Tấn công khủng bố ở Londres ngày 22.03.2017
Nhữ Đình Hùng
Trưa thứ thư 22.03.2017, một cuộc tấn công khủng bố đã xảy ra ở Londres.
Xe của tên khủng bố húc vào hàng rào điện Westminster/hình trên báo Anh Dailytelegraph
Theo lời các điều-tra-viên,cuộc tấn-công đã xảy ra vào lúc khoảng 14g30 (giờ địa-phương) ở giữa trung-tâm thành-phố Londres. Kẻ tấn công đã dùng một xe 4x4 húc vào những người đi bộ ở trên cầu Westminster. Có ít nhất hai người chết trên cầu và khoảng hai chục người bị thương. Người tài xế lái xe sau đó đã phóng xe húc vào vòng rào của điện Westminster.
Điện Westminster là trụ sở của Nghị Viện Anh
Tài xế sau đó đã bỏ xe, xông vào Nghị Viện và đã dùng dao đâm một cảnh-sát (người này đã bị chết sau đó) và tấn công một viên cảnh sát khác trước khi bị bắn hạ.Theo nguồn tin cảnh sát Anh, tên khủng bố đã hoạt động một mình. Cho đến nay chưa có tổ chức khủng bố nào nhận là đã chủ mưu việc tấn công này. Cuộc tân công khủng bố ở Westminster đã xảy ra cùng ngày với lễ kỷ niệm một năm tấn công khủng bố vào phi trường ở Bỉ. Cuộc tấn-công khủng-bố ở Londres ngày 22.03 là cuộc tấn công làm thiệt mạng nhiều người nhất kể từ cuộc tấn-công ngày 07.07.2005 đã khiến có 56 người chết; Al Qaïda đã thừa nhận chủ mưu vụ tấn công lần đó. Cuộc tấn công ngày 22.03.2017 đã gây thiệt mạng cho 4 người và khoảng hơn 40 chục người bị thương!
Khi cuộc tấn-công vào điện Westminster xảy ra, nữ thủ tướng Anh Theresa May đang có mặt tại nơi này. Hằng tuần, vào ngày thứ tư, bà phải đến Hạ Viện để trả lời các chất vấn của các dân-biểu. Bà đã được lập tức bảo-vệ ra khỏi nơi này để về lại phủ thủ tướng ở số 10 Downing Street, cách đó chỉ vài trăm thước. Hiện nước Anh được đặt trong tình trạng báo động 'nghiêm trọng', mức báo động thứ tư trong thang báo động gồm năm mức.
Chỉ-huy-trưởng cảnh-sát BJ Harrington cho biết cuộc điều-tra đã được giao phó cho ban chống khủng-bố và những cảnh-sát viên phụ-trội đã được dàn trải thêm trên các đường phố ở Londres và đưa ra lời kêu gọi dân-chúng nên cảnh-giác. Trong ngày 23.03, cảnh sát Londres đã cho biết căn cước của tên khủng bố. Đó là Khalid Masood, 52 tuổi, sinh ra ở nước Anh trong vùng Kent và trong những năm gần đây đã sống trong vùng phụ cận Birmingham. Người này được tình báo Anh biết đến vì có khuynh hướng Hồi-giáo. Daesh đã lên tiếng nhận cuộc tấn-công này do họ chủ mưu.
Một số các nạn nhân đã được săn sóc tại chỗ, một số khác được chuyên chở đến các bệnh-viện ở Londres. Trong số các nạn nhân, có ba học sinh Pháp của trường Saint-Joseph de Concarneau.
Sau khi xảy ra vụ khủng bố, tổng-thống Pháp François Hollande đã bày tỏ sự liên-đới và sự hỗ-trợ của Pháp đối với nước Anh. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã điện-thoại đến nữ thủ tướng Anh còn bà Merkel thì bày tỏ lòng liên đới đến nước bạn Anh quốc.
Nhữ Đình Hùng /tổng hợp báo chí Pháp/23.03.2017
Làm thế nào mà gián điệp Bắc Hàn tuyển mộ cô gái quê Việt Nam
làm sát thủ ám sát Kim Jong-nam?
Trúc Giang MN
1. Mở bài
Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Cộng Sản Bắc Hàn Kim Jong-un, đã bị hạ sát bằng chất độc vào lúc 8:20 phút sáng ngày thứ hai 13-2-2017 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. Nạn nhân chết sau 20 phút trên đường đến bịnh viện. Khám nghiệm tử thi cho biết nạn nhân thiệt mạng do chất độc VX.
Cô gái quê ở Nam Định, Đoàn Thị Hương, là sát thủ chính trong vụ ám sát. Vụ án gây chấn động thế giới. Những hãng tin lớn như BBC, New York Times, Sky News, Sydney Morning Herald, Wall Street Journal và Mirror đã cử phóng viên đến Malaysia làm phóng sự.
Cuộc mưu sát được gián điệp Bắc Hàn cho rằng thành công mỹ mãn. Đối tượng bị tiêu diệt. Không có bằng chứng nào cho biết kẻ chủ mưu là ai. Lực lượng gián điệp bảo toàn về nhân sự.
Qua hai nữ sát thủ người ta không tìm ra kẻ ném đá giấu tay là ai. Xem như yếu tố bí mật được bảo đảm. Hai phụ nữ không biết gì về lý lịch của những điệp viên Bắc Hàn đã trực tiếp chỉ đạo màn ám sát ở sân bay Kuala Lumpur.
Do những lời khai báo của Đoàn Thị Hương người ta mới biết gián điệp Bắc Hàn là người đứng sau vụ ám sát.
Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào mà gián điệp Bắc Hàn chiêu mộ được một phụ nữ nhà quê ở Nam Định làm sát thủ ám sát Kim Jong-nam?
2. Diễn tiến sự việc
2.1 Tấn công ám sát diễn ra nhanh chóng ở nơi công cộng
Địa điểm. Phi trường quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. Thời gian. Ngày thứ hai, 13-2-2017. Lúc 8g 20 phút sáng. Trước quày đăng ký chuyến bay, một hành khách Á Đông bị hai phụ nữ trẻ tấn công. Người phụ nữ đứng sau choàng tay qua cổ để giữ chặt cái mặt, phụ nữ thứ hai đập một cái khăn có tẩm hóa chất vào mặt hành khách nầy.
Kim Jong-nam gặp nhân viên an ninh phi trường xin giúp đỡ
Sự việc xảy ra rất nhanh chóng, chỉ vài giây đồng hồ, nên ít ai chú ý đến. Hai phụ nữ Á Đông chia làm hai ngã rời sân bay. Riêng Đoàn Thị Hương thản nhiên rời sân bay trên một chiếc taxi. Người hành khách bị tấn công đi vào nhà vệ sinh rửa mặt. Ông cảm thấy chóng mặt, đến gặp nhân viên an ninh phi trường xin giúp đỡ. Ông được dẫn đến phòng y tế sân bay. Nạn nhân bắt đầu bị co giật nên được đặt lên cáng (stretcher) đưa đến bịnh viện Putrajaya. Và ông ta chết trên đường đi.
Cảnh sát Malaysia cho biết, nạn nhân mang hộ chiếu Bắc Triều Tiên tên Kim-chol chính là Kim Jong-nam, anh một cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Hàn là Kim Jong-un.
Một phụ nữ mang quốc tịch Việt Nam tên Đoàn Thị Hương (29 tuổi). Phụ nữ kia tên Siti Aiyah (25 tuổi), quốc tịch Indonesia.
2.2 Tổ ám sát 6 người
Nguồn tin cảnh sát Malaysia cho biết, hai phụ nữ khai rằng họ được 4 thanh niên chỉ đạo để thực hiện một video hài theo kiểu “camera quay lén”, chơi khăm bằng cách xịt một thứ chất lỏng vô hại vào mặt ông ta. Đó là loại dầu tắm trẻ em. Vì quay lén nên phải giữ bí mật.
Sau vụ tấn công, hai phụ nữ thư thả rời phi trường. Riêng Đoàn Thị Hương về khách sạn bằng taxi. 4 thanh niên tách thành hai nhóm cũng ra khỏi sân bay.
Sáu người gặp lại nhau tại khách sạn Sky Star cách Kuala Lumpur 55km. Ngủ qua đêm. Ngày hôm sau, thứ ba 14-2-2017, Siti Aiyah và 4 thanh niên cho biết họ cần ra ngoài có việc. Thế là họ đi không trở lại. Hương bơ vơ một mình.
Đoàn Thị Hương vẫn còn tin tưởng là đóng kịch hài, nên mặc chiếc áo dài tay có chữ LOL trên ngực trở lại phi trường và bị bắt. Cô khai với cảnh sát Malaysia, vì không thông thạo đường sá nên cô trở lại sân bay để tìm bạn, và bị bắt. Nghi phạm bị nhận diện từ một đoạn video mặc chiếc áo có chữ “LOL” trong vụ tấn công trước đó.
3. Làm thế nào mà gián điệp Bắc Hàn tuyển mộ cô gái quê Việt Nam làm sát thủ?
3.1. Gặp nhau trên trang mạng Facebook
Đoàn Thị Hương có nhiều tài khoản trên facebook. Ở trang “Rubi, Rubi” trong 65 người bạn, có 27 người tên Korea (Cả Nam và Bắc Hàn) trong số 56 đàn ông. Một người đàn ông Korea tiến sâu vào tình cảm. Hai bên yêu nhau trên mạng.
Đoàn Thị Hương gởi đến người bạn trai Korea những câu như “I love you. I miss you”. “Can I sing you a song tonight?”.
Ngày 20-2-2017, Tờ báo Yomiuri Shimbun của Nhật, dẫn lời của tờ China Press bằng tiếng Hoa của Malaysia, đưa tin “Một người đàn ông Châu Á dường như là một điệp viên Bắc Hàn, tiếp xúc với một nữ nghi can quốc tịch Việt Nam 3 tháng trước vụ ám sát. Tờ báo đưa tin, lần đầu tiên người đàn ông nầy gặp Đoàn Thị Hương ở Malaysia ba tháng trước.
3.2. Dùng tình yêu để dẫn dắt vào trận
Để chứng minh tình yêu, anh ta theo Hương về Việt Nam và đến thăm gia đình Hương ở Nam Định.
3.3. Tung hỏa mù để che giấu kẻ chủ mưu
Đôi tình nhân nầy dẫn nhau đi du lịch, từ Campuchia đến đi mua sắm 4 ngày ở đảo du lịch Jesu, Nam Hàn, rồi đến Trung Quốc…cuối cùng chinh phục được cô gái quê Việt Nam. Đoàn Thị Hương.
Đoàn Thị Hương bị tình yêu làm mù quáng. Tin tưởng vào người yêu. Bảo sao làm vậy, nên bị lợi dụng để thực hiện video hài tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, mà thực chất là một vụ giết người bằng chất độc VX, vào ngày 13-2-2017. Và Hương bị bỏ rơi sau khi xong việc.
Người tình Triều Tiên dẫn Hương đi nhiều quốc gia mục đích vừa chứng tỏ lòng thành trong tình yêu, vừa tung hỏa mù để che đậy hành động gián điệp của Bắc Hàn.
4. Kế hoạch thực hiện vụ ám sát
4.1. Đoàn Thị Hương đổi chỗ ở ba lần
Ngày thứ bảy 11-2-2017 cô đến khách sạn hai sao Qlassic. Nhân viên tiếp tân của khách sạn cho biết, cô ở phòng giá rẻ nhất. Không có cửa sổ.
Ngày chủ nhật, 12-2-2017 cô chuyển đến khách sạn City View. Mang theo một va li, một ba lô và một con gấu nhồi bông rất to. Nhân viên khách sạn nhận xét, tiếng Anh của cô ở mức độ có thể giao tiếp được. Tối chủ nhật, cô mượn cái kéo của khách sạn và sáng hôm sau, thứ hai 13-2-2017, nhân viên dọn phòng thấy tóc vương vải trên sàn nhà và ở thùng rác. Cũng trong buổi sáng thứ hai, nhân viên khách sạn nhìn thấy cô mặc chiếc áo dài tay có dòng chữ LOL trên ngực, khi ra ngoài.
Cô ra ngoài suốt buổi sáng và khi trở lại trông cô khá thoải mái, không có vẻ giận dữ, lo lắng hay cử chỉ, thái độ bất thường nào cả. Nhân viên khách sạn nêu nhận xét như thế.
Cô ta than phiền về hệ thống wifi trong phòng không hoạt động và trả phòng. Đến khách sạn Sky Star cách Kuala Lumpur 55km.
4.2. Thực tập hai lần
Sân bay quốc tế Kuala Lumpur là nơi thực hiện việc ám sát cho nên đã có hai lần thực tập tại hai trung tâm mua sắm đông người mà khung cảnh giống như sân bay. Đó là trung tâm Pavilion Shopping Centre và Kuala Lumpur City Centre.
Trung tâm Pavilion Shopping Centre và Kuala Lumpur City Centre
5. Những nghi phạm bị bắt giữ
5.1. Nghi can thứ hai bị bắt giữ
Do lời khai của Đoàn Thị Hương, nghi phạm thứ nhất, lúc 2 giờ sáng ngày thứ năm 16-2-2017, cảnh sát đột nhập vào khách sạn bắt Siti Aisyah, cũng bắt luôn người bạn trai ở chung phòng tên Muhammad Farid bin Jalaluddin, 26 tuổi, quốc tịch Malaysia. Cảnh sát tin rằng người nầy không có dính líu tới vụ ám sát, nhưng bắt để khai thác thêm chi tiết về vụ tấn công.
5.2. Nghi can thứ ba bị bắt và được thả ra
Ri Jong-chol
Tổng chưởng lý (Bộ trưởng tư pháp) Malaysia cho báo chí biết là họ sẽ thả một người Triều Tiên bị tình nghi có liên quan đến cái chết của Kim Jong-nam. Đó là ông Ri Jong-chol, 46 tuổi, đã bị bắt khi cảnh sát lần theo bảng số xe đã chở các nghi phạm đến sân bay mà camera đã thu được.
Ông Ri cho biết chiếc xe của ông đã bị đánh cắp và ông khẳng định là không quen biết với những nghi can trong vụ án. Theo luật Mã Lai, nghi can bị tạm giam trong 7 ngày và không đưa ra chứng cớ thì phải thả họ ra. Ông Ri có bằng tiến sĩ hóa học bị cho là người đứng ra tổ chức, sắp xếp và cung cấp phương tiện cũng như đặt phòng ở khách sạn, xe taxi, thu xếp các cuộc gặp gỡ đồng thời cung cấp chất độc VX để ám sát.
Trong vụ án, nạn nhân là người Triều Tiên, hung thủ cũng là người Triều Tiên. Sát thủ là người Việt Nam và Indonesia. Malaysia chỉ là nơi xảy ra vụ án cho nên họ không hành động quyết liệt trong khi điều tra nội vụ. Vì thế đã thả Ri Jong-chol.
5.3. Ba nghi phạm đã bay sang Dubai
Cảnh sát Malaysia xác nhận 4 nghi can đã rời khỏi nước nầy chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ án. Hãng Reuters dẫn lời của người phát ngôn văn phòng nhập cư Indonesia, thì ba trong bốn nghi can đã từ sân bay Jakarta (Indonesia) trên chuyến bay số EK 0359, cất cánh lúc 10 giờ 20 tối và đến Dubai cùng đêm đó. Ba nghi can là Ri Jae Nam, Hong Song-hac và Ri Ji Hyon. Họ không về Bắc Triều Tiên là để bảo vệ bí mật.
6. Vì sao gián điệp Bắc Hàn phải chọn Đoàn Thị Hương làm sát thủ?
Có bốn lý do:
1). Đoàn Thị Hương đủ tiêu chuẩn để đóng phim.
Mục đích để chiêu dụ Đoàn Thị Hương là để đóng phim hài. Gián điệp Bắc Hàn có thể nói với cô rằng cô có đủ tiểu chuẩn để đóng phim. Ngoại hình rất đẹp. Có tài ca hát và đã từng lên truyền hình trong cuộc thi Vietnam Idol trước đó. Đó là lý do để tuyển mộ diễn viên cho clip video hài.
Ngoại hình rất đẹp có đủ tiêu chuẩn để đóng phim
2). Thuận lợi cho việc nhập cảnh vào Malaysia.
Một cô gái Việt Nam không bị nghi ngờ gì khi nhập cảnh vào Malaysia, vì Việt Nam và Bắc Hàn không có những liên hệ mật thiết nào cả.
3). Đoàn Thị Hương biết tiếng Anh
Nhân viên tiếp tân tại khách sạn ở Malaysia cho biết tiếng Anh của cô ở trình độ có thể giao tiếp được.
Nếu cô gái quê Việt Nam không biết tiếng Anh thì không thuận lợi trong việc giao tiếp hợp tác được.
4). Đoàn Thị Hương không biết gì về gián điệp Bắc Hàn
Cho dù có bị bắt cũng không biết gì để khai ra. Đó là lý do để bảo vệ hoạt động bí mật của gián điệp Bắc Hàn.
Trường hợp của Siti Aisyah phụ nữ mang quốc tịch Indonesia.
Siti Aisyah
Cô nầy khai với cảnh sát Malaysia là cô được tuyển mộ hồi tháng giêng năm 2017. Cô được cho biết là cô chỉ tham dự một trò đùa trong một chương trình truyền hình. Công việc của cô là bôi vào hai gò má của một người nhà giàu bằng chất lỏng vô hại. Và cô được trả 90USD.
Thấy không có gì khả nghi nên cô đồng ý vì đó là cơ hội để xuất hiện trên truyền hình. Cô nầy cho các bạn bè và người thân biết là cô được mời đóng phim và sẽ được xuất hiện trên truyền hình. Tất cả vui mừng và cô đã mở tiệc ăn mừng về việc nầy.
Người phụ nữ Indonesia cũng không tạo ra nghi ngờ gì khi nhập cảnh Malaysia. Và cả hai nữ sát thủ cũng không có mối quan hệ nào với nhau cả. Đó là sự tổ chức chu đáo của gián điệp Bắc Hàn.
7. Vì sao phải chọn sân bay Kuala Lumpur ở Malaysia để ám sát Kim Jong-nam?
7.1. Vì Kim Jong-nam có người tình ở Mã Lai
Người tình So Jong-ra
Gián điệp Bắc Hàn cần một thời gian dài để nắm vững những chi tiết về thời gian, địa điểm để lên kế hoạch giết người. Địa điểm là sân bay Kuala Lumpur của Malaysia. Thời gian là ngày thứ hai, 13-2-2017. Chuyến bay của hãng Air Asia khởi hành lúc 10 giờ sáng từ Kuala Lumpur đi đến bán đảo Macao, đặc khu hành chánh thuộc Trung Quốc (Giống như Hongkong).
Việc thu thập những tin tức nầy cần phải có một thời gian dài. Có nghĩa là Kim Jong-nam phải thường xuyên qua lại từ Macao đến Kuala Lumpur và ngược lại. Ông Alex Hwang, chủ nhà hàng đã cho trang Star Online biết là ông Kim Jong-nam đã từng tới lui nhiều lần đến nhà hàng của ông trước kia. Lần nào cũng được bảo vệ chặt chẽ của đám cận vệ. Ông thường xuyên đi, về Macao Malaysia vì có người tình ở Kuala Lumpur.
7.2. Người tình của Kim Jong-nam là ai?
Kim Jong-nam có hai vợ. 6 con, và ít nhất là một nhân tình đang sống ở Kuala Lumpur tên là So Jong-ra, 41 tuổi. Ngày 27-2-2017, trang Channel News Asia dẫn một nguồn tin từ cảnh sát cho biết So Jong-ra là cựu tiếp viên hàng không AirKoryo của Triều Tiên từ năm 1992 đến 1998. Bà nầy đã theo học đại học Âm Nhạc và Ca Múa ở Bình Nhưỡng (Pyongyang).
Cảnh sát Malaysia đang truy tìm bà nầy để điều tra về vụ án.
8. Vài nét tổng quát về Đoàn Thị Hương
8.1. Tiểu sử
Đoàn Thị Hương sinh ngày 31-5-1988 tại Nam Định. Cha tên Đoàn Văn Thạnh (63 tuổi), mẹ kế tên Nguyễn Thị Vy. Gia đình nông dân nghèo. Hương là nghi phạm trong vụ ám sát Kim Jong-nam tại phi trường Malaysia vào ngày 13-2-2017. Ngày 15-2-2017, Đoàn Thị Hương bị bắt giữ tại sân bay Kuala Lumpur do bị nhận dạng bởi camera an ninh của phi trường.
8.2. Cuộc sống khép kín của Đoàn Thị Hương
Nhà ở Nam Định. Cha và mẹ kế của Đoàn Thị Hương
Ông Đoàn Văn Thạnh cho biết, Hương rất ngoan hiền nhưng ngày càng sống khép kín, ít chia sẻ với người thân. Con gái út của ông “thoát ly” gia đình từ khi về Hà Nội học trung cấp ngành dược.
Hương nói với gia đình là cô đang làm việc tại Hà Nội nhưng suốt 10 năm qua, dù gia đình có gặng hỏi nhưng Hương cứ né tránh, không cho biết địa chỉ nơi làm việc và chỗ ở. “Lần nào con bé cũng về nhà lúc 8, 9 giờ tối và ra đi từ sáng sớm ngày hôm sau. Ít trò chuyện và không ra khỏi nhà. Những tấm hình chụp chung với gia đình Hương cũng không có mặt”.
Lần về nhà sau cùng là ngày mùng hai Tết Đinh Dậu (29-1-2017). Hương chỉ ở trong nhà. Không đi thăm họ hàng, bạn bè và hàng xóm.
8.3. Đoàn Thị Hương không phải là một gián điệp chuyên nghiệp của Bắc Hàn
Mặc dù cô nầy thay đổi chỗ ở ba lần, luôn luôn dùng tiền mặt nhưng đã để lộ những sơ hở căn bản mà một điệp viên chuyên nghiệp phải có.
Mượn kéo của khách sạn để cắt tóc, nhưng lại để tóc bừa bãi trên sàn nhà và thùng rác. Vẫn mặc chiếc áo có chữ LOL trước và sau khi thực hiện cuộc ám sát. Trở lại hiện trường để bị bắt là một lỗi to lớn, không phải là hành xử của một điệp viên vì chỗ nào cũng có camera an ninh thu hình nên không thể né tránh được.
Không có kế hoạch rút lui an toàn, mà bị người tình bỏ lại bơ vơ để bị bắt.
9. Vài nét về Kim Jong-nam
9.1. Tiểu sử
Cậu bé Kim Jong-nam từng được cha cho mặc quân phục nguyên soái
Kim Jong-nam sinh ngày 10-5-1971. Chết 13-2-2017. Con trai của Kim Jong-il. Thời gian từ năm 1998 đến 2001 được xem là người thừa kế Kim Jong-il lãnh đạo Bắc Hàn.
Năm 2001, bí mật vào Nhật Bản với hộ chiếu giả để thăm Disneyland Tokyo. Bị phát giác và công bố rộng rãi nên bị thất sủng.
9.2. Sự kiện Disneyland Tokyo
Vào tháng 5 năm 2001, Kim Jong-nam bị bắt tại sân bay quốc tế Narita (Nhật Bản) cùng với hai bà vợ và đứa con trai 4 tuổi vì lý do sử dụng hộ chiếu giả của nước Cộng Hòa Dominica với cái tên Trung Quốc là Bàn Hùng. Sau vài ngày bị giam giữ, Nhật trục xuất về Trung Quốc.
10. Chất độc VX
VX là chất độc hóa học vô cùng độc hại, chỉ tấn công vào hệ thần kinh nên được gọi là chất độc thần kinh (Nerve agent). Liên Hiệp Quốc đã xếp vào thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong trạng thái nguyên thể, VX là chất độc không màu, không mùi. Ở dạng dung dịch thì màu nâu. Chất độc xâm nhập qua da, mắt và đường hô hấp vào cơ thể. Đầu tiên gây buồn nôn sau đó làm tê liệt các cơ hô hấp, làm chết người trong vòng vài phút trong tình trạng chuột rút nặng, co giật và chết trong đau đớn.
Lượng 1 mg làm chết người qua đường hô hấp. Lượng 10 mg làm chết người qua da.
11. Kết luận
Gián điệp Bắc Hàn có thể tự tay tiêu diệt Kim Jong-nam nhưng đó là hạ sách. Mượn đao giết người, ném đá giấu tay vừa bảo vệ được bí mật, vừa bảo đảm an toàn cho nhân sự thì tốt hơn.
Dùng tình yêu làm cho Đoàn Thị Hương trở nên mù quáng, tự sa vào bẫy. Cuộc ám sát được ngụy trang dưới một trò hài theo kiểu camera quay lén vô hại khiến cho Đoàn Thị Hương càng tin tưởng vào đó hơn. Đến giờ chót cô vẫn còn tin rằng trò đùa vô hại đó nên đã mặc chiếc áo LOL trở lại phi trường và bị bắt.
Người tình Korea biết rằng Hương có thể mang án tử hình nhưng chúng không thương xót. Không có một kế hoạch rút lui an toàn nào cả.
Đoàn Thị Hương chết vì tình.
Trúc Giang
Minnesota ngày 15-3-2017
Tổng thống Nam Hàn Park Geun-Hye bị truất phế
RFA
Tổng Thống Park Geun-hye phát biểu tại Seoul hôm 29/11/2016. AFP
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vừa đưa ra phán quyết truất quyền Tổng thống đối với bà Park Geun-Hye.
Với đa số tuyệt đối, tất cả 8 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Nam Hàn sáng thứ Sáu 10/3/2017 (giờ địa phương) đã bỏ phiếu truất phế bà Park Geun-Hye, nữ Tổng thống đầu tiên của Nam Hàn.
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp được truyền hình trực tiếp từ phòng xử án, trên đài truyền hình quốc gia Nam Hàn.
Theo quy định của hiến pháp Nam Hàn, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày tới để bầu chọn người thay thế bà Park Geun-Hye trong chức vụ Tổng thống.
Bà Park bị Quốc hội luận tội hồi tháng 12 năm ngoái vì những cáo buộc để cho người bạn thân của bà là Choi Soon-sil lợi dụng quen biết để can dự vào hoạt động của chính phủ, kể cả việc góp ý sửa chữa những bài diễn văn của bà Tổng thống, cho dù bà Choi không giữ một vai trò nào trong chính phủ.
Bà Park Geun-hye là con gái của cố Tổng thống Park Chung-hee. Bà trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Nam Hàn sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 19/12/2012.
Nữ Tổng thống Nam Hàn Park Guen Hye bị phế truất
Thứ Sáu, ngày 10/3/2017, Tòa Bảo hiến Nam Hàn đã họp phiên cuối cùng và quyết định phế truất nữ Tổng thống Park Guen Hye. Tòa cho bà 48 giờ để chuẩn bị. Bà đã rời Dinh Tổng thống sáng Chủ Nhật 12/3/2017 trong nỗi đắng cay, tủi nhục.
Đoàn xe tháp tùng bà về lại nhà riêng tại quận Gangnam. Căn nhà hai tầng đã nhiều năm vắng chủ, chưa được tu sửa lại. Nó được bao quanh bởi những tường cao và lũy tre xanh. Nhưng tường cao và lũy tre cũng không thể bao bọc nổi cho bà. Bà sẽ ở đây chẳng bao lâu nữa. Nơi đang mở cửa sẵn chờ bà là Trung tâm Thẩm vấn Hán Thành.
Tại Trung tâm Thẩm vấn, bà phải đối mặt với cáo buộc rất nặng nề: lạm quyền, tiết lộ bí mật quốc gia, thông đồng, vụ lợi. Nếu những cáo buộc trên được chứng minh, bà có thể bị tuyên án chung thân khổ sai.
Tại đây, bà sẽ đối diện với nhiều nhân chứng, trong đó có Jay Y. Lee, lãnh đạo tập đoàn Samsung bị buộc tội hối lộ món tiền lớn để trục lợi. Ông Lee đã bị tạm giam để điều tra từ ngày 17/2/2017. Bà sẽ phải ngủ trên tấm đệm đặt lên nền nhà đá xi măng. Bà chỉ được tiếp khách trong vòng 30 phút, qua vách ngăn bằng kính dày.
Cũng tại đây, vào năm 1995, cựu tổng thống Nam Hàn, Chun Do Hwan, đã bị cáo buộc nhiều tội trọng và đối mặt với án tử hình, nhưng sau được ân xá thành chung thân.
Đây là lần thứ hai trong cuộc đời bà phải dọn ra khỏi phủ Tổng thống.
Lần trước vào tháng 10/1979. Cha bà, tướng Park Chung Hee, Tổng thống Nam Hàn, bị ám sát. Sau đám tang cha chín ngày, bà là chị cả, lúc đó 27 tuổi, đứng lên hành xử như một đệ nhất phu nhân thay mẹ (mẹ bà cũng bị ám sát bởi tình báo Bắc Hàn chết năm 1974). Bà dẫn những đứa em nhỏ trong gia đình họ Park rời Dinh Tổng thống trong nỗi đớn đau, uất hận, nhưng kiêu hãnh tự hào về cha, mẹ và dòng họ.
Còn lần này, bà mỉm cười sượng sùng chua chát, ngước mắt nhìn lại mái phủ sơn màu xanh da trời, mà người dân Nam Hàn quen gọi là phủ Thiên Thanh tôn nghiêm, cổ kính nằm dưới chân đồi Bukaksan hùng vĩ. Bà gởi lời xin lỗi cử tri của mình, khẳng định mình vô tội, và thề sẽ có ngày trở lại.
Nghe tin bà bị phế truất, cả Hán Thành đổ xuống đường hò reo. Người ta chế ra những giàn pháo hoa, đốt rực sáng bầu trời thủ đô đêm thứ Bảy, ăn mừng, đòi tòa ra lệnh bắt giam bà ngay tại chỗ.
Còn những người ủng hộ bà, tay trong tay, cầm quốc kỳ, hát quốc ca, hô vang tên cha bà “Park Chung Hee” và thề sẽ đấu tranh để vô hiệu hóa quyết định của tòa. Hai công dân ủng hộ cố phá vòng bảo vệ để lao vào trong phiên tòa đã bị cảnh sát bắn chết. Một người đàn ông 74 tuổi đứng tim, chết tại chỗ khi nghe tin dữ.
Bà đã thừa hưởng một quá khứ oai hùng nhưng cũng rất đớn đau của người cha. Bà đang phải đối mặt với với hiện tại đầy nhọc nhằn vất vả nhưng không kém phần hổ thẹn. Còn tương lai trở lại phủ Thiên Thanh thật xa vời, nếu không nói là mờ mịt và vô vọng.
Năm nay bà 65 tuổi, là tổng thống thứ mười một, nữ tổng thống đầu tiên, và cũng là tổng thống đầu tiên bị phế truất của Nam Hàn.
Calgary, Canada
Sunday, March 12, 2017
Trần Gia Huấn
Ký ức đau buồn
Cựu tổng thống Park đã mất cả cha lẫn mẹ trong quãng thời gian tuổi trẻ sống tại Nhà Xanh. Năm 1974, mẹ bà thiệt mạng trong vụ ám sát vốn nhắm vào Park Chung Hee. Park Geun Hye, khi đó 22 tuổi, giặt chiếc váy vấy máu của mẹ rồi trở thành đệ nhất tiểu thư Hàn Quốc, thay mẹ để tháp tùng cha trong nhiều sự kiện chính trị.
"Với sự ra đi đột ngột của mẹ tôi, đột nhiên tất cả những nghĩa vụ và trách nhiệm nặng nề của một đệ nhất phu nhân bị đặt lên vai tôi. Đó thật sự là một nhiệm vụ khó khăn", bà Park nói về trải nghiệm đầu tiên trong chính trường.
Năm 1979, đến lượt Park Chung Hee bị ám sát, người con gái đã giặt chiếc áo và cà vạt dính máu ông. Mất cả cha và mẹ, bà Park rút lui hoàn toàn khỏi công chúng và sống một cuộc đời mà bà mô tả là "rất bình thường".
Bà Park quay trở lại sự nghiệp chính trị sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á cuối thập niên 1990. Bất chấp thân thế, con đường đến Nhà Xanh của Park Geun Hye không hề dễ dàng. Năm 2006, bà bị tấn công trong một lần vận động cử tri. Đến năm 2013, bà đắc cử tổng thống và trở thành người phụ nữ đầu tiên tại Hàn Quốc đảm nhiệm cương vị này.
Thảm họa
Trong một xã hội mà nam giới vẫn nắm quyền thống trị ở mọi nơi như Hàn Quốc, bà Park được kỳ vọng sẽ mang lại bước tiến mới trong bình đẳng giới. Dù vậy, tổng thống Park lại cho thấy bà thừa hưởng rất nhiều cung cách của cha mình.
"Các cộng sự nhận xét cách điều hành của bà Park chuyên quyền và giống với Park Chung Hee hơn cung cách mà người Hàn Quốc sống trong nền dân chủ thế kỷ 21 đã quen thuộc", CNN dẫn lời chuyên gia Duyeon Kim của Đại học Georgetown.
Tai họa ập đến vào ngày 16/4/2014 khi chiếc phà Sewol chìm giữa biển trong chuyến đi đến đảo Jeju. 304 người thiệt mạng, phần lớn trong đó là học sinh trung học. Tổng thống Park Geun Hye không xuất hiện trong suốt 7 tiếng sau tai nạn. Cho đến nay, người ta vẫn không biết bà ở đâu trong 7 tiếng đó.
"Đó là một vết nhơ trong nhiệm kỳ của bà ấy", ông Kim nói.
"Người ta không kỳ vọng Park có đủ phép màu để cứu chiếc phà, nhưng đó là lúc người ta cần một người dẫn dắt", Kim nhận định.
Người bạn
Vụ chìm phà Sewol được xem là tai nạn khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại. Tuy vậy, người ta phải đợi đến vụ bê bối năm 2016 để chứng kiến người dân Hàn Quốc tức giận cực độ. Mối quan hệ của bà Park và người bạn thân Choi Soon Sil đã kéo hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình phản đối.
Kết cục ngày hôm nay của Tổng thống Park có thể đã bắt đầu từ rất lâu trước đó, từ khi bà còn là đệ nhất tiểu thư Hàn Quốc và người ta bắt đầu nói về mối quan hệ kỳ lạ của bà với Choi Tae Min, một lãnh đạo giáo phái thần bí tại Hàn Quốc. Choi đã theo sát Park trong suốt quá trình trưởng thành kể từ cái chết của người mẹ.
Choi Soon Sil là con gái của Choi Tae Min. Trong nhiều thập kỷ sau này, bà đã làm bạn và duy trì ảnh hưởng lớn lên Park, đúng như cách người cha bà đã làm trước kia.
Park Geun Hye đã lớn lên giữa những mối quan hệ chằng chịt trong thương trường, chính trường Hàn Quốc.
Là con gái lớn trong gia đình, Park không có quan hệ thân thiết với hai em mình. Em trai bà, Park Ji Man nhiều lần bị bắt vì sử dụng chất kích thích. Trong khi đó, em gái Park Geun Ryeong là người thường xuyên chỉ trích cả chị gái lẫn đất nước mình. Park đã chủ động giảm bớt liên quan với 2 em mình, kết cục là bà tìm đến Choi như một người bạn và là niềm an ủi.
"Tôi không có ai bên cạnh để giúp đỡ trong những vấn đề cá nhân, nên tôi tìm đến Choi", Park nói hồi tháng 11/2016, bà giải thích về mối quan hệ của mình với người bạn thân như hệ quả của sự cô đơn.
Tổng thống Park bị cáo buộc đã để người bạn thân gây ảnh hưởng lên các quyết định chính sách của bà và lợi dụng mối quan hệ để trục lợi riêng. Park xin lỗi người dân, thú nhận bà đã để bạn thân chỉnh sửa bài phát biểu của mình nhưng phủ nhận những cáo buộc còn lại. Bà cũng không từ chức.
Bị đất nước quay lưng
Ngày 10/3, bà Park chính thức bị phế truất, mất quyền miễn trừ dành cho tổng thống và đối mặt với nguy cơ bị truy tố vì các tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực.
Thế nhưng, sự quay lưng của người dân đối với bà đã đến từ trước đó rất lâu. Hàng trăm nghìn người biểu tình mỗi cuối tuần để yêu cầu bà từ chức. Bất chấp Hàn Quốc đang vào giữa mùa đông, những ngày mưa gió hoặc tuyết rơi, người dân vẫn mang theo biểu ngữ đòi quốc hội luận tội tổng thống. Họ còn mang theo cả những hình nhân của bà Park trong trang phục tù nhân hoặc làm con rối của người bạn thân.
Vào đỉnh điểm của sự bất bình, tỷ lệ ủng hộ bà Park trong người dân chỉ còn 4%, mức thấp nhất từ khi chỉ số này được ghi nhận. Ngay cả trong nhóm cư dân lớn tuổi, những người "mang ơn" cựu tổng thống Park Chung Hee và là nhóm ủng hộ truyền thống của bà Park, tỷ lệ ủng hộ cũng giảm sút nghiêm trọng.
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2012, Park Geun Hye đã thuyết phục cử tri bằng hình ảnh một người phụ nữ không gia đình, không con cái và đã dành phần lớn đời mình phụng sự Hàn Quốc. Bà thậm chí còn tuyên bố mình là người "kết hôn với đất nước". Cuộc "hôn nhân" chính thức kết thúc vào hôm nay, 10/3.
Trong lúc Hàn Quốc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống phải diễn ra trong 60 ngày tới, Park Geun Hye một lần nữa chuẩn bị để rời khỏi Nhà Xanh. Trước đó, trong 3 tháng sau khi bị luận tội, vị tổng thống bị đình chỉ chức vụ sống những ngày lặng lẽ tại Nhà Xanh. Vào ngày sinh nhật (2/2), bà ăn mì cạnh một vài trợ lý cao cấp còn sót lại, những người vẫn chưa bị bắt trong cuộc điều tra vụ bê bối. Bà Choi đã bị bắt từ cuối năm 2016.
Nửa thế kỷ sau buổi đầu bước vào Nhà Xanh, bà Park giờ là người phụ nữ 65 tuổi, không còn cả cha mẹ lẫn người bạn thân tín nhất.
Theo Zing
Đăng ngày 25 tháng 03.2017