banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thơ Cao Ngọc Cường

 

Tưởng niệm Lê Minh Đảo Tướng Quân

Chào kính tiễn biệt cố Thiếu tướng Lê Minh Đảo (1933- 2020)

Tướng quân nay đã về trời
Để cho hậu thế người người tiếc thương
Một đời trung dũng kiên cường
Một lòng hướng đến quê hương giống nòi
Ghi vào thanh sử sáng soi
Nghìn thu kính nhớ danh người tướng quân
Sinh vi tướng, tử vi thần
Thành tâm kính viếng linh hồn Tướng quân.
Thượng hưởng!

Cao Ngọc Cường

 

Việt Nam Cộng hòa đã là "Bên thua cuộc". Hậu thế rồi sẽ giải đáp những câu hỏi lớn để đem lại cái nhìn công bằng về cả bên thắng lẫn bên thua. Nhưng có một vị tướng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã và sẽ đi vào lịch sử Chiến tranh Việt Nam với tư cách chiến tướng đã đánh những trận lừng lẫy, hào hùng, oanh liệt, xứng đáng ngẩng cao đầu, dù nằm về phía bên thua- Cố Thiếu tướng Lê Minh Đảo, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Tư lệnh chiến trường Xuân Lộc, phòng tuyến cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975.
"Nếu có kiếp sau, vẫn xin được làm người lính VNCH".
"Xin đừng gọi tôi là anh hùng. Những chiến hữu của tôi đã hy sinh tại Xuân Lộc và những chiến trường khác mới chính là những anh hùng".
"Nếu các ông còn đang giam giữ nhiều chiến hữu sư đoàn của tôi, thì tôi mong là tôi sẽ là người sau chót bước ra khỏi đây. Nếu khác đi thì tôi không còn mặt mũi nào nhìn họ nữa".
"Còn sống tôi còn khóc tôi còn thương quê hương tôi
Còn sống anh còn nhớ anh còn thương em ơi
Còn sống ba còn nhớ ba còn thương con ơi".
Ông đã sống, đã chiến đấu vì quê hương miền Nam thân yêu cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp, là một trong số tù nhân cuối cùng ra khỏi nhà tù cộng sản, cũng là vị tướng không đưa gia đình ra đi trong những giờ phút Saigon hấp hối. Các con ông đã tới hải ngoại bằng con đường vượt biên, là những thuyền nhân sau gần 4 năm Việt Nam thống nhất.
Không chỉ là Tướng quân tài ba, Cố Thiếu tướng Lê Minh Đảo còn là một nhân cách lớn, một tù nhân mang tâm hồn nghệ sĩ, một người Việt Nam đẹp đẽ.
Hậu sinh kính cẩn thắp nén tâm nhang viếng linh hồn Ngài.

(Copy từ fb Thảo Dân)

ĐĐSN Cao Ngọc Cường



Bốn mươi lăm năm trôi qua

từ ngày ấy - 1975-2020

10/3/1975 Ban Mê Thuột thất thủ kéo theo những quyết định sai lầm liên tiếp của các cấp chỉ huy cao nhất đã triệt tiêu sức chiến đấu của quân dân miền Nam .
Đường di tản bi thảm trên Tỉnh Lộ 7B Pleiku-Phú Bổn-Tuy Hoà của quân khu ll là bước đầu cuộc khổ nạn của dân tộc tôi từ đó
Tháng Ba nhớ lại ; những đoạn buồn này như những nén nhang được thắp lên để tưởng niệm hơn 200 nghìn quân dân miền cao đã tử nạn trên tầng đầu địa ngục có thật ấy.



Tháng ba

và người lính cũ

Mỗi năm đến tháng ba
Lại có người lính già
Trầm ngâm bên trang sách
Nhớ năm tháng đã xa

Trên tầng đầu địa ngục
Cao nguyên dạo tháng Ba
Từ mùa xuân binh lửa
Của cuộc chiến đã qua

Máu và máu và máu
Từ buồng tim rứt ra
Bao oan khiên chồng chất
Như nứt thịt nứt da

Máu đỏ nước sông Ba
Máu láng lênh lộ Bảy
Trong xó rừng nương rẫy
Ngập ngụa đèo Tuna

Như vết xích chiến xa
Hằn sâu trong ký ức
Nhức nhối khi tháng Ba
Trở về từ tiềm thức

Nửa thế kỷ dần qua
Nỗi đau cũng nhạt nhoà
Những vết thương chiến trận
Những giọt buồn tháng Ba

Mai Cao Nguyên
ĐĐSN Cao Ngọc Cường



Tháng Ba nhớ lại

Lòng bỗng chạnh buồn giữa tháng Ba
Hằn trong ký ức chẳng nhạt nhoà
Tháng Ba bốn mươi lăm năm trước
Như vết thương buồn đến nứt da

Thành sẹo trong hồn khi nhớ lại
Quân dân giữa địa ngục trẩn ai
Tức tưởi khi chưa là chiến bại
Làm sao kể hết nỗi đau dài

Tháng Ba địa ngục mùa Xuân ấy
Một thoáng đã tròn bốn lăm năm
Cao nguyên nghiêng ngửa trong binh lửa
Tháng ba bi thảm khúc bảy lăm

Làm thân lính thú miền biên trấn
Gửi lại chiến trường chút máu xương
Vuốt mắt cho bạn bè nằm xuống
Dạo tháng ba buồn đến thê lương

Ngày 10 giặc chiếm Ban Mê Thuột
Tin về thêm rúng động lòng quân
Biết đâu vận nước lâm tuyệt lộ
Dã quỳ vẫn nở buổi tàn xuân

Triệt buộc, quân lui về duyên hải
Đoàn xe tan tác giữa rừng già
Tỉnh Lộ 7 B đầy máu lửa
Căm hờn trào ngập nước sông Ba

Quân đoàn chạy tự hôm mười sáu
Ta còn mê mải trấn Chu Pao
Kon Tum hớt hải đường 14
Pleiku khói lửa ngút trời cao

Căn cứ 41, 42 cầu số Sáu (*)
Suốt đêm trái sáng bắn như sao
Ta cứ như đang ngồi trên lửa
Lệnh truyền cố thủ đến khi nào !

Mở đường dân chạy như đàn vịt
Bế bồng gồng gánh bước thấp cao
Dân lẫn vào quân đông kìn kịt
Thượng lên Kinh xuống ! Thế là sao !

Người nói thế này người thế khác
Tin đồn nhiễu sóng loạn cào cào
Mình như là ếch ngồi đáy giếng
Biết đâu đất thấp với trời cao

Nấn ná ráng thêm đôi ngày nữa
Lệnh lạc chờ hoài cứ êm ru
Đành phá súng xuôi đường 14
Về ngang hậu cứ đến Pleiku

Hậu cứ chẳng còn ai trực gác
Biển Hồ nước lặng đến tang thương
Khu Gia Binh vắng hoang tàn quá
Từng vùng đất chết rất thê lương

Phố Núi tan hoang trong khói lửa
Biên Trấn tịnh không một bóng người
Chợ Cũ đám người đang hôi của
Diệp Kính cháy đen kịt góc trời (**)

Xe qua Hàm Rồng còn ngoái lại
Pleiku lửa khói bốc sau lưng
Chưa đụng đã co chân bỏ chạy
7 B Lộ máu bước đường cùng

Hai chục vạn dân không tấc sắt
Quay lưng trốn chạy khỏi Pleiku
Trên con Lộ máu trong đói khát
Làm đích cho bom đạn giặc thù

Xác phơi la liệt trong rừng rú
Máu dọc đường di tản kinh hoàng
Người hiện nguyên hình loài quỉ dữ
Khắp trời đất nước phủ màu tang

Lính cũng chẳng hơn gì dân chúng
Hỗn loạn trên đường đánh tháo lui
Giống như đàn kiến trong miệng thúng
Dân lẫn vào quân cứ rối nùi

Luẩn quẩn loanh quanh rừng Phú Bổn
Mười phần chết bảy chỉ còn ba
Kẻ sống như hồn ma vất vưởng
Người chết làm phân bón rừng già

Quân hồi vô phèng trông chán quá
Cao nguyên khắc nghiệt lúc tàn xuân
Nắng khô đổ lửa khi đầu hạ
Dân theo quân chạy nhích từng phân

Bụi đỏ mù trời theo bánh xích
Đoàn xe triệt thoái chậm như rùa
Tan tác theo từng làn pháo địch
Chưa đụng mà chừng ngó đã thua

Dân khiếp cứ theo quân mà bám
Lính mệt đứ đừ chẳng còn hơi
Gục trên mũi súng không còn đạn
Cục sắt nặng thành món đồ chơi

Lạc lõng quân dân trong khổ nạn
Giặc thù truy đuổi sát sau lưng
Dân lành như cá phơi trên cạn
Loạn quân làm giặc quậy tưng bừng

Đám người chạy nạn theo Lộ máu
Dắt díu tận cùng bước bơ vơ
Lúc sống chia nhau chung nỗi sợ
Chết thôi đủ kiểu chết không ngờ

Chết khi chen lấn tìm đường thoát
Bom ta, đạn địch dội trên đầu
Chết nghiền trong những lằn bánh xích
Hay chìm mất xác dưới dòng sâu

Chết vì kiệt sức hay đói khát
Thây phơi bụi đỏ nắng đầu hè
Đầy những hồn oan chưa siêu thoát
Nặc nồng tử khí khắp sơn khê

Mẹ già đuối sức không theo nổi
Con đành để mẹ tựa gốc cây
Khóc lạy mẹ rồi quay đầu chạy
Đau thương cho nỗi đoạn trường này

Cả đại đội còn dăm ba mống
Sức tàn lực cạn nghĩ càng đau
Cố nhắm hướng Đông tìm đường sống
Đàn bà con nít bám theo sau

Đứa bé lên ba xiêu lạc mẹ
Hãi kinh chẳng khóc nổi tiếng nào
Bám lấy tay ta không đành đoạn
Phó mặc cho trời biết làm sao

Đoạn đường máu 200 cây số
Dòng dã đi hoài chẳng đến nơi
Mịt mùng lạc giữa trùng vây địch
Đành ngửa mặt than hỡi trời ơi!

Thế cùng tuyệt lộ anh hùng tận
Vất vưởng oan hồn lạc nơi nao
Thân sống mà lòng đau khóc hận
Bầm gan Từ Thứ lúc qui Tào

Mới biết thế nào là tủi nhục
Như kẻ qua sông bị đắm đò
Chìm trong những tháng năm tù ngục
Càng hiểu vô cùng chữ tự do

Tháng Ba nhớ lại trong ký ức
Dọc đường máu lửa ở Tây nguyên
Mới chỉ là tầng đầu địa ngục
Kéo dài thêm mãi bốn thập niên

Đau thương dân tộc tôi lãnh đủ
Đến giờ chưa ngóc nổi đầu lên
Tháng ba ngày cũ ai còn nhớ
Muốn quên không chắc dễ gì quên

Rót chén rượu vào trong thinh lặng
Giải hờn oan trái tháng Ba xưa
Trên con đường máu và xương trắng
Khổ nạn e chừng đã đủ chưa !

Cao Ngọc Cường
18 tháng 3.2020

(*) Các Căn cứ hỏa lực trên QL 14 Kontum-Pleiku
(**)Khu Diệp Kính, thị xã Pleiku

 


 

Nồi chè của Ông Tướng LÊ MINH ĐẢO

Khôi An

Không hiểu chị tôi đã nghe tin về ông bằng cách nào.
Thời đó, đầu thập niên tám mươi, mọi phương tiện truyền thông đều thuộc về nhà nước Cộng Sản, quanh năm suốt tháng báo chỉ đăng tin “nước ta đang trong thời kỳ quá độ…” Kiểu dùng chữ như vậy mọi người phải chịu đựng mãi nên đỡ thấy quái đản. Người đọc cứ tự điền vào chỗ trống thành “nghèo quá độ”, “đói quá độ” hay “láo quá độ”… tùy theo câu.
Vậy mà, một buổi tối, đột nhiên chị tôi nói “Em có biết Tướng Lê Minh Đảo không? Ông tướng đánh trận Xuân Lộc đó. Nghe nói ổng mới chết trong tù rồi! Tội quá, ổng còn trẻ lắm!”

Trước ngày miền Nam thất thủ tôi không biết ông Lê Minh Đảo. Sau đó, tôi có nghe loáng thoáng người lớn rỉ tai nhau về trận đánh ác liệt bảo vệ ngõ vào Sài Gòn trong những ngày đầu tháng Tư, 1975 tại Xuân Lộc. Tôi cảm phục những người chiến đấu đến cùng, nhưng điều đó sớm chìm vào những hỗn độn của cuộc đổi đời. Vả lại tôi còn nhỏ quá, chẳng biết nghĩ gì hơn.
Cũng như thế, tối hôm đó, sau khi nghe chị tôi nói, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau trong niềm xót thương lặng lẽ.
Một thời gian sau, tôi lại nghe một người bạn nói “Ông Lê Minh Đảo còn sống. Ổng chỉ bị mù thôi.”
Ở trong tù mà bị mù thì chắc còn khổ hơn chết. Tôi thở dài – trẻ con Việt Nam sớm biết thở dài – rồi thầm đọc một lời cầu nguyện cho ông và những người tù chính trị đang bị đọa đày.
*

Đến năm 1993, khi đang ở Mỹ, nghe tin Tướng Lê đã sang theo diện HO và mắt vẫn sáng, tôi ngạc nhiên và vui lắm. Mừng cho ông cuối cùng cũng có những ngày bình an sau gần hai thập niên tù ngục.
Nhiều năm sau, khi internet cung cấp mọi tin tức mà ngày trước không dễ kiếm, tôi đã lên mạng tìm xem mặt Tướng Lê và nghe ông nói. Tôi muốn biết về ông. Không phải qua những lời kể, mà bằng cảm nhận của chính tôi.
Và tôi đã gặp được đoạn phim buổi nói chuyện của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo với Việt Dzũng. Buổi phỏng vấn khá dài nhưng tôi nhớ nhất là khi ông nói về sự hy sinh của người lính. Giọng ông hơi lạc đi khi nhắc đến tình bạn của hai người lính trẻ và sự đơn sơ, không hận thù trước bờ sinh tử của họ.
Phút nghẹn ngào của Tướng Lê đã làm tôi bồi hồi. Tôi ngỡ tim ông đã cứng và nước mắt ông đã kiệt sau mấy chục năm ngang dọc trên chiến trường và mười bảy năm trong tù. Tôi ngỡ ông sẽ nói nhiều về những chiến công và những đóng góp của ông trong hai mươi năm gìn giữ miền Nam. Nhưng ông nói về các điều khác, như cái chết của người lính trẻ và sự hy sinh của chiến binh. Hơn hai mươi năm đã qua, ông vẫn tự trách mình, môi ông run run khi nói “…chúng tôi cũng không lo được cho họ một cách đầy đủ…” Có lẽ chưa bao giờ ông ngưng buồn về chuyện đó. Tài làm tướng của ông đã làm tôi phục. Nhưng vết thương mấy chục năm trong lòng ông mà tôi vừa chứng kiến đã làm tôi quý mến ông.

Đầu tháng Tư, 2015 tôi viết lại chuyện của những sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ bốn mươi năm trước. Họ tụ tập tại một chung cư cũ kỹ ở Houston, khắc khoải nhìn về miền Nam đang vuột mất. Người sinh viên năm xưa cứ nhắc đi nhắc lại niềm hy vọng bùng lên khi đám người Việt trẻ theo dõi sự anh dũng của những chiến sĩ Xuân Lộc, dù bị dồn tới chân tường.
Vì thế, tôi tìm xem lại những khúc phim của tháng Tư xưa. Tôi thấy lại khói lửa điêu tàn. Tôi gặp lại các chiến sĩ anh hùng. Và Tướng Lê Minh Đảo, mắt nảy lửa, nghiến răng thề quyết chiến.
Rồi tôi giật mình, nhận ra rằng những người trai dũng mãnh ấy nay đã già, và tôi cũng đang già. Mai này khi chúng tôi ra đi, đàn con gốc Việt còn biết gì về quê cha đất tổ? Phải chăng điều đó tùy thuộc vào những gì chúng tôi làm hôm nay?
Thế hệ trẻ cần nghe những điều thật từ những người thật. Sẽ tốt biết bao nếu họ được gặp gỡ những nhân vật lịch sử như Tướng Lê Minh Đảo.
Thế là tôi lần mò đi tìm Tướng Lê.
Tôi không có mối quen biết xa gần nào với ông, cũng chẳng có chức tước ở bất cứ hội đoàn nào. Vậy mà tôi thấy chuyện mời ông đến vùng Thung Lũng Điện Tử thật tự nhiên, nhẹ nhàng. Có lẽ tôi linh cảm rằng vị tướng, người sau hơn hai mươi năm vẫn khóc cho lính, rất quan tâm tới lớp trẻ.
Sau hai tuần hỏi thăm nhiều người, cuối cùng tôi may mắn có được sự giúp đỡ tận tình của một người chị làm báo. Tôi được một cái hẹn nói chuyện với Tướng Lê. Mười giờ sáng, một ngày đầu tháng Tư, 2015.
Gần tới giờ hẹn, tôi thấy hơi hồi hộp. Thật tình tôi sẽ buồn chút thôi nếu Tướng Lê từ chối sang California nói chuyện. Nhưng tôi sẽ buồn nhiều nếu thực tế quá khác với những cảm nghĩ ở trong lòng.
*

Ông đến San Jose chiều 27 tháng Tư, 2015 trên chuyến bay từ Arizona. Từ xa, tôi thấy ông trong chiếc áo sơ mi kiểu Hawaii màu vàng nhạt có hoa xám, đang dáo dác nhìn quanh.
“Thưa Bác! Con là Kh.A.”
Ông cười. Chúng tôi bắt tay nhau. Giản dị như đã quen từ trước..
Ông cho biết đã lên máy bay ngay sau khi dự buổi lễ kỷ niệm bốn mươi năm miền Nam bị cưỡng chiếm với cộng đồng Việt-Mỹ ở Pheonix, Arizona. Tôi hỏi ông có mệt không, ông nói “Không sao đâu. Bác giờ như một kho sách cũ, chỉ lo không đủ giờ để trao lại kiến thức cho những người đi sau…”
Tối hôm đó, chúng tôi mời ông ghé chơi nhà một người bạn. Khi bước vào nhà, trên salon có một cây đàn guitar kiểu mới, chỉ có khung sắt mà không có thùng đàn. Tôi thấy mắt ông ngời lên một sự thích thú gần như trẻ thơ. Ông bước nhanh tới, nâng cây đàn lạ mắt, vuốt nhẹ lên những sợi dây.
Khi chúng tôi mời ông đánh một bài, ông xòe bàn tay ra nhìn, cười nhẹ rồi nói:
- Ở tù bị thương, hư tay rồi. Giờ lại già nữa, đánh kém lắm.
Chúng tôi không nài ép, chỉ lẳng lặng nhìn ông vừa nói chuyện vừa lơ đãng lướt tay trên cần đàn. Một lúc sau, như hứng khởi, ông hát
“Trùng dương dâng sóng, biển khơi như thét gào. Cuốn đi cánh hoa đào dạt trôi nơi nao… “
Bài hát đó ông sáng tác trong tù, ngày nghe tin người bạn cùng trại mất hết vợ con trên đường vượt biển.
“Còn sống tôi còn khóc, tôi còn thương quê hương tôi…”(*)
Giọng ông nhẹ và buồn. Tôi nghe, và nghĩ rằng ông đang nói những điều tận đáy lòng.
*

Sáng 29 tháng Tư, Tướng Lê bắt tay vào chuẩn bị cho buổi nói chuyện ngay sau ly cà phê sớm. Ông sắp xếp ý nghĩ, soạn phần trả lời cho các câu hỏi các sinh viên đã gởi đến, và ghi xuống một loạt các quyển sách nói về chiến tranh Việt Nam để giới thiệu đến các sinh viên.
Mãi tới giờ ăn trưa tôi mới có dịp nói chuyện với ông. Vì có quá nhiều điều muốn hỏi, tôi buột miệng:
- Bác ơi, có bao giờ Bác hối hận đã làm cho các con Bác kẹt lại với Cộng Sản sau ngày mất miền Nam không? Các con Bác có bao giờ trách Bác không?
Nói xong, tôi hơi bối rối vì đã hỏi một câu khá nặng nề trong lúc ông đang nghỉ ngơi. Nhưng ông trả lời ngay:
- Đó là một quyết định rất đau lòng, nhưng Bác chưa bao giờ hối hận. Bác ra lệnh cho anh em binh sĩ quyết đánh, gia đình của họ đều ở lại, có lẽ nào Bác lo cho con Bác ra đi? Bác có thể thu xếp cho gia đình mình, nhưng làm sao thu xếp được cho mọi gia đình của những người đang tin vào Bác? Nếu Bác cho vợ con đi trước, lính của Bác biết là giờ chót Bác có thể lên máy bay đi bất cứ lúc nào. Như vậy họ còn tin tưởng để đánh hay không? Như vậy Bác có công bằng với họ hay không? Bác chấp nhận định mệnh của Bác và gia đình, nếu có phải chết thì chết cùng nhau. Bác muốn đối xử công bằng để sau này con bác không phải xấu hổ với con em của những người từng nghe lời Bác mà liều chết. Bác muốn con bác sau này không phải nhìn Bác mà nghĩ ông già mình ngày xưa từng gạt lính.
Trầm ngâm vài giây, rồi ông tiếp:
- Năm 1979, lúc Bác đang bị Cộng Sản đày đọa, nghe tin gia đình đi thoát hết sau năm lần vượt biên bị tù, Bác trút được gánh nặng khủng khiếp trong lòng. Bác tạ ơn trời đã cho Bác ân huệ được lương tâm yên ổn, được trọn vẹn mọi bề. Từ đó, Bác không còn phải lo lắng, đau khổ cho số phận của vợ con trong nanh vuốt của kẻ thù nữa. Bác không sợ kẻ thù dùng các con thơ để khống chế mình nữa. Bác được tự do.
Còn các con Bác, tụi nó cũng hiểu và không trách Bác. Trong bốn năm kẹt lại, tụi nó đã học được rất nhiều. Những kinh nghiệm sống đó làm cho chúng biết thương người, biết khiêm nhường, biết quý những điều tưởng như là tầm thường. Các con của Bác có thể tự hào rằng mình đã hiểu biết về Cộng Sản và đã vượt thoát khỏi ngục tù của họ. Đó là một tài sản mà Bác nghĩ các con Bác nên hãnh diện đã có được.
Tôi uống một ngụm trà, nuốt xuống cái nghèn nghẹn ở cổ. Tôi nghĩ, trước khi tử chiến ở Xuân Lộc, nếu ông lo cho gia đình đi thì đó cũng là chuyện thường tình. Không ai trách được ông. Nhưng Tướng Lê không phải là người làm những chuyện thường tình...
Thời vừa bị chiếm, mạng sống của người miền Nam rất nhỏ, thêm dịch bệnh hoành hành làm trẻ con chết rất nhiều. Nếu chỉ một trong chín người con ông có mệnh hệ nào, nỗi dằn vặt sẽ ám ảnh ông suốt đời. Nhưng Thượng Đế đã gìn giữ gia đình ông vẹn toàn. Cám ơn Thượng Đế, Tướng Lê cần và xứng đáng với ơn huệ của ngài.

Hôm sau, ngày 30 tháng 4, 2015, ông và người thông dịch miệt mài chuẩn bị cho buổi nói chuyện lúc 6 giờ chiều. Trưa đến, tôi nhắc ông đi ăn nhưng ông dùng dằng mãi vẫn chưa đứng lên được. Thấy vậy tôi đành khuân về mấy ổ bánh mì thịt nguội. Ông gặm bánh mì, uống beer và cười nói vui vẻ, hài lòng vì buổi nói chuyện được chuẩn bị chu đáo.
Cuôc gặp gỡ với sinh viên diễn ra thành công và cảm động. Tướng Lê đã nhắn nhủ lớp trẻ bằng những điều ông đúc kết suốt nửa cuộc đời trong chiến tranh cộng với mười bảy năm trong tù ngục. Những chia sẻ của ông thiết tha, sâu sắc nhưng cũng rất thực tế, phù hợp với tâm hồn và đời sống của giới trẻ.
Buổi họp kết thúc khá trễ nên chúng tôi chỉ ghé tiệm kem ăn tráng miệng rồi về.
Mãi đến đêm, tôi mới chợt nhận ra rằng bữa ăn “đàng hoàng” nhất của Tướng Lê ngày hôm đó là ổ bánh mì. Vì ông đã không đụng đến đĩa thức ăn do các em sinh viên mời lúc chiều, ông nói muốn tập trung để nói chuyện với các em.
*

“Con gián làm mồi câu tốt lắm, con à.”
Buổi chuyện trò của tôi và Tướng Lê ngày hôm sau bắt đầu bằng câu chuyện đời thường như thế. Ông kể thời ông ở Cần Thơ, ông thường bắt gián ở đằng sau một tiệm ăn ở gần nhà rồi đem ra bến Ninh Kiều câu cá.
Biết rằng lúc đó ông đã lên tới cấp Tá, tôi hỏi:
- Chắc Bác câu cá cho vui hả Bác?
- Câu cá về ăn chớ! Nhà Bác đông con, lương của Bác thì khá so với lính, nhưng chẳng dư dả gì đâu, con. Lính mình hồi đó cực lắm con à, một tháng lương mua được một tạ gạo. Còn lương Bác cũng chỉ tạm đủ lo cho vợ con. Hoàn cảnh lính và những hy sinh của gia đình lính thì không nói sao cho xiết, con à. Gần một triệu người đã chết và bị thương trong cuộc chiến, còn số người chịu mất mát sau lưng họ thì không biết đếm bằng cách nào! Bác cứ nghĩ con người ta ai cũng bằng xương bằng thịt, nếu Bác chết trận, mười người trong gia đình Bác đau đớn bao nhiêu thì những cái chết trong gia đình lính cũng đau bấy nhiêu. Hồi ở Chương Thiện, có một người lính đi phục kích, vợ con bị địch câu pháo trúng vô nhà, chết hết. Anh ta về, ngồi gục mặt trước đống gạch nát, Bác đứng đó mà chỉ biết đặt tay lên vai anh ta, không tìm được lời nào an ủi. Vậy mà hai bữa sau, anh ta trở lại đơn vị, tiếp tục đánh giặc…
Cái nhíu mày của ông làm tôi nghĩ ruột ông đang thắt lại, nên tôi chuyển qua đề tài khác:
- Thời Bác ở trong quân đội, di chuyển nhiều nơi, cả nhà đều đi theo hả Bác?
Nụ cười nhẹ làm những vết nhăn trên trán ông dãn ra.
- Ờ! Bác bận rộn quá nên đi đâu Bác cũng cố gắng đem gia đình theo để được ở gần càng nhiều càng tốt. Khi nào có dịp nghỉ, Bác dắt vợ con đi chơi. Nhưng sau này, Bác ở đóng quân ở Long Bình thì tụi nhỏ đi học ở Sài Gòn, cuối tuần nếu Bác không đi hành quân thì mới được gặp. Có một lần Bác dắt tụi nhỏ đi coi chiếu bóng về, tụi nó than đói bụng. Ở tỉnh lỵ đâu có hàng quán ban đêm, Bác lại không muốn sai lính nên tự nấu chè cho tụi nó ăn. Nấu nước sôi, đập vô một củ gừng, quậy đường cát, rồi xé bánh tráng bỏ vô. Bánh tráng mà mình hay ăn đồ cuốn đó. Bánh tráng coi mặn mặn vậy mà nấu chè ngon lắm! Bữa nào con làm thử đi!
Ông vừa nói vừa gật đầu để thêm phần… thuyết phục. Tôi tròn mắt nhìn ông. Chỉ là một kỷ niệm vui, không màu mè, bóng bẩy, nhưng ông làm tôi cảm động lẫn ngạc nhiên. Một vị Tư Lệnh tự nấu chè cho con ăn khuya? Nồi chè mà tôi không cần thử cũng biết là không thể ngon. Nhưng nó làm tôi thương người cha ở trong ông, và tự hào vì quân lực VNCH đã có một vị chỉ huy như ông. Ôi, nồi chè của ông Tướng!
Càng nói chuyện với ông, tôi càng thấy ông rất “không thuờng tình”. Ông không dè dặt, thận trọng như thường thấy ở những người từng chứng kiến nhiều mưu mô, tráo trở. Ông không có cái trầm ngâm, chán chường của một người nếm quá nhiều đau thương. Ông nhiệt tình, hăng hái, và thật. Như thể cuộc đời ông chưa từng bị dập vùi, như thể ông còn rất trẻ và còn tin tưởng rất nhiều vào con người.
Và, ông hoàn toàn không có cái xa cách của người xem mình là quan trọng. Vì thế, tôi đã hỏi ông một câu mà trước khi gặp ông tôi không nghĩ là mình dám hỏi:
- Bác ơi, ngày 30 tháng Tư 1975, sau khi miền Nam thất thủ, Bác có bao giờ nghĩ đến chuyện tự sát hay không?
- Lúc đó, mỗi người có một quyết định riêng, không ai đúng ai sai. Riêng Bác, Bác không có ý định tự tử. Các con Bác đã mất quá nhiều, Bác không muốn chúng phải mất cha. Nếu bị giặc Cộng giết, Bác chấp nhận nhưng Bác không tự mình làm điều đó với các con. Hơn nữa, Bác không có cái uất ức, đau khổ của một bại tướng vì Bác chưa bao giờ nghĩ là mình thua. Mình chỉ tạm thời khó khăn vì những thế lực quốc tế đẩy mình tới đó, nhưng Bác muốn sống để xem mọi sự xoay vần tới đâu.
*

Nếu chỉ được dùng một từ để diễn tả Tướng Lê, tôi sẽ chọn “lãng mạn”.
Những quyết định cực kỳ cứng rắn, những hành động hết sức can đảm của ông đều bắt nguồn từ những tình cảm sâu xa. Chỉ có người rất lãng mạn mới đủ tin yêu để làm những điều phi thường như ông đã làm. Ông để vợ con cùng ở lại đương đầu với Cộng quân là vì ông yêu sự “công bằng” mà ông đã nhắc đến mấy lần trong câu trả lời ngắn. Ông tử chiến vì ông hết lòng tin vào sứ mạng gìn giữ miền Nam. Ông không sợ chết vì ông không muốn phụ lòng những người lính đã nằm xuống và những người lính đã dựa vào ông mà đứng lên từ những căn nhà cháy ra tro của họ.
Cống hiến của ông cho đời giống như những viên kim cương, tuyệt sáng và tuyệt cứng. Nhưng chúng đã được hun đúc từ phần lõi là những tình cảm tinh tuyền, và những giọt nước mắt. Sẽ không có kim cương nếu không có phần lõi đó.
Lịch sử Việt Nam có Tướng Phạm Ngũ Lão gạt nước mắt, chia tay mẹ già đi đánh giặc. Có Tướng Trần Khánh Giư bỏ gánh than, từ giã đời ở ẩn để trở về cứu nước. Có biết bao chuyện nhờ dân gian ghi lại mà ngày nay chúng ta được biết.
Cho nên, tôi muốn ghi lại nồi chè bánh tráng của Tướng Lê Minh Đảo. Ghi lại lúc ông chấp nhận để các con ông cùng chung số phận với gia đình lính. Ghi lại lòng thương yêu và quý trọng vô bờ của ông với binh sĩ và vợ con của họ. Về lời ông nói, đùa mà rất thật “nếu trời cho sống đến hơn trăm tuổi, tôi vẫn muốn cống hiến thời giờ và sức lực cho Việt Nam tới phút cuối.”
Năm nay Tướng Lê đã tám mươi ba. Vinh, nhục, yêu, ghét, thăng hoa, đày đọa … ông đều đã trải. Vì thế, tôi viết bài này không phải cho ông. Mà để lưu lại vài mẩu chuyện về Ông Tướng Lãng Mạn cho mai sau. Để góp một chút tin yêu bởi vì làm người Việt Nam rất buồn. Để cho chính tôi nhớ gương của Tướng Lê, lạc quan trong khó khăn và cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình, hầu mong mai sau con cháu không phải ngần ngại nhận mình là Việt.

Khôi An

(*) Lưu Đày – Nhạc và lời của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo

 

 

Đăng ngày 31 tháng 03.2020