banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Hiếu văn khóc Mẹ

Cao Ngọc Cường

Con đội lên đầu vòng khăn trắng
Con đội tang mẹ - Mẹ của con
Chín chữ cù lao ân sâu nặng
Con chưa đền đáp được vuông tròn
Ơn mẹ cưu mang từ tấm bé
Từ khi thơ dại gót chân son
Dẫn dắt con theo đường công chính
Đến lúc thành nhân lấm bụi trần
Dõi bước con vào đời chinh chiến
Nổi trôi theo vận mệnh nước non
Mẹ vẫn hằng đêm dâng ước nguyện
Bình an chiến trận cho các con.
*
Cuộc chiến chinh tàn, con xa mẹ
Tù rạc nơi rừng núi chon von
Mẹ xót lòng thương con muối mặn
Lặn lội thân cò đến thăm con.
*
Nhiều năm sau, con về bên mẹ
Về ngôi nhà cũ thủa chân son
Nhìn di ảnh Bố sau màn lệ
Người Bố thân yêu đã không còn
Mẹ con bương chải nuôi em dại
Chẳng còn nước cũng chẳng còn non.
*
Mẹ một đời nêu gương tiết nghĩa
Dạy con trung thực chẳng cúi lòn
Con lại lên đường xa xôi mẹ
Tìm trong muôn chết để sống còn
May được phước nhà nên toại nguyện
Tha hương giữ vẹn tấm lòng son
Tâm thành con hướng về cố quận
Cầu thọ an khang mẹ của con
Con viết bài thơ năm chín tám
Từ phương xa kính tạ mẹ con
Khi ấy mẹ con gần bảy chục
Nơi chốn quê nghèo đến héo hon.

“Thưa Mẹ
“Con biết Mẹ như chiếc lá vàng
“Lắt lay theo ngọn gió mùa sang
“Nhưng con của Mẹ chưa về được
“Nâng giấc Mẹ yêu lúc nhỡ nhàng
“Xa cách nửa vòng quay trái đất
“Con mơ ngày ấy hết lang thang
“Được về bên Mẹ, trong tay Mẹ
“Về với quê hương, với xóm làng.
(mnc 1998)“

Ước nguyện thiết tha con thưa mẹ
Mẹ lại một lòng với chúng con
Quyết sống tha hương cùng các cháu
Để lòng trung hiếu được vẹn tròn
Hăm mốt năm qua trên nước Mỹ
Mẹ vui tuổi hạc với cháu con
Mẹ xé từng ngày, từng tờ lịch
Đếm từng năm tháng quá chon von
Con tìm bóng mẹ qua di vật
Chữ mẹ nặng tình với nước non
Tờ lịch “46 năm mất nước”
Trong tay con, mẹ đã không còn
Rưng rưng con khóc trong màn lệ
Con yêu mẹ lắm! Mẹ của con
*
Con viết dòng thơ dâng lên Mẹ
Con thác mẹ trong tay Chúa con
Chúa và Mẹ thương gìn giữ mẹ
Bên Ngài- vui hưởng Phước trường sinh.
Mẹ ơi!
Hiếu văn con đọc nghẹn lời
Thành tâm dâng mẹ một đời yêu thương
Cù lao dưỡng dục cao nhường
Con cầu xin Chúa đoái thương mẹ cùng.
Amen
Con của mẹ
Tạ ơn Chúa!

Cao Ngọc Cường

 


 

Tóc Mẹ

Tôi soạn lại căn phòng nhỏ trong nhà, nơi chốn mẹ tôi đã ở hơn 20 năm từ khi mẹ đồng ý qua sống với các con các cháu của mẹ nơi xứ sở tự do này.
Có rất nhiều món lặt vặt của một người già trong ngăn tủ nơi đầu giường, ngoài các món như chai thuốc nhỏ mắt, hộp cao dán Salonpas, tuýp dầu nóng, lotion thoa ngứa…vài cái kẹp tóc, chiếc gương soi nhỏ, cái lược chải đầu còn vướng vào sợi tóc trắng của mẹ, mấy món thuốc hàng ngày mẹ phải nhớ uống (với những chiếc nắp an toàn đã làm mẹ rất khó mở nên mẹ chỉ đậy hờ). Này là thuốc cao máu, cao mỡ, tiêu thực … mẹ viết bằng chữ Việt để nhìn vào là mẹ biết ngay món nào cần uống. Chữ của mẹ tròn vo, mấy mươi năm vẫn vậy. Mẹ bảo mẹ chỉ học hết Sơ học yếu lược (Certificat Élémentaire) vào thời của mẹ rồi lấy chồng theo chồng. Tuổi ngoài 90, mẹ còn minh mẫn, nhớ chuyện ngày xưa. Mẹ thích viết trên các tờ lịch, nhớ và nói được vài câu tiếng Pháp.
Trong các món di vật của mẹ, những tờ lịch mẹ viết để nhớ từng năm tháng mất nước làm tôi đã thầm kính phục mẹ, kính phục bậc nữ lưu tầm thường nhưng trung liệt cho đến cuối đời.
Tôi tìm thấy một túi zip lock đã đục mờ vì thời gian trong đó mẹ đã cất giữ những món tóc của mẹ từ thuở hoa râm đến khi bạc trắng. Những sợi tóc mẹ rưng rưng trên tay tôi
Tóc mẹ mỗi ngày mỗi bạc Tóc mẹ ngày mỗi rụng rơi Con bên mẹ mà không biết. Khi nhận ra thì mẹ đã mất rồi Để con quắt quay nhớ mẹ Để con khóc mẹ ngậm ngùi Những giọt âm thầm chảy ngược Vào tim nỗi nhớ khôn nguôi… Thèm được vùi đầu trong tóc mẹ Từng sợi bạc trắng như vôi Thảng thốt con trong tiềm thức Con gọi mẹ ơi mẹ ôi !

Tôi có người bạn lớn vừa tiễn đưa người phối ngẫu của anh về nơi vĩnh hằng cách nay hơn một tháng, khi chị mới ngoài tuổi 70. Những năm tháng cuối đời chị đã được anh chăm sóc như baby hàng ngày vì chị bị stroke đi đứng cử động rất chậm chạp. Anh chải tóc trang điểm cho chị mỗi khi ra ngoài. Âu yếm như đôi chim bồ câu già bên nhau. Khi chị vĩnh viễn rời xa anh, anh thảng thốt:
“Mất em tôi chết nửa người
Mất em tôi mất bầu trời trăng sao
Mới hôm nào mới hôm nào
Sợi tơ cái tóc cột vào bên nhau…”
“Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng …”
Anh vuốt những sợi tóc sót của chị như tôi đang vuốt ve những sợi tóc trắng của mẹ còn vướng trong chiếc lược mẹ dùng chải đầu hôm xưa mà rưng rưng nhớ.
Tóc mẹ mới hôm qua mà nay đã là tóc xưa. Tóc xưa ôi tóc mẹ xưa
Mẹ ơi!
Như còn ấm chỗ mẹ nằm
Nhưng mà mẹ đã xa xăm nơi nào
Con nhìn tóc mẹ hư hao
Vẫn còn dáng mẹ ra vào đâu đây
“Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương“

Tôi bỗng chợt nhớ bài thơ Tóc Xưa rất bồi hồi cảm động của BS Dương Văn Thiệt viết khi nhớ hiền thê của ông qua đời năm 2013 nơi Anh quốc.
Bài thơ càng ray rứt hơn qua nét nhạc của Ngô Thụy Miên:

Tóc xưa
“Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê
Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng
Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa
Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng
Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau
Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa”

Một buổi sáng dậy sớm, đứng trầm ngâm bên di ảnh mẹ. Đọc kinh cầu cho mẹ. Đặt món tóc xưa của mẹ bên cạnh ban thờ. Mẹ ơi!
Vân vê tóc mẹ trên tay
Bồi hồi con nhớ những ngày ấu thơ
Mẹ đọc con nghe một truyện ngắn của Thạch Lam để dạy cho con tính ngay thẳng. Mẹ luôn dạy con sống làm người công chính. Chuyện tên Sợi Tóc nhưng chẳng có sợi tóc nào trong đó. Nếu có chăng thì đó chỉ là hình ảnh mỏng manh của sợi tóc, là biên giới của lương hảo và gian dối, của thiện và ác cũng mong manh dễ đứt dễ gãy như sợi tóc kia. Cảm ơn mẹ!
Mẹ ơi ! Con nhớ mẹ !
14/10/2021
Mai Ngọc Cường

- Nghe Tóc Xưa ( thơ Dương Văn Thiệt, nhạc Ngô Thụy Miên, tiếng hát Đoàn Thanh Tuyền) ở đây:
https://www.youtube.com/watch?v=0Bw3Fw_BRAQ
- Đọc Sợi Tóc, truyện ngắn của Thạch Lam ở đây :
https://vietmessenger.com/books/?title=soi%20toc&page=5

 

Đăng ngày 18 tháng 10.2021