Tận cùng của sự khốn nạn
Đỗ Duy Ngọc
Nhiều khi đọc tin trên báo, nghe tin trên đài nhà nước mà không tin được. Sao con người Việt thời nay có thể táng tận lương tâm, tàn nhẫn và khốn nạn đến thế? Người đi xét nghiệm là người đi tìm bệnh để chữa, là người có bệnh xem bệnh mình tiến triển hay đã bớt được phần nào. Người thầy thuốc căn cứ vào đấy để đưa ra phác đồ điều trị.
Ở đây lại là hàng ngàn que thử bệnh HIV và Viêm gan siêu vi B, hai căn bệnh giết người không khác gì bệnh Ung thư, nếu sai lệch thì hậu quả khủng khiếp thế nào?
Tất cả đều gắn với sinh mệnh của một con người, hàng trăm, hàng ngàn con người, thế mà người ta cũng tìm cách để kiếm ăn trên nỗi sống chết, bệnh tật của đồng bào mình. Khi nhà sản xuất làm ra que thử, họ đã tính đúng, tính đủ liều lượng cần thiết để đưa đến kết quả chính xác nhất. Thế mà nỡ lòng nào, vì đồng tiền, những người được khoác cho cái tên mỹ miều "Thiên thần áo trắng" "Từ mẫu" lại biến thành ác quỷ, chẻ đôi que thử để có thể thu lợi nhuận gấp đôi? Và thế thì kết quả ấy làm sao mà chính xác. Người bệnh tiền mất, tật mang.
Họ không xứng đáng để làm người bình thường nữa chứ đừng nói đến người khoác áo blouse trắng. Vì đâu nên nỗi, vì sao mà con người thời đại này bất chấp cả lương tri và đạo đức? Vì nghèo ư? Xã hội Việt Nam đã trải qua bao nhiêu giai đoạn đói nghèo, thiếu thốn hơn bây giờ nhiều lần, mà có bao giờ khốn nạn đến thế này đâu? Thế giới cũng có biết bao nhiêu nước nghèo, nghèo và thiếu còn hơn ta nhiều lần nhưng có sản sinh ra giống người như thế này đâu? Thế thì đừng đổ tội cho nghèo đói. Khi con người không chừa một thủ đoạn nào, kể cả cách khốn nạn nhất để thu lợi cho mình, khi đó không còn nhân tính và họ còn tệ hơn thú vật. Con thú còn biết thương xót đồng loại, nên khi họ đánh mất lương tâm, họ không được quyền đứng ngang hàng với con vật. Chẻ đôi que thử, trộn máu bốn người vào chung một ống nghiệm để ăn chênh lệch, sao họ có thể nghĩ ra điều ấy nhỉ? Chỉ cần nghĩ đến đó đã thấy rùng mình cho sự nhẫn tâm của con người. Xét nghiệm cũng với giá không rẻ, lợi nhuận thu được từ việc làm dã man ấy cũng không hề nhỏ. Những đồng tiền họ chia nhau ấy khi họ cầm trong tay họ có vui, có mừng, có hạnh phúc không? Chắc họ chẳng áy náy gì, vì đối với họ, họ chỉ biết có đồng tiền. Cơ quan nào, tổ chức nào cũng Đảng uỷ, có chi bộ, có Đoàn Thanh niên, có Công đoàn, có Hội Phụ nữ.. tất tần tật đoàn thể, nhưng tất cả toa rập nhau để làm điều mờ ám, để chia chác. Người ta bảo: "Một người càng xem trọng tiền bạc thì càng dễ đánh mất đi nội tâm của mình". Ở đây chúng chẳng cần nội tâm, chả cần đạo đức, ném lương tâm cho chó ăn, bán lương tri cho quỷ dữ, tất cả chỉ cần có tiền.
Chính xã hội, nền giáo dục đã dạy họ chỉ biết vật chất và lợi nhuận mà đánh mất lương tri. Thấy người ra giàu, mình cũng phải tìm mọi cách để làm giàu. Và họ sẵn sàng làm tất cả, xã hội đầy dẫy ác quỷ đội lốt. Từ xưa, trong truyền thống đạo lý của người Việt, cái đức là quan trọng. Làm gì thì làm phải giữ lấy cái đức, để Đức lưu quang, sáng mãi. Bởi giàu mà thiếu đức thì chẳng bền, gia đình thiếu đức thì lụn bại, dòng họ mà không có đức thì tuyệt tự, tan rã. Thế nhưng, thời đại đã khác xưa, đồng tiền ngự trị tất cả, từ giáo dục cho đến văn hoá, chỉ đề cao đồng tiền. Trong cuộc sống, kẻ có tiền sẽ được kính nể, trọng vọng dù đồng tiền đó dơ bẩn và vô nhân như thế nào. Người có trí tuệ, có tâm hồn, có nhân tính lạc lõng và bị khinh miệt vì không hợp thời, vì nghèo, không biết tận dụng thời cơ, họ trở thành thiểu số, ngơ ngác trước vòng quay của kim tiền. Và thế là mạnh ai nấy ăn, cấp cao ăn lớn, cấp nhỏ ăn nhỏ, ngành nghề nào cũng kiếm cách để kiếm chác và cuối cùng, nạn nhân là đám dân nghèo, bị bóc lột đến tận xương tuỷ và bị lừa dối đến đồng bạc cuối cùng. Đất nước nát tan không ngóc đầu lên nổi. Giữ rừng ăn rừng, giữ đất bán đất, giữ biển bán biển, xây cất, cấp dự án, ký quyết định đều được lại quả, mua quan, bán tước, đến hài cốt liệt sĩ cũng ăn, xây cầu tiêu cho học sinh cũng đớp...hết nói nổi rồi! Ở đất nước này còn bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu phòng xét nghiệm áp dụng kiểu này, chắc chắn không phải chỉ có riêng ở bệnh viện Saint Paul? Thế thì chết rồi!
Có muốn kêu gào cũng chẳng biết kêu ai vì luật pháp cũng đang bị đồng tiền sai khiến, kêu đến thần linh, Chúa, Phật thì những đấng thiêng liêng ấy đã chán nản mà bỏ chùa, bỏ nhà thờ mà đi mất rồi. Xã hội chỉ còn lũ lọc lừa thì còn biết bám vào đâu để tin?
9.12.2019
DODUYNGOC
https://www.facebook.com/doduyngoc
Bao năm giải phóng như thế này phải không em?
Trần Văn Giang
Từ “Đu càng trực thăng”
đến “Chui thùng xe hàng”
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân dân miền Nam bị bức tử, bị cộng sản truy đuổi thật thảm thương. Trong cảnh tuyệt vọng đó, có trường hợp lính và người dân miền Nam đành liều thân đu càng trực thăng dù không biết có cơ hội sống sót để ra được đến nơi an toàn, hay hải phận quốc tế; để làm thân tị nạn lưu vong, thuyền nhân tên xứ người…
Sau đó, cộng sản kịch liệt lên án tư bản và “tàn dư Mỹ Ngụy”… Bất cứ cái gì có chút liên quan đến tư bản, đến Mỹ, đến “Ngụy” đều thối nát, đồi truỵ, xấu xa phải triệt để hủy diệt.
Hôm nay, sau hơn 44 năm “giải phóng” và “hủy diệt,” những con người của thời đại “sinh Bắc tử Nam” dù không hề bị Mỹ hay Ngụy quân Ngụy quyền nào truy đuổi, dù đã sinh ra ở Việt Nam nhưng bất chấp tính mạng để “đu đủ thứ,” đu dưới mọi hình thức: đu thuyền, đu “chuyên cơ,” đu thùng xe tải, đu hôn nhân giả… để lại mong được ra đi một cách bất hợp pháp đến các xứ sở mà đảng và nhà nước cs đã gọi là “đang giẫy chết” và “đứng bên bờ vực thẳm?!”
Sự kiện “đu đủ thứ” chính là trả lời cho câu hỏi “Bao năm giải phóng như thế này phải không em?" (trích lời bài nhạc “Chiều Tây Đô” của Lam Phương).
Xem lại một trường hợp điển hình: Cô Cao Thị Nhíp
“Cô Nhíp” với “hình tượng kiên cường, gan góc” đã dẫn xe tăng của “quân đoàn 3 cộng sản” tiến vào Sài gòn… Bẵng đi một thời gian; cô Nhíp im lỉm chém vè, tự khép lại cái “quá khứ hào hùng đã được cộng sản bốc gần tới trời, đã quay thành phim ‘Cô Nhíp.’ ” không hiểu sao (?) cô có thể tìm cách nào, ở đâu ra được một cái ba-toong của anh Việt kiều nào đó (cái mẻ này còn “hay hơn cả tuyệt vời?”) hồi nào; và rồi đu cái ba-toong đó một cái rẹc sang định cư tại Mỹ, vào thẳng quốc tịch Mỹ và đường hoàng thành “Người Mỹ gốc Việt” y như dân tị nạn đu càng; và cô cứ tà tà lãnh “eo-phe” dạo phố “sốp-ping” xem hoa ở “little Sè Goòng” hổng ai hay?
Bác Mich Long (?) có mần một bài thơ đặc biệt dành riêng cho tài "đu ba-toong" của cô Nhíp mà tôi xin phép chép lại theo trí nhớ như sau:
Xưa cô Cao Nhíp tai bèo
Tưng tửng “giải phóng,” cô theo… mán rừng
Tám năm, vừa hết tưng tưng
Quy mã “giẫy chết,” cô mừng như điên
Giờ Cô giẫy giẫy… liên miên
Giẫy giường, giẫy chợ, ai phiền cô đâu?
Quá phê, cô giẫy thật lâu!
(“Xưa Tai Bèo Nay Giẫy Dụa” by Mr. Mich Long)
Hết sức ngược ngạo. Chả riêng gì cô Cao Thị Nhíp tai bèo, mà cán bộ cao cấp cộng sản không thấy đứa nào còn lớn tiếng say máu hô hào chuyện chống Mỹ cứu nước nữa; ngược lại rủ nhau bỏ tiền mua sẵn “thẻ xanh” lận lưng chờ “đáp an toàn…” sau khi vơ vét, “sở hữu” một lô thẻ đỏ; và ùn ùn gởi con cháu sang “du học cách bóc lột” bên Mỹ chứ nhất định không chịu sang Tàu, sang Nga hay các nước thiên đường cộng sản. Tôi nghiệp người dân Việt cứ bị cộng sản phỉnh lừa, lường gạt trắng mặt hết thế hệ này qua thế hệ khác.
Vượt biên qua xứ “giãy chết” từ trong thùng sắt xe hàng
Người Bắc Kỳ vượt biên trong thùng sắt xe hàng. Thật đau xót !!! Tôi chắc không ai nén nổi nỗi ngậm ngùi và thấy như đang "ôn lại" cái thảm cảnh của người Việt miền Nam sau khi quân cướp Bắc Cộng tràn vô sau 30 tháng 4 năm 1975.
Hoá ra ngay những kẻ mà chúng ta vẫn cứ tưởng là người của “cái nôi” giặc Cộng sản - như dân vùng Nghệ An Hà Tĩnh của bác Hù - nay cũng chính là nạn nhân của quân ăn cướp cộng sản (?)
Có điều những “nạn nhân” này có nhiều cái “Khác” với VNCH chúng ta. Dù họ có “khác” nhưng xét cho cùng, họ cùng là nạn nhân bi thảm của một chế độ thô bỉ nhất hành tinh.
Chúng ta đã từng nghe cộng sản hát vang lừng là "Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi..." (trích lời một bài nhạc đỏ đang được hát như “cuồng” trong nước). Nhưng mà đi đâu kia kìa? Mang theo hành trang gì vậy mày?
Hơn 20 năm, họ đã từng đi theo kiểu “Sinh Bắc Tử Nam,” vai vác AK, B40, gạo Trung cộng, chân đi dép râu... hăm hở đi giật mìn, công đồn, đào đường, đắp mô, phá cầu, đốt chợ, pháo kích vào chỗ đông dân cư trường học, bắn giết, “cắt mạng” sống biết bao nhiêu dân lành bằng súng đạn "nước ngoài!”
Hôm nay họ lại hăm hở ra đi; nhưng hành trang thay vì là súng AK, B40... lại được trang bị bằng tinh thần “trồng cần sa, làm móng (?), ở đợ (osin),"làm cô dâu (?), làm điếm…” Miễn sao kiếm được nhiều tiền, ngay cả việc cần phải giết nhau, giết đồng đội, giết người!
Ôi trời cao đất dày! Xã hội chủ nghĩa Chó Ngựa sinh ra lớp người dám khơi khơi hy sinh tính mạng mình, hăm hở “bức xúc” ra đi… để đem trồng cấy, gây tai họa cho nước khác, đem tệ nạn Xã Hội Chó Ngựa (XHCN) đến cho đất nước người khác? Nếu họ đi để quảng bá văn minh văn hóa Việt; hay gieo trồng điều tốt lành cho nhân loại thì bỉ nhân cũng xin thành khẩn chúc họ đi nhanh và đi thật nhiều, đi cho “chân cứng đá mềm." (cũng là lời nhạc đỏ?!) Nhưng trái ngược lại, họ ra đi để sống chui, sống nhủi như ma quỷ sợ ánh sáng; đi để sống kiếp chuột bọ chui trong lỗ, trong thùng chở hàng… sống kiếp “người rơm!” thì có ai ở đâu đó rảnh để “ngăn nổi bước chân ta!”
Gieo rắc tệ nạn trên đất nước người? Nếu có chút nghĩa khí của “kẻ thắng cuộc” thì họ nên ở lại để xây dựng và chết tại nơi họ sinh ra. Đừng xuất cảng hạt giống xấu xí của cộng sản từ Bắc vô Nam; rồi nay từ Bắc tới mọi nước văn minh đang yên ổn sống thanh bình trên thế giới!!!
Nhưng chí đã quyết và tiền đã chung (cho công an và băng đảng dẫn đường) đủ số; tay vỗ bình bịch vào “hồ trường” rồi chui thẳng vào thùng sắt lạnh:
Trời nam nghìn dặm thẳm
Non nước một mầu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
(“Hồ Trường” – Nguyễn Bá Trạc)
Với một lời nguyền: “Thà chết trong thùng xe tải lạnh nơi xứ đang giẫy chết; chứ nhất định không ở lại chịu sống đời ‘Hạnh phúc, Tự lo Độc lập’ trong thiên đường cộng sản.” Nói cách khác, đây cũng là một hình thức của “phong trào cách mạng” loại “Ra đi tìm đường kíu nước” mà dân Nghệ An Hà Tĩnh đã “quán triệt” từ bài học “cắt mệnh” của bác Hù. Thiệt tình! Bác Hù xứng đáng được tôn vinh là “Thủy tổ của phong trào ra đi tìm đường cứu… đói.” Chỉ khác là bác Hù lần đó khôn ngoan hơn, ra đi bằng tàu hàng (cargo ship) và lon ton làm một chân bồi tầu, có cơm ăn ngày ba bữa, có quần áo mặc suốt ngày chứ không như đồng hương Nghệ An Hà Tĩnh của bác đã ra đi bằng thùng hàng lạnh (Hard top cargo box/container) phải chết ngạt, chết co quắp cong queo thê thảm….
Nên biết thêm. Một thùng sắt chở hàng (Hard-top container) dài 12.2m, rộng 2.44m và cao 2.6m có thể chứa một số sinh mạng từ 15 đến 50 người (xem ảnh kèm) để đi môt quảng đường dài từ nước này qua nước khác.
Sở Di trú (Custom Services) của các quốc gia Tây phương văn minh có sẵn “Máy tầm nhiệt” (Heat Scanner/Sensor) để “soi” hơi nóng của đám Thùng Nhân và phát giác người di dân lậu trốn bên trong. Giới buôn người (Human Traffickers) nghĩ ra cách cho nhét Thùng Nhân nằm chen giữa các thùng gà đông lạnh để tránh bị phát giác bởi máy tầm nhiệt như vừa nói. Kết quả mới nhất đưa đến sự việc 39 Thùng Nhân người Việt chết ngạt và chết cóng trong thùng đông lạnh ở Essex Anh quốc vào ngày 23 tháng 10 năm 2019.
Qua tin tức điều tra cùng với các lời khai của nhân chứng, tất cả 39 Thùng Nhân, từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh Việt Nam, rõ ràng họ không phải là lớp dân nghèo khố rách áo ôm, không đủ ăn đủ mặc. Họ phải trả từ 20,000 đô la đến 60,000 đô la trên mỗi đầu người cho đường dây buôn người này - khởi đầu từ băng đảng tội ác và công an ở Việt Nam - để có “ân huệ” (privilege) sống như một con chó trong thùng sắt lạnh suốt hai tuần lể. Trước đây, đường dây buôn người thường dùng thùng có trần bằng vải dầy (canvas roof) để Thùng Nhân có đủ dưỡng khí và có thể vượt thoát khỏi nhân viên sở Di trú trong trường hợp vượt biên bị đổ bể. Nhưng thùng sắt có mái cứng (Hard top) đã được sử dụng thay thế vì sự vận chuyển rất khắc nghiệt qua nhiều giai đoạn ở bến cảng… Như vậy, Thùng Nhân trong thùng sắt kín (Hard top Containers) có cơ hội chết rất cao bởi vì trong trường hợp nếu có bất cứ chuyện gì xẩy ra, Thùng Nhân không có cách gì để thoát thân ra ngoài; đành phải chịu chết một cách thê thảm bên trong đó.
Sau vụ 39 người chết ở Essex Anh quốc lần này, tôi nghĩ là các tay buôn người đang làm việc “overtime” để nghiên cứu ra một phương cách khác cho Thùng Nhân có thể thở mạnh giỏi. Nếu được như vậy thì vấn đề buôn người bằng thùng từ Á châu qua Âu châu và Hoa kỳ sẽ phát triển như nấm mọc sau cơn mưa…
Thực ra, dưỡng khí (Oxygen) vẫn có thể len lỏi qua các khe hở của thùng hàng để đi vào bên trong; nhưng vì số Thùng Nhân đông quá, nằm chen chúc nhau cùng với đồ ăn đồ uống hư thối, cứt đái, chất thải từ cơ thể. Số dưỡng khí này không đủ để hàng chục nhân mạng tranh nhau hít thở trên một chặng đường di chuyển dài…
Các Kiểm soát viên của Sở Di trú (Custom Services Inspectors) tin rằng là các công ty chuyển hàng không trực tiếp can dự vào việc buôn người. Việc buôn người cầm chịch bới băng đảng tội ác và nhân viên an ninh của các chính quyền thối nát. Phần lớn các thùng hàng được chuyển tại bến cảng đã được niêm phong từ trước rồi. Có nghĩa là Thùng Nhân đã được sắp xếp và nhét vào trong thùng hẳn hoi trước khi thùng ra đến bến.
Qua vụ 39 người Việt gốc Nghệ An và Hà Tĩnh chết ở Essex Anh quốc ngày 23 tháng 10 2019 này, nhiều người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại phải ngao ngán kêu trời: “Có những nỗi xót xa không thể nói thành lời”.
Trần Văn Giang
Ngày 6 tháng 11 năm 2019
(Đặc San Lâm Viên)
http://www.dslamvien.com/
Đừng hỏi vì sao
Ngô Trường An
Ông thủ tướng NXP đặt câu hỏi: "Tại sao người Việt thông minh, rất thông minh; nhưng, đất nước còn nhiều người khổ, rất khổ"?
Đây là một câu hỏi hay, nhưng chẳng biết với cương vị của ông, ông đặt ra câu hỏi này để hỏi ai? Hỏi Bộ chính trị? Hỏi Trung ương đảng? Hay hỏi nhân dân??
Nếu câu thắc mắc này ông dùng để hỏi nhân dân, thì, với tư cách là một người dân, tôi sẽ nêu lên ý kiến giải đáp thắc mắc của ông. Tất nhiên, đây là quan điểm của cá nhân tôi, chứ tôi không dám đại diện cho toàn dân.
Ông hỏi: "tại sao dân tộc Việt thông minh, nhưng nước Việt lại nghèo"? Cả 2 vế này đều đúng. Bởi, khi ta vào google gõ cụm từ người Việt thành công ở hải ngoại, hoặc các chính khách gốc Việt ở nước ngoài, thì google sẽ cho ra hàng trăm kết quả. Trong đó có đầy đủ các nhân tài gốc Việt trong mọi lĩnh vực, như: chế tạo thành công bom áp nhiệt; đóng mới Hàng Không Mẫu Hạm tối tân nhất thế giới; nghiên cứu ngăn, không cho bệnh ung thư phát triển; phát hiện thêm các thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ, phát minh ra máy ATM... Nói chung, từ khoa học, y học, thiên văn học, toán học, hội họa... lĩnh vực nào cũng có người Việt. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà chính trị, tướng lĩnh, chính khách... nắm giữ các chức vụ ở những quốc gia hùng mạnh như Mỹ, Đức, Úc....
Đấy, người Việt ở hải ngoại họ thông minh, giỏi giang như thế. Còn trong nước thì sao? Với phương châm ngầm trong giới lãnh đạo từ trung ương xuống tận địa phương là: giỏi hơn ai, tài hơn ai cũng được. Nhưng, không được tài giỏi hơn lãnh đạo"?!
Chính phương châm hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỷ này đã gieo họa và hành hạ biết bao nhiêu nhân tài trong nước. Điển hình như cha con ông Trần Quốc Hải đã mày mò nghiên cứu chế tạo thành công máy bay trực thăng để xử dụng trong lĩnh vực phun thuốc trừ sâu, sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, cha con ông cầm dự án xin cấp bằng sáng chế, chạy tới, chạy lui cầu xin các cơ quan công quyền cả hàng chục năm trời, nhưng cuối cùng, chẳng ma nào đồng ý. Uất ức, cha con ông cầm bản vẽ qua bán cho bộ quốc phòng Campuchia, được chính phủ Campuchia ưu ái trọng dụng và họ lập tức tặng thưởng cho cha con ông huân chương Đại Tướng Quân (loại huân chương danh giá nhất của hoàng gia Cam).
Vậy đấy! Không chấp nhận người tài hơn mình đã đẩy biết bao nhiêu tinh hoa dân tộc bỏ xứ ra đi, và các tinh khôi của olimphia đi du học cũng chẳng ai muốn trở về phục vụ đất nước.
Một đất nước mà lãnh đạo không muốn ai tài giỏi hơn mình thì đất nước đó làm sao có cơ hội phát triển?
Một đất nước mà bọn tội phạm đứng lên rao giảng đạo đức, in sách ca tụng băng nhóm của mình. Còn bác sỹ, kỹ sư, luật sư, nhà giáo, nhà báo, cha đạo, thầy chùa và những tri thức nhiệt huyết với đất nước đều bị tống vào tù vì họ muốn góp ý xây dựng chính sách, chủ trương để đưa đất nước phát triển?
Một đất nước mà lãnh đạo đòi chống ngập bằng Lu; đòi kéo đám mây điện toán của xứ khác về nhà mình làm của hồi môn; đòi kéo não người Việt ở lại trong ao làng; đòi áp dụng tư tưởng người đã chết cách đây hơn nửa thế kỷ làm mô hình phát triển kinh tế cho thời đại công nghệ 4.0; đòi nơi này giống Paris, nơi kia như Kyoto, nơi nọ thành Singapore... toàn mơ mộng thành bọn tư bản, trong khi đó mình quyết đi theo con đường cộng sản...
Một đất nước mà lãnh đạo không có lập trường ổn định, lúc ngã bên này, lúc dựa bên kia, đu dây, chàng hảng, ngã ngớn như con đĩ. Xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nó giống như nửa thiên đàng, nửa địa ngục chẳng giống ai, thì đất nước phát triển theo hướng nào?
Tóm lại, đất nước giàu mạnh không hẳn nhờ dân tộc đó thông minh. Hoặc, đất nước nghèo nàn không hẳn là dân tộc đó bạc nhược! Cùng là người Hoa, nhưng dân Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc trình độ nhận thức khác nhau, mức sống khác nhau. Cùng là người Triều Tiên, nhưng dân Nam Hàn và Bắc Hàn có mức sống giàu nghèo khác nhau. Điều này chứng minh rõ rằng, dân tộc đó giàu hay nghèo, mức sống thấp hay cao đều do lãnh đạo và đường lối chính trị của đất nước đó. Dù rằng, dân tộc họ không thông minh, nhưng đất nước họ biết trọng dụng nhân tài của nước khác để làm giàu cho họ như trường hợp của Campuchia xử dụng nhân tài VN, đó mới là điều đáng nói.
Mỹ, biết tận dụng trí tuệ của bà Dương Nguyệt Ánh để giải quyết thành công chiến trường Trung Đông; biết xử dụng chất xám của bà Giao Phan để sở hữu Hàng Không Mẫu Hạm tối tân nhất thế giới; biết trọng dụng các nhân tài bất kể màu da, sắc tộc trong nhiều lĩnh vực để đem lại sự vững mạnh toàn diện cho đất nước họ.
Kết: đất nước phát triển, dân tộc ấm no hoặc đất nước tụt hậu dân tộc đói nghèo đều do ở đường lối chính trị và trí tuệ của người lãnh đạo ở đất nước đó. Vậy, ông thủ tướng đừng có có đặt câu hỏi VÌ SAO nữa nghe. Dị lắm ông ạ!
Ngô Trường An
https://baotiengdan.com/
Dư luận viên biết nghe ai đây?
Ngô Trường An
Chúng nó mỗi người một ý. Tên này nói ra ý này thì lập tức tên kia phản lại ý khác. Chúng cứ vả vào mồm nhau chan chát như thế này mà hội nghị nào cũng 100% biểu quyết thống nhất, đồng tình, tán thành… Thế mới tài tình chứ ạ.
– Ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Chủ trương của đảng làm cho dân giàu nước mạnh.
– Ông bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đói khát mới là lợi thế.
***
– Ông Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta phải lấy lại lòng tin, tình thương yêu của nhân dân.
– Ông Nguyễn Xuân Phúc: Điều tôi muốn nhấn mạnh là, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này.
***
– Ông Võ Văn Thưởng: Nhiều nước xem VN là mô hình phát triển để học tập.
– Ông Nguyễn Văn Phụng: Chúng ta đang bán đất để ăn, và ăn luôn hết phần của con cháu trong tương lai.
***
– Ông Võ Văn Thưởng: Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có chuyện hạ cánh an toàn.
– Ông Ngô Tuấn Nghĩa: Không nên tố cáo cán bộ đã nghỉ hưu vì nó sẽ khiến tình hình phức tạp thêm.
***
– Ông Nguyễn Xuân Phúc: Tôi mong muốn có nhiều người phản biện sắc sảo cho đảng, chính quyền.
– Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nhà nước ta do đảng lãnh đạo nên không cần phản biện gì cả. Phản biện là phản động.
***
– Ông Nguyễn Phú Trọng: Thời đại HCM hôm nay là thời đại rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc.
– Ông Nguyễn Xuân Phúc: Dân tộc VN hôm nay đang còn nhiều người nghèo khổ, rất khổ.
***
– Ông Trần Hồng Hà: Không có chuyện người nước ngoài mua đất ở VN.
– Ông Ngô Văn Hồng: Khu vực sân bay Nước Mặn có 21 lô đất do người TQ đứng tên.
***
– Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Không có chuyện người dân chửi đảng.
– Ông Thuận Hữu: Mạng xã hội bây giờ chửi không chừa một ai.
Dân thì éo thèm nghe tên nào cả. Còn DLV phải nghe ai cho đúng đây? Nghe theo tên này thì mích lòng tên kia, làm theo thằng này thì phật ý thằng nọ. Thằng nào cũng đảng, cũng lãnh đạo, cũng bề trên cả. Khổ thân!!!
Ngô Trường An
https://baotiengdan.com/
Trào lưu tàn nhẫn từ xứ Chệt đã đến xứ Mít:
Cái ác lại sinh ra cái ác
Thuần Dương ĐKN
Khi chúng ta lấy nỗi thống khổ của sinh mệnh khác làm thứ tiêu khiển, đó phải chăng là dấu hiệu của một sự suy đồi kinh hoàng?
Những con vật nhỏ bé bị nhốt vào trong túi nilon kín với chút nước, không khí và những vật trang trí sắc màu. Chúng được sử dụng như những chiếc móc chìa khóa, chịu rung lắc, quăng quật, không thể sinh sống như cách chúng nên được tồn tại trên thế giới này. Và khi chúng ta lấy nỗi thống khổ của sinh mệnh khác làm thứ tiêu khiển, đó phải chăng là dấu hiệu của một sự suy đồi kinh hoàng?
Phong trào móc chìa khóa động vật lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào dịp Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Dù đã từng bị lên án gay gắt vào năm 2011 nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại và được bày bán tràn lan tại Hạ Môn, trang tin Shanghaiist cho biết. Những con vật này được bọc kín trong túi nilon nhỏ chứa đầy nước huỳnh quang có bão hoà oxy và chỉ có một viên thức ăn duy nhất. Theo lời quảng cáo của người bán, chúng có thể sống như vậy được 3 tháng.
Một số trang tin trong nước gần đây đưa tin rằng trào lưu này bắt đầu xuất hiện ở các thành phố biên giới phía bắc Việt Nam và những người dùng mạng xã hội đã lên tiếng phản đối bởi nó quá tàn nhẫn.
Tiến sĩ Sam Walton, nhà nghiên cứu tại Đại học Malaysia Terengganu, phát biểu trên trang The Star Online rằng: “Có thể sẽ đủ oxy và thức ăn trong vỏ nhựa, nhưng chất thải sẽ khiến chúng nhiễm độc amoniac và chúng sẽ chết dần trong đó”, theo Lostbird.
“Động vật thủy sinh rất nhạy cảm với sự biến động của nhiệt độ, vì vậy việc sống trong túi nhựa chật hẹp này cũng giống như ở trong nhà kính vậy. Ngoài nhiệt độ thay đổi liên tục, chúng còn thường xuyên bị rung lắc. Chúng có thể chết bất cứ lúc nào”, tiến sĩ cho biết.
Những động vật nhỏ đang khổ sở giãy giụa trong bọc túi nhỏ lại trở thành trò vui cho nhiều người. (Ảnh: funnyjunk.com)
Cái ác lại sinh ra cái ác
Đây là một sự đầy đọa đối với các con vật bị bắt làm đồ trang trí. Thú vui tận hưởng cảm giác thống trị và quyền lực khi nắm trong tay sinh mệnh của kẻ khác, hay thích thú nhìn chúng quằn quại để mua vui cho mình… đó là biểu hiện rõ ràng của sự ác độc. Cái ác dù rất nhỏ sẽ lại nảy sinh ra cái ác. Và nếu là người có lòng trắc ẩn cũng như trách nhiệm với đạo đức xã hội, chắc chắn không thể ủng hộ hay làm ngơ trước trào lưu tàn nhẫn này.
Tôi chợt nhớ tới bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk có tên “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân”, được khán giả bình chọn là một trong 100 bộ phim hay nhất sau năm 2000 (do BBC khảo sát). Bộ phim bắt đầu bằng cảnh mùa xuân trong ngôi chùa nhỏ nằm giữa hồ nước bên núi rừng tĩnh lặng của Hàn Quốc. Chú tiểu nhỏ tuổi tu hành cùng sư phụ tại nơi đây, ngày ngày họ ngồi thiền và tụng kinh, đôi lúc dùng chiếc thuyền nhỏ để đi vào bờ hái cây thuốc hoặc tập thể dục.
Một ngày kia tại con suối nhỏ trên núi đá, chú tiểu buộc một cục đá vào con cá và cười khúc khích khi thấy nó vùng vẫy cố bơi trong tuyệt vọng. Sau đó thú vui được tiếp tục với một con ếch và một con rắn. Sư phụ đều nhìn thấy cả. Đêm hôm ấy, sư phụ buộc một khối đá vào chú tiểu khi chú đang ngủ. Sáng hôm sau, cậu mếu máo nói sư phụ hãy giúp bỏ khối đá ra khỏi người mình.
Sư phụ hỏi: “Nó có làm con đau không?”, chú tiểu trả lời: “Có ạ!”. Sư phụ hỏi cậu có làm thế với những con vật kia không, cậu đều nhận. Sư phụ bảo cậu đứng lên đi vòng quanh nhưng cậu không đi nổi và sư phụ hỏi cậu có hiểu những con vật kia cũng cảm thấy như vậy không. Ngài cũng nói chừng nào chưa giải thoát cho những con vật bị hành hạ thì cậu không được bỏ khối đá ra, và nếu có con nào chết thì cậu sẽ phải tự dằn vặt suốt cuộc đời.
Chú tiểu vật lộn với khối đá trên lưng đi đến con suối và thấy con cá đã chết, con ếch đang cố vật lộn, còn con rắn nằm im trên vũng máu. Có lẽ nó đã bị con vật khác tấn công và chết khi không chạy thoát thân được. Chú tiểu bật khóc nức nở khi thấy những gì mình đã làm.
(Ảnh: contioutra.com)
Tất cả như một dự báo về cái ác đã được gieo mầm trong cậu bé tu hành. Quả thật, sau này cậu bé đã phạm giới luật và bỏ dở việc tu hành. Mầm mống cái ác vẫn ở trong cậu cho đến khi cậu sát hại vợ mình vì cô ngoại tình.
Các ác sẽ dẫn tới các ác. Hay tội ác lớn hơn sẽ được cảnh báo và biểu hiện ra ngoài bằng những việc làm tưởng chừng như vô hại. Khi chú tiểu hỏi sư phụ làm sao phân biệt được cây thuốc và cây độc, sư phụ nói rằng cây độc ấy có một vân trắng nổi trên lá. Nguyễn Du cũng viết trong Truyện Kiều rằng “anh hoa phát tiết ra ngoài”, có lẽ những cái xấu xí và ác độc cũng sẽ phát tiết ra ngoài như người xưa nói: “Tướng tự tâm sinh”. Ngoài tướng mạo, còn có cả những biểu hiện ra bên ngoài ở lời nói, hành động của mỗi cá nhân. Và ngược lại, từ mỗi lời nói, hành động, nếu không quy chính nó cho thiện lành thì sẽ dễ nảy sinh ra tội ác về sau này.
Lòng thiện có thể giáo dục, thì cái ác cũng có thể được dưỡng thành từ những điều nhỏ nhất
Câu chuyện con cá, con ếch và con rắn bị buộc đá có gì đó rất giống với những con vật nhỏ bé bị nhốt vào túi kín làm móc chìa khóa trên đây. Tôi rùng mình khi nghĩ tới những đứa trẻ sẽ mua chúng về nghịch ngợm. Có lẽ các em cũng sẽ khóc khi “đồ chơi” của mình chết, nhưng các em không thấy đau khi “chơi” với những con vật kia.
Không thể đặt mình vào vị trí của người khác hay kể cả sinh vật khác để cảm nhận nỗi thống khổ, đau đớn của họ, thì đó là một dấu hiệu rất rõ ràng về sự vô cảm và khả năng gây ra tội ác trong tương lai.
Thiện ác trong mỗi người từ khi sinh ra đã là khác nhau. Nhưng nhờ có giáo dục, người ít lòng trắc ẩn khi được hướng dẫn cách đặt mình vào vị trí của người khác cũng có thể biết dừng lại, biết chùn tay khi định làm tổn thương ai đó. Giống như cậu bé dù đã vui cười khi buộc đá vào các con vật, cũng thấy thống khổ khi lâm cảnh tương tự và khóc nức nở khi thấy con rắn nằm chết trên vũng máu.
(Ảnh: Naver)
Lòng thiện có thể giáo dục được, thì cái ác cũng có thể được nuôi dưỡng từ những chuyện tưởng chừng như chỉ là “thú vui” vô hại. Hình ảnh cái cửa xuyên suốt bộ phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân” cũng như một lời nhắc nhở thế nhân: Dù cái cửa chơ vơ giữa đất trời, xung quanh không có tường rào nào phân định ranh giới, nhưng vị sư phụ và chú tiểu vẫn ngày ngày đóng mở cánh cửa để đi qua dù hoàn toàn có thể đi vòng qua cái cửa để lên bờ. Đạo đức, lễ tiết của con người cũng vậy, nó vô hình, không hiển hiện ranh giới, nhưng ta vẫn phải nghiêm cẩn thực hành hàng ngày dù không có ai dõi theo kiểm tra. Cánh cửa ấy vẫn phải đi qua, vẫn phải hiện hữu để phân định rõ ràng: một bên là sông bể dục vọng mênh mông, một bên là con đường tới bến bờ giác ngộ.
Đăng ngày 16 tháng 12.2019