân tộc Việt Nam thực sự tiến bộ, văn minh và hùng mạnh trong tương lai. Ông cũng nhắn nhủ các em phải nỗ lực để trở thành thành phần ưu tú trong ngành mà các em chọn. Ông nhắc tới Hồ Nguyên Trừng, một người Việt lưu vong sang Trung Hoa được hoàng đế nhà Minh trọng dụng, giao cho chức vụ Binh Bộ Thượng Thư, để nhắc nhở các em vận dụng trí thông minh để phục vụ đồng bào và đất nước, chứ không vì miếng ăn và sự giàu sang.
Giáo sư Phạm Cao Dương tin tưởng vào sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Ông tin tưởng rằng mạch sống đầy sinh lực, đầy linh khí tiềm tàng, ẩn náu trong mỗi con người Việt Nam, dù chúng ta sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tổ tiên chúng ta đã đứng vững hơn hai ngàn năm, không có lý do gì chúng ta không đứng vững thêm vài ba ngàn năm nữa để dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn.

Tấm lòng của giáo sư Phạm Cao Dương đối với dân tộc còn thể hiện qua nhận định rằng người Việt của Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại là những người tị nạn, chứ không phải di cư. Di cư là dời bỏ vĩnh viễn, là dứt khoát với quê hương, hướng về miền đất mới. Còn tị nạn là ra đi tạm thời, vẫn một lòng một dạ gắn bó với quê hương thực sự của mình (“ Lão vĩnh viễn chỉ là khách”). Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam là những báu vật phải bảo vệ để giữ vững tinh thần và văn hóa Việt. Nhận định của ông cũng là quan niệm của môn song ngữ học (bilingualism) ngày nay: bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của di dân vì những lợi ích mà di dân đem lại cho quê hương mới của họ. Người di dân Mỹ La Tinh đem vào Hoa Kỳ vốn quý của họ là di sản văn hóa lâu đời Tây Ban Nha. Còn người tị nạn Việt Nam đem vào quốc gia tạm dung của chúng ta vốn quý mà chúng ta  đem theo: đó là bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt.

Trong phần thứ nhất của tuyển tập Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại và... có một chương nói tới Đặc Tính Lãng Mạn Trong Những Năm Đầu Của Cuộc Kháng Chiến Chống Pháp. Đặc tính lãng mạn của người Việt Nam thể hiện trong mọi phạm vi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh, kể cả thời chiến. Chính nhờ đặc tính này, cùng với một đặc tinh khác (bi thảm tính), dân tộc ta đã giữ được thế quân bình trong đời sống cá nhân cũng như tập thể, từ đó đã vượt qua tất cả mọi khó khăn và đã đứng vững và đứng thẳng trong mọi hoàn cảnh trong nhiều thiên niên kỷ.
Trong phần thứ hai của tuyển tập, giáo sư Phạm Cao Dương phân tích những âm mưu thâm độc của người Tàu đối với dân tộc Việt chúng ta qua hai sự kiện: chính sách đồng hóa tiêu diệt người Việt dưới thời Mã Viện từ hai ngàn năm trước, và chính sách hủy diệt văn hóa Việt dưới thời nhà Minh đô hộ nước ta (600 năm trước).
Sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện tổ chức chính quyền ở các quận, huyện giống như ở chính quốc. Sinh hoạt của người Việt bị kiểm soát chặt chẽ. Văn hóa Tầu được truyền bá rộng rãi.
Dưới thời Minh thuộc, Trương Phụ thu hết sách từ cổ chí kim của nước ta, đem về Tầu. Sau đó, họ đem các sách Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo của Trung Hoa vào thay thế.
Mưu độc ngàn năm của người Tầu lại tái diễn trong thế kỷ 20. Với chủ trương xâm lược vùng Đông Nam Châu Á, Trung Cộng chi phối đường lối của Hồ Chí Minh. Lưu Thiếu Kỳ cùng với Staline muốn Hồ Chí Minh tiến tới chủ nghĩa vô sản nhanh hơn  là lo đánh Pháp. Với các cố vấn Tầu, Việt Minh thực hiện cuộc cách mạng vô sản theo khuôn Các cố vấn Tầu trong guồng máy chiến tranh của Việt Minh nắm quyền quyết định quân sự chứ không phải các tướng tá Việt Minh. Âm mưu thâm độc của người Tầu còn được thấy qua những sự kiện vào cuối thiên niên kỷ thứ hai và đầu thiên niên kỷ thứ ba: xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sử dụng quyền lực mềm để xâm chiếm Việt Nam qua các đặc khu kinh tế.
Trong phần thứ hai của tuyển tập, giáo sư Phạm Cao Dương cũng nói tới sức mạnh của khối cộng đồng người Việt hải ngoại đã tranh đấu thành công (cùng với sức mạnh của người Việt trong nước) khi yêu cầu Hội Địa Lý Quốc Gia (National Geographic Society) của Hoa Kỳ xét lại danh xưng cho hợp lý: không dùng South China Sea / Mer de Chine / Mer de Chine Méridionale, mà đổi thành Southeast Asia Sea / Mer de l’Asie du Sud-Est. Điều này cho thấy nếu người Việt trong và ngoài nước đồng lòng thì có thể thành công cho đất nước.
Người Tầu chuẩn bị việc thực hiện mưu lược của họ với nhiều phương thức, trong đó, công tác nghiên cứu về Việt Nam để phục vụ nhu cầu chính trị của họ cũng được được lưu ý. Họ dùng hàng trăm nhân viên và thường mượn lời các học giả Âu Mỹ để phát biểu những điều có lợi cho họ.
Trong tuyển tập, giáo sư Phạm Cao Dương cũng đề cập tới những tranh chấp về biên giới mà các triều đình nước ta luôn luôn quan tâm. Mưu độc của người Tầu cũng thể hiện qua vấn đề này. Bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ làl sứ mạng vô cùng thiêng liêng của vua quan, nho sĩ trí thức, và cả những hoàng hậu, hoàng phi, công chúa.
Trong bài thứ 6 trong tuyển tập, giáo sư Phạm Cao Dương nhận định rằng trong những xung đột với người Pháp vào cuối thế kỷ 19, triều đình Việt Nam có chủ trương, đường lối rõ ràng, có kiến thức, biết theo dõi tình hình, khéo léo và biết cách làm việc, chứ không phải u tối, ươn hèn như một số người lầm tưởng và các sử quan cộng sản bôi nhọ.
Bài cuối cùng trong tập 3 nói về hiệp định Genève. Chúng ta lại thấy âm mưu thâm độc của người Tầu: chủ trương của Trung Quốc trong hội nghị Genève là tạo ra khu vực an toàn cho Trung Quốc ở phía nam, chia cắt lâu dài Việt Nam, hòng làm suy yếu ba nước Đông Dương.

Về hình thức của sách, Siêu Quốc Gia ... dùng cỡ chữ trung bình, nên người lớn tuổi đọc mà không mỏi mắt.. Bìa sách mỏng, nên trọng lượng sách không nặng, người đọc cầm trên tay rất gọn. Một số sách in trong nước dùng bìa dầy cộm, trông sách thật bề thế, có vẻ “ăn chắc, mặc bền”, nhưng thật là nặng nề đối với độc giả, nhất là độc giả chân lỏng, tay run. Bìa sách Siêu Quốc Gia ... dùng loại giấy cứng mỏng khiến độc giả cầm không mỏi tay. Bìa sách in bức tranh bầy chim lạc đang bay về vùng ánh sáng. Phải chăng đây là hình ảnh của dân Việt đang tìm nơi an lành cho mình? Tuy nhiên, sách chỉ có vài tấm ảnh, nên người đọc không thấy mát mắt cho lắm. Nếu tác giả cho thêm một vài bản đồ và hình ảnh thì độc giả thấy vui mắt hơn. Nhưng sách đã dầy, hình ảnh và bản đồ thêm vào sẽ làm cho sách dầy hơn, người đọc cầm sách lên thấy nặng nề và chi phí ấn loát lại tăng lên.

Suốt cuộc đời, giáo sư Phạm Cao Dương cống hiến cho nền sử học nước nhà, cho thế hệ trẻ, cho tương lai của đất nước Việt Nam. Ngày nay, hiểm họa Bắc phương lại đang xuất hiện. Âm mưu thâm độc của người Tầu đang đe dọa sự tồn vong của đất nước. Tuyển tập Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại và Hiểm Họa Bắc Phương nhắc nhở cho mọi người dân Việt, trong cũng như ngoài nước phải thức tỉnh với kẻ thù ngàn năm của dân tộc. Giáo sư Phạm Cao Dương nhắc nhở cho chúng ta rằng sự tồn vong của đất nước trước âm mưu thâm độc của người Tầu không tính bằng trăm năm, mà tính bằng hàng ngàn năm. Theo ông, một siêu quốc gia Việt Nam tại hải ngoại là một tiềm năng quan trọng của người Việt Nam. Chúng ta tin tưởng rằng với số dân hơn 90 triệu người trong nước cùng với hơn ba triệu người tại hải ngoại, dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn.

12 tháng 03.2020

Trần Thế Đức
ĐHSPSG, ban Sử Địa, khóa 7

 

Đăng ngày 14 tháng 03.2020