Tháng Tư, nói chuyện tị nạn


Trần Doãn Nho


Tàu HQ-504 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đón người tị nạn Cộng Sản tại cảng Vũng Tàu ngay khi Sài Gòn sụp đổ. (Hình minh họa: STAFF/AFP via Getty Images)

KENNEDALE, Texas  – “Không có tị nạn hòa bình; chỉ có tị nạn chiến tranh. Không có ‘tị nạn tư bản’ hay ‘tị nạn dân chủ;’ chỉ có ‘tị nạn Cộng Sản.’ Một nước Cộng Sản là một nước xuất cảng người tị nạn.”

Lại Tháng Tư!
Tị nạn này nhắc đến tị nạn kia!
Ukraine 2022 chọc sâu vào vết thương 1975 Việt Nam.

Tháng Ba, Tháng Tư, 2022, cả nước Ukraine chạy! Từng đoàn rồi từng đoàn rồi từng đoàn đàn bà, người già, trẻ con nối đuôi nhau ngơ ngác, bơ vơ, bất kể ngày đêm, bất kể hiểm nguy, bỏ lại đằng sau tất cả để đi vào một nơi xa lạ. Đi cái đã. Miễn là thoát. Trước mặt thì mênh mông, vô danh, vô định, nhưng vẫn có chút ánh sáng còn hơn là ở lại quê nhà, một quê nhà thân yêu đột nhiên trở thành hiểm địa. Với tình hình không lối thoát hiện nay, những tháng, những năm trước mặt, có lẽ người Ukraine sẽ vẫn tiếp tục ra đi! Họ trốn chiến tranh, mà thực ra cũng là trốn một đất nước có thể bị Putin chiếm đoạt để biến một Ukraine dân chủ thành một chư hầu độc tài.
Tháng Ba, Tháng Tư, 1975, cả miền Nam ùn ùn “chạy”. Đi bộ, đi xe, đi thuyền, đi tàu, đi máy bay, đi, đi, đi, đi bất cứ đâu, miễn là thoát khỏi Cộng Sản. Chỗ nào bộ đội Cộng Sản tiến vào là chạy. Từ cao nguyên chạy về đồng bằng, từ Bắc chạy vào Nam, từ các tỉnh chạy về Sài Gòn. Mất Sài Gòn, lại tiếp tục chạy, từ đất liền ra biển, từ Việt Nam chạy đến các nước khác. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ấy, người Việt vẫn còn tìm cách chạy khỏi đất nước, dù kiểu chạy bây giờ có khác hơn xưa: du học, bảo lãnh, lấy vợ lấy chồng…

Tị nạn này là bản sao của tị nạn kia. Chế độ ở quê nhà là “nạn”, nên đành phải “tị”, bỏ quê nhà, ra đi lánh nạn.
Nếu tị nạn người Việt 1975 đã đánh động lương tâm toàn nhân loại, thì tị nạn người Ukraine 2022, theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn (UNHCR), có thể trở thành “cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ này”. Tính đến ngày 19 Tháng Tư, 2022, có đến hơn 5 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước để đến tị nạn tại các nước Châu Âu, trong số đó Ba Lan đã tiếp nhận nhiều nhất: hơn 2.8 triệu người; Romania: 757,000; Hungary 471,000; Moldova: 426,000; Slovakia: 342,000.
Cùng với việc tiếp nhận, các quốc gia ở Châu Âu cũng đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ người tị nạn. Ba Lan đã thiết lập các trung tâm tiếp nhận dọc biên giới với Ukraine để hỗ trợ người tị nạn về thức ăn, chỗ ở và y tế và cấp số định danh cho những người tị nạn để họ có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội và phúc lợi cũng như dễ tìm việc làm. Chính quyền Đức cho mở lại các trại tị nạn vốn được sử dụng trong giai đoạn 2015-2016 khi tiếp nhận các di dân Syria, Afghanistan và Iraq. Người dân Đức cũng đã đổ xô đến nhà ga trung tâm Berlin để cung cấp thức ăn và chỗ ở cho những người tị nạn từ Ba Lan đổ về. Các nước Châu Âu khác, ở xa Ukraine hơn, cũng đã sẵn sàng nhận người tị nạn, quyết định miễn thị thực, cho phép những người tị nạn có thể sống và làm việc tại nước họ trong thời gian ba năm hoặc lâu hơn nữa.

Trong số những nước nhận người tị nạn, có cả Nga, là nước tiến hành cuộc xâm lăng không-nguyên-cớ, trực tiếp gây ra thảm kịch tị nạn Ukraine: 550,000. Tại sao có hiện tượng trái khoáy này? Có hai lý do:
– Một là, theo thống kê dân số, có đến 17% dân Ukraine là người gốc Nga. Ngoài ra, sau nhiều thế kỷ bị Nga thống trị, nhiều gia đình người Ukraine có thân nhân sinh sống ở Nga. Cho nên, chẳng lạ gì, giải pháp an toàn nhất của thành phần này là chuyển về lánh nạn ở Nga.
– Hai là, nhiều người gọi là tị nạn ở Nga, thực ra, là những người Ukraine bị quân đội Nga bắt đi bằng võ lực. Bà Iryna Vereshchuk, phó thủ tướng Ukraine, cho biết người Nga đã chuyển hàng chục ngàn dân Ukraine đến các trung tâm thanh lọc ở những vùng do Nga kiểm soát mà không hề liên lạc với chính quyền Ukraine. Theo bà, chính quyền Nga đã lập lại chính sách mà họ đã áp dụng thời Nga xâm lăng Chechnya, một nước láng giềng khác của Nga, mấy thập niên trước: hàng ngàn người Chechen đã bị thẩm vấn và hành hạ ở các trung tâm thanh lọc và rồi sau đó biến mất. Truyền thông Nga cũng đã tường trình những chuyến tàu chở hàng ngàn dân Ukraine bằng tàu hỏa đến định cư ở các vùng Yaroslavi và Ryazan, miền Bắc nước Nga hay xa hơn về vùng viễn đông. Mới đây, trong cuộc tấn công vào thành phố Mariupol, chính quyền Nga cũng đã ép buộc hàng ngàn người dân rời khỏi thành phố Mariupol, tập trung tại một trại tạm thời thiết lập ở Bezimenne, phía Đông Mariupol (1). Theo tạp chí Business Insider, nhiều gia đình bị chuyển đến tận Vladivostok, nằm ở biên giới Nga-Bắc Hàn, cách chỗ ở của họ gần 6,000 km.

Thế nhưng, điều trái khoáy nhất là một hiện tượng ít ai ngờ tới: “người Nga chạy trốn khỏi đất nước mình,” tìm cách đến các nước phương Tây để xin tị nạn. Theo nhà báo và nhà văn Nga Mikhail Viktorovich Zygar, trong bài viết “The Intellectual Exodus from Russia/Escaping Putin,” thì “Nước Nga hiện đang trải qua một cuộc tháo chạy mang tính vô hình nhất trong lịch sử – cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, các nghệ sĩ và các thảo chương viên. Họ là một phần của truyền thống lâu đời của những người trí thức đã buộc phải chạy trốn khỏi sự cai trị thô bạo của Moscow.”
Theo ông: “Khi cả thế giới tập trung vào cuộc chiến kinh hoàng ở Ukraine, một cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, nghệ sĩ, diễn viên và lập trình viên Nga đã bắt đầu. Theo ước tính sơ khởi của chính quyền Georgia, khoảng 20,000 đến 25,000 người Nga đã đến Tbilisi kể từ khi chiến tranh bắt đầu. (…) Trí thức của Nga bay loạn ra mọi hướng, đi những đường vòng kỳ lạ nhất. Thật vậy, sự sợ hãi về những biên giới bị đóng cửa vẫn là một trong những nỗi ám ảnh dai dẳng nhất của tất cả các cư dân cũ của Liên Xô. Trong hơn 20 năm Putin làm tổng thống, khi sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận tiếp tục bị suy giảm, nhiều người Nga đã thiết lập một đường ranh giới đỏ cho chính mình, vượt qua đường biên đó họ sẵn sàng di cư: nếu biên giới bị đóng lại.”


Tính đến ngày 19 Tháng Tư, 2022, hơn 5 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước để đến tị nạn tại các nước Châu Âu. Trong hình, người tị nạn Ukraine đến Ba Lan tại biên giới ở Medyka, phía Đông Nam Ba Lan vào ngày 8 Tháng Tư. (Hình minh họa: Wojtek Radwanski/AFP via Getty Images)

Tại sao? Tại nỗi ám ảnh: chủ nghĩa Cộng Sản sẽ tái xuất hiện ở nước Nga. “Vào Tháng Mười, 1917, những người Bolshevik tổ chức một cuộc đảo chính và lật đổ chính phủ lâm thời cấp tiến. Vài tháng sau, họ đóng cửa các biên giới, cấm việc đi ra nước ngoài, việc xuất cảng tiền và vật dụng có giá trị ít hẳn lại. Giới quý tộc Nga, các nhà thơ của Thời Đại Bạc (Silver Age), các nghệ sĩ tiên phong xuất chúng, các vũ công múa ba lê Nga, các nhà khoa học, các nhà văn và các nhà báo buộc phải tìm cách trốn chạy, từ bỏ tất cả của cải tài sản của mình.” (2)
Ông Zygar gọi đó là “một cơn chấn thương lịch sử mà xã hội Nga vẫn chưa vượt qua được, dù nó đã nằm ở đấy trong quá khứ hơn một trăm năm”. Chính quyền Cộng Sản Nga Xô Viết là chính quyền đầu tiên xuất cảng người tị nạn vào đầu thế kỷ 20.

Những người tị nạn đi đâu?
Tất cả đều chạy qua các nước tư bản. Và điều này trở thành truyền thống.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi các nước Đông Âu nằm dưới các chính quyền Cộng Sản, thì người dân Đông Âu chạy trốn qua các nước Tây Âu.
Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, dân Bắc Hàn chạy vào Nam Hàn.
Khi cuộc nội chiến Trung Hoa chấm dứt, dân lục địa chạy ra Đài Loan, chạy đến Hồng Kông.
Khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng, dân Tây Tạng trốn qua Ấn Độ.
Khi Hiệp Định Genève ký kết, 1 triệu dân miền Bắc chạy vào miền Nam Việt Nam. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, bất cứ nơi nào quân Cộng Sản đến thì dân chúng chạy vào những vùng có quân đội Việt Nam Cộng Hòa hay Mỹ kiểm soát. Trong cuộc chiến 1975, hễ vùng nào Cộng Sản chiếm là dân chúng luôn bỏ chạy về vùng quốc gia.
Khi Cộng Sản chiếm Sài Gòn, dân miền Nam và cả dân miền Bắc chạy ra biển. Đi đâu? Đi Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Philippines, đi Anh, Pháp, đi Mỹ, Canada, Úc, đi Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Tây Đức…
Không ai đi Nga, Trung Quốc, hay đi Bắc Hàn, Cuba; cũng không ai đi những nước Đông Âu Cộng Sản như Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania, Đông Đức. Mà có chạy đến, các chính quyền Cộng Sản ở đó cũng không nhận.
Ấy thế mà bây giờ dân Ukraine lại chạy qua tị nạn tại các nước Đông Âu và được chính quyền và nhân dân các nước này đón tiếp họ một cách ân cần và nồng hậu. Tại sao? Rất đơn giản: các nước Đông Âu đã là những nước dân chủ. Cũng đất nước đó, cũng nhân dân đó, trước đây, đã từng xua người đi bây giờ lại đón người vào! Những trái tim sắt đá bỗng trở thành những trái tim nhân hậu.
Hóa ra, chỉ có những nước dân chủ tự do, những nước tư bản mới sẵn sàng đón nhận và cưu mang người tị nạn. Dù bị những người Cộng Sản lên án là bóc lột, đàn áp, không hề có hiện tượng “tị nạn tư bản,” “tị nạn tự do” hay “tị nạn dân chủ:” không ai trốn chạy khỏi các nước tư bản hay các nước theo chế độ dân chủ để đến xin tị nạn ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn hay Miến Điện! Chỉ có tị nạn độc tài, tị nạn Cộng Sản.

Có phải người dân ở các nước Cộng Sản không có lòng nhân hậu?
Không! Chính người cầm quyền, hay nói cho rõ ràng, chính đảng Cộng Sản là kẻ triệt tiêu lòng nhân hậu. Cách cư xử của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối với công dân của họ trong cái gọi là “chiến dịch giải cứu” đồng bào bị kẹt ở nước ngoài trong cơn đại dịch vừa qua, cho ta một bằng chứng hết sức cụ thể.
Một tạp chí trong nước, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tóm tắt “chiến dịch” đó như sau: “Trong khi chính phủ các quốc gia khác, kể cả những lân bang với Việt Nam như Thái Lan mua lại chỗ trên những chuyến bay không tải vào Thái để đưa công dân Thái hồi hương thì Việt Nam không… thèm làm như thế. Việt Nam tổ chức những chuyến bay không tải từ Việt Nam đi một số nơi để đưa công dân Việt Nam hồi hương và bắt họ trả chi phí gấp bốn, năm lần mức bình thường!”
Nhiều viên chức cao cấp Cộng Sản đã bị bắt: Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh Sự thuộc Bộ Ngoại Giao; Đỗ Hoàng Tùng, phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh, chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng, phó Phòng Bảo Hộ Công Dân của cục này. Và mới đây là Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao.

Họ là những cá nhân riêng lẻ phạm tội một cách riêng lẻ?
Không! Cũng như hàng ngàn vụ việc tày trời khác đều đặn diễn ra hết năm này qua tháng khác: cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, biến cố Mậu Thân, lao động cải tạo, kinh tế mới, bài trừ văn hóa đồi trụy, Vinashin, Đồng Tâm, Việt Á… vân vân và vân vân. Họ là con đẻ vô tâm của một cơ chế vô tâm. Một cơ chế chỉ để sản xuất ra người tù và người tị nạn.

Trần Doãn Nho

Chú thích:
(1) BBC: Laurence Peter, Russia transfers thousands of Mariupol civilians to its territory;
www.bbc.com/news/world-europe-60894142
The Guardian: Hundreds of Ukrainians forcibly deported to Russia, say Mariupol women;
www.theguardian.com/world/2022/apr/04/hundreds-of-ukrainians-forcibly-deported-to-russia-say-mariupol-women
(2) Mikhail Viktorovich Zygar, The Intellectual Exodus from Russia/Escaping Putin,Bùi Vĩnh Phúc dịch “Cuộc tháo chạy khỏi nước Nga của giới trí thức;
https://damau.org/73208/cuoc-tho-chay-khoi-nuoc-nga-cua-gioi-tr-thuc


 

Tháng Tư

Đoàn Xuân Thu

Từ ngày 24, tháng Hai tới nay, mỗi ngày tin chiến sự về việc Nga xâm lăng Ukraine chiếm đầy các phương tiện truyền thông trên thế giới.
Tamara, 71 tuổi, một người mẹ già Ukraine đứng khóc trước một tòa chúng cư ở thành phố Mariupol bị hỏa tiễn của quân Nga phá hủy.
Hình ảnh bi thảm đó gợi nhớ đến việc cộng sản Bắc Việt nã pháo vào An Lộc trong những ngày tháng Tư, năm 1972.
Mariupol, thành phố trên bờ biển Azov, là một vị trí tiếp vận quan trọng của Ukraine đang bị quân Nga vây hãm.
Chiếm được nó, Nga tạo ra được một hành lang thông thoáng từ bán đảo Crimea (mà Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014) đến Donbas. Nga sẽ chia Ukraine ra làm đôi.
Sau những thương vong rất nặng nề do nỗ lực tấn công thủ đô Kyiv, điện Kremlin quyết chiếm cho được Donbas, nơi có nhiều người nói tiếng Nga, nơi những người ly khai được Moscow hậu thuẫn đã chiến đấu với quân chánh phủ Ukraine suốt 8 năm qua.
Vladimir Putin, Tổng thống Nga, rất cần một chiến thắng để “rửa mặt” trong ngày 9 tháng Năm, duyệt binh mừng chiến thắng phát xít Ðức hàng năm.
Nga ra một tối hậu thư kêu các lực lượng phòng thủ tại nhà máy Azovstal có diện tích 4 dặm vuông ở góc Ðông Nam của Mariupol phải buông vũ khí đầu hàng để giữ mạng sống. Nhưng người Ukraine đã phớt lờ, vẫn quyết tâm tử thủ.
**

Hình ảnh những cuộc bắn phá kinh hoàng của quân Nga nhắm vào ngay cả thường dân làm gợi nhớ Ðại lộ Kinh Hoàng năm 1972. Tỉnh lộ 7B trong những ngày di tản bi thảm của dân Miền Nam trước cuộc tấn công của CS BV.
Hình ảnh một chiếc xe tăng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa chở đầy lính chạy qua một làng thuộc quận Hiếu Thiện bị chiến cuộc tàn phá trên quốc lộ 22, khoảng 60 dặm về phía Tây Bắc của Sài Gòn ngày 17, tháng Ba, năm 1975. Hình ảnh người cha cõng trên vai một đứa con trai, một túi đựng đồ đạc rời bỏ làng quê của mình gần Trảng Bom trên Quốc lộ số 1 về phía Tây Bắc Sài Gòn, ngày 23 tháng 4 năm 1975. Hình ảnh một người lính VNCH bị thương tập tễnh trên một chiếc nạng, trên tay còn băng bó, ráng cầm theo vài hộp thức ăn. Hình ảnh biểu tượng cho một quân đội đã một thời chiến đấu rất kiêu hùng, giờ tàn tạ trong nỗi tuyệt vọng cô đơn gây ra bao niềm chua xót. Hình ảnh tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, hai người con gái, còn rất trẻ, đứng trầm ngâm khóc trước mộ của một tử sĩ mới vừa được chôn cất. Xác người lính tử trận chìm sâu dưới ba tấc đất gây ra bao dòng nước mắt.
Cùng lúc đó, vào ngày 28, tháng 4, năm 1975, tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, sau cuộc họp với Phó Tổng thống Nelson Rockefeller, Ngoại trưởng Henry Kissinger và Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scowcroft, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford ra lịnh bắt đầu chiến dịch “Frequent Wind” (gió thường xuyên).
Ðài phát thanh Quân đội Mỹ ở Sài Gòn phát đi mật khẩu: “Nhiệt độ ở Sài Gòn là 105 độ và đang tăng lên” và bài hát “I’m Dreaming of a White Christmas” (Tôi đang mơ một mùa Giáng Sinh trắng) do Bing Crosby hát.  Một ám hiệu cho người Mỹ biết là: “Hãy sẵn sàng chờ để được di tản khỏi Sài Gòn”.
Tại Sài Gòn, Thủy quân lục chiến Mỹ, quân phục ngụy trang chìm trong màu cây xanh lá vùng nhiệt đới, với những nòng súng M16 thò ra từ dưới một bụi cây. Hai chiếc trực thăng Sikorsky CH-53 đang trong một bãi đáp vốn là một bãi đậu xe. Hai xạ thủ, tay nắm chặt cây M16. Và chiếc trực thăng chất đầy người Mỹ và người Việt cất cánh bay lên.
Trong 19 tiếng đồng hồ, 81 chiếc máy bay trực thăng chở khoảng 7,000 người di tản từ Sài Gòn trong cơn hấp hối, ra hàng không mẫu hạm thuộc Hạm đội 7 đang neo đậu ở ngoài khơi.
Ngoài khơi, gần bờ biển Việt Nam, các nhân viên Hải quân Hoa Kỳ trên tàu USS Blue Ridge đẩy một chiếc trực thăng xuống biển để dành chỗ cho nhiều chuyến bay khác di tản từ Sài Gòn. Một người mẹ Miền Nam Việt Nam và 3 đứa con cúi mình trên một boong tàu chiến nhấp nhô ở Biển Ðông.
Lúc 7 giờ 53 phút, sáng ngày định mệnh 30 tháng 4, năm 1975, chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh từ nóc Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn và hướng ra biển.
Có một khoảng lặng trong thành phố. Có một nỗi buồn ập xuống với cơn mưa. Hoa Kỳ không còn ở Việt Nam nữa! Sài Gòn đã bị chiếm đóng! Sài Gòn tự do không còn nữa! Giờ nó là của Cộng Sản Việt Nam cho tới tận bây giờ.
**

Trong nhạc kịch “Miss Sài Gòn” có lời kịch: “Những chiếc trực thăng đang trên đường bay tới. Ông Ðại sứ sẽ không rời đi. Sẽ đủ chỗ dành cho tất cả các bạn”. Ðó là những lời nói dóc!
Quân Bắc Việt đã chuẩn bị sẵn sàng để bắn phá thủ đô Sài Gòn bằng pháo hạng nặng và tiến vào từng dãy nhà để truy sát, nếu hệ thống phòng thủ mà chúng gặp phải vững chắc hơn.
Nỗi sợ bị Cộng sản tàn sát như Tết Mậu Thân ở Huế vào năm 1968 đã làm cho người dân Sài Gòn bị quẫn trí. Sài Gòn rùng mình lo sợ sẽ bị giết, sẽ vùi thây xuống mồ chôn tập thể như Mả Ngụy năm nào.
Năm 1832, Tổng trấn thành Gia Ðịnh Lê Văn Duyệt vừa mất. Tham quan Bạch Xuân Nguyên bèn tố gian hãm hại gia đình ông Lê Văn Duyệt như: tham nhũng, lộng quyền, toan chống lại triều đình.
Lấy cớ phụng mật chỉ của vua, Bạch Xuân Nguyên đã bắt giam và tra khảo cả nhà Lê Văn Duyệt. Lê Văn Khôi con nuôi của ông Lê Văn Duyệt vượt ngục, chiêu binh mãi mã xông vào dinh quan Bố, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Chỉ trong vòng một tháng, quân của Khôi đã chiếm được cả 6 tỉnh Nam Kỳ. Triều đình Huế cho hàng vạn quân thủy, bộ đồng loạt tiến vào Nam chiếm lại hết các tỉnh thành, vây chặt thành Phiên An.
Năm 1834, Lê Văn Khôi bị bệnh mất, người của Khôi đều không chống đỡ nổi. Có tổng cộng tới 1831 bất kể già, trẻ, gái, trai đều bị xử tử. Xác bị vứt xuống hố chôn tập thể ở Ðồng Tập Trận. Mùi tử khí từ hàng ngàn xác người bốc lên bao trùm đất Sài Gòn đến cả tháng vẫn chưa tan.
Ðồng Tập Trận đó sau biến cố nầy được gọi là Mả Ngụy hoặc Mả Biền Tru (Mả: mồ mả, Biền Tru: chém ngay, không cần xét xử). Mả Biền Tru giờ là Ngã Sáu Công trường Dân Chủ, trải dài theo đường Trần Quốc Toản và Phan Thanh Giản, khu vực Ngã Bảy (nơi có đường Lý Thái Tổ chạy qua) cho đến tận khu Trường đua Phú Thọ.
Sau 75, CSBV còn giết tù binh nhiều hơn nữa. Tù binh chết rải rác từ Nam ra Bắc. Từ những cuộc hành hình công khai như xử bắn Trung tá Phan Khánh, nguyên là Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) tại nghĩa địa Triều Châu. Hành hình xã Nhơn, xã Nhơn Mỹ, quận Kế Sách và biết bao người tù binh nữa trong những cái gọi là trại học tập cải tạo từ Nam ra Bắc.
**

Hoa Kỳ và NATO đang hết lòng yểm trợ đất nước Ukraine tự do chống lại việc Putin độc tài xích hóa.
Nhưng đối với Biden, kẻ thù còn nguy hiểm hơn cả Putin lại chính là Tập Cận Bình.
Nửa thế kỷ trước, năm 1973, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã đánh một ván bài lầm lẫn. Ván bài hy sinh đồng minh VNCH để đi với Tàu Cộng chống Liên Xô. Ván bài ngu xuẩn đó còn di lụy tới bây giờ.
47 năm trời nhìn lại, ai cũng nghĩ nếu ngày đó Hoa Kỳ tận tình giúp đỡ VNCH như giúp đất nước Ukraine bây giờ, Miền Nam Việt Nam vẫn có thể sống sót, vẫn ngăn chặn được CS Miền Bắc xích hóa Miền Nam tự do. Hoa Kỳ bây giờ ngăn chặn được Trung Cộng tiến chiếm Biển Ðông.

Miền Nam năm 75, cách nay 47 năm trời ròng rã, niềm đau đớn vì mất nước như mới xảy ra vào tối hôm qua.
Tôi cũng tin như nhà thơ Thanh Nam (1931–1985) nữa: “Một năm người có mười hai tháng. Ta trọn năm dài một Tháng Tư”.
Đoàn Xuân Thu


 

Lộn tùng phèo

Lại Thị Mơ

Khi mọi thứ đảo lộn thành mất trật tự trên dưới, người ta bảo bị lộn tùng phèo. Với tất cả người sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, 30 Tháng Tư 1975 là ngày lộn tùng phèo. Tất cả mọi thứ đều bị đảo lộn loạn xà ngầu. Có người chép miệng: Chẳng ra cái thể thống gì! Mặc dù sau này người ta dùng thêm bao nhiêu chữ để gọi cái ngày tang thương ấy: Ngày tan hàng, ngày mất nước, ngày đổi đời, thì thực chất vẫn là lộn tùng phèo.
___

Mọi thứ trở nên hỗn độn khi đổi chủ, những người chủ mới ù ù cạc cạc, chữ tác đọc thành chữ tộ, đứng trước một đoàn người bụng đầy ắp chữ, đang chờ để đi vào “Cổng Trời”, nơi đó có “Đại học máu”. Họ là những cựu sĩ quan VNCH, bác sĩ, kỹ sư thành danh cống hiến bao nhiêu thành tựu, và chúng tôi – những sinh viên chuẩn bị ra trường, tất cả đều chứng kiến cuộc sống “lộn tùng phèo”. Cuộc đời dân miền Nam dở qua trang mới đen thui, kể từ ngày tang thương ấy.
Thời VNCH, lương công chức và quân nhân thường thường tạm đủ chi tiêu. Bây giờ tự dưng tất cả thất nghiệp. Mọi người lúp xúp trong căn nhà chật hẹp. Chỉ có học sinh tiểu học và trung học được trở lại trường. Sinh viên tụi tôi, nghe nói “Học vậy đủ rồi”, tạm ở nhà ngồi chơi xơi nước. Bụng đói thì đầu gối phải bò. Mạnh ai nấy bung. Tất cả nhào ra đường, không thể ngồi trong nhà nghe cái loa gắn trên cột điện ra rả suốt ngày bài Cô gái vót chông. Nghe nhiều đến nỗi cho đến tận giờ tôi vẫn còn nhớ rõ giọng eo éo: Còn giặc Mỹ cọp beo/ Khi còn giặc Mỹ cọp beo/ Em chưa ngừng tay vót chông/ Hôm nay tan giặc rồi…
Tội nghiệp bố, mẹ không cho bố ra ngoài. Mẹ nói: Ông phải ở nhà, phải có một người trông chừng nhà chứ. Mẹ ra chợ mua rau muống của bạn hàng chở từ Gò Vấp (nhà tôi gần Lăng Cha Cả), chia từng bó nhỏ, bán ở chợ gần nhà. Mẹ giả vờ vậy thôi, chứ thật ra không muốn bố sừng sộ với tụi công an khi chúng tới xét hộ khẩu. Cũng may đứa cầm đầu nhóm đi xét hộ khẩu là thằng nhóc con ông nằm vùng, cũng nể bố, nên nó không nói gì. Nó là thằng Tèo suốt ngày phá làng phá xóm. Nhà tôi dọn đến xóm này, 10 năm sau nó mới sinh ra. Nào ai biết bố nó “nằm vùng”, vì bố nó là tài xế của chú tôi khi chú còn là Dân biểu Quốc hội thời Đệ nhất Cộng Hòa. Còn bố tôi là Trưởng phòng Thông Tin suốt hai thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa.
Tội nghiệp, bố cứ thở dài, lẩm bẩm: Người ta được hai, mình chỉ có một. Ý bố nói di cư 54 là (được) một, rồi chạy qua Mỹ 75 là (được thêm) hai.

Dòng đời bương bả – Sài Gòn 5 năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975 (ảnh: Dirck Halstead/Liaison)

Anh em chúng tôi chia nhau đi kiếm tiền. Hai anh lớn thì lên chợ Tân Thành mua phụ tùng xe đạp về ráp thành xe. Việc của tôi là mang xe mới ráp lên chợ trời Lăng Cha Cả bán cho bộ đội, nhân tiện mua thêm quần áo trẻ em may sẵn bán kèm. Tôi treo quần áo lủng lẳng vào ghi đông xe. Cô sinh viên ngoan hiền chỉ biết đi học, sau ngày “tan hàng” một tuần, ra chợ trời bỗng chốc trở thành “hàng tôm hàng cá” hồi nào không hay. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Toàn ma mãnh và ma cô, hiền là cụt vốn, tụi nó “nuốt trửng” mình trong nhấp nháy.
Một lần, tôi gặp một khách hàng là một ông nón cối. Ông ấy cầm cái áo, đưa lên miệng nhe răng cắn. Tôi hét to:
- Làm gì vậy?
- Thử!
- Thử cái gì?
- Thử xem vải có chắc không?
Sống ở miền Nam, chưa bao giờ tôi thấy ai mua quần áo mà dùng răng cắn xem vải có chắc không? Tôi trợn mắt nghiến răng, ngón tay trỏ lắc lắc: Hễ mà rách là phải thường. Lại thêm màn bất đồng ngôn ngữ Bắc Nam.
- Thường? Hai ông nón cối không hiểu.
Tôi quát: “Thường” là phải trả tiền.
- Đền?
- Không có đền chùa gì hết. Trả tiền đầy đủ.
- Đồ mã!
Lần đầu tiên tôi nghe lại những chữ rặt Bắc Kỳ mà mẹ tôi thường nói: Hàng mã, khi bà chê đồ dỏm. Mua thì mua, không mua thì thôi, không được cắn. Tôi định phang thêm một câu: Dính nước miếng của mấy người, làm sao tôi bán. Đồ cái miệng thúi! Tôi làu bàu trong miệng. Thiệt tình chưa bao giờ tôi thấy mình hung dữ đến như vậy. Chẳng qua tiền để làm vốn buôn bán quá ít ỏi.
Ra chợ trời, tôi học thêm được cách “lộn trái ra phải” quần saten đen, bán cho mấy cô bộ đội. Quần cũ mặc lâu ngày, vải bị xổ lông. Lấy lưỡi lam cào cho đứt các sợi vải xổ tua tủa. Mở đường may, biến mặt trái (còn láng) lộn ra thành mặt phải. Quần Tây cũng vậy. Sau đó đem đi hồ (nấu bột năng loãng). Sau khi hồ bột, phơi khô, vải trông dày hơn. Bộ đội cũng không phải tay vừa, khi mua họ giơ lên ánh sáng xem vải có mỏng không. Hehe huhu, vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn. Dân Bắc kinh nghiệm đầy mình (mua quần áo cũ), chứ trong Nam toàn mặc đồ mới, làm sao biết vải lủng. Ấy thế mà cô sinh viên hiền khô cũng bán hết mớ quần áo cũ, rồi chuyển “nghề”.

Sài Gòn sau 5 năm được “giải phóng” (ảnh: Dirck Halstead/Liaison)

Thật thê thảm, người trong Nam mang ra chợ trời bán bất cứ cái gì có trong nhà. Từ bàn ghế tủ giường, tới tư trang quần áo. Thậm chí có nhà còn nạy gạch bông lót nền đem bán. Thời đó, nhiều đứa con ngỗ nghịch, để có tiền tiêu xài, chúng “chà đồ nhôm”, tức là chôm đồ nhà. Tôi từng nghe bà hàng xóm gào lên hoảng hốt, khi không tìm ra cái cối đá nhỏ mà bà rất quý, vì đó là món duy nhất bà mang vào khi di cư. Không chỉ là kỷ vật, nó rất hữu dụng khi dùng để nén dưa muối mỗi dịp Tết; nó còn để giã giò, giã cua nấu bún riêu. Cái cối đá chắc cũng đổi được vài tô phở. Mẹ tôi tội nghiệp bà, mang qua chia bớt (nhà có hai cái) cái mũ sắt của anh lớn tôi, nay đang tu nghiệp Đại học máu ở miền Bắc xa xôi.
“Mít khô” – tiếng lóng chỉ người Việt thoát qua Mỹ năm 75 – chẳng bao giờ “chà đồ nhôm”. Đồ cũ không xài, mang cho Goodwill, còn không thì để trước cửa, gắn tờ giấy: Free. Có người lấy là hên, còn xui là phải trả tiền mới có xe tới bốc đi. Chú thím tôi là  Mít khô, may mắn chạy được sau ngày “tan hàng”. Đứng xếp hàng trước Tòa Lãnh sự Pháp ngày mùng 1 Tháng Năm, coi bộ không hy vọng gì, chú về, chở cả nhà bằng chiếc Vespa (thím bế đứa tám tháng và ba đứa nhóc ốm nhom, bé tí teo) ra bến xe đò miền Tây, xuống Châu Đốc, thuê người chèo ghe qua được Thái Lan… (Có lần thím tôi trở về từ Mỹ, thắc mắc hỏi “gạo tổ” là gạo gì? Trước kia thím chỉ nghe gạo nàng Hương chợ Đào. Anh em tôi cười hì hì, bôi bác: Gạo của tổ dân phố bán cho dân, cũng như cho heo ăn, vì là gạo hẩm, toàn sạn và trấu).
Hết bán chợ trời, tôi xoay qua bán guốc. Mấy cô bộ đội thích guốc lắm, vì ngoài Bắc chỉ đi toàn dép bằng vỏ xe (dép râu). Guốc có nhiều loại, đắt tiền như guốc Đa Kao, guốc sơn mài. Ít vốn, tôi chỉ bán guốc vông. Quai làm bằng nylon trắng, mỏng. Mỗi bên đóng ba cây đinh nhỏ, có mũ chụp ở đầu. Nhưng người mua sợ mau đứt, xin đóng mỗi bên bốn đinh, đã thế còn bắt nện đinh thật sâu. Họ không hề biết đinh không bao giờ sút, chỉ có quai bằng nylon dễ rách toạc. Đóng ba hay bốn đinh cũng vậy thôi. Một đôi guốc trước khi bỏ thường thay quai mấy lần. Thật khốn khổ cho cô bán, lúc trước nện sâu bao nhiêu, bây giờ cạy ra khó bấy nhiêu.


Một góc Sài Gòn, Tháng Tư 1980 (ảnh: Dirck Halstead/Liaison)

Đóng guốc sưng cả tay, tôi chuyển qua mua khoai mì vạt trên chợ Cầu Muối, làm bánh khoai mì bán ở trường học ngày xưa. Lũ bạn tôi, toàn cậu ấm cô chiêu, thích tụ tập chuyện trò, rủ nhau vô vườn Tao Đàn bán cà phê dã chiến. Mỗi đứa phải giữ một món, năm cái ghế nhựa thấp lồng vào nhau. Hải móm được phân công mang về nhà mỗi tối. Cái bàn gỗ xếp thì giao cho Tuấn harmonica (thổi nhuyễn nhừ). Còn cái tủ kính vuông, kích thước nửa mét, thì là phần của Nghĩa bạc đầu. Con gái lo mua cà phê và giữ cái ấm nấu nước sôi, kèm thêm vài cái ly, muỗng.
Từ Trương Minh Giảng, đi và về tới chợ Cầu Muối, phải đi ngang vườn hoa Tao Đàn (hồi đó không gọi công viên). Tiếng kèn của Tuấn vọng ra cho tôi biết tụi bạn ở đâu. Chúng nó tròn mắt khi thấy một bao to khoai mì ràng ở yên sau. Em tôi có gắn thêm tấm ván để bao khoai mì được giữ vững. Cũng chính cái xe này, em tôi (kỹ sư Phú Thọ tương lai, trước 75 là Tú tài hạng ưu), dùng chở gạo từ xa cảng Phú Lâm, để mẹ có thể rảnh tay đi xe buýt về, cho đỡ tốn tiền đi xích lô máy.
Mua khoai mì vạt, em tôi dùng một tấm thiếc to, đục lỗ, cắt ra từ bình dầu ăn viện trợ của Mỹ có hình hai bàn tay vắt chéo. Em bào xong, chị chế biến đủ loại bánh bằng khoai mì. Nướng, hấp, bánh tằm. Mỗi sáng sớm, tôi mang bánh đi cửa sau nhà trường, nhờ bà lao công bán. Tới chiều, chờ mọi người về hết, tôi mới dám vô lấy tiền, mang bánh ế về. Ngày xưa ông Carnot trở về trường cũ vinh dự bao nhiêu, thầy trò trùng phùng cảm động. Còn tôi, con bé ngoan hiền học giỏi, được các thầy gọi là “ngôi sao sáng” đi thi không cần xem bảng, bây giờ, không thể để thấy thấy mặt, vì tủi thân, dù rằng lúc đó ai cũng (nghèo) như nhau.
Bánh bán ế. Tôi chuyển qua bán bánh bao. Người làm bánh là Hồng Vân hoa khôi của trường trung học, lên đại học vẫn là hoa khôi lớp Hóa hữu cơ- Hóa vô cơ. Tôi bưng khay bánh bao vô quán cà phê hủ tiếu, đến từng bàn mời mua. Nếu không có ngày “tan hàng” 30/4, tôi đã học xong đại học. Cô Cử tương lai giờ bưng bánh bán. Hồi đó không ai màng sĩ diện, làm bất cứ gì để có tiền mua thức ăn cho cả nhà. Em trai tôi cũng mướn xích lô chạy kiếm tiền chợ phụ mẹ.
Sau vài tháng làm đủ việc, sinh viên được gọi trở về trường để học chính trị và làm công tác xã hội. Việc cần thanh niên có. Việc khó có thanh niên.
Chúng tôi làm “chim bay cò bay” thay cảnh sát giao thông chỉ đường cho xe chạy. Chúng tôi dọn dẹp đường phố. Cái bô rác khổng lồ ở cuối đường Nguyễn Văn Cừ, tới chợ Nancy, ở đó bao nhiêu năm, giờ được dọn sạch sẽ. Kế đó là đổi tiền (Tháng Chín 1975). Mỗi nhà được đổi 100 ngàn tiền cũ ra 200 đồng tiền mới. Lúc đó chưa có cell phone, còn chúng tôi bị cấm ra ngoài, vậy mà chỉ mấy hôm sau ở địa điểm đổi tiền trong Chợ Lớn, chúng tôi cũng nhắn được người nhà dùng tiền mới đi mua 100 ngàn tiền cũ (chỉ 20 đồng). Nhờ vậy tụi tôi kiếm được chút đỉnh. Đi với bụt mặc áo cà sa. Đi với ma mặc áo giấy.
Những cô cậu học trò trước kia chỉ biết đi học, vì thời thế, thế thời phải thế, giờ biết luồn lách kiếm ăn. Dần dà sự giả dối tráo trở của những người chủ mới, những kẻ vơ vét bất kỳ cái gì có thể vơ vét, làm nhiều người tỉnh ngộ. Sự dối trá của đám chủ mới thì người Bắc di cư 54 (sau gọi là Bắc Kỳ chín nút) biết từ lâu, chứ dân miền Nam thật thà chất phác không thể nào ngờ.
***

Họ vô mình ra. Dân miền Nam âm thầm tổ chức vượt biên, nhờ miền Tây sông rạch chằng chịt. Đó là canh bạc quyết liệt, đem cả sinh mạng đổi lấy tự do. Được ăn cả, ngã về không. Hoặc là con nuôi cá (vùi thân dưới biển), hay là má nuôi con. Nhà đã bị lấy, đuổi đi kinh tế mới. Bố đang ở trong tù. Thằng con trai năn nỉ: Lạy mẹ cho con đi. Đệ tam quốc gia – những nước nhân đạo – đã giơ tay đón nhận thuyền nhân. Rồi Ủy hội Quốc tế cũng phân phát thực phẩm cho những trại tị nạn. Lợi dụng cơ hội này, đám công an biên phòng và công an địa phương công khai thu tiền cho vượt biên bán chính thức. Giá cho một đầu người bán chính thức lúc đầu rất cao – 15 cây vàng (khoảng $7,000 ). Chuyến đầu đi bằng tàu sắt rất lớn, chứa năm ngàn người. Thức ăn mang nhiều đến nỗi tới đảo Mã Lai vẫn còn thừa nhiều. Khách xuống tàu, mặc complet, xách samsonite. Lộ liễu trắng trợn vậy mà vẫn cho lên bờ tị nạn.
Thừa thắng xông lên, công an làm tiếp chuyến thứ nhì, cũng vẫn năm ngàn người, nhưng thụt giá chỉ còn 10 cây. Sau đó quốc tế phát giác gian lận nên cấm. Khi bốn trại tị nạn Thái Lan, Hong Kong, Mã Lai, Phi Luật Tân quá đông, quốc tế ra lệnh “đóng cửa đảo”. Người vượt biên chết quá nhiều, thêm nạn hải tặc hoành hành, phải đóng thôi, nếu còn mở là còn người vượt biên. Ủy hội Quốc tế hứa, hãy về (để dẹp trại tị nạn), sẽ cho đi có trật tự, nhưng một số người không tin, mổ bụng tự sát, chứng tỏ họ sợ cộng sản cỡ nào.
Về sau người Việt gặp nhau ở hải ngoại thường hỏi (đi) “diện” gì? Du học (trước 75), Mít khô (thoát 75), đi ghe (thuyền nhân), dắt dây (ODP, người đi trước bảo lãnh, “quăng dây” kéo người đi sau), đóng cửa đảo. Sau này còn diện “cột dây”. Mỹ gọi là “tie the knot”, lấy vợ lấy chồng. Học sinh du học có trường hợp cũng khá vớ va vớ vẩn, cầm cự cho tới khi vớ được anh nào, thế là có thẻ xanh, sau đó có quốc tịch, kế tiếp là bảo lãnh cha mẹ, gọi là “Việt Kiều bay”.

Sài Gòn, Tháng Tám 1990 (ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images)

Chúng tôi thì đành ở lại phục vụ XHCN. Sinh viên lục tục về trường, đi lao động đào kinh Lê Minh Xuân, dẫn nước ngọt vô rửa hết nước phèn, biến đất không dùng được thành đất canh tác. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Đỉnh cao trí tuệ toàn nghĩ chuyện đội đá vá trời. Chúng tôi bì bõm lội sình, đứng dây chuyền, từ người đầu tiên xúc một xẻng đất (gọi là cái leng, ống sắt dài cắt đôi theo chiều dọc), tới người cuối cùng còn một nắm tay. Con trai đứng đầu dãy, con gái đứng cuối cùng. Có sức người sỏi đá… chẳng thành cơm. Sau hai tuần, chỉ có người và leng, chẳng cần máy móc, chúng tôi đào được con kênh dài mấy cây số. Ngày đó loa phóng thanh ra rả suốt ngày bài Con kênh xanh xanh. Chẳng nên cơm cháo gì. Con kênh giờ để cho dân ngồi hóng mát. Mèo vẫn hoàn mèo
Thời chiến tranh, nhà cầm quyền miền Bắc lập ra bức màn sắt (vô hình), người dân không được biết bất cứ tin tức gì bên ngoài. Vì thiếu thực phẩm, họ bớt gạo, giả vờ hô hào giúp anh em miền Nam đang chết đói. Dân Bắc nào có biết miền Nam lúa gạo đầy đồng, các nhạc sĩ trong Nam đua nhau làm những bản nhạc ca tụng miền Nam thanh bình, gạo trắng nước trong. Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca. Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà.
Có chỗ nào đói đâu? Còn nhạc sĩ miền Bắc phải tuyên truyền theo đơn đặt hàng. 1954, một triệu người miền Bắc lũ lượt vô Nam; chẳng thấy người nào trong Nam xin ra Bắc (ngoại trừ một số người tập kết). Chính quyền miền Bắc tìm đủ cách ngăn cản dân vô Nam (theo đúng thỏa thuận dân được quyền chọn nơi cư ngụ). Bản nhạc Gởi người em gái miền Nam của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là bài thành công nhất về tuyên truyền. Ông xót xa cho người em gái lỡ nghe lời dụ dỗ, di cư vô Sài Gòn, để rồi:
Đời nghèo không lối thoát…
Ngục trần giam hãm…
Bài hát đã lấy nhiều nước mắt của người dân ngoài Bắc mỗi độ Xuân về. Tội nghiệp cho em đời nghèo không lối thoát. Em ráng chờ: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Súng trường bắn rớt được cả máy bay Mỹ. Anh Lê Văn Tám tẩm xăng cháy như cây đuốc để phá kho đạn. Phải chạy xa lắm mới tới kho đạn. Vậy mà người ta vẫn tin. Còn chị Võ Thị Sáu khi bị giải ra pháp trường, vẫn hiên ngang hát. Phải chi có video thu lại cho mọi người xem thì hay biết mấy. Chuyện giả tưởng XHCN thì muôn màu muôn vẻ, không thể kể hết.

Sài Gòn 1995 (ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images)
***

Khi học xong khóa Chính trị, chúng tôi phải thi, gọi là bài thu hoạch (giống thu hoạch lúa). Có ba định nghĩa được giải thích khi học Chính trị:
- Hồng và chuyên.
- Hiện tượng và bản chất.
- Ba dòng thác cách mạng.
Hồng gọi là đạo đức cách mạng, là thời gian theo Đảng. Đây là tiêu chuẩn chính để cất nhắc. Chuyên là trình độ học vấn, là khả năng chuyên môn, không quan trọng. Hồng được giữ, coi như của thừa kế. Anh bạn của tôi chẳng hề muốn nghe chính trị viên lải nhải, nên sau khi điểm danh, đã đi tụ tập với đám bạn ở quán cà phê của ông bà lao công trong trường. Vì thế khi làm bài thu hoạch, có chữ nào trong đầu mà viết. Còn con gái siêng nghe giảng, nên viết ro ro. Anh ngồi cạnh tôi, cứ nhúc nhích quay qua quay lại, tờ giấy trước mặt vẫn trắng tinh. Gần hết giờ, tôi thấy anh cắm cúi viết, hết hai trang. Anh xin tôi tờ khác, lại viết kín mít hai trang. Có thế chứ. Nhưng mà, anh chìa cho tôi xem, lật qua lật lại đủ bốn trang chỉ có một câu duy nhất: Hoan hô Bác HCM. Tôi lắc đầu chịu thua. Ấy thế mà anh cũng có tên trên “bảng vàng”. Hihi huhu.
Một ngày, tôi ngồi với bạn ở trước cửa tiệm tạp hóa (ngay mặt tiền) đường Trương Minh Giảng, thấy có gánh ve chai đi ngang, trong đó chất đầy bó giấy được cột gọn gàng bằng sợi dây nhựa màu đỏ. Tôi thấy tờ đầu tiên có nét quen quen. Gọi cô ve chai dừng lại cho xem, tôi ngỡ ngàng nhận ra đó chính là bài “thu hoạch” của tôi. Tờ giấy vẫn thẳng thớm, như không có ai rờ tới, nói chi đến chuyện chấm.

Sau khi học xong, tôi được đưa về dạy ở một ngôi trường rất xa thành phố. Các cô giáo được cấp một phòng nhỏ trong trường, buổi tối soạn bài bằng đèn dầu, muỗi bay vo ve. Lương không đủ sống mà không ai dám bỏ việc. Tới năm 1988, trại cải tạo đóng cửa. Cuối năm 1989 thì có tin những người tù được chính phủ Mỹ cho đi theo diện tị nạn chính trị. Cuộc đời cô sinh viên nghèo dở qua trang mới, khi cô lập gia đình với một người vừa học xong đại học máu. Xin chấm dứt tập một của bộ phim “Đường đời vạn nẻo” sau khi bị lộn tùng phèo.
Ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh.
Một đàn rách rưới, con như bố.
Chúng tôi chuẩn bị lên tàu đến miền đất hứa.
Coi như người ta được hai, con cũng được hai, phải không bố…
Lại Thị Mơ
23 tháng 4, 2022


 

Sài Gòn

bi kịch những ngày sau Tháng Tư, 1975

Ngô Thế Vinh

Những tháng ngày của giới văn nghệ sĩ, sau khi miền Nam sụp đổ, trích hồi ký Ngô Thế Vinh


29 Tháng Năm 1975, Sài Gòn.

1975 - Bùi Giáng và Dương Nghiễm Mậu
Sau 30 tháng 4, 1975 các văn nghệ sĩ không đi thoát, hoặc chọn ở lại như Dương Nghiễm Mậu, nếu không phải đám nằm vùng thì ai cũng chờ cái ngày đi vào nhà giam, các trại tù cải tạo. Giữa những ngày căng thẳng và ảm đạm ấy, có một người vẫn nhởn nhơ, đi tìm thăm bạn bè văn nghệ cũ. Không ai khác hơn đó là nhà thơ Bùi Giáng Lá Hoa Cồn.
Trung niên thi sĩ lúc nào cũng gầy và già hơn tuổi, râu tóc sơ sác như từ bao giờ. Giữa một Sài Gòn thảng thốt, không biết anh đã lượm ở đâu trên đường mà có được bộ quân phục nguỵ với quân hàm Đại tá, Bùi Giáng đem vận ngay vào người, chân thấp chân cao đi nghêu ngao như diễn binh trên hè phố. Có lẽ đây là hình ảnh tuyệt đẹp cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, với một tân binh tình nguyện gia nhập đạo quân đã hoàn toàn rã ngũ.
Rồi Bùi Giáng cũng tới được khu nhà thờ Ba Chuông, nơi có căn nhà Dương Nghiễm Mậu. Bùi Giáng hồn nhiên đi sâu vào con hẻm chật chội ấy đã thấp thoáng màu cờ đỏ. Anh vẫn tỉnh táo nhớ đúng nhà, tới đập cửa rầm rầm đòi vào thăm cho được cố tri. Trầm tĩnh và bản lãnh như Nghiễm, mà trước tình huống ấy cũng vẫn như gái ngồi phải cọc; được cái lúc ấy chòm xóm còn là thân quen, mạng lưới công an chưa đủ dầy đặc để gây nỗi phiền hà. Ra khỏi nhà Dương Nghiễm Mậu, không biết Bùi Giáng còn đi gõ cửa tới thăm những ai khác, hay anh lại ra nơi đầu cầu Trương Minh Giảng như một người tỉnh táo đứng làm cảnh sát công lộ chỉ đường “trên dòng luân lưu hỗn mang của lịch sử” và để rồi sau đó nếu anh không bị đám “cách mạng 30” hay bọn công an đánh tả tơi sưng mặt mũi thì rồi cuối cùng chắc anh cũng lại tìm về với “mẫu hậu” Kim Cương, ngồi trước cửa phóng bút làm thơ tặng nàng.

1975 - Toà Soạn Bách Khoa và anh Lê Ngộ Châu
Tuần lễ trước 30 tháng 4, 1975, nhân viên Đài Mẹ Việt Nam và những cây viết cộng tác đã được Mỹ lên kế hoạch di tản khỏi Việt Nam – để tránh bị trả thù. Trước ngày lên tàu ra đảo Phú Quốc, nhà văn Võ Phiến tới thăm toà soạn Bách Khoa, nơi vùng “xôi đậu” có Võ Phiến Bắt Trẻ Đồng Xanh ngồi chung với Vũ Hạnh Bút Máu; cũng là nơi mà Võ Phiến đã gắn bó suốt 18 năm cùng với tuổi thọ của tờ báo. Anh Lê Ngộ Châu chủ nhiệm Bách Khoa kể lại: Võ Phiến thì phải đi, nhưng linh cảm không có ngày về, vẻ mặt buồn thảm, anh chỉ ngồi khóc lặng lẽ không nói nổi lời giã từ và rồi đứng dậy bước ra khỏi toà soạn.
Trước một ngày mất Sài Gòn, thì hầu như toàn bộ nhân viên Đài Mẹ Việt Nam trong đó có gia đình Võ Phiến Giã Từ, Lê Tất Điều Phá Núi, Viên Linh Hoá Thân, Tuý Hồng Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, Thanh Nam Bóng Nhỏ Đường Dài từ Phú Quốc đã được đưa lên con tàu lớn Challenger đậu sẵn ngoài khơi. Khi bờ biển Phú Quốc xa mờ trong tầm mắt, lần này thì Lê Tất Điều thấy Võ Phiến khóc. Cùng với những con tàu thuộc Đệ Thất Hạm đội, họ lênh đênh trên Biển Đông trong cuộc hải trình nhiều ngày để tới đảo Guam. Guam đã từng là căn cứ xuất phát của các đoàn phi cơ B52 trong cuộc chiến tranh Việt Nam với những trận mưa bom trải thảm/ carpet bombing có sức tàn phá của một cơn địa chấn. Đảo Guam chỉ rộng 550 km2 sau tháng Tư 1975, là chặng dừng chân đầu tiên của hàng trăm ngàn người Việt ỵ nạn trước khi vào đất Mỹ. Vũ Khắc Khoan Thần Tháp Rùa, Nghiêm Xuân Hồng Người Viễn Khách Thứ 10, Mặc Đỗ Siu Cô Nương nhóm Quan Điểm cũng đi thoát và trước sau đặt chân tới các trại tỵ nạn trên đất Mỹ.
Chưa đến một tuần lễ sau, ngày 5 tháng 5, 1975 một trong những cây viết lâu năm của Bách Khoa, Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh đã tuẫn tiết tại tư gia khi cộng sản hoàn toàn chiếm Miền Nam. Cái chết rất sớm và tức tưởi của một tác giả có viễn kiến về lịch sử dân tộc, sức sáng tạo đang sung mãn mới bước vào tuổi 43, đã như một hồi chuông báo tử cho bao nhiêu tang thương diễn ra sau đó.

1975 - Chiến dịch đốt sách
Những ngày sau 30 tháng 4, 1975, hai đứa con Vũ Hạnh trong bộ bà ba đen, tay cuốn băng đỏ, tới toà báo Bách Khoa cũng là nơi cư ngụ của anh chị Lê Ngộ Châu. Trước khách lạ, đứa con gái nói giọng hãnh tiến: “Tụi con mới từ Hóc Môn về, cả đêm qua đi kích tới sáng.” Người dân lành nào vô phước đi lạc trên đường ruộng đêm đó có thể bị tụi nó coi là nguỵ.
Những tên nằm vùng cùng với đám “cách mạng 30” này chỉ như phó bản đám Hồng vệ binh của Mao nhưng lại sau cả thập niên. Cũng chính những đám này là thành phần kích động chủ lực trong chiến dịch lùng và diệt tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ, chúng dẫm đạp những cuốn sách, nổi lửa đốt từng chồng sách rồi tới cả tới những kho sách. Những cuốn sách mà đa phần chúng chưa hề đọc, trong đó có cả một tủ sách “Học Làm Người”. Sách của những “tên biệt kích văn nghệ” còn được trưng bày trong toà nhà triển lãm Tội ác Mỹ Nguỵ cùng với vũ khí chiến tranh và chuồng cọp, dĩ nhiên có sách của Dương Nghiễm Mậu, có cả cuốn Vòng Đai Xanh của người viết.
Cảm khái với câu thơ Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh kí: văn chương vô mệnh cũng tro than/ văn chương vô mệnh luỵ phần dư. Hơn hai ngàn năm sau, chẳng ai quên chuyện “đốt sách chôn nho/ phần thư, khanh nho” của Tần Thuỷ Hoàng, nhưng không biết chỉ 100 năm tới đây, các thế hệ tương lai có ai còn giữ được“bộ nhớ” Đã Có Một Thời Như Thế – tên một bài viết của Nhật Tiến, về giai đoạn người Cộng sản Việt Nam đốt sách giam tù cả một thế hệ văn nghệ sĩ của Miền Nam?

1975 - Nhà hàng Givral và Phạm Xuân Ẩn
Trước 1975, La Pagode, Brodard, Givral là nơi tôi, Phạm Đình Vy [chủ nhiệm Tình Thương] và các bạn y khoa thỉnh thoảng có dịp lui tới kể cả khi đã ra trường. Givral cũng là nơi thường gặp gỡ các nhà báo như Phạm Xuân Ẩn, Cao Giao, Nguyễn Tú, Như Phong Lê Văn Tiến… Phạm Xuân Ẩn, là bạn đồng môn với nhà văn Sơn Nam thời trung học Cần Thơ, Ẩn gốc người Nam dáng chân quê mộc mạc.
Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn chỉ được biết tới như phóng viên của Reuters, sau đó chuyển sang tuần báo Times, trụ sở trong Continental Palace bên kia đường. Cũng không thể không nhắc tới khách sạn Caravelle, gần toà nhà Quốc hội cũ, nơi tập trung đông đảo nhà báo ngoại quốc, nơi đặt văn phòng của các hãng thông tấn và truyền hình Mỹ như ABC, NBC, CBS…
Cũng chính Morley Safer trong một buổi phát hình CBS Evening News ngày 5 tháng 8, 1965 chiếu cảnh lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong cuộc hành quân xua dân ra khỏi làng và sau đó bật quẹt Zippo đốt nhà của họ, những hình ấy đã làm rúng động Toà Nhà Trắng và cả nước Mỹ như một vết hằn sâu của một cuộc chiến bắt đầu thất nhân tâm. Bảy năm sau, Nick Ut phóng viên AP với bức hình “Napalm Girl” chụp trong trận giao tranh Trảng Bàng Tây Ninh ngày 8 tháng 6, 1972, cũng là thời điểm Quốc Hội Mỹ dứt khoát cắt viện trợ quân sự cho Miền Nam.
Đội quân báo chí hùng hậu ấy, trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, có khả năng điều kiện hoá dư luận với “những tin tức xấu từ một phía”, đủ làm nản lòng dân Mỹ, cùng với đám GI’s đang cầm súng từ phía bên kia nửa vòng trái đất; truyền thông Mỹ có phần công lao không nhỏ gián tiếp đưa tới mất Miền Nam Tự Do và cũng là một thất trận đầu tiên trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ. Và rồi, tất cả bọn họ cũng đã kịp tháo chạy trước khi Sài Gòn đổi chủ.
Và rồi mấy ngày đầu tháng 5, 1975, Givral lại như điểm hẹn của những người bạn còn kẹt lại, tới đó để biết ai ở ai đi và nghe ngóng tin tức. Từ những chiếc bàn nhìn qua khung kính trong suốt ấy, tình cờ gặp lại Phạm Xuân Ẩn. Ẩn cũng đã từng tới thăm toà soạn báo sinh viên Y khoa Tình Thương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nào. Vợ con Phạm Xuân Ẩn đã được tuần báo Times cho di tản trước đó nhiều hôm, nhưng Ẩn thì ở lại. Với hơi chút ngạc nhiên và vẻ quan tâm, Ẩn hỏi tôi: “Vinh, tại sao toa không đi?”
Lúc đó chỉ như một câu hỏi xã giao, nhưng phải sau này, khi đã ở trong vòng rào các trại tù cải tạo, tôi mới thấm thía vỡ lẽ được câu hỏi ấy của Phạm Xuân Ẩn, nó đã như lời báo bão về những năm tháng tù đầy từ một chính sách mà Ẩn thì biết rất rõ. Trong vỏ bọc của một nhà báo làm cho tuần báo Times danh tiếng của Mỹ, thực chất trước đó nhiều năm Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên chiến lược đơn tuyến của Cộng sản Hà Nội. Sau này cũng chính Phạm Xuân Ẩn tâm sự với Morley Safer chương trình 60 Minutes của CBS rằng khi Sài Gòn xụp đổ không dễ gì để nói với đám “cách mạng 30” đeo súng AK lúc đó rằng, tôi là đại tá quân đội của họ, không phải CIA. Có thể tôi bị tụi nó giết và cả con chó của tôi cũng bị nướng sống. [Flashback, Vietnam Revisited 1989, The Spy in Winter]

1975 - Nhà báo Như Phong
Chỉ sau cụ Hoàng Văn Chí Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, người hiểu rõ cộng sản sau này không ai hơn nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến. Cô Thần cũng là bút hiệu khác của Như Phong Khói Sóng trên nhật báo Tự Do, một chuyên mục viết về cộng sản Miền Bắc. Hiểu cộng sản như vậy, với biết trước những tháng năm tù đầy, vậy mà anh vẫn chọn ở lại. Gặp lại anh tại nhà luật sư Mai Văn Lễ, trước bệnh viện Sùng Chính trên đường Trần Hưng Đạo. Anh Mai Văn Lễ có một thời làm Khoa trưởng Luật khoa Huế thời Phật giáo Tranh đấu, bây giờ chỉ còn lại mình anh, chị và hai con thì đã đi trước đó một tuần lễ.
Trưa ngày 30 tháng 4, ngay sau khi lệnh đầu hàng được phát đi, có thể thấy từ mấy tầng lầu cao là một cơn mưa confetti, chỉ một màu trắng của những mảnh vụn giấy tờ tuỳ thân của quân cán chính cần được xé huỷ trước khi cộng quân hoàn toàn kiểm soát Sài Gòn. Không kể những giày nón quân phục được cởi bỏ vội vàng vứt tả tơi trên đường phố.
Là người đi trước thời cuộc, anh Như Phong tiên đoán đúng những gì sắp diễn ra: chiến dịch đánh tư sản, kế hoạch đổi tiền cho mỗi hộ khẩu và rồi những cuộn giấy bạc sau đó trở thành rẻ rách và rồi sẽ là quần đảo ngục tù / Gulag Archipelago một tên sách của Solzhenitsyn. Dư tiền cũ thiên hạ đổ xô đi mua vàng, đôla chợ đen không dễ gì có trong thời điểm này. Anh Như Phong thì chỉ gợi ý mua những cuộn len quý nhồi trong các bộ nệm sa lông giống như ngoài Bắc, sau này khi cần có thể gỡ dần ra bán để kiếm sống. Nói vậy thôi chứ thái độ của cả mấy anh em vẫn là “chờ xem”.
Và rồi vang lên tiếng xích sắt nghiến trên mặt nhựa, nhìn qua khung cửa là những chiếc tăng T54 treo cờ giải phóng hối hả chạy về phía trung tâm Sài Gòn.


Sài gòn, những ngày sau 1975

1980 - Cũng đừng tới thăm
Ra tù ba năm sau, trở về một Sài Gòn đã đổi khác. Nếu còn chút gì thân quen thì là mấy người bạn, không nhiều còn ở lại. Anh ấy là một trong những cố tri đầu tiên tôi nghĩ tới thăm. Là giáo sư đại học, anh tốt nghiệp ở Mỹ, trở về Việt Nam từ cuối thập niên 1960, đầy lý tưởng, ôm mộng lớn về một cuộc cách mạng xã hội – theo anh công bằng xã hội/ social justice phải là giải pháp rốt ráo cho một cuộc chiến tranh bế tắc đang diễn ra khốc liệt giữa hai miền Bắc Nam.
Tôi cũng đã từng gặp anh ở Mỹ và cả những năm sau này ở Việt Nam. Sự xụp đổ mau chóng của Miền Nam với anh là cả một “giấc mộng lỡ”. Tuy không phải chịu những năm tháng tù đầy, nhưng cuộc sống gia đình anh, cũng như cả Miền Nam rõ ràng là khó khăn. Từng bước, anh đã bán những bộ tự điển quý lúc đó rất có giá, cho đám học giả đói sách từ Bắc vào mua; tiếp đến là đồ đạc tranh tượng, cuối cùng là còn lại là một tủ sách khoa-học-xã-hội đồ sộ mà anh đem từ Mỹ về thì nay trở thành vô giá – no value, chỉ có thể đem cân ký bán lạt-son để làm bột giấy. Vợ anh là cô giáo cũng phải ra giữa chốn chợ trời tần tảo kiếm sống. Anh thì quá nhậy cảm để thấy nỗi đau và nhục.
Gặp lại anh, vẫn nét mặt trí thức và đôn hậu như ngày nào, nhưng trong ánh mắt thì lộ rõ vẻ bất an. Thoáng nét vui mừng nhưng anh kịp kìm hãm, vừa nói vừa canh chừng nhìn ra cửa : “Biết toa được ra trại thì mừng nhưng cũng xin toa đừng tới thăm”. Sự thẳng thắn rất trực tiếp của anh, thoáng như một gáo nước lạnh, nhưng tôi cảm thông và vẫn rất thương anh.
Gia đình bên vợ anh ở Mỹ đang làm thủ tục bảo lãnh, nghĩ rằng việc có liên hệ với lính nguỵ với tù cải tạo có thể là cản trở cho cuộc hành trình hy vọng của gia đình anh tới bến bờ tự do ấy. Anh phản ứng theo hoàn cảnh, không chút phán đoán tôi vẫn dành cho anh sự kính trọng, và mai mốt đây nếu có ngày gặp lại anh thì chắc chắn phải là trên một lục địa khác. Rất sớm trên toàn Miền Nam đã bắt đầu có một mạng lưới tai mắt tổ dân phố và công an đủ để gây hoài nghi và cả sự sợ hãi.
Ra khỏi nhà anh, có lại được niềm vui ấm lòng khi gặp người bạn tấm cám Nghiêu Đề. Nghiêu Đề cho biết mới gặp Sao Trên Rừng đi xe gắn máy từ Đà Lạt xuống, ngạc nhiên thấy Nguyễn Đức Sơn lần đầu tiên ăn vận đồ lớn complet cravate, hỏi tại sao thì Sơn cười giọng khinh mạn: “có vậy mới khỏi lẫn với tụi nó”.

1980 - Trần Phong Giao ngoài chợ
Trần Phong Giao dáng vạm vỡ, da sậm có vẻ công nhân lao động ngoài nắng hơn là người làm việc chữ nghĩa văn phòng. Nổi tiếng là thư ký toà soạn báo Văn trong 8 năm từ 1963 tới 1971, một tờ báo có vị trí đặc biệt trong sinh hoạt văn học Miền Nam với phát hiện những cây bút mới và không ít sau này đã trở thành những tên tuổi. Sau Văn, anh thử làm nhiều công việc khác cũng trong lãnh vực báo chí, xuất bản, rồi thủ thư nhưng đã không để lại nhiều dấu ấn như ở Văn.
Không lâu sau 30 tháng 4, cả hai anh chị đã phải chạy chợ kiếm sống với chiếc xe ba bánh, đậu trên đường Lê Thánh Tôn đứng bán từng bó củi, mấy nải chuối hay những bó rau tươi để nuôi đàn con. Ngày ra tù, tới thăm anh, vẫn ở trong con hẻm gần Cầu Kiệu, bên Tân Định, anh gầy sút đi nhiều hai chân đã rất yếu. Gia tài của anh đáng giá vỏn vẹn còn một tủ sách, quý nhất là trọn bộ báo Văn đóng bìa da, một sự nghiệp của Trần Phong Giao nhưng rồi anh cũng đã không giữ được và phải đem bán cho một Việt kiều từ Mỹ về để có tiền chạy gạo và thuốc men. Trần Phong Giao mất trong sự túng quẫn và bạo bệnh (2005), anh cũng bước qua được ngưỡng tuổi cổ lai hy.

1981 - Và những bữa cơm gia đình
Ngôi nhà Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu) trong con hẻm với mặt tiền hẹp nhưng khá sâu. Nghiễm mặc quần soóc, áo thun trắng, đôi mắt rất tinh anh lúc nào cũng như mỉm cười, trông trẻ hơn tuổi của một người sinh năm 1936.
Tuy sống gần khu Chợ Cũ, sẵn những quán ăn vỉa hè và nhà hàng, rất tiện cho nếp sống cơm hàng cháo chợ, nhưng thường sau một ngày làm việc, thay vì về nhà tôi ghé nhà Nghiễm, được chị Trang vợ Nghiễm cho thêm chén thêm đũa với những bữa ăn đạm bạc nhưng ngon miệng vì là bữa cơm hạnh phúc gia đình. Trong tù, tôi và Nghiễm thì đã quen với những bữa ăn đói ngày đêm, ra ngoài tuy rau đậu nhưng cũng là bữa tạm no. Người lớn thì không sao, nhưng với trẻ nhỏ đang tuổi “mau ăn, chóng lớn” thì khẩu phần ấy phải xem là suy dinh dưỡng.
Nếu không là ngày phải ra trễ, tôi ghé qua chợ mua một món ăn gì đó, đem tới bày thêm vào mâm cơm gia đình. Có thêm món thịt, thêm chút chất đạm thì hôm đó với hai đứa nhỏ như là bữa tiệc. Những lần gặp nhau, tôi và Nghiễm đều ít nói. Hình như Nghiễm có viết ở đâu đó là những điều không cần nói ra nhưng cũng đã hiểu nhau rồi. Chỉ có cô giáo Trang vợ Nghiễm sau một ngày dạy học mệt nhọc nhưng lúc nào cũng có đôi chuyện vui từ trường đem về gia đình. Miền Nam tài nguyên thì vẫn nguyên vẹn, nhưng đã có chính sách bần cùng hoá kiểm soát từng bao tử của người dân qua khẩu phần và sổ lương thực của họ.

1982 - Dương Nghiễm Mậu và một Thanh Tâm Tuyền khác
Đã gặp Thanh Tâm Tuyền ở những ngày 30 tháng Tư 1975 nơi một căn nhà nhỏ bên Gia Định. Vợ Tâm lúc đó cũng vừa sinh đứa con trai út trong cảnh tán loạn bệnh viện Nguyễn Văn Học. “Một Chủ Nhật Khác” cuốn tiểu thuyết cuối cùng của “một thời để yêu một thời để chết” cũng vừa mới in xong, chưa kịp phát hành.
Ra tù 1982, gặp lại Thanh Tâm Tuyền của Bếp Lửa, bằng tuổi Dương Nghiễm Mậu nhưng trông anh già hơn nhiều, da sậm đen sắc diện của một người bị bệnh sốt rét kinh niên. Khó có thể tưởng tượng với vóc dáng mảnh mai ấy anh sống sót qua suốt bảy năm tù đầy ngày nào cũng đói lạnh nơi những vùng sơn lam chướng khí ấy ở các trại giam Miền Bắc. Bảy năm đốn tre trảy gỗ trên ngàn, bị tre nứa đâm xuyên đùi không giải phẫu thuốc men nhưng anh vẫn sống sót, trong tù chống rét anh tập hút thuốc lào, không giấy bút anh vẫn làm thơ qua trí nhớ nhưng là những bài thơ trở về với các thể thơ truyền thống. Thơ ở Đâu Xa là tập thơ cuối cùng làm trong tù TTT cho xuất bản ở bên Mỹ (1990).
Trong chỗ rất riêng tư, anh tâm sự: Thái Thanh bạn anh đã dứt khoát không hát từ sau 1975. Khi biết Thanh Tâm Tuyền vừa ra tù đến thăm, cô ấy cầm đàn và hát lại những bài thơ phổ nhạc của anh: Đêm màu hồng, Nửa hồn thương đau, Lệ đá xanh… tuy ấm lòng gặp lại cố tri nhưng rồi anh đã không còn nguyên vẹn cảm xúc để nghe lại những thanh âm ngày cũ. Anh đã nói không với những người mới muốn gặp anh. Anh vẫn giữ thái độ đó khi sang định cư ở Mỹ. Sự khép kín ấy khiến Mai Thảo đôi khi cũng phản ứng giận lẫy.
Rồi cũng có một buổi gặp gỡ cuối 1982, từ nhà Nghiễm có Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và tôi cùng đi bộ tới một quán cóc cũng trên đường Trương Minh Giảng nơi gần đường xe lửa. Thức uống của Nghiễm bao giờ cũng là một chai bia. Nhắc tới Tô Thuỳ Yên Trường Sa Hành thì vẫn còn ở trong tù. Rồi chẳng ai nhắc tới nỗi khổ hiện tại mà câu chuyện lại xoay quanh những người bạn may may mắn ở phương xa.
Những người đi thoát trước 1975, vài tên tuổi được nhắc tới: Thanh Nam Tuý Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Viên Linh… Nhưng rồi tên Mai Thảo Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời vẫn như điểm hội tụ của những tin tức. Anh là nhà văn duy nhất hiếm hoi thoát các vụ ruồng bắt của cộng sản trong suốt hai năm sống lẩn lút ở Sài Gòn. Vẫn có nhiều người liều mạng che chở cho anh. Trần Dạ Từ Tỏ Tình Trong Đêm cùng với rất nhiều nhà văn nhà báo thì đang trong tù, Nhã Ca Giải Khăn Sô Cho Huế ra tù sớm phải cưu mang một đàn con nhỏ nhưng cũng chính mấy mẹ con Nhã Ca đã bất chấp hệ luỵ cất dấu bác Mai Thảo trong nhà, một căn phố lầu trên góc đường Tự Do, đây cũng là chặng ẩn náu cuối cùng của Mai Thảo cho đến khi anh vượt biển rất sớm thoát được tới đảo Pulau Besar Mã Lai đầu tháng 12, 1977.
Hai năm sau Mai Thảo 1979, phải kể tới chuyến đi thừa sống thiếu chết của 81 thuyền nhân trong số đó có Nhật Tiến Người Kéo Màn và thầy Từ Mẫn Lá Bối, vợ chồng ký giả Dương Phục Vũ Thanh Thuỷ… và con tàu đã gặp nạn hải tặc Thái Lan trên biển rồi trên đảo Kra, và cũng rất sớm qua ngòi bút của người chứng Nhật Tiến đã ghi lại những thảm cảnh ấy và bắt đầu làm rúng động lương tâm thế giới. Cũng khởi đầu cho phong trào Cứu Người Vượt Biển về sau này.
Sau lần gặp gỡ nơi nhà Nghiễm, Thanh Tâm Tuyền chuẩn bị đi Mỹ theo diện HO, cho dù “tâm thái” – chữ của TTT, vẫn gắn bó với một quê hương mà anh không muốn xa rời, riêng tác giả Ba Sinh Hương Lửa lại vào tù tổng cộng 14 năm trước khi đi định cư 1995 và gặp lại Mai Thảo ở Quận Cam.
Trên đường đi, tôi không thể không có ý nghĩ nếu làm một con toán cộng những năm tù đầy của mỗi văn nghệ sĩ Miền Nam, con số ấy phải vượt trên nhiều thế kỷ. Không phải chỉ có oan nghiệt giam cầm huỷ hoại những thân xác, họ còn giết chết sức sáng tạo của văn nghệ sĩ trong khoảng thời gian sung mãn nhất. Một nỗ lực huỷ diệt cả một nền văn hóa đến tận gốc: trước lịch sử, ai phải nhận lãnh trách nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?
Ba mươi hai năm sau 1975, qua liên lạc vận động của nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, [cũng là người giới thiệu Phạm Duy đến với Công ty Phương Nam], nhà xuất bản Phương Nam đã tái bản 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu (Đôi Mắt Trên Trời, Cũng Đành, Nhan Sắc, Tiếng Sáo Người Em Út), và truyện dài Nguyệt Đồng Xoài của Lê Xuyên. Ngay sau đó, Vũ Hạnh, tuổi đã ngoài 80, như một đao phủ đã không nương tay viết bài đấu tố Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, và quy tội Công ty Phương Nam.
Vũ Hạnh viết: “Sách của Dương Nghiễm Mậu thì nổi bật tính phản động tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược, còn sách của Lê Xuyên là tính đồi trụy.” Vũ Hạnh viết tiếp: “Vì những lẽ đó, rất nhiều bức xúc, phẫn nộ của các bạn đọc khi thấy Công ty Phương Nam ấn hành sách của ông Dương Nghiễm Mậu… Đem những vũ khí độc hại ra sơn phết lại, rêu rao bày bán là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước.” Và rồi cũng Vũ Hạnh kể lể: “các tác giả Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp bất cứ sự quấy phiền nào.” [Sài Gòn Giải Phóng, 22/4/2007].
Tưởng cũng nên ghi nhận ở đây, trước 1975 đông đảo thế hệ văn nghệ sĩ Miền Nam không thiếu lòng nhân ái đã hơn một lần cùng vận động ký tên yêu cầu thả Vũ Hạnh. Vũ Hạnh cũng được Văn Bút Việt Nam che chở, và khi bị kết án tù thì chính linh mục Thanh Lãng, Chủ tịch Văn Bút đứng ra bảo lãnh, để rồi sau đó Vũ Hạnh lại công khai ra ngoài họat động.

Sau 1975, nhiều nhà văn nhà báo miền Nam ấy đã chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi nhà tù thì chết như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương. Nếu còn sống sót, đều nhất loạt phải gác bút: Dương Nghiễm Mậu sống bằng nghề sơn mài, Lê Xuyên ngồi bán thuốc lá lẻ ở đầu đường, Trần Lê Nguyễn tác giả kịch Bão Thời Đại thì phải đứng sạp bán báo để độ nhật, Nguyễn Mộng Giác Đường Một Chiều làm công nhân sản xuất mì sợi, Trần Hoài Thư Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi ba năm ở tù ra trở thành Người Bán Cà Rem Dạo.
Nghiễm vốn tâm lành, nếu có ai nhắc đến chuyện Vũ Hạnh thì anh chỉ cười, giọng vẫn bao dung, anh tin trên đời người tốt nhiều hơn kẻ xấu, kẻ xấu như vậy rốt cuộc họ cũng tự thấy sai. Nghiễm có lạc quan quá không vì đã hơn 40 năm chịu khổ ải do họ gây ra, nay đã tới tuổi gần đất xa trời mà sao họ vẫn“chưa tự thấy sai” chưa hề biết sám hối. Một người bạn rất quen biết Vũ Hạnh nhận định: sự hung hãn ấy chỉ như tấm bình phong – một thứ raison d’être, biện minh cho sự hiện hữu của Vũ Hạnh còn như một người cộng sản.

“Ngày Xưa Vũ Hạnh” cộng sản nằm vùng vẫn được sống thênh thang, vẫn được đối xử như một nhà văn [Lý Đợi, talawas 10.5.2007] “Ngày Nay Vũ Hạnh” bên thắng cuộc – tên bộ sách của Huy Đức, thì vô cảm vênh váo, là tiếng nói hung hãn nhất trong Hội đồng đánh giá Văn Học Miền Nam tại Thư Viện Quốc Gia. Vẫn một cliché, vẫn một khẩu hiệu tung hô không suy xuyển: “tác giả là gốc ngụy, nội dung tác phẩm là nô dịch phản động đồi trụy”.
Vũ Hạnh xấp xỉ tuổi Võ Phiến, nay sắp bước vào cái tuổi 90 vẫn cứ nhân danh “đảng ta, chèo lái con thuyền chở đạo” vẫn không ngừng truy đuổi cả những thế hệ nhà văn trẻ nối tiếp có khuynh hướng tự do, điển hình qua bài viết phê phán Nhã Thuyên và Nhóm Mở Miệng với hai cây bút nổi trội là Lý Đợi và Bùi Chát [Thấy gì từ một luận văn sai lạc, Văn Nghệ 29/2013].
Có lẽ tấn thảm kịch của Vũ Hạnh cũng như những người cộng sản tha hoá bước vào Thế Kỷ 21 là sự “nguỵ tín/ mauvaise foi” họ sống với hai bộ mặt, vẫn không ngừng hô hào cổ võ cho điều mà họ không còn chút tin tưởng. Vũ Hạnh vẫn không ngưng nặng lời chửi rủa Mỹ, nhưng rồi vẫn gửi con cái đi du học rồi trưởng thành sống ở Mỹ; Vũ Hạnh vẫn được ra vào nước Mỹ như một con người tự do.
22 tháng 4, 2022
Ngô Thế Vinh
 
Nguồn:
https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/sai-gon-bi-kich-nhung-ngay-sau-thang-tu-1975-phan-1/
https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/sai-gon-bi-kich-nhung-ngay-sau-thang-tu-1975-phan-2/

Đăng ngày 30 tháng 04. 2022