Về "Hồ Trường"
Cao Ngọc Cường
ba mươi tháng tư bên chiếu rượu
buồn vui ôn lại đoạn chiến thương
bằng hữu đã cho tôi nghe lại
bạn ta ngâm ngợi khúc Hồ Trường
một khúc trầm hùng mà bi tráng
nghe rồi nghe lại vẫn cùng sầu
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ!
Hồ Trường! Ta biết rót về đâu!
Bài Hồ Trường - Nguyễn Bá Trác mà tôi nghe đi nghe lại, ngâm nga, đọc thơ trong lẫy lừng hào khí, đã biết bao nhiêu lần, đâu phải bây giờ mới thấm, đâu phải bây giờ mới cảm!
Mc Truong Cui, bạn nối quần “tà lỏn” của tôi vừa nhắc lại khúc Hồ Trường trong buổi chia tay tiễn bạn ta vào trường Võ Bị Đà Lạt năm xưa đó, khi bọn chúng tôi đang độ tuổi hai mươi, lúc tóc còn xanh, mộng tràn biên giới. Tiễn “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” ngày ấy, quyết “xếp bút nghiên theo việc đao cung”… bốc lên thì ngâm ngợi Hồ Trường đầy phong vị hào sảng, trầm hùng, u uất mà bi tráng… thì thật là đúng cảnh đúng người.
“Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường".
Phải không bạn Minh cui!
Nhiều năm về sau, trong nhiều hoàn cảnh bi thương trầm uất trong vòng kẽm gai chiến tranh, tù đày… lạc lõng trong dòng đời vô định, trên quê hương tàn cuộc đao binh… rồi phiêu dạt nơi xứ người …khúc Hồ Trường đó luôn hiện diện trong tâm khảm những “tráng sĩ” miền Nam chúng ta. Nhất là bên những cuộc rượu túy luý càn khôn bằng hữu một thời áo trận giày saut. Từ khi tóc còn xanh đến phơ phơ đầu bạc. Cảm khái làm sao!
Hãy đọc lại khúc Hồ Trường bi tráng nhé! Bạn ta ơi!
“Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương.
Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một màu sương.
Học chẳng thành, công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn.
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say.
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây".
(Hồ Trường, Nguyễn Bá Trác)
Bạn ta bảo Hồ Trường ngay từ bản in đầu tiên trên Nam Phong tạp chí, số 41, năm 1920 đã có vài lỗi chính tả so với các bản về sau như
- “sé gan” thay vì “xé gan”
- “ngọn bắc phong vì vụt” thay vì “ngọn bắc phong vi vút”
- “Nam nhi sự ngiệp…” thay vì “Nam nhi sự nghiệp…”
Đó là thời nền ấn loát còn in typo, dùng bản đúc chữ chì nên sai sót là chuyện đương nhiên.
Sau bản in đầu tiên, có thêm 4 bản khác được lưu hành, có khác nhau vài chỗ, nhưng bạn ta cho biết, có một lỗi chính tả quan trọng vì cho đến nay vẫn chưa được hiệu đính ?!
Ngâm ngợi, đọc đi rồi đọc lại … chữ sai ấy ở đoạn nào nhỉ ?
Từ khi cụ Nguyễn Bá Trác đưa lên Nam Phong tạp chí năm 1920, khúc ca Hồ Trường đã hơn trăm tuổi. Biết bao nhiêu thế hệ, nhất là hào sĩ nam giới, đã yêu thích, lưu truyền tự bấy lâu nay … thì lỗi chính tả nào nữa đây mà không ai để ý. Hay là có để ý nhưng vẫn đọc theo thói quen cố hữu.
Bạn ta chỉ ra rằng trong câu
“Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn".
Khi cầm bầu rượu nâng chén cảm khái ngâm lớn câu
“Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?”
Ừ nhỉ! “cuồng lạn” thì hơi lạ vì trong tiếng Việt “cuồng lạn” là nghĩa gì ?!
Có bản sửa là “cuồng loạn” cho có nghĩa. Đôi khi lại in ra lại có thêm gạch nối “cuồng-loạn” hơi vô lý, vì gạch nối (-) xưa phần đa chỉ dùng cho danh từ.
Đọc lại toàn bài, cụ Nguyễn Bá Trác dùng toàn vần bằng ở cuối mỗi câu trong ca khúc chỉ có “cuồng lạn hay cuồng loạn” là vần trắc.
Bạn bảo thế nên hồ nghi vần trắc của chữ này sai “lỗi typo”, lỗi của nhà in ngay bản đầu tiên. Cụ Nguyễn Bá Trác đã dịch thoát khúc ca Hồ Trường từ Nam Phương Ca Khúc tiếng Hán. Bản này có 12 câu và Nguyễn Bá Trác chép lại và tự dịch thoát sang tiếng Việt, không có nhan đề và về sau là khúc ca Hồ Trường, cũng có 12 câu, như ta đã biết
Vậy câu “ “Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn". là câu số 7 do cụ Nguyễn Bá Trác dịch từ câu số 7 trong Nam Phương Ca Khúc mà cụ đã chép lại.
Câu ấy như sau:
“Dư trường trịch hướng đông minh thuỷ, đông minh chi thuỷ vạn đội khởi cuồng lan“.
(予觴擲向東溟水,東溟之水萬隊起狂瀾)
Nghĩa Nôm là:
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng.
Có lẽ cụ Nguyễn đã chuyển sang Việt ngữ ra câu này
“Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan”
Nhưng vì thợ xếp chữ in typo thời sơ khai đó, đã bất cẩn thêm dấu nặng (.) dưới chữ lan nên thành “cuồng lạn”, như đã nói chữ “lạn” đi với chữ “cuồng” thì vô lý.
Trước đó, trong bài hát nói Kẻ Sĩ cụ Nguyễn Công Trứ cũng có câu
“Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên” 迴狂瀾而障百川. (Ngăn sóng dữ để bảo vệ các dòng sông). Chữ “cuồng lan” 狂瀾 tiếng Hán có nghĩa là “sóng dữ”
Thì trong nguyên bản chữ Hán câu số 7 từ Nam Phương ca khúc đến khúc Hồ Trường cũng nên đọc là “cuồng lan”
“Dư trường trịch hướng đông minh thuỷ, đông minh chi thuỷ vạn đội khởi cuồng lan“.
(予觴擲向東溟水,東溟之水萬隊起狂瀾)
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan.
Lại xét về vần thì “cuồng lan” vần với “chứa chan” ở câu dưới mới gọi là hiệp vận. Kế tiếp là “cát dương” vần với “như điên như cuồng”
“Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan.
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng".
Rồi, các câu đầu và cuối, đọc lại mà xem, hiệp vận toàn là vần bằng.
“Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương.
Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một màu sương.
Học chẳng thành công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường".
…”Nào ai tỉnh, nào ai say.
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây".
Vậy thời, cớ sao có vần trắc “cuồng lạn” ở câu số 7 bài Hồ Trường?
Thêm nữa “cuồng lan” (sóng dữ) là danh từ, còn “cuồng lạn hay cuồng loạn” ( lộn xộn rối loạn một cách điên dại) lại là tính từ. Cứ thế mà xét ý “nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn (loạn), ( rối loạn lung tung ) hay sinh “cuồng lan” ( sóng dữ) chữ nào đúng hơn đây ta?!
Ôi! Cảm khái cách gì!
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan.
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say?“
Thôi cứ còn gặp nhau các hào sĩ cứ hãy
Uống với nhau một bữa rượu
Để tưởng niệm tháng tư
Rượu cũng đắng lên môi người thất thế
Chưa mềm môi
Đất khách
Vẫn mây sầu tám hướng
Vẫn mù che khuất nẻo quê xưa.
Hồ Trường khúc ấy còn ai rót
Bốn phương tám hướng
Lạc lối về.
mnc
30/4 ——> 1/5/2022
Lại nhớ Cao Tần :
Ta làm gì
cho hết nửa đời sau?
Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai
Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không
Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non...
Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi
Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao...
Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la...
Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”
Cao Tần
Bài thơ này Cao Tần viết năm 1977 khi ông mới nửa đời ly hương
Và bọn ta bây giờ đã gần hết đời lưu vong cũng đã đến cuối đường
Biết cùng ai cạn một hồ trường
Cảm khái thì thôi!
mnc
Tháng Năm 2022
ĐĐSN Cao Ngọc Cường
Tiếc xuân
(hay Đồ Mi hoa, Đồ Mi mộng)
Cao Ngọc Cường
(Có người bạn vừa khoe lên đóa trà mi xinh đẹp trắng ngần làm tôi lại nhớ hai câu thơ Kiều của Nguyễn Du:
“Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về”
Hoa là mùa Xuân và Tuổi Trẻ
Xuân đang đến nghĩa là Xuân đang qua…
Hoa làm cho tôi bỗng bâng khuâng…
Nên xin gửi lên bài viết lan man sau)
* * *
Hai câu trong truyện Kiều:
“Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã mở đường đi lối về”
(Truyện Kiều, P 825 – 826)
Hai câu thơ thương hoa tiếc ngọc về nỗi đoạn trường của nàng Kiều này có bản viết là
“Tiếc thay một đoá đồ mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về”
Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng có đoạn tả cảnh nàng Cung nữ nhập cung được hưởng ơn mưa móc quân vương cũng qua hình tượng hoa, một đóa đồ mi trong
“Cái đêm hôm ấy đêm gì?
Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng
Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ
Đoá hải đường thức ngủ xuân tiêu
Cành xuân hoa chúm chím chào
Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai...”
Nguyễn Gia Thiều (Cung Oán Ngâm Khúc)
Vậy thì Trà mi với Đồ mi có là một chăng ?!
Sách bảo rằng Đồ mi, Trà mi là loài hoa nở vào đầu mùa hạ, sắc trắng hay hơi vàng, rất đẹp lại dễ rụng, thường ví với người con gái đẹp.
Vì chữ “đồ” trong chữ Hán viết gần giống với chữ “trà”, cho người ta hay đọc lẫn là trà mi.
Sách còn giải thích rằng “trà mi” (茶縻) cũng đọc là "đồ mi" (荼縻). Theo Khang Hy và Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển thì chữ trà xưa viết là 荼 (đồ). Chữ 荼 từ thời Đông Hán (25-220) trở về sau phiên thiết là "Trạch gia âm trà". Thời Lương (502-557) trở về sau cũng đọc là trà nhưng quên giảm đi một nét, vẫn viết là 荼 (đồ). Từ đời Đường (618-907), Lục Vũ soạn quyển Trà kinh mới giảm một nét để thành chữ 茶 (trà). Vì thế hai chữ đồ mi 荼蘼 vẫn thường đọc là trà mi.
Tuy nhiên, tên gọi trà mi rất dễ gây nhầm lẫn do hiện tại nó cũng được sử dụng để chỉ một vài loài trong chi Trà (Camellia) của họ Chè”
Vậy, thực tế trà mi và đồ mi là hai loài hoa khác nhau, đều hiện diện trong văn chương và đời thường.
Sách cũng bảo trà mi hoa đẹp nhưng không hương, ngược lại đồ mi hoa mòng manh nhưng hương thơm. Cứ nghe vậy, tôi lại tưởng tượng và “cảm“ loài hoa có tên hai nốt nhạc”: Đồ Mi …hơn.
Phải là hoa Đồ mi hương sắc mới diễn tả vẻ đẹp thuần khiết mong manh dễ vỡ của người con gái đẹp thời xưa.
Tôi cũng “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”. Nhưng phải mất cả buổi, thay vì chỉ “trong vòng 2 nốt nhạc” mới biết thêm nhiều chi tiết lý thú về một loài hoa thơm hương này: đồ mi hoa. Rồi liên ý cảm hoài đồ mi mộng.
Sách cũng cho rằng “Khai đáo đồ mi hoa sự liễu.” (唐詩: 開到酴醾花事了)(Đến khi đồ mi trổ bông thì việc của hoa đã kết thúc.) Ý là hoa đồ mi mà nở thì mùa Xuân đã tàn, đã hết.
Câu này lấy trong bài Xuân mộ du tiểu viên của Vương Kỳ (đời Tống) miêu tả hoa nở theo mùa thứ tự trước sau khi Xuân đến, bắt đầu từ hoa mai đến hoa hải đường và hoa đồ mi. Khi trăm hoa héo rụng cũng là lúc cây thiên cức đầy gai bò ra khỏi tường. Thời gian này chính là lúc cuối xuân đầu hạ. Bài thơ hàm ý thi nhân luyến tiếc thời gian, cảm thán tuổi xuân dễ qua đi.
Bài đó như sau:
Xuân mộ du tiểu viên
Nhất tùng mai phấn thoái tàn trang
Đồ mạt tân hồng thướng hải đường
Khai đáo đồ mi hoa sự liễu
Ti ti thiên cức xuất môi tường
Vương Kỳ (Tống thi)
(Khi hoa mai rụng, giống như người đẹp đã tẩy hết lớp phấn son
Hoa hải đường nở, giống như người đẹp mới thoa lớp phấn hồng lên má
Và sau khi hoa đồ mi nở, hoa sự của mùa xuân coi như đã kết thúc
Lúc này chỉ còn cây gai bò ra khỏi tường rêu)
春暮游小园
一丛梅粉褪残妆
涂抹新红上海棠
开到荼蘼花事了
丝丝天棘出莓墙
王淇
Chiều xuân thăm vườn
Mai tàn như nét đẹp phai hương
Hồng thắm nhường cho ngọn hải đường
Tươi đóa đồ mi, hoa đã tận
Chỉ trơ gai dại ở chân tường
(Cao Nguyên mnc dịch)
Đồ mi liên ý cảm hoài! tôi lại tâm viên ý mã đến “đồ mi mộng” (giấc mơ hoa ) trong Tiếc Xuân của Nguyễn Tử Thành, một nhà thơ đời Trần của nước ta, một bài thơ chữ Hán
Tích xuân
Lão tận oanh thanh, điệp hựu tàn,
Hoa thần trước ý vị nhân khan.
Thanh hương bất nhập đồ mi mộng,
Cửu thập xuân tuỳ dạ vũ lan.
Nguyễn Tử Thành
惜春
老盡鶯聲蝶又殘,
花神著意為人慳。
清香不入荼蘼夢,
九十春隨夜雨闌。
Dịch nghĩa
Tiếng oanh vắng hẳn, bướm lại tàn,
Thần hoa có ý xẻn với người.
Hương thơm không còn len vào giấc mộng đẹp,
Chín chục ngày xuân mòn mỏi theo giọt mưa đêm
Tôi tạm chuyển thành thơ ta:
Tiếc Xuân
Đã bặt tiếng oanh, bướm đã xa
Lòng còn tiếc nuối ý thần hoa
Hương thơm đã tắt trong mơ đẹp
Mòn mỏi Xuân tàn mưa tối qua
(Cao Nguyên mnc dịch)
Ôi! Đồ mi hoa mong manh! Đồ mi mộng chóng tàn!
Thiệt là hoài cổ !
Để kết thúc giấc mơ hoa sáng nay tôi đi tìm lại Bích Khê của Tỳ Bà
“Nàng ơi ! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tơ êm
Mây nhung pha mầu thu trên trời
Sương lam phơi mầu thu muôn nơi”
Đây là lần thứ nhất tôi biết bài thơ này khi lần theo dấu.
Đồ Mi Hoa
Lòng nao nức như hương trầm mới dậy:
Gió tâm tư say chúi nửa lừng mơ...
Đêm kim sa hay sao mà run rẩy? -
Không khí men, trăng liễu mướt đường tơ.
Đây một đoá đồ mi, - ta đón lấy,
Ấp hồn hoa... đem đặt giữa bài thơ.
Đài nộn nhuỵ hoá nguồn trinh tinh khiết
Ướp một làn hương rượu quyện lâng lâng;
Tràng cánh trắng biến ra da thịt tuyết,
Một tiên nương mừa tựa một giai nhân,
Ngửng đôi mắt chứa mùa xuân phẩm tiết,
Giữa bài thơ... đưa vẳng tiếng ngân ngân.
Ôi sắc đẹp! anh hoa dồn vũ trụ!
Phẩm tràng sinh! tinh chất khí âm dương!
Mi làm long phím lòng muôn trinh nữ;
Muôn tài hoa nghiêng trước vẻ thiên hương.
Mi rớt ngọc cho vang muôn tình tứ;
Mi nhả sâm ngọt lịm vạn sầu thương.
Giai nhân đi trong chiêm bao ẻo lả
Để lời ca gợn sóng khí hoa men;
Tay búp sen kẻ lên vàng óng ả
Những đường thêu kim tuyến rúng đêm huyền.
-Ngừng hơi thở... ta nép trong bóng lá
Để vần thơ theo nhịp điệu thuyền quyên.
Ta những muốn sầu thương thôi biểu lộ
-Sắc trong màu, màu trong sắc; hân hoan...
Ta những muốn mùa đông nhường lại chỗ.
-Nhạc gầy hương, hương gầy nhạc; lan man...
Ta những muốn màn đen về cõi mộ
-Cả không gian là bể sáng tràn lan...
Rồi sắc đẹp hiện ra trong chính phẩm
Linh thiêng như mây nước đỉnh Nga My!
Và muôn hồn hoa lên vì say ngấm.
Và muôn lòng phát tiết cả uy nghi;
-Đêm nầy đây ngời ngọc ngà sa gấm
Sắc đẹp vừa hiện giữa đoá đồ mi
Bích Khê
Cuối cùng
Đồ mi hoa! Giấc mộng đã tàn
Yêu hoa lại tiếc Đồ mi mộng
Theo dấu hài thơ mà tâm động
Tàn xuân chưa mà mộng mị lan man
mnc
22/4
ĐĐSN Cao Ngọc Cường
Đăng ngày 20 tháng 05.2022