Có dễ để quên lãng

lịch sử một quốc gia?

Tuấn khanh



Môn học Lịch sử lại đang là chuyện gây tranh cãi ở Việt Nam, nhất là khi ngày 19 Tháng Tư, Bộ Giáo dục của việt cộng đưa ra lời giải thích về việc đưa môn Lịch sử sẽ trở thành môn học không bắt buộc từ năm học 2022-2023, ở bậc Trung học Phổ thông, tức từ lớp 10 đến lớn 12.
Lớp 10 đến lớp 12, tức tuổi của nhiệt huyết, của ý thức vào đời và thời điểm hun đúc ý chí trưởng thành của một công dân.
Trong những đoạn văn rất dài và rối rắm, cuối cùng người ta tìm thấy trong bản giải thích của Bộ giáo dục gửi cho báo chí, tóm tắt là “Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện”. Và vì vậy, môn lịch sử Việt Nam được đặt vào tình thế là có thể thích thì chọn, hoặc không thấy cần thiết thì bỏ qua.
Thế nhưng trong các môn học bắt buộc, người ta nhìn thấy có môn Giáo dục Quốc phòng và an ninh. Mà trên thực tế, môn “an ninh” là môn lồng ghép lịch sử đảng cộng sản và quyền cai trị của đảng. Một học sinh lớp 12 kể, bài kiểm tra về an ninh được trường ra đề là “nếu thấy một người tuyên truyền phản động thì em phải làm gì?”, đáp án đúng của câu hỏi đó là đi báo công an. Dĩ nhiên, trong trong phần giải thích mở rộng “phản động” là gì, và vì sao phải tự nguyện làm chỉ điểm, chắc chắn lịch sử và công lao thống nhất đất nước của đảng cộng sản phải được làm rõ.    
Có thể nhìn thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang học mót theo cách làm của Hàn Quốc vào năm 2005, trong việc muốn đưa môn học lịch sử trở thành môn không bắt buộc, mà sai lầm này diễn ra trong suốt 10 năm, khiến các nhà đạo đức, xã hội và cả chính trị gia tức giận, phải làm áp lực Chính phủ phải đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc, dần từ cuối năm 2014.

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội có lan truyền bản video được thực hiện bởi chính đài truyền hình VTV của Nhà nước, trong đó là nội dung thăm dò từ những thanh thiếu niên đến người già về cuộc thảm sát Gạc Ma mà Trung cộng đã gây ra cho hải quân Việt Nam vào 14-3-1988. Hơn 90% số người được hỏi là hoàn toàn ngơ ngác về một vệt lịch sử hiện đại đẫm máu này. Điều ngạc nhiên ngoài lề, là hầu hết người được hỏi đều là sống ở Hà Nội, thủ đô nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, suốt hơn chục năm, ở Sài Gòn, công an phải chặn cửa nhà nhiều người, bao vây lư hương Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng hay gác ở những nơi trung tâm Sài Gòn… để đề phòng người xuống đường chống Trung cộng, tưởng niệm những binh sĩ đã hy sinh bởi tội ác này.  
Tương tự vậy, kỷ niệm Thiên An Môn 30 năm (2019), Đài BBC Có làm một phóng sự ngắn, hỏi bất kỳ người dân nào đi trên đường phố rằng họ có biết gì về sự kiện Thiên An Môn không - và hầu hết ở mọi lứa tuổi, nói là “không biết”. Cuối cùng thì ta tìm thấy có một người đàn ông duy nhất, bối rối nói với phóng viên đài BBC là “anh hỏi cái này thì bị bắt đấy”. Chỉ duy nhất ở Hồng Kông và Đài Loan là có những hoạt động tưởng niệm này.
Như vậy đó, lịch sử hiện đại của mỗi quốc gia thì vẫn có những phần mà nhà cầm quyền không thích, và dĩ nhiên họ luôn tìm cách xóa đi theo thời gian, xóa trong trí nhớ của con người.  

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử hiện đại phức tạp. Cuộc nội chiến dài hơn 20 năm kết thúc, nhưng vẫn có quá nhiều điều vượt ngoài ý chí tập trung của nhà cầm quyền đương thời. Việc giảng dạy lịch sử cho cả một quốc gia, với những khái niệm chính trị, quốc gia, và lịch sử thống nhất đất nước đầu tiên từ thời Chúa Nguyễn, lúc này, là một vấn đề không dễ.  
Từ những quan điểm lịch sử bị diễn giải theo tư duy “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” của Hà Nội, tất cả những nhân vật lịch sử Việt Nam bị đào bới và trói gô, đem ra trước toà án tư duy chính trị, biến thành chuyện giáo dục. Từ Phạm Quỳnh, cho đến Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản… đều bị là gán cái mác là “phản quốc” hay “tay sai”. Tung hô cho những bản án này, có cả một hệ thống những trí thức nô dịch, và một lớp dư luận viên luôn diễn giải độc đoán về tổ tiên của mình.
Cũng tương tự như vậy, nhà nước hiện tại, muốn nhấn mạnh vai trò “khởi nghĩa” của nhà Tây Sơn, như một cách soi chiếu im lặng về hình ảnh của mình, và luôn miệt thị nhà Nguyễn, với những phương thức liên kết và vận động sự trợ giúp từ Pháp, Thái Lan, cộng đồng người Hoa ở Việt Nam… để lấy lại vương quyền. “Cõng rắn cắn gà nhà” cho đến “nhận giặc làm cha” là những cách mà sách và ngôn luận của nhà cầm quyền thì luôn nhấn mạnh vào lịch sử, nhằm điềm chỉ cho tính “thuần túy nhân dân” của cuộc chiến giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với Việt Nam Cộng Hòa.
Thế nhưng, thời đại hôm nay là thế giới thông tin mở. Internet có tất cả những dữ liệu trung dung nhất có thể được tìm thấy giúp cho một người bình thường có thể tự mình tham khảo và lý giải được mọi thứ đang diễn ra trong màn sương. Điều khó nghĩ hơn, Việt Nam hôm nay có hàng chục triệu người của vĩ tuyến 17 vào Nam, được giáo dục phần lịch sử hoàn toàn khác biệt từ thời VNCH.

Trong suốt hàng chục năm, giới truyền thông của Hà Nội vẫn kể tội chuyện chế độ VNCH đã rước ngoại bang vào đất nước như thế nào. Nhưng rồi qua thời gian, sự yểm trợ từ tài lực, quân lực từ Bắc Triều Tiên, Liên Xô, Trung Quốc được giải mật và mọi thứ lại cho thấy các đã có hàng trăm ngàn quân Trung cộng tham chiến trong cuộc nội chiến, chuyên gia quân sự Nga, phi công chiến đấu Bắc Triều Tiên… đã đến miền Bắc VNDCCH và thậm chí hy sinh, được lập nghĩa địa riêng như thế nào.
Để giải thích nhiều điều của lịch sử từ phía nhà cầm quyền, với những chuyện nhỏ nhất như anh Lê Văn Tám, anh Phan Đình Giót, anh K ‘pa K’lơng… quả thật không dễ. Và với những cuộc đối đầu lớn và gần nhất năm 1979, việc cắt sửa và đưa vào sách giáo khoa chỉ ít dòng thôi, nhưng ít ai biết được đó là cả một cuộc vận động, tranh đấu nhàu nhĩ suốt nhiều đời chủ tịch và bí thư đảng cộng sản.

Bỏ bắt buộc học môn lịch sử, nhưng dạy lịch sử đảng, thông qua bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, có lẽ là một giải pháp tốt. Với chương trình giáo dục nặng nề suốt nhiều năm nay, lời than vãn không ngớt từ phụ huynh và học sinh, thì để tự chọn môn không cần học thuộc và nhớ nhiều, sẽ là cách để cho các thế hệ Việt Nam tự cắt đứt với quá khứ mà không cần phải làm gì cả, xóa mờ lịch sử nước Việt một cách hết sức “dân chủ”.  
Thế nhưng, tạo nên việc coi nhẹ hay cố ý để tạo sự lãng quên lịch sử, với những điều khó nói, không hẳn đã là một lợi thế tuyệt đối của những người cầm quyền. Khi công dân mờ nhạt nguồn gốc của họ trên đất nước, thì việc nhận thức mình chỉ là một công cụ để phục vụ vô nghĩa cho quyền lợi của một chế độ sẽ phát sinh. Giá trị yêu nước bị biến thành sự tuân phục đảng phái chính trị, sẽ là nguy cơ tiềm ẩn của hỗn loạn. Mà những điều này, được nhìn thấy từ những bài học lịch sử của nhân loại.
25/04/2022
tuankhanh's blog




Tại sao Hà Nội không cho

dạy lịch sử về Chiến tranh 1979?
 
Tuấn Khanh

Trước sự phản đối dai dẳng của người dân, Việt Nam miễn cưỡng đưa một ít thông tin về cuộc xung đột năm 1979 vào sách giáo khoa lịch sử, sau khi đã im lặng kéo dài hàng chục năm. Mời xem bài lược dịch từ nhận định của Travis Vincent, nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, đăng trên tờ Diplomat tháng 2-2022.
Ở Việt Nam, kỳ thi tại các trường trung học thường rơi vào cuối Tháng Giêng, một vài tuần trước khi kỷ niệm Chiến tranh Trung-Việt, hay còn gọi là Chiến tranh biên giới trong tiếng Việt. Vì vậy, cuối học kỳ “sẽ là thời điểm hoàn hảo để suy ngẫm về cuộc chiến năm 1979, nhưng tôi không thể dẫn dắt sinh viên của mình thảo luận về nó”, Hằng, giảng viên môn chính trị quốc tế tại một trường cao đẳng ở Hà Nội cho biết.
Để đối phó với việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia và ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô vào năm 1978, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc xâm lược vào Việt Nam vào Tháng Hai năm 1979 và chiếm được một số thành phố biên giới. Các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Cộng sản trước khi trở thành “hữu nghị” đã gặp rất nhiều trắc trở.
Từ ngày 17 Tháng Hai đến ngày 16 Tháng Ba, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn binh sĩ Trung Quốc và Việt Nam, nhưng con số thương vong chính xác vẫn còn đang tranh cãi. Quân đội Trung Quốc rút lui sau ba tuần, thông báo rằng sứ mệnh “trừng phạt” của họ đã hoàn thành.

Trong hơn bốn thập niên kể từ khi chiến tranh kết thúc, các trường học của Việt Nam bị ngăn cản một cách kỳ lạ về việc giảng dạy cuộc xung đột này. Hằng, người đã yêu cầu thay đổi tên trong bài, nói đã không thể đưa sự kiện này vào bài kiểm tra cho học sinh của mình hoặc thậm chí vào giáo trình của riêng mình. Sự im lặng về cuộc chiến tranh trong khuôn viên trường giờ đây nặng nề hơn, so với thời kỳ cô còn là sinh viên năm thứ hai đại học, vào năm 1979.
“Giáo viên của tôi đã từng nói rằng một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không thể xảy ra bởi vì hai nước là đồng chí và anh em. Nhưng vài ngày sau bài giảng đó, Trung Quốc bắt đầu pháo kích vào biên giới. Nhưng tới nay nội dung rao giảng ấy vẫn không thay đổi. Và cũng không ai dám thốt lên lời nào về chuyện đó”, chị Hằng nói. Trong khi đó, ở Trung Quốc đại lục, người ta đề cập đến cuộc chiến này như là một cuộc chiến tự vệ chống lại Việt Nam, cụ thể nó được mô tả trong bộ phim nổi tiếng năm 2017 “Fanghua” (“Tuổi trẻ”)..
Trên thực tế, chính phủ Việt Nam cũng đã miễn cưỡng cho vào sách giáo khoa ở tất cả các cấp học về Chiến tranh Việt-Trung – và đây là một điều lại gây tò mò thêm, vì học sinh Việt Nam đã quen thuộc với lịch sử vốn đầy rẫy các cuộc chiến tranh chống quốc gia phương Bắc.
Từ lớp 6 đến lớp 7, học sinh tìm hiểu về gần một thiên niên kỷ dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc cho đến năm 938, cho đến các cuộc chiến nhỏ giữa các triều đại khác nhau chống lại Trung Quốc. Các cuộc chiến tranh đó được nghiên cứu sâu hơn từ lớp 10 đến lớp 11. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia cộng sản “hữu nghị” năm 1979 lại bị che khuất trong các bài lịch sử.
Phiên bản năm 2001 của sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 ở Việt Nam kể lại cuộc chiến này trong 24 dòng ở cuối sách, trong khi phiên bản năm 2018 giảm phần miêu tả chỉ còn 11 dòng. Những lời kêu gọi của các chuyên gia về cải cách sách giáo khoa lịch sử, đặc biệt là cung cấp các bản tường thuật chi tiết về cuộc đụng độ năm 1979, cho đến nay vẫn bị làm ngơ.

Mặc dù Hà Nội có thể cho phép các cuộc thảo luận cởi mở hơn về cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng việc giáo dục toàn diện về cuộc chiến này vẫn chưa được thực hiện và không ai biết khi nào thì sẽ có được. Việc viết lại và ghi nhớ cuộc chiến sẽ đòi hỏi một cuộc đại tu các sách giáo khoa lịch sử do Đảng Cộng sản chỉ đạo.
Cuộc chiến ngắn và quan trọng mà cô Hằng nói đặt cô vào một tình thế khó khăn, vì cô ấy không thể thực hành những bài giảng. “Tôi đã bảo học sinh thảo luận và đặt câu hỏi trong lớp, nhưng sau đó tôi không thể thu hút chúng vào chính chủ đề này,” giáo viên nói. Để giải quyết tình huống khó xử, Hằng đề nghị các học sinh của mình đọc “Hồi ức và suy nghĩ”, một cuốn hồi ký nổi tiếng và được lưu hành rất nhiều của nhà ngoại giao cấp cao Trần Quang Cơ, được nhiều người coi là tài liệu có thẩm quyền nhất về quan hệ Trung-Việt trong những năm 1980. Cô cũng khuyến khích học sinh thảo luận cởi mở về cuốn hồi ký ấy với cô. Đây là điều mà nhiều giảng viên ở các trường đại học khác đã và đang làm để lấp đầy khoảng trống kiến ​​thức.
Phạm Kim Ngọc, sinh viên năm 3 ngành Quan hệ quốc tế tại TP.HCM, cho biết cô giáo của cô đã đề cập đến chiến tranh trong một bài giảng ngắn và rất hoan nghênh những câu hỏi sau giờ học. Vậy mà không có sách giáo khoa nào để cô nghiên cứu thêm. Ngọc nói: “Chúng tôi được dạy rằng Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất để tìm hiểu đối với sinh viên Việt Nam, nhưng riêng sự kiện 1979 vẫn còn nhạy cảm”.
Nguyễn Ngọc Trâm, giáo viên lịch sử tại một trường trung học tư thục ở Hà Nội, nói cách tiếp cận về cuộc chiến tranh này rất hời hợt. Trong cuốn sách của giáo viên, không có chi tiết về cách dạy nó. “Cuộc chiến tranh biên giới đã được đề cập vào cuối sách giáo khoa, được cho là sẽ được giảng dạy vào cuối năm học. Không ai chú ý đến điều đó”, Trâm nói.
Ngoài ra, Trâm còn dạy kèm cho học sinh lớp 12 tập trung vào môn Lịch sử để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Bộ Giáo dục đã cố ý không đưa chiến tranh vào nội dung chuẩn bị thi. “Vì cuộc chiến biên giới sẽ không có trong kỳ thi, học sinh của tôi không có động lực để học nó”, Trâm nói. Hướng dẫn ít ỏi này về chiến tranh đã khiến Trâm ngạc nhiên, vì học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phải học một cụm cụ thể gọi là “giáo dục về biển đảo” nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn là một cục xương tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Là một sinh viên chuyên ngành lịch sử, Trâm đã có cơ hội tìm hiểu về cuộc chiến tại trường đại học của mình, mặc dù ở một mức độ hạn chế. Tuy nhiên, nhiều bạn bè của cô đã không nhận thức được điều đó.
Đặng Ngọc Oanh, sinh viên ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Oanh am hiểu về chiến tranh nhờ có cha mình. Oanh đã rất sốc vì cô chưa bao giờ biết gì về nó ở trường. “Cha tôi từng là một người lính. Ông ấy không tham gia vào cuộc chiến đó, nhưng ông ấy đã nói với tôi về điều đó”, Oanh, người sau này đã tìm hiểu thêm về cuộc chiến qua sách tiếng Anh.

Mặc dù Trung Quốc ủng hộ Việt Nam trong các cuộc chiến chống lại Pháp và Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nước đã xuống dốc trong những năm 1960. Bằng cách phát động cuộc chiến tranh năm 1979, Trung Quốc đã tìm cách dạy cho “bá chủ nhỏ đầy tham vọng” Việt Nam một bài học, sau khi quốc gia này lật đổ chế độ Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn sau cuộc xâm lược Campuchia. Sự thù hận của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc sau đó nhiều đến nỗi phần mở đầu của Hiến pháp năm 1980 của Việt Nam đã gọi Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của Việt Nam”. Tuy nhiên, cụm từ này đã bị loại bỏ khỏi Hiến pháp 1980 vào năm 1988 để mở đường cho quá trình bình thường hóa song phương, bắt đầu cho một thỏa thuận từ trên xuống để quên quá khứ.
Từ năm 1980 đến năm 1987, Hà Nội đã có nhiều động thái chính thức và bí mật để nối lại đàm phán bình thường hóa với đồng chí phương Bắc, nhưng vô ích. Tháng Ba năm 1988, Trung Quốc cưỡng chiếm các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bắc Kinh, bị quốc tế cô lập sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, đã khởi xướng một cuộc họp bí mật năm 1990 tại Thành Đô, Trung Quốc, nơi hai nước nhất trí “quên đi quá khứ, hướng tới tương lai”. Kết quả, nhà nước Việt Nam đã chọn không kỷ niệm chính thức cuộc chiến năm 1979, và để nó đã rơi vào quên lãng. Các nhà lãnh đạo cao nhất tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ song phương ở cả cấp nhà nước và cấp đảng vào năm 1991. Một thập niên sau, hai bên ký Tuyên bố chung về Hợp tác Toàn diện. Năm 1999, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới Bắc Kinh, một phương châm hay còn gọi là “16 chữ vàng” đã được thông qua cho mối quan hệ của hai nước: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài và hướng tới tương lai. Đồng thời, Nguyễn Cơ Thạch, nhà ngoại giao nổi tiếng với lập trường cứng rắn trong các vấn đề Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, đã bị loại khỏi Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương, thậm chí mất chức ngoại trưởng.
Trong nhiều bảo tàng, từ “chiến tranh” đã được tránh và “Trung Quốc” thậm chí không được nhắc đến khi đề cập đến sự kiện năm 1979, không giống như những mô tả về “cuộc đấu tranh anh dũng và chính nghĩa chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và quân ngụy miền Nam Việt Nam”.

Trong một thời gian dài, Việt Nam không công nhận những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới là anh hùng. Những người lính hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc chỉ được gọi là “bảo vệ tổ quốc”, không được vinh danh giống như những người đồng đội của họ trong các cuộc chiến chống Pháp và Hoa Kỳ. Trong khi Việt Nam thành công trong việc buộc Trung Quốc rút lui vào năm 1979, cả phương tiện truyền thông chính thống và sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam đều không đề cập đến đây là một chiến thắng quân sự. Và mặc dù Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ bồi thường chiến tranh, nhưng Việt Nam đã hoàn toàn im lặng trước những hành động tàn phá dã man của cuộc chiến năm 1979 do Trung Quốc gây ra.
Là một giáo viên, Trâm phải cân bằng giữa việc nói với học sinh về cuộc chiến phần lớn “không có hồi kết” và không vượt qua ranh giới bất thành văn. “Tôi phải huấn luyện mọi thứ bằng ngôn ngữ uyển chuyển”, Trâm nói. “Tôi phải dạy từng chút một, nếu không phụ huynh sẽ phàn nàn rằng những gì tôi dạy khác với sách giáo khoa”. Cô Trâm tận dụng môi trường sư phạm tương đối cởi mở ở một trường tư thục cố gắng dạy các học sinh nhỏ tuổi của mình về những dấu mốc quan trọng khác trong lịch sử mà sách giáo khoa còn thiếu. Cô nói: “Điều quan trọng là phải dạy họ rằng Việt Nam vào năm 938 không giống như Việt Nam ngày nay. Tôi vẫn phải dạy cho học sinh của mình rằng có nhiều phần lịch sử về cái mà họ gọi là ‘Việt Nam’ hiện nay, chứ không phải chỉ có một Việt Nam duy nhất được định nghĩa trong sách giáo khoa quốc gia”.

Việc viết lại lịch sử của Chiến tranh Trung-Việt cũng sẽ đòi hỏi những trình bày chi tiết hơn về cuộc xâm lược Campuchia năm 1978, mà phía Việt Nam vẫn ám chỉ là “giải phóng Campuchia khỏi Khmer Đỏ”. Cuộc xung đột đó được đề cập trong 13 dòng là “cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam” trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành.

Nhà nước Cộng sản cũng chưa bao giờ thừa nhận miền Nam Việt Nam Cộng Hòa là một chính phủ hợp pháp. Nói cách khác, Hà Nội chưa bao giờ công nhận hai nước Việt Nam cùng tồn tại trong thế kỷ 20, mà coi Việt Nam là một quốc gia bị chia cắt bởi những kẻ xâm lược và phản bội Việt Nam. Sự thất thủ của Sài Gòn được miêu tả trong sách giáo khoa là đại diện cho sự thống nhất tất yếu của đất nước. Do đó dẫn đến kết quả là, cuộc giao tranh quân sự giữa lực lượng Hải quân của Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974 cũng ít được nhắc tới.
Tất cả sách giáo khoa lịch sử quốc gia cho học sinh trên toàn quốc đều tập trung vào diễn biến từ miền Bắc Việt Nam. Tại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã độc quyền xuất bản sách giáo khoa sử dụng trên toàn quốc hàng chục năm nay. Kể từ năm 2019, chính phủ đã cấp phép cho một số nhà xuất bản làm nhiệm vụ này. Các trường học bây giờ có thể chọn những cuốn sách khác để sử dụng. Năm 2021, sách giáo khoa lớp 10 mới được phát hành. Năm 2023, một số phiên bản sách giáo khoa lớp 12 cũng sẽ được lưu hành. Nhưng nếu Đảng Cộng sản không đồng ý nới lỏng việc kiểm duyệt thì câu chuyện 1979 trong sách giáo khoa lịch sử mãi sẽ chỉ là chuyện bình mới rượu cũ.
19/02/2022

Tuấn Khanh's Blog (nhacsituankhanh.com)

 

Đăng ngày 29 tháng 04.2022