banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

"Cộng sản không thể nào sửa chữa mà cần phải đào thải nó"   
    Boris Yeltsin


Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa

Ngô Nhân Dụng

2016 APR 3 Vong_than-EĐầu tuần này, thông tấn xã nhà nước Trung Cộng mới loan tin Bộ Trưởng Quốc Phòng Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan,常万全) mới kêu gọi toàn quân (2 triệu 300 ngàn quân sĩ) và toàn dân (1 tỷ 300 triệu người)hãy sẵn sàng được động viên bất cứ lúc nào để dự một cuộc “chiến tranh nhân dân trên mặt biển,” vì tình hình căng thẳng ở vùng biển phía Nam, tức biển Đông Nam Á.

Ông Thường Vạn Toàn sẽ đánh “chiến tranh nhân dân” trên mặt biển như thế nào? Một chiến thuật quen thuộc của cộng sản Trung Quốc từ thời còn tranh giành lục địa với Trung Hoa Quốc Dân Đảng là khi kiểm soát được nhân dân ở đâu thì đẩy dân ra phía trước lãnh đạn, rồi dùng chính những xác chết đó kích thích lòng căm thù đối với bên địch. Một thủ đoạn khác là khủng bố những người dân đang được đối phương bảo vệ, bằng bom, đại pháo, mìn bẫy, hầm hố, vân vân, rồi tuyên truyền rằng bên địch không đủ sức gìn giữ an ninh.
Trung Cộng đang thi hành những thủ đoạn “chiến tranh nhân dân” để đối phó với những “quân thù” trong vùng biển phía Nam và cả phía Bắc. Thường Vạn Toàn đã sai một đoàn nghệ sĩ ca múa ra tận hòn đảo nhân tạo dựng trên vùng đá ngầm Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc Biển Đông nước ta, để tác động binh sĩ đang bị đầy nơi “tiền tuyến,” thực hiện âm mưu bành trướng của các lãnh tụ Trung Nam Hải. Ca sĩ Tống Tổ Anh (Song Zuying, 宋祖英), 40 tuổi, đã hát bài “Ca khúc Những người lính Bảo Vệ Nam Hải!”
Còn tại phía Bắc, Trung Cộng đã “phản pháo” các hành động hợp tác giữa Nam Hàn, Nhật Bản, và Mỹ, cũng dùng thủ đoạn “chiến tranh nhân dân” khác. Để phản đối các chính phủ Washington và Seoul đồng ý đưa giàn phòng thủ chống hỏa tiễn (THAAD) qua Nam Hàn, và quyết định của Seoul sẽ hợp tác về tin tức tình báo với Nhật Bản, Bắc Kinh đã tấn công ngay vào các nghệ sĩ, tài tử điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc!
Các đài truyền hình và các công ty phim ảnh do Trung Cộng kiểm soát đã được lệnh ngưng chiếu các chương trình mới của Hàn Quốc, ngưng hợp tác là phim chung, và không được mời các tài tử “Sao Hàn” qua lục địa Trung Hoa gặp gỡ khán giả! Những tài tử được dân lục địa yêu mến bị nằm trong danh sách không được mời có cả Kim Soo-hyun, (김수현; tên chữ Hán Kim Tú Hiền 金秀賢), vai chính trong phim Tình Yêu từ Tinh Tú, và Song Joong-ki, (김수현 tên chữ Hán Tống Trọng Cơ, 宋仲基), phim Con Cháu Thái Dương. Cuốn phim truyện thứ nhì này đã được chiếu trên ti vi Nam Hàn và Trung Quốc cùng một lúc suốt 14 tuần lễ, kể chuyện một đại úy Nam Hàn (Song Joong-ki) yêu một nữ bác sĩ. Sau chương trình này, Nam Hàn đã cảm thấy hãnh diện về quân đội của họ, thanh niên đua nhau tập nói với nhau như nhà binh! Phim hấp dẫn đến nỗi các lãnh tụ văn nghệ trong quân đội Trung Cộng ra lệnh các nhà làm phim phải bắt chước để “nâng cấp” bộ mặt của “quân đội nhân dân.”
Nhưng đầu tuần này, các đài ti vi Trung Cộng được lệnh ngưng làm phim chung với Nam Hàn, các tài tử nổi danh trên sẽ không được mời đóng các phim do Trung Cộng sản xuất. Tại sao bỗng dưng Bắc Kinh trở mặt với Seoul như vậy?
Tháng Chín năm ngoái, trong dịp Trung Cộng tổ chức cuộc duyệt binh vĩ đại mừng chấm dứt Đại Chiến Thứ Hai, Tổng Thống Nam Hàn Park Geun-hye là lãnh tụ duy nhất của một nước tự do đến tham dự, ngồi bên cạnh Tập Cận Bình và Vladimir Putin; trong khi các nước Âu Mỹ lớn đều từ chối! Bà Park Geun-hye có đủ lý do để chiều ý Bắc Kinh: Trung Quốc là nước mua nhiều hàng xuất cảng của Nam Hàn nhiều nhất!
Nhưng đầu năm nay, hai chính phủ Nam Hàn và Mỹ công bố chương trình đưa hệ thống chống hỏa tiễn THAAD qua, gọi là để đề phòng Bắc Hàn xâm lăng. Quyết định này được đưa ra mấy ngày trước khi Tòa Trọng Tài Quốc tế tuyên phán về vụ Philippines kiện Trung Cộng về Biển Đông!
Lập tức, thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng triệu các đại sứ Mỹ và Nam Hàn tới bầy tỏ ý kiến phản đối; coi là hành động này “đe dọa” an ninh của Trung Quốc và gây bất ổn trong vùng Đông Bắc Châu Á. Tháng trước, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đến Bắc Kinh, trong thông cáo chung lãnh tụ Nga và Trung Cộng cùng lên án việc Nam Hàn đón nhận giàn radar THAAD.

Tại sao THAAD khiến cho Nga và Tàu lo lắng như vậy? Bên ngoài, họ nói rằng đưa hệ thống phòng thủ này tới bán đảo Cao Ly sẽ kích động Bắc Hàn phát triển thêm những hỏa tiễn tầm xa mạnh hơn. Nhưng ai cũng biết Kim Chính Un làm hỏa tiễn để đe dọa lân bang, không cần chờ có THAAD mới làm. Nguyên nhân chính gây ra phản ứng của Trung Cộng và Nga là những radar của THAAD có thể “nhìn” xa tới 4,000 cây số; tuy đặt tại Nam Hàn nhưng có thể nhìn tới tận Biển Đông của Việt Nam và vùng Tân Cương, Thanh Hải phía Tây nước Tàu. Đặc biệt là nhất cử nhất động của Trung Cộng ở eo biển Đài Loan sẽ được thấy rõ từng chi tiết. Nhưng radars này nhắm vào các phi đạn và máy bay ở độ cao từ 40 km đến 150 km trên mặt biển.
Ngày 8 tháng Bảy vừa qua, Mỹ và Nam Hàn đã chọn một địa điểm đặt giàn radar trị giá 830 triệu đô la đầu tiên. Hệ thống được đặt dưới quyền chỉ huy của người Mỹ, họ đang có 28,500 quân sĩ trú đóng ở Nam Hàn từ cuối năm 2016.
Nhưng Bắc Kinh không phản ứng “dữ dội” khi nghe tin hệ thống THAAD được quyết định sắp tiến hành. Cuộc “chiến tranh nhân dân” nhằm vào các tài tử chiếu bóng và ti vi Nam Hàn được Trung Cộng tung ra ngay sau khi chính phủ Seoul tiến hành một bước mới.
Tuần trước, bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn tuyên bố chính phủ ông sẽ chia sẻ với chính phủ Nhật Bản các tin tức “về các hỏa tiễn của Bắc Hàn.” Đó là những dữ liệu, thông tin do hệ thống THAAD thu lượm được, sau khi thiết lập.
Đối với Bắc Kinh, đây là một tin động trời! Nếu Nam Hàn và Nhật Bản có thể trao cho nhau những tin tức tình báo về Bắc Hàn thì họ cũng có thể trao đổi những gì mà hệ thống THAAD có thể nhìn thấy ở khắp vùng Đông Bắc và Đông Nam châu Á!
Điều đáng chú ý đặc biệt trong quyết định mới của Seoul là hành đồng này trái ngược với chính sách của các chính phủ Nam Hàn từ hơn nửa thế kỷ nay. Từ khi độc lập đến nay, các chính phủ Nam Hàn luôn luôn tránh không có quan hệ về quân sự với Nhật. Dân chúng Hàn Quốc vẫn chưa quên những năm nước họ bị quân Nhật chiếm đóng và cai trị tàn bạo. Tới nay hai nước vẫn còn tranh chấp nhiều hòn đảo. Bây giờ, Seoul đơn phương thay đổi chính sách lâu đời đó! Ông bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn đã nêu lý do biện minh cho quyết định này, ông nói rằng năm 2014, ba nước Mỹ, Nam Hàn và Nhật đã ký kết cùng cộng tác với nhau trong việc đề phòng hỏa tiễn Bắc Hàn. Chia sẻ tin tình báo chỉ là một hệ quả.
Điều làm Bắc Kinh lo ngại chính là vì thấy nước Mỹ đứng đằng sau cả Nhật Bản lẫn Nam Hàn, mỗi quốc gia này đều đã có hiệp ước song phương với Mỹ về an ninh. Hành động hợp tác chia sẻ tin tức tình báo này, có thể dẫn tới tương lai cộng tác giữa ba quốc gia. Khi ba nước cộng tác chính thức, Nhật Bản và Nam Hàn có thể điều hợp quyền lợi với nhau cả trên mặt quân sự, thì Trung Cộng sẽ mất địa vị trên bán đảo Triều Tiên.
Trung Cộng sẽ không thể đóng vai “trung gian” giữa Bắc và Nam Hàn, giữa Nam Hàn và Nhật Bản, giữa Bắc Hàn với Mỹ, Nhật, và các nước khác! Từ đó, miền Đông Bắc Á Châu sẽ có hai liên minh. Một bên là Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản; bên kia là Trung Cộng, Nga và Bắc Hàn.
Tức là trở lại tình trạng thời “Chiến Tranh Lạnh” như trước năm 1990!
Nếu “Chiến Tranh Lạnh” đã chấm dứt sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, thì tại sao lại tái diễn trên vùng Đông Bắc Á Châu?

Chúng ta thấy, ngày nay không còn hai khối tư bản và cộng sản tranh đua chiếm phần trong thế giới nữa. Những liên minh mới đối đầu nhau hiện nay không được phân biệt dựa trên tiêu chuẩn ý thức hệ nữa. Những nước liên kết với nhau có một sợi dây ràng buộc khác, một bên là những nước theo chế độ dân chủ tự do; bên kia là những nước độc tài. Mỹ, Nhật, Nam Hàn đều dân chủ tự do. Nước Nga tuy mang cái vỏ dân chủ nhưng bên trong do một thiểu số nắm quyền, mị hoặc dân chúng. Trung Cộng chỉ nới lỏng một phần kinh tế nhưng vẫn chuyên chế về mặt chính trị. Còn Bắc Hàn cổ lỗ nhất, độc tài toàn trị theo lối cha truyền con nối!
Cuối cùng “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa,” cả trong bang giao quốc tế! Chỉ thương cho các bà các cô trong lục địa Trung Hoa. Sống trong một chế độ mà nhà nước kiểm soát tất cả các báo, các đài, cả những nhà sản xuất phim và tổ chức đại nhạc hội, họ sẽ không được coi các “sao Hàn” đang khiến trái tim hàng trăm triệu người khắp thế giới thổn thức!

Ngô Nhân Dụng

http://www.vietthuc.org


Những điều hối tiếc

Huy Phương

Chúng ta thường tiếc nuối những gì chúng ta đã đánh mất: thời gian, tuổi trẻ, sức khỏe, tiền bạc và tình yêu. Có lẽ, lúc về già người ta tiếc nuối nhiều hơn, vì thời gian đã trôi qua, không còn níu kéo lại được, cũng như những sự lỗi lầm không thể đảo ngược. Còn với tuổi trẻ, như ở độ tuổi 30, họ có nhiều cơ hội để “làm lại cuộc đời,” bổ túc những gì mình đã thiếu sót, sống và làm những gì mình yêu thích mà chưa có cơ hội thực hiện.
Chúng ta thử nhìn tổng quát qua một cuộc khảo sát do hệ thống truyền hình UKTV Gold Anh Quốc thực hiện trên 1,500 người 65 tuổi và 1,500 người tuổi từ 20 đến 30, lẽ cố nhiên đây là những điều hối tiếc của những thần dân của Nữ Hoàng Anh Quốc, khác với những điều hối tiếc của chúng ta, những người Việt Nam, nếu có. Vì “Gold” là một băng tần hài hước của nước Anh nên có thể quý vị sẽ cho những điều hối tiếc này, có lẽ có phần nhảm nhí!
Hầu hết những người về già ở Anh Quốc đều tỏ ra hối tiếc rằng mình đã không làm “chuyện ấy” nhiều hơn một tí, trong lúc còn trẻ trung. Bây giờ già rồi, có muốn làm cũng không được, vì “kho đạn Long Thành không bồi hoàn cấp số đạn không sử dụng đúng thời gian.” Nếu bây giờ cho những người này “đi lại từ đầu,” hơn 70% số người 65 tuổi cho biết sẽ dành nhiều thời gian hơn để ân ái.
Ít hơn sự tiếc nuối về tình dục, 57% số người được phỏng vấn, nghĩ rằng, trước kia, mình đã không dùng thời gian để đi du lịch thế giới nhiều hơn. Bây giờ mắt đã mờ, chân yếu. có khi phải chống gậy, đi xe lăn, mang tã lót, chuyện đi chơi xa chỉ còn là chuyện không bao giờ thực hiện được. Thôi xin giã từ những chuyến bay, những đêm vui, những bữa ăn bên bờ biển, hay những buổi leo núi, những phong cảnh tuyệt vời của thế giới.
43% tiếc rằng mình đã không đổi nghề. Theo thống kê của Văn Phòng Lao Động Úc, hơn 50% người đổi nghề sau 5 năm, 20% mỗi năm làm một nghề. Ở Mỹ, tính trung bình, trong cuộc đời của một người Mỹ, họ đổi nghề 11.7 lần. Một đời người làm việc, khoảng 40 năm, thì chưa đầy 4 năm, người Mỹ đã đổi qua một nghề khác. Thiên hạ đổi nghề xoành xoạch như vậy, thì còn gì nữa mà hối tiếc!
40% người già nuối tiếc tuổi trẻ tiêu pha xa xỉ, đã không dành dụm được chút tiền để lo cho tuổi già, bây giờ phải hối hận, (điều này có vẻ ngược lại với 19% đã hối tiếc mình đã không mạnh dạn chi tiêu cho những thứ xa xỉ.) Một năm tòa xử bao nhiêu vụ ly dị, xã hội xảy ra bao nhiều lần vợ chồng chém giết nhau, nhưng chỉ có 21% cho mình có lầm lẫn về hôn nhân!
Đối với những thanh niên tuổi từ 20 đến 30, khi các nhà nghiên cứu đặt những câu hỏi xem họ có mong muốn thay đổi điều gì từ những năm tháng trước đó hay không, kết quả cho thấy những người này quan tâm đến tài chính và chính trị hơn là những chuyện về sex hay là chuyện nghề nghiệp. Đứng đầu điều nuối tiếc của giới trẻ là nỗi lo về tài sản, 77% ước chi họ đã tích lũy tài sản sớm hơn. Hơn một nửa (56%) tiếc rằng mình đã lãng phí tiền bạc trong thời gian qua. Về chính trị, 45% hối hận mình đã bầu cho ông này, thay vì mình nên bầu cho vị khác. 44% nghĩ rằng mình phải được danh vọng hơn, 34% cho rằng mình chưa được đi nhiều nơi (còn nhiều thời gian để đi.) 32% nghĩ rằng mình đã sai lầm trong lần đầu nếm “trái cấm,” 30% hối hận đã không học tập chăm chỉ hơn, 29% cho rằng mình nhậu nhẹt hơi quá đà.
Đó là chuyện bên Anh.
Còn chúng ta, những người Việt thì sao?

Trong một đất nước Việt Nam mà chiến tranh, lưu lạc, đổi dời đã chia cuộc sống chúng ta ra làm trăm mảnh, và mỗi người có biết bao nhiêu điều hối tiếc. Nói về những hối tiếc lớn trong cuộc đời thì trên thế giới này không ai có những nỗi hối tiếc khổ đau lớn lao như người Việt Nam, khiến cho những chuyện như đổi nghề, kế hoạch về tài chánh, học vấn, tình yêu… đều là quá nhỏ nhoi, trẻ con.
Tháng 4, 1975, nhiều người hối tiếc vì đã ngây thơ không hiểu gì về chế độ và con người Cộng Sản, đã ở lại đất nước, thay vì phải bỏ nước ra đi. Những người đã ra đi đến bến bờ tự do, nhưng 1,652 người đã quay lại Việt Nam trên con tàu Việt Nam Thương Tín, để cuối cùng bị còng tay đưa vào nhà tù, với niềm ân hận cay đắng dày vò, đeo đẳng suốt cuộc đời họ. Nhiều nhân vật đảng phái, quân đội hối hận đáng lẽ ra phải bỏ nước hay tự sát, còn hơn là bị giam cầm, bỏ đói và hạ nhục bởi những người thắng trận trong suốt một thời gian dài.
Hối tiếc vì lòng tin bị phản bội như Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Tô Hải, Lê Hiếu Đằng… vì suốt đời đi theo Cộng Sản mà “cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức”(Hồi ký của một thằng hèn – trang 53).
Đau khổ và đắng cay của những trí thức miền Nam như Dương Quỳnh Hoa: “Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn.”
Trương Như Tảng tham gia sáng lập và giữ chức bộ trưởng Bộ Tư Pháp của chính phủ “bù nhìn” Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam: “Tôi đã là người Cộng Sản cả đời tôi. Nhưng bây giờ khi chứng kiến những sự thật về chủ nghĩa Cộng Sản và sự thất bại của nó, quản trị kém, tham nhũng, đặc quyền, áp chế, lý tưởng của tôi đã hết.”
Năm 1978, Trương Như Tảng xuống thuyền vượt biển và sinh sống ở Pháp. Tại đây ông đã viết cuốn hồi ký “Mémoire d’un Vietcong.”
Trí thức Nguyễn Mạnh Tường theo Cộng Sản từ năm 27 tuổi, đã từng “trải nghiệm gian khổ trong chiến tranh, trong cách mạng” suốt 40 năm. Nhưng rồi ông đau khổ nhận rằng: “Con cừu thì không thể lý luận với một con chó sói.”
Số phận ông đã được Việt Cộng quyết định: Bỏ cho chết đói giữa một sa mạc hận thù không lối thoát. Ông than thở: “Tôi đã là kẻ lữ hành trong chuyến đi qua sa mạc kéo dài từ năm 1958 đến năm 1990, hơn ba mươi năm dài đằng đẵng! Chìm trong vùng cát của sa mạc tuyệt vọng làm cạn khô dòng nước mắt, tôi đã lê tấm thân bị tra tấn bởi thiếu thốn cô đơn với quả tim rướm máu bởi nỗi buồn chua cay và vị đắng của mật!”
Cuối cùng, ông chết trong đói nghèo, bị dày vò, đau khổ vì sự lầm lẫn của mình.
Triết gia Trần Đức Thảo, cuối năm 1951, trở về Việt Nam tham gia kháng chiến, qua ngã London – Praha – Mạc Tư Khoa – Bắc Kinh – Tân Trào. Lúc đầu Trần Đức Thảo được trọng dụng theo chuyên môn, nhưng đến năm 1956, hai bài báo của ông trên hai tờ Nhân văn và Giai phẩm mùa Đông đã khiến ông phải ra khỏi “biên chế nhà nước,” nghĩa là bị đuổi việc, vợ bị Đảng sắp xếp cho kết hôn với người khác.Nhà triết học Trần Đức Thảo có thời gian đi lao động ở Tuyên Quang, chăn bò ở nông trường Ba Vì, coi như để “cải tạo tư tưởng.” Năm 1991, ông được Nguyễn Văn Linh cho đi Pháp, để bổ sung một số tư liệu khoa học và viết nốt mấy tác phẩm mà ông đã có đề cương. Sau khi hết trợ cấp, ông không về nước. Tại Paris, ông sống một cuộc đời cô đơn, nghèo khó, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ như bị người theo dõi.
Tối ngày 23 tháng 4, 1993 tại nhà khách của sứ quán Việt Nam, số 2 Le Verrier, quận 5, triết gia Trần Đức Thảo, có triệu chứng bệnh như bị đầu độc và đã qua đời vào sáng hôm sau. Tuy vậy khi mất, ông được chính phủ CSVN gắn cho một cái huân chương Độc Lập, và tuyên bố “đã được đại sứ quán của nước ta tại Pháp tận tình chăm sóc!” Và 10 năm sau, họ lại dựng thây ma ông lên, truy tặng thêm cho một cái giải thưởng Hồ Chí Minh, và ca tụng “tư tưởng ông giống tư tưởng Hồ Chí Minh.” Bình tro của ông được đem về Việt Nam, vứt nằm lăn lóc dưới chân cầu thang, trong một cái nhà quàn ở Hà Nội,về sau mới được chôn cất ở Nghĩa trang Văn Điển, mà không phải Mai Dịch, vì chính quyền cho rằng ông “chẳng có công trạng” gì!

Trong phần đầu của bài này, bạn đọc đã thấy những cái “hối tiếc” vớ vẩn của con người, nếu so với những hối tiếc của những con người Việt Nam trong “thời đại Hồ Chí Minh,” không còn là những hối tiếc nữa, mà là những mối hận, “mang xuống tuyền đài chưa tan!”

Huy Phương

http://www.vietthuc.org


Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: “Năm 1989, tôi sang Pháp và lưu lại Pháp 4 tháng. Phóng viên Le Monde đến phỏng vấn. Họ muốn tôi lợi dụng cơ hội này để trả thù. Tôi lấy ý “cú đá của con lừa” trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine để trả lời, tôi nói: Chỉ có con lừa mới đá con sư tử già, người tri thức đâu phải là con lừa!”.

NMTuong
Ls Nguyễn Mạnh Tường và bìa quyển “Un excommunié (Kẻ bị khai trừ)” xuất bản tại Paris năm 1992. (Ảnh: RFI/Internet)

Trên trang VNTB_FB, ở bài viết “Thư gửi anh Điếu cày”, tác giả Nguyễn Tuấn có nhắc tới sự kiện “bài phát biểu tháng 10 năm 1956 tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đọc trước phiên họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, ngày 30 tháng Mười, 1956 rằng từ chiến dịch Giảm tô đến Cải cách ruộng đất đã làm Đảng Cộng sản Việt Nam bị mất uy tín đối với nhiều người dân”.
Bài phát biểu này có thể xem là một trong những chứng cứ dữ liệu về một hồ sơ “Tội ác chống nhân loại”.

KẺ BỊ KHAI TRỪ
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997), năm 23 tuổi đã đậu hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa ở Đại học Montpellier, Pháp. Sau khi về nước, ông dạy học tại trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat). Bất mãn vì chính sách kỳ thị của Pháp, ông bỏ nghề dạy ra mở văn phòng luật sư.
Năm 1946, ông tham dự Hội nghị Việt-Pháp tại Đà Lạt nhưng không được cử đi dự Hội nghị Fontainebleau. Ông theo chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến chống Pháp tới ngày ký Hiệp định Genève 1954 thì trở về Hà Nội dạy học ở trường Đại học Văn khoa.
Với tư cách thành viên của Mặt trận Tổ quốc, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài diễn văn này (như đã dẫn ở trên) trong một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, ngày 30 tháng Mười, 1956.
Cũng nên nhắc lại rằng bài diễn văn này được đọc sau khi Trung ương Đảng hạ lệnh chấm dứt chiến dịch Cải cách Ruộng đất ngày 20-7-1956 và sau đó ban hành các biện pháp sửa sai.
Vì bài diễn văn này, ông Tường bị tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp và phải sống một cuộc đời vô cùng thiếu
thốn. Năm 1991, nhân dịp được phép sang Pháp ông đưa cho nhà xuất bản Quê Mẹ ở Paris in và phát hành cuốn sách tự thuật L’excommunié (Kẻ bị khai trừ) năm 1992.
Ngày 13 tháng 6 năm 1997, luật sư Nguyễn Mạnh Tường qua đời vì tuổi già tại nhà số 34 phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thọ 88 tuổi.
“Ở Hội nghị của Mặt trận Tổ Quốc, họp ở Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi ông Trường Chinh, thay mặt Đảng Lao động Việt Nam, tự phê bình về các sai lầm đã phạm trong Cải cách ruộng đất, tôi đọc bản tham luận “Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo”. Từ góc độ một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, tôi nói đến một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự”.
“Đi Hội nghị về, Nguyễn Hữu Đang đến phỏng
vấn, rồi viết bài đăng lên báo Nhân văn. Tôi như thành một người “phạm pháp quả tang”, bị sa thải khỏi Đại học và không được hành nghề Luật sư nữa”.
“Từ 1957 là thời kỳ đen tối của cuộc đời tôi. Tuy vậy, tôi đã lợi dụng thời gian rảnh rỗi này để viết sách, trong đó có cuốn Lý luận giáo dục châu Âu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, tôi cố ý viết bằng tiếng Việt để lãnh đạo có thể đọc được”.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã kể như vậy và được người học trò – hiện tại là giáo sư – Nguyễn Văn Hoàn ghi lại và được đăng trên báo Hồn Việt (http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2599-ky-niem-ve-thay-nguyen-manh-tuong.aspx).

NHỮNG CÁI CHẾT TỨC TƯỞI
Trong tham luận “Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo”, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đã viết:
“Tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải cách Ruộng đất. Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta”.
“Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hy sinh, có thể nói được, chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở”.
“Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi?”.
“Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được? Nếu chúng ta duy tâm và tin rằng linh hồn còn tồn tại thì một phần nào ta chuộc lại được tội lỗi của ta”.
“Nhưng ta duy vật và các người ấy lúc chết cũng là duy vật. Do đó, cái nỗi khổ cực của họ ta biết rõ rằng bây giờ ta không thể nào thủ tiêu được nữa. Quyền hạn của ta
không tới đó”.
“Nhưng cái gì ta có thể làm được, ta cần làm, để như là đền bù một phần nào sự tổn thiệt của các người ấy, và chứng minh ta thấm thía nỗi đau khổ của họ khi họ từ trần là ta cương quyết rút bài học kinh nghiệm đau đớn và sửa chữa các sai lầm nghiêm trọng mà họ là nạn nhân”.

CÁCH MẠNG ĐÃ BỊ PHẢN BỘI
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, trong tham luận (nói ở trên), đã không tin rằng những người nhân danh Đảng cầm quyền thực sự sửa sai, mặc dù nhìn ra những sai lầm của mình.
“Đường lối cách mạng của ta đòi hỏi gì? Ruộng phải trở về người cày. Điều này rất đúng không ai có thể chối cãi được. Nông dân là đại đa số trong nhân dân, nông dân là quân đội chủ lực của cách mạng, nhất định cách mạng không thể nào thành công được nếu ta không thỏa mãn nhu cầu thiết yếu và cấp bách của nông dân. Không cần phải là một nhà chính trị cao, một nhà cách mạng thạo, cũng nhận thấy điều ấy. Chỉ cần nhìn lịch sử cách mạng từ thời kỳ cổ đại đến giờ là đủ hiểu rồi”.
“Như vậy về nguyên tắc, ta tán thành chủ trương Cải cách Ruộng đất”.
“Về phương pháp, ta có nên ban ơn cho nông dân không? Nhất định là không. Nông dân ta trong bao nghìn năm đã khổ cực dưới chế độ bóc lột phong kiến và một trăm năm nay dưới chế độ bóc lột thực dân”.
“Đồng bào nông thôn ta lầm than như vậy, đã mất hết khí thế con người. Ta cần khôi phục khí thế của người nông dân, xây dựng cho họ tinh thần chủ nhân ông trên đất nước. Do đó ta thấy cần thiết phải phát động tư tưởng của họ để họ nhận được phân minh kẻ thù của họ, để họ vùng giậy nắm lấy quyền thế ở nông thôn”.
“Nhưng từ đây trở đi, ta thấy khởi phát các sai lầm. Sai lầm này, ông Trường Chinh đã nhận thấy là ở chỗ: ta quên hẳn ta hiện thời nắm chính quyền và chính quyền ấy, nếu ta biết sử dụng nó, khai thác nó một cách sáng suốt, nhất định ta vẫn thành công nhưng ta tránh được bao tai họa làm ta đau khổ hiện thời”.
“Con đường ông Trường Chinh đã đi để tiến tới kết luận ấy là con đường chính trị. Các anh em tôi là những nhà luật học, chỉ là nhà chuyên môn và lý luận trên cơ sở chuyên môn
đã trông thấy kết luận ấy ngay từ khi chính sách phát động và Cải cách được đề ra”.
“Tại sao? Vì giải pháp chính quyền cụ thể là giải pháp pháp lý, đảm bảo thắng lợi hoàn toàn của cách mạng nếu ta biết mang nó ra phục vụ chính trị và cách mạng”.
“Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết đánh đúng địch”.
“Khi đưa ra khẩu hiệu “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch” thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa”.
“Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản lại cách mạng thì là gì?”.

CÁCH MẠNG DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM: HÃY KIÊN NHẪN
Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn nhớ lại: Chiều ngày 18-9-1991, tôi đến nhà Thầy ở số 34 phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.
Đi qua một cái sân nhỏ có nhiều bóng cây, tôi đi vào phòng khách của một biệt thự cổ, toàn bàn ghế cổ sau bao “tang thương dâu bể”. Thầy đã quá già, so với hồi năm 1953, tôi học với Thầy ở Ban Sư phạm cao cấp của Trường dự bị Đại học Liên khu IV ở Thanh Hóa.
Và đúng như tôi dự đoán, mấy câu La-tinh trích từ Kinh Thánh, từ các Thánh Ca đã làm tôi lúng túng, Thầy chỉ giảng khoảng 15 phút là xong. Hầu như cả buổi chiều hôm ấy Thầy nói như trút hết cả nỗi niềm, tâm sự. Sau đây tôi xin được lược ghi lại lời Thầy: (…)
“Tôi đánh giá rất cao nền Văn học châu Âu, từ Văn học Hy Lạp – La Mã đến Văn học Pháp, từ Montaigne đến Rousseau. Theo tôi, về xây dựng con người ta thiếu cân bằng giữa trí tuệ và tình cảm, về phương pháp tư duy ta nặng về ý chí không tưởng mà nhẹ về duy lý và đầu óc phê phán”.
“Năm 1989, tôi sang Pháp và lưu lại Pháp 4 tháng. Phóng viên Le Monde đến phỏng vấn. Họ muốn tôi lợi dụng cơ hội này để trả thù. Tôi lấy ý “cú đá của con lừa” trong thơ
ngụ ngôn của La Fontaine để trả lời, tôi nói: Chỉ có con lừa mới đá con sư tử già, người tri thức đâu phải là con lừa!”.
“Họ lại hỏi: Ở Roumanie, Ceausescu đã sụp đổ, Việt Nam thì sao?”
“Tôi trả lời: Roumanie là Roumanie, Việt Nam là Việt Nam. Ceausescu thì so sánh thế nào được với Hồ Chí Minh. Trên đất nước Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam là mạnh nhất. Không thể lật đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam nhưng nó phải được tổ chức lại, phải sa thải bọn tham ô. Phải lập lại truyền thống Diên Hồng và lắng nghe ý kiến của nhân dân”.
“Họ lại hỏi: Thế theo ông, bao giờ thì có cách mạng dân chủ ở Việt Nam?”
“Tôi đọc câu thơ của Paul Valéry: Patience, patience,/ Patience dans l’azur!/ Chaque atome de silence/ Est la chance d’un fruit mur!”.
Kiên nhẫn, hãy kiên nhẫn,/ Kiên nhẫn trong trong xanh!/ Mỗi sát-na yên tịnh/ Cơ may một quả lành! (Bác sĩ Trần Ngọc Ninh dịch).
Bây giờ là tháng 11-2014. Hai mươi lăm năm đi qua, người Việt vẫn tiếp tục kiên nhẫn và kiên nhẫn…

[*] Bài viết được đăng lại với sự đồng ý của Việt Nam Thời Báo. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cao Minh Tâm,Ai đã giết đồng bào mình?“, Việt Nam Thời báo, ngày 08 Tháng 11 năm 2014.
© 2014 Việt Nam Thời Báo


https://www.youtube.com/embed/EdgAxYR0KV8','frameborder':'0'},'hspace':null,'vspace':null,'align':null,'bgcolor':null}" width="302" height="190">
Bài giảng về cộng sản của Lm Nguyễn Ngọc Nam Phong tại VN

Đăng ngày 09 tháng 08.2016