banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?!

Lão Móc

(Kính tặng những vị anh hùng của QLVNCH đã hy sinh mạng sống để bảo vệ lãnh hải, cánh đồng biên giới và cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân miền Nam trong cuộc chiến Quốc, Cộng).

Đêm Trung Thu mà lại nhằm cuối tuần, một ông bạn trẻ mời tôi lại nhà và theo lời ông ấy:
Bác tới đây muốn nhậu thì nhậu, muốn uống trà thì uống trà, muốn ngủ thì có chỗ ngủ, muốn về thì cháu đưa về. Muốn thức sáng đêm cũng được. Áo lạnh bên này có, khỏi mang theo mất công.
Khi người ta có lòng mời mọc mà lại cẩn thận trước sau như thế thật khó lòng từ chối. Thôi thì đi, thức một đêm cũng chưa tới nỗi phải chết. Người bạn trẻ này tổ chức thiệt là chu đáo.
Khi tôi tới hồi 8 giờ rưỡi tối, đã có sẵn bốn người, với tôi là năm, và ngồi trong cái nhà kiếng của chủ nhân ngó ra, trăng lên đã được hai cây sào.
-Bác ngồi với tụi tôi được chừng nào hay chừng ấy. Ông chủ nhà vừa nói vừa khui rượu. Nói trẻ là trẻ với tôi thôi. Ông chủ nhà năm nay cũng năm lăm, năm sáu tuổi rồi, còn mấy ông khách kia cũng cỡ tuổi đó. Chỉ có chủ nhà là dân Hải Quân qua được hồi năm 75. Một ông cũng Hải Quân bạn của chủ nhà là dân H.O. Còn mấy ông kia vượt biên. Người ta mời mọc
nhau uống, vui vẻ thân tình. Khi người ta vui vẻ thì người ta cởi mở. Lúc ông chủ nhà khui tới chai thứ hai thì đã có một ông đọc thơ. Đọc thôi chớ không phải ngâm nga gì. Ông khách ấy đọc:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Ông đọc rồi đưa mắt nhìn tôi: Tôi thuộc thơ mà không nhớ tên bài thơ cũng như tên tác giả, bác có nhớ không? Tôi đáp nhớ, đó là bài Lương Châu Từ của Vương Hàn đời Đường. Ông này không thấy sách nào nói rõ gốc tích lai lịch, thơ để lại cũng ít, có mỗi bài này nổi tiếng.
Mà nó nổi tiếng thật chớ không phải chơi. Trẻ già lớn bé gì ai mà lại không biết cái câu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Phải rồi... xưa nay chinh chiến mấy ai đã về...
Âm hưởng của bài thơ đã thay đổi hoàn toàn câu chuyện quanh nhóm bạn bè. Lúc đầu người ta nói chuyện trăng, chuyện ăn chơi trên xứ Mỹ thời nay và xứ Tàu thời xưa. Bây giờ người ta có vẻ như không còn cái thú để uống nữa. Ông Hải Quân H.O. xoay đi xoay lại cái ly rượu trên tay, kể về những người quen của ông đã đi chinh chiến không về.

“... Hồi đó là dịp Tết Giáp Dần, tình hình ngoài Hoàng Sa đột nhiên căng thẳng. Ngày 11-1-1974, Ngoại trưởng Trung cộng lúc ấy là Hoàng Hoa đột nhiên tuyên bố là toàn thể quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung cộng. Bên mình bác bỏ liền. Ngoại trưởng của mình là Vương Văn Bắc xác định mạnh mẽ rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung cộng đưa tàu, đưa lính vô Hoàng Sa cắm cờ ở Cam Tuyền, Duy Mộng và đảo Vĩnh Lạc. Còn ở đảo Quang Hòa thì đã có sẵn lính của tụi nó rồi. Bên mình bèn phái bốn chiếc chiến hạm ra đó, để sẵn sàng khi tình hình xoay chuyển.
Tôi nhớ chiếc đầu tiên có mặt ở Hoàng Sa là Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16, kế là chiếc Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ04, rồi tới chiếc Tuần dương hạm Trần Bình Trọng và tới sau hết là chiếc Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ10, tới Hoàng Sa trưa ngày 18-1-1974.
Chiếc Trần Bình Trọng với chiếc Nhựt Tảo vừa tới Hoàng Sa bữa trước thì bữa sau đụng liền. Bên mình bắn tàu Trung cộng chiếc cháy, chiếc chìm. Chiếc Nhựt Tảo chiến đấu anh dũng, nhưng bên tụi Trung cộng có trang bị hỏa tiễn Styx, bên mình chỉ có trọng pháo. Chiếc Nhựt Tảo trúng đạn bị chìm, có một số anh em thoát được, còn Hạm trưởng Ngụy Văn Thà
và số thủy thủ còn lại hy sinh theo tàu...”
Mọi người yên lặng ngó xuống ly rượu. Riêng ông Hải Quân ngó ra sân. Trăng sáng quá. Cách một biển Thái Bình Dương, bên kia Hoàng Sa chắc đang là ban ngày, tâm hồn ông Hải Quân chắc đang để ở đó.
-Thôi, uống đi. Tụi mình còn thức cả đêm. Ai có chuyện gì thì kể nghe chơi!
Ông chủ nhà muốn phá cái bầu không khí yên lặng nên chậm rãi lên tiếng. Một ông khách, bạn của chủ nhà mà cũng có quen với tôi nữa, hớp một hớp rồi kể:
“... Tụi tôi ra trường hồi cuối năm 63, mỗi đứa đi một ngã. Cùng khóa có Lê Huấn. Nó là thằng chịu chơi hết mình, đánh giặc giỏi lắm. Nguyên một khóa có mình nó lên lon sớm nhất.
Hồi đánh Hạ Lào đầu năm 71 nó đã là Trung tá Tiểu đoàn trưởng rồi.
Trong trận Hạ Lào, lúc Trung đoàn 2 của Sư đoàn 1 sắp sửa nhảy vào Tchépone thì Tiểu đoàn 4/1 của nó nhảy xuống căn cứ Lolo. Ngay hôm mình chiếm Tchépone thì Lolo bị đánh lần đầu. Nội trong ngày 6-3-71, Tiểu đoàn 4/1 của Lê Huấn với 3/1 của Trung đoàn 1 hạ hơn 400 Việt cộng rồi. Khi tụi tôi ở Tchépone rút về rồi, Huấn vẫn còn ở lại Lolo. Từ hôm 14 đến 17-3-71, tụi Việt cộng bao vây kín mít. Trực thăng không tải thương được. Tiểu đoàn 4/1 của Huấn hết đạn, phải lấy đạn, lựu đạn của Việt cộng mà đánh lại. Tới chiều 17 thì Tiểu đoàn tan hàng. Hai tuần lễ trước, Tiểu đoàn 4/1 có 432 người nhảy xuống Lolo. Bây giờ còn 60 len
lỏi rút ra khỏi vòng vây. Sĩ quan chết hết. Số 60 người còn lại do một Trung sĩ chỉ huy, ai cũng bị thương, đạn dược hết sạch...”
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Hai câu thơ trong bài “Điếu cổ chiến trường văn” của Hứa Ban thật là hay. Người đẹp cũng như danh tướng thường chết trẻ. Mà như vậy mới lưu lại sự nuối tiếc, nhớ thương cho người đời. Thời xưa, các mỹ nhân nổi tiếng bên Trung Quốc thường chết lúc đang còn xuân sắc.
Chả mấy ai muốn thấy một mỹ nhân nhan sắc tàn tạ buổi về chiều. Ấy là nói bên Tàu đời xưa. Còn nói tới quan niệm ngày nay thì khác xa. Nói tới danh tướng, người ta nghĩ đến lúc tung hoành giữa chiến trường, “tên reo đầu ngựa, giáo lan mặt thành.” Ít người nghĩ đến cảnh một ông danh tướng về già, tay chân run rẩy, mỗi bước đi phải có người nâng đỡ.
Nói tới người đi chiến chinh, ai dám chắc ngày về. Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhựt Tảo Ngụy Văn Thà, khi được lệnh rời Đà Nẵng theo Hải đội trưởng trên chiếc Tuần dương hạm Trần Bình Trọng trực chỉ Hoàng Sa, không biết ông Hạm trưởng có nghĩ đó là chuyến ra khơi cuối cùng của Hải nghiệp một Hạm trưởng và cũng là dịp cuối cùng để ông trả nợ cho tổ quốc?

Tôi hỏi ông quan Năm bạn cùng khóa với cố Đại tá Lê Huấn:
-Nếu ông Tiểu đoàn trưởng 4/1 và các người lính của ông khi lên trực thăng nhảy xuống Lolo, biết đó là chuyến đi cuối cùng của họ, liệu họ có đủ can đảm để thi hành nhiệm vụ hay không?
Ông này buông ly, chồm người qua mặt bàn:
-Sao không? Lính mà! Với lại tôi biết Lê Huấn và lính Tiểu đoàn 4/1. Họ không có sợ chết đâu bác.
Ông nhìn trừng trừng vào mặt tôi, ý như muốn hỏi sao tôi lại nêu lên một câu hỏi quá sức thừa thãi như vậy.
Ông Hạm trưởng chiếc Nhựt Tảo và ông Tiểu đoàn trưởng Bộ binh vùng giới tuyến theo cấp bậc thì chưa phải là Tướng. Nhưng cứ lấy chuyện cấp bậc ra mà so đo thì hẹp bụng quá! Theo tôi, hai ông này xứng đáng hơn nhiều ông Tướng lon to chức lớn nhiều. Đeo tới lon Đại Tướng mà đi đầu hàng giặc thì đeo làm chi cho nó nhục. Ông Hạm trưởng thì chết theo tàu ở vùng biển xa tít phía Đông để chận bước xâm lăng của ngoại nhân phương Bắc. Còn ông Tiểu đoàn trưởng thì cùng với tất cả sĩ quan và hầu hết binh sĩ của mình đã nằm lại giữa núi rừng trùng điệp Hạ Lào, nơi con đường tiếp vận Bắc-Nam của Cộng Sản đang ngày đêm đưa người, đưa súng vào xâm lược miền Nam.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn...
(Đoàn Thị Điểm, Chinh phụ ngâm khúc)
Ra đi mà không hẹn được ngày về, đó là số mệnh của kẻ chinh phu. Ngàn xưa cho tới bây giờ chiến tranh đã làm cho bao nhiêu người ra đi không về. Có những cuộc chiến tranh phi nghĩa, người chết uổng mạng. Nhưng có những cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, và những xương máu đổ ra; những người chinh phu ra đi không về vì họ biết họ sẽ hy sinh cuộc đời họ cho những người khác được sống tự do, đất nước họ được độc lập. Một trong những cuộc chiến tranh chính đáng đó là cuộc chiến đấu bảo vệ Tự do của quân dân miền Nam. Những chinh phu của miền Nam ra đi là để đổi mạng sống của họ lấy tự do, no ấm cho chính miền Nam.
Đừng có ai ăn phải cháo lú của Cộng sản rồi trở giọng cho rằng những xương máu đó đổ ra vô ích.
... Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn...
Trên căn cứ Lolo của cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm xưa, cây rừng bây giờ chắc đã mọc cao lắm rồi.
Dấu binh lửa nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.
(Đoàn Thị Điểm, CPNK)
Bên ngoài cửa sổ, trăng vẫn sáng vằng vặc. Nửa vòng trái đất bên kia, trăng vẫn sáng vằng vặc. Nửa vòng trái đất bên kia, trăng vẫn sáng trên căn cứ Lolo núi rừng trùng điệp và trên Hoàng Sa ngàn khơi lộng gió...
LÃO MÓC


Anh tôi, người huấn luyện viên

quân trường hạ sĩ quan Ðồng Ðế

Ðỗ Vũ Kỷ Hà

Mẹ tôi bảo: lúc nhỏ, anh tôi khổ cực lắm, đi tản cư, mẹ gánh một bên chị tôi, một bên lỉnh kỉnh đồ đạc, anh tôi chạy sau ôm túi gạo và muối để dọc đường dừng lại nấu ăn, một anh nữa đeo lưng nồi chảo....tôi hỏi: thế con đâu hả mẹ, mẹ tôi cười: con còn trong...bụi tre.
Tản cư. Nhiều gia đình đùm dúm chia sẻ trong một căn nhà hoang, tuỳ theo mùa, hai anh tôi đi nhặt lá bàng, bán kem ( cà rem) lượm rác....sáng sớm, mẹ tôi nấu vội nồi xôi, chia từng gói cho chị tôi đi bán, còn tôi bò thơ thẩn chờ chị về lượm nhũng hạt xôi dính lại trong rổ. Anh tôi bảo có nhiêu khi 2, 3 đứa trẻ cùng lượm được một chiếc lá bàng rơi, nhưng chẳng bao giờ tranh dành, cãi nhau, chỉ chia chiếc lá ra làm 3... xâu lá vào một sợi dây đem bán.
Khi học bài nhặt lá bàng của Thạch Lam tôi ứa nước mắt nghĩ cảnh các anh tôi, các em bé lúc bấy giờ mà thương, tôi hỏi: mẹ ơi, con tưởng lá bàng bán để gói xôi mà chia nhỏ ra thế thì sao gói được, mẹ tôi giải thích, lá bàng ấy là để bán cho thợ nhuộm, quần áo nhuộm lá bàng sẽ ra màu nâu nâu, vàng vàng loang lổ, mặc đỡ dơ và vải trở nên dày, cứng, đỡ bị rách... A, thì ra thế. Thương quá...

Khi đi tản cư, ba mẹ tôi có 4 người con, anh cả tôi là anh Trung, rồi chị Hai, anh Ba và út là tôi. Những ngày kiếm không được đồng nào, anh Trung tôi bảo em: mày đúng canh, anh vào ghè lấy ít sắt. Vì có một ngôi biệt thự Pháp bị dội bom đổ sập, có nhiều sắt của các cửa sổ, nhưng người ta bảo có ma nên không ai dám vào, anh Ba tôi run run đứng khóc bên ngoài, anh Trung tôi chặp sau vác được mấy cây sắt vụn... Hai anh em vội đem bán lấy tiền về đưa mẹ, tối hôm ấy, anh cả tôi lên cơn đau bụng dữ dội, gào khóc không ra hơi, mẹ tôi sợ quá, dỗ dành hỏi hôm nay tiền ở đâu ra, nghe anh tôi kể xong, mẹ tôi tất tả chạy mua bó nhang, đem đến trước căn nhà hoang khấn xin... hèn gì, căn nhà ấy còn nhiều sắt lắm mà không ai dám đến lấy.
Nhũng chuyện ấy tôi chỉ nghe kể lại.

Anh Trung tôi học trễ hơn những người cùng lứa tuổi. Từ Bắc, bố mẹ tôi bỏ lại hết nhà cửa, ruộng vườn...theo tàu há mồm di cư vào Nam. Ở trại định cư, dọn nhà ở những con hẻm... sau bố mẹ đưa anh em chúng tôi về ở một lớp học trong trường Cù lao bố tôi làm hiệu trưởng. Buổi sáng, hai anh tôi dậy thật sớm, ăn bát cơm nguội hoặc cháo rồi đi bộ xuông Nha trang học, có hôm anh kể bám được sau xe ngựa, gặp người hiền họ để kệ cho đi, lâu lâu gặp ông hung, ổng vụt roi ngựa quất ra sau, trúng người đau quá phải buông tay nhảy xuống.
Chị tôi mỗi sáng thuòng dậy sớm leo tận núi Cù lao lượm củi, tôi lúp súp chân đất đầu trần theo sau, cũng ôm về được bó cành khô. Tôi nhớ có ông đục đá trên núi, ông nói: chừng nào ổng đục đến bên kia chân núi thì sẽ về lại Bắc. Ông dạy chị em chúng tôi rao kẹo kéo
“ kẹo kéo... vừa dẻo vừa dai, càng nhai càng ngọt, chạy tọt về nhà, xin bà 1 xu ra mua kẹo kéo...đây....” có khi thì “kẹo kéo này già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng, nạ dòng ăn thọ thai, con trai ăn làm lý trưởng....đây...” , không hiểu sao, tận giờ tôi vẫn nhớ.
Ba tôi mua một con dê nhỏ, sáng chiều tôi dắt dê đi quanh núi rừng ăn lá duối, tôi cột dê vào gốc cây rồi tìm một tán lá bằng phẳng nằm dài nhìn trời mây, tưởng tượng nhũng đám mây đủ hình thù... khi là đám cá bơi lội dưới giòng nước, khi là nàng Bạch Tuyết, khi là ông tiên... và tôi cũng lang thang trên đó, bay lượn thoải mái. Mùa hè năm ấy anh tôi được lãnh phần thưởng , những quyển sách vở cột bằng sơi ruy băng đỏ, lại bao ngoài bằng giấy bóng kính, anh cho tôi sơi dây, tôi quý lắm và cột trên cổ con dê dắt đi khoe khắp nơi (sau này, tôi có kể với một anh bạn từ xa về, mà lâu ngày nên tôi quên mặt, anh nói: khi gặp em, anh sẽ làm con dê, cổ đeo nơ đỏ em sẽ nhận ra anh ngay. Ở phi trường, tôi nhận ra ngay ông đeo chiếc cà vạt đỏ tòong teng...)

Rồi anh tôi vào ngành sư phạm, mẹ tôi bảo: mả ông tổ nhà mình đặt trên cái bút, cái nghiên nên ai cũng làm nghê dạy học... chẳng biết có đúng không mà tôi vốn chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là nhà giáo, thế mà rồi cũng “gõ đầu trẻ”, sau 75 thì đành ngậm ngùi mà ngâm nga
“Tối 30, thầy giáo tháo giầy, xé giáo án dán áo ra chợ tết
Sáng mồng 1, thầy cô thồ cây, giáo chức dứt cháo đón mùa xuân”
“ phấn trắng, giấy trắng, bàn tay trắng. Bảng đen, mực đen, cuộc đời đen”.
Chẳng biết là may hay rủi, chỉ một thời gian ngắn, chúng tống tôi ra khỏi ngành này.

Rồi có lệnh tổng động viên. Anh tôi vào linh. Ngày thăm anh nơi quân trường Thủ Ðức tôi ngỡ ngàng thấy anh đen và khác hẳn, không hiếu sao, tôi cứ nhớ mãi một chi tiết nhỏ, một đoá hoa phượng tươi nguyên rơi ngay bên tôi, tôi nhặt lên ngắt cánh hoa màu trắng có nổi lên những gân hồng đưa anh và nói như tuổi thơ hai anh em vẫn làm:”em cho anh này, chua chua ngọt ngọt ngon ngon...”. Không ngờ, anh tôi cầm ngay lấy bỏ vào miêng ăn ngon lành như ngày nào và, tôi sung sướng như tìm lại anh tôi ngày xưa... Lúc ấy, cái gì cũng thèm, ngay cả cái cánh hoa phượng ăn chua chua, nói gì đến quả khế, quả ổi..

Ra trường. Anh tôi về làm huấn luyện viên quân trường Hạ sĩ quan Ðồng Ðế, anh hay kể tôi nghe về môn anh dạy là mưu sinh thoát hiểm... và cho đến tận giờ phút này, khi anh đã vĩnh viễn ra đi, tôi vẫn còn thấy như in trước mắt, mỗi khi tôi phụng phịu giận anh, anh lại cầm lấy bàn tay tôi vừa lúc lắc qua lại, vừa hát “...Ðây phù hiệu trường hạ sĩ quan...lò luyện thép tân tiến nhất Việt Nam...thanh kiếm bạc dưới mặt trời là phù hiệu trường hạ sĩ quan..." ( nếu tôi quên chút xin lượng thứ...)
Anh kể nhiều lần về một câu chuyện, mà sau này, khi trên giường bệnh, anh quên nhiều thứ, nhưng mỗi lần muốn khơi dậy trí nhớ của anh, tôi gợi cho anh kể, anh vẫn nhớ và kể hăng say: Một buổi chiều, anh dẫn tiểu đội đi canh gác ở dưới chân cầu Xóm Bóng, dưới tháp Bà, không biết sao người giữ máy truyền tin tìm không thấy máy, loay hoay mất cả 15 phút, khi có máy và dẫn quân đi bộ được nửa đường thì nghe tin vc đặt mìn, toan tính giết cả tiểu đội. Anh nói: rất nhiều người tin rằng bà đỡ, vì nếu không thì sao sau này người giữ truyền tin tìm thấy máy ngay dưới chân gường. Bà đã cố ý khiến tiểu đội bị trễ để thoát nạn.
Khi anh tôi biệt phái về đi dạy học lại thì 75 ập đến, anh tôi nổi trôi theo vận nước, chịu cảnh trình diện, “hoc tập”, tù đầy...
Anh vốn trầm lặng giờ như một chiếc bóng, gặp ai anh cũng thường hỏi câu “có bất cứ việc gì làm không?” Thương ôi, đạp xich lô, kéo xe ba gác, bán cà rem, đi củi, đốt than...? Những người lính cũ bị chúng nó đầy đoạ đến tận cùng!

Ðâu dễ có chiếc xích lô mà đạp? Chiếc ba gác mà chở đồ? Em tôi, cũng là lính ngày trước vẫn còn nói đùa: em sẽ làm... nghề cõng, khỏi cần vốn.
Bị ngăn chặn hết mọi đường kiếm sống, hàng quán buôn bán nhỏ lẻ đều bị coi là tư bản, bị tịch thu và đóng cửa, chỉ còn cửa hàng quốc doanh. Các cô “ mậu dịch” mặt vác lên trời, ban phát cho mua gì được nấy, anh tôi thường rủ tôi dậy từ 4g sáng trong giá rét căm căm đi xếp hàng mua thịt, đặt một cục gạch thế chỗ đứng, hai anh em ráng kiễng chân nhìn đoán xem đến lần mình sẽ còn miếng thịt nào...
Bác tôi nấu nồi bún, nhà sâu trong hẻm, ai quen biết, hàng xóm... mới ghé ăn vậy mà nó cũng moi ra. Tôi cười: chắc giờ bác phải đi ra đường, rao “ai ăn bún không?”, ai ăn, bác ngoắc đi theo về nhà, anh tôi nói : như vậy cũng không được, bây giờ, tốt nhất là ai muốn ăn gì cứ đi đường rao lên :”tôi ăn bún....(hay bánh căng bánh xèo gì đó) đây...” thế là người bán gọi vào ăn. Tôi cười, vậy em sẽ phải đi rao “tôi... dạy học đây...”
Anh em chúng tôi vẫn cố đùa vui như vậy mà quên đi cái bụng lép kẹp.
Anh tôi trèo lên mái tôn sửa lại chỗ dột, bất ngờ té xuống...nằm mê man hơn tháng trời, tưởng anh ra đi lúc cả miền Nam biến thành biển khổ, tôi thường ngồi trên ghế đá bệnh viện chờ đến giờ được vào thăm bệnh nhân. Tôi hoà vào với bao người cùng cảnh ngộ: quần áo nhầu nát, cũ rách, lôi thôi, đôi mắt thất thần, mặt loang lổ nước mắt hoà với bụi đất, không ai nở nổi một nụ cười. Tôi nghĩ đến cảnh bác tôi mất, mấy anh tôi phải gỡ cánh cửa nhà xuống đóng thành quan tài... Chao ơi, nói sao cho hết!  Ai đó nói rằng phải bao dung, phải quên chuyện đã qua mà “hoà hợp hoà giải”. Tôi, tôi sẽ không bao giờ quên! Không! Và nỗi oán thù đó sẽ mãi chất ngất trong lòng cho đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay... Làm sao tôi quên cho được. Tôi có viết mấy câu thơ:
Em sẽ không như nàng Tô Thị
Ôm con hoá đá mong chờ
Em sẽ biến tình em thành ngọn lửa
Rực đất trời thiêu cháy bọn cộng nô.

Bác bạn thân với ba tôi trước 75 làm ở ty giáo dục, nghĩ rằng dù sao thì cũng chẳng phải quân đội nên không “nợ máu nhân dân, “vả lại, bác tôi cũng sắp về hưu chắc không sao, sau khi bị bắt lên bắt xuống, hăm doạ đủ điều...bác về dạy thêm mấy đứa học trò vẫn không yên thân, nó kiểm tra, hoạnh hoẹ. Bác gái xoay qua đủ nghề, làm mắm tép, muối dưa cà, làm bún tàu... nhưng không sao đủ sống, nhà bác có 5 cô con gái, cô nào cũng xinh đẹp, mẹ tôi thường gọi ngũ long công chúa, bác ở sát vách nhà tôi, khi phải chuyển qua làm bánh cuốn bán mấy cô con gái vừa tráng bánh, vừa làm bồi bàn, anh tôi bên này hay hát vọng sang “mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông, nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng...”.
Trong những ngày đầy khó khăn thiếu thốn vất vả ấy bác gái ra đi. Ôi...sẽ không bao giờ tôi quên. Không bao giờ. Cầm giấy báo tử mới mua đươc đồ tang, hai cây đèn cầy và vài gói thuốc lá đãi khách viếng, nhưng quan tài? Trong cái nắng chói chang gay gắt, anh tôi chở tôi trên chiếc xe đạp vừa đi vừa tuột sên, khắp các tiệm bán quan tài trong thành phố không đâu có, hai anh em mồ hôi mồ kê nhễ nhại đạp xe lên tận Thành, nhìn thầy có hai chiếc bày ở cửa đã mừng run, nhưng sau khi đưa giấy báo tử người chủ tiệm nói
- Tôi còn có hai chiếc, một chiếc nhỏ lắm, người thật nhỏ con mới vừa, không thì phải...( ông lựa từ để dùng) gập chân lại. Nghe đến đây tôi nước mắt ròng ròng muốn khóc thét lên nghĩ cảnh bác tôi bị bẻ gãy chân để vừa quan tài.
Ông nói tiếp, cũng ngập ngừng như có lỗi
- Chiếc này thì lớn, nhưng nứt toác nhiều chỗ nên mới còn đây.
Hai anh em lấy tay sờ quanh chiếc áo quan, như vuốt ve thân người sẽ nằm trong đó. Người bán hàng cũng ngậm ngùi
- Không đâu còn nữa đâu - ông nói buồn bã, thông cảm - không đâu có đâu.
Anh tôi ký giấy, trả tiền. Người bán hàng xúc cho tôi một bao mạt cưa, dặn dò:
- Nhớ lấy cái này trộn với cơm nguội giã nhuyễn trét vào chỗ nứt.
Bỏ cơm nguội vào cái mũ sắt lính, anh tôi giã và tôi múc từng vốc mạt cưa bỏ vào, trộn với nước mắt của cả hai anh em lặng lẽ nhỏ xuống. Tôi kêu thầm “bác ơi... có bao giờ tưởng tượng ra cảnh thê lương này...”  và cũng có ai nghĩ được cảnh thế này.
Anh tôi không phải là người khéo xoay sở, bương chải, ai thuê gì làm nấy, nhưng đâu còn sức khoẻ nữa sau lần té ngã tưởng đã ra đi. Anh lang thang, thả hồn theo những giấc mơ xưa không bao giờ trở lại. Tận sau này, khi các cháu đã đi làm lo được cho anh, không còn đói khổ thiếu thốn như xưa, anh vẫn bị ám ảnh của những ngày ăn khoai, rau, củ, thèm chút nước mắm pha tí đường ngọt không có. Anh chậm rải đi bộ trên những con đường xưa, cầm theo cái bị ni lông, lượm những trái bàng rụng, những cái bánh men xanh đỏ, những chiếc bỏng cốm, những chiếc kẹo nhỏ đủ màu, củ khoai lang, khoai mì luộc... người ta cúng các bác rải ven đường về chất đầy ngăn tủ. Tôi nhớ một chuyện của J. London: một anh chàng bị đói giữa sa mạc, khi đến được bờ biển và được tàu vớt lên, anh ta luôn lén vào bếp, lấy trộm thức ăn nhét khắp phòng, nhét cả dưới gầm giường, nệm, dưới gối. Anh ta sợ đói.
Anh ơi, có phải tận đáy lòng anh vẫn nhớ những ngày đói khổ sau khi được “giải phóng” nên lượm đồ người ta bỏ đi mà cất dấu không anh? Thương anh biết là bao nhiêu… Anh đã chẳng bao giờ trả lời em nữa. Anh chẳng bao giờ nói nữa. Nhưng tôi vẫn mãi khắc ghi câu hát anh dỗ dành tôi, câu hát còn vang mãi đâu đây “...đây phù hiệu trường hạ sĩ quan... lò luyện thép tân tiến nhất Việt Nam......thanh kiếm bạc dưới mặt trời...”.
ÐỖ VŨ KỶ HÀ
(Gia đình tôi)


Có thể bạn chưa biết?

Hầu hết các sĩ quan cao cấp trong QLVNCH trực tiếp tham gia trận chiến An Lộc 1972 đều tử trận hay bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến:
1. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng – Anh hùng tử thủ An Lộc, Tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh, kiêm tư lệnh mặt trận tiền phương An Lộc. Ông tuẫn tiết vào ngày 30/04/1975 sau khi Sài Gòn sụp đổ, bằng cách dùng súng lục bắn vào tim tự sát, tại văn phòng Tư lệnh phó bộ chỉ huy của Quân đoàn 4.
2. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ – Đại tá Tư lệnh phó sư đoàn 5 bộ binh, kiêm phó tư lệnh mặt trận tiền phương An Lộc – Người đã dùng súng M72 bắn cháy chiếc T54 đầu tiên của QĐNDVN ở An Lộc. Ông (Tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh) tuẫn tiết vào ngày 30/04/1975, bằng cách dùng khẩu Beretta 6.35 bắn vào đầu tự sát ở bộ tư lệnh sư đoàn 5 tại Lai Khê.
3. Đại tá Trương Hữu Đức – Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 5 Thiết giáp VNCH. Ông tử trận ngày 13/4/1972 tại An Lộc, do bị đạn pháo QGPMN bắn trúng trực thăng.
4. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 15 bộ sinh sư 9 VNCH. Ông (Tỉnh trưởng Chương Thiện) bị bắt ngày 30/04/1975 vì không chịu buông súng đầu hàng và bị tòa án binh xử tử ngày 14/08/1975 tại sân vận động Cần Thơ.
5. Đại tá Lý Đức Quân – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 sư 5 bộ binh. Ông bị tử trận không lâu sau khi trận chiến An Lộc kết thúc do trực thăng bị trúng đạn pháo phòng không của QGPMN.
6. Đại tá Mạch Văn Trường – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 sư 5 bộ binh. Ông bị bắt ngày 30/04/1975 khi đang giữ chức vụ Tư lệnh sư đoàn 21 bộ binh với quân hàm Chuẩn tướng.
7. Đại tá Phan Văn Huấn – Liên đoàn trưởng Liên đoàn 81 BCND, ông bị bắt ngày 30/04/1975. Khi đang giữ chức vụ chỉ huy trưởng Lữ đoàn 81 BCND.
8. Trung Tá Nguyễn Viết Cần (nguyên là một Tiểu đoàn trưởng của  Sư đoàn Dù) tử trận tại An Lộc năm 1972 (40 tuổi) khi chỉ huy một Trung đoàn từ Quân đoàn IV lên tăng cường mặt trận An Lộc; được truy thăng Đại tá.

 Nguồn: Internet

 

Đăng ngày 09 tháng 01.2022