banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Kẻ chủ mưu vụ khủng bố ngày 13.11 tại Paris đã chết

trong cuộc hành-quân cảnh sát ở Saint Denis

Cuộc hành-quân cảnh-sát ở Saint Denis 5 ngày sau vụ tấn-công khủng-bố ở Paris ngày 13.11 có mục tiêu chánh là bắt giữ Abdelhamid Abaaoud ( còn có những tên khác như Abou Omar Soussi hay Abou Omar al Baljiki), người bị tình nghi là đã tổ-chức cuộc tấn-công khủng bố ngày 13.11.2015.

Abdelhamid Abaaoud/hình trên opex360.com

Căn cứ trên những tin tức thu thập được, trong đó có việc theo dõi điện-thoại của Hasna Aitboulahcen, người bà con của Abaaoud, các lực lượng cảnh sát RAID, BRI và SDAT đã mở cuộc hành quân bao vây một toà nhà ở Saint Denis nằm ở góc đường République và đường Corbillon. Những người của lực-lượng RAID định tiến một cách chớp nhoáng vào căn nhà ngờ là có mặt Abaaoud bằng cách phá cửa bằng chất nổ nhưng không ngờ đây là loại cửa an-toàn(blindée), tính cách bất ngờ đã không thực-hiện được; việc chạm súng đã xảy ra, có lúc dữ dội, có lúc bắn lẻ tẻ. Trong một khoảng thời gian tương đối lắng dịu, cảnh sát đã thả một 'cảnh khuyển' chuyên về tấn-công và dò tìm chất nổ để làm nhiệm vụ thám sát. Đây là một con chó cái, 7 tuổi, tên Diesel. 'Cảnh khuyển' này đã bị quân khủng-bố bắn hạ. Một thiện-xạ trong số 6 người của RAID ở một vi-trí gần đó đã bắn trúng một quân khủng bố, sau đó, một phụ nữ đã nã một tràng kalichnikov trước khi tự sát bằng cách cho nổ đai cài chất nổ, có lẽ với định gây tổn hại cho lực lượng cảnh-sát bao vây, nhưng vụ nổ đã làm sụp các tường trong căn phòng. Bên trong vẫn còn bắn trả bằng kalachnikov, cảnh sát đã tấn-công lại bằng lưu-đạn và dùng hai robots để thám sát nhưng không đi vào được vì gạch đá vỡ ngổn ngang, hình chụp của 'drone' không cho được các chi tiết rõ ràng! Sau đó, cảnh-sát đã dùng một sào đưa máy quay phim qua lỗ thủng của sàn nhà để quan sát từ căn nhà bên dưới, ở đây, cảnh-sát tìm thấy xác một người đàn ông trong tình-trạng 'hư hỏng' vì nhiều vết thương có lẽ do mảnh lựu đạn và bị một cái dầm nhà (poutre) đập phải khi người này rơi xuống vì sàn nhà bị phá nổ.

Sau hơn bảy tiếng đồng-hồ bao vây và tấn công, cuộc hành quân cảnh sát đã kết-thúc. Trong số 8 người bị bắt giữ, không có Abaaoud. Cuối cùng, việc khán-nghiệm tử thi tìm thấy đã cho phép kết-luận Abaaoud đã bị giết chết trong cuộc hành-quân cảnh-sát ở Saint Denis. Trong một tuyên bố trước các dân-biểu, thủ-tướng Pháp Manuel Valls 'Abaaoud, đầu não của vụ khủng-bố, - một trong các đầu não vì rằng cần phải rất thận trọng và chúng ta biết những đe dọa - đã được tìm thấy trong số những người chết'. Abaaoud cũng được coi là có dính líu tới hai vụ khủng-bố thất-bại ở Pháp: vụ một nhà thờ ở Villejuif do Sid Ahmed Glam mưu định tấn-công và vụ tàu TDV Thalys nối liền Amsterdam-Paris.

Điều người ta đặt câu hỏi là tại sao Abaaoud, một người có vị-thế trong tổ chức EI lại đích thân tham-dự cuộc tấn-công khủng-bố thay vì chỉ-đạo từ xa.


Hasna Aitboulacen/hình trên

Người nữ khủng-bố tự-sát ở Saint Denis được nhận-diện là Hasna Aitboulahcen, được coi là bà con của Abdelhamid Abaaoud( có quốc-tịch Bỉ và Maroc). Theo nguồn tin của Jeune Afrique, Hasna Aitboulacen sinh ngày 12.08.1989 ở Pháp. Cô này như thế mới có 26 tuổi. Trên trang facebook của cô ta mà DH.be tham khảo được, cô này cho biết rất vui vì sắp sửa đi Syrie, sắp sửa khởi hành đi Thổ-nhĩ-kỳ. Cũng trên trang facebook của cô này, người ta thấy có lời ca ngợi dành cho Hayat Boumeddienne, người bạn đời của Amely Coulibaly, tên khủng-bố ở Montrouge và Hyper Casher. Báo La Libre Belgique dựa trên nguồn tin của Maroc cũng xác nhận người nữ khủng-bố tư-sát ở Saint Denis là Hasna Aitboulahcen. Cô này đã đi vào lịch-sử khủng-bố ở Pháp như là nữ khủng-bố đầu tiên và là 'nữ kamikaze' đầu tiên. Cô này cũng từng bị theo dõi về buôn ma tuý nhưng cũng có thời gian dựng ra một xí nghiệp về xây cất 'Beko construction' nhưng xí nghiệp đã bị phá sản vào năm 2014.
Được biết trước khi cho nổ đai chất nổ, Aitboulacen đã thông báo cho đồng bọn bằng điện-thoại. Trước đó, khi cảnh-sát liên lạc bằng điện thoại với cô ta, hỏi ' thằng bồ mày đâu' cô ta đã trả lời 'không phải là bồ của tao'.


cảnh-sát tiếp tục truy nã các quân khủng-bố còn đào tẩu/hình trên linternaut.com

Salah Abdeslam, một trong những quân khủng-bố tấn công các tiệm ăn và tiệm rượu ở quận X và XI vẫn chưa được tìm thấy sau cuộc tấn-công khủng-bố ngày 13.11 ở Paris. Theo thủ tướng Pháp Manuel Valls, 'cuộc truy nã tiếp tục và việc huy động là toàn-diện'.


Cảnh sát Pháp đưa ra lời kêu gọi nhân-chứng trong việc truy nã Abdeslam

Người ta được biết Salah Abdeslam đã thành-công trong việc đào thoát khỏi Paris nhờ hai đồng loã, Hamza Attou và Mohamed Amri. Hai người này đã được Abdeslam kêu đến đón bằng xe, đã đi từ Molenbeek sang Paris đón và đưa Abdeslam về Bruxelles. Nguồn tin của truyền thông Bỉ cho biết Salah Abdeslam đã được nhận thấy trong vùng thủ đô Bruxelles, tại Anderlecht vào chiều ngày thứ năm 19.11. Theo báo La Libre của Bỉ, mức báo động được duy trì ở mức 3 hay 4 và cuộc họp hằng năm ngày 20.11 của ULB - Viện đại học tự do Bỉ - đã bị đình chỉ vì lý do 'thận -trọng'.

Trong khi đó, một nguồn tin ẩn danh đã xác nhận với báo La Capital của Bỉ là đã gặp Salah Abdeslam ở Molenbeek vào chiều ngày thứ ba vừa qua; Người này nói rằng Abdeslam nói rằng anh ta đã đi quá xa nhưng không thể ra hàng vì ngại có những hậu quả đối với gia-đình. Người này cũng nói là Abdeslam sẽ không còn ở lâu tại đây.
Tuy nhiên các tin tức về Abdeslam cần được coi lại vì từ khi nhà chức trách Pháp kêu gọi các nhân chứng, nhiều tin sai lầm đã được báo như một người làm việc ở bưu điện Saint Denis nghĩ rằng đã nhận ra Abdeslam và sáng thứ tư, cũng như vào chiều thứ hai, một cuộc hành-quân cảnh-sát đã được tung ra ở Strasbourg sau khi có người thông báo nhận ra Abdeslam!

Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp/20.11.2015

Nguồn:
a href="http://www.mediapart.fr/journal/international/181115/les-djihadistes-de-saint-denis-preparaient-un-nouvel-attentat" target="_blank">http://www.mediapart.fr/journal/international/181115/les-djihadistes-de-saint-denis-preparaient-un-nouvel-attentat

http://www.linternaute.com/actualite/societe/1260670-attentat-de-paris-abdelhamid-abaaoud-est-mort-hasna-aitboulahcen-etait-bien-la-kamikaze-selon-son-pere-dernieres-infos/

http://www.opex360.com/2015/11/19/le-chef-operationnel-jihadiste-lorigine-des-attentats-de-paris-ete-tue/#gPK6JMx2QDX16UAS.99


Các vấn đề thời sự quốc tế

19/11/2015

Vào ngày Thứ Năm 19/11 có một bạn ở rất xa, ngoài Hoa Kỳ, hỏi tôi nghĩ gì về vấn đề người tỵ nạn Syria, Phi châu, vấn đề ISIS, về vụ nổ bom ở Paris, về vụ nổ chiếc máy bay của Nga. Kể ra thì nhiều nhưng cốt lõi chỉ là một; đó là Syria.
Thú thật, tôi phải nói rằng đây là các vấn đề phức tạp có tầm cỡ quốc tế mà nguyên thủ các quốc gia trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Liên Âu, Nga v.v...đang phải nhức đầu đối phó, giải quyết mà không biết kết quả có được khả quan lâu dài hay không. Với tư cách là một công dân bình thường, thiếu thốn mọi dữ kiện cần thiết, nếu tôi bàn về các vấn đề thời sự quốc tế này hẳn nhiên ý kiến sẽ rất chủ quan và phiến diện.
Thiết nghĩ, các vấn đề lớn này nên được nêu ra đây để các bạn khác, những người có kinh nghiệm, khả năng, và kiến thức, cùng nhau góp ý. Hy vọng rằng vấn đề sẽ được sáng tỏ hơn và từ đó có cách giải quyết thỏa đáng.

Có hai vấn đề chính ở đây: nhân và quả. Cái nhân do hoàn cảnh hay các nước; nhất là nước lớn, gây ra, từ đó theo thời gian nảy sinh cái quả, mà cái quả này bây giờ trở thành quá phức tạp, thì việc giải quyết cái quả này sẽ không dễ dàng gì.
Về vấn đề người tỵ nạn Syria và Phi Châu. Thật ra người tỵ nạn ngày nay không chỉ giới hạn vào Syria và Phi Châu. Ta còn phải kể đến Afghanistan và Iraq và một số các nước khác nữa. Hiện nay Syria là một vấn đề thời sự nóng bỏng và dân chúng nước này ồ ạt bỏ xứ ra đi lánh nạn, tràn qua các nước Âu Châu với một số lượng lớn, cho nên cái gì liên quan đến Syria dễ làm người ta để ý trước tiên. Cho tới nay các nước đều xác nhận rằng dân di cư đến từ các nước Phi Châu được liệt vào thành phần tỵ nạn vì lý do kinh tế do đó không hội đủ điều kiện tỵ nạn chính trị, vì thế họ bị kém ưu tiên và bị từ chối nhập cảnh hoặc xét đơn tái định cư.

Các nước trên thế giới, từ Liên Âu, Úc, Canada đến Mỹ thông cảm với hoàn cảnh bi đát của dân chúng Syria bỏ nước ra đi hàng loạt để tránh bom đạn, đã và đang xúc tiến thủ tục tái định cư, bỗng dưng khựng lại vì hai chuyện mới nhất xảy ra: vụ phi cơ Nga Metrojet bị rơi tại Ai Cập mà hậu quả làm cho 224 người chết qua việc cài bom trên máy bay do nhóm Nhà Nước Hồi Giáo làm vào ngày 31/10 và vụ nổ bom và bắn người cùng môt lúc tại nhiều nơi trên đất Pháp cũng do nhóm Nhà Nước Hồi Giáo làm vào ngày 13/11 khiến cho 129 thường dân bị tử vong.

Tại Hoa Kỳ, 20 tiểu bang đã từ chối nhận người tỵ nạn Syria. Một gia đình người Syria đáng lẽ ra được định cư tại Indiana đã được chuyển đến tiểu bang Connecticut vì Indiana nằm trong số 20 tiểu bang vừa kể.
Vào Thứ Năm, 19/11, Hạ Viện Hoa Kỳ vừa thông qua một đạo luật nhằm tạm ngưng chương trình tái định cư 10.000 người Syria tại nước này vào năm tới. Hạ Viện đòi hỏi chính phủ phải áp dụng một chương trình cứu xét
nhập cư gắt gao. Hành động này phát xuất từ vụ thảm sát Paris do người Hồi giáo gây ra vào Thứ Sáu tuần trước.
Một khi phải giải quyết cái quả, kế hoạch ban đầu sẽ bị lệch hướng và rồi ra vấn đề sẽ được giải quyết từ từ theo kiểu tới đâu hay tới đó mà thôi. Vào lúc này ở ngoài đường dấu hiệu phản chiến đang ló dạng. Từng nhóm nhỏ người Mỹ đứng ở các ngã tư, cầm cờ quạt và loa phóng thanh, đang kêu gọi dân chúng chống lại sự can dự về quân sự của Hoa Kỳ tại Syria và các nước khác. Mặc dù họ chỉ là các nhóm nhỏ và có vẻ như tự phát, nhưng biết đâu đấy, phong trào phản chiến có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các chính trị gia nhất là trong giai đoạn tranh cử hiện nay.

Vào thập niên 90's Nga đã đưa quân vào Afghanistan. Nhà cầm quyền cộng sản Liên Xô chẳng xem dư luận ra gì. Cuối cùng họ đã phải rút quân ra khỏi nước ấy. Lý do là cuộc chiến tranh nhằm chiếm giữ Afghanistan và bảo vệ cho cái chính phủ bù nhìn lúc ấy đã quá tốn kém về nhân mạng và tiền bạc mà kết quả chẳng được gì. Vào thời gian đó phiến quân Al-qeda được Mỹ giúp cho võ khí, đặc biệt là loại chống xe tăng và máy bay. Đó là lý do dẫn tới sự thảm bại của Liên Xô.
Đến thập niên 2000's, nhằm mục đích diệt tận ổ khủng bố của vụ 11/9 Hoa Kỳ đưa quân vào Afghanistan. Đối thủ của Mỹ là Al-qeda. Ngoài ra, Hoa Kỳ tấn công vào Iraq. Đánh thần tốc dẹp tan chế độ Saddam Hussein do Mỹ dựng lên trước đó, với một trong nhưng lý do là nhà lãnh đạo Iraq dung dưỡng khủng bố - dù có giải thích, thanh minh cũng chẳng đi tới đâu - Kết quả chúng ta thấy gì? Mỹ bị tiêu hao lực lượng, ngân sách thâm thủng, thiếu hụt nặng nề, nợ cao chồng chất, năm nào cũng đến cuối năm hành pháp và lập pháp lại bàn đến chuyện nâng cao giới hạn vay nợ nhằm giúp cho cơ quan công quyền liên bang tránh nạn bị đóng cửa ngưng hoạt động.

Không rút tỉa được kinh nghiệm của Liên Xô, Hoa Kỳ bị xa lầy tại Afghanistan và Iraq. Quá chán chường với đảng Cộng Hòa và hai nhiệm kỳ của tổng thống Cộng Hòa George W. Bush, mặc dù chẳng mặn mòi gì nhiều với một chính trị gia da mầu, trẻ măng và thiếu kinh nghiệm cầm quyền, Barack Obama, cử tri Hoa Kỳ đã bầu cho Thượng Nghị Sĩ này làm tổng thống Hoa Kỳ. Chủ chương nổi bật nhất của ứng cử viên này lúc ấy là rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan.
Có nhiều người chê trách Obama nhu nhược. Ông ấy không cương quyết đương đầu với tham vọng bành trướng và giành ảnh hưởng trên khắp thế giới của Nga và Trung Hoa, để đến nỗi hậu quả Mỹ đã bị mất rất nhiều ưu thế đã xây dựng bao nhiêu năm dài, vào tay Nga Hoa và khiến nhiều nước mất niềm tin vào Hoa Kỳ.

Trách Obama thì dễ nhưng ta phải nhìn vào thực tế. Xin nhắc là hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ sắp sửa phải bàn về vấn đề nâng cao giới hạn mức nợ giúp cho công sở và các chương trình liên bang tiếp tục duy trì hoạt động. Thử hỏi Obama thừa hưởng một di sản như thế, tiền trong ngân khố sắp cạn, mà muốn thực hiện bất cứ chương trình, kế hoạch lớn nhỏ chính phủ đều cần tiền. Ở trong nước dân chúng thiếu thốn và bất mãn, các chính trị gia dễ bị cho về vườn như chơi. Tiền không có thế thì làm sao chính phủ có thể chi trả cho các chương trình phát triển quốc phòng và xã hội. Mỹ cũng phải đương đầu với các khó khăn kinh tế nội bộ. Như thế trên trường quốc tế Mỹ có bị yếu thế thì đó là lẽ đương nhiên thôi. Muốn chính phủ mạnh mà dân thì không có việc làm - mặc dù tỷ lệ thất nghiệp là rất thấp; trên giấy tờ thôi - và người có việc làm không chấp nhận sự tăng thuế, Obama có ba đầu sáu tay cũng chịu thua thôi. Thế nhưng như người ta thường nói, nếu muốn thì cũng có cách thôi. Chính phủ đánh trật nước cờ, lãnh đạo sai, nhất là trên trường quốc tế, hậu quả sẽ tai hạn sẽ rộng lớn và lâu dài. Đây là giai đoạn sử dụng đầu óc và mưu lược chứ không phải súng đạn. Các nước lớn găng với nhau, trong tay có sẵn bom nguyên tử, rủi ro cho cả thế giới rất cao.

Tổng Thống khăng khăng xông vào Iraq một mình bất chấp sự khuyến cáo của LHQ, thắng địch tương đối dễ nhưng có giữ được thành hay không mới là khó. Vào được Iraq xong, giết được đối thủ xong, để rồi Mỹ phải rút quân. Kết quả ngày nay Hoa Kỳ tạo ra chính phủ Iraq phe Shiite thân với Iran, kẻ thù không đội trời chung của Mỹ. Iran không biết phải diệt đối thủ Saddam Hussein phái Sunni ra làm sao bỗng dưng Mỹ làm dùm, họ mừng hết cỡ. Không hành động, không can thiệp và kiên nhẫn một chút vào hồi ấy có lẽ hậu quả tai hại đã không kéo dài cho đến ngày hôm nay. Cái đáng sợ là Iran có thể có võ khí nguyên tử rồi và nước này sắp được rảnh tay can thiệp khắp nơi vì được Mỹ bỏ cấm vận và thu hồi tiền bạc đã bị Mỹ phong tỏa.

"Nhà nước Hồi giáo" được hình thành từ Saudi Arabia. Nước này gồm đa số dân theo Sunni. Nhóm cận thần và tướng tá đào tẩu của Saddam Hussein thuộc phái Sunni gia nhập nhóm nhà nước này. Dưới danh nghĩa Quốc gia Hồi giáo Iraq và Cận đông, tham vọng cai trị của nhóm này rất lớn. Nhóm này bành trướng nhanh chóng. Không kể lý do tuyên truyền qua các phương tiện hiện đại, nhóm này có được ngày hôm nay, nắm giữ một phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria về phía bắc trong đó có rất nhiều mỏ dầu, là nhờ có tiền. Chuyện này Mỹ có biết không? Dĩ nhiên Mỹ biết nhà nước này lấy tiền từ đâu và bằng cách nào để hoạt động và tài trợ khủng bố. Nhưng Mỹ và các nước không có cách nào ngăn chận hiệu quả được. Thật vậy, theo lời ông David Cohen, Thứ Trưởng Tài Chánh đặc trách tình báo khủng bố và tình báo tài chánh, thì ISIS dùng cách thu tiền khác với các nhóm khủng bố khác. Các nhóm khủng bố thông thường được tài trợ bởi các nhà giàu có, tiền bạc để trong các trương mục ngân hàng ngoại quốc, phong tỏa các nơi này khủng bố hết đường hoạt động vì thiếu tiền. Ngươc lại, ISIS kiểm soát nhiều mỏ dầu hoả tại
miền bắc Iraq và Syria, bán dầu, công khai hoặc lậu, thu tiền. Tiền nằm trong lãnh thổ, làm sao các nước Tây phương phong tỏa được. Vả lại, nhờ chủ trương thu hút lúc ban đầu, nhiều người giàu có thuộc khối Ả Rập, nhất là phái Sunni, đã đóng góp mạnh mẽ và tích cực cho nên ảnh hưởng của nhóm này mới lan rộng nhanh chóng. Nhóm võ trang này đi toàn xe hơi mới, ăn mặc hợp thời trang chẳng qua vì họ có tiền. Cái nhóm này có vẻ không sợ chết, có lẽ vì bị nhồi sọ, cuồng tín tin tưởng vào kinh Hồi giáo và chủ trương của nhà nước cho nên rất khó diệt. Giết tên này lại có tên khác xuất hiện. Muốn giải quyết rốt ráo thì chỉ có cách giết sạch người Hồi giáo. Đây là chuyện không tưởng. Như thế không còn cách nào sao? Giết người không giải quyết được, chỉ có cách thay đổi tư tưởng. Mà đây là chuyện lâu dài, không dễ dàng gì. Có người e ngại thái bình chưa thấy đâu, với tình hình hiện nay, cả bao nhiêu nước, nào là Pháp, Nga, Mỹ v.v..., đổ xô vào làm thịt ISIS không chừng thế chiến thứ ba bùng nổ thì thật là tai hại.

Đời là cái vòng lẩn quẩn. Phe nào cũng cho là họ có lý. Đến độ giết người dã man vẫn tung hô "Thượng đế vĩ đại!" Nga đem quân, không quân và bộ binh, vào Syria tháng trước, bắt đầu tham chiến nhằm củng cố và hậu thuẫn cho chính phủ Assad. Nga dùng các phi cơ tối tân; phản lực cơ và trực thăng, oanh tạc ác liệt các phe chống Assad, gây thiệt hại nhiều cho thường dân. Vào ngày 31/10 một phi cơ dân sự của Nga cất cánh tại Ai Cập chở theo 224 người mà phần lớn là du khách Nga bị rớt khiến tất cả mọi người trên phi cơ tử nạn. Nhóm ISIS lên tiếng nhận trách nhiệm. Không lâu sau đó Mỹ và Anh tung ra tin cho biết phi cơ đang bay, gãy ra, rơi xuống đất là vì hậu quả do việc đặt bom của khủng bố. Nga và Ai Cập không tin. Nay thì sự thật đã rõ. Thế là Nga trả đũa, cho phi cơ dội bom nhóm nhà nước trên đất Syria ác liệt. Ngày 13/11 cả trăm dân Pháp chết vì bom và đạn của khủng bố. Pháp điều tra, bảo là lệnh khủng bố phát xuất từ nhóm nhà nước Hồi giáo bên Syria, thế là Tổng Thống Pháp ra lệnh cho phi trên Hàng Không Mẫu Hạm Charles de Gaulle thả bom nhóm này trên đất Syria; Nga bom ban ngày, Pháp bom ban đêm, không ngơi nghỉ. Lại thêm có Mỹ tham gia. Vào tuần tới, Tổng Thống Francois Hollande sẽ sang Mỹ gặp Tổng Thống Barack Obama. Sau đó ông ta sẽ sang Nga gặp Tổng Thống Vladimir Putin. Tất cả có mục đích bàn về kế hoạch tấn công ISIS.

Nhân tiện đây nói một chút về Putin. Đây là một tay hoạt đầu nhiều mưu lược. Chẳng có chuyện gì mà ông ta không dám làm. Sửa hiến pháp tăng nhiệm kỳ tổng thống, hết làm tổng thống xuống làm thủ tướng, rồi lại làm tổng thống với nhiệm kỳ dài hơn. Dân chúng biểu tình chống đối, ông ta cho bắt, đưa ra tòa, xong nhốt. Người nào nguy hiểm cho sự nghiệp chính trị của ông ta, kết cục đều bị chết thảm. Mỗi lần tình hình thay đổi, mặc dù trông bất lợi, ông ta có tài xoay sở, chuyển hại thành lợi. Vào năm 2014 thấy Ukraine có triển vọng ngả theo phương Tây, ông ta đặt ra kế hoạch chiếm lĩnh Crimea, nơi Hạm Đội Hắc Hải Nga thuê của Ukraine để đặt tổng hành dinh. Thế giới phản đối, ông ta bảo đó là phong trào tự phát của nhân dân Crimea. Dần dà theo thời gian, tin tức lộ dần, Putin là đầu não hoạch định chương trình xâm lăng và sát nhập Crimea vào Nga. Các quốc gia Tây phương không có cớ để can thiệp và ngại chiến tranh nguyên tử với Nga xảy ra cho nên việc họ có thể làm được là trừng phạt kinh tế Nga. Rồi lại có chuyện phi cơ dân sự Mã Lai bị hoả tiễn Nga bắn rớt trên không phận miền đông Ukraine, khiến tất cả hành khách tử nạn, mà thủ phạm có thể là phiến quân do Nga hậu thuẫn hoặc chính Nga gây ra. Hai việc này có vẻ như chìm vào quên lãng. Thật ra chuyện đâu còn đó, các nước nạn nhân phương Tây sẽ không bao giờ quên và vẫn đang chờ cơ hội.

Ngân sách Nga hết một nửa dựa vào sự tài trợ của dầu khí sản xuất. Giá dầu thế giới giảm quá nửa, đang từ 110 USD một thùng tụt xuống còn 40 USD. Đồng Ruble của Nga giảm giá gần một nửa so với đồng Mỹ kim. Dân chúng mất tiền, thực phẩm khan hiếm, mức sống dân Nga xuống dốc. Putin không quan tâm. Vào lúc chính phủ thân Nga là Assad yếu dần trước sự tấn công của các nhóm phiến quân, lợi dung lúc Mỹ đang lúng túng, Nga đưa quân sang, pháo kích ào ạt bất kể thiệt hại cho thường dân. Để xem bài học Afghanistan của Nga vào thập niên 90's có tái diễn tại Syria hay không. Lúc mà tình hình kinh tế tài chánh của Nga đang lâm nguy như hiện nay, Putin đánh ván bài liều như thế này, mà con người ta vận may không kéo dài mãi, biết đâu hành động của Nga sẽ là một bước ngoặt cho Nga lẫn cá nhân Putin?

Pháp dự trù bán hai tàu chiến tối tân Mistral cho Nga, cuối cùng vì áp lực các nước, nhất là Hoa Kỳ, đã từ chối không bán cho Nga hai chiếc tàu này. Thế là Ai Cập mua lại.
Nga chưa quên vụ này thì vụ thảm sát Paris xảy ra. Hollande và Putin sẽ gặp nhau và cùng nhau hợp tác chống ISIS. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh và ảnh hưởng đến sự thay đổi quan hệ các nước đến mức không ngờ.
Lợi dụng tình thế này Nga muốn cùng Mỹ hợp tác tấn công ISIS. Vào tuần trước Nga bắn tiếng có thể cùng nhau họp hành với các nước Ả Rập,
Syria và Hoa Kỳ và có thể từ đó tìm ra giải pháp cho Syria, trong đó có việc chấp nhận thành lập một chính phủ không có Assad.Tổng Thống Obama còn giữ vững tỉnh táo để tránh bị Nga lừa. Ông ấy vừa xác nhận giải pháp rốt ráo cho Syria và từ đó giải quyết luôn vấn đề người tỵ nạn Syria là Assad phải ra đi. Nay thì Assad nói rõ, ông ta sẽ chẳng đi đâu hết.
Lãnh đạo một nước gốc Alawite, một nhóm thiểu số (12%) trong một đất nước mà đa số thuộc Sunni (30%), Assad đã dã man, can tội diệt chủng với võ khí hoá học, vì thế mà dân chúng ồ ạt di tản ra nước ngoài tìm đường sống. Chỉ một Thổ Nhĩ Kỳ nằm bên cạnh đã phải chịu đựng con số người tỵ nạn gần hai triệu, đến độ Liên Âu phải ra tay tài trợ hàng tỷ bạc. Assad là gốc rễ của vấn đề di dân với số lượng lớn hiện nay. Ông này đi chỗ khác thì tình hình sẽ yên ổn, dân chúng chẳng phải đi đâu lánh nạn. Ông này mà còn ngồi ở Damascus, thanh niên Syria không tham gia ISIS thì cũng gia nhập các nhóm phiến quân khác. Hai bên tiếp tục giao tranh. Người nào không vào các nhóm trên, họ sẽ cùng ông già bà lão và trẻ em chạy sang Âu Châu lánh nạn. Và đây sẽ là nguồn gốc hỗn loạn của các nước Châu Âu sau này. Giải quyết cái nhân thì chẳng lo cái quả. Cái trở ngại lớn nhất là Nga. Dĩ nhiên Putin và Assad không nhượng bộ Mỹ và Liên Minh Ả Rập. Vấn đề trước mắt trở nên bế tắc. Người dân Syria tiến thối lưỡng nan. Ở trong nước thì tiếp tục ăn bom của các nước. Đi vượt biên thì gặp rào cản do các nước bắt đầu dựng lên. Dân Âu Châu bắt đầu có ác cảm với dân Ả Rập vì vụ thảm sát Paris này.

Biết đâu tình hình sẽ biến chuyển thuận lợi và giải pháp tốt nhất sẽ được tìm ra, có lợi cho dân chúng Syria và đồng thời cho cả các nước Tây phương không chừng. Hy vọng là như thế. Bằng không thì loạn to.

Nguồn: Internet
http://nghiencuuquocte.net/forums/topic/isis-nguon-goc-tham-vong-va-tac-dong/
http://baotoquoc.com/2015/11/16/khung-bo-is-va-su-doi-pho-cua-hoa-ky/
http://www.treasury.gov/press-center/press-releases/Pages/jl2672.aspx
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2015/11/khung-bo-paris-nho-lai-du-bao-cua.html

 

Đăng ngày 21 tháng 11.2015