Tuổi trẻ giữa giòng xoáy

của bạo lực và sợ hãi

Nguyệt Quỳnh

Tiếng hát của tử thần đã chiếm lĩnh những con đường đi về nơi đất nước. (Cánh Thiên Nga – Tagore)

Bốn mươi năm trước, trong giờ khắc hấp hối khi quân đội miền Nam đã tan vỡ, dinh Độc Lập đã thất thủ thì ngôi trường thiếu sinh quân nhỏ bé tại Vũng Tàu vẫn đứng vững, oanh liệt giữa tiếng súng kháng cự trong những giờ phút cuối cùng của miền Nam. Nhắc lại câu chuyện này tôi muốn mở đầu một chuỗi những mẩu chuyện về cách hành xử đáng kính của những người trẻ trong các tình huống vô vọng mà tôi cho đó là nhân cách, là di sản của dân tộc Việt. Một điều mà chúng ta phải nhìn nhận là trong xã hội hiện nay di sản đó đang tiêu hao, mòn mỏi từng ngày.

Vào những ngày cuối tháng tư năm 1975, trường Thiếu Sinh Quân chỉ còn lại khoảng hơn 100 học sinh ở độ tuổi từ 8 đến 17. Những em này do nhà ở các tỉnh xa nên gia đình chưa đón về kịp. Khi được ban quản trị thông báo là các em phải tự lo cho chính mình, nhà trường đã hết trách nhiệm với các em; thoạt đầu, như đám gà con mất mẹ, bọn trẻ đã hoảng loạn, sợ hãi, bỏ chạy tứ tán. Thế nhưng cuối cùng, những đứa trẻ chưa thành người lính này đã tập họp lại, và đã đánh trả khi bộ đội Bắc Việt cho một tiểu đoàn quân chính qui tiến chiếm ngôi trường thân yêu của các em. Trận đánh kéo dài suốt sáu tiếng đồng hồ, cho đến khi các em nhận được tin Sài Gòn đã đầu hàng theo lịnh của tướng Dương Văn Minh. Để bảo toàn mạng sống cho cả trường, các em lớp 12 đã quyết định ngưng bắn đầu hàng. Không muốn để quân đội Bắc Việt làm nhục lá Quốc Kỳ, các em đã yêu cầu được làm lễ hạ Kỳ trước khi kéo cờ trắng đầu hàng. Một buổi lễ chào cờ cuối, đẫm lệ đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm.

Như thường lệ, hai thiếu sinh quân lớp lớn đã tiến ra trước sân cỏ. Các thiếu sinh quân tuổi từ tám đến mười bảy tập họp thành hai tiểu đoàn. Tất cả đứng nghiêm trước cột cờ, bắt súng chào và làm lễ hạ Kỳ đúng theo lễ nghi quân cách. Đó là buổi lễ chào cờ cuối cùng, các em hát quốc ca với những khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Vừa mới hôm qua, dưới ngọn cờ này các em đã được học tập, được đào tạo để mai kia trở thành những người lính sẵn sàng ngã xuống dưới ngọn cờ để bảo vệ tổ quốc. Hôm nay mọi việc đã đổi thay! Không ai có thể biết tâm trạng của các em lúc đó ra sao? Khi bài hát chấm dứt và khi lệnh tan hàng của một em liên lớp 12 ban ra, thình lình những đứa trẻ oà lên khóc, rồi cứ thế chúng ôm lấy nhau khóc nức nở!

Cùng lúc đó ở ngoại quốc, bản tin về Sài Gòn thất thủ đến với các sinh viên VN du học như sét đánh ngang tai. Chị Bùi thị Bạch Phượng một du học sinh tại Đức đã chia sẻ trong một bài viết của chị: “Tin khủng khiếp đến lúc trời còn tờ mờ tối, sau một đêm khắc khoải, mất ngủ vì lo âu. Hồn tôi chơi vơi trong một khoảng không nào đó, đôi bàn chân hình như đã lìa mặt đất, đầu óc trống trải, mông lung. Ðến sáng hôm sau, bọn chúng tôi vào giảng đường đại học, tìm chút hơi ấm từ bạn bè cùng chí hướng, nhìn nhau trong ngấn lệ, không biết chảy ra tự lúc nào”.

Tại Pháp, như đoán trước định mệnh của đất nước, ba ngày trước khi miền nam mất, sinh viên Trần Văn Bá cùng Tổng Hội sinh viên Paris đã tổ chức “Ngày để tang cho chiến sĩ”. Trên đường phố Paris, gần 300 sinh viên du học đã đi tuần hành trong im lặng. Đầu chít khăn tang trắng, họ lặng lẽ đi qua các đường phố của khu Latin rồi đứng lại trước tòa Đại Sứ Mỹ tại công trường Concorde để phản đối sự bội bạc của người Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam!

Miền Nam mất, những sinh viên du học như những đứa con côi cút mất lối về. Giấy thông hành của họ do chính phủ VNCH cung cấp coi như hết hiệu lực, tất cả đều phải xin thông hành tị nạn. Nhiều sinh viên ở Đức, ở Pháp đã kể lại cảm giác đau thương khi phải cầm cuốn sổ thông hành mới với hàng chữ “Vô tổ quốc”. Tuy nhiên, những người trẻ bơ vơ này chưa bao giờ coi mình là những người vô tổ quốc. Mỗi năm, vào dịp 30/4 các sinh viên này đã họp nhau lại, cùng thức sáng đêm để đi dán bích chương. Cùng nhau tổ chức những đêm không ngủ và những buổi hội thảo về tình hình đất nước, về thảm trạng thuyền nhân…

Vào đầu xuân năm 1976, Trần Văn Bá và các sinh viên thuộc Tổng Hội sinh viên Paris đã cùng nhau tổ chức Tết tại Hội Trường Palais de la Mutualité với chủ đề “Ta Còn Sống Đây”. Nhiều anh chị sinh viên đã bồi hồi kể lại nỗi xúc động của họ trong đêm đó. Hàng ngàn người có mặt đã rơi lệ khi nghe sinh viên Trần Văn Bá cất tiếng hát lớn bài hát “Hồn Tử Sĩ”. Lịch sử đã sang trang, thế giới đã quay mặt, quê hương đã mất dấu; nhưng xương máu và những hy sinh của các thế hệ cha anh vẫn luôn hiện hữu và là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ trẻ. Khơi dậy được tình yêu nồng nàn đối với tổ quốc trong lòng những sinh viên VN, Trần Văn Bá đã trở thành linh hồn của lớp người trẻ tị nạn.

Ông Võ Văn Kiệt có câu nói nổi tiếng về ngày 30/4: “có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn.” Tuy nhiên, trong triệu người buồn đó, đa số đã ôm hy vọng và ước mơ về một cuộc sống mới thanh bình và tốt đẹp hơn cho người dân cả hai miền bởi chiến tranh đã kéo dài quá lâu. Nhưng thực tế diễn ra sau đó hoàn toàn ngược lại, thảm trạng của thuyền nhân, tù cải tạo, kinh tế mới và cả một thế hệ thanh niên bị đẩy vào cuộc chiến vô vọng bên Cam Pu Chia…Tất cả những thảm cảnh trên không ngừng ray rứt tâm trí của người Việt tha hương. Ngay đến tận ngày hôm nay sau 40 năm, sự gắn bó sâu nặng với đất nước của đa số người Việt vẫn được nhìn thấy qua sinh hoạt thường ngày: sống ở nước ngoài người Việt vẫn theo dõi tin tức tại VN, đau với cái đau của người dân mất đất, nhục với cái nhục khi giàn khoan của Trung Quốc nghênh ngang kéo vào lãnh hải. Ông Hoàng Thu, một người Việt ở Florida đã tự thiêu để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đồng bào mình về hiểm hoạ xâm lược. Ngày 20/6/2014 người đàn ông này qua đời để lại mảnh giấy tuyệt mệnh với hàng chữ: “Hai Yang 981 phải rời khỏi V-N hải phận”.

Là một thanh niên trẻ với bầu nhiệt huyết và niềm khao khát được dấn thân cho quê hương, Trần Văn Bá tin rằng những chuyển đổi đất nước chỉ có thể phát xuất từ Quốc Nội, anh tham gia lực lượng “Mặt Trận Thống Nhất các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam” và xâm nhập về Việt Nam. Anh bị cộng sản bắt và bị tử hình vào ngày 8/1/1985. Điều cuối cùng bạn bè còn giữ lại là những suy tư anh viết trong thư gởi về Paris năm 1982: “ …Phần tôi cũng bình thản thôi, cực thì có, nhưng tôi sống trọn vẹn với con người của tôi, với quê hương nghèo đói. Con đường tôi chọn rất chông gai, nhưng dù sao tôi cũng phải đi tới cùng…”

Tại Nhật, sinh viên Ngô Chí Dũng khi ấy mới 24 tuổi, anh là con chim đầu đàn của Uỷ Ban Tranh Đấu Cho Tự Do Của Người Việt. Sau khi miền Nam mất, trong tình cảnh hoang mang cực độ của hầu hết các sinh viên du học tại Nhật, Ngô Chí Dũng đã cùng một số anh chị em sinh viên làm việc ngày đêm để tranh đấu thành công hai vấn đề bức thiết quan trọng lúc ấy. Thứ nhất là chính quyền Nhật đồng ý gia hạn chiếu khán cho các kiều bào ta và các sinh viên đang sinh sống tại Nhật, thứ hai những sứ quan Pháp, Bỉ, Anh và Hoa Kỳ… đã hứa cấp chiếu khán cho bất cứ ai muốn đến các quốc gia này định cư. Cùng với các sinh viên du học tại Nhật, Ngô Chí Dũng đã tích cực giúp đỡ những gia đình thuyền nhân trong các trại tị nạn. Anh tốt nghiệp nghành Kỹ Sư Hoá Học thuộc Viện Đại Học Meisei tại Tokyo năm 25 tuổi. Nhưng cũng như Trần Văn Bá, Ngô Chí Dũng tin rằng sự chuyển đổi đất nước chỉ có thể xảy ra tại môi trường Quốc Nội và với cái quan niệm rằng muốn giải quyết vấn đề của đất nước thì chính mình phải nhập cuộc, chính mình phải đi đầu. Anh bỏ lại cuộc sống êm đềm và một tương lai đầy hứa hẹn ở Tokyo để trở về với quê hương. Anh tham gia “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” và hy sinh trên đường công tác.

Cách sống và hành xử của những người trẻ trong hoàn cảnh tuyệt vọng của đất nước cho thấy một thế hệ thanh niên đầy nhân cách, trong sáng và vững vàng. Một thế hệ kế thừa tinh thần Nguyễn Thái Học, những con người sống có lý tưởng, có mục đích, có trách nhiệm với xã hội, có tình yêu thương và niềm tin vào những giá trị tốt đẹp; do đó, dù ở trong hoàn cảnh vô vọng họ không dễ dàng đánh mất chính mình. Và đó chính là di sản của một dân tộc đã tồn tại qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử. Di sản đó đã khiến cả một thế hệ thanh niên miền bắc sẵn sàng lao vào lửa đạn đến nỗi nhà thơ Hoàng Trần Cương bảo nếu đem ghép những chiếc áo của đồng đội anh lại chắc cũng đủ căng lên thêm một bầu trời. Và cô giáo Nguyễn Thị Mai thì bồi hồi viết trong nhật ký: “Chưa bao giờ máu gửi nhiều theo những lá đơn / Chưa buổi lên đường nào tình nguyện đông như vậy”. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, ngày nay di sản của dân tộc Việt đang bị nhấn chìm trong một vùng nước xoáy.

***

Chiến thắng 30/4/75 đã từng làm cả thế giới phải cúi đầu nể phục một dân tộc anh hùng. Trong niềm hân hoan của chiến thắng ngày ấy, không một ai có thể tưởng tượng một dân tộc hào hùng, bản lĩnh lại có thể cam tâm chịu nhục như ngày hôm nay. Một quốc gia độc lập với một quân đội hùng mạnh mà từ lãnh đạo đến tướng tá đều câm lặng, khuất phục nhìn từng phần chủ quyền của đất nước bị tước đoạt, bị mất trắng, mất đau đớn trong các hiệp ước với Bắc Kinh… Thử hỏi một cuộc duyệt binh vĩ đại mừng 40 năm chiến thắng, với 6000 người tham dự cùng các lực lượng võ trang và các khí tài hiện đại như lời Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thì có ý nghĩa gì? chỉ thấy bật lên một niềm đau có chiến thắng nào cay đắng đến vậy? Sau cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, hàng ngàn những vành khăn tang đã chít trên mái đầu vợ con của người lính miền nam, hàng ngàn những thanh niên miền bắc ra đi không trở lại, giấy báo tử rơi đầy mái rạ; chỉ để đổi lấy một đất nước đói nghèo lệ thuộc, tụt hậu, lầm than…

Nhiều blogger trong nước nhận định rằng di sản lớn nhất của 40 năm chiến thắng là sự sợ hãi, nhu nhược, hèn kém và li tán. Dẫu sao tôi vẫn tin rằng di sản của 40 năm không thể nào vượt thắng, không thể nào tiêu diệt được di sản của mấy ngàn năm dân tộc. Hãy nhìn những khuôn mặt rất trẻ trong cuộc tuần hành cho cây xanh, hãy nghe Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi nói về cái quyết tâm dành lại quyền con người của em. Giữa giòng xoáy của bạo lực và sự sợ hãi, các em là những đốm lửa đủ sáng, đủ tin cậy, đang nương vào nhau để thắp sáng và vực dậy di sản của dân tộc. Di sản đó không thể bị tiêu diệt khi chúng ta còn những người con gái Việt trẻ trung kiên cường như Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ thị Minh Hạnh…khi chúng ta có những chàng trai bản lĩnh, nhiệt huyết như Lê Quốc Quân, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hoà, Trần Vũ An Bình… Bạo lực, nghịch cảnh không chỉ là rào cản ngăn chặn ước mơ của chúng ta, mà chính nó còn thúc bách con người bước đến với ước mơ ấy. Trong ý nghĩa đó, mọi nguy cơ đều ẩn chứa một cơ hội, một thách đố … Và chỉ trong nguy cơ con người mới động tâm tìm ra sức bật để sinh tồn và để vượt lên một tầm cao mới.

Bốn mươi năm đã quá đủ để người tù vừa rời khỏi trại giam vẫn vững vàng bước chân, để người dân ngừng lời than oán cùng sát vai nhau đòi lại cái quyền làm chủ đất nước này. Hàng trăm người ở Cam Ranh đã xuống đường đòi quyền được đối thoại, hàng ngàn người ở Bình Thuận đã xuống đường đòi giải quyết môi trường ô nhiễm, hàng ngàn người ở Hà Nội đã tuần hành để bảo vệ cây xanh, và hàng chục ngàn công nhân đã xuống đường để phản đối điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội… Những bước chân dồn dập của người dân trên các nẻo đường đất nước đang làm rung chuyển chế độ độc tài.

Tôi nghĩ đến Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người thiếu nữ vừa mới bị biệt giam tuần rồi và câu nhắn của cô qua một tù nhân lương tâm. Quả thật Minh Mẫn vẫn “ trước sau như một” .Tám năm tù với biết bao nhiêu lần biệt giam không khuất phục nổi người thiếu nữ nhỏ nhắn này. Như bao nhiêu người trẻ đang chịu trù dập, bách hại cho quê hương mình, Minh Mẫn chính là cánh thiên nga trong lời thơ của thi sĩ Tagore và tôi tin rằng ban mai thế nào cũng đến, bóng tối sẽ tan đi và tiếng đập cánh của thiên nga sẽ xé vòm trời rực rỡ.

Nguyệt Quỳnh

anhbasam.wordpress.com


40 năm sau còn cãi nhau về một cái tên

Mặc Giao

 

“…việc đầu tiên khối người Việt chúng ta phải làm là đừng tấn công nhau nặng hơn đánh cộng sản, đừng rút dây chặt cầu với nhau để khi cần nhau còn có thể nhìn mặt nhau không ngượng. Bốn mươi (40) năm rồi, chúng ta không học được bài học nào sao?...”

 

Miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản cách đây 40 năm. Phe thắng cuộc gọi ngày 30 tháng Tư là ngày chiến thắng, ngày giải phóng miền Nam. Phe thua cuộc gọi đó là ngày quốc hận, ngày mất nước, tháng Tư đen... Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai. Bốn mươi năm qua vẫn vậy. Năm nay, chuyện tranh cãi tên gọi ngày 30/4 trở nên sôi nổi. Lý do phát xuất từ Canada do việc ông Nghị sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải đệ nạp dự luật Bill S-219 Hành trình đến Tự Do (Journey to Freedom) tại Thượng Nghị Viện Canada với nội dung ghi nhớ ngày mất Sài Gòn, mở đầu cho phong trào bỏ nước đi tìm tự do của hàng triệu người Việt Nam, trong đó có khoảng 300,000 hiện sinh sống ở Canada. Dự luật đã được Thượng Nghị Viện Canada chấp thuận ngày 8/12/2014 và chuyển sang Hạ Nghị Viện ngày 10/12/2014. Hạ Viện đã mở phiên họp thảo luận đầu tiên. Ông Hải hy vọng dự luật sẽ được Hạ Viện thông qua và Toàn Quyền Canada đại điện Nữ Hoàng Elisabeth II sẽ ban hành quanh thời điểm 30/4/2015. Ngay khi dự luật được phổ biến, nhiều cuộc tranh cài đã xảy ra xoay quanh cái tên của dự luật và tác giả của nó. Phe chống ồn ào hơn phe bênh, nhưng vẫn chưa phân thắng bại.

Riêng tôi, tôi không bênh cũng không chống dự luật này. Tôi không ba phải đâu, nhưng thấy dự luật này nếu có thành luật Canada cũng chẳng cứu được Việt Nam khỏi tay cộng sản. Mặt khác, nó cũng chẳng làm hại gì công cuộc chống cộng hay làm mất chính nghiã của chúng ta khi không gọi ngày 30/4 là ngày quốc hận hoặc tháng Tư đen. Tôi chẳng thấy có âm mưu phò cộng nào trong việc hình thành dự luật này. Dĩ nhiên ông Hải và đảng Bảo Thủ Canada có lý do riêng.

Ông Ngô Thanh Hải được Thủ Tướng Stephen Harper chì định làm nghị sĩ Thượng Nghị Viện cách đây 2 năm. Theo Hiến Pháp Canada, chỉ có dân biểu được dân bầu trực tiếp vào Hạ Nghị Viện, nên viện này được gọi là Viện Thứ Dân (House of Commons) như bên Anh. Các nghị sĩ trước đây được vua hay nữ hoàng Anh chỉ định vào Viện Quý Tộc, người Anh gọi là House of Lords, viện của những bậc vương giả đại diện vua. Ngày nay, theo tinh thần dân chủ, các nghị sĩ tại Anh và Canada được thủ tướng chỉ định. Vì vậy Thượng Viện không có nhiều quyền bằng Hạ Viện. Việc chính của Thượng Viện là làm “second reading”, tức đọc lại những dự luật do Hạ Viện biểu quyết và nếu cần thì đề nghị tu chính. Thượng Viện cũng có quyền đề nghị dự luật và biểu quyết trước. Nhưng trong mọi trường hợp, Hạ Viện sẽ có tiếng nói cuối cùng, kể cà bác bỏ dự luật đã được Thượng Viện thông qua, hoặc chấp thuận hay bác bỏ những đề nghị tu chính của Thương Viện. Thượng Viện Hoa Kỳ có nhiều quyền hành hơn vì các nghị sĩ Mỹ được dân bầu trực tiếp.

Ông Ngô Thanh Hải có giao tiếp và liên hệ với giới chính trị tại thủ đô Ottawa từ nhiều năm, khởi đầu bằng làm phụ tá tại văn phòng một dân biểu. Thời gian sau, ông được chọn làm thẩm phán Tòa Án Quốc Tịch (Citizenship judge) vùng Ottawa. Chức vụ này lo công việc cứu xét hồ sơ xin vào quốc tịch và chủ tọa các buổi lễ tuyên thệ nhập tịch.

Năm 2013, Thượng Viện trống ba ghế nghị sĩ, Thủ Tướng Stephen Harper, lãnh tụ Đảng Bảo Thủ (Conservative Party) đương quyền, đã cử ông Ngô Thanh Hải cùng với hai người khác cũng thuộc các sắc dân thiểu số vào các ghế này. Đây là một tính toán tranh cử của ông Harper và Đảng Bảo Thủ. Dù sao cũng phải công nhận ông Ngô Thanh Hải là người có tài giao tế và vận động. Nhờ thế ông đã được “vua biết mặt, chúa biết tên” để đưa ông vào những chức vụ ngon lành, không cần phải vất vả tranh cử. Do đó, ông phài chứng tỏ cho những người cử nhiệm ông thấy ông là thủ lãnh đương nhiên của cộng đồng người Việt tại Canada. Ông nghĩ với dự luật này, cộng đồng người Việt sẽ đứng sau lưng ông, sẽ đồng loạt gởi thư ủng hộ ông đến Hạ Viện. Ông đã đạt một phần mơ ước nhưng còn gặp nhiều chống đối, từ phiá cộng sản cho tới những cộng đồng tỵ nạn, trong đó có những người quá khích, những người ganh ghét, nhưng cũng có những người ôn hòa không thích ai tự coi mình là thủ lãnh đương nhiên. Họ coi trọng thể thức dân chủ.

Về phiá đàng Bảo Thủ đang cầm quyền, họ có chính sách vận động lấy phiếu của những cộng đồng di dân thiều số. Chính sách này đã giúp họ thành công trong cuộc bầu cử năm 2011. Họ muốn đẩy mạnh chính sách này mạnh hơn trong cuộc bầu cử sắp tới vào tháng 10 năm nay, 2015. Canada theo chế độ đại nghị (parliamentary). Đảng nào có đa số ghế tại Hạ Viện sẽ cầm quyền và đảng trưởng sẽ trở thành thủ tướng. Canada không bầu người lãnh đạo quốc gia cấp toàn quốc như tại các nước theo tổng thống chế. Cử tri chỉ bầu các dân biểu theo từng đơn vị nhỏ. Ở những đơn vị này, số phiếu chỉ cần chênh lệch vài chục, thậm chí vài phiếu đã có thể phân thắng bại. Những cử tri thuộc gốc di dân không có đa số áp đảo, nhưng có thiểu số có thể làm thay đổi kết quả tại nhiều địa phương. Điều này quá rõ ràng. Tại những cuộc bầu cử ở Orange County, California, Hoa Kỳ mới đây, một cựu nghị sĩ tiểu bang da trắng đã thua một ứng cử viên gốc Việt vài chục phiếu khi tranh chức giám sát, một ứng cử viên gốc Việt đã hơn đối thủ chỉ có 7 hay 8 phiếu để đoạt chức thị trưởng Garden Grove. Canada cũng từng xảy ra những trường hợp tương tự trong các cuộc bầu dân biểu. Vì vậy, ngoài việc thu phục đa số cử tri bản địa, các đảng còn phái nỗ lực ve vãn cử tri thuộc các cộng đồng di dân. Đảng đang cầm quyền có nhiều lợi thế nhất trong việc ve vãn, vì có nhiều quyền lợi để phân phát, nhiều chức tước để cài đặt, kể cả đưa ra những dự luật vô thưởng vô phạt cho Canada nhưng có thể tạo sự ủng hộ của một sắc dân nào đó. Người ta không lấy làm lạ khi thấy Thủ Tướng Harper đã bổ khuyết 3 ghế nghị sĩ bằng những người thuộc các cộng đồng Phi Luật Tân, Ý và Việt Nam.

Những người chống dự luật S - 219 đầu tiên là cộng sản. Có tin TT Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thư cho TT Harper yêu cầu hủy bỏ dự luật này để tránh gây hại cho bang giao Việt Nam - Canada. Đại sứ Việt Nam tại Ottawa đòi được điều trần tại Thượng Viện nhưng không được đáp ứng. Ông gửi bản điều trần viết bằng tiếng …Việt đến Thượng Viện. Ủy ban cứu xét coi bản điều trần như không có với lý do không kịp dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, hai ngôn ngữ chính thức của Canada. Một lá thư có 22 chữ ký của một số người Việt sống ở Canada được gửi đến Hạ Viện để yêu cầu viện này bác bỏ dự luật được Thượng Viện chuyển đến. Trong số những người ký, một phần ba là những cựu sinh viên được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học trước 1975 nhưng đã tham gia hội sinh viên, Việt kiều yêu nước chống chính thể VNCH, ủng hộ Việt Cộng, đặc biệt có 3 người thuộc hội đồng quản trị Hội Doanh Nghiệp Việt Nam-Canada (Vietnam-Canada Chamber of Commerce), đứng đầu là bà Nguyễn Đài Trang, trụ sở đặt tại 1351 Dufferin Street, Toronto. Hội Việt kiều cộng sản (Vietnam-Canada Association) cũng dùng nơi này làm trụ sở. Thư của 22 người cũng lấy địa chỉ liên lạc ở đây. Như vậy chỗ này là đầu cầu, là trung tâm giao liên của cộng sản Việt Nam tại Canada. Cộng sản rất đau nếu dự luật được Hạ Viện biểu quyết thành luật, đánh dấu ngày miền Nam Việt Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, và dân miền Nam phải chạy cộng sản bán sống bán chết.

Oái oăm thay, trong khi cộng sản sợ dự luật thì lại có một số người Việt chống cộng ở hải ngoại tẩy chay dự luật và mạt sát người khởi xướng dự luật là ông Ngô Thanh Hải một cách rất thậm tệ. Dù khác lập trường và quan điểm với nhau cũng không nên đối xử với nhau một cách thiếu tương kính như vậy, nhất là không nên kết tội người khác một cách vô bằng chứng hay với những bằng chứng còn nhiều nghi vấn. Dĩ nhiên ông Ngô Thanh Hải có hậu ý khi đề xướng và vận động dự luật này. Ông Hải làm chính trị mà. Nhưng ông Hải và cả chính phủ lẫn quốc hội Canada đâu có quyền bắt người Việt tỵ nạn phải từ bỏ những tên Ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen và thay thế bằng tên Ngày Hành Trình Đến Tự Do. Ngược lại, chúng ta cũng không thể bắt Quốc Hội Canada, và qua đó bắt toàn dân Canada, phải nhìn nhận ngày 30/4 là Ngày Quốc Hận hay Tháng Tư Đen theo ý chúng ta. Dự luật này nếu được ban hành sẽ là luật của Canada, không phải luật của người tỵ nạn Việt Nam. Theo nội dung dự luật, ngày 30/4 sẽ không phải là ngày quốc lễ, chỉ là Ngày Tưởng Nhớ (Commemoration Day) sự kiện miền Nam Việt Nam bị cộng sản chiếm và mở đầu việc hàng trăm ngàn người Việt Nam đến Canada tỵ nạn, tìm tự do, rồi trở thành những công dân Canada và đóng góp vào sự cường thịnh của quốc gia này. Dự luật có nói đến nỗi khổ mất nước và mất tự do của người tỵ nạn, đồng thời cũng gián tiếp ca ngợi Canada đã mở rộng vòng tay đón nhận họ. Như vậy đã đủ để cộng sản nhột. Chính phủ Canada cũng phải tìm lợi cho họ trong việc này. Vừa khéo léo kể công, vừa lấy cảm tình của hàng trăm ngàn cử tri gốc Việt. Không có lợi ai làm, dù tử tế đến đâu?

Có lẽ ông Ngô Thanh Hải bị tấn công nặng như vậy một phần cũng vì ông hiện giữ chức Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương của tổ chức Liên Minh dân Chủ. Tổ chức này được cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy thành lập. Sau khi Giáo Sư Huy qua đời, tổ chức coi các đàn anh lão thành Phạm Thái, Nguyễn Văn Huy (xin đừng lộn với GS Nguyễn Ngọc Huy) như chỗ dựa tinh thần. Hai ông này đều ở Việt Nam và đều bị cộng sản bỏ tù. Trong tù, ông Nguyễn Văn Huy đã thuyết phục cựu Dân Biểu Phạm Duy Tuệ sắp được ra tù và sẽ được đi ngoại quốc đại diện ông đi “thuyết khách” ở hải ngoại về giải pháp cộng tác với cộng sản để biến cộng sản từ đỏ sang hồng rồi từ hồng sang trắng. Trong một bữa ăn tại tư gia chúng tôi ở Calgary, ông Tuệ đã nói với tôi đại ý là cộng sản hiện như một chai rượu Johnny Walker chỉ còn cái nhãn ông già chống gậy, nước bên trong đã hết chất rượu rồi. Vì vậy chúng ta phải tìm cách pha chất quốc gia của chúng ta vào. Ông Tuệ hỏi tôi có phải anh hai Mỹ đã đồng ý giải pháp này không. Tôi trả lời không biết, nhưng theo tôi nghĩ Mỹ chưa ủng hộ một giải pháp nào hay một tổ chức nào và việc bắt tay với cộng sản lúc này chỉ là một ảo tưởng. Ông Tuệ đập tay vào đùi than: “Chết mẹ rồi!”. Chắc ông Tuệ mới từ trong nước ra, chưa nắm vững tình hình, đã được rỉ tai là mọi sự đã được sắp xếp đâu vào đó cả rồi, kể cả Mỹ đã bật đèn xanh. Nên khi thấy tôi nói điều ngược lại, ông ngạc nhiên và hoảng hốt. Cuộc nói chuyện của ông Phạm Duy Tuệ ngày hôm sau tại Calgary do phân bộ Nam Alberta Liên Minh Dân Chủ tổ chức không đạt kết quả như ý muốn. Tôi cũng đi dự vì tình bạn bè cựu đồng viện nhưng “tịnh khẩu như bình”. Thời gian đó cách đây cũng gần hai chục năm. Sau khi Tổng Thống Bill Clinton lập bang giao với Hà Nội, chắc nhiều cấp lãnh đạo của Liên Minh Dân Chủ nghĩ rằng thời cơ đã tới nên phải đi bước trước để trở thành lực lượng đối thoại với cộng sản. Họ đã đưa người về Sài Gòn sửa soạn một cuộc hội thảo lớn tại khách sạn Métropole trên đường Trần Hưng Đạo. Nhiều thành phần cộng sản và quốc gia được gửi thiệp mời tham dự, trong đó có cả kẻ viết bài này. Lúc đầu nhà cầm quyền cộng sản để yên cho làm. Nhưng trước ngày khai mạc mấy bữa, họ ra lệnh cấm và tìm bắt những người tổ chức từ Mỹ về. Một số anh em chạy thoát. Hai người không chạy kịp bị bắt giam mấy năm trước khi được thả về Mỹ. Ông Stephan Young, bạn của GS Nguyễn Ngọc Huy, cho rằng cộng sản VN nhận được lệnh của Trung Cộng phải phá vỡ ngay cuộc hội thảo này.

Vì toan tính thay đổi đường lối đấu tranh chính trị mà Liên Minh Dân Chủ bị vỡ làm đôi. Một số cán bộ thâm niên, chủ yếu ở châu Âu, tách ra thành Liên Minh Dân Chủ Kiên Định Lập Trường. Phần còn lại vẫn do ban chấp hành của ông Lê Phát Minh lãnh đạo, nhưng sau đó lại bể thành hai nữa. Thực tế, Liên Minh Dân Chủ đã bể thành ba. Phe của ông Minh và hiện thời do ông Ngô Thanh Hải đứng đầu là phe chính truyền. Vì thế ông Hải bị một số người kết án là thừa kế một tổ chức muốn bắt tay với cộng sản.

Ông Ngô Thanh Hải còn bị nghi ngờ và mang tiếng thêm vì một vụ khác vào năm ngoái. Đó là việc ông tiếp Thứ Trưởng Ngoại Giao cộng sản Nguyễn Thanh Sơn một cách kín đáo. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ, Nguyễn Thanh Sơn tung ra một thông báo khoe khoang rằng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã đồng ý hết với những gì đương sự trình bầy liên quan tới Việt Nam. Ông Ngô Thanh Hải phải viết bài đính chính trối chết. Dĩ nhiên ông Hải với tư cách một nghị sĩ Canada có quyền tiếp bất cứ một chính khách ngoại quốc nào đến gặp ông. Không ai có thể kết án ông về việc này. Tuy nhiên ông phạm một lỗi chiến thuật, đó là không công khai hóa sớm và dành quyền lên tiếng trước. Ai cũng biết ông gốc Việt Nam, gặp một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam không thể không nói chuyện về Việt Nam. Ông phải hiểu cộng sản luôn luôn lợi dụng cơ hội để tuyên truyền sai lạc. Nếu ông cho dư luận biết trước cuộc gặp gỡ và lên tiếng liền sau cuộc gặp gỡ là ông có thế thượng phong, không ai nghi ngờ được ông, và Nguyễn Thanh Sơn chưa chắc đã dám lên tiếng sau ông để xuyên tạc. Ông đã tạo cớ cho người khác nói xấu ông.

Thêm một vụ nữa chứng tỏ ông Ngô Thanh Hải đã có một quyết định vội vàng, không suy nghĩ kỹ, gây hậu quả tiêu cực cho chính ông. Ông đã dẫn GS Nguyễn Ngọc Bích và LS Lâm Chấn Thọ vào Quốc Hội Canada trần tình một giải pháp cho Việt Nam bằng việc phục hoạt (reactivate) Hiệp định Paris 1973. Mấy ông này còn rêu rao đó cũng là giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Ông có thấy tất cả các chính phủ ký hiệp định này đã xé bỏ hay muốn quên hẳn hiệp định họ đã ký, kể cả 12 nước và Liên Hiệp Quốc ký Định Ước bảo đảm việc thi hành hiệp định? Lúc này ai còn có thể triệu tập các quốc gia đã ký Định Ước họp lại để lấy quyết định buộc các phe liên hệ phải tái thi hành hiệp định Paris? Giả dụ quyết định này thành tựu, ai sẽ đại diện Mặt Trân Giải Phóng Miền Nam đã bị chính cộng sản Bắc Việt khai tử? Ai là thành phần thứ ba và ai sẽ đại diện thành phần này? Ai sẽ đại diện Việt Nam Cộng Hòa? Chẳng lẽ lại là GS Nguyễn Ngọc Bích, LS Lâm Chấn Thọ và ông Hồ Văn Sinh? Ai bầu các ông này? Hay các ông tự chỉ định với danh nghiã VNCH Foundation do các ông mới lập ra? Cũng đừng quên rằng theo Hiệp định Paris, Việt Nam vẫn chia hai, miền Bắc do cộng sản nắm chắc, mọi giải pháp chính trị, quan trọng nhất là cuộc bầu cử để thành lập chính quyền mới, chỉ được áp dụng tại miền Nam. Chính quyền nào sẽ được giao trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử? VNCH đâu còn quân lực và guồng máy chính quyền để bảo đảm một cuộc bầu cử trong sáng, công bằng. Mọi xáo trộn, mọi trò gian dối lại diễn ra. Chẳng bao lâu sau Bắc Việt sẽ lại nuốt chửng miền Nam. Tình trạng Biển Đông chắc chắn sẽ tệ hơn vì Trung Quốc lợi dụng tình trạng quân hồi vô phèng ở Việt Nam để thả cửa lấn chiếm.

Ký ức của mấy ông này quá ngắn. Họ không nhớ Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã vận động phục hoạt Hiệp định Paris từ năm 1988 với sự ủng hộ của nhiều dân biểu và luật gia Pháp, Việt. Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã thành công trong việc tổ chức một cuộc hội thảo lớn tại Paris trong đó có các dân biểu Pháp, đại diện các luật gia Việt Nam tại Mỹ, Pháp và Âu châu. Tôi đã mang đến cuộc hội thảo gần 100 chữ ký của các luật gia Việt Nam tại Canada ủng hộ và đóng góp ý kiến cho công việc này. Một đại diện của CIA cũng công khai tham dự và phát biểu. Các bài thuyết trình và các cuộc thảo luận rất xâu sắc và nặng tính chuyên môn, dự trù mọi khiá cạnh áp dụng. Một cuốn bạch thư được phát hành vào dịp này (xin đọc Hồi Ký của GS Vũ Quốc Thúc để biết thêm chi tiết). Việc vận động phục hoạt Hiệp định Paris được xúc tiến nghiêm chỉnh vì có tin cộng sản VN có thể chấp nhận quay lại Hiệp định Paris do nạn thiếu thực phẩm và khó khăn kinh tế họ đang gặp phải, nhất là thấy Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu đang có dấu hiệu tan rã. Đó là cơ hội rất tốt mà tình hình hiện nay không có. Nhưng cơ hội đó cũng qua đi khi cộng sản Việt Nam vẫn trụ được sau khi khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Thời cơ như thế, vận động nghiêm chỉnh và quy mô như thế mà cũng không có kết quả. Mấy ông làm chính trị tài tử chỉ thích làm lãnh tụ có dám nghĩ mình thành công khi người khác đã làm hơn mình từ 27 năm trước và đã thất bại? Tôi không cổ võ tinh thần chủ bại, nhưng phải biết mình biết người, có danh chánh ngôn thuận, biết ứng phó với hoàn cảnh mới bằng những giải pháp mới thì mới mong đạt kết quả. Nghị sĩ Ngô Thanh Hải dẫn mấy ông này vào Quốc Hội Canada trình bày giải pháp cho Việt Nam và cho Biển Đông kiểu ấy không sợ các dân biểu nghị sĩ cười thầm trong bụng cho cả họ lẫn ông sao? Ông bị nạn lây vì rất nhiều người không chấp nhận mấy ông đại diện VNCH tự phong.

Sự thật thường hay mất lòng. Tôi đã nói đúng những gì tôi biết và nói thẳng những gì tôi nghĩ. Tôi chắc bài viết ngắn này không làm hài hài lòng cả hai bên đang tranh cãi về cái tên của ngày 30/4. Tranh cãi kiểu đó có lợi gì cho đại cuộc? Có sớm giải phóng đất nước khỏi ách cộng sản không? Hay chỉ gây thêm chia rẽ và hận thù ngay trong hàng ngũ của chúng ta? Dự luật S-219 chẳng thâu ngắn hay kéo dài ngày về quê hương của chúng ta. Tôi nghĩ Nghị sĩ Ngô Thanh Hải không gặp may mắn với dự luật này. Ông có thiện chí và tưởng rằng dự luật sẽ củng cố hậu thuẫn cho ông, đồng thời đóng góp phần nào vào việc chống cộng, ít ra về phương diện tuyên truyền. Ông đã không ngờ gặp sự cay cú và phản ứng tàn tệ của một số người trong cộng đồng tỵ nạn. Chắc chắn có những phần tử cộng sản trà trộn núp danh quốc gia để đánh lén ông, không kể những tên cộng sản công khai đã ra mặt tấn công ông. Ông cũng phải chịu thêm đòn về việc đứng đầu sóng ngọn gió cho Liên Minh Dân Chủ, thêm một số quyết định và việc làm dễ tạo cớ cho một số người hiểu lầm và chỉ trích. Tôi chắc ông đã biết và chờ đợi những đòn này khi quyết định làm chính trị. Đời chẳng biết thế nào là khôn dại. Nhưng tôi nghĩ ông nên thận trọng và “nhẹ nhàng” hơn. Tôi cũng nghĩ việc đầu tiên khối người Việt chúng ta phải làm là đừng tấn công nhau nặng hơn đánh cộng sản, đừng rút dây chặt cầu với nhau để khi cần nhau còn có thể nhìn mặt nhau không ngượng. Bốn mươi (40) năm rồi, chúng ta không học được bài học nào sao?

Mặc Giao

* Ông Mặc Giao - Phạm Hữu Giáo nguyên là dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975.
Đồng tác giả cuốn "30 năm Công Giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản", và tác giả sách khảo luận "Một cái nhìn khác về văn hóa Việt Nam". Ông là Chủ tịch Ủy Ban Canada Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam.

canadas219 canadas219

 


Chuyện ruồi bu cuối tuần

Thạch Đạt Lang

ông Nguyễn Hải Bình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao VN phản đối đạo luật S-219

Ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao VN phản đối đạo luật S-219

Ngày 22.04.2015 đạo luật S-219 được quốc hội Canada thông qua, lấy ngày 30.04 làm ngày Hành Trình Đến Tự Do của khoảng 300.000 người Canada gốc Việt. Đạo luật này nói rõ ngày Hành Trình Đến Tự Do là một ngày lễ kỷ niệm, không phải là một ngày nghỉ lễ chính thức (legal holiday or non-juridical day).
Mục đích của đạo luật S-219 chỉ nhắm nhắc nhở con cháu của người Canada gốc Việt các thế hệ sau hiểu được nguyên nhân vì sao họ hiện diện trên đất nước Canada.
Trong khi hầu hết mọi người Canada gốc Việt tị nạn cộng sản đều vui mừng, hân hoan đón nhận quyết định này của chính phủ Canada thì chế độ cộng sản Việt Nam lại tức giận, điên cuồng phản đối trong tuyệt vọng vì quyết định của chính phủ Canada.
Đúng là ruồi bu!
Vì lý do nào chế độ CSVN lại giận dữ phản đối quyết liệt một đạo luật chẳng dính dáng gì đến họ?
Sự thật chẳng có gì khó hiểu. Đây là một đạo luật dù không phơi bày rõ ràng sự độc tài, gian ác, nham hiểm, hèn hạ, đê tiện của chế độ CSVN nhưng nói lên những nguyên nhân khiến cho hàng triệu người VN từ 30.04.1975 phải bỏ nước ra đi vì không chấp nhận sự cai trị của chế độ, trong đó có 64.000 người đã được chính phủ Canada đón nhận.
Đạo luật S-219 nói rõ rằng quân CS Bắc Việt và quân Giải Phóng Miền Nam đã xé bỏ hiệp định Paris, xâm lăng miền Nam bằng vũ lực, trong đó Canada là một thành viên trong ủy hội quốc tế giám sát đình chiến theo hiệp định.
Trích:
„-Whereas on April 30, 1975, despite the Paris Peace Accords, the military forces of the People’s Army of Vietnam and the National Liberation Front invaded South Vietnam, which led to the fall of Saigon, the end of the Vietnam War and the establishment of the Socialist Republic of Vietnam Government;
Xét rằng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, mặc dù đã có Hiệp định Hòa bình Paris nhưng quân đội nhân dân Việt Nam và Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã xâm lược Miền Nam và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, chấm dứt cuộc chiến và thiết lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;“
Trích:
Whereas the United Nations High Commissioner for Refugees has reported that these events and the conditions faced by individuals in Vietnam, including deteriorating living conditions and human rights abuses, contributed to the exodus of approximately 840,000 Vietnamese people, who were referred to at the time as “Vietnamese boat people”, to neighbouring countries in the ensuing years;
Xét rằng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về tị nạn đã báo cáo rằng các biến cố đó và vì mỗi con người Việt nam phải đối mặt với nó và điều kiện sống ngày một xấu đi và cùng với việc bị xâm phạm nhân quyền, những điều đó đã khiến cho cuộc di cư của khoảng 840.000 người Việt nam mà chính họ vào thời gian đó là trở thành các “thuyền nhân Việt Nam “ di cư đến các quốc gia láng giềng của VN vào những năm sau đó;
Chính những điều này trong đạo luật S-219 đã khiến Hà Nội lồng lộn phản đối.
Chế độ CSVN lúc nào cũng kêu gào, yêu cầu quốc tế không nên can thiệp đến chuyện nội bộ của họ đối với vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận ở VN, nay họ lại phản đối một đạo luật ở Canada bằng mọi hình thức.
Ngay từ khi đạo luật còn đang chở hạ viện biểu quyết, thủ tướng Việt cộng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thư tới thủ tướng Harper của Canada để phản đối, khi đạo luật thông qua, chế độ Hà Nội triệu tập đại sứ Canada đến bộ ngoại giao để (làm việc) cũng như cho các báo, đài phát thanh, truyền hình trong nước lên tiếng phụ họa.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao CSVN, Lê Hải Bình tuyên bố:
"S-219 là một đạo luật hoàn toàn sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Canada ủng hộ. Việt Nam kiên quyết phản đối việc Canada thông qua đạo luật này.
Không biết Lê Hải Bình đã đọc qua đạo luật này chưa hay chỉ nghe hơi nồi chõ rồi vội vã lên tiếng phản đối theo lệnh trên?
Phê phán một đạo luật của quốc gia khác là "sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc…" chỉ là hành vi lỗ mãng không mang tính ngoại giao của những kẻ vô học, thiếu kiến thức hành xử ngoại giao.
Các thượng nghị sĩ, dân biểu của quốc hội Canada chắc chắn phải là những người có học, có bằng cấp, trình độ nhận thức cao. Trước khi bỏ phiếu chấp thuận, họ đã được đọc, nghe thuyết trình về nội dung, ý nghĩa, mục đích của đạo luật và có thời gian để suy nghĩ, tranh luận trước khi quyết định.
Cách làm việc của dân biểu, thượng nghị sĩ Canada trong nghị trường chắc chắn không giống cách làm việc của đại biểu quốc hội CSVN, vào họp chỉ ngủ gật, hoặc chỉ lên tiếng khi được gài độ, mua chuộc từ trước.
Báo chí lề phải trong nước, cũng được lệnh ồn ào lên tiếng, dây máu ăn phần, nhưng hầu hết không tờ nào có lập luận hợp lý, hợp tình mà chỉ sao chép y chang những gì Lê Hải Bình tuyên bố rồi cho thêm chút mắm muối, bột ngọt các cái bằng những tên ngoại quốc như Canadian Press, TNS James Cowan…
Trích:
"Tờ Canadian Press cũng đã lên tiếng bình luận về việc Canada thông qua đạo luật sai trái này và cho biết, trong thư gửi Ủy ban Nhân quyền Thượng viện Canada, Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam cho rằng, đạo luật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia vì nó có thể làm chia rẽ cộng đồng người Canada gốc Việt.
Thượng nghị sĩ James Cowan, Lãnh đạo đảng Tự do trong Thượng viện Canada nói rằng ông không thể hiểu nổi tại sao Chính phủ có thể thông qua đạo luật này khi Canada đang muốn thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Đạo luật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia vì nó có thể làm chia rẽ cộng đồng người Canada gốc Việt.“
Có chia rẽ trong cộng đồng là chuyện đương nhiên, không có cộng đồng nào trên thế giới đoàn kết 100%. Cộng đồng người Việt tị nạn không thể chấp nhận được những kẻ qua Canada tị nạn nhưng lại đi trồng cần sa, buôn bạch phiến hay cướp của giết người, gây mất thiện cảm với người dân bản xứ, hoặc những kẻ mang danh tị nạn nhưng luôn tìm cách gây rối, phá hoại cộng đồng theo lệnh tòa đại sứ CS của Hà Nội.
Báo Sài Gòn Giải Phóng ( hay Sài Gòn Giải Tán ?) còn đăng như sau:
Trích:
„Đây là bước lùi trong quan hệ giữa hai nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada, xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như một bộ phận lớn cộng đồng người Việt tại Canada. Trong nhiều năm qua, quan hệ Việt Nam – Canada đã được hai bên nỗ lực phát triển. Chúng tôi hy vọng phía Canada nhận thức rõ ảnh hưởng tiêu cực của việc thông qua đạo luật S-219, có các biện pháp khắc phục, không để xảy ra những sự việc tương tự. Ngày 24-4-2015, Bộ Ngoại giao đã triệu Đại sứ Canada tại Việt Nam để phản đối và nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này”.
„Xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như một bộ phận lớn cộng đồng người Việt tại Canada“.
Đọc mà cứ tưởng như thiệt. Nhưng nói vậy mà không phải vậy. Nếu có xúc phạm thì đạo luật S-219 chỉ xúc phạm, đập vào mặt đảng cộng sản VN và chế độ ( ăn cướp ) Hà Nội, bởi nó lột trần bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của những tên lãnh đạo trong đảng CS và chính phủ hiện nay.
Thế "bộ phận" nào là "bộ phận lớn" cộng đồng người Việt tại Canada? Còn bộ phận nhỏ nằm ở đâu? Trong tòa đại sứ VN ở Ottawa hay Toronto?
„Chúng tôi hy vọng phía Canada nhận thức rõ ảnh hưởng tiêu cực của việc thông qua đạo luật S-219, có các biện pháp khắc phục, không để xảy ra những sự việc tương tự.“
 
Các thượng nghị sĩ, dân biểu Canada có ngu dốt, đầu bò như đại biểu quốc hội VN đâu mà nói họ cần nhận thức rõ ảnh hưởng tiêu cực của đạo luật.
Khi bọn xâm lược Trung cộng kéo dàn khoan HD 981 vào thềm lục địa VN thăm dò dầu khí, cả đảng CSVN cũng như chế độ Hà Nội im thin thít, không dám mở miệng la lên một tiếng, cũng như lúc Dương Khiết Trì mắng chính quyền Hà Nội là lũ con hoang cũng không có một đứa nào dám hó hé nói gì, thế mà giờ đây chỉ vì một đạo luật ở một đất nước cách xa hàng chục ngàn dặm, không dính dáng gì đến mình mà từ thủ tướng đến bộ trưởng ngoại giao nhẩy lên như đỉa phải vôi.
Còn sự nhục nhã, hèn hạ nào hơn thế nữa?
 
Để cả thế giới đã nhìn thấy sự hèn nhát của mình, thiết nghĩ, những kẻ cầm quyền chế độ CS Hà Nội nếu còn một chút tự trọng, liêm sỉ thì nên dùng tiền thuế của dân, phương tiện của đất nước, lên tiếng phản đối quyết liệt cho những việc trọng đại hơn, những việc đang gây nguy hại cho nền an ninh đất nước là việc Trung cộng đang nỗ lực xây dựng phi trường, căn cứ trên các đảo ở Hoàng, Trường Sa, tuồn tiền giả, thức phẩm độc hại… vào Việt Nam hơn là đi phản đối một đạo luật của một quốc gia khác hay tìm cách phá bỏ những tấm gia kỷ niệm thuyền nhân VN ở các quốc gia khác.
Đạo luật S-219 được ban hành nhắm tới khoảng 300.000 người dân Canada gốc Việt, nếu CSVN không làm lớn chuyện, có lẽ nhiều người VN cũng không biết đến đạo luật này.
Đúng là lợi bất cập hại cho một chế độ chỉ giỏi hèn nhát, quỵ lụy kẻ thù nhưng lại hung hăng với người dân ngay cả khi họ đã ra tới nước ngoài.
Thay vì lo đi phòng thủ, chống trả lại con chó sói hung dữ đang gầm gừ, lăm le tấn công, ăn thịt mình, cộng sản Hà Nôi lại tìm cách trù dập những người dân hiền lành đã chạy thoát phạm vi kiểm soát của họ.
Đúng là làm chuyện ruồi bu!
 
Thạch Đạt Lang
 

Đăng ngày 06 tháng 05.2015