banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Đọc lại "Chén rượu mừng xuân"

nhớ anh Nguyễn Đức Lập

Cao Ngọc Cường

Bài thơ CHÉN RƯỢU MỪNG XUÂN của anh Nguyễn Đức Lập (1945-2016), nhà văn, trưởng Hướng đạo với tên rừng Sóc Vui Vẻ.
Đó là bài thơ duy nhất của anh mà tôi còn lưu giữ trong hơn 20 tác phẩm văn xuôi của anh.

Anh Lập chỉ viết văn khi từ khi tỵ nạn tại Palawaan những năm đầu thập niên 80 và bài Chén rượu mừng Xuân của anh in trong Những Đêm Không Ngủ, tập thơ duy nhất của anh viết trong “Khung rào tỵ nạn..” những năm ấy tại những trại tạm cư ở Phi Luật Tân, nơi  ba năm Nguyễn Đức Lập chôn chân nơi đó, như quãng đời một tráng sĩ bị bó tay trong vòng rào hẹp mà nung nấu tâm can hào khí muốn cứu vãn quê hương đang trong gông cùm giặc nước.

Bài thơ Nguyễn Đức Lập phảng phất phong thái những bài Hành của Thâm Tâm, Nguyễn Bính ... đọc lại vẫn cảm thấy đầy hào khí bi tráng và thê lương như tấc lòng anh nung nấu “muốn làm một cái gì” cho đất nước quê hương nhưng vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện đó cho đến cuối đời.

CHÉN RƯỢU MỪNG XUÂN là bài hành duy nhất của anh Nguyễn Đức Lập mà tôi được biết, vẫn còn lưu giữ trong Notebook  như một kỷ niệm với anh, tình cờ lại hiện ra trong những ngày Xuân tái đêm qua khi ngồi uống chén rượu đầu năm những người bạn, người anh em hướng đạo của anh Lập ... chúng tôi đã đọc lại mà nhớ anh - Anh Sóc Vui Vẻ Nguyễn Đức Lập - cũng gần đến ngày giỗ của anh, anh mất vào cuối tháng Hai năm nhuần 2016.
Mời quý bạn đọc nhân dịp đầu Xuân.

CHÉN RƯỢU MỪNG XUÂN
Chén rượu xoàng đây ta mời ngươi
Cháy gan cháy ruột ngửa nghiêng cười
Người đời xanh mắt thời tao loạn
Tìm kiếm chi cho chán mớ đời?

Hiền sĩ ngày xưa ngồi góc núi
Pha trà nước suối, ngâm thơ chơi
Hay say giữa chợ lan man khóc
Sự nghiệp không đầy bát rượu vơi.

Hoành kiếm nhơn nhơn nhìn thế cuộc
Giận thân râu tóc chẳng phùng thời
Đập bàn hát loạn dăm ba khúc
Hào khí bay lên vút tận trời.

Ngươi có thấy không, hào kiệt trước
Nuốt trời, mửa đất há nhường ai?
Cát lầm chẳng để sờn mơ ước
Cũng đã bao phen sóng dập vùi.

Thiên hạ khó dung người chí lớn
Dặm trường ngựa thét muốn mòn hơi
Mỉa mai cho những cơn thành bại
Cuồn cuộn sông dài nước chảy xuôi.

Cũng có người xưa, người Đỗ Mục
Buồn thương nhân sự, tiếc hoa rơi
Hay như gã Tín Lăng Quân đó
Mộng lớn tàn bên gái tuyệt vời

Họ Khuất trầm mình sông Mịch Thủy
Góp cho nhân thế tiếng than ôi
Tử Tư đầu bạc băng qua ải
Để lại thiên thu tiếng thở dài.

Chén rượu xoàng đây, ta mời ngươi
Khung rào tỵ nạn có chi vui
Chim hồng xếp cánh khinh trời hẹp
Nhìn lại thân ta, xót chuyện người.
Nguyễn Đức Lập
(Những Đêm Không Ngủ)


Ngày Xuân đọc lại thơ Nguyễn Đức Lập
(Phụng họa nguyên vận)


NGÀY XUÂN UỐNG RƯỢU
Tha phương lữ thứ, ta với ngươi
Bầm gan, tím ruột bậm môi cười
Xuân đến không mời nhau chén rượu
Mà làm chi để hết nửa đời

Quán xá cũng không .... mùa dịch bệnh!
Góc vườn ngồi đốt lửa mà chơi
Ngày Xuân đất khách buồn không nói
Rượu rót chén đầy lại chén vơi

Cứ gượng mà vui như Lã Vọng
Buông câu thẳng lưỡi để chờ thời
Mòn hơi ... mà lão lai tài tận
Ngửa cổ mà tu .... ấy mệnh trời!

Ngươi cũng như ta nhà quanh xóm
Mấy chục năm dài chẳng bằng ai
Nhưng có cái chẳng ai bằng được
Ăn hòn nói cục chẳng giấu vùi

Xó núi vẫn thường ra cắm trại
Ven rừng đốt lửa khói lên hơi
Buồn tha hương cũng dần phai nhạt
Nước mắt lần hồi cũng chảy xuôi

Cứ ngỡ sẽ quên buồn xưa ấy
Ai ngờ chiều chậm cuối năm rơi
Nâng chén mừng Xuân, Xuân viễn xứ
Cố hương, cánh hạc vút xa vời

Xuân này con lại không về được
Quê nhà xa ngái ! Mẹ quê ôi!
Phương này Xuân tái mùa Xuân lại
Phương ấy còn ai tiếng thở dài

Tha phương viễn xứ ta với ngươi
Xuân về hoang lạnh giọt buồn vui
Ly rượu đầu năm nghe mằn mặn
Đọc lại thơ xưa lại nhớ người
Cao Ngọc Cường
(Mùng Ba Tết Tân Sửu)
Gửi Cao Bình
mnc

 
Viết thêm:
Trong bài thơ dài thể Hành:  Ngày Xuân Uống Rượu đầy hào khí sầu muộn của Hồ Trường, của Hành Phương Nam thuở trước , ta thấy có vài điển tích cổ như “ người đời xanh mắt…” Đỗ Mục khóc hoa, Tín Lăng Quân tàn cơn mộng lớn, Khuất Nguyên trầm mình nơi sông Mịch La, Ngũ Tử Tư bạc đầu, Chim hồng xếp cánh …
Đọc thơ ông, ta có cảm giác như lạc vào thế giới cổ văn xưa. Chẳng lạ gì vì Nguyễn Đức Lập đã chịu nhiều ảnh hưởng của thân phụ ông là nhà báo Hồng Tiêu và thân mẫu là nữ sĩ Bà Tùng Long một thời trên văn đàn miền Nam. Ông tự nhận mình là ông giáo làng trong tuyển tập Hương Giáo Đề Thơ dày hơn một nghìn trang in thành 4 tập khổ sách 8.5 X 11 inch. được gia đình nhà văn ấn hành khi ông đã ly trần, gồm những bài viết trong 5 năm đăng trên tờ Bách Khoa, sau đó mục Hương Giáo Đề Thơ đăng đều đặn trên tờ Thời Báo.

Thay Lời Tựa trong Hương Giáo Đề Thơ (tập I) anh viết: “Đây là tập thư của vị thầy giáo làng gởi cho đứa học trò (Lê Văn Cui) cả đời không học hết được túi khôn của thánh hiền…”.
Với kiến thức uyên bác, dựa vào lịch sử, văn học từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim… để dẫn chứng từng mẩu chuyện từ chính sử, huyền sử, giai thoại và từ đó người thầy Hương Giáo trò chuyện với trò Cui (Lê Văn Cui) về nhân tình thế thái để rút ra những bài học cho cuộc sống. Thế nên chẳng lạ gì khi Nguyễn Đức Lập dẫn nhiều điển cố trong bài Ngày Xuân Uống Rượu. Chúng tôi có cơ may gặp và thân thiết với anh trong những năm tháng cuối đời của Nguyễn Đức Lập.
Nay ngày Xuân  đọc lại thơ anh,  nhân kỷ niệm 7 mùa Xuân anh rời xa nhân thế cuối tháng hai này, lại thể đương nhàn rỗi nên lục trang sách cổ tìm tòi điển cố anh đã nhắc đến trong thơ như một cách nhớ anh Nguyễn Đức Lập.

Vài điển tích trong thơ Nguyễn Đức Lập:

- “Người đời xanh mắt thời tao loạn”
Điển tích: Đời Tấn bên Trung Hoa có Nguyễn Tịch là bạn của Lưu Linh, lấy mắt trắng mà nhìn khách mình coi thường, còn bạn tri âm tri kỷ đến thì tiếp bằng đôi mắt xanh.
“Giá khuynh thành nhất tiếu thiên kim,
Mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục.”
(Tản Đà - Đời đáng chán)
“Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười “
(Hành phương Nam - Nguyễn Bính)

- Cũng có người xưa, người Đỗ Mục
Buồn thương nhân sự, tiếc hoa rơi
Tích Đỗ Mục thán hoa:
Đỗ Mục 杜牧 (803-853) tự Mục Chi 牧之, hiệu Phàn Xuyên 樊川, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An, tỉnh Thiểm Tây) nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường. Còn gọi là Tiểu Đỗ để phân biệt với Đỗ Phủ là Lão Đỗ.
Có một lần Đỗ Mục đi chơi ở Hồ Châu, gặp một cô bé rất xinh đẹp nhưng mới hơn mười tuổi. Đỗ bèn hẹn với mẹ cô bé rằng: “Đợi tôi mười năm, nếu tôi không về được thì hẵng gả cô bé”. Mười bốn năm sau, Đỗ Mục mới về làm thứ sử Hồ Châu, cô bé đính ước ngày trước đã lấy chồng được ba năm, sinh hai con. Đỗ Mục than tiếc và làm bài thơ này.

Thán hoa
Tự thị tầm xuân khứ hiệu trì,
Bất tu trù trướng oán phương thì.
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc,
Lục diệp thành âm tử mãn chi.
Đỗ Mục

Dịch nghĩa:
Từ thuở ấy đi tìm hương xuân, nay tính lại thì đã muộn rồi,
Cũng đừng nên đau xót hờn giận mùa thơm.
Cơn gió dữ thổi rụng hết hoa màu hồng thắm,
Lá biếc trở nên um tùm, trái kết đầy cành.

Dịch thơ:
Than tiếc hoa  
Ngày cũ hương Xuân đã muộn màng,
Cũng đừng đau xót tiếc mùa sang
Cuồng phong thổi rụng hoa phai thắm
Cây trái xum xuê đã lỡ làng
mnc

Bài  thơ Đỗ Mục Thán Hoa quả là mượn hoa để ví với người, là một giai tác thở than cho tình yêu không được toại nguyện
- Hay như gã Tín Lăng Quân đó
Mộng lớn tàn bên gái tuyệt vời

Tích Tín Lăng Quân đam mê tửu sắc:
Tín Lăng Quân tức Ngụy Vô Kỵ một trong tứ công tử nổi tiếng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa, là con trưởng của Ngụy Vương Chiêu và là anh trai của Ngụy Vương Ngữ.
Ông nổi tiếng là một người khẳng khái, được liệt vào một trong Chiến Quốc tứ công tử lừng danh trong lịch sử. Trong Tứ công tử, Tín Lăng Quân được đánh giá là người khí khái anh hùng nhất trọng hiền tài lập nhiều công trạng lớn. Về sau nước Tần thù địch nước Triệu lập kế ly gián, Nguỵ vương nghe lời gièm pha phế truất Tín Lăng Quân, ông bèn cáo bệnh về về và sa vào tửu sắc, ngày đêm vui chơi. Bốn năm sau, năm 243 TCN, ông mắc bệnh mà qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi.
Tần vương nghe tin ông mất, bèn sai Mông Ngao đánh Ngụy lấy hai mươi thành, sau đó nước Tần dần dần chiếm nuốt trọn nước Nguỵ.

Lại nhớ chuyện xưa:
Vào khoảng cuối đời Lê có Nguyễn Hoè, một học sinh sắc sảo đi thi hương. Quan chủ khảo năm ấy cũng tên là Hoè, vì thế khi xướng quyển người ta kiêng tên quan phải đọc chệch là Nguyễn Huề. Nguyễn Hoè biết thừa nhưng cố tình không chịu vào. Người xướng quyển xướng đi xướng lại mấy lần, mọi người đã vào hết, riêng Hoè vẫn còn đeo ống quyển đứng yên. Cuối cùng, người xướng quyển chõ loa vào Hoè mà hỏi tên. Hoè liền gào to: "Tôi là thằng Hoè".
Người xướng vặn:
- Sao gọi mãi không vào?
Hoè cứng cỏi đáp:
- Chỉ thấy gọi thằng Huề chứ có thấy gọi thằng Hoè đâu?
Sau người xướng phải xướng to đúng tên Hoè, bấy giờ Hoè mới chịu vào.
Thấy thí sinh bé oắt mà ương ngạnh, quan chủ khảo sai giữ Hoè để hỏi vặn nghĩa lý văn chương. Hỏi đến đâu nhất nhất Hoè đều đối đáp trôi chảy đến đấy, quan liền ra một câu đối:
“Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như.”
(Nghĩa là: Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, tên như nhau, thực chất chẳng như nhau.)
Có ý lên giọng kẻ cả rằng hai đằng cùng tên Hoè, nhưng một đằng quan một đằng học trò, so bì với nhau sao được.
Hoè liền đối lại:
- “Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ”.
(Nghĩa là: Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, mày không sợ thì tao cũng không sợ).
Thiệt là khí khái.
 
Cao Ngọc Cường
ĐHSPSG, ban Việt Hán (1972-1975)

http://daihocsupham7275.blogspot.com/

 

Đăng ngày 23 tháng 02.2023