banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thơ Cao Nguyên Minh



Tống biệt

Tiễn người nghiêng chén rót về Đông
Rượu như sương tỏa đóa mây hồng
Cả một hoàng hôn trong hơi rượu
Ta tiễn người đi! Có tiếc không?

Tiễn người nghiêng chén rót về Tây
Mưa Tây Sơn! nước đã dâng đầy
Khà lên hơi rượu câu tống biệt
Mà đôi mái tóc ngả mầu mây

Tiễn người nghiêng chén rót về Nam
Trời Nam cuồn cuộn sắc khói lam
Bốn trời mờ mịt mây cố xứ
Dục phá thành sầu vẫn chửa tan

Tống biệt! Chén nghiêng về Bắc phương
Người đi thêm luống những đoạn trường
Cười lên một trận buồn ngao ngán
Lệ phong kín nỗi, lệ như sương

Đưa người rượu rót khắp tứ phương
Màu men màu mắt rợn nghìn chương
Tiễn người! ta tiễn ta một thể
Cười lên nghiêng ngửa cõi vô thường.

Mai Cao Nguyên
ĐĐSN Cao Ngọc Cường

________

 

Xuân vọng cố hương

Từ Bình Định Vương đến đất Bình Định

Sử ta có nhiều bậc cái thế anh hùng lập nhiều đại công đánh đuổi giặc Tàu phương Bắc lập nên những triều đại lẫy lừng thiên cổ lưu danh.
Bình Định Vương, sinh quán không ở Bình Định mà xuất phát từ Lam Sơn Thanh Hoá nhưng nhờ có công mười năm gian khổ trường kỳ kháng chiến chống quân Minh, bình định đất nước nên người đời tôn là Bình Định Vương.
Nguyễn Huệ, anh hùng áo vải đất Tây Sơn, Bình Định thần tốc khởi binh từ Phú Xuân ra đất Bắc, chỉ mười ngày đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược giành lại quyền tự chủ cho dân tộc Việt, lập nên kỳ công nên được tôn là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ .

Người Bình Định rất tự hào vì là con dân miền đất Quang Trung Đại Đế. Tuy rằng tên đất Bình Định được đặt ra bởi chúa Nguyễn Ánh khi đánh thắng được Nguyễn (Quang Toản) Tây Sơn mới đổi tên cũ từ Phủ Hoài Nhơn, Quy Nhơn thành Bình Định, với hàm ý đã bình định được miền đất “phản loạn” do “đảng Nguỵ Tây Sơn” cầm đầu.
Đất Bình Định từ đó được nhà Nguyễn xem là đất Nguỵ.
Dân đất Bình Định được xem là dân Nguỵ.
Rất nhiều thế kỷ trôi qua người Bình Định vẫn còn lo sợ bị trả thù vì là đất Quang Trung. Câu ca dao “Bình Định hay lo...”là vậy.

Hỡi ôi !
Lịch sử biến thiên.
Thắng là vua thua là nguỵ.
Chân, ngụy khó lường.
Triều đại nào, chế độ nào cũng vậy.

Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.

(Núi sông còn đó mà nước mất rồi,
Thành ngày xuân hoang tàn, cỏ cây rậm rạp.
Cảm thương thời thế mà hoa ướt lệ,
Như con chim bị tên, kinh sợ sự chia lìa.)

Nước mất, sông núi còn đây
Xuân về thành cũ cỏ cây rậm rì
Hoa rơi lệ khóc thế thì
Chim bị tên sợ chia ly não lòng (mnc)

Đã quá mùng Mười, hết Tết còn Xuân
Buổi sáng ngồi uống trà, vài câu thơ trong bài Xuân vọng của Đỗ Phủ trở về và lan man nhớ những mùa Xuân trên đất nước Quang Trung xưa.

Đất nước đâu phải chợ trời
Mà thật giả khó phân
Ai là chân
Ai là ngụy
Chỉ tội là nhân dân.

11 tháng giêng Canh Tý
Mai Ngọc Cường
ĐĐSN Cao Ngọc Cường

 

 

Đăng ngày 05 tháng 02.2020