banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Đôi lời về phim "Em và Trịnh"

Đỗ Duy Ngọc

Hổm rày báo chí và mạng xã hội bàn nhiều về phim Em và Trịnh. Yêu cũng có mà ghét cũng nhiều. Lắm người xúi tui viết một bài bày tỏ ý kiến, tui bảo người trong và ngoài cuộc viết nhiều rồi, tui viết thêm cũng bằng thừa. Nhưng rồi nhiều người xúi giục, tui cũng xin viết vài câu ngăn ngắn thế này.
Nhạc của ông thì người ta nghe nhiều quá rồi nên không nói về nhạc mà chỉ nói về phim. Chỉ nói thêm một chút như có người đã từng nêu là bài hát Tiến thoái lưỡng nan là bài đúng tâm trạng và tính cách của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đứng hàng hai. Và theo tôi, một trong những bài ca dở nhất của ông là bài Em ở nông trường, em ra biên giới. Bài hát có mùi xu thời là bài Huyền thoại mẹ.
Ai cũng biết làm phim, viết truyện luôn phải có chút hư cấu. Nếu không thì thành phim tài liệu hay hồi ký mất rồi. Nhưng làm phim về một nhân vật có thật thì những hư cấu cũng không thể quá xa với sự thật như nó vốn có. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nhân vật có thật. Ca sĩ Khánh Ly là nhân vật có thật. Dao Ánh và những nhân vật khác nữa đều là người thật. Nhưng tiếc thay phim lại không kể những việc thật mà thêm thắt quá đà thành ra tào lao. Nhét vào miệng của nhân vật những câu chữ không hề có cũng như chẳng phù hợp với thời kỳ nhân vật đang sống.
Những người cùng thế hệ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biết và hiểu rõ về ông. Thế hệ sau này không hiểu ông, chỉ biết ông qua các tác phẩm của ông, họ thích nhạc của ông nên tìm đến phim để hiểu hơn người nhạc sĩ mà họ ái mộ. Rất tiếc, phim đã thể hiện một cách lệch lạc về người nhạc sĩ này. Trịnh Công Sơn là một người tài hoa qua các bài hát của ông. Nhưng không thể gọi ông là thiên tài âm nhạc. Âm nhạc Việt Nam có nhiều người có nhiều tác phẩm để đời và tài năng hơn ông. Do vậy đừng biến ông thành thánh nhân.

Làm phim về một nhân vật có thật là điều khó khăn. Vẫn biết để tìm một diễn viên có ngoại hình giống y nhân vật là điều không thể thực hiện. Chỉ cần có nét giống là tạm ổn rồi. Cái cần là thần thái, cái hồn của nhân vật. Tiếc thay, phim Em và Trịnh lại chọn hai diễn viên chẳng có chút thần sắc, cái tâm hồn của người nhạc sĩ. Một anh thì ngu ngơ, khù khờ nhưng hám gái, muốn diễn cho lãng mạn mà thành lãng xẹt. Một ông thì nhìn gian gian, giống gã bụi đời, già mà muốn làm trai lơ chẳng có chi cái nét gầy gò, ốm yếu, nghệ sĩ nhưng không thiếu nét thanh lịch của nhạc sĩ ở đời thực.
Những người bạn nhạc sĩ, những người quen biết ông, những người đã từng gặp ông đều có nhận xét nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người rất khôn khéo. Khôn khéo rất Huế. Cái khôn của người biết ngã nghiêng theo thời cuộc và cái khéo của người không để lộ ý nghĩ của mình ra. Cả hai người diễn viên trong phim không diễn được tính cách này. Người nghệ sĩ như ông lãng mạn trong tình yêu và sự thật ngoài đời ông cũng bị cuốn theo nhiều người phụ nữ. Nhưng không có kiểu lãng mạn sến súa như trong phim.
Rồi từ phim, nhiều người nhân cơ hội tổ chức những đêm nhạc Trịnh Công Sơn khắp nơi, đúng là biết chớp cơ hội để kiếm tiền.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từ giã cõi đời hơn hai chục năm rồi, buồn thay giờ đây người ta lại dựng ông dậy mà giết chết ông một lần nữa. Tội nghiệp ông.
21.6.2022
DODUYNGOC



Làm chi cũng lỗ

Xứ Việt ta có nhiều chuyện lạ thế giới không hiểu nổi. Đó là làm cái chi cũng lỗ. Tài nguyên dưới đất chỉ cần đào lên đem bán mà cũng lỗ. Có thứ chỉ cần lượm đem bán mà cũng lỗ. Đào vàng, đào than, điện đóm cũng lỗ. Làm cái đường sắt Cát Linh-Hà Đông kéo dài cả chục năm, tốn biết bao là tiền đến khi vận hành một năm qua lỗ 160 tỷ. Xe bus thành phố hàng năm cũng phải bù lỗ, có năm phải trợ giá thêm 161 tỷ đồng để duy trì hoạt động xe bus. Mới đây thành phố báo cáo chuyện thu phí ôtô dưới lòng đường cũng phải bù lỗ 8 tỷ đồng... Nói túm lại là bày ra làm cái chi cũng lỗ, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Trong khi tư nhân làm cái chuyện gởi xe không thôi cũng kiếm hàng tỷ đồng, nhà nước làm thì lỗ sặc máu. Thế sao không cho tư nhân thầu mẹ nó đi còn thu được tiền. Ờ nhưng mà cho thầu thì quan chức, ban bệ lấy gì ăn. Rõ khổ! Một đất nước mà làm chi lỗ đấy thì làm sao kinh tế khá lên được. Chị em ta đem bán cái lỗ lại lời he..he. Doanh nghiệp nhà nước có mối lời lại lỗ. Cười hay khóc đây?
Có người lại bảo, dân không được nhờ, kinh tế không phát triển nhưng cán bộ lãnh đạo phụ trách thì càng lúc càng giàu. Lỗ nhưng lắm kẻ được lời. Thế nên giờ người ta bảo chẳng ai giàu hơn cán bộ.  Có lẽ sửa tên thành nước Lỗ cho nó hợp nhỉ? Mà nói thế thì ông Khổng Tử lại buồn mà la oai oái kkkk.
DODUYNGOC



Trùm cuối

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và cả trên báo chí thường nhắc đến từ "Trùm cuối". Từ này gợi cho người ta hình ảnh của tập đoàn Mafia, của giới giang hồ, xã hội đen. Bởi "Trùm cuối" là kẻ cầm đầu, là đầu đàn, là đầu sỏ, là kẻ dấu mặt sai khiến tay chân, bộ hạ, thuộc cấp thực hiện những âm mưu, những kế hoạch. Đó là kẻ có quyền lực rất lớn, có sức mạnh khủng mới điều binh, khiển tướng được.
Trong vụ Kit test Việt Á, đã có một Chủ tịch thành phố, một Bộ trưởng bị tước đảng và đi tù. Đã có vài chục cán bộ địa phương bị bắt và điều tra. Cũng đã có người tìm đến cái chết. Thế nhưng, dư luận vẫn chưa đồng tình, nhân dân vẫn chưa thoả mãn. Theo họ, một mình kẻ vô danh tiểu tốt như Phan Quốc Việt, giám đốc một công ty không tên tuổi, cơ sở sản xuất chỉ là căn phòng bé tý với khoảng chục nhân viên không có chuyên môn. Dù đã được một cựu nhà báo viết bài lăng xê như là một kẻ tài trí hơn người, tận tuỵ cống hiến với những khát vọng giúp đời, cứu người bằng những lời ca ngợi lên mây xanh. Cũng đã từng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cấp huân chương. Thế nhưng từng ấy cũng không thể giúp cho Phan Quốc Việt tác oai tác quái một thời gian dài như vậy. Một mình Việt không thể lấy tay che lấp bầu trời khi mua Kit của Tàu với giá rẻ mạt về kê khống giá gấp cả trăm lần để rút tiền ngân sách, để hút máu dân. Một mình Việt và vài ba ông lãnh đạo ban ngành liên quan không thể ban hành chủ trương chọc ngoáy khắp nơi, liên tục cả mấy tháng trời để kiếm chác chia nhau hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Với suy nghĩ như thế, người ta đặt vấn đề "Trùm cuối" cũng hợp lý thôi.
Dân phẫn nộ không chỉ bị đè ra bắt phải chọc ngoáy liên tục, không chỉ phải tốn kém đồng tiền xương máu mà còn việc đó khiến cho dịch bệnh có cơ hội lây lan khi có thời gian các nhân viên y tế không tuân thủ những quy định phòng ngừa khi xét nghiệm khiến con số bị nhiễm dịch và người tử vong lên cao ngất. Người ta cũng tự hỏi các Kit xét nghiệm rẻ tiền đó có mang lại kết quả chính xác không? Nếu kết quả không chính xác lại bị lùa vào các trung tâm thu dung rồi chết oan mạng thì tội lỗi của chúng càng nặng nề và khủng khiếp hơn.
Giám đốc Việt Á xét cho cùng cũng chỉ là con buôn, thấy lợi mà làm gây hậu quả nghiêm trọng. Những cán bộ địa phương ham tiền mà bắt tay với chúng nhưng cũng lại xét cho cùng ở cái thế phải chấp nhận thôi. Vẫn biết làm sai nhưng không từ chối được vì đã có lệnh quan trên. Vẫn biết có thể ở tù nhưng cũng phải ký. Tiền ấn vào tay cộng với văn bản của quan lãnh đạo. Từ chối mà được sao? Như thế cũng là tội lỗi với dân rồi. Nhưng tội nặng nhất, tàn nhẫn nhất, khốn nạn nhất chính là những kẻ lãnh đạo, được giao trách nhiệm phòng chống dịch lại cấu kết với nhau để hưởng lợi. Bày ra những biện pháp vô lý để hút máu dân. Đó mới chính là những kẻ đáng nguyền rủa. Phan Quốc Việt chỉ là con chốt thí của một trò âm mưu. Hai lãnh đạo cao cấp cũng đã bị bắt chờ ngày xử. Trong vụ án đốn mạt này còn có ai nữa chưa bị lộ mặt. Kẻ gọi là "Trùm cuối" là ai? Nếu chủ trương không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì xin đề nghị hãy làm đến tận hang ổ cuối cùng.
Nếu làm rốt ráo, ném chuột không sợ vỡ bình, kẻ đầu sỏ bị lôi ra ánh sáng và bị xử tội theo đúng pháp luật quy định, được như vậy, dân mới hoan nghinh và hả dạ. Được như thế mới gọi là công bằng và lò sẽ cháy rực hơn.
15.6.2022
DODUYNGOC

https://www.facebook.com/doduyngoc



Những giọt nước mắt của những tên quan bị lộ

có khác gì nhau

Đỗ Duy Ngọc

Lãnh đạo của xứ ta thời nay dù xuất thân nguồn gốc khác nhau, nhưng khi ngồi được vào ghế lãnh đạo cũng như lúc sa cơ ra toà đều xử sự giống nhau của một lũ hèn. Từ Bộ trưởng cho đến Thứ trưởng, từ Cục trưởng cho đến Chủ tịch, Bí thư. Lúc đương chức thì hét ra lửa, nịnh trên nạt dưới, thái độ ngông nghênh, xem dân bằng nửa con mắt. Khi còn ghế, tìm mọi cách vơ vét, chiếm đất, chiếm nhà của dân. Xây nhà to, đào hầm chứa bạc vàng. Mặt lúc nào cũng nghếch lên trời, đi đứng khệnh khạng. Xuất thân từ thôn quê hay dân thành thị, đa số là từ nghèo khó phấn đấu, nịnh bợ mà lên. Đến khi có quyền chức thì bắt chước sống như quý tộc, rượu ngon, gái đẹp, món ăn cao cấp đắt giá hơn vàng. Sống như thế nhưng đến đâu cũng phát biểu đạo đức cách mạng, vì dân, vì nước. Quan ngày nay còn quan liêu, hạch sách dân còn hơn quan chức thời phong kiến, thời Pháp thuộc. Bởi chúng chẳng còn lương tâm, chẳng còn bổn thiện. Chỉ biết bòn rút, tham nhũng, hối lộ cho tiền đầy túi, vàng bạc đầy kho.
Tất Thành Cang là một trong những khuôn mặt đấy. Từ một bộ đội xuất ngũ, hoạt động Đoàn Thanh niên rồi ngoi lên thành quan chức cấp cao của thành phố lớn nhất nước, năng động nhất nước, đóng góp cho ngân sách nhiều nhất nước. Bằng cấp khoe tá lả nhưng nghe đồn thời đi học toàn copy với paste. Nhưng cần chi, chỉ cần có tấm bằng cao cấp lý luận từ trường Đảng ra thì làm chi mà không được. Tài năng chưa bộc lộ được gì nhưng tài đục khoét, hối lộ, tham ô thì đúng là thượng  thừa, đàn anh cũng phải nể mặt.
Được chống lưng bởi quan thầy, y xem trời bằng vung, bán đất, bán ruộng, sang tay này qua tay kia tha hồ hốt bạc. Ăn chơi khét tiếng trời Nam. Ăn nhậu mỗi đêm như vua chúa, rượu ngoại đắt như vàng tràn như suối. Đi công tác cũng có đàn em bay theo với nhiều thùng rượu quý.
Đùng một cái, trở thành người bị lộ, y lật đật sang nhà, bán vi la, ly dị vợ để phân tán tài sản. Ngày ra toà, mang dép tổ ong, mặc áo sờn, diễn giỏi còn hơn các danh hài. Đến khi cho phép nói lời cuối, khóc như cha chết, từ hài kịch chuyển sang bi kịch, hai mắt đỏ lòm. Cha ông ta gọi là nước mắt cá sấu. Nhưng đố lừa được ai. Dân biết hết, dân rành từng tên một. Tất Thành Cang giờ Tan Thành Cứt diễn chẳng khác gì cả đám cán bộ lãnh đạo ra toà xưa nay. Tay nào cũng diễn, tay nào cũng khóc lóc xin tha. Bộ mặt đạo đức giả rớt xuống, bộ mặt của kẻ nói láo rơi xuống, bộ mặt vênh váo một thời bay đi đâu mất. Hèn nhát, nhục nhã chẳng có chút bản lĩnh nào của một người đã từng hét ra lửa. Hoá ra đây mới là bản chất thật của chúng. Chúng chỉ là một lũ hề múa may theo đúng một kịch bản y chang nhau. Chiếm đất của dân, gieo tội ác, làm giàu trên xương máu của đồng bào đến lúc phải đền tội. Tiếng rên siết của người dân Thủ Thiêm còn đó, nỗi oan khiên của dân còn đó, trốn sao khỏi quả báo. Lưới trời thưa mà khó thoát. Những giọt nước mắt cá sấu giả tạo làm sao che hết tội lỗi của y và đồng bọn. Y đã bị lộ, bị ra toà. Còn bao nhiêu kẻ như y hay đám quan thầy y chưa lộ mặt, vẫn còn nhởn nhơ. Rồi có ngày chúng sẽ bị lôi ra hết và rồi cũng sẽ có những giọt nước mắt giữa toà như hôm nay y đã giả khóc, kêu than. Lúc đấy lòng dân mới hả dạ.
9.6.2022
DODUYNGOC



Đành viết thêm bài nữa

Dù đang là đảng viên đảng Cộng sản nhưng hai ông quan này biết mình đang làm chuyện ác nhơn trời khó dung đất không ta, nên đành tin vào tâm linh, rủ nhau đến đền chùa, miếu mạo hay cùng nhau vái trong lễ thương tiếc đồng bào đã chết vì dịch, thắp nén nhang cầu xin được yên ổn, leo cao hơn và tha cho tội lỗi đã phạm. Nhưng thần linh, Phật tổ, oan hồn làm sao chứng hạng người này bởi tội ác của chúng quá khủng khiếp. Lợi dụng trong lúc dân tình khổ đau, nheo nhóc, bi đát vì tai ương dịch bệnh, chúng hút máu dân lành kiếm tiền bỏ túi. Chuyện vỡ lở, bị rút thẻ đảng và tạm vào tù chờ ngày xử. Chắc hôm xử tội hồn ma bóng quế của hàng vạn người đã chết sẽ kéo về chật sân toà,"Căm hờn lại giục căm hờn/Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu!kkkkk" Gậy ông lại đập lưng ông rồi đó! Nhưng chỉ sợ án chỉ vài năm như quan Y tế buôn thuốc giả mà chỉ chịu án có 4 năm, còn thua thằng dân thèm nhậu bắt trộm con vịt về uống rượu đỡ buồn. Và cũng có thể lúc đó sẽ mếu máo khóc than, kể lể xin chạy tội. Nhưng mà tội này đem bắn chắc cũng chẳng ai tiếc thương đâu!
Hôm qua, tin giang hồ vỉa hè ở Hà Nội kháo nhau rằng khi xét nhà Chu Đô trưởng và Long Bộ trưởng cho thấy căn biệt thự vài trăm tỷ đồng của Chu và 19 triệu đô la Mỹ đang để ở trong nhà hai tên. Không biết tin có chính xác không nhưng sao giống y chang các quan tham của bên Tàu vậy? Có người bảo đem máy tính lấy 19 triệu đô la nhân với 23.000 tiền đồng thì máy tính đứng không hiện số được vì số tiền quá lớn. Có người lại thắc mắc sao số tiền lớn thế mà lại để trong nhà không sợ cướp sao? Câu trả lời đơn giản là tiền tham nhũng, hối lộ thì sao dám gởi ngân hàng trong nước, gởi nước ngoài thì lúc này khó hơn xưa vì nhà nước đã quan tâm đến việc này đối với cán bộ. Cho đứng tên người khác, kể cả con cháu, họ hàng cũng sợ bị giật. Bởi đồng tiền thất đức đấy dễ gợi lòng tham của người khác kể cả những người máu mủ. Việt Á dám chung chi cho cán bộ  tép riu Bắc Giang 33 tỷ thì sợ gì ai mà không phong bì cho Bộ trưởng hàng triệu đô la.
Khốn nạn ở chỗ trong lúc nhân dân đang đau khổ, bi thương chúng lại hút máu dân để làm giàu. Nếu không có sự tiếp tay chỉ đạo của lũ người khốn kiếp ấy, một thằng bé con Phan Quốc Việt vô danh, một công ty vô danh không có một địa chỉ rõ ràng, một nơi sản xuất cho đàng hoàng mà dám làm chuyện kinh thiên động địa vậy được sao? Hai tên này đã là trùm cuối chưa? Thắc mắc cũng khó trả lời cho chính xác. Ngày trước nhà tù toàn dân đầu trộm đuôi cướp, ít được học hành, không rành pháp luật. Giờ đây nhà tù của ta toàn Tiến sĩ, cán bộ cấp cao, Đô trưởng, Bộ trưởng, Đại biểu nhân dân. Đúng là thời đại 4.0. Mọi thứ lộn xộn, ngược đời cả. Toàn người hôm qua là anh hùng, là người thét ra lửa, dưới vài người trên triệu người, nhà treo đầy huy chương, huân chương, giấy khen. Toàn là người đi đâu mở miệng cũng giảng đạo đức cách mạng, cũng lên tiếng thề phục vụ nhân dân, đất nước, quyết tâm học tập và noi gương theo đạo đức của người. Đùng một cái trở thành quỷ đội lốt người, làm toàn chuyện kinh hoàng, khốn nạn. Hoá ra những tuyên bố lâu nay toàn láo cả.
Không biết nhà nước ta tuyển chọn nhân sự, đề bạt những ghế ngồi quan trọng thế nào mà lần lượt các lãnh đạo cao cấp rủ nhau vào tù cả đám thế không biết. Điều đó cho thấy việc sắp xếp nhân sự của nhà nước có vấn đề. Lòng tham của con người vô đáy và tàn nhẫn thật, cứ leo được ghế là vơ vét, chỉ khiến đất nước không ngóc đầu lên nổi và dân càng ngày càng nghèo đi. Cũng không lạ là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn trên thế giới và cả ở xứ ta khi tuyển người luôn xem tướng mạo. Tâm sinh tướng, nhìn mặt và tướng mạo của hai ông này và một vài người nữa không thể tin được vì cái gian tham, cái thủ đoạn, cái nịnh bợ, cái tàn nhẫn bất chấp lương tri nó lộ rõ trên nét mặt.
Nếu không thay đổi quy cách đề bạt và tuyển chọn nhân sự cấp cao từ trung ương đến địa phương thì những con chuột hôi hám này vẫn còn tồn tại và trèo sâu, leo cao. Chỉ khổ thêm cho dân đen thôi khi đã chịu khổ quá nhiều rồi.
8.6.2022
DODUYNGOC

https://www.facebook.com/doduyngoc



Nhớ lại

Đỗ Duy Ngọc

Thời gian trước cách đây một năm là những ngày bắt đầu cơn đại dịch bi thương quét qua thành phố Sài Gòn. Những đau thương, mất mát xuất hiện từ những ngày này. Những biện pháp phong toả, giãn cách rồi giới nghiêm. Những khu vực cách ly kẽm gai, chướng ngoại vật giăng đầy phố và những con hẻm. Những cuộc gom dân vào những khu vực thu dung, F0, F1, F2 nhưng không có biện pháp và hướng điều trị cụ thể. Tất cả xoay như chong chóng từ những chỉ thị đến các quyết định. Người dân sống trong âu lo và khi dính dịch chỉ biết chờ chết. Đỉnh dịch vào cuối tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Người chết không kịp thiêu chất đống trong xe lạnh. Khói nghi ngút cháy suốt ngày đêm ở lò thiêu. Trong các bệnh viện và trung tâm thu dung, các bác sĩ và nhân viên y tế đành bất lực nhìn người bệnh lần lượt ra đi. Gia đình người chết nhận những hũ tro cốt. Thành phố trở thành thành phố chết, những tiếng còi hụ của xe cứu thương như tiếng gọi của tử thần. Con số người chết oan ức tức tưởi lên đến hàng chục ngàn. Tiếng khóc bi thương vang tràn các ngõ xóm, các con đường.
Đã qua một năm, cuộc sống đã hồi sinh ở thành phố nhưng những nỗi đau, nỗi mất mát của từng gia đình không thể nào nguôi. Những người đã chết không thể sống lại được, thân xác đã thành tro trong những hũ sành. Người thành phố sống sót qua cơn đại dịch cũng không thể nào quên những tháng ngày hãi hùng đã trải qua. Hậu quả không những ở hàng chục ngàn người đã chết mà còn để lại biết bao di chứng hậu Covid ở hàng triệu người đã từng mắc phải.
Cho đến giờ, sau những biến cố ngồi nhìn lại, đã thấy rõ nguyên nhân của những hậu quả bi đát đó. Đã có lắm sai lầm nguy hại. Đã có những biện pháp chết người. Thế nhưng chẳng có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm, chẳng có ai dám mở lời tạ lỗi với những người đã khuất và cả những người sống sót sau cơn đại dịch với những ngày tháng  kinh hoàng đã trải qua.
Trong thời gian khủng khiếp đấy lại có lũ người có quyền lực lợi dụng cơ hội cấu kết với nhau để làm giàu. Chúng bàn bạc, chia chác nhau từ những que thử. Chúng ăn chia nhau hàng ngàn tỷ đồng từ những chuyến bay gọi là giải cứu. 2000 chuyến, mỗi chuyến bỏ túi vài tỷ, con số lên đến bao nhiêu? Chúng ban hành lệnh chọc ngoáy bất kể giờ giấc, bất kể ở đâu để thu lợi. Chúng lợi dụng quyền lực để bòn rút ngân sách, hút máu đồng bào. Tội lỗi của chúng không thể xoá bỏ và tha thứ được. Hôm nay đã có vài tên bị nêu danh, bị cảnh cáo, bị khai trừ đảng. Nhưng tội lỗi của chúng không thể chỉ trừng trị từng đó. Phải đưa chúng ra toà án, tịch biên gia sản với cái án thật nặng nề. Dù biết rằng làm thế vẫn chưa hết sự khốn nạn, tàn nhẫn, vô lương của chúng.
Nếu tin vào tâm linh, tin vào thế giới khác chắc hẳn những oan hồn của những người đã chết sẽ có lúc báo oán những kẻ đã khiến họ phải chết oan ức. Và những kẻ vô lương kia sẽ bị đền tội vì những tội ác của chúng.
Một năm đã qua đi, ký ức vẫn còn đọng lại và chắc hẳn thời gian sẽ chẳng bao giờ xoá được những ngày bi thảm của thành phố Sài Gòn. Nhắc lại để nhớ. Nhắc lại để khắc sâu những tội lỗi của lũ người táng tận lương tâm. Nhắc lại để rút ra bài học xử lý những biến cố tránh những lúng túng, những biện pháp duy ý chí sai lầm đưa đến những hậu quả khủng khiếp không lường được.
7.6.2022
DODUYNGOC
https://www.facebook.com/doduyngoc



MỘT NGƯỜI BẠN CŨ

Đỗ Duy Ngọc


Tui không ngờ gặp lại hắn và thật lòng tui cũng chẳng muốn gặp hắn tí nào. Nhưng sáng nay tui đã gặp hắn. Sáng nay anh bạn gọi ra cà phê ở đường Nguyễn Huệ, quán Ciao. Đến giờ hẹn, anh bạn vẫn chưa thấy đến. Tui lấy điện thoại ra đọc mấy tin buổi sáng. Đang chăm chú vào màn hình thì có tay ai đặt trên vai tui bóp nhẹ. Tui xoay lại thì bắt gặp một khuôn mặt vừa quen vừa lạ. Quen vì khuôn mặt ấy có những nét nhắc tui về một người bạn. Lạ vì khuôn mặt ấy lại có những nét lạ lẫm. Đó là một khuôn mặt bệnh hoạn, má hóp, da vàng ệch, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng, tóc trên đầu chỉ còn lơ thơ mà bạc trắng. Bàn tay đặt trên vai tui khẳng khiu, những ngón dài với màu da thâm thâm đen của người bệnh gan nặng. Anh ta cười, nụ cười nhăn nhúm lộ hàm răng rụng gần hết. Giọng anh khào khào, thì thào: Nhớ tao không? Huỳnh ở Văn khoa, nhớ không?
Huỳnh, Lê Văn Huỳnh. Sao quên được. Những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, ở đường Trương Minh Giảng Sài Gòn. Trong những căn nhà tạm bợ ở bờ kênh Nhiêu Lộc. Dưới là dòng kênh nước đen, bùn lầy và rác rến. Không khí lúc nào cũng có mùi, mùi của ao tù và xác chết lâu ngày của những con vật, mùi của chất thải đổ ra. Tụi tui, những sinh viên nghèo từ ngoài Trung vô đi học, tạm thuê căn phòng nhỏ ở đấy sống tạm. Bốn thằng trong căn phòng mười mấy thước vuông được dựng bằng gỗ tạp, có chỗ phên tre và trên đầu là tấm tôn rỉ, mùa nóng thì hầm hập như lò thiêu xác, mưa thì dột tứ tung. Bữa đói, bữa no. Sống nhờ cơm ở câu lạc bộ ở Đại Học Vạn Hạnh, giá rẻ. Đói nữa thì lê thân xuống cơm xã hội ở đường Trần Quốc Toản( bây giờ là đường Ba tháng Hai). Hết tiền thì vô Đại học xá Minh Mạng ăn ké. Chỉ mong có miếng cơm qua ngày. Thằng nào cũng gầy gò và xanh mướt. Tui và Huỳnh thuê chung phòng. Hắn dân Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Còn tui dân Đà Nẵng. Hắn và tui cùng học Văn Khoa. Tui học Ban Triết. Còn hắn học Ban Sử Địa. Hai thằng đều là con hoang, tức là chẳng có ai nuôi, hàng tháng chẳng được diễm phúc lãnh măng-đa người nhà gởi tiền. Bởi vậy hai thằng sống thiếu trước hụt sau, nhiều bữa đói vàng mắt.
Có một dạo tui xin được hai cái phiếu cấp bánh mì của tổ chức Caritas, một cơ quan từ thiện của Công giáo. Bánh mì ở đấy rất ngon, làm bằng bột mì viện trợ của Mỹ. Ổ bánh mì dài ngoằng, ăn được nửa ổ là no vật vã. Thế mà mỗi phiếu lại được phát mỗi ngày hai ổ. Tui giữ một phiếu, tui đưa cho Huỳnh một phiếu. Sáng sáng, hai thằng ra chỗ bô rác dốc cầu đường Trương Minh Giảng chờ xe buýt đi qua quận tư lãnh bánh mì. Hôm nào có tiền thì kiếm ghế ngồi. Bữa nào cháy túi thì lên cửa trước lẻn ra cửa sau trốn vé. Lãnh được bốn ổ bánh, hai thằng bán lại cho xe bánh mì quen. Hôm thì lấy tiền mua gạo nấu hoặc đi cơm quán vỉa hè. Có hôm thì đổi đồ ăn, lúc thì mấy miếng thịt, khi thì mấy cái trứng. Cũng được một thời gian. Sau đấy, tui tìm được việc làm trong một toà báo, còn Huỳnh thì biến đâu mất tăm. Nghe đồn hắn vô bưng. Tui biết hắn hoạt động cho Việt cộng lâu rồi, nhưng chẳng quan tâm vì tui nghĩ mỗi thằng có mỗi lý tưởng riêng, mục đích riêng để sống.
Tui được một học bổng đi học xa. Một thời gian dài cũng chẳng liên lạc với bạn bè cũ. Đi rồi trở về. Rồi biến cố tháng 4.75. Một thời gian sau nghe tin Huỳnh khi vào bưng được đưa ra Bắc rồi đi học ở Nga vì ba hắn cũng là dân miền Nam tập kết đang giữ một chức vụ khá lớn trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau đó cũng nghe tin hắn về nước và đang ngồi vào một cái ghế kha khá ở một sở của thành phố này. Nhưng tui cũng không có dịp gặp.
Những năm tám mấy chín mươi, tui mê chơi tennis lắm. Suốt ngày vác vợt đi khắp sân của thành phố. Sáng sớm thì ở sân Phan Đình Phùng. Trưa thì chạy vào sân Đường sắt hoặc Lê thị Riêng. Chiều thì vào sân Dinh Độc Lập hoặc sân Quốc gia Hành chánh. Và tui gặp lại hắn ở sân Quốc gia Hành chánh. Hắn cũng đi đánh tennis với người bạn trong nhóm tui, một cán bộ của quận 10. Chắc hắn có chức vụ khá lớn bởi tui thấy ai cũng có vẻ nể hắn, đồng thời hắn lại có hai cậu phục vụ lúc nào cũng sẵn sàng chăm sóc lúc cái khăn, khi chai nước. Hắn bây giờ hồng hào, bệ vệ, mập mạp với cái bụng đã phệ. Hai thằng gặp nhau mừng lắm, huyên thuyên đủ chuyện. Nhưng khi tui nhắc đến giai đoạn hai thằng đi xe buýt lậu vé qua quận tư xin bánh mì Caritas thì hắn chối. Hắn dứt khoát là không có chuyện đó, hắn cãi cho bằng được không có là không. Bực quá, tui bảo: Thế thì tui xin lỗi, tui nhận nhầm người rồi. Và tui bỏ đi về trước sự ngạc nhiên của hắn. Tui đi và không ngoái đầu lại và cả tuần sau tui không đến sân đó nữa vì ngại sẽ gặp lại hắn. Khi tui trở lại sân, anh bạn cán bộ đánh chung nhóm bảo rằng hôm đó hắn ngạc nhiên và bực mình vì thái độ của tui. Tui cũng chẳng giải thích gì. Và cũng qua anh bạn đấy, tui biết hắn đang giữ chức Vụ trưởng của một bộ nào đấy, đặc trách phía Nam. Vợ hắn là con gái rượu của một thứ trưởng. Nghĩa là hắn đang làm quan lớn và lẽ dĩ nhiên là hắn rất giàu. Nhưng tui không chịu được những kẻ chối bỏ quá khứ. Ai lại không có thời khó khăn. Sao phải tránh né nó khi đã thành đạt và giàu sang? Kể từ đó, tui quên luôn hắn.
Hôm nay tui lại gặp hắn, đã mấy chục năm rồi chẳng liên lạc, chẳng tin tức. Bây giờ gặp lại hắn, thân thể tiều tuỵ, bệnh hoạn. Tự nhiên tui thấy thương hắn. Hắn bảo hắn ung thư gan giai đoạn cuối, thời gian sống chẳng còn bao nhiêu nữa dù đã qua Sing, sang Nhật, đến Mỹ chữa nhưng mọi nơi đều đã bó tay. Hắn xin lỗi tui vụ hắn chối chuyện đi xin bánh mì trong quá khứ. Hắn bảo lúc đó đông người, hắn đang là sếp bự nên không thể chấp nhận chuyện ấy, sợ mất mặt với đàn em. Thôi thì dù sao cũng là bạn bè ở thuở hàn vi, hơn nữa hắn đang bệnh sắp chết, tui cũng chẳng sân si, giận hờn chi nữa nên hai thằng ngồi nói lại rất nhiều kỷ niệm. Hắn cầm tay tui, nắm chặt và hắn khóc. Hắn đang nghĩ đến cái chết, hắn đang tiếc nuối cuộc sống. Tui cũng chẳng biết nói với hắn gì nữa. Mỗi người mỗi số phận. Sống chết là quy luật của đời sống, ai tránh được đâu. Tui bảo hắn cứ bình tĩnh, an nhiên cho đến phút cuối. Lo âu, bi quan càng dễ suy sụp hơn. Thấy hắn khóc, tui cũng không cầm được nước mắt.
Trưa nay, chạy xe về nhà, lòng tui nặng trĩu khi nghĩ đến cái chết của hắn trong nay mai. Thế là một người bạn nữa chuẩn bị ra đi. Tui không còn giận hắn nữa. Có một thời hắn chối bỏ quá khứ nhưng bây giờ hắn phải chấp nhận tương lai. Một tương lai tối thui trong nấm mộ.
22.9.2018
DODUYNGOC

https://www.facebook.com/doduyngoc

 

Đăng ngày 06 tháng 07.2022