Người Việt nghĩ gì về kết quả bầu cử ở Miến Điện?
Hoàng Dung, thông tín viên RFA
Đã đến lúc phải thay đổi - khẩu hiệu trên các xe của đảng đối lập Liên Đoàn Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo (NLD) và đảng của bà đã thắng lớn trong cuộc bầu cử dân chủ lịch sử ở Miến Điện.
Ngày 08/11/2015 hơn 80% cử tri của đất nước Miến Điện đã đi bầu cử tự do, đây là cuộc bầu cử “lịch sử” của người dân Miến Điện và kết quả cho thấy đảng đối lập thắng cử.
Trước hoạt động dân chú đó tại Miến Điện, phản ứng của những trí thức và người Việt Nam quan tâm thế nào?
Phản ứng:
Sau hơn 25 năm, vào ngày 08/11/2015, 80% cử tri Miến Điện được tham gia cuộc bầu cử mà theo họ là cơ hội để họ có được nền dân chủ thật sự.
Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử, đảng cầm quyền thừa nhận thất bại trước đảng đối lập Liên đoàn Toàn Quốc Đấu Tranh vì Dân chủ dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi.
Những người Việt Nam quan tâm đã lên mạng bày tỏ chia sẻ niềm vui với người dân Myanmar. Họ mong sao một ngày gần nhất dân chúng Việt Nam có thể được tự do đi bầu cử để chọn ra những người có đủ đức đủ tài giúp xây dựng, phát triển đất nước.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết những cảm nghĩ của anh về kết quả của cuộc bầu cử tự do diễn ra ở Miến Điện:
“Trước tiên là vui mừng tôi cảm thấy rất là xúc động, cái cảm giác như là nước mắt trào ra khi mà Myanma có cuộc bầu cử có tự do và đảng đối lập đã dành thắng lợi đó thì mình mừng cho họ 1 phần vì đất nước mình cũng rất gần vì 2 nước đều nằm trong khu vực Đông Nam Á đều là thành viên của Asean trong khi đó trình độ phát triển của Myanmar thấp hơn VN rất là nhiều, họ cũng đã bị cai trị quân sự đến hơn nữa thế kỷ nhưng mà sự đấu tranh rất là kiên cường, dũng cảm của người dân thì bên này họ đã gặt hái được kết quả thành công”
Chị Huỳnh Thục Vy thuộc hội bảo vệ phụ nữ Nhân quyền ở Việt Nam tiếp lời:
“Tất nhiên chị vui mừng thay cho họ”
Anh CTNLT Đậu Văn Dương người đã từng bị tù hơn 3 năm vì rải truyền đơn phản đối cuộc bầu cử tại Việt Nam năm 2011 cho biết lý do mà anh rải truyền đơn:
“Tôi tham gia cuộc rải truyền đơn tẩy chay bầu cử năm 2011 thì có rất nhiều lý do.
Lý do thứ nhất là tôi không chấp nhận một chế độ độc tài đảng trị mà chúng tôi cần một đất nước đa nguyên đa đảng để quyền con người được nâng cao hơn và người dân được tôn trọng hơn.
Thứ hai là để một đất nước phát triển thì cần có đa đảng để qua đó nền kinh tế mới không thể độc quyền được, theo lịch sử mấy chục năm qua thì Đảng cộng sản đã làm cho đất nước ngày càng lùi lại so với nước Lào hay Campuchia. Cho nên chúng tôi không mong muốn một đất nước độc Đảng như thế. Cho nên tôi và các anh em tổ chức rải truyền đơn bầu cử để đòi lại các quyền lợi của mình, để nói lên nguyện vọng, tiếng nói của mình. Nhằm thể hiện chính kiến của mình là mong muốn đất nước càng ngày càng phát triển và đổi thay và không còn chế độ độc tài.”
Bên cạnh những người luôn đấu tranh cho vận mệnh của đất nước thì cũng có những người nông dân chỉ biết làm ăn và không biết tin tức gì nên họ không để ý.
Một người nông dân ở Nghệ An cho biết: “Tôi quanh năm chỉ biết làm ruộng thôi, nên những tin tức đó tôi cũng chẳng biết gì, mà cũng không thấy Tivi đưa tin nên tôi nỏ biết, còn đất nước Miến Điện được bầu cử tự do đó là việc của họ, không liên quan đến mình”.
Hy vọng:
"Nhìn thấy cuộc bầu cử tự do ở Miến Điện thì nhiều người đấu tranh dân chủ ở VN họ đều vui mừng, tuy nhiên khi nói đến tình hình Việt Nam để có một cuộc bầu cử tự do thì mọi người đều rất bi quan. Quân sự Miến Điện nó không giống với chính quyền xã hội chủ nghĩa VN. Tại vì chính quyền quân sự Miến Điện họ không phụ thuộc vào Trung Quốc còn chính quyền Cộng Sản Việt Nam thì phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa cuộc kiến thiết dân chủ ở Miến Điện có sự góp tay của người Mỹ " theo chị Huỳnh Thục Vy.
Anh Nguyễn Hữu Vinh chia sẻ:“Người dân vô cảm như thế này, chính phủ thì bất tài này mà nói đàng này đằng kia thì rất là lâu”
Chị Huỳnh Thục Vy tiếp lời:“Thực ra những chuyện này chị rất dè dặt khi nói, chị cho là còn lâu và nỗ lực của những người đấu tranh cũng như nỗ lực của toàn dân. Quân sự Miến Điện nó không giống với chính quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại vì chính quyền quân sự Miến Điện họ không phụ thuộc vào Trung Quốc còn chính quyền Cộng Sản Việt Nam thì phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa cuộc kiến thiết dân chủ ở Miến Điện có sự góp tay của người Mỹ, người Mỹ đứng ra dàn xếp cho thỏa thuận đó, cho sự thương lượng đó, cho sự đổi mới đó, chứ không phải chỉ có hai bên giữa Đảng của bà Aung San Suu Kyivà chính quyền quân sự Miến Điện có thể nói chuyện được với nhau đâu.”
Theo luật sư Nguyễn Văn Đài thì cuộc bầu cử tự do diễn ra ở Miến Điện có ảnh hưởng rất lớn đến người dân Việt Nam và luật sư hy vọng trong một ngày không xa thì Việt Nam chúng ta cũng sẽ có cuộc bầu cử tự do như vậy:
“Chúng ta biết nếu chúng ta theo dõi trên mạng thì thấy phản ứng người VN rất tích cực khi ủng hộ nền dân chủ ở Myanmar kể cả báo chí nhà nước cũng dành những thông tin, bài viết về cuộc bầu cử ở Myanmar thì cho thấy là không chỉ những người đấu tranh dân chủ ở VN quan tâm đến cuộc bầu cử này mà kể cả những báo chí của đảng cộng sản họ cũng rất quan tâm. Nó tác động tâm lý người dân, người ta nói là tại sao cũng là người dân đông nam Á với nhau, cũng là thành viên Asean với nhau mà người dân Myanmar họ làm được điều đó mà người dân VN lại không thể làm được điều đó? chắc chắn câu hỏi đó sẽ gợi mở rất nhiều người để khơi dậy lòng yêu nước của họ cũng như là tinh thần dấn thân đấu tranh cho dân chủ, với hiệu ứng từ Myanmar tác động không chỉ cho phong trào dân chủ yêu nước cũng như toàn thể người dân mà tôi là sẽ có các tổ chức các tổ chức xã hội dân sự hay chính trị ở VN suy nghĩ, học hỏi những kinh nghiệm của Myanmar để giúp cho phong trào dân chủ VN lớn mạnh và tôi tin rằng 1 ngày không xa VN cũng chắc chắn sẽ có cuộc bầu cử như ở Myanmar”
Qua theo dõi cuộc bầu cử tại Myanmar vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, một số người Việt Nam trong nước nhắc lại việc vào năm 2010 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng cho biết ông khuyên chính quyền Miến Điện lúc bấy giờ là ‘tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó để sớm ổn định và tập trung phát triển đất nước…”
Thực tế cho thấy Miến Điện vừa làm được điều như thế, trong khi đó nhiều người dân tại Việt Nam bức xúc không biết khi nào mới có bầu cử tự do với sự cạnh tranh công bằng giữa các đảng phái khác nhau trên dải đất hình chữ S thân yêu của họ!?
Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi – Dân Chủ thắng lớn ở Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi: Đảng NLD thắng cử
Lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi rời trụ sở đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc NLD sau khi tuyên bố về kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Yangon, ngày 9/11/2015
YANGON— Đảng đối lập chính ở Miến Điện đã giành được những ghế đại biểu đầu tiên trong cuộc bầu cử được nhiều người xem là sẽ mang lại thắng lợi áp đảo cho đảng này. Các giới chức bầu cử hôm nay cho biết đảng Liên Minh Dân Chủ Toàn Quốc đã giành được 12 ghế tại thành phố chính Yangon. Sau đó, đảng này nói rằng họ giành được 44 trong số 45 ghế dân biểu ở Yangon, nhưng các con số đ1o chưa được các giới chức bầu cử xác nhận. Trước đó, trong ngày hôm nay lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi cho biết đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà rõ ràng là đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội có tính chất lịch sử, nhưng bà chưa vội tuyên bố thắng cử trong lúc phiếu bầu đang được kiểm. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường trình từ Yangon.
Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ bên ngoài trụ sở chính của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc ở Yangon sáng hôm nay, bà Aung San Suu Kyi nói “Cho tới lúc này kết quả bầu cử chưa được loan báo. Nhưng tôi nghĩ rằng mọi người đã biết hoặc đã đoán được kết quả như thế nào.”
Người phụ nữ đoạt giải Nobel hoà bình này cũng kêu gọi những người ủng hộ bà chớ nên khiêu khích những ứng cử viên bị thất bại.
Ông Htay Oo, Chủ tịch Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp đương quyền, nói trên Đài truyền hình Tiếng nói Dân chủ Miến Điện, rằng ông đã mất ghế đại biểu trong cuộc bầu cử này, và thừa nhận số ghế đảng ông bị mất nhiều hơn số ghế thắng được.
Các giới chức bầu cử Myanmar cho biết họ hoãn việc loan báo kết quả chính thức cho tới 6 giờ chiều thứ hai giờ địa phương, thay vì 9 giờ sáng như kế hoạch trước đây. Họ không cho biết lý do của sự trì hoãn này.
Tờ Myanmar Times cho biết Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã chính thức khiếu nại với Uỷ ban Bầu cử về sự thay đổi trong qui trình bầu cử. Đảng này nói rằng Uỷ ban Bầu cử đã chỉ thị cho các giới chức bầu cử địa phương trực tiếp nộp kết quả bầu cử cho văn phòng chính của uỷ ban tại thủ đô Naypyitaw, thay vì nộp cho giới hữu trách bầu cử địa phương và tiểu bang.
Các giới chức bầu cử đã kiểm khoảng 32 triệu phiếu bầu trong cuộc đầu phiếu hôm chủ nhật. Theo dự liệu, Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đánh bại Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp một cách dễ dàng. Một nhà lập pháp thuộc đảng đương quyền, Chủ tịch quốc hội Shwe Mann, người từng được xem là một ứng viên tổng thống, đã thừa nhận bị đối thủ của ông thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đánh bại trong cuộc chạy đua giành chức đại biểu ở quận Pyu.
Không hoàn hảo
Cử tri Myanmar xếp hàng chờ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử, ngày 8/11/2015. (Ảnh – Thar Nyunt Oo/VOA)
Ông Mark Green, Chủ tịch Viện Cộng hoà Quốc tế, nói với đài VOA trong một cuộc phỏng vấn tại Yangon rằng “Rõ ràng là có những khiếm khuyết, không phải mọi thứ đều hoàn hảo. Người dân Miến Điện đang xem xét cẩn thận các kết quả chính thức.”
Ông Green, cựu Đại sứ Mỹ tại Zimbabué, nói thêm rằng “Sự phán xét đối với cuộc bầu cử này hoàn toàn thuộc về người dân Miến Điện.”
Cựu Tổng thống Ireland, bà Mary Robinson, tham gia toán quan sát viên bầu cử của Trung tâm Carter ở Mỹ. Bà nói “Chúng ta phải nhìn cuộc bầu cử này trong một khuôn khổ không có tính chất dân chủ công khai một cách đầy đủ.”
Hàng triệu người, trong đó có những người Rohingya theo đạo Hồi ở tiểu bang Rakhine, đã mất quyền bầu cử vì không có quốc tịch hoặc vì những lý do khác.
Trong một thông cáo phổ biến hôm chủ nhật, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, nói việc mất quyền bầu cử của người Rohingya nằm trong số nhiều “khiếm khuyết và thách thức lớn mà giới hữu trách phải giải quyết trong tương lai.”
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry ngỏ lời chúc mừng dân chúng Myanmar và gọi cuộc bầu cử này là “một minh chứng của lòng dũng cảm và sự hy sinh của nhân dân Miến Điện trong nhiều thập niên.” Ông nói cuộc bầu cử này là “một bước tiến quan trọng”, tuy “không hoàn hảo.”
Chấp nhận kết quả
Các tình nguyện viên kiểm phiếu tại một trạm bầu cử ở trung tâm Yangon, Myanmar, ngày 8/11/2015
Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein, đã hứa hợp tác với các đảng đối lập để có được một cuộc chuyển tiếp êm thắm và suôn sẻ trong trường hợp cuộc bầu cử này loại ông ra khỏi quyền lực. Trong bài nói chuyện hôm thứ 6 trước những người ủng hộ đảng đương quyền, ông Thein Sein nói “Chính phủ và quân đội sẽ tôn trọng và chấp nhận kết quả.Tôi sẽ chấp nhận tân chính phủ được thành lập dựa trên kết quả bầu cử.”
Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Myanmar kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự lên nắm quyền năm 2011, một năm sau khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do và lệnh cấm đối với đảng của bà được thu hồi.
Bà Suu Kyi và Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội không để cho bà lên nắm quyền. Theo dự liệu, Liên minh dân chủ Toàn quốc lần này cũng sẽ đánh bại Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp, là đảng có được sự ủng hộ của phe quân đội có nhiều thế lực.
Đảng đương quyền tham gia cuộc bầu cử với một ưu thế rất lớn: 25% ghế đại biểu quốc hội được dành riêng cho sĩ quan quân đội.
Hội Ân Xá Quốc Tế cho rằng việc giam cầm những nhân vật tranh đấu ôn hoà, sự hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận và những sự kỳ thị khác nhắm vào các nhóm thiểu số là một vấn đề nghiêm trọng gây phương hại cho tiến trình bầu cử ở Myanmar.
Cần có thắng lợi rất lớn
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu từ ban công của trụ sở đảng NLD ở Yangon, Myanmar, ngày 9/11/2015.
Các chuyên gia chính trị Myanmar cho rằng Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc cần phải giành được 67% số ghế tại quốc hội mới có có thể vượt qua sự phủ quyết của quân đội tại quốc hội gồm hai viện và có nhiệm vụ bầu ra tổng thống.
Bà Aung San Suu Kyi không thể giữ chức tổng thống cho dù đảng của bà thắng cử. Tập đoàn quân nhân nắm quyền năm 2008 đã đưa vào bản hiến pháp một qui định để không cho một người có vợ hoặc chồng hoặc con cái là người nước ngoài được giữ chức tổng thống. Người chồng quá cố của bà Suu Kyi và hai người con trai của bà là công dân Anh.
Trong cuộc họp báo tại tư thất của bà ở Yangon hôm thứ Năm, bà Suu Kyi nói rằng trong trường hợp Liên minh Dân chủ Toàn quốc thắng cử bà sẽ giữ một chức vụ mà bà gọi là “cao hơn tổng thống.”
Gần 7.000 ứng cử viên thuộc 91 đảng dự tranh các ghế đại biểu tại hai viện của quốc hội.
Myanmar, cựu thuộc địa Anh, đã bị cô lập với hầu hết thế giới bên ngoài trong nhiều thập niên sau khi Tướng Ne Win thực hiện cuộc đảo chánh vào năm 1962 để lật đổ chính phủ và bãi bỏ hiến pháp dân chủ của quốc gia đa số dân là người theo đạo Phật.
Steve Herman
VOA 09.11.2015
Nguồn Văn Hoá Magazine
Đăng ngày 14 tháng 11.2015