40 năm, nhìn lại...
Nếu ngày 30/4/1975
Việt quốc thắng Việt cộng, điều gì sẽ xảy ra
Thiện Ý
Giả định trên đã được một số người đặt ra từ lâu và thường được nhắc lại mỗi khi có hiện tượng người quốc gia đánh người quốc gia như đòn thù. Những người nêu ra giả định này thường là nạn nhân hay những người cảm thấy bất bình khi thấy hiện tượng chụp mũ, vu cáo, lăng mạ lẫn nhau giữa những người Việt quốc gia hay tổ chức chống cộng chỉ vì khác nhau về nhận thức, quan điểm và phương cách chống cộng, với cường độ căm thù có khi cao hơn cả cường độ căm thù Việt cộng và tập trung sức lực chống nhau đến quên cả mục tiêu chính là chống cộng để đạt mục tiêu tối hậu là dân chủ hóa Việt Nam.
Từ bối cảnh trên, dường như những người nêu giả định trên muốn có câu trả lời cho gỉả thiết: Nếu ngày 30-4-1975 Việt Quốc thắng Việt Cộng, liệu “Bên thắng cuộc Việt Quốc” có đối xử với “Bên thua cuộc Việt Cộng”, như Việt cộng đã làm sau ngày 30-4-1975 đối với Việt quốc hay không? Hay còn tệ hại hơn nhiều?
I/Nếu Việt Quốc thắng Việt Cộng, sẽ bằng cách nào, vào thời điểm nào?
1.- Phương cách Việt Quốc thắng Việt Cộng hoàn toàn khác Việt cộng.
Như mọi người đều biết, sau khi Hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước, Miền Bắc do đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền, thiết lập một chế độ độc tài đảng trị dưới bảng hiệu lừa mị “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”; Miền Nam thuộc quyền cai trị của chính quyền chính thống Quốc gia, xây dựng chế độ dân chủ pháp trị, với quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa.
Theo một số các điều khoản của Hiệp Định Genève liên quan đến việc chia cắt và thống nhất đất nước, thì vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới tạm thời và sẽ thống nhất sau đó ít năm bằng phương thức hòa bình, thông qua một cuộc bầu cử tự do để nhân dân hai miền chọn lựa một chế độ chính trị thích hợp chung cho một nước việt Nam thống nhất.
Chẳng qua đây chỉ là một văn kiện xác định mốc thời gian đưa một dân tộc nhược tiểu sau gần một thế kỷ bị thực dân Pháp khai thác thuộc địa, bước vào thế gọng kìm của một thế chiến lược quốc tế mới hình thành sau Thế Chiến Hai: cuộc chiến tranh ý thức hệ tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, diễn ra giữa hai hình thái Chiến Tranh Lạnh (giữa các nước giầu) và Chiến Tranh Nóng (nơi một số nước nghèo).
Việt cộng ở Miền Bắc trở thành công cụ của phe Xã hội chủ nghĩa, đóng vai trò tên lính xung kích mở mang bờ cõi cho các tân đế quốc Đỏ Nga -Tầu, Việt quốc ở Miền Nam trở thành tiền đồn Thế Giới Tự Do để ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản quốc tế, đứng đầu là Liên Xô và Trung Cộng. Đất nước Việt Nam trở thành bãi chiến trường và nhân dân hai miền Bắc-Nam trở thành bia đỡ đạn cho các phe tiêu thụ hết các loại vũ khí còn tồn đọng sau Thế Chiến Hai và thử nghiệm các loại vũ khí giết người mới sáng chế, làm giầu cho các nhà tư bản quân sự quốc phòng thuộc phe Tư bản và cho tư bản nhà nước độc quyền thuộc phe XHCN.
Từ vị trí và vai trò công cụ khác biệt trên đây, đã đưa đến hai đường lối, chinh sách để giành thắng lợi hoàn toàn khác nhau giữa Việt quốc và Việt cộng.
Việt cộng thì chủ trương dùng bạo lực quân sự kết hợp với bạo lực chính trị để cưỡng chiếm Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ độc tài đảng trị. Trong khi Việt quốc thì ngay từ đầu đã chủ trương thắng Việt cộng bằng sức mạnh chính trị và kinh tế, diễn biến hòa bình và tịnh tiến. Theo đó, chính quyền và quân dân Miền Nam sẽ kiến tạo ở Miền Nam một chế độ dân chủ pháp trị đích thực (Việt Nam Cộng Hòa) để thực thi các quyền tự do, dân chủ, dân sinh và nhân quyền cho mọi người dân. Đồng thời xây dựng và phát triển theo kinh tế thị trường, kế hoạch hóa mềm dẻo, làm cho dân giầu, nước mạnh, nhân dân Miền Nam có đời sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Trên hai trụ cốt chính trị và kinh tế vững mạnh, Miền Nam sẽ phát triển toàn diện về xã hội, văn hóa, giáo dục, đạo đức, khoa học kỹ thuật theo kịp đà tiến hóa chung của thời đại. Chính những thành quả toàn diện trên sẽ tạo sức mạnh đạt thắng lợi sau cùng, thống nhất đất nước trong một chế độ tự do dân chủ pháp trị.
Vậy thì:
2.- Việt quốc sẽ thắng Việt cộng vào thời điểm nào?
Nếu Việt quốc có điều kiện thời gian thực hiện theo đúng sách lược tổng quát vừa trình bầy ở phần trên, thì Việt quốc thắng Việt cộng cũng không thể xẩy ra vào ngày 30-4-1975 và cũng không thể sớm hơn chiến thắng của Tây Đức dân chủ pháp trị đối với Đông Đức độc tài đảng trị (cuối thập niên 80).Vì nó còn tùy thuộc nhiều điều kiện chủ quan (đối với hai phe nội thù) và khách quan (chiều hướng chiến lược toàn cầu của các cường quốc).
Vì nếu giả định rằng Việt quốc ở Miền Nam đã đập tan được cuồng vọng xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt, buộc Việt cộng phải rút hết lực lượng vũ trang về Miền Bắc, chấm dứt tham vọng “Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước”. Sau đó, chính quyền VNCH phải tồn tại được cho đến hôm nay, thành công trong sách lược chống cộng, tạo cho Miền Nam một thực chất và thực tế như Nam Triều Tiên hiện nay , thì quá lắm cũng chỉ duy trì được tình trạng qua phân lãnh thổ như chế độ Bắc Triều Tiên độc tài đảng trị nghèo nàn lạc hậu và Nam Triều Tiên dân chủ pháp trị giầu có hiện nay (sau 3 năm Bắc Triều Tiên mở cuộc xâm lăng Nam Triều Tiên (1950-1953) bị chặn đứng) để chờ cơ may thống nhất Triều Tiên một cách hòa bình dưới chế độ dân chủ giầu mạnh của Miền Nam.
Thế nhưng thực tế Việt quốc đã không tạo được các điều kiện cần và đủ để tồn tại, tạo tiền đề chủ động thắng Việt cộng trong tương lai như Nam Triều Tiên. Thực tế, vì vậy Việt quốc đã bị Hoa Kỳ bỏ rơi khi có nhu cầu thay đổi chiến lược, để cho Việt cộng có điều kiện thuận lợi tạo được một chiến thắng ăn theo (bất chiến tự nhiên thành), chiếm đoạt được Miền Nam.
II/ Điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Quốc thắng Việt Cộng?
Điều có thể khẳng định không sợ sai lầm, rằng nếu Việt quốc thắng Việt cộng, Việt quốc sẽ không hành xử như Việt cộng, vì bản chất, lập trường, phương thức để thành đạt mục tiêu lý tưởng của Việt quốc hoàn toàn khác Việt cộng.
Vì vậy, nếu Việt quốc thắng Việt cộng, theo suy luận của chúng tôi, chính quyền Việt quốc lúc đó, có thể rút kinh nghiệm từ sự thống nhất giữa Đông và Tây Đức hay giữa Bắc và Nam Triều Tiên.
Từ suy luận tổng quát trên, chúng tôi nghĩ rằng chính quyền Việt quốc chắc chắn sẽ thực hiện khác những gì Việt cộng đã và đang làm từ sau ngày 30-4-1975 đối với Việt quốc, đã gây tổn hại nghiêm trọng, toàn diện và lâu dài cho dân tộc (gây thêm hận thù, phân hóa dân tộc) và cho đất nước (suy đồi toàn diện…)
Việt cộng đã giải tán hoàn toàn cơ cấu tổ chức chính quyền, bắt giam dài hạn, đầy ải, sỉ nhục các viên chức chỉ huy guồng máy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, dân sự, quân sự, hành chánh, chuyên môn các cấp các ngành lập và thay thế ngay bằng các cấp chỉ huy và viên chức Việt cộng từ trung ương đến địa phương ở Miền Nam. Đồng thời Việt cộng dùng chế độ hộ khẩu kềm kẹp nhân dân, dùng quân đội, công an, tòa án nhân dân, nhà tù, pháp trường đàn áp, sát hại dã man những người dân Miền Nam mà họ cho là “phản động” chống lại chế độ, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, dân quyền, bất chấp luật pháp quốc tế.
Nhưng nếu Việt quốc thắng Việt cộng, chắc chắn Việt quốc sẽ không hành động dã man, rừng rú như Việt cộng đã đối xử với Việt quốc,vốn là những người anh em cùng mầu da, sắc máu có chung nguồn gốc dân tộc. Việt quốc sẽ từng bước ổn định tình hình theo một quá trình thời gian thích hợp, trên bình diện pháp lý,chính trị, kinh tế, tài chánh,văn hóa giáo dục cũng như thực tế xã hội. Tất cả đều được thực hiện theo một tiến trình thời gian thích hợp, đúng những nguyên tắc và chuẩn mực của một chế độ dân chủ pháp trị được thể hiện trong Hiến pháp và luật pháp quốc gia thống nhất, với các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền căn bản được tôn trọng, bảo vệ và hành xử cho mọi công dân không phân biệt giai tầng xã hội hay nguồn gốc quá khứ là Việt cộng hay Việt quốc. Nghĩa là Việt quốc sẽ hành động đúng cung cách một chính quyền của một chế độ dân chủ pháp trị trong cộng đồng thế giới văn minh, biết tôn trọng luật pháp quốc gia cũng như luật pháp quốc tế. Những kẻ phạm pháp, dù gốc Việt quốc hay Việt cộng,dù có chức có quyền hay dân giả,kể từ sau ngày “Việt quốc thắng Việt cộng” thống nhất đất nước một cách hòa bình, nếu phạm pháp đều được xét xử công minh, nếu xét thấy có tội sẽ bị nghiêm trị theo đúng pháp luật.(chứ không phải bắn giết, bỏ tù bừa bãi, không cần xét xử, nếu có xét xử thì theo lệnh của “Đảng” không theo pháp luật, vì không có pháp luật mà chỉ có “nghị luật” là những nghị quyết của Đảng được thể chế hóa…như Việt cộng đã làm sau 30-4-1975 cho đến nay).
III/ Kết luận
Nói tóm lại, trong giả định, nếu Việt quốc thắng Việt cộng, điều gì sẽ xẩy ra? Chúng ta chỉ có thể trả lời là Việt quốc sẽ hành động hoàn toàn khác những gì mà Việt cộng đã làm kể từ sau ngày 30-4-1975.Vì Việt quốc có bản chất, lập trường, phương thức để thành đạt mục tiêu lý tưởng của Việt quốc hoàn toàn khác Việt cộng. Do đó, các hành động của Việt quốc chắc chắn sẽ dẫn đến những hiệu quả tốt đẹp, toàn diện cho dân tộc và đất nước, đáp ứng đúng ý nguyện của toàn dân Việt, chứ không đưa đến những hậu quả tàn hại toàn diện cho dân tộc và đất nước, trái với ý nguyện của nhân dân như hôm nay do các hành động của Việt cộng từ sau ngày 30-4-1975 gây ra.
Vì vậy, những ai chỉ căn cứ vào hiện tượng Việt quốc “đánh” Việt quốc như đòn thù, chỉ vì bất đồng chính kiến, để cho rằng nếu ngày 30-4-1975 Việt Quốc thắng Việt Cộng, thì “Bên thắng cuộc Việt Quốc” cũng sẽ đối xử với “Bên thua cuộc Việt Cộng”, như Việt cộng đã làm sau ngày 30-4-1975 đối với Việt quốc hay còn tệ hại hơi nhiều, thì đó chỉ là sự võ đoán, sai lầm. Sự hoài nghi này hoàn toàn chủ quan, đầy cảm tính và không thực tế.
Trên thực tế, hành vi của một số người Việt quốc “đánh” Việt quốc chỉ là một số rất ít, do lòng căm thù Việt cộng cao độ đã “giận cá chém thớt’ nên đã trút căm thù Việt cộng lên đầu anh em nào có lời nói,thái độ, hành động, phương thức chống cộng khác mình, cho là có lợi cho Việt cộng. Hiện tượng này không thể phản ánh nhận thức, quan điểm chống cộng cho toàn khối Việt quốc chân chính và không nhất thiết họ sẽ là những người lãnh đạo đất nước sau khi Việt quốc thắng Việt cộng trong giả định lịch sử (quá khứ) hay giả định thực tế (tương lai). Vả lại dù họ có nằm trong thành phần lãnh đạo đất nước thì ai cũng phải lãnh đạo trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong cộng đồng thế giới văn minh ngày nay, chứ không thể tùy tiện cảm tính bốc đồng của cá nhân hay một phe nhóm nào được nắm quyền lãnh đạo đất nước hậu cộng sản.
Thiện Ý
11 tháng 04.2015
Dương Thu Hương và hai chữ Quốc hận
Luân Tế
22-04-2015
Nhà văn Dương Thu Hương (DTH) sinh quán tại Bắc Việt, sống ở miền Bắc, gia nhập quân đội, viết văn từ năm 1985. Bà là một trong số những người lớn lên và sống trong chế độ Cộng Sản, sau này thất vọng về tình trạng trong nước sau khi chiến tranh chấm dứt. Bà tạo được một tiếng tăm lớn ở cả trong nước lẫn ngoài nước về văn chương. Bà viết rất nhiều sách, nhiều thể loại. Sách của bà được dịch sang nhiều thứ tiếng và đoạt nhiều giải thưởng văn chương quốc tế.
Sau ngày “Giải Phóng” miền Nam, cũng giống một số trí thức trong nước, bà nhận ra bộ mặt thật của Cộng Sản và cay đắng vì đã bị lừa. Bà trở thành một người chống đối chế độ, bị ngược đãi, giam cầm, cấm đoán và sau cùng được cho phép sang Pháp sống từ năm 2006. Bà là một trong những người có tiếng tăm được (hay bị) chính quyền Cộng Sản cho đi sống ở nước ngoài có những bài viết, những phát biểu về Việt Nam.
Tôi bỏ quê hương, chạy Cộng Sản, sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1975. Tôi có đọc một hai cuốn sách và một số bài viết ngắn phổ biến trên mạng của bà DTH trong mấy năm gần đây. Rất phục văn tài và văn phong cũng như tri thức, lập luận sắc bén của bà, nhất là những gì bà nói và viết về đảng Cộng Sản Việt Nam (có một người bạn rất trí thức còn nói với tôi là văn chương của bà xứng đáng để được đề cử tranh giải Nobel).
Trong một bài tôi viết về ngày 30.4.1975 năm ngoái tên là "39 năm nhìn lại cuộc đời" trên web site của tôi có một đoạn như sau: “Nhà văn Dương Thu Hương đã đề cập tới hiện tượng ‘hối tiếc’ phát nguồn từ dân miền Bắc vì đã nghe lời đường mật của Cộng Sản trong bài nhận định tuyệt vời ‘Giải Ảo’:
(Trích) Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi thuộc số những người vỡ mộng sớm nhất. Nhưng chỉ vài năm sau, con số những kẻ vỡ mộng tăng lên một cách không ngừng. Đầu những năm 80 sự đói khổ về vật chất là con quỷ hiện hình cả ngày lẫn đêm trên toàn cõi. Đói khổ là món quà chia đều cho toàn dân, trừ một số người nắm quyền. Sự giàu có và xa hoa của một thiểu số cộng sản giống như vòi nước lạnh hắt vào mặt dân chúng. Hiển nhiên là trong dân chúng, có vô số kẻ từ chiến trường cởi áo lính trở về (Ngưng trích)”.
Phải nói là khi đọc những giòng này tôi rất xúc động và thầm cảm ơn/phục bà đã nói ra được những gì cần phải được nói ra và sự chân thành của bà bộc lộ trong những lời nói đó.
Năm nay, 2015, tôi đang dự tính viết lại bài này, cập nhật hóa, và đổi tên là “40 Năm Nhìn Lại Cuộc Đời” thì tình cờ được đọc trên mạng cuộc nói chuyện của bà với một ký giả trên đài phát thanh Á Châu Tự Do. Trả lời câu hỏi về biến cố 30-4 sau 40 năm, bà DTH nói về chữ “Quốc Hận” mà chúng ta dùng để chỉ ngày này.
(Trích): Dương Thu Hương: Về mặt những người miền Nam mà gọi là « Quốc hận » thì họ cũng phải nhìn lại. Tại sao? Tại sao lại là « Quốc hận » Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ. Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi: miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không? Cái đó phải xét lại. (Ngưng trích)
Đọc đến đây thì tôi thấy có bổn phận phải có đôi điều nói chuyện với bà DTH.
Thưa bà,
Có lẽ trong cả cuộc đời bà, bà chưa bao giờ phải xót xa cho quê hương. Từ lúc bà sinh ra ở miền Bắc, quê hương của bà lần lượt thắng Tây, thắng Mỹ, chiếm được miền Nam thì có gì mà bà phải xót xa cho quê hương. Và có lẽ bà không biết là chữ “Quốc Hận” đã được dùng một lần rồi. Đó là chữ miền Nam Việt Nam dùng cho ngày 20 tháng 7 năm 1954. Tôi không biết những người sống ở miền Bắc gọi cái ngày đó là ngày gì (có thể là “Ngày Chiếm Được Miền Bắc”), nhưng những người sống ở miền Nam như tôi gọi nó là “Ngày Quốc Hận” vì chúng tôi đau lòng, xót xa khi thấy đất nước bị các cường quốc họp lại, chia đôi. Vì đau lòng thấy đất nước chia đôi nên chúng tôi đặt tên cái đại lộ rộng nhất miền Nam là Đại Lộ Thống Nhất. Nhưng chính quyền miền nam chúng tôi cố gắng củng cố cho dân tình miền Nam được ổn định từ thành thị đến thôn quê, lo nơi ăn chốn ở cho gần 1 triệu người di cư từ Bắc vào Nam lánh nạn CS, lo cho học sinh – sinh viên có một nền giáo dục học đường miễn phí (tôi là một trong những người được hưởng ân huệ này). Miền Nam đặt tên con đường lớn nhất Sài Gòn là Thống Nhất nhưng những người cùng tuổi với bà ở lại miền Bắc và các thế hệ sau này chắc chắn chưa hề thấy miền Nam chúng tôi thực hiện kế hoạch nào để “Thống Nhất” quê hương về tất cả mọi lãnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, và nhất là về quân sự. Sau này có những toán biệt kích nhẩy dù ra bắc hay những hải vụ hay phi vụ là nhằm phục đích “phá hoại” khi miền Bắc đem quân tấn công xâm chiếm miền Nam.
Chúng tôi gọi cái tình cảm đó là Quốc hận vì quê hương bị cưỡng chiếm. Quốc Hận là vì phải bỏ quê hương xứ sở mà đi. Quốc Hận là vì xót xa cho dân tình trong nước khốn nạn quá, đồng bào mình khốn khổ quá. Quốc Hận là vì thấy quốc gia điêu linh quá. Quốc Hận là vì bị đồng minh toa rập với Trung Hoa, Liên Sô lừa cả một dân tộc yêu hòa bình, chống ngoại xâm. Bà chỉ biết chửi Cộng Sản và cái chế độ đã lừa bà chứ bà không biết đến cái tình quê hương để có thể đưa đến sự hiểu biết của bà về hai chữ Quốc Hận.
Chưa hết. Bà còn thắc mắc: (Trích) Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi: miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại?… Cái đó phải xét lại (Ngưng trích – chữ đậm do người viết).
Bà đòi chúng tôi phải xét lại. Tại sao phải xét lại? Nhất là lời yêu cầu này thốt ra từ miệng một người (trước đây – và không còn dám nhận như thế nữa) trong đám gọi là “Bên Thắng Cuộc” tuy bà DTH đã “phản tỉnh” và bây giờ – có lẽ vì “đau” quá – nên có thái độ chống Cộng Sản VN có lẽ còn hơn chúng tôi, những người đã phải bỏ nước ra đi vì không thể chung sống với CS. Những khám phá mới của bà về sự tồi tệ của Cộng sản chúng tôi nghe từ miệng bà thốt ra cũng khoái tai, nhưng thật sự những chuyện đó quân dân miền Nam biết lâu rồi, từ năm 1954. Bà nghĩ là bà có công với dân tộc vì cái “Eureka” muộn màng lột trần mặt nạ của CS của bà nên bà mới hay lên tiếng nói những câu dậy đời như thế này.
Nhưng dậy bảo chúng tôi là phải xét lại việc dùng chữ “Quốc Hận” này thì tôi e là bà DTH với tay quá trán. Nhất là những viện dẫn của bà trong câu nói trên cho thấy bà, một là thiên lệch (chẳng thương xót gì cái gọi là VNCH, tuy thầm mơ rằng giá mà mình được di cư vào Nam hồi 54), mà còn ngây thơ (tôi không muốn dùng chữ dốt) và mù tịt về lịch sử cận đại.
Thứ nhất là Bắc Hàn chỉ “đe dọa” đòi thống nhất hai niềm Nam-Bắc. Các sự kiện xẩy ra giữa hai miền được coi là những cuộc “xung đột nhỏ” nhằm mục đích khiêu khích chứ không phải một cuộc chiến. Rất có thể là Nam Hàn, cũng như Nam Việt Nam cũng đã có những toán đặc công gửi ra Bắc với nhiệm vụ phá rối chứ không phải muốn gây chiến tranh để chiếm lại miền Bắc. Đằng này, không những Bắc Việt để một số quân nằm vùng, du kích ở lại miền Nam mà còn chính thức tấn công bằng vũ lực với cái chiêu bài giả tạo “Chống Mỹ, Cứu Nước” nhưng lại “lừa” được cả bà DTH và đám gọi là trí thức miền Bắc. Chuyện thứ hai là Mỹ không hề “đi đêm” với Tầu, với Liên Bang Sô Viết để bán đứng Nam Hàn như Nixon, Kissinger và tập đoàn tài phiệt thiên Do Thái đối xử với miền Nam Việt Nam.
Bà DTH còn nói: (Trích) Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không? (Hết Trích)
Xem đến câu này thì tôi chỉ còn biết cười nhạt và nghĩ rằng ở cái tuổi 68, chắc trí óc của bà không còn minh mẫn như những lời nói, bài viết của bà cách đây vài năm. Xin thưa với bà, lý do miền Nam chúng tôi không làm được như Nam Hàn là vì trong suốt hai mươi năm (54-75) chúng tôi ở miền Nam phải đối phó với một đồng minh tráo trở, và vì phải chiến đấu trường kỳ chống ngoại xâm là những người Đảng và Nhà Nước của bà đưa vào miền Nam. Một chuyện nữa là nếu đọc lại sách sử, bà sẽ thấy là, trước những năm 80, Nam Hàn thực ra chưa có gì đáng phải cho chúng ta khâm phục. Chỉ trong hơn ba thập niên sau này Nam Hàn mới thực sự tiến bộ để trở thành một “xứ sở văn minh phồn thịnh.” Và “…còn miền Nam thì không.” Thưa bà, “Bên Thắng Cuộc” của bà đã “giải phóng” cho miền Nam Việt Nam bốn thập niên, từ ngày 30-4-75. Một phía là “Bên Bại Trận” có 20 năm để dựng nước trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc; và một phía là “Bên Thắng Cuộc” với 40 năm cầm quyền trong cái gọi là Thống Nhất. Thử đặt chuyện đó lên bàn cân thì ai thắng ai thua, ai giỏi hơn ai? Cách đây trên 40 năm, miền Nam Việt Nam đã vừa phải chiến đấu chống xâm lăng, vừa phát triển đất nước, mà vẫn thành công ngang với một Nam Hàn không chiến tranh!
Có lẽ bà thù ghét cái chế độ đã lừa bà đến nỗi không thèm đọc báo Tuổi Trẻ ở trong nước. Nếu bà đọc thì chắc bà không dám mạnh miệng chê miền Nam chúng tôi vì trên tờ này, đã được tác giả Nguyễn Hoa Lư trích dẫn lại trong bài “Tuyên truyền theo phong cách ngậm ngùi rơi lệ chỉ đạo rất kỹ cho bà về sự “khác biệt” giữa Nam Hàn và Việt Nam hiện nay: “Một quan chức cao cấp của Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Vũ Ngọc Hoàng, đã có một phát biểu gây ấn tượng mạnh: ‘Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng”.
Thưa bà DTH, nếu bà “nghe mà xót lòng” thì cái tình cảm dấy lên trong bà gọi là Quốc Hận.
Luân Tế
______________
Nhà văn Dương Thu Hương: 40 năm, nhìn lại về ngôn từ
2015-03-11
Câu chuyện về một tấm hình
2015-03-10
Hình do anh Trần Ngọc Giáp cung cấp
Nỗi buồn 30/4 của những sinh viên du học
2015-03-09
Những câu hỏi được đặt ra cho tương lai của mình, những thanh niên còn rất trẻ, một sớm một chiều trở thành bơ vơ trên một nơi không phải là quê hương. Anh Trần Ngọc Giáp, cựu sinh viên du học tại Pháp chia sẻ : «Lúc đó mình coi như illégal (bất hợp pháp) không biết mình có bị bắt trở về Việt Nam hay không ? Có phải lên toà đại sứ Việt cộng làm lại giấy tờ hay không ? không biết là chính phủ Pháp có chấp nhận mình hay không ? lúc đó mình không biết được , lúc đó thì không ai biết gì hết ! »
Và tiếp đó là nỗi lo vật chất khi mà nguồn tiếp tế từ Việt Nam đã bị gián đoạn. Anh Nguyễn Sơn Hà, một sinh viên du học ở Pháp từ năm 1974 nói : «Lúc đó rất là hoang mang, nhất là theo dõi trên các đài truyền hình Pháp nói về tình hình ở bên nhà, về sự thất thủ của các tỉnh, các thành phố và nhất là sự tuyệt vọng của miền Nam đã làm ảnh hưởng đến tinh thần sinh viên lúc đó. Nhiều đoàn thể sinh viên đã nghĩ đến chuyện giải tán, mỗi cá nhân tự lo bản thân mình bởi vì lúc đó tiền viện trợ từ gia đình bị gián đoạn, còn toà đại sứ VNCH thì lo tháo chạy. Vì không có tiền viện trợ từ Việt Nam , anh (Trần văn )Bá đem các anh em về ở với anh, lo cho anh em từ cái ăn, chỗ ở. Năm đó, mùa lạnh, Hà không có áo lạnh, anh Bá không nói một lời, đưa cho Hà cái áo lạnh. Anh em thiếu ăn, ảnh liền đưa một cái ticket ( phiếu ăn) cho các anh em. »
Hoang mang, buồn rầu và uất hận dẫn đến sự tuyệt vọng về tương lai. Có người thì tâm trạng cực kỳ bi quan như anh Trương Quốc Trung, lúc đó đang học năm thứ 5 về ngành kiến trúc tại Pháp : “Riêng tôi thì tôi nghĩ tôi thuộc về một thế hệ bỏ đi, không làm được cái gì hết. Như mình là chân hỏng trên một đất nước không phải của mình. Và với cái tài năng mình có, cái học thức mình có, mình trở thành vô dụng”
Có người thì muốn chọn dòng sông Seine như một giải pháp. Anh Lê Như Quốc Khánh cho biết :«Những người đi du học hoàn toàn tự dưng mất liên lạc với Bố Mẹ, không còn lãnh lương, không còn gì hết, không biết ra làm sao. Có người ra bờ sông ngồi tính tới chuyện tự tử nữa.”
Đức, nơi có gần 2000 sinh viên du học ở thời điểm đó. Anh Trần Huê, lúc đó đang học năm thứ 5 y khoa tại Munchen cũng cùng chung một tâm trạng : “Ngày 30/4, cái tin đó làm cho tôi rất là buồn vì trong thời gian tôi du học tại Âu châu thì tôi đã được rất nhiều những thông tin về những chế độ Cộng sản ở Đông âu, ở Liên xô, cũng như ở Trung quốc, thành ra chuyện miền Nam bị mất vô tay của người Cộng sản tôi thấy là nó có những dấu hiệu không tốt cho đất nước của mình. Kể từ khi mà giấy thông hành cũ của VNCH hết hạn thì mình sẽ được một giấy thông hành của người Đức họ cấp cho. Luật quốc tế nó có một loại (luật) dành cho những người không có quốc gia đó.”
Anh Vũ Quốc Thao, lúc đó là một chàng sinh viên còn rất trẻ, chưa ý thức ngay được sự mất mát đem đến do biến cố 30/4, anh nói: «Riêng tôi, cho tới ngày 30/4 tôi chưa hoàn toàn ý thức được rằng mình không còn có một chỗ đứng trên quê hương mình nữa lúc đó. Phải vài ngày sau khi cùng với anh em trong Tổng hội Sinh viên tới lãnh sự quán để giúp thiêu huỷ các hồ sơ. Hồ sơ tương đối mật thì mình đốt hết, còn phim ảnh, tài liệu sứ quán thì đem tải đi nơi khác.”
Sự thống nhất đất nước ở bên kia, đưa đến sự phân chia rõ rệt ở bên này bờ đại dương. Tại Paris sau ngày 30/4 đã diễn ra nhiều cuộc đánh đấm giữa hai phe sinh viên thân Cộng và Quốc gia. Nhóm sinh viên thân cộng tấn công những sinh viên quốc gia đi riêng rẽ. Anh Nguyễn Sơn Hà kể lại: «Không thể để cho các anh em đó bị hại, anh Bá kêu các anh em đi bảo vệ các anh em này, ngay điểm hẹn chỗ Cité U ( Cité Université) đánh rất là mãnh liệt. Vì anh Bá là một người quân tử ảnh cấm các anh em mang vũ khí, mình không được làm tổn thương ngay cả người địch của mình. Chính vì vậy mà làm cho bên phe mình bị thương rất nhiều vì bên phe kia họ cầm gậy, cầm sắt, cầm vũ khí để đánh lại mấy anh em.»
Sinh viên quốc gia bên Đức cũng chịu chung số phận. Nếu ở Việt Nam có những thành phần được gọi là « thành phần cờ đỏ, thành phần 30/4 » xuất hiện sau ngày miền Nam đổi chủ thì tại Đức cũng có những sinh viên thân cộng đảm nhận nhiệm vụ 30/4 này (tuy không mang băng đỏ). Anh Trần Huê nói : «Bên Tây Đức có toà đại sứ (VNCH) ở Bonn, còn bên Đông đức cũng có toà đại sứ của miền Bắc. Những sinh viên theo Cộng sản : nhóm Đoàn kết rất là nhiều thì họ trở thành nhân viên của toà đại sư. Giấy thông hành thì mình phải qua mấy người đó, họ phải chứng nhận căn cước của mình là người như thế nào. Họ đòi giải tán tất cả những đoàn thể sinh viên, nhất là những đoàn thể sinh viên chống Cộng.»
Trước tình hình thay ngôi đổi chủ tại Việt Nam, các toà đại sứ cũng chịu cùng chung số phận. Anh Trương Quốc Trung cho biết tình hình tại toà đại sứ Pháp lúc đó : «Toà đại sứ Việt Nam của mình thì….(cười…) những người đàn anh của chúng tôi đã bỏ trốn hết tất cả, họ không lo cho chúng tôi cái gì cả, chúng tôi là những người lên toà đại sứ để thu thập tất cả những hồ sơ, thu thập những gì còn lại để đem về Tổng Hội sinh viên để lưu trữ.»
Lo sợ trở thành một kẻ vô tổ quốc, ngày 30/4 , anh Nguyễn Quốc Nam lúc đó đang du học tại thành phố Lille, miền bắc Pháp, đã cùng gia đình đến toà đại sứ ở Paris để tự mình đóng dấu gia hạn hộ chiếu, anh Nguyễn Quốc Nam kể lại : «Chúng tôi đến đó thì nhân viên toà đại sứ không còn ai nữa chúng tôi phải tự làm lấy. Một người thì viết trên sổ thông hành ngày 30/4/1975. Tôi thì đóng mộc và ký tên trên đó. Sau khi mà tôi đã gia hạn sổ thông hành rồi, suy nghĩ lại thì tôi mới biết là VNCH mình không còn nữa thì sổ thông hành của tôi cũng không giá trị. Préfecture de police (sở cảnh sát) ra cho tôi một cái tên là « Apatride » tức là người không có tổ quốc. Ngày nay chúng tôi còn giữ lại sổ thông hành đó làm kỷ niệm, đó là những kỷ niệm không thể nào quên được dù đã 40 năm qua .»
Anh Nguyễn Đình Hải cho biết những gì xảy ra tại toà đại sứ Bỉ sau ngày 30/4 : «Lúc tụi này lên thì toà đại sứ nói với chúng tôi là : Chúng tôi đã hết phận sự rồi, cái phận sự còn lại của chúng tôi là phải trao tất cả những gì chúng tôi có trong tay cho những người thuộc chế độ mới sau này. Tôi nhớ hồi đó một số anh chị em đã rất bực mình vì chuyện đó, chúng tôi không đồng ý, chúng tôi yêu cầu anh ra khỏi toà đại sứ và chúng tôi tiếp thu toà đại sứ để tiếp tục cái công cuộc đấu tranh, phục vụ cho đất nước và dân tộc.»
Những chàng thanh niên trẻ ngày xưa, ra đi với « sách trong tay, ước mộng chất đầy hồn » bỗng chốc trở thành những con thuyền mất phương hướng trên dòng sông lịch sử. Nếu mỗi khúc ngoặc của cuộc đời là một định mệnh thì có những con thuyền đã giữ vững tay chèo để đến bến bờ, nhưng cũng có những con thuyền đã phải ngập sóng giữa dòng. Bốn mươi năm nhìn lại, những mái đầu giờ đã bạc chắc cũng ngậm ngùi.
Tường An
Đăng ngày 25 tháng 04.2015