Tưởng niệm Giáo sư Lê Hữu Mục

 


Tiễn biệt Thầy Lê Hữu Mục

            

Nghe tin thầy đã không còn
Tử phần muôn dặm lòng con chạnh buồn
Nhớ Thầy từ buổi khai môn
Rồi xa chớp bể mưa nguồn mà thương
Thầy trò lữ thứ tha phương
Nghiến răng hướng vọng cố hương vân mòng
Ngậm ngùi xót phận lưu vong
Thầy ơi! Còn một tấc lòng Nguyễn Du
Tiễn Thầy về cõi thái hư
Nhớ Thầy một bậc lương sư trong đời.

Cao Ngọc Cường
(ĐHSPSG, ban Việt Hán 1972-1975)

_______________________________

 

Lễ tang thầy Lê Hữu Mục

Hình thứ ba,trên bì̀nh hoa cạnh bàn thờ có bài thơ của bạn Cao Ngọc Cường (S.V Việt- Hán- 1972).
Hình giữa:các anh chị đại diện Gia Đình Cựu Giáo Chức V.N tại Montréal sau Lễ viếng và đọc Điếu văn. Người đầu tiên phía tay phải là anh Nguyễn Hữu Mạnh, con trai trưởng của Thầy. Anh niên trưởng(có râu dài) là người đọc Điếu văn.
T.B. Vòng hoa trắng của cựu S.V ban V.H Đ.H .S.P Sài Gòn kính viếng Thầy ,ở phía tay phải trong hình đầu tiên , bị che mất.
Thân mến
Tịnh & Mỹ

 thay lhmuc thay lhmuc

thay lhmuc thay lhmuc

 



Nhớ Thầy

Bạn cũ trường xưa của một thời
Chúng mình phơi phới tuổi đôi mươi
Thời gian thấm thoát thu đông lại
Ngày tháng phôi pha những tuổi trời
Ai góp tìm bao hình bóng cũ
Để làm quà tặng gửi cho người
Mặc cho bụi phấn vương trên tóc
Cố giữ cho nhau một nụ cười.

*
Nhìn lại hình xưa nhớ một thời
Bên thầy bên bạn; tuổi hai mươi
Giảng đường, lớp học tình thân ái
Du khảo cùng vui giữa đất trời
Nghĩa nặng tình sâu, thầy với bạn
"Lương sư Hưng quốc" học trồng người
Thưa Thầy! Con nhớ lời Thầy dặn
Thầy ở trên cao sẽ mỉm cười

Cao Ngọc Cường
(ĐHSPSG, ban Việt Hán 1972-1975)

thay lhmuc

Lớp Việt Hán 1972 với Thầy Lê Hữu Mục (GS hướng dẫn) và Thầy Phạm Đình Tiếu (GS Văn hoá vụ) trong buổi du khảo tại Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (trực thuộc ĐHSPSG)

 



Khóc Thầy Lê Hữu Mục

Ôi! dẫu biết trần-gian là cõi tạm
Cuộc biển dâu sinh tử lẽ vô thường
Đến hay Đi chẳng hẹn,khôn lường
Hồn con mê mãi sầu thương ai hoài!!!

Thầy về đỉnh thọ chín hai
Học trò lớp lớp tuổi ngoài sáu mươi
Đông Tây từng trải khắp nơi
Bắc Nam liễu ngộ rằng "Đời" đấy thôi!!!
Công danh theo áng mây trôi
Trăm năm thành đạt danh NGƯỜI nét hoa
Lập-trường kiên-định Quốc-Gia
Lương-Sư Hưng-Quốc sáng nhà Phương Đông

Trượng-Phu hề!
Thân Thái-Sơn như nhàn nhã hư không
Sĩ Phu hề!
Đạo Thánh-Hiền đã hiển thông duyên trần
Nay về hóa nhập Chân-Thân
Nhạc thần, Thiên-sứ nghinh tân đón mầng
Biệt ly lệ tủi dâng dâng
Tưởng ơn Trí-Tuệ thâm ân cao dầy

Ôi, Thương thay!
Ôi, Tiếc thay!
Như Sao Bắc-Đẩu bay vào Càn Khôn
Tặng đời "Nghiên Cứu Chữ Nôm...
Văn chương truyền giảng sáng hồn nước non

Toàn ban Việt Hán chúng con
Đại-Học Sư-Phạm SàiGòn Việt-Nam
Ngậm ngùi thắp nén huơng tâm
Kính Thầy Hưởng Phúc Thiên Ân An Bình

Ô hô! Hiền Thánh Anh Linh!
Ô hô! Hiền Thánh Anh Linh!
Ô hô! Hiền Thánh Anh Linh!

Đặng Lệ Ngọc
VBLN
(ĐHSPSG, ban Việt Hán 1972-1975)



Lê Hữu Mục: Tâm moi (moa) LÀ MÂY

Nguyễn Văn Sâm


Gs Lê Hữu Mục (1925-2017)

Anh Mục lớn hơn tôi quá một con giáp. Khoảng cách đó, với số tuổi của chúng tôi ngày nay, không quan trọng lắm, nhưng ngày xưa lúc tôi mới bắt đầu học Tú Tài I (1957-58) thì là vấn đề lớn. Tôi nhìn anh còn hơn cả bậc thầy mình. Anh lúc đó đã có giảng khoa ở Đại Học Huế, đã có sách về Nhất Linh, về Tự Lực Văn Đoàn rất có giá trị mà chính tôi đã nghiền ngẫm để đi thi. Khi tôi mới bước vào ngưỡng cửa của trường Đại Học Văn Khoa thì anh Mục đã có những công trình làm ngẩn ngơ người đọc là bản dịch rất nhuần nhuyễn hai quyển truyện ký viết bằng chữ Hán của người xưa là Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh Tập. Hai tập truyện xưa này anh dịch đã rất tài tình, chính xác và rõ ràng lại thêm tài hoa trong cách hành văn. Phần quan trọng bậc nhất là phần dẫn nhập ở đầu sách, giới thiệu toàn bộ nội dung để người đọc nắm bắt được những gì tác giả muốn chuyển giao cho người đọc. Tôi rất khâm phục hai công trình sáng giá này của anh.

Khi tôi mới chập chững bước vào việc tìm hiểu chữ Nôm thì anh Mục đã có bản phiên âm quyển Huấn Địch Thập Điều xuất bản do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa của cư sĩ Mai Thọ Truyền. Quyển sách nầy cũng vậy, anh Mục chú thích tận tường và đây là một tác phẩm dầu được phiên âm lần đầu tiên, nhưng cho tới ngày nay tôi cũng chưa thấy một chữ nào đáng bàn cãi, khác với những bản phiên âm tuồng hát bội cũng của Phủ Quốc Vụ Khanh mà lỗi phiêm âm sai phải nói là cả lố hay nặng nề hơn: như sao trên trời!
Trong việc học hành nghiên cứu, anh Mục lúc nào cũng đi trước tôi một đoạn đường dài, chắc chắn bằng kiến thức và bằng tác phẩm chớ không phải đoạn đường dài của thời gian… tôi gọi anh bằng anh vì anh muốn vậy, và tôi giữ cách gọi nầy hơn bốn chục năm nay. Tiếng anh như là tiếng tôn vinh một bậc đàn anh của mình, với sự quí trọng chớ không phải là tiếng gọi bằng anh của sự xưng hô giao tiếp bình thường trong xã hội.
Cảm tình đó tôi có được là do những tác phẩm của anh: nghiêm túc, sâu rộng, đĩnh đạc... Trong giao tiếp với tính cách bạn bè, hay với tư cách của người nghiên cứu đi sau, nhiều người phàn nàn anh Mục về sự khép kín trong việc trao đổi tài liệu, trách anh thường làm việc một mình, được hỏi về chi tiết nào đó trong lãnh vực nghiên cứu của anh, anh ít khi trả lời… tôi tuyệt nhiên không có sự phàn nàn đó. Tôi cho rằng mỗi người đã chọn thái độ sống và phương thức làm việc của mình rồi, người nghiên cứu mà khép kín trong sự giao tiếp trao đổi là vì những lý do riêng của kinh nghiệm tự thân. Ta không thể lấy cách sống của mình mà bắt người khác sống như ta được.

Cơ cấu giáo dục Đại Học của VNCH thời 1954-1972 đã ngăn chặn bước tiến thủ của anh Mục về phương diện cấp bằng cũng như ngạch trật. Từ lúc có bằng Cử nhân, giữa thập niên 50, đến khi anh có thể thi Tiến sĩ phải mất hơn hai mươi năm. Con đường quá dài và vô lý của kẻ sanh không nhằm thời. Những người có trách nhiệm ở Đại Học thời đó không mở chương trình Tiến sĩ vì lý do nầy lý do khác. Khi mở thì cũng mở nửa chừng, Tiến sĩ Đệ Tam cấp chớ không phải là Tiến sĩ Quốc gia. Nghĩa là rồi sẽ phải thi thêm lần nữa!
Và tôi được thi cùng luợt với anh nhờ sự xả cản đó: khóa đầu tiên của Trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, 1973, dành cho những người đang giảng dạy ở Đại Học Văn Khoa mà chưa có bằng Tiến sĩ (vì không được đi ngoại quốc, lúc đó người có bằng Tiến sĩ là những vị may mắn được đi ngoại quốc du học và trở về với bằng Tiến sĩ, Đệ Tam cấp hay Tiến sĩ Quốc gia, hoặc ít nhứt là bằng Cao học).
Kỳ thi cuối khóa năm Thứ nhất TiếnsSĩ, ban Văn chuơng Việt Nam, xác nhận rằng các thí sinh đủ điều kiện để trình Luận án Tiến sĩ, Anh Mục đỗ đầu, Nguyễn Văn Sâm hạng nhì. Kế đó theo thứ tự là Phạm Việt Tuyền (gần đây ở Pháp), Nguyễn Thiên Thụ (hiện đang ở Canada) Phạm Văn Đang (đã mất trên đường vượt biển)… và sau đó còn hai người nữa mà tôi quên tên vì qáa lâu ngày và là những vị mà tôi ít cùng sinh hoạt… Hạng nhì sau anh Mục, nhưng tôi biết chắc chắn rằng mình chỉ đáng là học trò của anh về nhiều mặt. Có khi các lứa học trò đầu tiên của anh còn giỏi hơn mình.
Khi bàn chuyện với các vị Giáo sư phụ trách kỳ thi nầy, vốn cũng là đồng nghiệp nhiều năm dạy chung một trường, tôi được xác nhận điều đó: Mục nghiên cứu lâu rồi nên có cái nhìn liên ngành, trong vấn đề phải trình bày Mục cũng đào sâu. Sự thông thạo Hán văn, Pháp văn giúp Mục hơn nhiều, hơn xa những người cùng khóa. Sau nầy anh Mục thường tự hào nhắc lại ở nhiều nơi rằng mình đỗ đầu kỳ thi Tiến Sĩ Văn Khoa, khóa độc nhất của Việt Nam Cộng Hòa, tôi cho rằng sự tự hào đó là chính đáng. Vì thời thế, chớ đáng lý ra anh đã đi xa hơn nhiều về mặt khoa bảng, sự khoa bảng được yểm trợ giá trị bằng những công trình đa dạng, đa năng mà anh đã cống hiến cho người chung quanh suốt cả đời mình.

Anh Mục dạy chánh thức ở trường Đại học Sư Phạm Sàigòn, phụ trách thêm một phần nhỏ ở trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, trường chánh của tôi. Chúng tôi thân nhau vì gặp thường xuyên và cùng có biệt nhãn về sự nghiệp của văn gia Huỳnh Tịnh Của. Thỉnh thoảng hai đứa đem sách của Huỳnh Tịnh Của ra thảo luận bàn bạc, nhiều đoạn đắc ý anh Mục thường cười lớn như trẻ con trong khi tiếng cười bình thường của anh đã là như lệnh vỡ. Giống nhau điểm đó, còn các điểm khác về mặt nghiên cứu anh Mục khác xa với tôi. Khi tôi bỏ tâm huyết và thời gian để viết về các nhà văn tranh đấu chống Pháp của giai đoạn 1945-1954, anh Mục nói tôi làm chuyện vô ích vì các nhà văn đó còn quá mới và giá trị của họ chưa được thời gian thẩm định. Tôi cười tiếp nhận mà không biện bạch, chỉ nghĩ rằng mình là người thẩm định và xác nhận giá trị của những nhà văn nầy trước hơn ai hết, thế thôi. Điều đó có gì sai trái đâu, mọi chuyện đều phải có lúc ban đầu. Cũng như kỳ thi Tiến sĩ đầu tiên ở nước ta là kỳ thi Thái Học Sinh mà người đậu kỳ đó là Nguyễn Trãi. Nếu hỏi những giám khảo chấm kỳ thi Thái Học Sinh đầu tiên lấy tư cách gì để chấm kỳ thi nầy thì tôi chịu. Chỉ nói rằng mọi chuyện đều cần có cái ban đầu.
Khi tôi cho in lần đầu tiên quyển Văn Học Nam Hà, (1970) cũng chính anh Mục nói tôi viết được, nhưng mà phải viết kỹ lưỡng hơn nữa, quyển sách có chiều dầy nhưng như là còn sơ lược. Tôi hỏi sơ lược chỗ nào, anh chỉ cho từng chỗ, tôi sẽ bổ sung khi có thể. Anh Mục chỉ cười. ‘Toa phải tự tìm hiểu, moa đâu phải thầy của toa đâu...’ Rồi anh nghiêm chỉnh hơn. ‘Toa có thể đi xa trên đường nghiên cứu, nhưng phải cẩn thận, viết mau, viết sai thì chết, không thể sửa được’.
Tôi biết ơn sự cảnh báo phải cẩn thận của anh. Và tôi ghi tâm mấy chữ nghiên cứu phải cẩn thận, viết mau, viết sai thì chết. Tôi phục cái đức tính đó của anh, chỉ cho đàn em biết được điều cơ bản của việc nghiên cứu. Tôi cũng biết anh đi theo phương châm đó trong những nghiên cứu về văn học của anh.
Chúng ta không thể dửng dưng liệng đại đùa vào thị trường sách vở những quyển sách đầy sai lầm do sự tắc trách. Chôn vùi tên tuổi mình là chuyện nhỏ, nhưng đầu độc người khác bằng những kiến thức sai lạc và những lý luận khiên cưỡng là chuyện không thể tha thứ được. Sách vở còn đó, 30, 50, hay cả trăm năm sau. Nhưng, với tôi, sự cẩn trọng phải có giới hạn, không thể cẩn thận quá đáng để rồi không biết đến bao giờ mới dám cho in tác phẩm của mình. Đến khi về già nếu có muốn in thì tiền bạc cũng như tinh lực không còn bao nhiêu để lo tròn việc in ấn.

Sau đại nạn 75, nhiều giáo chức Đại học như hai chúng tôi đều mất trường, mất lớp. Tôi thường ngâm nga cho anh nghe câu thơ tán thán rất là ưng ý nảy sinh khi đạp xe cọc cạch đi ngang trường cũ: Trường này nào phải trường ta/ Liệu mà sửa soạn về nhà đi buôn. Tôi không biết đi buôn, nhưng đã chìm sâu vào sự trống vắng tuyệt cùng, xa cách nghìn trùng với sách vở bảng phấn. Trong khi đó, mỗi khi gặp người chuyên môn về chữ Nôm nổi tiếng từ miền Bắc vào như Gs Nguyễn Tài Cẩn, hoặc sau nầy gặp ở Paris như nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp, tôi phần lớn nghe chính từ cửa miệng họ lời thán phục và kính nể bác/cụ Lê Hữu Mục. Có người còn nói với giọng tri ân rằng những chữ nầy chữ kia tôi đọc được là nhờ bác/cụ Mục. Tạo được cái uy tín đó, có được sự tri ân đó, sở học và sự suy luận của anh Mục chắc chắn là đã có sức thuyết phục thật nhiều.

Nhiều lần nói chuyện với anh, tôi rút ra mấy quan điểm tôi cho là cần thiết cho người lăn lóc trong môi trường chữ Nôm, do anh Mục khám phá được như là kinh nghiệm thực tiễn:
- Chữ Nôm có tích cách lịch đại: Chữ Nôm được viết ra mỗi thời mỗi khác. Khi đọc bản Nôm phải chú ý đến thời đại xuất hiện của nó. Mỗi thời đại có qui luật cấu tạo riêng. Cho những chữ Nôm vào cái khuôn thời đại của nó thì ta dễ đọc hơn dầu là chữ đó ta chưa từng gặp và nó cũng chẳng có mặt trong bất cứ từ điển nào. Lời anh nhấn mạnh: Cụ Hoàng Xuân H. không để ý đến qui luật thời đại mà chỉ để ý đến miền xuất hiện. Miền, chẳng hạn Nghệ An, Hà Tĩnh là một yếu tố không gian, nhưng yếu tố thời gian còn quan trọng hơn, không thể bỏ qua.
- Không nên lạm dụng ý cho rằng chữ nọ chữ kia khắc sai: Khi khảo sát một tác phẩm, phải cẩn thận, tốt nhất là giới hạn lại cái câu: Chữ này viết sai, phải là thế này. Chắc bản khắc đã lầm, chắc người sao chép đã lộn. Anh Mục nhấn mạnh nhiều lần với tôi: Không gì dễ dàng bằng nói người xưa sai. Họ không cãi được mà người đời nay không bao nhiêu người có thể biện hộ giùm cho họ. Đó mới là điều nguy hiểm vì phần nhiều ta chưa xét đến hết mọi mặt, kết luận chữ đó sai chính thật là ta sai. Cụ Đào Duy A. mắc lỗi này dầu rằng sở học của cụ thiệt là uyên bác, chúng ta rất khó sánh được!
- Nên chú ý đến cổ ngữ, cổ âm…:  Xét thơ xưa, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồng Đức, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Vương Tường… phải chú ý đến giọng đọc xưa, lối nói xưa, từ xưa. Cố gắng quên mình là người bây giờ với cách nói, cách suy nghĩ bây giờ của thế kỷ 20, 21, mà đặt mình vào thời cách đây năm sáu thế kỷ, nhứt là để ý đến những nhóm chữ Hán mà người xưa cố gắng dịch ra tiếng Việt. Không hiểu từ mà họ dịch thì ta không thể nào hiểu được chữ Nôm đó, anh muốn nói đến bản Phật Thuyết Phụ Mẫu Báo Ân Kinh, Tân biên Truyền Kỳ Mạn Lục…
…Còn nhiều điều nữa tôi lõm bõm nhớ quên trong những lần nói chuyện với nhau qua điện thoại hay trong lúc lái xe nhưng tôi có thể tóm tắt là: Đi vào lãnh vực chữ Nôm thì đừng bao giờ tự hào cho rằng chữ nọ chữ kia mình đọc là đúng, lúc nào có ai gợi ý cách đọc khác thì phải suy đi nghĩ lại nhiều lần… Và nhứt là phải yêu tha thiết cái văn hóa được thể hiện bằng chữ Nôm, quí cái thứ chữ đã bị gạt bên lề thời gian…
Tôi học được nhiều kinh nghiệm phiên âm của anh Mục. Tôi biết anh làm việc cần cù mỗi ngày. Tôi thông cảm với thái độ của anh khi những lần mình gọi điện thoại cho anh, phải khổ sở nghe anh say mê nói về công việc mình đang làm, nói như là anh đang thuyết giảng mấy giờ liền trước một cử tọa đông đảo. Tôi biết nếu anh cho in hết những công trình anh đã làm về Nôm, về văn học thì có thể tới hơn năm mươi đầu sách. Đó là kết quả của một đời người cặm cụi, đơn độc, say mê và không biết ngưng nghỉ để giải quyết những bài toán khó (1) về nguồn gốc chữ Nôm, (2) về cách đọc một số chữ ai ai cũng bí, (3) về trường hợp thơ Nguyễn Trãi sao có xen lẫn một hàng sáu chữ ở mỗi bài…
Tôi phục sức làm việc của anh, tôi thương anh nhiều lắm khi anh nói: “Moi đã chết rồi đấy toa, lần đó là chết thiệt rồi đó. Người ta định đem xuống nhà xác rồi. Không biết làm sao mà moa sống lại.”
Một câu trả lời lóe lên trong đầu tôi: Cho anh sống lại để anh giải quyết những món nợ tự mang về chữ Nôm, về văn học, để anh nêu tấm gương người làm việc không ngưng nghỉ dầu tuổi đời đã quá tám mươi…
Riêng tôi, tôi cám ơn anh đã nhiều lần khuyên nên dùng thời giờ viết truyện ngắn với bản sắc và văn phong mà tôi đã vạch ra cho mình, và cách viết đem triết học vào trong văn chương của tôi, cũng cám ơn anh đã coi tôi như người bạn vong niên có nhiều vấn đề trao đổi, nhất là về những tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của mà anh biết rằng tôi rất ưa thích.

*

Bài viết nầy nguyên là bài viết cách nay 10 năm dành riêng cho quyển tuyển tập về GS Lê Hữu Mục do nhiều người hâm mộ anh viết khi anh còn sống còn rất hăng hái và minh mẫn (đã in ở California), nay được tin anh mới ra đi thiệt sự, tôi chợt thốt lên trong trí mấy tiếng: Ô hô! Ai tai (Than ôi! Buồn thay!)
Những năm cuối đời anh Mục thường nói đi nói lại khi tôi gọi thăm nơi anh an dưỡng tuổi già: Bây giờ moi quên hết mọi chuyện rồi toa, mỗi ngày moi đánh piano cho anh em ở đây thưởng thức. Vui lắm và thấy tinh thần thoải mái lắm. Hỏi anh về công trình nghiên cứu Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi mà anh bỏ ra 3 thập niên cần cù nghiền ngẫm anh trả lời như thiền giã: "Đừng hỏi mây bận tâm nhớ quên những gì. Mây sẽ không trả lời được. Moi bây giờ thấy lòng mình là mây!"
Vâng, con người đạt đến độ buông thả rốt ráo thì lòng mình LÀ MÂY chớ không phải NHƯ MÂY. Lòng trống không tuyệt đối, không vướng bận bịu về chuyện trần thế nữa. Sống ngày nào là như nhiên, là vô tâm đến tuyệt cùng ngày đó. Chỉ sống được trạng thái nầy khi thấy rằng mình đã trả xong nợ với đời, với xã hội, tự kết luận rằng mình đã đến lúc ra đi. Ra đi ngay bây giờ hay một hai năm nữa là vấn đề của thể xác, không phải là vấn đề của chính con người tại thế là cái ta đương hiện hữu nầy nữa.
Ôi! Bao người đạt được cái tâm LÀ MÂY đó!
Tôi thấy mình thua xa anh diệu vợi, anh Lê Hữu Mục ạ!

Nguyễn Văn Sâm

(Phần chánh: Port Arthur, TX, Aug. 01, 2007,
Thêm đoạn cuối: Victorville, LA, Nov. 08, 2017)



Chàng trai nước Việt

Sau khi vượt biên không thành, bị giam rồi được thà ra, thầy LHM đã có một thời gian dài sống ở chung cư NTThuật. Đây là cả một thời gian dài tôi đã có dịp được sống gần bên thầy, sinh hoạt, biên soạn tự điển Hán-Nôm-Việt và...sáng tác âm nhạc với những ca khúc ca ngợi Thiên Chúa. Đây cũng là dịp để tôi được dịp làm quen với các gia đình anh em của Thầy cũng như còn được làm quen với các nḥạc sĩ Hùng Lân và Lê Thương...và nhất là được dịp làm việc chung với nhà thơ Võ Long Tê...

Các bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi nói "làm việc chung..." với thầy LHM..nhưng đó chỉ là một phần đóng góp nhỏ của tôi không những chỉ riêng với thầy LHM, mà còn với cả các gs Nguyễn Quảng Tuân, gs Linh Mục Thanh Lãng, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Anh Toán...
Và cũng kể từ đó, thầy LHM đã đặt cho tôi biệt danh là "Tuấn chàng trai nước Việt"...

Tôi đã kính quý thầy như một nhà nghiên cứu văn học lỗi lạc và một nhạc sĩ tài danh. Các bạn hãy cố tìm cho được tác phẩm "về đây" được trình bày bởi nữ ca sĩ Thiên Trang cuả đài phát thanh Huế vào những năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam. Xin tặng các bạn câu đầu của bài hát để cùng nhau chúng ta thắp lên một nén hương lòng để cùng tưởng nhớ và cầu nguyện cho cố giáo sư Lê Hữu Mục:
Về đây trong sương gió hỡi cánh chim giang hồ...

Trần Lê Tuấn
Chàng trai nước Việt
Mùa Thu Cali 11/11/2017



"HẸN MỘT NGÀY VỀ"

VÀ NHẠC SĨ / GIÁO SƯ LÊ HỮU MỤC

Biên soạn: Phan Anh Dũng

 

Tiểu sử

Lê Hữu Mục sinh ngày 24 tháng 11 năm 1925 tại làng Lưu Phương, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thân sinh là nhà nho, ông là người thứ bẩy trong tất cả 11 anh em với tám trai và ba gái.
Học vấn
Tiến Sĩ, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Sài Gòn, 1970.
Cao Học, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Đà Lạt, 1960.
Cử Nhân, Văn Chương Pháp, Đại Học Hà Nội, 1950.
Âm Nhạc
Chèo Đi, Bơi Đi (nhạc và lời, 1938)
Hẹn Một Ngày Về (nhạc và lời, 1953)
...
Dạy học
Giáo Sư, Quốc Học, Huế, 1952-1957
Giảng Viên Đại Học Huế, Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1957-1963
Giảng Viên Đại Học Huế, Viện Nghiên Cứu Nôm Học, 1958-1963
Giảng Viên Đại Học Huế, Văn Khoa
Giáo Sư Đại Học Sàigòn (Sài Gòn), Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm, chủ bút tập san Hán-Nôm.
Giảng Viên, Đại Học Đà Lạt (Đà Lạt),
Giảng Viên, Đại Học Hòa Hảo (Long Xuyên),
Giảng Viên Đại Học Cao Đài (Tây Ninh),
Giảng Viên Đại Học Phương Nam (Sàigòn),
Giảng Viên Đại Học Vạn Hạnh (Sàigòn),
Giảng Viên Đại Học Cộng Đồng Nha Trang (Nha Trang),
Giảng Viên Đại Học Cộng Đồng Mỹ Tho (Mỹ Tho), Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1964-1975
Nghiên cứu Nôm, 1981-1984
Pascale Baylon (Montréal) và nhiều trưòng trung học khác. Liên lạc viên giữa phụ huynh học sinh và PELO (Programme de l'Enseignement des Langues d'Origine), 1985-1990
Dạy hè tại các trường Đại Học Âu Châu như Fribourg (Thụy Sĩ), Strasbourg, Nancy (Pháp), Frankfurt (Đức), Oslo (Na Uy), và Mỹ Châu như St Thomas (Houston), 1990-2005.
Nghiên Cứu Tiêu Biểu
"SONG VIẾT LÀ SÀNG VẠT", Lê Hữu Mục, Vietnamologica, số 2, 1996, Trung Tâm Việt Nam Học Canada.
Khóa Hè Tiêu Biểu
"VĂN HOÁ VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NÓ ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ VIỆT NAM SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC MỸ", Lê Hữu Mục, University of St Thomas, Houston, 1999.
Tác phẩm
Thân thế và Sự nghiệp Nhất Linh (giáo khoa, 1955)
Nhận định về Đoạn Tuyệt (biên khảo, 1955)
Luận đề về Khái Hưng (giáo khoa,1956)
Luận đề về Hoàng Đạo (giáo khoa,1956)
Chủ nghĩa Duy Linh (biên khảo, 1957)
Văn hóa và Nhân vị (biên khảo, 1958, cùng Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê)
Thảm trạng của một nền Dân chủ vô thần (1958)
Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
Việt Điện U Linh Tập (1960)
Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
Ức Trai Thi Tập (1961)
Nhị Khê Thi Tập (1962)
Băng Hồ Ngọc Báo Tập (1963)
Chúa Thao Cổ Truyện ( 1965)
Lịch Sử Văn Học Việt Nam, Tập 1 (biên khảo, 1968)
Khóa Hư Lục (1973)
Hồ Chí Minh không phải là Tác giả “Ngục Trung Nhật Ký” (1988)
Truyện Kiều và Tuổi trẻ (1998, nxb Làng Văn, 1990)
Dịch thuật
Huấn-Dịch Thập-Điều, Thánh Dụ của vua Dục Tông, Minh Mệnh, vua Việt Nam, 1791-1840, (Sàigòn : Ủy-ban dịch-thuật, Phủ Quốc-vụ-khanh đặc-trách Văn-hóa, 1971)
Bài viết tiêu biểu
1/ Văn Hóa Việt Nam - Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam
2/ Văn Hóa Việt Nam - Thuyết Bất Vô
3/ Văn Hóa Việt Nam - Đối diện với Văn Hóa Mỹ
4/ Cụ Sáu đối diện với phong-trào Văn-thân
5/ Cụ Sáu đối phó với phong-trào Văn-thân
6/ Cụ Sáu đối lập với phong-trào Văn-thân
Tập san
1990-2005 : Vietnamlogica, sáng lập viên, chủ bút, cộng tác viên
(Biography do Lê Hữu Mạnh cung cấp)
_________________


Lê Hữu Mục, nhạc sĩ

Lê Văn Khoa

Một người thành công trong nhiều mặt rất khó khi người ta muốn đề cập đến cho đầy đủ. Vì vậy tôi chỉ dám nói đến một khía cạnh rất nhỏ của một lãnh vực riêng biệt, trong nhiều lãnh vực hoạt động của học giả, giáo sư, nhạc sĩ Lê Hữu Mục, là âm nhạc.
Người ta nói giáo sư Lê Hữu Mục và Lê Văn Khoa có họ hàng nhau. Họ thì có, cả hai cùng họ Lê, nhưng hàng thì không. Nhưng chúng tôi trở thành họ hàng nhờ một người khác họ. Giáo sư Lê Hữu Mục là chú họ của Phan Ngọc Hà, nhà tôi, vì vậy trở thành chú họ của tôi luôn.
Lần đầu tôi gặp giáo sư Lê Hữu Mục là tại Montreal, Canada. Hôm đó sau buổi thuyết trình của tôi về âm nhạc có chiếu video tại trường đại học Montréal, do Cộng Đồng Người Việt với bà chủ tịch Bác sĩ Lâm Thu Vân tổ chức, khi ra ngoài tôi gặp giáo sư Mục. Ông cười và nói: “Này nhé, hai chú cháu đều có bài nhạc trùng tên nhau.” Vì không biết nhiều về giáo sư từ trước, tôi hỏi lại: “Thưa chú bài trùng tên nhau là bài nào vậy?” Giáo sư Mục cười, giọng nhẹ nhàng nói: “Bài Hẹn Một Ngày Về chứ bài nào. Tuy nhiên nội dung khác nhau.” Tôi nhớ lại hồi còn trẻ, khi chơi với ban nhạc trên đài phát thanh Sài-gòn, chúng tôi có hát bài “Hẹn Một Ngày Về” của nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Không ngờ bây giờ tôi gặp chính tác giả và là người tôi gọi bằng chú.

Sự khác nhau giữa hai bài nhạc này là “Hẹn Một Ngày Về” của giáo sư Lê Hữu Mục, khi về Bắc nghỉ hè, hẹn sẽ trở lại Huế để dạy học tiếp. Còn “Hẹn Một Ngày Về” ** của Lê Văn Khoa là tâm tình của người vì biến cố Tháng Tư 1975 phải xa xứ, hẹn trở về quang phục quê hương. Thật ra giáo sư Mục có một bài Hẹn Một Ngày Về thứ hai, tên là Hẹn Một Ngày Về Vinh Quang với câu:
“Quê Hương ơi, em hãy chờ ta trở về...
Hẹn một ngày về Việt Nam, cùng sông núi, chúng ta về vinh quang.
Hẹn một ngày về Việt Nam cùng tổ quốc,chúng ta về hiên ngang...
Đất là đất của ta, Nước là nước của ta...”

Giáo sư Lê Hữu Mục có một quá trình hoạt động âm nhạc đáng kể, nhưng ít ai nhắc tới. Những người sinh hoạt hướng đạo chắc chắn có hát bài của nhạc sĩ Lê Hữu Mục nhưng họ có thể không biết tên và không biết mặt tác giả. Đó là một tệ trạng trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam. Người ta biết tên bài hát và tên ca sĩ nhưng ít ai biết tác giả của ca khúc ấy. Quý vị còn nhớ bài Con Sáo Đá, bản dịch của bài Alouette, những bài Con Voi, Chèo Đi Bơi Đi, Ta Cùng Đi, Trên Đường Xa, Lý Con Mèo và nhiều bài Lý khác, tức quý vị đã nghe, hoặc đã hát bài của nhạc sĩ Lê Hữu Mục.
Những ngày còn trai trẻ là những ngày giáo sư Mục say mê hoạt động âm nhạc, có lẽ chịu ảnh hưởng của người anh là nhạc trưởng Lê Như Khôi, chỉ huy trưởng quân nhạc Việt Nam. Ông có một người em là nhạc sĩ Lê Ngọc Linh.

Nhạc sĩ Lê Hữu Mục chơi giỏi kèn clarinette và saxophone nên được cử làm nhạc trưởng ban nhạc trong những sinh hoạt âm nhạc cuối thập niên 40. Sau ông được mời làm nhạc trưởng ban nhạc Bảo An Việt Nam. Chưa nhậm chức thì ông lại bị đề nghị xuống làm phó nhạc trưởng, để nhạc sĩ Vũ Thành làm nhạc trưởng. Ông từ chối lời mời và tự ý chấm dứt sinh hoạt âm nhạc năm 1951 để vào Huế dạy học.
Tiếng là nói chấm dứt sinh hoạt âm nhạc, nhưng cái nghiệp vẫn đeo đuổi ông. Những buổi hòa nhạc mà Lê Hữu Mục thủ dương cầm và Tôn Thất Niệm lãnh phần ca hát vẫn thu hút giới trẻ thời đó. Đến khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm về Việt Nam lập chính phủ, người quốc gia cần có quốc ca. Lúc đó bài Đăng Đàn Cung được giới thiệu với lời ca không hợp với nhạc lắm. Nhạc sĩ Lê Hữu Mục được đề nghị để viết lời cho bản quốc ca đầu tiên của Việt Nam. Đăng Đàn Cung trở thành “Tiếng Gọi Non Sông” với câu “Bên núi non hùng vĩ Việt Nam v.v…” được mọi người thời đó ưa thích. Ông cũng được Tổng Thống Diệm chỉ định ông vào quốc hội đầu tiên.
Vào giai đoạn căng thẳng của chiến cuộc Việt Pháp, ngày 14-7-1953 nhạc sĩ Lê Hữu Mục tổ chức nhạc hội tại Hà Nội với ban nhạc Hoàng Trọng.
Tôi đã đề cập đến những bài nhạc ngắn và nhỏ của nhạc sĩ Lê Hữu Mục, nhưng thật ra ông cũng có viết bài nhạc lớn: “Bảy Chặng Đường Thương Khó” của Chúa Jesus, dựa theo bài thơ của một thi sĩ lớn người Pháp. Đây là một loại Oratorio có đơn ca, hợp ca với phần đệm của piano và dàn nhạc. Rất tiếc tác phẩm này đang được chuẩn bị trình diễn thì vị linh mục phụ trách bị đổi đi nơi khác nên việc thực hiện bất thành và tác phẩm hiện không biết ở đâu.
Ở trên tôi có nhắc đến bài “Hẹn Một Ngày Về” và tôi xin phép in ra đây để làm tài liệu chung. Khi bài nhạc được phát thanh trên đài phát thanh Huế thì giáo sư Mục được điện thoại của nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế. Họ đề nghị xuất bản bài hát này. Điều kiện của giáo sư Mục rất dễ dàng: Một vé máy bay khứ hồi Huế-Hà Nội. Nhờ đó giáo sư đã “hẹn” và “trở về” Huế theo lời hẹn.
Với bài “Hẹn Một Ngày Về” này tôi có một nhận xét nho nhỏ và chỉ xin nói về điểm nhận xét này chứ không phê bình nhạc căn cứ nơi lời ca theo lối thông thường của các nhà phê bình nhạc. Tôi cũng không nói đến kỹ thuật sáng tác, nghệ thuật cấu tạo âm thanh, cũng không nói đến thể loại của bài ca v.v... Vì nhận xét âm nhạc nên tôi có một thắc mắc. Tôi hỏi giáo sư Mục điểm này hôm đầu tháng Bảy năm nay (2007) tại California. Tôi rào đón: “Thưa chú, cháu có một thắc mắc mà chỉ có chú mới giải tỏa được. Cháu nghĩ có lẽ không ai để ý đến điểm này, nhưng cháu thấy rất lạ. Trong bài “Hẹn Một Ngày Về” của chú, chú đã dùng quá nhiều nốt láy để tô điểm câu nhạc. Phải chăng chú chịu ảnh hưởng của các linh mục Tây Ban Nha, hoặc họ cho chú nghe nhiều nhạc flamenco nên khi viết nhạc chú áp dụng lối láy của kỹ thuật “canto jondo”, một lối hát flamenco của vùng Bắc Tây Ban Nha?” (Đây là kỹ thuật dùng nốt huê dạng từ nốt nhạc chính láy nhanh lên hoặc láy xuống một hoặc hai nốt rồi trở lại liền. Ông dùng đến 18 lần trong một ca khúc ngắn.) Giáo sư Lê Hữu Mục mỉm cười thú vị, không phủ nhận cũng không xác nhận. Ông ôn tồn nói: “Khoa cứ viết điều đó ra đi.”
Những lần gặp nhau từ nhiều năm qua, trong câu chuyện trao đổi âm nhạc giữa giáo sư Lê Hữu Mục và tôi, chúng tôi có rất nhiều điểm đồng ý với nhau. Ông cũng dặn tôi ghi lời xác nhận này. Vì vậy tôi ghi ra đây theo lời dặn dò gần đây nhất của ông.
** Ghi chú: Bản nhạccùng tựa đề, Hẹn Một Ngày Về của Lê Văn Khoa.

  Ns Lê Văn Khoa

_____________________



(Trích "Những khuôn mặt Việt, một thời Montreal" - website của Luân Hoán)


___________________


Mạn đàm cùng anh Lê Hữu Mục

Bài phỏng vấn của Trần Quang Hải
(Nguồn: http://tranquanghai1944.com)

Tôi nghĩ có nhiều người viết về anh Lê Hữu Mục trong lĩnh vực văn học, nghiên cứu việt học hay tiểu sử của anh Lê Hữu Mục. Nhân dịp Việt Hải có ý định mời một số bạn bè để cùng chung sức viết một quyển tổng hợp một số bài về anh Lê Hữu Mục, tôi có ý nghĩ phỏng vấn anh Mục để tìm hiểu một số chi tiết về sáng tác âm nhạc của anh.
Được quen biết anh Mục từ lâu, có dịp gặp anh tại một số hội thảo ở Hoa Kỳ, Pháp và Na Uy, và làm việc chung cho dự án một quyển sách về văn hóa Việt Nam được thai nghén gần 10 năm nay, tôi gọi điện thoại sang Montréal (Canada) trước là thăm anh sau khi nghe anh vào nhà thương trị bịnh hồi tháng 3, 2007, đồng thời lợi dụng cơ hội này để phỏng vấn anh một số vấn đề về âm nhạc.
     
NS Lê Hữu Mục                         NS Trần Quang Hải

Cuộc phỏng vấn được diễn ra như sau :

Trần Quang Hải (TQH): A-lô, có phải anh Mục không?
Lê Hữu Mục (LHM): Đúng tôi đây. Ai ở đầu dây đó?
TQH: Em Trần Quang Hải ở Pháp đây. Anh mạnh giỏi chứ?
LHM: Úi giời! Hải đó à? Không biết ngọn gió nào thổi em sang đây?
TQH: Em rất vui được nghe giọng nói của anh. Nghe nói anh đau, phải vô nhà thương nằm trị bịnh. Và được biết anh về nhà nên em gọi thăm anh để hỏi anh bịnh tình ra sao?
LHM: Cám ơn Hải. Tôi về nhà mới được một tuần. Khỏe thì không khỏe lắm, nhưng bịnh đã giảm nhiều nhưng phải nằm nghỉ nhiều.
TQH: Nghe giọng nói của anh khỏe, em bớt lo. Em còn nhớ lúc hai anh em mình sinh hoạt với nhau với nhóm Về Nguồn ở South Carolina với các em sinh viên ở trại hè vào năm 1998. Anh, Nguyễn Hữu Nghĩa (báo Làng Văn) và em đồng sáng tác một bản nhạc để hát cho sinh viên nghe, rất là vui.
LHM: Thấm thoát cũng 9 năm qua rồi nhỉ! Lúc đó tôi còn khỏe, hăng say làm việc, chú trọng nhiều về Việt học (Vietnamotologie), nghiên cứu nhiều về văn học, ngôn ngữ học chứ âm nhạc thì ít khi có dịp nghĩ tới. Cũng vui là gặp Hải và có dịp khơi lại nguồn hứng nhạc trong tôi đấy chứ!
TQH: Ngoài ra , anh còn nhớ mình sinh hoạt chung với nhau ở Nancy khi anh Trúc tổ chức khóa hè cho các em sinh viên Việt Nam ở Âu châu và sau đó trên đường trở về Pháp, anh đi cùng Bạch Yến và em trên xe, ghé một quán cơm ăn cơm Pháp, uống rượu vang và thăm viếng một nơi chuyên làm các vật liệu bằng thủy tinh ở tỉnh Baccara. Chúng mình tha hồ nói chuyện về âm nhạc, hát cho nhau nghe rất nhiều ca khúc do anh sáng tác. Tiếc là lúc đó em không có máy để thu lại cuộc nói chuyện đó.
LHM: Hải nhắc làm tôi nhớ lại giai đoạn đó. Đúng là duyên số. Có bao giờ chúng mình có dịp gặp nhau, gần nhau để tâm tình với nhau đâu. Tôi ở Bắc Mỹ, vợ chồng Hải ở Âu châu, làm sao có dịp để hàn huyên lâu như vậy.
TQH: Rồi khi anh Trúc tổ chức khóa hè ở Oslo (Na Uy), anh cũng có dịp sang bên đó. Lúc đó có cả anh Lê Mộng Nguyên. Nhưng mình lại không có thì giờ nói chuyện với nhau vì dường như là em chỉ tới có hai ngày thôi vì phải trở về Pháp làm việc.
LHM: Tuy không nói chuyện với nhau nhiều , nhưng tôi được xem Hải trình diễn nhạc dân tộc cho sinh viên và quan khách người Na Uy rất hào hứng và thu hút người tham dự. Việc làm của Hải đi về chiều sâu văn hóa dân tộc, và âm nhạc truyền thống , tạo được sự ngưỡng mộ của người Tây phương, mang lại niềm tự hào cho giới trẻ là một việc làm rất xứng đáng được tôn vinh , vì ở hải ngoại ngày hôm nay không còn mấy ai để tâm sức đến và nhất là có khả năng để làm việc đó.
TQH: Cám ơn anh Mục vì quý em nên nói như vậy. Thật ra em chỉ làm bổn phận của một người con dân xứ Việt trong phạm vi nhỏ hẹp thôi. Em muốn hỏi anh sáng tác bản « Chèo đi, bơi đi » vào năm nào?
LHM: Bài «Chèo đi bơi đi» được sáng tác vào năm 1938 lúc mình chỉ mới có 13 tuổi với lời đầu tiên không phải là lời của bài «Chèo đi bơi đi». Lúc đó mấy ông thày dòng bắt mình đóng kịch, đầu đội chóp mũ màu đỏ trên đó có một ruban thắt một quả bóng, chân đi giày giống như « luther ». Mình viết một ca khúc để chào mừng quan khách theo nhịp ¾, điệu valse ấy mà.
Mừng thay, vui thay
Tối nay được gặp đây
Vui thay
Hát mừng chào quý chức……

Đó là lời hát đầu tiên của bài “Chèo đi bơi đi” được viết ra vào năm 1938. Sau đó mình đi hướng đạo Tây, groupe Saint Georges. Có một thằng bạn đặt lời Pháp cho bản này mà mình không nhớ lời. Sau kỳ đi hướng đạo , mình mới viết lại lời cho bản “Chèo đi bơi đi” mà mọi người biết sau này.
TQH: Anh sáng tác nhạc sớm quá , mới 13 tuổi đã bắt đầu viết nhạc và bản nhạc đó đã được truyền đi khắp nơi. Vậy thì anh tuổi con gì?
LHM: Tuổi Sửu, Ất Sửu.
TQH: Như vậy anh sinh năm 1925 phải không?
LHM: Đúng rồi. Vào năm 1946, tôi có gặp Lưu Hữu Phước. Anh ấy có nói:”Sao anh còn nhỏ tuổi vậy? Tôi cứ tưởng anh lớn tuổi rồi!“. Tôi trả lời: “Không đâu, tôi nhỏ hơn anh nhiều”. Lưu Hữu Phước sinh năm 1922. Anh Phước lại nói: “Này nhé, cho phép tôi gọi chú Mục bằng chú nhé. Tôi thích bài “Chèo đi bơi đi” dựa trên âm giai ngũ cung. Bắt đầu từ hôm nay, chú nên đi theo chúng tôi để cùng nhau sáng tác nhạc giúp ích cho cuộc kháng chiến”. Đó là lần đầu cũng là lần cuối tôi gặp Lưu Hữu Phước.
TQH: Anh có xu hướng sáng tác nhạc theo âm giai ngũ cung hay chỉ có vài bài theo thang âm này?
LHM: Tôi có nhiều bài ngũ cung lắm chứ. Này nhé, chẳng hạn như bài này:
Này cô xinh tươi
Tôi muốn lấy cô
Cùng cô trăm năm
Nên duyên cầm sắc.
Này cô xinh tươi
Tôi muốn lấy cô
Cùng cô trăm năm
Nên duyên sắc cầm
.

TQH: Bài này hoàn toàn ngũ cung, lại có tiết điệu nhạc trẻ em, rất dễ nhớ.
LHM: Tôi có khoảng 30 bài tương tự như thế.
TQH: Sao anh không nghĩ xuất bản những ca khúc này?
LHM: Có chứ. Anh Đặng Quốc Cơ ở Pháp có đề nghị với tôi nhưng vì tôi lười quá không ghi lại.
TQH: Anh không nên lười, anh Mục. Anh phải ráng ngồi chép lại đi. Đó là những đóng góp quan trọng cho âm nhạc Việt Nam. Nếu một ngày nào đó, anh ra đi vĩnh viễn thì có ai biết anh đã có những sáng tác đầy màu sắc nhạc dân tộc, rất hạp với nhạc trẻ em, giai điệu dễ nhớ. Như thế có uổng không chớ!
LHM: Nếu Hải thật lòng giúp tôi, thì tôi sẽ tìm thì giờ chép lại những bản này. Đồng ý chứ?
TQH: Không những đồng ý mà hoan nghinh cả hai tay lẫn hai chân, anh Mục ạ.
LHM (cười): Hôm nay mình muốn khoe với Hải. Từ lâu rồi, mình có viết một ORATORIO.
TQH: Anh viết ORATORIO à? Loại nhạc này rất hiếm thấy ở Việt Nam. Ở Việt Nam ít có ai sáng tác loại nhạc này. Có thể anh là người đầu tiên đó!
LHM: Mình viết về 14 stations.
TQH: Tức là 14 đàng thánh giá đạo Thiên Chúa phải không?
LHM: Đúng rồi. Mình dựa trên lời Pháp của Paul Claudel.
TQH: Ông Paul Claudel là nhà văn Pháp rất nổi tiếng.
LHM: Trong số 14 bài nhạc diễn tả 14 chặng đàng thánh giá, bài số 4 là nổi tiếng nhất. (anh Mục hát một đoạn). Người hát đã khóc khi hát. Cô hát bài này cách đây hơn 30 năm tại Saigon. Cô ta khóc tại vì sao? Vì qua lời thơ ý nhạc cô cảm thấy như thấy Chúa trần truồng đang bị đày đọa, tra tấn, trong khi Đức Mẹ đau đớn khóc lóc thấy con mình bị khinh khi, hành hạ. (Anh Lê Hữu Mục hát có khi quên lời chỉ nhớ nhạc thôi). Có nhiều variations hay lắm.
TQH: Anh có chép lại tác phẩm này hay không?
LHM: Có một người bạn đã chép tay bài Oratorio rất đẹp.
TQH: Vậy thì anh còn chần chờ gì mà không xuất bản?
LHM: Tôi có ý định muốn giao tất cả nhạc phẩm của tôi cho Hải mà tôi xem là người thừa kế tôi. Ở trong tay tôi, các nhạc phẩm này nằm trong hộc tủ.
TQH: Tại sao anh lại dấu các bản nhạc của anh trong tủ?
LHM (cười): Tôi ẩu và coi thường quá. Chúa cho tôi tài năng về âm nhạc, và cái khiếu là tùy hứng dễ dàng. Tôi chủ trương là trong tương lai phải tạo một phong trào «improvisation instantanée» (tức hứng), chứ không thể ngồi nghĩ ra lời và âm nhạc. Đề tài làm tại chỗ, hát tại chỗ, sáng tác tại chỗ. Mozart, Beethoven, Chopin sáng tác nhạc tại chỗ, người ta chép lại lưu lại đời sau. Nhạc tùy hứng tạo một trường phái sáng tác mới, làm giàu cho nhạc Việt trong tương lai.
TQH: Đề nghị của anh rất chí lý và rất đáng hoan nghinh. Em có nhớ ở đảo Sardaigne xứ Ý có truyền thống hát đối đáp tùy hứng giữa các thi sĩ. Loại hát này gọi là « Chjame – Responde » (Hỏi – đáp) được nghe tại những quán cà phê ở đảo Sardaigne khi có những nhà thơ tới uống rượu và gặp nhau thách thức tài năng tức hứng qua những đề tài chính trị, biến cố trong làng hay tranh luận. Giai điệu chỉ có một giai điệu nhưng thơ thì được sáng tác tại chỗ. Chính loại hát đối đáp tức hứng được tìm thấy ở tục lệ hát Quan Họ của Việt Nam. Nhờ cách đối đáp tức hứng mà tục lệ Quan Họ ngày càng có nhiều bài bản. Hiện nay có thể đếm được nhiều trăm bài hát đã được sưu tầm và in ra thành sách ở Việt Nam.
LHM: Tôi nhớ có một lần tại Viện đại học Dalat, có Phạm Duy tới trinh bày âm nhạc. Trong buổi tiệc, tôi đứng dậy hát tức hứng:
Phạm Duy?
Anh muốn gì tôi?
Phạm Duy?
Anh nói đi!

Tuy là tức hứng nhưng tôi dựa trên thang âm ngũ cung. (anh Mục hát: Do Fa, Sol La Re Fa – Do Fa – Sol La Fa). Phạm Duy không đáp lại, chứng tỏ anh ta không biết phản ứng trong loại nhạc này. Hải để ý. Loại nhạc «musique aléatoire», «musique improvisée» đã bắt đầu xuất hiện ở nhạc cổ điển Tây phương đương đại, nhưng không phát triển mạnh.
TQH: Xứ Việt Nam không có truyền thống tức hứng trong tân nhạc. Điều này muốn thực hiện cần phải có thời gian và nhứt là phải tạo một môi trường thích ứng với chương trình giáo dục âm nhạc trong xứ.
LHM: À này! Bạch Yến có nhờ tôi chép tay bài «Hẹn một ngày về» tôi sáng tác từ lâu và viết thêm lời tiếng Pháp. Tôi lại quên đi mất.
TQH: Đúng rồi. Em nhớ lúc mình đi trên đường từ Bar sur Aube về Paris, anh có hứa với Bạch Yến việc này. Tính ra cũng gần 10 năm rồi anh nhỉ! Bài «Hẹn một ngày về» anh viết theo âm hưởng rất Tây phương và đã được phổ biến ở Việt Nam trước 75.
LHM: Thật sự tôi quên mất. Trên báo Người Việt, tôi có viết một bài trong đó tôi có nhắc là Bạch Yến không bao giờ nài nỉ ai xin bài để hát. Thế mà Bạch Yến lại nài nỉ tôi gởi bài «Hẹn một ngày về» để có dịp trình diễn trên sân khấu hay thu vào dĩa. Thế mà tôi lại quên mất đi. Đúng là vì tôi già đi, tôi bị những «trous de mémoire» mà tuổi già tạo nên.
TQH: Anh có bị bịnh Alzheimer không?
LHM: Không, tôi có đi khám bịnh về sự mất trí nhớ. Bác sĩ bảo là tôi bị mệt vì làm việc nhiều quá. Chỉ cần nghỉ ngơi, tịnh dưỡng thì trí nhớ sẽ được phục hồi, chứ không có gì phải lo ngại cả. Tôi nhờ Hải xin lỗi Bạch Yến dùm tôi. Tôi hứa sẽ viết một bài nhạc đặc biệt hoàn toàn bằng tiếng Pháp, riêng tặng Bạch Yến. Điệu nhạc sẽ mang âm hưởng nhạc «espagnole». Hy vọng bài đó sẽ đáp ứng sự chờ đợi của Bạch Yến.
TQH: Như vậy thì tuyệt vời. Được như vậy Bạch Yến sẽ có một nhạc phẩm đúng «ni tấc» để hát.
LHM: Tôi còn nhớ bản nhạc đầu tiên tôi viết về bịnh thụ dâm của tôi. Tiếng Việt còn gọi là «đánh xong». Lúc đó tôi mới 12 tuổi, sợ bị phạm tội, tôi có viết một bản nhạc nhỏ với lời như sau:
Ôi Giê Su giúp cho con
Giữ tâm hồn trong trắng
Trong đêm khuya hãi hùng
Trong đêm khuya bão bùng...

Sau này tôi sang Canada, tôi thấy là bịnh thụ dâm không có gì là tội lỗi cả, chỉ nguy hiểm cho đầu óc chứ không có hại cho cơ thể.
Đánh xong có suớng gì đâu
Còn nguyên cơ thể, cái đầu đã hư.

TQH: Tất cả trẻ con đều trải qua giai đoạn này, rất là bình thường. Cái hay là anh đã sáng tác một bản nhạc về vấn đề này vào tuổi còn thơ, vào năm 1937.
LHM: Tôi chỉ có một ước mơ là bài ORATORIO được xuất bản. Anh Đặng Quốc Cơ ở Pháp có nói cho tôi là lúc nào cũng sẵn sàng xuất bản cho tôi. Rồi những bản nhạc khác của tôi hiện vẫn còn nằm im lìm trong tủ chưa được cho “chào đời”. Tôi lười quá, lại coi thường không cho đó là quan trọng. Nếu Hải có thể lo dùm tôi thì tôi sẽ trao lại cho Hải gia tài âm nhạc của tôi để Hải giúp tôi hoàn thành ước mơ này.
TQH: Việc này không có gì khó cho em đâu. Trước hết, anh nên gởi cho em tất cả các bản nhạc của anh để em xem lại và sắp xếp theo thứ tự năm tháng, rồi làm thành một tuyển tập nhạc của anh, ghi lại tiểu sử của anh thật đầy đủ. À! Anh có tiểu sử cập nhựt hay không?
LHM: Tiểu sử tôi chưa soạn xong. Tôi có 3 cuốn sách bị mất tích. Ngoài ra còn phải gom góp những bài viết về văn học nữa.
TQH: Em thấy tiểu sử của anh nên chia thành ba giai đoạn: giai đoạn âm nhạc, giai đoạn dạy học và giai đoạn nghiên cứu. Anh chủ trương Vietnamotologie từ lâu, viết nhiều bài về phonologie, về cách đọc bài viết của Nguyễn Trãi, vv…Phần dạy học và nghiên cứu đã có những người khác lo. Về phần âm nhạc, em rất muốn được anh cho biết tất cả về cuộc đời sáng tác nhạc của anh, cũng như anh đã học nhạc lúc nào, biết đàn những cây đàn nào và học hòa âm viết nhạc với ai để cho bài viết về giai đoạn âm nhạc của anh được dầy đủ.
LHM: Tôi nghiên cứu phonologie là cũng vì trong đó có âm nhạc. Âm thanh trong từ ngữ mang chất nhạc. Cả sự im lặng tôi cũng cho đó là âm nhạc. Trong bài Giao hưởng khúc số 5 của Beethoven lúc bắt đầu bài giữa những đoạn nhạc đều có im lặng một cách cố ý. “La vraie musique c’est le silence” (Âm nhạc thật chính là sự im lặng)
TQH: Đúng vậy. Sự im lặng rất cần thiết trong âm nhạc. Không phải chỉ có cao độ mới là âm nhạc. Biết cách sử dụng im lặng sẽ làm tăng màu sắc âm nhạc trong bài nhạc. Nảy giờ, nói chuyện với anh khá lâu. Em để anh đi dùng cơm trưa và anh cũng cần an nghỉ.
LHM: Tôi cũng bắt đầu đói bụng rồi. Cám ơn Hải đã gọi điện thoại thăm tôi. Mong có dịp Hải sang Montreal để anh em mình có dịp bàn thêm về âm nhạc. Nhớ thỉnh thoảng nhắc tôi gởi tài liệu nhạc của tôi cho Hải nhé. Tôi bị bịnh mau quên nên nhớ đâu nói đó. Chào Hải và cho tôi gửi lời thăm Bạch Yến nhé.
TQH: Em sẽ liên lạc với anh khi có dịp sang Montreal và sẽ luôn nhắc anh làm chuyện gởi bài bản nhạc của anh cho em. Anh đừng lo. Điều quan trọng là anh nhớ giữ gìn sức khỏe để đóng góp thêm vào gia tài văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Chúc anh ăn ngon, nghỉ khỏe và mong gặp lại anh trong một tương lai rất gần. Chào anh Mục. Bon appétit!
LHM: Chào Hải. A bientôt et merci.

(Phỏng vấn ngày 18 tháng 3, 2007. Viết xong ngày 22 tháng 7, 2007)
Trần Quang Hải

_____________________


HẸN MỘT NGÀY VỀ

Lê Hữu Mục

Về đây trong hoa lá
Hỡi cánh chim giang-hồ.
Về đây trong hương sắc thắm tươi, say mơ.
Huế,
Lờ-lững giòng Hương,
Năm tháng còn vương lời ai mong chờ.
Huế,
Trong tiếng dịu êm,
Cô lái bên sông còn vang lời thơ.
Tình xưa không vỡ bao giờ.
Mùa xưa còn thơm ngàn gió.
Chiều hè về trong sương khói mong-manh,
Chờ người về trong hương thu trong xanh.
Về đây trong hoa lá
Hỡi cánh chim giang-hồ.
Về đây trong hương sắc thắm tươi, say mơ.
Huế,
Lờ-lững giòng Hương,
Năm tháng còn vương lời ai mong chờ.
Huế,
Trong tiếng dịu êm,
Cô lái bên sông còn vang lời thơ.
Mùa hương hẹn đến khi về,
Lòng xanh còn in trời Huế.
Trầm-trầm thuyền đem thương nhớ qua sông.
Chập-chùng trời mây bay trong mênh-mông.
Từ đây xa sông bến,
Thuyền lướt theo trăng ngà.
Trời đầy sương lạnh-lẽo,
Có ai bơ-vơ.
Giờ tay vướng mà đi,
Sông nước biệt-ly,
Người xa kinh-kỳ.
Giữa sương gió ngàn khơi,
Đăm-đắm trông ai,
Cầu mong ngày vui.

http://cothommagazine.com

 

Đăng ngày 14 tháng 11.2017
Bổ túc ngày 24 tháng 11.2017