banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Người đi đò dọc

Cao Ngọc Cường

Bài thơ lục bát dài như câu chuyện tình buồn, mênh mang như nước sông Hương. Mình mình… tôi tôi… những nhân xưng đại từ trong thơ nghe ra một thời cổ kính ngày xưa. Mình về mình nhớ ta không? Không, không… tôi quyết là không nhớ nàng. Có một chút âm hưởng “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính... mà hay:
“Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời giông bão, giữa tràng giang, lật thuyền
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thế chị tới miền đau thương
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu, cái duyên không về.
(Nguyễn Bính)

Tôi rất cảm thán chuyện tình dang dở của đôi lứa yêu nhau không trọn vẹn như cuộc đời người phải đi chuyến đò dọc dài đăng đẳng, gian nan, trắc trở... Giá như cuộc đời đôi lứa chỉ đáp chuyến đò ngang từ bến nọ qua bến kia, trong một đoạn ngắn thì có lẽ không đau đớn, dang dở, thê lương như trong đoạn cuối của bài thơ “Người đi đò dọc” được cất giữ hơn nửa thế kỷ:
“Sau vườn rau cải ra hoa
Nhưng lòng tôi bỗng dưng già mấy mươi
Năm năm biệt mái giang đầu
Năm năm tôi giữ u sầu riêng tôi
Mà sao mình chẳng giữ lời
Cứ đi đò dọc cho đời dở dang”...
Ừ! Nghĩ cho cùng
Cứ gì đò dọc đò ngang
Đã không duyên nợ... đôi đàng mình ơi!

Cảm thán đôi dòng của một người yêu thơ khi đọc bài viết của Đỗ Duy Ngọc về một bài thơ hay không tác giả.
Hơn 50 năm còn giữ được thư người xưa thật là đáng quý!
Còn bài thơ hay quá mà không biết tác giả thì cũng thật đáng tiếc?
Cảm ơn bạn Đỗ Duy Ngọc
mnc
5/21

***

NGƯỜI ĐI ĐÒ DỌC

Đỗ Duy Ngọc

Cách đây gần 50 năm, tôi có một mối tình rất sâu đậm với cô bạn cùng lớp, cùng trường đại học. Nhưng rồi có duyên mà không nợ, hai chúng tôi không được là dấu chấm của đời nhau. Với tôi, tôi không bao giờ quên được những ngày tươi đẹp đấy và mối tình đó theo mãi suốt cuộc đời tôi. Giờ đây, tuổi đã già, hai người đi hai con đường khác nhau, nhưng nỗi nhớ luôn nằm trong ý nghĩ. Hồi đó, cô ấy có chép cho tôi bài thơ rất hay nhưng không có tên tác giả. Bài thơ kể về một mối tình lãng mạn, hai người yêu nhau tha thiết lắm nhưng rồi không đến được với nhau. Cô gái đi lấy chồng nhưng không hạnh phúc. Khi chia tay, hai người cùng hẹn mỗi năm một lần sẽ gặp nhau ở bến đò chợ Trình. Bài thơ kể lại nỗi lòng của cả hai người lúc chia xa cũng như khi hẹn gặp. Đoạn kết của bài thơ chàng trai tìm đến quê nàng khi không gặp được nàng ở chợ Trình sau năm năm phiêu bạt. Hoá ra nàng đã qua đời, bà mẹ nàng rưng rưng nước mắt lúc gặp lại chàng trai. Đứa con nhỏ đứng thở dài trước nấm mồ hiu quạnh. Bài thơ buồn cho một mối tình không trọn vẹn.
Chiều nay khi đọc lại chồng thư cũ đã gần nửa thế kỷ, tôi gặp lại bài thơ. Chép ra đây để nhớ lại một quãng đời.

NGƯỜI ĐI ĐÒ DỌC
Mưa giăng trắng núi Ngự Bình
Nước sông Hương đục đưa mình về xuôi
Mình về xứ ấy quê tôi
Nhà tranh mấy nóc mấy đồi mấy nương
Đừng xem hoa nở dọc đường
Mình đi vội nhé, tôi thương mình nhiều
Qua chợ sớm đến chợ chiều
Mình về không mẹ lại điều con hư
Mình về mình nhớ viết thư
Bao giờ tôi chẳng mong thư của mình
Mưa giăng trắng núi Ngự Bình
Nước sông Hương đục nên mình không may
Lạnh lùng khoác áo chia tay
***
Chiều qua nước sông Hương đầy
Mưa giăng núi Ngự chia tay cùng mình
Em đi đò dọc Vạn Trình
Chợ chiều không họp Bến Đình buồn hiu
Đường vào thôn xóm hoang liêu
Gió bấc lành lạnh lòng hiu hắt sầu
Run run em bước qua cầu
Vì ai em chịu dãi dầu nắng sương
Đừng xem hoa nở dọc đường
Thiếu săn sóc nghĩ chán chường cho hoa
Trở về mẹ mắng mẹ la
Dằn lên vặc xuống thêm nhà em ghen
Tủi cho thân phận em hiền
Nhớ mình vặn nhỏ ngọn đèn mà thôi
***
Chiều qua mình đưa em xuôi
Nhớ lời mình nhủ em ngồi không an
Thôi mình đừng có vấn vương
Chuyện xưa xa quá trầm hương nhạt mùi
Đã đành hai đứa dập vùi
Đã đành đôi lứa chôn vùi tuổi xanh
Nhưng còn được tiếng em anh
Nhưng còn được mái lều tranh giang đầu
Mình ơi! Em đã qua cầu
Mình chờ chi nữa bạc màu áo thôi
***
Mình lo gì chiếc áo nâu
Bạc thì nhuộm lại hơi đâu mà buồn
Thương thì xin nhớ nhau luôn
Bạc lòng mới sợ xa đừng ngại sông
Mình giờ tuy đã có chồng
Nhưng tôi, tôi quyết ở không trọn đời
Thế gian chỉ có một người
Đã không lấy được đành cười chứ sao
Tôi không lấy mận thay đào
Lấy trăng thay ngọn đèn dầu mình ơi
Đêm nay mưa gió tơi bời
Đọc thư mình những bồi hồi tâm can
***
Mình khuyên tôi đi đò ngang
Mình đi đò dọc đôi đàng phân ly
Để cho tôi khỏi nhỡ thì
Nhưng tôi thì có còn gì nữa đâu
Lòng tôi đã thắm một màu
Từ ngàn xưa đến ngàn sau với mình
***
Mưa giăng trắng núi Ngự Bình
Đêm nay chẳng biết Vạn Trình mưa không?
Bến Đình ở cuối dòng sông
Nước Hương giang đổ về đông chắc nhiều
Ai đi đò dọc đừng liều
Mình đi đò dọc chín chiều ruột đau
Có trầu mà chẳng có cau
Thì đành không đỏ môi nhau kiếp này
Vắng mình tôi ngủ không say...
***
Vắng mình tôi ngủ không say
Sáng đi đò dọc về đây thăm mình
Năm năm xa cách Vạn Trình
Chợ Trình không họp Bến Đình vui hơn
Nhưng hoa không nở dọc đường
Và mây đồi chẳng bạc nương dâu nhà
Nhịp cầu tre gãy làm ba
Nằm trơ bên cạnh gốc đa xóm ngoài
Con ai lại đứng thở dài?
Mồ ai đó nhỉ? U hoài làm sao!
***
Đường vào thôn xóm hoang liêu
Hương cau thoang thoảng, mùi trầu cay cay
Vắng mình đã năm năm nay
Về đây sao vắng thế này, mình ơi!
Mẹ già đang hái chè tươi
Thấy người khách lạ mỉm cười đau thương
Tôi e lạc xóm lạc đường
Nhưng không, còn khóm hải đường ngày xưa
Và bên thềm chiếc thoi tơ
Mẹ ơi! Mẹ nhận ra con chưa này
Mẹ già đôi mắt hấp hay
Sững sờ đưa cả hai tay khóc oà
***
Sau vườn rau cải ra hoa
Nhưng lòng tôi bỗng dưng già mấy mươi
Năm năm biệt mái giang đầu
Năm năm tôi giữ u sầu riêng tôi
Mà sao mình chẳng giữ lời
Cứ đi đò dọc cho đời dở dang
Tôi về để lại đi hoang
Đi vài năm nữa cho tan cuộc đời.
Chép lại 30.4.2021

Fb Do Duy Ngoc


 Nhớ Đà Lạt

Hôm qua gặp gỡ nhóm bạn bè đã lâu không được gặp nhau từ khi Sài Gòn chớm dịch. Có người nhắc lâu rồi không đi chơi xa cùng nhau và gợi đến Đà Lạt. Và bỗng dưng nhớ vô cùng miền đất một thời mù sương đấy.
Tôi đến Đà Lạt lần đầu cách đây đã hơn 50 năm. Cuộc chạm mặt đầu tiên với thành phố đó làm tôi ngỡ ngàng. Hồi đó Đà Lạt còn đẹp lắm, không khác gì những thành phố nhỏ của nước Pháp. Khi xe vừa mới lên đến đèo Prenn, một ngọn đèo trên quốc lộ 20 ở cửa ngõ phía nam thành phố với những đồi thông và những tảng đá xếp lớp bên đường đi, lòng tôi đã xao xuyến và tự nhủ có phải đây chính là thành phố thường hiện về trong những giấc mơ của tuổi mới lớn của mình.
Hơn một tuần ở Đà Lạt, tôi được bạn bè dẫn đi nhiều thắng cảnh, ngồi ở những quán cà phê, la cà với những quán ăn, đi trên những con đường đồi dốc với những bông hoa dại nở bên đường. Hồi đó Đà Lạt còn thưa người, trong thành phố vẫn còn rất nhiều những đồi thông và những ngôi nhà rất đẹp. Nhà nào cũng có hàng rào đầy hoa ở trước sân. Những con dốc nhỏ dẫn xuống những con đường hẹp hay những thung lũng nhỏ. Tôi và các bạn lên Đồi Cù và nằm ngửa trên bãi cỏ xanh nhìn những đám mây trắng bay về đâu đó. Một mình giữa bát ngát mới thấy lòng mình rộng đến vô cùng và thế giới mênh mông quá.
Sau buổi trưa ra chợ Hoà Bình nhìn những người dân tộc đi từ rừng xa ra bán cây lan rừng, chai mật ong, vài ba cái nấm hay chỉ là miếng da thú. Chiều chiều rủ nhau đi bộ ven Hồ Xuân Hương đón những cơn gió lạnh và khi hoàng hôn xuống nhìn về khu Đại học Đà Lạt với những nóc nhà ngói đỏ, đốt điếu thuốc dưới gió và biết rằng mình đã đắm say nơi chốn này rồi. Đắm say những ngọn gió, đắm say những hàng thông và cũng say đắm những cô gái má hồng, môi đỏ.
Kể từ đó tôi thường lên Đà Lạt khi có dịp, có lúc lên thường xuyên khi thấy nhớ. Hồi ấy khi xe qua đèo Chuối ngán lắm vì mấy ổng hay ra chận đường hay đặt mìn trên con lộ. Cũng có khi không đủ tiền mua vé xe trọn đường, đành gian dối chỉ lấy vé đến Di Linh, hên thì lọt, xui lại phải xuống dọc đường. Nhưng cũng may thường là hên. Những lần lên đó cũng chỉ là để đi lang thang, nhất là những buổi chiều mùa đông cảm giác sương mù đang quấn lấy dưới những bước chân đi. Co ro kéo cao cổ áo đi lên xuống những con dốc và nghe những cơn lạnh thấm vào người. Cũng chỉ đến nằm ngửa ở sân Cù nhìn mây bay. Để ngồi trong quán cà phê Tùng hút một cối thuốc, để đến quán Lục Huyền Cầm nghe Lê Uyên Phương hát, những bài hát của một thời, những bài hát mang tâm trạng của tình yêu tuyệt vọng và não nề của một kiếp sống. Chỉ thế thôi rồi lại quay về Sài Gòn.
Từ sau 1975, thời thế đổi thay, cuộc sống không còn như xưa nữa. Có một đoạn đời tôi và cô bạn gái mơ về một ngôi nhà nhỏ trên đỉnh đồi để mỗi chiều khoác cho nhau cái áo lạnh, quấn cho nhau chiếc khăn quàng cổ rồi đưa nhau về dưới gió và những khóm hoa. Ước mơ đấy không thành và cả hai không được là dấu chấm đời nhau.
Đến những năm 80 tôi mới trở lại Đà Lạt. Thành phố cũng không thay đổi gì mấy, chỉ nghèo hơn, những con đường cô quạnh hơn, những ngồi nhà nhìn cô đơn hơn và nhiều hàng quán xác xơ hơn. Nhưng vẫn còn đó những rặng thông, vẫn còn đó sân Cù lộng gió đầy mây, vẫn còn đó Hồ Xuân Hương lặng lẽ và những mái ngói đỏ của khu đại học dù giờ đã đổi tên. Cà phê Tùng không đổi nhưng chẳng còn không khí cũ, vợ chồng người nhạc sĩ chẳng còn ở Đà Lạt. Bạn bè tan tác cả, chẳng còn mấy người quen. Tôi vẫn đi lên xuống những con dốc, những con đường cũ nhưng có cảm giác mình đã bị đánh mất cái gì đó trong sâu thẳm của lòng mình.
Tôi lại liên tục lên Đà Lạt rất nhiều lần khi có dịp và chứng kiến những cơn hấp hối của thành phố này. Đà Lạt không còn lạnh như xưa. Xứ của hoa mà lễ hội ngập hoa giả và những giỏ hoa chở từ miền Tây lên. Những rừng hoa quỳ vàng không còn mênh mông trải dài nữa mà chỉ còn lác đác đâu đó một vài khoảnh. Đà Lạt lần lượt vắng những rừng thông, đồi thông trong thành phố. Ngày trước, đứng trên đồi nhìn xuống Đà Lạt là một màu xanh của cây cỏ lẫn những ngôi nhà, những biệt thự kiến trúc theo kiểu Tây phương tuyệt đẹp. Giờ còn đâu, nhìn xuống chỉ thấy những trại rau, những nhà kính che bằng những tấm nhựa trắng tràn ngập trên những thung lũng đầy hoa của một thời. Thành phố vắng sương mù, buổi trưa nóng đổ mồ hôi, xe cộ đầy những con phố. Thành phố xuất hiện những khu cao ốc bê tông khô cứng. Những đoàn người dân tộc chiều chiều mang những sản vật ít ỏi của rừng xanh không còn thấy nữa. Cũng chẳng còn những đứa bé, những cô gái má hồng môi đỏ dưới nắng vàng rất ngọt và cái lạnh đến tái lòng. Đà Lạt bây giờ có mặt đủ dân tứ xứ, khó mà tìm thấy giọng nói của người Đà Lạt, giọng một chút Huế, một chút Quảng và cũng có một chút Bắc. Nó nhẹ mà quyến rũ, nó đằm thắm nhưng cũng không thiếu cái nồng nàn.
Tối tối khu Hoà Bình đông nghẹt người, chen lấn nhau, cười nói với nhau chứ không còn một Đà Lạt tĩnh mịch khi đêm xuống. Những khu ăn uống xô bồ xuất hiện, không tìm đâu những con đường vắng để một mình lang thang đón gió lạnh. Đà Lạt đã giẫy chết, người ta đã tàn phá và đẩy nó vào chỗ chết. Tôi không còn sân Cù để lên đấy nhìn mây, giờ nơi ấy là những khu nhà mới, là những hàng quán nối tiếp nhau. Người ta tận dụng tất cả những khoảng trống để xây nhà, người ta chặt hết rừng dương để lập nên những dự án. Đà Lạt bị bức tử. Còn đâu nữa những đoá hoa dại bên bờ đường tôi đã đi qua. Còn đâu nữa những đám sương mù một thuở.
Đã hơn năm chục năm, từ một chàng thanh niên tuổi hai mươi tôi đã trở thành một lão già. Và giờ đây có một người già nhớ tuổi thanh xuân của mình và cũng để nhớ đến một xứ sở đã có nhiều kỷ niệm. Vùng đất ấy đã không còn nữa, nó đã chết rồi. Bây giờ thành phố này không còn khiến tôi đắm say nhưng tôi vẫn thường lên đó. Lên để tiếc một quãng đời không còn trở lại. Lên để chứng kiến cái chết của một vùng đất đã có một thời tuyệt đẹp và thú vị đến vô cùng.
12.11.2021
DODUYNGOC
Fb  Do Duy Ngoc

 

 Đăng ngày 12 tháng 11.2021