banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thời kỳ gì đây ?

Đỗ Duy Ngọc

Chúng ta đang sống thời đại gì đây ?Có lẽ trong lịch sử của dân tộc, đây là một thời kỳ khó đặt tên.
Ngành giáo dục thì có Bộ Trưởng ngọng và câm. Có Cô Giáo quỳ, Cô Giáo giẻ lau, Cô Giáo đéo, Cô Giáo câm, Cô Giáo đi hầu rượu như gái bia ôm. Có Thầy Giáo ấu dâm, Giáo Viên bán chỗ dạy, Giáo Viên ăn chận tiền Giáo Viên, Lãnh Đạo ngủ với Cô Giáo để cho biên chế. Có Sinh Viên ngủ với Thầy để xin điểm, có Học Sinh bóp cổ Cô Giáo, Học Trò đâm Thầy lủng ruột.
Bộ Y Tế thì có Thứ Trưởng ký nhập đủ loại thuốc gây tai hoạ khôn lường. Có Lãnh Đạo tiếp tay nhập thuốc giả bán giá cao. Có bệnh nhân 4 người một giường, có người cấp cứu sắp chết phải đóng tiền mới khám. Có Bác Sĩ, Y Tá bị dí chạy quanh, bị đấm đá túi bụi. Có viện phí thì tăng mà phẩm lượng lại giảm. Có bệnh viện vào nằm không xem TV cũng đóng tiền, không dùng nước nóng cũng trả tiền, đêm không được bật đèn. Bệnh nhân bị xem như những con thú trong chuồng, bị đối xử nhẫn tâm, là đối tượng để tận dụng làm giàu.
Bộ Giao Thông Vận Tải làm đường chưa xài đã lún, chưa chạy đã nát, giá thực hiện cao nhất Thế Giới mà phẩm lượng thấp nhất trái đất. Cầu làm cốt tre, đường lót bằng mút. Cầu chưa đi đã sập, đường chưa chạy đã lắm ổ voi. BOT nơi nào cũng có, thu giá trên trời, đặt không đúng chỗ, làm một đoạn thu cả đường. Thu tiền quá niên hạn quy định. Bộ Trưởng phớt lờ dư luận, xem thường ý kiến nhân dân.
Bộ Tài Nguyên Môi Trường đào hết tài nguyên đem bán. Biển ô nhiễm vì Formosa, lãnh đạo tìm mọi cách bênh vực, làm đủ trò chối tội. Cấu kết với doanh nghiệp bán đất, bán rừng. Ao hồ, sông ngòi khô hạn,ô nhiễm, lãnh đạo bình chân như vại, quẩn quanh không lối thoát. Các thành phố lớn khí độc nằm trong khí thở, nhân dân sống chung với ô nhiễm môi trường, cái mầm bệnh về hô hấp lúc nào cũng chục chờ xâm nhập lá phổi của người dân.
Bộ Tài Chính suốt ngày tìm đủ cách để rút ruột người dân vô tội vạ. Thuế môi trường, thuế tài sản, hàng trăm thứ thuế dội lên đầu dân, xứ nghèo mà mua gì cũng đắt vì thuế quá cao. Chính sưu thuế làm dân nghèo đi. Thuế cao mà an sinh xã hội thì quá tệ lậu, người già, trẻ em chẳng được quyền lợi ưu tiên nào trong đời sống. Thuế cản trở doanh nghiệp, thuế khiến dân không lối thoát.

Lãnh Đạo từ trung ương đến địa phương chạy theo thu lợi bằng mọi cách. Họ làm giàu một cách nhẹ nhàng, dễ dàng và nhanh chóng khiến các đại gia của các nước tư bản phải thèm thuồng .
Thứ gì họ cũng ăn, đặc biệt là ở lãnh vực đất đai. Vì lợi nhuận quá lớn đưa đến mỗi địa phương là một Lãnh Chúa, bỏ ngoài tai những quyết định của trung ương, trên bảo dưới chẳng cần nghe. Tìm đủ mọi cách để lừa dối kiếm lời. Sửa luôn quy hoạch của trung ương để cướp đất dân, bỏ túi hàng ngàn tỷ. Bắt tay những doanh nghiệp bán đất, bán rừng, bán biển, bán đảo, đuổi dân đi, khiến dân trở thành kẻ tha phương cầu thực. Di tích, đền đài, kiến trúc lâu năm đều được quy thành tiền, có giá là đập là xoá để xây dựng mới, vừa bán đất có tiền vừa được chia chác từ dự án mới. Lãnh đạo cấu kết với nhau, bắt tay với những doanh nghiệp ma đầu tạo ra những nhóm lợi ích chia nhau lợi tức bất kể đạo lý, thần linh, lịch sử, ký ức những thứ theo họ nghĩ là không sinh lợi. Họ bán rẻ đất nước này, họ không cần quan tâm dân sẽ sống như thế nào mà chỉ nghĩ họ thu lợi được bao nhiêu. Càng lúc họ càng phi nhân tính , quay cuồng với đồng tiền mà quên hết và vứt bỏ hết mọi giá trị để làm một con người. Họ tha hoá, trụy lạc trong cách sống, tìm đủ mọi cách để hưởng lạc. Họ mua sắm, xây dựng nhà cửa nguy nga, sân vườn như Vua Chúa. Họ gởi tiền ra nước ngoài, mua những khu đất lớn, những lâu đài, những chuỗi nhà hàng, siêu thị. Con cái sinh hoạt, vui chơi như những trẻ dòng dõi hoàng gia. Và lúc cần, họ rời đất nước trở thành những đại gia định cư ở xứ người. Họ trang bị cho mình nhiều bằng cấp, nhiều học hàm, học vị nhưng mở miệng toàn nói ngu, nói ngược với ý kiến nhân dân nên chẳng bao giờ được lòng dân.

Thời mà miếng ăn bỏ vào mồm cứ sợ là thuốc độc, bệnh uống viên thuốc cứ nghi là thuốc giả. Thời mà ở đâu cũng có thể bị đe doạ, ở trong nhà sợ kẻ cướp, ra đường sợ lũ giật dọc, sợ cây rơi, điện giật, sập hố, sẵn sàng bị giết chỉ bởi một lời nói, một ánh nhìn.
Thời mà trong sinh hoạt chẳng biết tin ai, chẳng biết tin vào cái gì? Thời mà những lời rao giảng đạo đức, những lời dạy dỗ, những tuyên ngôn trở thành như những câu thoại của một vở kịch hài. Thời mà người ta ngang nhiên chiếm đất công. Một bên là hàng ngàn người lũ lượt chen nhau để làm thủ tục lên máy bay, máy bay không còn chỗ đậu, đường băng kẹt như xa lộ kẹt xe. Một bên là bãi cỏ xanh biếc mênh mông hàng trăm héc ta, dành cho một vài kẻ thừa tiền nhởn nhơ giải trí. Thế mà dư luận, ý kiến của cả xã hội chẳng làm gì được, cả chính phủ cũng chỉ đưa mắt nhìn.
Thời mà kẻ cướp vào nhà ta không dám hé môi, nếu phản ứng có thể bị cướp giết, nếu đánh trả ta trở thành tội phạm, phải đi tù. Nếu chống trả gây hậu quả cho kẻ cướp, ta có thể bị kết án tử hình. Thế luật pháp đứng về phía nào ? Luật pháp bảo vệ ai?
Xã hội chứa toàn mầm ác, con người đối xử với nhau tệ hơn thú vật. Trọng vật chất hơn con người. Suốt ngày các phương tiện truyền thông quảng cáo một lối sống chú trọng bề ngoài, đề cao lối sống vật chất, thiếu tình người. Các chương trình giải trí nhảm nhí, thiếu văn hoá, chỉ toàn là kiểu làm trò của các anh hề.
Văn hoá vỡ nát, phong tục bị bôi bẩn, lịch sử bị bóp méo, truyền thống bị đánh mất.
Mọi giá trị tinh thần bị đảo lộn, ông thằng bị đánh tráo. Con người dựa sức mạnh vào đồng tiền, dùng đồng tiền chi phối và lèo lái luật pháp, đứng trên luật pháp. Nén bạc đâm toạc tờ giấy.
Nền nếp gia phong bị đảo lộn, những khuôn phép bị bẻ gãy, người lương thiện hoang mang và gánh chịu thiệt thòi. Trẻ con bị nhồi nhét vào đầu một lối sống thực dụng hoang dã , ích kỷ, chỉ biết thu vén cho bản thân và vô cảm với mọi thứ chung quanh. Chúng bị nhồi vào đầu những kiến thức vô bổ trong khi thiếu trang bị kỹ năng sống và sáng tạo. Một thế hệ nói và làm như một con vẹt. Một thế hệ chỉ biết cúi đầu thiếu ý thức phản kháng. Chúng như một cơ thể thiếu sức đề kháng nên cái xấu dễ xâm nhập và tung hoành.
Con người mất lòng tin nên chạy theo thần linh, ma quỷ. Họ mê tín đến độ cuồng si, họ tin vào Thế Giới ảo vọng một cách cực đoan. Họ không còn lòng tin vào cuộc sống nên dễ bị dẫn vào con đường tà đạo, tin vào quỷ ma. Ngay những người chăn dắt linh hồn cũng trở thành kẻ buôn thần bán thánh, đội lốt Thầy Tu, mượn áo Nhà Dòng để làm điều bất chính. Chùa Đình xây lên to lớn, bề thế để kiếm lời. Nó không còn là chỗ tu hành linh thiêng mà trở thành nơi kinh doanh Thần Phật. Cả xã hội nhốn nháo vì đồng tiền, cả đất nước sôi sục vì lợi lộc. Không còn chỗ để nói chuyện nhân từ, không còn thời gian để bàn chuyện lễ giáo. Người ta kinh doanh cả chuyện làm từ thiện, người ta cướp cả chén cơm của người già và bình sữa của em bé, viên thuốc của người bệnh. Ngang nhiên ăn cướp và ngang nhiên hưởng thụ, luật pháp ngoảnh mặt làm ngơ. Họ xô đẩy, chen lấn nhau để sống nên bỏ mặc văn minh, đánh rơi văn hoá.

Tôi không bôi đen xã hội, tôi không bêu xấu thời tôi đang sống, nhưng đau đớn thay nó là sự thật, một sự thật tàn nhẫn không kể hết được, tôi chỉ là người ghi chép lại. Những điều này báo chí, dư luận nói nhiều rồi. Nhưng tôi vẫn tin rẳng xã hội vẫn còn có những ánh sáng le lói để ta còn chút tin. Vẫn còn một ít người tốt để ta còn trông cậy. Thế nhưng ánh sáng không diệt hết đêm đen, người tốt thành cô đơn trong Thế Giới hỗn loạn này. Nhưng rồi phải có lòng tin để sống. Tin rồi cái thiện sẽ thắng cái ác. Người tốt sẽ diệt kẻ xấu. Kẻ bán nước phải bị nêu tên, người yêu nước phải được ca ngợi.
Nhưng giờ đây, ta gọi thời ta đang sống đây là thời kỳ gì nhỉ? Lưu Quang Vũ đã có lần gọi là thời kỳ đồ đểu. Nhưng bây giờ, cái đểu đó, cái đốn mạt đó đã tiến xa lắm rồi, gọi là thời kỳ đồ đểu e là còn nhẹ quá chăng?
Đỗ Duy Ngọc

https://www.facebook.com/doduyngoc


Tánh khí của người mình xưa nay

Nam Sơn Trần Văn Chi

Người Trung Quốc ít khi dám nhận rõ về mình. Họ thường đem lịch sử 5,000 năm của mình so với lịch sử 300 năm của nước Mỹ! Ðó là sự thật không ai tranh cãi. Nhưng so sánh trên không cùng một tiêu chuẩn (truyền thống lịch sử với truyền thống dân chủ, kinh tế tư do, phúc lợi xã hội...) là cố ý "đánh lộn sòng". Là sự tuyên truyền rẻ tiền để kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi mà thôi!
Người Việt Nam mình cũng vậy. Ít ai dám nói ra, viết lên cái dở cái thói hư tật xấu của người mình. Tới khi Pháp chiếm lấy nước mình, họ - nhà nghiên cứu Pháp, mới bắt đầu nghiên cứu các vấn đề như chủng tộc, làng xóm nhà cửa, đời sống vật chất tinh thần... của người mình. Họ gọi là "Văn Minh người An Nam". Trong đó có đề cập đến "cái xấu của người An Nam". Thuở đó người mình ít ai nghe, thậm chí còn lên án "ý đồ thực dân Pháp".
Trước năm 1975, ở miền Nam có cuốn "Người Việt Cao quý" (Vũ Hạnh viết nhằm để tuyên truyền) và cuốn "Người Việt đáng yêu" được viết với cảm tính, chỉ nhằm thỏa mãn lòng tự ái dân tộc, nên không giúp cho dân tộc!
Người Việt Nam mình ngày nay cũng vậy, có khuynh hướng ca ngợi, tôn vinh dân tộc một cách quá đáng. Giờ đây trong nước vẫn còn không ít "trí thức" tiếp tục rao giảng: "Việt Nam là lương tâm nhân loại, "Dân tộc ta kiên cường", "Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng", "Nước ta Nhỏ mà không Nhỏ", "Việt Nam là con cọp Ðông Nam Á", "Người Việt Nam ta hiếu học, thông minh" v.v...
Là người Việt Nam có chút tự trọng, không ai trong chúng ta dám nhận mình thuộc thành phần của "cái dân tộc" như vậy! Tại sao? Bởi lẽ nếu dân tộc Việt Nam như thế, thì thử hỏi tại sao sau trên 40 năm chiến tranh, Việt Nam vẫn là nước đứng bên lề văn minh nhân loại? Tại sao dân tộc Việt Nam đứng đầu về nghèo đói? Ðứng đầu về tham nhũng?
Ngày trước, Vua Tự Ðức đã làm mất nước nguyên do vì đề cao quá đáng sự hào hùng của dân tộc căn cứ trên lịch sử chống giặc Tàu, và coi thường vì không hiểu giặc Tây phương! Bấy giờ cụ Phan Châu Trinh (1872-1926), nhờ có thời gian bôn ba, cụ nhận ra nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là do ta không hiểu mình.
Ngày nay, chúng ta thực sự hiểu mình chưa?

***
Con người Việt Nam của mình được hun đúc nên bởi nhiều yếu tố riêng mà ta gọi là yếu tố "đặc thù Việt Nam", như là dòng giống chủng tộc, lịch sử, địa lý, kinh tế, tư tưởng, giáo dục, văn hóa v.v... Do vậy mà con người Việt có tánh khí riêng, gọi là bản sắc Việt. Tánh khí đó làm cho người Việt chúng ta khác, không giống các dân tộc trong vùng như Khmer, Lào, Thái, Miến, cả người Tàu.
Người Việt Nam có đời sống nghèo. Ða số người Việt là nông dân, sống và lớn lên trong hoàn cảnh thiếu ăn lại luôn chịu nhiều nạn đói. Bữa ăn của người Việt từ lâu chủ yếu chỉ là cơm, trong đó có bộ phận lớn người mình phải ăn độn như ở miền Bắc và Bắc Trung kỳ xưa. Kinh tế nông nghiệp lúa nước. Người nông dân thường trực làm việc ngâm một phần thân thể dưới nước, cực nhọc trong môi trường khí hậu nóng, lạnh, mưa, nhiệt đới khắc nghiệt... Hậu quả lâu đời làm cho cơ bắp của người mình bị teo, cơ thể chúng ta nhỏ và trông yếu đuối.
Người Pháp, nghiên cứu cho thấy trung bình người Việt cân nặng 45-50kg, chiều cao không vượt qua 1.60m. Nay thì có khá hơn.
Nhà ở của người Việt chỉ là tre lá đơn sơ, áo quần vừa thiếu vừa không có khả năng chống lại cái nóng lạnh thời tiết, lâu đời như vậy làm ảnh hưởng đến tinh thần, tánh tình, thần kinh, tánh khí con người... Một bộ phận lớn ở nông thôn, làng quê (nhứt là miền Bắc ngày xưa) người nông dân sống kham khổ qua ngày, nên có tâm lý buông trôi. Mỗi năm làm mùa có mấy tháng, thời gian còn lại do không có việc gì để làm nên đẻ ra lối sống ăn không ngồi rồi. Có một bộ phận nhỏ người ở nông thôn có ruộng đất hay con nhà quan chức địa phương thì không làm gì cả, con cái những người nầy quen sống ăn bám, đưa đến tệ trạng hội hè đình đám ở nông thôn.

Ngày xưa, người Pháp cho rằng người Việt Nam là: "làm việc uể oải, hay buồn ngủ, lười nhác, làm biếng, dễ hay buông trôi..." thật không phải không có lý!
Tệ trạng nầy được Pháp nuôi dưỡng và "di căn" trở thành cái thói quen, cái tật của người Việt. Ngày nay phát triển mạnh trong xã hội nửa phong kiến nửa cộng sản, thể hiện rõ qua tệ trạng quan liêu, cửa quyền, tham nhũng...
Ðây là bản chất của con người mới xã hội chủ nghĩa hay là tàn dư chế độ cũ? Tới lúc người Việt mình trong nước phải đi tìm nguyên nhân.
"Tình trạng sa sút giáo dục là một thực tế khó chấp nhận, nhưng cần được nhìn thẳng mới thấy được đường ra. Hoàn toàn không nên so sánh với thời bao cấp hay mấy năm đầu đổi mới để dễ dàng bằng lòng với bước tiến chậm chạp đã có, mà cần mở tầm mắt ra thế giới, để cảm nhận rõ hơn sự tụt hậu ngày càng xa của chúng ta. Cách so sánh với quá khứ đầy khó khăn trước đây là liều thuốc an thần nhưng thiếu trách nhiệm, vì thực ra sự sút kém của giáo dục hoàn toàn không xứng đáng với tiềm năng của dân tộc, cả về tinh thần, trí tuệ, vật chất cũng như vận hội..." Trích báo cáo của Nhóm Nghiên Cứu Cải Cách Giáo Dục, 2005.
Thật ra "Giáo dục nào phải chỉ là vấn đề giáo dục", mà là vấn đề của xã hội. Giáo dục có quan hệ hữu cơ với lịch sử, văn hóa, phong tục... nói chung có liên hệ với "tánh khí" của con người Việt.
Giáo dục Việt Nam xưa chịu ảnh hưởng Tàu. Ðiều nầy không có gì gọi là tranh cãi. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa tư tưởng của người Hán do lịch sử Việt Nam 1000 năm lệ thuộc Tàu.
Hệ thống tư tưởng triết học Nho Giáo đã từng được các triều đại vua chúa Việt Nam dùng làm tư tưởng để lãnh đạo quốc gia và giáo dục người dân. Người Việt Nam từ xưa đã hãnh diện xem Khổng Tử là ông Thầy, thầy đạo lý của mình. Tất cả hình như còn trong máu của người mình tới nay (?)
Hệ thống giáo dục Việt Nam xưa phỏng theo người Tàu, là "Học thuộc lòng", mong thi đậu để làm quan, làm công chức. Lối học nầy tạo thói quen làm cho nhiều nhà nho hoặc trí thức dễ dàng chấp nhận cái gì có sẵn trong sách vở, không thích lý luận, lười suy nghĩ, mất tinh thần sáng tạo. Cho nên cái mà trong nước luôn tự hào là "thông minh-hiếu học" thật ra là sản phẩm của lối học khoa cử, học từ chương, học thuộc lòng, học đeo đuổi bằng cấp v.v... chịu ảnh hưởng của người Tàu.
"Trí thức" khoa bảng trong nước mình ngay nay "thừa mà thiếu" là vì vậy!

Người Pháp nói người Việt quen tánh "bắt chước" như người Tàu không phải sai. Ðiều nầy các nhà làm giáo dục cần nghiêm túc xem xét.
Tánh lười biếng suy nghĩ, quen học thuộc lòng, hay bắt chước, dễ làm cho người mình quen tánh vâng lời, "nghe theo nói theo", tạo ra tâm lý thích bợ đỡ xu nịnh kẻ có quyền hoặc người trên và cũng muốn người dưới xu nịnh mình.
Còn cái mà Việt Nam tự hào là người mình có "tánh nhẫn nhục chịu đựng" thực ra là gì? - Ðó là tánh khí của giới quan lại xưa (và trí thức miền Bắc XHCN nay như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hải... đã thổ lộ vào cuối đời), mục đích để vinh hiển, an thân (và hèn nữa?)
Sự "kiên nhẫn chịu đựng" lâu ngày biến thành tành gièm pha, tánh kèn cựa, "chiếu trên chiều dưới" phổ biến trong xã hội miền Bắc XHCN.
Lúc nghèo, chưa đỗ đạt hoặc chưa có quyền, họ tránh bị lôi thôi kiếm chuyện, sợ "bị đì"... nên ngoan ngoãn chấp nhận cúi đầu và xu nịnh. Nhưng trong lòng những người nầy lại ngầm ganh tị, kiếm cách tạo cớ gièm pha người khác để lập công. Khi công thành danh toại, có chức có quyền thì trở nên độc đoán, độc ác, độc tài, đối xử tàn ác với người khác.

Người Pháp ngày xưa cho rằng "trong đầu óc người Việt có ông quan". Có phải là sai hoàn toàn không?
Nền giáo duc Việt Nam xưa mang nặng "tánh văn học" không khoa học, làm cho nhà Nho, hầu như ai cũng mang nghệ sĩ tánh, dễ nhạy cảm, thích hưởng nhàn, hưởng lạc... Ðó phải chăng là bản chất người thích làm quan?
Nhưng hoạn lộ thuở xưa luôn là con đường hẹp! Những nhà Nho không đỗ đạt, họ làm gì?
Một số người nầy cam chịu đi vào nghề dạy học hay làm nghề thầy thuốc sống qua ngày. Một bộ phận khác chiu sống trong cảnh nghèo nàn, tạo gánh nặng cho vợ cho gia đình, họ tạo ra "phong thái hàn nho": ca ngợi cảnh nghèo, chọn lối sống ở ẩn, mượn bầu rượu túi thơ để tiêu sầu muộn.
Những nhà Nho thất bại sống trong tâm trạng bị hụt hẫng, tâm lý bất nhứt, từ cực nầy sang cực khác, mâu thuẫn nội tâm. Ðó là hình ảnh của "Ba giai Tú xuất". Thích nói ngông, nói trạng, nói móc hóm hỉnh, dí dỏm... và tự cao tự đại qua những trò trí trá, trêu cợt, tiếu lâm... để tự cho là mình hơn người... (như câu chuyện Lê Ðức Thọ nói với Kissinger được Hà Nội truyền tụng).
Hiện tượng nầy dễ nhận thấy ở xã hội Miền Bắc ngày nay như tánh: "khái quát hóa", cường điệu, phóng đại việc bình thường trở nên vĩ đại tận mây xanh, tánh chủ quan trong lý luận là "lấy hiện tượng thay bản chất".

Tánh khí của người Việt Nam còn do sự khác biệt Vùng miền. Có thể gọi là "Tánh chất địa phương".
Trước khi người Pháp đến, nước ta đã có Ðàng Trong Ðàng Ngoài đối nghịch nhau. Ðàng ngoài lại phân biệt vua Lê chúa Trịnh. Ðàng Trong Chúa Nguyễn với nhà Tây Sơn.
Ðến thời Pháp thuộc, Việt Nam có 3 thể chế chánh trị: Bắc kỳ bảo hộ, Trung Kỳ có vua, Nam Kỳ thuộc địa.
Sau năm 1954, Việt Nam phân biệt: Miền Bắc Cộng sản, Miền Nam Cộng Hòa... sau năm 1975 miên Bắc coi miền Nam là ngụy, nay có người Việt hải ngoại đối nghịch với chế độ cộng sản Hà Nội.
Tiếng nói của người Việt cũng có khác nhau. Tuy cùng gốc thuộc "ngữ tộc Nam Á", nhưng qua nhiều thời kỳ khác nhau làm cho tiếng nói gốc của mình bị chồng lên, mang thêm các yếu tố ngôn ngữ Thái, Môn-Khmer, Hán, Pháp, Anh... mà mức độ mỗi nơi, mỗi vùng từ Bắc vô Nam có khác nhau.
Hiện nay tiếng nói người Việt Nam hình thành ba dạng chánh, khác nhau tùy căn cứ vào sự nhấn mạnh ở các thanh và phụ âm.
Như tiếng Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đặc trưng ở 6 thanh cổ họng với những tiếng có thanh bằng, sắc, huyền, nặng, hỏi ngã và các phu âm cuối chính xác nhưng lại lẫn lộn giữa các phụ âm đầu. Như người Bắc không phân biệt phụ âm đầu tr/ch/r và s/x.
Ở Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ phát âm rõ và phân biệt những phụ âm đầu tr/ch/r và s/x, nhưng có đặc trưng chung là phát âm không rõ,lẫn lộn những phụ âm cuối n/ng và c/t. Từ Thanh Hóa trở vào có xu hướng không phân biệt, lẫn lộn hai âm có dấu hỏi/ngã hoặc lẫn lộn dấu hỏi/dấu nặng. Như vậy tiếng nói còn lại 5 thanh thay vì là 6 thanh.
Sự khác nhau trong tiếng nói của người mình tạo nên tánh đa dang của dân tộc và là cái riêng đáng trân trọng của vùng miền. Tôn trọng hay áp đặt một "tiếng nói chuẩn"?

Xem như vậy tánh khí của Việt Nam tuy là một, nhưng trong quá trình phát triển khiến cho mỗi vùng có khác. Ngày nay về tư tưởng, lối sống, văn hóa v.v... người Việt từ Bắc vô Nam có khác. Người Việt trong nước, người Việt hải ngoại cũng có khác. Do vậy tìm hiểu tánh khí của chính mình là cần thiết đối với chúng ta là vậy.
Nam Sơn Trần Văn Chi

 

Đăng ngày 17 tháng 01.2022