banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tưởng nhớ Nữ sĩ Hoàng Hương Trang

                   (1938-2020)

Tâm hương xin giã biệt người
“KHÉP ĐÔI MI NHỎ” theo “MƯỜI HƯỚNG SAO”
“TUÝ CA" còn nhớ đêm nào
“LINH HỒN CỎ BIẾC” bay vào hư không
“BẾN TÂM HỒN” tôi bềnh bồng
Côn trùng “HỢP TẤU” cõi “ĐÔNG PHƯƠNG” vàng
“Bài ca tận tuý” đi hoang
Hoài thương tiếc Nữ sĩ Hoàng Hương Trang.

Cao Ngọc Cường
16/4/2020

(Những chữ trong ngoặc kép (“ ...”) là tên các tác phẩm của nữ sĩ HHT )

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang đã từ giã cõi đời vào lúc 6g sáng ngày 15-4-2020, tại Việt Nam, hưởng thọ 84 tuổi.
Nữ sĩ đã tự lập mộ cho mình khi còn sống; mộ nằm trên một ngọn đồi ở Huế, bên cạnh mộ thân mẫu. Trên tấm bia được ghi sẵn: “Bia mộ nữ sĩ Hoàng Hương Trang, nhũ danh Hoàng Thị Diệm Phương – nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Năm sinh 1938, năm mất 20… Quê quán Vân Thê, Hương Thủy, Thừa Thiên. Bia tự lập 2011”

Các tác phẩm: Khép đôi mi nhỏ (1956), Linh hồn cỏ biếc (1965), Bến tâm hồn (1966), Thơ – Đông Phương (1967), Hợp tấu(1967), Mười hướng sao (1970), Túy ca (1972).

Vài bài Thơ Hoàng Hương Trang:

Huế tình đầu

Ai xa Huế mà không nhớ Huế
Nhớ chuông chùa Diệu Đế, nhớ Văn Lâu
Nhớ Trường Tiền da diết sáu nhịp cầu
Nhớ Kim Long, nhớ bến đò Thừa Phủ.
Nhớ dốc Nam Giao, nhớ bờ sông Bến Ngự
Nhớ Hàng Bè, Thượng Tứ, nhớ Bao Vinh
Nhớ sông Hương chan chứa thiết tha tình
Nhớ thông reo đỉnh Ngự Bình gió mát.
Nhớ Tịnh Tâm, hồ sen bát ngát
Nhớ đò Cồn, An Cựu, Chợ Dinh
Nhớ con đường Vỹ Dạ bóng cây xanh
Nhớ Gia Hội, Đông Ba, Hàng Me, Đập Đá.
Nhớ Ngự Viên, nhớ Nội Thành, Mang Cá…
Huế của ta ơi, biết nhớ mấy cho vừa!
Ai xa Huế mà không thương Huế
Thương mẹ già lặn lội mùa Đông
Thương em thơ đi học mưa dầm
Thương chị, thương anh mùa hè cháy nắng
Thương bữa cơm nghèo, nồi canh mướp đắng
Thương dĩa mắm cà, con cá thệ kho khô…
Huế của ta ơi, thương biết chừng mô!
Ai xa Huế mà không mơ về Huế
Dạo bước trên cầu áo trắng tung bay
Vành nón nghiêng nghiêng che mái tóc mây
Ánh mắt trong veo dòng Hương gợn sóng
Đêm trăng hè trời cao lồng lộng
Chiều thu êm tím ngát cả không gian
Tiếng hò trên sông ngơ ngẩn bàng hoàng
Hò ơ hò… chiều chiều trước bến…
Mơ sớm mai chèo đò qua cồn Hến
Trái bắp tươi non, nấu chén chè thơm
Dĩa bánh bèo tôm chấy hồng ươm
Đợi cơm hến, bánh canh, bánh ướt…
Nhớ biết mấy, những món quà quê hương không gì thay thế được
Dải đất quê nghèo mà mặn nồng yêu thương
Ai đã từng uống nước sông Hương
Ai đã từng hưởng ngọn gió chiều đỉnh Ngự
Ai đã từng bước đi trên những con đường tình tứ
Ai đã thả hồn trên những chiếc võng âm thanh
Ai đã đắm say tình Huế quê mình
Dẫu xa xôi mà không mơ về Huế
Huế tình đầu thơm ngát, Huế yêu ơi!

Hoàng Hương Trang



Độc dược (Túy ca 10)

Mang nhiều mộng ước vào đời
Anh đem độc dược cho tôi ươm sầu
Đời tình như trận mưa mau
Trái tình đã hái nhưng mầu còn xanh
Những ngày vừa mới yêu anh
Ngỡ mình tạc tượng, khung tranh đời đời
Bây giờ vườn lá thu rơi
Khung tranh ẩm mục, nụ cười mòn rêu
Bây giờ mây xám vây chiều
Lá bay xào xạc tin yêu mỏi mòn
Trái sầu lập thể chon von
Bước chân thần thoại héo hon một đời
Tình yêu làm chết con người
Nâng ly độc dược tôi mời tôi say
Tuổi tình đáy cốc cuồng quay
Tôi giết tôi để tháng ngày nguôi quên
Mai này nằm xuống ngủ yên
Mồ xanh độc dược, ưu phiền đuổi xa!

Hoàng Hương Trang
(Sài Gòn, 1971)

NAM MÔ

Cho tôi niệm tiếng Nam Mô
Nguyện thương, nguyện nhớ
Nguyện cho cuộc tình
Cho tôi niệm tiếng cầu kinh
Đừng hờn, đừng giận
Người mình dấu yêu.
Trái tim tôi, tiếng kinh chiều
Nam Mô ký ức
Đã yêu nghìn đời
Trái tim tôi gửi về nơi
Tiếng Nam Mô
Với ngọt bùi từ bi.

Hoàng Hương Trang (2019)


 

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang

Nguyễn Phú Yên

Thập niên 1950 có hai nhà thơ trẻ tuổi xuất hiện trên văn đàn miền Nam, đó là Huyền Chi và Hoàng Hương Trang. Chị Huyền Chi ra mắt tập thơ Cởi mở vào năm 1952 khi chị mới 18 tuổi; trong tập thơ này có bài Thuyền viễn xứ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Chị Hoàng Hương Trang xuất bản tập thơ Khép đôi mi nhỏ vào năm 1956 cũng năm chị 18 tuổi. Thật ra chị làm thơ từ năm 12 tuổi; có lần nhà thơ Hồ Đình Phương đem thơ của chị đăng báo Đời Mới, Thẩm Mỹ ở Sài Gòn khiến nhiều người tưởng chị là cô gái tuổi đôi mươi.
Chị Hoàng Hương Trang, cựu nữ sinh Đồng Khánh, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế (khóa 1) năm 1960, Sư phạm Mỹ thuật Sài Gòn năm 1961, có học bổng du học Nhật, cựu giáo sư các trường trung học Ngô Quyền (Biên Hòa), Nguyễn Huệ (Phú Yên), Kiểu Mẫu Thủ Đức… và trường Đại học Mỹ thuật Gia Định, Sài Gòn. Chị là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, ngâm thơ hay. Hội viên Trung tâm Văn bút Việt Nam. Tác phẩm: Khép đôi mi nhỏ (1956), Linh hồn cỏ biếc (1965), Bến tâm hồn (1966), Thơ – Đông Phương (1967), Hợp tấu (1967), Mười hướng sao (1970), Túy ca (1972). Chị đăng thơ trên nhiều tờ báo như Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Hoa Tình Thương, Tiểu Thuyết Tuần San, Phụ Nữ Mới, Bút Hoa, Gió Nam, Quật Khởi… Chị có nhiều bạn bè và học trò, từng gặp gỡ cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, NS Lê Thương, NS Tuấn Khanh và Phạm Duy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi… có tên trong Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954-1973 (hai tập của Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1974).

Năm 1972, khi chị in tập thơ Túy ca, nhà thơ Vũ Hoàng Chương – tác giả tập Thơ say – với tấm lòng liên tài đã làm bài thơ Cảm đề Túy ca tặng chị:
“Bài ca Tận túy” đi hoang
Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay
Vẽ nên độc dược mà say
Hóa công chưa dễ khéo bày đặt hơn
Gió trăm cơn bụi ngàn cơn
Một cơn say đủ sạch trơn thế tình
Nguyện trường túy bất nguyện tinh
Say ai? Mình chỉ say mình đó thôi
Túy-ca bè đã thả rồi
Túy-hương xưa hãy cùng trôi ngược về.

Sau 1975, chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, in chung trên 30 tuyển tập thơ văn trong và ngoài nước. Chị sinh hoạt ở Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ Gia Định, nơi qui tụ nhiều tên tuổi của Sài Gòn như các nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ Tường Linh, Tô Kiều Ngân, Song Nguyên, Vũ Hối, Sông Trà, Châu Kỳ, Trầm Tử Thiêng, Trúc Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Thanh Sơn, Hàn Châu, Mặc Thế Nhân, Túy Hoa, Túy Phượng, Ngọc Huệ, Mai Khanh, Mai Trâm, Đoàn Yên Linh, Mai Hiên, Trần Thiết Hùng (em trai của Vân Sơn – một trong ba thành viên ban AVT, đã nhảy sông tự tử tại cầu Thị Nghè sau 1975)…
Năm 1976, chị được gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương tin cậy gửi gắm để lưu giữ 12 bài thơ cuối cùng của nhà thơ, sau này đã được in ở hải ngoại. Năm 2006, nhân ngày giỗ lần thứ 30 của nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Hoàng Hương Trang làm bài thơ Chiều say nhớ Hoàng thương tiếc nhà thơ tài danh này:
“Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay”
Mới vừa dăm chén đã say
Trong men chếnh choáng nhớ ngày năm xưa
Bút gươm chém lệch đường thơ
Mực đau giấy ảo, kịch hờ thương Mây
Trả gươm cho gió nghiêng vai
Trả thơ cho mộng, trả ngày cho đêm
Kiều Thu, hề! Đẫm gót sen
Mười hai tháng sáu trả men cho tình
Trời một phương, đất một mình
Cảm thông nhân thế cái tình phù du
Tài hoa hệ lụy sa mù
Chén vui, hề! Chén buồn xưa hiện về
Ơi Hoàng, nửa chén si mê
Ơi Hoàng, nửa chén vụng về trao tay
Rượu đây, hề! Ta cứ say
“Biết đâu Hoàng lại chiều nay gặp Hoàng”.
(Sài Gòn, 10-10-2006)


Chị là con nuôi của kịch tác gia Vi Huyền Đắc (1899-1976). Cụ là Phó chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam, người từng được giải thưởng của Viện Hàn lâm Nice, Pháp năm 1936 với vở Eternels Regrets (Trường hận) và giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn năm 1938 với vở Kim Tiền. Sau năm 1975 cụ trở về Hà Nội được một thời gian thì cụ buồn chán, lặng lẽ tuyệt thực và qua đời vào tháng 8-1976. Đám tang do nhà văn Nguyễn Tuân đứng ra tổ chức và nhà thơ Thế Lữ đọc điếu văn. Trước khi về Bắc, cụ để lại căn nhà cho chị Hoàng Hương Trang. Thời bao cấp khó khăn, chị bán hai phần ba căn nhà, phần còn lại chị ở có một mình. Chị thường bảo “chơi văn, ăn vẽ”, bởi nguồn sống của chị là từ các tranh vẽ bán được trong mấy chục năm ở Sài Gòn. Trong bài thơ Tám mươi dư gửi cho La Thụy, chị nhìn lại đời mình:

Thơ hơn chục cuốn, vạn bài
Văn ngoài dăm quyển, ngàn trang
Họa sáu mươi niên, dư vài trăm bức
Nhạc điểm xuyết mấy khúc ca
Ngâm nga gần bảy chục năm, Tao Đàn nổi tiếng
Hát hò chưa ca sĩ, bạn bè vẫn vỗ tay khen…
Bạn bè khắp năm châu bốn biển, tính đến vạn kẻ thân quen
Học trò trong nước ngoài nước, đếm quá ngàn, tình thân chí thiết
Giao du cuối đất cùng trời, từ Âu sang Á…
(Sài Gòn, 2017)

Có lẽ chị là người khá hiếm hoi tự lập mộ cho mình khi còn sống; mộ nằm trên một ngọn đồi ở Huế, bên cạnh mộ thân mẫu. Trên tấm bia chị ghi sẵn: “Bia mộ nữ sĩ Hoàng Hương Trang, nhũ danh Hoàng Thị Diệm Phương – nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Năm sinh 1938, năm mất 20… Quê quán Vân Thê, Hương Thủy, Thừa Thiên. Bia tự lập 2011”.

Nhà văn Thế Phong nhận xét về chị: “Nhờ ‘phê bình, phê biếc loạn cào cào’ qua các bài điểm sách gây ‘sốc’, bút danh Hoàng Hương Trang bừng lên trong ‘nắng rực lửa miền Nam’, đa số văn sĩ yếu bóng vía sợ ‘cô nàng’ khiếp đảm. Nhưng, ‘đàn bà dễ có mấy tay’ như Hoàng Hương Trang, nhất là ở bình diện văn chương miền Nam thập niên 60, sự hiện diện ‘nàng ba búa’ thật cần thiết!”.
Mấy năm trở lại đây chị đã rời Sài Gòn về Long Xuyên, An Giang sống cùng cô em gái và các cháu.

Nguyễn Phú Yên

http://vanviet.info/tu-lieu/nu-si-hong-huong-trang/




Tản mạn về giáo dục

Nhân ngày 17-2

Cao Nguyên Minh

Trên báo Lao Động online ngày 17-2- 2019 cho biết có “40.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp, vẫn có hàng nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm “ và cũng theo báo này ( và rất nhiều báo khác của nhà nước ) cho biết thêm là “Tình trạng giáo viên thừa thiếu cục bộ vẫn diễn ra, con số cử nhân sư phạm thất nghiệp vẫn tăng, trong khi đời sống giáo viên còn khó khăn, Bộ GDĐT lại chủ trương nâng đầu vào các trường sư phạm, đã có nhiều băn khoăn rằng sẽ không nhiều người giỏi muốn vào sư phạm. Việc tuyển sinh ngành sư phạm đã khó khăn sẽ càng khó khăn.” ( Source : https://laodong.vn/giao-duc/40000-cu-nhan-su-pham-that-nghiep-van-co-hang-nghin-thi-sinh-dang-ky-xet-tuyen-vao-nganh-su-pham-603896.ldo).
Tôi cũng được biết thêm mới đây Đại Học Sư Phạm TP HCM “tuyển sinh đầu vào” vừa ra thêm quy định thí sinh dự thi ngành sư phạm cần có chiều cao tối thiểu từ 1,5 m với nữ và 1,55 m với nam.” (Báo Thanh Niên online cho biết ông PGS-TS Huỳnh VănSơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã lý giải theo “thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT, về bảng treo ở lớp học cách nền phòng học từ 0,65 - 0,80 m với trường tiểu học và ở THCS là 0,8 - 1,0 m. Từ đó để nhận thấy chiều cao của thầy cô giáo có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu nghề. Trong khi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là nơi đào tạo giáo viên (GV) THPT, việc đảm bảo sức khỏe của GV khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh THPT là rất cần thiết trong đó có vấn đề về chiều cao.
Cũng theo ông Sơn, quy định này còn căn cứ trên số liệu về chiều cao trung bình của người VN. Những số liệu cập nhật cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên VN điều tra từ năm 2009 - 2010 là cận 20 tuổi ở nam đến 164,44 cm và ở nữ lên đến 153,43 cm. “Vì thế chiều cao ở mức 1,5 m với nữ là chấp nhận được”.
Cứ theo những “thông tin” nhận được từ trong nước bấy lây nay, tôi rất lấy làm”quan ngai” về tình trạng thể hình dân tộc mình qua chiều cao của nam nữ thanh niên và của thầy cô giáo tương lai của nước tôi. Trong khi các nước quanh khu vực và cả thế giới đã tăng chiều cao trung bình của dân chúng nước họ lên thêm 10 cm thì sau gần nửa thế kỷ thống nhất dân Việt của tôi lại bị lùn đi về chiều cao đến nỗi tuyển sinh sư phạm phải đo chiều cao của từng người . Cũng như trước đây Bộ GT Vận Tải đã ra qui định “ngực lép” không được lái xe !?!
Thật là thương cảm, kỳ thị và quá đáng.

Các bạn tôi nay là giáo viên về hưu trong nước, có lẽ chẳng ai quan tâm đến tin tức mình này tuy họ rất hãnh diện về ngành học mình đã trải qua và phục vụ hơn nửa thế kỷ cuộc đời. Ngày xưa (lại là ngày xưa khi mới xảy ra hơn 40 năm đây thôi) khi Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn - phải viết đầy đủ tên trường cũ của chúng tôi để khỏi nhầm với cái trường bây giờ - tổ chức thi tuyển sinh viên hằng năm không bao giờ ra cái qui định quái quỷ và đầy tính kỳ thị như vậy. Một Ban Đệ Nhị Cấp (như Ban Toán, ban Sinh ngữ , Ban Việt Hán....) của ĐHSP SAIGON thời đó mỗi Khoá hàng năm chỉ tuyển khoảng 30 sinh viên và tuyển qua năm dự bị hay năm 1 Văn Khoa, Luật Khoa hay Khoa Học...) và không hề lấy thước đo chiều cao thể hình từng người (có lẽ miền Nam thời “Mỹ Nguỵ kềm kẹp” không mấy ai lùn vì “thiếu đói” )
30 người trúng tuyển thi viết sẽ phải qua một khì thi vấn đáp sau đó trước khi chính thức được nhận vào trường. Thi Vấn đáp ngoài việc kiểm định kiến thức, ứng đối, đam mê với nghề ...của thí sinh ra , thực tế là một hình thức “xem giò, xem cẳng con gà nòi”. Cô câu chuẩn giáo chức dứt cháo nào cà thọt, cà lăm cà lặp, nói ngọng nói đớt .... sẽ bị loại ra một cách kín đáo. Bởi vì nghề nghiệp tương lai dù là nghề giáo dạy trẻ nên những dị tật lộ liễu đều không thể chấp nhận được huống chi anh ngọng cũng không được nhận làm sinh viên sư phạm chứ đừng nói là làm quan đầu ngành giáo dục.
Tôi nhớ một anh bạn đồng khoá Sư Phạm của tôi đã bị loại sau kỳ vấn đáp chỉ vì anh bị liệt tay phải và chỉ dùng 1 tay trái.... 30 thí sinh qua Kỳ Vấn đáp chỉ còn đúng 28 mạng vào chung một lớp và nhị thập bát tú của chúng tôi vẫn giữ tình thân ái đồng môn cho đến bây giờ và không thiếu.  Các  bạn của tôi nếu chọn theo tiêu chuẩn bây giờ thì đều bị lọt sổ vì thiếu thước tấc.
Các bạn Trung học của tôi còn nhớ quý thầy Nguyễn Dần dạy Toán ; thầy Nguyễn Hữu Thời dạy Vạn Vật....thuở đó chiều cao thước tấc của quý thầy thật khiêm nhường thôi nhưng giọng nói sang sảng như Án Anh thời Chiến Quốc nhưng tư cách nhà giáo yêu nghề, khả năng truyền đạt kiến thức của quý thầy không hề thấp như rất nhiều Tiến Sĩ Giáo Sư Xã nghĩa hôm nay.

Một nền giáo dục hơn 40 năm cứ loay hoay sửa sai sai rồi sửa sửa rồi sai ...trong vũng lầy không tách ra khỏi chính trị độc Đảng, không hề có một triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng để làm bệ đỡ cho các thế hệ tương lai của nước nhà. Mà nếu có triết lý giáo dục thì đó chỉ là “triết lý Mác Lê“ lỗi thời lạc hậu chỉ đào tạo lớp rô bô phục vụ cho mưu đồ đảng phái chính trị độc tài độc tôn thì thật là bất hạnh cho dân tộc.
Nhà trường Xờ Hờ Cờ Lờ (N ngọng) là nơi buôn bán như chợ trời thật giả khó phân, thầy bán thì trò mua tiền nào của nấy khi trò cần thì thầy làm khó để nâng giá món hàng mình cần bán . Giáo dục, bằng cấp không là giá trị mà là trị giá, giá nào cũng có và một anh thư ký công bộc quèn cũng có thể khoe cái bằng cấp Tiến sĩ Xây Dựng Đảng trị giá $0 của mình trong lý lịch cũng như in trên danh thiếp thiệt là tự hào quá Việt Nam ơi !
Cách đây vài mươi năm “ trí thức chỉ là cục cứt” theo tư duy người CS. Tôi còn nhớ mãi cái ánh mắt khinh miệt dưới cái nón cối đội lệch dáng vẻ kênh kênh trên khuôn mặt non choẹt của một cậu bộ đội Bake (bằng tuổi đứa em trai út của tôi ) một tay cầm AK một tay giật cái kính cận bị nứt một bên của tôi vứt xuống đất dày xéo nó, đạp nát nó , đạp tàn bạo đầy hận thù bằng đôi dép râu trong sững sờ của tôi và bạn đồng tù đồng cảnh ngộ, đau đớn vì nghe giọng nói the thé hỗn hào của một đứa trẻ bên thắng cuộc quát vào mặt “ trí thức như các anh chỉ là cục cứt, đã vào đây học tập cải tạo mà còn đeo kính trắng hả ....” từ khi bị mất đôi kính cận cuối cùng ấy, tôi được nhìn đời bằng đôi mắt mơ huyền , tôi chỉ thấy một vệt vàng vàng nhoè nhoẹt trên màu đỏ máu phất phơ trên cột cờ chính của Tổng Trại 5 Tù Tàn Binh QK5 ngày ấy.
Miếng ngon nhớ lâu đòn đau nhớ đời
Đâu có lâu đâu, những bọn sâu bọ thắng cuộc đó đã đội biết bao nhiêu những danh hiệu trí thức ngay cả những thứ cứt tư bản mà chúng vừa khinh miệt.
Những bản tin mới đây mà tôi đọc được từ những dòng báo chí lề phải hôm nay ngày 17 tháng 2 là một sự thực về ngành Sư Phạm Xã Nghĩa không thể che dấu như Trận Chiến Tranh Biên Giới tàn bạo đau thương và mất mát ngày 17 tháng 2 năm 1979 chống bọn đồng chí Tàu xâm lược đã bị che dấu suốt 40 năm dài.
Thế nên không lạ gì khi được biết thêm có cả nghìn thí sinh đã bị điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi Tốt Nghiệp Bậc Trung Học.

Khi công việc trồng người được coi nhẹ như việc buôn bán tính toán hơn thiệt, khi “đầu vào” không có ai chịu chun vào vì lương phạn hẻo vì áp lực nghề nghiệp thầy giả bộ dạy, trò giả bộ học thì “đầu ra” cũng bị hụt trong khi ta cần đến 25, 30 nghìn Tiến sĩ thì phải nới “đầu vào” dễ dãi tí chút cho tử sĩ chịu chui vào . Khi “đầu ra” bị “ùn ứ” tới 40 nghìn Cử nhân Sư Phạm đi chạy Grab, chạy Uber hay đang tính đi lao động nước ngoài thì ta bóp “đầu vào” bằng cách tăng điểm chuẩn nếu chưa đủ thì bóp thêm chiều cao thể hình như tuyển người mẫu thế là kế sách tuyệt vời , có 102 như những tuyên bố để đời của “nãnh” đạo.

Tôi có đọc ở đâu đó câu nói đại khái muốn biết tương lai của một dân tộc thì chỉ cần nhìn vào nền giáo dục của nước đó.
Xưa cụ Huấn Cao Bá Quát ngồi dạy học phải than như ri:
Nhà trống ba gian, một thầy , một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi
Nghe thiệt thảm nhưng suy ra cái học ngày xưa của cụ Huấn Cao, Cụ Tú Xương vẫn có “đầu ra” tốt hơn cái học ngày nay.

Cao Nguyên
17 tháng Hai 2019


 

Minh oan cho

Huyền Trân Công Chúa và Trần Khắc Chung

Hoàng Hương Trang

Từ xưa đa số người Việt mặc nhiên cho rằng Trần Khắc Chung và Huyền Trân công chúa là một mối tình. Họ kể truyền miệng đời này qua đời khác thành ra vô tình đã “Đóng Đinh” đó là một mối tình như có thực. Chính tôi từ mấy chục năm qua cũng tin như vậy. Cứ cho là trước khi đi làm vợ vua Chiêm Chế Mân, Huyền Trân công chúa đã có ý tình dan díu với Trần Khắc Chung, nên khi Chế Mân chết, vua Trần sai Khắc Chung đi cứu con gái khỏi bị hỏa thiêu chết theo chồng theo phong tục của hoàng gia Chiêm Thành, thì hai người “Tình cũ” lại được “tái hợp”. Cuộc cứu hộ công chúa thành công và hai người lênh đênh trên biển một thời gian khá dài có đến hàng năm, mới về tới Thăng Long.

Mãi cho đến khi thành phố Huế xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân, mà dân Huế gọi là Đền thờ Huyền Trân công chúa; tôi có dịp đến viếng, tìm hiểu cặn kẽ, đọc kỹ sử liệu và văn bia tại đền thờ, thật sự tôi đã sững sờ, ngỡ ngàng khi biết ra sự thật có trong sử liệu và văn bia tại Đền Thờ do Ban Nghiên Cứu Sử uy tín đã viết lại cho đúng sự thật. Ôi! Một nỗi oan đã kéo dài với thời gian mấy thế kỷ, mà không ai minh oan cho hai người. Theo sử liệu, khi công chúa Huyền Trân còn ở Thăng Long, chỉ mới 13 tuổi, đã được vua cha hứa gả cho Chế Mân. Khi đó, lão tướng Trần Khắc Chung đã rất già, vốn không phải họ Trần, mà là họ Đỗ, vì có nhiều công chiến trận nên được vua cho cải ra họ Trần. Lão tướng ngoài tài trận mạc, còn có tài thêu thùa rất khéo tay, vì vậy các công chúa trong triều được lão tướng dạy cho học thêu thùa. Công chúa Huyền Trân lúc đi lấy chồng mới 15 tuổi, là cháu ngoại của danh tướng Trần Hưng Đạo, bạn lão tướng chí thân của lão tướng Trần Khắc Chung. Lúc đó, lão tướng Khắc Chung đã già, đã có 3 đời vợ, con cháu đầy đàn, không thể nào lại dan díu với cô công chúa 13 tuổi là cháu ngoại của bạn mình được. Thuở xa xưa trên 700 năm trước đó, một cô gái nhỏ mới 13, 14 tuổi có dám yêu một ông già bạn của ông ngoại, và đã có vợ, con, cháu đầy đàn? Ngay thời đại ngày nay, điều đó cũng khó có thể xảy ra.

Cho đến khi vua Trần sai đi cứu công chúa là vì lão tướng đáng tin cậy, có nhiều mưu kế, từng trải trận mạc, mới có thể cứu được công chúa thoát khỏi lên giàn hỏa thiêu. Lúc này công chúa mới sinh hoàng tử được 2 tháng. Lão tướng Khắc Chung đã tương kế tựu kế, vừa thay mặt vua Trần để phúng điếu với triều đình Chiêm Thành (Chế Mân chết, Chế Cũ lên nối ngôi vua cũng chỉ mới trên dưới 15 tuổi, là con trai của bà Hoàng hậu lớn của Chế Mân, còn con của Huyền Trân là Chế Chí mới sinh được 2 tháng) vừa đề nghị với triều đình Chiêm Thành cho phép công chúa Huyền Trân ra biển Đông để hướng về quê hương bái biệt vua Cha, rồi sẽ trở vào để lên giàn hỏa.

Triều đình Chiêm Thành đã bị mắc mưu của lão tướng Việt Nam, đã bằng lòng cho công chúa Huyền Trân ra biển để bái biệt vua cha. Vừa hay trời phù hộ cho lão tướng, sương mù dày đặc bao phủ cả biển khơi, ba bên bốn bề đều không thấy rõ, nhân cơ hội đó, lão tướng đưa công chúa qua thuyền nhẹ, và dông tuốt về phía Bắc. Trên thuyền chỉ có mấy thủy binh chèo thuyền, thuyền nhẹ đi rất nhanh, sương mù đã che khuất bóng họ. Khi thuyền vào đến vùng biển Quảng Trị thì bị bão lớn, sóng đánh dữ dội suýt chìm thuyền, phải tấp vào bờ. Vùng đất Quảng Trị bấy giờ thuộc hai Châu Ô, Lý là đất mà Chế Mân đã dâng cho vua Trần làm sính lễ để cưới công chúa nhà Trần. Đất đã là của nước Việt, có quan trị nhậm do vua Trần cử đến cai quản. Chính quan cai quản đất mới này đã giấu nhẹm rất bí mật tung tích của lão tướng và Huyền Trân, chờ hết mùa giông bão, sửa chữa thuyền xong mới có thể tiếp tục hành trình ra Bắc. Tại sao phải giấu tung tích? Bởi thủy quân Chiêm Thành rất giỏi thủy trận, đã từng đánh ra tận Thăng Long thời Chế Bồng Nga, do đó họ có thể cho thuyền truy lùng thuyền của Khắc Chung và công chúa. Hai người được vị quan Việt Nam giấu kỹ đồng thời lo sửa chữa thuyền bè đã bị bão làm hư hỏng nặng. Hơn năm sau, hết mùa bão, trời yên biển lặng, quân Chiêm không truy đuổi nữa, thuyền cũng đã sửa chữa xong, họ mới tiếp tục cuộc hải trình ra Bắc.
Tuy được cứu thoát, nhưng công chúa trong tâm trạng mất một đứa con trai đầu lòng mới 2 tháng tuổi, cùng với nỗi đau vừa mất chồng, cùng nỗi sợ hãi vừa thoát lên giàn hỏa thiêu. Thử hỏi trong tâm trạng đau buồn mất chồng, mất con, và lo sợ như thế, còn tâm trạng đâu để dan díu, ngoại tình? Sở dĩ người đời sau thêu dệt nên mối tình Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân là do họ đồng hóa với mối tình Tây Thi – Phạm Lãi bên Tàu. Sau khi báo thù vua Tàu, Tây Thi đã theo người tình cũ là Phạm Lãi chèo thuyền chu du vào Ngũ Hồ sống với nhau, lênh đênh bềnh bồng trên sóng nước, bỏ lại thế gian sau lưng. Do đó người Việt đời sau cứ thản nhiên đồng hóa mối tình Tây Thi – Phạm Lãi và Huyền Trân – Trần Khắc Chung như là một. Đó là nỗi oan của Lão Tướng Trần Khắc Chung và là nỗi oan của sương phụ Huyền Trân mà ngày nay chúng ta phải hiểu và đánh giá lại cho rõ ràng.

Khi về đến Thăng Long, Huyền Trân lên núi Yên Tử trình diện vua cha là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi quy y đi tu, lấy pháp danh là Hương Tràng ni sư. Bà vừa tu hành vừa dạy dân dệt vải và làm thuốc cứu bệnh cho dân. Tôi ước mong rằng người Việt Nam ta ai cũng có dịp đến viếng đền thờ Huyền Trân công chúa ở Huế để có dịp tận tường đọc kỹ văn bia và sử liệu chính thức đáng tin cậy để minh oan cho công chúa Huyền Trân và Lão tướng Trần Khắc Chung. Riêng tôi, sau lần có dịp đến viếng đền thờ và đọc cặn kẽ sử liệu, văn bia. Tôi đã thắp hương cúi đầu chân thành tạ lỗi với người xưa, vì mình đã lầm tưởng mấy chục năm qua chỉ vì hai chữ “tương truyền”, oan cho một người phụ nữ đoan hạnh và một vị lão tướng tài ba.

Hoàng Hương Trang

 

 

 

Đăng ngày 03 tháng 05.2020