“Cộng Sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng đôc, sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời" (Đức Dalai-Lama)
Hiểm họa Trung Cộng và bài học Tây Tạng
Trần Trung Đạo
Hôm nay, ít ra một nửa của học viện Larung Gar nổi tiếng thế giới đang bị phá hủy. Dù che giấu dưới bất cứ lý do gì, thực chất của việc phá hủy cũng chỉ nhằm xóa bỏ nền văn hóa lâu đời của Tây Tạng. Chính sách đồng hóa Tây Tạng không chỉ bắt đầu mới đây mà từ năm 1950 khi Trung Cộng xua quân chiếm đóng nước này.
Giống như các chế độ CS khác, chế độ CS tại Trung Quốc nói chung và Tây Tạng nói riêng tồn tại nhờ vào hai phương tiện được thực hiện song song và có tác dụng hỗ tương: trấn áp bằng bạo lực và tẩy não bằng tuyên truyền.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dân tộc nhỏ nhoi nhưng được xem như là “mái che” của thế giới với đỉnh Mt Everest cao 8,848 mét đang chịu đựng dưới chính sách trấn áp khắc nghiệt của Trung Cộng, nhất là tại các nhà tù.
Nếu nhà tù San Quentin được xây ở Tây Tạng
Đại sư Chagdud Tulku là một bậc cao tăng của Phật Giáo Tây Tạng. Trước khi viên tịch vào năm 2002, ngài được thỉnh giảng tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ và Châu Âu. Đại sư rất được trọng vọng và những lớp giảng của ngài có hàng ngàn người tham dự. Tuy nhiên, ngài không quan tâm đến số đông hay danh dự dành riêng cho ngài nhưng sẵn lòng đi đến bất cứ nơi nào cần sự có mặt của mình dù nơi đó là một khu biệt giam dành cho tử tù và dù chỉ để làm lễ thọ giới cho một tù nhân. Nơi ngài đến là nhà tù San Quentin, tiểu bang California và người được ngài quy y là tử tù Jay Master bị kết án tử hình. Nghi thức diễn ra ngay tại phòng thăm viếng của nhà tù vào năm 1989.
Như Jay Master kể lại trong blog của anh. Hôm đó, đại sư Chagdud Tulku đến nhà tù San Quentin rất sớm. Ngài ngồi im. Những ngón tay nâu đậm đầy vết nhăn đang lặng lẽ lần tràng hạt. Đôi mắt ngài như đang chiêm nghiệm những gì đang xảy ra chung quanh. Vạt áo tràng với những nút màu xám phủ dài trên sàn phòng đợi rất ồn ào với đủ hạng người đang chờ giờ thăm viếng thân nhân. Có người bực dọc lớn tiếng vì chờ đợi quá lâu.
Để làm dịu không khí, đại sư Chagdud Tulku chia sẻ với mọi người một câu chuyện cũng về nhà tù, không phải San Quentin ở Mỹ mà một “San Quentin” trên quê hương Tây Tạng của ngài. Trong nhà tù ở Tây Tạng, tù nhân bị đày đọa thảm khốc và chịu đựng hình phạt nặng nề hơn tù nhân ở Mỹ nhiều.
Đại sư Chagdud Tulku kể rằng người Trung Quốc bắt tù nhân Tây Tạng đào một hố thật sâu. Cái hố sâu đó chính là nhà tù. Những người tù Tây Tạng sống, ăn ở và phơi bày thân thể dưới cả nắng mưa như thế cho đến chết. Ngay cả sau khi chết đi, tù nhân cũng bị chôn trong lòng hố sâu đó. Ngài kể rằng ở Tây Tạng có sáu mươi ngàn tù nhân bị giam giữ trong tình cảnh đau thương đó.
Nhân loại kết án Hitler, Pol Pot. Dĩ nhiên những ác nhân kia xứng đáng với mọi lời nguyền rủa của người đời. Nhưng nếu so sánh phương pháp giết người bằng lò hơi ngạt của Hitler hay bằng cuốc xẻng đánh vào đầu của Pol Pot, phương pháp của Trung Cộng còn tàn ác gấp nhiều lần. Tù nhân Tây Tạng chết lâu hơn, chết dần mòn hơn trong đói khát, nắng mưa, bịnh hoạn, lở loét, thối rữa và thân xác cuối cùng cũng bị chôn vùi dưới đáy hầm sâu.
Nhưng đó chỉ là một trong hàng trăm phương pháp đọa đày mà dân tộc Tây Tạng đã và đang chịu đựng sau “Nổi dậy Lhasa” vào tháng Ba, 1959 bị dập tắt.
Không giống như thập niên 1950 khi tội ác của Trung Cộng còn được dễ dàng che giấu, trong thời đại tin học ngày nay, những cảnh đàn áp dã man đã được tiết lộ ra ngoài bằng hình ảnh và cả phim ảnh. Thế giới bàng hoàng khi chứng kiến cảnh công an Trung Cộng đánh đập các nhà sư hay thường dân Tây Tạng không một phương tiện gì để tự vệ hay kéo lê lết họ trong máu me trên đường phố Lhasa.
Cách phản kháng tuyệt vọng nhưng phổ biến nhất của tu sĩ và nhân dân Tây Tạng là tự thiêu để gây tiếng vang trước dư luận quốc tế. Chỉ trong vòng sáu năm từ tháng 2 năm 2009 đến tháng 4 năm 2015 đã có 138 tu sĩ và thường dân Tây Tạng tự thiêu tại nhiều nơi để phản đối chính sách diệt chủng của nhà cầm quyền Trung Cộng. Riêng năm 2012 đã có 86 vụ tự thiêu. Ngọn lửa được thắp lên bằng xương thịt dường như chưa đủ sáng lương tâm loài người và đêm đen Tây Tạng.
Quan điểm “chủ quyền lịch sử” của Trung Cộng đối với Tây Tạng
Dù là văn hóa, lịch sử hay lãnh thổ, quan điểm chung của Trung Cộng là nơi nào các triều đại Trung Hoa từng đô hộ nơi đó thuộc về Trung Hoa. Đó là lý do một học giả Trung Cộng năm 1996 đã từng tuyên bố ở Hong Kong rằng trống đồng Đông Sơn là của Trung Hoa chứ không phải của Việt Nam vì trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn Việt Nam thuộc Trung Hoa.
Quan điểm bá quyền hoang tưởng và ngang ngược của Trung Cộng đi ngược với các nguyên tắc về chủ quyền của thế giới. Napoleon từng là vua không chỉ của Pháp mà còn của cả một phần lớn châu Âu trong đầu thế kỷ 19 nhưng ngày nay không một học giả Pháp nào cho rằng Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ v.v.. phải thuộc vào nước Pháp.
Nhân Dân Nhật Báo tóm tắt quan điểm của Trung Cộng đối với vấn đề Tây Tạng trong bình luận vào tháng 4, 2008: “Trong hơn 700 năm, chính phủ trung ương Trung Hoa đã liên tục thực hiện chủ quyền của Trung Hoa tại Tây Tạng và Tây Tạng chưa bao giờ là một nước độc lâp. Không một chính phủ nào trên thế giới thừa nhận Tây Tạng….Kể từ khi giải phóng hòa bình năm 1951, Tây Tạng đã tiến hành các thay đổi xã hội sâu sắc bao gồm các cải cách dân chủ, mở cửa và đạt được các tiến bộ xã hội đáng kể”.
Không ai chối cãi trước 1950 Tây Tạng còn là một nước nghèo, lạc hậu về kinh tế, tuổi thọ thấp, thiếu thốn các phương tiện giao thông nhưng đó không phải là lý do để Trung Cộng xua 40 ngàn quân xâm lược một quốc gia mà quân đội chỉ có 4 ngàn.
Lý luận của Trung Cộng là lý luận của kẻ cướp.
Những lời ngụy biện của thực dân đỏ Trung Cộng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay không khác gì cách giải thích “đến để khai hóa” mà thực dân trắng Âu châu đã dùng với các nước Á châu và Phi châu từ thế kỷ thứ 15.
Từ nhiều ngàn năm trước, Tây Tạng đã là một dân tộc có một nền văn hóa cao, thuần nhất với các giá trị độc đáo riêng tồn tại song song bên cạnh các nền văn hóa khác. Các triều đại Tây Tạng ra đời từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên và vào thế kỷ thứ bảy đã xây dựng nên một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ trải rộng qua nhiều quốc gia vùng Trung Á, kể cả một phần của Trung Hoa. Nhiều trăm năm Tây Tạng đã là một nước hoàn toàn độc lập. Dĩ nhiên, giống như hoàn cảnh các nước nhỏ khác trong vùng, khi yếu kém Tây Tạng lại phải chịu lệ thuộc vào các nước mạnh không chỉ Trung Hoa mà có khi còn bị ảnh hưởng bởi Mông Cổ hay Nepal.
Các dân tộc, dù lớn bao nhiêu, trong lịch sử ít ra cũng một lần bị ảnh hưởng bởi ngoại bang nhưng không phải vì thế mà quốc gia đó thuộc về ngoại bang. Giống như lịch sử đầy hy sinh xương máu đã diễn ra tại Việt Nam suốt hàng ngàn năm, chặng đường bị lệ thuộc vào Trung Hoa của Tây Tạng cũng được đánh dấu bằng những cuộc nổi dậy anh hùng của các thế hệ Tây Tạng. Bởi vì trong máu huyết, Tây Tạng chưa bao giờ là một phần của Trung Hoa trước đây hay Trung Cộng ngày nay.
Sự sụp đổ của nhà Thanh là cơ hội để nhân dân Tây Tạng phục hồi toàn bộ chủ quyền đất nước chứ không phải đó chỉ là lần đầu tiên dân Tây Tạng vốn đã thuộc Trung Hoa bỗng dưng đứng lên đòi độc lập.
Và từ 1913, Tây Tạng là một quốc gia có chủ quyền, độc lập, có ngôn ngữ riêng, chính phủ riêng, hệ thống tư pháp riêng, bưu điện riêng, đơn vị tiền tệ riêng, hộ chiếu quốc tế riêng. Hộ chiếu do chính phủ Tây Tạng cấp năm 1947 được các quốc gia lớn như Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pháp,Ý, Thụy Sĩ, Iraq, Hong Kong chấp nhận và đóng dấu cho phép thông hành.
Theo công pháp quốc tế, một quốc gia sẽ không chuẩn y và đóng dấu vào chiếu khán do chính phủ của một quốc gia khác cấp nếu không thừa nhận chính phủ của quốc gia đó. Khi đóng dấu thông hành, các cường quốc Anh, Mỹ, Ấn, Pháp, Ý trong thực tế đã thừa nhận vai trò lãnh đạo của chính phủ Tây Tạng. Việc công nhận hay chưa công nhận trong bang giao chỉ là thủ tục ngoại giao, nhất là trong giai đoạn từ 1913 đến 1950 Tây Tạng vẫn chưa được quốc tế biết nhiều và cả thế giới phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt.
Trung Cộng tự hào là nước lớn nhưng không có nghĩa được mọi quốc gia công nhận họ. Mỹ không công nhận Trung Cộng mãi tới 1972 và chậm hơn nữa cho tới tháng 10, 1990 Singapore mới công nhận Trung Cộng. Ngay cả hiện nay vẫn có đến 21 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc không công nhận Trung Cộng.
Tây Tạng có đủ bốn tiêu chuẩn quốc tế để xác định một quốc gia gồm chủ quyền, chính phủ, lãnh thổ và dân số, trong lúc Trung Cộng không đưa một lý do gì, một chứng minh gì ngoài “chủ quyền lịch sử” mà họ luôn bám vào trong mọi cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Trung Cộng viện lý do “Tây Tạng đã là một phần của Trung Quốc suốt bảy trăm năm”. Bảy trăm năm thì sao? Bảy trăm năm tại Tây Tạng hay một ngàn năm tại Việt Nam cũng chỉ là thời kỳ đô hộ, cưỡng chiếm và cai trị bằng sắt máu. Thời gian đó không có giá trị gì một khi dân tộc bị trị đủ mạnh để đứng lên giành độc lập.
Chính sách xóa bỏ Tây Tạng của Trung Cộng được thực hiện bằng hai cách, (1) diệt chủng văn hóa qua việc tàn phá chùa chiền, bôi nhọ đức Đạt Lai Lạt Ma, buộc Hoa Ngữ là ngôn ngữ chính thức, học sinh phải học lịch sử từ quan điểm Trung Cộng, và (2) đồng hóa chủng tộc qua việc định cư ồ ạt người Hán vào Tây Tạng, tập trung nền kinh tế Tây Tạng trong tay người Hán. Chính Mao Trạch Đông trong Tuyển Tập Mao Trạch Đông xuất bản có hiệu đính năm 1987, đã thừa nhận cho tới năm 1952 cũng “không có một người Hán nào ở Tây Tạng” nhưng hiện nay số người Hán tại Tây Tạng đông hơn chính người Tây Tạng.
Bài học cho Việt Nam
Ngoại trừ những buổi tiếp xúc đức Đạt Lai Lạt Ma một cách không chính thức của các tổng thống Mỹ hay một hai lá thư phê bình cách đối xử nặng tay của nhà cầm quyền Trung Cộng, chưa một lãnh đạo cường quốc nào có một biện pháp tích cực và hữu hiệu để ngăn chặn lưỡi đao Trung Cộng.
Đơn giản bởi vì Tây Tạng không có những mỏ dầu khí lớn như Iraq, không có những mỏ kim cương lớn như Nam Phi và cũng không giữ vị trí chiến lược như Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia Tây Phương không thể hy sinh các quyền lợi vật chất quá lớn với Trung Cộng chỉ để bảo vệ các giá trị tinh thần cho một nước nhỏ xa xôi. Cuộc đấu tranh, đầu tiên cho đến cuối cùng, vẫn là tranh đấu bằng máu xương, hy sinh và chịu đựng của dân tộc Tây Tạng.
Đối với trường hợp Việt Nam, không cần phải phân tích nhiều mà chỉ thay chữ Tây Tạng bằng chữ Việt Nam trong bài viết, sẽ thấy một viễn ảnh Việt Nam đen tối hiện ra.
Tập Cận Bình đang gấp rút xây dựng các căn cứ quân sự và dân sự trên Biển Đông nhằm mở rộng vòng đai an ninh và sự hiện diện ngoài lục địa. Nếu họ Tập thành công, Việt Nam có khả năng nằm bên trong “không gian sinh tồn” của Trung Cộng và đặt các cường quốc vào thế đã rồi như trường hợp Hitler chiếm Áo vào tháng Ba, 1938 trước sự làm ngơ của Anh và Pháp.
Việt Nam chỉ hơn Tây Tạng một điểm duy nhất là còn thời gian dù rất ngắn để quyết định số phận của mình. Chọn lựa của dân tộc Việt Nam hôm nay, do đó, là chọn lựa giữa tiếp tục sống dưới chế độ độc tài CS để rồi mất nước, hay dân chủ hóa, hiện đại hóa nhanh chóng để có thể ngăn chặn được bước chân Trung Cộng. Nếu chỉ biết nhịn nhục, cúi đầu, một ngày không xa họa diệt vong sẽ tới. Đến lúc đó, đừng oán trách chi ai, đừng đổ thừa cho ai khác, ngoài oán trách, đổ thừa cho sự ươn hèn, nhu nhược của chính mình.
Trần Trung Đạo
Trung cộng phá dỡ học viện Phật giáo lớn nhất Tây Tạng
Học viện quy mô Phật giáo Tây Tạng quy mô nhất thế giới đang bị yêu cầu phá dỡ nhiều khu nhà với lí do “dân số phát triển không kiểm soát” và phòng cháy.
Theo BBC, việc phá dỡ ở học viện Phật giáo này bắt đầu từ ngày 20.7. 2016. Đây là động thái diễn ra sau khi chính quyền Bắc Kinh tuyên bố khu vực Larung Gar ở Tây Tạng chỉ được phép duy trì dân số ở ngưỡng 5.000 người. Trước đây, khu vực này là nơi sinh sống của 10.000 cư dân Tây Tạng.
Larung Gar là học viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới. Hệ thống học viện và tu viện thành lập từ năm 1980, trải dài ở quận miền núi Sertar, phía đông Tây Tạng. Nơi đây thu hút hàng ngàn tín đồ Phật giáo tới hành hương và học tập.
Các học viên tới đây ở trong những khu nhà bằng gỗ. Chính quyền Trung Quốc nói rằng Larung Gar tăng trưởng dân số ở mức không thể kiểm soát và cần phòng cháy.
BBC đăng tải nhiều hình ảnh, video trên Twitter trong đó những căn nhà gỗ bị phá tan tành. Những thiết bị như máy xúc, máy ủi hạng nặng cũng xuất hiện trong khung hình. Thông tin cho biết chính quyền huy động lực lượng phá dỡ này.
Chính quyền Bắc Kinh không đưa ra bình luận nào sau vụ việc.
Hãng tin AP phỏng vấn một quan chức quận Sertar thì nhận được câu trả lời “đây là quá trình tu bổ, làm mới chứ không hề muốn di dời những ngôi nhà cổ xưa”.
Một học viên ở Larung Gar nói: “Nếu cách duy nhất để giải quyết dân số gia tăng là phá nhà cửa thì tại sao chính sách tương tự không áp dụng ở những thành phố kín đặc người ở Trung Quốc?”.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố dân số Larung Gar phải giảm từ 10.000 người xuống ít hơn 3.500 tu sĩ và 1.500 tăng ni trong tháng Mười tới. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, phá hủy Larung Gar không liên quan gì tới dân số gia tăng, mà do chính quyền muốn triệt tiêu ảnh hưởng của Phật giáo tại Tây Tạng.
Bắc Kinh tuyên bố khu vực hơn trăm năm tuổi ở dãy Himalaya thuộc sở hữu của Trung Quốc. Năm 1950, Trung Quốc điều quân đội hàng vạn người tới chiếm giữ Tây Tạng. Một số khu vực trở thành khu tự trị Tây Tạng và một số khác gộp chung vào các tỉnh vùng biên của Trung Quốc.
Phương Tây liên tục cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, chính trị và tôn giáo ở Tây Tạng. Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc đưa ra về những cuộc đàn áp đẫm máu ở Tây Tạng.
Toàn cảnh học viện Phật giáo lớn nhất thế giới ở Tây Tạng trước khi bị chính quyền Trung cộng phá dỡ.
Học viện Phật giáo Larung Gar, còn được gọi là Học viện Phật giáo Serthar, nằm trong thung lũng Larung ở độ cao 4.000 m, cách thị trấn Sertar, Garze, Tây Tạng khoảng 15 km.
Học viện do đức Lạt ma Jigme Phuntsok, một nhân vật có ảnh hưởng trong Phật giáo Nyingma (một phái lớn của Phật giáo Tây Tạng) thành lập vào năm 1980 tại thung lũng Larung khi nơi này chỉ là vùng đất hoang vu, hoàn toàn không có người ở. Dù ở giữa vùng xa xôi, hẻo lánh, Larung Gar vẫn không ngừng phát triển, và trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới. Hiện học viện Larung Gar có hơn 40.000 tu sĩ, nữ tu và các chư vị giáo sư.
Tây Tạng và cái ách thực dân Trung cộng
Phạm Hy Sơn
NCLS - Nhân loại, nhất là những dân tộc ở châu Phi, châu Mỹ tưởng chủ nghĩa đế quốc , thực dân đã tàn lụi vào quá khứ. Không ai ngờ nó vẫn hiển hiện tại những xứ nhỏ yếu bên cạnh Trung Quốc.
Vào thế kỷ 17, 18 các nước châu Âu nhờ sớm kỹ nghệ hóa đã đua nhau đi xâm lăng những nước lạc hậu trên thế giới để kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa và khai thác nguyên liệu đem về nước chế biến , nhưng sau khi Thế Chiến thứ II chấm dứt năm 1945 thì những nước bị đế quốc đô hộ đó dần dần tự giải thoát khỏi ách thực dân. Ngược lại các dân tộc Mông Cổ, Mãn Châu, Duy Ngô Nhĩ và nhất là Tây Tạng vẫn còn bị cái ách đô hộ của Trung Quốc cho đến nay.
Tây Tạng bị quân đội cộng sản Trung Quốc xâm lăng năm 1950, bị sát nhập thành phủ, huyện của Trung Quốc năm 1951, và cũng như 3 dân tộc kia hiện đang bị Trung Quốc áp dụng chính sách triệt để Hán hóa để xóa bỏ hẳn trên bản đồ thế giới.
Trung Quốc từ lâu đời có truyền thống xâm lăng những nước nhỏ yếu bên cạnh để bành trướng lãnh thổ và đồng hóa dân bản xứ thành người Hán. Ngày nay vì nạn nhân mãn trầm trọng với 1.300 triệu người, Trung Quốc càng cần đi xâm lăng các nước khác, nhất là những nước đất rộng ít dân như Tây Tạng, Mông Cổ... hầu di dân giải tỏa áp lực dân số. Do đó chỉ mới mấy chục năm nay mà người bản xứ của những nước này trở thành dân thiểu số trên chính quê hương của họ với 20% dân số, 80% còn lại là người Hán thực dân.
ĐẤT NƯỚC và DÂN TỘC TÂY TẠNG :
Tây Tạng là 1 quốc gia hiện diện lâu đời ở miền Trung Á, nói rõ hơn ở sườn phía bắc dãy núi Hymalias với độ cao trung bình trên 4.500m (núi Hoàng Liên Sơn cao nhất Việt Nam ở Lào Cai cao hơn 3.000m) nên người ta kêu Tây Tạng là nóc nhà thế giới. Diện tích Tây Tạng khoảng 2 triệu 500 ngàn km2 ( chiến hơn ¼ diện tích Trung Quốc hiện nay ) bao gồm các khu vực rộng lớn chính như Amdo, Kham và U-Tsang. Thủ đô là Lhassa.
Sau khi chiếm Tây Tạng năm 1950, Trung Quốc cắt vùng Amdo rộng lớn phía đông bắc thành những mảnh nhỏ để sát nhập vào các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xyên ; phần phía đông vùng Kham cũng bị cắt nhỏ như thế để sát nhập vào các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Thanh Hải. Khu gọi là tự trị Tây Tạng chỉ còn U-Tsang và tây Kham với diện tích hơn 1 triệu km2.
Cách nay khoảng 5.000 năm, khi dân Hoa Hạ (Hán) có mặt ở khu vực tây bắc (sông) Hoàng Hà thì dân tộc Tây Tạng cũng đã định cư ở vùng Trung Á này rồi và từ từ phát triển về phía đông và đông nam tách ra thành các nước Nam Chiếu, Miến Điện và có lẽ cả Thái Lan. Nước Nam Chiếu rất hùng mạnh vào thế kỷ thứ 8, đã từng đem quân đánh An Nam (VN bây giờ), Miến Điện và tranh hùng với nhà Đường Trung Quốc vào giữa thế kỷ này. Nam Chiếu sau đổi thành Đại Lý và bị người Tàu xâm chiếm rồi đồng hóa thành tỉnh Vân Nam hiện nay.
Dân tộc Tây Tạng có 1 nền văn hóa lâu đời và có nhiều nước từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa này như Népal , Boutan ,Sikkim... ở phía nam , phía bắc tới tận Mông Cổ và Trung Quốc ( phái Mật Tông). Tây Tạng có ngôn ngữ riêng (tiếng Tạng Miến), chữ viết riêng, tôn giáo riêng với đạo Bôn xuất hiện nhiều thế kỷ trước khi đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang vào thế kỷ thứ 7 sau TL. Hiện nay đạo Bôn vẫn còn được 1 số người theo và đạo Phật với phái Mật Tông lan sang Trung Quốc và cả Việt Nam, Mông Cổ.
Ngay từ đầu thế kỷ thứ 7 sau TL. Tây Tạng đã là một quốc gia hùng mạnh, đã từng phát triển tới Bangladest, Nam Chiếu ở phía đông, nam; phía bắc và đông bắc tới Mông Cổ, Trung Quốc.
Liên tiếp 2 năm 635, 636 vua Songsten Gampo (604-650 sau TL ) đem quân đánh Trung Quốc buộc vua nhà Đường lúc ấy phải gả công chúa Wencheng (Văn Thánh) cho vua Tây Tạng để giảng hòa. Tuy vậy, sự tranh hùng giữa 2 nước xẩy ra liên miên suốt 3 thế kỷ. Năm 763 vua Trisong Detsen (756-804) tiến quân tới Trường An , kinh đô nhà Đường, làm vua Đường Thái Tông phải chạy về Lạc Dương. Vua Tây Tạng lập 1 ông vua bù nhìn ở Trường An để cai trị. Đến năm 821, dưới triều vua Ralphachen (815-838) hai nước mới có hòa ước ký tại Lhassa, thủ đô Tây Tạng. Bản hòa ước này được khắc bằng cả chữ Tây Tạng và chữ Hán vào 1 cột đá dựng bên ngoài chùa Jokhang ở Lhassa. Cũng trong thời kỳ này, biên cương 2 nước Tạng, Hoa được vạch rõ, được đánh dấu bằng những trụ đá hay khắc vào núi đá như ở biên giới giữa 2 nước vùng Vân Nam.
Tây Tạng cường thịnh được khoảng 500 năm thì bị suy yếu do nạn chia rẽ, tranh chấp quyền hành. Do đó , đầu thế kỷ thứ 13 nước này bị quân Mông Cổ chiếm để mở 1 con đường tiến quân chinh phục Trung Quốc, sau đó Trung Quốc bị đế quốc Nguyên Mông Cổ cai trị gần 100 năm. Khi nhà Nguyên Mông Cổ sụp đổ, Tây Tạng cùng với Trung Hoa và tất cả những nước khác lấy lại độc lập, nhưng đến thế kỷ thứ 16 Tây Tạng lại bị Mông Cổ đô hộ lần nữa. Đầu thế kỷ thứ 18, khi đế quốc Mãn Châu củng cố xong sự cai trị ở Trung Quốc thì tiến quân đánh chiếm Tây Tạng, cắt miền đất phía đông Amdo sát nhập vào Trung Quốc với cái tên Koko Nor (Hồ Nước Xanh). Vùng này bị đổi thành tỉnh Thanh Hải năm 1929 dưới chính quyền Quốc Dân Đảng do Tôn Dật Tiên sáng lập.
Khi đế quốc Mãn châu (nhà Đại Thanh) bị lật đổ ở Trung Hoa năm 1911, nhân cơ hội này Tây Tạng tuyên bố độc lập. Nền độc lập này kéo dài được 39 năm thì bị Mao trạch Đông đem quân xâm chiếm.
Trung Quốc thường viện dẫn rằng trước đây Tây Tạng thuộc quyền đô hộ của nhà Nguyên (đế quốc Mông Cổ) và nhà Thanh (đế quốc Mãn Châu) nên nay họ có quyền tiếp tục cai trị. Lý luận như thế chẳng khác gì nói rằng cái nhà này ông tôi chiếm của hàng xóm, rồi đến bố tôi tiếp tục chiếm nên nay cái nhà này thuộc về tôi. Lập luận và lối chứng minh ấy thật lạ lùng vì Tây Tạng cũng như Trung Quốc xưa kia cùng bị Mông Cổ và Mãn Châu xâm lăng, đều là nạn nhân của 2 đế quốc đó nên nếu lấy lịch sử để chứng minh chủ quyền như thế thì cái quyền ấy là quyền của người Mông Cổ và người Mãn Châu.
Họ có quyền đòi chủ quyền không những ở Tây Tạng mà ở cả Trung Quốc. Tương tự, những nước trong “Bát Quốc Liên Quân“ Nga, Nhật, Đức... có quyền đòi hỏi chủ quyền trên lãnh thổ Trung Quốc hiện nay, ít nhất là Nhật có quyền đòi hỏi chủ quyền toàn bộ quần đảo Đài Loan vì quần đảo này đã từng bị sát nhập vào Nhật cho đến hết Thế Chiến thứ II.
Đế quốc Mãn Thanh của người Mãn Châu, không phải của người Trung quốc. Hiến Pháp Đại Cương năm 1908 của đế quốc này gồm 15 điều, điều I ghi rất rõ ràng:
Điều I: “ Hoàng Đế Đại Thanh thống trị đế quốc Đại Thanh, nối tiếp nhau đến vạn đời.”
Điều II: “Hoàng đế tôn nghiêm như thần, thánh, bất khả xâm phạm. “...
Triều dình của đế quốc Đại Thanh khi ấy thì ông vua Quang Tự là người Mãn, 12 Thượng Thư thì 8 là người Mãn (trong đó 5 người là hoàng tộc Mãn), chỉ có 4 là người Tàu (Nguyễn hiến Lê, Sử Trung Quốc, Chương 8).
TÂY TẠNG DƯỚI ÁCH THỰC DÂN TRUNG QUỐC:
Sau khi chiếm xong Tây Tạng, Mao mở đầu kế hoạch nuốt trọn Tây Tạng bằng cách hủy diệt nền tảng cấu trúc về tôn giáo và đạo đức của xã hội Tây Tạng. Đó là chiến dịch đấu tố Cải Cách Ruộng Đất. Bên ngoài là tịch thu ruộng đất của tu viện, chùa chiền và địa chủ, những người giàu có để chia cho dân nghèo xóa bất công xã hội, nhưng bên trong hàm ẩn mục đích tiêu diệt tiềm năng chống đối của người Tây Tạng vì Đạo Phật và ảnh hưởng của giới tu sĩ bao trùm hầu hết mọi sinh hoạt của Tây Tạng từ đạo đức, chính trị, văn hóa, giáo dục đến phong tục, tập quán nên diệt được Phật giáo là diệt được Tây Tạng ( khoảng từ 20 đến 25% người trưởng thành Tây Tạng tu trong hàng ngàn tu viện và chùa chiền trên khắp nước (*). Vì vậy quân đội Trung Quốc tịch thu hết ruộng đất của những cơ sở tôn giáo và đuổi những người tu hành ra khỏi tu viện, chùa chiền bắt phải hoàn tục. Ai không nghe thì bị đánh đập, bỏ tù, những người chống đối thì bị giết ngay tại chỗ hay bắt đi mất tích. Hai chữ “ mất tích” ở Tây Tạng từ khi bị Trung Quốc xâm lăng có nghĩa là bị đem đi thủ tiêu, không bao giờ trở lại.
Quân đội Trung Quốc chỉ định những đối tượng của cuộc Cải Cách Ruộng Đất bắt dân chúng phải đấu tố, bắn giết. Đó là những vị sư sãi, những thân hào nhân sĩ, những người giàu có tại địa phương. Toàn bộ tài sản liên quan hay thuộc về họ bị tịch thu; bạn bè, thân nhân bị canh chừng và bị cô lập bằng cách gạt ra bên ngoài tất cả mọi sinh hoạt xã hội. Dân chúng, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa xóm làng phải tố cáo lẫn nhau.
Vì bị cai trị khắc nghiệt như vậy nên chỉ 6 năm sau, năm 1956, người Tây Tạng bùng lên phản kháng. Lúc đầu là ở Amdo và đông Kham, những vùng bị cắt nhỏ sát nhập vào các tỉnh Cam Túc- Thanh Hải- Tứ Xuyên- Vân Nam, sau lan cả sang tây Kham và U-Tsang. Cuộc nổi loạn bị trấn áp thật khủng khiếp, chỉ trong 3 năm (1956 – 1959) hơn 20.000 người tham dự bị giết chết, dã nam nhất là hơn 200.000 người bị bắt đem đi thủ tiêu. Đó là cha mẹ, vợ con,anh em, xóm làng của những người chống đối. Cuộc tàn sát này giống với cuộc tàn sát diệt chủng người Do Thái mà Hitler ra lệnh cho áp dụng ở châu Âu hồi Thế Chiến thứ 2.
Từ đó tới nay một mặt Trung Quốc xiết chặt sự cai trị Tây Tạng và mặt khác ồ ạt di dân cũng như đem hàng triệu tội phạm người Hán tới nhốt rồi cấp phát ruộng đất bắt định cư tại đó sau khi mãn tù (**).
Dân tộc Tây Tạng đã được hun đúc bằng truyền thống văn hóa của ngàn xưa và từng có một lịch sử oai hùng không dễ gì chịu khuất phục trước bạo lực và chính sách Hán hóa của Trung Quốc nên dân chúng luôn luôn có những hành động phản kháng dưới mọi hình thức, từ nhỏ tới lớn. Ngày 10 tháng 3 năm 2008 dân chúng thủ phủ Lhassa nổi lên biểu tình chống đối bị công an và Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đàn áp giết chết hơn 300 người và mấy trăm người, trong đó có nhiều nhà sư, bị bắt đem đi mất tích không bao giờ trở lại. Từ cuộc nổi lên ở thủ phủ Lhassa này, sự cai trị tàn bạo của Trung quốc càng ngày càng tàn bạo thêm. Bí Thư Tây Tạng (người Hán) Zang Qingli công khai tuyên bố: “Những ai cần bắt sẽ bị bắt, cần bỏ tù sẽ bị bỏ tù. Những ai cần giết sẽ bị giết.”
Báo Le Monde ra ngày 14-12-2012 viết: “Sau vụ nổi dậy năm 2008, trấn áp là biện pháp duy nhất.” (Web site RFI ngày 14-12-2012). Còn báo Libération ngày 12-12-2012 đăng một bài phóng sự dài về Tây Tạng của Phillippe Grangereau có ghi lời nữ văn sĩ Tây Tạng, bà Tsering Woeser, mô tả: hiện nay Tây Tạng không khác gì một nhà tù, nhất là tại thủ phủ Lhassa. Công an, cảnh sát khám người trên khắp các nẻo đường, kẻ cả trẻ em. Vào chùa phải đưa thẻ căn cước vào máy và khi vào bên trong lại bị khám xét nữa. Chỉ trên một đoạn đường 500m bà đi qua có 21 chốt gác của cảnh sát và gặp 3 đội tuần tra.
Ở Đồng Nhân không chỉ có công an, quân đội giữ an ninh, trật tự mà cả các cán bộ, công nhân viên cũng phải dành ½ thời gian canh chừng dân chúng.
Tất cả mọi người Tây Tạng ra đường dù ngày hay đêm đều phải mang theo 5 thứ giấy tờ tùy thân và luôn luôn bị khám xét trong khi người Hán ở Tây Tạng thì không bị sách nhiễu gì cả.
Cũng trong bài phóng sự này Phillippe Grangereau đưa ra nhận xét: ”Họ (Trung Quốc) muốn đồng hóa, muốn triệt bỏ ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, lịch sử, nhân cách của người Tây Tạng.”
Nhận xét ấy rất chính xác vì chỉ riêng trong thời gian Mao trạch Đông phát động Cách Mạng Văn Hóa vào những năm 1960 có hơn 6.000 tu viện và chùa chiền bị tiêu hủy, những cơ sở chưa bị phá thì bị canh giữ, các ni sư phải học tập chủ nghĩa cộng sản ; những nhà tu nào chống đối thì bị bắt, bị giết hay đem đi biệt tăm; học sinh và trẻ em bị cấm đến chùa ; vinh viên, học sinh phải học những môn học viết toàn bằng chữ Hán; phong tục tập quán, lối sống của người Tây Tạng bị chê bai, lăng mạ.
Chính sách Hán hóa khốc liệt ấy không khác gì chính sách mà quân nhà Minh áp dụng khi xâm lăng Việt Nam đầu thế kỷ thứ 15. Sắc chỉ của Minh thành Tổ ngày 21-8-1406 ra lệnh bất cứ sách vở, văn, thơ, vết tích văn hóa nào của Việt Nam cũng phải thu, phải đốt, phải đục cho hết.
Trong Việt Nam Sử Lược, sử gia Trần trọng Kim ghi: “Đến tháng 8 năm Giáp Ngọ (1414 ) Trương Phụ và Mộc Thạnh về Tàu đem theo những đàn bà, con gái về rất nhiều. Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang các việc trong nước để khiến người An Nam đồng hóa với người Tàu. Lập đền miếu bắt người mình phải cúng tế theo tục bên Tàu, rồi từ cách ăn mặc cho chí sự học hành, việc gì cũng bắt như người Tàu cả. Còn cái gì là di tích của nước mình thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch.”
Sử gia Trần trọng Kim ghi tiếp rằng Hoàng Phúc bắt các châu, huyện phải lập văn miếu thờ Khổng Tử và lập các bàn thờ trong nhà để thờ các thần sơn (núi), xuyên (sông), phong (gió), vân (mây)... Bắt đàn ông, con trai không được cắt tóc ngắn; đàn bà, con gái thì phải mặc áo ngắn quần dài theo cách ăn mặc của người Tàu (đàn bà Việt Nam thì mặc áo dài, váy đen – PH Sơn chú thích).
(Trần trọng Kim, Việt Nam Sử Lược Q.I trang 211&212, Bộ Giáo Dục xb. năm 1971).
Chúng ta đọc lại giai đoạn lịch sử đen tối của Việt Nam để cảm thông nỗi nguy nan của dân tộc Tây Tạng dưới ách cai trị của Trung Quốc hiện nay.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế, toàn dân Tây Tạng đang kiên trì tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc bằng sự hy sinh vô bờ bến, hy sinh bằng chính bản thân họ biến thành những ngọn đuốc sống đang bừng cháy trên vùng trời Hymalias.
Nhân loại đã nhận thấy sự thống khổ của họ, Liên Hiệp Quốc, Cộng Đồng Âu Châu, các quốc gia, các cơ quan bảo vệ nhân quyền... liên tục lên tiếng mạnh mẽ phản đối chế độ thực dân Trung Quốc tại Tây Tạng.
Trước công luận và sự lên án của thế giới, liệu Trung Quốc có thể duy trì mãi mãi chế độ thực dân ở Tây Tạng, Nội Mông Cổ, Tân Cương hay sẽ sớm nở tối tàn như 3 đế quốc muộn Đức, Nhật, Ý năm 1945?
( 18 – 03 – 2013 )
GHI CHÚ :
(*) Dù sống đời sống tị nạn tại Ấn Độ, hiện trong 200 ngàn người Tây Tạng ở Dharamsala có 20 ngàn tăng ni tu trong 200 tu viện hay trong các ngôi chùa – như vậy là 10% dân số đi tu.
(**) Trong cuộc đàm luận với 1 nhà báo Ấn Độ hồi tháng 4-2012, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiết lộ hiện nay ở thủ đô Lhassa người Hán chiếm 2/3 dân số và nắm hết các quyền lợi của người Tây Tạng. Xin xem đầy đủ trên Website thuvienhoasen.org /phần Phật Giáo Thế Giới.
Đọc báo Tàu cộng:
Quần đảo Nam sa
Gs Vũ Cao Đàm dịch nguyên bản tiếng Tàu trên báo điện tử Trung Quốc Binh Khí Đại Toàn
Quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) vốn dĩ là chuỗi ngọc trai lấp lánh của đất mẹ Trung Hoa, nhưng lại bị nhiều kẻ trộm cắp, muốn chiếm đoạt, giành giật, việc này chỉ làm phân tán đi ánh hào quang của chuỗi ngọc trai mà thôi. Trong số các đảo bị các nước chiếm đoạt, bọn Việt Nam kiêu ngạo, vong ơn bội nghĩa đã ráo riết chiếm đóng quần đảo với số lượng nhiều nhất.
Nghĩ lại mà xem, Việt Nam vốn xưa là phiên thuộc của nước ta. Năm 1885, theo Thỏa ước Pháp – Thanh, Việt Nam đã bị nhượng lại cho Pháp, dần trở thành thuộc địa của Pháp. Sau hai cuộc chiến tranh, Trung Quốc đã giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai miền Nam Bắc đã được thống nhất. Nhưng thật không ngờ bọn Việt Nam không những không biết ơn Trung Quốc, mà trái lại đã lấy oán báo ân, tự vỗ ngực xem mình là nước có tiềm lực quân sự lớn thứ ba thế giới, liên tiếp khiêu khích Trung Quốc. Mặc dù qua hai bài học, là cuộc chiến tranh biên giới Trung – Việt và chiến tranh Bãi đá ngầm, nhưng Việt Nam vẫn không nhận ra được bài học, càng ra sức chiếm đoạt nhiều đảo hơn.
Do bọn Việt Nam bắt tay thực hiện khai thác đảo sớm nên điều kiện chiếm cứ thuận lợi hơn, hơn nữa lại có nguồn nước ngọt nên bọn chúng có thể thi công trên đảo, xây dựng sân bay, kiến tạo hạ tầng kỹ thuật thông tin di động, di dân ra đảo, tổ chức du lịch quốc tế, thiết lập phân chia ranh giới khu hành chính cấp huyện hòng vĩnh cửu hóa, thực tế hóa, quốc tế hóa, hợp pháp hóa hành vi bá chiếm. Tiếp đó các nước khác cũng lần lượt theo đuôi Việt Nam, như Philipin, Malaysia, Indonesia, Bruney… xâu xé vùng biển Nam Sa của Trung Quốc, xây dựng căn cứ quân sự hoặc khoan dầu mỏ. Tất cả bọn chúng đều không coi Trung Quốc ra gì.
Các nước xung quanh xâm chiếm quần đảo Nam Sa đúng vào thời kỳ đất nước Trung Quốc chúng ta tiến hành cải cách mở cửa, thực hiện chiến lược đối ngoại hòa bình, tập trung xây dựng kinh tế trong nước, duy trì hòa bình phát triển với bên ngoài. Cùng là những nước đang phát triển đáng ra Việt Nam và các nước lân cận phải có thiện ý giải quyết hài hòa những tranh chấp. Đất nước chúng ta đề xướng ra mục tiêu “gác lại chiến tranh, cùng nhau phát triển”. Tuy nhiên, 30 năm qua, lòng tốt của chúng ta lại không hề được báo đáp, mà trái lại các nước còn không ngừng tăng cường lấn chiếm khu vực biển của nước ta, ngang nhiên chiếm lãnh hải, lãnh thổ nước ta. Không khó khăn lắm, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, lòng tốt của chúng ta không được báo đáp tử tế; danh dự, lãnh thổ và lãnh hải quốc gia nếu chỉ dựa vào giao thiệp hòa bình thì khó mà giữ gìn, bảo vệ được.
Ủy ban thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc quy định, 12/5/2009 là kỳ hạn cuối cùng cho các quốc gia có liên quan phải hoàn thành việc gửi những bản giải trình các luận cứ khoa học về chủ quyền thềm lục địa và khu kinh tế đặc quyền. Tình hình phát triển còn làm phức tạp hóa vấn đề, sự xoay chuyển của thời gian sẽ làm cho chúng ta càng thêm bất lợi, nếu cứ tiếp tục kéo dài sự khoan dung của chúng ta thì kẻ khác sẽ cho rằng chúng ta đã chấp nhận, bằng lòng với việc đó. Vì thế, biện pháp có hiệu quả là phải dùng lực lượng quân sự chiếm đoạt lại Nam Sa, và phải đưa việc này vào chương trình nghị sự.
Chúng ta phải thấy một thực tế rằng, mức độ xâm phạm của các nước có liên quan đối với lợi ích của nước ta là khác nhau, do điều kiện môi trường và địa vị quốc tế khác nhau nên sẽ có những phản ứng khác nhau đối với hoạt động quân sự của nước ta, vì vậy mà chúng ta cần phải có những cách đối xử khác nhau, giải quyết tốt những mâu thuẫn chủ yếu, thúc đẩy giải quyết những mâu thuẫn thứ yếu. Không còn nghi ngờ gì nữa, mục tiêu tấn công chủ yếu của chúng ta phải là Việt Nam.
Chúng ta có đầy đủ lý do để tấn công Việt Nam, Việt Nam cũng có đầy đủ điều kiện để trở thành vật tế của trận chiến thu hồi Nam Sa :
1. Việt Nam xâm chiếm nhiều đảo nhất, có nguy hại lớn nhất, hơn nữa có thái độ kiêu ngạo nhất, ảnh hưởng xấu nhất. Trước tiên ta thu hồi lại những đảo mà Việt Nam chiếm đóng là có thể thu hồi lại hầu hết các đảo bị chiếm, khống chế được toàn bộ. Lấy gương xua đuổi thành công quân Việt Nam để răn đe các nước khác buộc chúng phải tự mình rút lui.2. Trước đây, Việt Nam đã nhất nhất thừa nhận Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những bài phát biểu của các quan chức, bản đồ quân sự, tài liệu địa lý đều là những bằng chứng xác thực, cho đến sau khi thống nhất đất nước thì Việt Nam có những thái độ bất thường, có yêu cầu về lãnh thổ lãnh hải đối với Tây Sa và Nam Sa. Việt Nam ngấm ngầm thọc lưng Trung Quốc, tiền hậu bất nhất, đã làm mất đi cái đạo nghĩa cơ bản, khiến quân đội của chúng ta phải ra tay, với lý do đó để lấy lại những vùng biển đảo đã mất.
Việt Nam đã từng có ý đồ thiết lập bá chủ khu vực, việc này đã làm cho các nước láng giềng có tinh thần cảnh giác, việc làm suy yếu lực lượng quân sự của Việt Nam cũng là điều tốt cho các nước ASEAN.
3. Việt Nam có lực lượng quân sự lớn nhất Đông Nam Á. Hơn nữa lại đang tăng cường phát triển lực lượng hải quân, không quân để đối đầu với ta. Quân đội của ta có thể phát động cuộc chiến Nam Sa, cho dù quân đội Việt Nam đã có chuẩn bị. Với chiến thắng trong cuộc chiến này, hoàn toàn có thể làm cho các nước khác thua chạy, không đánh mà lui. Đây là cách để loại trừ Việt Nam, làm cho Việt Nam ngày càng lụn bại.
4. Hai nước Trung – Việt xích mích đã lâu, đã từng nảy sinh tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, lần này lại xảy ra xung đột quân sự. Đây là điều mà thế giới đã dự đoán và đã sớm nghe quen tai với việc này, chắc chắn phản ứng sẽ nhẹ nhàng hơn. Trái lại, nếu tấn công vào các nước như Philipin thì phản ứng quốc tế nhất định sẽ rất mạnh mẽ.
5. Các nước khác tuy cùng trong khối ASEAN nhưng chế độ xã hội và ý thức hệ khác với Việt Nam, các nước khác lại ủng hộ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, thời gian đó đã sinh ra những khúc mắc. Là liên minh ASEAN, khi chúng ta phát động chiến tranh thu hồi lại Nam Sa ắt sẽ gặp phải sự phản đối của ASEAN, nhưng hậu quả của cuộc tấn công Việt Nam sẽ tương đối nhỏ, vì
6. Tình hình quốc tế gần đây có lợi cho việc giải quyết vấn đề Nam Sa. Quan hệ Trung – Mỹ ; Trung – Nga đang ở thời kỳ tốt nhất, không phải vì thế mà dẫn đến sự đối đầu về quân sự giữa các nước lớn. Quân đội Mỹ đang sa lầy vào chiến trường Afganistan, Iraq và vẫn phải chuẩn bị ứng phó với chiến tranh có thể xảy ra với Iran, chưa rảnh tay để quan tâm tới chiến sự Nam Sa. Hơn nữa tranh chấp đảo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tranh chấp giữa Campuchia và Thái lan đều sẽ làm phân tán sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
7. Quần đảo Nam Sa là một vị trí chiến lược không thể thiếu của Trung Quốc trên trận tuyến kéo dài từ Trung Đông đến Viễn Đông, tuy eo biển Malacca là con đường yết hầu nhưng quần đảo Nam Sa không phải là không có vị trí chiến lược. Có được Nam Sa sẽ uy hiếp được Malacca, yểm trợ các đường ống dẫn dầu, Nam Sa là một trong những vùng hiểm yếu, Trung Quốc quyết không ngần ngại chiến đấu để thu hồi Nam Sa.
8. Lấy chiến tranh để luyện tập quân đội, lấy việc thực hiện chiến tranh để kiểm nghiệm và nâng cao năng lực chiến đấu của quân ta, tình hình phát triển của hai bờ Đài Loan – Hải Nam có thể đảm bảo để hai bên bờ sẽ không xảy ra chiến tranh trong tương lai gần, giải quyết triệt để vấn đề Nam Hải, trong khi thực hiện chiến tranh trên biển phải khảo sát những thiếu sót của hải quân, không quân của Trung Quốc để kịp thời nhận diện những khiếm khuyết, cải thiện, nâng cấp, nhằm phát triển càng nhanh càng tốt lực lượng hải quân không quân của ta, để chứng tỏ rằng quân đội ta là lực lượng quân đội theo mô hình mới, có kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến sự Đài Loan – Hải Nam hoặc để đối phó với những thách thức khác có thể phát sinh. Lực lượng hải quân, không quân của Việt Nam không thể xem là quá mạnh cũng không thể xem là quá yếu, chúng phù hợp với việc luyện tập quân đội của ta.
9. Việc thiết lập hợp tác quân đội với Đài Loan có thể còn nhiều khó khăn, sự bất đồng giữa hai bờ Đài Loan – Hải Nam có thể tồn tại, nhưng việc thu hồi Nam Sa thì hai bên lại có chung một lập trường. Mặc dù không thể mời quân đội Đài Loan cùng tham chiến, nhưng trước và sau trận chiến đều cùng nhau tiến hành các hoạt động như : cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị bảo trì, nhân viên xử lý, máy bay, tàu chiến do nhu cầu cần thiết hạ cánh hoặc cập bến trong chiến tranh, chắc chắn rằng sự phối hợp hai quân đội sẽ góp phần vào đoàn kết, thống nhất quốc gia.
10. Việt Nam là bọn tham lam, kiêu ngạo, vô lễ, tuyệt đối không thể thông qua đàm phán để chiếm lại quần đảo Nam Sa, không chiến đấu thì không thể thu hồi lại biên cương quốc thổ. Như vậy, cuộc chiến Nam Sa là không thể tránh khỏi, đánh muộn không bằng đánh sớm, bị động ứng phó không bằng chủ động tấn công.
Vẫn còn rất nhiều lý do nhưng không tiện để nêu ra cụ thể từng lý do được.
Mặc dù nói chúng ta đánh Việt Nam như đánh bạc nhưng việc thu hồi Nam Sa quả thực không phải chuyện nhỏ. Hải quân và không quân Việt Nam cũng đang dần hiện đại hóa cho nên ta quyết không đánh giá thấp đối phương, bắt buộc phải làm tốt công tác chuẩn bị, không đánh thì thôi, đã đánh là phải thắng nhanh. Trong khi bàn việc lấy lại Nam Sa vấn đề không phải là xét xem có thể thành công hay không mà phải xét xem thắng lợi có triệt để hay không, những tổn thất, rủi ro có phải là nhỏ nhất hay không và kết quả cuối cùng có phải là tốt đẹp nhất không… Vì thế cần phải xác định 4 mục tiêu rõ ràng. Đó phải là, xuất một đường quyền đẹp mắt về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao.
Trên lĩnh vực quân sự, đáng tiếc rằng Việt Nam đã làm những việc gây phản ứng mãnh liệt như xâm chiếm nhiều đảo mới, giam giữ ngư dân và tàu đánh cá Trung Quốc. Ta tuyên bố rằng lãnh thổ lãnh hải nước ta không dễ dàng xâm chiếm, bắt buộc Việt Nam trả lại những đảo đã xâm chiếm, nhanh chóng hoàn thành việc triển khai quân sự tại Nam Hải.
Nếu quân đội Việt Nam không chịu thì Trung Quốc sẽ tiến hành tấn công xua đuổi, kẻ nào dám phản kháng ta kiên quyết diệt trừ, nếu tăng viện trợ máy bay tàu chiến cho Việt Nam thì sẽ bắn hạ, bắn chìm hết.
Quân đội Việt Nam đã trang bị một số lượng nhất định máy bay, tàu chiến và tên lửa tiên tiến do Nga sản xuất. Quân đội của ta sẽ huy động tiềm lực hải quân, không quân để phong tỏa những căn cứ hải quân, không quân của chúng. Quân đoàn pháo binh thứ hai cần làm tốt việc che giấu những cứ điểm chiến lược hiểm yếu, không quân và chiến hạm cần làm tốt công tác dự báo; cung cấp nhiên liệu cho kế hoạch tấn công lâu dài ở căn cứ phía Nam. Lực lượng trên mặt đất phải luôn luôn sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công quấy nhiễu của quân đội Việt Nam ở khu vực biên giới bất kỳ lúc nào; phải thực hiện phá hủy các căn cứ hải quân không quân ở miền Bắc.
Tóm lại, ta sẽ lấy việc tấn công Việt Nam như là cuộc diễn tập để giải phóng Đài Loan, một khi tình hình đã lan rộng thì sẽ triệt để phá hủy lực lượng hải quân, không quân Việt Nam.
Trên lĩnh vực chính trị, vạch trần việc các nước như Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải nước ta, nhắc lại rằng nước ta muốn duy trì hòa bình, nhưng chúng ta không thể hòa bình với những kẻ xâm hại đất nước ta.
Cho dù xảy ra rồi thì chúng ta không mong nhìn thấy xung đột quân sự. Trung Quốc hy vọng rằng các bên liên quan nên ngồi lại tiến hành đàm phán hòa bình để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Nếu các nước như Việt Nam chịu khuất phục trước sức ép quân sự to lớn của nước ta thì nước ta sẽ không sử dụng biện pháp vũ lực nữa, sẽ mở rộng tiếng nói quốc tế của nước ta.
Trên lĩnh vực ngoại giao, một khi chiến sự xảy ra, cộng đồng thế giới chắc chắn sẽ đưa ra bốn chữ “phê phán, phản đối”.
Chúng ta cần nhanh chóng tranh thủ sự thông cảm của Mỹ, Nga, Liên minh Châu Âu, nhiệm vụ quan trọng nhất của hoạt động ngoại giao là nắm được mục tiêu của các nước ASEAN, cố gắng bình tĩnh trước sự phẫn nộ và hoảng hốt của họ, khiến họ tin tưởng rằng Trung Quốc vô cùng coi trọng quan hệ với ASEAN, tuyệt đối không làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia ASEAN ngoại trừ Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm cho mức độ phản ứng của họ giảm xuống mức tối thiểu.
Trên lĩnh vực kinh tế, để chung sống hòa bình cần thực hiên chiến lược “Dùng đất đai đổi lấy hòa bình”. Để hòa bình phát triển thì cần thực hiện chiến lược “Dùng tiền bạc đổi lấy đất đai”.
Đối với quần đảo Nam Sa thì lại phải thực hiện phương châm: “chủ quyền thuộc về tôi, cùng nhau phát triển, thỏa hiệp hòa bình, chia sẻ lợi ích” thiết lập một số khu vực cùng phát triển ở giáp giới các nước ASEAN gần quần đảo Nam Sa. Lấy nước ta làm chủ, lần lượt cùng hợp tác phát triển với Philipines, Malaysia, Bruney… giúp các đối tác cùng có lợi. Mục đích của các nước này muốn chiếm đảo là vì muốn đạt được lợi nhuận dầu mỏ, giúp cho họ kiếm được tiền mà họ muốn, làm cho nó dễ dàng đồng ý chủ quyền Trung Quốc.
Nếu Việt Nam đồng ý với chính sách này thì có thể cũng nhận được một phần nào đó.
Với ý đồ lấy phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp Nam Sa thì kết quả cuối cùng Nam Sa quần đảo ắt bị chia cắt.
Tất cả những đảo bị chiếm giữ là do ban đầu lực lượng quân đội của nước ta không đủ, khi có đủ năng lực thì không cần phải do dự mà không quyết định, việc sử dụng vũ lực chắc chắn sẽ dẫn đến sự phản đối.
Cùng năm đó, Anh ra sức tranh đoạt đảo Falklands cũng đã bị lên án chỉ trích nhiều, nhưng khi đảo Falklands đã nằm trong tay nước Anh, ai đã có thể làm gì họ.
Nếu Việt Nam nguyện làm đầu tiên thì phải đánh cho chúng không kịp trở tay. Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa.
Gs. Vũ Cao Đàm dịch theo nguyên bản tiếng Tàu trên điện báo “Trung quốc Binh khí Đại toàn”
https://www.youtube.com/embed/FomLgKxI2XE','frameborder':'0'},'hspace':null,'vspace':null,'align':null,'bgcolor':null}" width="360" height="215">
Đăng ngày 09 tháng 08.2016