banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Hồi ký

Trần Văn Thuận sinh ngày 19/05/1949 tại Huế.
Tốt nghiệp ĐHSP Saigon, Ban Pháp Văn, niên khóa 1968-1971.
Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn, ĐHVK Saigon năm 1970.
Dạy học tại: THPT cấp 3 An Mỹ, Bình Dương 1971-1975. Tư Thục Lasan Taberd, Saigon 1973-1975. THPT cấp 3 Tân Uyên, Sông Bé 1976. THPT cấp 3 Lái Thiêu Sông Bé 1977-1979.
Vượt biên năm 1981, hiện định cư tại Houston TX.

 

Kỷ niệm Đại Học Sư Phạm Sàigòn

Ban Pháp Văn, niên khóa 1968 -1971

Chẳng biết phải bắt đầu câu chuyện từ đâu khi nhắc lại những kỷ niệm đã xảy ra vừa đúng… nửa thế kỷ? Thật kinh hoàng khi đối diện với cái khoảng cách thời gian 50 năm đó! Tôi chẳng phải “nhà văn”, tôi chỉ là kẻ luôn trân trọng những kỷ niệm xưa cũ, nên chắc không có khả năng thâu tóm, dàn dựng những mảnh vụn ký ức rời rạc thành một câu chuyện liền lặn, có đầu, có đuôi, mạch lạc. Tôi chỉ ráng nhắc lại hình ảnh một số “nhân vật” mà tôi còn nhớ được, trong đó hiển nhiên là có các bạn bè của tôi, những người bạn “rất thân”, những người khác “khá thân”, số còn lại, chỉ là bạn học cùng trường. Ngoài ra tôi cũng sẽ nhắc đến các Thầy Cô của tôi, cũng như những “sự kiện” bất thường, đã xảy ra trong thời gian 3 niên khóa, thời gian tiêu chuẩn để được đào tạo trong ngành “Godautre” (Gõ đầu trẻ) tại khuôn viên ĐHSP Sài Gòn. Hiển nhiên, ưu tiên một vẫn là các bạn, Thầy Cô, trong Ban Pháp Văn, nhưng bên cạnh đó tôi cũng sẽ nhắc lại một số bạn thuộc các ban khác, đặc biệt là Ban Anh Văn, và một số bạn ban khác, quen nhau qua các sinh hoạt Quân Sự Học Đường và Quân Trường Thủ Đức Khóa 5/71.
Cũng như những bài viết trước, xin các bạn vui lòng bỏ qua những sai sót về chính tả, đặc biệt là hai dấu “Hỏi, Ngã” mà dù đã cố gắng, bản thân vẫn không, hoặc nói lạc quan hơn, vẫn chưa “khắc phục” được.

Năm 1968 là một năm đầy thảm họa, đổ nát, chết chóc qua biến động Tết Mậu Thân. Lần đầu tiên chiến cuộc đột nhiên bùng nổ dữ dội trong các thành phố lớn nhỏ thuộc miền Nam Việt Nam. Thời gian đó, tôi đang theo học năm Dự Bị Pháp Văn tại ĐH Văn Khoa Huế. Sau 26 ngày bị lực lượng Việt Cộng chiếm giữ, Huế được giải phóng với hơn 80% nhà cửa, cơ quan bị hư hại do bom đạn, hơn 4 ngàn người dân Huế vô tội đã bị VC sát hại một cách dã man, vùi lấp vội vàng trong các hố chôn tập thể. Dù mệt mỏi, trầy trụa, chán nản, tôi vẫn tự xem là thật may mắn vì đã sống sót qua cơn máu lửa và hơn thế nữa, khác với một số bạn bè kém may mắn, tôi đã thi đậu kỳ thi cuối năm.

Ngay sau khi Huế vừa được giải phóng, gia đình tôi đã phải di tản vào Sài Gòn vì toàn bộ nhà cửa của gia đình tôi đã bị hư hại do bom đạn và chị dâu tôi đang mang thai sắp đến ngày sinh nở... Sau mấy tháng được nếm mùi độc lập, tự do… đến lượt tôi, bất đắc dĩ, phải giã biệt Huế để theo gia đình, để lại đàng sau một thành phố điêu tàn, còn nặng mùi tử khí và một mối tình thật đẹp, nhưng tạm thời dang dở. Thật lòng, tôi không muốn bỏ Huế, tôi chỉ tính vào “tạm” Sài Gòn theo “yêu cầu” của Ba Má, để nộp đơn thi vào ĐHSP Sài Gòn. Tôi tự nhủ sẽ “cố gắng”… thi rớt, để có lý do trở lại Huế… yêu tiếp! Nào ngờ cái bản năng sống còn, cái bản năng “háo thắng” trong tôi, đã làm tiêu tán cái âm mưu, mà mới nghe ra, tưởng chừng như thật đơn giản. Tôi thật sự ngỡ ngàng… khi biết mình vừa thi đậu vào ĐHSP Sài Gòn, niên khóa 1968, ban Pháp Văn.

Thông thường, mỗi niên khóa, số sinh viên được tuyển cho mỗi Ban không quá 40. Các Ban như Việt Hán, Sử Địa, Vạn Vật… đôi  khi còn phải gạt bỏ bớt, nhằm đạt đúng tiêu chuẩn 40 mạng đó. Riêng Ban Pháp Văn NK. 1968-69 chỉ tuyển vào được vỏn vẹn chưa tới một “tá”. Có nhiều người và ngay cả bản thân tôi thắc mắc: Phải chăng tiêu chuẩn thi tuyển vào ban PV gắt gao quá nên ít người thi đậu? Hiển nhiên, với những ai đã từng có chút kinh nghiệm về “tiêu chuẩn” chấm điểm, xếp hạng, đòi hỏi… trong hệ thống Giáo Dục của ”Thằng Tây”, phần nào có thể chấp nhận cái giả thuyết, mà khi mới nghe qua, xem có phần cao ngạo và hách xì xằng đó. Riêng phần tôi, ngoài lý do vừa nêu, tôi nghĩ là những người còn “nặng tình” với môn Pháp Văn, đặc biệt là dân “Trường Tây”… có chút “máu mặt”, hoặc có điểm cao về các môn Khoa Học, đa số, nếu đã không kiếm được cách xuất ngoại, thì ít ra cũng ráng tìm đủ cách nhảy vào các Trường có tên tuổi, có “tương lai” hơn như Y Khoa, Dược Khoa, Nha Khoa… Thành phần còn lại không nhiều, phần lớn thuộc ban Văn Chương hoặc Triết, thường “thương mây, khóc gió”, “an phận thủ thường” với chủ trương: “Pour vivre heureux, vivons cachés” như bọn tôi, thì” Ôi, sao cũng được!”. Như tôi, vốn nổi danh “đệ nhất dốt Toán”, vốn liếng chẳng có gì ngoài chút tiếng Tây, nên chẳng có lựa chọn nào khác. Đã vậy, khi biết tôi thi đỗ vào Sư Phạm, tôi còn nhớ, Ba tôi, bản tánh hiền lành, an phận, đã thoa đầu tôi và nói: “ Tu as fait un bon choix, le professorat, c’est un noble métier!” (Con đã có chọn lựa đúng, dạy học là một nghề thanh cao!) Đúng là “Tel Père tel fils!”. Má tôi thì ngược lại, dù ít học, luôn mong mỏi tôi chọn ngành Y!

ĐHSP Sài Gòn tọa lạc ở số 221 Đại Lộ Cộng Hòa, cạnh trường TH Pétrus Ký, và nằm khuất phía sau ĐH Khoa Học. Từ đại lộ Cộng Hòa quẹo vào cổng chánh, phải chạy sâu vào cuối đường rồi lại quẹo phải một đoạn ngắn và ĐHSP nằm  ngay phía phải, gồm 2 dãy lầu 3 tầng, nằm song song, được nối lại theo dạng chữ U bởi Thư Viện của Trường. Một sân cỏ khá rộng nằm giữa, có cây tàng lá lớn. Trường ốc dù cũ kỹ nhưng khá khang trang, với kiến trúc tương tự như Các Trường Gia Long, Pétrus Ký…
Vì sĩ số lớp tôi không quá 10 mạng nên được ưu tiên “cắm dùi” ngay tại phòng Audio Visuel, “mật khu” của Mme Meyer, ở tầng 2, dãy lầu bên phải. Đặc biệt lớp có máy lạnh chạy 24/7, thay vì chỉ có quạt trần như các lớp khác. Nói cho nó sang trọng vậy chứ thật ra, trang bị là nhằm phục vụ nhu cầu bảo trì máy móc thính thị, chứ hổng phải cho SV bọn tôi đâu.  


Sân Trường ĐHSP. (Hình chụp năm 1996)

Cũng vì phòng chủ yếu trang bị đặc biệt để phục vụ môn học Audio Visuel như máy thu băng, Microphone, Headset, bàn lại được “cách âm” bằng những tấm kiếng ngăn nên lắm lúc, lớp tôi cũng phải di chuyển sang phòng học kế, nhường chỗ cho lớp khác cần xử dụng máy móc thu âm. Thỉnh thoảng lớp tôi có giờ Giáo Dục học chung với ban Anh Văn, những lúc đó bọn tôi phải… ý quên, bọn tôi “được” di chuyển sang dãy lầu bên trái. Sở dĩ phải nói là được, vì những giờ học chung đó thường thoải mái, và bọn tôi có dịp “đổi món”, mặc sức nhìn ngắm các người đẹp “hàng xóm”.

Thành phần SV ban Pháp Văn năm thứ Nhất, niên khóa 68, bên nam có: Trần Quang Phục, Lê Thượng Hiền, Trần Văn Thuận (=Tôi), Trần Thanh Nhân, Trương Xuân Phong, Nguyễn Giáo. Bên nữ có: Nguyễn Thị Hương Anh, Hà Thị Xuân Phố, Trần Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Thu Hương, Trần Thị Bạch Liên. Bốn trong số năm cô, tôi đã quen biết từ trước, vì đều là dân Dự Bị Văn Khoa PV Huế “tản cư” vào. Đúng là quả đất tròn, không hẹn mà gặp, cũng có thể là… những “tư tưởng lớn” gặp nhau? Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không có vụ Mậu Thân quái ác, nếu không có đám sinh viên “tản cư” trôi giạt từ Huế vào, không biết lớp học PV năm đó đã có được thành hình không?


Hình chụp chung 3 lớp (Không đầy đủ)+ 1 số Đệ Nhất Cấp. 1.Đình(3e) 2.Viên(3) 3.Hòa(1ere) 4.Mme Hennekine 5.Tâm(3) 6.Chi(1) 7.Hương(2) 8.Phố(2) 9.Giáo(2) 10.Vân(2) 11.Dung(1) 12.Hà(1) 13.Hiền(2) 14.Nguyện(2) 15. M.Lan(2) 16.Mr Langlet 17.Mlle Piat 18.Jean 19. Mme Myer 20.Thuận(2) 21.Nhân(2) 22.Cô Tâm 23.Lương(1)

Thành phần Giáo Sư phụ trách các lớp: gồm các vị sau, theo thứ tự các lớp. Danh sách GS và môn học có thể còn thiếu sót. Mong các bạn bổ túc thêm.

Première année 1968-1969
Mr. Peltier: Civilisation Francaise
Mr. Peltier khá lớn con, mái tóc quăn, bồng bềnh, nghệ sỹ, mắt to với lông mi dài và rậm, nét hao hao giống tài tữ Omar Sharif trong phim “Docteur Zhivago”. Bao giờ cũng ăn mặc tề chỉnh với chiếc “noeud papillon” thay vì cà vạt. Tánh tình ông dễ thương, hiền lành, lịch sự, riêng lối giảng dạy, theo tôi, hơi “monotone”, thiếu ”sinh khí” với giọng nói khàn trong cổ khó nghe.
Mr. Christian Cauro: Dissertation Littéraire/ Explication de texte 19è- 20è Siècle
Dù còn trẻ tuổi, Mr. Cauro có thể là GS. Đại Học người Pháp, phụ trách môn Văn Chương, nổi bật, xuất sắc, và thâm niên ở VN, thời kỳ 60-73. Người anh đầu của tôi, tốt nghiệp trước tôi gần 10 năm, cũng là đệ tử và là bạn khá thân của C. Cauro tại DHSP Huế. Trẻ trung, khá bảnh trai, vóc dáng trung bình, với cặp kính cận dầy, ăn mặc rất “chic”, hút thuốc như đầu tàu xe lửa. Khả năng diễn đạt bay bướm, văn vẻ, sống động, nên dễ hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Có điều, nghe Mr. Cauro thao thao bất tuyệt thì thích đấy, nhưng với nhiều người, phần ghi chép thật vất vả, riêng thực sự tiếp thu được nội dung, thì chỉ có một số ít, rất ít, nhất là khi đi vào lĩnh vực Văn Chương Hiện Đại và Thơ Mới (Littérature Contemporaine & Poésie Moderne). Có “rumeur” trong giới SV là Mr. Cauro thích con trai hơn con gái. Tuy nhiên, những tin đồn đoán đó không ảnh hưởng gì đến nhận định của bọn tôi về người Thầy nhiều tài năng đó.
Anh tôi có dịp gặp lại Mr. Cauro tại Paris vào khoảng năm 1974, cho biết Ông “hiện” làm lớn tại Bộ Giáo Dục Pháp.
Mlle. Rivat: Méthodologie: Étude de la composition/ Explication de texte.
Trẻ và khá xinh, tóc ngắn, uốn xoắn tít. Chỉ dạy một niên khóa ngắn ngủi rồi biến dạng  nên không để lại nhiều ấn tượng.
Mme Meyer: Phonétique Francaise/ Conversation
Mme. Meyer khá lớn tuổi so với các Thầy Cô khác, tóc cắt ngắn, “muối nhiều hơn tiêu”, môi mỏng và luôn đánh son đỏ tươi. Tánh tình trẻ trung, vui vẻ, sống động trong sinh hoạt và giảng dạy. Thỉnh thoảng tụi tôi gọi Bà là “Maman Meyer”. Cũng là một “đầu tàu xe lửa”. Có thể xem bà là “linh hồn” của Ban Pháp Văn.
Tôi có một kỷ niệm vui vui về Bà. Một hôm trong giờ Phonétique do Bà phụ trách, sau khi đã thực hiện xong phần thu âm đoạn văn đã được chỉ định, ngồi buồn, rảnh rỗi, lại sẵn máy móc, tôi hát khẽ bài “Chiều mưa biên giới” của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông. Đang “thưởng thức” giọng hát của mình qua cái “Headphone” cồng kềnh, ôm trọn hai tai, tôi giật mình nghe ai gọi tên mình qua máy: “Thun!”. Ngước lên, tôi bắt gặp ánh nhìn của Bà từ bàn làm việc phía trên. Qua máy, Bà nói: “Viens ici!”, miệng nói, tay ra dấu bảo tôi lên gặp Bà. Vừa đi, tôi vừa nghĩ thầm: Đúng là xui, thế nào cũng bị giũa! Đến gần, câu hỏi đầu tiên của Bà: ” T’as fini l’enregistrement?”. Tôi mau mắn trả lời: “Oui Madame!”. Câu hỏi kế tiếp: “Qu’est-ce que tu as chanté?”. Tôi cười “cầu tài” và nói: ” Une chanson d’amour Vietnamienne, Madame.” Bà nhìn tôi một hồi, với một nụ cười thật hiền từ bà nói: “Tu sais, T’as une très belle voix!”. Thở dài nhẹ nhỏm, tôi cám ơn và trở về chỗ ngồi.
Một chi tiết không thể thiếu khi nói đến Mme. Meyer: Bà có một “phụ tá” người Việt, anh Jean, cỡ 35 tuổi, da sậm đen, giống người Miên hơn Việt, tóc húi ngắn, tánh tình luôn vui vẻ và rất dễ thương. Anh Jean đóng vai “tà lọt” kiêm tài xế cho “Maman Meyer”. Suốt ngày Bà cứ réo: “Jean” làm dùm cái này, “Jean” làm dùm cái nọ. Bọn tôi hay nói đùa: Anh Jean không chừng là… “Bồ nhí” của “Maman” đấy.
Mlle. Piat: Grammaire moderne.
Mlle. Piat độc thân nhưng không được vui tính, ít nhất là với những người không có dịp tiếp cận với cô. Bề ngoài khắc khổ kiểu nữ tu, tóc muối tiêu, ngắn, không kiểu cọ, đôi mắt sáng, thông minh, sau cặp kiếng cận thị dầy, dù mang tiếng khắc khe nhưng nếu nhìn kỹ, cô có nụ cười thật hiền lành. Nặng tình với các nước Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam và Cambodge, cô đã cống hiến suốt cuộc đời cho nền giáo dục và nghiên cứu tại vùng đất nổi tiếng ”hắc ám” đó!. Cô ít nói và được các SV mệnh danh là “đao phủ” qua cách chấm điểm rất hà khắc của Cô, qua các kỳ thi. Được điểm 10/20 của Cô có thể coi là khá xuất sắc rồi. Ngược lại 1/20 cũng chẳng phải là chuyện hiếm có, đáng ngạc nhiên. Cô giảng dạy ở cả hai phân khoa SP và VK Sài Gòn. Cô cũng giảng dạy luôn tại ĐH Huế. Sau 75, Cô vẫn còn ở lại VN. Theo tôi đó là một sự lựa chọn. Không bao lâu sau ngày miền Nam thất thủ, chúng tôi bàng hoàng nghe tin Cô tự vẫn. Đâu phải chỉ có “Tướng” mới tuẫn tiết khi thành mất? Xin ngã nón kính phục một Nhà Giáo đã nặng tình với đất nước Việt Nam.
Mr. Bửu Lịch: Traduction
Thầy Bửu Lịch, một “Mệ” người Huế, trên dưới 40, du học ở Pháp về. Thấp người, cục mịch, đầu hơi hói nhưng vui tánh, thích tiếu lâm, ăn nói “thoải mái”, không cấm kỵ, ít ra là với một lớp lọng cọng chưa tới 10 sinh viên như lớp tôi. Tôi nhớ có lần trước lớp, đang dạy, không biết Thầy đang nói về “đề tài đặc biệt” nào, Thầy bổng quay về hướng tôi và nói: “ Toi” coi tướng tá cũng ngon lành, sao không tán Mme Rivat đi? Được đó!” Cả lớp ngạc nhiên cười rũ ra.
Mr. Lương: Anglais
Thầy Lương, cũng gốc Huế, hoặc Quảng Bình, du học Pháp về. Người khá mập mạp, cao trung bình, tóc chải bóng, ăn mặc giản dị. Nghe nói Thầy lấy vợ “đầm” thời gian ở Pháp, Cô tử nạn do tai nạn xe hơi. Hình như Thầy lập lại gia đình, sau khi về lại VN và bà sau người Gò Công. Thầy cũng thuộc loại tiếu lâm, có lần Thầy hỏi: Người ta hay nói đến “Sư tử Hà Đông”, riêng các anh chị có bao giờ nghe nói tới ”Cọp Gò Công” chưa?
Mlle. Khưu Thị Huệ: Histoire de l’éducation au Vietnam
Mr Cư: Stage pédagogique
Cụ Cư người Bắc, sở dĩ gọi bằng “cụ” vì đã khá lớn tuổi, trên dưới 65. Nghe đâu, Cụ tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, phụ trách hướng dẫn chúng tôi về phần thực tập. Cụ Cư, tóc bạc húi ngắn, với một đặc điểm khó quên là cái bướu nhỏ sau ót. Chúng tôi hay gọi đùa những lần không có mặt cụ là “Mr. CU”. Cụ thuộc thế hệ xưa, nhưng không biết vì lý do gì mà vẫn còn được bố trí phụ trách hướng dẫn sư phạm lớp trẻ chúng tôi? Cụ tuy khó tánh, nguyên tắc, nhưng cũng dễ thương, thỉnh thoảng chúng tôi gọi Cụ là “Papa Cu”.
Tôi nhớ mãi có lần Cụ Cư dẫn nhóm tôi đi thực tập ở Trường TH. Gia Long. Khỏi phải nói, cả nhóm hí hửng, hồi hộp, hân hoan! Đúng là “Chuột sa hủ gạo”! Hôm đó Trần Q. Phục “đứng lớp”. Trước lớp đông toàn con gái, “Thầy” Phục gọi một cô lên bảng, nhưng chắc vì khớp quá, nên nói: “Montez au tableau!” (=“Leo” lên bảng) Tụi tôi chưa kịp phản ứng, thì ngay từ bàn cuối lớp, Cụ Cư đã cất tiếng nói lớn: “Donnez lui donc une échelle!”. (“Vậy hãy mang cho cô ta một cái thang đi!”) Bọn tôi bụm miệng không dám cười lớn. Học trò nhốn nháo hỏi Thầy Phục: “Thầy, Thầy, Ông Cụ nói gì vậy hả Thầy?”, Thầy Phục mặt đỏ tía nói: “Ổng chửi Thầy đó!”
Lần khác, thực tập ở Trường Nữ TH. Mạc Đĩnh Chi. Vì không sẵn xe, nên Cụ Cư nhờ Trương Xuân Phong chở. Phong nhỏ con, nhưng chạy xe thuộc loại “anh hùng xa lộ”. Tôi nhớ hôm đó tụi tôi đến sớm, đang đứng nói chuyện ở sân trường, thấy xe Honda Dame của Phong chạy nhanh vào, thắng gấp và dừng lại. Cụ Cư “khẩn trương” nhảy vội xuống xe, mặt mày đỏ ké, có lẽ vì giận, miệng thì la ơi ới: ” Cái anh này, chạy xe gì mà lượn như rắn!” Bọn tôi được dịp cười một trận đến giờ vẫn còn nhớ.

Deuxième année 1969-1970
Mr. Bonzon: Méthodologie: Explication de texte
Mr. Bonzon, hình ảnh của một “Père tranquille”, trầm tĩnh, hiền lành, ôn tồn, với cái ống vố cố hữu. Ông ăn mặc giản dị, nhưng không… lè phè, quanh năm áo trắng bỏ trong quần, mang “sandale” với vớ, thay vì giày bít và gần như không bao giờ mặc “Veste” hay đeo cà vạt. Ông có lối giảng dạy từ tốn, mạch lạc, dễ theo dõi theo kiểu giảng dạy cấp Trung Học, nên được nhiều người thích.
Mr. Langlet: Civilisation Francaise du 19è siècle.
Mr. Langlet, dáng vẻ thông minh, trí thức, chỉ tội hói tóc nặng, nên đầu nhìn như… quả trứng. Ông cao dong dõng, người gọn gàng, thoạt nhìn trông giống dân “Anglais”. Ông Tây này cũng thuộc loại ăn mặc giản dị, áo ngắn tay, hay bỏ ngoài quần. Mr Langlet là một giáo sư giỏi, tận tụy và rất chi là “Réglo”. Xin được dẫn chứng: Chúng tôi thường được phân phát một số trích đoạn từ những tài liệu khác nhau, thường được quay “Ronéo” thành nhiều bản, và nhiệm vụ của tụi tôi là phân tích bản văn đó, khi bằng văn viết, khi thì trình bày miệng. Ông bắt chúng tôi, trước khi đi vào nội dung chính, luôn luôn phải có phần “giáo đầu” bất di bất dịch như sau: “Đây là một bản văn được trích dẫn từ… Nội dung trích dẫn không nguyên vẹn. Bản văn được đánh máy và in thành nhiều bản. Có những lỗi “typo” hoặc chính tả sau đây… DO ĐÓ, CHÚNG TA CẦN PHẢI RẤT THẬN TRỌNG KHI TIẾP CẬN VÀ ĐÁNH GIÁ NỘI DUNG BẢN VĂN NÀY.” Thiếu câu “thần chú” đó là ”ăn trứng ngỗng” ngay. Thời đó, tôi bất mãn và ghét cay ghét đắng cái tính nguyên tắc “bệnh hoạn” của Ông. Nhưng càng có tuổi, đặc biệt trong bối cảnh thời đại thông tin điện tử tạp nhạp ngày nay, với bao “rác rến” được tung liệng một cách vô trách nhiệm hàng ngày trên “mạng”.. tôi càng thấm thía nhận ra được giá trị đích thực của bài học quý giá về sự “THẬN TRỌNG” mà “Sư phụ” Langlet ngày nào đã truyền dạy cho chúng tôi.
Mr. Langlet có vợ VN là Cô Quách Thanh Tâm, GS Môn Géographie tại ĐHSP và luôn cã VK. Cô nói tiếng Pháp trôi chảy và hay còn hơn cả “Đầm”.
Mlle Piat: Grammaire moderne
Mr. Chevalier: Dissertation littéraire.
Mr. Chevalier gốc Marseille, trẻ trung, đẹp trai, hoạt bát, thân thiện và rất cởi mở so với đa số các giáo sư Pháp khác. Có lối dạy thoải mái, không cầu kỳ và rất được SV ưa chuộng.  Thỉnh thoảng Ông Bà mời tôi lại nhà chơi và ăn tối. Tôi nhớ Ông Bà có con chó nhỏ mà Ông Bà rất cưng. Trước khi mời “khách” vào bàn ăn, bao giờ Ông Bà cũng chuẩn bị một đĩa thức ăn và “mời” chú Cẩu xơi trước.
Mr. Luneau: ?
Chỉ giảng dạy thời gian ngắn đến độ tôi không nhớ rõ môn gì? Mr. Luneau còn rất trẻ, tóc để dài uốn quăn, dáng vẻ hơi “quê” chứ không phải văn nghệ lãng tử. Trình độ hình như chỉ có D.E.S.
Mr. Lương: Anglais
Mme Meyer: Phonétique Francaise.
Mlle Khuê: Méthode d’orientation éducationnelle.
Cô Khuê học ở Mỹ về, độc thân, tánh tình vui vẻ, hiền lành, mắt một mí, nét giống người Hoa. Sau 75, Cô định cư ở Houston. Tôi có dịp gặp lại Cô năm 2011, có mời Cô dùng cơm, trong dịp Anh Chị tôi ở VN qua chơi. Cô Khuê là bạn thân của anh tôi. Cô mất năm 2018 tại Houston.

Troisième année 1970-1971
Mr. Christian Cauro: Littérature Francaise du 20è siècle.
Mr Langlet: Civilisation:La France contemporaire.
Mme Hennekine: Méthodologie/ Compte rendu de lecture.
Mme. Hennekine được tụi tôi, nhất là nam SV, mệnh danh là “Người Đẹp”. Dáng cao, gầy, duyên dáng, hao hao nét Géraldine Chaplin thời son trẻ. “Cô” trông trẻ trung, ăn mặc đúng thời trang, nét sang, khác hẳn hình ảnh nghiêm nghị, khuôn phép của một nhà “mô phạm”. Chồng Cô làm tham vụ Ngoại Giao tại Toà Đại Sứ Pháp ở Sài Gòn. Chỉ cần nghe qua mô tả, chắc ai cũng đoán biết… Cô dễ dàng trở thành “thần tượng” của nhiều sinh viên, cả nam lẫn nữ, và hiển nhiên trong đó có tôi.
Có lần xe Cô bị hỏng, Cô phải dùng Taxi để đến Trường. Buổi chiều, sau giờ tan học, Cô tay xách cặp, chuẩn bị bước về phía cổng Trường kiếm Taxi về nhà. Đúng lúc đó, tôi cũng vừa trờ xe tới, làm ra vẻ tự nhiên, tôi hỏi: “Cô muốn “quá giang” không? Tôi có thể chở Cô về? Giờ này kẹt xe và khó đón taxi lắm!”. Cô quay nhìn tôi với chút bất ngờ, ngạc nhiên rồi nở một nụ cười và nói: “J’aimerais bien mais comment faire avec mon cartable?” (“Tôi cũng muốn lắm nhưng làm sao giải quyết với cái cặp da này?”) Tôi cười trả lời: “C’est bien simple, mettez-vous au califourchon derrière moi, et votre cartable sur le bidon d’essence, c’est tout!” (“Chuyện đơn giản, Cô chỉ việc ngồi thế “cởi ngựa” đàng sau tôi, riêng cái cặp thì để trước bình xăng là xong ngay!”). Sau chút ngập ngừng, Cô trao tôi cái cặp, kéo váy, choàng chân ngồi bắt ngang xe, tay choàng phía trước ôm cặp và… luôn cả thằng học trò “trời đánh”. Tôi từ từ rồ máy trước tiếng vỗ tay cổ võ của đám bạn. Sáng hôm sau, vừa đến lớp, tôi ngạc nhiên khi Trần Thanh Nhân, người bạn hiền lành, ít nói của tôi, vừa cười tít mắt, vừa tuyên bố: “Thằng mắc dịch, hôm qua “Toi” chỉ chậm một chút là “Moi” đã “xớt” bà Hennekine rồi!!! “Moi” chạy ngay sau “Toi”, bộ không thấy sao?” Đúng là: “Les grands esprits se rencontrent!”. Ít ra, tôi cũng đã tìm được một đồng chí và kết thân với Nhân từ dạo đó. Một lần khác, Cô H. cho tụi tôi tùy ý chọn một đề tài để thuyết trình trước 2 lớp. Tôi nhớ đã chọn đề tài “Mourir d’aimer”, tựa cuốn phim Pháp vừa trình chiếu ở Rạp Rex, do Annie Girardot thủ vai chánh. Nội dung phim là một câu chuyện có thật, xảy ra trước đây không lâu ở Pháp, về quan hệ tình cảm giữa một nữ giáo viên và một nam học sinh Trung Học. Mối tình bị phát giác, và bị dư luận, nhất là của các phụ huynh kịch liệt lên án, cô giáo bị đưa ra Tòa. Kết cục, sau bao cay đắng, nhục nhã, tuyệt vọng… Cô Giáo tự vận chết. Tôi tin chắc đám bạn bè và cả “bà Thầy” đều…đủ thông minh để biết “ý đồ” của tên SV “rắn mắt” này, khi chọn đề tài “nóng bỏng” đó. Cũng may thời đó, tôi chưa biết đến tác phẩm “Vòng tay học trò” của nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng, bằng không, giờ này, biết đâu tôi đã chẳng có nhiều chuyện để nhắc lại.
Mlle Piat: Linguistique.
Mme Meyer: Phonétique & Audio- Visuel.
Mr. Quảng: Administration scolaire.
Thầy Quảng người Bắc, tốt nghiệp từ Mỹ về. Thầy còn trẻ, vừa người, tóc húi ngắn, đeo kiếng cận, luôn mặc sơ mi ngắn tay cho vào quần. Thầy Quảng có lối dạy… rất “Mỹ”, thoải mái, không gò bó, luôn khuyến khích sự đóng góp và tranh luận từ sinh viên, nên rất được cảm tình.
Linh Mục Cao Văn Luận: Traduction.
LM. Cao Văn Luận, người Nghệ An, cựu Viện Trưởng Viện ĐH Huế. Tôi biết Cha từ hồi tôi còn học Trung Học, thời gia đình tôi còn ở Huế. Gia đình tôi quen khá thân với Cha vì Ba tôi công tác tại Viện ĐH. Huế. Thỉnh thoảng, Cha vẫn thường đến dùng cơm tối cùng gia đình tôi, nhất là những lúc có món… ”Drapeau Français” (“Cờ Tây”) mà Cha rất mê. Nếu vì lý do nào đó Cha bận không đến được, tôi luôn là người được giao nhiệm vụ “delivery” đến tận nhà Cha.
Cha Luận hiền lành, dễ dãi, nhưng về cách giảng dạy, theo tôi, thiếu năng động và hấp dẫn. Cha nói tiếng Pháp hiển nhiên lưu loát nhưng đáng tiếc với “accent” khá nặng của âm hưởng Nghệ Tĩnh. Có lần ngồi cạnh Cha trong giờ học, Cha bảo tôi đưa bàn tay Cha xem. Sau khi ngắm nghía một hồi, Cha chỉ vào các lằn chỉ tay và bảo: “Anh có số xuất ngoại đấy!” Nói xong, Cha đưa chính bàn tay mình ra, chỉ vào cùng những lằn chỉ chằng chịt rồi cười nói: ”Anh coi nì, Cha đi vòng quanh thệ giới cũng đạ mấy lần rồi đấy!”
Mr. Cư: Stage Pédagogique.

***
Sau khi “điểm danh” các Thầy, Cô, bây giờ đến phần…”điểm mặt” các bạn bè:
Trần Quang Phục : Phục người Việt gốc “rau muống”, gia đình định cư ở Bảo Lộc, tu xuất thứ thiệt, từ Dòng Chúa Cứu Thế. Anh chàng tu khá lâu, hình như đã mặc áo Dòng rồi, nhưng bị “ma quỷ” cám dỗ như thế nào không rõ, cu cậu bỏ Dòng. Bọn tôi tặng Phục biệt danh “Mr. L’Abbé”. Cao ráo, khá đẹp trai, da đen sậm, thêm cái răng khểnh, nên duyên ra phết. Phục lại hát hay, chỉ tiếc tụi tôi hầu như chưa được nghe Phục hát tình ca, hầu hết chỉ toàn là thánh ca hoặc “hùng ca”. Phục hay đùa giỡn, chọc cười nhưng tánh tình hiền lành, chân thật, ít “lả lướt” như SV cùng độ tuổi. Nói tới tuổi tác, Phục cho biết tuổi thật của Phục hơn tôi đến 2, 3 tuổi. Điều “đáng tiếc” là dù Sư Phạm và Văn Khoa đâu thiếu người đẹp, đã thế, có nhiều cô còn muốn kết thân với Mr. L’Abbé nhưng không hiểu sao mà suốt cả ba năm học, Phục đã không dính vào cô nào trong trường, mà lại dính chặt với một cô khác “ngoài luồng” không thuộc ĐH nào, khá xinh, tháo vát, với nhiều cá tính! Nghĩ lại, cũng chẳng có gì để ngạc nhiên, một người hiền lành, dễ dãi  thường có khuynh hướng thích người có bản lãnh, cá tính mạnh. Phục lập gia đình ngay sau khi tốt nghiệp năm 1971 và được “thụ phong” chức ”Cha” sớm nhất trong đám bọn tôi. Tôi còn nhớ đứa con gái thứ hai của Phục sinh đúng nhằm ngày cưới của tôi vàô năm 1973, nên hai vợ chồng Phục đã không tham dự được trong Ca Đoàn Nhà Thờ như đã hứa.
Thời gian đi học, Phục ở Cư xá Đắc Lộ của mấy Cha Dòng Tên, nằm trên đường Yên Đỗ sát Trương Minh Giảng. Vừa chăm chỉ, kỷ luật, vừa biết sắp xếp, tổ chức, không xao lãng, nên dù không hẳn đặc biệt xuất sắc, Phục vẫn thường dẫn đầu lớp. Một đặc điểm của Phục mà tôi nhớ mãi là mỗi cuối tháng, sau khi nhận được học bổng ($1,500/ tháng), bọn tôi thỉnh thoảng rủ nhau đi nhậu lai rai mỗi lần uống chút bia rượu vào là anh chàng dễ say, mắt đỏ ngầu và có tật khóc cười bất chợt.                                   
Ra trường đứng đầu, Phục chọn về Trường THPT cấp 3 Tân An, Long An. Sau 30/04/75, Phục đã tính sai khi về “trình diện học tập” ở Sài Gòn, kết quả bị đi tù “cải tạo” khoảng 2 năm. Phục có ghé thăm tôi sau khi đi “cải tạo” về. Cũng vẫn nụ cười răng khểnh, tếu táo như xưa, nhưng gặp thời buổi kinh tế khó khăn, gia đạo “bất an”, lại “mất dạy” không nghề ngỗng, Phục đầu quân giúp Bà Xã trong những dịch vụ buôn bán “chợ trời”. Thời gian đó là thời gian khó khăn nhất sau 75. Ai ai cũng phải vất vưởng kiếm ăn. Phần tôi, sau khi may mắn “cải tạo” về sớm, được Nhà Nước “ưu ái” cho tiếp tục…”bán cháo phổi”. Cuộc sống Thầy Cô giáo dưới chế độ Xã Nghĩa thời gian đó thật còn “đen hơn mõm chó”, như nhận định của các đồng nghiệp! Với số lương hàng tháng dưới tiêu chuẩn “chết đói”, 60 đồng bạc “Cụ Hồ” cho Giáo Viên cấp 3, đủ để mua… 600 gr. cà phê xay, hoặc… 12 lít xăng giá chợ đen. Dù vậy, tôi vẫn phải ôm, phải bám vào cái nghề “thanh cao” đó, để khỏi phải đi thủy lợi, khỏi bị công an khu vực làm khó dễ. Thời giờ rượt theo xe đò đến trường hàng ngày còn chưa đủ, lấy đâu để gặp gỡ, sinh hoạt với bạn bè như thời trước 75. Gặp lại Phục thật bất ngờ vào một ngày tháng 3/1981 tại Trại Tỵ Nạn Pulau Galang, Nam Dương. Phục vượt biên một mình tới Thái Lan, sau một hai tháng, được chuyển đến đây chờ phỏng vấn và đợi ngày đi định cư. Phục rời đảo đi Mỹ trước tôi đúng một tuần, vợ chồng tôi có tiễn đưa bạn hiền ra tới bến tàu. Lập nghiệp ở Orange County, California, Phục lấy lại bằng Software Engineer, đi làm chưa đầy 2 năm rồi chán, bỏ việc. Lập lại gia đình và rất thành công khi nhảy vào dịch vụ VP Bảo hiểm. Về “già”, Phục lại tỏ ra có khả năng sáng tác nhạc, nhạc đạo có, nhạc đời có, với một số tác phẩm khá xuất sắc mà tôi rất thích. Người ta thường nói: “Tài không đợi tuổi”, nhưng trường hợp của Phục thì đúng là “tuổi đã kiên nhẫn… đợi tài”.

Hiền & Phục (hình chụp khoảng năm 2012 tại Orang County)

Hiền & Thuận (hình chụp tại ĐHSP khoảng năm 1970)


Lê Thượng Hiền: Hiền dân Nam Kỳ 100%, cựu học sinh Taberd. Hiền mặt mày sáng sủa, hồng hào, đẹp trai, có vẻ lai lai, vóc dáng trung bình. Hiền có trí nhớ phải nói là rất đặc biệt. Chỉ cần nghe Giáo sư giảng bài một lần trong lớp, thì y đã có thể lập lại gần 30 % nội dung, cọng thêm bắt chước giọng, điệu bộ của GS… Với trí nhớ  Trời cho đó, cọng thêm bản tánh nhiều tham vọng, “háo thắng”,  Hiền ghi tên học cùng lúc 3 Trường lớn: Sư Phạm, Văn Khoa, Luật Khoa. Chưa xong, Cu Cậu còn dạy kèm tư gia nhiều giờ mỗi tuần, lại còn kiêm luôn phụ tá VP một Công ty xuất nhập cảng gì gì đó nữa. Một người với tánh lè phè như tôi, chỉ cần nhìn Hiền lăng xăng không thôi cũng đủ chóng mặt rồi. Vậy mà Hiền vẫn sắp xếp thì giờ để đi học lái xe hơi, thỉnh thoảng còn rủ tôi đi ciné hoặc đi ăn kem. Thời đi học, tôi gần gũi với Hiền hơn các bạn khác. Tánh tình vui vẻ, biết cách ăn nói, lại lui tới thường xuyên, nên ba má tôi cũng thương và coi Hiền như con trong nhà. Ngày nào cu cậu cũng đậu xe mình ở nhà tôi, rồi “tình nguyện” làm tài xế chở tôi đi học với chiếc Honda 67 của tôi, vì H không mấy thích thú với chiếc xe gắn máy cỗ lỗ sĩ mà H đang xử dụng. Tánh Hiền thích nói, thích ồn ào, giỡn cợt, tánh tôi ít nói, “thích” nghe nên hai đứa cũng khá hạp nhau. Cũng giống Phục, tuy đẹp trai, học giỏi nhưng trong suốt 3 năm ở Sư Phạm, tôi không hề thấy Hiền gắn bó với một cô nào, mặc dù thỉnh thoảng cũng nghe “đương sự” ngỏ ý thích một vài cô qua câu khen bất hủ: “Con nhỏ đó coi bộ có lý quá hả mày!”. Rồi thôi, không thấy Hiền nhắc lại. Không biết mấy ông bạn tôi nhút nhát nên không tiến xa hơn? Cũng có thể họ “nhìn xa thấy rộng” hơn tôi, hoặc ấp ủ một tâm nguyện lớn hơn, khác hơn tôi chăng? Nhưng dù gì đi nữa, phải nói là tôi may mắn đã có những người bạn tốt, biết lo lắng cho tương lai, có tham vọng chứ không an phận như tôi. Cùng họ, với sự thách thức, cổ võ của họ, tôi đã vượt ra khỏi phần nào cái vỏ bọc “ù lì” của tôi. Tôi nhớ mãi, trong một lần nói chuyện thời gian đầu ở năm thứ Nhất, khi bàn về việc ghi tên học thêm ở Văn Khoa song song với việc  theo học ở Sư Phạm, hai ông bạn của tôi tự tin, lạc quan bao nhiêu, thì tôi rụt rè, yếm thế bấy nhiêu. Hai ông tướng ấy chủ trương sẽ lấy xong 4 chứng chỉ để hoàn tất Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn trong vòng 2 năm đầu Sư Phạm: Năm thứ Nhất SP sẽ lấy 2 chứng chỉ: Littérature Française và Civilisation Vietnamienne; sang năm thứ Hai SP, sẽ lấy nốt 2 chứng chỉ còn lại: Civilisation Française và Philologie Française. Gọn nhanh, dễ dàng…như lấy món đồ từ túi! Thấy khí thế hiên ngang của hai thằng bạn trời đánh, thằng tui chỉ biết cười gượng gạo hỏi: ”Vậy còn năm thứ Ba SP để làm gì? Bộ để cho mèo ăn hay sao mấy cha nội? Tụi “toi” muốn sao thì sao, nhưng riêng “moi”, 3 năm SP “moi” sẽ “tà tà” lấy 3 chứng chỉ. Ra trường xong, “moi” sẽ lấy nốt cái cuối cùng, được vậy là “moi” thấy “thoả mãn” lắm rồi! Phải để thì giờ tán gái nữa chứ bộ!” Tôi còn nhớ rõ sự phản đối kịch liệt của Hiền qua câu nói: “ĐM học dzậy lấy gì mà ăn mậy?” Bọn tôi ôm bụng cười ngả nghiêng.
Thời đó, sinh viên ĐHSP, có lẽ do được nhận học bổng chính phủ mỗi tháng nên phải có mặt mỗi ngày, chứ không tự do bay nhảy, “cúp cua” như ở Văn Khoa hay Luật Khoa. Thỉnh thoảng trống giờ, bọn tôi cũng có thể đến dự giờ, hoặc để ”thả dê” chút chút. Để có đủ “cours”, bọn tôi phải mượn bài vở từ bạn bè ở VK, chia làm ba, bốn tập, đem về, tối đến, gấp rút, dùng giấy than chép vội thành ba, bốn bản, đứa nào viết, thì tự nguyện lấy bản chót, tức là bản mờ nhạt nhất. Thời buổi khó khăn, thiếu thốn phương tiện nên học hành cũng thật vất vả!
Nhưng đúng là “Ông Trời đãi kẻ khù khờ”. Năm thứ Nhất SP, cả ba thằng đều lấy được đủ 2 chứng chỉ Littérature Française (Cả ba đều được Mention Assez Bien) và Civilisation Vietnamienne vào khóa hai năm 1969. Năm sau, niên khóa 1970, chỉ mình tôi lấy trọn 2 chứng chỉ còn lại ngay khóa 1! Hiền và Phục đều bị “đốn ngã” ở chứng chỉ Civilisation Française bởi GS. Nguyễn Thế Anh, nếu tôi không lầm, trong phần vấn đáp.
Hôm xem kết quả, khi thấy tên mình “dính” cả hai chứng chỉ, tôi cứ ngỡ nằm mơ. Dù bụng hớn hở khác nào trúng số, nhưng nhìn thấy hai bạn mình ủ rũ, tôi không dám tỏ lộ sự hân hoan. Trên đường về, bọn tôi ghé lại uống nước sinh tố ngay trước Cư Xá Đắc Lộ. Phục thì luôn miệng rủa “Ông Thầy cà chớn!”, nhưng vẫn gắng gượng giỡn cợt, riêng Hiền thì mặt lầm lì, mang kính đen để dấu đôi mắt đỏ ké, miệng phán một câu tôi còn nhớ mãi: ”ĐM. ngựa dzề ngược!” Dù bị gọi là “ngựa”, tôi đã không giận mà còn… hân hoan, xem đó là lời ”tuyên dương” đắc ý nhất mà tôi đã nhận được! Tưởng cần nói là Hiền và Phục đã thi đổ chứng chỉ đó vào kỳ thi sau.
Hiền ra trường hạng nhì, chọn về trường TH Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long. Năm 1974, Hiền được kéo về làm Giảng Viên ở ĐH Cần Thơ. Sau 75, Hiền không trình diện “cải tạo”, lấy lý do còn cấp chuẩn úy? Thực ra, tất cả giáo chức tốt nghiệp khóa 5/71 Thủ Đức như bọn tôi, đều đã được lên Thiếu Úy. Hiền lập gia đình sau 75, khá lâu sau tôi và Phục. Hiền được gia đình vợ bão lảnh vào năm 86 và hiện định cư ở Pháp.


Bản sao “Chứng nhận tạm” đã hoàn tất Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn

Trần Văn Thuận (Người viết): Để được công bằng, tôi nghĩ cũng phải nói chút ít về ”cái tôi đáng ghét”. Như đã nói qua ở phần đầu, “Tui” gốc “Huệ” 100%, sinh ra, lớn lên ở “xứ… ớt”. Sau Tết Mậu Thân, nhà cửa tan nát do bom đạn, tôi “ngậm ngùi” chia tay với Huế, để lại đàng sau bao kỷ niệm, dang dở để theo gia đình vào học tiếp ở Sài Gòn. Một số bạn bè “chê” tôi thiếu cầu tiến, ít tham vọng. Nếu cầu tiến, tham vọng đồng nghĩa với “bon chen”, “kèn cựa”, “hơn thua”, “chụp giựt”… thì tôi nghĩ nhận xét trên là chính xác. Ngày xưa, từ thời Tiểu học lên tới Trung học ở Trường Providence, tôi nhớ mãi, trong sổ Học bạ, các Linh Mục phụ trách giảng dạy, đặc biệt là LM Trần Hữu Tôn, vị Hiệu Trưởng của Trường, luôn có chung một nhận xét về tôi: INTELLIGENT MAIS PARESSEUX, thông minh nhưng lười biếng. Giờ đây, ở ngưỡng cửa “thất thập”, nhìn lại, tôi thấy nhận xét đó chỉ đúng phần nào. Cái lười biếng đó chỉ là “hiện tượng” chứ không hẳn là “bản chất” của tôi, nói theo ngôn ngữ mấy cha nội Việt Cọng. Tôi chủ trương sống thoải mái những lúc có thể, không luôn để bị “ám ảnh” bởi danh vọng, tiền tài... tuy nhiên lúc hoàn cảnh đòi hỏi, tôi cũng biết phấn đấu, ganh đua. May mắn gần gũi những người bạn tốt, chăm chỉ, cầu tiến… tôi cũng có thể làm như họ, và đôi khi… còn tốt hơn họ. Điều khác biệt mà tôi có thể nhìn thấy là hình như tôi bị “MG Syndrome” (Hội chứng “mai ghế”), vì vậy, thời gian, sự chú tâm vào sự học của tôi, cũng phần nào bị ảnh hưởng. Ở SP có ba năm, mà có đến... hai ”cuộc tình”. Cuộc tình thứ nhất, dù dễ thương lãng mạn nhưng yểu mệnh, kéo dài không quá một năm. Cũng may, cuộc tình thứ hai đã cho tôi một “người bạn đời“ khả ái, mà tôi đã sống cùng, trong 45 năm qua! Ông Bà ta đã chẳng nói: “Thân trai mười hai bến nước” sao? Tôi đây, thời trai trẻ…mới chỉ có 4, 5 bến. Kết luận: Bệnh của tôi còn nhẹ và ở mức độ đó, bệnh “mai ghế” chưa hẳn đã là xấu! Ra trường hạng ba, tôi chọn về dạy Trường THPT Cấp 3 An Mỹ, thuộc tỉnh Bình Dương, do lời khuyên của nhạc phụ tương lai của tôi. Theo Ông, thời buổi chiến tranh, nên chọn nhiệm sở nào, càng gần nhà càng tốt, không phải qua phà, qua bắc. Ông biết khá nhiều về Bình Dương, vì ông có Công Ty bán sỉ thuốc Tây và có quen biết nhiều khách hàng ở đó. Phần tôi, cái tên Bình Dương làm tôi liên tưởng ngay đến…phim “Người đẹp Bình Dương”, với nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng, vừa đẹp, vừa sexy. Dù chưa xem phim đó, nhưng với trí tưởng tượng phong phú, tôi mau mắn kết luận: Bình Dương chắc phải có nhiều người đẹp lắm. Chẳng bao lâu sau ngày nhận nhiệm sở, tôi nhận ra mình thật nhiều hoang tưởng.                                                                                   
Trần Thanh Nhân: Lại thêm một ông Nam Kỳ thứ thiệt. Nhân gốc Taberd, người cao lỏng khỏng, gầy, đen, tóc húi ngắn, tướng lãng tử “hippy”, với cặp kính cận thị dầy, thoạt nhìn, chàng có nét giống “Thánh Gandhi”, nhưng tánh tình vui vẻ, hiền lành, dễ dãi, bất cần đời, bao giờ cũng sẵn một nụ cười xuề xòa, bao giờ cũng sẵn sàng ”boire un coup”.

Hình chụp vợ chồng Nhân ghé thăm vợ chồng Phục trong chuyến du lịch Mỹ

Dù không biết định nghĩa chính xác của từ “lè phè”, nhưng tôi đoan chắc, từ đó có thể mô tả phần lớn con người của ông bạn tôi. Nhân thuộc loại người đứng ngoài mọi tranh chấp, ganh đua, sống ngày nào hay ngày đó, nên chẳng quan tâm nhiều đến việc nhập bọn với tụi tôi trong nổ lực học thêm ở Văn Khoa. Ngược lại anh ta thích ca hát, đàn địch, nhảy nhót. Ra trường Nhân về nhiệm sở ở Sa Đéc. Sau 75, không biết Nhân “kẹt” lại hay đã chọn ở lại Việt Nam? Mấy lần về VN, lần nào tôi cũng tìm gặp vợ chồng Nhân. Bà Xã Nhân người Nam, dân Luật Khoa, tánh tình giống hệt ông Xã, lạc quan, yêu đời yêu người, thuận vợ thuận chồng nên cuộc sống trông rất hạnh phúc.
Trương Xuân Phong: Phong người Huế hay đúng hơn là Quảng Trị, bọn tôi quen nhau từ thời Trung Học ở Providence. Trong các bạn, Phong là người nhỏ con nhất, nên bọn tôi gán cho Phong biệt danh “Phong Nhí”. Hiền lành nhưng hay “lèn èn”, lý sự, tánh khí giống “Ông cụ non”. Lúc đầu, Phong cũng nhập đám với bọn tôi ở VK, nhưng về sau, cu cậu bỏ cuộc, sau khi được 1, 2 chứng chỉ. Ra trường, Phong chọn nhiệm sở ở Củ Chi, Tây Ninh. Sau 75, cu cậu bị kẹt lại, lập gia đình với một cô học trò cũ. Tôi còn gặp lại Phong cho đến năm 81, trước khi tôi ”tìm đường cứu nước”. Thời gian đó, thay vì ngu dại “xin” đi dạy lại như tôi, Phong tham gia sinh hoạt “chợ trời”. Sau khi chế độ “mở cửa”, phong trào du lịch phát triển, Phong đổi sang làm “Tour guide”. Trong đám bạn bè, hình như Phong là người gặp khó khăn nhất.
Nguyễn Giáo:  Người Quảng Nam, nhỏ người, tóc ngắn và quăn, tánh tình hiền lành, nghiêm trang, thầm lặng, ít nói, nhẫn nhịn… nên ít gây chú ý, phiền hà. Tôi tuy thuộc loại ít nói, nhưng thầm lặng theo kiểu bạn Giáo, đôi khi cũng làm tôi thắc mắc khó hiểu.
Hà Thị Xuân Phố: Phố thuộc nhóm DBVK Huế, như tôi và 3 cô khác, mà tôi sẽ có dịp nhắc tới, đã bỏ Huế vào đầu quân ở SP Sài Gòn. Xuân Phố khá xinh, tóc thề, nước da hơi sậm và rất có duyên. Phố tánh mạnh dạn, nhiều cá tính, thuộc loại người ”dám làm dám chịu”, thích đùa giỡn và có lập trường chính trị rõ ràng. Cô nàng thuộc gia đình “Hà Thúc” mờ! Tôi nhớ Xuân Phố lập gia đình khi đang học năm thứ Hai. Cả lớp nhốn nháo nghe tin Xuân Phố lên xe hoa, lại nghe tin Ông Xã là một “Thiên Thần Mũ Đỏ”, Trung Úy Nhảy Dù. Nếu tôi nhớ đúng, đám cưới Xuân Phố được tổ chức ở Lầu trên Nhà Hàng Bồng Lai, trên đường Lê Lợi Sài Gòn. Cả lớp được Xuân Phố mời dự tiệc cưới. Tôi nhớ đêm đó có Ca sĩ Thiên Trang trình diễn. Lý do tôi còn nhớ cô Ca sĩ này, vì cô ta có nét đẹp buồn, giống cô bạn gái người Huế của tôi ngày trước. Đêm đó, ngoài thức ăn ngon, rượu bia thoải mái, Chú rễ còn chu đáo pha chế thêm một “chậu” rượu chát đỏ “Sangria” bự tổ trảng, có trộn hương vị quế. Trong lúc vui nhộn với bạn bè, tôi ăn thì ít, mà “uống” thì nhiều, tôi nhớ đã uống không dưới 12 “coupe” rượu chát, vừa ngon, vừa đã khát, vừa say ngầm mà tôi hổng biết. Tiệc tàn, tiễn đưa bạn bè, tôi nhớ Xuân Phố còn trao cho mỗi bạn một cành hoa hồng. Tôi khệnh khạng ra xe, tay vẫn cầm chặt nhánh hồng, phóng xe chạy như bay giữa đường phố vắng người. Về tới nhà cũng khoảng hơn 11 giờ đêm, vừa kịp cho xe vào, khóa cửa nhà và tôi ngã gục xuống sàn nhà, không còn hay biết trời trăng. Một kỷ niệm gần nửa thế kỷ, mà tôi vẫn còn nhớ chi tiết, như vừa mới xảy ra mà trí nhớ tôi thuộc loại bết bát chứ nào phải xuất sắc gì?                 
Không bao lâu sau khi Xuân Phố có được cháu thứ hai, “Thiên Thần” của Xuân Phố ”gãy cánh”. ” Anh thêm lon giữa hai hàng nến chong”. Quả phụ ở tuổi 24, 25, cuộc đời cô bạn tôi thật nhiều truân chuyên. Đã thế, sau 75, kẹt lại, Xuân Phố tiếp tục đi dạy, cho đến một ngày, Công an vào tận trường còng tay Cô Giáo dẫn đi. Tôi gặp lại Xuân Phố tại Sài Gòn vào khoảng năm 80, mặc dù tiều tụy, xuống sắc, nhưng vẫn can trường, bất khuất.
Tôi liên lạc được trở lại với Xuân Phố và có dịp gặp mặt lại, sau khi Xuân Phố sang định cư khá muộn màng tại Mỹ. Rất mừng khi biết Xuân Phố đã lập lại gia đình. Ông xã Xuân Phố lớn con, hiền lành và rất dễ thương. Sau thời gian dài định cư ở Virginia gần con gái, hiện nay vợ chồng Xuân Phố đã dời về Orange County, CA.
Trần Thị Thanh Vân: Thêm một người đẹp của DBVK Huế, với mái tóc dài, mượt mà… trôi giạt vào SP Sài Gòn, sau biến cố Mậu Thân. Thanh Vân hiền lành, từ tốn, thân thiện. Tôi quen biết anh em của Thanh Vân thời Trung Học ở Providence. Trân, học trên tôi một lớp, Trác, học sau tôi một lớp. Sau 75, kẹt lại VN đến mấy năm, hiện tại Thanh Vân định cư với gia đình tại Montréal, Canada.
Trần Thị Thu Hương: Lại một công dân Huế khác lưu lạc vào Sài Gòn. Thu Hương vui vẻ, hiền lành, chăm chỉ, ít quậy nên cũng có ít chuyện để kể. Thu Hương định cư sớm tại Mỹ, ra trường về Programmer, lập gia đình khá muộn và hiện ở S.Carolina.
Nguyễn thị Hương Anh: Cùng nhóm VK Huế, Hương Anh nhỏ người, hiền lành, duyên dáng với mái tóc thề cố hữu của con gái Huế. Tuy hiền lành nhưng chắc ”nhanh nhẹn” và biết tính toán hơn bọn tôi, nên Hương Anh xin đi du học tự túc ở Pháp. Nhập học chưa được mấy tháng ở SP, thì cô nàng đã được Air France đón đi mất. Tôi có dịp gặp lại Hương Anh và Ông Xã tại Houston, trong dịp hai bạn sang chơi, cách đây cũng khoảng 6, 7 năm.
Trần thị Bạch Liên: Thuộc nhóm ”Nam Kỳ thiểu số”, lý do cô ta là một trong ba “công dân” Nam Kỳ trong lớp tôi. Cựu Marie Curie, Bạch Liên khá xinh, hiền lành, đơn sơ, ít chưng diện, khác hẳn hình ảnh các nàng “ Marie Cút” khác. Ra trường đồng hạng Ba với tôi, BL chọn về trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Tôi mất liên lạc ngay từ dạo đó. Nghe nói Bạch Liên định cư tại Galveston, Tx, cùng Tiểu Bang và cách chỗ tôi chừng 70 miles, nhưng tôi vẫn chưa gặp lại được.

Cuối niên khóa 68-69, sắp học xong năm thứ Nhất, trước kỳ nghỉ hè vài tuần, một hôm L.T. Hiền hớt ha hớt hãi chạy về lớp gọi tôi và Phục, bảo theo y gấp. Tưởng gì, ai ngờ cu cậu báo cáo: “Tao vừa xuống Văn phòng xem lén hồ sơ của đám SV sắp nhập học khóa tới, có con nhỏ này hết sẩy, bọn mày theo tao mau xuống coi!”. Hiền mượn cô Thư ký chồng hồ sơ, lật tìm và rút ra hồ sơ của SV mang tên Phạm Thị Ngọc Dung, kèm theo tấm hình căn cước của đương sự. Bọn tôi chuyền tay nhau xem và cũng đồng ý, trầm trồ khen, vì cô nàng trong hình đẹp thật, với nét mặt mà theo tôi, hao hao giống… Nam Phương Hoàng Hậu. Nhưng với tôi, mọi chuyện chỉ dừng lại ở nhận xét đó. Tôi góp ý: “Hình đẹp đấy, nhưng chưa chắc người thật đã đẹp!”, cả bọn gật gù đồng ý. Thật ra, vào thời điểm ấy, tôi vừa có cô bạn gái mới, học cùng năm, ban Anh Văn. Có “bồ” rồi, tôi không có nhu cầu “thả dê” bậy bạ.

Hình SV Phạm Ngọc Dung trong hồ sơ ĐHSP 1970

Vào niên khoá mới 69-70, bọn tôi có dịp nhìn tận mắt và đánh giá nhóm “đàn em” vừa nhập học. Quả thật, Ngọc Dung nổi hẳn trong đám, người thon gầy, cao ráo, tướng sang và kiêu kỳ trong chiếc áo dài cắt khéo. Nhưng như đã nói, tôi tuy ngắm nhìn người đẹp (Bộ ngu sao mà không ngắm?) nhưng lòng tuyệt không “vọng động”, không những tại tôi đã có “đào”, mà dù chưa có đi chăng nữa, tánh tôi luôn biết “lượng sức”, chứ không phải thuộc loại “Dê húc càn”. Đặc biệt trong quan hệ trai gái, tôi luôn áp dụng phương châm trong Tôn Tử binh pháp: “Biết người biết ta…” không phải để “trăm trận trăm thắng”, nhưng chủ yếu để khỏi “quê” khi bị người ta “chê”. “Mặt trận” nào xem ra khó nuốt, cách hay nhất là đừng xuất quân. Trong những tháng kế tiếp, mỗi lần có dịp gặp Ngọc Dung, hay những lúc có sinh hoạt chung với lớp “đàn em”, tôi chỉ vui vẻ, lịch sự chào hỏi như những bạn khác, chứ không biểu lộ bất cứ một ấn tượng nào, cứ “phớt tỉnh Anglais”. Sau khi cuộc tình “xuyên ban” của tôi chấm dứt vì những lý do “kỷ thuật”, ngoài ý muốn của cả hai, dù buồn, nhưng tôi vẫn ráng sinh hoạt bình thường trở lại, vẫn chưa có bất cứ một nổ lực nào nhằm tìm “mặt trận” mới. Vã lại, thi cử cũng đã gần kề và tôi phải dồn nổ lực gấp đôi vào bài vở ở cả hai phân khoa SP và VK. Dịp Tết năm 1971, ban Pháp Văn rủ nhau đi “kéo ghế” ăn mừng năm mới ở khu hẻm Eden, vô tình tôi được xếp ngồi cạnh Ngọc Dung. Ăn nói qua lại, tôi thấy cô nàng hồn nhiên, không cao ngạo như tôi vẫn tưởng, thậm chí còn cười đùa thoải mái nhất là khi tôi ví von hai lọn tóc quăn buông dọc theo tai nàng, như những lưỡi câu, sẵn sàng móc vào những “con mồi” ham đớp. Ngày mồng 2 Tết, một số trong nhóm PV, trong đó có tôi, theo lời mời, kéo lại nhà Ngọc Dung ở đường Ngô Tùng Châu, Gia Định chơi. Chuyến viếng thăm để lại nhiều ấn tượng tốt với riêng tôi. Đó là một ngôi nhà vườn với nhiều cây cảnh, có tường bao bọc xung quanh. Không khí gia đình Ngọc Dung vui vẻ, dễ thương, hiếu khách. Năm sáu chị em gái, người nào cũng cao ráo, xinh đẹp… không biết ai chị, ai em?
Sang mồng 3 Tết, chẳng biết do “ma lực” nào thúc đẩy, một mình, tôi gan dạ “đột nhập” nhà nàng một lần nữa, với lý do coi ra thật “ngớ ngẩn” là ngày hôm qua, tôi quên không mang theo bọc “lì xì”. Đến tôi còn ngạc nhiên, không ngờ mình liều và bốc đồng đến vậy? Và cứ thế, cuộc “chinh phục” đã chính thức khởi động lúc nào tôi cũng không hay. Đúng là do cái miệng “ăn mắm ăn muối” của tôi: Đã thấy, đã biết trước về những “lưỡi câu” nguy hiểm, rốt cuộc, chính tôi lại là “con mồi ham đớp”, dính chấu, như lời “tiên tri” đã được thốt ra từ chính cửa miệng của tôi. Thôi đành chấp nhận làm “con cá may mắn” vậy! Tôi cưới Ngọc Dung một ngày tháng mười năm 73, hai năm sau ngày ra trường. Nghĩ lại, lưỡi câu của nàng tốt thật, tôi loay hoay mãi, đã 45 năm mà vẫn… không tháo gỡ ra được.


Lễ Thành Hôn của Thuận & Ngọc Dung 12/10/1973

***
Cùng lớp với Ngọc Dung có những khuôn mặt cần nhắc tới:
Mai Thị Lan:  Mai Lan, người Bắc, gốc Trưng Vương. Mai Lan khá lớn con so với đa số bạn gái khác, khá xinh, nước da “bánh mật”, tánh tình vui vẻ, thích đùa giỡn và… ăn hàng. Tôi gặp lại ML. khá sớm sủa vào năm 82 ở khu Chợ Tết Việt Nam tại Houston.
Trần Thị Kim Chi: người Bắc, đẹp gái, tánh tình dễ dãi, xuề xòa, tóc để dài kiểu tóc thề của gái Huế, miệng bao giờ cũng sẵn một nụ cười. Kim Chi lập gia đình với một Trung Úy Trường Sinh Ngữ Quân Đội, hiện định cư tại Mỹ.
Như Nguyện: Nói giọng Huế nhưng theo tôi, Nguyện gốc Quảng Bình. Dáng người rất nhỏ nhắn, sắc diện trung bình, tự tin, tánh khí có vẻ khó khăn hơn các bạn cùng lớp. Như Nguyện thuộc loại giỏi trong lớp.
Nguyễn Khả Lân: Với tôi, đây là một nhân vật khá kỳ bí. Tôi biết Lân hồi còn học chung Chương trình Pháp tại Trường TH. Providence, ở Huế. Thuở đó, Lân học trên tôi một lớp, với cái tên Nguyễn Khả Kiệt. Kiệt người Quảng Nam, là học sinh xuất sắc, tháng nào cũng đứng đầu lớp. Sau khi rời trường, chúng tôi hoàn toàn bặt tin nhau. Sau khi học xong năm thứ Nhất ở SP. Sài Gòn, tôi rất ngạc nhiên bắt gặp Kiệt trong đám tân SV nhập học khóa sau, với cái tên Nguyễn Khả Lân. Lân cho biết thời gian qua làm việc cho Hãng Thông Tấn Xã AFP. Tôi thấy rõ là có một cái gì “bất thường”, chứ không hẳn đơn giản như lời giải thích của ông bạn tôi. Sự nghi ngờ của tôi lại được xác định qua lời kể lại của vài người bạn cùng lớp với Lân: Y hay phổ biến những tài liệu thiên Cộng cho một số bạn cùng lớp. Tôi hỏi đùa các bạn đó: ”Tại sao không tố cáo?”. Họ chỉ mỉm cười trả lời:” Ai nỡ tố cáo bạn bè, tội nghiệp!” Miền Nam VN thất trận cũng tại những tình cảm “tiểu tư sản” đó! Tôi gặp lại Lân năm 96, trong dịp về VN, ghé thăm lại Trường SP. Sài Gòn. Lân cho biết hiện đang dạy tại SP. và có cho tôi địa chỉ mời tôi ghé lại chơi. Đáng tiếc tôi không có nhiều thì giờ nên đã không gặp lại được ông bạn nhiều bí ẩn thuở ấy.
Dzũng “Đà Lạt”: Người Bắc, đẹp trai, tóc dài, dáng nghệ sỹ. Hiện định cư ở Mỹ.
Hà “cận thị”: Cũng gốc Đà Lạt, cận thị nặng, hiền lành, vui vẻ. Hà lập gia đình trước 75 với một anh “Hồi Chánh” cũng bảnh trai ra phết.
Lạc: Nam kỳ, tánh tình xuề xòa nhưng nghe đâu cũng ham vui, ham nhảy…
Bằng: Bắc kỳ, vừa người, mắt nhỏ có “đuôi”, tóc dài, khá đẹp trai.


Từ trái sang phải: Phong, Hòa, K.Chi, Bằng, M.Lan, N.Dung, Vân (1971)

***
Nói tới Ban Pháp Văn thì cũng nên nhắc đến Ban Anh Văn một chút. Như đã nói, dù khác ban, nhưng có những môn về Giáo Dục, chúng tôi học chung. Trong lớp Anh Văn, tôi còn nhớ, phía nam có: Thọ, Ngô Khoa Bá, Hoàng Tam Khôi, Nguyễn Tự Cường, Đinh Đắc Phúc, Nguyễn Trí Lợi, Ngôn, Tánh... Phía nữ có: Bích Liên, Thúy Dao, Trang, Lan Phương, Tài, Ngọc Tân...
Thọ và Bá là hai nhân vật rất thân nhau, nhưng lại rất khác biệt nhau, từ ngoại hình đến tánh tình. Thọ, thấp, tròn trịa, mang kiến cận dày, giọng Hà Nội, bao giờ cũng nghiêm trang, ăn nói từ tốn, thận trọng, theo kiểu các nhà Ngoại Giao. Thọ học giỏi, luôn đứng đầu lớp. Bá ngược lại, dân Nam Kỳ, lớn con, da ngâm đen, luộm thuộm, không chú trọng bề ngoài, ăn nói vụng về, nóng nảy, bộp chộp, có khuynh hướng lập dị, bất cần dư luận nhưng cũng học rất giỏi. Cả hai đã từng được đi học Mỹ thời còn Trung Học, qua chương trình “Student Exchange”. Vừa ra trường SP, cả hai đều được học bổng đi tu nghiệp ở Tân Tây Lan. Nghe bạn bè nói lại, sau 75, Thọ định cư ở Úc, và đã rất thành công, nghe đâu làm lên tới cấp Thứ Trưởng Á Châu Sự Vụ (?). Riêng Bá, tôi có gặp lại ở Houston, có qua lại một thời gian. Bá làm “Underwriter” cho một Hãng Bảo Hiểm. Thời gian gần đây, dù đã lâu không gặp mặt, nhưng qua liên lạc email, tôi nhận thấy Bá ngày càng thay đổi. Theo tôi, Bá là người ham học, ham đọc sách, ham nghiên cứu, và ham “tiếp thu văn hóa” nhiều đến độ bị “tẩu hỏa nhập ma” không “tiêu hóa” được, một hình thức “Indigestion  intellectuelle”, tâm lý trở nên bất thường. Suốt ngày viết lách lung tung, dưới một cái tên lạ hoắc, với âm hưởng Mexican, “Wissai Roberto”, trên các “Diễn Đàn On Line”, tiếng Mỹ có, tiếng Việt có, khi thì với hình thức “tự truyện” bằng Anh Ngữ nặng phần “hoang tưởng”, hoặc tranh luận với nội dung phô trương kiến thức, đôi khi chửi bới nặng lời thô tục, hết người này đến người khác, đại khái những người không cùng suy nghĩ, hoặc phê phán, chỉ trích y. Trong tình bạn bè, tôi có  góp ý khuyên can, đã không nghe, Bá còn quay lại “mắng” tôi thậm tệ, nên tôi hoảng quá đành phải ca bài “Adios Amigo”.
Dương Thúy D, một trong những khuôn mặt đáng nhớ của Ban Anh Văn. Gốc Hà Nội. TD rất hiền lành, xinh xắn, ăn nói nhỏ nhẹ. Dáng vẻ “mignonne”, cao trung bình và khá gầy.(Thời đó có ai mà…không gầy?) Nét độc đáo của TD là mái tóc “À la garçonne” với hai cái “pattes” tóc hai bên tai, kéo về phía trước, phảng phất chút nghịch ngợm, chút “Hippy choi choi”, ấy là chưa nói đến những chiếc hoa hippy mà cô dán lên chiếc xe Honda PC. Thời gian đó, Sài Gòn đang sôi nổi với phim “Bonnie and Clyde”, tôi gán cho cô nàng biệt danh “Bonnie” những lúc nói chuyện với bạn bè về cô, một đùa giỡn tưởng chừng vu vơ, nhưng về sau, lại mang hệ quả của một ”mối tình lận đận”.  TD. không những chăm học mà còn yêu Nhạc và đã tốt nghiệp QG Âm Nhạc về Dương Cầm. Tôi thỉnh thoảng được thưởng thức tài đánh đàn của TD, trong số đó có hai bản mà tôi rất thích là “Love theme from Romeo and Juliet” và “Bài Không tên số 2”. Hồi Phong Trào Nhạc Trẻ ở Sài Gòn đang thịnh hành, TD hợp tác với nhóm Trường Kỳ, Tùng Giang phụ trách mục xếp hạng “Top Hits” hàng tuần trên báo. Ra trường TD về nhiệm sở ở Trường TH Vũng Tàu. TD hiện định cư tại Montréal, Canada.
Nguyễn Tự Cường, gốc Bắc, lớn con, khá đẹp trai, vóc dáng chững chạc, đeo kính cận khá nặng, lái xe Lambretta. Sau 75, qua bạn bè, nghe Cường định cư ở Virginia, khá thành công trong công tác ở Sở Học Chánh. Nghe tin Cường mất trong một tai nạn tại Thái Lan cách đây cũng gần chục năm.
Nguyễn Trí Lợi, gốc Bắc, gầy và nhỏ người, hiền lành. Sau 75, Lợi kẹt lại và là Giảng Viên phụ trách môn Anh Văn ở ĐH Sư Phạm Sài Gòn. Qua định cư khá muộn màng tại Houston, TX, tôi có dịp gặp lại Lợi gần đây, nay trông bệ vệ hẳn ra, tóc bạc gần hết. Tôi nhớ đến Lợi vì có cùng một kỷ niệm khó quên trong dịp bầu bán Ban Đại Diện tại ĐHSP mà tôi sẽ có dịp kể đến đoạn sau.
Hoàng Tam Khôi, Bắc Kỳ, Công Giáo chính gốc, hơi nhỏ con hoặc vừa người, tùy người đối diện. Đẹp trai, thuộc loại khá chải chuốc, áo quần bao giờ cũng tươm tất, kèm thêm cặp kiếng trắng, Khôi trông giống SV Trường Thuốc hơn là SP. Khôi ăn nói sắc bén, thích hoạt động chính trị, nên được tụi tôi khuyến khích và ủng hộ lập liên danh ra ứng cử Đại Diện cho ĐH Sư Phạm, chống lại phe Tranh Đấu do nhóm Tổng Hội SV “chống lưng”.
Đinh Đắc Phúc, Nam Kỳ thứ thiệt, nhỏ con, cận thị nặng, nhà có tiệm sách trên đường Lê Lợi. Phúc tuy hiền lành nhưng thuộc loại ham vui, nghịch  ngầm. Sau 75, Phúc lấy cô cháu họ tôi, mỗi lần đi với vợ, gặp tôi, Phúc bất đắc dĩ phải gọi tôi bằng Cậu. Vui không thể nói. Hai vợ chồng về sau ly dị. Phúc vẫn còn trụ trì ở Sài Gòn và nghe đâu đã lập lại gia đình và khá thành công.
Lan Phương, người Bắc, để tóc thề, da “bánh mật” và rất có duyên với cái răng khểnh(?), Lan Phương lập gia đình với Họa sĩ Nguyên Khai. Mất liên lạc kể từ ngày tốt nghiệp, tôi bất ngờ gặp lại Lan Phương và gia đình vào tháng Hai năm 81, lênh đênh mấy ngày liền trên cùng một chuyến tàu vượt biên mà không hay biết, cho tới khi được cứu vớt bởi các nhân viên của một giàn khoan dầu ngoài khơi Indonésia. Được đưa về ở cùng trại tỵ nạn Kuku, rồi Pulau Galang ở Nam Dương trong hơn ba tháng. Lan Phương hiện định cư tại Orange County, CA.
Trang, người Huế, gốc VK, tản cư vào Sài Gòn sau Mậu Thân. Trang người nhỏ nhắn, trông vẻ “bé bé, xinh xinh”. Thoạt nhìn Trang ôm cặp màu hồng, có hình nai con “Bambi”, ai cũng tưởng là cô bé học sinh trung học đi lạc. Về sau, Trang lập gia đình với Nhà Văn Dương Nghiễm Mậu.
Ngọc Tân, vóc dáng trên trung bình, hiền lành, khá xinh và đầy đặn. Cặp mắt đã lớn lại càng lớn hơn sau tròng kính cận thị thật dày. Tôi có dịp nói chuyện qua điện thoại với Ngọc Tân cách đây không bao lâu, trong dịp Ngọc Tân từ VN sang chơi, ghé thăm bạn bè ở Orange County.
Bích Liên, hơi nhỏ người, xinh với nét khá sắc sảo, thông minh, chững chạc. Bích Liên có vẻ lăng xăng, nhanh nhẹn, thích hoạt động. Bọn tôi hay ví von Bích Liên với Mme Ngô Đình Nhu.

***
Riêng các ban khác ban, có Mai Thành Chơn ban Việt Hán, Đỗ Công Hoan ban Lý Hóa, Trương T. Bích Đào ban Vạn Vật, cả ba ra trường cùng năm và về cùng nhiệm sở với tôi tai TH An Mỹ Bình Dương.
Mai Thành Chơn gốc Búng, Lái Thiêu, mặt mày sáng sủa, ăn mặc tươm tất, có dáng dấp “Công tử miệt vườn”. Thân phụ là Đông Y Sĩ có tên tuổi ở Búng, chủ tiệm thuốc Nam Mai Hoa. Chơn tánh tình vui vẻ, chân thật, hiền lành, bặt thiệp. Ngày xưa, tôi khá thân với Chơn, nhờ gần gũi thời gian huấn luyện quân sự tại các quân trường Quang Trung, rồi Thủ Đức. Thời gian đi “bãi”, vào lúc rảnh rỗi, Chơn thường dạy tôi nói tiếng Hoa, hoặc coi “chỉ tay”. Năm 2014, trong chuyến về VN, tôi ghé thăm Chơn vì nghe Chơn bị “stroke” trước đó không bao lâu. Gặp lại, Chơn mừng rỡ, cảm động, dù đi đứng còn khó khăn, nói năng phải có người ”diễn dịch”. Ngày xưa bảnh trai, bặt thiệp bao nhiêu, nay gặp lại, thấy bệnh hoạn, già đến khó nhận ra, tôi ngậm ngùi thấm thía lẽ vô thường.
Đỗ Công Hoan, gốc Bắc, nhưng tánh khí Nam kỳ. Hoan nhỏ người, tánh bình dị, khiêm tốn, thoải mái, vui vẻ. Thầy Hoan hiền lành, dễ dãi, nên được học trò đặc biệt quý mến. Trước 75, mỗi lần Trường tổ chức liên hoan, tôi có tật uống nhiều hơn ăn, nên mau “xỉn”, cứ mỗi lần “như vậy”, Hoan luôn là người bỏ công “chăm sóc” hoặc dìu, chở tôi về lại nhà trọ. Vượt biên trước tôi không bao lâu, được tàu Nhật vớt, Hoan sống thời gian mấy tháng đầu tại một Trại Tỵ Nạn ở Nhật. Sang định cư ở Mỹ, Hoan đi học và dễ dàng lấy lại Cao Học về Lý Hóa, và không bao lâu sau, Hoan may mắn “bị” hãng Boeing bắt cóc và “bóc lột xương máu” trong gần 30 năm mới được trả tự do. Nhưng “than ôi”, đã quá muộn màng: phần lo học, phần lo lao động tốt, bạn Hoan đã quên hẳn việc “lập gia đình” và đã bỏ lỡ bao nhiêu dịp. Nhưng trong cái xui lại có cái đại may, nhờ vào quy chế “độc thân tại chỗ”, Hoan tiếp tục dzui dzẻ, “chén chú, chén anh” với bè bạn, “đi khỏi thưa, về khỏi trình” như các bạn khác và luôn hăng hái đóng vai gạch nối của đám bạn, dù là cựu Chu Văn An, cựu ĐHSP hay Cựu An Mỹ... Hoan vẫn là người bạn thân nhất của tôi trong suốt gần 50 năm nay. Gặp Hoan khá thường xuyên, mỗi lần đến Orange County.                                                                                                   
Trương thị Bích Đào, tánh tình hiền lành, vui vẻ nhưng vì ít sinh hoạt chung, nên chẳng có kỷ niệm nào để kể nhiều về cô, chỉ biết cô cũng kẹt lại VN khá lâu trước khi đi định cư ở California.


Các đồng nghiệp ở TH An Mỹ đến chia vui trong ngày cưới của Thuận & Ngọc Dung gồm: Lý, An, Hoan, Thuận, N. Dung, Vũ, Chơn, Dần.

Từ Văn Nhung, ban Vạn Vật, gốc Bình Dương, vui tánh, dễ thương, thích bạn bè, thích lai rai vài xị. Quen thân nhờ thời gian học chung quân sự. Tuy ban Vạn Vật, nhưng lại rất giỏi và nói rành... tiếng “Đức”:  Nhung chửi thề rất ngọt và khỏi chê. Sau 75, có thời gian Nhung làm Hiệu Trưởng Trường TH Trịnh Hoài Đức, Sông Bé.
Lê Tường Lâm, ban Việt Hán, cựu VK Huế, có anh là GS. Lê Tuyên. Lâm nhỏ con, mặt mày trắng trẻo điểm chút râu mép, hiền lành, hay đỏ mặt và “ỏn ẻn” như  con gái. Tuy nhiên chàng này lại có máu tiếu lâm, lì lợm và hay lý sự, không những thích tranh cãi mà còn thích tranh đấu, nên được Tổng Nha CSQG ưu ái chiếu cố mấy bận.  Về sau, chỉ cần nghe còi hụ xe Cảnh Sát, hoặc nghe đến tên Đại Tá “Trang Sĩ Tấn” là cu cậu mặt tái xanh, co giò chạy ngay.

***
Những sự việc… “đáng nhớ”  trong thời gian theo học ở SP 1968-1971:

“Câu Lạc Bộ”: Gọi là Câu Lạc Bộ nhưng thật ra chỉ là một quán ăn bình dân, nằm khuất phía hông dãy nhà bên trái, gần Thư Viện Trường. Thực đơn CLB rất hạn chế, dù cố gắng, tôi không nhớ ra món nào khác hơn là bánh cuốn và có thể có cả bún riêu. Thức uống thì có sữa đậu nành, cà phê sữa đá, chanh muối, nước ngọt. Thực khách, ngoài sinh viên ra, có cả Thầy Cô Việt Nam. Riêng có một thực khách khá đặc biệt thỉnh thoảng xuất hiện, là Mr. Simonet, GS dạy các lớp sau tôi, với chòm râu khá rậm rạp. Ông thường ăn bánh cuốn và uống sữa đậu nành. Tôi thật sự ngại ngùng cho chòm râu của Ông vấy phải nước mắm cà cuống.

Quân Sự Học Đường: Những kỷ niệm về sinh hoạt QSHĐ khá hỗn độn. Nếu tôi nhớ không lầm thì thời gian huấn luyện thường được tập trung vào tháng nghỉ hè và thường tổ chức tại Quân trường Quang Trung. Tạm bỏ áo thư sinh, khoác lên mình chiếc áo lính, “cái Tôi” không còn vị thế ưu tiên. Mọi sinh hoạt đều là sinh hoạt tập thể: ăn, ngủ, tập luyện, sinh hoạt...


Thẻ Khóa Sinh Quân Sự Học Đường (1970)

Mỗi người sẽ có những hồi ức khác nhau về thời gian này, riêng với tôi, đây cũng là những kỷ niệm vui, đáng nhớ, đã giúp những “cá thể” chúng tôi gần gũi nhau, hiểu biết nhau và trong nhiều trường hợp, kết thân với nhau. Quân trường dù thật nhọc nhằn, nhưng đã tạo cho chúng tôi những điều kiện mà khuôn viên Đại học không thể. Lúc đi học, cùng lắm, chúng tôi chỉ gặp nhau chừng vài tiếng, sinh hoạt hời hợt bên nhau. Ngược lại, trong thời gian huấn luyện ở quân trường, tụi tôi sống với nhau, gần nhau 24/24. Bộ đồng phục “lính” làm chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn, không phân biệt, không thành kiến. Nhờ vậy mà về sau tụi tôi quen biết nhau nhiều hơn, nhất là các bạn học khác lớp, khác Ban. Sau mấy tuần phơi nắng, tập luyện kham khổ, tụi tôi thấy mạnh mẽ, dày dạn và tự tin hơn.

   
Người viết trong thời gian Huấn luyện Quân sự tại Quân trường Quang Trung (1970)

Vài món ăn tôi nhớ nhiều nhất trong thời gian huấn luyện quân sự ở Quang Trung:    
- “Mì chấm gió”: Thông thường mỗi buổi sáng sớm, sau khi vệ sinh cá nhân xong, tụi tôi được phát cho mỗi đứa một ổ bánh mì “chay”, nghĩa là chẳng có gì đi kèm. Để thi vị hóa, tụi tôi gọi đùa là ”Mì chấm gió”. Cái tên đầy chất “thơ”, trên 50 năm vẫn còn nhớ.                                                                                       
- Chè nhãn nhục: Món “tráng miệng” tôi ưa thích khi vào Câu Lạc Bộ là món chè nhãn nhục. Ngon, ngọt, bồi bổ và rẻ tiền. Điều khôi hài là đôi khi vì muốn mua “To Go”, tụi tôi phải mang theo cái ca nhôm (thường ôm bên ngoài cái Bidon nước của lính) thay vì dùng ly của CLB. Điều đáng nói là dung lượng của ca nhôm nhiều gấp rưỡi của ly, vậy mà người bán vẫn múc đầy giống nhau, với cùng giá tiền. Nắm được ”bí quyết” đó, những lần sau, mỗi lần ăn nhãn nhục là tụi tôi luôn mua bằng ca nhôm!                         
- Xương xâm: Những buổi đi tập ngoài Bãi, các túi “xương xâm” là món ăn chơi vừa mát, đã khát mà lại rẻ.                                                                                             
- Xôi gà : Ngoài thức ăn của “Nhà Bàn” cung cấp, được xe Camion giao tận Bãi những lần đi tập, tụi tôi thích bồi dưỡng thêm bằng các gói xôi gà rô ti, thường được các Hạ sĩ quan cán bộ mang theo bán. Thời đó, vừa trẻ, vừa đói bụng, nên ăn cái gì cũng thấy ngon! Bây giờ ngược lại, món nào cũng đầy rẫy, nhưng ăn gì vào cũng ngán, ăn gì vào cũng… sợ!                                      

Tai nạn máy bay Air Vietnam: Trên tôi một lớp, cùng Ban Pháp Văn, có hai nữ sinh viên: Cô Kính và Cô Nhung, ngoài việc theo học tại ĐH Sư Phạm, không biết bằng cách nào mà hai cô, cùng lúc, còn làm “Hôtesse de l’air” cho hãng Air Vietnam. Năm 1970, do thời tiết xấu, có một chuyến bay Air Vietnam bị nạn, rơi ở vùng Cao Nguyên, nghe đâu vùng Pleiku hay Kontum gì đó. Cô Nhung tử nạn cùng toàn bộ Phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay. Tôi nhớ Cô Nhung khá đẹp người, thon gọn, tóc để ngắn, uốn úp vào theo kiểu “Poupée Japonaise”, thường ngày hay mặc áo lụa dài, hiền lành, ít nói. Tin cô tử nạn gây chấn động mạnh trong giới bạn bè, trong đó có tôi. Nghe nói Cô đã có “fiancé” là một BS và cũng sắp đến ngày cưới. Tôi có đến chia buồn tại nhà Cô ở Gia Định. Nghĩ cũng kỳ lạ, không quan hệ, không bà con mà sao cái chết đó cứ mãi ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó? Đúng là “hồng nhan bạc mệnh”.

Vụ xô xát tại khuôn viên ĐH. Sư Phạm trong mùa bầu cử Đại diện năm 1971:
Trong thời gian này, hoạt động của các phong trào SV tranh đấu khá mạnh trong khuôn viên các Đại Học. ĐH Sư Phạm dù đằm thắm, hiền hòa hơn, so với Văn Khoa, Luật Khoa… cũng không thoát khỏi các nhiễu nhương đó. Đa số tụi tôi thuộc thành phần “thầm lặng”, đứng ngoài, không tham gia chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có, một bên là những sinh viên thuộc nhóm tranh đấu, với sự hổ trợ ngấm ngầm của Tổng Hội SV, bên kia là nhóm “sinh viên thuần túy”. Cả hai nhóm hăng hái lập liên danh ra ứng cử vào chức Đại Diện Trường. Trong nhóm “Sinh viên thuần túy” tôi nhớ có Hoàng Tam Khôi, Nguyễn Tự Cường, Bích Liên ban Anh Văn. Phía Tranh Đấu, có Ngô Phàn, người Quảng Ngãi, và một số SV khác, phần lớn thuộc các ban Việt Hán, Sử Địa. Sau nhiều căng thẳng qua các hoạt động tranh cử, đến lúc bầu cử, đứng trước kết quả bầu cử sơ bộ đang nghiêng hẳn về phe “Sinh Viên thuần túy”, nhóm Tranh Đấu, dù không trưng dẫn bất cứ chứng cớ nào, đã hàm hồ lớn tiếng tố cáo bầu cử gian lận và kêu gọi xóa bỏ kết quả để bầu lại. Thế là cả trường đang yên ổn, bỗng sôi sục, dậy sóng. Để đáp lại, Ban Tổ Chức ra thông cáo sẽ có buổi họp tại Câu Lạc Bộ Khoa Học, để tuyên bố kết quả bầu cử. Giữa lúc SV đang tập trung đông đảo trong phòng họp, một trái lựu đạn cay đã được “ai đó” thảy ra. Nghe tiếng la báo động: “lựu đạn! lựu đạn!”, Sinh viên hốt hoảng, hổn độn, mạnh ai nấy chạy, vì sợ không biết sau lựu đạn cay sẽ là cái gì? Tội nghiệp mấy cô, nước mắt nước mũi chảy ròng, tay ôm guốc, giầy cao gót, tay ôm tập vở chạy trối chết.
Ngay sau đó, Ban Tổ Chức Bầu cử quyết định sẽ tổ chức một buổi họp ngoài trời, ngay tại khuôn viên Trường SP, nhằm lên án thái độ hung hăng và bạo động của nhóm Tranh Đấu và cũng để công bố kết quả bầu cử. Vào ngày đã định, sinh viên tập trung đông đảo tại sân cỏ trước trường. Một cái bàn gỗ và ghế dài được mang ra, dành cho ban Tổ Chức. Đặc biệt vì tổ chức ngoài trời, kỳ này còn trang bị thêm “Microphone” và  loa phát thanh. Tôi ngồi cạnh Ngoc Dung và một số bạn, dọc theo mái hiên trường, đằng sau bàn của Ban Tổ Chức, nhìn ra sân cỏ, nơi tập trung chính của các SV tham dự. Điều đáng ghi nhận là hôm đó, ngoài đám SV của trường mà chúng tôi biết mặt, lại thấy xuất hiện nhiều khuôn mặt lạ, khả nghi mà về sau nghe nói là “người” của Tổng Hội SV đưa đến. Ban Tổ Chức vừa tuyên bố khai mạc và đang trình bày lý do của buổi họp. Chưa dứt lời, đã thấy mấy tên trong nhóm Tranh Đấu xông vào, xô đẩy, cố dành “Microphone” và giựt đứt dây. Đúng là giọt nước làm tràn ly! Không cần phát súng lệnh, cuộc ẩu đả bắt đầu. Hai bên xua quân, nhảy vào đấm đá túi bụi, quyết ăn thua đủ. Vì ngồi cạnh cô bạn gái mới, nên tôi còn ngập ngừng, chưa nhập trận. Tôi chợt nhìn thấy, giữa đám đông, Nguyễn Trí Lợi, ông bạn nhỏ con, ốm yếu ban Anh Văn của tôi, đang bị đánh đấm thê thảm bởi một tên khá lớn con, mặt mày lạ hoắc! Theo phản xạ tự nhiên, không chút suy nghĩ, tôi đứng dậy, bất chấp sự can ngăn của cô bạn gái ngồi kế, bước nhanh đến cứu Lợi. Khi tên lạ mặt kia nhìn thấy tôi thì đã trễ. Tôi giáng cho y một cú “Uppercut” ngay cằm, làm y té gục xuống sân cỏ và tôi cũng bước vội ra khỏi ”đấu trường”. Mục đích của tôi là cứu bồ, chứ không có ý tham gia đánh đấm. Trong khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn, phần thắng hiển nhiên ngã về phía sinh viên thuần túy, với sự tiếp tay của đa số lâu nay vốn dĩ thầm lặng. Mấy tên lạ mặt bắt đầu rút quân, bỗng có tiếng la lớn: “Anh em coi chừng! Ngô Phàn rút búa ra kìa!” Thế là đám đông, một số bỏ chạy, số còn lại rượt theo, xô ngã Ngô Phàn, giựt được cái búa trên tay y và chạy mang vội vào trình Thầy Lê Văn, Khoa Trưởng SP vừa xuất hiện. Về sau, khi được Thầy Khoa Trưởng cho gọi vào văn phòng hỏi chuyện, Ngô Phàn tự bào chữa và giải thích, y đem theo búa trong cặp nhằm sửa cái bàn Ping Pong, chứ hổng phải để đánh lộn. Sau 75, tôi không ngạc nhiên khi nghe tin Ngô Phàn được cử về làm Hiệu Trưởng một Trường TH ở Miền Tây, chắc là để tưởng thưởng công sức nằm vùng của y.

Năm 1996, lần đầu tiên về thăm Việt Nam, tôi nhờ người bạn chở đi thăm lại Trường Sư Phạm. Sau hai mươi lăm năm từ ngày ra trường. Cảnh vật giờ đã thay đổi nhiều, Đại Lộ Cộng Hòa ngày nào, nay bị đổi tên. Cái tên mới nghe thật “bình dân” và lạ lẫm, Nguyễn Văn Cừ. Phải loay hoay mãi tôi mới tìm được lối vào bên trong khuôn viên trường cũ. Hai dãy lầu ngày xưa chứa các lớp học, nằm song song hai bên sân cỏ, vẫn còn y nguyên, nhưng không dấu được vẻ tàn tạ do thiếu chăm sóc. Cái cây cao ngày xưa, từng che mát cho tôi và bè bạn, những lúc chờ đợi giờ vào lớp giờ đã thành cổ thụ. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn một thời bỗng tràn về. Nhìn đám sinh viên qua lại, tôi chợt bắt gặp hình ảnh của chính mình và bạn bè. Thuở đó đã xa xưa như chuyện cổ tích. Hôm nay trở lại, tôi bỗng thấy minh xa lạ, cô tịch như hồn ma chưa siêu thoát, còn quyến luyến cảnh xa xưa.
Một ý nghĩ chợt thoáng qua đầu làm tôi giật mình đánh thót: Ngày mình tốt nghiệp hai mươi lăm năm trước, đám sinh viên này vẫn còn là… những hạt bụi giữa trời chưa tìm được bến đỗ.

Viết xong ngày 02 tháng 6 năm 2018
TRẦN VĂN THUẬN



Đăng ngày 24 tháng 09.2019