Đỗ Quyên là bút hiệu của Nguyễn thị Ngọc Dung, tốt nghiệp ban Việt Hán - Đại học Sư phạm Huế. Bà đã giảng dạy tại trường Nữ Trung học Nha trang Võ Tánh và trường Ngô Quyền (Biên hòa).
Định cư tại Canada từ năm 1983.Tốt nghiệp Cao học Giáo dục tại Đại học Ottawa về ngành counselling. Hiện làm "cố vấn tâm lý gia đình" tại cơ quan MOSAIC, Vancouver.
Từ "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi
đến "Việt Nam tôi đâu" của Việt Khang
Như lịch sử chứng tỏ, ngày xưa dân ta sống dưới ách đô hộ của Trung Hoa, đã nhiều lần vùng lên chứng tỏ tinh thần quật khởi thì văn chương chữ Hán cũng đã góp phần không nhỏ công cuộc tranh đấu chống ngoại xâm. BNĐC là một ví dụ cụ thể .
Là một áng văn hùng tráng đã để lại tiếng vang trong lịch sử, Bình Ngô Đại Cáo ra đời trong hoàn cảnh nước ta bi Tàu đô hộ, dưới sự khiếp nhược của triều đại nhà Hồ, khoảng thế kỷ 15. BNĐC đã vẽ ra cảnh tượng nhân dân lầm than khốn khổ để đánh dấu thời kỳ độc ác của quân nhà Minh; đồng thời, biểu dương ý chí chiến đấu và tinh thần nhẫn nại của Bình định Vương Lê Lợi trong khi tìm phương kế cưú nước khỏi ách đô hộ. Sau mười năm gian khổ, Lê Lợi đã bình định xong giặc Minh và lên ngôi Hoàng Đế. Bình Ngô Đại Cáo do đó, mang giá trị lịch sử mà đời sau còn được lư truyền. Và, Nguyễn Trãi, một bậc khai quốc công thần, từng là linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Minh, chính là tác giả của áng văn chương hùng tráng này.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người viết cũng như bao
nhiêu bạn bè cùng thời, cùng trang lứa, đã vô cùng cảm kích. Đem ứng dụng với hoàn cảnh đất nước ngày nay thật không còn gì chính xác cho bằng ! Từ cảnh dân oan bị tước đoạt nhà đất, chùa chiền nhà thờ bị tịch thu, người dân uất ức biểu tình thì bị đánh đập chẳng khác nào thời kỳ đô hộ quân Minh xưa. Thật chẳng khác nào đem:
"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"
Hỏi ai mà không xót xa, căm phẫn ? Hơn thế nữa, những hành vi "bại nhân nghĩa nát cả càn khôn" thì đầy dẫy hiện nay. Chẳng cần nêu lên, chính người dân đã là nhân chứng rõ rệt nhất của hoàn cảnh này.
Nếu Bình Ngô Đại Cáo lên án "quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh" thì khi nhìn vào thực trạng đất nước hiện nay, sao mà giống thế? Thân phận người dân cũng lầm than không kém.
Điều khác biệt là ngày xưa từ vua đến dân đều cùng một lòng diệt giặc. Ngày nay người dân xem ra không có quyền yêu nước. Hễ yêu nước nói lên tiếng nói thẳng thắn thì bị bỏ tù, mà bỏ tù bởi chính người cùng giòng máu. Còn "đau" hơn thuở trước!
Điều khác biệt là ngày xưa, người dân chỉ lo một kẻ thù chung là giặc Tàu xâm lăng. Ngày nay thì dân một mình phải chịu đựng, chống trả, dưới hai tầng áp bức.
Và điều đáng mỉa mai là ngày xưa nhân dân ta sống dưới chế độ quân chủ nhưng lại được vua quan xử sự công bằng, dân được coi trọng và hỏi han ý kiến. Trong khi đó ngày nay, người dân Việt "được" sống dưới chế độ "dân chủ" gọi là "Dân Chủ Cộng Hoà" mà người dân lại không có quyền làm chủ, không được quyền nói năng, dù là ý kiến xây dựng.
Điều đáng mỉa mai nữa là ngày xưa cha ông ta mở mang bờ cõi, một tấc đất là một tấc vàng, còn thời buổi "dân chủ" ngày nay ở nước ta thì đất nước có thể cắt, xén, nhượng bộ cho lân bang, coi kẻ ngoại xâm như ruột thịt, còn người cùng nước phản kháng thì bị bắt ngồì tù.
Điều quái lạ nhất là, nếu ngày xưa cha ông ta oanh liệt chống ngoại xâm, thì ngày nay, khi kẻ xâm lấn biển đông, xách nhiễu ngư dân, làm những điều "bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn". Ngư dân Việt Nam bị đánh đập thì không ai bênh vực. Ngưòi dân nghèo khổ, hiền lành, thấp cổ bé miệng chỉ biết van lạy, xin tha. Nhìn cảnh tưọg ấy, liên tưỏng đền thời kỳ đô hộ xưa, lòng người không khỏi cảm thấy bất nhẫn.
Còn đâu là niềm tự hào dân tộc? Còn đâu thái độ bất khuất trước ngoại bang? Những tấm gương xây dựng đất nước vẻ vang do tiền nhân để lại có còn chút nào không ?
Nếu ngày trước người dân Việt cảm thấy tự hào bao nhiêu, ngày nay đi đến đâu ta không khỏi cảm thấy nhục nhã khi nghe hỏi tới Việt Nam. Những tệ đoan xã hội, nạn buôn người, bán cô dâu, nô lệ trẻ em, "xuất khẩu" lao động có gì đáng tự hào ? Trên hết cả, và nổi bật nhất, là thái độ khiếp nhược trước kẻ xâm lăng, hành vi bán đất cho láng giềng hòng mưu cầu danh lợi. Những việc làm tồi tệ ấy "trúc rừng không ghi hết tội".
Còn gì mà không buồn.
- Một điểm rất đáng lưu ý trong xã hội quân chủ ngày xưa là lấy nhân nghĩa làm nền tảng. Cha ông ta từng căm hờn khi đất nước bị đô hộ, nhưng đất nước đã giành được độc lập thì lại đối đãi với kẻ bị thất trận bằng lòng Nhân. Khi còn dưới ách thống trị thì "quên ăn vì giận". Nhưng đến khi chiến thắng,thì lại tỏ lượng khoan hồng
" Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo..."
Chứ có đâu đem người dân - cùng màu da, cùng giòng máu - nhốt vào những nhà tù lớn nhỏ kể từ khi nước nhà đã được "độc lập"? (dù là độc lập theo kiểu XHCN?)
Càng uất nghẹn hơn khi giới trẻ yêu nước nói lên tiếng nói thương nòi, đau lòng trước cảnh quốc phá gia vong, thì bị bắt cầm tù. Nếu BNĐC nói lên nỗi uất ức của tiền nhân thì ngày nay "Việt Nam Tôi Đâu" người dân cũng "đau từng cơn" khi nhìn dân tình "lầm than đói khổ nghèo nàn".
Không lẽ cả một đất nước như vậy để người nhạc sĩ phải chịu "riêng oan một mình" mãi?
CÁI NHÌN KHAI PHÓNG
Trên đây là cái nhìn sơ lược về nền văn học chữ Hán, một bộ phận trong Văn Học yêu Nước chống ngoại xâm của dân tộc. Văn Học ấy của ông cha ta ngày trước, được xử dụng trong hoàn cảnh đặc biệt khi ta chưa được độc lập, nhất là khi ta chưa có chữ viết riêng. Nhắc đến chỉ để chứng tỏ một điều:
- Chúng ta không phủ nhận giá trị tư tưỏng xưa của tiền nhân.
- Chúng ta trân trọng và gìn giữ văn học này, cần cho việc nghiên cưú những tài liệu xưa. Vì tất cả nhũng tư tưởng tình cảm của người xưa được gói ghém trong nền văn học này.
- Tuy nhiên kể từ khi có chữ quốc ngữ, nhân dân ta không phải mượn thứ chữ Hán của người Tàu nữa. Thật là đáng mừng khi ta đã thoát ly khỏi ảnh hưởng của họ về phương diện này.
- Quốc Ngữ là chữ nước ta, là tiếng nước ta. Bao lâu nay ta không phải lệ thuộc người Trung hoa nữa. Do đó ta cũng không có nhu cầu cần học thứ chữ này, trừ trường hợp người muốn học để khảo cổ. Nhưng đứng trước hoàn cảnh đất nước đang cơn dầu sôi lửa bỏng như hiện nay tại quê hương ta, chuyện áp đặt có thể xảy ra, nhưng dân ta có quyền cự tuyêt, bởỉ lẽ ngày nay ta đã có chữ quốc ngữ. Sẽ rất vô lý, nếu ta bị ép buộc học tiếng Tàu. Người cầm quyền Việt Nam nếu khôn ngoan thì không bắt dân phải làm việc này để vừa lòng bọn quan thầy phương Bắc như đã từng làm lắm điều nghịch lý trong quá khứ. Nếu khôg thì sẽ "tức nước, vỡ bờ".
Chữ Hán, có thể nói coi như là một "tử ngữ" đối với người Việt Nam, vì nhiều lý do: Giá trị phổ biến không được bao nhiêu. Người học chỉ học chữ nào biết chữ đó. Vì thế các nhà Nho xưa phải văn hay chữ tốt lắm, học vấn uyên thâm lắm, mới dám khoe văn chương chữ nghĩa. Dù học đến cả 10 ngàn chữ cũng mới chỉ có thể đọc được, viết được phần nào thứ chữ cầu kỳ này. Trong khi đó thì đại chúng bình dân, những người nghèo không được đi học. Chữ viết thì phức tạp, nhiều nét tương tự mà người mới học, chưa nắm vững thì sẽ dễ bị lộn. Tóm lại, học chữ Hán có lắm cái bất tiện. Phải thích thú thì mới học được. Đối với thời buổi văn minh hiện nay, làm gì cũng nhanh như điện, người ta đâu cần phải khổ công như thế.
Nếu đem so sánh với chữ quốc ngữ thì thấy giản dị hơn nhiều. Chỉ cần 24 chữ cái, dùng mẫu tự La tinh, là ta có thể diễn đạt hàng triệu, triệu từ, nên phổ biến dễ dàng, dễ đọc và dễ nhớ.
Vả lại, là người Việt, chúng ta dùng tiếng Việt cũng là một hình thức "ta về ta tắm ao ta" và mừng một điều đáng mừng là tiếng Việt ngày nay ở hải ngoại cũng vẫn được phát triển ngày càng sâu rộng.
Chắc chắn rằng song song với học ở trường tiếng Anh là chính, con em chúng ta cũng đươc cha mẹ cho đi học thêm tiếng Việt ngoài giờ ở trường. Đây là một điều rất quý, vừa để gìn giữ tiếng mẹ đẻ, vừa giữ gìn văn hoá dân tộc nữa.
Trong khi đó để vun xơí lòng yêu nước, các em vẫn được phụ huynh hướng dẫn cho biết những gì đang xảy ra trong nước để khi lớn lên các em có sẵn một vốn kiến thức về quê hương và hoàn cảnh đất nước mình. Sau này khi lớn lên, các em sẽ có dịp xử dụng tiếng Anh để diễn tả và phổ biến cho người nước ngoài biết. Đó cũng là một hình thức "truyền thông đại chúng" ở trong thế giới học sinh của các em.
Vì thế, thay vì cổ võ học tiếng Hán, chúng ta cổ võ học tiếng Việt, và tiếng Anh cho thật giỏi vì đó là điều cẩn thiết trong vấn đề giao tế, trong công ăn việc làm; nhất là trong lãnh vực vận động ngoại giao.
Tương lai của tuổi trẻ đầy hứa hẹn mà việc bồi đắp cho các em về văn hoá bắt đầu từ bây giờ là điều cần thiết. Tiếng Anh, tiếng Pháp từ lâu vốn là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới hiện nay. Nhất là tiếng Anh. Và thế hệ trẻ đang đi trên con đường ấy. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ là khuyến khích và yểm trợ. Riêng tiếng Việt thì hi vọng là các em sẽ được nhắc nhở. Những bài ca như "Anh là Ai?" và "Việt Nam Tôi Đâu" là một nhắc nhở lớn cho các em, cả về chữ Việt, tiếng nói cũng như tinh thần chống ngoại xâm.
(Tuy rằng, chúng ta cũng không phủ nhận giá trị về ý nghĩa của chữ Hán. Biết được chữ Hán thì cũng dễ "mê" chữ này, vì mỗi chữ đều có ý nghĩa, ghép lại rất hay và rất thi vị).
Tóm lại, trân trọng giá trị chữ Hán, ghi nhận tinh thần yêu nước của người xưa qua thơ văn để có thể hiểu và tự hào về giá trị tinh thần của dân tộc. Nhưng không có nghĩa là ta cứ phải "khư khư" bám lấy những gì không còn nữa. Chúng ta luôn luôn cầu tiến để không dậm chân tại chỗ. Chúng ta không hoài niệm quá khứ hay nuối tiếc những gì đã qua..mà luôn luôn hưóng về tuơng lai với ý nghĩ lạc quan và niềm tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng của dân tộc. Ngày ấy chắc chắn phải tới.
Đỗ Quyên
Vancouver, một ngày chớm đầu Thu