QUÊ NHÀ MỘT THỜI

Việt Nhân

Trong các lời bàn ra tán vào, thường mỗ tôi vẫn thích nhất là lời của ông anh SR, các câu của ông ngắn thôi, đôi lúc không đi vào bài ông góp ý, mà lại là nói riêng phần của ông, ta có thể thấy những câu của ông khi sóng đôi cùng bài chính, ý nó luôn đậm đà và ‘’có duyên’’ hơn.
Hôm kia 01.11 khi đọc đến bài ‘’Việt Nam sẽ không thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc’’, câu nói sảng của tay bộ trưởng kế hoạch đầu tư nhà nước vẹm, tại diễn đàn cu hát xã nghĩa, mỗ tôi đọc xong những gì tay vẹm này nói mớ, đã gợi lại cái buồn đất nước mình gặp phải vận đen. Nếu không vướng phải bàn tay bẩn của vẹm phá thối, thì hôm nay giữa Nhật hay Đại Hàn, một trong hai nước lại phải lần nữa nói ra câu ước ao của năm xưa.
Ai đã từng sống vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chắc chắn hiểu ý mỗ tôi muốn nói gì, dù thời gian đã lâu hơn năm mươi năm, nhưng mỗ tôi không thể quên và chắc quý vị cũng thế, miếng ngon nhớ lâu phải không ? Năm 1959 Ông Lý Quang Diệu, vị Thủ Tướng đầu tiên của Singapore đã sang thăm nước ta, trong buổi tiếp phái đoàn, Ông Lý Quang Diệu đã phát biểu là mong muốn đất nước ông được như một Việt Nam Cộng Hòa lúc đó.
Và một con rồng khác hôm nay của Á Châu là Đại Hàn, bấy giờ cũng vị Tổng Thống đầu tiên Lý Thừa Vãn, trong thán phục khi đến thăm nước ta 1958, đã phải lên tiếng tương tự
- Sài gòn quả không hổ thẹn là Hòn Ngọc Viễn Đông thời bấy giờ. Lúc ấy mỗ tôi là một học sinh của Trung Học Pétrus Ký, và lớp trẻ chúng tôi lúc đó không phải là không biết đất nước mình ra sao, nên luôn nức lòng về quê hương mình, về chế độ mình đang sống.
Thời Pháp mỗ tôi mới tiểu học, chặng đường sau thì đã qua ba chế độ, phải công tâm mà nói chế độ của Tổng Thống Diệm là chế độ tốt nhất, và ông Diệm đúng là một người vì nước vì dân, đã cho dân miền Nam được nếm thế nào là thời thanh bình thạnh trị. Đất nước phát triển mọi mặt từ văn hóa đến dân sinh...Xin được đưa thêm ra đây, chuyện ông Đại Sứ Nhật Bản sau trận đấu bóng đá giữa đội nước ông cùng đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa năm 1959, đội Nhật thua 3-0, ông tặng cho Tổng Cục Túc Cầu Việt Nam một đôi giày nhỏ mạ vàng, với câu nói làm người mình tự hào ‘’Túc cầu Nhật mong rằng sẽ có ngày được sánh ngang vai cùng túc cầu Việt Nam’’.
Trong cái nhìn của thế giới, Việt Nam Cộng Hòa lúc đó sáng và đẹp như trăng rằm, nay đọc bài báo của vẹm thấy xót quá cho quê mình, nhớ Việt Nam Cộng Hòa là niềm ước ao của thiên hạ hôm xưa mà đau. Đang nổi nóng định buông một câu chửi cho nhẹ lòng, thì đọc được lời của ông bạn SR, bài hôm đó trong lời bàn ông nói chuyện ‘’vẹm phóng phi thuyền’’, ông viết: Đảng ta sẽ phóng phi thuyền...GIÀN TRE, BỆ PHÓNG đã nghiên kíu rồi...Vỏ phi thuyền bọc giấy bồi...Các ĐỒNG CHÍ LÁI được ngồi GHẾ MÂY...Chỉ cần vẫy nhẹ khúc cây...Các nhà ngoại cảm phóng bay phi thuyền!!!
Ông SR móc họng cái phét lác của mấy tay đỉnh cao trí tuệ, đọc thì cười ngay đó, nhưng ngẫm lại mà tiếc cho một dân tộc thông minh cần cù, lại vướng cái họa cộng sản. Bực thật! Tiên sư bố chúng nó, không chửi không được, những thằng thiến heo, y tá, cạo mủ cao su, đã làm thui chột cả một tương lai dân tộc đất nước, tội ác gây máu sông xương núi cho cả hai miền, là bởi những tội đồ Hồ Đồng Chinh Duẫn.
Hơn năm chục năm trước, sự giàu đẹp của Việt Nam Cộng Hòa đã là hiện thực, nay các đầu óc đỉnh cao mới đi mơ một ngày trong tương lai được bằng người, rõ một lũ ngu đần! Nên cái đáng nói hôm nay là tội chúng đã làm tụt hậu đất nước hơn nửa thế kỷ, lại thêm trong duy trì quyền bính, mà những Trọng Sang Hùng Dũng, đem đất nước dâng cho ngoại bang, rồi nước sẽ mất vào tay Tầu cộng, hôm nay cái hiểm họa này đã là một sự thật rờ được chạm thấy.
Và cũng xin được khách quan hỏi vẹm đang nói sảng là căn cứ vào đâu mà cho rằng rồi đây cái xứ hố xả của chúng sẽ bằng Đại Hàn hay Nhật Bản, họ là con rồng Châu Á, còn chúng là con gì mà đi phát ngôn rổn rảng bạo mồm thế, mỗ tôi nghe đồng chấy của chúng là chủ tịt nước đã gọi cả lũ là bầy sâu mà. Sâu mà cũng loi nhoi gớm nhể!
Ngay từ ngày đầu họ Hồ chia đôi đất nước, tại miền Nam các cấp lãnh đạo quốc gia ra sức nâng cao dân trí, dân sinh, Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu xây dựng đưa đất nước vươn lên. Còn tại miền Bắc thì buông ngay bức màn sắt, và ra sức bần cùng hóa, và ngu dân hóa người dân suốt từ 54 đến 75 để nuôi mộng chiến tranh, sau 75 chiếm được miền Nam là lúc chúng ra tay cướp phá như loài thổ phỉ, vừa dốt lại vừa tham. Cả một lũ bịp, làm được gì để đất nước cất cánh bay lên ? Hay cả một bầy giòi ăn cả cứt của người dân đen, mà mở mồm nói không biết ngượng, một thủ tướng tham nhũng, dân đòi từ chức, đã nói câu vô sỉ là đảng đã đưa hắn lên, hắn không việc gì phải thôi.
Còn bênh vực mà nói, miền Bắc xã nghĩa 1954 không có ăn cắp tràn lan như hôm nay. Lạ, tem phiếu với một năm hai thước vải thô thì lấy đâu ra của mà nói chuyện mất cắp, dân khổ còn thua cả thời Pháp thuộc, chế độ của Hồ lưu manh từ trên xuống dưới, lấy văn hóa lừa dối làm nền. Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện đã phải nói câu:
Đảng dìu dắt thiếu niên thành trộm cướp
Giải phóng đàn bà thành đĩ thành trâu!
Chả trách cháu ngoan của bác, chúng học rành mánh khóe ăn cắp, chôm chỉa, hôm nay chúng vào siêu thị Nhật giở trò mà bị túm gáy. Những tấm thông báo nhắc nhở ‘’ăn cắp là tội phạm’’, được niêm yết nhan nhản bằng tiếng Việt trong các siêu thị nước ngoài, đó là họ chửi đấy nhưng đảng có biết đâu là xấu hổ!
Dân trí, dân sinh không có mà đòi làm con rồng, mồm lúc nào cũng huênh hoang rằng đang vươn vai cùng năm Châu, một con ốc vít chưa làm được thì theo đuôi thiên hạ chỉ để xách dép thôi, hay các ông đang noi theo đồng chấy láng giềng 4 tốt ra sức ăn cắp, ăn cướp, hàng gian, hàng độc để rồi nên cường quốc ?
Dân tộc Việt chúng tôi không có cái thói đó, dân tôi vừa kiêu hùng vừa thông minh, lũ người có được hai đức tính đó không, hay chỉ là một bọn hèn và ngu ? Nếu không có bọn vẹm hủi các ngươi, chắc chắn đất nước chúng tôi đã là một nước Việt Nam-Văn Minh-Tiến Bộ. Đó là sự thật, đâu cần tới cái ngoại cảm hay mơ sảng, như tên vẹm thối bộ trưởng kế hoạch đầu tư, đầu riêng gì đó của nhà nước An Nam hố xả.
Trong chuyện hôm nay có nói thoáng qua thời thằng nhóc mỗ tôi còn là học sinh Trường Pétrus Ký, mà xin phép tấm ảnh minh họa đi kèm theo câu chuyện hôm nay là ngôi trường đó. Mỗ tôi đã tìm được một bức ảnh thật quý, lúc trường chưa bị đổi thay, đây chắc chắn là bức ảnh chụp vào thời mỗ tôi học, lúc đó những năm thập niên năm 50 chưa có phim màu, và nó là bức ảnh đen trắng, nhưng được tô màu nước theo cách các ông thợ ảnh vẫn làm.
Nhìn tấm ảnh đã cho mỗ tôi lại cái cảm xúc như ngày nào, lần đầu tiên trong bộ đồng phục màu trắng lễ khai trường, tuy mới chỉ là một học sinh trung học nhưng đã biết thế nào là vinh dự làm người Việt Nam, cái tự hào đó vẫn còn mang trong lòng cho mãi đến hôm nay.
Việt Nhân


GIÁO DỤC TƯ NHÂN TRƯỚC 1975

QUA BẢN QUY CHẾ TƯ THỤC

Trần Văn Chánh

Trong nền giáo dục miền Nam trước đây, tư thục (trường tư), ở cả 3 cấp Tiểu, Trung và Đại Học, chiếm một vị thế hết sức quan trọng. Thậm chí riêng ở bậc Trung học phổ thông, dựa theo số liệu thống kê năm 1968 của Bộ Giáo Dục, số học sinh tư thục chiếm đến 65,43% tổng số học sinh Trung Học trên cả nước, lấn át cả khu vực công lập.
Điều này thể hiện sự tự do lựa chọn trường học cho con em mà Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa đã khẳng định: "Quốc gia thừa nhận phụ huynh có quyền chọn trường cho con em, các đoàn thể và tư nhân có quyền mở trường theo điều kiện luật định. Quốc gia có thể công nhận các trường tư thục đại học và cao đẳng chuyên nghiệp hội đủ điều kiện luật định. Văn bằng do những trường ấy cấp phát có thể được quốc gia thừa nhận" (Điều 26 Hiến Pháp 1956).
Một quy chế tư thục đã sớm được ban hành do Dụ số 57/4 ngày 23 tháng 10 năm 1956 (chỉ sau khi ban hành Hiến Pháp có 3 ngày), cho phép các loại trường tư được mở trong khuôn khổ luật pháp và dưới sự giám sát/kiểm soát của chính quyền địa phương và của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Nhờ vậy ngành Tư Thục miền Nam có điều kiện pháp lý để trăm hoa đua nở, huy động được một cách hiệu quả và trên cơ sở tự giác tiềm lực của toàn xã hội cho công cuộc giáo dục con em trong nước.

Về quan điểm chính thống nhà nước đối với Tư Thục, năm 1968, ông nguyên Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn Văn Thơ đã từng phát biểu tại trường tư (Công Giáo) Lê Bảo Tịnh Sài Gòn đầu Hè 1968: "em>Bộ Giáo dục không chủ trương giữ độc quyền việc dạy dỗ con em. Các phụ huynh có toàn quyền chọn trường, chọn theo phương pháp giáo dục nào thích hợp nhất cho con em họ...Theo đường lối đó, các cơ sở giáo dục tư được tự do phát triển để các sáng kiến tự có cơ hội để áp dụng. Với đà phát triển tự do ấy, các tư thục tự nhiên phải cạnh tranh để nâng cao uy tín. Tuy nhiên chỉ nên có sự đua tranh chánh đáng trong lãnh vực giáo dục thuần túy, tìm tòi những phương thức hữu hiệu nhất để giáo hóa con em, để nâng trình độ giảng dạy. Tư thục không phải và không có quyền là một cơ sở kinh doanh thương mãi, một thị trường buôn bán chữ nghĩa" ("Công ích của giới tư thục", Giáo Dục Nguyệt San, số 25, tháng 12.1968, trang 36).
Tuy nhiên, trên thực tế, Tư Thục vẫn chưa được đối xử bình đẳng mọi mặt với trường công lập về một số phương diện, và điều này đã gây thành một làn sóng phản đối liên tục mạnh mẽ của giáo chức tư thục đòi bình đẳng và yêu cầu giới hữu trách phải sửa đổi quy chế tư thục. Họ đòi hỏi chính phủ phải điều chỉnh quy chế theo hướng mở rộng quyền tự trị, có chính sách trợ cấp trường tư, giúp đỡ hoạt động trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như đời sống của giáo chức để Tư Thục có thể đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục chung của cả nước.
Ở một mặt khác, chỉ vài năm sau khi Quy Chế Tư Thục ra đời, trong cơ chế tự do cạnh tranh, nhiều trường tư thục được mở ra đã bắt đầu có những hiện tượng lệch lạc thiếu lành mạnh: Sĩ số quá đông cho mỗi lớp học, nhiều giáo sư (hồi đó giáo viên dạy Trung Học quen được gọi ‘’giáo sư’’) không đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, lương tâm không ít nhà giáo bị sút giảm vì phải chạy theo cuộc sống, học sinh thiếu kỷ luật và biếng học, một số chủ trường hoặc hiệu trưởng có khuynh hướng tập trung cho việc thu vén lợi tức hơn là cải tiến chất lượng giáo dục. Một số trường đã bắt đầu áp dụng những biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh để câu nhử "khách hàng". Đến khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, một phần do chiến tranh ngày càng ác liệt và những bất ổn gia tăng về chính trị-kinh tế-xã hội, tình hình trường tư nói chung ngày càng tồi tệ hơn, một bộ phận không nhỏ càng thêm biến dạng lệch lạc gây tiếng xấu rất lớn trong dư luận, có trường tư chỉ biết nhắm mắt chạy theo số lượng và thu nhập kiểu kinh doanh chữ nghĩa.
Trong khi đó, Bộ Giáo Dục qua các thời kỳ bộ trưởng đều có công văn nhắc nhở những biểu hiện tiêu cực của Tư Thục nhưng những lời nhắc đó giống như gió thoảng ngoài tai, mọi việc lúc này đều chỉ trông cậy chủ yếu vào lương tâm cá nhân của giáo chức hoặc vào ban lãnh đạo của từng nhà trường. Quy chế Tư Thục tuy đã có rồi nhưng việc thực hiện quy chế qua sự thanh tra/kiểm soát của chính quyền và Bộ Giáo Dục vì nhiều lý do khác nhau, chính đáng lẫn không chính đáng, gần như bị buông lỏng, chỉ được thi hành một cách tượng trưng lấy lệ, nên kết quả thu được rất không đáng kể.
Ông Vũ Văn Mão trong cuộc Hội Thảo Tư Thục Toàn Quốc 1969 đã nêu ra một nhận định khái quát hóa một cách khá chính xác thực trạng tư thục ở giai đoạn này: "Hiện nay [1969] hễ nghĩ đến trường tư là người ta nghĩ ngay đến những danh từ không mấy tốt đẹp: Bê bối, Gian thương văn hóa, Chứng chỉ giả mạo, Giáo chức thiếu khả năng, Học sinh vô kỷ luật, vân vân và vân vân...Người ta chỉ biết đến những cái gọi là bê bối của tư thục nhưng không một ai biết đến những cái khó, cái nhọc của giới tư thục [tác giả nhấn mạnh]" ("Chỉnh đốn hàng ngũ giáo chức tư thục", Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tháng 1-2.1970, trang 47).
Do thực trạng biến tướng bộ phận không mấy gì tốt đẹp kể trên nên giáo giới tư thục có lương tâm tự họ cũng đã ý thức trước trách nhiệm của mình một cách sâu sắc. Ngay từ năm 1964, trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội Giáo Dục Toàn Quốc, người đại diện Tiểu Ban Tư Thục đã đưa ra những nhận định toàn diện về tình trạng giáo dục tư thục, những khuyết điểm của nó cùng giải pháp đề nghị khắc phục, với Quyết Nghị cho rằng: "Hiện nay có một số tư thục thiếu tinh thần trách nhiệm...Vì thế mà tư thục mất dần tín nhiệm đối với chính quyền, đối với phụ huynh học sinh và đối với dư luận...Nhiệm vụ của Tư Thục cũng là nhiệm vụ của nền giáo dục quốc gia đào tạo con người toàn diện theo định hướng dân tộc, nhân bản và khai phóng để mỗi người có đầy đủ khả năng góp sức vào sự phát triển cộng đồng và phát huy văn hóa dân tộc. Để thi hành trọn vẹn nhiệm vụ của mình, Tư thục phải tự kiện toàn về tổ chức để làm thỏa mãn nhu cầu học hỏi của thanh thiếu niên, để gây tín nhiệm với mọi giới, để nâng cao giá trị của mình" (Văn Hóa Nguyệt San, tập XIV, quyển 3&4, Số đặc biệt Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964, tháng 3&4. 1965, trang 526-527).

Năm năm sau, 162 hiệu trưởng tư thục toàn quốc tham dự Đại Hội Hiệu Trưởng Tư Thục Việt Nam nhóm họp trong 3 ngày 20, 21 và 22.11.1969 đã đồng thanh quyết nghị: "Nhân danh các giá trị tối cao của con người..., sự tự do lựa chọn trường học cho con em mà Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa đã quy định, sự công bằng trong quyền lợi và nhiệm vụ của cá nhân cũng như xã hội.
Đại hội Tư Thục Việt Nam đề nghị xóa bỏ mọi bất công do chế độ phân chia trường công với trường tư và trọng công khinh tư trong nền giáo dục quốc gia, để cho mọi người dân đồng đều có đủ điều kiện giáo dục con em nước nhà một cách xứng đáng và hữu hiệu” (Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tài liệu đã dẫn, trang 46).
Đồng thời, Đại Hội còn đưa ra 3 điểm "đồng biểu quyết” khác:
a.- Giới tư thục Việt Nam cương quyết cải tổ toàn diện ngõ hầu phụng sự nền học vấn của con em nước nhà một cách hữu hiệu hơn.
b.- Chánh quyền cần quan tâm giúp đỡ ngành Tư Thục Việt Nam về mọi phương diện để cải tiến.
c.- Ngành tư thục Việt Nam sẽ cộng tác chặt chẽ với chính quyền nhằm sưu tầm mọi biện pháp và tài liệu hữu ích để đạt tới một nền giáo dục tự do, công bằng, nhân bản và thực nghiệp cho nhân dân (Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tài liệu đã dẫn, trang 96).
Về phía chính quyền, ông Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Lưu Viên trong kỳ Đại Hội Tư Thục nêu trên cũng có lời nhắc nhở, tái khẳng định: "Tư thục không phải là một xí nghiệp, tư thục không phải là một thị trường chữ nghĩa, không chủ trương thu lợi tức tối đa. Trái lại, tư thục phải được coi là một cơ sở giáo dục thuần túy, một học đường, với tất cả ý nghĩa cao đẹp của hai tiếng học đường" (Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tài liệu đã dẫn, trang 26).
Mặc dù khu vực tư thục đáng có những điều cần phải nhắc nhở, có người bình tĩnh hơn cho rằng không nên phê phán Tư Thục gay gắt quá, vì từ khi có Dụ 57/4 năm 1956 về quy chế tư thục đến thời điểm đang xét (1969), chỉ 13 năm, Tư Thục Việt Nam còn non trẻ vẫn đang tiến tới mức trưởng thành cũng có những bước phát triển khá đáng kể. Đây là ý kiến của Giáo Sư Vũ Tiến Thống (Thanh Tra Tư Thục), khi ông viết: "Có thể có một số nào đó chưa đạt được đủ tiêu chuẩn của một tổ chức giáo dục. Nhưng ai cũng nhận thấy sự cố gắng vượt mức nơi tư nhân và nhất là các tổ chức tôn giáo hay các hiệp hội văn hóa xã hội. Trong 10 năm nay, tư thục đang làm nổi bật vai trò của mình trong cộng đồng giáo dục quốc gia. Đà tiến này sẽ còn mạnh nữa...". Trên cơ sở nhận định này, tác giả cho rằng nhiệm vụ của chính phủ là phải thực hiện cưỡng bách giáo dục miễn phí cho hai cấp Trung và Tiểu Học, nhưng trong khi chưa đủ điều kiện thực hiện, thì trong thời gian chuyển tiếp và chờ đợi, sự đóng góp của dân tại các tư thục như hiện nay đã là một sự hy sinh can đảm. Rồi ông đề nghị cứ giữ tình trạng giáo dục như hiện tại nhưng phải tận lực giúp cho Tư Thục cải tiến, phát triển... (xem "Những vấn đề của tư thục", Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tài liệu đã dẫn, trang 78-79).
Để có tài liệu nghiên cứu về giáo dục miền Nam nói chung và về các trường tư nói riêng trong giai đoạn trước 1975, dưới đây chúng tôi xin chép lại nguyên văn Bản Quy Chế Tư Thục đã được ban hành dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm (Đệ Nhất Cộng Hòa), do Dụ số 57/4 ngày 23 tháng 10 năm 1956 (nguồn tài liệu: Giáo Dục Nguyệt San số 25, tài liệu đã dẫn, trang 25-35). Được biết, tiếp theo quy chế này còn có Nghị Định số 942-GD-NĐ ngày 25.10.1956 do Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Dương Đôn ký, sau khi ban hành Quy Chế chỉ 2 ngày. Theo Quy Chế và Nghị Định vừa kể, tất cả các trường tư thục từ đó sẽ phải tổ chức giống nhau và chịu sự kiểm soát của chính phủ. Riêng bản Quy Chế Giáo Dục, vì được chuẩn bị trong thời kỳ đầu xây dựng chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa nên lẽ tất nhiên còn nhiều khuyết điểm, về sau đã bị giáo giới phê bình và đòi phải sửa đổi vì nội dung trói buộc Tư Thục hơi nhiều, nhưng chưa kịp chỉnh lý bổ sung thì lịch sử đã sang trang năm 1975 nên không còn cơ hội nữa. Rốt cuộc nó chỉ còn là một văn bản mang tính lịch sử, phần nào chứng minh cho tính xã hội hóa rất cao và rất sớm của nền giáo dục miền Nam Việt Nam giai đoạn trước năm 1975.
Trần Văn Chánh


QUY CHẾ TƯ THỤC

TIẾT I:
SỰ CHO PHÉP MỞ TRƯỜNG
Điều thứ nhất: Được coi là tư thục những trường hay lớp (kể cả các trường hay lớp lệ thuộc một chủng viện hoặc một tổ chức xã hội), truyền dạy cùng một lúc, một hoặc nhiều môn học trên 10 học sinh thuộc những gia đình khác nhau, và có những nhân viên không do Chánh Phủ bổ nhiệm và đài thọ.
Không được coi là tư thục:
1.- Những lớp tư gia mà gia trưởng hoặc một giáo sư riêng đảm nhận việc giáo dục cho con cháu, và nói chung cho những trẻ em có họ hàng với gia trưởng.
2.- Những xưởng công nghệ, nơi đó người chủ thầu nhận những người tập nghề ngoài những thợ chuyên môn dùng về việc sản xuất.
Điều 2: Không ai tự ý mở một tư thục trên lãnh thổ Việt Nam mà không có giấy phép của chính phủ Việt Nam.
Điều 3: Theo nguyên tắc, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục cấp phép mở tư thục bực tiểu học, trung học và đại học (ngành phổ thông và ngành học kỹ thuật).Tuy nhiên Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục có thể ủy quyền cho Giám Đốc Học Chánh địa phương để cấp giấy phép mở tư thục bực tiểu học và mẫu giáo, và cho các Tỉnh Trưởng để cấp giấy phép mở những lớp bực sơ học tức là lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba trường tiểu học (ngành phổ thông).
Nếu sự cho phép mở tư thục bị khước từ vì lý do chánh trị, thì sự khước từ ấy sẽ không được kháng cáo.
Nếu sự cho phép mở tư thục bị khước từ vì một lý do không có tính cách chánh trị thì đương sự được phép, trong thời hạn một tháng sau khi nhận được giấy báo về việc này, xin xét lại việc khước từ trước Ban Thường Trực Hội Nghị Tối Cao Giáo Dục nếu tư thục xin mở thuộc bực trung học hay đại học, và trước Hội Đồng Học Chánh địa phương nếu tư thục xin mở thuộc bậc tiểu học. Những đề nghị có lý do rành mạch của Ban Thường Trực Hội Nghị Tối Cao Giáo Dục hay Hội Đồng Học Chánh địa phương sẽ đệ trình cùng với hồ sơ đương sự lên Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục chung thẩm quyết định.
Điều 4: Trong mọi trường hợp, đơn xin mở tư thục phải ghi rõ:
1.- Loại và cấp bực ngành học sẽ dạy trong tư thục xin mở.
2.- Số giáo viên và số lớp dự định.
3.- Lời cam kết sẽ áp dụng trong các lớp dự bị các cuộc thi công cộng, chương trình giáo dục hiện hành ở các trường công lập, để giữ các sổ sách phải có trong các trường công lập, sẽ làm tờ trình hàng năm về tình trạng vật chất và tinh thần của nhà trường, sẽ sẵn sàng chịu nhận sự kiểm soát của các nhà đương cuộc địa phương các, Thanh Tra Học Chánh và các Y Sĩ của Nha Y Tế, trong các giờ giảng dạy.
Nếu đơn xin phép mở tư thục do tư nhân đứng xin, đương sự phải có đủ điều kiện để làm hiệu trưởng và phải khai rõ trong đơn họ và tên, ngày và nơi sinh, quốc tịch, bằng cấp. Những giấy tờ phải đính kèm đơn xin phép mở tư thục do một nghị định của Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục ấn định.
Nếu đơn xin phép mở tư thục do một Hội đứng xin, thì trong đơn cũng phải ghi rõ những điều cần cho biết về vị hiệu trưởng, và vị này cũng phải đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng. Người đứng đơn phải nộp thêm giấy chứng nhận mình được Hội Ủy Quyền để xin phép mở tư thục, một bản điều lệ Hội. Những đoàn thể và hiệp hội tôn giáo chuyên việc giáo huấn đã được phép thành lập và hoạt động đúng theo luật lệ hiện hành, được miễn xuất trình bản sao điều lệ của Hội.
Những tư thục tôn giáo, ngoài việc cam kết áp dụng đúng chương trình hiện hành trong các trường công lập, cần ghi thêm những môn học riêng về tôn giáo.
Điều 5: Không đủ tư cách điều khiển một tư thục, giảng dạy hoặc làm giám thị tại nơi đó:
a) Những người đã can án trọng tội, trừ những án phạt tù sơ ý bất cẩn và những án phạt tiền.
b) Những người không có những đảm bảo cần thiết về hành vi chính trị hoặc về hạnh kiểm.
c) Những công chức bị cách chức vì kỷ luật.
Điều 6: Không người nào được quyền điều khiển cùng một lúc nhiều tư thục. Nhưng một hiệu trưởng có thể điều khiển cùng một lúc một trường chính và một trường nhánh với điều kiện là hai trường này chỉ được cách nhau trong vòng 500 thước.
Hiệu trưởng một tư thục bắt buộc phải tự đảm nhiệm việc quản đốc trường mình. Trong trường hợp mắc bệnh khiến mình không thể điều khiển trường trong thời gian một tháng, hiệu trưởng phải trình lên nhà cầm quyền đã cho phép mở trường một người có đủ điều kiện cần thiết để tạm thay thế mình trong một thời gian không được quá sáu tháng. Quá hạn này, vị hiệu trưởng chính thức, nếu không thể trở lại đảm nhiệm quản đốc trường mình, sẽ phải từ chức để nhường lại cho một người khác có đủ điều kiện xin phép làm hiệu trưởng thay thế mình, bằng không, trường sẽ bị đóng cửa. Trong thời gian có người tạm thay thế, vị hiệu trưởng chính thức vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm về trường mình đối với nhà chức trách.
Điều 7: Giấy phép mở một tư thục cấp cho một tư nhân, một hiệp đoàn hay một đoàn thể, chỉ dành riêng cho tư nhân, hiệp hội hay đoàn thể đó và không thể vì lý do gì hoặc trong một trường hợp nào nhường lại cho người khác.
Điều 8: Mọi thay đổi về nhân viên nhà trường (hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên, giám thị) đều phải do người đại diện hợp pháp của nhà trường báo trình nhà cầm quyền để xin phép; phải kèm theo tờ báo trình hồ sơ hợp lệ của các đương sự.
Quyết định của nhà cầm quyền sẽ được thông tri cho người làm tờ báo trình trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nhận được tờ báo trình.
Quá thời hạn này, sự im lặng của nhà cầm quyền sẽ coi như mặc nhận.
Nếu trong thời hạn ấy nhà cầm quyền có thông tri sự khước từ, thì nội trong ba tháng, kể từ ngày nhận được giấy thông tri này, người đại diện của nhà trường phải trình và chấp nhận nhân viên khác mà nhà trường đã tuyển dụng; nếu không, trường sẽ bị tạm đóng cửa do lệnh của nhà chức trách đã cấp giấy phép mở.
Điều 9: Mọi sự thay đổi về tình trạng nhà trường: Mở thêm lớp, di chuyển trường sở, sửa đổi nội chế nhà trường (nội trú hay ngoại trú), cải tổ loại và cấp bậc học, đều phải có đơn xin phép.
Điều 10: Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục sẽ quyết định về:
1.- Đơn xin miễn văn bằng của nhân viên ban giám đốc, ban giáo sư hay giám thị tại các tư thục.
2.- Đơn xin xác nhận giá trị tương đương giữa bằng cấp ngoại quốc và bằng Việt Nam, do các nhân viên nói trên đệ trình.

TIẾT II
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG
Điều 11: Các trường tư bắt buộc phải thêm hai tiếng "tư thục" vào tên trường ở các sổ sách, giấy tờ, con dấu và bảng hiệu của trường.
Điều 12: Các trường tư thục Việt Nam bắt buộc hoàn toàn áp dụng chương trình học trong các trường công lập Việt Nam để học sinh có thể theo học đầy đủ các cấp bậc và dự được các cuộc thi công cộng trừ trường hợp một số lớp dạy chuyên nghiệp.
Những tư thục tôn giáo, ngoài chương trình bắt buộc có thể được phép dạy một số giờ về tôn giáo.
Những chủng viện có thể được phép tổ chức những lớp dạy theo chương trình đặc biệt.
Điều 13: Hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên và giám thị các tư thục Việt Nam phải có quốc tịch Việt Nam.
Các người ngoại kiều có đủ điều kiện ấn định trong quy chế tư thục có thể làm giáo sư, giáo viên các tư thục sau khi đã được Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục cho phép dạy.
Điều 14: Những điều kiện về tuổi, văn bằng, v.v...mà các hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên và giám thị các tư thục bắt buộc phải có, sẽ được ấn định do nghị định của Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục.
Điều 15: Hiệu trưởng các tư thục bắt buộc phải tuân theo những lề luật vệ sinh về trường ốc.
Khi có bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh dịch, các hiệu trưởng phải báo cho các nhà chức trách địa phương và cấp tốc áp dụng những biện pháp mà luật lệ hiện hành bắt buộc phải thi hành trong trường hợp như thế.
Những nhân viên tư thục nào mà những Y Sĩ của Nha Y Tế khám phá mang một bệnh truyền nhiễm có thể nguy hại đến học sinh sẽ bị nhà chức trách có thẩm quyền bắt buộc phải từ chức.
Điều 16: Khi những trường ốc một tư thục, vì thiếu chắc chắn, có thể nguy hại đến sinh mạng học sinh, hoặc vì chật hẹp hay chăm nom cẩu thả, có hại đến sức khỏe học sinh, hiệu trưởng phải cho chỉnh đốn, sửa chữa hoặc thi hành các biện pháp cần thiết khác, bằng không, trường có thể bị đóng cửa.
Điều 17: Những hiệu trưởng nào muốn đóng cửa trường mình phải báo trình Bộ Quốc Gia Giáo Dục (qua Nha Học Chánh địa phương nếu là tư thục bậc Tiểu Học hay bậc Trung Học)

TIẾT III
SỰ KIỂM SOÁT CÁC TƯ THỤC
Điều 18: Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục có quyền cấm dùng trong các tư thục những sách, báo trái với luân lý, có hại cho trật tự công cộng và không phù hợp với chế độ hiện tại.
Điều 19: Mọi tư thục đều phải chịu sự kiểm soát của chánh quyền. Chánh quyền cử đại diện đến khám các tư thục để xét về hạnh kiểm của nhân viên và học sinh, để xem chương trình học có được áp dụng đúng không, để xét việc giảng dạy và hoạt động của trường được đúng đạo lý, được phù hợp với trật tự công cộng và chế độ hiện hữu, cách xếp đặt trường ốc, thức ăn uống được thích hợp với sức khỏe học sinh hay không, và nói một cách tổng quát, để kiểm điểm xem các tư thục có làm tròn nhiệm vụ mà các luật lệ về ngành tư thục bắt buộc phải tuân hành.
Điều 20: Có phận sự kiểm soát và khám xét các tư thục:
- Các vị đại diện của Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
- Các Giám Đốc Học Chánh địa phương.
- Các vị Đô Trưởng, Thị Trưởng, Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng.
- Các Thanh Tra Học Chánh.
- Các Y Sĩ Nha Y Tế.
- Nhân viên chuyên trách Bộ Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị.
Các Hiệu Trưởng, giáo sư và giám thị các tư thục phải tiếp nhận các vị đến xét trường và giúp các vị này tất cả phương tiện để thi hành phận sự khám trường, bằng không sẽ bị trừng phạt như ấn định ở Điều 29 của Dụ này.
Điều 21: Sau mỗi khi đi khám xét trường, Thanh Tra Học Chánh sẽ gởi đến Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Nha Giám Đốc Học Chánh địa phương và Đô Trưởng, Thị Trưởng hay Tỉnh Trưởng một bản phúc trình vắn tắt ghi rõ:
1.- Tên và địa điểm chính xác của trường.
2.- Tên, họ, quốc tịch và các bằng cấp của hiệu trưởng.
3.- Tên, họ, quốc tịch và bằng cấp các giáo sư và giám thị.
4.- Số và ngày cấp giấy phép mở trường.
5.- Số học sinh ghi tên trong sổ chính thức của trường (sổ danh bộ, sổ điểm danh, sổ ghi điểm).
6.- Số học sinh có mặt.
7.- Tổ chức vật chất trường học.
8.- Phê bình về giá trị sự giáo huấn.
9.- Những nhận xét về hạnh kiểm và tinh thần của nhân viên và học sinh.
10.- Những nhận xét về việc tuân hành các luật lệ về sự học.
Điều 22: Các Thanh Tra Học Chánh có thể buộc nhà trường lập tức nộp một bản những sách hay báo chí đang dùng trong trường, hoặc một tập vở học sinh, để sau này xem xét kỹ lưỡng hơn, nếu xét ra không có gì đáng khiển trách, thì những sách vở và báo chí ấy sẽ do nhà chức trách có thẩm quyền gởi trả lại cho hiệu trưởng.
Điều 23: Các Y Sĩ gởi đến Đô Trưởng, Thị Trưởng hay Tỉnh Trưởng và Giám Đốc Học Chánh địa phương (để chuyển đệ Bộ Quốc Gia Giáo Dục) một bản phúc trình vắn tắt ghi rõ:
1) Tên và địa điểm đích xác của trường.
2) Tên, họ vị hiệu trưởng.
3) Những điều kiện vật chất về cách thu xếp trường học (sự thoáng khí, cách làm cho có ánh sáng ở các lớp học và ở các phòng ngủ và nhà ăn nếu có, bàn ghế học đường, các nơi xung quanh trường), những điều kiện vệ sinh và thức ăn uống nếu có.
4) Tình trạng sức khoẻ của học sinh và nhân viên trong trường.
5) Những việc cải thiện phải thực hiện.

TIẾT IV
TRỪNG PHẠT
Điều 24: Ngoài những hình phạt về những tội thuộc hình luật, nhân viên ngành tư học có thể bị trừng phạt về kỷ luật như sau:
1) Khiển trách.
2) Cấm chỉ tạm thời hay vĩnh viễn trong việc hành nghề.
3) Thu hồi giấy phép và đóng cửa trường.
Điều 25: Những khoản trừng phạt về kỷ luật dự trù ở Điều 24 sẽ có thể áp dụng đối với các hiệu trưởng, giáo sư hay giáo viên tư thục vì hành vi của họ trong khi thừa hành chức vụ hay vì vi phạm lệ luật về ngành tư học. Những khoản trừng phạt ấy cũng có thể áp dụng đối với các hiệu trưởng, giáo sư hay giáo viên tư thục nào có những hành vi phạm đến danh dự của mình, mặc dù không phải là những hành vi trong khi thừa hành chức vụ.
Điều 26: Nhà cầm quyền đã cấp giấy phép mở trường sẽ phán định trực tiếp việc khiển trách.
Cũng nhà cầm quyền này sẽ phán định việc cấm chỉ việc hành nghề và đóng cửa trường.
Điều 27: Khi một tư thục bị đóng cửa do sự thi hành Điều 26 nói trên, để cho phụ huynh học sinh có ngày giờ lo liệu cho con em tiếp tục việc học, tư thục ấy được duy trì việc dạy dỗ trong thời gian một tháng sau ngày đã ấn định phải đóng cửa trường.
Trong trường hợp một tư thục bị đóng cửa tức khắc, chính quyền sẽ bắt buộc hiệu trưởng phải cáo tri ngay các phụ huynh hoặc người giám hộ học sinh, phải trả các học sinh nội trú về cho gia đình chúng hoặc phải tạm gởi chúng vào một giáo dục viện xứng đáng.
Điều 28: Kẻ nào đã mở một tư thục mà không được phép hoặc cố tâm duy trì việc mở trường mình mặc dù đã bị rút giấy phép và đã có lịnh đóng cửa, kẻ nào cố tâm tiếp tục thừa hành chức vụ mặc dù đã bị cấm chỉ và đã được cáo tri, sẽ bị phạt bạc từ 251$ đến 500$ và, nếu tái phạm, sẽ bị phạt từ 1.000$ đến 2.000$ và từ 11 ngày đến 30 ngày, hoặc một trong hai hình phạt đó, không kể những hình phạt khác mà đương sự có thể phải chịu theo hình luật.
Điều 29: Hiệu trưởng hay một giáo sư tư thục nào đã từ khước hoặc làm trở ngại sự khám xét và sự kiểm soát của các giới thẩm quyền sẽ bị phạt bạc từ 251$ đến 500$ và từ 1.000$ đến 10.000$ nếu là tái phạm, không kể các hình phạt mà đương sự có thể phải chịu theo hình luật. Một trường tư thục có án phạt đến hai lần trong một năm vì lý do nói trên sẽ bị đóng cửa.
Điều 30: Nếu sự hoạt động của trường có điều gì không thích hợp với đường lối của Chánh phủ, có hại đến an ninh và trật tự công cộng, nhà trường sẽ bị đóng cửa.
Điều 31: Những nhân viên tư thục phạm lỗi nặng trong khi thừa hành chức vụ, có những hành vi trái với thuần phong mỹ tục, với đường lối của chánh phủ, có hại đến an ninh trật tự công cộng, sẽ bị cấm chỉ trong việc thừa hành chức vụ tạm thời hay vĩnh viễn, tuỳ theo lỗi nặng nhẹ không kể những trừng phạt khác ấn định trong hình luật.

TIẾT V
TRỢ CẤP
Điều 32: Những trợ cấp có thể được ban phát cho những tư thục Việt Nam nào được chánh phủ chú ý về cách tổ chức, chăm nom và kết quả mà những học sinh những trường ấy đã thâu thập trong các cuộc thi công cộng. Số tiền trợ cấp nhiều ít tùy theo sự quan trọng và giá trị từng trường.
Điều 33: Những trợ cấp sẽ được ban phát do nghị định của Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục trong giới hạn ngân khoản ghi trong ngân sách quốc gia về mục này sau khi có thỏa hiệp của Phủ Tổng Thống (Nha Công Vụ, Nha Ngân Sách), Bộ Tài Chánh và theo đề nghị của những Hội Đồng Địa Phương và Trung Ương sẽ được ấn định do nghị định của Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục.

TIẾT VI
ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP
Điều 34: Những tư thục hiện đang hoạt động và có giấy phép chính thức, ngày ban bố Dụ này, được tiếp tục giảng dạy, nhưng phải đủ hai điều kiện sau đây:
1.- Về nội dung (chương trình giảng dạy, hoạt động của trường, cách xếp đặt trường ốc...) trong vòng 3 tháng, phải theo đúng các chỉ thị ở quy chế ấn định trong Dụ này.
2.- Về hình thức: trong vòng 3 tháng, phải gởi đến Bộ Quốc Gia Giáo Dục một đơn xin hợp thức hóa kèm theo các giấy tờ hợp lệ nếu cần.
Điều 35: Trong thời kỳ chuyển tiếp, các tư thục Việt Nam đã được phép dạy chương trình Việt Nam và chương trình Pháp, khi ban bố Dụ này, tạm thời được phép tiếp tục áp dụng hai chương trình giáo dục ấy.
Điều 36: Sẽ ấn định sau, các thể thức cho phép mở:
1.- Những tư thục bậc đại học.
2.- Những tư thục tôn giáo bậc đại học.
3.- Những tư thục ngoại kiều trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 37: Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục, Bộ Trưởng Nội Vụ, Bộ Trưởng Tư Pháp, Bộ Trưởng Tài Chánh, Bộ Trưởng Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị, Bộ Trưởng Ngoại Giao, Bộ Trưởng Xã Hội và Y Tế và các Đại Biểu Chánh Phủ, chiếu nhiệm vụ, lãnh thi hành Dụ này.
Dụ này sẽ đăng vào Công Báo Việt Nam Cộng Hòa và được thi hành kể từ ngày ký.

Sài Gòn, ngày 23 tháng 10 năm 1956
Ký tên : NGÔ ĐÌNH DIỆM

PHỤ BỔN
Sài Gòn, ngày 2 tháng 11 năm 1956
KT. Đổng Lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống
Phó Đổng Lý
Ký tên : TRẦN VĂN PHÚC

Đăng ngày 04 tháng 08.2016