banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Vô cảm: sự bất hạnh của dân tộc


Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Trong bài “Mất cảnh giác” cách đây ba tuần, tôi nhìn vấn đề từ giác độ những người cầm quyền. Trong bài này, tôi nhìn từ góc cạnh khác: sự mất cảnh giác của người dân. Luận điểm chính của tôi là: Không những giới lãnh đạo mà ngay cả phần lớn dân chúng cũng hờ hững trước những hiểm hoạ đến từ Trung Quốc.

Một người bạn thân của tôi có cháu họ - con của một cán bộ cao cấp trong chính quyền-, trước, du học tại Úc, sau, về Việt Nam làm giám đốc chi nhánh một công ty nào đó của Trung Quốc. Người cháu rủ bạn tôi sang Trung Quốc chơi với những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn. Bạn tôi, vốn ghét những âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, hỏi: “Mày không khó chịu trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam à?” Người cháu cười to và đáp: “Thôi, bận tâm làm gì về mấy chuyện đó, chú. Cứ coi như Việt Nam đã mất trắng vào tay Trung Quốc rồi, mình có làm gì được nữa chứ. Lo chơi cho vui, chú ạ.”

Tôi có một số bạn bè thuộc giới trí thức tại Việt Nam. Họ không sỗ sàng như người cháu của bạn tôi. Nhưng thái độ của họ trước nguy cơ giành lấn biển đảo của Trung Quốc thì cũng như vậy. Trong những lần chuyện trò, bao giờ tôi cũng là người gợi chuyện về mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc chứ không bao giờ là họ cả. Ngay cả khi tôi đặt vấn đề, người ta cũng lảng sang chuyện khác với lý do giống nhau: “Mình có làm được gì đâu. Suy nghĩ làm gì cho mệt óc!”

Một số người có thể cãi: Các ví dụ tôi nêu ở trên chỉ là những ngoại lệ. Ở đây, chúng ta gặp ngay một khó khăn: Khác với ở Tây phương, ở Việt Nam không có những cuộc điều tra dư luận để chúng ta có được những con số chính xác. Tuy nhiên, bù vào đó, chúng ta có thể quan sát từ kinh nghiệm giao tiếp riêng của mình. Trước đây, những lần về Việt Nam, tôi gặp khá nhiều người đủ mọi giới, tôi nhận thấy ít người thực sự quan tâm đến chính trị. Mà nếu quan tâm, những điều họ quan tâm cũng chỉ quanh quẩn những giai thoại về đời sống của một số chính khách. Điều quan trọng nhất trong chính trị là chính sách thì thường bị bỏ quên.

Với những người chưa có dịp về Việt Nam, có thể quan sát điều này trên facebook.  Nghe nói ở Việt Nam hiện nay có khoảng 30 triệu người sử dụng facebook. Không ai có thể biết hết những người chơi facebook ấy. Nhưng theo ghi nhận của tôi, trong số mấy ngàn “friend” và gần mười ngàn “follower”, những người thực sự quan tâm đến chính trị chỉ là thiểu số. Phần lớn chỉ thích chuyện ăn uống, quần áo, vui chơi, du lịch… thuần tuý có tính chất giải trí. Nhiều người tuyên bố thẳng thừng: Sẽ huỷ kết bạn với những người thích bàn chuyện chính trị. Về phương diện xã hội, trước đây có một số cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng số người tham gia bao giờ cũng rất thưa thớt. Mà mấy năm gần đây, những cuộc biểu tình như thế cũng hoàn toàn vắng bóng.

Có thể nói người Việt Nam ở Việt Nam rất ít bận tâm đến các vấn đề chính trị, kể cả vấn đề quan trọng nhất liên quan đến độc lập và chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Ít hơn hẳn những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại. Ở hải ngoại, ở đâu và lúc nào người ta cũng trăn trở với các diễn biến chính trị trong nước. Mà không phải chỉ là người Việt Nam lưu vong. Cộng đồng lưu vong nào cũng vậy. Cũng chia sẻ một số những ký ức tập thể giống nhau. Cũng dằn vặt về vấn đề bản sắc. Và cũng khắc khoải với những biến động chính trị ở quê gốc. Nhiều người, từ Việt Nam sang, có dịp gặp gỡ nhiều người Việt sống ở hải ngoại, cứ thắc mắc: Sao sống xa quê hương lâu đến thế mà vẫn không quên quá khứ và vẫn không thoát được những ám ảnh về chính trị?

Điều quan trọng là người Việt Nam ở Việt Nam hiện nay ít quan tâm đến chính trị hơn hẳn ngày trước. Trước, ở miền Nam, hầu như lúc nào người ta cũng sôi sục chuyện chính trị. Ở miền Bắc cũng vậy. Trong đời sống cũng như trong văn học, đề tài chính trị lúc nào cũng nóng hổi. Chỉ có hiện nay người ta mới nguội lạnh trước số phận của đất nước. Nguội lạnh đến mức gần như vô cảm. Tại sao?

Câu trả lời, thật ra, rất đơn giản và đã được nhiều người đề cập: Đó là hậu quả của các chính sách tuyên truyền và giáo dục của nhà cầm quyền mà biểu hiện cụ thể nhất là qua lập luận: “Chuyện quốc gia đại sự hãy để nhà nước lo, đồng bào đừng bận tâm.” Xin lưu ý là kiểu lập luận này khác hẳn với chủ trương của đảng Cộng sản trước đây. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp cũng như chiến tranh Nam Bắc, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Hà Nội lúc nào cũng đề cao sức mạnh của quần chúng, kêu gọi quần chúng tham gia vào các công tác chính trị. Bây giờ, ngược lại, họ đẩy quần chúng ra ngoài, biến thành những kẻ bàng quan và vô trách nhiệm trước các biến động của đất nước. Có thể nói là họ sợ việc quần chúng quan tâm đến chính trị.

Mà sợ cũng phải. Năm ngoái, khi chính quyền Hà Nội chủ trương chặt hạ 6700 cây xanh trên 190 con đường ở thủ đô, dân chúng phản đối quyết liệt, cuối cùng, chính quyền phải rút lại cái lệnh quái gở ấy, hơn nữa, còn bị buộc phải kiểm điểm về quyết định và quá trình thi hành quyết định ấy của mình. Đầu năm nay, dân chúng phát hiện và phản đối việc tỉnh Sơn La có dự án chi cả 1.400 tỉ đồng cho việc xây dựng khu lưu niệm, kể cả tượng đài Hồ Chí Minh, đã khiến không những chính quyền Sơn La mà cả chính phủ trung ương phải lúng túng. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải ra lệnh xét duyệt lại dự án bị dân chúng phản đối ấy. Gần đây, khi dân chúng phát hiện những lỗi sai nghiêm trọng trong bộ sách thực hành kỹ năng sống bậc tiểu học, Bộ giáo dục đã phải ra lệnh thu hồi toàn bộ các cuốn sách ấy.

Qua các trường hợp hoạ hoằn vừa kể, chúng ta thấy rõ sức mạnh của quần chúng (nếu quần chúng biết tận dụng!). Đó là điều chắc chắn chính quyền Việt Nam không hề mong muốn. Chính vì thế, họ có hai sách lược: Một là giấu giếm toàn bộ các việc làm của họ để không ai biết và không ai phê phán cả. Hai là họ nỗ lực tuyên truyền và giáo dục dân chúng trở thành vô cảm. Cho đến nay, không thể nói là họ không thành công. Tiếc, sự thành công của họ lại là một bất hạnh lớn nhất của cả nước.

http://www.voatiengviet.com


 
Chiến thuật trấn áp sự phản kháng trong nước
 
Nguyễn Hưng Quốc

Trong bài “Vietnam’s rising repression”, đăng trên tờ New Mandala mới đây, giáo sư Zachary Abuza, một nhà Đông Nam Á học, cho rằng những sự đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến càng lúc càng gia tăng và càng lúc càng tinh vi. Ông tóm tắt những sự đàn áp ấy vào năm chiến thuật chính:

Thứ nhất, trấn áp những luật sư thường đứng ra bảo vệ và bào chữa cho những người đối kháng bị chính quyền bắt giữ và đem ra xét xử. Tiêu biểu nhất cho những luật sư này là Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài và Võ An Đôn.

Thứ hai là sử dụng những tội danh khác, phổ biến nhất là tội danh trốn thuế, để đánh lạc hướng dư luận là ở Việt Nam không hề có tù nhân lương tâm.

Thứ ba là sử dụng công an chìm để hành hung những nhà hoạt động dân chủ và những người hay lên tiếng phê phán chế độ, kể cả các nhà báo đang tiến hành các cuộc điều tra việc công an đàn áp dân chúng. Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền, riêng trong năm 2014, đã có tới 14 nhà báo bị hành hung.

Thứ tư là gia tăng kiểm duyệt trên mạng lưới internet. Việt Nam được xem là quốc gia có hệ thống kiểm duyệt truyền thông khắt khe nhất thế giới.

Cuối cùng, thứ năm là tập trung bóp chết những trang blog có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng.

Theo tôi, trong năm chiến thuật được Zachary Abuza nêu lên ở trên, hai chiến thuật sau cùng có thể được gộp làm một: Trấn áp những tiếng nói đối kháng trên mạng lưới internet. Có ba hình thức trấn áp chính: Một là dựng tường lửa, đặc biệt với các trang web đặt trụ sở ở hải ngoại; hai là dùng tin tặc để tấn công các trang web thù nghịch; và ba là bắt bớ những blogger có nhiều ảnh hưởng như trường hợp của Trương Duy Nhất (2 năm tù), Phạm Viết Đào (15 tháng tù), Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (bị bắt ngày 5 tháng 5 năm 2014, chưa xét xử) và Nguyễn Quang Lập (bị bắt và tạm giam 2 tháng, đã thả).

Ngoài các chiến thuật mà Zachary Abuza nêu trên, tôi nghĩ còn một chiến thuật khác chính quyền Việt Nam gần đây sử dụng nhiều để đàn áp những người bất đồng chính kiến: Trục xuất họ ra khỏi đất nước, chủ yếu là đẩy họ sang Mỹ. Cho đến nay, họ đã trục xuất bốn người: nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ (ngày 23 tháng 2 năm 2011), luật sư Cù Huy Hà Vũ (ngày 7 tháng 4 năm 2014), blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (ngày 21 tháng 10 năm 2014) và gần đây nhất, blogger Tạ Phong Tần (ngày 19 tháng 9 năm 2015).

Việc đưa các nhà bất đồng chính kiến từ nhà tù đi thẳng sang Mỹ có ba lợi ích cho họ: Một là đáp ứng được các yêu sách từ phương Tây, chủ yếu là từ Mỹ; hai là chứng tỏ họ có tinh thần nhân đạo, và ba là để vô hiệu hoá những nhà bất đồng chính kiến ấy. Hai lợi ích đầu tương đối dễ thấy. Tôi chỉ xin phân tích lợi ích thứ ba.

Trên nguyên tắc, sống ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, các nhà bất đồng chính kiến ấy sẽ được tự do hơn. Họ muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, không ai cấm cản được họ cả. Hơn nữa, họ cũng được sự ủng hộ của nhiều người trong cộng đồng, nhờ thế, họ dễ tập hợp thành một lực lượng với những tầm vóc nhất định. Nhưng tự do cũng là một con dao hai lưỡi. Lưỡi kia của tự do là: người ta mất tư cách nạn nhân, những người bị đày ải trong lao tù của bạo chính. Mất tư cách nạn nhân, người ta cũng mất cả tư cách là anh hùng bởi anh hùng chỉ được thể hiện trong điều kiện đối diện với thử thách và đặc biệt, với sự áp bức. Sống ở hải ngoại, tự do phơi phới, không ai có thể anh hùng hơn ai được. Khái niệm anh hùng của những người bất đồng chính kiến trở thành một thuộc tính của quá khứ, một thứ vang bóng một thời. Hơn nữa, sống ở nước ngoài, người ta cũng mất cả tư cách chứng nhân; tiếng nói của họ, do đó, cũng mất sức nặng của người trong cuộc.

Nói cách khác, mất cả ba tư cách nạn nhân, anh hùng và chứng nhân, người ta mất tất cả. Họ trở thành bình thường như bao nhiêu người bình thường khác. Họ lại thua những người bình thường khác ở chỗ: Họ ra ngoại quốc muộn hơn, gặp nhiều khó khăn trong tiến trình hội nhập vào cuộc sống mới hơn, bởi vậy, với một mức độ nào đó, họ cũng mất thế giá hơn. Đó là chưa kể trong môi trường tự do ở hải ngoại, người ta rất dễ bộc lộ những sự nghi ngờ hay đố kỵ nhắm vào những người mới từ Việt Nam sang: Họ là “tay sai” hay “sứ giả” của Việt Cộng sang phá hoại cộng đồng. Trường hợp của Nguyễn Chí Thiện trước đây là một ví dụ. Lúc còn trong nước, ông là một nhà thơ anh hùng; sang Mỹ, ông chỉ còn là một nhà thơ. Không những vậy, ông còn đối diện với những tin đồn thất thiệt, trong đó, có tin đồn ông chỉ là một Nguyễn Chí Thiện… giả.

Trong bài “Chuyện Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ” đã đăng trên blog này năm ngoái, tôi có nêu lên kinh nghiệm của nhà văn Dương Thu Hương và nhà văn Alexander Solzhenitsyn. Lúc còn ở trong nước, các tác phẩm văn học cũng như các bài viết về chính trị của Dương Thu Hương được đón nhận nhiệt liệt. Từ năm 2006, bà sang sống hẳn ở Pháp. Sống ở đâu thì Dương Thu Hương cũng vẫn là Dương Thu Dương thôi. Vẫn thông minh, sắc sảo, thẳng thắn và tài hoa. Không có gì thay đổi. Nhưng rõ ràng là sự tiếp nhận của những người chung quanh, từ cộng đồng người Việt đến cộng đồng quốc tế, đã thay đổi: Bà chỉ còn là một nhà văn chứ không phải nhà văn đối kháng nữa. Với bà, người ta hờ hững dần. Và bà cũng im lặng dần.
Mà không phải chỉ có Dương Thu Hương. Lớn hơn Dương Thu Hương rất nhiều, nhà văn Alexander Solzhenitsyn, giải Nobel văn chương năm 1970, bị trục xuất khỏi Nga vào năm 1974; và sau một thời gian ngắn sống ở Tây Đức và Thụy Sĩ, ông được mời sang Mỹ. Ông định cư ở Mỹ cho đến năm 1994, khi chế độ cộng sản đã sụp đổ tại Nga, ông mới về nước. Trong gần 20 năm ở Mỹ, Solzhenitsyn chỉ sống một cách lặng lẽ ở một địa phương khuất lánh heo hút. Trừ sự ồn ã ở vài năm đầu, sau đó, dường như người ta quên mất ông, hơn nữa, có khi còn bực bội vì ông. Một số quan điểm của ông, lúc còn nằm trong nhà tù Xô Viết, được xem là dũng cảm; lúc đã sống ở Mỹ, ngược lại, lại bị xem là cực đoan.
Cả Solzhenitsyn lẫn Dương Thu Hương đều không phải là những người làm chính trị. Họ chỉ là những nhà văn, khi còn trong nước, được xem là đối kháng. Nhưng ngay cả khi là một nhà văn, người ta còn không được nghe, huống gì chỉ là một người hoạt động chính trị? Cơ hội để được nghe chắc chắn sẽ hiếm hoi hơn nhiều.

Bởi vậy, việc trục xuất những người bất đồng chính kiến ra khỏi nước được xem là một cách vô hiệu hoá họ. Chiến thuật này đã từng được Liên Xô sử dụng thường xuyên trong suốt thời chiến tranh lạnh.

Bây giờ đến lượt Việt Nam.
 
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

http://www.voatiengviet.com

Friday, November 7, 2014

Việt Nam là nơi tốt nhất để sống: Một cách hiểu khác


Đến hôm nay mới đọc bài báo "Sốc vì Việt Nam vào tốp 20 nơi đáng sống nhất thế giới!" Nếu chỉ xem qua cái kết quả bình bầu và đối chiếu tình trạng môi trường xuống dốc thê thảm hiện nay thì đúng là sốc thật. Nhưng thật ra, nếu xem kĩ nguồn thông tin (2) thì cũng không đến nổi sốc đâu.
 
Nguồn thông tin là "The 20 Best Places To Live Overseas" (Hai mươi nơi tốt nhất để sống ở nước ngoài" trên Business Insider (2). Tại sao "nước ngoài"? Tại vì đây là một cuộc điều tra xã hội mà đối tượng tham gia là những thương gia làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. Những người này được công ti gửi đi khắp thế giới để làm ăn, nên họ có cơ hội trải nghiệm và so sánh. Nhóm thực hiện là ngân hàng HSBC. Họ hỏi đối tượng tham gia về trải nghiệm cuộc sống, tình hình kinh tế, nuôi con cái ở nước ngoài. Dựa vào các tiêu chí này, Việt Nam được bình bầu là một trong 20 nước tốt nhất để sống ở nước ngoài.
 
Đọc xong bản tin này tôi thử tưởng tượng mình là một doanh nhân (hạng "executive") đang sống ở Sài Gòn. Và, tôi sẽ bầu VN vào một trong 10 nước tốt nhất để sống như là một doanh nhân nước ngoài. Lương của tôi là khoảng 200K USD một năm, và tôi sống trong một nước mà thu nhập bình quân ~2K một năm thì dĩ nhiên là tôi thấy thoải mái quá đi chứ.
 
Này nhé, tôi đâu có sống ở những nơi chật chội trong nội thành như đám dân đen kia; tôi sống ở Phú Mĩ Hưng hay những khu đô thị mới, thoáng mát và có nhiều cây xanh. Tôi đi làm đâu phải bằng xe Honda để phải chật vật với "triều cường" như đám dân địa phương; tôi đi làm bằng xe hơi, "four-wheel car" cao ngông nghênh trên đường phố được thiết kế cho xe ngựa là chính. Tôi không cần lái xe như bọn Việt Nam; công ti mướn tài xế lo cho tôi từng bước đi, thậm chí đi ăn trưa và uống cà phê! Đến văn phòng thì máy lanh đã bậc xong, tôi không biết cái nóng hừng hực bên ngoài là gì. Thật ra, sống ở VN chứ tôi có biết cái nóng nhiệt đới là gì đâu, vì dù ở nhà hay office tôi đều có máy lạnh.
 
Vợ tôi không bận bịu với con cái như đám nữ nhân viên của tôi; tôi có đã oshin người Việt lo đưa đón con tôi đi học. Con tôi cũng cảm thấy thích đất nước này, vì chúng không chung đụng với đám học trò Việt Nam đầy cạnh tranh kia. Oshin Việt Nam thì rẻ bèo, chỉ 200 USD/tháng là có một cô gốc miền Tây phục vụ cực kì tốt, kể cả nấu ăn ngon. Chúng tôi chẳng cần sợ bọn Tàu đầu độc với những thực phẩm độc hại, vì oshin chúng tôi toàn mua cá sống, gạo hảo hạng, bánh mì nhập từ Singapore, bơ sữa nhâp từ Pháp, Úc, Mĩ. Chúng tôi không cần nấu ăn, vì oshin lo. Chúng tôi không biết đến mấy quán nhậu bầy hầy mà đám dân địa phương lui tới, vì chúng tôi đã quen với buffet ở Caravelle, New World, Pullman, InterContinental, Sheraton, Sofitel, Nikko. Rex? Ồ, đó là khách sạn của Nhà nước, tồi lắm. Chúng tôi không phải lo chuyện lau nhà hàng tuần, bởi vì hàng ngày đã có oshin làm việc đó. Vui vui, chúng tôi đi ăn ở ngoài quán, và dĩ nhiên, chúng tôi đâu có dám léo hánh đến mấy chỗ vớ vẩn và mất vệ sinh ở trong hẽm. Xe four-wheel của tôi làm sao vào được mấy cái hẽm đó?! Lương 200K USD/năm thì việc đi ăn tối ở hàng quán up-market ở VN chỉ là chuyện nhỏ. Mà, món ăn VN lại cực kì ngon, chắc chắn ngon hơn tất cả những nước như Mĩ, Úc, Canada, Ý, Saudi Arabia, v.v.
 
Tôi cũng chẳng quan tâm gì đến mấy chuyện quyền con người này nọ; chuyện đó chẳng dính dáng gì đến tôi, vì đó là chuyện của đám oshin và anh tài xế của tôi. Tôi đâu có lo VN sẽ lệ thuộc hay mất vào tay của Tàu ở phương Bắc, vì đối với tôi, chỗ nào cũng là kinh doanh, kiếm lời. Tôi đâu có hiểu mấy chương trình văn nghệ và những bản tin tức tuyên truyền vớ vẩn đó; tôi xem đài BBC, NBC, CNN. Trong khi đám dân đen đó chẳng biết gì tình hình đằng sau chính trường VN, tôi biết khá tốt! Vì thế, chẳng ai làm phiền tôi, và tôi thấy thoải mái về tinh thần. Ngày cuối tuần, chúng tôi bay ra Đà Nẵng chơi, xuống Hội An tắm biển, bay về Hà Tiên làm một chuyến du ngoạn sang Kampuchea, bay ra Hà Nội thưởng thức tô phở 800 ngàn đồng (chuyện nhỏ), và bay về sân golf ở Tân Sơn Nhất đánh một phát với mấy đồng nghiệp nước ngoài đang chờ. Buồn buồn, tôi đổi không khí bằng cách bay qua Singapore mua đồ điện tử, và dĩ nhiên tôi đời nào để ý đến cái Sim Lim Square chết tiệt đó. Tôi cũng chẳng cần chen lấn, vì tôi đi máy bay hạng 1 của Singapore Airlines, chứ Vietnam Airlines, thì xin lỗi, tồi quá. Nhìn như thế, tôi đang sống một cuộc sống vương giả, một cuộc sống mà nếu tôi ở Mĩ có mơ cũng không có được.
 
Ôi, tôi yêu cái đất nước Việt Nam này quá. Tôi thấy mình như anh thực dân Tây ngày xưa ở Sài Gòn. Thật ra, tôi còn hơn mấy anh Tây ngày xưa, vì ngày nay tôi có tất cả tiện nghi mà mấy ảnh không có trước kia. Mấy anh ấy thời đó còn bị xua đuổi liên miên, còn chúng tôi thời nay thì được chào đón nồng nhiệt. Môi trường làm ăn ở VN có phần khó khăn vì nạn tham nhũng ư? Ồ, chúng tôi chỉ cần áp dụng triết lí dùng tiền của Năm Cam, một người vĩ đại trong nhóm những triết gia vĩ đại. Có tiền là cái gì cũng có ở VN, và hàng rào nào cũng sẽ vượt qua dễ dàng. Bọn Bio-Rad còn chỉ 2.5 triệu USD, thì việc các tập đoàn Nhật chi 10 lần con số đó cũng chỉ là "bỏ con tôm bắt con cá" thôi. VN có câu "nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế", và tất cả 4 yếu tố đều có thể mua bằng tiền. Chúng tôi cũng áy náy khi dùng tiền cho mục tiêu như thế, nhưng thử hỏi, ở cái nơi này mà người ta có câu "rừng nào cọp nấy" thì chúng tôi cũng phải chơi theo luật chơi địa phương thôi.
 
Ngày xưa, Graham Greene ngồi uống cà phê ở Tự Do viết "Người Mĩ trầm lặng", ngày nay tôi viết những chương sách huy hoàng cho Samsung, LG, Hyundai, Kumho, Mercedes-Benz, BMW, Ford, Volvo, Toyota, Mitsubishi, Novartis, Merck, Pfizer, sanofi, novo nordisk, HSBC, Deutsche Bank, Huawei, IBM, v.v. Vinh quang thay, đội doanh nhân nước ngoài ở VN. Chúng tôi xứng đáng có một bài tráng ca! Có lẽ phải mướn một tay nhạc sĩ nghèo VN sáng tác thôi.
 
OK, tôi đã đóng vai doanh nhân nước ngoài ở VN, bây giờ tôi quay về tôi: một người Việt Nam. Tôi nghĩ với quan điểm của những doanh nhân nước ngoài sống ở VN, thì VN đúng là một trong những nơi sống rất thoải mái nhất. Do đó, cái kết quả survey của BusinessInsider không hề sốc chút nào. Tuy nhiên, thay vì kết quả đó nói Việt Nam là nơi tốt nhất để sống, tôi đề nghị nên hiểu một cách khác: Việt Nam là một trong những môi trường lí tưởng nhất cho doanh nhân nước ngoài, vì họ có thể khai thác con người Việt Nam hữu hiệu nhất.
 
***
 
 
Đăng ngày 19 tháng 10.2015