banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Cù Mông Sơn

Mai Cao Nguyên

(Ngồi đây nhớ núi nhớ đèo )
“Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.”

Bốn câu thơ trên trong bài Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử, tương truyền rằng thi sĩ tài hoa yểu mệnh của đất Qui Nhơn viết khi đi ngang qua vùng non nước Cù Mông hữu tình. Và bài thơ có hai câu mà bất cứ một học sinh nào trong thời chúng tôi đều thuộc :
“ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”

Non nước Cù Mông trong thơ của Hàn Mặc Tử thật đẹp và ý nhị, “tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi” mà nghe như “thầm thỉ” thầm thì lại “hổn hển như lời của nước mây” ! Quả thiệt quá tượng thanh, tượng hình và gợi cảm. Ngay cái nhan đề bài thơ cũng hết sức ngon.
“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:”
Đọc thơ mà cũng lây nỗi hoài hương nhớ nước non Bình Định
Tôi áng chừng nhà thơ của chúng ta đi trên ngọn đèo Cù Mông vào mùa Xuân nhìn phong quang thiên nhiên nơi đây mà tức cảnh sinh tình viết nên tuyệt tác này .

Mời bạn đọc lại nguyên bài thơ của Hàn :
Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
"Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?..."
Hàn Mặc Tử

Nhà thơ yểu mệnh của chúng ta đã yên nghỉ trên đồi Qui Hoà Nơi tận cùng của rặng núi Cù Mông (xưa gọi là Cù Mãng) bắt đầu từ Xuân Lộc, Sông Cầu (Tuy Hoà) một bên biển xanh. đầm rộng một bên núi non hùng vĩ chạy dài hướng ra biển Qui Nhơn rồi tận cùng tại mũi Ghềnh Ráng, Qui Hoà.
Ghềnh Ráng thì người Qui Nhơn ai cũng biết nhưng Cù Mông thì những ai có dịp xuôi Nam theo Quốc lộ I mới được thực mắt chiêm ngắm khi vượt qua đèo Cù Mông.

Tôi đã sống rất nhiều năm tại vùng chân đèo phía Bắc ngọn Cù Mông và đã nhiều lần “ngậm ngãi tìm trầm” ... bộ hành hơn hai, ba mươi km từ thị trấn Phú Tài qua Ngã ba Long Mỹ đến dốc Tượng Phật vượt đèo Cù Mông hướng về Sông Cầu Tuy Hoà nên đã có nhiều dịp đứng trên 500 mét cao của dãy Cù Mông đường đèo quanh co hiểm trở nhớ câu ca dao buồn bã
Tiếng ai than khóc nỉ non?
Phải vợ chú lính trèo hòn Cù Mông.
Xa xa em đứng em trông.
Bóng đoàn lính thú, hỏi chồng em đâu?
của thời vua Lê Thánh Tông và Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, một thuở dân ta mở cõi về Nam. Và cũng trên ngọn đèo nối liền Bình Định - Phú Yên duyên tình nối nhịp
“Anh về Bình Định thăm cha,
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em” (ca dao)
Mới thấy hai chữ “hổn hển” trong thơ HMT “đắc địa” đến chừng nào như gió nổi trong tai, hụt hơi đuối sức vượt đèo Cù Mông.

Ngọn đèo xưa tôi đã qua nhiều lần mà nay tình cờ tôi đọc được bài thơ tứ tuyệt bằng Hán văn của một nhà thơ ( tôi cũng rất yêu mến) tài hoa kiêu ngạo Cao Bá Quát “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” và qua bài phú “ Tài tử đa cùng” của ông :
“Có một người:
Khổ dạng trâm anh;
Nết na chương phủ.
Hoi miệng sữa tuổi còn giọt máu, nét hào hoa chừng ná Tân, Dương!
Chòm tóc xanh vừa chấm ngang vai, lời khí khái hẹn hò Y, Phó.
Nghiêng gợn sóng vẽ vời điển tịch, nét nhạn điểm lăn tăn!
Bút vén mây dìu dặt văn chương, vòng thuyền khuyên lỗ chỗ.
... (Cao Bá Quát- Tài tử đa cùng phú)

Bài thơ tứ tuyệt đó có hai địa danh “Bình Định Cù Mông” được phiên âm Hán Việt
“Quá Bình Định dương phận vọng Cù Mông sơn”
(Qua vùng biển Bình Định ngắm nhìn núi Cù Mông)
Nam phong xuy dạ tác đào thanh,
Ký đắc Cù Mông lĩnh ngoại hành.
Hiểu vọng quần sơn hoành nhất đái,
Ức phong khúc xứ cựu ao binh.
Cao Bá Quát

Dịch nghĩa:
Đang đêm nổi gió nam, sóng gầm dữ dội,
Biết rằng đang đi qua bên ngoài núi Cù Mông.
Sáng sớm thấy những ngọn núi đứng thành một dãy ngang,
Tại chỗ khúc khuỷu của bao nhiêu ngọn núi đó, đã từng diễn ra những trận kịch chiến.

Cao Bá Quát sinh thời vào đầu thế kỷ XlX đường qua Cù Mông Sơn còn hiểm trở (nên mới có câu ca dao cảm thương chú lính trèo hòn Cù Mông). Ông chỉ ngồi trên thuyền ngoài biền vùng Cù Mông nhìn vào hướng núi, thế mà cũng nghe vọng tiếng quân Nam reo hò thời Việt - Chiêm tranh hùng , tiếng gươm đao một thời Tây Sơn - Nguyễn Ánh giao chiến trên ngọn đèo Cù Mông hùng vĩ .
Nay đọc lại bài thơ mà cảm khái vô cùng !
Tôi xin mạo muội dịch thoát bài thơ của Cao Chu Thần, mời quý hữu đọc chơi

QUA VÙNG BIỂN BÌNH ĐỊNH
NHÌN NÚI CÙ MÔNG

Đêm nổi gió nam tiếng sóng gào
Qua Cù Mông nhớ chốn non cao
Lô nhô một dải hùng sơn ấy
Vẳng nghe trong gió tiếng binh đao
Cao Bá Quát


Ghi chú :
Trong câu 1, sách ghi thiếu một chữ. Có thể là: "Nam phong xuy dạ tác đào thanh" 南風吹夜作涛聲.
Núi Cù Mông: một dãy núi cao nằm giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Theo Đại Nam nhất thống chí thì tại đây quân Tây Sơn đã giao chiến nhiều trận quyết liệt với quân chúa Nguyễn do tướng Nguyễn Hoàng Đức chỉ huy.
Nguồn: Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, NXB Văn Học, 1976

Mai Cao Nguyên

ĐĐSN Cao Ngọc Cường

 

 

Đăng ngày 04 tháng 03.2020