banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chuyện dài "hòa hợp hòa giải"

 

Thắp nhang sao vẫn căm thù người chết?

Nguyễn Ngọc Phúc


Đầu tháng 2 năm 2023, nghe được một tin buồn về đồi Charlie, nơi đại tá nhẩy dù Nguyễn Đình Bảo đã hy sinh năm 1972.
Khi được xem video clip, được nghe lời kể chuyện và được thấy cái miếu nhỏ để nhang khói cho hồn tử sĩ quân đội VNCH đã nằm xuống trên ngọn đồi Charlie nửa thế kỷ trước đây, nay đã bị đập phá tan nát như đống gạch vụn, tôi thấy lòng trùng xuống thật sâu và hụt hẫng như mới biết được có một sự lừa gạt, một điều dối trá và một chuyện không phải của văn hóa tập tục dân tộc Việt Nam hiện nay vào thế ky 21, nó ngược lại và giống như những chuyện trong lịch sử VN xa xưa.
 
Theo Đại Nam Thực Lục có ghi rằng thời nhà Nguyễn và vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Vương, vua Gia Long khi lên ngôi, đã cho đào mồ bốc mả, đập phá những di tích của kẻ thù cũ dù đã chết, quăng xác đi, xương cốt bị giã nát vứt đi xa, phơi thây và bêu đầu sọ người của nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ ở chợ hay làm bô đi tiểu. Không những thế còn xử lăng trì phanh thây họ hàng của nhà Tây Sơn hơn 30 người.
Trước đó, khi Nguyễn Huệ còn trên ngôi và có chiến tranh với nhà Nguyễn ở phương Nam nhưng vẫn không diệt được Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ cho rằng khí tiết nhà họ Nguyễn vẫn còn vượng quá. Cho nên, nghe lời xúi dục, nhà Tây Sơn đã cho đào mồ bốc mả toàn bộ lăng tẩm từ đầu đời nhà Nguyễn Vương ném xuống vực sâu hay vứt xuống sông. Vì vậy, cho nên, sau khi Nguyễn Vương lên ngôi, cũng đã trả thù nhà Tây Sơn bằng cách quật mồ lạị tương tự như vậy.
Trả thù người chết của người xưa quả thật dã man và kinh khủng. Đến xác chết và mồ mả cũng không được nằm yên thân với người sống.

Chuyện cái miếu nhỏ để thờ quân chủng nhầy dù, trong đó có đại tá Nguyễn Đình Bảo của quân lực VNCH, bị đập phá cũng giống như chuyện lịch sử ngày xưa ghi trên.
Chỉ khác một điều là không có mồ mả xương cốt bị bốc lên, bị giã nát và vứt đi tứ tán trên ngọn đồi Charlie hay cứ điểm 1015 do quân miền Bắc đặt tên.
Vào năm 1972, có khoảng gần 500 binh sĩ nhẩy dù thuộc tiểu đoàn dù 11 quân lực VNCH và cố vấn Mỹ trấn giữ chống lại khoảng 6-7000 quân lính của sư đoàn 320 của Bắc Việt tấn công.
Hai bên đã quyết chiến với nhau trong hai tuần lễ thật đầy máu lửa đêm ngày.
Cuộc chiến không tương xứng 1/11 này đã khiến nhiều vị chỉ huy tiểu đoàn dù 11 bị tử trận do pháo kích, kể cả chỉ huy trưởng Trung Tá Nguyễn Đình Bảo.
Kiệt quệ về nhân lực, cạn nguồn súng đạn để chiến đấu, không còn được tiếp viện để giữ đồi, những người lính dù còn lại đã chấp nhận cái chết trận tại chỗ với quân thù khi mở đường rút lui.
Mưa bom trải thảm từ B52 được gọi đến và cuối cùng đã hủy diệt tất cả những sinh vật đang cầm súng không phân biệt Quốc Gia hay Cộng Sản để tranh dành nhau một cứ điểm chiến lược, trên đồi, ngang đồi hay dưới chân đồi.
Thoát khỏi vòng vây của sư đoàn 320 quân BV và của mưa bom B52, trong số 470 sĩ quan và binh si nhẩy dù với 1 cố vấn Mỹ trấn giữ duy nhất, chỉ còn lại có 36 người và vị cố vấn Mỹ là thiếu tá John Duffy và thiếu tá dù Lê Văn Mễ, chỉ huy phó tiểu đoàn. Họ đã mất đi 434 bị tử trận. ( xin coi trên youtube về hai vị sĩ quan Lê Văn Mễ và John Duffy này trong trận chiến đồi Charlie)
Bên phía quân CS, có khoảng hơn 1250 binh lính tử trận.
Còn lại sau đó là những gì?
Hố bom, mảnh đạn và xác người tan nát vung vãi khắp nơi không còn nhận ra được anh là ai? chức vụ gì?
Rồi con tạo vẫn xoay vần, trời đất, mưa gió và cỏ cây đã dần dần rơi xuống, thổi đi, đắp lại những gì không ai nhận hay cát bụi đã phủ che lên những dấu vết của chết chóc, của bom đạn, của tranh dành và của lý tường, không còn nhìn thấy đâu là CS hay QG.
Hận thù của cả hai bên đã bị san bằng và xóa tan trên ngọn đồi Charlie và câu chuyện về nó đã được ghi vào lịch sử của đất nước từ cả hai phe thua và thắng theo cái nhìn riêng của mình.
Chuyện tưởng như đã được khép lại sau gần 50 năm trôi qua nhưng vết thương vẫn chưa lành và đang bị chảy máu.
Thật chua xót.
Sách vở chỉ để dành cho hậu thế và mọi người tham khảo khi muốn biết về câu chuyện tranh Việt Nam và cuộc chiến ở đỉnh đồi Charlie.
Người dân Việt của bên thua cuộc thì chỉ muốn lưu lại một chứng tích thật đơn giản, thật đơn sơ và thật khiêm tốn, đã chọn một chỗ ở ven đồi hoang lạnh đơn độc và chả có ai để ý để lập ra một cái miếu nhỏ với một cái bình hương và một tấm bia cũ ghi chữ Tổ Quốc Vong Thần với hình con ó, huy hiệu của lính dù VNCH nằm sâu trong đó.

Trong tập tục dân gian Việt Nam, nó giống như những cái miếu nhỏ lập ra ở đầu thôn để thờ thần làng hay ở một ngã tư nào đó nơi xẩy ra một tai nạn chết người để thờ người chết. Không hơn không kém.
Chuyện đã qua và đã qua thật lâu nhưng mọi người khi nghe đến và nhìn thấy, họ vẫn không hiểu người CS sao lại có thể hận thù những người lính miền Nam đã chết trên ngọn đồi này mà thân xác không còn nguyên vẹn, không biết nằm ở đâu và không có được một nấm mồ chôn, một dòng di tích, một dấu thánh giá cho dù vô danh hay khi hài cốt được tìm thấy.
Có thấy được một nấm mộ nào với bia khắc ghi tên không hay chỉ nằm rải rác cô độc với rắn rết giun dán, dưới lùm cây ngọn cỏ hay mặt đất nào hoang nào đó, chẳng ai biết ở đâu và là ai?
Cùng với những người lính miền Bắc, người lính dù đã chết khi không còn súng đạn để chiến đấu và đã yêu cầu pháo binh và máy bay hãy bỏ bom pháo kích ngay trên đầu và thân xác của họ ở ngọn đồi này năm 1972.
Quân sử của thế giới gần như không có ghi những câu chuyện như vậy về chiến tranh và kết thúc tàn khốc như ngọn đồi Charlie.
Một ngôi miếu nhỏ được dựng lên ở chơ vơ giữa trời gần đỉnh đồi, không tên, không tuổi, không hình, không sắc và chẳng có dấu vết gì của hận thù được ghi trên đó.
Nhang khói cũng chẳng có suốt 365 ngày cả đêm lẫn ngày trừ khi có người lặn lội nhọc nhằn đi xe lên cũng chỉ để muốn cắm một vài nén nhang và cầu khấn cho linh hồn người lính được siêu thoát chứ có màng gì đến Nam Bắc, Cộng Sản hay Quốc Gia, thù hằn hay ca ngợi, kẻ thù hay bạn bè, lý tưởng giống nhau hay khác nhau.
Giữa người sống đang khấn vái và người chết nằm ở đâu không biết, chẳng ai biết ai và cũng chẳng có liên hệ máu mủ gì hay bổn phận phải làm.

Khi họ sống, họ hoặc là người quốc gia hay người cộng sản.
Khi họ chết, họ là người Việt Nam.
Thế thôi, không còn hay với hoặc nữa.
Cái miếu nhỏ đó có nghĩa lý gì khi nhìn lên trên đỉnh đồi, một cột cờ cao ngạo nghễ của bên thắng cuộc được dựng bên cạnh một đài tưởng niệm to lớn và bề thế cho các người lính miền Bắc đã nằm xuống ở đây, ở giữa là tấm bia đá lưu niệm và tri ân liệt sĩ.
Dù thấy vậy, chẳng có ai so bì, suy nghĩ hay than thân trách phận.
Cuộc đời và thế sự đã là như vậy thì nó phải như thế thôi.
Nhưng cũng may, trên tấm bia đá ghi khắc lịch sử của ngọn đồi này, trong đó, có viết vài dòng về những người lính dù VNCH trấn giữ ở đây.
Xin đọc lời khắc ghi trong hình bên cạnh.
Bia không ghi một dấu vết hay một lời nói hận thù gì. Phải chăng, người lập miếu chỉ muốn nói về một ngọn đồi có rất nhiều người lính cả hai phe đều đã chết và mất xác tại đây.
Thế thì tại sao lại đi thù hằn và đập đổ cái miếu nhỏ không chữ, không nghĩa và không bia lập ở sườn đồi cô quạnh này?

Nếu muốn xóa tan tên tuổi và hình ảnh của những người lính vô danh của miền Nam đã chết không toàn thây ở đây thì tại sao ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ ngoại giao của VN đã cho lập bàn thờ cúng bái tưởng niệm những người lính của miền Nam ở nghĩa trang quân đội Biên Hoà và đã đích thân đến thắp nhang ở đó cùng với những người cựu quân nhân và người dân của miền Nam cũ không những một lần mà hai lần như vậy.
Những lần đi theo phái đoàn của người dân ở cả hai miền Nam Bắc, cũ và mới, ông Nguyễn Thanh Sơn đã từng tuyên bố rằng hành động và thái độ của bên thắng cuộc đã thể hiện tinh thần hòa hợp và hòa giải dân tộc trong việc lo chăm sóc mộ bia đền đài nghĩa trang của người lính bên thua cuộc.
Để chứng tỏ điều đó, ông còn móc tiền túi ra $5 triệu đồng để tặng cho ban quản lý khu nghĩa trang có tiền chăm sóc 5 ngôi mộ hư hại nhất trong nghĩa trang.

Cuối cùng như thế nào?
Câu chuyện đó, hình ảnh đó và hành động đó hình như không đủ sức đi ra ngoài nghĩa trang nghĩa là cuối cùng, chỉ nằm ở lại trong nghĩa trang này mà thôi. Nó không được chắp cánh bay đi khắp nước Việt Nam dù như ông đã nói rõ đó là chính sách của chính phủ CHXHVN.
Bởi thế cho nên, cái miếu nhỏ để thờ người lính dù chết trận đã bị đập nát trên sườn đồi Charlie.
Lời tuyên bố của ông đã được người VN của bên thua cuộc nhớ đến nhưng họ vẫn suy nghĩ.
Đây có phải là:
• Trả thù người chết khi họ không nói được chăng?
• Gạch nát mặt của tấm hình trên mộ bia của những người chết ở nghĩa trang quân đội nơi họ được chôn cất để làm gì?
• Hơn thế nữa, còn muốn trả thù người sống khi họ là kẻ thua cuộc? Họ còn cái gì để chống đỡ?
• Hôm trước thắp nhang rồi một thời gian sau, đập phá miếu thờ?
• Đã tuyên bố công khai là theo chính sách của nhà nước, cho lập bàn thờ và cho tiền túi riêng để lo săn sóc 5 ngôi mộ hư hại nhất ở nghĩa trang của những người lính mà ngày xưa coi là kẻ thù? Tiền của cá nhân ông hay của chính phủ? Người chết chỉ muốn nghe một lời của ông hơn là 5 triều đồng VN ông cho. Ông biết là lời gì không?
• Cách đó mấy trăm cây số, ở một ngọn đồi nay bị bỏ hoang, chỉ có một cái miếu nhỏ thì bị đập nát dù nó nằm chơ vơ ở sườn đồi cạnh con đường mòn lên đồi mà trên đỉnh là một cái lăng tẩm miếu kỷ niệm to lớn và bề thế dành cho liệt sĩ CS bên thắng cuộc đã nằm xuống.?
Cái lời muốn nghe đó chính là để cho cái miếu nhỏ không bị đập phá.
Có ai phàn nàn gì về sự khác biệt này hay không cho đến hôm nay?

Giữa lời tuyên bố của một ông thứ trưởng bộ Ngoại Giao nước CHXHVN Nguyễn Thanh Sơn và hành động đập phá lén lút của ai, không biết? làm sao những người mà ông thứ trưởng này muốn thuyết phục có thể tin rằng lời nói của ông:
• Đúng là chính sách chung của nhà nước?
• Đúng là chính sách thật sự và nhân đạo của chính phủ?
• Đúng là hành động chân thành và đứng đắn của những người lãnh đạo quốc gia mà ông là người đại diện?
Khi có những người làm sai những điều ông nói, với cương vị là những người lãnh đạo có trách nhiệm về chuyện này, ông sẽ có thái độ gì để chứng minh rằng:
• Ông đúng họ sai hay?
• Họ đúng ông sai hoặc ?
• Chả ai đúng chả ai sai cả.!
Lời tuyên bố nhân đạo của ông đã bay đi khắp thế giới của người Việt hải ngoại và tỵ nạn cũng như của các nước khác, những người được nghe và là những người mà ông muốn thuyết phục, họ đang chờ đợi để được nghe câu trả lời của ông sau gần 50 năm chiến tranh chấm dứt.
Khi con người đã chết ở ngọn đồi đó, trên đồi hay dưới đồi, cờ đỏ hay cờ vàng, lúc nằm xuống, họ không còn là kẻ thù với nhau, chỉ còn lại những người còn sống, còn thở, còn suy nghĩ và còn hơn thua trên mặt đất mới còn lòng thù hận với nhau.
Câu chuyện này chỉ được viết ra để hỏi những người còn sống trên mặt đất nhất là ông Nguyễn Thanh Sơn, một câu hỏi duy nhất:
THẮP NHANG SAO MÀ VẪN CĂM THÙ NGƯỜI CHẾT!
Tại sao vậy?

02/05/2023
Nguyễn Ngọc Phúc


 

Ca sĩ bị kêu gọi tẩy chay

vì gốc gác Việt Nam Cộng Hoà

RFA

Câu chuyện cộng đồng fan Kbiz Việt Nam đồng loạt tấn công, tẩy chay cô ca sĩ Hanni Pham phơi bày nhiều khía cạnh đáng lo ngại đang tồn tại trong xã hội Việt Nam: đó là nền giáo dục định hướng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho đến khả năng hòa giải dân tộc…

Hứng bão tẩy chay vì gốc gác Việt Nam Cộng Hoà
Hanni Pham, sinh năm 2004, là người Úc mang dòng máu Việt, hiện là thành viên của nhóm nhạc Idol Hàn Quốc New Jeans. Cô ca sĩ này hiện đang bị cộng đồng fan Kpop Việt Nam kêu gọi tẩy chay mạnh mẽ vì có ông bà, cha mẹ là người có tư tưởng theo chế độ Việt Nam Cộng Hoà.
Từ ngày 6/2, trên các diễn đàn cộng đồng fan Kpop tại Việt Nam như K CRUSH ĐỘNG với gần 589 ngàn thành viên, K Flower có hơn 418 ngàn người theo dõi… đều đồng loạt đăng tải các bài viết về xuất thân, gia thế của Hanni.
Tác giả truy tìm tất cả tài khoản Facebook người thân của Hanni, từ ông bà, cha mẹ cho đến người thân của ca sỹ này đã từng chụp hình dưới lá cờ vàng. Từ đó suy ra rằng Hanni được nuôi dạy trong một gia đình theo Việt Nam Cộng Hoà nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Những bài viết này thu hút hàng ngàn bình luận. Cộng đồng fan Việt, mà đa phần là học sinh, sinh viên, cho rằng gia đình Hanni thuộc thành phần “phản động, ba que, bán nước”… cần phải tẩy chay cô ca sĩ này.
Một Facebooker tên Ngọc Ánh, là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Hàn, đang sống tại Hà Nội viết trên Facebook về vụ việc này rằng:
“Không thể nói là gia đình không ảnh hưởng đến tư tưởng con bé được. Hanni có thể quay lưng lại với cả gia đình và bày tỏ quan điểm chính trị của mình không? Chắc chắn bạn đã có câu trả lời… Đừng xem nhẹ vấn đề chính trị. Bác Hồ đã từng nói: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Việc ủng hộ một idol theo phản động ít nhiều cũng góp phần cho phát triển của hệ tư tưởng này”.

Một loạt cư dân mạng còn ùa vào tấn công trang Facebook “Võ đường Thần Phong”, đây là võ đường do ông ngoại của Hanni thành lập ở Úc.
Người quản lý võ đường này, không muốn nêu danh tính, nói với RFA rằng  cha mẹ của Hanni hiện đã đóng Facebook, còn ông thì không quan tâm đến những lời tấn công, mạt sát trên Fanpage của võ đường:
“Cái chuyện này mình thấy cũng hơi bá láp một chút xíu. Chuyện người ai làm thì người đó chịu. Con cháu bây giờ nó đã lớn rồi, nó có những sinh hoạt, hoạt động riêng, con đường tiến thân của nó. Bây giờ mình cứ lấy những chuyện cũ ra để đè đầu, bóp cổ, vùi dập những nhân tài đi thì tôi thấy rất là đau buồn cho đất nước của mình, cho những người Việt nói chung”.

“Hồng vệ binh” thế hệ mới?
Bình luận về sự kiện này, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng phản ứng điên cuồng, sử dụng đám đông để hò hét là phương thức của “hồng vệ binh” (tầng lớp thanh thiếu niên Trung Quốc bị đảng cộng sản tẩy não tôn sùng Mác-Lê nin và Mao Trạch Đông). Họ luôn đòi hỏi tất cả những ai mà họ yêu thích đều phải quy phục họ, nhưng mà thế giới này không có trò trao đổi như vậy:
“Thái độ của những người điên cuồng khi nghĩ rằng khi tôi thích bạn thì bạn phải nô lệ về tinh thần của tôi nhưng có những người họ mạnh hơn rất nhiều. Họ muốn cô ca sĩ này phải từ bỏ truyền thống gia đình, từ bỏ cội nguồn để gia nhập vào cái sự tự hào chung của họ. Nhưng mà nói thì nói tội nghiệp, chứ thực sự thì cô bé đó cũng đã được tự hào được hâm mộ bởi hàng triệu người khác không cần những người lúc nào cũng rơi vào bàn phím chính trị. Cái giá trị tình cảm mà bị pha trộn bởi chính trị bao giờ nó cũng mong manh dễ vỡ giống như một đứa con gái mới yêu mà ngu xuẩn vậy đó.”
Theo quan điểm của nhạc sĩ Tuấn Khanh, đám đông đó rất tội nghiệp, bởi vì họ chỉ chống lại những người không đủ khả năng để chiến đấu lại với họ mà thôi. Bây giờ họ chửi những người của chế độ trước đều là “ba que, bán nước” nhưng mà khi con gái của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy con trai của một viên chức nhà nước Việt Nam Cộng Hòa thì không ai nói một lời nào cả.

Hậu quả của nền giáo dục tuyên truyền?
Khoa (yêu cầu chỉ nêu tên), đến Mỹ du học từ năm lớp 11 và hiện đang làm việc ở Mỹ, cho rằng những phản ứng thái quá, mang tính đám đông này của giới trẻ hiện nay là bởi một chế độ giáo dục tuyên truyền, định hướng ngay từ nhỏ, mà chính anh cũng đã từng trải qua.
Bằng trải nghiệm của mình, Khoa nói anh cảm nhận được thái độ hằn học của giới trẻ trong nước đối với lớp trẻ là con em gia đình Việt Nam Cộng Hoà, mà Hanni là một điển hình. Chứ ở chiều ngược lại, anh không thấy có sự ghét bỏ của nhóm người trẻ gốc Việt ở Mỹ đối với lớp trẻ lớn lên trong gia đình Cộng sản ở trong nước.
“Cái chính vẫn là do giáo dục bằng tuyên truyền của nhà nước Việt Nam. Nếu họ không bưng bít, nói đầy đủ sự thật ra thì có thể vẫn có những bất đồng, nhưng không thù hận đến mức dữ dội như vậy.
Thế hệ bên này (Mỹ – PV) họ cũng có nghe nói về sự hận thù của cha ông nhưng mà họ không có bị ảnh hưởng nhiều mà họ còn cởi mở hơn. Thế hệ trẻ con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba không phải tiếp nhận chế độ giáo dục tuyên truyền một chiều nên họ có cái nhìn về Việt Nam tương đối là cởi mở và thông cảm hơn".

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan?
Một fan Kpop yêu cầu được dùng nickname là Yun bình luận với RFA qua email cho rằng hiện tượng tấn công tập thể (ném đá, witch hunt) này không chỉ xuất hiện trong cộng đồng fan K-pop.
Nếu nhìn lại các sự kiện trước đây từng lan truyền trên mạng xã hội, từ bệnh nhân COVID số 19 đến những tranh cãi liên quan đến bánh mì, bóng đá,…yếu tố “yêu nước” đã bị lạm dụng để dẫn dắt và định hướng dư luận. Ai cũng có thể dự phần vào hành vi này, bất kể họ được trang bị kiến thức như thế nào.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được các nhóm dư luận viên và ủng hộ nhà nước sử dụng khá bài bản để định hướng hành động của người dùng mạng. Những yếu tố như “lòng yêu nước”, “Tổ quốc”, “anh hùng dân tộc”, “hy sinh”, “chúng ta (phe chính nghĩa) với chúng nó (phe chống phá)”… được dùng làm chất liệu cho những cuộc đấu tố online và khơi gợi cảm xúc mạnh từ người nhận thông tin.
Kết hợp với hệ thống tuyên truyền đã được tiếp xúc từ cấp tiểu học đến đại học, không khó để thanh thiếu niên liên hệ những lời kêu gọi đó với tinh thần ái quốc của mình. Vậy nên, tôi không hướng toàn bộ chỉ trích vào các học sinh sinh viên, mà quan trọng hơn, chính là các nhóm đứng sau những cuộc đấu tố online như vậy.
Nếu quan sát thêm, bạn sẽ thấy hệ thống dư luận viên và tình nguyện viên này có rất nhiều trong các group giải trí, hóng drama, học hành, CLB sở thích, phim ảnh và thường sẽ tổng vận động khi có những sự kiện, tranh cãi (thậm chí do chính họ tự tạo ra mâu thuẫn) trong xã hội.
Công thức chung thường là họ kêu gọi săn lùng thông tin cá nhân, cắt ghép thông tin, báo cáo các bài viết, tài khoản trái ý kiến, và sử dụng ngôn từ thù ghét để phi nhân hoá, khiến đối tượng bị nhắm đến không được nhìn như những con người bình đẳng, mà là một “loài” khác, đáng bị loại bỏ khỏi xã hội.
Việc kích động và chia rẽ này cuối cùng vẫn nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của nhà quản lý, khiến vai trò của họ trở nên quan trọng và có ý nghĩa bảo đảm sự bình yên của xã hội.

Hoà giải dân tộc ngày càng mong manh
Trước đây, khi nói đến hoà hợp hoà giải dân tộc, người ta chỉ thường nghĩ rằng đối tượng hoà giải là những người thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh.
Tuy nhiên, qua sự kiện này, anh Khoa cho rằng bằng hệ thống tuyên truyền định hướng của nhà nước Việt Nam, lòng thù hận chế độ Việt Nam Cộng Hoà, “Nguỵ quân, Nguỵ quyền”… đã ăn sâu vào tiềm thức của phần đông giới trẻ Việt Nam. Do đó, Khoa nhận xét khả năng hòa giải giữa hai phía là ngày càng mong manh:
“Muốn hòa giải thì cả hai bên đều phải có thiện chí. Tuy nhiên, cần phải có thiện chí lớn hơn từ bên làm tổn thương bên còn lại. Hồi đầu mình còn nghĩ về chuyện này, mình mong muốn về sự hòa giải dân tộc, nhưng mà bây giờ càng ngày mình càng cảm thấy chuyện này về hiện tại rất khó khăn. Bây giờ với thế hệ thứ hai này, mặc dù bây giờ họ không trải qua chiến tranh nhưng họ đã ngấm cái chiêu bài tuyên truyền khá là nặng rồi”.

Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, “Hoà hợp - hoà giải” là một chủ trương của nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay lời nói thì nhiều chứ hành động không có bao nhiêu. Nó như là chiếc áo mặc đối phó thời thế của chính quyền. Một khi đã thực sự muốn điều đó thì họ sẽ buộc mọi tầng lớp mặc áo hòa giải nhũn nhặn cho đồng bộ. Khi ấy mọi kiểu hung hăng làm trò yêu nước như câu chuyện nêu trên cũng sẽ ngả màu.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-singer-boycotted-because-her-family-follow-the-republic-of-vietnam-02082023132043.html
https://bienxua.wordpress.com/2023/02/10/ca-si-bi-keu-goi-tay-chay-vi-goc-gac-viet-nam-cong-hoa-rfa/

Ca sĩ trẻ Hanni quá nổi tiếng và thành đạt lại là con cháu VNCH, nguyên nhân chính khiến Việt cộng tức ói máu
Ban Tuyên giáo thấy bọn trẻ bắt đầu chú ý tới nhóm NewJeans ở bên Hàn, đã thế trong nhóm đó lại có cô bé Hanni người gốc Việt dễ thương, với gia thế "nguy ". Thế rồi cuống cuồng ra lệnh cho lực lượng dư luận viên tấn công cô bé tội nghiệp.
Từ ngày 6/2, trên các diễn đàn cộng đồng fan Kpop tại Việt Nam như K CRUSH ĐỘNG với gần 589 ngàn thành viên, K Flower có hơn 418 ngàn người theo dõi… đều đồng loạt đăng tải các bài viết về xuất thân, gia thế của Hanni.
Những bài viết này thu hút hàng ngàn bình luận. Cộng đồng fan Việt, mà đa phần là học sinh, sinh viên, cho rằng gia đình Hanni thuộc thành phần “phản động, ba que, bán nước”… cần phải tẩy chay cô ca sĩ này.



Hanni Phạm là nghệ danh của Phạm Ngọc Hân, 19 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Úc, sau đó chuyển sang Nam Hàn. Cô có thể sử dụng ba ngôn ngữ (Anh, Việt, Hàn) và đang là thành viên của ban nhạc nữ NewJeans tại Nam Hàn.
NewJeans vừa gây tiếng vang lớn khi bán được hơn 300.000 bản cho đĩa nhạc của mình sau khi phát hành một tuần, phá kỷ lục về doanh số của các ban nhạc nữ theo phong cách Kpop.
NewJeans cũng đang đứng đầu Melon - nền trực tuyến lớn nhất Nam Hàn...

Hanni Pham trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Việt Nam vì một số nhóm mê nhạc Hàn, phim Hàn công bố... “điều tra” và bình phẩm về... “lai lịch” của cô.
Đại khái là theo “điều tra” của Phan Nhất Hải My công bố trên K Crusk Động thì... ông ngoại của Hanni có mở một võ đường tại Úc. Trang web của võ đường này có ảnh chụp cờ Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Cách nay... 11 năm, ông ngoại, mẹ, Hanni và em gái của cô từng... hiện diện tại hoạt động kỷ niệm thành lập võ đường...
Chưa hết, theo... “điều tra” thì Hanni còn có cô là chủ một nhà hàng. Nhà hàng này dám tuyên bố giảm giá cho các cựu chiến binh Úc từng cùng VNCH chiến đấu chống cộng sản tại miền Nam Việt Nam và tuyên bố “Văn hóa của chúng tôi dựa trên quan hệ họ hàng và mọi người đều là anh, cha, chú hoặc ông, ngay cả khi không có quan hệ huyết thống”...

Trái với thông lệ, đến giờ, hệ thống chính trị và hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục tảng lờ, xem như không nghe, không thấy, không biết gì. Phần lớn hệ thống truyền thông chính thức cũng thế. Chỉ có một vài cơ quan truyền thông chính thức như tờ Thanh Niên giới thiệu tóm tắt về tiểu sử và thành tích của Hanni Pham bởi... “Từ khóa Hanni (NewJeans) được tìm kiếm nhiều nhất Việt Nam” nhưng không nói gì thêm.
Nhà văn Khải Đơn viết "Tôi đã tìm ra Hanni từ Fanpage K Flower và nhiều trang khác có khán giả thuộc nhóm tuổi trẻ hơn tôi rất nhiều. Nhóm tuổi ấy không sinh ra trong chiến tranh, không nếm mùi khốn khó của cuộc chiến ấy. Ký ức của họ là sự tưởng tượng".
Vài phút sau khi tìm ra bài của K Flower, một bài viết tóm gọn hơn cùng nội dung có chủ đề "Thần tượng thì có nhiều nhưng tổ quốc thì chỉ có một" được đăng đồng loạt trên hàng chục fanpage khác.
Mỗi trang như vậy có khoảng từ 300-500 ngàn người theo dõi.
Nhờ vài chục seeding (nội dung comment gợi ý để đẩy đối thoại từ bài viết đi xa hơn), sau nửa ngày, Hanni đã bị bóc phốt là "có gia đình theo chế độ VNCH, hay nôm na là " 3/// (ba que)".

Chào mừng bạn đến với mô hình nung nấu thù hận và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Những chủ của fanpage này thường là vài công ty truyền thông. Họ có một số người sản xuất bài. Khi cần tấn công một ai đó, họ chỉ cần viết một phiên bản, đổi vài tít tựa, đăng đồng loạt vào "giờ vàng" ở các fanpage ăn khách mà họ đã nuôi dưỡng từ vài năm trước. Nội dung bài viết chỉ chừng 3-4 luận điểm lặp đi lặp lại, chỉ cần sửa một số dòng khiêu khích cảm xúc căm giận và khinh bỉ của công chúng đọc.
Hãy mở K Flower ra xem, fanpage đó hàng ngày thu thập thêm người hâm mộ bằng cách đăng lại hình ảnh xinh đẹp và dễ thương của các ngôi sao Hàn.
Hãy mở page "Trong căn phòng có 100 idols..." mà xem, vài ngày trước họ đang bàn bạc về quần áo của một nghệ sĩ khác.
Nhưng khi cần chăm bón cho thù hận, tất cả họ sẽ vào cuộc. Cùng một lúc.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan này không có chân dung thật, chúng là hạt giống nhân tạo của một nhóm người đang sở hữu công chúng truyền thông.
Sự căm ghét đó được tạo dựng trên sân khấu của mạng xã hội, nơi đám đông người trẻ vẫn đang học về lịch sử thật mơ hồ, mò mẫm trong cách kể chuyện về chiến tranh. Hay đúng hơn, họ không biết đến sự tồn tại của cuộc chiến đó, ngoài trang vở lịch sử tuyên truyền. Hay đúng hơn, họ chỉ mới biết căm ghét Hanni ngày hôm qua, nhờ vài tay viết social đi google và tổng hợp thông tin về ông bà cha mẹ của cô bé.
Lịch sử tuyên truyền trong chương trình phổ thông và tuyên truyền trên báo chí chính là đống củi cần thiết, để những fanpage như trên, khi cần châm lửa thù hận, đã có đủ tất cả chất liệu chúng cần. Sự cực đoan sinh ra từ góc nhìn hạn hẹp và ích kỷ của câu chuyện tuyên truyền. Trong góc nhìn đó, ta thắng - địch thua, ta chĩa súng bắn chết 10 tên địch.

Không ai có gương mặt con người, không có câu chuyện của những người bình thường dưới bánh xe lịch sử. Đi xa thêm 40, 50 năm, kiểu kể chuyện lịch sử tối giản này dễ khiến người đọc chọn phe, bởi chọn làm chính nghĩa thì dễ hơn là thấu hiểu con người, chọn làm bên thắng cuộc giẫm đạp sự khác biệt thì dễ hơn hiểu vì sao người Việt phải lênh đênh đến Úc lưu vong, chọn làm kẻ giương lá cờ sát phạt trên mạng thì vui hơn là nghe một bạn trẻ cùng tuổi hát gì trong tác phẩm của cô.

Chọn thù ghét dễ hơn chọn cố gắng hiểu thế giới của cái giếng mình trú ẩn bên dưới.
Tôi gọi đó là yêu nước bằng máu của người khác. Đó là ảo tưởng về tình yêu tổ quốc của một cộng đồng được xây dựng bằng cách cùng nhau thù ghét một đối tượng yếu thế không thể đáp trả họ, không thể nói lại, cũng không được phép phân bua....

Mỗi năm đến ngày 30/4, tôi sẽ được nghe những người lớn tuổi viết về nỗ lực hòa giải, hoặc kêu gọi hãy về bên nhau.
Ai về bên ai? Hòa giải giữa ai với ai?
Với một bác bộ đội Xã hội Chủ Nghĩa thì sự hòa giải là giữa bác và một người lính Việt Nam Cộng Hòa từ thuở hai bên chĩa súng vào nhau ở hai chiến tuyến.
Với một ông tướng Việt Nam Cộng Hòa thì sự hòa giải có lẽ là với một ông tướng khác ở miền Bắc trên chiến trận mà họ cùng mất đi bao đồng đội.
Với những bà mẹ mất con trên chiến trường miền Bắc? - Họ sẽ hòa giải với ai? Với những gia đình thuyền nhân bị chết người thân trên biển?
Ai hòa giải cái gì, khi họ chứng kiến người thân bị cướp biển cưỡng hiếp? Với những người Mỹ - họ đang bận làm phim với
những hình ảnh người Việt chạy loăng quăng ở hậu cảnh, nói những câu tiếng Việt vô nghĩa, làm nền cho chủ nghĩa anh hùng
đam mê chiến tranh của họ.
Còn bạn, trẻ măng và không nhuốm máu, hãy đặt câu hỏi về hòa giải cho chính mình.
Bạn sẽ hòa giải với ai? Bạn sẽ thù ghét ai? Câu trả lời thuộc về bạn, nhưng đừng làm cừu ngồi trên mạng ăn cỏ của truyền thông thù địch.
Đừng dùng máu của thế hệ trước bôi lên mặt nhau và tưởng thế là anh hùng. Bởi cừu thì không làm anh hùng được.

Thông qua việc này, chúng ta có thể thấy mấy điều sau về đảng cầm quyền CSVN .
Thứ nhất là sự tự ti. Chỉ có những người, hay nhóm người tự ti thì mới phản ứng gay gắt và bất chấp thủ đoạn nhắm vào một cá nhân nhỏ bé. Còn người tự tin thì sẽ không màng đến việc công kích ai, chứ đừng nói là vận dụng các cách thức đê tiện để bôi bẩn thanh danh người khác.
Thứ hai là sự lươn lẹo. Tuy ngoài miệng thì ra rả "hoà hợp hoà giải dân tộc", nhưng đằng sau thì ngấm ngầm tấn công, triệt hạ bất cứ ai có liên hệ với chế độ cũ. Nó cho thấy diễn ngôn hoà hợp, hoà giải chỉ là xảo ngôn. Không thực tâm.
Thứ ba là tính rừng rú. Chúng ta đang sống ở năm 2023. Thời điểm mà thế giới đã giao thoa đến độ biên giới quốc gia đã lu mờ. Các nền văn hoá đã hoà vào nhau.

Thế nhưng đảng cầm quyền vẫn muốn giam hãm Việt Nam ở trong cái hang u tối. Bằng cách bài trừ bất cứ thứ gì mới mẻ
chỉ vì chúng có thể động chạm đến quyền lực của chế độ.
Theo dõi các trang web ủng hộ chế độ trong mấy ngày nay sẽ khiến người ta cảm giác như đang sống ở thời kỳ Cải cách Ruộng đất. Vốn đã xảy ra cách đây 70 năm. Thật kinh hãi!

Nguồn: Nguyễn Trường Sơn
https://tiengquehuong.wordpress.com/


 

Bài viết dành cho những kẻ

mỗi lần mở miệng là phát ra tiếng “Ba que”

Hoàng Ngọc Mai



Theo tôi thấy, thì những kẻ hay dùng cái từ 3/// đó thường còn trẻ, đa số chưa đến 60, có nghĩa là vào năm 1975 chỉ còn là con nít. Còn những người lớn tuổi hơn, thậm chí cả đảng viên, họ cũng nói một cách khác. Ngay cả từ Ngụy Quân và Ngụy Quyền cũng đã được chính thức gỡ xuống.
Cho rằng họ là những kẻ “chiến thắng” một cuộc chiến đi, nhưng tâm lý mặc cảm thua kém của họ vẫn thể hiện qua rất nhiều mặt. Những giá trị của xã hội thời VNCH vẫn còn đó, làm cho kẻ “chiến thắng” ăn ngủ không yên. Hằng triệu người Bắc di cư vào Nam, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Hằng triệu người khác vượt biển Đông để từ bỏ chế độ CS sau “chiến thắng” 1975.
Rồi sau 1975, bao nhiêu triệu người miền Bắc lũ lượt kéo vào miền Nam làm việc và sinh sống. Hà Nội là thủ đô, được đảng CS chăm sóc trước miền Nam những 30 cơ mà? Sao không có làn sóng dân Nam kéo về Hà Nội? Đảng tuyên truyền rằng nhờ Mỹ đổ tiền vô nên miền Nam phồn thịnh! Sao lại bảo là Mỹ ác lắm đem quân vô giết dân Việt.

Điều nào đúng? – Cả hai đều sai!
Nói rằng thiên nhiên miền Nam trù phù hơn. Đó là ngụy biện hoặc là dốt nát. Karl Marx đã sai lầm căn bản ở điểm nầy khi xây dựng lý thuyết Cộng Sản. Theo lý thuyết đó, đất đai và phương tiện sản xuất là suối nguồn của sự giàu có, nên CS không cho tư nhân có quyền sở hữu đất đai và phương tiện sản xuất.
Nhưng thật ra sự phong phú nằm nơi con người, đất nước nào biết chăm sóc và trân trọng con người, đất nước đó sẽ hưởng được sự thịnh vượng. Hãy so sánh Nam và Bắc Hàn. Nam Việt và Bắc Việt cũng không ngoại lệ.

Miền Nam lúc nào cũng bị quân CS đánh phá và khủng bố, chính quyền dân chủ non trẻ với nhiều CS nằm vùng, mà vẫn xây dựng được cuộc sống hài hòa cho người dân. Phát triển mọi mặt từ kinh tế, giao thông công cộng, y tế , giáo dục… Đó là lý do tại sao miền Nam thịnh vượng. Và cái trình độ dân trí đó đã kéo miền Nam vượt lên hẳn so với Hà Nội.
Rồi những người miền nam liều mình vượt biển để tìm con đường sống trong cái chết. Nếu chẳng may bị bắt trở lại thì bị tù đầy với tội danh là “phản quốc”. Khi họ ổn định cuộc sống nơi nước ngoài, gửi những đồng tiền do chính sức lao động của họ về cho thân nhân ở trong nước thì đảng lại gọi họ là “kiều bào”, “khúc ruột ngàn dậm”, nghe sự nịnh nọt trơ trẽn mắc ói! Còn mấy cái mồm tuyên truyền thì kêu đi ra nước ngoài ăn bơ thừa sữa cặn… Nhờ những đồng tiền “bơ thừa sữa cặn” đó mà kinh tế VN vượt qua thời kỳ khô cằn do đường lối kinh tế XHCN, mọi thứ đều quốc doanh hóa, nhà nước quản lý hết… Đến lúc hết thở, nên nhà nước hết hồn, đành buông xả ra gọi là “đổi mới”!

Qua đó, có phải cái bóng mát của VNCH vẫn che cho dân trong những lúc khó khăn đó đến ngày hôm nay?
Vậy đó, Cộng Sản Bắc Việt vi phạm những hiệp ước quốc tế để giành chiến thắng nhưng những giá trị Nhân Bản của VNCH càng lúc càng âm ỉ đốt nóng những trái tim Việt Nam.
Các người cứ dùng lời lẽ xấc xược để tỏ vẻ khinh miệt người khác càng làm lộ rõ các người dốt nát và kém văn hóa mà thôi. Cộng Sản Chủ Nghĩa là đỉnh cao của Xã Hội Chủ Nghĩa. Mà XHCN cũng vỡ tan theo liên bang Sô Viết rồi, còn Thiên Đàng Cộng Sản có nằm mơ cũng không gặp.
Vậy mà các người cố gào 3/// để làm cho mình cao hơn ư? Rất tiếc cái chính nghĩa Cộng Hòa đó vẫn sáng mãi trong lòng dân Việt, nhất là nhân dân miền Nam. Có lẽ phải dùng đến những con số để chứng minh cho thấy cả guồng máy của nhà nước XHCNVN đã và đang sống dưới bóng mát của lá cờ mà họ gọi là 3/// đó.
Các người cứ lục tung hết sổ sách của cái gọi là “chính quyền XHCNVN” lên mà xem tổng ngân sách nhà nước dùng để trả lương cho toàn bộ công nhân viên chức nhà nước là bao nhiêu. Rồi các người xem con số đó có phải chưa bằng một nửa số tiền Việt Kiều gửi về hàng năm, trung bình là 10 tỷ USD, có năm cao hơn. Như vậy các người không ngủ dưới bóng mát của lá cờ vàng ba sọc đỏ là gì?

Tôi sẽ dẫn giải cho các người thấy, cả nước VN từ sau 1975 đến nay vẫn tiếp tục sống dưới bóng mát của lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
Từ ngày Sài Gòn bị “phỏng giái”, (người dân Miền Nam nói như vậy đó, nói lái là một nét đặc thù trong văn hóa bình dân của dân nam kỳ), thì một mặt trận tiêu diệt Văn Hóa miền Nam được phát động rất quy mô và triệt để. Đó là trận chiến “Tẩy Não” dân Miền Nam, nhằm loại bỏ tư tưởng và ý thức hệ Tự Do Dân Chủ. Tất cả văn hoá phẩm từ sách báo đến âm nhạc đều bị tiêu hủy và cấm đoán. Nhưng làm sao trói buộc được tư tưởng của con người chứ?
Nhà nhà nộp sách đem đốt, việc nầy không khó, nhưng cấm dân miền Nam hát những bản nhạc đã in sâu vào tim vào óc của họ thì quả là không thể được. Khi mọi thứ đã hoang tàn đổ nát kể cả lòng người dân lành, thì những dòng nhạc trữ tình khe khẽ quay trở về như làn gió nhiệm mầu xoa dịu bớt cái nỗi thống khổ của đời thường XHCN. CSVN gọi dòng nhạc đó là “Nhạc Vàng” để cân với dòng “Nhạc Đỏ” sặc mùi chém giết mà giai điệu và tiết tấu mang đậm sắc thái TC. Nhưng tới hiện tại thì họ trở nên ganh tị với cái tên gọi đó, vì nó đích đáng và đúng trên nhiều khía cạnh.
“Nhạc Vàng” không cổ súy chiến tranh mà chỉ biểu lộ những đau thương của con người trong thời chiến. Vậy tại sao người ta cấm Nhạc Vàng? Có phải người ta sợ cái bóng dáng thiên thần dịu dàng và ngọt ngào đầy tình người sẽ làm hiện thân của Ác Quỷ nổi trội rõ nét hơn chăng?
“Nhạc Vàng” một tòa lâu đài văn hóa Việt Nam Cộng Hòa bất diệt, chẳng những không hoen rỉ qua thời gian mà còn lóng lánh hơn như một kho báu cho mọi tầng lớp con dân VN suốt 3 miền và kể cả những kẻ từng lên án, vùi dập lẫn sợ sệt nó. Bao nhiêu người đã khai thác cái kho báu vô tận nầy.
“Nhạc Vàng” loài hoa mỹ miều kiêu sa, mọc lên từ bom đạn chiến tranh, tồn tại qua bao sự vùi dập, thể hiện tính Nhân Bản của một xã hội đầy tình người, đáng được trân quý như vàng. Hơn nửa thế kỷ qua, chưa có một đối thủ nào lăm le đứng gần chứ đừng nói là soán ngôi.
“Nhạc Vàng”, một hương vị kỳ diệu, không thể thiếu được khi thưởng thức một ly cà phê ngon hay một chén trà thanh thoát. Một tay guitar và nhạc vàng luôn là tâm điểm cho những buổi nhậu bình dân.
“Nhạc Vàng”, một loại trầm hương hảo hạng cho bất kỳ cuộc họp mặt nào từ quê ra tỉnh, từ đám cưới đến đám tang, từ sân khấu đại nhạc hội hàng ngàn khán thính giả đến quán cà phê dăm ba người cuối phố, thậm chí là niềm giải trí duy nhất trong chốn lao tù….
“Nhạc Vàng”, là ánh lửa rực rỡ của con Phượng Hoàng hồi sinh từ tro bụi sau khi những người nhân danh CSCN đã giết nó bằng mọi khả năng của họ. Ánh lửa đó đã bùng lên, lan tỏa đến từng trái tim của chính những người mang danh hiệu là Đảng Viên ĐCSVN, bất luận là ở đâu, Nghệ Tĩnh, Hà Nội hay Sài Gòn!
Nói mãi về “Nhạc Vàng” VNCH không bao giờ cạn ý.

Nếu những lời lẽ quanh co trên đây chưa thực sự vẽ ra cái bóng mát của lá cờ vàng, chưa chứng minh được âm nhạc VNCH là Vàng ròng 24 kara thì tôi xin được dẫn quý vị vào yếu tố kinh tế của Nhạc Vàng vậy.
Từ hải ngoại đến quốc nội, bao nhiêu doanh nghiệp phát triển nhờ Nhạc Vàng, bao nhiêu ca sĩ thành danh và nên sự nghiệp, bao nhiêu người trở nên giàu có, bao nhiêu công ăn việc làm cho cái kỹ nghệ âm nhạc nầy, từ thời băng từ, đến đĩa từ, CD, kế đến phong trào Karaoke, bao nhiêu kỹ thuật viên, phòng thâu, ca nhạc sĩ, cơ sở sản xuất, phát hành, bán sỉ lẻ, thiết bị âm thanh, ..v.v  và  v.v…
Bao nhiêu Đại Nhạc Hội, tụ điểm ca nhạc… Biết bao nhiêu ca sĩ, từ Bắc chí Nam đã thành triệu phú đô la nhờ vào cái bị gọi là  “Văn Hóa Nô Dịch” đó.
“Nhạc Vàng” đã tham gia với người dân cả nước trong việc mưu sinh hàng ngày, từ quán cà phê, đến hàng loạt xe đò đường dài, đến anh bán kẹo kéo, đến những em bán hàng rong hằng đêm trên phố, đến những người hành khất… Lớp học hát, học đàn nở rộ, tiệm sản xuất đàn guitar gia tăng, quán cà phê nhạc sống, bình dị mà trữ tình ngày càng phổ biến.
Một chiếc điện thoại thông minh, một cái mi-crô không dây, khách ngồi uống nước mía bên vệ đường cũng có thể chia sẻ với nhau một bản tình ca… ấm áp. Cái bóng mát đó càng ngày càng mở rộng ra trên nhiều lãnh vực của cuộc sống và địa phưong, lan dần đến tận các tỉnh miền Bắc… Đó không phải là bóng mát từ nền âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa thì là gì, lửa hỏa ngục chăng?
Tôi đã thấy, ca sĩ bậc nhất ĐVH, tranh thủ cho ra mắt 2, 3 album nhạc vàng trong vòng một tháng, hát giành hát giựt, sợ ca sĩ khác hát trước, mất số bán. Như một tên ăn trộm, khám phá ra kho báu, hốt vội hốt vàng, nhạc vàng là vàng ròng đó.
Tôi đã thấy cũng ĐVH hát “Cho một người nằm xuống” , dĩ nhiên là hát để thu tiền, có bao giờ ĐVH nghĩ đến những trái ngọt nầy do ai vun trồng mà nên? Sao không hát cho người thương binh VNCH còn sống vất vưởng ngày hôm nay. Mang danh một điva, một nghệ sĩ , ĐVH nếu có tâm hồn nghệ sĩ, sao không dám một có lần tri ân những người đã nằm xuống để bảo vệ cho thể chế đã sản sinh ra cái kho báu âm nhạc nầy. Phải chăng vì không có tâm hồn mà chỉ hát vì lòng tham nên bị người đời gọi là Ca Nô?
Tôi đã xem video clip của đại ca… sĩ Ngọc Sơn, đại gia từ nhạc vàng, hát trong một hội trường đầy ắp khán giả là quân đội mặc quân phục đại cán, ngực đầy huân chương “cách miệng”. Những ca khúc nhạc vàng cất cao, cả hội trường đứng dậy, hai tay đưa lên cao, đung đưa theo dòng nhạc…

Các vị đa số là đảng viên, các vị chắc đã học tập lý luận nhiều lắm, quý vị có thấy một nghịch lý vô cùng to lớn ở đây không? Hoặc là các vị có thấy xấu hổ trong lòng không? Cái mà quý vị diệt tận, giết sạch ngày hôm qua, thì hôm nay ngồi dưới cái bóng mát của cái “xác khô” VNCH mà chia sẻ hương thơm ngào ngạt của nó.
Các người là kẻ chiếm và thắng, các người hành hạ, chà đạp kẻ thất cơ lỡ vận nhiều rồi, chúng tôi không màng, lịch sử sẽ có lúc trả lại công đạo.
Nếu quý vị mạt sát VNCH thì móc cổ mà ói ra hết những gì quý vị nuốt vô từ nền văn hóa VNCH đi.
Còn như quý vị trơ trẽn, miệng thì mỉa mai: “đu càng, ba que, quần què” mà giành nhau đưa tay vào chấm mút, thật đáng khinh thay!

Hoàng Ngọc Mai

http://hon-viet.co.uk/HoangNgocMai_BaiVietDanhChoNhungKeMoiLanMoMiengLaPhatRaTiengBaQue.htm

https://bienxua.wordpress.com/2023/02/10/ca-si-bi-keu-goi-tay-chay-vi-goc-gac-viet-nam-cong-hoa-rfa/



Đăng ngày 18 tháng 02.2023