banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thơ Cao Ngọc Cường

 

Chuyện kể

sau năm 75

Chuyện kể từ sau năm 75
Tôi ở trại tù, em vô thăm
Thằng anh hốc hác, em cũng thế
Một thời khốn khó của miền Nam

Em vì thời cuộc nên thôi học
Bôn ba kiếm sống với cuộc đời
Em bảo : đi "bán hàng bộ đội"
Cũng như một cách bán chợ trời

Ngày ấy sợ đi kinh tế mới
Nên mẹ và em lên Phú Tài
Ngày thì lên rẫy, đêm đi bán
"Bán hàng bộ đội" để sinh nhai

Miền Nam "Mỹ Nguỵ" có lắm đồ
Người bán là em với mấy cô
Người mua là các anh bộ đội
Chuyển quân hay từ Bắc mới vô

Tìm mua các món đồ "tư bổn"
Các anh trong đoàn quân 4 vê (*)
Em đi bán kiếm tiền đong gạo
Bộ đội thì mua để mang về

Em mua đi bán lại những gì?
Lớn thì xe đạp với ti vi
Nhỏ thì hộp quẹt, "đài" với "đổng"
Quần jean, bút máy với bút bi

Thuốc Tây; hàng thiệt và hàng dỏm
Thật thà, giả trá với chanh chua
Miễn có người mua là có bán
Tiền Hồ tiền Nguỵ bán là mua

Tôi nghe em nói , lòng chua xót
Giọt nước mắt rơi xuống áo tù
Đất nước tôi ơi, ngày thống nhất
Lỡ một nước cờ hận thiên thu

Cao Ngọc Cường

 

30/4 - Kể từ ngày ấy

30 tháng Tư này là đúng 45 năm. 45 năm kể từ ngày ấy 30/4/1975!
Mỗi năm là một mộ bia tưởng niệm quân dân miền Nam trong cuộc chiến sinh tử một mất một còn năm xưa 1954-1975

Hơn 20 năm thư hùng Nam Bắc
Đã tận tuyệt vào giờ thứ hăm lăm
Trước cái chết, mặt vẫn không đổi sắc
Bi hùng thay, những người lính miền Nam

Những anh hùng những chiến sĩ vô danh
Đã từng đem xương máu viết sử xanh
Ngũ Hổ Tướng và bao người tuẫn quốc
Sống anh hùng và chết rất liệt oanh

Phút đoạn chiến, dẫu bị quân thù sỉ nhục
Vẫn hiên ngang trong tù ngục lao lung
Trước những đòn thù của "bên thắng cuộc"
Xin đừng đem “thành bại luận anh hùng”

30 tháng Tư... kể từ ngày ấy
ngày tận tuyệt
và lời tận tuyệt

Năm tháng cứ trôi đi như nước dưới chân cầu
lịch sử dẫu sang trang
kể từ ngày ấy...

Cao Ngọc Cường
ĐĐSN

 


 

KỂ TỪ NGÀY ẤY

Đào Anh Dũng

1.
Năm nay ba đã 74 tuổi rồi. Món quà sinh nhật bất ngờ của Ngữ tặng ba là quyển gia phả hai họ Lê-Trần nhà anh. Ngữ biết đây là một ước mơ ba muốn thực hiện từ lâu vì ba hằng lo âu con cháu sẽ quên đi gốc gác. Quyển gia phả sẽ là đầu dây về nguồn của chúng sau này. Mấy năm nay ba đã âm thầm ghi chép, vẽ sơ đồ gia tộc bằng tay, viết lại những kỷ niệm gia đình và cất chúng trong một hộp plastic mua ở Walmart. Năm kia Ngữ có mua tặng ba một máy vi tính xách tay nhưng ba chỉ dùng để liên lạc điện thư với bạn bè mà thôi. Ba cố gắng dùng Word nhưng không xong vì mấy ngón tay của ba ít khi chịu nghe lời: ba gõ từng chữ một, bỏ dấu tiếng Việt sai lên sai xuống. Đánh máy xong một bài, tuy đã cất (save) nó rồi nhưng ba tìm mãi không ra. Thiệt là uổng công! Mỗi lần nghe ba than phiền như vậy, má cười, ghẹo rằng tay ba là tay bóp cò, tay vặn ốc! Đúng vậy, ngày xưa ba là lính đi đánh giặc, rồi ở tù cải tạo gần 10 năm; ra tù ba làm nghề vá vỏ xe đạp, qua Mỹ ba cầm mỏ-lết trong xưởng hết mười mấy năm mới nghỉ hưu. Lần nào nghe má ghẹo ba như vậy, Ngữ cũng ngậm ngùi nghĩ đến cậu tư. Hồi đó, cậu thương Ngữ như con..

2.
Cậu tư là một người bạn thời trung học, một bạn đồng đội với ba trước khi tơ duyên của ba má biến cậu thành một người ruột thịt trong gia đình. Ngữ không biết nhiều về thời tuổi trẻ của cậu vì khi anh lên ba tuổi thì cậu và ba đã vào tù cải tạo rồi. Anh chỉ nghe ba má kể rằng cậu gan lì và bướng bỉnh lắm.

Nhập ngũ một lượt với ba mà năm ba lên đại úy cậu còn mang lon thiếu uý vì cậu thường hay bị phạt kỷ luật (ba gọi là “ký củ”). Cũng vì cái tánh này mà trong suốt đời lính cậu luôn ở ngoài mặt trận, còn ba thì được về làm tham mưu. Nhưng cái may vào thời chiến lại thành cái rủi ở thời bình. Công việc tham mưu đã cất thêm nhiều năm tù khổ cực trên hai vai của ba.

Cậu tư ra tù trước, chạy xe đạp ôm phụ má nuôi anh em của Ngữ. Vài năm sau cậu mới lập gia đình, mợ sanh được hai em, Hòa và Hiền. Đến lúc có chương trình HO, cái may không bị ở tù lâu năm lại thành cái rủi của cậu. Là lính tác chiến, ở tù cải tạo dưới ba năm, nên cậu tư không đủ điều kiện đi Mỹ. Mấy năm sau, cậu qua đời.

 

3.
Trước khi bắt tay vào việc Ngữ tưởng đây là một chuyện dễ làm: anh chỉ phải đánh máy các bài viết của ba, vẽ các sơ đồ gia phả, trình bày quyển sách trên máy vi tính, rồi gởi đến nhà in trên mạng. Thời buổi này, với kỹ thuật số, khách hàng đặt một quyển sách họ cũng nhận in, giá không mắc lắm, khoảng 20 đô-la một quyển. Tuy nhiên, thực hiện một quyển gia phả không đơn giản như vậy. Điều cốt yếu của gia phả là những chi tiết như tên họ, ngày sanh/tử, sinh quán, trú quán và mối dây liên hệ huyết thống của thân tộc. Vậy mà, ngày tháng, tên họ của ông bà, cô bác ba nhớ đến đâu, ghi đến đó; má cũng không khá hơn, hỏi thì má nói nhớ như vậy, chứ không chắc lắm. Vì thế, quyển gia phả hai họ Lê-Trần có nhiều chi tiết cần được cập nhật. May sao nhờ có Hòa và Hiền hăng hái giúp Ngữ trong công việc này. Hòa về làng viếng các ngôi mộ ông bà, thân tộc, chụp hình mộ bia và gởi cho Ngữ. Hiền tìm gặp, hỏi thăm các cô bác để biết thêm nhiều chi tiết và xin được một số hình ảnh xưa. Nhờ vậy mà quyển gia phả của ba đã được thành hình khá hoàn hảo. Ngữ đặt in và nhận được nó một tuần lễ trước ngày sinh nhật của ba. Anh mường tượng đến vẻ mặt sung sướng của ba khi cầm trong tay ‘tác phẩm’ của mình là quyển gia phả hai họ Lê-Trần in đàng hoàng trên giấy trắng mực đen.

4.
Đúng vậy, hôm sinh nhật ba lộ vẻ ngạc nhiên khi nhìn hình bìa quyển gia phả, rồi ba nở một nụ cười mãn nguyện, tay run run lật từng trang sách. Má ngồi bên ngó từng tấm hình người thân, nhắc tên từng người. Lũ con cháu im lặng nhìn hai ông bà hạnh phúc trở về dĩ vãng.
Bỗng ba lên tiếng:
“Sao kỳ vậy cà?! Mộ bia cậu tư của con ghi ngày tử là 30 tháng 4, 1975. Mình qua đây mấy năm sau cậu con mới mất mà!”
Nghe ba hỏi, Ngữ giật mình, trả lời:
“Dạ, khi nhận được hình con cũng có email hỏi Hòa rồi. Nó nói cậu tư trối với mợ rằng cậu muốn mộ bia của cậu đề ngày tử là 30 tháng 4. Cậu nói kể từ ngày ấy cậu coi như đã chết rồi...”
Ba đóng quyển gia phả lại, ngồi thừ người như tượng gỗ, lặng thinh. Má mở lại trang có hình mộ bia cậu tư, chép miệng nói:
“Cái thằng...! Cậu tư của tụi con sao chứng nào tật nấy, đến chết vẫn còn ba gai. Coi nè:
Lính Cộng Hòa
Trần Văn Nam
Sanh 22/9/1942
Tử 30/4/1975”



Nghe má nói đến đó, Ngữ thấy ba gỡ cặp kiếng, vuốt nhẹ qua đôi mắt. Anh bỗng nhận ra đôi mắt ấy ươn ướt, mang một nỗi buồn thăm thẳm. Và, anh tự hỏi, phải chăng trong lòng ba cũng đã chết kể từ ngày ấy...

Đào Anh Dũng

 

Đăng ngày 03 tháng 05.2020