Tại sao sau 40 năm đất nước hòa bình thống nhất mà người dân VN vẫn còn liều mình trốn thoát "thiên đường cộng sản" ???
Úc trao trả 50 thuyền nhân Việt Nam về nước
Một tờ báo Úc, ngày 17 tháng 04 năm 2015, cho biết Úc đã trao trả gần 50 người Việt Nam xin tị nạn bằng đường biển trong bối cảnh Canberra siết chặt chính sách nhập cư.
Báo The West Australian nói một tàu hải quân Úc đang ở trong vùng biển của Việt Nam.
Tờ báo đưa tin gần 50 thuyền nhân Việt Nam bị Úc chặn lại trên biển đầu tháng Tư 2015.
Chính phủ Úc từ chối bình luận về tin này.
Hồi tháng Giêng, Úc cho biết “15 cuộc trở về bằng nhiều hình thức”, áp dụng cho người xin tị nạn từ nước ngoài, đã diễn ra từ tháng Chín 2013. Trong số này có các tàu bị đưa trả về Indonesia và Sri Lanka.
Từ tháng Bảy 2013, Úc đã đưa người xin tị nạn vào các trại tạm giữ ở hai đảo của Papua New Guinea.
Họ không được phép tái định cư tại Úc ngay cả nếu được kết luận là những người tị nạn thực sự.
17.04.2015
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/
Úc trả gần 50 thuyền nhân Việt Nam về nước
Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, UNHCR, có yêu cầu chính quyền Australia cho biết rõ chi tiết về qui trình được áp dụng để xét đơn của số 46 thuyền nhân Việt Nam vừa bị lực lượng hải quân Australia đưa trả về lại Việt Nam.
Hãng tin ABC của Australia loan tin này hôm nay theo đó cơ quan tỵ nạn Liên hiệp quốc nói là chiếc thuyền chở 46 người Việt Nam tìm qui chế tỵ nạn tại Australia đã bị bác đơn và hải quân Australia bí mật đưa họ về lại Việt Nam.
Phát ngôn nhân Vivian Tan của UNHCR bày tỏ quan ngại là đơn xin tỵ nạn những thuyền nhân đó có thể không được xem xét theo đúng thủ tục.
Bộ trưởng Nội vụ Austrlia Peter Dutton từ chối không xác nhận là 46 thuyền nhân Việt Nam mới bị trả về.
Theo truyền thông Australia thì chiếc thuyền chở 46 người đi tìm quy chế tỵ nạn rời Việt Nam vào tháng ba và bị lực lượng hải quan và hải quân Australia chặn bắt ngoài khơi nước này vào đầu tháng tư vừa qua. Cũng theo báo chí Australia thì số người này được tàu HMAS Choules đưa về cảng Vũng tàu vào thứ sáu vừa qua.
http://www.rfa.org/vietnamese/
Thuyền nhân Việt Nam ở Úc
Phạm Văn Duyệt
Vào những tháng cuối năm 2013, thuyền nhân Việt Nam lại được giới truyền thông bàn luận nhiều sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng. Nguyên nhân của sự việc này là do số người tị nạn Việt Nam đã đột ngột gia tăng.
Trong năm 2012, chỉ 50 thuyền nhân Việt cập bến bờ Úc. Nhưng 6 tháng đầu năm 2013, con số này vượt quá 700 bao gồm 498 đàn ông, 96 phụ nữ và 106 trẻ em. Có ý kiến cho rằng hiện tượng này là hệ quả của việc bạo quyền Việt Cộng mạnh tay đàn áp những nhà đối kháng và các nhóm tranh đấu cho tự do tôn giáo.
Rủi ro thay cho những người tị nạn trốn thoát quê hương lúc quá muộn màng. Mất đi các yếu tố cần thiết: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đặc biệt là lòng từ tâm của đại chúng nay đã đổi khác. Không như 30 năm về trước, ngày nay có người quay ngược 180 độ, hoàn toàn phản bác và nghi ngờ động cơ của sự vượt biên. Họ nhất mực tin tưởng người tị nạn ra đi vì lý do kinh tế, cốt tìm kiếm thiên đường giàu sang phú quý chứ chẳng dính dấp gì đến chính trị. Than ôi! Luận cứ của họ đã có phần nào cơ sở, khi mà không thiếu gì người tị nạn sau khi được định cư lại mau mau sửa soạn hành trang cho một chuyến áo gấm về làng. Trong số đó, khối gì người trở về không vì những mục đích đầy ý nghĩa cho đất nước, dân tộc hay gia đình mà thuần túy là để ăn chơi thỏa thích, hoặc tệ hại hơn nữa là đem tiền bạc làm ăn với đám tư bản đỏ. Không những đánh mất niềm tin từ đồng bào còn kẹt lại ở quê nhà mà còn gây tổn hại cho lớp người tầm trú về sau. Đầy rẫy tấm gương sờ sờ ra đó, thử hỏi có bao nhiêu phần trăm là người tị nạn chân chính như họ từng cam kết khai báo với Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Về Người Tị Nạn khi còn lang bạc trong các trại tạm cư ở Đông Nam Á?
Chính Phủ Úc cũng chuyển hướng chính sách tị nạn theo đường lối cứng rắn để ngăn chặn làn sóng thuyền nhân đổ xô đến Úc những năm gần đây. Trong chiều hướng đó, Bộ Di Trú cho phép Công An Việt Nam thuộc Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh vào các trại giam giữ thuyền nhân để điều tra lý lịch và bắt họ ký giấy tự nguyện hồi hương. Nhiều người bị thẩm vấn suốt cả buổi, kéo dài hơn 4 gìờ, gây cho họ nỗi sợ hãi tột cùng. Toán nhân viên an ninh này luôn luôn dùng lời lẽ đe dọa, có khi còn gán ghép cho họ tội phản quốc. Một thuyền nhân quá tuyệt vọng sau khi bị cưỡng ép ký 3 lần đã tìm cách tự vẫn nhưng cuối cùng được cứu sống. Một số khác vượt rào kiếm đường trốn trại. Thuyền nhân Việt Nam không còn tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Họ rơi vào tâm trạng hoang mang cho tương lai bấp bênh ba chìm bảy nổi, hoảng sợ bi quan cho thân phận bèo dạt mây trôi trước viễn ảnh bị trả về với thảm cảnh đen tối không tránh khỏi công an theo dõi, làm khó dễ, lý lịch xấu xa hoặc bắt giam tù tội.
Thuyền nhân nào cương quyết thà chết trên đất Úc, một đi không trở lại, không chấp nhận sự cai trị của lũ buôn dân bán nước thì Bộ Di Trú sử dụng biện pháp cưỡng bách với thủ thuật đánh lừa, kêu gọi xuống văn phòng để làm giấy tờ hay hỏi rõ tin tức, nhưng rồi bị nhốt lại để chuẩn bị đưa lên phi cơ trực chỉ Việt Nam. Điều khác thường so với thời kỳ hoàng kim của người tầm trú (1975-1989) khi mà nhân phẩm và ước nguyện của thuyền nhân hoàn toàn được tôn trọng, nay thì vật đổi sao dời, ngay cả công lý cũng phải ngã nón chào thua, nhường chỗ cho chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện”- chính vì thế mà có người chưa hề được xem xét hồ sơ để ra trả lời cuộc phỏng vấn của Hội Đồng Thanh Lọc cũng bị trục xuất. Họ không được cho cơ hội nhờ cậy luật sư giúp đỡ hoặc Tổ Chức Quốc Tế Đặc Trách Di Dân (IOM: International Organisation for Migration) can thiệp.
Liên Minh Hành Động Vì Người Tị Nạn (Refugee Action Coalition) cũng như nhiều nhà lãnh đạo Cộng Đồng Người Việt Tự Do đã kịch liệt chỉ trích Bộ Di Trú cho Công An Việt Cộng thẩm vấn thuyền nhân. Hơn 100 người tầm trú cùng nhau tuyệt thực phản đối quyết định này. Nhưng lực bất tòng tâm, như quy luật thường tình, những kẻ sức yếu thế cô vẫn thường hay bị lãng quên.
Tính tới tháng 9/2013, 80 thuyền nhân bị trục xuất và tháng 10 với 30 người. Nhiều người bị trả về đương đầu với sự ngược đãi bạo hành của công an, trải qua những cuộc điều tra, hỏi cung căng thẳng, ai ai cũng phải trả lời câu hỏi: đất nước đang phồn vinh giàu có, áo ấm cơm no với đầy đủ tự do tại sao lại bỏ nước ra đi? Phải khai ai xúi giục, ai là chủ tàu. Nếu không khai báo thành thật thì bị cho là ngoan cố, ăn bạt tai, tát vào mặt, vào đầu, đấm đá tay chân, nhục mạ mắng nhiếc, còng tay giam giữ, đối xử còn tệ hơn súc vật. Bộ Di Trú từng nhắc nhở nhiều lần ai tự nguyện hồi hương sẽ được bảo đảm an toàn khi về nước, nhưng thực tế là có người vẫn bị biệt giam không cho về nhà.
Trâu chậm uống nước đục còn đỡ. Đằng này trâu chậm còn bị đánh gục mới thật thảm thương. Nỗi lòng biết tỏ cùng ai? Vượt biên không thành, tiền mất tật mang, tên tuổi ghi vào sổ đen khó xin việc làm, mặc cảm xấu hổ khi ngày ngày gặp phải sự khinh khi xa lánh của hàng xóm láng giềng. May cho ai biết tìm kế giải khuây cơn sầu vạn cổ, ngâm nga bài thơ Hồ Trường lâm ly của Nguyễn Bá Trác:
“Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây, lại đây cùng ta cạn một hồ trường”...
Để rồi mượn cơn ngà ngà say mà ca lên những lời thống thiết, tự an ủi thân phận bọt bèo, sự thế đãi bôi:
“Nào ai tỉnh, nào ai say
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây”.
Phạm Văn Duyệt
Sau 1992, những người nhập cảnh trái phép vào nước Úc được xếp dạng di dân bất hợp pháp và đều bị giam trong các trại giam di dân theo một tu chính của Đạo luật Di trú 1985. Dư luận Úc có nhiều thay đổi trong thời gian dài về vấn đề thuyền nhân. Cuối thập niên 1970, có 20-32% không muốn ai được ở lại. Đến năm 1993, con số này tăng lên 44%, với 46% ủng hộ giam giữ bắt buộc. Năm 2001, 71% đồng ý chính sách giam giữ trong thời gian xét đơn tị nạn. Đến giữa năm 2011, hơn 100 thuyền nhân Việt Nam vẫn còn bị giam trong các trại này.
Theo Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796.310 người Việt tỵ nạn vượt biển.
Ngược lại có 109.000 người rút cuộc phải trở về Việt Nam vì không được nhận đi định cư. Đối với Hoa Kỳ thì thuyền nhân Bắc Việt vốn không có liên hệ gì với chính thể miền Nam thì không được nhập cư. Đa số người bị gửi về là từ miền Bắc vì không đạt tiêu chuẩn tỵ nạn...
(Theo Wikipedia)
Đăng ngày 22 tháng 04.2015