Dân Việt Nam không có khả năng
thay đổi chính phủ một cách ôn hòa?
Ký Thiệt
Bản tin Việt ngữ của RFA (Đài Á Châu Tự Do) ngày 13 tháng 4 có đăng bài tựa đề “Bộ Ngoại giao Mỹ: Công dân Việt không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”, với nội dung như sau:
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/4 công bố bản báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới trong năm 2021, trong đó có Việt Nam được nêu như là một quốc gia độc tài, một đảng cầm quyền và "cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ".
Báo cáo do Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát hành cho biết, công dân Việt Nam "không có khả năng thay đổi chính phủ của họ một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế nghiêm trọng đối với sự tham gia chính trị; chính phủ tham nhũng nghiêm trọng; buôn người; những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do hiệp hội của người lao động; và sử dụng lao động trẻ em bắt buộc".
Hồi tháng 5/2021, Chính phủ Việt Nam quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 trong bối cảnh bùng phát của dịch COVID-19, trong khi Việt Nam chưa có đủ vắc-xin và thuốc chữa trị.
Hai người nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội là các ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt giữ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, sau đó bị tuyên án lần lượt là 5 năm và 6,5 năm tù giam với cáo buộc "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Theo báo cáo của phía Hoa Kỳ thì Cục này có các báo cáo đáng tin cậy về: các vụ giết người bất hợp pháp hoặc tùy tiện của Chính phủ; tra tấn và đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục bởi các nhân viên Chính phủ; bắt giữ và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; sự trả thù có động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác.
Ngoài ra còn có những vấn đề nghiêm trọng với tính độc lập của cơ quan tư pháp; can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư; hạn chế nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông, bao gồm việc bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích Chính phủ, kiểm duyệt và các luật về tội phỉ báng; hạn chế nghiêm trọng về tự do internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội; hạn chế quyền tự do đi lại, bao gồm cả lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động. (ngưng trích)
Bản tin trên đây có ba điểm nổi bật làm người đọc chú ý: một là tên chính thức của Việt Nam ngày nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong khi toàn bản tin chỉ gọi là “Việt Nam”, hai là cái chế độ độc tài tàn bạo chà đạp nhân quyền đang thống trị dân Việt Nam hiện nay là một chế độ cộng sản mà bản tin của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không hề nói tới, ba là bản tin “vô tình” được phổ biến vào thời điểm gần ngày 30 tháng 4 với cái tựa đề dễ gây ngộ nhận và thấy cần làm sáng tỏ vài điều.
Trước hết, cái tựa đề bản tin đọc lên nghe như lăng mạ cả một dân tộc: “Bộ Ngoại giao Mỹ: Công dân Việt không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”.
Người dân Việt Nam nào mà không cảm thấy mình bị chửi là thứ dân hèn mạt, tồi tệ không thể thay đổi chính phủ một ôn hòa, hợp hiến hợp pháp, như các dân tộc văn minh, tiến bộ khác?
Đọc đi đọc lại bản tin thì mới vỡ lẽ ra là Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ đã đồng hóa “công dân Việt” với cái chế độ cộng sản ác ôn đang ngồi trên đầu trên cổ họ! Không dám nghĩ Bộ Ngoại Giao siêu cường Hoa Kỳ dốt nên có người đoán là RFA đã muốn chơi xỏ, chửi xéo Việt Cộng.
May mà cùng trong thời gian này, một nhà báo Đức, ông Uwe Siemon-Netto, “người biết quá nhiều” về Việt Nam, vừa viết xong một cuốn sách nhan đề tiếng Anh là “A reporter's love for a wounded people”, xin tạm dịch: “Tình yêu của một phóng viên đối với một dân tộc bị thương”. Dân tộc ấy đã bị chấn thương nặng trong suốt mấy chục năm qua bởi đủ thứ “nhân danh”, bởi cả thù lẫn “bạn”, cả trong chiến tranh lẫn khi “hòa bình”.
Cuốn sách của Nhà báo Uwe Siemon-Netto chưa xuất bản, nhưng tác giả đã cho dịch ra Việt ngữ đoạn kết và giới thiệu với người đọc Việt Nam. Nhiều người đã đọc và đã... yêu ông Uwe Siemon-Netto. Dưới đây là một phần trong những đoạn văn ấy:
“Từ giữa những năm 1960, những tay bịa đặt chuyện huyền thoại về chính trị và lịch sử của phương Tây, hoặc ngây thơ hoặc bất lương, đã chấp nhận lời giải thích của Hà Nội rằng cuộc xung đột là một cuộc "chiến tranh nhân dân". Cũng đúng thôi, nếu chấp nhận định nghĩa của Mao Trạch Đông và Võ Nguyên Giáp về cụm chữ đó. Nhưng theo luật văn phạm về sở hữu tự theo cách của Saxon Genitive quy định thì "chiến tranh nhân dân" phải được hiểu là cuộc "chiến tranh của nhân dân".
“Có phải miền Nam đã được "giải phóng" khỏi sự áp đặt một nhà nước độc đảng toàn trị được xếp hạng chung với những chế độ vi phạm tồi tệ nhất thế giới về các nguyên tắc tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí?
“Thực tế không phải như vậy. Đã có khoảng 3 triệu 800 ngàn người Việt Nam đã bị giết giữa các năm 1954 và 1975. Khoảng 164 ngàn thường dân miền Nam đã bị thủ tiêu trong cuộc tru diệt bởi Cộng sản trong cùng thời kỳ, theo học giả chính trị Rudolf Joseph Rummel của Trường Đại Học Hawaii. Ngũ Giác Đài ước tính khoảng 950 ngàn quân lính Bắc Việt và hơn 200 ngàn quân nhân VNCH đã ngã xuống trên chiến trường, cộng với 58 ngàn quân Hoa Kỳ nữa. Đây không thể là một cuộc "chiến tranh của nhân dân" mà chính là chiến tranh chống nhân dân.
“Trong tất cả những lập luận đạo đức giả về cuộc chiến Việt Nam ta gặp quá thường trong vòng 40 năm qua, cái câu hỏi quan trọng nhất đã bị mất dấu hay AWOL, nếu dùng một từ ngữ viết tắt quân sự có nghĩa là "vắng mặt không phép", câu hỏi đó là: Dân Việt Nam có mong muốn một chế độ Cộng sản hay không? Nếu có, tại sao gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954, trong khi chỉ có vào khoảng 130.000 cảm tình viên Việt Minh đi hướng ngược lại?
“Ai đã khởi đầu cuộc chiến tranh? Có bất kỳ đơn vị miền Nam nào đã hoạt động ở miền Bắc hay không? Không. Có du kích miền Nam nào đã vượt vĩ tuyến 17 để mổ bụng và treo cổ những người trưởng làng thân cộng, cùng vợ và con cái họ ở đồng quê miền Bắc hay không? Không. Chế độ miền Nam có tàn sát cả một giái cấp hàng chục ngàn người trên lãnh thổ của họ sau năm 1954 bằng cách tiêu diệt địa chủ và các đối thủ tiềm năng khác theo cách thống trị kiểu Sô Viết hay không? Không. Miền Nam có thiết lập chế độ độc đảng toàn trị hay không? Không.
“Với cương vị một công dân Đức, tôi không can dự gì đến cuộc chiến này, hay nói theo lối người Mỹ là "I have no dog in this fight" (Tôi chẳng có con chó nào trong vụ cắn lộn này cả). Nhưng, nhằm chú giải cho cuốn sách "Lời nguyện của một nhà báo", tương tự như các phóng viên kỳ cựu có lương tâm, lòng tôi đã từng và vẫn còn đứng về phía dân tộc Việt Nam nhiều đau thương. Lòng tôi hướng về những người phụ nữ tuyệt vời với tính tình rất thẳng thắn và vui vẻ; hướng về những người đàn ông Việt Nam khôn ngoan và vô cùng phức tạp đang theo đuổi giấc mơ tuyệt hảo theo phong cách Khổng giáo; hướng về các chiến binh giống như trẻ con đi ra mặt trận còn mang theo cái tài sản duy nhất là một lồng chim hoàng yến; hướng về các góa phụ chiến tranh còn trẻ với cơ thể bị nhào nặn méo mó chỉ vì muốn bắt một tấm chồng lính Mỹ nhằm tạo một ngôi nhà mới cho con cái và có thể cho chính họ, còn hơn là đối mặt với độc tài Cộng sản; hướng về nhóm trẻ em bụi đời trong thành thị cũng như ngoài nông thôn săn sóc lẫn nhau và những con trâu đồng. Với trái tim chai cứng còn lại, lòng tôi thuộc về những người trốn chạy khỏi lò sát sinh và vùng chiến sự, luôn luôn đi về hướng Nam mà không bao giờ về hướng Bắc cho đến tận cùng, khi không còn một tấc đất vắng bóng cộng sản nữa để mà trốn. Tôi đã chứng kiến họ bị thảm sát hay bị chôn sống trong những ngôi mồ tập thể và mũi tôi vẫn còn phảng phất mùi hôi thối của những thi thể đang thối rữa.
“Tôi không có mặt vào lúc Sài Gòn thất thủ sau khi toàn bộ các đơn vị Quân Lực VNCH, thường xuyên bị bôi bẩn một cách ác độc bởi truyền thông Hoa Kỳ, giờ đây bị những đồng minh người Mỹ của họ bỏ rơi, đã chiến đấu một cách cao thượng, biết rằng họ không thể thắng hay sống sót qua trận đánh cuối cùng này. Tôi đang ở Paris, lòng sầu thảm khi tất cả những chuyện này xẩy ra và tôi ước gì có dịp tỏ lòng kính trọng năm vị tướng lãnh VNCH trước khi họ quyên sinh lúc mọi chuyện chấm dứt, một cuộc chiến mà họ đã có thể thắng: Lê Văn Hưng (sinh năm 1933), Lê Nguyên Vỹ (sinh năm 1933), Nguyên Khoa Nam (sinh năm 1927), Trần Văn Hai (sinh năm1927), và Phạm Văn Phú (sinh năm1927).”(ngưng trich)
Lại sắp tới một ngày 30 tháng 4 đau buồn nữa. Nhưng, dường như càng ngày lại càng có thêm nhiều sự thật về Việt Nam trong những năm chiến tranh được phơi bày ra ánh sáng, như “cuốn sách đáng yêu” của nhà báo Đức Uwe Siemon-Netto.
Nhiều người đang chờ cuốn sách được xuất bản để được đọc đầy đủ những sự thật mà tác giả đã phanh phui ra, và để được biết thêm VNCH đã bị truyền thông “đồng minh” Hoa Kỳ và phương Tây thường xuyên bôi bẩn ác độc ra sao, và dơ dáy, hèn hạ tới đâu, và cũng để thấy ngay từ thập niên 1950, 60 của thế kỷ trước “công dân Việt ở miền Nam đã có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”, nhưng chính Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Kennedy đã đâm vào sau lưng đồng minh VNCH bằng cách nhúng tay vào cuộc đảo chánh bất lương đẫm máu ngày 1.11.1963 đưa đến cái chết của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm được dân miền Nam bầu ra một cách ôn hòa, hợp pháp.
Theo những tài liệu chính xác và các nhân chứng có thẩm quyền, chính TT Kennedy đã “bật đèn xanh” cho tội ác này, và mặt ông ta đã trở nên “xám ngoét như tro” (ashen) khi nghe tin anh em ông Diệm đã bị giết chết. Và rồi, chỉ vài tuần lễ sau chính Kennedy cũng đã bị giết chết trong một vụ ám sát chính trị gây nhiều tranh cãi cho tới nay.
Phó Tổng thống Lyndon Johnson lên thay, đã tuyên bố: “Lật đổ TT Diệm là lỗi lầm to lớn nhất đã làm cho chính sách ngăn chận (làn sóng đỏ) của Hoa Kỳ tại Á Châu thất bại”.
Bây giờ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bảo rằng “Công dân Việt không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”!
Thế này là thế nào? Và, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có tuyên bố rằng “công dân Tàu không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”, hay “công dân Bắc Hàn không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”, và “công dân Cuba không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”?
Trong lịch sử thế giới, chưa có nước nào bị đảng Cộng sản thống trị mà dân nước ấy có thể “thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”. Trước đây 30 năm, Liên Sô và các nước cộng sản chư hầu Đông Âu đã “thay đổi chính phủ” qua những cuộc cách mạng – đổ máu hay không đổ máu – do dân nổi dậy và nhờ có sự tiếp tay của các cấp lãnh đạo đã giác ngộ trong đảng Cộng sản.
Thiếu sự hợp tác này, các cuộc nổi dậy của người dân đã bị đàn áp thẳng tay và bị trừng trị dã man, như các vụ nổi dậy tại những nước Đông Âu trước năm 1989 và của thanh niên, sinh viên Trung Hoa tại Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989.
Chính trong bản tin của Bộ Ngoại Giao Hòa Kỳ cũng xác nhận “Hồi tháng 5/2021, Chính phủ Việt Nam quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 15... Hai người nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội là các ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt giữ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, sau đó bị tuyên án lần lượt là 5 năm và 6,5 năm tù giam với cáo buộc "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.”
Hay, thực ra Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ muốn nói “đảng Cộng Sản Việt Nam không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”, nhưng nghe cũng không thuận lý, vì trong lịch sử thế giới chưa có đảng Cộng Sản nào có “khả năng” như vậy.
Trong đảng Cộng sản Việt Nam chưa thấy có đảng viên cấp cao nào tỉnh ngộ và tiếp tay với dân để “thay đổi chính phủ một cách ôn hoà”. Chỉ có những đảng viên cò con giác ngộ, bỏ đảng, và chửi đổng như cựu cán binh Lê Minh Đức nào đó trong bài dưới đây:
"Nếu một người cứ đứng trên quan điểm phân biệt bạn thù của đảng cộng sản Việt Nam, thì tôi nói thật, hận thù đó không nguôi được. Vì sao ư? Vì quá nhục. Này nhé. Ta chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, coi Mỹ là kẻ thù giai cấp, kẻ thù của hoà bình thế giới. Ta thắng nó với lòng tin rằng chẳng bao lâu sau thằng tư bản sẽ quỳ gối trước mặt phe cộng sản để cầu xin ân huệ.
Thế mà tất cả những gì ta hy sinh cho cuộc chiến 20 năm máu lửa đó, trong phút chốc bỗng biến thành trò cười rẻ tiền. Chủ nghĩa cộng sản sụp tan thành mây khói. Nay ta quay lại cầu xin nó, theo đuôi nó xây dựng chủ nghĩa tư bản, năn nỉ nó công nhận ta là kinh tế thị trường. Bao thế hệ hy sinh chống Mỹ để thấy những thế hệ sau chiến tranh lớn lên hướng về văn hoá Mỹ, cuồng Mỹ. Hoá ra những gì ta làm trong quá khứ đều sai, đều ngu muội, đều vì ta có tầm nhìn không quá lũy tre làng.
Hỏi như thế có nhục không? Mà nhục như thế thì quên thế nào được. Nay ta trải thảm đỏ mời Mỹ quay lại. Cái mặt dày đểu cáng ta biết giấu vào đâu? Đành phải lôi lại chuyện quá khứ rằng Mỹ giết dân ta. Thì sao, nó không giết ta để ta giết nó hay sao? Trong cuộc chiến tranh do ta chủ trương, có thằng nào không phải là Việt Cộng trong mắt người Mỹ. Ta sống trong dân, ta giấu vũ khí trong vườn nhà dân. Dân và ta đều quần đùi đen, áo bà ba đen, tay cầm liềm cắt cỏ mà AK 47 giấu trong bờ ruộng. Ta đánh úp nó chết nhăn răng vì nó tưởng du kích ta là dân lành.
Trong khi đó ta giết chính đồng bào ta, ta trói đồng bào ta như trói gà, rồi ta chặt đồng bào ta làm ba khúc sau vườn. Ta dùng cuốc đập đồng bào ta vỡ sọ. Ta chôn sống đồng bào ta sau khi bắt chính họ đào huyệt...Ta tuyệt đối không nhắc lại chuyện đó. Ta tuyệt đối tìm cách quên rằng thằng đàn anh Trung Quốc đã giết đồng bào ta còn tệ hơn giết chó, máu chảy thành sông ở biên giới phía Bắc. Và ta vẫn tiếp tục thờ lạy nó.
Ta là ai? Ta là đảng cộng sản Việt Nam. Ta là thứ cặn bã của dân tộc này. Ta là thứ mọi rợ đạo đức giả. Ta là loài khỉ đột đã xua đuổi được mọi nền văn minh để tiếp tục tự sướng với nhau trong bóng tối của thời trung cổ. Và còn nữa? Hãy chờ xem ta sẽ nghiến nát kẻ thù (nhân dân) như đàn anh Trung Quốc của chúng ta dùng xe tăng xay thịt nhân dân chúng nó thành thức ăn cho súc vật trên quảng trường Thiên An Môn.
Ta là quái thai thời đại. Ta không xứng đáng đứng ngang hàng với loài người văn minh trên trái đất này. Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt". (hết trích)
Ôi! “Đại thắng Mùa xuân” năm 1975, quang vinh hay ô nhục?
Ký Thiệt
Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 505 (Đời Nay ra ngày 22.4.2022)
Người khỉ
Peter C. Trần
Thuyết tiến hoá của Darwin cho rằng con người từ khỉ biến thành. Ai tin kệ bà họ đi! Tui chỉ thắc mắc một điều là tại sao tới giớ này vẫn còn biết bao nhiêu loài khỉ trên trái đất này vẫn là khỉ, mà không chịu tiến hoá thành người? Câu hỏi thứ hai: Tại sao có những tộc người đã biến thành người rồi, mà óc của họ vẫn còn y như óc khỉ? Nhức đầu ghê!
Bên kia bờ Thái Bình Dương, cách nước Mỹ 8,568 miles (13,814 km) đường chim bay, vẫn còn một bầy khỉ chưa tiến hoá thành người. Chúng cũng bắt chước (bắt chước là đặc tính của loài khỉ) mang giày mỏ vịt, khoát áo vest, đeo cà vạt như người Mỹ (và người Tây), nhưng bên trong lớp vải màu mè kia vẫn còn y nguyên lông lá, và trong cái quần tây được nai nịt kia vẫn còn nguyên vẹn cái đuôi khỉ quấn tròn, cố giấu! Và quan trọng nhứt, óc của chúng vẫn 99.99% là óc khỉ!
Năm nào cũng vậy, cứ tháng Tư đen về là tui nghĩ đến loài khỉ chưa kịp tiến hoá thành người. Tui gọi chúng là NGƯỜI KHỈ. Nói văn hoa một chút, là những con dã nhân! Dã là hoang dã, hay dã man. Nhân là người.
Năm nào cũng vậy, cứ Tháng Tư đen về, người ta lại có dịp đọc lại những bài viết về cuộc đầu hàng của Tướng Lee, Tư Lệnh quân miền Nam, với tướng Grand, Tư Lệnh miền Bắc. Cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam-Bắc nước Mỹ, đã lấy đi sinh mạng của hàng triệu quân và dân Mỹ. Đó là cuộc chiến khốc liệt, đẫm máu nhất lịch sử Mỹ. Điều đáng nói nhất ở đây là, khi cuộc nội chiến Mỹ chấm dứt, không có chuyện “triệu người vui và triệu người buồn” như ở cái xứ sở hồng hoang, bên kia bờ đại dương nọ, nơi vẫn còn một loài khỉ chưa tiến hoá kịp thành người. Ngược lại, toàn quân và toàn dân Mỹ, tất cả đều mừng rơi lệ, hân hoan cho một kết cuộc đẹp như chuyện thần tiên, bởi vì “bên thắng cuộc” không kiêu, và kẻ bại trận không hề thấy nhục. Hoàn toàn không có hận thù truyền kiếp. Nước Mỹ đã “hoà hợp, hoà giải” ngay ngày tướng Lee đầu hàng, không cần thời gian, không cần bất cứ một lời kêu gọi “hoà giải” từ bên nào cả. Nói nó đẹp như chuyện thần tiên thiệt là không cường điệu một chút xíu nào cả!
Năm nào cũng vậy, cứ tháng Tư đen về, người ta lại được đọc những bài viết về tướng Douglas MacArthur, vị Tướng Mỹ “tiếp quản” nước Nhật khi họ đầu hàng đồng minh sau hai quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Tại sao vậy? Bởi vì cách hành xử của kẻ chiến thắng rất cao thượng, đầy nhân đạo, chan chứa tình người đối với kẻ bại trận. Kẻ bại trận đã đầu hàng vô điều kiện, hà cớ gì quân Mỹ phải dùng xe tăng húc đổ cổng tường hoàng cung của Nhật Hoàng? Nhật Hoàng, một trong những kẻ chủ chiến của thế chiến thứ II, gây ra biết bao tang tóc, đau thương cho toàn thế giới, đáng lẽ phải bị xử voi giày, ngựa xé (ngũ mã phanh thây), hay tùng xẻo (lóc từng miếng thịt) cũng chưa vừa tội, vậy mà được tha. Thay vì đem xe, đem tàu, đem máy bay hốt của chở đi, nước Mỹ còn cấp tốc viện trợ nhân đạo để cứu dân Nhật. Sao bọn tư bản giãy chết có thể nhân từ, độ lượng, bao dung với kẻ thù như vậy được? Khác xa bọn thổ phỉ khi chiến thắng thì giết chồng, giựt vợ, hốt của cải, lưu đày đối phương đến thân tàn ma dại, sống không bằng chết! Cùng nòi cùng giống mà chúng còn ác như vậy. Nếu giao cho chúng “tiếp quản” nước Nhật, thì nước Nhật sẽ ra sao? “Thành không nhà trống”, 7000 đảo lớn nhỏ của Nhật trở nên hoang vu, máu chảy ngập sông, tràn núi, bởi vì cả chó mèo chúng cũng không tha, y như quân xâm lược Mông Cổ, thời Thành Cát Tư Hãn!
“Chuyện tào lao” của Mười Lúa từ bài 1 đến bài thứ 68, về mọi đề tài, lúc nào cũng tưng tửng, nửa đùa nửa thiệt, viết thiệt như chơi, viết chơi mà thiệt, và nhất là không có “đằng đằng sát khí” hay chửi banh nhà lồng chợ như Trang Lê, Lisa Phạm,.... Bài nầy tui tự nhủ lòng: ráng đừng phá lệ. Tuy nhiên, nếu thấy Mười Lúa tui cay cú, nổi nóng muốn chửi thề, hay uất hận đến tận bản họng mà phát lời nguyền rủa, thì xin hiểu cho, vì năm nào cũng vậy, cứ tháng Tư đen là Mười Lúa rất dễ nổi cơn! Chỉ cần nghe ai nói, hay ai viết hai chữ “giải phóng”, cũng đủ cho mười Lúa lên tăng xông liền!
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì xin mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Mệt cứ nghỉ. Tui viết đến mệt hay đến lúc phát quạu, cũng sẽ tắt máy nghỉ.
1. Tướng Lee đầu hàng tướng Grant.
Thân phụ của Robert E. Lee là một danh tướng. Robert E. Lee nối gót cha, chọn binh nghiệp, và ông đã tốt nghiệp từ trường Đại Học quân sự danh giá nhất nước Mỹ, West Point, với thành tích Á Khoa. Trong cuộc nội chiến Nam-Bắc từ 1861 đến 1865, ông là Tư lệnh của quân miền Nam (Confederacy), với nhiều chiến công oanh liệt, từng làm cho quân đội của miền Bắc nhiều phen thất điên bát đảo! Thắng hay bại có khi cũng không do tài năng, mà còn tuỳ vào nhiều yếu tố khác nữa. Có lẽ ông và dân miền Nam cũng không ngờ có ngày phải thua trận, lâm vào đường cùng. Dân gian mình nói “người tính không bằng trời tính”, hay “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Vào ngày 9 tháng Tư, 1865 (cũng là tháng Tư), quân đội liên quân Miền Nam đầu hàng Tướng Ulysses S. Grant, Tư Lệnh Liên Quân miền Bắc (The Union, hay quân đội Liên Bang). Tướng Grant của Liên bang đã đưa ra những điều kiện rộng lượng nhất trong lịch sử chiến tranh. Những điều kiện đầy bao dung, chan chứa tình người, tình anh em một nhà, đã góp phần tái thống nhất một quốc gia đã bị cuộc nội chiến tang thương chia cắt thành hai. Miền Nam có Tổng Thống Jefferson Davis, có Quốc Hội, có Hiến Pháp của họ, trong đó họ cho phép sự tồn tại của chế độ nô lệ. Chánh quyền Liên Bang (miền Băc), có TT Abraham Lincoln, và dĩ nhiên có QH, có Hiến pháp từ thời lập quốc.
Tướng Grant bốn mươi hai tuổi, điềm tĩnh, lạnh lùng, nhưng rất nhân hậu, con của người thợ thuộc da, cuối cùng cũng đã đánh bại quân Miền Nam.
Đối thủ của ông, Tướng Lee, râu tóc bạc phơ, năm mươi bảy tuổi, là Tư Lệnh quân đội lỗi lạc nhất trong cuộc chiến, một con người về mọi phương diện đều xứng đáng với truyền thống kiêu hùng của tổ tiên. Miền Nam tôn thờ nhà lãnh đạo quý tộc này. Miền Bắc cũng sợ và kính trọng ông ta.
Quân của Lee tứ bề thọ địch, không đường thoát, và cạn lương thực. Ông không còn chọn lựa nào khác hơn. Ông gởi thư cho Grant, và sai thư ký quân đội, Đại tá Charles Marshall, chọn một nơi thích hợp cho cuộc hội nghị liên quan đến những điều kiện để đầu hàng.
Lee và Marshall đến điểm hẹn trước Grant. Grant đi vào một cách vội vả với bộ đồ trận còn lấm lem bùn chưa kịp thay, vì ông không muốn để Lee phải chờ lâu. Ông đối xử với Lee như một quí khách chớ không phải kiểu “kèo trên” của “bên thắng cuộc”.
Hai người đã gặp nhau lần cuối cách đó mười bảy năm khi cả hai còn là sĩ quan trong cuộc chiến tranh với Mexico. Cuộc trò chuyện hôm nay cứ miên man về những kỷ niệm thời ấy. Grant mải mê chuyện trò đến nỗi Lee phải nhắc Grant rằng họ gặp nhau để bàn về việc Quân đội miền Nam đầu hàng.
Grant ngay lập thức đề nghị rằng những sĩ quan và binh lính nào hứa danh dự không cầm vũ khí chống lại Hoa Kỳ, sẽ được phép trở về nhà. Chỉ cần cam kết vậy là đủ! “Điều này sẽ khiến cho quân đội tôi rất vui,” Lee nói, vì ông thấy lính của ông sẽ không bị áp giải đến nhà tù.
Rồi Grant hỏi Lee có đề nghị gì không. Lee hỏi Grant: “Những kỵ binh và pháo binh của quân miền Nam, tất cả họ đều là chủ nhân của những con ngựa họ dùng trong chiến tranh, vậy họ có được phép đưa ngựa của họ về lại nhà họ để cày cho vụ xuân tới không?” Tổng tư lệnh quân đội Liên bang đồng ý ngay không cần suy nghĩ. Lee lại bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc.
Trong khi những điều kiện đầu hàng được ghi ra giấy và sự chấp nhận những điều kiện đầu hàng được thảo ra Grant giới thiệu với Lee những vị tướng Liên bang đứng phía sau mình. Rồi Lee nói với Grant rằng, ông có 1,000 tù binh Liên bang nhưng ông không có lương thực cho họ, vì ngay cả lính ông cũng chẳng còn lương thực. Tướng tư lệnh miền Bắc, nghĩ rằng tướng địch quân miền Nam vẫn còn chỉ huy đến 25,000 quân (con số này cao hơn thực tế nhiều), liền hứa cung cấp 25,000 phần ăn cho quân miền Nam. Lee chấp nhận sự giúp đỡ này với lòng biết ơn chân thành.
Khi Lee đi ra mái hiên, vài sĩ quan Liên bang đứng bật dậy chào. Tướng tư lệnh quân miền Nam chào lại. Khi Lee đã lên con ngựa Traveler, một chút sau, Grant cũng lên ngựa của ông, và ông bất ngờ đứng lại và giở mũ ra để tỏ lòng kính trọng tướng Lee. Những sĩ quan Liên bang khác cùng làm theo. Lee nhắc mũ lên đáp lại, rồi phi ngựa quay về để báo cho binh lính của ông rằng chiến tranh đã kết thúc.
Một cuộc hội đàm đầu hàng giữa hai Đại Tướng của hai phe, diễn ra một cách nhanh chóng, đơn giản, khó ai tin nổi! Không kì kèo, không mặc cả, không ai khó dễ ai! Hoà bình, hoà giải dân tộc, cùng xây dựng một đất nước, là điều quan trọng hơn hết đối với họ. Sĩ diện không có chỗ đứng ở đây dù là thứ sĩ diện của kẻ thắng hay của người thua. Chỉ có tình người, tình yêu quê hương.
Khi Lee về đến lều, các sĩ quan và lính chen nhau đến gặp ông để nói lời chia tay. Giọng run run, ông dặn dò họ nhiều lần là hãy đi về nhà, gieo trồng cho vụ mùa, và tuân thủ luật pháp.
Lee và Grant sau đó có cuộc hội đàm khác trên một ngọn đồi nằm ở giữa hai chiến tuyến. Tại đây họ trò chuyện thân thiết trong hơn nửa giờ và thảo luận về việc ân xá cho binh lính miền Nam và tương lai của miền Nam.
Trên đường quay về tổng hành dinh Lee bất ngờ gặp Tướng George G. Meade, tư lệnh Quân đội Potomac của miền Bắc, đang phi ngựa đến thăm ông. “Ông làm gì mà râu tóc bạc nhiều vậy?” Lee hỏi tướng miền Bắc. “Chính ông đã làm cho râu tóc tôi bạc nhanh đến thế,” Meade cười đáp.
Họ chẳng còn nhớ gì những ngày “sống mái” với nhau ngoài chiến trường. Họ như những bẳng hữu thân quen.
Ngày 11 tháng Tư hai bên đã thảo ra kế hoạch chi tiết cho việc ân xá và đầu hàng. Ngày hôm sau tàn quân của quân đội miền Nam kiêu hùng, với Tướng Gordon dẫn đầu, họ đi dọc theo đồi về hướng Tòa án Appomattox. Ngay trước khi họ đến, họ thấy hai lữ đoàn quân Liên bang đứng thành hàng dọc theo hai bên đường dưới sự chỉ huy của Tướng Joshua L.Chamberlain, người được trao Huân chương Danh dự của Quốc hội vì đã chiến đấu anh dũng ở Gettysburg.
Khi quân miền Nam đi ngang qua, những người lính Liên bang bồng súng chào và những người lính miền Nam chào lại. Hết sư đoàn này đến sư đoàn khác bỏ vũ khí xuống thành từng đống và cũng bỏ xuống những lá cờ trận bị đạn bắn rách tả tơi.
“Về phần chúng tôi,” Tướng Chamberlain về sau kể, “thì không một tiếng kèn cũng chẳng một hồi trống, không một lời mừng vui, cũng chẳng một lời thầm thì về hư vinh của chiến thắng… mà đúng hơn là sự im lặng thành kính, và nín thở, như thể trước mắt mình là người đang chết.”
Tướng Lee vẫn ở trong trại cho đến khi nghi lễ đầu hàng xong. Trong lúc những người lính của ông trông ngóng về hướng quê nhà thì ông bắt đầu lên đường về Richmond. Tư lệnh Liên bang nhứt định cho một đoàn hai mươi lăm kỵ binh đi theo tiễn đưa ông mấy dặm đường.
Grant đã rời Appomattox trước khi những người lính miền Nam giao nộp vũ khí và cờ. Ông không muốn chứng kiến kết cục bi thương của quân đội kiêu hùng mà ông đã đánh bại.
Thủ Tướng Anh, Winston Churchill, gọi đây là “cuộc chiến tranh cuối cùng giữa những người quân tử”!
Mười Lúa nói rằng: Đây là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nhưng kết thúc không phải là một thảm kịch, mà nó kết thúc đẹp như chuyện thần thoại!
2. MacArthur, “một công thần lập quốc” của Nhật.
Tháng 8/1945, MacArthur, vị Thống Tướng 65 tuổi của Mỹ, được cử làm Tư lệnh Tối cao Quân đội Đồng minh (Supreme Commander for the Allied Powers, SCAP). Ngày 30/8, ông đến Tokyo. Ngày 2/9, ông ký văn kiện chấp nhận Nhật đầu hàng trên tàu chiến Missouri của Mỹ, neo trong vịnh Tokyo. Phát biểu tại nghi lễ ấy, ông nói về việc sẽ tạo ra một “thế giới tốt đẹp hơn” cho nước Nhật. Không hề lên giọng kẻ cả hay hù doạ kẻ bại trận.
McArthur đại diện cho “bên thắng cuộc”, đáng lẽ với quyền bính “hô mưa gọi gió” của một “Toàn Quyền”, ông ta phải hành hạ “bên thua cuộc” cho nhừ tử mới phải! MacArthur là chúa tể nước này trong khoảng 6 năm sau Thế chiến II, quyền lực cao hơn cả vua nước Nhật, nhưng ông hiền khô, với tâm địa của một thánh nhân.
Sự đóng góp của MacArthur đối với nước Nhật lớn tới mức: ông là người ngoại quốc duy nhất, được xếp vào danh sách “Mười hai người tạo dựng nước Nhật” (The Twelve Men Who Made Japan). Nói kiểu cải lương, thì ông là một trong mười hai vị “công thần lập quốc”, đưa nước Nhật lên hàng cường quốc. Ông đã đem lại cho người Nhật những thứ họ chưa từng biết đến: chế độ chính trị dân chủ, bình đẳng nam nữ, tự do ngôn luận, nền kinh tế không có các đại tập đoàn gia tộc, v.v…
Người Nhật gọi đức vua của họ là Thiên Hoàng, vì họ tin rằng gia tộc nhà vua là dòng dõi của Thiên Chiếu Đại Thần, tức Thần Mặt Trời Amaterasu, là thần, không phải người phàm, vì thế được quyền cha truyền con nối cai trị nước Nhật suốt lịch sử, chưa hề bị thay bằng người khác gia tộc.
MacArthur hiệu lịnh cả đương kim Thiên Hoàng Hirohito (bên thắng cuộc mà), nên người Nhật gọi ông là Thái Thượng Hoàng, tức hoàng đế đã truyền ngôi cho con nhưng vẫn nắm thực quyền.
MacArthur chủ trương tạo dựng một nước Nhật dân chủ, phi quân sự, phi tập trung quyền, hạn chế chủ quyền quốc gia vào 4 đảo chính (Honshu, Hokkaido, Shikoku, Kyushu) và một số đảo nhỏ. Chế độ chiếm đóng kéo dài 6 năm 8 tháng kết thúc ngày 8/9/1951, khi 51 quốc gia ký với Nhật Hòa ước San Francisco. Sau khi Hòa ước có hiệu lực (28/4/1952), Nhật trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền, và năm 1956 gia nhập Liên Hợp Quốc. Mỹ không hề chiếm biển đảo hay một tấc đất nào của Nhật.
Mỹ đã huy động 350,000 quân để giải giới và chiếm đóng nước Nhật, nhằm bảo đảm sự tuân thủ các điều kiện đầu hàng. Mỹ đã tiến hành giải thoát tù binh, sa thải toàn bộ viên chức chính quyền quân phiệt, tước vũ khí và giải tán quân đội Nhật, buộc toàn bộ hơn 7 triệu lính Nhật trở về gia đình. Hai Bộ Lục quân và Hải quân Nhật bị giải tán. Tất cả đạn dược và vũ khí, thiết bị quân sự bị phá hủy. Công nghiệp quân sự chuyển sang sản xuất hàng dân dụng.
MacArthur đã không hành xử theo thói thường của phe thắng cuộc để xử tử hay truất phế Thiên Hoàng Hirohito. Hirohito cũng đã hân hoan chấp nhận tất cả các chủ trương của MacArthur về quản trị nước Nhật. Ngày 1/1/1946, Hirohito đọc bản Tuyên ngôn Nhân gian (Ningen-sengen) trên đài truyền thanh: lần đầu tiên trong lịch sử tuyên bố rằng Thiên Hoàng chỉ là người thường, không phải thần thánh, nghĩa là chấp nhận từ bỏ địa vị nắm quyền tối cao của quốc gia. Như vậy MacArthur là người lãnh đạo cao nhất nước Nhật.
MacArthur cũng ra lệnh cấm quân đội Đồng minh tấn công người Nhât và cướp lương thực, thực phẩm của Nhật. Ông yêu cầu Chính phủ Mỹ viện trợ khẩn cấp lương thực thực phẩm cho Nhật để ngăn ngừa nạn đói và rối loạn chính trị. Sau chiến tranh, nước này chỉ còn là đống tro tàn. 9 triệu người không có nhà ở, 13 triệu người thất nghiệp. Bộ Tài chính Nhật báo cáo có 10 triệu dân bị đói. Đường phố đầy người ăn xin, phần lớn là lính giải ngũ và người tàn tật. Khẩu phần ăn của mỗi viên chức chỉ bằng một nửa so với tiêu chuẩn 2,200 calorie/ngày. Đã vậy, mùa màng năm 1945 lại tệ hại nhất trong 30 năm. Giá lương thực đắt gấp 7.5 lần. MacArthur lập tức tìm mọi cách cứu đói. Ngay từ cuối năm 1945 ông sửa lại kế hoạch đưa quân đội Mỹ đến chiếm đóng Nhật, giảm bớt 200,000 người, lấy số lương thực dư ra để giúp dân Nhật. Năm 1946, ông đề nghị Chính phủ Mỹ viện trợ không hoàn lại cho Nhật 330 triệu USD. Năm 1947, thêm 297 triệu USD. Quốc hội Mỹ đáp ứng mọi yêu cầu cứu đói dân Nhật do MacArthur nêu ra. Nhờ đó tới năm 1948, công chức Nhật đã được hưởng khẩu phần 2,000 calorie/ngày. Năm 1949, dự trữ lương thực từ số không lên tới 3 triệu tấn. Sản lượng gạo năm 1950 đạt 9.5 triệu tấn. Dân Nhật không phải ăn bo bo, khoai mì, khoai lang đến trẹo bản họng dưới sự cai trị của “quân thù”, bởi vì “quân thù” chỉ cho thêm chớ không cướp đi!
Hiến pháp mới với quyền tự do dân chủ, và nguyên tắc tam quyền phân lập. Thiên Hoàng bị tước bỏ địa vị nắm quyền tối cao của quốc gia, chỉ còn là “Tượng trưng của quốc gia Nhật, của khối thống nhất quốc dân Nhật”. Việc cải cách triệt để chế độ Thiên Hoàng đã quét sạch chủ nghĩa độc tài chuyên chế phong kiến và đánh sập trụ cột tinh thần của chủ nghĩa phát xít Nhật.
Thường tình, dân nước bại trận rất sợ quân đội nước thắng trận sẽ có những hành động trả thù. Khi chuẩn bị đón lính Mỹ tới chiếm đóng, chính quyền Nhật đã lập nhiều nhà thổ, tập trung gái điếm để “phục vụ” lính Mỹ, nhằm tránh xảy ra nạn lính Mỹ cưỡng bức phụ nữ Nhật. Nhiều cô gái Nhật cắt tóc ngắn giả làm con trai, có nhiều cô còn mang theo thuốc độc để tự tử nếu bị cưỡng bức… Nhưng phụ nữ Nhật đã không phải lo sợ. MacArthur chỉ thị lính Mỹ phải tôn trọng dân bản xứ, ví dụ phải bỏ giày khi vào nhà, giúp đỡ các trẻ em thiếu ăn, nhường đường cho họ v.v… Vì thế người Nhật từ chỗ e sợ trở nên quý mến quân Mỹ. Chỉ sau 6 tháng đổ bộ lên đất Nhật, lính Mỹ ra đường không cần mang vũ khí tự vệ nữa. Và khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, MacArthur đã có thể yên tâm rút phần lớn quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật sang mặt trận Triều Tiên chiến đấu trong lực lượng Liên Hiệp Quốc do ông chỉ huy chống lại Bắc Triều Tiên. Hoàn toàn không giống xứ sở của loài khỉ, lúc nào cũng nhìn thấy “thế lực phản động” quanh mình! Không tạo ra kẻ thù, thì làm gì có kẻ thù?
MacArthur không phải là kẻ mị dân, lúc nào cũng quần áo bảnh bao xuất hiện trước ông chúng, với những lời lẽ gian trá, nói ba tô gom lại không còn một chén. Ông rất ít gặp người Nhật, chỉ tiếp xúc với một số quan chức Nhật cấp cao, nhưng tuyệt đại đa số dân Nhật có thiện cảm với ông tới mức say mê, tôn kính ông như tôn kính Thiên Hoàng, coi ông là cứu tinh của nước Nhật. Họ gửi tặng ông vô số quà biếu và lời mời. Cách thể hiện tình cảm thú vị nhất là họ viết thư cho ông. Tổng cộng MacArthur đã nhận được khoảng nửa triệu bức thư từ dân chúng Nhật. Nhiều người cảm ơn chính sách rộng lượng của MacArthur và nước Mỹ. Có cả thư tố cáo những tên phát xít còn ẩn náu trong dân. Nhà văn Nhật Sodei Rinjiro từng viết cuốn sách có tên “Tướng MacArthur thân mến: Những bức thư gửi từ người Nhật trong thời gian Mỹ chiếm đóng” (xuất bản 2001). Sodei đã đọc hơn 10 nghìn thư, và trích đăng vào cuốn sách của mình 120 bức thư thú vị và quan trọng.
Người Nhật yêu thương và tôn kính MacArthur vì ông đã giải thoát họ khỏi chiến tranh, đói nghèo, khỏi ách áp bức của chế độ chính trị chuyên chế Nhật, cũng như khỏi tâm trạng chán chường thất vọng. Dưới sự cai trị của MacArthur, đội quân chiếm đóng Nhật trở thành đội quân “giải phóng” nhân dân Nhật. Trước và trong chiến tranh, người Nhật sống dưới ách cùm kẹp của bọn quân phiệt. Hệ thống cảnh sát quân sự Kampeitai theo dõi thái độ chính trị của từng người. Chúng không cho dân được nói ý kiến của mình. Chúng bỏ tù hoặc giết bất cứ ai dám có ý kiến khác với chính quyền hoặc không ủng hộ các nỗ lực chiến tranh. Vì thế khi SCAP ban hành các sắc lệnh thủ tiêu mọi sự hạn chế quyền lợi của dân chúng, người Nhật vô cùng cảm động, phấn khởi và biết ơn người Mỹ. Ngay từ tháng 10/1945, chỉ hai tháng sau ngày “tiếp quản”, MacArthur đã tuyên bố toàn dân Nhật có quyền tự do phát ngôn và hội họp. Ông ra lệnh cho Thủ tướng Nhật mở rộng quyền của các công đoàn, trao cho phụ nữ quyền tự do ngôn luận và bầu cử.
Nhiều sử gia cho rằng việc đưa nước Nhật đi từ chế độ quân phiệt phong kiến lên chế độ dân chủ hiện đại là công trạng lớn nhất của MacArthur, lớn hơn bất cứ chiến công nào ông từng lập được trên các chiến trường Thế chiến I, II và chiến tranh Triều Tiên.
Hết lòng giúp đỡ nhân dân nước thù địch bại trận, là một nghĩa cử cao cả, là một chính sách sáng suốt, đã đem lại cho nước Mỹ thiện cảm của nhiều người. Phát xít Nhật là kẻ thù tàn bạo nhất, gây ra nhiều thiệt hại nhất cho nước Mỹ trong Thế chiến II. Nhật không tuyên chiến với Mỹ, mà hèn hạ đánh lén Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), làm hơn 3,000 người Mỹ thương vong, gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương tàn khốc. Lính Nhật đã tra tấn, hành hạ đến chết nhiều tù binh Đồng minh. Tội ác của chúng khiến dân Mỹ kinh tởm…. Vì thế tướng MacArthur đã phải chịu sức ép lớn từ trong nước khi ông yêu cầu nước mình viện trợ lương thực cứu đói nước Nhật. Nhờ MacArthur có uy tín rất cao trong dân Mỹ, nên các yêu cầu của ông đều được chấp nhận. Sự viện trợ to lớn, hào hiệp của nước Mỹ đã giúp người Nhật thoát khỏi tình cảnh vô cùng khó khăn, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Ngay từ ngày mới đến Nhật, MacArthur từng chân thành thổ lộ ý muốn biến nước Nhật thành một Thụy Sĩ phương Đông. Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là thời cơ có một không hai giúp kinh tế Nhật cất cánh. Sản xuất công nghiệp tăng vọt do nhận được những đơn đặt hàng khổng lồ của quân đội Mỹ. Rốt cuộc nước Nhật thù địch trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới và đồng minh trung thành của Mỹ.
MacArthur một mình cai trị toàn diện nước Nhật bại trận trong gần 6 năm, bỏ ngoài tai mọi ý kiến bất đồng của các nghị sĩ và quan chức Mỹ. Người ta gọi ông là “nhà độc tài thần thánh” (Godlike dictator). Nhưng nhà độc tài ấy được đông đảo dân Nhật thực sự tôn kính với lòng biết ơn sâu sắc. Có phụ nữ Nhật viết thư xin được sinh con với ông. Ngày ông trở về Mỹ, hàng trăm nghìn người Nhật kéo nhau ra đường đưa tiễn, hô vang “Đại nguyên soái”, nhiều người nước mắt ròng ròng. Khóc thiệt, chớ không phải khóc kiểu “thương tiếc lãnh tụ vô vàn kính yêu” của tộc khỉ!
Hồi ký của Kiichi Miyazawa (Thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993) viết:
Ngày 11/4/1951, báo đài đưa tin MacArthur bị miễn chức. Tin này làm người Nhật vô cùng sửng sốt, họ không thể nghĩ tới chuyện Thống tướng MacArthur lại có thể bị bãi miễn dễ dàng bởi một mệnh lệnh của Tổng thống.
Ngày 16/4, MacArthur rời Tokyo về Mỹ. Hôm ấy dân chúng Nhật đứng chật kín suốt hai bên đường từ trụ sở SCAP tới sân bay Haneda. Thủ tướng Nhật cùng toàn thể thành viên Chính phủ ra sân bay tiễn đưa. Tôi đứng sau Bộ trưởng Tài chính, đối diện với chiếc chuyên cơ. MacArthur cùng vợ và con trai lần lượt bắt tay từng quan chức. Khi MacArthur bước lên thang máy bay, một quan chức Nhật bỗng hô to “MacArthur muôn năm !” Thế là tất cả mọi người đều giơ tay hô theo “Muôn năm”….
Douglas MacArthur qua đời ngày 5/4/1964 tại Washington, D.C, thọ 84 tuổi. Ông đã ra người thiên cổ, nhưng tên ông vẫn mãi mãi trong trái tim người dân Nhật, và tiếng tăm của ông vang lừng khắp thế giới. Ngược lại, ở một xứ nào đó, bên kia bờ Thái Bình Dương, khi có một “lãnh đạo” chuyển từ sống sang từ trần, thì bàng dân thiên hạ đua nhau mua bia, ăn mừng với không biết bao nhiêu lời phỉ nhổ, xách mé! Một bậc vĩ nhân từ biệt cõi đời, khác một trời một vực với một con khỉ “đi bán muối” là vậy đó!
Kết luận:
* Cái kết của cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Mỹ, tính đến năm 2022, đúng 157 năm. Thời đó còn nô lệ, còn chút dã man, mà họ đã hành xử đẹp đến như vậy, quả là một kỳ tích đáng muôn đời ghi vào sử xanh. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở xứ Vệ, kết thúc cách đây chỉ 47 năm, nhưng người ta tưởng nó kết thúc cách đây cả hàng ngàn năm, cái thời kỳ người còn ăn thịt người, người còn uống máu người!
* Nếu tướng Grant, đại diện cho “bên thắng cuộc” không hành xử một cách cao thượng với bên thua cuộc, thì câu hỏi đặt ra là liệu nước Mỹ có “hoà hợp hoà giải dân tộc”, có thể thật sự thống nhất vĩnh viễn để trở thành một cường quốc như hôm nay hay không? Hỏi là trả lời.
* Nếu Tướng Grant “cắc bùm” hết phe bại trận, tịch thu tài sản, bắt họ làm nô dịch, xếp họ vào loại công dân hạng thứ n, thì thử hỏi mầm móng chiến tranh có bùng phát lần nữa hay không? Hỏi là trả lời! Còn vô số câu hỏi và những câu trả lời tương tự. Người đọc cứ hỏi và tự trả lời cho Mười Lúa khỏi tốn công viết!
* TT Abraham Linlcon và quân đội miền bắc mới thật sự là “quân giải phóng”. Họ giải phóng người da đen khỏi chế độ nô lệ. Mấy triệu người Mỹ ngã xuống để hoàn tất công cuộc “giải phóng” này. Người da đen nói chung, và người da màu trên đất Mỹ có được cuộc sống tự do, bình đẵng như ngày hôm nay, là nhờ xương máu của họ đã nhuộm thấm mảnh đất này.
* Người Nhật yêu thương và tôn kính MacArthur vì ông đã giải thoát họ khỏi chiến tranh, đói nghèo, khỏi ách áp bức của chế độ chính trị chuyên chế Nhật. Dưới sự chỉ huy của MacArthur, đội quân chiếm đóng Nhật trở thành “đội quân giải phóng” nhân dân Nhật thật sự. Ý nghĩa của hai chữ “giải phóng” là đây! Hành động đem bom đạn, mang quân đi đánh chiếm một quốc gia Tự Do, Độc Lập, có Chủ Quyền, người dân đang sống ấm no, hạnh phúc, rồi áp đặt gông cùm lên đầu dân, là hành động xâm lược! Chỉ có bọn khỉ chưa tiến hoá thành người mới gọi hành động man rợ đó là “giải phóng”! Bốn mươi bảy năm sau, bọn khỉ vẫn nhầm lẫn (hay trâng tráo) về ý nghĩa của hai chữ “giải phóng”. Coi bọn chúng đang ủng hộ tên quỉ chúa Putin đem quân “giải phóng” dân lành vô tội đang sống yên bình của xứ Ukraine thì biết! Làm sao Mười lúa không nổi máu sung thiên khi nghe chúng dùng hai chữ “giải phóng” cho được! Đúng là một lũ khỉ không chịu tiến hoá! Chúng mang hình người nhưng tâm vẫn rọi rợ!
* Hãy dẹp đi cờ xí chiêng trống ăn mừng ngày chiến thắng phi nhân phi nghĩa. Đó chỉ là trò khỉ của những con khỉ chưa chịu tiến hoá thành người! Hãy học lại định nghĩa của hai chữ “giải phóng” thiêng liêng cao đẹp. Hãy học làm người văn minh, tiến bộ rồi hãy hô hào “hoà hợp hoà giải”.
* Nhà văn Dương Thu Hương: “Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ.” Một người sinh ra và lớn lên trong chế độ CS đã thẳng thắn phát biểu như vậy. Không hàm hồ chút nào khi nói rằng: “Những kẻ ăn mừng ngày tang thương này, phải là những kẻ man rợ!”
Đã đổ quạu rồi! Tắt máy nghỉ thôi.
Peter Tran
Tháng Tư đen 2022
https://www.facebook.com/peter.tran.77582
Sài Gòn sau tháng 4/1975 qua con mắt của một thanh niên miền Bắc,
người sau này trở thành nhà văn nổi tiếng Nguyễn Quang Lập
Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.
Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời diệu kì.
Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.
Tối hôm đó thằng Mình bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ giành cho các du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.
Thằng Minh khoe cái cassette ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassette là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassette của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo, người thường không thể có. Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình.
Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thật vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành. Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bỉu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Mình tủm tỉm cười không nói gì, nó mở cassette, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca số 7. Kết thúc Sơn ca số 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!
Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.
Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.
Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác, tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy giành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên.
Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí.
Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây thung bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây thung buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu xuẩn. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt.
Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng
sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.
Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Capstan, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt.
Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum sê, hai vỉa hè đầy sách.
Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác – Lê. Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nôi chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác - Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác - Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn.
Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị.
Tôi rất vui vì biết mình đã được giải phóng.
Nguồn: FB Nguyễn Quang Lập
Đăng ngày 08 tháng 05.2022