banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Suy nghĩ bên đèn đỏ ở Nara


Trần Trung Đạo

Những hiện tượng bất nhân, độc ác giữa người và người đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại.
Và nguyên nhân chính của mọi thảm trạng trên đất nước ngày nay là cơ chế độc tài CS. Do đó, thay đổi mà Việt Nam cần là thay đổi cơ chế CS đang thống trị Việt Nam bằng một chế độ tự do dân chủ làm tiền đề cho công cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam...

*

Hai tuần trước trên đường từ cố đô Nara về lại Kyoto, chiếc xe bus du lịch dừng trước đèn đỏ của một ngã tư. Một toán học sinh Nhật khoảng lớp sáu hay lớp bảy băng qua đường. Nhật Bản đang vào mùa hè và học sinh còn nghỉ học nhưng các em hình như đang trở về từ một sinh hoạt tập thể nên đều mặc đồng phục áo trắng quần xanh.
Đèn bắt đầu chớp. Ba em cuối cùng trong toán cố vượt theo bạn dù tiếng chuông trên trụ đèn đã báo sắp hết giờ dành cho người đi bộ. Dĩ nhiên xe bus tiếp tục dừng để các em đi qua hết. Ba em cuối cùng băng nhanh qua đường nhưng thay vì chạy theo cùng các bạn, các em dừng lại, sắp hàng ngang nghiêm chỉnh hướng về phía xe bus và cúi gập người xuống để xin lỗi và cám ơn anh tài xế.

Nhìn học sinh Nhật, người viết chợt nhớ thế hệ mình ngày xưa. Học trò miền Nam được dạy không chỉ cúi đầu thôi mà còn vòng tay để chào, cám ơn hay xin lỗi các bậc trưởng thượng. Trên đường, khi gặp một đám tang đi qua, chúng tôi được dạy phải đứng nghiêm trang và dở mũ xuống nếu đội mũ, cúi đầu kính tiễn biệt người quá cố cho đến khi xe tang qua hẳn mới tiếp tục đi. Khi thầy hay cô vào lớp, chúng tôi được dạy cả lớp phải đứng dậy chào và chờ cho đến khi thầy hay cô ngồi xuống, chúng tôi mới được ngồi. Khi có người lớn tuổi đến nhà, chúng tôi được dạy phải vòng tay cúi chào thưa theo đúng thứ bậc so với cha hay so với mẹ. Dù đang đi đâu, khi nghe tiếng Quốc Ca cất lên, từ một trại lính hay một công sở nào đó, chúng tôi được dạy phải đứng lại nghiêm chỉnh để chào cho đến khi bài Quốc Ca chấm dứt. Mỗi sáng thứ Hai trên bảng đen trong lớp học bao giờ cũng bắt đầu bằng một câu châm ngôn đầu tuần thắm đậm tình dân tộc như"uống nước nhớ nguồn", "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" hay tương tự và chúng tôi được dạy phải dành vài phút đầu tuần để học về ý nghĩa của câu châm ngôn đó. Trong giờ Công Dân Giáo Dục, chúng tôi được dạy trung thành với tổ quốc Việt Nam chứ không phải với riêng một đảng phái nào. Trên tường của trường Trần Quý Cáp ở Hội An nơi người viết học và hầu hết trường trung học, tiểu học ở miền Nam đều có hàng chữ chạy dài "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời". Và rất nhiều lễ nghi, phép tắc đạo lý đáng quý, đáng giữ gìn khác.
Hôm trước, Nguyễn Hồng Quốc, một bạn học lớp đệ Tam (lớp 10) ở Trung Học Trần Quý Cáp kể lại trên Facebook "Qua Trần Trung Đạo mình có được thông tin về thầy Phan Đình Trừng sau 44 năm không gặp, thầy dạy sử và công dân mình thời trung học đệ nhị cấp, thầy có giọng nói hùng hồn đầy tự tin nghe thầy giảng bài thật thú vị... năm Đệ Tam vào giờ công dân thầy kêu mình lên dò bài, thầy đặt trên bàn lá Quốc kỳ thầy bắt mình tay phải đặt lên lá cờ, tay trái đặt lên ngực đọc lời tuyên thệ "Tôi là công dân VNCH nguyện tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Xin thề. Xin thề". Mình đọc thật to và dõng dạc được thầy cho 20 điểm trên 20... Thấm thoát đã 44 năm rồi từ một đứa học trò hồn nhiên vô tư ngày nào giờ đây tóc đã hoa râm".
Câu chuyện rất bình thường của 44 năm trước nhưng kể lại cho các thế hệ hôm nay nghe giống như chuyện cổ tích.
Miền Nam phải chịu đựng chiến tranh và tàn phá nhưng vẫn cố gắng hết sức để duy trì và phát huy các giá trị nhân bản trong chừng mực còn phát huy được. Từ những hố hầm bom đạn, bông hoa tự do dân chủ vẫn cố nở ra, vẫn cố vươn lên. Nhựa nguyên nuôi dưỡng thân cây non đó là Hiến pháp VNCH.
Hiến pháp VNCH do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967 ghi rõ: “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.”

Những yếu tố nào làm cho người Nhật ngày nay được nhân loại khắp năm châu kính nể?
Câu trả lời dễ dàng và nhanh chóng mà ai cũng có thể đáp là nhờ nền tảng văn hóa Nhật. Thật ra câu trả lời đó chỉ đúng một phần. Nền văn hóa của một đất nước chỉ xứng đáng được kính trọng khi nền văn hóa đó không chỉ là kết tụ giá trị văn hóa riêng của dân tộc mà còn phải phù hợp với giá trị văn minh chung của thời đại.
Không ai phủ nhận Đức là quốc gia có nền văn hóa cao nhất tại Châu Âu. Trước năm 1945, Đức là một trong ba quốc gia được nhiều giải Nobel nhất. Bao nhiêu triết gia, khoa học gia, văn sĩ, thi sĩ nổi tiếng thế giới đã sinh ra ở Đức. Nhưng chế độ Quốc Xã Hitler do chính nhân dân Đức bầu lên lại là một trong vài kẻ giết người tàn bạo nhất trong lịch sử loài người và chà đạp lên mọi giá trị văn minh của nhân loại.
Nhật Bản trước năm 1945 cũng vậy. Nhật Bản có giá trị văn hóa cao, một dân tộc có kỷ luật nghiêm khắc nhưng không phải là một nước văn minh nhân bản. Bước chân của đạo quân Nhật đi qua cũng để lại những điêu tàn, thảm khốc từ Mãn Châu, sang Triều Tiên, xuống Mã Lai, Singapore, Việt Nam, không khác gì vó ngựa của đạo quân Mông Cổ đi qua trong nhiều trăm năm trước. Cơ quan mật vụ Nhật tại Singapore tàn sát khoảng 50 ngàn người dân Singapore một cách không phân biệt. Chính sách đồng hóa thay tên đổi họ đối với Triều Tiên là một bằng chứng tội ác khó quên. Nạn đói tại Việt Nam năm 1945 với hàng triệu đồng bào miền Bắc chết thảm thương một phần là do chính sách ác độc tịch thu thóc để nuôi ngựa của quân đội Nhật.
Do đó, câu trả lời chính xác, chính hiến pháp dân chủ 1946 đã làm cho nước Nhật hoàn toàn thay đổi, giúp cho người Nhật biết kính trọng con người, không chỉ riêng con người Nhật như trước đây, và tôn trọng luật pháp mà chính họ đặt ra.
Phần nhập đề của Hiến Pháp 1946 khẳng định chính phủ do dân và vì dân của Nhật Bản sẽ hợp tác hòa bình với tất cả các quốc gia trên thế giới trong ánh sáng tự do dân chủ, đặt chủ quyền của nhân dân làm căn bản cho hiến pháp và kính trọng sâu sắc của Nhật về quyền của con người được sống trong tự do và không sợ hãi. Tóm lại, cơ chế chính trị thời đại chuyên chở trong Hiến Pháp Nhật 1946 hội nhập hài hòa với văn hóa Nhật và làm cho dân tộc Nhật khác đi trong nhãn quan thế giới.

Việt Nam cần thay đổi gì?
Con thuyền Việt Nam đang phải chở một cơ chế chính trị độc tài, lạc hậu về mọi mặt so với đà tiến của văn minh nhân loại, một nền giáo dục hủy diệt mọi khả năng sáng tạo, một xã hội tham nhũng thối nát trong đó giới lãnh đạo thờ ơ trước đòi hỏi bức thiết của nhân dân và nhân dân không có niềm tin nơi giới lãnh đạo.
Việt Nam cần thay đổi. Ai cũng có thể đồng ý như vậy, nhưng thay đổi gì trước? Đổi mới kinh tế? Cải cách giáo dục? Chống tham nhũng? Nới lỏng chính trị? Không. Một mảnh ván, một lớp sơn không làm chiếc thuyền chạy nhanh hơn.
Như người viết đã viết trong bài trước, những hiện tượng bất nhân, độc ác giữa người và người đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại.
Và nguyên nhân chính của mọi thảm trạng trên đất nước ngày nay là cơ chế độc tài CS. Do đó, thay đổi mà Việt Nam cần là thay đổi cơ chế CS đang thống trị Việt Nam bằng một chế độ tự do dân chủ làm tiền đề cho công cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam.

http://www.trantrungdao.com/


Chuyện từ vùng biên giới Bắc-Nam Hàn

Trần Trung Đạo

Tuần trước người viết có dịp thăm vùng phi quân sự giữa biên giới Bắc và Nam Hàn. Người hướng dẫn du lịch là một sĩ quan quân đội Nam Hàn về hưu và nói tiếng Anh lưu loát. Ông vừa làm việc thiện nguyện tại đài tưởng niệm Chiến Tranh Triều Tiên ở thủ đô Seoul và vừa làm hướng dẫn viên cho du khách nên có hiểu biết rộng rãi về lịch sử và thời sự Nam Hàn. Người viết cũng đọc khá nhiều sách vở về đời sống của người dân Bắc Hàn và hiểu chính sách tẩy não thâm độc của chế độ họ Kim từ khi sinh ra cho đến tuổi trưởng thành nên không lấy làm lạ. Chuyến xe du lịch chỉ có bốn người nhưng người hướng dẫn lẫn người viết đều quan tâm đến những vấn đề lịch sử, chiến tranh, thời sự nên thảo luận sôi nổi suốt đoạn đường từ thủ đô Seoul lên vùng biên giới.

“Làng hòa bình” bên kia sông Imjin
Buổi sáng trời mưa trên sông Imjin, máy hình chụp không rõ lắm nhưng nhờ ống nhòm đặt trên trạm quan sát dành cho du khách gần vùng phi quân sự nên thấy khá rõ sinh hoạt của người dân Bắc Hàn dọc biên giới. Nhiều nhóm nông dân đang làm ruộng trên cánh đồng, một số chăn bò, một số khác cấy mạ. Ngoài ra, bên kia sông còn một dãy chung cư tương đối sang trọng.
Khu nhà sang trọng này được Bắc Hàn đặt cho một cái tên rất cao quý: Làng Hòa Bình (Kijŏng-dong). Khu vực có điện đàng hoàng và mỗi đêm đèn được bật sáng khi trời vừa tối. Nhưng không lâu sau khi được xây dựng, các cơ quan truyền thông quốc tế khám phá ra không ai sống trong những khu nhà đó. Nhà không có cửa kiếng và đèn được mở tắt tự động đúng giờ. Những người duy nhất hoạt động trong khu vực là phu quét đường, nhưng chính họ cũng chỉ làm công việc tuyên tuyền để gây ấn tượng “làng Hòa Bình” đang sinh hoạt bình thường.
Cách một dòng sông hẹp nhưng đời sống vật chất và nhất là tinh thần giữa Nam và Bắc Hàn xa như thiên đàng và địa ngục. Trong lòng người viết chợt dâng lên niềm thương cảm cho số phận những con người bất hạnh bên kia.
Với chính sách trồng người thâm độc của bộ máy tuyên truyền Bắc Hàn, cái nhìn của người dân Bắc Hàn về mọi lãnh vực đã hoàn toàn bị thay đổi. Họ có thể không còn biết tủi thân cho cuộc đời nô lệ của mình mà trái lại lại cảm thấy vui và hãnh diện với “chân lý” “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã đóng đinh vào nhận thức họ từ khi mới ra đời. Cũng chính “chân lý” đó đã giết khoảng ba triệu người Việt Nam và đang tàn phá một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến.
Trong trường học, học sinh Bắc Hàn được dạy người dân Nam Hàn nghèo đến nỗi không có nhà để ở phải sống trong gầm cầu và ăn mặc rách rưới. Mỗi khi nhìn sang bờ nam sông Imjin, người dân Bắc Hàn bị tẩy não cảm thấy xót thương cho dân Nam Hàn khốn khổ đang chịu đựng “dưới gót giày đế quốc Mỹ”. Họ hãnh diện vì hạt lúa họ gieo, nắm mạ họ cấy là chính từ bàn tay “độc lập, tự do” của họ chứ không phải “ăn bám đế quốc Mỹ” như mấy chục triệu người miền Nam. Họ được dạy Bắc Hàn là xứ sở thần tiên nhất trên đời. Không ít người dân Bắc Hàn sinh ra, lớn lên, già nua và chết đi trong “niềm kiêu hãnh” đó.
Trong tất cả các nước từng chịu đựng chiến tranh do chủ nghĩa CS xâm lăng, có lẽ Triều Tiên là gần gũi và dễ so sánh với Việt Nam nhất nên nghĩ đến Triều Tiên không khỏi cùng lúc liên tưởng đến Việt Nam.

Bên kia sông Bến Hải
Đa số người Việt bên kia sông Bến Hải một thời đã nghĩ về miền Nam giống như người dân Bắc Hàn đang nghĩ về Nam Hàn. Ngay cả hôm nay không ít trong số trong số họ vẫn chưa gạt bỏ hẳn nhận thức đó. Hơn Bắc Hàn ở chỗ, tại Việt Nam, không chỉ những người dân sống trong các vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh mà ngay cả những người có trình độ học vấn cao, mang hàm phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ cũng bị nhiễm loại vi trùng “không có gì quý hơn độc lập tự do” tương tự.
Sau 41 năm, một số đã biết đó không phải là sự thật và biết mình bị lừa gạt nhưng vẫn cố tìm một lý do “khách quan” để biện minh, để lý giải cho nhận thức sai lầm của mình. Họ không đủ can đảm để chống lại chế độ và cách lý giải dễ dàng nhất là đổ thừa cho hoàn cảnh, cho số phận, cho lịch sử thay vì cho đảng CSVN. Khi được hỏi “Nếu Mỹ không can thiệp bằng quân sự kịp thời, theo anh, liệu tình huống sẽ ra sao?” Người hướng dẫn chỉ về phía Bắc Hàn và nói “Nếu Mỹ không can thiệp, miền Nam không thể ngăn chận được CS miền Bắc”, “Rồi sao?” “Còn sao nữa, hôm nay chỉ có một Triều Tiên Cộng Sản như Bắc Hàn vậy đó”, anh trả lời nhanh và gọn. Mỹ cũng can thiệp để ngăn chận CS tại miền Nam Việt Nam nhưng trong một tình huống khác. Thế chiến Thứ Hai chấm dứt từ lâu và một cuộc chiến tranh, dù quy ước hay du kích, cũng không thể thắng bằng chiến lược chỉ tập trung phòng thủ miền Nam.

Mối liên hệ giữa Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam
Nếu không có Chiến tranh Triều Tiên, cục diện chiến tranh Việt Nam có thể đã khác. Chiến tranh Triều Tiên để lại cho cả Trung Cộng lẫn Mỹ một bài học về giới hạn sử dụng phương tiện chiến tranhh, hỏa lực và nhân lực. Đối với Trung Cộng, Bắc Hàn và Bắc Việt là vòng đai an ninh (buffer zone) của Trung Cộng và Mỹ chỉ muốn ngăn chận CS từ vĩ tuyến 17 chứ không muốn tái diễn cuộc chiến trực tiếp với Trung Cộng dù thắng cũng vô cùng tốn kém một lần nữa.
Dân Nam Hàn may mắn hơn VNCH vì Kim Nhật Thành sau khi không nuốt được Nam Hàn đã chấp nhận ngưng chiến. Họ Kim độc tài tàn bạo nhưng còn biết dừng lại, Hồ Chí Minh và lãnh đạo CSVN thì không. CSVN nhất định “chống Mỹ cứu nước” cho đến khi nào CS hóa toàn cõi Việt Nam. Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị đảng CSVN. Bài học chiến tranh Triều Tiên chưa phai mùi thuốc súng với hơn 3 triệu người thiệt mạng chỉ trong vòng 37 tháng đánh nhau không làm họ phân vân. Khả năng Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến và nhiều triệu tấn bom sẽ được ném xuống hai miền không khiến họ do dự. Lãnh đạo CSVN chỉ cần chiến thắng, dù chiến thắng trên máu xương của đồng bào ruột thịt, trên xác đám trẻ thơ vừa mới chào đời, trên cảnh tương tàn phân hóa tận cùng của đất nước.

Trường hợp giáo sư Oh Kil-nam
ohkilnamHiện có mấy chục ngàn người dân Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn bằng nhiều cách và thật khó tin nhưng cũng có người từ Nam Hàn đào thoát sang Bắc Hàn. Nỗi tiếng nhất là trường hợp đào thoát đi và đào thoát về của giáo sư kinh tế Oh Kil-nam.
Oh Kil-nam là một trí thức Nam Hàn có đầu óc tả khuynh và tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ Nam Hàn trong đầu thập niên 1980. Ông ta bị ảnh hưởng bởi tư tưởng CS khi học tại Đức và những lời tuyên truyền đường mật của Bắc Hàn nên đã đưa cả gia đình gồm vợ và hai con gái đào thoát sang Bắc Hàn năm 1985 qua ngã Đông Đức rồi Liên Xô. Khi đến Bắc Hàn, Oh Kil-nam mới biết đó không phải là thiên đường mà là địa ngục trần gian. Mỗi ngày ông ta phải học tập tư tưởng Juche của Kim Nhật Thành và ban đêm phải đọc những tin tức, bài vở tuyên truyền trên đài phát thanh phát sóng sang Nam Hàn.
Năm sau, 1986, Oh được Bắc Hàn cử sang Đức để tìm cách lôi kéo thêm các trí thức Nam Hàn khác đang du học tại Đan Mạch. Khi vừa bước xuống phi trường, Oh đi thẳng đến văn phòng di trú tại phi trường để xin tỵ nạn chính trị mặc dù vợ và hai con gái vẫn còn bị giữ lại tại Bắc Hàn.
Năm 1992, Oh Kil-nam trình diện tòa đại sứ Nam Hàn và trở lại Nam Hàn. Sự ngu xuẩn của Oh Kil-nam, như chính ông thừa nhận, khiến ông ta chịu đựng đau khổ đã đành nhưng kéo theo sự chịu đựng của ba phụ nữ vô tội. Từ khi Oh Kil-man đào thoát khỏi Bắc Hàn, vợ con ông ta bi tống giam vào trại tập trung và sống trong điều kiện vô cùng đau khổ. Bà Oh Kil-nam cuối cùng đã chết trong trại tập trung năm 2012 và số phận hai con gái của ông ta cũng bặt tin.
Người viết chợt nhớ đến câu nói của Yuri Alexandrovich Bezmenov, một chuyên viên tình báo Liên Xô đào thoát sang phía tự do, diễn tả tình trạng tinh thần của những người bị tẩy não: “Ngay cả mang anh ta tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin… cho đến lúc anh ta bị đá ngay vào đít, khi bị giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu. Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo đức trong con người.” Câu nói của Yuri Alexandrovich Bezmenov là một chứng minh hùng hồn cho trường hợp của “nhà trí thức” Oh Kil-nam. Ông ta chắc đã đọc rất nhiều sách vở về CS nhưng không thấy được bộ mặt thật của chế độc độc tài dã man Bắc Hàn cho đến khi đặt chân sang Bình Nhưỡng.

Những Oh Kil-nam Việt Nam nên sống ở “Làng Hòa bình” một thời gian
Việt Nam có rất nhiều Oh Kil-nam. Sự kiện “Tôn Nữ Thị Ninh chống Bob Kerrey” vừa qua cũng cho thấy tầng lớp “băng hoại về đạo đức” như Alexandrovich Bezmenov phát biểu còn dẫy đầy tại Việt Nam.
Giống như Oh Kil-nam Nam Hàn đã phó mặc số phận vợ con trong trại tập trung Bắc Hàn, những Oh Kil-nam Việt Nam là những người có kiến thức nhưng thiếu đạo đức. Đạo đức mà họ có chỉ là đạo đức giả. Tại sao? Họ học các nguyên tắc dân chủ, từng sống trong chế độ dân chủ, rao giảng các lý thuyết dân chủ cho học trò, khoe khoang kiến thức về dân chủ nhưng lại cong lưng làm nô bộc cho một chế độ độc tài lạc hậu đã bị xếp vào quá khứ đau thương tang tóc của nhân loại. Không có tầng lớp xăng nhớt này, bộ máy già nua CS sẽ phải ngừng hoạt động.
Nhiều tác giả phê bình bà Tôn Nữ Thị Ninh và phe cánh đề nghị họ nên mở mắt nhìn xa sang các nước tự do, dân chủ và thịnh vượng để biết Việt Nam cần phải vượt qua và đi lên với phần đông nhân loại. Không. Bà Tôn Nữ Thị Ninh và phe cánh đâu cần phải nhìn sang châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn vì họ đã học ở đó, đã sống ở đó hay đã đến đó nhiều lần. Nhưng họ có mắt mà không thấy. Bởi vì, nỗi khổ đau và sự chịu đựng của con người không thể thấy được bằng đôi mắt thường mà bằng đôi mắt lương tri.
Và người viết chợt nghĩ, biết đâu nếu họ sống trong “Làng Hòa Bình” của Kim Jong-un một thời gian với hy vọng như Yuri Alexandrovich Bezmenov nhận xét cho đến khi “bị đá ngay vào đít, bị giày đinh đạp lên” như Oh Kil-nam, đôi mắt lương tâm và đạo đức trong con người họ sẽ có dịp mở ra.
Trần Trung Đạo

http://www.trantrungdao.com

Đăng ngày 08 tháng 07.2016