Hồi ký
Trần Văn Thuận sinh ngày 19/05/1949 tại Huế.
Tốt nghiệp ĐHSP Saigon, Ban Pháp Văn, niên khóa 1968-1971.
Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn, ĐHVK Saigon năm 1970.
Dạy học tại: THPT cấp 3 An Mỹ, Bình Dương 1971-1975. Tư Thục Lasan Taberd, Saigon 1973-1975. THPT cấp 3 Tân Uyên, Sông Bé 1976. THPT cấp 3 Lái Thiêu Sông Bé 1977-1979.
Vượt biên năm 1981, hiện định cư tại Houston TX.
Vượt biên
lan man tự truyện
Nói đến đề tài vượt biên, tôi tin chắc ai cũng đã từng nghe hoặc đọc nhiều câu chuyện, đa số thật rùng rợn, đầy chết chóc, tang thương, như những câu chuyện được kể bởi những nhân chứng đã sống sót và trở về từ đảo Ko Kra kinh hoàng… Câu chuyện của tôi là một câu chuyện... có “happy ending”, nhưng không phải vì vậy mà thiếu đi những hồi hộp, tù đày, những mất mát, lường gạt, cọng thêm nổi ám ảnh không nguôi của một vài cái chết, dù xa lạ, tình cờ… và cũng thật nhiều những may mắn bất ngờ, khó tưởng.
CUỘC ĐỔI ĐỜI... NGOÀI Ý MUỐN
Vào thời điểm năm 1975, vợ chồng tôi đã có được một cháu trai vừa được 5 tháng tuổi. Là con út, với các anh chị đang ở xa hoặc ở riêng, chúng tôi vẫn còn chung sống với Ông Bà Nội tại Sài Gòn, mặc dù cả hai đang công tác tại Trường THPT Cấp 3 An Mỹ, thuộc tỉnh Bình Dương, nằm cách Sài Gòn khoảng 30 cây số. Nhờ Trường không quá xa, nên chúng tôi có thể dễ dàng sáng đi, chiều về. Mặt khác, nhờ có ông bà Nội thương lo, chăm sóc, trông chừng cháu, nên vợ chồng tôi tạm yên tâm khi đi công tác xa. Nhờ phụ trách cấp lớp thi, nên số giờ giảng dạy quy định cho chúng tôi,không kể số giờ phụ trội, thường không quá 16 tiếng một tuần, và với sự sắp xếp khéo léo của Giám Học, thời gian công tác xa nhà thường không quá 2 ngày hoặc 2 ngày rưỡi mỗi tuần. Thêm 2 ngày tôi nhận dạy thêm tại Trường Lasan Taberd, thời gian còn lại, bọn tôi có dư để dung dăng dung dẻ. Nói cho ngay, chẳng có ai làm giàu với nghề dạy học, tuy nhiên vì cả vợ lẫn chồng đều đi làm, lại còn sống chung với cha mẹ, nên có thể nói cuộc sống của bọn tôi tương đối cũng thoải mái chứ không đến nỗi thiếu thốn.
Người viết với vợ con (Hình chụp khoảng năm 1979)
Buồn thay, ngày chiến tranh kết thúc, ngày mà cả nước được “thống nhất” dưới màu cờ đỏ “quang vinh” của Đảng CSVN, cũng là ngày cuộc sống của chúng tôi bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn, bế tắc! Ngày 19 tháng 5 năm 1975, lúc dân chúng Sài Gòn “bị” mời gọi xuống đường lần đầu tiên để “hoan hỷ” mừng sinh nhật Cụ Hồ, cũng đúng là ngày sinh nhật thứ 26 của tôi!
Là giáo chức, nhưng lại thuộc diện Sỹ Quan Biệt Phái, với cấp bậc Thiếu Úy, tôi cũng đã phải trình diện chính quyền “cách mạng” như tất cả các sỹ quan khác, trong lúc chờ đợi chỉ thị về vụ đi “học tập cải tạo”.
Thông cáo của Ủy Ban Quân Quản TP Sài Gòn - Gia Định, với nội dung rất rõ ràng là các SQ cấp Úy, lúc trình diện “học tập” cần “đem theo tiền ăn và quần áo, thuốc men... đủ cho 10 ngày”. Hai chữ “học tập” thoáng nghe thật nhẹ nhàng, quen thuộc, cọng thêm con số 10 hấp dẫn, một lần nữa, đã đánh lừa được người dân hiền hòa miền Nam đâm đầu vào rọ. Sở dĩ tôi nói “một lần nữa” vì bản thân tôi cũng đã từng được chính tai nghe lời mời gọi đi “học tập” này một lần rồi, vào dịp Tết Mậu Thân, tại Huế năm 1968, từ một sĩ quan QĐ Nhân Dân, khi họ vào lục xét nhà tôi vào rạng sáng ngày mồng 2 Tết. Sau khi tôi và ông anh tôi từ trần nhà leo xuống, “tự nguyện” trình diện, viên SQ nói: “Chúng tôi về đây chỉ để giải phóng thành phố, hai anh không phải lo sợ, nhà ở, đường đi. Tuy nhiên chiều nay, hai anh lo chuẩn bị ít lương thực, áo quần lên trình diện ở Chùa Từ Đàm để “học tập”. Chắc nhờ phước đức nhà tôi không đến nỗi tệ, nên anh em tôi đã làm lơ không đi “lễ Chùa” như đã được căn dặn, bằng không chắc cả hai cũng đã trắng xương, như hơn 4 ngàn người dân hiền hòa của Huế, không ở Khe Đá Mài thì cũng đâu đó ở Chùa Tường Vân, Lăng Tự Đức hay tại Bãi Dâu, Gia Hội?
Vậy mà chỉ có mới 7 năm sau, tôi đã vội quên. Đã thế, thay vì trình diện Sài Gòn với vỏn vẹn "10 ngày", tôi lại tự ý vác mạng đi trình diện "học tập" tại Bình Dương, nơi đã ra thông cáo, với cùng nội dung, nhưng với một khác biệt “... tiền ăn và quần áo, thuốc men, đủ cho 30 ngày...” nghĩa là dài gấp 3 lần thời gian quy định ở Sài Gòn! Người với trí thông minh trung bình, sẽ nhắm mắt chọn lựa Sài Gòn, riêng tôi thì không. Suy nghĩ của tôi phát xuất từ một nhận định thật ngây ngô: Cuộc đời của một Thầy Giáo như tôi làm gì nên tội, nay đất nước thống nhất, thanh bình trở lại, sẽ chẳng có gị thay đổi, chế độ nào rồi cũng vậy. Mình công tác tại đâu thì nên trình diện tại đó, dù thời gian học tập có dài hơn đôi chút, nhưng làm vậy chắc ăn hơn. Trình diện học tập ở Sài Gòn, dù ngắn hơn, nhưng có gì chắc chắn là sẽ không có đợt 2, đợt 3... nếu có, thì làm sao mà đi dạy ở Bình Dương? Cũng may, Ông Trời vốn hay “đãi kẻ khù khờ”, sau 3 tháng rưỡi “học tập tốt” tại Trường Trịnh Hoài Đức, ngay Lái Thiêu, toàn bộ giáo viên thuộc diện biệt phái, vài người gốc địa phương, số khác là dân từ Sài Gòn như tôi, được thả về, nhằm ngày “Quốc Khánh VC” đầu tiên, 02 tháng 9 năm 1975, để kịp bắt đầu niên khóa mới!
Tay cầm giấy chứng nhận “Tạm tha” với tấm hình đen trắng, tôi giật mình khi nhìn thấy, trên cùng tấm giấy, mình có đến hai chức vụ! Chức vụ công khai: Giáo Sư, Chức vụ bí mật: Thiếu Úy! Thì ra chế độ Cộng Sản khác chế độ Quốc Gia ở chỗ đó: nhìn đâu họ cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu họ cũng thấy gián điệp. Nếu chế độ miền Nam có cùng thái độ, chắc chắn là ngày 30 tháng 4 đã không bao giờ có cơ hội xảy ra!
Được trả tự do, thay vì mừng rỡ, tôi càu nhàu chửi đổng: “Biết vậy đi trình diện Sài Gòn chắc đã về từ khuya. Đúng là ngốc!”. Về đến Sài Gòn, vừa bước chân vào khu phố nơi tôi cư ngụ, hàng xóm, nhất là những gia đình có người thân đi “học tập”, bu quanh, mừng rỡ thăm hỏi. Chỉ khi biết được mình là một trong những người cải tạo đầu tiên của miền Nam được trả tự do tôi mới biết được tôi may mắn đến chừng nào? Những sĩ quan trình diện ở Sài Gòn chưa một ai được thả. Các bạn giáo chức biệt phái như tôi, “lỡ dại” trình diện ở Sài Gòn mãi đến hơn 2 năm sau mới lục tục trở về, có người xui xẻo bỏ mạng, như trường hợp Viên, với biệt danh "Bò Viên", ban Pháp Văn trên tôi một lớp.
Chưa kịp hoàn hồn, ngày 22 tháng 9 năm 1975, chỉ 20 ngày sau khi tôi được cho về, và chưa đầy 5 tháng, sau ngày "giải phóng", cả miền Nam nhảy nhổm như bị “phỏng dái”, nhốn nháo, hỗn loạn với thông cáo đổi tiền. Năm trăm đồng tiền cũ, đổi lấy một đồng tiền mới Cụ Hồ! Không những thế, mỗi gia đình, đông người hay ít người, không cần biết, chỉ được đổi tối đa 100 ngàn đồng tiền cũ, có nghĩa mỗi gia đình chỉ đổi được, đồng đều và vỏn vẹn 200 đồng! Thiếu đủ? Chính quyền Nhân Dân không cần biết. Làm gì với số tiền cũ còn dư không đổi được? Chính quyền Cách Mạng cũng chẳng cần thắc mắc! Không thiếu những đại gia, tư sản mà ngay cả những người dân rất bình thường bức xúc, bất mãn vì bị cướp sạch, đã nhảy lầu hoặc uống thuốc chuột tự tử sau ngày "đẹp trời" đáng nhớ đó! Mà không phải chỉ đổi tiền một lần mà đến ba lần! Thử hỏi có Nhà Nước nào mà tận tình, chu đáo và thương dân như Nhà Nước CHXHCN Việt Nam ta không?
Năm 75 sau khi "học tập " về, bọn tôi vẫn tiếp tục đi dạy lại tại trường cũ, nhưng không còn quy chế hai ngày hoặc hai ngày rưỡi như xưa nữa, mà ít lắm cũng 5 ngày. Sang đến niên khóa 1976, cuộc sống chúng tôi bỗng dưng bị xáo trộn cùng cực do trường cũ bị “giải thể” (đóng cửa). Thay vì được đối ra trường cấp 3 Thị Xã (trước 75 là trường Giu Se, một tư thục Công Giáo, sau 75 bị Nhà Nước xung công) như một số các giáo viên khác, hoặc về một nhiệm sở gần nhà hơn, vợ chồng tôi có giấy thuyên chuyển về tận Trường PT cấp 3 Tân Uyên, trước đây thuộc Biên Hòa, nay trực thuộc Sông Bé, tên mới của tỉnh. Trường nằm sát cạnh Chiến khu D, một vùng hỏa tuyến sôi động trước đây, luôn đứng hàng đầu trong các bản tin chiến sự mỗi ngày. Trường hắc ám đến độ có câu truyền khẩu: “Tân Uyên đi dzễ khó dzề!”, có nghĩa nếu nhận nhiệm sở ở Tân Uyên thì sẽ mắc cạn luôn ở đó, vì chẳng ma nào chịu lên đó để thay cho mình về nhiệm sở mới. Đường đi thì xa hơn và trắc trở hơn, không dễ dàng sáng đi chiều về, mà phải ở lại đêm. Với đứa con vừa hơn 1 tuổi, cha mẹ tôi cũng đã gần tuổi thất thập, dĩ nhiên là chúng tôi cương quyết ra Phòng Giáo Dục phản đối, đòi cứu xét lại. Vợ chồng tôi lì lợm, ngày nào cũng đèo nhau ra “cắm dùi“ trước Phòng Giáo Dục khiếu nại. Cuối cùng hai bên phải tương nhượng: Bà Xã tôi được về Lái Thiêu, chỉ còn cách Sài Gòn 19 km. Phần tôi, chấp nhận thương đau, một mình đi trình diện nhiệm sở mới ở Tân Uyên.
Sau một niên khóa đầy nhọc nhằn ở một trường thuộc vùng… “hỏa tuyến”, không điện, không nước, không giuờng, không chiếu (Phải xếp bàn học lại với nhau để làm giuờng), tôi được chuyển về Trường TH cấp 3 Lái Thiêu, phần do may mắn kiếm đúng “tuyau”, phần do thành tích… “quậy” trong suốt năm trước đó.
Trong 6 năm liền, tôi đã sống qua nhà tù nhỏ, rồi lại bước vào nhà tù lớn, bản năng sinh tồn đã giúp tôi vượt qua bao gian nan, thử thách. Kinh nghiệm của những năm “bao cấp” quả thật quý giá và cần thiết để tôi, cũng như đại đa số người dân miền Nam “sáng mắt” và cũng đã khiến tôi dứt khoát chọn cho gia đình nhỏ bé của mình một hướng đi thật liều lĩnh, một chọn lựa “nhất chín nhì bù”: Vượt biên.
Nói thì đơn giản, nhưng thực tế chẳng dễ dàng chút nào, nhất là vào cái thời điểm mà ngay cả cái “cột đèn, nếu có chân, cũng muốn ra đi”, huống hồ là con người. Nhưng trở ngại “đầu tiên” và khó khăn nhất vẫn là trở ngại “tiền đâu”? Giá biểu của tự do đâu phải rẻ và có thể trả bằng tiền dỏm Cụ Hồ. Giá Tự Do thật ra quá đắt và phải trả bằng vàng, vàng ròng 24 KT! Đã vậy, đâu có gì bảo đảm là chỉ trả một lần là có được? Nhiều người, trong đó có tôi, đã phải trả nhiều bận, có người xui xẻo, bị tù đày, khánh tận, mà vẫn không đi được. Một số không phải ít, theo thống kê, có thể lên đến 20%, 30% số người trốn chạy khỏi nước, đã phải trả bằng chính mạng sống của bản thân và đôi khi còn của cả những người thân yêu đi cùng.
Thời đó, lương giáo viên cấp 3(*) chỉ vỏn vẹn 60 đồng một tháng. Các bạn có muốn biết trị giá của 60 “đồng bạc Cụ Hồ” vào thời điểm đó như thế nào không? Mong rằng các bạn sẽ không quá thất vọng. Với cái lương tháng của một giáo viên cấp 3 đó, bạn có thể mua được 600gr cà phê xay, không phải loại cà phê “cứt chồn”, “cứt voi” đâu. mà là một loại cà phê “hợp chất” đủ thứ: cà phê, cơm cháy, cau khô. hoặc nếu chê cà phê, với số tiền đó, bạn có thể mua được... 6 lít xăng theo giá chợ đen, loại xăng đã pha trộn dầu hôi. Với đồng lương thê thảm như vậy, niềm trăn trở là lấy tiền đâu cho bữa ăn tới chứ hổng phải tiền đâu để mua vàng vượt biên?
Trong hoàn cảnh sống dở, chết dở ấy, tôi may mắn được sự chở che, bao bọc của gia đình. Thấy vợ chồng tôi vất vả quá, vì thương con, Má tôi luôn giục giã bọn tôi tìm đường vượt biên, một đề tài tuy cấm kỵ, nhưng lại khá nóng bỏng vào dạo đó. Nhà nào may mắn còn cất dấu được ít vàng, sau các cuộc đổi tiền, kiểm kê tài sản, đều ráng tìm đường dây vượt biển, ít tiền hơn một chút, thì tìm cách móc nối vượt biên bằng đường bộ! Không có tiền thì cũng có cách, đặc biệt cựu Sĩ Quan Hải Quân nắm được kỷ thuật đi biển rất “cao giá”, hoặc cựu HQ làm ở văn phòng. nhưng có khả năng “ba xạo”, có thể được cho đi miễn phí. Có nhiều tàu xui xẻo gặp phải tay ba xạo, có gốc gác Hải Quân nhưng chẳng biết tí ti ông cụ nào về kỷ thuật hải hành, đến lúc phát hiện thì quá trễ. hên thì cả tàu lên ruột, điêu đứng, nhưng sống sót, xui thì cả đám đành ôm hận nghìn thu. Số khác thì dùng chiêu lừa đảo, gạt gẫm. Người khác, số may mắn, đi mò ốc, mò cua... vô tình phát hiện cảnh vượt biên, dù không bao giờ nghĩ tới hoặc chuẩn bị "xuất ngoại" cũng “nhảy tàu” đi luôn, chẳng ai dám làm khó dễ, do sợ bị phát hiện.
Với những ai từng có chút "kinh nghiệm" vượt biên, đều phải công nhận chưa có bài toán nào hóc búa, nát óc hơn bài toán vượt biên! Tin ai đây để có thể nhắm mắt trao họ một số vàng cho một “mặt hàng” mà mình không có quyền được thấy, được sờ cho đến giờ chót, mà cũng có thể là sẽ không bao giờ được thấy! Ngày xưa, Chúa từng nói với thánh Thomas: "Phúc cho ai không thấy mà tin!" Thời buổi loạn lạc này mà nhắm mắt theo lời Chúa dạy, thì chắc là không có quần mà mặc!
Ông Bà mình đã chẳng từng nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”, trong cơn túng quẫn, đạo lý như một chồi non mọc trái mùa, không còn đất sống, con người dẫm lên nhau mà sống, con người giành giựt nhau, lừa đảo nhau mà sống! Mất tiền, mất vàng nhưng chẳng ai dám há miệng đi tố cáo, có là điên! Cũng ít ai dám liều lĩnh nghĩ chuyện trả thù, dù bị gạt đau như thiến. Vì vậy mà bọn lường gạt thừa thắng xông lên.
BÀI HỌC NHẬP MÔN ĐẮT GIÁ
Tôi biết khá nhiều về cái vụ này, vì tôi cũng đã từng bị thiến đến mấy bận! Năm 1978, ông anh tôi gặp lại người “bạn” của gia đình tên Thân Trọng B, người này ngày xưa, lúc còn là sinh viên, đã từng dạy kèm Toán cho mấy chị em tôi. Dù còn bé, tôi còn biết anh này “trồng cây si” bà chị của tôi, nắn nót chép lại những bài thơ tình với mực tím để lén gửi tặng... nhưng phần biết ba má tôi nghiêm khắc, phần khác, chắc tự lượng sức. không đủ tiêu chuẩn, nên ngay cả khi ra trường cũng không dám tiến tới. Về sau, anh này là một giáo sư Toán khá nổi tiếng ở Đà Lạt và là giảng viên tại Trường Võ Bị Đà Lạt, nơi người anh kế tôi đang theo học khóa 24, trong những năm 67-71.
Gặp lại sau thời gian dài, nghe anh nói đang chuẩn bị cho mấy đứa con đi vượt biên bán chính thức, do mấy người bạn thân của anh đứng ra tổ chức. Nghe người quen, lại là chỗ có thể tin cậy, nói có “tuyau” về tổ chức vượt biên bán chính thức, với giá “thân hữu”, thì tuyệt quá rồi còn gì? Anh tôi đem chuyện kể cho tôi và Má tôi nghe, ai cũng đồng ý muốn tìm hiểu thêm. Nghe Ông GS Toán trình bày sao mà mạch lạc, hay ho quá, làm người nghe ai cũng thấy thật hấp dẫn: Tàu dài bao nhiêu thước, ván dày bao nhiêu phân, gỗ gì, máy móc hiệu gì, mấy bloc... Anh ta hứa sẽ dàn xếp để gia đình nói chuyện trực tiếp với nhóm tổ chức.
Vài ngày sau, khoảng 10 giờ sáng, một chiếc xe La Dalat đến đậu ngay trước nhà tôi. Sau khi vào nhà, hai người đàn ông tự nhận là người trong ban Tổ Chức, riêng người đàn bà vui vẻ tự giới thiệu là vợ của anh TTB. Qua câu chuyện, đại khái họ cũng chỉ xác nhận lại những gì mà TTB đã nói trước đây, riêng về giá cả họ cho biết, vì còn trong thời gian đóng và trang bị tàu, nên ban tổ chức cần vốn, vì lý do đó, ai đóng tiền sớm, sẽ được ưu đãi về giá cả: vợ chồng tôi với thằng nhóc 4 tuổi, sẽ chỉ phải đóng 13 cây, thay vì 20 cây nếu đóng sau khi tàu hoàn tất. Sau phần trình bày, họ mời tôi và người anh theo họ đi xem tàu. Vào lúc mà vượt biên là đề tài cấm kỵ, bị bắt là “Ủ tờ”, bàn tính vượt biên cũng phải nhìn trước ngó sau, nay có người mời lên xe hơi, công khai đi xem tàu, thì rõ ràng họ là... thứ thiệt rồi. Xe chạy chừng 1 tiếng đến một địa điễm, nếu tôi nhớ không lầm là ở Phú Lâm. Đến nơi, chúng tôi chẳng thấy tàu đâu, mà chỉ thấy một cái lườn tàu dài khoảng ba chục thước được chống đỡ tạm bằng các khúc gỗ, nằm chơ vơ trên đất liền, cọng thêm vài sườn tàu chênh vênh chưa tượng hình, tượng dáng. Ở một đầu có cắm một vài nén hương đã cháy còn trơ cọng. Đấy, chiếc tàu mà qua mô tả, cứ tưởng như là chiếc Titanic vô địch, thực ra, cho đến giờ phút này, vẫn còn là một “phôi thai“ không hơn không kém! Trong một hoàn cảnh khác, đối diện một thực tế phủ phàng như vậy, phản ứng của một con người bình thường phải là thắc mắc và đâm ra ngờ vực. Nhưng khổ nổi, giấc mơ đào thoát đã chiếm ngự, đã lấn lướt mọi khá năng phân tích, nhận định, đã biến chúng tôi thành những con người không bình thường, không dám nhìn thẳng vào sự thật, với suy nghĩ: người ta đã chẳng cho mình biết là họ đang thiếu vốn đấy sao? Vì vậy người ta mới cho mình giá đặc biệt! Về đến nhà, sau khi nghe bọn tôi báo cáo thuận lợi, má tôi cũng làm bộ như muốn kỳ kèo bớt giá nhưng thấy không có kết quả, đành bước vào phòng và mang ra 13 lượng vàng lá! Tên đại diện nét mặt hoan hỷ, mở từng gói một, kiếm điểm số vàng bên trong, y còn xin bà xã tôi cây kim cúc, bảo là để thử vàng!? Theo y, chắc cũng phải hơn tháng nữa tàu mới hoàn tất. Ngoài ra, còn phải mua lương thực, trang bị tàu, thủ tục Công An... chắc cũng phải thêm vài tuần nữa. Trong lúc chờ đợi, y nhắc chúng tôi lo tiến hành chụp hình và giao cho y để làm giấy tờ giả, với tên người Hoa. Và đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối, tôi nhìn thấy tận mắt số vàng mà ba má tôi đã chia đều, làm “quà tặng vào đời” cho mỗi đứa con. Đúng ra mỗi đứa con, dù trai hay gái, đều được 10 lượng vàng. Vì còn sống với ba má nên tôi vẫn chưa đụng tới số vàng trên. Như vậy là má tôi đã lỗ mất cho thằng Út thêm 3 lượng nữa!
Ngày tháng cứ qua dần, nhưng chưa thấy động tĩnh nào liên quan đến chuyến đi. Khi được hỏi, “ban tổ chức“ trả lời một cách miễn cưỡng, là phải chờ thêm vài tuần nữa. Lần khác: “Nhà Nước tạm thời đình chỉ chương trình đi bán chính thức, phải chịu khó chờ Trung Ương bật đèn xanh trở lại”. Càng kéo dài, cảm giác bị lừa đảo càng hiển hiện, trong lòng như lửa đốt! Tức giận, tôi đến nắm áo “ông Thầy Toán“, giờ này ông mới thú nhận chẳng biết gì nhiều! Đôi lúc quẫn trí, tôi thật tình nghĩ chuyện “tính sổ” cha nội này! Tuy nhiên, tức giận thì nghĩ thế, nhưng đâu phải dễ dàng để thực hiện những hành động trả thù. Nghĩ đến hậu quả khó lường do hành động điên cuồng của mình có thể gây nên, cũng như nhìn bộ mặt nhăn nhó, năn nỉ của chả, tôi lại thôi. Tôi nghĩ anh ta chắc cũng không đến nỗi tệ để chủ tâm lừa dối gia đình tôi, nhưng có thể, trong hoàn cảnh túng quẫn, y muốn giới thiệu khách, để kiếm chác một vài cây, hoặc tạo điều kiện, để gửi gắm con cái đi cùng, một lối mánh mung khá phổ biến trong một giai đoạn khó khăn, mà ai ai cũng muốn trốn chạy. Nhưng dù biện bạch thế nào đi chăng nữa, theo tôi, anh ta phải chịu trách nhiệm về vụ này, không có lời giới thiệu nồng nhiệt của y, đời nào gia đình tôi lại chịu tin và “chung tiền” dễ dàng như vậy! Lần đầu xuất quân mà đã thiệt hại nặng nề như vậy, đúng là xui xẻo và nản lòng.
"TIN VUI GIỮA GIỜ. TUYỆT VỌNG"
Năm 1979, năm thứ hai kể từ khi tôi được thuyên chuyển từ Tân Uyên về Trường PT Cấp 3 Lái Thiêu. Đang công tác bình thường, bỗng một hôm, người em cột chèo của tôi, Trung Úy Dược Sĩ Diệp Tử K, cho tôi hay, anh ta có đường dây đi chui, do người "quen" tổ chức. Vợ chồng tôi với vợ chồng K. ở gần nhau và rất thân nhau. N.L, vợ của K. là Nha Sỹ và là em gái bà xã tôi. Vào thời gian đó, N.L đang có bầu đứa con đầu lòng. Sau khi “tìm hiểu”, bọn tôi đồng ý giá cả, 8 cây cho hai vợ chồng tôi và thằng con 5 tuổi. Đóng trước 1 cây, phần còn lại sẽ đóng lúc lên tàu. Đã bị gạt trước đây, giờ như chim bị đạn, không còn dám tin ai nữa! Các người tham dự chuyến đi sẽ được chia thành nhiều toán nhỏ, người hướng dẫn nhóm cũng sẽ được chỉ định trước. Trong lúc chờ đợi ngày đi, bà xã tôi, theo đề nghị của má tôi, đã may cho tôi một cái nịt bằng vải, để tôi có thể đeo theo 7 lượng vàng còn thiếu chủ tàu. Riêng phần nàng thì cũng tháo nịt ngực và may dấu bên trong chừng 5 khâu vàng loại 1 chỉ. Chưa hết, má tôi còn nhờ đổi một tờ trăm đô la cho riêng cháu nội và cũng được may dấu vào lưng quần thằng bé. Tất cả sự chuẩn bị đó coi như để chúng tôi có chút tiền tiêu vặt nếu may mắn đến được trại tỵ nạn. Khoảng 10 ngày sau, ban tổ chức cho biết phần chuẩn bị đã hoàn tất, ngày giờ chuyến đi được thông báo, nhưng vì lý do bảo mật, không nghe nhắc đến chính xác địa điểm xuất phát, chỉ biết là miền Tây. Hai vợ chồng tôi và thằng con sẽ được chính ông bạn của K. hướng dẫn. Điểm hẹn với ông ta sẽ là bến Ninh Kiều, Cần Thơ vào 12 giờ trưa ngày D. Riêng vợ chồng K., bà mẹ K. và Tuấn, thằng em trai bà xã tôi, đang trốn “nghĩa vụ quân sự “ đi theo nhóm khác.
Sáng sớm ngày đi, lúc trời còn tối thui, chúng tôi đã khăn gói sẵn sàng, hầu như suốt đêm không tài nào chợp mắt, với bao nỗi lo lắng. Phút giây từ biệt mẹ cha làm tôi sợ hãi, còn hơn cả khi nghĩ đến những con sóng dữ đang chờ đợi chúng tôi trong những ngày sắp tới. Trong yên lặng của màn đêm, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, cố kềm hãm cơn xúc động, dù nước mắt cứ trào ra. Ông bà nội ôm ghì thằng cháu còn ngái ngủ, vừa hôn, vừa sụt sùi, xin ơn trên che chở cho con cháu.
Cái lạnh buổi sáng sớm làm chúng tôi tỉnh hẳn khi vừa bước ra khỏi cửa. Tôi cầm tay vợ con bước nhanh như trốn chạy ra khỏi ngõ khu cư xá Trần Quang Diệu, lòng nhủ thầm “Chào ba má con đi!“ dầu không dám quay đầu nhìn lại!
Dù đã có vợ con, dù đã là thầy giáo, nhưng vì vẫn còn chung sống với cha mẹ, tôi luôn có cảm tưởng mình chưa bao giờ thực sự được đảm nhận trọn vẹn cái trách nhiệm của một người chủ gia đình, dù nhỏ bé như của tôi. Xin đừng vội nghĩ đây là một lời than thở. Cuộc sống chung của chúng tôi có thể nói là rất hài hòa, thuận thảo. Ba má tôi thương yêu cô dâu út còn hơn cả con gái và ngược lại, bà xã tôi cũng luôn vui vẻ, hòa hoãn, mềm mỏng với mọi người bên nhà chồng. Nói chung, tôi lớn lên trong sự yêu thương, che chở và đùm bọc của cha mẹ. Lấy vợ, rồi có con, nhưng vẫn luôn nhận được sự chở che đó, nếu không nói là còn hơn cả trước vì nay lại còn có thêm cả ba má vợ. Tôi biết ơn, nhưng không vì thế mà tôi để sự thương yêu che chở đó biến tôi thành một thứ “mama's boy”. Tôi vẫn chững chạc, khéo léo và tự chủ trong mọi quan hệ và quyết định, nhưng vẫn luôn cảm thấy mình may mắn. Kể từ giờ phút này, tôi phải cởi bỏ và để lại cái vỏ bọc đã che chắn tôi bao lâu nay, trong chuyến đi đầy bất trắc và thử thách đang chờ đợi chúng tôi ở đàng trước.
Đúng 40 năm sau, giờ đây nghĩ lại, thật tình tôi hoàn toàn không nhớ tôi đã đi đâu, làm gì. để có thể có mặt đúng ngay giờ hẹn, tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ này, một nơi mà trước đây tôi chưa có dịp đặt chân đến. Tôi vẫn hay nghe nói đến “người đẹp bến Ninh Kiều“, nên luôn mong có dịp đi Cần Thơ một chuyến, để ngắm người đẹp cho thỏa lòng. Giờ đây, dù đang hiện diện tại chỗ, nhưng còn lòng dạ nào! Thay vì dõi mắt kiếm người đẹp. tôi mở to mắt “khẩn trương“ kiếm người dẫn đường. Lạc mất anh ta là... mất tất cả, anh ta là đầu dây duy nhất mà tôi nắm được, có nhiệm vụ hướng dẫn chúng tôi đến nơi tập trung để lên tàu. Sau gần 10 phút quét mắt ngang dọc, tôi mừng rỡ nhìn thấy anh ta đang từ phía trái tiến lại, mắt cũng đang dáo dác, chắc để tìm tôi. Tôi định bụng sẽ lại chào hỏi anh ta và hỏi xem anh ta những “chỉ thị” cần thiết. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy anh ta tỏ ra mất bình tĩnh khi nhận ra tôi. Không chào hỏi mà cũng chẳng cần chờ đợi, anh ta vội vã gọi một chiếc xe lôi và nhảy phóc lên. Ở thế bị động vì bất chợt, không chuẩn bị, đến phiên tôi cũng phản ứng hốt hoảng, lôi tay vợ con, và gọi giật một chiếc xe lôi khác đang chạy trờ tới. Tôi gấp rút đẩy vợ con lên xe, mắt vẫn luôn dán chặt vào chiếc xe của người dẫn đường, miệng kêu người đạp xe chạy theo xe trước, mà tuyệt không nói đi đâu! Tôi vừa lo lắng vừa rủa thầm cái tên dẫn đường ngu ngốc và chết tiệt kia! Chạy chừng mười phút, vừa vượt qua một cây cầu, tôi thấy xe trước đổ lại trước một quán nước và tên hướng dẫn bước vào. Đến sau chừng 3 phút, sau khi trả tiền xe, tôi cũng lật đật kéo vợ con vào quán, kêu vội một ly cà phê sữa đá, mắt vẫn chằm chặp nhìn tên dẫn đường cà giật kia. Y tránh mắt tôi, cầm vội ly nước ngọt, tu một hơi dài và lửng thửng đứng dậy bước ra khỏi quán. tôi lại giật mình đánh thót, bụng chửi thề gần thành tiếng, dù cà phê chưa kịp đem ra, tôi lại vội lôi vợ con chạy theo thằng chả, lưng cảm thấy thật nhột nhạt, vì biết có nhiều ánh mắt ngờ vực đang nhìn theo. Tôi thấy thằng chả đi thẳng xuống bến đò máy, nằm xéo xéo bên kìa đường và leo lên một chiếc ghe đang nổ máy. Vợ chồng tôi cũng hấp tấp leo lên theo. Khỏi cần nói, chắc các bạn cũng biết tôi giận cái “ông” dẫn đường mắc dịch này chừng nào. Tôi chỉ mong đến được nơi nào vắng vẻ, để bóp cổ tên này một lát cho hả giận! Thật đúng Ông Trời thương, che mắt bọn Công An, ngoài những trường hợp hớ hênh vừa kể, do bị đặt vào thế bị động, chỉ cần nhìn sắc diện vợ con tôi, chắc cũng đủ đoán biết đây là dân Sài Gòn đang trên đường vượt biên. Trời sinh tôi nước da sậm, nếu không nói là hơi đen, nên đi đâu, làm gì, chắc cũng chẳng ai thèm để ý. Riêng vợ con tôi, dù đã cố tình ngụy trang với những bộ áo quần khá bình dân, lại còn đội cái nón lá cũ rích nhưng nước da trắng hồng thì thật khó che dấu. Mỗi lần vợ tôi lấy nón xuống để quạt, là mỗi lần tôi phải giành lại nón và... chụp lại lên đầu nàng. Cũng có thể tôi “có tật gìật mình” cũng nên? Ghe rời bến với chừng khoảng hơn 10 khách, ông dẫn đường cho đến giờ vẫn còn tịnh khẩu. Sau chừng 45 phút, ghe cập bến, tôi quan sát thấy ai cũng trả tiền, thì đoán chắc ghe này không phải của tổ chức. Thấy ông dẫn đường bước lên một ghe khác, bọn tôi cũng nối gót bước theo lên. Sau hơn 2 tiếng bập bềnh sóng nước, cuối cùng rồi ghe cũng đến trạm cuối, một cù lao thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng. Cũng đã hơn 6 giờ chiều khi chúng tôi bước chân vào điểm tập trung. Nhiều tàng cây, giúp cho khu vực bớt trống trải. Tại đây, tôi mừng rỡ gặp lại những người quen trong gia đình, ngoài ra còn có Tỵ, người bạn nối khố của K. với rất nhiều điểm trùng hợp: Cả hai đều là Trung Úy Dược Sỹ, đều là dân Nam Kỳ, hiền lành, vui tánh, thuộc loại “ăn to nói lớn“, cả hai đều là con một, to mập, lớn con, đều làm việc chung ở Phòng Y Tế Phú Nhuận, đều dẫn mẹ theo. chỉ có một khác biệt là Tỵ còn độc thân tại chỗ. Hai ông bạn này thân nhau còn hơn cả ruột thịt.
Trời bắt đầu sẫm tối, mọi người được thông báo giữ tuyệt đối im lặng, và nên kiếm gì ăn đỡ đói và chuẩn bị chỗ nằm nghỉ tạm, chờ khuya tàu lớn sẽ đến đón. Tôi lấy khúc bánh mì chả mang theo từ sáng sớm, nay đã có chút mùi thiu, bẻ ra chia cho mẹ con ăn tạm. Sau đó trải miếng vải dầu ra cho gia đình nằm. Thức suốt đêm qua, lại thêm một ngày dài di chuyển đầy lo sợ, hồi hộp, giờ đây, tôi cảm thấy thấm mệt, người mỏi nhừ. Phần lớn người trong nhóm chắc cũng đã kiệt sức, nên đều kiếm chỗ nằm. Trời mỗi lúc mỗi tối thêm, càng về khuya càng gió và hơi lạnh. Nằm thao thức, nửa mê, nửa tỉnh, trong đêm tối dày đặc, thỉnh thoảng tiếng ghe máy nổ dòn dã từ xa vọng lại, tôi thấp thỏm tự hỏi, không biết phải tàu mì̀nh không? Cứ thế tôi chìm vào gìấc ngủ lúc nào không hay. Bỗng nhiên, tôi đột ngột bị đánh thức bởi tiếng giục giã, không biết của ai: ”Bà con thức dậy! Thức dậy! Tàu không đến được! Phải dậy ngay, về lại Sài Gòn!“. Tôi lạnh cả người, sự sợ hãi như ôm chụp lấy tôi. Tôi vùng dậy, quờ tay nắm được tay bà xã, lúc đó cũng đã thức dậy, mặt mày nhăn nhó, hốt hoảng. Chưa kịp lấy lại thần hồn, bỗng nhiên từng loạt súng nổ, đạn bay cheo chéo qua đầu chúng tôi, kèm theo tiếng chân chạy rượt đuổi, ánh đèn rọi và tiếng chửi thề: ”ĐM tất cả nằm yên tại chỗ, đứa nào chạy là bắn bỏ! ĐM bọn nó dzô đây ăn ị đã mấy ngày rồi mà mình không biết!“ Thật kỳ lạ, vừa nghe tiếng súng, thì cơn sợ hãi của tôi cũng vội tan biến ngay, tôi gập người nằm che chắn ngay trên thân thể vợ con. Súng vẫn tiếp tục nổ dòn như muốn cướp đoạt tinh thần, cảnh hỗn loạn toàn khắp, tiếng khóc la vang lên nghe thật rợn người! Một tên đến gần, rọi đèn vào mặt tôi, đồng thời ra lệnh cho tôi đứng dậy. Y mau mắn lấy giây trói thúc ké hai khuỷu tay tôi ra đàng sau. Do phản xạ tự nhiên, tôi cố tình khuỳnh tay rộng ra, chủ ý không để y trói quá chặt. Trói tôi xong, y chuyển sang trói người khác. Đàn bà con nít may mắn không bị trói. Lúc đó tôi nghĩ chắc cũng khoảng 3, 4 giờ sáng, vì trời vẫn còn tối. Khoảng một giờ sau vụ đột kích, toàn bộ số người bi bắt giữ được tập họp lại và được lệnh tuần tự di chuyển xuống ghe, để được đưa về trụ sở Xã. Mặt mày ai nấy đều não nề, ủ dột trông thật thảm hại! Với hai tay bị trói quặp đàng sau, tôi khập khiễng bước theo vợ tôi, bất lực nhìn nàng, mặt mày méo xệch, một tay xách túi áo quần, tay kia chật vật ẵm thằng con. Đã thế, bọn tôi còn phải bì bõm lội nước gần ngang thắt lưng, trước khi được kéo lên ghe. Trong bóng tối, với hai tay tương đối không bị trói quá chặt, tôi im lặng tháo cái nịt vải đựng 7 cây vàng, mà tôi đã đeo ở thắt lưng suốt trên 24 giờ qua. Đầu tôi suy nghĩ thật nhanh, nhưng vẫn chưa tìm được cách nào khả dĩ giải quyết được mấy lượng vàng quái ác này. Để chúng tịch thu thì không những đau mà không chừng còn bị kết thêm tội tư sản thêm rắc rối, mà liệng bỏ thì cũng không đành. Tôi lại tạm bỏ chúng trở lại vào túi quần chờ cơ hội. Tôi thì thầm bàn tính với bà xã về cách thức khai báo, làm sao cho “thuận lợi” và ăn khớp với nhau. Trong cơn nguy biến, đầu tôi sao thật “lạnh“ và bình tĩnh. Tôi cho nàng biết, tôi sẽ khai tôi là giáo viên Tiểu Học, bị nám phổi, nên đã nghỉ việc khá lâu; sống bám vào vợ là thợ may. Vì tự ái, nên hay nóng nảy, gây gổ nhau. Có bà khách thấy hoàn cảnh tội nghiệp, hứa cho đi cùng chuyến, chỉ cần đóng góp tượng trưng 5 chỉ vàng để mua dầu máy. Bây giờ mới biết là mình bị lừa. Đại khái phải khai làm sao cho cái “tôi” của mình trở nên thật “nhỏ”, với hoàn cảnh thật éo le, đáng thương. thay vì hình ảnh một tên tư sản tìm đường, trốn đi ngoại quốc. Trong hoàn cảnh đen hơn mõm chó, tay bị trói gô, như heo sắp vào lò thịt, mà còn đủ bình tĩnh ngồi bịa chuyện, thì trong đời chắc chỉ có thằng tôi đây! Biết vậy, hồi mới qua, tôi theo chân Nguyễn Ngọc Ngạn học nghề, biết đâu, giờ này cũng đã được ấm thân và có nhiều cô ái mộ...?
Đoàn ghe khoảng hai, ba chiếc, vừa chạy chừng năm, mười phút, tôi chợt thấy mẹ của K., đang ngồi cách tôi một vài người, quay người lại, nói gì đó với vợ tôi, nói xong, bà ta thả vật gì đó xuống nước. Về sau hỏi ra, mới biết bà và một số khác, đã liệng vàng xuống sông! “Thà cho Hà Bá ăn còn hơn cho Việt Cộng!“ Không biết bà có hội ý trước với K, hay đã tự ý liệng bỏ, không thương tiếc, bao dành dụm chắt chiu cả một đời người? Phần tôi, vẫn chưa biết phải làm gì với 7 cây vàng trong túi? Liệng xuống sông với tôi, là chuyện không thể và không đành lòng. Tôi nghĩ vội, dấu 1, 2 cây chắc dễ hơn dấu 7 cây. Thay vì để chung, nếu mất là mất sạch, còn nếu mình tách ra, mình sẽ có hai cơ may, ráng “cứu” được, dù chỉ 1 cây, cũng đỡ hơn là mất hết ! Nghĩ vậy, tôi lại lần tay vào túi, móc nịt vải đựng vàng ra, lấy tách riêng ra một cây, xong tôi lại nhét trở lại vào túi quần.
Sau gần 1 tiếng chạy loanh quanh, trời vừa tờ mờ sáng, thì ghe cũng về đến bến. Bọn tôi lại phải lê lết xách bao bị đi bộ về trụ sở Xã, cũng cách đó không bao xa. Họ cởi trói cho nhóm đàn ông bọn tôi và lùa toàn bộ chúng tôi lẫn hành trang vào một căn phòng khá rộng có cửa gỗ. Tôi đảo mắt thật nhanh cố quan sát. Cái đầu tiên đập vào mắt tôi là một đống lúa, không lớn lắm và cao cỡ tới đầu gối, nằm ngay gần cửa ra vào. Trong tích tắc, tôi nghĩ đã tìm ra giải pháp tạm cho mấy cây vàng của tôi. Trong lúc mọi người đang lăng xăng, gọi nhau ơi ới, lo tập trung hành lý vào bên trong, tôi làm bộ như quá mệt mỏi, mặt nhăn nhó, ngồi bệt xuống sát cạnh đống lúa, mắt lim dim ra vẻ như muốn ngủ. Thật ra, lúc đó tay tôi đã nắm gọn cái nịt vải đựng vàng trong túi. Khi biết chắc không ai để ý, tôi nghiêng nhanh mình, nhét vội cái nịt vải vào đống lúa. Tôi đứng ngay dậy và bước xa khỏi đống lúa, lòng cảm thấy nhẹ nhõm mặc dù số phận của tôi, cũng như của mấy cây vàng, trong những giờ phút sắp tới, vẫn còn là một dấu chấm hỏi thật lớn! Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm được, nhưng cũng chỉ là “phản ứng giai đoạn”, đến đâu hay đó, que sera, sera!
Từ lúc bước chân vào phòng, vì phải tập trung lo giải quyết mấy cây vàng, phải thú nhận tôi không để ý theo dõi xem vợ con tôi đang ở đâu và làm gì? Cũng tương tự, bà xã tôi hoàn toàn không hay biết những gì tôi đã làm, vì nàng cũng có những chuyện riêng cần đối phó về phía mình.
Sau chừng 20 phút, tất cả đàn ông được yêu cầu mau chóng rời khỏi phòng, duy chỉ đàn bà và trẻ em ở lại. Tôi giật mình tự nhủ: Xui thật! Thế là đi đong cả 6 cây vàng rồi! Tuy nhiên, tôi cũng tự an ủi: Cũng may mình đã lấy riêng ra 1 cây, bằng không giờ này “mậu lúi” rồi. Vừa bước ra, chúng tôi được yêu cầu chuẩn bị xếp hàng để cho An Ninh Xã khám xét người. Vì trong túi quần tôi có cây vàng lá, nên tôi cố tình đứng phía sau cùng để quan sát, xem bọn này khám xét ra sao?
Tôi thấy bọn nó bắt mọi người móc trình bóp, lục xem kỹ càng rồi trả lại, dĩ nhiên, nếu ai có dấu tiền Đô la, hay tư trang vàng bạc thì bị tịch thu. Sau đó là phải tụt quần xuống tận gối, không phải để khoe của quý, mà để mấy ổng xem có dấu đồ quốc cấm bên trong không? Sau khi quan sát kỹ liền mấy người, tôi rón rén lấy cây vàng ra khỏi túi và nhét giữa bàn chân và đôi dép da mà tôi vẫn còn mang. Đến phiên tôi, cũng qua những thủ tục trên. Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là tôi quên bẵng cái nhẫn cưới bằng vàng 18k mà tôi đang mang ở ngón tay áp út thế mà mấy ổng không thấy, nên không tịch thu.
Trong lúc đàn ông bị lục xét ở ngoài này thì bên trong, các bà cũng đang cùng số phận, chỉ khác là do các nữ cán bộ đảm trách. Theo lời vợ tôi kể lại, trước khi lục soát, nàng đã nhanh trí giấu chiếc nhẫn cưới hột xoàn trong cái quai nón và thắt chặt lại thành cái nơ, đồng thời đặt thằng con ngồi trên vành nón. Riêng các khâu vàng may dấu trong áo ngực, cũng như tờ 100 đô dấu trong lưng quần thằng con may mắn đã không bị phát hiện. Sau gần 1 giờ, cuộc lục soát tạm ngưng, cánh cửa gỗ lại được mở rộng, đám đàn bà con nít được lệnh bước ra khỏi phòng, để lại đàng sau toàn bộ đồ đoàn, túi xách. Dưới sự điều động của một công an mang súng, chúng tôi được lệnh di chuyển. Tôi rầu thúi ruột, tự nhủ, coi như thực sự vĩnh biệt mấy cây vàng. Đúng là “Từ nay mãi mãì không thấy nhau!” (Lời bản nhạc “Mùa Thu chết” của Phạm Duy).
Đoàn người thiểu não, mặt mày hốc hác, thất thểu bước đi như đám Cái Bang. Dường như đã biết trước sự có mặt của đám vượt biên bị bắt giữ, một số người dân địa phương tập trung dọc hai bên đường lộ, họ tò mò nhìn chúng tôi, những người khách không mời, bước ngang qua, tay chỉ trỏ, cười nói, điều đáng ngạc nhiên là tuyệt đối không một ai trong họ, có lời nói hay cử chỉ nào có tính cách thù nghịch hay chửi bới.
Không bao xa sau đó, chúng tôi được lệnh dừng chân và tấp vào một hai căn nhà dân gần đó. Chúng tôi rất đổi ngạc nhiên khi thấy mọi người ăn nói ngọt ngào, thân thiện. Một người đàn bà trung niên vừa cười, vừa vui vẻ nói: “Thôi đừng buồn nữa bà con ơi! Thua keo này, bày keo khác!“ Người khác thì dục bọn tôi ngồi tạm xuống sàn nhà có trải sẵn chiếu: “Bà con ráng ăn uống bậy bạ chút gì kẻo đói bụng!”
Họ đem ra nồi cơm còn nóng hổi, mùi gạo mới bốc lên thơm phức. Trong lúc dân Sài Gòn phải ăn cơm độn bo bo, độn mì sợi, dân quê đãi tù bằng gạo trắng thơm, thì quả là đại hào phóng. Họ dọn ra nào tôm nhỏ rim mặn, mấy đĩa dưa hấu, thơm cắt thành lát, muối mè... Đang buồn nản muốn khóc “rống“ lên, bỗng dưng nghe những lời an ủi mộc mạc, dễ thương của đám dân Nam Bộ, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy vừa ngạc nhiên, vừa cảm động! Không ngạc nhiên sao được khi người dân dám lên tiếng, vừa an ủi, vỗ về, vừa giúp đỡ, bênh vực những “phạm nhân” như chúng tôi, một cách công khai, bất chấp sự có mặt của những kẻ đang có nhiệm vụ giải giao chúng tôi?
Chẳng bao lâu sau, tôi dần dà hiểu phần nào về thái độ “hiếu khách” của người dân địa phương, đối với những tù nhân vượt biên khốn khổ như chúng tôi: Tất cả chỉ là dàn dựng cho vở kịch... “Chồng đánh vợ thoa”! Những người đang ân cần tiếp đãi chúng tôi, chắc chẳng ai khác hơn là thân nhân, vợ con, của chính mấy ông Công An xã, đã bỏ công suốt đêm lặn lội, săn bắt chúng tôi! Dưới mắt họ, chúng tôi thuộc giống... “gà đẻ trứng vàng”, nên đã đổi xử như những vị thượng khách, những người khách dù không quen, không mời, nhưng vào một ngày đẹp trời, bỗng dưng tự đâu xuất hiện, tận tay mang lại, “chia xẻ” với họ chút của cải, nào là vàng bạc, nữ trang, nào là áo quần đẹp đẽ, thời trang... mà họ thu hoạch được sau mỗi cuộc “săn người"! Tuy biết vậy, nhưng sau bao nhiêu năm, nghĩ lại, tôi vẫn không trách cứ, thù hận, ngược lại, ở một mức độ nào đó, tôi vẫn có thể dành cho họ một thứ cảm tình khá dễ dãi. Đâu ai có thể cấm đoán họ, vừa bắt bớ, cướp bóc, vừa hành hạ, sỉ vả, đánh đập tù nhân? Chẳng qua là cái bản chất hiền hòa, dung dị của con người nam bộ, đã thể hiện, ngay cả trong những lúc xấu xa nhất của họ. Trước sự vồn vã của họ, bọn tôi cũng ráng ăn qua loa chút gì vì dù sao đã hơn một ngày chưa có gì bỏ bụng. Chúng tôi vẫn không hiểu tại sao họ lại đưa chúng tôi lại đây và bắt chờ đợi lâu đến vậy? Mãi đến hơn 4 giờ chiều mới có lệnh trở lại Trụ sở Xã lấy đồ đoàn, để đi lên trại giam Huyện Long Phú. Vừa nghe xong, tôi như mở cờ trong bụng vì đây đúng là cơ hội bằng vàng 24K!
Sau khi cho vợ tôi biết ý định, tôi vội vã bước nhanh về hướng trụ sở. Đến nơi, ai ai cũng hăm hở tìm kiếm các túi xách của mình, để rồi thất vọng, vì những gì quý giá cất giấu bên trong đã không cánh mà bay trong thời gian vắng mặt vừa qua. Phần tôi, ưu tiên một khi được trở lại căn phòng này là phải kịp thời thu hồi “kho tàng” mà tôi đã vùi lấp trong đống lúa sáng sớm nay. Tôi kín đáo dùng tay mò mẫm nơi tôi đã giả bộ ngã lưng, cố tìm lẹ cái nịt vải với 6 cây vàng. Chỉ có mấy giây mà sao thấy dài đến vậy, tôi mừng rỡ khi tay tôi chạm nịt vải. Thấy không ai để ý, tôi rút vội tay ra, nhét cái “ruột tượng” còn dính đầy lúa vào túi quần. Thật khó tưởng tượng là cho đến giờ phút này, những cây vàng vẫn chưa nở rời bỏ “khổ chủ”!
Một lần nữa, chúng tôi lại bị đẩy xuống ghe để lên Huyện. Vợ tôi mừng rỡ khi nghe tôi báo cáo số vàng đã nguyên vẹn trở lại. Lúc ngồi trên ghe, trong đầu cũng vẫn còn loay hoay tìm cách xử trí mấy cây vàng hiện vẫn còn nặng trĩu trong túi quần. Tiện tay, tôi lấy cây vàng lẽ tôi tách ra sáng nay, cho vào lại cái nịt vải. Như vậy là lại đầy đủ 7 cây. Tôi cũng kêu vợ tôi tháo cái nhẫn cưới vàng 18K giao cho tôi, sau đó tôi lấy cái nhẫn của tôi, lồng ngoài nhẫn của nàng và dấu vào ngăn trong của cái bóp da của tôi.
Suốt từ sáng sớm đến giờ, vì phải giải quyết một vài vấn đề “tế nhị” nên phải thú nhận là tôi đã bỏ bê thằng con, giao hẳn cho mẹ nó “quản lý”. Mà phải nói thằng nhỏ, dù mới 5 tuổi, nhưng rất ngoan và thuộc loại lì, vì không thấy nó khóc la, sợ hãi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Huyện Long Phú khá trễ, tôi đoán cũng khoảng gần 6 giờ chiều. Một lần nữa, nhóm đàn bà con nít bị bắt tập trung riêng rẽ giữa sân cờ, ngay phía trước cửa chính của VP Huyện, và bị Công An tiến hành việc lục soát ngay. Nhóm đàn ông chúng tôi được lệnh ngồi thành 3 hàng ngang, ngay bên trái cửa chánh. Dĩ nhiên, với những toan tính bất thường, tôi chọn ngồi hàng chót, chú tâm quan sát tìm xem có chỗ nào tôi có thể tạm thời “gửi gắm” mấy cây vàng trước khi bị lục soát. Tôi để ý thấy sau lưng tôi, cách khoảng 1 mét, có một cây dương liễu, gốc nhỏ cỡ bằng cổ tay, với đống cỏ khô, vun chung quanh gốc. Đúng là một khám phá tuyệt vời, tuy nhiên phải thật thận trọng vì khoảng cách giữa tôi và gốc cây và hơn thế nữa, một vài viên công an đang đứng ngay cửa chính nhìn ra hướng sân cờ, nơi mấy cô, mấy bà đang bị xét. Tôi chậm rãi rút dây nịt vải đựng vàng cầm sẵn ở tay. Mắt kín đáo quan sát, không những mấy tay công an đang đứng ở cửa, mà luôn cả những người bị bắt ngồi cùng hàng. Tôi nhích từng chút một, cho tới khi tay tôi có thể với tới gốc cây. Bằng một động tác nhanh và chính xác, tôi nhét vội cái nịt vải dưới lớp cỏ khô và rút nhanh tay về. Tôi lại nhích về vị trí cũ, lòng nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng ngàn cân. Qua đó để thấy rõ một điều: người có của bao giờ cũng phải lo lắng, mệt mỏi hơn kẻ trắng tay! Hiện tại, coi như tạm yên vì chẳng còn gì trên người để bị chúng phát hiện. Tới đâu hay đó! Que Sera,Sera!
Tới phiên, tôi “thoải mái” bước ra cho chúng lục soát. Vừa đến gần, tên Công An trợn mắt nhìn tôi, miệng chữi lớn: “ĐM. giờ này mà còn mang dép! Đá cho mày một cái hộc máu bây giờ? “ Tự nhiên bị chữi, tôi đanh mặt lại, không trả lời, hất đôi dép sang một bên. Tên khốn đó chắc nghĩ tôi cất dấu vàng trong đôi dép, như một số người đã làm khi vượt biên, nên tìm cách trấn lột ngay. Cũng hên, lần này tôi không “dẫm” vàng dưới chân như sáng nay. Kế đến, nó đòi bóp tôi, nhưng không như sáng nay, nó chẳng thèm mở ra lục lọi, chỉ cầm lấy và liệng vào một cái bị. Sau đó y dùng tay rà soát khắp người tôi. Không thấy gì, y ra dấu cho tên tà lọt dẫn tôi đi nhốt. Tôi quay đầu nhìn vợ con, trước khi bước theo, lòng bỗng trống rỗng đến kỳ lạ! Tên kia đưa tôi đến một dãy nhà, mái lợp tôn, gồm khoảng 4, 5 phòng. Thay vì cửa, phòng giam xử dụng những song gỗ lớn hơn cổ tay, với hệ thống khóa từ bên ngoài. Y loay hoay mở khóa, tháo hẳn một song gỗ và bảo tôi lách vào. Từ ngoài sáng bước vào, bên trong vừa tối, vừa ngộp, vì ngoài lối ra vào, phòng hoàn toàn không có cửa sổ. Một mùi hôi thum thủm như mùi hố xí làm tôi hơi khựng lại. Ngay cửa, có ngọn đèn dầu hôi leo lét, mắt chưa kịp điều chỉnh, tôi chỉ thấy một đám người hỗn độn, đa số trần như nhộng, mồ hôi nhễ nhại, hầu như ai nấy chỉ mặc độc có cái quần xà lỏn, đang tiến lại bu quanh tôi. Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ đến nhà văn Duyên Anh, với những tiểu thuyết hấp dẫn mô tả cảnh nhà tù thê thảm, với các chúa ngục hung bạo... mà tôi đã có dịp đọc qua trước đây.
Một người tự giới thiệu là trưởng phòng, hỏi họ tên tôi, nghề nghiệp, và tội gì mà vào đây? Tôi mỉm cười, xưng tên, nghề dạy học và tội vượt biên. Tôi cũng hỏi lại anh ta tội gì? Anh cho biết phần lớn tội vượt biên. Tôi lại hỏi tiếp xem họ vào đây bao lâu rồi? Câu trả lời làm tôi giật mình! Người thì nói 8 tháng, kẻ khác gần 2 năm. Tên trưởng phòng quay sang đề tài sinh hoạt phòng giam, trong đó có việc khám vệ sinh. Y nói, vì lý do vệ sinh chung, yêu cầu tôi... cởi quần, cho phép y “khám” như vẫn thường làm với người mới đến. Từ chối sợ bị cho là yếu bóng vía, tôi miễn cưỡng đồng ý. Sau khi nhìn ngắm kỷ lưỡng trong lúc cử tọa cười rúc rích, y lạnh lùng tuyên bố một câu làm tôi giật thót mình: “Theo quy định của phòng, có hai cách xử lý: cu lỏ thì xỏ, cu múm thì cắt! “ Miệng y nói, tay y thì cầm một cây kim bự như kim thợ đóng giày, quẹt qua lại dưới sàn ciment, trong khi một tên đàn em khác ngồi cạnh, một tay cầm cục bông gòn, tay kia chai cồn. Cũng may tôi cũng thuộc loại lớn con, thể hình khá nở nang, lại có chút nghề Nhu Đạo nên không phải dễ bị bắt nạt. Tôi nghiêm mặt trả lời:“ Tôi đồng ý là nhập gia tùy tục, tuy nhiên do điều kiện vệ sinh ở đây không cho phép, tôi không thể làm theo lời mấy anh được!“ Tên trưởng phòng nói: “Nếu vậy, anh có thể tránh vụ kia bằng 100 cái hít đất!“. Tôi đồng ý và bắt đầu ngay. Vừa đếm được 25 cái tên kia đã la lớn: “Ông Thầy giáo chịu chơi! Thôi tha cho ổng!“ Rồi cả phòng vỗ tay cười rủ rượi. Về sau, tôi mới biết, mỗi khi có người mới đến, đều có màn dàn chào, chọc ghẹo, phá phách như vậy. Tôi vậy còn đỡ, có người vô sau bị đè ra... xát dầu cù là vào chim. Cũng nên thông cảm, ở tù rầu thúi ruột, kiếm dịp chọc phá một chút, có chết ai đâu? Riêng mấy ông vượt biên cũng kịp thời đính chánh, chỉ mới “vô hộp” chừng hơn tháng nay thôi! Hú hồn!
Phòng giam cỡ 5m x 8m với khoảng 24, 25 mạng thì phải nằm theo kiểu cá hộp. Phòng đã chật, vậy mà còn phải dành một ô trống, khoảng 1 mét vuông, để làm khu “vệ sinh dã chiến”, với vỏn vẹn một cái xô nhựa, nơi các tù nhân giải quyết việc vệ sinh cá nhân, trong suốt 24 tiếng. Vì là "ma mới", tôi được ưu tiên... “tiếp cận” với cái ô vuông chết người đó!
Tôi cũng được biết đàn bà, con nít không bị nhốt như chúng tôi, họ được tập trung vào một phòng khác không có song gỗ, cách phòng chúng tôi không bao xa, mỗi ngày mấy bà sẽ được điều động đi nhổ cỏ trong sân trại. Việc trước mắt tôi cần làm, là liên lạc với vợ tôi, để nàng biết tôi bình yên và số phận mấy cây vàng. Tiện thể có ông bạn vừa cho tôi trái chuối, tôi xin mảnh giấy và mượn cây bút chì, tôi viết vắn tắt, theo kiểu điện tín, báo cho vợ tôi biết, tôi dấu vàng ở gốc cây dương liễu thứ mấy, trong nịt vải có tất cả 7 cây vàng. nếu thu hồi được, khi gặp tôi, nhớ gật đầu, để tôi biết. Tôi còn dặn, sau khi nhận được “thư”, nhờ mấy ông “lao công tạp dịch” sang phòng tôi, xin thuốc đau răng cho con để tôi biết đã nhận được thư! Lá thư được tôi viết không những bằng tiếng Pháp mà còn... dưới dạng phiên âm quốc tế (Transcription phonétique), một môn học mà cả hai vợ chồng tôi đã may mắn được học trước đây. Lý do là tôi sợ lá thư bị phát hiện và. Sau đó tôi mượn cây dao nhọn, cắt một ô vuông nhỏ, trên thân trái chuối, xếp nhỏ thư lại, nhét vào lỗ trống, đậy vỏ chuối lại, gói trong bọc nylon và nhờ người chuyển qua cho con tôi. Chừng nửa giờ sau, có người đến đứng ngoài song nói vọng vào: “Anh nào là anh Thuận? Bà Xã anh hỏi anh có thuốc gì trị đau nhức không? Thằng nhỏ đau răng”. Tôi mừng rở trả lời là tôi đánh mất túi đựng thuốc rồi. Thế là tôi yên chí bà xã tôi đã nhận được “tín hiệu mật mã“ của tôi.
Mỗi sáng, bọn tôi được phép “xuất khám“ đi tắm trong vòng 10 phút, chẳng phải tắm sông hay tắm giếng mà là tắm vũng! Đúng vậy, đây là một vũng nước chừng 10 thước vuông, nước lên tới khoảng quá đầu gối. Mỗi ngày, trên 100 tên tù, được thay phiên xuống... nhúng nước, kỳ cọ qua loa, hoặc giặt áo quần. Thỉnh thoảng khi trời không mưa, thiếu nước uống, thì cũng múc tạm ít nước vào thùng nhựa, đem về phòng, thêm cục phèn chua, để qua đêm, nước lắng bùn. khi khát quá, cũng nhắp tạm, có chết con ma nào đâu? Tuy nhiên mỗi khi trời mưa, đám tù mừng rỡ, hoan hỉ xách “đồ nghề“ ra sát các song gỗ để sẵn sàng biểu diễn màn “Sau song gỗ người tù hứng nước”. Nhóm “đặc nhiệm” này thường gồm có ba người chính: một người cầm một cây gỗ lớn cỡ ngón chân cái, dài chừng 8 tấc, đầu cây có gắn một cái lon bằng nhựa có đục lỗ bự ở góc đáy lon, đưa cây ra xa để hứng nước mưa từ mái tôn chảy vào lon. Người thứ hai cầm một máng xối tự chế bằng kẽm uốn cong để hứng lượng nước mưa chảy ra từ đáy lon. Người thứ ba cầm một thau nhựa hứng lượng nước chảy từ máng xối qua song gỗ. Hiển nhiên là những người còn lại cũng phụ đổ lượng nước thu được vào thùng. Vào những lúc khó khăn nhất, mới thấy được và cảm phục bản năng ứng phó, óc sáng tạo của con người, dù chân quê mộc mạc.
Hai hôm sau ngày chuyển đến trại giam Huyện, đến giờ đi “tắm”, vừa lách ra khỏi song gỗ, miệng hô lớn số thứ tự của mình, tôi chợt nhìn thấy vợ tôi đang ngồi nhổ cỏ, cách tôi không xa lắm! Bốn mắt dán chặt vào nhau, như thăm hỏi, vấn an. Sau đó, như nhớ điều gì, vợ tôi lật đật lấy nón lá xuống, dùng tay quạt qua lại, vừa gật đầu nhẹ! Quy luật trại giam VC không cho phép tù nhân nói chuyện, thăm hỏi mỗi khi gặp nhau, dù là vợ chồng, thân thích! Nhìn thấy cái gật đầu, tôi mừng như trúng số, vì qua tín hiệu đã giao hẹn đó, vợ tôi cho biết đã thu hồi số vàng tôi đã giấu dưới gốc cây!!
Tối hôm đó, để chắc ăn, tôi gửi “mật thư” thứ 2 cho vợ tôi, với nội dung: số vàng tôi giấu ở gốc cây là 7 cây. Nếu thu hồi đủ, lần tới gặp tôi, nhớ gật đầu để tôi biết!
Hôm sau, cũng vào giờ đi tắm, thấy tôi, từ đàng xa,vợ tôi. lắc đầu! Tôi quả tình không hiểu. Hôm qua tôi thấy rõ ràng nàng đã gật đầu, hôm nay lại lắc đầu. Thế này là thế nào? Tối đó, tôi nhận một mảnh giấy của vợ tôi, cũng dấu trong trái chuối, cũng bằng lối phiên âm tiếng Pháp, với vỏn vẹn mấy chữ: "Chỉ có 6, sẽ tìm tiếp, nếu được sẽ gật đầu cho biết". Đúng hai ngày sau, cũng trên đường đi tắm, tôi bắt gặp một nụ cười thật tươi từ vợ tôi, đầu nàng gật nhẹ, tay thì ra dấu với bảy ngón tay. Về sau nghe vợ tôi kể lại, lần đầu lượm lại được cái nịt vải mừng quá, vội lôi ra để dấu. Đến lúc về đếm lại, thấy chỉ có sáu miếng. Đến lúc nhận giấy của tôi, nàng mới biết thiếu mất một miếng. Hai ngày sau, cùng với cô em gái đang mang bầu, nàng ra lại gốc cây cũ, không phải để nhổ cỏ, mà để lục lọi cỏ. Sau một hồi tìm kiếm, hai chị em mừng rỡ khi thấy lượng vàng lá, với giấy gói màu vàng, nằm lẫn lộn ngay phía trên đám cỏ khô. Nghĩ lại, tôi đoán chắc đó là cây vàng tôi lấy riêng ra, lúc bị lục soát ở Xã, sau đó nhét lại vào nịt vải, trên đường về Huyện. Vì nằm hớ hênh phía ngoài, nên bị rớt ra lúc vợ tôi tìm thấy và lôi ra khỏi đống cỏ. Người vô tư, thoải mái duy nhất trong chốn lao tù, chắc chỉ có... thằng nhóc 5 tuổi con tôi. Qua song gỗ, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy nó, mình trần, nay đã rám nắng, tóc tai vàng hoe, nhếch nhác mồ hôi, chân không giày dép, chạy chơi lông nhông ngoài sân, khác gì một thằng bé chăn trâu. Có lần, nó ghé tạt thăm bố, đứng ngoài song gỗ, tay ôm mấy miếng cơm cháy khá bự của mấy “chú Công An” cho, mắt mở lớn nhìn bố, miệng hỏi: “Bố ăn không?“. Lòng tôi chợt nhói nổi xót xa và tự hỏi: Quyết định ra đi của mình có đúng không? Đem tương lai của con ra để đặt cược có đáng hay không?
Không bao lâu sau, trại giam cho phép gửi thư liên lạc gia đình. Tôi liền viết vài hàng cho gia đình biết tin bọn tôi đang "mắc cạn" tại Long Phú, Sóc Trăng. Tội nghiệp Bố vợ tôi cùng cô con út, lại rủ rê thêm Ông Xui, ông bố của K., kéo nhau đi thăm nuôi. Dù không được cho gặp mặt, nhưng bọn tôi cũng đã nhận được ít tiền mặt và đồ ăn vặt như bánh tét chuối, bánh mì. Nhờ vậy mà bọn tôi có thể nhờ toán nhà bếp mua dặm thêm đồ ăn ở chợ để bồi dưỡng thêm. Nghĩ lại thấy thương bậc cha mẹ, đã quá khổ sở, lo lắng, bồn chồn mỗi lần con cháu nói lời từ giã! Đấy là chưa nói đến những trường hợp nặng nề như nghe tin con cháu bị nạn, chết chóc hoặc mất tích ngoài khơi! Còn nỗi đau nào lớn hơn!
Cũng trong cùng khoảng thời gian này, đến phiên tôi bị kêu lên văn phòng “làm việc”. Viên Công An phụ trách thẩm vấn, lăm lăm quan sát tôi, ngay khi tôi vừa bước chân vào phòng. Qua câu mời ngồi, tôi hình dung anh ta là người Nam. Như đã bàn với vợ tôi trước đây, tôi khai làm giáo viên Tiểu Học, nghỉ việc vì bệnh phổi, phải sống bám vợ là thợ may. Vì đàn ông nên tự ái, đâm ra nóng nảy, hay cải vả, có bà khách thương tình, cho biết đang tổ chức vượt biên, hứa cho đi, chỉ cần đóng góp chút tiền mua xăng dầu, nào ngờ bị lừa. Vừa nghe tới đó, tôi thấy rõ sự thay đổi trên nét mặt lạnh lùng của người ngồi đối diện tôi. Từ thái độ và nét mặt khó khăn của kẻ buộc tội, bỗng chuyển sang thái độ đồng cảm, thương hại của một thằng đàn ông, hiểu được tâm trạng của một thằng đàn ông khác, vì hoàn cảnh, phải sống... bám vợ! Y hỏi tôi có đi lính ”Ngụy” không? Tôi đáp vội: ”không”. nhưng rồi sau chút ngập ngừng, chỉnh lại “dạ có!” Y ngạc nhiên nhìn tôi hỏi: “Tại sao nói không rồi lại có?” Tôi “thật thà” trả lời: ”Tại ngày còn học Đại Học, tôi có học Quân Sự Học Đường vào mỗi kỳ Hè”. Sau khi nhìn vào tờ khai của tôi, y ngẩng mặt hỏi tôi: “Anh ở 83 Cư Xá Trần Quang Diệu?” Tôi trả lời phải. Câu hỏi tiếp làm tôi giật mình: “Cư Xá TQD nằm phía sau bót Cảnh Sát Nguyễn Văn Tập phải không?”. Tôi giật mình vì điều y nói quả chính xác mà chỉ những ai sống ở khu vực đó mới biết được. Sau khi nghe tôi xác nhận, y hỏi tiếp: “Như vậy, nếu đi vào cái hẻm đó, nhà anh quẹo phải hay trái?” Tôi trả lời không giấu diếm: quẹo trái. Y nhanh nhẩu cãi lại: Quẹo phải chứ! Tôi trả lời dứt khoát là quẹo trái. Y không cãi tiếp nhưng nhìn tôi và vui vẻ hỏi: “Anh biết tôi không? Ngày trước có thời gian tôi cũng ở nhà người quen trong Cư Xá TQD, và làm nghề đạp xích lô”. Tôi cũng vui vẻ trả lời là chưa từng gặp. Câu hỏi chót: Anh đạo gì? Một lần nữa, tôi thành thật khai báo: Dạ đạo Công Giáo. Trước khi ra về tôi còn nhỏ nhẹ nói: “Mọi chuyện tôi đã thành thật khai báo và nhận lỗi lầm, xin anh thông cảm cho hoàn cảnh và tìm cách châm chước cho”. Y im lặng gật đầu. Chỉ nhìn nét mặt y, tôi biết chắc tôi đã xuất sắc vượt qua kỳ thi vấn đáp vừa qua.
Tuy nhiên, tôi vẫn không tin mình sẽ được cho về sớm, có chăng là đám đàn bà, con nít. Vì vậy, lá thư thứ ba tôi chuyển cho vợ tôi là để gợi ý cách dấu vàng và nhắc nhở nàng, nếu may mắn được thả về trước, thì nhớ phải nhanh chân đem con ra khỏi trại ngay, đừng quyến luyến, bịn rịn, lỡ xui xẻo thì sẽ mất cả chì lẫn chài!
Có tin đồn sẽ có đợt phóng thích trong những ngày tới nhân dịp bầu cử Quốc Hội, phòng nào cũng chộn rộn với phỏng đoán ai về, ai ở lại?
Vào một sáng đẹp trời, chúng tôi nghe chộn rộn ngoài sân trước, nhìn ra thấy có hai tên công an, tay cầm tờ giấy, đến trước phòng tôi là phòng đầu tiên trong dãy phòng và nói lớn: “Các anh nghe đọc tên ai, thì người đó lấy đồ đoàn và bước ra lẹ! Lê Văn T., Nguyễn Văn D, Đoàn Văn N.” Số người được thả không nhiều, chỉ chừng 3, 4 người mỗi phòng. Người nghe đọc tên, mừng rỡ chụp vội những vật dụng cá nhân, nói vội câu từ giã bạn bè và chuồn lẹ ra khỏi phòng. Sở dĩ mấy người này vội vàng, cũng chỉ vì nghe kể trước đây, cũng có người được thả, nhưng vì lề mề, lễ mễ, chào hỏi bạn bè sao đó làm mấy tên CA bực mình đổi ý, đóng song gỗ lại! Phần tôi, dù đã chuẩn bị tinh thần trước, nhưng cũng chạnh lòng khi không nghe tên mình trong danh sách được thả. Hai tên CA lần lượt đi sang những phòng kế tiếp... Đến cuối dãy xong, họ lại đi vòng ngược lại phòng thứ nhất, lại tháo song gỗ và tủm tỉm cười đọc nốt tên trên danh sách! Ai bảo Công An không có máu khôi hài “đen” làm người khác lên ruột? “Nguyễn Quốc Đ., Trần Văn Thuận“. Tôi giật mình đánh thót khi nghe tên mình, không chậm trễ, tôi luồn lách giữa đám người và vọt lẹ qua khoảng trống của song gỗ. Hiện tại, tôi đã trở thành một tên vô sản thứ thiệt, chẳng có vật dụng cá nhân nào để thu dọn, ngoại trừ bộ quần áo nhầu nát đang mặc trên người. Vừa ra tới sân, tôi đã thấy nhóm đàn bà, con nít đã có mặt khá đông đủ, trong đó có bà xã tôi với thằng con, cô em vợ, hai bà mẹ của K. và của T., tôi hơi ngạc nhiên không thấy hai "ông tướng " đó trong đám người được thả! Một số vật dụng cá nhân bị tịch thu lúc nhập trại, được trả lại cho khổ chủ, trong đó có cái bóp của tôi. Việc đầu tiên sau khi tôi nhận lại bóp, là nhìn vào ngăn khuất, tìm hai cái nhẫn cưới vàng 18K mà tôi đã dấu vào đó. Tôi không chút ngạc nhiên khi thấy ngăn trống vốc. Buồn năm phút, không phải vì trị giá vật chất của món đồ, nhưng vì giá trị tình cảm kỷ niệm ngày cưới. Tôi tự an ủi: cái mất chỉ tối thiểu, cái cứu được mới đáng giá! Với lại, cứ xem như mình vừa được chính quyền cách mạng “giải phóng” khỏi dấu tích “ván đã đóng thuyền!“
Sau khi tập trung đầy đủ, lại có lệnh khám xét giỏ xách một lần chót, nhưng lần này chỉ làm qua loa, chiếu lệ thôi vì nói cho ngay, còn “chó” gì nữa mà xét? Sau khi nghe Ban Quản Giáo ban “lời giáo huấn”, chúng tôi được phép rời trại. Đoàn người tuy tơi tả, áo quần xốc xếch, không giày không dép, nhưng vui mừng như lễ hội, vì bắt đầu hít thở được không khí tự do. Chỉ tội cho vợ, mẹ của K. và của T., mắt cứ nhìn lui phía trại, như cố tìm hình ảnh của chồng con. Về sau, nghe K. kể lại, hai “ông tướng” đã “thành thật khai báo” là Trung Úy Dược Sỹ. nhưng kẹt một nỗi là Cách mạng đã quên lời hứa... “khoan hồng”, nên mới ra nông nỗi bị bỏ lại đàng sau. Làm khổ tôi, về sớm, phải chở Ông Diệp Minh Ch., “ông bố cán bộ tập kết cao cấp” của K. chạy lòng dòng đi gặp các đồng chí của Ổng, trong đó tôi nhớ có Ông Phạm Ngọc Thuần, cựu Đại Sứ VC tại Đông Đức, để lo giấy tờ xin cho K về! Ông bố dù theo Cộng Sản bao nhiêu năm, nhưng cái bản chất vừa nghệ sĩ, vừa Nam Bộ thật thà đã lấn lướt cái bản chất sắt máu của con người Cộng Sản. Ông đã từng tâm sự với tôi: “Con nghe thằng K. nó nói với chú Tư như dzậy, con nghe có được không? Ba là cá nước mặn, còn con là cá nước ngọt, hai bên không thể chung sống với nhau được”.
Về tới Cần Thơ cũng đã chiều, vợ chồng tôi quyết định ở lại đêm, sáng mai mới về lại Sài Gòn. Bọn tôi thuê xe ghé lại Bệnh Viện Cần Thơ kiếm Dượng Năm của vợ tôi, là BS tập kết đang công tác tại đó. Gặp bọn tôi, Dượng mừng rỡ ôm lấy bọn tôi hỏi thăm sức khỏe, vì dượng đã được tin bọn tôi vượt biên bị bắt ở Sóc Trăng. Khi nghe tin K. còn bị giữ lại vì đã thật thà khai báo, Dượng luôn miệng khen bọn tôi: "Bọn con vậy là giỏi, thằng K. dại dột quá, khai thật làm chi để hại thân!“ Phảii nói Dượng Năm là một nhân vật khá đặc biệt mà trước 75 chưa bao giờ tôi nghe nhắc đến. Người Nam, khá cao to, mặt mày sáng sủa, đẹp trai. Ngày xưa ông lấy dì Năm của vợ tôi, là dân học trường Tây. Nghe đâu hai người đẹp đôi và rất hạnh phúc nhưng sau đó bà dì bị bệnh và mất sớm, ông buồn tình theo kháng chiến, tập kết ra Bắc, tốt nghiệp Y Khoa. Sau 75, ông trở về, vẫn còn độc thân. Tìm lại được gia đình bên vợ. Ông mừng rỡ như gặp lại chính gia đình mình. Khi mẹ vợ tôi trao lại ông cuốn nhật ký ngày xưa của dì Năm mà bà còn giữ lại, ông cầm lấy và khóc sướt mướt. Ông người tình cảm, ăn nói ngọt ngào, nên dù mới gặp, con cháu đứa nào cũng thương. Ông rất thương thằng con trai của tôi, ông thường bồng và đùa giỡn với nó, ông lấy tay chỉ vào mặt mình và nói: “Việt Cộng già! Việt Cộng già!” Một hôm, thằng nhỏ vào phòng Ông Năm lục phá gì đó, bỗng chạy ra, miệng la lớn:” Việt Cộng già có súng! Việt Cộng già có súng!” cả nhà ôm bụng cười ngất.
Tối đó, bọn tôi ghé ở lại nhà Lê Thượng H., người bạn thân ngày xưa học cùng lớp ở ĐH Sư Phạm, nay đang làm phụ giảng ở ĐH Cần Thơ. Việc đầu tiên, tôi nhờ H. giúp tôi kiếm chỗ bán một khâu vàng để có tiền ăn mừng ngày ra tù. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại“, phải sống khổ hạnh với cơm trắng, nước tương, nay được nhậu heo quay, uống la de thì phải nói hạnh phúc là đây! Càng đói, càng khổ thì hạnh phúc càng dễ dàng, đơn giản và ngược lại! Có ai dám tin tỷ lệ chán đời tự vẫn của người giàu sang, quyền quý cao hơn thành phần áo rách khố ôm?
Hôm sau, về đến Sài Gòn cũng đã gần chiều, thay vì về thẳng nhà, tôi đưa vợ con về nhà ông anh tôi cách đó không bao xa. Tôi muốn biết tình hình ở nhà ra sao, và cũng muốn tránh gây xúc động cho ba má tôi. Anh chị tôi mừng rỡ khi gặp lại bọn tôi, dù biết rằng chuyến đi thất bại. Mất của nhưng còn gặp nhau, cũng đã là điều may mắn, bao nhiêu người mong cầu nhưng chẳng được! Vì không muốn gây sự chú ý trong khu xóm, nên đến tối, anh tôi mới lấy xe chở bọn tôi về nhà. Ông bà nội tưởng sẽ không bao giờ gặp lại con cháu, nay lại thấy cả đám lù lù xuất hiện. nói sao được nỗi vui mừng, cứ dành nhau ôm thằng cháu cưng, khóc cười lẫn lộn. Lại càng mừng hơn khi nghe tôi đã "cứu" được và mang về nguyên vẹn số vàng đã mang theo!
Sáng hôm sau, bọn tôi lại xách nhau đi trình diện anh Lâm, viên Công An khu vực. Trước đó, má tôi cho biết, trong thời gian bọn tôi vắng nhà, anh CA khu vực, người Bắc, trung niên, tánh tình dễ chịu, đã “đánh hơi” sự vắng mặt bất thường, hay vô ra thăm hỏi. Má tôi trả lời bọn tôi đi công tác ở Trường, đồng thời tìm cách “đấm mỏm” bằng ít quà cáp. Gặp lại bọn tôi, anh ta chỉ cười và hỏi: “Chắc anh chị dẫn cháu đi biển chơi hay sao mà da cháu cháy nắng quá vậy? Tôi cũng cười và nói: “Đâu có! Bọn tôi được trường điều động hướng dẫn học trò làm chông nhọn để hỗ trợ mặt trận biên giới chứ giờ đâu mà đi biển!“. Đây là thời gian bọn Tàu đem quân đánh qua biên giới phía Bắc, nói là để dạy cho VN bài học!
Rồi mọi chuyện cũng trở lại bình thường, với một thay đổi khá lớn: bọn tôi "được" nhà trường cho nghỉ việc vì bỏ dạy cả tháng! Từ nay thầy cô giáo bỗng nhiên mất dạy. Nghe qua tưởng như xui xẻo, nghĩ lại đó là điều... may mắn! Từ nay khỏi thức khuya dậy sớm, khỏi rượt đuổi xe đò, khỏi đem đồ đạc cá nhân đi bán để sống và để phục vụ không công cho một chính quyền mà tôi thấy ngày mỗi xa lạ.
Từ lúc thôi dạy, vợ tôi ở nhà lo chăm sóc con, phần tôi chịu khó chạy lòng vòng kiếm sống lai rai, sở dĩ nói vậy là do bọn tôi may mắn có được sự hổ trợ của gia đình trong những nhu cầu căn bản: ăn uống, nhà cửa. Tuy nhiên nhờ tập tễnh "kinh doanh", mua đầu này, bán đầu kia... mà cũng có thêm chút tiền vô ra, nên tương đối cuộc sống coi ra còn khá hơn thời đi dạy học.
HAI LẦN "THOÁT NẠN" KO KRA
Tuy nhiên, làm gì thì làm, nhưng trong đầu vẫn luôn ngong ngóng tìm đường vượt biên. Vượt biên giống đánh bạc chỗ đó: còn tiền là còn toan tính! Thời gian này có hai nhóm quen đang tổ chức đi, tương đối tin tưởng được. Một nhóm, do gia đình chị bạn làm cũng sở với ông anh, tổ chức cho gia đình đi. Hai vợ chồng chị này trước đây tốt nghiệp ở Mỹ, gia đình có khả năng tài chánh nên đứng ra tổ chức, chủ yếu cho gia đình đi thôi và cũng không có ý mời gọi ai khác tham dự. Tại ông anh tôi khá thân nên biết chuyện và có dẫn tôi xuống nói chuyện và gửi gắm: “Nếu bọn “toi” có đi, nhớ cho “moi” gửi vợ chồng thằng em đi cùng nghe!” Chị bạn cũng ừ è chiếu lệ, nhưng đến lúc đi thì không kèn, không trống, bọn tôi hoàn toàn không hay biết. Cũng không thể trách cứ người ta được, vì người ta đâu có hứa hẹn gì và mình cũng đâu có đóng vàng, đóng bạc gì cho người ta đâu. Thời gian sau có tin là đã đến Thái Lan! Tôi tiếc rẻ, nghĩ mình xui xẻo không được đi cùng! Gần ba tháng sau, có thư từ chị bạn gửi về, cho biết tàu đi không bao lâu bị hải tặc Thái chặn cướp, sau đó đem đàn bà, con nít qua tàu chúng, rồi quây ngược tàu, đâm đắm tàu nhà, toàn bộ đàn ông trên tàu đều tử nạn. Sau đó chúng đưa nhóm đàn bà đến nhốt ở đảo Ko Kra. Đây là một hoang đảo nổi tiếng là địa ngục trần gian, được bọn hải tặc dùng để nhốt các thuyền nhân chúng đã chặn cướp trước đó. Chúng cung cấp lương thực, nước ngọt cho các nạn nhân đủ sống qua ngày. Ban ngày chúng đi đánh cá, tối đến, chúng trở lại, dở trò hãm hiếp các phụ nữ, và đôi khi còn đánh đập, chém giết những ai chống cự hoặc cản trở chúng.
Nhóm thứ hai tổ chức vượt biên, do Trung sĩ H., một đàn em tin cậy của anh tôi, trước đây phụ trách hậu cứ TĐ1 Dù, mà gia đình chúng tôi đều quen biết. Trung sĩ H. đến thăm và cho biết đang tổ chức đi. Anh ta sốt sắng mời gọi vợ chồng tôi tham dự nhưng bọn tôi như chim bị trúng tên, nay thấy cây cong cũng sợ. Thấy bọn tôi không sốt sắng lắm trước lời mời gọi, anh đề nghị bớt giá. Khổ nỗi, càng bớt giá, tôi càng sợ! Đến độ, anh ta nói: “Thôi thì thế này, vợ chồng cô chú cứ đi đi, qua tới đó, Đại Úy gửi lại tiền sau cho tôi sau cũng được!“ Đến vậy mà tôi cũng không muốn đi. Tuy nhiên, bà xã tôi có thằng em trốn nghĩa vụ, nặng vía quá, đi mấy bận đến giờ này vẫn chưa đi được. Trong lúc bí lối, ông bố vợ nhờ tôi dàn xếp cho cậu em đi cùng chuyến với Trung sĩ H. Cũng khoảng gần hơn một tháng sau ngày đi, chị Năm của nó ở Virginia gửi thư cho biết, đã nhận được tin tức nó từ Songkla, Thái Lan. Tuy nhiên trong thư, cô ta nhắc đi nhắc lại mấy lần “Nhắn anh chị Hai khoan đi thăm Năm!“ Về sau mới biết, tàu thằng em cũng bị tàu hải tặc Thái tấn công, chỉ khác biệt là chúng không trực tiếp giết một ai ngay lúc đó, nhưng sau khi cướp bóc, chúng cho ăn uống qua loa rồi rạng sáng, chở đám thuyền nhân đến gần đảo Kra, vì biển động, chúng không vô sát bờ được, bèn xô mọi người xuống biển, sống chết mặc bay! Cậu em vợ tôi may mắn với được thùng nhựa, nên đã an toàn tấp vào bờ. Khoảng 10 người bị chết đuối, một số khác bị thương tích do bị sóng đánh vào ghềnh đá. Đến gần 10 ngày sau, toàn bộ những thuyền nhân bị nhốt trên đảo Kra ở vào nhiều thời điểm khác nhau, mới được máy bay Ủy Hội Quốc Tế đặc trách tỵ nạn phát hiện, và gửi tàu đến cứu. Tổng số thuyền nhân VN bị hải tặc Thái giết hại trên đảo Kra là 160 người, theo thống kê cho biết.
Một câu nói nổi tiếng: “Tout chemin mène à Rome!”, “Mọi con đường đều dẫn về La Mã”, nay xin được đổi lại là: “Tout chemin mène à Kra!”. Nếu không may tham dự bất cứ chuyến đi nào trong hai chuyến trên, chúng tôi hoặc đã là nạn nhân của những thảm cảnh trên đảo địa ngục trần gian đó, hoặc cũng đã âm thầm làm mồi nuôi mập cá Thái Lan rồi! Cuối đời, nhìn lại đoạn đường đã đi qua, tôi nhận thấy cái “số” của tôi không đến nỗi tệ, có thể tóm gọn như sau: Ít may mắn, nhưng trong hoạn nạn, xui rủi, tôi luôn là người may mắn nhất!
JAMAIS DEUX SANS TROIS! (nhị, ắt có tam!)
Cuối năm 80, Đại Tá M., một người bạn khá thân với gia đình tôi, cho biết, ông và đứa con gái út đã đóng tiền và đang chờ ngày đi. Nhóm tổ chức là gia đình chị ruột của Thiếu Tá Đặng Sỹ, một người rất “nổi tiếng“ vì bị buộc tội gây ra vụ nổ ở đài phát thanh Huế, gây thương vong cho một số phật tử vào đầu năm 1963, vụ này đã châm ngòi cho vụ đấu tranh Phật Giáo, và đưa đến vụ lật đổ TT Diệm. Qua lời giới thiệu, cũng như qua tiếp xúc, gia đình tôi nhận thấy đây là chỗ tin cậy được, nên bọn tôi chấp nhận giá cả và điều kiện: 10 cây cho vợ chồng tôi và thằng con, phải đóng tiền đủ, thay vì chỉ đặt cọc như những lần trước. Dù lo sợ bị lừa, nhưng không biết tại sao kỳ này tôi lại chấp nhận tương đối khá dễ dàng. Phải chăng vì trực giác xui khiến hay chỉ vì mệt mỏi, mất kiên nhẫn, nên muốn liều lĩnh đánh ván bài chót? Theo trình bày của gia đình, chuyến đi chủ yếu dành cho gia đình. Hai người chủ chốt trong khâu tổ chức là ông Hai, chồng bà chủ và chàng rễ, tốt nghiệp Phú Thọ. Cả hai cha con ăn dầm ở dề dưới bến bãi đã mấy tháng nay, lo tìm cách hợp tác với một số người địa phương làm nghề biển, để cố nắm vững đường đi nước bước. Tàu bè đã sẵn sàng, chỉ còn một số chuẩn bị giờ chót, ngày xuất phát, theo họ, cũng đã rất gần kề.
Quả thật vậy, chỉ chừng 3 tuần sau chúng tôi được thông báo ngày đi, tôi không nhớ chính xác, nhưng vào khoảng đầu tháng 1 năm 1981. Tổng số người tham dự theo tôi nghe nói, cỡ 7, 8 chục người, được chia thành nhiều toán nhỏ 5, 6 người, có người trong gia đình chủ tàu đích thân hướng dẫn từ Sài Gòn. Việc đưa người sẽ diễn ra trong 2 ngày, nửa toán đầu sẽ xuống trước một ngày, nửa toán sau sẽ xuống đúng ngày xuất quân. Bọn tôi được sắp xếp để đi chuyến sau, cùng ngày với gia đình chủ tàu, có nghĩa là khỏi ở lại đêm, ít nguy cơ bị bắt bớ hơn!
Ra đi lần này tương đối đỡ xúc động hơn lần trước, chắc là do đã có trải nghiệm qua lần trước. Nói thì nói vậy, chứ làm sao tránh được cảnh sụt sùi. Ra đi lúc thành phố vẫn còn yên ngủ. Chúng tôi gặp người hướng dẫn khá dễ dàng tại xa cảng Miền Tây. Sau khi nhận diện, chúng tôi chỉ việc đi theo người hướng dẫn, người ta đi đâu, thì mình chỉ việc đi theo như cái đuôi. Kỳ này người hướng dẫn là phái nữ nhưng coi bộ bình tĩnh hơn người đàn ông trước đây rất nhiều. Để vắn tắt, nhóm chúng tôi dùng xe đò đi Vĩnh Long. Từ đó dùng ghe công cộng đến một điểm hẹn, sau đó chuyển sang ghe Taxi “nhà”. Lúc lên ghe cũng đã có khoảng 7, 8 người. Ghe có mái che kín và trang bị máy đuôi tôm, do hai người còn trẻ, người nam tên Đức, và một nữ điều khiển. Bên trong thuyền khá tối, vả lại, ai nấy phải nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, nên tôi chẳng nhận diện được ai. Thuyền rời bến không bao lâu sau.
Tôi ngồi khá chông chênh trên tấm ván hẹp, chạy dọc theo thân thuyền, lưng tựa vào “sườn” gỗ, tay thì ôm thằng con ngồi tựa vào lòng. Trong ghe mọi người có vẻ vừa mệt mỏi, vừa căng thẳng, mặt khác, mấy người tài công đã dặn dò kỷ lưỡng là ráng giữ yên lặng trong lúc di chuyển, nên chẳng thấy ai nói với ai lời nào. Trời tối nhanh, sông nước mênh mông, chiếc ghe trĩu nặng, mạn thuyền chỉ cách mặt nước chưa tới gang tay, càng làm tăng cảm giác bất an. Số mạng của chúng tôi giờ đây nằm trọn trong tay hai người tài công trẻ. Mà phải nói là họ gan lì và rất vững vàng trong công việc của họ. Trong suốt đoạn đường dài, hai người, một người ngồi phía mủi thuyền quan sát, người kia điều khiển máy từ đàng sau, họ vẫn đùa giỡn qua lại. Thỉnh thoảng có ánh đèn pha rọi từ xa, nghe đâu của tàu công an, cũng không làm họ sợ hãi và thay đổi tốc độ. Sau thời gian nhiều tiếng đồng hồ, tàu chạy chậm lại và tấp vào một nơi nào đó tôi không rõ và tắt máy chờ đợi. Thuyền chập chờn theo sóng nước, gió thổi hiu hiu, thật lý tưởng nếu mình không có... “tâm sự“. Tôi đoán chắc cũng đã quá nửa đêm rồi. Vừa mệt mỏi, lưng tê cứng vì tựa quá lâu vào thành ghe, nhưng không tài nào ngủ được vì lo lắng. Thời gian chờ đợi dài lê thê tưởng như vô cùng tận. Đang chập chờn nửa mơ nửa tỉnh, tôi giật mình khi nghe tiếng tài công nam nói: “Không ráp được rồi bà con ơi! Phải trở về lại!” Bọn tôi siết tay nhau, chết lặng người. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thắc mắc, không hiểu tại sao thời đó không có “Cell phone”, mà cũng không thấy họ xử dụng "walkie talkie", làm sao họ biết được là không "ráp được" và phải rút lui? Hay họ dùng đèn mà mình hổng biết?
Lúc đi đã “teo” mà lúc rút coi bộ... còn teo hơn. Phải chăng niềm hy vọng ban đầu đã là điểm bám víu, giúp bọn tôi cầm cự, chống chỏi với sự mỏi mệt? Niềm hy vọng đó giờ theo mây khói. Tuy nhiên, thái độ điềm tĩnh của cặp tài công đã giúp chúng tôi giữ vững tinh thần không ít. Trong hoàn cảnh bi đát hiện tại, tôi thực sự nhìn thấy ở họ, hình ảnh của những thiên thần hộ mệnh.
Đêm đen như mực, sóng nước trùng trùng, thỉnh thoảng những vệt đèn pha quét ngang mặt nước đen ngòm mang đến sự sợ hãi cùng cực. Chỉ có thằng con là ngon lành, vẫn ngủ say trong tay bố. Thời gian "chém vè" dài như bất tận. Trời tờ mờ sáng, ghe mới tấp vào một bến phà, chúng tôi được tài công cho biết phải dùng phà để về lại Vĩnh Long(?). Tôi lại theo chân người hướng dẫn. Đặt chân lên phà xong, tôi cảm thấy không còn khả năng cưỡng lại giấc ngủ thêm được nữa. Tôi chỉ kịp giao thằng con cho vợ tôi và mắt tôi sụp ngay xuống, tôi nằm lăn xuống sàn phà và "thăng" liền sau đó! Lúc đó, thật tình tôi chẳng còn sợ ma, sợ quỷ gì nữa, công an có đến còng tay tôi lúc này, tôi cũng cóc cần! Ai ngờ cơn thèm ngủ có thể làm con người trở nên bạt mạng đến thế?
Sau lần đầu tiên bị lừa mất 13 cây vàng, lần thứ 2 vừa mất của, vừa tù tội, những tưởng lần thứ 3 chắc sẽ hên hơn, nào ngờ số tôi con rệp, nên thay vì "Nhị bất quá Tam" nó lại là... " Jamais deux sans trois!" (Nhị ắt có Tam!"), chỉ được lần này, may mắn, không bị bắt. Xui xẻo không “ráp“ được với tàu lớn? Hay lại bị lừa gạt thêm lần nữa? Không dễ dàng để có một câu trả lời dứt khoát!
Khoảng 5 giờ chiều là chúng tôi có mặt lại tại Sài Gòn. Khỏi phải nói cũng đoán được sự mừng rỡ của gia đình xen lẫn chút ngỡ ngàng khi gặp lại bọn tôi. Mà cũng đúng thôi, cầu...đi cho “khuất mắt”, mà rồi lại cứ thấy lù lù bò về lại, làm tốn bao tiền bạc và nước mắt của ông bà đưa tiễn con cháu!
Ngày hôm sau, việc đầu tiên tôi thực hiện là xuống Thủ Đức tìm gặp bà chủ tàu để hỏi xem điều gì đã xảy ra? Và xem có cách nào đòi vàng lại được không? Gặp mặt, bà xin lỗi vì đã bị trục trặc kế hoạch giờ chót, vì lý do an ninh và hứa sẽ mau chóng tổ chức trở lại, riêng việc lấy vàng lại thì không thực hiện được, vì đã xử dụng trong việc mua sắm, chi phí cho chuyến đi. Nếu muốn lấy lại, phải đợi thực hiện xong chuyển đi này may ra. Lại kẹt thêm mười cây nữa! Điệu này chắc bọn tôi sẽ phá sản và phải chấp nhận ở lại xây dựng tiếp XHCN?
Gặp lại ĐT Minh, ông cũng rầu rĩ không kém. Ông bảo tôi, ông nghe người ta đồn có bà Thầy bói ở cư xá Kiến Thiết, coi bói bài Tarot hay lắm, và rủ tôi đi coi. Tôi tình nguyện chở ông đi. Đến nơi hỏi thăm căn phố của bà Thầy cũng không khó khăn lắm. Bước vào trong, đã có khá đông khách ngồi chờ la liệt trên sàn nhà. Nhắm mắt cũng đoán biết thân chủ toàn là dân vượt biên, đến xin một quẻ xem có đi được không? Ông Minh xem xong ra về có vẻ không vui. Tôi hỏi thăm, ông nhăn nhó trả lời: “Bà Thầy nói xấu, về đòi lại tiền!“. Tôi tưởng ông đi coi vì tò mò rồi thôi, ai ngờ ông đổi ý, rút lui thiệt, không đi nữa dù vàng vẫn còn kẹt, chưa lấy lại được! Nghe vậy, tôi cũng thấy trong lòng bồn chồn không ít!
VẬN HÊN? VẬN XUI?
Vừa ăn Tết Tân Dậu xong, chủ ghe thông báo ngày đi sẽ là ngày Chủ Nhật 22 tháng 2 năm 1981, tức ngày 18 Tết. Tôi tiếp nhận tin, vừa mừng, vừa lo! Mừng vì chủ tàu rõ ràng không có ý lừa gạt, còn lo vì nhớ lại những nhọc nhằn thể chất, nỗi lo sợ, hồi hộp của chuyến đi hụt vừa qua!
Kỳ đi lần này, ngoài một ít đồ ăn vặt, má tôi có làm sẵn một lon Guigoz đựng đường có vắt chanh, để bọn tôi mang theo, nhằm trường hợp khát nước dọc đường.
Chuyến đi này có chút thay đổi: cậu em út bà xã tôi, vừa 19 tuổi, đang học khóa Trưởng tàu do công ty Đường Sắt Sài Gòn tổ chức, cũng chính thức nhập cuộc.
Cũng như chuyến trước, nhóm Sài Gòn được chia làm 6 toán, 3 toán sẽ được hướng dẫn xuống điểm hẹn ngày thứ bảy 21/02/1981, tức một ngày trước ngày đi. Riêng vợ chồng tôi sẽ đi cùng 3 nhóm sau, sẽ rời Sài Gòn vào ngày chủ nhật 22/02/1981, cùng ngày với gia đình chủ tàu.
Tôi chở cậu em vợ xuống nhà bà Hai vào ngày thứ sáu, để sáng mai đi sớm, theo 3 toán đầu. Vào nhà thấy đông người hơn mọi lần, trong đám có một cô người Huế khá xinh. Qua giới thiệu của bà Hai, tôi được biết cô là con đỡ đầu của bà, chồng cô tên Lang, quận trưởng, vừa tù cải tạo về, sẽ đi cùng vợ, hai đứa con, và hai đứa em, cũng vào ngày chủ nhật. Gặp tôi, cô ta hỏi: “Xin lỗi, anh tuổi chi?“. Tôi trả lời: “Tôi tuổi Sửu”. “Rứa là anh cùng tuổi với tôi". Cô ta hỏi tiếp: “Anh có đi coi bói không?“. Tôi cười trả lời: “Không, tôi không tin bói toán! Thế chị có đi không?”. Cô ta nói: “Có, tôi đi coi ông Thầy mù ở... Ông ta nói không tốt! Anh nhớ lần vừa rồi mình đi hụt không, ông cũng đã nói trước là đi không được!“ Tôi nhủ thầm: cô này coi bộ mê tín dị đoan quá, nhưng cũng nói lời động viên: “Hơi đâu mà tin chuyện bói toán, trong tàu có 7, 8 chục người, chứ đâu phải mình chị đâu, chẳng lẽ đều số con rệp hết cả sao?". Câu chuyện chỉ dừng tại đó! Chắc có người thắc mắc tại sao tôi lại dài dòng kể một chuyện, không đâu vào đâu? Thưa không, sở dĩ tôi nhắc tới nhân vật này vì một lý do thật đặc biệt, khiến hình ảnh bà ta cứ mãi ám ảnh tôi suốt 38 năm qua! Các bạn có đủ kiên nhẫn để chờ tôi kể tiếp câu chuyện về nhân vật này trong phần sau không?
Chủ nhật, đến lượt nhóm tôi, cùng hai nhóm nhà chủ tàu rời Sài Gòn. Xin được bỏ qua những chi tiết của giờ phút chia tay đầy bịn rịn và nước mắt... vì nội dung cũng tương tự hai lần từ giã trước. Chúng tôi gặp người hướng dẫn ở bến xe lúc trời vẫn chưa kịp sáng. Anh ta khoảng 30 tuổi và là con trai chủ tàu. Ngoài chúng tôi ra, kỳ này nhóm tôi có thêm một cặp vợ chồng có lẽ lớn hơn tôi một, hai tuổi, mà tôi chưa từng gặp trước đây. Hai người ăn mặc xập xệ, với hai con, trông nhỏ hơn con tôi; về sau tôi mới được biết đó là vợ chồng BS Tấn, cũng người Huế. Mọi chuyện đi đứng kỳ này khá tốt đẹp, với một vài thay đổi về lộ trình. Sau khi đến Vĩnh Long, chúng tôi cũng dùng tàu công cọng để đến điểm hẹn ghe taxi. Bước xuống bến, bọn tôi nhanh chân bước theo anh dẫn đường. Khu bến tàu này tương đối vắng vẻ, ít người, tôi không thấy có nhiều nhà cửa, dân cư sinh hoạt tấp nập như lần trước, cạnh bến chỉ có một quán cóc nhỏ, ở đó, có chừng 3, 4 thanh niên đang ngồi nhâm nhi cà phê, mà tôi nghi chắc là công an? BS Tấn tay bồng thằng con, tay xách túi đồ, hấp tấp đi trước với vợ, cách tôi chừng mươi bước. Tôi hơi lo khi nhìn thấy có cây cầu khỉ, không có tay nắm, bắt ngang qua cái mương nhỏ trước mặt. Chị Tấn xách túi bước qua trót lọt với đứa con gái. Đến phiên anh Tấn, tôi chỉ kịp nghe một tiếng huỵch và thấy anh với thằng nhỏ đã rớt tõm xuống đáy mương, may mà mương cạn và bùn, nên hai cha con may mắn không bị thương tích. Anh hốt hoảng ôm con đứng dậy, vừa phủi bùn đất dính đầy người, rồi tất tả bỏ đi, như bị ma rượt, bỏ luôn cả cái nón đội đầu đàng sau. Vào dịp nào khác, chắc tôi cũng đã ôm bụng cười một trận cho thỏa, chỉ kẹt, tôi liếc xéo, thấy mấy người thanh niên ở quán đang nhìn ra và cũng đang cười hô hố. Phần tôi cũng đang lên ruột vì cái cầu khỉ mắc toi này, phải cẩn thận vượt cầu, chứ để té một lần nữa là có chuyện, chứ không đơn giản đâu. Lo thì lo, nhưng tôi cũng ráng làm bộ, vừa cười vừa nói lớn, cốt cho đám kia nghe:” Cha nội này ngộ quá hén! “ Nói xong, tôi dành lấy túi đồ khỏi tay vợ tôi và bảo vợ tôi cẩn thận bước qua trước, sau đó tôi mới ôm thằng con, tay xách túi bước qua sau. Chắc tại thấy gương BS Tấn “đo đất”, nên bọn tôi cẩn thận hơn, do đó đã không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Đi bộ thêm chừng 15 phút nữa thì tôi thấy một chiếc ghe đã đậu sẵn ở một chỗ khá kín đáo của nhánh sông và mấy người trong nhóm tôi đã có mặt đầy đủ. Bọn tôi mừng rỡ nhập bọn. Không chần chờ, tài công cho nổ máy và ghe rời bến, lúc đó tôi đoán chừng cũng khoảng hơn 4 giờ chiều. Tiếng là đường sông, nhưng sao trông lồng lộng, mênh mông, tưởng chừng đứng bên này bờ không nhìn thấy phía bên kia, nước lại đục ngầu, một mầu phù sa đầy đe dọa, đã vậy sóng gió lại chập chùng, ghe thuyền chao đảo càng làm tăng thêm sự lo lắng, sợ hãi cho những người đang trên đường trốn chạy như chúng tôi. Chỉ cần một tai nạn nhỏ, là coi như... thủy táng cả đám chứ chẳng phải chuyện chơi, vì chẳng ai trong ghe có phao cấp cứu, mà bọn tôi cũng chẳng có ai biết lội! Chuẩn bị vượt biển mà để bỏ mạng trên sông thì thật lãng nhách!
Trời bắt đầu tối khi tài công mừng rỡ cho biết là đã nhận diện được tàu lớn và yêu cầu mọi người bình tĩnh và giữ yên lặng, trong lúc chuẩn bị cho ghe tiến vào điểm hẹn. Chúng tôi mừng rỡ tiếp nhận tin vui dù không nhìn thấy gì từ trong khoang thuyền kín mít. Chừng 20 phút sau, ghe giảm dần tốc độ và tắt hẳn máy. Chúng tôi nghe có tiếng cọ xát giữa hai thân tàu, tiếng đối đáp từ bên ngoài và cuối cùng chúng tôi được lệnh rời ghe để lên tàu. Một cái thang nhỏ bằng sắt được móc vội vào thân tàu, trẻ em và phụ nữ được lên trước, với sự giúp đỡ của một số người đã ở sẵn trên boong, trong đó tôi mừng rỡ nhận ra có thằng em vợ. Đứng từ ghe, mạn tàu cao cỡ ngang vai tôi, trong bóng đêm, sự quan sát rất hạn chế về kích thước của tàu. Chúng tôi được lệnh tuyệt đối im lặng và nhanh chóng bước xuống khoang chứa hành khách bên dưới. Tôi thấy một số khá đông người đã hiện diện. Không khí nói chung có vẻ khá nặng nề, khi ông chủ tàu và người con rể tập họp hành khách lại để báo cáo tình hình. Bằng một giọng ngập ngừng, lo lắng, ông cho biết hiện còn hai ghe taxi thất lạc, chưa đến được điểm hẹn và đó lại là hai ghe chở gia đình ông, gồm vợ con, cháu chắt và những người thân quen của gia đình, lý do chậm trễ cho đến giờ này vẫn chưa xác định được. Ông cho biết điều xui xẻo là hai ghe đó, ngoài số hành khách, còn có nhiệm vụ mang theo hải bàn, hải đồ, cũng như toàn bộ lương thực và nước uống của chuyến hải hành! Với những lý do đó, ông đề nghị cùng hành khách đã có mặt trên tàu, đồng ý cho tạm hoãn lại chuyến đi cho tới tối mai, để chờ đợi tin tức của hai ghe mất tích kia, vả lại, theo ông, bây giờ muốn khởi hành cũng không được vì không có dụng cụ đi biển. Số người có mặt nhốn nháo hẳn lên, thậm chí tôi nghe có người muốn nhảy sông, kiếm cách lội vào bờ. Riêng tôi, sau khi nghe báo cáo của ông Hai, tôi thấy lạnh cả người! Chẳng lẽ cứ xui xẻo mãi thế này sao? Đã an toàn lên được tàu lớn mà không khởi hành được, thì đúng là số “ăn mày”. Một ý nghĩ lóe lên, tôi mau chóng lấy lại bình tĩnh và bước lên boong tàu, tìm gặp hai người lính Hải Quân, mà tôi nghe nói sẽ phụ trách điều động tàu vượt biển. Tôi gặp hai anh đang đứng thầm thì bên trên. Ba mươi tám năm sau, thật lạ lùng là tôi vẫn còn nhớ tên của cả hai anh: Anh Lưu, đi một mình, mặt mày sáng sủa, đẹp trai, còn anh kia tên Dưỡng, có đem theo thằng con trai chừng 5 tuổi, thấp người, da đen sậm. Tôi bắt chuyện với hai anh, tôi hỏi: “Hai anh nghĩ sao về đề nghị của Ông Hai?” Anh Lưu cười cười nói: “Ông Hai bảo sao tui làm vậy”. Quay qua anh kia, tôi hỏi: “Còn anh thì sao?” Anh ta trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói: “Phải đi tối nay”. Tôi hỏi anh: ”Không có hải bàn làm sao định hướng mà đi?“ Anh nói: “Tui có mang theo một cái địa bàn dùng để chỉnh cái hải bàn lúc cần”. Tôi hỏi lại: “Lấy lương tâm mà nói, theo anh, chỉ với cái địa bàn, anh nghĩ có khả năng đưa tàu ra khỏi cửa biển và đến nơi đến chốn không?“ Anh lại trầm ngâm một lát rồi gật đầu: “Được, tui nghĩ có thể được“.
Tôi nói tiếp: “Nếu tôi thuyết phục được ông Hai. hai anh đồng ý đi tối nay không? “ Dưỡng quả quyết gật đầu. Tôi vội vã bước xuống bên dưới, và trước khi nói chuyện với ông chủ tàu, tôi ráng tìm sự ủng hộ của những nhóm nhỏ khác nhau, bằng cách rỉ tai họ: “Bà con yên tâm, có hải bàn rồi, tôi sẽ tập họp bà con lại và đề nghị ông Hai cho tàu rời đi tối nay, ở lại đây thêm một đêm là tiêu tùng hết, bà con nhớ ủng hộ nghe”. Sau khi đạt sự đồng ý của một số lớn hành khách, tôi tập họp họ lại và yêu cầu nói chuyện lại với chủ tàu. Trước mặt tất cả, tôi trình bày: “Trước tiên, bọn tui xin thành thật chia sẽ sự lo lắng của Ông Hai về số phận của hai ghe mất tích mà trong đó phần lớn là gia đình của ông Hai. Bọn tui cũng biết là gia đình ông Hai đã bỏ rất nhiều công sức để tổ chức chuyến đi này, tuy nhiên, tui đã hội ý với số đông bà con ở đây và tất cả đều đồng ý là nếu ở lại đây thêm một đêm, chắc chắn tàu sẽ bị phát hiện, vì như ông Hai và bà con thấy, khúc sông này khá hẹp, ai cũng nhận thấy nhà dân cư ở không cách bao xa. Đợi thêm một ngày, chắc chắn họ sẽ phát hiện và đi báo công an, kết quả là bọn tui sẽ bị bắt, tàu sẽ bị tịch thu. Vì vậy bọn tui đề nghị ông Hai cho phép tàu rời ngay tối nay!”
Phải nói ông Hai là người rất đàng hoàng, bình tĩnh và biết lắng nghe, dù tôi biết, ruột gan ông đang rối bời như mớ bòng bong. Tôi biết chắc trong thân tâm, ông cũng có cùng suy nghĩ như tôi, nhưng nỗi lo lắng cho người thân đã làm ông ngập ngừng không dám quyết định. Ông phát biểu một cách khí khái: “Như bà con biết, tàu này bây giờ là của bà con, vì bà con đã đóng đủ tiền, tuy nhiên lý do trì hoãn như tui đã trình bày lúc nãy, ngoài việc an nguy của gia đình, còn do không có hải bàn và lương thực“. Tôi cắt ngang: “Ông Hai yên tâm, bọn tui đã có “đồ chơi“ rồi“. “Vậy lương thực và nước uống thì bà con tính sao?” Ông ta hỏi lại. Có người trong đám trả lời: “Hiện tại trên tàu có 1 bao gạo, riêng nước uống, mình sẽ súc sạch mấy thùng dầu trống, để chứa tạm nước sông, chịu khó uống tạm”. Mọi người nhao nhao ủng hộ ý kiến ra đi tối nay. Ông Hai thấy vậy đành nói: ” Nếu bà con đã muốn vậy thì được, đúng 10 giờ tối nay tàu sẽ lên đường! Tuy nhiên tui xin bà con một điều, cho hai cha con tui được ở lại, để lo tìm kiếm và lo liệu cho gia đình, hiện sống chết ra sao cũng chưa biết?” Tôi lại giật mình, đúng là “đạp vỏ dưa thấy vỏ dừa mà sợ“. Tôi tự hỏi: việc gì nữa đây? Họ có toan tính gì không đây? Có họ, mình còn “nắm” được cái gì, để họ đi, nhỡ có chuyện gì? Tôi vội có ý kiến: “Đồng ý là gia đình ông Hai đang có chuyện, cần người giải quyết, nhưng tui xin đề nghị, một trong hai người đi theo tàu, hoặc ông Hai, hoặc rể ông Hai, nhỡ có chuyện gì, có người thẩm quyền giải quyết vẫn hơn”. Ý kiến đó cũng được số đông hỗ trợ. Tội nghiệp hai cha con nhìn nhau, coi chừng không ai muốn ra đi trong hoàn cảnh bi đát này. Ông Hai hai tay chắp lại nói với thằng con rể: “Ba xin con cứ bình tâm theo tàu, mọi chuyện ở nhà đã có ba lo. Con còn trẻ, có chuyện gì kẹt lắm". Ông con rể lau nước mắt, miệng chỉ ầm ừ.
Thế là nhóm người trẻ bắt tay tiến hành kế hoạch vừa được đề ra. Hai người lẹ làng nhảy xuống sông, số còn lại chuyền tay những thùng nhựa trống chứa dầu máy xuống sông để hai anh kia súc, rồi cho nước vào đầy, cột dây thừng lôi lên lại tàu. Toàn bộ công tác kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Trong thời gian đó, toàn bộ hành khách cũng đã tạm ổn định chỗ nằm ở dưới khoang tàu.
Tôi đếm nhẩm tổng số người hiện diện cũng trên dưới 70 người. Khoảng trống dành cho mỗi người rất giới hạn, vừa đủ để nằm theo kiểu “cá hộp“. Nếu hai ghe Taxi kia không trục trặc, số hành khách cũng sẽ xấp xỉ gần trăm, không biết chỗ đâu mà nhét?
Tàu nổ máy và khởi hành lúc cũng gần nửa đêm. Trên tàu mọi người tuy mừng rỡ nhưng vẫn còn căng thẳng. Tiếng máy nổ giòn giã và tàu lướt đi theo hướng sông Cổ Chiên (?) hướng về Biển Đông, trong bóng đêm dày đặc.
Chỉ có một số ít người ở cabin phía trên, đặc trách điều động tàu, số còn lại, trong đó có tôi, đều nằm ở khoang dưới. Ai ai cũng thầm thì cầu xin cho chuyến đi được xuôi chảy, bình yên, trước mắt là bình yên khỏi sự bắt bớ của Công An, sau là bình yên khỏi cơn sóng dữ và nạn cướp bóc của hải tặc, đang xảy ra như cơm bữa trên các lộ trình vượt biên. Ngoài ra còn phải kể đến khó khăn hay gặp phải, khi lái tàu trên sông ban đêm, tài công phải rành rẽ thủy lộ, con nước lên xuống, thông thường phải chọn lúc nước ròng, men theo dòng nước mà đi, xui xẻo nhằm lúc nước rút, tàu mắc cạn, thì như cá nằm trên thớt, đành nằm đó chờ Công An Biên Phòng đến rước. Chưa hết, tài công kinh nghiệm còn phải quen thuộc khúc sông, biết tránh né các cồn cát làm tàu bị mắc cạn nếu ủi phải, cùng những nơi có giăng đáy, vô tình để chân vịt dính mắc lưới thì đúng là tới số. Tôi có nghe nói, ông Hai, ngoài hai anh lính Hải Quân, còn có thêm mấy người tài công địa phương, hy vọng với sự hiểu biết rành rẽ đoạn sông này, sẽ giúp tránh được các vấn đề trên. Vậy mà đến khoảng 3 giờ sáng, trong lúc nửa mơ, nửa tỉnh, tôi cảm nhận một chấn động nhẹ và sau đó tiếng lao xao trên boong tàu. Hỏi ra, mới biết, tàu vừa ủi vào cồn cát, cũng may là chưa dính sâu lắm, nên sau khi một nhóm người trẻ nhảy xuống nước phụ đẩy và hướng dẫn, tàu thoát ra được và chạy tiếp. Thật hú hồn!
Cũng may, sau trục trặc vừa qua, tàu chạy khá êm ả trong suốt nhiều giờ. Tuy nhiên, lúc nào mà tàu chưa ra khỏi cửa biển, thì lúc đó vẫn còn những bất ngờ đáng sợ. Càng ra gần cửa biển, nước có vẻ dậy sóng hơn, một số bà con cố dỗ gìấc ngủ, số khác đã bắt đầu nôn oẹ, khoang tàu chật hẹp, đã ngột ngạt, nay thêm mùi ói mửa, cộng thêm mùi dầu gió xanh quyện lại... thật muốn bệnh.
Tàu vừa ra tới cửa biển thì trời đã hừng sáng, có thể nhìn thấy các tàu cá đang trên đường ra biển kiếm sống. Tuy nỗi sợ hãi có nguôi ngoai đôi chút, nhưng còn quá nhiều vấn đề để có thể ăn mừng. Một điều đáng nói là ra tới cửa biển, tôi mới biết là cả hai cha con ông chủ tàu đã âm thầm leo xuống ghe nhỏ để trở về mà tôi hoàn toàn không hay biết. Điều này thật ra cũng dễ dàng thông cảm. Cầu xin gia đình ông Hai được bình an!
Tàu chạy thêm chừng 3, 4 tiếng đồng hồ nữa, bỗng thấy xuất hiện ở hướng 1 giờ một chiếc tàu sắt sơn trắng. Một số người trên tàu mừng rỡ và nhao nhao ngỏ ý muốn làm dấu kêu gọi cầu cứu. Tôi, với sự đồng tình của một số anh em khác, nhanh chóng cản lại, với lý do, có thể tàu mình chưa ra khỏi hải phận Việt Nam, và tàu kia cũng có thể của Liên Sô hay của khối Cộng Sản, cứu đâu không thấy, nó còng tay, giải giao cho công an thì bỏ mẹ!
Cứ thế tàu chạy suốt cho tới tối không một trở ngại, giờ này chúng tôi có thể yên tâm tàu đang ở hải phận quốc tế, không còn nỗi sợ công an biên phòng nữa, còn chăng là nỗi sợ hải tặc Thái và sóng gió. Chủ đích của chúng tôi là đưa tàu theo hướng Nam Dương, nếu được vậy, hy vọng sự đe dọa bởi hải tặc sẽ được giảm đi đáng kể! Thú thật lúc tính chuyện ra đi, tôi sợ nhất và luôn cầu nguyện, xin cho thoát cảnh cướp biển! Không phải tôi sợ mất của vì tôi làm gì có của để mà mất, nhưng tôi chỉ sợ mất mạng! Tự thâm tâm, tôi biết chắc, nếu xui xẻo gặp hải tặc, tôi sẽ không toàn mạng. Tôi biết rõ tánh khí của tôi, tôi không thể bàng quan chịu trận, nhìn chúng tấn công, chặt chém, cưỡng hiếp phụ nữ... mà không có phản ứng chống trả, đấy là tôi chỉ mới nói tới người xa lạ, huống hồ người đó là vợ tôi, là em tôi. Tôi sẽ không có một chọn lựa nào khác là thí mạng với lũ súc sinh đó! Chứng kiến cảnh cướp của, có thể tôi nhịn được, nhưng trước cảnh bạo hành, nhất là với phụ nữ thì chắc là không nhịn nổi! Kẹt một nỗi, tôi chẳng phải là Lý Tiểu Long, mà cũng chẳng phải Rambo và như vậy, số phận của tôi đã quá rõ: tôi sẽ lảnh một nhát búa và bị thảy xuống biển làm mồi cho cá! Ngay cả trong trường hợp, vì lý do nào đó, lúc xảy chuyện, tôi không phản ứng, do sợ hãi đổi ý, hoặc do bị kềm chế, tôi tự hỏi, dù thoát nạn, làm sao mà sống nổi với cái ám ảnh kinh hoàng đó? Chỉ có chết trước hoặc chết sau mà thôi!
Số lượng người VN được ghi nhận tại trại tỵ nạn các quốc gia lân cận
Trời thương, trong suốt thời gian hải hành không thấy bóng dáng tàu hải tặc, có vài lần nhìn thấy những chiếc tàu sắt khổng lồ như một khu phố, chạy ngang qua, tôi có thể thấy rõ thủy thủ từ trên cao đặt ống nhòm nhìn xuống, nhưng hoàn toàn phớt tỉnh, làm ngơ trước sự cầu cứu của tàu chúng tôi, đã không cứu mà còn tạo những đợt sóng nguy hiểm cho con tàu bé bằng hạt mít của chúng tôi, khi họ thình lình đổi hướng khi đến gần.
Một tàu tỵ nạn VN may mắn chờ được cứu vớt
Điều may mắn khác là biển lặng sóng như mặt hồ trong suốt thời gian qua! Người ta thường nói: “Tháng Ba bà già đi biển.” Tuy vừa mới qua Tết mấy chục ngày, năm nay chắc "Bà Già " đi biển sớm hơn!
Thời gian ở trên tàu, hành khách được phân phát cháo trắng “đặc biệt”, vì cháo có mùi dầu cặn diesel, tuy nhiên, cũng chẳng thấy ai chê khen, ai cũng ráng ăn để cầm hơi. Nước uống cũng có mùi dầu máy, vì như đã kể, nước uống được chứa trong các thùng đựng dầu được súc vội vàng giờ chót trước khi đi. Nhờ có mang theo hộp đường vắt chanh của má tôi, nên nhấm nháp cũng đỡ khổ.
Bước sang ngày thứ ba trên biển, mọi sự vẫn bình yên, tàu chạy ngon lành, không một trục trặc kỷ thuật nào. Các hành khách trên tàu cũng mạnh khỏe, không có ai bệnh hoạn nào đáng kể, chỉ hơi mệt mỏi vì thiếu vận động và ăn uống thiếu thốn mà thôi. Màn nôn mửa cũng đã ngưng, vì biển êm và mọi người cũng đã dần quen với nhịp sóng! Hôm nay là ngày mà nhóm phụ trách tàu hy vọng sẽ “thấy” được đất liền! Thời gian qua, tôi thường lên boong tàu để hít thở gió biển, và cũng để chuyện trò với một số bạn mới quen, trong số đó có H., em của Th, một người bạn khá thân của tôi, gốc Quảng Trị, tốt nghiệp QGHC. Đúng ra tôi đã biết và gặp H. trước đây. H. là biên tập viên Cảnh Sát, sau 75 H. đi “cải tạo” nhưng may mắn vượt ngục được nhờ sự tiếp tay của một nữ đồng chí công an của trại đã phải lòng anh chàng! Thật là chuyện hy hữu, tưởng chỉ có trong tiểu thuyết! Chuyện trớ trêu là người đóng tiền tham dự chuyến đi là vợ chồng Th. với thằng con đầu lòng, nhưng sau chuyến “đổ quân “ thất bại tháng trước, vợ chồng Th., phần mất tin tưởng, phần lạnh cẳng, nên rút lui, “nhường” chỗ cho thằng em đang bị truy nã. Tối qua,tôi ngồi nói chuyện với H. trên boong tàu, trời tối đen như mực, sẵn dịp, tôi lấy cái áo mưa Không Quân màu xanh sậm tính nhúng nước biển cho sạch các dấu vết của những lần say sóng mấy ngày rồi. Tôi cầm cổ áo, nghiêng mình thả áo xuống nước dọc theo hông tàu, bỗng một đợt sóng kéo đến bất ngờ, áo mưa bị sóng giật tuột khỏi tay tôi và bị cuốn đi trong tích tắc vào lòng biển tối om! Tôi nhìn theo, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống, không tiếc của, nhưng tôi có cảm giác như một phần của mình vừa bị nuốt chửng, lôi tuột xuống biển. Một sự việc thật bình thường, nhưng đã tạo một cảm giác bất chợt, kinh hoàng và đáng để lạnh người! Tôi chợt nghĩ đến bao oan hồn của rất nhiều thuyền nhân xấu số, cũng đã sống qua giây phút hãi hùng đó, đã mãi mãi ôm hận dưới lòng biển u ám này!
Đêm đã khuya mà vẫn chưa thấy bóng dáng đất liền! Nhiều người trong chúng tôi bắt đầu lo sợ tàu đã đi lạc hướng. Đến khoảng mười một giờ tối, lúc ấy tôi đang có mặt trên boong tàu, giữa lúc mà mọi niềm hy vọng mỗi lúc mỗi nhạt nhòa, bỗng từ rất xa, trên nền trời tối đen, nháng lên một gợn sáng màu hồng chập chờn giữa các cụm mây. Nhiều phỏng đoán được đưa ra, theo tôi, đó có thể là ánh sáng của một thành phố nào đó đang phản chiếu ánh đèn ngược lên đám mây. Tất cả đồng ý là cứ nhắm hướng đó mà chạy. Niềm hy vọng được mau chóng phục hồi! Tàu chạy mãi nhưng đám mây hồng vẫn còn xa tít mù khơi! Đến gần 3 giờ sáng tàu mới đến được ở khoảng cách cho phép chúng tôi nhận diện được nguồn sáng, đã được ơn trên xử dụng thay ngọn hải đăng, hướng dẫn tàu chúng tôi khỏi lạc lối: đó là một giàn khoan dầu cao sừng sững đang khạc lửa, chẳng khác gì một con rồng trong chuyện cổ tích! Chúng tôi mừng rỡ đánh thức cả tàu dậy để chứng kiến giờ phút lịch sử. Phải nói quang cảnh lúc đó thật huyễn hoặc, ánh lửa đỏ như máu được phun ra từ ống dẫn khí đốt của giàn khoan, phản chiếu xuống mặt biển nhấp nhô, đen ngòm. Đã thế, không biết từ đâu bỗng xuất hiện một đàn cá thật to lớn, dũng mãnh, mà mới thoạt nhìn, chúng tôi cứ ngỡ là cá mập, nhưng mãi về sau, mới đoán ra là cá heo, chúng hăm hở lượn vòng, lặn ngụp quanh tàu, nửa như mừng đón, nửa như đe dọa.
Một giàn khoan dầu ở biển Nam Dương về đêm. Cảnh tượng khá tương tự với những gì tôi đã thấy
Tất cả những chi tiết: cảnh vật, màu sắc, ánh sáng... cọng thêm tâm lý xúc động, hồi hộp lúc ấy của chúng tôi, nếu được một họa sĩ tài ba cỡ Théodore Géricault, một họa sĩ người Pháp nổi tiếng của thế kỷ thứ 19, với bức danh họa "Le radeau de la méduse", gom lại thành một tác phẩm hội họa, tôi sẽ đặt tên bức tranh đó là “Le dernier jugement“ (Ngày phán xét cuối cùng). Không biết tại sao cái tên đó đã đến với tôi ngay trong giờ phút đó, chứ không phải bây giờ hồi tưởng lại và đặt tên. Tôi chẳng biết tại sao tôi lại liên tưởng đến ngày phán xét cuối cùng trong giờ phút bất thực đó? Phải chăng do cảm nhận thân phận nhỏ bé, bọt bèo, đang chờ đợi sự phán xét cuối cùng, trong bối cảnh vĩ đại không cùng của trời nước mênh mông, bao phủ bởi cái thứ ánh sáng màu đỏ của máu, của lửa, chập chờn ma quái trên sóng biển đen ngòm với bầy “quái ngư” đang biểu diển một vũ điệu chào đón bên dưới.
“Cầu Nại Hà”?
(Theo tin tưởng của nhân gian, những người chết sẽ bước qua cầu “Nại Hà”, ăn chén cháo lú, quên hết mọi chuyện, trước khi được tái sinh...)
“Le radeau de la méduse” của danh họa Théodore Géricault
Tàu chúng tôi tiến thẳng vào địa điểm giàn khoan. Toàn khu vực được hệ thống đèn rọi sáng như một khu phố về đêm. Tuy còn xa khoảng gần nửa cây số, chúng tôi đã có thể nhìn thấy một dáng người đang đứng tuốt trên cao, đang quơ hai tay ra dấu không cho chúng tôi tiến lại gần. Thấy làm dấu không kết quả, người đó lấy một ống nước xịt xuống, như muốn cảnh cáo chúng tôi không được lại gần. Chúng tôi như người điếc nên chẳng sợ súng, vẫn cứ nhắm mắt tiến tới, bỗng không biết từ đâu, một tàu sắt xuất hiện và tiến lại gần tàu chúng tôi, họ dùng loa ra lệnh cho chúng tôi chạy theo họ. Bây giờ chúng tôi mới chịu buông bỏ giàn khoan để chạy theo tàu sắt. Chúng tôi được họ hướng dẫn đến đậu sát một tàu phà, lớn như một sân banh, đang thả neo không xa đó bao nhiêu, mà tôi đoán được xử dụng làm nơi trú ngụ cho nhân viên công tác tại giàn khoan. Họ cho phép chúng tôi leo lên tàu phà. Mấy ngày liền nằm trên tàu gỗ, ít có dịp để hình dung sự nhỏ bé của tàu mình, giờ đây đậu sát chiếc phà, ai ai cũng nhận thấy tàu mình như con cá lòng tong bên cạnh con cá lóc. Do đậu sát nhau, sóng đẩy tàu nhỏ chòng chành một cách đáng sợ, mọi người phải thật thận trọng lúc chuyển tàu, nếu không muốn bị té xuống nước, hoặc bị tàu kẹp gây thương tích.
Hôm đó là rạng sáng của ngày 26 tháng 2 năm 1981, sau ba ngày bốn đêm vượt biển, chúng tôi đã đến được bến bờ Tự Do, bình yên vô sự. Đây là giây phút hạnh phúc nhất trong suốt cuộc hành trình. Xin cảm tạ Trời Đất.
Số người đứng ra để “chiêu đãi” chúng tôi lúc bước lên phà, là một số các kỹ sư và chuyên viên giàn khoan người Nam Dương. Họ rất dễ thương và nói tiếng Anh khá lưu loát. Họ mang cho chúng tôi nước ngọt, trái cây như chuối, táo và bánh mì. Sau mấy ngày thèm khát vì chỉ húp cháo trắng và uống nước nặng mùi dầu cặn, ai cũng hăm hở với các thức ăn mới có chất lượng hơn. Sau chừng hai tiếng đồng hồ nghỉ ngơi ăn uống, đang vui vẻ yêu đời vì tưởng sẽ được cho ở lại luôn trên phà trong lúc chờ đợi phương tiện đưa chúng tôi đến trung tâm tỵ nạn, chúng tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng khi được yêu cầu xuống trở lại tàu. Họ trấn an chúng tôi là mọi chuyện sẽ tốt đẹp, vì họ sẽ cung cấp cho chúng tôi dụng cụ đi biển gồm hải bàn và hải đồ, lương thực, nước uống... để tự lái đến đảo KUKU, nơi có văn phòng đại diện của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách người tỵ nạn (United Nations High Commissioner for Refugees), cách đây cũng không xa lắm. Rầu thúi ruột, nhưng biết làm sao hơn?
Lúc mọi người đã trở lại tàu và đã ổn định xong, tài công cho nổ máy và gài số cho tàu chạy, đang ngon trớn bỗng tàu bị chấn động mạnh do va chạm kèm theo một tiếng động khô khan, làm tất cả chúng tôi giật nẩy mình. Chắc do vô ý nên tài công đã để mũi tàu đụng mạnh vào dây neo của tàu phà, làm phần trên mũi tàu bị bung ra, nhưng xem ra không nặng lắm. Tài công giật mình và hấp tấp chỉnh lại hướng đi, nhưng cũng như lần đầu, mũi tàu lại đụng mạnh vào dây neo một lần nữa, mà đường kính móc xích dây neo bự bằng cỗ chân bằng sắt, mũi tàu lại bị bể ra nhiều hơn. Trên tàu, hành khách nhốn nháo hẳn lên. Tội nghiệp mấy ông bạn Nam Dương trên phà cũng hốt hoảng không kém, họ bắt loa kêu gọi tàu chúng tôi không được đi nữa mà hãy quay trở lại. Người đại diện yêu cầu chúng tôi giữ trật tự và chờ đợi họ xin chỉ thị của chính quyền địa phương. Không bao lâu sau, anh chàng kỹ sư, mà tôi đã làm quen lúc còn ở trên tàu phà, tiến lại và ra dấu bảo tôi lại gần. Y nói, cách hay nhất để họ có thể mau chóng giúp đỡ và cho phép chúng tôi trở lại tàu phà là... đục thủng đáy thuyền để nước vô, rồi viện lý do tàu bị nạn có nguy cơ chìm, bọn họ có thể cứu chúng tôi, mà không cần đợi các thủ tục rườm rà. Tôi mừng rỡ cám ơn, nhưng đồng thời nêu vấn đề: trên tàu có đàn bà, con nít, tôi chỉ sợ, nếu đục đáy tàu, khi nước tràn vào, sẽ gây hốt hoảng, sẽ có màn chen lấn, tranh nhau rời tàu, trong lúc tàu đang chòng chành sẽ rất nguy hiểm, vì vậy tôi đề nghị xin cho đàn bà, trẻ em được chuyển lên phà trước, đàn ông, thanh niên sẽ lên sau khi đục thủng đáy tàu. Viên kỹ sư nghe thấy cũng hợp lý, nên bảo để y đi xin ý kiến của cấp trên. Lát sau, y trở lại và cho biết đề nghị của chúng tôi đã được chấp thuận. Chúng tôi mừng rỡ cám ơn và nhanh chóng giúp đỡ phụ nữ và trẻ em lên tàu phà trở lại. Tiếp theo, nhóm tài công tình nguyện thực hiện việc đục đáy tàu. Nghe đâu đục đáy tàu không nổi, nên cuối cùng họ chỉ có thể cắt một ống dẫn bằng cao su để nước tràn vào. Thú thật tôi không rành mấy vụ đó, nên cũng chỉ hiểu mù mờ, không biết ống đó là ống gì và nằm ở đâu? Tưởng nước sẽ mau chóng nhận chìm con tàu, nhưng chờ hoài chờ mãi chưa thấy tới đâu. Thay vì phải chờ đợi đến phút chót, tất cả chúng tôi đều được phép lên tàu phà trở lại. Mãi đến khoảng 9 giờ sáng, có nghĩa là sau khoảng 5 tiếng, con tàu mới bị nuốt chửng vào lòng biển. Chứng kiến tận mắt chiếc tàu đã cưu mang mình trong những ngày qua, từ từ biến dạng dưới mặt nước âm u gây cho tôi cái cảm giác rờn rợn khó tả.
Thời gian ở trên tàu phà tuy ngắn ngủi, nhưng thật hạnh phúc, thư giãn. Dù nằm mơ cũng không dám nghĩ sẽ có ngày được thảnh thơi, giữa trời biển mênh mông, ngút ngàn, sau một chuyến đi tử sinh bất định!
Sau khi được cho ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi, tôi đứng tựa lan can phà, hít thở gió biển, vừa nhìn những người Nam Dương câu cá với dây cước mà không dùng cần. Họ móc mồi cá rồi thả xuống biển, cá cắn câu, họ giật mạnh và dùng tay cuộn dây cước lôi cá lên, một người khác dùng dao làm cá tại chỗ và chắc ăn không hết nên tôi thấy họ phơi nắng làm khô cá. Cá câu được con nào cũng bự và thật tươi ngon.
Tôi cũng hay bắt chuyện với mấy anh kỹ sư, đại khái cũng hỏi thăm chuyện gia đình, công việc của họ và đồng thời cũng kể cho họ hay về hoàn cảnh của Việt Nam thời “hậu chiến”, về gia đình. Người Nam Dương rất dễ thương và tình cảm. Nghe tôi nói giờ này chắc ba má tôi trông ngóng tin tức của bọn tôi lắm, không chút do dự, anh chàng kỹ sư tôi quen đề nghị tôi thảo một bức điện tín gửi cho gia đình, cuối tuần anh đi phép ở Singapore, anh sẽ gửi dùm cho (*). Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ và vội vã viết một bức điện gửi bà chị Hai của tôi đang cư ngụ tại Houston, Texas, với nội dung cho biết gia đình vợ chồng tôi, em vợ tôi và T. em bạn tôi đến Nam Dương bình yên, tin cho Linh, em gái vợ tôi đang ở Virginia và ba má hay kẻo trông. Bức điện tín đó, về sau chị tôi cho lại tôi, và 38 năm sau, giờ này tôi vẫn còn giữ.
Bức điện tín nặng tình người, được gửi đi ngày 30/3/81 từ Singapore, chỉ vỏn vẹn 8 ngày kể từ khi tôi rời Sài Gòn. Vô địch!
(*) Tôi nhớ lại khoảng năm 1980, một đêm, sau khi ăn tối xong, nghe trong xóm chộn rộn, ra xem thấy người trong xóm bu quanh, nói chuyện với một người còn trẻ chống cặp nạng, mặc bộ đồ lính khá rách rưới, chân phải anh ta băng bó và hình như đang phát mùi hôi thum thủm. Anh ta cho biết vừa “cải tạo” được thả ra. Chân anh bị thương tích nặng do phải mìn nổ, trong thời gian tù tội. Về đến nơi, mới biết gia đình đã đi định cư ở Pháp, nhà cửa bị tịch thu, không nơi nương tựa. Ai nghe cũng mủi lòng, kẻ cho gạo, người cho tiền, người cho quần áo cũ, cọng thêm những lời an ủi. Tôi cho anh mấy lon gạo và hỏi anh có địa chỉ người thân ở Pháp không? Anh lục túi đưa tôi tên tuổi, địa chỉ. Tôi ghi vội vào giấy và hứa với anh tôi sẽ liên lạc với gia đình anh để cho họ biết tin tức về anh. Thư tôi gửi đi được một vài tuần và bị gửi trả lại, với lý do... không có ai tên đó ở địa chỉ trên! Đến giờ phút này, tôi vẫn không rõ anh ta đã nói thật, hay đã lừa gạt mọi người! Nếu anh đã lừa gạt. anh quả thật là một thiên tài, xứng đáng nhận giải Nobel về óc sáng tạo và giải Oscar về tài đạo diễn lẫn diễn xuất! Nhưng dù gì đi nữa, giờ này nghĩ lại, tôi có cảm tưởng mình cũng đã nhận lại được “Quả” tốt với bức điện tín đầy tình người như đã kể trên.
Thời gian ở tàu phà rất ngắn vì khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi được điều động lên chiếc tàu sắt nhỏ của người Nam Dương để đến chỗ hẹn với một tàu khác, gồm thủy thủ đoàn người Đức tình nguyện, với nhiệm vụ cứu giúp người vượt biển. Chúng tôi rất ấn tượng khi nhìn thấy tàu FLORA vì tàu thuộc loại tàu sắt lớn, mũi tàu nhọn và cao hẳn khỏi mặt biển, trông rất hùng tráng. Sau khi hai tàu tiến sát lại gần nhau, tàu FLORA cho hạ xuống một thang sắt có tay vịn, chưa xong, họ còn cẩn thận cho giăng một cái lưới bằng dây thừng bên dưới để hứng, trong trường hợp có người trợt chân té, vì tàu chúng tôi đang chòng chành dữ dội, và tai nạn có thể dễ dàng xảy ra. Nhìn sự chuẩn bị chu đáo của thủy thủ đoàn, tôi thật cảm động và tự nghĩ: Những con người xa lạ, khác màu da, khác chủng tộc này, đã bỏ lại tất cả, công việc làm ăn, mái ấm gia đình... để đến vùng biển hoang dã này, tìm cách cứu vớt những kẻ cùng đường kẹt lối dám đem mạng sống mình để đánh đổi hai chữ tự do. Họ hết lòng lo lắng cho sự an toàn của từng người trong nhóm chúng tôi, hốc hác tiêu điều như một đám cái bang, trong lúc những người “anh em” ruột thịt, cùng dòng máu của chúng tôi thì luôn tìm dịp hãm hại trù dập chúng tôi một cách không thương tiếc!
Tôi phát hiện rất sớm là người trưởng nhóm tàu Flora tuy người Đức, nhưng nói được tiếng Pháp khá trôi chảy. Ông ta ngỏ ý muốn nhờ tôi phụ việc cho nhóm nấu bếp, tôi vui vẻ nhận lời. Tối đó bọn tôi được ăn một bữa cơm "sống" (theo tiêu chuẩn VN) ,với thịt hộp và cá khô! Tuyệt diệu!
Trên đường đến đảo Kuku, giữa đêm tối, chúng tôi được thông báo tàu Flora sẽ tạm ngừng ở một điểm hẹn, để tiếp nhận một nhóm thuyền nhân khác, đã được cứu vớt vài ngày trước ở một đảo nhỏ, nay xin quá giang tàu Flora để đi Kuku. Trong đám người lếch thếch đang đặt chân lên tàu, tôi ngạc nhiên lẫn mừng rỡ khi nhận ra “Cu” Trúc, một người quen thân mà tôi biết chắc đã ra đi trước tôi khoảng hơn tuần lễ! Gia đình Trúc ngày xưa thuê nhà của ba má tôi, hai gia đình sống gần và qua lại cả mười mấy năm, nên xem nhau còn hơn cả bà con ruột thịt. Trúc nhỏ hơn tôi chừng ba, bốn tuổi và nếu tôi nhớ không lầm, Trúc được sinh ra trong căn nhà thuê đó, bọn tôi thường gọi là “Thằng Cu”. Lớn lên “Thằng Cu” cao to, đẹp trai, lại là phi công A37 nữa, nên được gọi lại bằng cái tên Trúc cho nó lịch sự. Trước ngày đi, Trúc có lại chào gia đình tôi, lúc đó tôi vẫn còn chưa biết ngày đi. Sau này nghe Trúc kể lại, tàu bị hỏng máy nên lênh đênh nhiều ngày trên biển, may mà không chết, vì vậy mà đi trước đến sau! Kể từ giây phút đó, Trúc gia nhập nhóm tôi cho đến ngày rã đám lên đường định cư.
Đảo Kuku là một trong 18,300 đảo trong quần đảo Nam Dương. Vì tứ bề được che chắn bởi những đảo khác, nên mặt biển luôn ít sóng trông như mặt hồ. Vào những năm 79, 80, với phong trào vượt biên “bán chính thức”, Kuku là một trung tâm đón nhận thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam lớn nhất vùng, với con số lúc cao điểm, lên đến nhiều ngàn người. Từ một hoang đảo, Kuku trong thời gian đó, đã trở nên một khu tập trung đông đúc của người tỵ nạn Việt Nam, với rất nhiều dãy nhà tuy thô sơ vá víu nhưng đủ để che nắng che mưa do thuyền nhân tự xây cất, hoặc thuê người khác xây cất, bằng cây rừng của đảo, hoặc thậm chí sang lại của người khác với giá cả có thể lên đến cả cây vàng!
Ngày 01 tháng 3 năm 1981, chúng tôi đặt chân lên đảo Kuku, ai cũng đi đứng nghiêng ngã như người say rượu, nhưng đúng ra là “say đất”, vì đã khá lâu chưa có dịp đạp đất lại. Trên đảo vào thời điểm 1981, chỉ còn lẻ tẻ chưa tới vài trăm người. Họ túa ra bến tàu tìm cách nhận diện xem trong đám người mới tới có ai quen biết không? Không khí nhộn nhịp, vui vẻ hẳn lên. Tuy nhiên, bọn tôi còn phải trải qua một số thủ tục, rất may trong đó không có thủ tục... “đầu tiên” (= tiều đâu). Đại khái ghi danh, "khám" vệ sinh và sức khỏe, trước khi được chính thức cho gia nhập trại. Tuy gọi là khám sức khoẻ, nhưng trên thực tế, theo nhận xét của một số người, chỉ là khám chiếu lệ và được thực hiện một cách thiếu tế nhị, nhất là đối với các nữ thuyền nhân. Cũng may, không có gì đáng tiếc đã xảy ra! Nghĩ cho cùng, với thân phận tỵ nạn lấy tư cách gì mà đòi với hỏi? Người ta mở cửa cứu vớt đã là may rồi!
Đảo Kuku với những túp lều của người tỵ nạn
Lúc đó trên đảo vẫn còn rất nhiều “lều chõng” xiêu vẹo, bỏ trống đã nhiều tháng, chúng tôi mặc sức chọn lựa và tự tu bổ lại, với vật liệu thu góp từ những căn bỏ trống khác. Bây giờ, nhóm chúng tôi chính thức tăng lên 6 người: hai vợ chồng tôi với thằng con, Quý, em út bà xã, cọng thêm hai thằng em nuôi Tâm và Trúc. Cũng nhờ vậy mà suốt thời gian ở đảo thật vui nhộn và đầy đủ nhân lực cho mọi nhu cầu sinh hoạt của nhóm. Trên đảo tôi gập lại anh Lưu, thuộc nhóm phóng viên chiến trường, bạn ông anh tôi, người đã giúp chụp hình đám cưới cho vợ chồng tôi 8 năm trước. Ngoài ra tôi còn phát hiện trên cùng chuyến tàu định mệnh với tôi, có Lan Phương, cùng tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn cùng năm 71 với tôi, ban Anh Văn, cùng chồng là họa sĩ Bửu Khải tức Nguyên Khai, hiên định cư tại California. Ngoài ra còn có anh Hoàng Ngân Hà và chị Tâm, bạn anh Hai tôi, hai giáo sư Anh Văn tốt nghiệp ĐHSP Huế.
Chúng tôi chọn được một căn mặt tiền, chỉ cách bờ biển không tới 50 mét, đủ rộng cho 6 mạng. Chúng tôi bắt tay dẹp dọn, vệ sinh chổ ở, đi nhận đồ tiếp liệu: nồi niêu, chén đũa, lò bệ, gạo, đồ hộp, mùng mền... đại khái những thứ thiết yếu cho thời gian tạm trú.
Với số gạo nhận được khá dư dả, qua sự chỉ vẻ của nhóm người đến trước, chúng tôi dùng để đổi lấy cá tươi, từ những người ngư dân địa phương, mỗi chiều khi họ đi lưới cá về, trên những chiếc ghe nhỏ nhắn đủ cho hai người, chứ không phải loại thuyền lớn đi xa. Ôi, nhìn mấy xâu cá tươi xanh còn vùng vẫy mà thèm. Chỉ tiếc trong phần thực phẩm phân phối không thấy muối, xì dầu, hay nước mắm. Trong khó khăn mới vận dụng đến sáng kiến, tôi đề nghị với mấy chú em lấy nước biển về nấu làm muối. Thế là chúng tôi có thể thưởng thức cá hấp, cá “kho”... Trong phần nhu yếu phẩm nhận được có: đậu xanh hột, mật ong, thịt vịt hộp, mì gói, vậy mà bà xã tôi cũng đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ “chị nuôi” của nhóm, bằng cách biến chế các món ăn độc đáo: Chè đậu xanh nấu với mật ong (vì không có đường), mì vịt tiềm.
Gia đình bé nhỏ của tôi trên đảo Kuku
Trong không khí cắm trại, biển trời lồng lộng, đầu óc thảnh thơi, không còn nỗi lo sợ canh cánh như lúc còn ở ngay trên chính quê hương của mình và với một tương lai tươi sáng đang chờ đợi ... phải nói là ăn gi mà chẳng ngon và đó là những ngày vui, hạnh phúc khó quên. Bữa tối, dưới ngọn đèn dầu hoặc ánh trăng, ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện, cười ngặt nghẽo, hoặc nghe Cu Trúc hát. Trúc tánh tình vui nhộn, có máu văn nghệ với giọng hát khàn khàn nghe thật truyền cảm. Vừa lên đảo được một hai ngày là cu cậu đã tán được một em y tá Nam Dương khá xinh, đã nói được vài câu tiếng địa phương, với nước da ngâm đen, tóc quăn tít, nhìn vào ai cũng tưởng cu cậu là thỗ dân chính gốc. Trúc mượn đâu được cây đàn guitar, thế là tối nào cũng có màn văn nghệ bỏ túi. Điều duy nhất đáng phàn nàn trên đảo Kuku là chuột! Chắc đó là hậu quả của sự tập trung quá tải của các thuyền nhân trước đây và rác rến của họ đã để lại.
Trong thời gian ngắn ngủi ở trên đảo này, đại diện của UNHCR đã đến tiếp xúc và lập danh sách của chúng tôi. Một điều thật thiếu sót nếu không nhắc đến, khi nói về đảo Kuku: đây không những là nơi tiếp nhận những thuyền nhân may mắn đã đến được bến bờ tự do mà còn là nơi yên nghỉ nghìn thu của nhiều thuyền nhân VN, sau khi đã đặt chân lên đất liền, do bệnh hoạn, đuối sức trong suốt chuyến hải hành gian nan hoặc do mắc phải bệnh sốt rét rừng khi đã lên tới đảo. Cho tới thời điểm 2019 này, hình như một số mộ vẫn còn ở đó, một số khác được thân nhân dời cốt về gần nơi gia đình định cư.
Tưởng cần nói đão Kuku thời điểm đó, được đặt dưới sự chỉ huy của một sỹ quan Nam Dương, Thiếu Tá SOHARDJO, thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, ông ta đã từng ở Việt Nam trước 1975, là thành viên trong Ủy Ban Liên Hợp 4 bên. Có dịp tiếp xúc với ông, tôi nhận thấy ông ta rất dễ thương và tế nhị.
Hình chụp ở đảo Kuku. Từ trái: Quý, Trúc, NDung, Thuận, Cu Huy, TT. Sohardjo, Tâm. Xa xa có thể nhìn thấy bóng dáng tàu Seasweep
Ở Kuku được gần 3 tuần, ngày 20 tháng 3 năm 1981, chúng tôi lại phải thu xếp hành trang để được đưa đến trại tỵ nạn chính thức ở đảo Pulau Galang. Phương tiện chuyên chở là tàu Sea Sweep, được bảo trợ bởi nhóm Nhà Thờ Tin Lành World Vision. Dù bản thân rất tình cảm, nhưng thú thật, tôi chẳng có chút cảm xúc nào khi nhắc đến nhóm thiện nguyện trên chuyến tàu này. Lý do dễ hiểu là chúng tôi hầu như đã không có bất cứ tiếp xúc nào với nhóm người hiện diện trên tàu, ngoại trừ nhận được từ họ một cuốn Kinh Thánh bỏ túi bằng tiếng Việt lúc vừa bước chân lên tàu. Trong suốt chuyến đi, chỉ thấy một nhóm trai gái người Á Đông, không rõ là người Đài Loan hay Singapore, lượn qua lượn lại, tụm năm tụm ba đấu hót với nhau, không một lời thăm hỏi nhóm người “tỵ nạn khốn khổ” chúng tôi! Tôi nghĩ số người này đã tình nguyện... cho một cuộc hải hành vui chơi trên biển thì đúng hơn.
Lòng nhân đạo, với tôi, hình như vẫn là món hàng hiếm, khó kiếm thấy ở người Á Đông chúng ta chăng? Cũng có thể tôi hơi khó tính?
Dung nhan chiếc SEASWEEP
Trại tỵ nạn Galang với các dãy barrack
Trại tỵ nạn Galang rộng lớn gồm có 2 khu: Galang 1 và Galang 2, nhóm tôi được đưa vào Khu 1. Mỗi nhóm đều mang cùng một số hiệu được cắp cho mỗi tàu được Nam Dương tiếp nhận, chẳng hạn nhóm tôi mang số hiệu IN.15129. Mỗi khu có chừng mấy chục “barrack”, mái tôn, với những dãy giường gỗ nằm san sát nhau.
“Chị nuôi” Ngọc Dung luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ
Khi đặt chân đến đây, tôi có cảm tưởng như mình vừa đến một thành phố nhỏ, nghèo nàn, đất đỏ nào đó của VN vì nhìn quanh, thấy toàn người Việt, đi đâu cũng nghe toàn tiếng Việt, với cảnh sinh hoạt buôn bán khá nhộn nhịp. Cũng tụm năm tụm ba, mua bán đổi chác, cà phê thuốc lá giống hệt cảnh một chợ trời “chồm hổm” nhỏ tại quê nhà. Vừa qua đến, bọn tôi đem bán ngay một khâu vàng. Có được “rupiah”, đơn vị tiền tệ của Nam Dương trong tay, bọn tôi mặc sức ăn hàng quà, chè trái cây làm từ những hộp "fruit cocktail", cà phê, thuốc lá... cho bù lại thời gian thèm khát vừa qua. Thuốc lá Nam Dương có tên Djarum Black, khá nặng, có mùi hồi (anis), lúc hút chất nhựa cháy phát ra tiếng kêu răng rắc rất đặc biệt.
Phải nói người Việt mình thật giỏi, một số người vì lý do nào đó chưa được nơi nào nhận cho đi định cư, sợ ở lại lâu tiêu hết tiền, bèn kiếm cách mua bán, kinh doanh kiếm thêm tiền để tiêu thêm.
Ở đây, sau thời gian ổn định, nghỉ ngơi, thủ tục giấy tờ, chụp hình căn cước, cũng đã hoàn tất, thuyền nhân giờ chỉ còn chờ đợi phái đoàn các nước đến phỏng vấn.
Hình căn cước thuyền nhân của tàu IN.15129 trông giống phạm nhân bị FBI truy nã
Một số người đã liên lạc được với thân nhân ở ngoại quốc, nhận được quà cáp, tiền bạc ủy lạo rủng rỉnh, họ nhanh chóng lấy lại được phần nào phong độ ngày trước, sắc diện coi tươi tắn hơn, áo quần coi cũng bảnh bao hơn. Trên đảo còn có chùa và nhà thờ Công Giáo. Vị Linh mục chánh là Cha Gildo Dominici, một linh mục Dòng Tên, đã từng gắn bó với VN từ năm 1967, với một cái tên Việt Nam rất dễ thương là Đỗ Minh Trí. Ngài đã tình nguyện về phục vụ tại trại tỵ nạn Galang ở Nam Dương từ năm 1979, lúc cao điểm, nghe đâu số người tỵ nạn lên đến trên 10 ngàn người. Không những Cha Dominici phục trách nhu cầu phần hồn cho giáo dân, ngài còn là người giúp tổ chức các sinh hoạt của trại, xông xáo tranh đấu với UNHCR và chính quyền địa phương cho quyền lợi của người tỵ nạn... Bên cạnh ngài, còn có cha Tiền, một LM Việt Nam, còn khá trẻ, làm phụ tá. Nghe đâu cha này về sau hoàn tục, đổi chức “cha” để nhận lấy chức “Ba”. Nhà thờ có ca đoàn VN, và khỏi cần nói, chủ nhật nào giáo dân cũng đi lễ rất đông và sốt sắng, để cảm tạ Ơn Trên đã cho đến được bến bờ bình yên.
Qua đến đảo, một số người trong nhóm tôi được tin của gia đình chủ tàu gửi qua cho biết: trong hai chiếc ghe mất tích ngày khởi hành, một chiếc bị hỏng máy, trong đó có vợ con cháu chắt nhà chủ, chiếc kia bị lật chìm, ba, bốn người tử nạn, trong đó có Bà Lang, người mà tôi đã nhắc đến trong đoạn trước, cùng với hai đứa con và một người em. Người chồng Quận Trưởng nghe đâu “may mắn” sống sót và bị bắt trở lại. Tôi xúc động mạnh khi nhận được tin buồn này. Mới gặp mặt và nói chuyện ngày trước, ai biết được ngày hôm sau bà tử nạn. Ông Thầy bói mù nói thế mà đúng, chỉ có tôi là sai: Trong bảy, tám chục người cùng tham dự chuyến đi, định mệnh của mỗi người không nhất thiết bị cột chặt vào nhau như trường hợp mà đạo Phật thường gọi là cộng nghiệp. Theo tôi, trong đời mỗi người, có những sự kiện hoặc biến cố không nhất thiết liên quan trực tiếp đến mình nhưng đã để lại dấu vết thật lâu dài. Đã 38 năm rồi, thế mà cái chết của bà Lang và hai con cứ mãi ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Tôi chúa lười đọc kinh cầu nguyện, thế mà mỗi khi có dịp, tôi luôn nghĩ đến người đàn bà xấu số đó!
Một bất ngờ thích thú khi đến Galang là gặp lại Trần Q. Phục, người bạn thân đã học cùng lớp, cùng ban Pháp Văn với tôi tại ĐHSP Sài Gòn.
Ngày tiễn Phục rời Trại GALANG đi định cư ở Mỹ
Phục rời VN trước tôi khá lâu, nhưng hình như đi theo hướng Thái Lan. Sau khi ở Thái một thời gian, lại được chuyển sang Phi Luật Tân, trước khi đến Galang 2. Vừa gặp lại không bao lâu, thì tôi đã vội đưa tiễn Phục rời đảo đi định cư ở Mỹ.
Những người đi cùng chuyến tàu. Hình còn thiếu nhiều người, trong đó có gia đình người viết. Lưu HQ (1), Dưỡng HQ (2), BS Tấn (3), Trang, phu nhân BS Tấn (4), Lan Phương SP (5) và phu quân Bửu Khải tức HS Nguyên Khai (6)
Hình ảnh tiêu biểu của một gia đình tỵ nạn, thiếu thốn mọi thứ nhưng thật vui và hạnh phúc
Một nhân vật thật đặc biệt khác mà vợ chồng tôi nhớ mãi, mỗi khi nhắc tới thời gian ở Galang là Lê Trung. Trung sinh sống tại Pháp, tình nguyện tham gia hội Hồng Thập Tự Pháp (Croix Rouge) đến công tác thiện nguyện tại đảo Galang trong thời gian tôi ở đó. Trung là một thiện nguyện viên Việt Nam hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất có mặt tại trại tỵ nạn Galang.
Lê Trung, người thiện nguyện viên Việt Nam hiếm hoi ở Galang
Trung chắc trẻ hơn tôi một hai tuổi, đẹp trai, trắng trẻo, hiền lành kiểu “Con nhà lành “ và còn độc thân. Qua chuyện trò, biết vợ chồng tôi là giáo sư Pháp Văn, Trung mừng rỡ đề nghị chúng tôi tham gia mở lớp dạy tiếng Pháp cho những người định cư ở Pháp mà Trung dự tính tổ chức. Gặp bọn tôi như bắt đúng “tần số“, Trung hay lui tới chuyện trò thân thiết, chỉ tiếc thời gian bọn tôi ở đảo không đủ lâu, chuyện mở lớp chưa xong thì bọn tôi đã đi định cư ở Mỹ. Ngày bọn tôi rời đảo bằng tàu sang Singapore, Trung tình nguyện tháp tùng. Nhờ có Trung hướng dẫn, nên bọn tôi có dịp tham quan Singapore, chụp hình, ngoạn cảnh, đi chơi lòng dòng ở các thương xá, và đi ăn hàng quán, mọi chi phí Trung dành chi trả hết. Nói cho ngay, cũng không có gì tốn kém lắm nhưng trong hoàn cảnh tỵ nạn của bọn tôi, sự đối xử tình nghĩa đó là những món nợ “ân tình“ mà bọn tôi trân quý và không bao giờ quên! Sang đến Mỹ, hơn một năm sau, tôi vẫn thường xuyên thư từ thăm hỏi Trung và có nhã ý mời Trung qua chơi một chuyến. Trung vui vẻ hứa sẽ kiếm dịp. Lá thư chót gửi thăm Trung vào khoảng năm 83, tôi nhận được thư trả lời, có điều thư không phải do Trung viết mà do thân nhân viết, trong thư chỉ ngắn gọn đau buồn báo tin là Trung đã mất! Không một lời giải thích nào khác! Phải nói là vợ chồng tôi bàng hoàng, hụt hẫng!
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn thắc mắc, ấm ức. Tại sao một người trẻ trung khỏe mạnh, yêu đời yêu người... như Trung, lại có thể ra đi bất chợt như vậy? Lại thêm một mất mát cứ mãi ám ảnh tôi!
Chụp với Lê Trung tại Singapore May 1981
Lá thư cuối không ngày tháng, nhận được từ Lê Trung, người bạn vắn số
Thời gian ở đảo, các anh chị em của tôi cũng như của bà xã tôi, định cư ở Mỹ từ năm 75, thỉnh thoảng gửi tiền về ủy lạo, đồng thời luôn căn dặn: nhớ đừng dại dột xin đi định cư ở Pháp, bảo ở Pháp cực lắm chứ không như ở Mỹ. Mà mấy anh chị lo và dặn dò cũng đúng thôi, bọn tôi đã quá quen thuộc với những gì của Pháp, từ ngôn ngữ đến lịch sử, văn hóa và nhất là con người. Văn bằng của bọn tôi cũng được Pháp công nhận, nếu qua Pháp, chắc bọn tôi sẽ không bị bở ngỡ, mà có thể mau chóng làm lại cuộc đời. Khỏi cần nói, cám dỗ đó rất thật, tuy nhiên vào lúc đó tôi chỉ nghĩ: Ruột thịt ở đâu thì mình ở đó. Đơn giản vậy thôi! Với tôi vật chất không nhất thiết là yếu tố quyết định! Đến lúc phái đoàn Mỹ đến phỏng vấn, bọn tôi đã được chấp nhận dễ dàng, phần vì đã có thân nhân cư ngụ tại Mỹ, mặt khác, căn bản tiếng Mỹ bọn tôi chắc không đến nỗi tệ, bằng chứng là sau khi phỏng vấn tôi, viên trưởng đoàn Mỹ ngỏ ý muốn tôi giúp phiên dịch cho đoàn. Hơi ngạc nhiên nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận lời.
Phái đoàn Mỹ đang phỏng vấn thuyền nhân Việt Nam tại trại Galang
Thời gian ở đảo đúng ra phải là thời gian tuyệt vời nhất, vừa thoát khỏi "thiên đàng XHCN", chỉ có ăn và chơi, chẳng có gì đáng phải lo lắng, chỉ còn chờ ngày đi định cư, vậy mà hình như ít ai hưởng được những phút giây hạnh phúc có thực và gần kề đó. Với những người chưa được phỏng vấn thì cứ thấp tha thấp thỏm, người khác phỏng vấn rồi, nhưng vì khai báo bất nhất, chờ hoài chưa thấy kết quả lại thở dài thở vắn, khắc khoải. Ngay cả những người đã xong xuôi thủ tục chờ ngày đi, cũng có nổi bâng khuâng, lo lắng cho tương lai bất định! Vài năm sau khi đã định cư, khi đầu tắt mặt tối vì phải cày quá độ, ai cũng nghĩ lại thời gian ở đảo để tiếc rẻ. Vợ chồng tôi xin về Houston, Texas, ở đó tôi có hai bà chị. Ông anh kế tôi ở Cali cũng muốn tôi về trên đó nhưng rồi đành phải nhượng bộ hai bà chị. Riêng thằng em vợ tôi lúc đầu xin về Virginia theo chị Năm và anh kế của nó, nhưng một năm sau lại đổi ý và xin về Houston với bọn tôi. Trúc cũng xin về Texas giống tôi, nhưng sau lại định cư ở Seattle. Tâm thì về Arkansas với người anh.
Vợ chồng tôi và Trúc được đi định cư trước. Ngày lên đường, lúc chia tay cũng nhiều bịn rịn, nhất là bà xã tôi, vì thằng em út còn kẹt lại. Nhóm người chúng tôi được tàu cao tốc bốc đi từ bến tàu đảo Galang, trực chỉ Singapore. Hôm lên đường, tôi bước đi khập khiễng, vì cách đó vài ngày, trong lúc đùa giỡn với Trúc trên bãi biển gần trại, tôi bị Cu Trúc dẫm mạnh lên bàn chân, làm rách toạc khoảng da giữa ngón chân cái và ngón kế. Tôi được tháp tùng về bệnh xá để khâu lại. Đến ngày rời đảo, vết khâu vẫn chưa kịp cắt chỉ.
Qua Singapore chúng tôi được đưa vào một trại bỏ trống, điều kiện ăn ở không có gì khả quan hơn nếu không nói là tệ hơn Galang, vì phải trải chiếu nằm đất, được cái là ban tổ chức phát cho bọn tôi tiền mỗi ngày để mua lương thực và luôn cả bia Tiger nữa. Thời gian ở trại tỵ nạn tuyệt đối cấm uống bia rượu, vì Nam Dương là quốc gia Hồi Giáo. Cũng may, như tôi đã nói phần trước, bọn tôi được anh bạn Lê Trung đến đón đi tham quan đảo quốc nguyên một ngày. Điều làm tôi ấn tượng ở đảo quốc này là sự vệ sinh công cộng và màu xanh của cây cỏ. Nơi nào cũng sạch sẽ, không một cọng rác, cây cỏ xanh tươi và được cắt tỉa cẩn thận. Thành phố với những cao ốc, thương xá, kiến trúc tân kỳ, đường sá rộng lớn, trật tự và chỉ toàn xe hơi, hoặc xe bus loại lớn chứ không thấy xe gắn máy hoặc các loại xe khác. Taxi phần lớn là Mercedes. Hàng hóa trong các thương xá đầy dẫy, sang trọng và đặc biệt là tax free. Chỉ mới có 6 năm sống trong chế độ "bao cấp" mà giờ đây tôi cảm thấy choáng ngợp lẫn ngưỡng mộ trước một đảo quốc mà chỉ chừng chục năm trước đây, thủ tướng họ Lý đã từng ước ao: biết ngày nào Singapore này mới bằng được Sài Gòn?
Hôm lên đường đi Mỹ, chúng tôi được chở đến phi trường Singapore, trên tay chúng tôi ai cũng cầm một phong bì lớn màu vàng, trong đó có hồ sơ tỵ nạn và bệnh lý của mỗi người, đồng thời có hình X-ray phối. Trong lúc chờ đợi chuyến bay, tôi bắt chuyện với một người đàn ông Pháp đang đứng kể bên với một bé gái chừng bốn, năm tuổi. Ba mươi tám năm sau tôi vẫn còn nhớ tên ông ta, Mr. Frantoni, ông ta đang làm việc trong một ngân hàng của Pháp tại Hồng Kông. Trong lúc nói chuyện, ông biết vợ chồng tôi là người tỵ nạn Việt Nam, lại là giáo sư Pháp Văn, vừa rời trại tỵ nạn Nam Dương và đang trên đường đi định cư. Ông ta có vẻ xúc động và hỏi tôi có thể cho ông tên và địa chỉ của tôi ở Mỹ, và nếu tôi cho phép, ông sẽ liên lạc thăm hỏi. Tôi không tiện từ chối, nhưng tôi nghĩ thầm, chắc ông ta cũng chỉ hỏi lấy lệ vậy thôi. Tôi hoàn toàn không nghĩ nhiều đến cuộc gặp gỡ đó nữa, cho đến chừng một tháng sau khi đặt chân đến Mỹ, tôi nhận được một lá thư của ông Frantoni với những lời lẽ thật cảm động, đại khái: "Tôi đã gặp bạn và gia đình trong một hoàn cảnh thật trớ trêu, tôi thì đang đưa con gái đi nghỉ hè, phần bạn và gia đình thì vừa rời trại tỵ nạn và đang trên đường đi định cư ở một vùng đất mới xa lạ với một tương lai đầy dẫy khó khăn, bất định. Xin thành thật cầu chúc bạn và gia đình gặp được nhiều may mắn, thành công trong cuộc sống mới. Xin cho phép tôi được gửi tặng bạn một năm nguyệt san Le Magazine Littéraire.
Tôi thật cảm động trước những lời nói đầy chân tình từ một người "xa lạ". Một “Good Samaritan”.
Chiếc Boeing 747 của hãng Trans World Airlines (TWA), sau một chuyến bay dài bất tận, cuối cùng đã đưa chúng tôi đến San Francisco, sau chặng dừng ở Alaska. Đến phí trường SF khoảng hai, ba giờ chiều. Một lần nữa, chúng tôi lại bị choáng ngợp bởi tầm vóc vĩ đại của phi trường, cái gì cũng sang trọng đẹp đẽ. Một đại diện Việt Nam của cơ quan thiện nguyện Công Giáo đã có mặt để chào đón nhóm tỵ nạn chúng tôi.
Anh ta trao cho chúng tôi một bịch lương thực gồm có sandwich và trái cây. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn lên xe ca lớn về ở qua đêm tại một trại lính cũ, nay được xử dụng làm nơi tạm trú của người tỵ nạn, trong lúc chờ đợi chuyến bay vào sáng mai, sẽ đưa tiếp mỗi người chúng tôi về nơi định cư chính thức.
Từ trên xe ca, nhìn ngắm giòng xe cộ chạy bên dưới, tôi chợt chú ý đến một người đàn ông trẻ Á Đông, mà tôi đoán chắc là người Việt Nam, anh ta đang lái một chiếc xe Mustang mui trần, mái tóc dài bay nhẹ trong gió, dáng vẻ thoải mái tự tin. Tự nhiên, tôi nhìn anh ta như nhìn một thần tượng và tiu nghỉu tự hỏi: biết bao giờ mình mới được như vậy? Chỉ tiếc anh ta sẽ không bao giờ biết được rằng, 38 năm về trước, đã có một tên tỵ nạn nhìn anh... với tất cả sự thán phục!
Đi qua những cầu xa lộ (Loop) với những đoạn cầu chồng chất lên nhau trông thật ngoạn mục, tôi tự hỏi: giả dụ bất chợt thấy cha mình đang đứng ở cầu dưới, biết cách nào mà leo xuống gặp được?
Trại lính dù đã đóng cửa nhưng vẫn còn ngăn nắp, sạch sẽ. Chúng tôi được hướng dẫn đi xem những nơi cần biết. Trại vẫn còn đầy đủ tiện nghi như giường nệm, phòng tắm có nước nóng. Chúng tôi được thông báo sẽ gặp lại nhau ở phòng ăn lúc 19:30 giờ.
Việc đầu tiên tôi làm là hỏi cách thức gọi điện thoại, cho anh tôi biết tôi đã đến nơi bình yên và hiện đang ở SF, tôi cũng nhờ anh gọi báo cho chị Hai tôi biết giờ đến của tôi tại Houston để chuẩn bị đi đón. Anh tôi mừng rỡ và hứa sẽ bay xuống thăm bọn tôi trong vài ngày tới. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, chúng tôi xuống phòng ăn chuẩn bị ăn tối. Bữa ăn đầu tiên của chúng tôi ở nước Mỹ là thịt gà đút lò với xà lách. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều thịt gà như vậy, cả mấy khay sâu đựng đầy thịt. Tôi chợt nhớ lại thời gian đi dạy học sau năm 75, cứ vài tháng thầy cô được mua một con gà hợp tác xã, nhưng con gà lại được nuôi theo phương pháp Đức Quốc Xã nuôi người Do Thái trong các trại tập trung: con gà cầm trong tay thật “dễ thương” vì... nhẹ như một món đồ chơi bằng bông gòn, chỉ còn lông và xương, không biết bằng phép lạ nào mà họ làm thịt biến đi đâu mất? Ở Mỹ “nuôi” gà kiểu đó mà bị phát hiện là bị đi tù ngay, với tội danh “animal cruelty”. Vậy mà chỉ cần hai con gà như vậy, với ba bốn bắp cải thật lớn là bảy, tám thầy cô có món gỏi gà ăn mệt nghỉ. Nhóm tỵ nạn chúng tôi được dịp phá giới, căng bụng ra ăn một trận đến nơi đến chốn để... trả thù "Đế Quốc Mỹ". Vậy mà cũng chưa hết được nửa số thịt!
Ăn uống no say xong, chúng tôi ra sân bách bộ. Ôi San Francisco thật kỳ lạ, đã gần 9:30 tối mà trời vẫn còn sáng. Tháng sáu mùa Hè mà trời lại mát lạnh! Một cảm giác hạnh phúc tràn ngập lấy tôi! I left my heart in San Francisco!
Ngày hôm sau, chúng tôi đáp máy bay của hãng hàng không Continental để đi Houston, Texas. Lúc máy bay chuẩn bị đáp, nhìn qua cửa sổ, tôi rất ngạc nhiên nhìn thấy một màu xanh tươi bao phủ bên dưới. Vậy mà trong đầu tôi cứ nghĩ Texas, vùng đất của cao bồi và mọi da đỏ qua phim ảnh, chắc phải là đất sa mạc với toàn xương rồng! Ba mươi tám năm trước, vào ngày 05 tháng 6 năm 1981, tôi chính thức trở thành cư dân Houston, Texas.
Sum họp cùng các anh chị tại Houston. June 1981
Giấy nợ đầu tiên nhưng không phải là giấy nợ cuối cùng, khi đến đất Mỹ. Tiền máy bay 800 USD cho 3 người, trả trong 18 tháng. Đáng tiếc không ít người VN đã quịt món nợ này.
Hình chụp tại bãi biển Trại Galang. May 1981
Chụp tại nhà Thờ Trại Tỵ Nạn Galang. Người đứng góc trái là Cha Tiền
Chụp cùng gia đình nhân kỷ niệm 45 năm Sinh nhật ngày cưới. ( Oct.2018)
Chụp tại bến tàu Trại Galang
(*) Trước năm 1975, tốt nghiệp ĐHSP 4 năm hoặc có văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa, phụ trách các lớp 10, 11, 12 được gọi là Giáo Sư Đệ Nhị Cấp. Tốt nghiệp Trường SP cơ sở, chương trình đào tạo phụ trách cấp Tiểu Học, được gọi là Giáo Viên. Sau năm 1975 được gọi đồng hạng là Giáo Viên cấp 1 (Tiểu Học), cấp 2 (Đệ Nhất Cấp), cấp 3 (Đệ Nhị Cấp).
Viết xong ngày 18 tháng 6 năm 2019, 38 năm trọn kể từ ngày đến Houston, Texas.
Trần Văn Thuận
Đăng ngày 11 tháng 10.2019
ESCAPE BY SEA
Steve TRAN
Memoir of a ”Boat People” family who fled Vietnam post-war in 1981
I dedicate this personal memoir to Ngoc Dung, my wife, and my loyal partner, who has shared the ups and downs of the last 47 years of my life. This English version (from the original “Vượt biên lan man tự truyện”) aims particularly at my two sons Rick, Andrew, my grandsons Brandon and Shiloh, as well as their children to come. It could also benefit younger Vietnamese generations, to whom the Vietnamese language seems too hard to chew. Through this personal testimony, they could somehow understand WHY, HOW, and at WHAT PRICE they ended up being here, in this blessed “Land of the free and the Home of the brave,” ten thousand miles away from their Fatherland.
Although the exodus started 45 years ago, in 1975 to be exact, after South Vietnam fell into the hands of the Communist forces, the memory of "Boat People" is still so fresh, so alive, almost an open wound in the mind of most Vietnamese emigrants. Everyone would have a story to share, if not from their personal experience, at least from what they had heard from acquaintances, family members, or read about that horrible ordeal. Most of these testimonies are very bloody and scary accounts from survivors.
My story, although sharing the same subject, has a happy ending. It still unfolds, however, with a lot of suspense, tension, and painful uncertainty. It offers a glimpse of the South Vietnam society after their defeat by the Northside in 1975. It touches on the atrocity of the Communist so-called "Re-education program,” it also brings back the shadow of some "acquaintances" and friends... whose life happened to cross mine in my attempt to escape. Some of those dark memories still haunt me after so many decades. Surprisingly, it also carries a series of breathtaking instances of joy, luck, even euphoria!
THE UNWELCOME VICTORY
In the debut of the infamous year 1975, even after my marriage two years earlier, we were still living with my parents in Saigon, me, my wife, and my few months old son. This tradition of cohabitation, even far from being perfect, was very popular, even expected in most Asian families. (*)
(*) We believe that when the parents get old, they’d be better off living with a child of their preference, usually the oldest or the youngest son. Their presence would keep their folks from feeling lonely, and when their health declines, they would need someone to watch over and care for them. Nursing homes were non-existent at that time and are still a rare thing in Vietnam.
This tradition was particularly beneficial for me and my wife who taught at a Public High School in Binh Duong, about thirty kilometers east of Saigon. In our absence, my parents, who were still in excellent shape, offered to take care of our child, a real blessing for us to have peace of mind when at work.
Since school wasn't that far away, we could come home after work. It would take us less than an hour ride on my Honda motorcycle.
Our work schedule rarely exceeded three days a week. In Saigon, I had also accepted, in 1972, a teaching position at The Lasan Taberd Institute, a prodigious Private Catholic School, which took me another two days of my time. I still had plenty of time with my family. Financially, we were a little better off than most of my colleagues because we were both working and didn't have to pay rent and most of the other expenses.
Sadly, when the war ended on April 30th, 1975, with the victory of Communist North Vietnam, instead of adopting a peaceful reconciliation, the victors had conducted a ruthless revenge campaign. The new regime lured all former military officers and government officials of former South Vietnam into the so-called “Re-Education Program,” where they treated them like animals, hard labor while starving. Some had stayed there for more than a decade, without a sentence. With over 300,000 political and war prisoners, Communist concentration camps sprang up all over the country like mushrooms after a good rainy season. With the man, traditionally the breadwinner of the family, incarcerated, post-war life for most south Vietnamese families suddenly became even more untenable than in wartime. Nothing seemed the same anymore, especially for the poor women who now had to play a double role in the absence of their husbands.
On the morning of May 19th, 1975, just two weeks after the Communist victory, for the first time, the new authority forced the population of the South to take to the streets to celebrate "Uncle" Ho's birthday. It happened that it was also my 26th birthday!
After finishing my studies at the Faculty of Pedagogy in Saigon in 1971, I received an assignment as a teacher at a Public High School in Binh Duong. However, like all male teachers in this time of intense war, I had to complete a six-month “Reserved Officer Military Training Program" at the Thu Duc Infantry Training Center which meant that in addition to being a teacher, I was also an officer, a Second Lieutenant in 1975, ready for the battlefield if the situation called for it. After the Communists took over South Vietnam, all military officers, starting from the rank of Second Lieutenant, as well as most officials in the old regime, were ordered to present themselves at the Regional Revolutionary Reception Center to register for the so-called "Re-Education program". That smart choice of terminology, “Rehabilitation through the re-education “, which sounded so friendly and so innocuous, had caught the South Vietnamese people off guard. It served as an evil trap, luring hundreds of thousands of them into imprisonment without any resistance.
I heard the term “Học tập cải tạo” seven years before, in 1968 to be exact, from the mouth of an officer of the North Vietnam Army, who was searching my residence in Hue, during the infamous Tet Offensive (*). He told us with a friendly tone: " Don't worry brothers, we are fighting to "liberate " the city and its people, we won’t hurt anyone! However, both of you (he pointed at my older brother and me), be ready to go to the Tu Dam Buddhist Temple this afternoon for a “Re-education session". We didn't understand what it was about, but we did agree anyway.
Shortly after, a new group of soldiers came to replace the old one, and no one reminded us of that request, so we tried to keep ourselves out of sight and completely ignored the order and acted as if nothing had happened. We were so lucky doing so; otherwise, we would have had ended up being “reported missing”, as was the fate of over 4,000 residents of Hue, mostly naive and innocent civilians who have complied with that “cordial “invitation.” The VC killed them all before they retreated from the city, rarely with a bullet, but more often with bayonets, rifle butts, or even shovel blows to the head. Many of them were still alive when being buried hastily in shallow collective graves, scattered all around the city’s vicinity during their short occupation.
(*) The Tet Offensive was a surprise attack by the Communist forces in 1968 who violated the Lunar New Year truce, in which they had attacked all big cities of South Vietnam. Hue, the Old Imperial City, was occupied for 26 days and had accounted for the most significant loss in terms of destruction and casualty.
That notification of the “Re-education program” came back seven years later, in 1975, with more malicious and deceitful wording, "... All attendees have to bring in enough clothing, medicine, and spending money for ten days…". Everyone, therefore, would assume that the program would be for only ten days. Those officers and their families found out very quickly they’d been grossly misled. In reality, they've been imprisoned for so many years, from 3 to 17 years, treated like animals, basically in a permanent starving condition while doing hard labor! Many didn't survive the harsh, brutal treatment, malnutrition, the cold, and the diseases; malaria was one of them.
Later, the Viet Cong maintained that they had not lied about the "ten days": "We did ask you to have enough clothes, medicine, and money for ten days”, they said “but we never said that the Re-education program would last 10 days! You are not prisoners; only prisoners would have a sentence with jail time! You were attending a humanitarian Re-education program that would help you to improve yourself and become a new and better person! So, it's up to you to decide how much time you would need to do so! It could be one month, ten months, ten years, or more!" The Communist’s tongue, as everyone can see, is nothing less than evil’s tongue!
As an officer myself, I had the option to attend that so-called " Re-education Program" in Saigon, where I lived, or in Binh Duong, where I worked. I chose Binh Duong, although their notification carried a big difference regarding the length of the program. The announcement from Binh Duong, with the same content as the one announced in Saigon, said "thirty days'' instead of “ten days” ...
Why did I decide to attend that “program” with all the bad experiences I had before with the Commies? I just simply thought that, unlike any previous times, now that the war had ended in their favor, they had total control of the whole country, they'd not have any reason to mistreat an innocuous teacher like me?
Why not attend the program in Saigon, which was three times shorter? Simply because I was wondering, in all naivety, how could I be sure that there wouldn't be other ten-day sessions later? If this happened, how could I manage my teaching in Binh Duong? So, in good faith, I decided to attend the 30 days program instead! It was a stupid decision, I agree, but this time, it's that stupidity that has saved me from a lot of hardship!
After three months of intensive "indoctrination" courses, on the first Vietnamese Communist Independence Day, September 02, 1975, at the Binh Duong Provincial Revolutionary Committee’s request, all teachers were pardoned and released to be ready for the new school year of 1976. Some of my friends, apparently smarter than me, who had chosen Saigon, tempted by an apparent shorter term, were incarcerated
for a couple of years or more in the concentration camps. One of them did not survive.
Holding the release paper handed to me by a former female student of mine, I was quite surprised to find out that, besides all other ID information, it showed that I had... 2 different “titles”.
Official title (Chức vụ công khai): Teacher
“Undercover” title (Chức vụ bí mật): Second lieutenant (**)
(*) Rehabilitation through education.
(**) Before 1975, my official title in Vietnamese was "Sỹ Quan Biệt Phái.“ Literally it means Sỹ Quan = Officer, Biệt = special, Phái = Sent. That's why the VC interrogator kept asking me what was my secret mission? I answered: None. He was not happy with that answer. "You are an officer specially sent… of course, for a mission, what was it?" In their sick minds, I must have worked for the CIA.
I realized that the Communist mentality had never changed. Even nowadays, the Commies are suspicious of anything, of anyone. They see spies everywhere! The reason seemed to be quite simple: The Communists, regardless of their nationality: Chinese, Cuban, Korean, or Vietnamese, are masters in spying! During the war, they succeeded in planting their spies in almost every sector, private or public of South Vietnam: military, administration, religious organizations, media, universities… After the French’s defeat and departure in 1954, thousands of patriots from the South who have fought against the French occupation in the early 40s alongside the Communists or by joining them, have later renounced their political affiliation for different reasons, like Vice President Tran Van Huong, General Tran Thien Khiem, Brigadier General Pham Ngoc Thao… Thousands of others with parents or siblings who have joined the VC and who were still in their rank until the end of the Vietnam war, some with a high position in the Communist organization… were still knowingly and indiscriminately integrated or even promoted by the government of South Vietnam to different crucial positions in the administration, even in the Armed forces, the police, the Intelligence Agency, like General Duong Van Minh, General Nguyen Huu Hanh… to name just a few! I’m not accusing all those people of being VC’s spies, but by being so ignorant and naive while fighting an enemy so evil, South Vietnam has created a golden opportunity for the Communists to infiltrate and consequently won that war. The fate of S. Vietnam was sealed a long time before it happened in April 1975. In contrast, on the Communist side, if an individual had a family member, parents, or siblings who had fled North Vietnam to go resettle in the South as permitted by the Geneva Agreement in 1954, those individuals would be treated as black sheep, or worse, as outcasts, not only by the government but also by the whole society, as directed by the communist authority. As a result, those individuals would be mistreated, persecuted for generations, no one would be willing to hire them for any position, even as a janitor. Their children would not be permitted to go to school, nobody would even dare to befriend them, and so on. Although I did not approve nor condone that inhuman policy, I still believe that if South Vietnam had only adopted one-tenth of that sick policy, we would probably never have lost that damned war.
My neighbors were quite surprised to see me coming home so early. None of them had any information regarding the whereabouts of their loved ones yet! I realized how lucky I was!
On September 22, 1975, twenty days after my release, Hanoi launched the first change of currency, or to be exact, the first devaluation of S. Vietnam's currency that they had prepared in complete secrecy and after the announcement of a curfew! The new rate was 500 to 1, meaning 500 old "dong" ̣ (S. Vietnamese currency) for 1 new "dong,” a sudden loss of 500% of its old value! To make it worse, each household, regardless of how many members it had, regardless of how wealthy it might be, could only exchange 100,000 old dongs. For example, if you had one million "dong,” you could exchange only 1/10 of that amount for the new currency, meaning you'd receive back 200 new dongs. The remaining 900,000 dongs suddenly became trash!
From that deliberate and malicious policy, the most a family in S. Vietnam could possess was no more than 200 new dong! It's ingenious the Communist mind! After over a century, Capitalism all over the world failed to bring equality to their society. In less than five months, the new totalitarian regime had succeeded in establishing their absolute social equality... the way PM. Churchill of England had defined it in a very famous statement: "The vice of Capitalism is the unequal distribution of wealth. The virtue of Communism is an equal repartition of poverty." A naked and bitter reality that all of us had finally understood but relatively too late!
The population, mostly in big cities, not only rich people, even small business owners, middle- class people, was deeply traumatized. Caught by surprise, they had lost almost everything they'd worked so hard for. Their money just vaporized under the Commies' magic wand! Many of them had committed suicide after that dreadful and infamous day! Some died alone by jumping from a bridge, some others died together, as a family, after ingesting some food tainted with rat poison! Unfortunately, that's not the only currency change; there were still two more in the next five years! Where else in the world can you find a regime eviler than the Socialist Republic of Vietnam? Not long after, adding to that somber picture, our school was closed by the end of that School Year, all teachers disbanded. My wife and I had received a new assignment to Tan Uyen high school, almost two times farther, next to the very well-known old warzone, the "Chien khu D.” We fought ferociously against that decision with good reasons: our son, who was just one year old, lived in Saigon most of the time with his grandparents and needed our presence badly!
Finally, I had to accept a compromise: I would go to Tan Uyen alone, my wife would take her new post in Lai Thieu, 19 km east of Saigon. Besides the time spent in the “Re-Education Camp”, that’s the second time we'd come to a temporary split up.
I was so shocked and disappointed with the conditions of the new school. The traces of war were still visible, palpable everywhere. A charred Russian T54 tank still lay right in front of the school entrance. A quarter of the classes severely damaged during the final battle remained in horrible condition. The school had no electricity, no water supply, not even beds for the teachers who had to stay overnight. There’s no help we could expect from the school. There’s an exception, though, one "thing" this school did have that no other school did: GHOSTS! No joke! There's a lot of fighting in the school area; many innocent civilians and fighters from both sides got killed recently in the school area. Every time I went to the nearby local market to buy food, knowing that I was a teacher from that school, someone would ask me, with all seriousness in their voice: "Teacher, are the ghosts still active in your school?" I didn't witness anything paranormal when I was there, but some of my colleagues assured me they did, more than once!
Unlike before, I had a six-day working schedule, of which, two days I had to stay overnight. After the change of currency, as a high school teacher, my monthly salary was 60 dong. You may wonder what I could do with those 60 dongs? I can buy... 1.3 lbs. of lousy grounded coffee or buy 3.17 gallons of bad gasoline on the black market. There was no misreading. That’s the truth, only the truth, and nothing but the truth! It's beyond any understanding, and it’s insane! People always work for a living, not only for themselves but also for their families! At that time, like everyone from the "losers" side, we had to reduce our living standards to the strict minimum, "breathing with only… one lung" as some said, and still, we had to sell out whatever we can find to survive: old clothes, shoes, ties, watch, camera, radio, cassette player… things that we had no more use of, but very wanted by the "winners" side because they had never seen such luxury things in their whole life!
After that rough school year, with the help of an acquaintance and, of course, with a little bribe, the Song Be School District finally accepted my request to join my wife at Lai Thieu High School.
Six years after the fall of the South, survival skills became a must-have “art” to help us navigate through the hardship of "Thời bao cấp“. In that so-called “Centrally-Planned Economy era”, we had to say goodbye to all private enterprises. Goods were not traded freely in the market but sold at a very cheap price to the government which later distributed them at a lower price, compared to the black market, but only to registered residents through coupons. Without that proof of residency (*) too bad, you couldn’t have access to any of those coupons, you couldn’t even stay overnight in your parent's home without permission from the police. There was a severe shortage of almost anything, but you could buy anything on the black market where the price was extremely prohibitive.
(*) Residential registration (hộ khẩu) was the new regime's sophisticated way of controlling and repressing its citizens!
Many Saigon residents, the South’s former capital, had been illegally and forcefully evicted from their own houses and transferred to the so-called “New Economic Zone,” a faraway and undeveloped area where they had no chance to survive. Those people who were at one time middle-class people found themselves suddenly transplanted to a harsh and hostile area with almost nothing: no light, no running water, no help whatsoever from the local authority. They had no other choice than to take their families back to their old city, and being homeless, they had to sleep on the sidewalk, sometimes in front of their own house. It was a heartbreaking scene.
To truly understand how vicious the Commies’ regime is, you must live with them, being a witness from within.
I soon realized that I could not take it anymore and the only way out was to escape: a bold and dangerous decision that would carry a lot of ramifications. Easier said than done! Much thornier than "The great escape,” (*) our escape would require more, much more than a motorcycle! First, the price of liberty wasn't low; the only acceptable currency was gold, pure gold of 24 K. Secondly, we had to cross the sea, not some fences like Mr. McQueen, facing the danger of the VC coastguards, the rough sea, and the barbary of the Thai pirates (**) who had infested the South Sea!
(*) played by Steve McQueen in the ‘60s movie! In that film, as far as I can remember, a former American pilot, a prisoner of war during the Second World War, tried so many times to escape from a German concentration camp but failed. In his last attempt, he stole a German motorcycle, he daringly vaulted over a six-foot barbed-wire fence of the prison checkpoint, but he has been shot and retaken back to jail.
(**) Those fishermen turned pirates, became more hard-hearted and more unmerciful day after day. At first, they robbed, then raped women, kidnapped girls who fell into their hands. Later, to silence them, they’d kill their victims indiscriminately!
With a monthly salary equal to the price of 600 gr of ground coffee how could we afford the trip? It would have been impossible without the help of my parents. They couldn't stand to see us so miserable, so they offered to help with whatever it'd take to smuggle us out of the country!
Having the "means" did not mean a thing! Just imagine buying online. You don't know much about the seller, no picture of the merchandise, only an oral description, no return or refund policy, and most of the time, you must pay first, not COD (cash on delivery)! Deciding who you can trust to hand out your gold was a real "casse-tête,” a brainteaser! Sometimes you had no other choice than to resort to Jesus' counsel: "Blessed are those who believe without seeing…" Very risky teaching because, in 80% of the cases, you would likely be cheated, not once, maybe many times until you went utterly broke. After being jailed a couple of times, you'd give up that crazy idea of escaping! I was almost one of those until my last try! The scamming "business" was flourishing because there was nothing to deter the bad guys! No one dared to denounce them to the authorities because you'd risk yourself first! The only thing you might think of doing, of course, if you had the right balls, was to take things into your own hands and to do justice for yourself, something like… butchering the bastard! Although it seemed cruel, believe me, it happened quite a few times!
At a difficult time where "Even light poles would want to flee if they can walk,” every sound mind would share the same dream: Escape. However, their planning might vary from one to the other depending on how much money they had. Those who couldn't afford a trip by boat, with much less money, could still join a small group for a "guided tour" through jungles to neighbors Cambodia or Thailand. One danger they might encounter was getting the wrong trail that leads into one of Polpot guerillas' "killing fields"! (*)
(*) “The killing fields” is a war drama movie in 1984, depicting the terror in Cambodia after the takeover by the Khmer Rouge rebels whose leader was Polpot.
Since most escapes were by boat, people with Navy backgrounds, like former officers, even NCOs (non-commissioned officers), who could prove or brag about their navigation experience, were in high demand. They would get a free pass for themselves and sometimes for the whole family! Guess how risky it would be for the passengers on a boat with an impostor on the captain’s chair!
Finally, there were people, who never thought about escaping, who might not even have any good reason to do so, but by luck, while going out at night-time to catch some frogs or some crabs, found themselves at the right place and at the right time where an embarkation took place. If the guy was timid or undecided, he could be kidnapped by the crew for fear he could alert the security. If he’s smart enough, he would know how to cash in on the opportunity of a lifetime by jumping in with other passengers. Nobody would dare to protest out of fear for the safety of the whole group.
Now let’s get serious. Escaping by boat was not like taking a cruise, it’s a very dangerous attempt to cross the sea in a tiny “nutshell”, any mistake, any miscalculation, or accident could mean jail time or could cost the lives of everyone on board. Sadly, bad things happened, and quite often! It could be anything: The communist coastguard, mechanical problems, bad weather, acts of piracy... Based on the UNHCR report, around 20 to 30٪ of those who fled did not make it. They had paid the "ultimate price" for the freedom they could never taste! The UN records showed that 700,000 boat people had been rescued and resettled, which means over 200,000 boat people perished in their search for freedom.
EXPENSIVE FIRST LESSON
In 1978, my older brother met T.T. Binh, an old friend of our family. He was our Math tutor many years ago. The man told my brother that he intended to let his older son leave the country through the new "Semi-Official Departure Program" (Chương trình vượt biên bán chính thức), a program allowing Vietnamese with Chinese origin to leave the country with a very high price paid in gold. That initiative was unofficially supported, even sponsored by the Central Communist Authority. They tried to get rid of the Sino-Vietnamese residents suspected of being Chinese spies after violent military incidents at the borders of two ancient and very close communist allies. By doing so, they could get rich very quickly by confiscating all the participants’ possessions left behind and also by charging them a very high fee. Each applicant paid his due in pure gold, averaging from ten to twelve taels of gold (*TOG), triple the average tariff of the illegal trip by boat.
(*) Tael of gold (TOG) or “Lượng” in Vietnamese, is a Vietnamese weight measure for 24K gold, equaling 37.8 gr vs. 28.3 gr in a US ounce.
The guy assured us he knew well the people in charge of the operation. He said they’re good people, and if we’re interested in the project, he would be more than happy to introduce us to the group and let us deal directly with them. We accepted his offer right away!
The next day, two guys, accompanied by the man’s wife, showed up in a Jeep at our front door. When 95٪ of the population moved around on foot or by bicycle, driving a car was a sure way to impress us! As expected, they gave us information regarding their “ground plan,” the description of the boat they are building, the contemplated date of departure. The only reason that was slowing down their project was the lack of funds to finish it. So, if we’re willing to commit financially right away, they could offer us an exceptional discount fee of more than 50% compared to the regular one: 5 TOG per adult, 3 TOG for kids, totaling 13 TOG (*) for my family of three. They even offered to take us in their car to the construction site for a quick look at the boat before making any decision. While most people dared not even whisper about their escape project, these guys were going to take us to the construction site to look at the boat!
What we saw was not a boat yet, much less that invincible “Titanic” they’ve described; instead, it’s a very preliminary, an embryonic stage of the boat, I’d say!
(*) The current value of 13 TDO is nearly 30,000 USD based on today's gold value, $1,800.00/ounce (9/14/2021)
A "normal” person with the right state of mind, in such a situation, should have had thousands of reasons to be suspicious, or at least, to be doubtful, and should have stopped all fantasy for a new reevaluation. To be honest, I was not in that "right" state of mind. Instead, that burning desire to escape blinded me. I tried stupidly to deny the hard reality.
Back at my house, after some discussion with my mom, we accepted their offer, and we had to hand over in full the "gold" to them, 13 TOG in all.
The organizers reminded us to give them some ID pictures to get a fake ID with a Chinese identity for D Day!
Time passed by, and we didn't hear anything back from them regarding the departure date. Frustrated, I asked them what was going on. They said that the Hanoi Central Committee had temporarily halted the operation for reassessment. They simply advised us to hang tight while waiting for Hanoi’s green light. That “green light" never came. I finally realized that something had gone wrong, very wrong! The more I waited, the feeling of being scammed made me feel so desperate and angry. I went to see “the Math tutor” and confronted him about the delay. Knowing that I’ve reached the “boiling point,” he confessed that he didn’t know much about the organization as pretended. I was seriously thinking about getting even of him and of those dudes as well. Again, it’s easier said than done. I could find a way to hurt them but I was quite sure that I would never be able to get back my gold! Thinking about the consequences that could happen to me and my family because of a moment of rage, I told myself it was not worth the trouble!
That man undoubtedly had lied to us about his relationship with the “organizers,” but his real intention was not necessarily to scam us. He might have wanted to make some commission for himself or as a condition to get a free pass for his son. It was despicable but a widespread practice! In a tough time when survival was the primary objective, ethics and high morals had to make room for survival instinct. Anyway, I still held the man responsible for all mishaps. Without his warm recommendations, we would never have engaged lightly in such a stupid and expensive mistake!
A NIGHTMARE... WITH A HAPPY ENDING
In 1979, when we were still teaching at Lai Thieu School District, my sister-in-law’s husband, Lieutenant Pharmacist Diep Tu K., told me he intended to join an acquaintance of his who planned to escape soon by boat. His wife, a dentist, is my wife’s younger sister. We were very close friends. NL was pregnant at the time, carrying her first baby. I talked to K's buddy; he told me he would charge my family eight TOG for the trip, of which I had to put down one right away. The remaining seven will be paid at the time of the “embarkation”. It was not an easy choice! To trust or not to trust a stranger would be the hardest decision for you to make if it was not based on facts or an intelligent compilation of information, but solely on your gut feelings! The failure of my first attempt still filled me with bitterness and mistrust. I hated to gamble with my parents’ money; however, nothing would ever happen unless I tried.
After consulting with my family, I agreed to join the group. They would notify us of the date of departure 24 hrs. in advance and a guide would be assigned for each group.
In preparation for the trip, my wife had sewed a belt with black fabric, about 2” wide, that I would tighten up discreetly to my waist, in which I could hide the seven TOG that we still owed the boat owner. On her side, she also tried to hide five gold rings (1/10 of a Tael each) by inserting them inside her bra sleeve. Those rings would serve as our little survival money if we were lucky enough to survive and reach a refugee camp.
Among those who had joined our group were Ky’s mom and my wife’s younger brother who had previously escaped from a military training center where he was doing his military service against his will.
Ten days after I gave them my initial payment, we received the green light for the departure. Our guide was the same guy with whom I'd made the deal earlier. He gave me some instructions regarding the itinerary. On D Day, we had rendezvous with him around noontime at Ninh Kieu Riverside, in the province of Can Tho, about 105 miles southwest of Saigon. Kỳ, his wife, his mom, and my wife’s brother belonged to another group. My heart started pumping hard right after the announcement.
We were ready very early on the day of departure, when it was still dark outside, despite a long and sleepless night. How could you sleep when there were so many things on your mind? Saddened to leave our loved ones behind, and the uncertainty of what may lie ahead, a blind venture that nobody could predict the outcome. However, the most heart-wrenching moment for us was undeniably the time to say goodbye to my parents! In the silence of the night, we embraced one another, trying hard to hold back our emotions, although tears just kept falling. My father, while hugging his grandson, still sleepy, said a prayer asking God to protect us against all evil.
The streetlights were still on, the cool breeze of the early morning seemed to startle me when I stepped out of my house. With my son in one hand, I pulled my wife with the other, like I wanted to run away from this unreal moment, not daring even to look back. I told myself to stop being faint-hearted. My little family’s future was in my own hands from now on!
Looking back, I could not remember what force had led us to the rendezvous on time, a place where I had never set foot before! The Ninh Kieu District was a very well-known and must-see site in Can Tho that I had not had an opportunity to visit yet. My ultimate goal now was to look for the guide, my only connection that would guide us to the boat; losing him would mean losing everything. I looked desperately back and forth, in all directions, trying to locate him in the crowd. After about ten long minutes, I’d finally spotted him approaching from my left, turning his head nervously like he was also looking for us. I intended to get closer so he could recognize me and give me instructions on what to do next. The moment he spotted me, he seemed to get agitated. Without a single word, he stopped a “Xe lôi đạp” (*), jumped on, and just left! Freaking guide!
(*) “Xe lôi đạp” is a kind of two-wheeled rickshaw, sometimes hooded, mounted behind a bicycle or a motorcycle, used chiefly in Asia’s poor countryside.
Caught completely by surprise and extremely distressed, I yelled to stop another “Xe Loi.” With my eyes always stuck to the guide’s vehicle, I swiftly helped my wife and my son get on and ordered the driver, in a very hasty voice, to just follow the other “Xe Loi, about 30 yards ahead of us! I got really upset at the guide! His unpredictable behavior could endanger the whole group and especially us! The Communist Police had eyes and ears everywhere; every mishap could be detected and resulted in arrest and jail time. I kept looking closely at the guy. After we crossed a short bridge, I saw him stop in front of a small cafe and walk in. Of course, I followed his steps. We came in, sat down, and ordered an iced coffee and milk. My drink was not even ready when I saw that stupid guide finishing his lemonade, putting down his glass on the table, and just walking out quickly. One more time, the guy took me by surprise! I had no other choice than to pull my wife and my kid out of the cafe, daring not to look behind my back, knowing that some of the customers must be looking at us, and wondering what those weird folks were cooking?
The guide crossed the street and headed to a nearby landing place for taxi boats; he stepped into one of those with its engine already running and took a seat in the front. I followed him from behind and tried to copy him, seating instead in the back. There were about four or five passengers on the taxi boat. After about a ten-minute wait, the boat finally left.
Living under the Communist regime, you must learn very early not to trust anyone, because everyone, even your neighbors, could spy on you! A practice highly commended by the regime. They treated us like aliens in our own country. To go from one city to another, you must apply for a permit. For example, in our situation, we would be in big trouble if they caught us in Can Tho, a province 105 miles from Saigon where we lived, for a simple reason: we didn’t have a permit to go there! Old acquaintances suddenly became suspicious and unduly curious when they looked at you. Before leaving Saigon, my wife and my son put on old clothes, wearing a worn-out “Nón Lá,” a palm-leaf conical hat, trying hard to blend in with the crowd, but their fair skin and rather urban demeanor might betray their disguise.
I didn’t appreciate the unprofessional, even stupid behavior of the guide. I wished I could find an opportunity to be alone with him to teach him a lesson about guidance! We could not expect the Lord to blind the Communist Security every time mishaps occurred!
A lady walking around to collect the taxi boat fee made me realize this was a public taxi boat.
About 45 minutes later, the boat came to a landing stop. The guide kept his mouth shut like he never had a tongue; he stepped out, looking back and forth, ambled toward another smaller boat, and jumped on it! We did the same. The boat left quickly this time, with just the four of us as passengers. I couldn't remember the river’s name, but it was a large one, its water was murky and quite turbulent. None of us had a life vest. In case of an accident, the chance of survival was unthinkable!
After two long hours of riding in the choppy water, when the daylight started fading, the boat slowed down, stopped, and docked alongside a small pier. The guide finally announced that we’d arrived at the final stop, a small peninsula, with a slope about fifteen feet above the water level, covered with bushes and trees. We followed the guide up that slope where we were so happy to see my wife's sister, brother, and their family already there at the “Rendezvous.” I saw Ty, Ky's very close friend, also a former lieutenant pharmacist, accompanied by his single mother. The two guys bore so many resemblances: both hefty, southerners, funny, both "bon vivant" who enjoyed good food, they both worked at Phu Nhuan Health Center, with one little difference, Ty was still single.
The guide advised us to look for a place to rest, not move around, and keep quiet while waiting for the big boat to arrive. I overheard a guy who seemed to know well about this region, saying that we were in Soc Trang, a province 40 miles Southeast of Can Tho, about 3 hours by boat to the estuary. I spread out a piece of nylon so we could sit down. I took out from my sack some French bread with sliced "chả lụa" (steamed pork paste) that we'd brought along since we left home early this morning and shared it with my wife and my son. Except for my son, who had a snack now and then during the trip, this was our very first meal today! We were not hungry, though. Eating seemed not to be a high priority in exceptional situations like ours! There’s a French saying:” Qui dort dine!” (He who’s slept already ate!). We could adapt the saying to our situation:” He who is scared doesn’t care much about his share!”
When the meal ended, we laid down and tried to take some rest. After a long and stressful day, we felt utterly drained, and sores were all over my body! I kept my eyes closed, half asleep, half awake. In the darkness of the night, I heard someone snoring nearby. From time to time, the throbbing sound of a boat approaching woke me up, and I kept wondering: Was this the one we had been waiting for? I couldn't remember how many boats had passed, because I fell asleep very quickly! I didn't realize that counting passing boats had the same effect as counting jumping sheep!
We’d been yanked brutally out of our sleeping by someone yelling:" Wake up, wake up! Everybody! The boat cannot make it! We have to leave immediately and go back to Saigon!"
I never felt that same intense fear in my whole life; my heart kept pounding like the Japanese Taiko drums! In the dark, I moved my hand around, looking for my wife and my son. Within seconds, gunshots broke the silence of the night like we were in the middle of an ambush. We could hear above our head the crazy whistling of flying bullets hitting the branches, the heavy sound of running steps accompanied by the cussing of the local Communist security forces: “Stay where you are! Do not run, or we’ll blow your f***ing head off!”
Surprisingly, right after the first burst of the machine guns, I suddenly felt relieved; I feared no more! Instead, I felt like being suddenly invaded by a strange serenity in the middle of this big mess! It appeared controversial to some, but I’ve experienced this reaction many times before. To me, fear is nothing more than the uncomfortable feeling of something terrible might happen; most of the time, it’s something you cannot identify, neither when nor how it’s going to happen. But you can feel a ghostly presence hovering over you. The feeling of an unknown threat creates fear! But when it happens, when you know what has happened, finding yourself face to face with the "evil”, you have no more fear; instead, you have to find ways to face it and, if needed, to fight it! The survival instinct repels and overcomes fear.
My first reaction was to push my wife and my son to the ground and use my body to shield them. I could hear my wife crying softly under me, begging all the Saints she could remember to protect us! Two guys converged on me, one pointing his flashlight, the other his AK 47 in my direction. They ordered me to stand up; then, they tied me up from behind at the elbows with a rope. Of course, I did not resist, but by reflex, I tried discreetly to swing out my upper arms slightly, so I could later move my hands more freely. All male adults ended up like me, except for women and children who remained free.
When they had finished their damned job, it was around 4 a.m., and darkness was still surrounding us.
About an hour after the surprise incursion, we'd been ordered to gather in an open area, lined up, and led to a small canal, connecting this area of the islet to the river, where 2 or 3 motorized sampans were already there, waiting for us.
With my arms tied up in my back, there was nothing I could do to help my poor wife in carrying our son and our bag. When we reached the sampans, we had to walk into the water, above knee level, to climb into it. It broke my heart to see my wife struggling desperately until some other person helped her get on the small boat. I was not doing any better. I got on anyway, of course, with the help of others.
After the guards had loaded up all detainees onto the sampans, our “convoy” started leaving the area. It's still dark! I was very concerned about the gold still wrapped around my waist for the last 24 hours. If the guards found it out, they would steal it and try to make my life even more miserable. For the Commies, hurting the “rich” would be not only a duty but also their greatest pleasure. This said I still didn’t want to get rid of that fortune either. Living under the Communist regime, you had to struggle day after day to survive, and I knew for sure that if I lost that gold, I’ll have no other choice than to kiss goodbye to any future attempt to escape. Not knowing what to do with them, I temporarily removed the “belt” from my waist and put it in my pocket. I turned to my wife, who’s still grieving with our son sleeping in her hands. I tried to comfort her and prepare her for what was going to happen next: the interrogation. We would have to sing the same tune during the cross-examination. I told her the “story” that we were going to tell the Communist interrogator: A story that would belittle us and make our situation more pitiful, instead of being looked at as someone wealthy, trying to escape because they hated the new regime! I tried hard to let my wife understand that we had to be on the same page! Looking back, I wonder how many guys would have reacted the way I did, in such a precarious, stressful situation? With my arms still tied up from behind, uncertain about what will happen next, how could I manage to keep such a cool head and make up such a story? I could have been a good writer or at least a great storyteller with such an imagination!
Not far from me, Ky's mom turned to her son, whispering something into his ears, and not long after, I saw her silently dropping something into the water. Later on, I found out that she and most of the passengers had decided to dispose of their gold in the river: "It's better to get rid of my gold than to let the Commies rob it from me!" she later said, seemingly with no regret! It must be very hurtful for anyone to make such a desperate choice! Of course, I was not any better since I had to face the same dilemma, and for heaven's sake, I still didn't know yet what to do. I told myself: Why not take some gold apart instead of keeping them together? At least I’ll have more than one chance to hide them. It would be great even if I could save only one TOG than losing them all? I took one TOG out of the carrying belt and put it separately in my other pocket with some hesitation,
We reached the destination after about an hour’s ride. By the time we’re proceeding out of the sampans, the sky starts lighting up slowly. The guards began to untie the males and rushed all of us to one big room, inside the Commune Headquarters. They temporarily left the room after locking up the big wooden door. From that moment, I was wide awake, free of all fatigue, pain, or distress. I carefully looked all around me, trying desperately to find a place where I could temporarily hide the gold. My eyes stopped at a mound of paddy (*), about knee-high, at one end of the room. I stepped quickly to that area and sat down, leaning my back against the mound, acting like I was so exhausted. With my eyes half-closed, but still very vigilant, making sure that nobody was watching, I took out discreetly the “gold belt” and buried it quickly under the paddy. I felt so relieved after discarding that gold off my body, not even knowing yet what would happen next. At least, I had a warm feeling about having another separate TOG in my pocket.
Until now, I’d tried my best to react to a fluid situation that kept changing, based solely on my gut feeling, a reflex rather than a rational response.
(*) The unhulled rice. Rice that still has a rough outer covering.
The guard came back and ordered all male detainees to walk out of the room; only ladies and kids remained. I felt a big pinch on my stomach. I’d have to say "goodbye" or perhaps… "farewell" to my 6 TOGs still hidden under the paddy, at least for now!
Once we were all outside, the guard ordered us to be in line for the body search. Since I had kept one TOG in my pocket and still didn't know what to do with it yet, I opted to slip in among the last ones of that line, trying to buy some time and observe how they would perform body search. First, I saw him pat down the detainees, searching their pockets and wallets, then asking them to take down their trousers and underwear to make sure they didn’t tape anything valuable to their bodies. One idea came to my mind. I took out my TOG from my pocket, put it between the sole of my right foot and the leather sandals I was wearing, and stepped on it. (The TOG is rectangular gold leaves about 1.5"×4", very thin, wrapped up with light brown paper).
Soon it was my turn. After letting the guy pat down my body, I “respectfully” handed him my wallet, in which there was still some money, a picture of St. Mary of Lourdes. He promptly returned it to me without taking anything out. Next, I took down my trousers and my underwear without stepping out of my sandals. The guard nodded his head to let me know that the search was over; I thanked him and stepped aside. I was surprised that he didn’t notice the 18k gold wedding band (*) that I’d forgotten to remove from my finger. After all, even with the only TOG left in my pocket, after this search, we might still be the... “richest couple” in our group.
(*) A custom order wedding band in 18 karat gold, a custom order, simple but no less tasteful, with the anniversary date of October 12, 1973, engraved from inside
During that same time, the female guards were doing the exact body search on their female detainees inside the room, my wife told me later. Luck was on her side because they didn’t detect her diamond ring hidden inside her conical hat silk attachment, the five gold rings sewed inside her bra, nor the 100 dollars bill inside my son's trousers waistband.
Finally, they opened the wooden door; women and children were coming out without their luggage. A guard ordered us to follow him. He didn't say where, but I guessed the next stop would be the district jail. Sadly, I had to concede that I would never see my 6 TOGs still hidden in that room!
Under the watch of an armed guard, we stepped out of the station, haggard, completely worn out after a whole day of continuous tension, deprived of sleep, food, and now, of hope! Some of the local people, who might have got news of the boat people’s arrest last night, stood along the street. They kept staring at us like we were from another planet, but without any animosity.
All of a sudden, the guard gave us the order to stop and wait. He said the wait might be longer than expected, so instead of staying in the street, he allowed us to enter the houses that lined our road. We were astonished by the hospitality of the people inside the house. They seemed genuinely kind and friendly. They invited us to come in, even tried to comfort us, saying jokingly:” Take it easy, folks! Don't worry! Everything will be fine! If you failed this time, try again next time.” They brought out some newly cooked rice with small fried shrimps, dried fish, watermelon, pineapple…, and insisted that we share the meal with them. Although hungry, we reluctantly accepted their offer, only to not hurt their generosity. We're so amazed by the "unusual" openness of their consolation, despite the presence of the guard. I only found a plausible explanation until much later! Those women, who had greeted us so warmly, who had fed us and consoled us so openly were not true Samaritans. They must have been the wives or relatives of our persecutors. They simply played their role of comforters in all this “masquerade.” For them, we were not their enemy but instead their “hen that laid the golden egg”! Before the Communist victory, they were ordinary and destitute folks living in the countryside, possibly sympathizers or who had ties with the “other side.” Now with their current position as members of the local security force, they found ways to enrich themselves with whatever they could steal from their captured boat people: gold, jewelry, currency, nice clothing. Forty years have already passed, looking back, I didn’t hold any grudge against them; instead, I appreciate their "kindness"! Yes, they had arrested us, they had stolen from us, but those “peasants-converted-Communists” could have treated us in a much harsher way if they had chosen to do so! That part of joviality, warmth, is the genuine “trademark” of the Southern people of Vietnam, regardless of their political beliefs! If we were detained in the North or the Center of Vietnam, our story should have taken a much more tragic turn!
We still didn't know the reason for the long waiting. Around 4 o'clock, almost 90 minutes after the stop, we were ordered to go back to the Commune headquarters to collect our luggage before being taken to the Long Phu District Jail. The announcement woke me up like a whiplash, after all, luck has not yet given me up, this would be my last chance to "reclaim" my gold still hidden under that paddy mound. I let my wife know my intention and with great strides, I ran towards the commune hall. I was among the first ones entering that “room.” While everyone else was busy checking their stuff, making sure that nobody was watching, I dug my hand under the paddy, moving it back and forth, left and right, looking nervously for my "belt.” It took me no more than 5, 6 seconds, still, it seemed like an eternity before I could touch it! I groped it quickly and put it back in my pocket! I’ve felt quite some adrenaline rush in my system! What would be the next move? I didn't know, and quite frankly, I didn't care much! What I had desperately tried to do was nothing else than to delay that likely unpreventable moment when my jailer would finally find out about my attempt. He would possibly give me a big slap in the face then, he would yank the “belt” out of my pocket, and that would put an end to this unbearable tension! So, why should I care? Que sera sera!
We’re soon back to the sampans, on our way to the Central District Jail. I heard many complaints from the detainees about having “things” stolen from their sacks in their absence. That’s the only reason why they had taken us away earlier this afternoon, just to give them time to search for our belongings and to steal whatever valuable hidden in them. This "Treasure hunting game" must be the most exciting part of their job! Nighttime they were men’s hunters, daytime, they became “treasure hunters”!
My wife was so happy to know that I had recovered all my gold. I tried to remind her one more time about the "scenario" we need to tell the interrogator.
In the sampan, I took my boy from his mom's hands and held him in mine. I felt guilty for not being able to spend more time with him for the last two days. He seemed to be OK because I hadn’t seen him crying since we left home. He was more endurant than I thought.
We finally arrived at the Long Phu central jail around 6:00 pm. and the sun was starting to sink. The guards took us into a big courtyard surrounded by barbed wire fences, with a flagpole in the middle of the front office area. They divided us into two groups: women and children to the center of the yard, men to the front left of the main office, facing the flagpole. As I was still aware of the danger of my "mission impossible", I chose to sit at the back of my group.
The daylight was slowly fading as the guards began to search the first group. The sight seemed to attract the complete attention of onlookers, except for me because I had other fish to fry. Wasting no time, I looked around, trying desperately to find a spot where my treasure could be tucked away. There's a row of young poplars behind where I was sitting; one of those was just about 2 ft away, with a pile of dead grass at its base. What a marvelous discovery! I knew what I needed to do next. I got to be wary because about 20 ft on my right side, some guards were standing there, at the entrance of their office, watching the body search unfolding in front of them. I took out the "belt" (in which I’ve added at the last minute, the TOG I’ve kept aside earlier) from my pocket. While everybody seemed to be so attracted by the searching show, I backed away, still on my butt, slowly, very slowly, inch by inch, until I was within reach of the tree. With a quick and precise movement, I promptly buried my belt under that pile of dead grass. Neither seen nor known, with my heart still pumping hard in my chest, I moved back to my row. I scored once more with God's help!
I was quite sure they would lock me up in the next few moments, but I felt so relieved after having stashed away my gold, at least for the time being!
Lesson learned: Wealth doesn’t always bring happiness, it could be instead the source of so many worries, problems, or even misfortunes.
When my turn came, I was ready! I moved resolutely toward the jailer in charge. He glared at me with his piggy eyes and yelled: "God damned! Are you still wearing your sandals? F**king jerk! I’m going to kick your ass?" I was angrier than scared of his cussing but didn't say a word. I threw my sandals to the side.
The guy who seemed to be smarter than his predecessors thought that I might have hidden something valuable inside the sandals. It’s a common technique by boat people to cut out the sole of their sandals to tuck in some gold or diamonds then glue them back on. I'd be out of luck if I had still used the same old trick by hiding my “gold leaf” between the sole of my foot and the sandal like during the previous search.
The old jerk didn't have much luck, he was one step behind me. He then searched my body and took away my wallet in which I had hidden our wedding bands. Finally, he asked another guy to take me to my cell. I turned around, trying to look in my wife and my son’s direction as if to say goodbye to them! What a sad moment!
The jail area was a row of 5 or 6 rooms, basic cement construction covered with a corrugated roof. Instead of having a reinforced steel door like the other jails, there was no door; instead, they used big square wooden vertical bars, of which 1 or 2 bars were removable, the others were permanent, with a lock from outside. It might be the cheapest jail in the whole world, its “open design” was a blessing that had provided us with more fresh air during hot days.
The guy who accompanied me struggled a little bit to unlock and remove the bars so I could get in. Coming from the brighter side, it looked so dark inside because there was no window around. A small kerosene lamp lit the room barely. Adding to that gloomy ambiance, a foul-smelling odor floated in the air. I found myself in the middle of a scary “herd” of human beings, most of them half-naked, sweating like hell. I had never been in jail before, but I’ve read many horror stories about life in prison.
My whole body was in full alert mode. One guy approached me, introduced himself as the jail Rep., and said: “Welcome, my friend, could you introduce yourself, name, occupation, and nature of your offense?” I nicely answered him. “All right, teacher!” he said, “Most of us shared the same offense. Some have been here for almost two years, others about 5 or 6 months!” I felt my heart sinking at the news! “Now, let me share with you some of our procedures every time we have a newcomer. As you might see, it’s so crowded in here, to make sure that you would not carry any transmitted diseases, we must do a quick check-up on you! Please remove your pants! Since the request seemed reasonable, I had no other choice but to comply. He touched my “pecker” with his bare hand, lifting it up and down with his two fingers, while the whole “audience” surrounding us laughed loudly. Finally, he said: “Everything seems neat looking, Teacher! Now one last thing, based on our rules, those who were not circumcised will have it done now. Those who already have it done will get a free “piercing!” One guy was sitting next to him with a bottle of alcohol and a piece of cotton in one hand; with the other, he honed a big needle like the one used by shoemakers against the bare cement floor. The group laughed their heads off at the announcement. I got indignant but tried to keep cool. I pulled up my pants looked directly into his eyes and said: “I don't think so. Sorry! Not that I didn’t want to comply, but our current hygienic condition won’t support such a crazy demand!” "That's OK, teacher! Chill out!" he said, "Let me give you another choice then. How about doing 200 push-ups instead?" I quickly agreed. After about 20 push-ups, the guy said: "That's enough, teacher! That’s cool! Let's give this good man a round of applause! " Everybody in the room clapped their hands and laughed heartily.
After this rather spectacular initiation ritual, they soon told me that it was just a joke, a laughing occasion whenever they had a newcomer. They also told me that they’ve not been here for years as pretended. Most of them with the “Vuot Bien” offense have been here no more than a couple of months instead. Phew! That was a close one. Those fools almost got me!
The jail was approximately 16’x26’ and crowded with over twenty inmates who had to adopt the “sardines” position while sleeping. There’s a square about 3 ft x 3ft, at the upper right corner of the room, with a plastic bucket at the center. The strong smell that emanated from it made me understand right away its use. Yes, it may be gross to our standard, but that’s the communist jail’s “rest-square,” if I may call it so since there’s no “room” at all, at the disposition of over twenty guys to satisfy their natural needs in 24 hours. Another great surprise, as a newcomer, I had the "privilege" to occupy the prime spot, right at the very edge of that square, I had to do everything in this assigned space, including eating and sleeping...until the next inmate arrived!
The “rest square” practice seemed unreal to most Westerners, but it was standard in Communist countries. It’s real, not a joke! Their penitentiary system costs almost nothing compared to ours, but it works much better in deterring their citizens from messing up with “their laws”. One try is more than enough, unlike our jail system which seemingly carries a warm sign “Come back to see us soon!” at the exit!
Women and children received better treatment than men. They shared a bigger room not too far from us and could move around during the day. I felt the need to communicate with my wife, first to let her know that I was OK, and most importantly, to let her know where I had hidden my gold so she could retrieve it when the opportunity arose. Finally, I told her to confirm this message’s reception by asking the guard to come to my cell and ask me for toothache medication for our son! Next step, I borrowed a sharp knife, I asked a guy who had a hand of bananas if I could have one for my son? He gave me one with a big smile. I asked another guy for a small piece of paper and a pencil. I wrote a "coded" message to my wife, for fear of it being intercepted, I wrote it in French, not the "plain" French, but using its phonetic transcription instead! Since we were both teachers of French, it won't be a problem for her to decode it. In that message, I told her, in telegraphic style, the exact location of the gold. I also told her if she found it, to nod her head whenever she saw me! Finally, I told her to confirm receipt of this message by asking the guard to come to my cell and ask me for toothache medication for our son! Next step, I borrowed a sharp knife, cut out a little hole on the banana, put the folded message inside, plugged back that hole with the same piece removed earlier. I then asked a guy who worked in the jail kitchen to take the banana to my wife. Half an hour later, I heard a voice at the cell entrance asking to talk to me. I quickly answered him. He told me my son had a toothache; my wife asked me if I had any medication for him. I told him that I did not have any. I felt relieved knowing that my wife got my message!
First night in jail, contrary to what you might think, I slept like a baby, despite the strong smell hanging over the space and the sardine’s position! I was utterly drained out physically and mentally!
We woke up at 6 o'clock. Instead of breakfast, lunch was “served” early at 8:30 through the wooden bars. Just plain rice, a full bowl for each detainee, and nothing else! Don’t get me wrong, that’s not bad at all. South Vietnam was once a significant rice exporter in Southeast Asia, after the war, under the lousy management of the Commies, most of the people in big cities were completely impoverished and experienced serious penury in rice. They didn’t have enough rice to feed themselves and their family, so they had to mix their meager ration of low-quality rice with whatever they had available, like flour, barley (“Bo Bo”, cows’ feeding grain), corn, cassava, dry noodles. It was much worse for detainees in those “re-education” camps, who starved to death, in a literal meaning of the word, with half a bowl of stale, rotten rice and still had to do hard labor. A full bowl of good rice for the prisoner was a special treat and, again, proof of Southerners’ generosity.
The inmates who have been here longer might have received some extra food from their families: soy sauce, shredded pork, salted fermented fish (mắm cá), steamed sticky rice cake… They were nice enough to share some with a "newcomer" like me. If you had money sent in by your family, you could ask the inmates who served in the kitchen to buy stuff from the market. Of course, there were also “Orphans,” guys who didn’t receive any help from their families for any reason. To remedy their situation, they offer some special services to those who have plenty, in exchange for extra food, like back massage or picking the gray hair for older guys. Dinner was “served” around 4:00 pm with the same "menu"!
Every day, the inmates had 10 minutes to get out of their cell, one cell at a time, to go to a nearby pond around 10’x15’. The water was above knee level and quite murky because more than a hundred people would go there every single day to take their baths, wash their clothes, clean their bowls, but guess what, that’s the most enjoyable time of our hot and dull day! Sometimes, when there’s no rain, we must retrieve water from that dirty hole back to our cell. We treated it overnight with a teaspoon of “Phèn Chua” (Aluminum potassium sulfate), which looks like rock sugar, to clarify the water from muddy and filthy particles, making them rest at the bottom. Of course, the water might look clearer, less scary to look at, but all bacteria would remain safely!
When it rained, it was good news for us! The rain would bring in coolness and its divine source of refreshment! But how to retrieve it from behind bars? It’s hard to believe how creative men could be, using their survival skills! First, they made a hole at the edge of the bottom of an empty can; they then attached a long handle to the top. Next, they used a piece of scrap aluminum or plastic and shaped it like a long gutter. So, when it's raining, the water would come down from the corrugated roof and land at a reachable distance from the cell entrance. One guy would hold the empty can by the handle through the space between the wooden bars. He’d try to reach out as far as he possibly could, to catch the rainwater into the can. Another guy would hold one end of the gutter out with an angle to retrieve the water coming out from the hole at the bottom of the can; the water would follow the channel through the bars and land inside a plastic container inside the cell. Genius, isn't it? We would store the water in a dozen plastic jugs as drinking water for the whole cell.
The second morning at bathing time, after getting out of my cell and heading to the pond, I saw my wife sitting on her feet, removing weeds not too far from me. I stuck my eyes to hers, kind of saying hello and asking how she was doing? The rule in the Communist jail would prohibit the inmates from communicating with each other. It’s a very firm regulation enforceable by corporal punishment. I saw my wife smile and nod her head, meaning she had found and recovered the gold! I sent her my biggest and happiest smile while walking away! It’s hard to believe that we were still in possession of that gold!
That night, I sent her a second message telling her there were seven TOGs in that belt and asked her to confirm it if possible. I received later from her a brief note saying: "Six only. Will check and let you know ". I was quite stunned and wondered why.
Two days later, again, on our way to the pond, I saw my wife from afar, with a big smile, her two hands raised halfway, showing seven fingers. I got the message right away: She’s found the missing piece!
My wife told me about what had happened after our release from jail. Based on my first coded message, she had found the belt with 6 TOGs in it. She didn’t know there was one missing until she received my second message. The next day, accompanied by Lan, her sister, who was pregnant at the time, they came back to the same poplar, acting like they were removing weeds around its base, but they actually tried to comb through the dead grass. They felt so lucky and thrilled to find the last piece of the... “puzzle,” laying right on top of the dead grass. Since the tan cover of the TOG and the color of the dead grass matched so well, it’s hard to detect it.
The only guy who seemed not much affected by the jail ordeal was my five years old son! Occasionally, through the wooden bars of my cell, I saw him roaming the jail yard, barefoot, with other kids, half-naked, sweating like hell, baked by the sun. He seemed to have adapted so quickly to country life. One time he stopped by my cell, looking for me through the wooden bars, with a piece of scorched crispy rice (Cơm cháy) in his little hand. He looked at me with his eyes wide open and asked: " Dad, are you hungry? I bring this for you! " I held his hand through the bars and gave him a smile that must have looked sadder than… smiley! We had taken all these risks hoping to give our child a better future, but our fate has played a bad trick on us by sending us here. Freedom seemed so illusory, was it worth it for us to endure such pain? I felt a pinch in my heart, and I wondered: Did I make the right choice for my family? Is freedom worth it for us to endure such pain?
Meanwhile, with the “green light” from the jail warden, I sent a letter to my in-laws to let them know that we’ve failed in our attempt and were “stranded” in Long Phu Detention Center. Not long after, we were surprised to be summoned to the detention office to receive some food and money from our family, not knowing that my father-in-law, accompanied by Ky's father, had come in person but were not permitted to see us. Poor parents with children who attempted to flee the country. They had to go through much sorrow, uncertainty when they left, and later, to wait desperately for news from their loved ones: Hopefully, good news informing them that the children have arrived at their destination, safe and sound; other times not so good, like ours, and at times, more often than anyone would like to believe, horrible news that they have perished or are lost at sea! This wound would eat away at them for the rest of their days.
After over ten days at the detention center, it’s my turn to see the policeman in charge of the interrogation. When I entered his office, he watched me silently behind his desk! I guessed he was the same age as me. He asked me to sit down. Through his accent, I knew he was from the South. As planned, I told him my story: I was an Elementary School teacher, I’d given up my job over a year ago to treat lung disease and had to live on my wife’s earnings as a seamstress. From being a breadwinner, now I had to live under her shade I became more and more confrontational. Our life turned upside down; we fought each other almost daily. One day, a client and friend of our family offered us an opportunity to leave the country for a better life abroad. She told us since the boat belonged to her family, we just needed to share the cost of diesel, which was minimal, maybe not even a quarter of the average fee she had charged other passengers. We felt so lucky, so we sold our belongings to come up with one TOG and gave it to her. Now, we knew that the lady had tricked us! He listened to me intensely, without a word, but I could detect a shade of compassion and understanding in his eyes. From a prosecutor ready to give me a hard time, suddenly he became a compassionate man, listening to another man confiding to him his sorrow, which he could identify as his own. He then asked me if I had joined the South Vietnam Army? I said: “No, Sir… but... yes! I had joined the military training program for students when I was in college, during the summer holiday!” That’s another lie from me.
“Your ID shows you’re living in the Tran Quang Dieu Housing Project, in Ho Chi Minh city?” (Cư Xá TQD), he asked.
-Yes, Sir! I answered
- This Housing Project is just behind the NVT Police station, isn’t it?
- Indeed, Sir! How did you know? I asked him, quite surprised.
- I have lived there for some time, not far from where you live, doing the pedicab for a living. (Đạp xe xích lô) You might have seen me before?
- No, Sir! I replied.
- What’s your religion?
- I’m Catholic, Sir! (First honest answer from me!)
- You can go now!
I looked him in the eyes and said:
- Sir, I’ve told you, my story; I’m deeply sorry that I made the wrong decision to leave the country. Now I have learned my lesson. Please be lenient with us and give us a second chance!
He nodded lightly. At his gesture, I’m pretty sure I did perform brilliantly, and I must have passed the oral “test” with an A+.
In the third week, everyone got excited at a rumor of a possible amnesty on the occasion of the upcoming first National Election of the Parliament after the “country’s reunification.”.
Since my jail time was less than three weeks, I didn't expect that they’d let me out. They would probably release women and children early! So, I wrote the third message, telling my wife what I’d heard. "… if they set you free without me, please don't hesitate, just get out as quickly as you can and go home. Don’t even turn around and look back. Your ultimate mission is to take good care of our “babies" and bring them home safely!" I wrote "babies” instead of the phonetic transcript, and in the plural as an allusion to our son and... our gold!
On the 22nd day of my incarceration, around 2 PM, there was some commotion in our cell. They rushed toward the entrance and looked through the wooden bars with excitement! I followed their steps, and I saw two jail guards, holding a notepad in their hands, walking in the direction of our cell. They stopped at the entrance and announced in a loud voice: " Listen carefully, I'm going to read names. If you recognize yours, get out quickly! Ready?” After a short pause, so they could remove the wooden bars, the guy started to call the names from his list: Le Van T., Tran Tuan A., Nguyen Van L…
The inmates who had heard their names called promptly took their belongings and dashed toward the exit. The bars were put back and locked. Although I had prepared myself for this moment, I still felt my heart sinking! By the heavy silence planning in the cell at that moment, I could tell I wasn’t the only one with that feeling. Those two guards made their rounds to other cells. I could see the happy faces of those lucky inmates passing by. Suddenly, everyone was so surprised to see those two guards reappearing in front of our cell. With a big smile, they announced there was a second listing of those who were going to be released. For God’s sake, this must be the "red humor”! “Nguyen Thanh K., Tran Van Thuan…” I jumped to my feet, that’s me, there’s no possible error! Since I owned nothing, except the clothing I was having on me, I sprinted through the crowd and slid out through the wooden bars, the only demarcation between captivity and freedom.
As soon as I reached the open area where all newly released inmates had gathered, I could see my wife, her sister, our son, Ky, and Ty’s mothers but no sign of their beloved sons!
Most of our personal belongings were returned to us, of course, minus those items of value that have already been taken away in previous searches. I checked my wallet in which I had hidden our wedding bands. They were gone! I was not surprised, but I felt somehow annoyed because they were keepsakes for our wedding day! "Well, I told myself, forget about that tiny loss. With some more luck, you're going to bring home the greatest war trophy. That would be a remarkable, unprecedented, even miraculous feat that you could be proud of!
After we’d all gathered, the guards conducted very quickly one last search, mostly the luggage, merely for form's sake! They did their job very quickly. After all, at this stage, it’d be reasonable for them to assume there's nothing of value left to steal. I was the only one who knew they were wrong, dead wrong! They’d have missed the biggest trophy of their hunting season!
We left the district jail around 3 p.m. Barefooted, tattered, down-at-heel, but everyone was so happy to be "free" and on our way home... except for my poor sister-in-law, Ky's and Ty’s mothers, they kept looking back like they'd left their heart behind. I wondered why they didn’t release Ky and Ty!
Ky later told me that they were foolish enough to confess they were "Lieutenant Pharmacist " during the interrogation! They should have learned that under the Communist regime, telling the truth, in most instances, could be a mortal sin!
Back to Saigon, I had to take Ky's father, Mr. Diep Minh Chau (*), to see his ancient comrades, one of them was Mr. Pham Ngoc Thuan, former North Vietnam Ambassador in W. Germany, to get their help to free his son from jail!
His warm Southern nature, as well as his artistic penchant, seemed to prevail over his Marxist indoctrination! To me, he's a good and funny man to be around, especially after a couple of shots of Vietnamese Sake. One day, talking about Ky, he had confided to me: "Would you believe what Ky told me not long ago? He said, “You know daddy, we’re so different, you're just like a saltwater fish, myself I'm a freshwater fish, we cannot share the same water!"
Another time Mr. Diep told me: "I've been in so many Communist countries like Russia, Hungary, Czechoslovakia, W. Germany… and I can tell you that dogs in those countries are better fed than us, here in Vietnam? "
(*) Mr. Diep Minh Chau, Ky’s father, a sculptor, among thousands of other “patriots” from the South who were fighting the French occupation, was lured into joining the Viet Minh, a Communist organization disguised as a popular patriotic movement.
After the Geneva Agreements (**) was signed in 1954, Ky’s father had left his wife, pregnant at the time of their first and only baby, to join the Vietminh forces in the North. Later, he became a very notorious artist figure, an “official sculptor” of the regime, author of most of the giant sculpture projects in the North that would have included, of course, those of “President Ho”! In 1975, after the fall of the South, he returned looking for his first wife and son, only this time, after a long absence of over two decades, he had a second and bigger family with four or five children!
(**) After the French defeat in Dien Bien Phu by the Viet Communist forces in 1954, the Geneva Agreements, which involved several nations, temporarily separated Vietnam into two zones, a Northern zone governed by the Vietminh rebels and the Southern zone by the State of Vietnam.
It was late afternoon when we reached Can Tho city, so we decided to stay there overnight. We went to the Can Tho Central Hospital, where my wife's late aunt’s husband, Uncle Năm, worked.
Like Ky’s father, Uncle Năm had joined the Viet Minh Guerilla in the late 1940s, after his wife’s death. He had finished his medical training in Hanoi and became a doctor. After Saigon’s fall in 1975, he returned to Saigon, still single after those long years. He’d tried hard to find out the whereabouts of his late wife's family. He was so happy when he met my mother-in-law, who was his wife’s older sister. She gave him back his wife’s diary, which she had kept since her sister passed away. He held it to his heart and cried like a baby. Although we didn’t know much about him before, we all loved him. There’s nothing in him that would tell he’s a Marxist: He’s a tall, light-skinned, handsome, and very humorous middle-aged man to be around.
He’d treated us like his own family. He loved my son a lot; he used to hold him in his hands, and with his finger pointing at his face, he said jokingly: “Old VC! Old VC!” (Vietnamese Communist). One day, my son went playing in his room, and suddenly he rushed out, screaming out his lungs:” Old VC has a gun! Old VC has a gun!”, we all burst out laughing.
When he saw us at the hospital, he was so happy and wrapped us in his hands. He appeared to be well informed about our ordeal by my father-in-law. He then looked around and asked: “Where’s Ky?” When we told him what had happened, he kept shaking his head and replied with a hint of disapproval in his voice: “How long did he know the Commies to be that naive? To survive this regime, you’d better be smart, like you guys! You must learn how to lie if you don’t want to be in trouble. In Communist society, lying is a basic survival skill, not a sin!”
That night we stayed with Hien, a very close friend in the same class as me, at the Faculty of Pedagogy. He was, at the time, an assistant professor at the University of Can Tho. The first thing I had asked him to do was find a place where I could sell a gold ring so that we could celebrate our first day of “freedom.” We’ve bought plenty of roasted pork, roasted duck, and beer, to compensate for the “plain rice menu” at the Central jail of Long Phu. Happiness could be so basic and so simple for destitute people! A good meal could mean Heaven to hungry people! After all, God is fair, isn't he?
It was late when we got back to Saigon the next day. Instead of returning to my parent’s house right away, we decided to stop by my brother’s house first to get a quick “briefing” from him about the situation at home.
My brother was so happy to see us back. We might have missed once more the opportunity to be free, but many others had missed forever their chance to see their loved ones again.
We didn’t want to attract our neighbors’ attention with our sudden reappearance, so we waited until it was dark to go back to our home.
My parents, who thought they would never see us again, looked at us like we were revenants, especially their grandson, who seemed to have changed quite a bit, after less than a month! They laughed with tears rolling down their cheeks when they hugged us! Never before did the “Home, Sweet Home” means more than at that moment! Their happiness seemed to triple when I told them that we’d succeeded in hiding and bringing back all the gold!
The next day, after a peaceful evening spent with our family, we went to see Mr. Lam, the area policeman (*), at his station across the street.
(*) After South Vietnam fell into the Communists’ firm grip, they divided every neighborhood into smaller areas, with about 25 to 30 households. They then assigned a “policeman” to be in charge of each area. After some time, that guy would know everything or almost everything about those households under his control: How many members are in that household? Their background and current occupation? Did they serve in the old government or the military? Do they have any guests staying overnight? Have any family members been absent lately? Since most owners would leave the door open when they're home, that area policeman could get in and out anytime he wanted, especially during the day, with no need to knock at the door. He's the ears and eyes of the Communist authority!
Mr. Lam was a middle-aged guy from the North. I would say we're lucky that he's more friendly than most of his colleagues. My mom was nice to him; each time he stopped by, she would give him some snacks, a lemonade now and then, especially when he announced he would go back home to visit his family, she'd offer him some money to buy gifts for his kids.
He was undoubtedly aware of our unusual absence and stopped by my house more often and kept asking my mom about our whereabouts.
My mom just smiled and said that we were at work. He knew that she’d lied but seemed not to care much about it,
When he saw us coming into his office, he had a big smile and asked: “Well, well, well, where have you guys been? Let me guess you must have taken your son to the beach? I can tell just by looking at him; he got a pretty good tan, didn't he”? I kept smiling and said: “No, sir! We wished but didn’t have that much time! Since the Chinese attacked our northern borders, all teachers and their students had to take part in making bamboo stick traps to help our troops slow down their incursion…"
Mr. Lam didn't try to give us a hard time, although he'd have known what we were cooking with our long absence?
Everything seemed to get back to normal after a while, with one big exception: we were both fired from our job because of our long, unauthorized absence! It sounded like a disaster, but actually,it was a real blessing. In our hearts, we still love teaching; we'll miss our students, but we felt we'd been mistreated and overburdened doing our job. We could not make a living with our salary. We had to sell out whatever we owned to survive and serve a government that we felt estranged day after day! From now on, we wouldn’t have to wake up "before the sun" (before sunrise), chasing crowded buses to go to work with an empty stomach. My wife would have more time to take care of our child. On my side, to make a living,
I had to join some friends in the black market. Despite its name, the "black market" under the new regime had nothing to do with contraband. It consisted of buying and selling anything: food, medicines, old clothes, watches, jewelry, cigarettes, sometimes gold, and dollars. It was the mainline of commerce that would complement the state-owned stores where the price was lower, but their shelves were empty most of the time.
Instead of taking home a "negative income" like before, I soon realized that not only could I make it but I could even make it better, I earned much more money compared to my teacher’s meager earnings. After five years of desperate struggling, life seemed to return to a more bearable rhythm.
AN ISLAND NAMED “KOH KRA”
No matter how life may have treated us, we would never quit thinking about escaping. There’s common ground between "boat people" and gamblers: Regardless of how many times they might have failed, if they still had money, they would never give up their hope and quit!
At that time, we knew two “reliable” groups who were preparing to escape. The first one is the family of my brother’s colleague. The lady and her husband got their master’s degrees from the USA. They had a big family, and they were planning the "trip" primarily for family members. My brother happened to know about their attempt and asked her if his young brother’s family could join them. She didn’t make any promise, just saying she’d let him know. Not long after, she left without saying goodbye. We later learned that she had reached the Thai’s shores. I felt so sorry that we'd missed the opportunity! Three months later, her friends finally received a letter from her, telling them about her horrible ordeal: The Thai pirates attacked their boat after they reached the Thai waters. After robbing them of their valuables, they took all female passengers aboard their boat, then sunk hers by t-boning it with theirs. All male family members perished, including her husband, her father, uncles, and brothers. Those monsters then took them to a desert island named Koh Kra (*), where they’ve been kept in captivity for weeks with just enough food and fresh water to survive. After their fishing, at nighttime, they would come back to the island and have a good time by raping the women, brutalizing and killing those who dared resist or fight back. She’s spared because of her late pregnancy.
(*) From an unknown and desolate Thai island, Koh Kra became a notorious island where Thai pirates victimized hundreds of innocent Vietnamese victims. They attacked their boats, robbed and brutalized their victims, raped the females savagely, then kidnapped them, kept them captive for weeks on that island. Those fishermen-turned-pirates had succumbed to their lowest animal instinct. Fishing during the daytime, they came back night after night to torture their victims, raping them, and in many cases, killing those who dared to resist. The final UNHCR (United Nations High Commissioner for Refugees) report showed they had killed more than 600 in Ko Kra alone.
We knew the second group through a former Sergeant of a Paratrooper Company, of which my older brother was the commanding officer. My family knew him well since he had stopped by our house many times before Saigon’s fall. He told us he’s an active partner of the organization and asked if we’d like to join them. He set the fee at three TOG per adult and one TOG for kids. After being schemed, cheated on the first two times, we had all reasons to be suspicious of everyone who approached us and made such a proposal. Seeing our hesitation, the guy made more and more concessions, from three to two TOG. We would not even budge when he said: “That’s OK, I know that you’re scared of being cheated: Since I have been with Captain T. (My brother who lived in the US), and known him for a long time, you don’t have to pay me now, your brother would pay me only after we could make it safely!” How could anyone refuse such a convincing offer? Still, there’s something in me, some kind of premonition, that had kept us from accepting his bid! Instead, my father-in-law, once more, wanted desperately to smuggle his 19 yrs. old son out of the country because he was in hiding since our last failed attempt to escape (*). He accepted the deal, paid his dues, and my young brother-in-law left with the group one week later.
(*) Unlike us, he ran away and was caught later in another District where he’s also been jailed and released, but much later than us.
After a long time waiting for news of his fate, we’d received a letter, mailed from an address in France, in which my wife's younger sister, who lived in Virginia, let us know, through her “encrypted” message, that her lucky brother landed in Thailand. She also advised us to delay any attempt to “move”! Needless to say how miserable we’ve felt for having missed one more time the golden opportunity for freedom!
We didn't know until much later how lucky we were! The boat which took my brother-in-law suffered the same fate as the other one. Their boat, which was very small and overloaded, broke down in the middle of the sea. The Thai pirates approached them, but in place of helping, they robbed them. They hadn’t hurt them yet but took them into their fishing boat and fed them. Later, around 4 am, the Thai pirates took them to another island. The passengers felt so blessed thinking they were going to be saved finally.
According to my brother-in-law, it was still dark, and the sea was very rough. When the boat was about half a mile away from the shore, all of a sudden, the pirates became more aggressive. They were screaming in their native language that none of the passengers could understand, but it’s clear they ordered all passengers to jump into the cold water and swim in. They pushed overboard those who hesitated. By sheer luck, my brother-in-law could grasp an empty plastic can before being pushed into the water. He was washed ashore and survived, among eighteen other passengers. Sadly, seventeen of them drowned. They found their badly injured bodies for the next few days on the beach nearby. There were over a hundred other victims already on this island named Koh Kra, who were brought there at different times.
Four days later, a pilot of the UNHCR discovered those distressed people who jumped and waved at him desperately while flying over the area. The man alerted the Thai authority, who sent out a patrol boat to check out the situation the next day. They then brought all victims back to Songkhla, a Thai Refugee camp where an investigation had taken place.
Some perpetrators were arrested. With the help of many witnesses and accompanied by condemnation from the press, the Thai had no other choice than to bring those monsters to justice. How hard was their sentence at the end of the trial, apparently no one knew for sure? There’s a very convincing “theory” which said that those atrocities were well known all along by the Thai authorities but condoned and used as a deterrent to discourage the Vietnamese refugees from seeking even temporary refuge on the Thai territory! True or false, this shameful theory would be a big stain on the history of this Buddhist Kingdom! A News bulletin issued later by The UNHCR had shown over 160 Vietnamese refugees have been killed, directly or indirectly, by the Thai Pirates, on that infamous island named Ko Kra alone! Many thousands more had been killed, raped, and discarded on the open sea. In many instances, women, including underage young girls, after being raped, tortured for days, traded from boat to boat, mortally depleted, didn’t survive. Others committed suicide or were killed afterward for fear of witness. Their bodies were thrown overboard and ended up on the Thai coastal line. There’s also evidence of female victims being sold to brothels in Thailand or other neighboring countries like Cambodia, Malaysia. Those abominable crimes would tarnish forever those countries known for their Buddhist upbringing!
There’s a French saying: “Tout chemin mène à Rome!”, meaning “All way leads to Rome!”, it would be great to have it updated to “Tout chemin mène à Ko Kra.” If we had joined either one of those two groups in our attempt to escape, where would we have ended up? Likely in the stomach of those overfed sharks that had enjoyed their feast in the Gulf of Thailand! Our fate could have been nothing less than horrific!
Was it luck or something else? I don’t believe in “Luck”! Being Catholic, the Buddhist teaching of the “Karma” seemed to be more explanatory to me! Looking back at my life, mainly through bad and ugly moments, I feel that the wings of my “not-so-bad Karma” had always lifted me out of all dangers, and landed me on higher ground, a safer place!
ONE MORE TRY
At the end of 1980, Colonel M., a friend of my family, told us that he and his young daughter had paid for their places on a boat. He knew the owner well, a lady from our hometown that we also knew indirectly. Through his warm introduction, and after meeting the organizer and her family, whom we deemed trustworthy, we accepted the deal: ten TOGs for my family of three. Instead of a partial prepayment like before, we had to pay the whole “fee” right away! Still bearing the scars from previous failures, I wonder why we nevertheless accepted this deal with little reservation? I hoped I was not that desperate gambler who wanted to bet all remaining money on the last game.
The whole family was involved in different preparation steps for the trip, mainly her husband, Mr. Hai, and her son-in-law, a Phu Tho Engineering School student. For the last few months, they’d been living full time at that location, readying the boat, recruiting local crewmen who knew the rambling waterway network in that area and the topography of the rivers’ beds. Without them, the safety of the trip would be very much compromised.
We’re so excited to know that all preparations were almost complete, and they would announce the launch date at any time.
The D Day came around mid-January 1981. The second time we had to bid farewell to our parents. Believe it or not, I felt more uneasy about that moment than about any possible dangers of the high sea. Although better prepared than the first time, we all got choked up by tears in silence.
It was dark and breezy when we left. The whole city was still sleeping; the blinking yellow traffic lights added a somber touch to the scene.
We felt relieved to recognize our guide at the Western Bus Station (Xa Cảng Miền Tây), located in Saigon’s vicinity. With a smile, she calmly handed us the bus tickets and asked us to follow her. Her calmness was very reassuring and far better than our first experience.
The bus took us to Vinh Long City, around 130 km from Saigon; from there, we used a public boat to go to our rendezvous with the organization’s taxi boat. Everything happened smoothly without a glitch! When we arrived, the "taxi" was there, ready, waiting for us. There were about six or seven passengers already on it.
The taxi boat was a small, around 12 ft long wooden motorized sampan, covered by an all-over roof. Two long wooden boards about 10” wide along both sides of the sampan served as a bench for occupants. A young local couple was in charge of the taxi boat. Their mission was to take us to the big boat. It's shady from the inside, and I could not recognize any of the passengers. When the “taxi” finally left, it was around 5, 6 PM.
After a long day continuously on the move, we felt so tired; this could have been a good time for us to take a short nap. Unfortunately, we were so tense, and the “seat” was so hard for our “skinny” butt. With my son on my lap, pushing my torso backward against a wooden pole that supported the side of the sampan, not only was it an uncomfortable position, it was also painful and took a toll on my lower back.
It was near dusk, and the sky was growing dark outside. People started dozing around, lulled by the boat’s rhythm. We were sailing on the river, but it was not less dangerous by any means. The river was vast and wavy, the sampan too fragile and lightly unproportionate with the carrying human load. The young couple in charge of the taxi boat acted very confidently and worked harmoniously together: the girl as a watcher in the front, the guy as the conductor at the rear. Sometimes I heard them joking loudly and laughing like ordinary local fishers on their working route. I admired them; they were our heroes, our guardian angels. From time to time, we could see the light from a projector sweeping back and forth the dark water, possibly from a coast guard boat, searching for their prey.
After a very long ride for many hours, the sampan slowed down and finally stopped. Since we were inside and it was so dark, I could not tell where we were. The young lady said to us that we'd just arrived in the designated area, we had to wait for the "big fish" to show up.
Although excited, everyone kept quiet! The surrounding silence was immense. Through the entrance cover, I tried to get a glimpse of the outside. The night was dark and breezy. I can see water plants where we stopped. The water kept rocking the taxi boat. It would have been a perfect time for us to enjoy it if we were in a different situation.
It was mostly past midnight. We were exhausted and tense, I closed my eyes in a drowsing state. My back was numb from leaning too long on the wooden side of the sampan. The waiting seemed to be endless.
Suddenly I was startled by the voice of the guide: “Sorry folks, we cannot establish the connection with “Big Fish,” we have to retreat immediately before sunrise! Please, stay calm. We’ll be OK!” Silently I squeezed my wife’s trembling hand! The bad news hit us like a nasty punch in the stomach.
Until now, I still wonder how did they know that our plan of action had to be aborted and decided to retreat? Back then, the cell phone was not around yet, and I did not see them having “talkie walkie” either! Maybe they’ve been ordered to take such action if the “Big Fish” didn’t show up after a specific time? Only God knew!
In warfare, troops’ withdrawal is always more dangerous than in an offensive operation; therefore, it would demand much more preparation and commanding skills. Most of the passengers felt distressed at the news! The hope factor, which helped us overcome fear and physical exhaustion, was not there anymore. The only thing that had kept our spirit up was the coolness and the ability of the young couple in charge of the taxi. Those ordinary people that we might look down on in real life unexpectedly become our Guardian Angels in this frightening situation!
The retreat unfolded like watching a movie in reverse. The night was still dark. From time to time, high beams of lights swept across the dark surface of the water to remind us that the presence of the coast guard might not be that far. The coolest guy around must be my son, who slept peacefully in my arms.
Many hours must have passed when the first daylight appeared on the horizon. Our “Taxi” pulled into a ferry port. The guide told us to take the ferry to go back to Vinh Long and, from there, take the bus back to Saigon. The ferry was mostly empty when we set foot on it.
I felt that I could no longer resist sleeping. My eyes kept shutting down like heavy doors. I’m not in control of my body anymore. I handed over my child to his mom and chose a hidden corner of the ferry floor where I dropped down like a toy out of battery. The sleeping came upon me almost instantly. At that moment, I was beyond any fear. I just didn’t care about anything anymore!
“The third time's a charm,” that idiom has been proven wrong in my case. My first failed attempt to escape had cost me 13 TOGs; the second try, besides the loss of money, we’ve been jailed for a short time, and now, the third time has landed us in this miserable retreat! I will never believe in stupid idioms from now on!
So many questions kept bothering me: Why the “Big Fish” didn’t show up? Was it a misstep, or was it another scheme? I had no idea, at least for the moment.
We’re back in Saigon around 5 PM. My parents were happy to see us back, safe and sound. It was kind of mixed emotions on their part: Happiness with a bit of surprise and a “pinch” of disappointment. How many times have we already said farewell? More money had to be pumped in after each failed attempt. Countless prayers had been said, many tears shed, and we were still back to square one.
The next day, the first thing I did was go to Thu Duc to see the boat owner and find out what had happened. I also wanted to know if I could cancel the trip and get back my gold?
The boat owner apologized. Due to security reasons, they had to abort the launch at the last minute. They chose to postpone the trip. She promised, however, that it wouldn’t be long before they could reschedule the next try. She also told me that all contributions from passengers have been invested in preparing the trip and would not be available for restitution. What a mess! Another 10 TOG “out of sight” but not out of our mind, that's our last ammunition, our last chance! Without them, we would go bankrupt, and like it or not, we’d have to stay and be part of that crazy, vicious regime!
I met Colonel Minh not long after. He’s rather pessimistic compared to previous times. He mentioned a female fortune-teller living in a housing project not too far and asked if I’d like to go to see her? All his friends highly recommended her. Since I had nothing to do on that day, I volunteered to take him there. I had no problem finding her residence on the second floor of the building. Everyone living in that housing seemed to know her and showed us the way even before we opened our mouths to ask! Heavy smelling of incense from an altar filled the small apartment. There were quite a few people already there, waiting for their turn, sitting on the floor. The “clairvoyant” in her 40s was sitting behind a small table with authority. Her client seemed timid in front of her. She predicted her client’s fortune based on her “translation” of the Tarot cards they’ve chosen. I could not hear them from where I was standing, but I was quite sure that it was all about their coming escape attempt! I was not a big fan of fortune-telling practice. I’d rather be in the “unknown;” a “yes” or a “no” from a fortune teller could never convince me!
Colonel Minh got out after the session with the Lady with a somber expression on his face. At my inquiry, he said: “Not good! She told me it was going to be bad! Go get back your money if it’s still possible!” That’s precisely what he tried to do the next few days, without telling me! I felt sorry that he and his daughter were not among us later after we’d safely reached the Indonesian waters and ended up in a refugee camp!
GOOD LUCK, BAD LUCK
Not long after the celebration of the Tết, the Vietnamese Lunar New Year (1981 was the “year of the Rooster”), we got news from the boat owner. He set the D Day on Sunday, Feb. 22, 1981. We appreciated the progress because it meant that the organization was genuine and not a phony one. Deep down inside, I still felt a big squeeze on my stomach when I thought about all the previous failed attempts with all the hardship and suspense.
Boat People fled Vietnam in different directions. Three hundred eighty-nine thousand nine hundred sixty-nine survived the ordeal and ended up in different Refugee Camps. Hong Kong (86,634), Philippines (35,516), Indonesia (50,742), Singapore (16,997), Malaysia (115,748), Thailand (84,332)
There's some last-minute change on my side. My wife's youngest brother Dang, who was 19 years old, would join us.
Like the previous attempt, they divided Saigon’s passengers into six small groups of ten to twelve people. My wife’s younger brother would join the first three groups, which would leave on Saturday, Feb. 21, one day before the date of departure. The remaining three groups, to which we belonged, would leave Saigon the next day, Sunday, Feb. 22, on the same day as the boat owner’s family. It’s a special favor because it would be less dangerous not having to wait overnight in the area before departure.
On Friday, I took Dang to Mrs. Hai’s house to stay overnight so he could leave early the next day. Among the people I’ve met on that day, I saw a young and good-looking lady. Based on her accent, I knew she was from Hue, my hometown. Through the introduction, I found out that she’s Mrs. Hai’s goddaughter; her husband, Lang, who was district chief before the fall of S. Vietnam, had recently been released from the Concentration Camp. They’d be leaving on Sunday with her two children and her two young brothers too. She said hello to me and asked me with a smile: “Do you mind if I ask for your age??” I was quite surprised by her question but answered anyway: “Not at all! I was born in 1949, the year of the Ox,”
She said with a smile: “We have the same age then! By the way, do you believe in fortune-tellers?” I smiled and said: “No, Mam! I do not! How about you?” “I do a lot!” she answered, “Do you know the blind fortune teller at the Ba Chieu Market? He told me it’d be bad! He said the same thing on our last attempt, and see what had happened?”
I told myself: Not only this lady is superstitious, but she’s also a little bit crazy too! Why bring up such a subject at this time? I tried to calm her down anyway with some words of encouragement: “Don’t let his prediction bother you! There will be at least seventy or eighty people on the same boat. What makes you think that we’ll all share the same fate?” The conversation ended, and she seemed to agree with me. It appeared to be a banal exchange to most. However, I still remember vividly that moment after thirty-nine years. (*)
(*) Two days later, on Sunday, Feb. 22, 1981, the taxi boat she was in with her family sunk in a section of the Mekong River. She drowned alongside her two children and one of her brothers. The local villagers rescued her husband, but the Police sent him back to jail. This horrible news reached me much later after we'd already safely reached the Indonesian shore and were temporarily taken to an Indonesian Refugee Camp.
We left Saigon very early on Sunday, Feb. 22, 1981. I’d like to spare you all the sorrows of this third farewell when the time came to say goodbye to our loved ones!
We had no problem locating our guide when we reached the Western bus station; he told us that another family would join our group. The couple seemed older than us, with two kids about the same age as mine. I later knew that the man was Dr. Tan, also from Hue.
Everything went smoothly, pretty much like the last time with the same itinerary. The bus’s final stop was Vinh Long. From there, a public boat would take us to the rendezvous with our taxi boat. The dock where the boat took us to was relatively deserted, with few houses and dwellings. We got off and followed the guide. Close to the pier, there’s a small coffee stand where a group of three or four guys was sitting there, chit-chatting while sipping their coffee. I would not be surprised if they’re local security guys taking their break!
About ten, fifteen steps ahead of us, Dr. Tan followed the guide, holding his son in his arms. He walked toward a “Cầu Khỉ.” (*), ̣crossing a narrow ditch alongside the road.
(*) “monkey bridge” is a very primitive construction in the VN countryside. Made of trunks of trees or bamboo, the size of your arm, tied up together with rope, connecting the two sides of a ditch or a small body of water. Depending on how far the distance is to cross, some are built with handrails, some without.
With the help of the guide, Mrs. Tan crossed the ditch safely with her daughter. I was looking back to check on my wife when suddenly I heard a loud thud in front of me. I turned my head, and I saw Dr. Tan with his son still in his arms, crawling in the mud at the bottom of the ditch! He's lucky because the trench was shallow and muddy; otherwise, he could have hurt himself badly and his son too. In another situation, I would love to have a good laugh at this hilarious scene, but the fear seemed to prevail. Losing his cool, Tan nervously used his hand to clean the mud off his face and hair. He tried hard to climb up the ditch, stumbled sideways again and again before limping hastily forward, leaving his hat behind. What a funny and awkward situation!
Out of the corner of my eyes, I could see that those guys at the coffee stand were aware of the accident. They laughed loudly, pointing their fingers in our direction! I felt my heart pounding in my chest. I knew for sure those guys were now watching us; any mistake could be a disaster. Thanks to Dr. Tan's mishap, we processed the crossing very attentively and made it without a hitch.
After another fifteen minutes of walking, I saw a small boat parked in a rather discreet place on the riverbank. My group was already inside, so we happily joined them. Without delay, the boat operator started the engine, and we left promptly. I guessed it was around 4 pm. Although it’s a river, it looked vast and turbulent. From one side, I can barely see the other side. The muddy and swollen water seemed very unfriendly. The boat heaving up and down on the unrest water surface added up to our anxiety and fear. None of us knew how to swim, and we had no life jackets either. Any accident could mean a certain “river burial”! Won’t it be a real sarcastic irony to lose our life in this muddy river while planning to cross the sea?
Many hours had passed, and it had already gotten dark when the crew reported that they had finally identified “Big Fish.” From inside, we could not see anything, but everyone was ecstatic. The young boat operator asked us to calm down and keep quiet. It took us almost twenty minutes to accost the “big” boat. With the engine completely turned off, the silence returned. We could hear the two hulls’ scrubbing sound. The unloading of the passengers was done quietly, starting first with kids and women. Since the "big fish" deck was higher than the "taxi,” they got help from several persons on the deck. Among them, I rejoiced to recognize my wife’s young brother. This was the first time since I paid my due in gold that I could finally see with my own eyes, touch with my own hands, “the merchandise” I have commanded a long time before, the “Big Fish.”
All passengers moved quickly to the lower deck. We barely had any time to rest after a very long day when Mr. Hai and his son-in-law appeared. They asked us to form a circle around them so they could update the situation. The atmosphere, in general, seemed quite tense. With a hesitant, worried voice, he said:
"Welcome, everyone! I'd like to share some urgent information with you, folks! I think that some of you may have already known: Of the three taxi-boats that had left this afternoon for the rendezvous, only one had arrived just a few moments ago, two others, carrying most of my family members, including my children, grandchildren, and close friends, are still missing. The reason for the delay so far has not been determined yet. To make things worse, those two missing “taxis” carry our navigation tools, the food and drinking water intended for the trip. For this reason, I’d like to suggest delaying the departure until tomorrow night, enough time to find out the whereabouts of those missing boats. Anyway, without the navigation tools and food, I doubt that anyone would like to engage in this venture?”
The general reaction of the audience was not far from panic. I overheard someone cussing, others talking about jumping into the river and swimming ashore! As for me, I was speechless; a mélange of anger and anguish seemed to invade me.
How long would this curse be on us? After so much waiting, uncertainty and hope, here we’re finally onto the “Big Fish” safely, and we still could not leave? That’s insane! Was it fatality? No, I would not surrender easily to whatever it might be! I got to do something… But what could I do good Lord?
A quick thought came to my mind. I quickly regained my composure and stepped onto the upper deck, looking for the two Navy guys I heard would be in charge of the boat’s navigation. I saw them talking next to their cabin. After 40 years, it’s unbelievable that I still remember their names and the short conversation I had with them. Mr. Lưu, clean-cut and good-looking, was by himself and Mr. Dưỡng, short and dark-skinned, brought his five-year-old son with him. I asked them: “What do you think about Mr. Hai’s proposal?”
Lưu smiled and said: “I’ll do whatever Mr. Hai asks me to do.” I turned to Dưỡng and asked:
“How about you?” He thought for a moment and said: “I think we got to leave tonight!”. “How to navigate without a compass?” I asked. “I’ve brought a land compass with me, just in case I need to adjust the other compass,” he said. “Tell me with all honesty, with that land compass alone, would you be able to take the boat out of the estuary and hopefully to our destination?” I kept asking.
He pondered for a moment, nodded, and said: “With God’s help, I think it’d be possible!” “Would both of you agree to leave tonight if I can convince Mr. Hai to change his mind?” I asked. They nodded their heads resolutely!
I rushed down to the lower deck. I thought it’d be crucial to seek support from the passengers before addressing the boat owner. I told everyone I met: “Good news! Please tell everyone it’s going to be OK! We already got the compass!” I didn’t lie; I’ve just told them half the truth! (I didn’t mention that it’s only a small land compass!) “Let’s get together now, so we can demand Mr. Hai to let us leave tonight! We cannot wait here for another day; we’ll be caught and will be put in jail not before long. To do so, I’ll need all your support, folks! OK?” I added.
After reaching consent with most passengers, we gathered up and asked to talk to the boat owner. In front of all, I told Mr. Hai: “First, we sincerely share your concern about the fate of the two missing taxis with most of your family. We’re aware that your family has put a lot of effort into organizing this trip. However, our boat is not safe in this area; we can see all the house lighting from here. If we stay here for another night, the boat will certainly be discovered and confiscated; all passengers will be apprehended. There’s no winner in your decision. That’s why we’re asking you to leave tonight! The audience showed their support for the demand.
To be fair, I must say that Mr. Hai was a very decent person, calm and always listening. Somehow, I can feel that deep down inside, he shared my view, but due to his own family’s uncertainty, he’s reluctant to make such a decision. With a trembling voice, he said, “As you all know, the boat belongs to you since you all have fully paid your due. But like I’ve mentioned earlier, the reason that forced us to delay the departure was not only because of what might have happened to my family but also because we don’t have any navigation tool, no food and drinking water.”
“Don’t worry, Mr. Hai. We have a spare compass!” I promptly replied.
“How about food and water?” he asked. “We’re having a bag of rice…” someone said.
Another one added: “We can rinse the empty diesel plastic tanks and refill them with the water from the river… It might not be the best water to drink, but I think it won’t kill anyone!” The majority seemed to approve and voiced their support for the request to leave tonight! The boat owner saw that, so he said:” Folks, if that is your decision, let’s finish all preparations, and we’ll be leaving at 10 PM! However, I’d like to ask you for a favor: As you already knew, until now, we don’t know what might have happened to our family, so we're willing to let you folks and the crew take over the control of the boat. My son-in-law and I, have to go back to find out what has happened and take care of the family.” After being cheated so many times before in my attempt to escape the country, those "last-minute surprises" scared me off big time! I wondered since they have been in charge of the boat for so long, how could we make it through without them? But what he said was also very understandable; their family was in danger and would need their help. So, I came up with a compromise: “We understand that you have to take care of your family, but your presence is also very needed here too. Let’s do this. Please, talk to your son-in-law; one of you two has to come with us!”
They looked miserable, both father and son. I could tell they didn’t want to join us. Mr. Hai joined his hands together and begged his son-in-law: “Please, let me go back to take care of our family! If the VC finds out we’re behind all this mess, they would be likely more lenient to an older man like me than a young guy like you! Please, go with them tonight!” The young man wiped out his tears but didn’t say a word.
A group of young people, meanwhile, were taking care of the drinking water. Two of them jumped into the river from the deck; the others handed them empty diesel plastic containers to rinse and fill them back with water, then used a rope to pull them up to the deck. After an hour, they ended up with about ten containers of around five gallons each. Meanwhile, all passengers were preparing their “nests,” which were very cramped. Presently, with almost seventy persons aboard, kids included, everyone had to adapt to the “sardines” arrangement. If the other two taxi-boats had no trouble, the number of passengers could reach almost one hundred, how could they have enough room for them?
The boat was finally ready to leave by close to midnight. In the darkness of the night, the boat began gliding slowly, heading toward the South China Sea. We all felt the tension as well as excitement. Only a few people responsible for maneuvering the boat were in the upper cabin, the rest, including my family, were in the lower compartment. Everyone prayed silently for a smooth and safe journey. We were just at the very beginning, and I was very aware of the dangers ahead at every step of the trip. To operate the boat safely at night, keeping the boat from hitting dunes or its propeller from entangling with fishing nets would demand crew members to be local and familiar with the river topography and its current. If this happened, any incident would stop the boat and put all of us in imminent danger of being arrested.
The boat ran smoothly for many hours, but as long as it didn’t reach the international waters, there’d be scary surprises to expect. When we finally got to the estuary, it was dawn. Fishing boats were on their way to the sea. Fear seemed to fade a little bit. Everyone could finally breathe freely. It’d be too early to celebrate, though; there were too many dangers still hovering above our heads. One thing worth mentioning, we learned that the boat’s owner and his son-in-law had both left us discreetly, maybe right at the time of departure, to go back to take care of their family.
After about 3 or 4 hours of smooth riding, we saw appearing at the 1 o’clock position, a big white ship at a great distance from us. Some passengers on the upper deck pointed at the unknown ship with excitement and suggested getting closer to ask for help! I joined some others to convince the crew to do the opposite because we were not even sure if we’d already reached the international waters. If that ship were Russian or Cuban, instead of rescuing us, they‘d be happy to bring us back to their “buddies,” the VC coastguards.
In challenging times, I've learned that common sense and good judgment are the basic skills of survival: having the right reaction at the right time!
After that tiny incident, the boat rode smoothly into the immensity of the sea. The weather was beautiful, and the water was calm. We could smell freedom in the air, no more worries about the VC coastguard. Still, threats were still around: the unpredictable high sea and the Thai pirates; falling into any of the two would mean certain death or a lifetime of incurable wounds!
The boat kept rushing into the unknown of the night without any interruption. At this time, I was pretty sure we were in international waters. Our planned destination was Indonesia, hoping to distance ourselves as much as we could from the Thai pirates’ fishing route. Honestly, the threat of Thai pirates was always on my mind since we were preparing to escape by sea. Although I was not a very devoted Catholic, I always prayed to God to protect us from them. I was not afraid of being robbed, but I was mainly scared of losing my own life! I knew myself so well. I knew exactly how I would react in moments of danger. I knew for sure that I could never stand still, powerless, subdued, watching those bastards attacking, raping, killing the passengers, let alone that person was my wife, my child, my sister... I’d rather die fighting back than dying later, of shame and guilt. I’ve drawn a Red Line that should not be crossed: Witnessing a robbery in progress would not be pleasant, but I might be able to endure. But if confronted with acts of vicious violence, especially against women and children. I couldn’t help myself! Yes, I had practiced some Martial Art when I was young, but I‘m no Bruce Lee or Rambo; my fate would be sealed for sure in case of confrontation! Even now, at the age of 72, that “Red Line” is still there, bold and non-negotiable!
Maybe God knew that my prayer was for a good reason, there was no sight of any pirates’ activities during the whole trip. We saw giant ships passing by instead, sometimes at long distances, some other times very close, so close that we were so afraid that the waves from their passing could have endangered our tiny, little boat. I’ve seen people watching us with big binoculars from their very high deck. Sadly, none of them have responded to our signs of distress. They just left us behind with our despair and a feeling of extreme fragility facing the immensity of the ocean, a feeling we didn’t experience before their encounter. Our presence was completely ignored!
Luckily the high seas were on our side. The water was calm as the surface of a lake. There’s an old Vietnamese saying, based on fishermen’s experience: “Tháng ba bà già đi biễn!” (“In March, even old ladies can afford to travel by sea!”). We were at the end of February, though!
During our trip, passengers were “served” “special” rice soup with a strong smell of diesel oil, the same “flavor” with drinking water because, as mentioned earlier, we stored drinking water in empty diesel containers that were rinsed hastily in the river before leaving. No one was complaining. At other times, eating and drinking may be a serious subject to most of us, at that moment, they were nothing more than survival instincts.
On the third day at sea, thank God, everything was still good: the boat held up well and ran smoothly; the passengers were healthy although weak, because of the confinement, the lack of physical movement, and also the lack of nutrition too. They had plenty of time to adjust themselves to the boating condition. During the day, I came to the upper deck more often to breathe more freely and chat with the crew.
It was around late afternoon on the third day. The crew thought that we should have reached by now some Malaysian or Indonesian island! Nothing more than a guess, since they didn’t even possess maps and a navigation compass?
Among the people on the upper deck that I used to hang out with was Hung, a friend’s young brother. Hung was a young police officer of the old regime sent to a “re-education camp” after the fall of South Vietnam. He succeeded in escaping from the camp with the help of a female VC guard who had a crush on him! A very hard-to-believe love story. In fact, his brother signed up for the trip, but after last month’s failed attempt, he got “cold feet” and gave up his place in favor of his fugitive brother.
Last night, I took my raincoat to the upper deck to wash it of all traces of seasickness from the day before. It was so dark, I sat down next to Hung, leaning against the side of the boat, I held the raincoat by the collar and dipped it in the seawater which was within my reach. Suddenly a wave came unexpectedly and snatched the raincoat out of my hand and swept it away quickly under the surface of the dark water. A small incident, but it sent shivers down my spine. I felt like part of myself going down that insidious black hole with that raincoat. Thousands of unfortunate boat people might have experienced that same feeling of terror before being sucked into that point of no return. Their souls would be marked forever by that painful farewell. Myself, after 39 long years, I still vividly remember that frightful feeling!
The day ended a long time ago. We still didn't see any sign of land around us. The crew looked so desperate, most of them believed that we must have missed it! That conclusion would not surprise anyone. How could we expect to reach our destination with amateur crewmen using no other navigation tools than just a land compass?
REDEMPTION AT LAST
It was mostly past midnight. I could not sleep amid all hope fading. I came to the upper deck to get some news updates. Like dark clouds, anxiety seemed to hang over us. Suddenly everyone was awakened and rejoiced to see a ripple of pink-colored light flickering between the clouds from afar on our right side. Conjectures were many and varied. In my opinion, it might be the lights from a city reflecting on the clouds. Regardless of what it might be, undoubtedly, that must be the “Light at the end of the tunnel,” the star that had led the “Magi,” the wise men to the Nativity scene!
Hope came back quickly, and all agreed to change direction, aiming at that beacon light. Although the boat had sped up, after many hours, the pink clouds were still far away! Around 3:00 AM, we arrived at a distance from which we could finally identify the light source, that “game-changer” that God had sent us, to guide us through the darkness of the night. It was something none of us have ever seen before: A tall oil rig spitting fire like a giant dragon in a fairy tale!
That fire reflected on the dark surface of the sea like setting fire to the waves, then shot it back to the clouds above. That’s what had attracted our attention from miles away. Mystery solved!
Most of the passengers were up by that time to witness that unforgettable moment of their life. They stood there, stunned, hypnotized. Added to this unique scenery, from nowhere, appeared a school of relatively large and quick-moving fishes circling, diving tirelessly around our boat. At first, their big dorsal fin made us believe they were sharks, impatiently waiting for their early breakfast. Later on, I realized they were just friendly dolphins welcoming the lucky escapees.
That apocalyptic, blood-stained light reflection, blended with our ecstatic emotion of the moment, reminded me of Theodore Gericault’s (*) masterpiece, “Le radeau de la Méduse” (The raft of the Medusa) depicting a shipwreck scene. Without any doubt, we’re much luckier than the victims of the Medusa!
*Talented French painter of the 19th century
After some hesitation, we all agreed to head to the rig site. The whole area was well illuminated. We could see a human shape standing high up on the rig top platform. From a great distance, the man waved out his hands, kind of warning us not to get closer. Of course, we completely disregarded the warning. The man up there desperately sent out his “message” a second time using a water hose. No result! We kept approaching until, from nowhere, we saw a middle-size boat heading in our direction. With a megaphone, they instructed us to follow them. Finally, we let go of the rig and followed the leading boat until we reached a ferry boat the size of a small football field. We found out later that the ferry was the shelter for the drilling personnel. We docked our boat alongside that monster. What a difference in size between the two! Only crazy and desperate people like us would dare to cross the ocean in this tiny wooden “nutshell?”
The crew allowed us to get on the ferry. Our boat wobbled dangerously, everyone had to be very cautious not to be trapped and smashed against the ferry’s metallic side.
It was around 4:00 am February 26, 1981 when we all got on the ferry. . Although it was still dark, this must be the brightest, the most memorable, the happiest moment of our life. After over three days and four nights of braving the unthinkable, we proudly embraced the ultimate reward of our sacrifice: We’re FREE again!
A group of Indonesian Engineers and drilling workers greeted us on the deck. They were very kind and friendly. Some of them spoke English quite fluently. They offered us soft drinks, fruits like bananas, apples, and sandwiches. After the last few days of eating plain rice soup and drinking water with a heavy oil sludge smell, everyone was eager for some real food.
After about an hour of rest, refreshing, eating, partying with our rescuers, we were so shocked when our host asked us to get back to our boat and be ready to take it to the final destination, the Kuku refugees center, which was not very far from where we were. They reassured us that everything would be okay because they would provide us with additional food, drinking water, and some basic nautical chart to help us get there. Everyone felt deeply disappointed. Like other passengers, I wrongly thought we would be allowed to stay on the ferry temporarily while waiting for a lift to a refugee camp. After that quick sight of freedom, the idea of going back for new uncertainties was not a comforting one; other than accidents that can happen at any time, we weren't even sure if we would be welcome at Kuku Island or not, but what could we do?
When everyone got back to the boat, it was still very dark, the “captain” put the engine in full throttle ahead, suddenly, a horrendous crashing sound resonated, accompanied by an enormous jolt. There was a lot of screaming among the passengers. I got to the upper deck to find out what could have happened. The captain, because of the darkness, might have not seen the colossal anchor chain that secured the ferry boat, causing the bow of the boat to hit the chain and break. However, the damage was not very serious and did not seem to endanger the boat, based on my evaluation. Somehow embarrassed by the incident, the captain tried a second time to move the boat forward. He seemed to have lost his cool (*), and again the bow of the boat hit the big iron chain, it sustained more damage this time.
(*) after almost forty years, through current communication (2020) with a lady who shared the trip with us, she confirmed that the accident was intentionally staged by the crew to give the Indonesians more reasons to rescue us right away. I might have been the only blockhead around!
The Indonesian workers who watched our departure from the deck of their ferry panicked at the incident used the megaphone to instruct us to stop and come back right away. One of the engineers with whom I’ve talked earlier asked us to stay put and let them have the time to ask for instructions from their higher authority. Before long, the same guy came back and signaled me to come closer. He told me that we had to create an urgent situation, like voluntarily sinking the boat so they could rescue us right away without going through a lot of red tape. Based on the Maritime Laws, they would have an obligation to assist people in distress at sea! Not only was I surprised by his suggestion, but I was also profoundly grateful! To make sure that I did understand his proposal, I asked him again and again. Finally, I relayed the message to our crew, to which they agreed and assigned a small group to stage “the incident.” However, one safety issue had come to my mind. I shared it with the Indonesian engineer: When the water started to enter the boat, without any doubt, it would cause a lot of panic and jostle among the passengers, so it would be safer if the women and the children were allowed to be transferred to the ferry before it happened, the rest could evacuate later. My concern seemed to make sense; the man came back a moment later with his boss’s approval.
The “sabotage team,” without the right tools, had a hard time puncturing the plank in the boat’s hull from where the water could get in and sink the boat. It took much longer to sink the boat than we’d anticipated. After over a long hour of waiting, the Indonesian crew finally allowed the rest of us to board the ferry.
The sun began to rise above the horizon. It wasn’t until around 9:00 in the morning, meaning after about 4 hours, the boat was completely submerged in seawater and engulfed in a vortex with a loud and chilling flushing noise. It was horrifying to witness a boat we’ve been in the past few days going down into those deep dark waters. Thank goodness, there was no one in there!
The time spent on the ferry was a short but cheerful and relaxing time! Even in my wildest dream, I could never think that one day I would be standing there, from nowhere, between sea and sun, “born again,” not in the Christian meaning of the word, but as a man who had conquered his fear, the uncertainty and the dangers to be born again free!
I spent most of my time enjoying the panoramic sight of the sea, watching the Indonesian workers in their routine activities. I enjoyed most watching them fishing, using their bare hands and a line. They pulled the fish up one after another effortlessly. They were all big and fresh! They descaled their catch, gutted them then cleaned them with seawater. In the final step, they hung them up to dry them in the sun to preserve them.
I befriended Sonny, an engineer I spoke to earlier when we first set foot the first time on the ferry. I learned about his family, his work, and I also shared some information about my family and how life was in post-war Communist Vietnam. He listened to me intensely. I told him my parents must be anxious about our whereabouts. Without hesitation, Sonny asked me to draft a telegram to my family; he would be more than happy to send it out when he went to Singapore for his weekend. God blessed his good heart! (*)
I wrote a short message addressing my oldest sister living in Houston, Texas, to let her know that we’re currently safe and sound in Indonesia. I also asked her to forward the good news to my parents and my sister-in-law in Virginia. Sometime after I arrived in the US, my sister handed back to me that heartwarming telegram, and it's still in my possession after more than 40 years. It showed that it had been sent out on March 03, 1981, from Singapore, meaning just nine days after our rescue and only twelve days since the day we left Saigon. It has likely set the record as the fastest “Good News” that a “boat people” could possibly inform his family of their whereabouts.
(*) That big favor I received from a good “Samaritan” sent me back to an old memory in 1980
when I was still in Saigon. One evening, after dinner, we heard a lot of commotion outside our front door. I came out to check to see what was going on. I saw some of my neighbors surrounding a stranger dressed in a tattered old S. Vietnam infantry uniform. He was using crutches because apparently, he had an injured foot still in a dirty bandage that smelled badly! He was a former lieutenant incarcerated in a “re-education camp.” Based on his story, as a prisoner he was forced, along with some of his comrades, to clear an old minefield. He got injured in a tragic mishap and was released soon after. His foot got infected because he didn’t receive much medical care. When he came back to his parent’s home, he found out they'd already decamped. Their house has been forfeited. His cousins said his parents had escaped a couple of years ago and they were now living in France. I asked him if he had their address. He nodded and searched in his plastic bag, and gave it to me. I jotted down the information on a piece of paper and promised him that I would write them a letter to inform them about his situation. He thanked me politely and told me he’d come back later to check with me. His story moved everyone, so despite their meagerness under the new regime, everyone tried their best to help, some with old clothes, others with money or food; I gave him a little bag of rice. I wrote a short letter to his family as promised and mailed it out the next day. The letter was returned to me almost a month later because no such name or address was found! End of the story. The guy didn’t come back either. I hated to jump to a quick conclusion, but I couldn’t help thinking he was a crook. If so, that guy was a real genius, an outstanding storyteller, an excellent psychologist, a top-notch actor who deserved an Oscar from Hollywood! Need I say more?
Here and now, I found myself in almost the same situation: a poor escapee in the middle of the sea, far away from home. In the past, at one time, I was a good Samaritan who tried to help a lost soul; now, I’ve found one myself who came to me with his caring heart. If this was not Karma, what was it then?
Around 4:00 in the afternoon, the other boat that served as a “shuttle” between the ferry and the oil rig, came back to pick us up and took us to a rendezvous with FLORA. Regrettably, it was not a lady as the name would have suggested, Flora was a real liner in size and majesty, with a voluntary West German crew. Their humanitarian mission was to rescue boat people in difficulty in the South China sea. When we got close enough, the sailors descended a long metallic staircase with handrails; besides, since our boat was wobbling so severely, they hung up a rope gill net underneath the stairs in the event of someone stumbling and falling into the water. A small and trivial detail for some, but it said a lot to me! Those strangers did care about our safety. They had left everything behind: their family, their job, their comfort to come here to rescue these desperate, ragged human beings who fled their country where they were persecuted, maltreated in the hands of their own brothers? We thanked and said goodbye to our Indonesian brothers before leaving.
I found out pretty soon that the captain of the FLORA was German and spoke French quite well. He was surprised and delighted that I could do the same. He let me know he needed a volunteer to join the cooking team to prepare dinner. I accepted the offer with pleasure.
That evening we had a fantastic dinner with steamed rice, stewed beef, vegetable soup, and fried fish. Late at night, just before midnight, we learned that the ship would have to make a quick stop to pick up a new group of “boat people” who had been rescued earlier and taken to a small village not too far from our itinerary to the Kuku Island. I couldn’t believe my eyes when I saw Truc, a childhood acquaintance, among the first people who set foot on the ship. I knew him well; we grew up together from a very young age since his parents rented their house from mine, and lived there for a very long time. He was about four years younger than me and a former S. Vietnam Air Force jet pilot. He had left Saigon ten days before I did. I knew for sure because he stopped by my house to say goodbye the day before he left.
His boat had a lot of mechanical problems at sea that caused the delay. From that moment, he joined our group until his departure to the USA.
THE KUKU ISLAND
Before 1975, Kuku Island was a small and unknown island among 18,300 other islands that formed the Indonesian archipelago. Surrounded by other islands, the water there looked calm, more like a lake. In 1979 with the introduction of the “Semi-Official Departure Program” (Bán chính thức), with the approval from the Indonesian government and the UNHCR (UN High Commissioner for Refugees), the island was allocated to accommodate thousands of Vietnamese refugees who fled their country. Since then, it has become one of the most famous Refugees Center in the whole region.
With the material found on the island, the refugees had built with their own hands many rudimentary, patched huts, just good enough to shield them from the sun and the rain. If you were not a handyman, you could hire others to do it for you.
They might charge you around 1TOG (Tael of gold) or less for the job, depending on the size or the quality of the construction, but it’s not a problem for the people who could afford the SODP. They could also resell their hut at their departure to resettle in another country, maybe with a little loss.
On March 01, after eight days at sea, we set foot on Kuku Island. After the “seasickness,” now we were experiencing the “Ground sickness.” We all felt groggy, like being drunk. Our bodies needed to readjust after having been boating for over a week. We saw a couple of hundreds of Vietnamese people rushing to the dock, waving, yelling at us, trying to find out from where our boat had departed? They tried to find out if there were any of their acquaintances among the newcomers?
We’re still being kept apart in a separate area close to the dock, waiting to go through many protocols like registration and preliminary “physical examination” before being formally admitted to the Camp. I could see some indignant reactions, especially among women during the session conducted by “Males-we-don’t-know-who.” Were they Doctors, nurses, or just some curious soldiers taking advantage of the situation? The Right to Privacy never exists in Third World countries, much less in a Muslim country where they’d treat females as second-class citizens! Fortunately, there was no further abuse, just a short and uncomfortable moment for some. After all, we were just pitiful refugees, the uninvited, the unwelcome guests not only for neighboring countries but also for most countries of the World. What could we expect? We should be thankful that the “examination” was conducted by Indonesian strangers and not by the Thai pirates!
At that time, there were many abandoned huts in Kuku, most of them in terrible condition. Our first task was to choose a good location for our “Sweet Home”: a decent empty hut, with a front view of the sea, large enough for six people: Me, my wife, my son, my young brother-in-law, and finally my two improvised companions Hùng and Trúc. Our next effort was to improve our new shelter with all available materials from other unoccupied shacks. Last but not least, our new “Home” would need a serious and thoroughly clean up. Et voilà! It’s ready for us to move in!
We’re so excited to receive some basic supplies from the Camp’s Reception Team, including mosquito nets (*), blankets, rice, noodles, canned food, a large tank of drinking water… and a kerosene stove for cooking; mostly all basic stuff needed for our temporary stay.
(*) Malaria was still a leading cause of death on this island. It had killed many Vietnamese refugees who had reached Kuku.
My wife was the only female in our group, so it was no surprise that we unanimously elected her as our Chef Cook, with at least four reliable helpers at her command. One big concern at that time that I could remember: except for the cooking oil, there were no spices included in our daily ration package, no salt, no fish sauce or soy sauce, no hot pepper, zero! To solve that serious problem, at my suggestion, we began to retrieve the seawater and boiled it in a pan until it all evaporated and yielded sea salt at the bottom. It was a new and exciting experience for all of us. Our daily ration of rice was quite generous. We’d use the leftover to exchange for fresh fish from local fishermen. They left early in the morning and came back in the early afternoon on their tiny fishing boat (*) … When they saw us waving at them from the beach with a plastic bag full of rice, they would understand and get closer so we could walk out into the water to meet them.
(*) It’s a very exotic, primitive, narrow “watercraft,” big enough for two or three persons, which consisted of one main hull with additional wooden stabilizer bars on each side.
We have never seen fish that fresh anywhere before, still wriggling at the end of a small rope! Fair deal! Everyone was happy: They were delighted to have more rice to feed their family; we were also delighted to enrich our daily menu with extra nutritious plates like steamed or stewed super fresh fish besides the canned food.
“Needy time is the mother of all creativity”! With very few choices in our daily ration, my wife succeeded to accommodate all tastes with her unique cooking creations, like “Green Beans dessert with honey” (Chè đậu xanh mật ong), “Noodle with canned duck meat” (Mì vịt hộp), “Spam in seven courses” … ( Thịt hộp Spam bảy món)
We soon forgot all the hardship of our venture across the sea to enjoy this improvised vacation on this unknown Indonesian island! We lived with a worry-free camping spirit, away from harm and threat, under an open blue sky, with beautiful and exotic scenery. Anything could be easily tolerated, even becoming enjoyable. We ate our dinner early with a great appetite. When the night came, we would gather, and under the moonlight, everyone would have a joke, a story, or an old memory to share. Truc was a real entertainer. He’s tall, dark-skinned, with curly hair and a big smile which made him look like more a local guy than Vietnamese. He’s a good singer with his husky voice, insisting us to join him at his late-night show!
The only disturbance on this island at nighttime was the presence of rats. They were roaming around, looking for food, a possible result of boat people’s high occupancy on this island in the past. During the night, they even ventured close to our couch, making a squeaking sound. My wife hated them so much. They’re so scary and annoying to her.
Besides being a temporary stop for a significant number of Vietnamese refugees in the late ’70s or early ‘80s, Kuku Island was also a final resting place for many of them, who died during their stay, from different diseases and sicknesses, mostly from malaria. After over forty years, most of the graves are still there. Recently some families returned to the island to retrieve their loved ones’ remains and brought them back closer to their families.
During our short stay in Kuku, the UNHCR representatives came from Singapore to interview the newcomers and finalize the registration. The commanding officer in charge of Kuku Island was Major Dohardjo, an Indonesian Marine Corps officer who had been in Vietnam before 1975 as a member of the ICC (International Control Commission), which oversaw the implementation of the Paris Accords signed in 1973. I had a chance to talk with him a couple of times; he’s a very kind and caring gentleman!
After almost three weeks of leisure on this beautiful “resort”, on March 20, 1981, we had to pack again to board the “Sea Sweep,” a cargo ship sponsored by the World Vision Evangelical Church Group, to be transferred to the Central Refugee Camp on Pulau Galang (Galang Island).
Unlike Flora, the Sea Sweep’s volunteers team didn’t leave any trace on my sensitive heart mostly because we didn’t have any real contact with them. It was a small group of young Asians, males and females, possibly Taiwanese or Singaporean, who spent most of their time talking, laughing between them. The only interaction was when they handed us a Vietnamese pocket-size Bible when we first set foot on their ship. It’s just like we were taking a bus: get on, get off, and go! For me, Charity, even under the simple form of human touch or feeling, is still a rare virtue among Asians! Was it a pessimistic, generalized, prejudiced observation of mine? I honestly hope that it was.
WELCOME TO PULAU GALANG
The 80-hectare Galang Refugee Camp was very crowded during peak time. It is estimated that around two hundred fifty-thousand Indochinese refugees passed through Galang from 1979 to 1996. Over half of that number were Vietnamese refugees who had arrived by boat directly from Vietnam or had been rejected by Malaysia before reaching Indonesia. The Camp was divided into two different areas: Galang 1 and Galang 2. My group was in Galang 1. Each site had dozens of barracks covered with corrugated roofs. Two long wooden decks, one on each side, served as beds. Upon arrival, the Camp’s authority assigned each group a group ID, based on the country of arrival and their boat’s order. Mine was IN15129 (IN =Indonesia,
M = Malaysia, P = Philippines, H= Hong Kong).
When we first arrived in Pulau Galang, my first impression was that we had just come to a small, poor Vietnamese fishing village: The sea air we were breathing; the people, the language, the sounds, even the smell of the food. There’s a “tiny” market where both sellers and buyers were Vietnamese. Some people whose requests for asylum had been delayed for some reason prepared themselves for a much longer stay in the Camp by opening a small “business” to get extra money to improve their living. They were selling cigarettes (*), drinks like iced coffee with condensed milk, sweet treats like “chè”, fruits cocktails... Some even offered new clothing, sandals, shoes. Others were doing currency exchange, US dollar vs. Rupiah. Some of them were successful; with their extra cash, they would even offer to buy gold. Like the Chinese, the Vietnamese are also very resourceful!
Not long after arriving in the camp, some lucky refugees might have received some financial help from their family or relatives already resettled abroad; others had carried their gold and would sell it out for cash. A gold ring (**) that I’ve sold would give me enough Rupiah to indulge ourselves with little extra things the next couple of months in the camp.
I had witnessed a very high skill of survival among my compatriots. I’m not surprised because I’m one of them. In a country where there’s more wartime than peacetime, generation after generation, we had lived through so many ups and downs, we had to restart everything from zero, again and again, survival instinct must be in our DNA!
(*) The Indonesian cigarette called Djarum Black is quite strong and has a pleasant taste of anise. It emits an unusual burning cracking noise when puffing. (**) 1/10 of a TOG = 3.75 gr of pure gold, current value 210.00 USD as of 10/2020.
Unlike Kuku, in Galang, we had plenty of activities we could do besides resting. We already had our pictured ID cards. Everyone looks terrible in the picture; it’s more of a mugshot on the FBI Most Wanted list than an ID picture. But that’s OK, no complaint!
In the Galang Refugees Camp, there were different classes that people could join, like English, Typing, Sewing classes. There was also a Catholic Church and a Buddhist Temple. Both places were the most frequented sites by the refugees. After surviving such an ordeal, it’s understandable that the believers became more fervent. On Sunday the church was crowded with a choir who performed very well! No surprise, they had plenty of time to rehearse.
Father Dominici was the chaplain in charge of the spiritual support for the Vietnamese Catholic Community in Galang. He was a very popular and respected figure in this camp.
He‘s of Italian origin and has served in Vietnam for almost ten years before the fall of the South. He loved Vietnam and its people. His followers honored him with a Vietnamese name that he’d proudly mention as his badge of honor: Father ĐỖ MINH TRÍ. After the Communist victory in 1975, they expelled Father Dominici out of the country. In the late 70s, witnessing the flow of Vietnamese boat people, he soon volunteered to come to Pulau Galang, again, to serve the refugees after its opening. As a Catholic priest, besides being in charge of all church activities, he’s also known as a vibrant organizer and benefactor who has worked passionately alongside the UNHCR and the Local Government to benefit all Indochinese refugees.
It was a big surprise for me to meet Tran Q. Phuc, one of my closest friends at the Faculty of Pedagogy in Saigon. He had left Saigon by himself much earlier than me and his boat has landed in Thailand after being attacked a couple of times by the Thai pirates. He’s lucky for not taking his wife and his two baby girls along with him. Rescued in the Philippines and later transferred to Galang, he has been approved by the US Delegation to resettle in California.
A VERY SPECIAL PERSON
A very special person whose memory would be associated forever with our stay in Galang, Le Trung. A 29 yrs. old, single, well-mannered Vietnamese volunteer from France. Through the French Croix Rouge (Red Cross), he came to this faraway Indonesian island to serve the Vietnamese refugees. It's very rare to find a Vietnamese ex-pat engaging in such a benevolent task.
Through conversation, he was quite excited to find out that my wife and I were both French teachers from Saigon. He suggested that together we can open up a French class to help people who chose to go to France, to which I strongly agreed! We got along so well and soon became good friends. He stopped by often to see us, talk, and share with us the memories of the good old times in Saigon!
Unfortunately, our stay at the Galang Camp was not extended enough for our project to materialize. On the date of our departure to Singapore by boat, to catch our flight to the USA in the next couple of days, Trung offered to escort us. We had to stay two days in Singapore, thanks to his kindness, with him as a tour guide, we had the opportunity to visit the smallest Republic, an island country in Southeast Asia, instead of getting bored in our temporary shelter. Trung spent one whole day taking us around: "window shopping" in a tax-free shopping mall, having lunch in a Chinese restaurant, and other sightseeing with photo sessions. There’s nothing extravagant, but it’s a sentimental debt that we still carry in our hearts.
After arriving in the US, for over a year, although being very busy restarting a new life, I kept communicating with Trung regularly to keep him updated on our whereabouts, inviting him to come to visit us in Texas whenever he had time…
On his side, he sent us his words of encouragement and his promise to come to visit us possibly very soon. He told me he had made many friends during his stay in Galang, but I was the only one who still remembered and was still in touch with him. The last letter I sent him was in 1983. Not long after, I had received a short reply, not from him, but from his family, to inform us that Trung had passed away, with no other explanation whatsoever. We’re badly shocked. Why could dreadful things happen to a young, healthy, dedicated, life-loving guy like him? His life happened to cross ours for a short time, but the traces he had left would stay forever in our hearts! Rest in peace, my friend!
Two weeks after arriving in Pulau Galang, we could finally establish contact with our siblings in the US. In their correspondence through Father Dominici, they sent us some cash, not a lot, because obviously, it’s real gambling sending cash through the Postal Service. They strongly warned us not to apply to go to France. They had good reasons to do so: My wife and I, were both French-educated, our degrees were French (recognized in France), we knew well their history, culture and above all, we could speak French quite fluently. It’d be much easier for us to readapt and feel at home in the new country. Needless to say, the temptation was very strong! They kept repeating the same advice in their letters: Don’t ever make that mistake. Life would be much harder in France. We’ve already made up our mind to go to the US, not necessarily because of any worldly reasons, it’s for a much simple one: We’d like to be close to our families wherever they might be!
By the time the American Immigration Team came for the interview, our request for asylum was granted with few questions asked. College graduates with an above-average English fluency, former “Second Lieutenant” in the old regime, with family members already residing in the US: All big pluses to our benefit. At the end of the interview, to my surprise, Larry (?), the American Immigration Team Leader, asked me with a big smile if I’d like to join his Team as his translator? I didn’t see any reason not to accept. Doing so would help me to “regrease” somehow my English.
The time spent on both islands should have been the most wonderful and enjoyable after we escaped from the so-called “Socialist Heaven” (Thiên Đàng XHCN). It was kind of a long and free vacation, with plenty of time for... doing nothing, in this exotic part of the world! Surprisingly, very few people seemed to fully enjoy those real and nearby moments of leisure and happiness. Reasons were many: Some worried about the incoming interview, others whose request for asylum has been denied because of some inconsistency in their statements or for other reasons. Even those who had passed the screening were still nervous and worried about their uncertain future in a foreign country. Years later, while struggling to rebuild their new life, some with more than one job, most would remember that heavenly time with big regret!
Our final destination was Houston, Texas, where I had my two older sisters.
On the day of departure, we’ve been picked up by a high-speed boat at the Pulau Galang Pier to go to Singapore. Sampai Jumpa Galang! (Bye-bye, Galang!) Terima Kasih Indonesia atas keramahan anda! (Thank You, Indonesia, for your hospitality!)
In Singapore for a short couple of days, we’ve been transported to a vacant barrack to stay. The living condition was even worse than in Galang because it seemed unprepared to house any large or small group of refugees. We had even to sleep on the bare floor, but there’s no complaint since everyone understood this would be a very short and final inconvenience. To compensate for that temporary adversity, we had received a small daily allowance in Singaporean dollars which we could use to buy food and even Tiger beer, something strictly forbidden in Galang because Indonesia is a Muslim country. As being mentioned before, under Trung’s guidance, we got acquainted with the Island-Nation, which was quite impressive, especially with people like us, who have endured six years in the backward and impoverished Socialist Vietnam. Geographically compared to Vietnam, Singapore was just a tiny island the size of even less than half of Saigon, the former capital of S. Vietnam. Ten years ago, Singaporean Prime Minister Lee Kwan Yew once said he wished someday Singapore could strive to equal Saigon. What irony! Just six years under the Communist regime, Vietnam was in total shamble. The extreme shortage of anything was the norm in the whole country, concentration camps might have been the only exception. On the other hand, with the right guidance, Singapore has become an undeniable and successful power in Southeast Asia.
The shopping malls were luxurious, plentiful, and Tax-Free! Unfortunately, we’re poor refugees just out of the Camp, the only thing we can afford was “window shopping”! It was an eye-opening experience, after all. The Singaporean population was mixed because, besides the Chinese majority, I also saw Indians, Malaysians, Indonesians, and you can use either the Singapore Dollar or the Indonesian Rupiah in your transaction.
We’re impressed by the high-rise buildings, modern commercial centers, public transportation with large buses and a fleet of Mercedes used for taxis*, well-maintained parks with flowers and green shades. Above all, you can witness civility, order, and cleanliness everywhere you go.
At the same time, Saigon was severely polluted by old buses, some being redesigned to use a charcoal boiler, instead of gasoline or diesel, like in the very old time. Others had no choice but to use cheap, “mixed-with-you-know what-gasoline” … The thick and black smoke they emitted was not less than old locomotives! The former Capital population had quadrupled and became overcrowded with a frightful horde of bicycles.
On the day we left for the US, a bus took us to the Singapore Changi Airport, another astonishing experience. Everyone in our group held a large yellow envelope containing our Immigration papers, our current lungs’ X-ray image. While waiting for the flight, I started a conversation with a Frenchman, standing there with a very young girl about 4 or 5 years old, who I guessed was his daughter. After almost 40 years, I still remember his name. Monsieur Frantoni worked for BNP (Banque Nationale de Paris) in Hong Kong. Through our conversation, he knew that we were Vietnamese refugees, freshly released from the Camp, and on our way to resettle in the US. He seemed very surprised to find out that we were both former teachers of French. He politely asked if I could give him my name and, if possible, my address in the US, and with our permission, he’d like to be in touch with us later. In my mind, I thought he might have said that out of kindness. I jotted it down anyway on a piece of paper and gave it back to him. When we said goodbye, he squeezed my hand and wished us good luck.
I didn’t think much about that meeting at all. After my first month in Houston, I still didn’t have a job yet and still living with my oldest sister. One day, while checking the mail, I was quite surprised to see a letter from Mr. Frantoni. Its content was heartwarming: “I’ve met you and your family in a very ironic situation: I was on my way back to Hong Kong after a week of vacation in Singapore with my daughter. At that same time, you and your family had just left a Refugee Camp and were on your way to restart a new life in an unknown land, with more questions than answers about the days ahead. I sincerely admire your courage and wish you and your family the best of luck and success in your new life. By the way, allow me to forward you one full year of prepaid subscription to “Le Magazine Littéraire”. Sincere words from a “stranger” deeply touched me and brought tears to my eyes! ! After six years of living in a Communist society, in dark moments, I had believed that human kindness might no longer exist! I had been soon proven wrong, quite often, especially after I could get out of that “Hell on earth.” I rejoiced to find out that “good Samaritans” were still among us!
GOODBYE ASIA! HELLO AMERICA!
After an endless flight in the giant TWA (Trans World Airlines) Boeing 747, we finally arrived in San Francisco after a short stop in Alaska.
A Vietnamese representative of the US Catholic Charities (USCC) was there to greet us. I didn’t see much emotion on his face. Not a welcome, not even a question about our long flight. He was just doing his job. He might have done this so often, it became routine like an employee of a shipping and receiving company!
While waiting for the bus, he handed us a bottle of drinking water and a small bag with sandwiches and bananas. He also told us that we would stay overnight in San Francisco, waiting until tomorrow for the next flight to our final destination. We boarded a big bus that took us to the temporary shelter. We were amazed by the heavy traffic and very impressed by the sophisticated multi-level American Highway system.
I could see a young Asian guy about my age through the bus window, driving an old Convertible Mustang. He looked confident and content, with his long hair fluttering in the breeze! Wow! For me, he’s a perfect picture of a successful man, someone I wish to be someday! That dull moment was still vivid in my memory after more than forty years. That guy would never know that, at one time, a poor refugee had looked at him with much admiration!
We finally arrived at the temporary shelter, an old military barrack, but it still looked clean and in excellent shape. The guide took us around to show us the facilities which seemed well accommodated to make our short stay very comfortable: Beds, mattresses, hot water shower, towels. We were told to be in the dining area at 19:30. After a quick hot shower, the first thing I did was to look for a public phone. My brother, who lived in California, was very excited to hear his young brother’s voice over the phone. I let him know that we had arrived in San Francisco, that we were doing well and we would fly to Houston tomorrow. I asked him to inform my sister about our arrival. My brother promised he would take the earliest flight to Houston to see us.
We went to the dining room as scheduled and were ready for our first meal in America. The menu was quite simple: Grilled chicken with salad. There was a lot of chicken, all thighs and legs, in a big and deep tray! I never saw that much chicken in my whole life, (*) especially for a small group like ours. We ate so much that there was not much room left for dessert. We finished our dinner with a cup of coffee, which was nowhere near our traditional strong and tasty French coffee.
(*) It reminded me of the time when I returned to my teaching post after being released from the Communist’s “Re-Education” camp. From now and then, as a teacher, we were eligible to buy, at a discount price, a live chicken from a co-operative not far from our school. Those chickens were bred in what we sarcastically dubbed the “Stalinist breeding method” They reminded us of those poor and emaciated prisoners of the Soviet gulags in Siberia... The Chicken was nothing more than a light ball of feathers with much more bones than meat! Nowadays, any breeder who dares to adopt the same method would undoubtedly be prosecuted for animal cruelty! Yet two skinny chickens and three big cabbages for a Chicken Cabbage Salad, accompanied by a pot of thin chicken rice soup, would amply satisfy over 7 or 8 “hungry teachers”!
After a fairly hearty dinner, I took my wife and my son out to the big courtyard for a walk. What a pleasant surprise, it’s evening time, past 9 o’clock, and the San Francisco sky was still softly bright, and it’s strikingly cool for early June! Silently, I let myself submerge in a profound feeling of happiness.
The next day, leaving “our heart in San Francisco”, we boarded a Continental Airlines flight to
our final destination: Houston, Texas. As the plane was about to land, I was struck by that deep green shade covering a vast area surrounding the airport. In my mind, Texas, the heartland of the Cowboys, should be bare, arid, and covered with cactus, as depicted in every Western movie. I was wrong!
This coming June 5th, 2020, would mark the 39th year since we first became Texans! I was 32; I will be 71 in three more days!
THUAN V. TRAN (STEVE TRAN)
* The original Vietnamese version of this personal memoir is available on Google. Please look for “VƯỢT BIÊN LAN MAN TỰ TRUYỆN” from the same writer.
Houston, May 16, 2020
Bổ túc phần Anh văn ngày 07 tháng 04.2022
À quel prix la liberté?
Thuan Tran (Steve)
Témoignage d’une famille de “Boat People” qui a fui le Vietnam après-guerre en 1981
Je dédie cet écrit à Ngoc Dung, ma femme et ma fidèle partenaire, qui a partagé avec moi les hauts et les bas de mes quarante-huit dernières années. Je dédie également mon écrit à Ngoc Lan, ma belle-sœur, qui avait participé à notre première tentative d’évasion; à Ky Nam, son fils, qui en était témoin lui-même... depuis le ventre de sa mère. Cette version Française (de l’original “ Vượt biên lan man tự truyện”) s'adresse particulièrement aux jeunes générations Vietnamiennes Francophones, à qui la langue Vietnamienne semblerait trop dure à “croquer”. Grâce à ce témoignage personnel, ils pourront, un jour, comprendre pourquoi, comment et surtout quel prix leurs parents ont dû payer, pour qu’ils puissent être transplantés dans les pays où ils sont, garder la tête haute, libres avec tant d'opportunités d’exceller, bien loin de leur terre ancestrale.
Bien que l'Exode ait commencé il y a 45 ans, en 1975 pour être exact, après la défaite du Sud-Vietnam, passé entre les mains des forces Communistes, le témoignage des « Boat People » reste encore si frais, si vivant, presque une plaie ouverte dans l'esprit de la plupart des émigrés Vietnamiens. Tout le monde aurait une histoire à partager, sinon de son expérience personnelle, du moins de ce qu'il avait entendu de la part des personnes de sa connaissance, de membres de sa famille ou de ce qu'il avait lu à propos de ce temps pénible.
La plupart de ces témoignages de survivants sont très sanglants et effrayants, comme ceux qui ont été sauvés de l'île de Koh Kra. D'une île Thaïlandaise, inconnue et désolée, elle est devenue une île notoire où les pirates Thaïlandais avaient victimisé des centaines d'émigrants vietnamiens innocents. Ils ont attaqué, kidnappé et gardé en captivité leurs malheureuses victimes pendant des semaines. Ces pêcheurs devenus monstres avaient succombé à leur instinct animal le plus bas et étaient devenus des pirates impitoyables. Pêchant le jour, ils revenaient nuit après nuit pour torturer leurs victimes, les violer et, dans de nombreux cas, tuer ceux qui osaient résister. Le rapport final du HCR (Haut-Commissariat des Nations Unies pour les réfugiés) a montré qu'ils auraient tué plus de 600 personnes, rien qu'à Koh Kra.
Mon histoire, bien que partageant le même sujet, a une fin heureuse. Elle se déroule cependant, toujours avec beaucoup de suspense, de tension et d'incertitude douloureuse. Elle offre un aperçu de la société Sud-Vietnamien après la défaite finale en 1975, contre leurs “frères rouges" venus du Nord. Elle aborde l'atrocité du soi-disant "programme de rééducation" Communiste. Elle ramène également l'ombre de quelques connaissances dont la vie s’est croisée avec la mienne dans ma tentative d'évasion. Ces sombres souvenirs me hantent encore après tant de décennies. Étonnamment, elle comporte également une série d'événements extraordinaires à couper le souffle: de joie, de bonheur, voire d’euphorie!
UNE VICTOIRE MAUDITE
Au début de cette tristement célèbre année de 1975, même après mon mariage deux ans plus tôt, nous vivions encore avec mes parents à Saigon, moi, ma femme et mon fils âgé de quelques mois. Cette cohabitation qui, même loin d’être parfaite, était très populaire, voire souhaitée dans la plupart des familles asiatiques. Cette tradition était particulièrement bénéfique pour moi et ma femme qui enseignions au Lycée Public An My à Binh Duong, à environ trente kilomètres de Saigon. En notre absence, mes parents, qui étaient encore en excellente forme, s’offraient à prendre soin de notre enfant. Notre horaire dépassait rarement trois jours par semaine. A Saigon, j'avais aussi accepté, depuis 1972, un poste d'enseignant à l’Institut Lasan Taberd, une prodigieuse école catholique privée, ce qui me prenait encore deux jours de mon temps. J'avais encore pleinement de temps avec ma famille. Financièrement, nous étions un peu mieux lotis que la plupart de mes collègues parce que nous travaillions tous les deux et que nous n'avions pas à payer le loyer ni la plupart des autres dépenses.
Malheureusement, lorsque la guerre s'est terminée le 30 avril 1975, avec la victoire du Nord-Vietnam communiste, au lieu d'adopter une politique de réconciliation, les vainqueurs ont mené une campagne de vengeance impitoyable. Le nouveau régime a attiré tous les anciens officiers militaires et responsables gouvernementaux de l'ancien Vietnam du Sud dans le soi-disant "Programme de rééducation", où ils ont été traités comme des animaux, condamnés aux travaux forcés, mourant de faim. Un grand nombre d'entre eux ont été incarcérés pendant plus d'une décennie, sans aucun jugement. Avec plus de 300.000 prisonniers politiques et de guerre, des camps de concentration communistes poussaient partout dans le pays comme des champignons après une bonne saison de pluie. Avec l'homme, traditionnellement le gagne-pain de la famille, incarcéré, la vie d’après-guerre de la plupart des familles Sud-Vietnamiennes soudainement devenait même plus intenable qu’en temps de guerre. Rien ne semblait plus le même, surtout pour les pauvres femmes qui devaient désormais jouer un double-rôle en l'absence de leurs époux.
Le matin du 19 mai 1975, deux semaines après la victoire Communiste, pour la première fois, la nouvelle autorité obligeait la population du Sud à descendre dans la rue pour fêter l'anniversaire de "l'Oncle Ho". Il se trouvait que c'était aussi mon 26e anniversaire!
Après avoir fini mes études à la Faculté de Pédagogie de Saigon en 1971, j'ai reçu une affectation comme enseignant dans un lycée public à Binh Duong. Cependant, comme tous les profs de sexe masculin en ce temps de guerre intense, j'ai dû joindre un programme de formation militaire d'officier au Centre d'Entraînement d'Infanterie de Thu Duc. Cela signifiait qu'en plus d'être enseignant, j'étais également officier, (sous-lieutenant en 1975) prêt pour le champ de bataille si la situation l'exigeait. Après la prise de contrôle du Sud-Vietnam par les communistes, tous les officiers militaires, à partir du grade de sous-lieutenant, ainsi que la plupart des fonctionnaires de l'ancien régime, ont reçu l'ordre de se présenter au Centre Régional d’acceuil, pour s'inscrire au soi-disant “programme de rééducation” (Học Tập Cải Tạo). Ce « jeu de mots », à la fois bienveillant et si anodin, avait pris les Sud-Vietnamiens au dépourvu. Des centaines de milliers d'entre eux s'étaient présentés volontairement sans aucune résistance.
J'avais entendu ce terme “Học tập cải tạo” sept ans plus tôt, de la bouche d'un officier de l'armée du Nord-Vietnam, qui fouillait ma résidence à Hue, lors de l’infâme offensive du Tết Mậu Thân (*) en 1968. Il nous a dit d'un ton presque amical: "Ne vous inquiétez pas, nous nous battons pour libérer la ville ainsi que sa population, nous ne ferons de mal à personne! Cependant, cet après-midi, préparez-vous à vous rendre au temple Bouddhiste de Tu Dam pour une séance de rééducation”. Nous ne comprenions pas de quoi il s’agissait, mais nous étions d'accord tout de même. Peu de temps après, un nouveau groupe de combattants était venu remplacer l'ancien, et personne ne nous a rappelé cette demande, alors nous avons essayé de nous tenir hors de vue, et complètement ignoré l'ordre et agi comme si de rien n’était. Nous avons eu beaucoup de chance d’avoir pu éluder l’invitation, sinon, nous aurions dû finir par être portés disparus, comme était le sort de plus de quatre mille habitants de Hue, pour la plupart, des civils innocents et naïfs, qui avaient répondu à cette “invitation” cordiale. Les VC les ont tous tués avant de se retirer de la ville après leur défaite, rarement avec une balle, mais plus souvent avec des coups de baïonnettes ou de crosses de fusil ou même des coups de pelles en pleine tête. Beaucoup d'entre eux étaient encore en vie lorsqu'ils ont été́ ensevelis dans des tombes collectives peu profondes, dispersées dans les environs de la ville pendant la courte occupation.
(*) L'offensive du Têt Mau Than était une attaque-surprise des forces communistes en 1968 qui avaient violé la trêve du Nouvel An lunaire, au cours de laquelle elles ont attaqué toutes les grandes villes du Sud. Hue, l’ancienne Cité Impériale, a été occupée pendant 26 jours et a subi la perte la plus importante en termes de destruction et de perte de vie.
Cette notification “de rééducation" est revenue sept ans plus tard, en 1975, avec une formulation plus perverse et trompeuse: "…Tout participant doit apporter suffisamment de vêtements, de médicaments et d'argent de poche pour dix jours...". Tout le monde supposait donc que le programme ne durerait que dix jours. Ces officiers et leurs familles ont découvert très vite qu'ils avaient été grossièrement induits en erreur. En réalité, ils ont été condamnés aux travaux forcés, sans aucun procès, pendant plusieurs années, en moyenne de 3 à 17 ans, traités comme des animaux, pratiquement affamés en permanence, tout en faisant un dur labeur! Beaucoup n'ont pas survécu aux traitements brutaux, à la malnutrition et aux maladies ; le paludisme était l'une d'entre elles.
Plus tard, les Viet Cong ont soutenu qu'ils n'avaient pas menti à ce sujet des "dix jours": "Nous vous avons demandé d'avoir assez de vêtements, de médicaments et d'argent pour dix jours”, disaient-ils, “mais nous n'avons jamais dit que le programme de rééducation durerait dix jours! Ce serait insensé! Vous n'êtes pas prisonniers; seuls les prisonniers auraient reçu une peine de prison! Vous étiez participants volontaires d’un programme humanitaire qui vous aiderait à vous améliorer et à devenir une personne nouvelle et meilleure! C'est donc à vous de décider du temps qu'il vous faudra pour le faire! Cela peut durer un mois, dix mois, dix ans ou plus si nécessaire!"
En tant qu'officier, j'avais la possibilité d'assister à ce soi-disant programme de rééducation à Saigon, où j'habitais, ou à Binh Duong, où je travaillais. J'ai choisi Binh Duong, bien que leur notification comportât une grande différence pour ce qui était de la durée du programme. L'annonce de Binh Duong, avec le même contenu que celle annoncée à Saigon, mais au lieu de “dix jours”, disait “trente jours”. Pourquoi j’ai décidé d'assister à ce "programme" malgré les mauvaises expériences que j'avais eues auparavant avec les Viet Cong ? En partie, parce que ma mémoire n'était pas très bonne, j'avais déjà oublié ce qui s’était passé dans ma ville natale sept ans plus tôt! J’étais peut-être assez naïf pour croire que maintenant la guerre était terminée en leur faveur, qu'ils avaient le contrôle total de tout le pays, il n'y aurait aucune raison pour qu'ils maltraitent un professeur anodin comme moi.
Pourquoi ne pas assister au programme à Saigon, qui était trois fois plus court ? Tout simplement parce que je me demandais, en toute naïveté, comment je pouvais être sûr qu'il n'y aurait pas d'autres sessions de dix jours supplémentaires plus tard ? Si cela se produisait, comment pourrais-je gérer mon enseignement à Binh Duong ? Alors de bonne foi, j'ai décidé de suivre le programme de 30 jours à la place! C'était une décision stupide, j'en conviens, mais cette fois, c'était cette stupidité qui a sauvé ma peau!
Après plus de trois mois de "cours intensifs d'endoctrinement”, lors de la première célébration de l'Indépendance Communiste Vietnamienne après la réunification "forcée" du pays, le 02 septembre 1975, à la demande du Comité Révolutionnaire Provincial de Binh Duong, tous les officiers d'origine enseignants ont été graciés et libérés, pour être prêts pour la nouvelle année scolaire de 1976. Certains des camarades de ma promo, apparemment plus malins que moi, qui avaient choisi Saigon, tentés par un terme beaucoup plus court, se sont retrouvés dans ces camps de concentration, avec un traitement plus intolérable, pendant deux années ou plus. L'un d'eux n'a pas survécu l’épreuve!
”Attestation d'achèvement du programme “Học Tập Cải Tạo”.
Tenant l'attestation d'achèvement du programme de la main d'une de mes anciennes étudiantes, j'ai été tellement surpris de découvrir qu'en plus de toute autre information d'identification, ce document montrait que j'avais... deux “titres” différents:
1- Titre officiel (Chức vụ công khai): Enseignant (Giáo Sư)
2- Titre “Secret” (Chức vụ bí mật): Sous-lieutenant* (Thiếu Úy)*
(*) Avant 1975, mon titre officiel en Vietnamien était “Sỹ Quan Biệt Phái”. Ce qui signifie littéralement, Sỹ Quan = Officier, Biệt = spécial, Phái = Envoyé. Alors pendant mon incarcération, l'officier Communiste en charge de l’interrogation n'arrêtait pas de me demander quelle était ma mission secrète? J'ai répondu: Aucune. Il n'était pas content de cette réponse. "Vous êtes un officier spécialement envoyé… bien sûr, pour une mission, qu'est-ce que c'était?” Dans leurs esprits malades, je devais avoir travaillé pour la CIA.
J'ai commencé à comprendre que la mentalité Communiste n'a jamais changé. Même de nos jours, les VC se méfient de tout, de n'importe qui. Ils voient des espions partout! La raison semblait bien simple: Les communistes, quelle que soit leur nationalité: Chinois, Cubains, Coréens ou Vietnamiens, sont passés maîtres dans l’art d’espionner! Pendant la guerre, ils ont réussi à implanter leurs espions dans presque tous les secteurs, privés ou publics du Sud-Vietnam : militaire, administration, organisations religieuses, médiatiques, universitaires…
Des milliers de patriotes sud vietnamiens qui avaient rejoint les communistes dans leur lutte contre l'occupation française au début des années 40 ont renoncé à leur affiliation communiste pour différentes raisons, comme le général Tran Thien Khiem, le général de brigade Pham Ngoc Thao… Des milliers d'autres avec des parents ou des frères et sœurs qui avaient rejoint le VC et qui étaient encore dans leur rang jusqu'à la fin de la guerre du Vietnam, certains occupant une position élevée dans l'organisation communiste… ont été naivement et sans méfiance intégrés voire même promus par le gouvernement du Sud-Vietnam à différents postes cruciaux dans l’administration, y compris les forces armées, la police, le service du renseignement, comme le général Duong Van Minh, le général Nguyen Huu Hanh … pour n’en nommer que quelques uns! Je n'ai pas l’intention d’accuser tous ces gens d'être des espions des VC, mais en étant si ignorant et naïf dans son combat contre un adversaire si diabolique, le gouvernement sud-vietnamien a créé une occasion en or pour les communistes de s'infiltrer et de gagner cette guerre.
Par contre, du côté communiste, si un individu avait un membre de sa famille, des parents ou des frères et sœurs qui avait fui le Nord-Vietnam pour aller se réinstaller dans le Sud comme le permettait l'Accord de Genève en 1954, ces individus étaient traités comme des proscrits, de vrais parias, non seulement par le gouvernement mais aussi par l'ensemble de la société, bien sûr sous la direction de l'autorité communiste. En conséquence, cet individu mourrait de faim pour la simple raison que personne ne serait disposé à l'embaucher même pour un poste de concierge; leurs enfants ne seraient pas admis à l’école; personne n'oserait même se lier d'amitié avec eux, et ainsi de suite. Cela dit, je n’ai approuvé ou toléré cette politique inhumaine, mais si le Sud-Vietnam n'avait adopté qu'un dixième de cette mentalité malade, je crois que nous n'aurions jamais perdu cette maudite guerre.
Mes voisins ont été assez surpris de me voir rentrer si tôt. Aucun d'entre eux n'avait encore d'informations sur le sort de ses proches! J'ai réalisé à quel point j'avais eu de la chance.
Le 22 septembre 1975, vingt jours après ma libération, Hanoï a lancé le premier change de monnaie, en fait une dévaluation monétaire qu'ils avaient préparée dans le plus grand secret et après l'annonce d'un couvre-feu sur tout le territoire Sud Vietnamien! Le nouveau taux : 500 anciens "dong" (monnaie Vietnamienne) pour un nouveau "dong", une perte soudaine de 500% de son ancienne valeur! Et pas plus de 100,000 anciens dongs par famille! Par exemple, si vous aviez un million de "dongs", vous ne pourriez échanger que 1/10 de cet argent contre la nouvelle devise, et 900.000 dongs restants sont soudainement devenus des déchets!
De cette politique délibérée et malveillante, le maximum qu'une famille pouvait posséder n'était pas plus de 200 nouveaux dongs! Qui a dit que les VC (Vietnamiens communistes) sont des connards? Ils étaient au contraire très intelligents ou plutôt maléfiques et sans scrupules! Après plus d'un siècle, le Capitalisme n'a pas réussi à apporter l'égalité dans leur société. En moins de cinq mois, le nouveau régime totalitaire avait réussi à établir leur égalité sociale absolue à la manière du Premier Ministre d’Angleterre Winston Churchill l'avait défini dans une déclaration très célèbre : “ Le vice du Capitalisme est la distribution inégale des richesses. La vertu du Communisme est une répartition égale de la pauvreté”. Une réalité nue et amère que nous avions tous enfin compris, certes un peu trop tard!
La population, principalement dans les grandes villes, pas seulement les riches, même les propriétaires de petites entreprises, les gens de la classe moyenne, ont été profondément traumatisés. Pris par surprise, ils avaient perdu presque tout, ce pour quoi ils avaient travaillé si dur. Leur argent s'est évaporé tout d’un coup sous la baguette magique des VC! Beaucoup d'entre eux se sont suicidés après cette journée infâme! Certains sont morts seuls, en sautant d'un pont, ou d’un balcon ; d'autres sont morts ensemble, en famille, après avoir ingéré de la nourriture mélangée avec du poison pour rats! Malheureusement, ce ne fut pas le seul changement de devise; il y en eut encore un ou deux autres dans les cinq années qui suivaient! Où d'autres dans le monde pouvez-vous trouver un régime plus ignoble que celui des Communistes?
Peu de temps après, ajoutant à cette sombre image, notre lycée a été fermé à la fin de cette année scolaire. Le corps enseignant était dissous et transféré. Ma femme et moi avions reçu une nouvelle affectation au lycée Tan Uyen, presque deux fois plus loin, tout à côté de l'ancienne zone de guerre très connue, le "Chien khu D." (Maquis D) Nous nous sommes battus férocement contre cette décision avec de bonnes raisons : notre fils, qui n'avait qu'un an, vivait à Saigon la plupart du temps avec ses grands-parents, et avait grand besoin de notre présence! Finalement, nous avions dû accepter un compromis: Moi, j'irai seul à Tan Uyen; ma femme, de sa côté, prendrait son nouveau poste à Lai Thieu, à 19 km, mi-chemin de Saigon. Outre le temps que j’ai dû passer au “Camp de rééducation“, c'était la deuxième fois que nous venions à une séparation temporaire.
J'étais tellement choqué et déçu par les conditions du nouveau lycée. Les traces de guerre étaient encore visibles, palpables, partout. Un char Russe T 54 carbonisé gisait toujours juste devant l'entrée de l'école. Un quart des classes avaient été gravement endommagées lors de la bataille finale et étaient restées dans un état horrible. L'école n'avait pas d'électricité, pas d'approvisionnement en eau et pas de lits pour ceux qui devaient s’y passer la nuit. Il n'y avait rien à espérer de l’autorité de l'école. Une exception pourtant, "quelque chose" qu'elle seule avait : Des FANTÔMES! Oui, sans blague! Il y avait eu beaucoup de combats dans le quartier de l'école. De nombreux civils innocents et combattants des deux côtés y avaient été tués, tout récemment. Chaque fois que j'allais au marché local pour acheter de la nourriture, sachant que j'étais un enseignant de cette école, quelqu'un me demandait, avec tout le sérieux en baissant sa voix: “Professeur, les fantômes sont-ils toujours actifs dans votre école?” Je n'ai rien vu de paranormal quand j'étais là, mais certains de mes collègues m'ont assuré qu'ils l'avaient vu plus d'une fois!
Mes horaires de travail avaient changé. Je travaillais maintenant six jours dont deux jours je devais passer la nuit au lycée. Après la dévaluation, comme professeur de lycée, mon salaire mensuel était de 60 dongs. Vous vous demanderez peut-être ce que je pouvais faire avec ces 60 dongs? Vraiment, vous voulez le savoir? Croyez-le ou non, avec tout mon salaire, je pouvais acheter par exemple... 600 grammes de café moulu de pauvre qualité́ ou 12 litres de mauvaise essence sur le marché noir. Oui, vous avez bien entendu! C'est la vérité, seulement la vérité, et rien que la vérité! C'est au-delà de tout entendement, et c'est dingue! Partout et en tout temps, on travaille pour gagner sa vie, pour soi-même mais aussi pour sa famille! À cette époque, comme tout le monde du côté des "perdants", nous devions réduire notre niveau de vie au strict minimum, “ne respirer qu'avec… un seul poumon“ comme disaient certains, et devions encore brader, de temps en temps, ce que nous pouvions encore trouver en notre possession: de vieux vêtements, chaussures, cravates, montre, appareil photo, radio, lecteur de cassettes… des choses dont nous n'avions plus l'usage, mais très recherchées du côté des «gagnants» car ils n'avaient jamais vu des choses aussi luxueuses même… dans leur rêve le plus fou!
Après cette année scolaire difficile, avec l'aide d'une connaissance et, bien sûr, au prix d’un petit pot-de-vin, le district scolaire de Song Be (Nouveau nom de Binh Dương) a finalement accepté ma demande de transfert et rejoindre ma femme au lycée Lai Thieu.
Durant les années suivant la défaite du Sud Vietnam, les compétences de survie sont devenues un vrai instinct pour nous aider à subsister contre les épreuves de “Thời bao cấp“ (Période de Subvention). Le système de distribution des produits quel qu’il soit, via des coupons, était entièrement dans les mains du gouvernement. En principe le prix était plus bas comparé au marché noir, mais la queue était si longue que, bien souvent, quand venait votre tour, les étagères étaient déjà vides, vous rentriez bredouilles après de longues heures d’attente. Bien sûr, il y a un autre hic : ces coupons n'étaient disponibles que pour les résidents enregistrés. Sans cette preuve de résidence, dommage, vous ne pouviez même pas passer la nuit chez vos parents; vous risquiez de finir la nuit au poste de police. Il y avait une grave pénurie de presque tout, mais vous pouviez acheter n'importe quoi sur le marché noir où le prix était exorbitant. L'enregistrement résidentiel était la façon sophistiquée du nouveau régime de contrôler et de réprimer ses citoyens! De nombreux résidents de Saigon, l'ancienne capitale du Sud, avaient été illégalement et par force, expulsés de leur propre maison et transférés dans de soi-disant “Nouvelles zones économiques“, où ils n'avaient aucune chance de survivre. Ces gens qui étaient autrefois des gens de la classe moyenne se sont retrouvés soudainement transplantés dans une zone dure et hostile avec presque rien: pas de lumière, pas d'eau courante, aucune aide de la part des autorités locales. Ils n'avaient pas d'autre choix que de ramener femme et enfants dans leur vieux quartier, où étant sans-abri, ils dormaient sur le trottoir, quelquefois devant leurs anciennes maisons. C'était une scène déchirante.
Pour vraiment comprendre à quel point le régime communiste était vicieux, il faut vivre avec eux, en être un témoin.
Avec l’encouragement de mes parents, surtout de ma mère, j'ai décidé de faire un choix radical et plutôt dangereux : le seul moyen de sortir de cet enfer était de s'échapper! Plus facile à dire qu'à faire! Bien plus dangereux que "La grande évasion” de Steve Mc Queen. (*) Notre évasion exigerait plus, beaucoup plus! Premièrement, le prix de la liberté n'était pas bas. La seule monnaie acceptable était l'or, l'or pur de 24 carats. Deuxièmement, nous devions traverser la mer, pas des clôtures barbelés comme M. McQueen, faire face au danger imprévisible de la mer et des pirates Thaïlandais qui avaient infesté la mer du Sud! Ces pêcheurs devenus pirates, s’étaient montrés plus endurcis et plus impitoyables, leurs attaques escaladaient jour après jour. Au début, ils attaquaient leurs victimes pour voler leurs biens. Plus tard, en plus de leurs possessions, ils violaient les femmes, kidnappaient les filles qui tombaient sous leurs mains. Pour les faire taire, ils tuaient leurs victimes, d’abords ceux ou celles qui osaient résister, plus tard tous les témoins de leurs crimes sans discernement.
(*) Joué par Steve McQueen dans des années 60! Dans ce film, aussi loin que je me souvienne, un ancien pilote américain, prisonnier de guerre pendant la Seconde Guerre mondiale, a tenté tant de fois de s'échapper d'un camp de concentration allemand mais a échoué. Lors de sa dernière tentative, il a volé une moto allemande, il a audacieusement sauté par-dessus une clôture de barbelés de deux mètres du poste de contrôle de la prison, mais il a été abattu et ramené en prison.
Avec un salaire mensuel égal au prix de 600 gr de café moulu, comment avons-nous pu nous permettre le “voyage“? Dans mon cas, cela aurait été impossible sans l'aide de mes parents. Ils ne supportaient pas de nous voir si misérables, alors ils nous ont proposé d'aider avec tout ce qu'il faut pour nous faire sortir clandestinement du pays! Avoir les "moyens" était la première condition mais ce n’était pas tout! Imaginez simplement acheter en ligne. Vous ne savez pas grand-chose sur le vendeur, aucune photo de la marchandise, seulement une description orale, aucune politique de retour ou de remboursement, et la plupart du temps, vous devez payer en espèces, avant même de voir ou mettre la main sur la “marchandise”! Décider à qui faire confiance pour distribuer son or était un véritable “casse-tête”, un vrai cauchemar! On n'avait d'autre choix que de recourir aux conseils de Jésus: “Heureux ceux qui croient sans voir…“ Un conseil très risqué, enseigné par notre bon Seigneur. À y croire, sans aucun doute, vous finirez par faire faillite! Mais bien des fois, vous n’avez pas d’autre option. Rien ne garantissait que vous ne seriez pas trompé, pas une fois, peut-être plusieurs fois jusqu'à ce que vous soyez complètement fauché. Dans de nombreux cas, après avoir tout perdu et fait quelques mois de taule, vous finirez par abandonner cette idée folle. J'étais presque de ceux-là jusqu'à mon dernier essai! Dans une société pauvre et affamée comme la nôtre, l’instinct de survie dominait et l’escroquerie florissait. Il n'y avait rien pour dissuader les malfaiteurs! Personne n'osait les dénoncer aux autorités car vous risqueriez de vous dénoncer en premier! La seule chose que vous pouviez faire, si vous aviez les couilles bien sûr, c’était de prendre les choses dans vos propres mains et rendre justice en votre faveur : saigner le fils de pute! Cela semblait cruel mais croyez-moi, c’est arrivé plusieurs fois.
À une époque difficile, même impossible, où “même les lampadaires voudraient fuir s'ils pouvaient marcher“, tous les esprits sains partageaient le même rêve : s'échapper. Cependant, leur planification pourrait varier d'un à l'autre en fonction de l'argent dont ils disposaient. Ceux qui, avec moins d’argent, et qui ne pouvaient pas se permettre un “voyage” en bateau, pouvaient quand même tenter leur chance en rejoignant un petit groupe, pour une "visite guidée", à pied bien sûr, à travers les jungles, jusqu’au delà des frontières du Cambodge ou de la Thaïlande, traversant parfois par erreur les “champs de la mort” (Nom du film “The killing fields”, 1984) de ces guérilleros sanguinaires de Pol Pot!
Comme la plupart des évasions se faisaient en bateau, les personnes ayant une formation dans la Marine étaient très demandées. Les candidats disponibles étaient des anciens sous-officiers (*) qui pouvaient prouver ou... se vanter de leur expérience de la navigation. Ils obtiendraient une place gratuite pour eux-mêmes et parfois, avec un peu de chance, pour toute sa famille! Devinez le risque pris par les passagers d'un bateau qui avaient un imposteur à la place du Capitaine!
*Les officiers, étant incarcérés dans les camps de concentration, ne furent disponibles que beaucoup plus tard.
Enfin, il y avait aussi des gens qui n'avaient jamais pensé à s'échapper, qui n'avaient peut-être même pas de bonnes raisons de le faire, mais par chance, vivant dans une région côtière, ou près d’un cours d’eau, un canal, une rivière… et un beau soir, sortant la nuit pour aller attraper quelques grenouilles ou crabes, s’étaient trouvés au bon endroit et au bon moment où un "embarquement" a eu lieu. Si le gars était timide, il risquait de se faire kidnapper par l’équipage pour raison de sécurité ; s’il était malin, il saisissait l'opportunité de sa vie en sautant dans le bateau avec d'autres passagers. Personne n'aurait osé protester par crainte de compromettre la sécurité du groupe.
Passons aux choses sérieuses maintenant. S’évader par bateau ce n’est pas prendre une croisière, c’est une dangereuse tentative de traverser la mer dans une coquille de noix dont tout incident peut vous coûter la vie, et les mauvais incidents peuvent se produire n’importe quand et bien souvent : Les gardes côtières communistes, des incidents mécaniques, l’intempérie, des actes de piraterie… D'après le rapport du HCR, environ 25 à 30 % de ceux qui ont fui n'ont pas réussi à s'en sortir. Ils avaient payé le “ prix ultime” pour une liberté qu'ils ne pourraient jamais goûter! Les archives de l'ONU ont montré que 700.000 boat people Vietnamiens avaient été secourus et réinstallés, ce qui signifie que plus de 200.000 autres auraient péri dans leur quête de liberté.
UNE ERREUR TRÈS COÛTEUSE
En 1978, mon frère aîné a rencontré T.T. Binh, un vieil ami de notre famille qui était notre précepteur de maths bien longtemps avant. Binh a dit à mon frère qu'il allait laisser son fils aîné quitter le pays par voie du nouveau “Projet de départ semi-officiel“ (Chương trình vượt biên bán chính thức), un programme permettant aux Vietnamiens d'origine Chinoise de quitter le pays pour un prix très élevé payé en or. Cette initiative a été officieusement soutenue, voire parrainée par l'Autorité Communiste Centrale. Ils ont tenté de se débarrasser des habitants sino-vietnamiens qu’ils soupçonnaient d'être des espions Chinois, après de violents incidents militaires aux frontières de deux anciens et très proches alliés communistes. Ce faisant, ils pouvaient s'enrichir très rapidement en confisquant tous leurs biens laissés sur place et aussi en facturant aux participants des frais très élevés. Chaque candidat paierait sa place en or pur, en moyenne de dix à douze taels d'or (*TDO), soit le triple du tarif moyen du voyage illégal en bateau.
(*) Tael d’or (TDO), ou «Lượng» en Vietnamien, est une ancienne unité de poids en Extrême Orient pour l'or, égal à 37,8 gr contre 28,3 gr dans une once Américaine d'or de 24 carats).
Le gars nous a assuré qu'il connaissait bien les personnes en charge de l'opération, qu’ils étaient très fiables, et si nous étions intéressés par le projet, il serait plus qu'heureux de nous présenter le groupe et de nous laisser traiter directement avec eux. Nous avions tout de suite accepté son offre! Le lendemain, deux gars, accompagnés de la femme de notre “ami”, se sont présentés à notre domicile dans une jeep. Quand 99٪ de la population se déplaçait à pied ou à vélo, conduire une voiture était un moyen sûr de nous impressionner! Comme prévu, ils nous ont donné des informations concernant leur plan en général, la description du bateau qu'ils construisaient, la date de départ envisagée. La seule raison qui ralentissait leur projet, disaient-ils, était le manque de fonds pour le terminer. Donc, si nous étions prêts à nous engager financièrement tout de suite, ils pourraient nous offrir une remise exceptionnelle de plus de 50% par rapport à la normale : 5 TDO par adulte, 3 TDO pour enfant, totalisant 13 TDO pour ma famille de trois personnes. (*)
(*) La valeur actuelle de 13 TDO est près de 30.000 USD basée sur la valeur d’or du jour, $1.800.00/ounce (9/14/2021)
Ils avaient même proposé de nous emmener dans leur voiture sur le chantier pour un rapide coup d'œil du bateau avant que nous ayons à prendre une décision. Alors que la plupart des gens n'osaient même pas chuchoter à propos de leur projet d'évasion, ces gars-là allaient nous emmener au chantier pour regarder le bateau! Incroyable! Ce que nous avions vu ce jour n'était pas encore un bateau, encore moins cet invincible "Titanic" qu'ils avaient décrit ; c'était plutôt une étape très préliminaire, je dirais même une “ étape embryonnaire “ du bateau! Une personne "normale" en plein possession de ses moyens, aurait dû trouver cette anomalie suspecte, et aurait dû se rendre compte que son fantasme était bien mal engagé. Hélas, j’étais bien loin de cet état d'esprit, j’étais possédé, aveuglé par ce désir brûlant d'évasion. J'ai vainement essayé de nier la dure réalité.
De retour chez moi, après quelques discussions avec ma maman, nous avons accepté leur offre, et il nous fallait leur remettre la somme convenue de 13 TDO en tout...
Les organisateurs nous ont rappelé de leur procurer quelques photos pour obtenir une fausse pièce d'identité Chinoise!
Nous faisions un petit effort pour avoir l’air Chinois dans ces photos d’identité.
Le temps a passé et nous n'avons rien entendu de leur part. Frustré, je leur ai demandé ce qui se passait? Ils ont dit que le Comité Central de Hanoï avait temporairement interrompu l'opération pour réévaluation. Ils nous ont simplement conseillé de nous accrocher en attendant le feu vert de Hanoi. Ce feu vert n'est jamais venu.
J'ai finalement réalisé que quelque chose s'était mal passé, très mal! Le sentiment d'être dupé m’a rongé profondément et me rendait fou. Sachant que j'ai atteint le "point d'ébullition", mon ancien précepteur m’a enfin avoué qu'il ne savait pas grand-chose de ces mecs comme il l’avait prétendu. J’ai pensé sérieusement à me venger. Pourtant, c'est plus facile à dire qu'à faire. Juste penser aux conséquences qui pourraient arriver à ma famille et à moi-même à cause d'un moment de rage m’a vite dissuadé!
Cet homme nous a sans doute menti sur sa relation avec les “organisateurs”, mais sa véritable intention n'était pas forcément de nous tromper. Il a peut-être voulu faire une commission pour lui-même ou comme condition pour obtenir une place gratuite pour son fils. C'était méprisable mais une pratique très répandue! Dans un temps difficile où la survie était l'objectif premier, l'éthique et la haute moralité devaient faire place à l'instinct animal. Quoi qu'il en soit, je le tenais toujours responsable de ma perte. Sans ses chaleureuses recommandations, nous n'aurions jamais commis à la légère une erreur aussi stupide et coûteuse!
UNE INFORTUNE... QUI S’EST BIEN TERMINÉE!
En 1979, alors que nous enseignions toujours au district scolaire de Lai Thieu, le mari de ma belle-sœur, Lieutenant Pharmacien Diep Tu K., m'a dit qu'il allait joindre une de ses connaissances qui se préparait à s'échapper bientôt par bateau. Sa femme NL, dentiste, était la sœur cadette de ma femme. Nous étions des amis très proches. NL était enceinte à l'époque de son premier bébé. L’ami de K m'a dit qu'il allait nous faire payer huit TDO pour le voyage, dont un que je devais déposer un tout de suite. Les sept restants étaient à payer au moment de l'embarquement. Ce n’est jamais un choix facile! Faire confiance ou ne pas faire confiance à un étranger dans une situation pareille est la décision la plus difficile à prendre car elle n'est pas basée sur des faits ou sur une compilation intelligente d'informations, mais uniquement sur votre intuition! Me faire pigeonner dans ma première tentative me remplissait toujours de rage et laissait encore un goût amer dans ma bouche. Je détestais jouer avec l'argent de mes parents, cependant, rien ne peut réussir si on ne tente pas sa chance. Après avoir consulté ma famille, encore une fois, j'ai accepté l’offre. Nous serions informés de la date de départ 24h à l'avance et un guide serait désigné pour chaque groupe.
En préparation du voyage, ma femme avait cousu une ceinture en tissu noir, d'environ 5 cm de large, que j’attacherais discrètement à ma taille, dans laquelle je pouvais cacher les sept TDO que nous devions encore au propriétaire du bateau. De son côté, elle a également tenté de cacher cinq bagues en or (1/10 du Tael/chacune) en les insérant à l'intérieur de la manche de son soutien-gorge. Elles nous serviraient de petit argent de survie si nous avions la chance d'atteindre un des camps de réfugiés.
Parmi ceux qui avaient rejoint notre groupe se trouvaient la mère de K. et Tuan, mon jeune beau-frère, âgé de 19 ans, qui s'était échappé d'un centre d'entraînement militaire Communiste où il faisait son service militaire contre son gré.
Dix jours après mon paiement initial, nous avons reçu le feu vert pour le départ. Le guide qui nous a été assigné n’était autre que le gars à qui j'avais parlé la première fois. Il m'avait donné quelques instructions concernant l'itinéraire. Le jour J, nous avions rendez-vous avec lui vers midi, au Port de Ninh Kieu, dans la province de Can Tho, à 170 km au sud-ouest de Saigon. K., sa femme, sa mère et mon beau-frère appartenaient à un autre groupe. Mon cœur a commencé à battre fort juste après l'annonce.
Nous étions prêts très tôt le jour du départ, malgré une nuit longue et presque sans sommeil, alors qu'il faisait encore nuit dehors. Comment dormir quand on a tant de choses en tête ? Tristes de quitter nos proches, pleins d'anxiété face à l'incertitude des jours à venir, une aventure dont personne ne pouvait jamais prédire l'issue. Cependant, le moment le plus déchirant pour nous a été indéniablement le moment de dire adieu à mes parents! Dans le silence de la nuit, nous nous sommes embrassés, nous efforçant de retenir nos émotions, même si les larmes n'arrêtaient pas de couler. Mon père, tout en serrant dans ses bras son petit-fils encore endormi, a dit une prière demandant à Dieu de nous protéger contre tout mal.
Les lampadaires étaient toujours allumés, une brise fraîche du petit matin m’a fait frissonner quand je suis sorti de chez moi. Avec mon fils dans une main, j'ai tiré ma femme de l'autre, comme si je voulais fuir ce moment douloureux, n'osant même pas regarder en arrière. Nous reverrons-nous jamais ou était-ce la dernière fois ? Mais bien vite je me suis dit : “Bon courage mon vieux, l'avenir de ta petite famille est désormais dans tes mains!
Avec le recul, je n'arrive pas à me rappeler quelle force nous avait conduits pour être à l'heure au rendez-vous : Le quartier Ninh Kieu, un site incontournable de Can Tho que je n'avais pas encore eu l'occasion de visiter! Mon but ultime était de trouver mon guide, la seule personne qui nous guiderait jusqu'au bateau ; le perdre signifierait tout perdre. J'ai regardé désespérément d'avant en arrière, dans toutes les directions, essayant de le localiser dans la foule. Après une dizaine de longues minutes, je l'ai enfin aperçu s'approchant de ma gauche, tournant sa tête nerveusement comme s'il nous cherchait aussi. J'avais l'intention de me rapprocher pour qu'il puisse me reconnaître et partager avec moi des instructions sur la marche à suivre. Le moment où il m'a repéré, ses yeux me disaient qu’il était très agité. Sans un mot, il a arrêté un “ Xe lôi đạp “ (*), il a sauté dessus et il est parti! Le salaud!
(*) Le “Xe lôi đạp” est une construction plutôt rudimentaire... pourtant “géniale”, montée sur deux roues et attachée derrière un vélo ou une moto, utilisé comme un moyen de transport publique, principalement dans certains pays Asiatiques pauvres.
Pris complètement par surprise, sans délai, j'ai arrêté un autre "Xe Loi". Les yeux toujours rivés sur le véhicule du guide, j'ai rapidement aidé ma femme et mon fils à monter et j'ai ordonné au conducteur, d'une voix très hâtive, de suivre l'autre « Xe Loi », à environ 20 mètres devant nous! Je me suis vraiment énervé contre le guide! Son comportement imprévisible pouvait nous mettre en danger! La police communiste avait des yeux et des oreilles partout ; tout incident pouvait être détecté et entraîner par suite une arrestation et une peine de prison. J'ai continué à suivre des yeux notre gars. Après avoir traversé un petit pont, je l'ai vu s'arrêter et entrer dans un petit café. Comme son ombre, j’ai suivi ses pas et nous y sommes entrés. Nous nous sommes assis et comme lui, nous avons commandé un café au lait glacé. Ma boisson n'était même pas encore prête quand j'ai vu notre stupide guide finir rapidement sa limonade, poser son verre et sortir d’un pas décidé, ignorant complètement notre présence! Une fois de plus, le gars nous a pris par surprise! Je n'avais pas d'autre choix que de presser ma femme et mon enfant à sortir du café, n'osant même pas regarder dans mon dos, sachant que certains des clients devaient nous regarder et se demander ce que ces fous étaient en train de conspirer ? Le guide a traversé la rue et s'est dirigé vers un débarcadère pour les bateaux-taxis; il est monté dans l'un d’eux dont le moteur était en marche et s'asseyait à l'avant. Nous l'avions suivi à quelques pas derrière mais nous nous sommes assis plutôt à l'arrière. Il y avait environ quatre ou cinq passagers sur le bateau-taxi. Après une dizaine de minutes d'attente, le bateau est enfin parti.
Vivant dans un régime communiste, vous devez apprendre très tôt à ne faire confiance à personne, car tout le monde, même vos voisins sont susceptibles de vous espionner! Une pratique hautement saluée par le régime. Ils nous ont traités comme des suspects dans notre propre pays. Pour aller d'une ville à l'autre, vous devez demander un permis. Par exemple, dans notre situation, nous aurions de gros ennuis s'ils nous attrapaient à Can Tho, une province à 170 km de Saigon où nous habitions, pour une raison simple : nous n'avions pas de permis pour y aller! De vieilles connaissances sont soudainement devenues suspicieuses et indûment curieuses lorsqu'elles vous regardaient. Avant de quitter Saigon, ma femme et mon fils ont enfilé de vieux vêtements, portant un “ Nón Lá “, un chapeau conique en feuille de palmier, s'efforçant de se fondre dans la foule, mais leur peau claire et leur comportement plutôt citadin pourrait trahir leur déguisement.
Je détestais tellement la conduite incohérente du guide. J'aurais aimé pouvoir trouver une occasion d'être seul avec lui pour lui donner une leçon... sur la technique fondamentale de guide! Nous ne pouvions pas toujours nous fier au Seigneur pour nous protéger contre la Sécurité Communiste chaque fois que des incidents stupides se produisaient!
Environ quarante- cinq minutes plus tard, le bateau, apparemment arrivé à sa destination, ralentit et aborda un petit appontement. Le guide gardait toujours sa bouche fermée comme s'il n'avait jamais eu de langue. Il est sorti en regardant d'avant en arrière, s'est dirigé vers un autre bateau plus petit et a sauté dessus! Nous avons fait de même. Le bateau est parti rapidement avec seulement nous quatre comme passagers. Je ne me souvenais pas du nom de la rivière, mais c'était une grande rivière et son eau était trouble et assez turbulente. Aucun de nous n'avait de gilet de sauvetage. En cas d'accident, les chances de survie étaient minimes!
Encore deux longues heures de navigation sur cette eau agitée, lorsque la lumière du jour a commencé à faiblir, le bateau s'est arrêté enfin le long d'une petite jetée. Le guide a finalement ouvert la bouche pour annoncer que nous étions arrivés au dernier arrêt, une presqu’île, avec une pente d'environ dix mètres au-dessus du niveau de l'eau, couverte de buissons et d'arbres. Nous avons suivi le guide sur cette pente où nous étions si heureux de revoir les autres membres de la famille déjà là, au “rendez-vous”. J'ai vu aussi Tỵ, un ami très proche de K., également lieutenant pharmacien sous l’ancien régime, accompagné aussi de sa mère célibataire. Ces deux gars, comme des frères jumeaux, partageaient tant de ressemblances : Fils uniques dont le père était décédé ou qui a rejoint les forces communistes même avant sa naissance, comme c’était le cas de K., ils ont grandi avec leurs mères. Tous les deux Sudistes, costauds, dynamiques, drôles, épicuriens dans le bon sens du mot, qui appréciaient le “ bon vivant”, la bonne cuisine, les bons plats. Pharmaciens, tous les deux travaillaient au Centre Medical du District de Phu Nhuan. La seule petite différence: Ty était encore célibataire.
Le guide nous a conseillé de chercher un endroit pour nous reposer, de ne pas se déplacer et de ne pas faire de bruit en attendant l'arrivée du gros bateau. Et il a disparu. Je ne l’ai pas revu depuis ce moment. J'ai entendu un gars, qui semblait bien connaître cette région, dire que nous étions à Soc Trang, une province à 65 km au sud-est de Can Tho, à environ 3 heures de bateau jusqu'à l'estuaire. J'ai étalé un morceau de nylon pour que nous puissions nous asseoir. J'ai sorti de mon sac du pain avec quelques tranches de "chả lụa" (pâte de porc cuite à la vapeur) que nous avions apporté depuis notre départ de la maison tôt ce matin et je l'ai partagé avec ma femme et mon fils. À l'exception de mon fils, qui a eu un “snack” de temps en temps pendant le voyage, c'était notre tout premier repas aujourd'hui! Nous n'avions pas faim cependant. Manger ne semblait pas être une priorité dans des situations exceptionnelles comme la nôtre! Il y a un dicton Français : “Qui dort dine!”. On pourrait adapter ce dicton à notre situation: celui qui a peur, a sa bouche pleine!
Le repas terminé, nous nous sommes allongés pour nous détendre après une journée longue et stressante. Mon corps était complètement submergé par la fatigue! Je gardais les yeux fermés, à moitié endormi, à moitié éveillé. Dans l'obscurité de la nuit, j'ai entendu quelqu'un ronfler à proximité. De temps en temps, le bruit cadencé d'un bateau qui approchait nous réveillait, et je me demandais: était-ce celui que nous attendions ? Je ne pouvais pas me rappeler combien de bateaux étaient passés, car je retombais très vite dans mon sommeil! Compter les bateaux aurait certainement le même effet que compter les moutons!
À un moment inattendu, nous avions été brutalement arrachés hors de notre sommeil par quelqu'un qui criait: “Réveillez-vous, réveillez-vous vite! Le bateau ne peut pas venir au rendez-vous! Nous devons quitter cette place immédiatement et retourner à Saigon!” Je n'ai jamais ressenti une peur pareille de toute ma vie; mon sang s’est glacé, mon cœur résonnait comme les tambours “Taiko” Japonais! D’un mouvement incontrôlable, avec ma main, j’ai cherché ma femme et mon fils dans le noir. Instantanément, des coups de feu ont brisé le silence de la nuit comme si nous étions pris au milieu d'une embuscade. On entendait au-dessus de nos têtes le sifflement déchirant des balles qui frappaient les branches, le bruit lourd des pas qui couraient, accompagnés des jurons des forces de sécurité communistes locales: “Putain de merde, restez où vous êtes! Ne courez pas, ou on va vous faire sauter la tête!”
Étonnamment, juste après la première rafale des mitraillettes, la peur m’a quitté, aussi soudainement qu’elle m’avait possédé quelques minutes plus tôt! Bien au contraire, j'avais l'impression d'être subitement submergé par une étrange sérénité au milieu de ce gros bordel! Cela semblait dingue pour certains, mais j'ai déjà vécu cette réaction plusieurs fois auparavant. Pour moi, la peur n'est rien que le sentiment inconfortable en face d’une menace imminente, anonyme, qu'on ne peut savoir ni quand ni comment ça va se dérouler? C’est cette présence fantomatique, ce sentiment d'une menace inconnue qui vous fait peur! Mais quand cela se déploie, quand on peut identifier le danger, on n'aurait plus peur, on doit lui faire face! L’instinct de survie repousse et vainc cette peur. Ma première réaction a été de pousser ma femme et mon fils au sol et d'utiliser mon corps pour les protéger. Je pouvais entendre ma femme pleurer doucement sous moi, implorant tous les Saints dont elle pouvait se rappeler le nom! Deux gars ont convergé vers moi, l'un pointant sa lampe torche, l'autre son AK 47 dans ma direction. Ils m'ont ordonné de me lever; puis, ils m'ont attaché par derrière, aux coudes, avec une corde. Bien sûr, je n'ai pas résisté, mais par réflexe, j'ai essayé discrètement d'écarter légèrement le haut de mes bras pour pouvoir ensuite bouger plus librement mes mains. Tous les hommes ont fini comme moi, ficelés comme des saucissons; les femmes et des enfants sont restés libres. Quand ils ont enfin fini leur foutu travail, il était environ 4 heures du matin, et l'obscurité nous entourait toujours. Environ une heure après l'incursion-surprise, nous avons reçu l'ordre de nous rassembler dans une zone dégagée, alignés et conduits à un petit canal, reliant cette zone à la rivière, où se trouvaient déjà 2 ou 3 sampans motorisés qui nous attendaient. Avec les bras attachés dans le dos, je ne pouvais rien faire pour aider ma pauvre femme à porter notre fils et son sac. Pour atteindre les sampans, nous avons dû marcher dans l'eau, au-dessus du niveau des genoux, avant de nous y faire embarquer. Cela m'a brisé le cœur de voir ma femme se débattre désespérément jusqu'à ce qu'une autre personne vienne l’aider à monter sur le petit bateau. Je n'allais pas mieux mais j’ai réussi quand même, bien sûr, avec l'aide des autres.
Quand tous les détenus ont enfin embarqué dans les sampans, notre “convoi” a reçu l’ordre de quitter la zone. Il faisait encore noir! J'étais très préoccupé par mon trésor caché, toujours attaché autour de ma taille au cours de ces dernières 24 heures. Si les gardes le découvraient, ils ne manqueraient pas non seulement de le voler mais aussi de rendre ma vie encore plus misérable. Pour les Communistes, faire souffrir les riches était un devoir et aussi leur plus grand plaisir. Cela dit, malgré le danger, je ne voulais pas me débarrasser de cette fortune. C’est impensable! Je savais avec certitude que si je perdais cet or, je n'aurais pas d'autre choix que de dire adieu à toute future tentative d'évasion. Ne sachant pas quoi en faire, j'ai enlevé la “ceinture” (Contenant mes 7 TDO) de ma taille et l'ai mise dans la poche de mon pantalon. Je me suis tourné vers ma femme, ses yeux encore humides, avec notre fils endormi dans ses bras, j’ai essayé de la réconforter et de la préparer à ce qui allait se passer ensuite: l'interrogatoire. Il nous faudrait adopter une même histoire dont la moitié serait fictive, à raconter à quiconque en charge de l’interrogatoire: L'histoire était de nous rapetisser et de rendre notre situation plus pitoyable. Au lieu de se présenter comme quelqu'un de riche, essayant de s'échapper parce qu'il détestait le nouveau régime! J'ai dû faire comprendre à ma femme que c’est très important que nous chantions la même chanson! Avec le recul, je me demande combien de gars auraient réagi comme moi, dans une situation aussi précaire et stressante? Avec mes bras toujours attachés, incertain de ce qui allait se passer ensuite, comment pouvais-je réussir à garder la tête froide et à inventer une telle histoire? J'aurais pu être un bon écrivain ou au moins un grand conteur avec une telle imagination!
Non loin de moi, la mère de Ky s'est tournée vers son fils, lui chuchotant quelque chose à l'oreille, et peu de temps après, je l'ai vue laisser tomber quelque chose dans l'eau en silence. Plus tard, j'ai découvert qu'elle avait, comme la plupart des passagers, décidé de se débarrasser de leur or dans la rivière: “Je préfère jeter mon or dans la rivière que de laisser les Viet Cong me le voler!” disait-elle plus tard, apparemment sans regret! Pour moi, cela devrait être très douloureux pour quiconque de faire un choix aussi désespéré! Un acte qui, sans aucun doute, allait la ronger pour le reste de sa vie. Bien sûr, moi-même, je n'étais pas mieux puisque je ne savais toujours quoi faire avec mon or. Je me suis dit: ce serait peut-être mieux de séparer mes TDO (Taels d’or) au lieu de les garder ensemble. Au moins, j'aurai plus d'une chance de les sauver, même un seul TDO, au lieu de tout perdre? Ce disant, j'ai sorti un TDO de ma ceinture de transport, et avec quelque hésitation, je l'ai mis séparément dans une autre poche.
Nous sommes arrivés à destination après environ une heure de trajet. Au moment où nous sortions des sampans, le ciel commençait à s'éclairer lentement. Les gardes ont commencé à détacher les hommes et nous ont tous précipités dans une grande pièce, à l'intérieur du siège de la Commune. Ils ont quitté temporairement la pièce après avoir verrouillé de l’extérieur la grande porte en bois. D’un coup, tout s’est réveillé en moi, j'étais plus alerte que jamais, libre de toute fatigue, douleur ou détresse. J'ai jeté́ un rapide coup d’œil tout autour de moi, essayant désespérément de trouver un endroit où je pourrais temporairement cacher mon trésor. Mes yeux se sont arrêtés sur un monticule de paddy (*), à peu près à hauteur de genou, à une extrémité de la pièce. Je me suis avancé rapidement vers cette zone et me suis assis, m'appuyant contre le monticule, comme si j'étais complètement extenué. Les yeux mi-clos, mais toujours très vigilants, je me suis assuré que personne ne regardait dans ma direction, j'ai sorti discrètement la “ceinture d'or” et l'ai enfouie rapidement sous le paddy. Je me sentais tellement soulagé d’avoir pu enfin me débarasser temporairement cet or de ma poche. Je me fichais pour le moment de ce qui allait arriver. Après tout, j'ai toujours un autre TDO dans ma poche.
(*) Riz battu mais non débarrassé de ses glumelles adhérentes ni usiné.
Jusqu'à présent, j'ai fait de mon mieux pour réagir à une situation fluide qui ne cessait de changer, basé uniquement sur mon intuition, mon réflexe, plutôt qu'une réponse rationnelle.
Les gardes sont revenus et ont ordonné à tous les détenus de sexe masculin de sortir de la pièce; seules les femmes et les enfants sont restés. J'ai ressenti un vrai coup au creux de mon estomac. Il était temps de dire “Au revoir” ou peut-être… “Adieu” à mes 6 TDO encore cachés sous ce monticule de paddy. À Dieu ne plaise!
Une fois dehors, le gardien nous a ordonné de nous mettre en colonne pour la fouille corporelle. Comme j'avais gardé un TDO dans ma poche et que je ne savais toujours pas quoi en faire, j'ai choisi de me glisser parmi les derniers de cette ligne, en essayant de gagner du temps et d’observer la façon dont il effectuait la fouille au corps. Tout d'abord, je l’ai vu tapoter les détenus, fouiller leurs poches et leurs portefeuilles, puis leur demander de baisser leurs pantalons et leurs sous-vêtements pour s'assurer qu'ils n'avaient rien collé sur leur corps. Une idée m'est venue à l'esprit. J'ai sorti mon TDO de ma poche, je l'ai mis entre la plante de mon pied droit et la sandale en cuir que je portais, et j'ai marché dessus. (Le TDO est constitué de feuilles d'or rectangulaires d'environ 4cm×10cm, très fines, enveloppées de papier jaune foncé).
Bientôt venait mon tour. Après avoir laissé le type me tapoter le corps, je lui ai “respectueusement” tendu mon portefeuille, dans lequel il y a encore de l'argent, une photo de Sainte Marie de Lourdes. Il me l'a rendu aussitôt. Ensuite, j'ai abaissé mon pantalon et mes sous-vêtements sans sortir de mes sandales. Le gardien a hoché sa tête pour me faire savoir que la fouille était terminée. Poliment, je l'ai remercié et je me suis écarté. J'ai été surpris qu'il n'ait même pas remarqué l’alliance (*) que j'ai oubliée d’enlever de mon doigt. Après tout, même avec le seul TDO restant dans ma poche, après cette fouille, nous devrions être le "couple le plus riche" parmi notre groupe.
(*) En or de 18 carats, une commande personnalisée, simple mais pas moins de bon goût, avec la date anniversaire du 12 octobre 1973, gravée de l'intérieur
Pendant ce temps, les gardiennes effectuaient la même fouille corporelle de leurs détenues à l'intérieur de la pièce fermée, m'a dit plus tard ma femme. La chance était aussi de son côté car ils n'ont pas détecté sa bague de diamant cachée dans l'attache en soie de son chapeau conique, les cinq bagues en or cousues à l'intérieur de son soutien-gorge, ni le billet de 100 dollars à l'intérieur de la ceinture du pantalon de mon fils.
La porte était enfin ouverte, les femmes et les enfants sortaient sans leurs bagages. Un gardien nous a ordonné de le suivre. Il n'a pas dit où, mais j'ai deviné que la prochaine destination serait la prison du district. Il semblait qu’il était temps d’admettre que je ne reverrais plus jamais mes 6 TDO encore cachés dans cette salle!
Sous la surveillance d'un garde armé, nous sommes sortis de l’immeuble, hagards, complètement épuisés après une journée entière de tension continue, privés de sommeil, de nourriture, et maintenant, d'espoir! Les habitants de la commune, qui devraient être au courant de l'arrestation de boat people la nuit dernière, se tenaient le long de la rue. Ils nous regardaient d'un air curieux comme si nous étions venus d'une autre planète, mais sans animosité particulière. Tout d'un coup, le gardien nous a donné l'ordre de nous arrêter et d'attendre. Il a dit que l'attente pourrait être plus longue que prévue, alors au lieu de rester dans la rue, il nous a permis d'entrer dans les maisons qui bordaient notre route. Nous avons beaucoup hésité quand quelques femmes sont sorties de leur maison et nous ont invités à entrer et à partager leur petit déjeuner. Nous n'avons pas pu refuser car elles semblaient vraiment très accueillantes et gentilles après tout. Elles ont même essayé de nous réconforter en plaisantant: “Ne vous en faites pas! Tout ira bien! Ne perdez pas courage, vous avez échoué cette fois, essayez encore et encore jusqu'à ce que vous réussissiez”. Elles ont sorti du riz fraîchement cuit qui fumait encore et qui sentait bon, avec des petites crevettes frites, du poisson séché, des tranches de pastèque et d’ananas et ont insisté pour que nous partagions le repas avec leur famille. Bien que affamés, nous avons accepté leur offre à contrecœur, seulement pour ne pas blesser leur générosité. Nous étions particulièrement surpris par leur attitude inhabituellement chaleureuse, par leur consolation parfois "réactionnaire" malgré la présence du gardien. Je n'ai trouvé une explication vraisemblable que bien plus tard! Ces femmes si accueillantes qui ont partagé leur repas avec nous et qui nous ont consolés si ouvertement n'étaient pas de vraies Samaritaines. Elles devraient être les femmes ou les proches de nos persécuteurs. Elles ont joué tout simplement leur rôle de consolatrices dans toute cette mascarade. Pour ces gens, nous n'étions pas leurs ennemis, en revanche leur “poules aux œufs d'or”! Avant la victoire communiste, c'étaient des gens ordinaires et démunis vivant à la campagne, peut-être des sympathisants qui avaient des liens avec «l'autre côté». Maintenant, avec leur nouvelle position, en tant que membres des forces de sécurité locales, ils ont trouvé des moyens pour s'enrichir en raflant tout ce que leurs prisonniers possédaient: or, bijoux, même leurs beaux vêtements. Quarante ans se sont déjà écoulés mais je ne leur garde toujours aucune rancune, au contraire, j'apprécie leur “gentillesse”! Oui, ils nous ont arrêtés, ils nous ont volés, mais ces “paysans convertis communistes” auraient pu nous traiter de manière beaucoup plus méchante s'ils avaient choisi de le faire! Leur jovialité, leur hospitalité même simulées, sont des particularités typiques des gens du Sud Vietnam, quelles que soient leurs convictions politiques! Si nous étions détenus dans le Nord ou dans le Centre du Vietnam, notre histoire aurait dû prendre un tournant beaucoup plus tragique!
Nous ne savions toujours pas la raison de la longue attente. Vers quatre heures, après presque trois quarts d’heure depuis l'arrêt, nous avons finalement reçu l'ordre de retourner récupérer nos bagages avant d'être conduits à la prison du district de Long Phu. L'annonce m'a réveillé comme d’un coup de fouet, malgré tout, la chance ne m’avait pas encore abandonné, c’était ma dernière chance pour recouvrer le reste de mes TDO encore enfouis sous ce monticule de paddy. J'ai fait part à ma femme de mon intention et à grand pas, j’ai couru vers la salle de la commune. J'étais parmi les premiers à y entrer. Pendant que tout le monde était occupé à vérifier ses affaires, avec beaucoup de discrétion, j'ai plongé ma main sous le paddy, la déplaçant d'avant en arrière, de gauche à droite, cherchant nerveusement ma "ceinture". Cela ne m'a pas pris plus de cinq ou six secondes, pourtant, cela m'a semblé être une éternité avant de pouvoir enfin la toucher du bout de mes doigts! Je l'ai retirée rapidement et l'ai remise dans ma poche! J'ai senti un vrai tsunami d'adrénaline submerger mon système! Je ne savais pas que faire de ma récupération, et franchement, je m'en fichais! Ce que j'ai désespérément essayé de faire jusqu’à maintenant n'était rien d'autre que de retarder ce moment pénible où mon geôlier allait enfin découvrir ma tentative. Sans doute, il allait me taper un bon coup sur ma gueule, il tirerait la "ceinture" de ma poche, la mettrait dans la sienne, et cela mettrait fin à ce suspense intense! Alors, pourquoi m'en soucier? Que sera sera!
Nous étions bientôt de retour dans les sampans, en route pour une nouvelle destination. J'ai entendu de nombreuses plaintes parmi les détenus que quelqu’un avait fouillé leurs sacs et volé tout objet de valeur. C'est pour cette maudite raison qu’ils nous ont éloignés plus tôt cet après-midi, ce qui leur avait permis de fouiller nos affaires et voler tout objet de valeur qui s'y cachait. Ce jeu de “Chasse au trésor" devait être la partie la plus excitante de leur travail! La nuit, ils étaient des chasseurs d'hommes, le jour ils devenaient des chasseurs de trésors! Ma femme n’en croyait plus ses oreilles quand je lui disais que j'ai réussi à récupérer tout mon or. J'ai essayé de lui rappeler une fois de plus le "scénario" que nous devrions dire à l'interrogateur. Dans le sampan, j'ai pris mon fils des mains de sa mère et je l'ai tenu dans les miennes. Je me sentais coupable de ne pas avoir pu passer plus de temps avec lui ces deux derniers jours. Il avait l'air d'aller bien parce que je ne l'ai pas vu pleurer depuis que nous avons quitté la maison. Il était plus endurant que je ne le pensais!
Nous sommes arrivés enfin au Centre de Détention du District de Long Phu. Il était environ 18 heures et le soleil commençait à descendre à l’horizon. Les gardes nous ont emmenés dans une grande cour entourée de clôtures en fils de fer barbelés, avec un mât de drapeau au milieu de la cour principale. Ils nous ont divisés en deux groupes : les femmes et les enfants au centre de la cour, les hommes à l'avant gauche du bureau principal, face au mât de drapeau. Comme j'étais toujours conscient du danger de ma " mission impossible ", j'ai choisi de m'asseoir à l'arrière de mon groupe.
La lumière du jour commençait à s’effacer doucement lorsque les gardes ont commencé à fouiller le premier groupe. Le spectacle semblait attirer l’attention complète des curieux, excepté moi car j’avais d’autres chats à fouetter : Sans perdre de temps, j'ai regardé autour de moi, essayant désespérément de trouver un endroit où je pourrais cacher mon trésor une nouvelle fois. Il y avait une rangée de jeunes peupliers derrière l'endroit où je suis assis ; l'un d'eux était à environ une soixantaine de centimètres de moi, avec un tas d'herbes mortes à sa base. Quelle merveilleuse découverte! Je savais ce que je devais faire ensuite. Je devais me méfier car à environ moins d’une dizaine de mètres sur mon côté droit, des gardes se tenaient là, à l'entrée de leur bureau, regardant la fouille corporelle qui se déroulait devant eux. J'ai sorti la "ceinture" (dans laquelle j'ai ajouté à la dernière minute, le TDO que j'ai gardé à part plus tôt) de ma poche. Alors que tout le monde semblait tellement absorbé par le spectacle de la fouille, j'ai reculé, toujours sur mes fesses, lentement, très lentement, centimètre par centimètre, jusqu'à ce que je sois à une distance accessible de l'arbre. D'un mouvement rapide et précis, j'ai rapidement enfoui ma ceinture sous ce tas d'herbes mortes. Ni vu ni connu, je suis retourné à ma rangée avec mon cœur battant très fort dans ma poitrine. Personne n'a semblé remarquer mon mouvement. J'ai encore marqué un but sous la bienveillance du bon Dieu! Je n'avais aucun doute qu'ils allaient me boucler dans quelques instants, mais je me sentais tellement soulagé d'avoir pu planquer mon or... au moins pour l'instant! J'étais prêt pour la prochaine fouille au corps!
Leçon à retenir: La richesse n'apporte pas toujours le bonheur! Elle pourrait être, au contraire, l'origine de tant de soucis, de problèmes voire de malheurs!
Quand mon tour est venue, je me dirigeais résolument vers le geôlier responsable. Il m'a regardé approcher avec ses yeux porcins. Quand j'arrivais à sa hauteur, il a crié d'une voix grinçante : "Tu portes encore tes sandales ? Putain de crétin! Je vais te botter le cul ?" J'étais plus vexé qu'effrayé par ses jurons mais je n'ai pas dit un mot. J'ai jeté mes sandales sur le côté. Le mec qui semblait plus malin que ses prédécesseurs, devrait croire que j'avais peut-être caché quelque chose de précieux à l'intérieur de mes sandales. C'était une technique assez courante chez les boat people : découper la semelle de leurs sandales pour y glisser quelques billets de cent dollars, des TDO ou des bijoux, puis la recoller. Je n'aurais pas eu de chance si j'avais encore utilisé le vieux truc comme lors de la fouille précédente. Le vieux con semblait n’avoir pas beaucoup de chance, il était un pas derrière moi. Il a ensuite fouillé mon corps et a confisqué mon portefeuille dans lequel j'avais caché nos deux alliances. Finalement, il a demandé à un autre garde de m'emmener dans ma cellule. Je me suis retourné, essayant de regarder dans la direction de ma femme et de mon fils, comme pour leur dire au revoir! Quel triste moment!
La prison n’était rien d’autre qu’une rangée de 5 ou 6 pièces d’une construction plutôt modeste en ciment, recouverte d'un toit en tôle ondulée. Au lieu d'avoir une porte en acier renforcé comme n'importe quelle cellule traditionnelle, celle-ci n’avait pas de porte ; à la place, elle avait quatre grandes barres verticales en bois, dont une ou deux barres étaient amovibles, les autres étaient permanentes, avec un verrou de l'extérieur. Je trouvais plus tard que cette conception à la fois primitive et très économique de la prison était une vraie bénédiction qui nous a fourni plus d'air frais pendant les journées chaudes et aussi de l’eau potable les jours de pluie. Le gars qui m'accompagnait a eu un peu de mal à déverrouiller et à retirer les barreaux pour que je puisse y entrer. Venant du côté le plus lumineux, l’intérieur paraissait si sombre; l’absence des fenêtres ne faisait qu’empirer les choses. Une petite lampe à pétrole éclairait à peine la pièce. Ajoutant à cette ambiance malsaine, une odeur nauséabonde flottait dans l'air. Je me suis retrouvé tout d’un coup au milieu d'un groupe effrayant d'êtres humains, à moitié nus, la sueur ruisselait abondamment de leurs corps. Je n'ai jamais été en prison auparavant, mais j'avais lu de nombreuses histoires d'horreur sur la vie en prison. Tout mon corps était en pleine alerte. Un gars, apparemment le représentant de la cellule, s’est approché de moi, il m'a dit : "Bienvenu, mon ami, veux-tu te présenter, ton nom, ta profession et la nature de ton infraction? " Je lui ai gentiment répondu. “Très bien, professeur!“ m’a-t-il dit: “La plupart d'entre nous partageons la même infraction. Certains sont là depuis près de deux ans, d'autres depuis cinq ou six mois!” J'ai senti mon cœur se serrer à cette révélation! “Maintenant, je vais t'informer de certaines de nos procédures chaque fois que nous avons un nouveau venu. Comme tu peux le constater, il y a beaucoup de monde ici. Pour nous assurer que tu n’es pas porteur de maladies transmissibles, nous devons faire un rapide bilan de santé! Veux-tu retirer ton pantalon!” Comme la demande me semblait raisonnable, je n'avais pas d'autre choix que de me conformer à sa demande. Il a touché mon pénis avec sa main nue, le soulevant de haut en bas avec ses deux doigts, tandis que toute l’audience qui nous entourait riait bruyamment. Finalement, il a dit: “Tout a l'air bien soigné, Prof.! Maintenant, une dernière formalité, basée sur notre consentement collectif: ceux qui ne sont pas circoncis doivent l’être immédiatement, les autres recevront un "piercing" (Perçage) gratuit”. Un autre type était assis à son côté avec une bouteille d'alcool et un grand morceau de coton dans une main ; avec l'autre, il aiguisait une grosse aiguille comme celle des cordonniers contre le sol en ciment nu. Le groupe a éclaté de rire à l'annonce et à la présentation comme s’il était au théâtre. Je sentais la colère monter en moi, pourtant j'ai fait un grand effort pour garder mon sang-froid. J'ai remonté mon pantalon et regardant directement dans les yeux de mon interlocuteur, j'ai dit: “Je ne pense pas, Monsieur! Non pas que je ne veuille pas m'y conformer, mais nos conditions d'hygiène actuelles ne supporteront pas une demande aussi folle!" “Ne t’en fais pas, Prof! Calme-toi!“ m’a-t-il rassuré: “Laisse-moi te donner un autre choix alors. Que dirais-tu de faire 200 pompes à la place ? “ Sans aucune hésitation, j’ai accepté. Après une vingtaine de pompes, le gars a finalement déclaré : “ Ça suffit! C'est cool de ta part, Prof! Les gars, donnez-lui une grande ovation! "
Après ce rituel d'initiation plutôt spectaculaire, ils m'ont vite dit que c’était une blague, une occasion pour rire et pour se détendre chaque fois qu’il y avait un nouveau venu. Ils m'ont également fait savoir qu'ils n'étaient pas ici depuis des années comme prétendu. Ceux d'entre eux accusés du crime de "Vuot Bien" n'étaient ici que depuis un ou deux mois. Ouf! Ces imbéciles m'ont presque eu!
La prison mesurait environ 5m x 8m et était bondée de plus de vingt détenus; ils devaient adopter la "position des sardines“ la nuit. Il y avait un carré d'environ 1m x 1m, dans le coin droit supérieur de la pièce, avec un seau en plastique au centre. L'odeur forte qui s'en dégageait m'a tout de suite fait comprendre son utilisation. Oui, cela peut vous paraître dégoûtant, mais c'est le WC, standard communiste bien sûr, (complètement exposé, qui n'a pas de siège ni de chasse-d‘ eau) à la disposition de plus d'une vingtaine de gars pour satisfaire leurs besoins naturels, et ils devaient le faire devant tout le monde. Ce n'était pas tout! En tant que nouveau venu, j'ai eu le "privilège" d'occuper cette place, tout à côté de ce carré écœurant. Dès mon arrivée, je devais tout faire dans cet espace assigné, y compris manger et dormir... jusqu'à l'arrivée du prochain détenu! L'existence du carré infernal semblait irréelle dans les prisons occidentales, mais assez populaire dans les pays communistes. Est-ce l’une des raisons pour lesquelles leur système pénitentiaire, qui ne coûte presque rien par rapport au nôtre, semble fonctionner beaucoup mieux pour dissuader les prisonniers de faire un nouveau "faux pas" et d’y retourner pour un autre séjour?
Les femmes et les enfants ont reçu un meilleur traitement que les hommes. Ils partageaient une chambre plus grande pas trop loin de nous et pouvaient se déplacer pendant le jour. J'ai ressenti le besoin de communiquer avec ma femme, d'abord pour lui faire savoir que j'allais bien, et surtout, pour lui faire savoir où j'avais caché mon or afin qu'elle puisse le récupérer lorsque l'occasion se présenterait. J'ai demandé à un jeune détenu qui avait quelques bananes si je pouvais en avoir une pour mon fils? Il m'en a offert une avec un grand sourire. J'ai demandé à un autre gars un petit morceau de papier et un crayon. J'ai écrit un message “ codé” à ma femme. De peur qu'il ne soit intercepté, je l'ai rédigé en français, pas le français “ordinaire”, mais sa transcription phonétique à la place! Comme nous étions tous les deux professeurs de français, elle pourrait le décoder facilement. Dans ce message, je lui ai dit, en style télégraphique, l'emplacement exact de l'or. Je lui ai aussi demandé, si elle le trouvait, de hocher la tête quand elle me verrait! Finalement, je lui ai dit de confirmer la réception de ce message en demandant au gardien de venir me demander des médicaments pour notre fils! Pour camoufler le message, j'ai emprunté un petit canif, découpé un petit trou sur la banane, mis le message plié à l'intérieur, rebouché ce trou avec le même morceau retiré plus tôt. J'ai ensuite demandé à un gars qui travaillait à la cuisine de la prison d'apporter la banane à ma femme. Une demi-heure plus tard, j'ai entendu quelqu'un à l’entrée qui demandait de me parler. J’ai répondu rapidement. L’homme m'a dit que mon fils avait mal aux dents ; que ma femme a demandé si j'avais des médicaments pour lui? Je lui ai dit que je n'en avais pas. Je me suis senti soulagé de savoir que ma femme avait reçu mon message!
Première nuit en prison, contrairement à ce que l'on pourrait penser, j'ai dormi comme un bébé, malgré l’odeur insupportable qui planait tout autour et l'incommodité de la position des sardines! La raison est bien simple: j'ai vécu "le jour le plus long", après presque quarante heures sans dormir, j'étais complètement épuisé physiquement et mentalement!
Nous nous sommes réveillés à 6 heures du matin. Au lieu du petit-déjeuner, le déjeuner était servi très tôt, à 8h30, à travers les barres en bois. Le menu était incroyable : un bol plein de riz pour chaque détenu, et rien d'autre! Le dîner était servi vers 16h, même menu! Ne vous méprenez pas, ce n'était pas vraiment une plainte de ma part comme vous pourriez le penser. En ce temps, la majorité des habitants des grandes villes, appauvris et faisant face à une pénurie de vivres, (*) ont dû mélanger leur maigre ration de riz de mauvaise qualité avec tout ce qu'ils avaient à leur disposition, de la farine, de l'orge (“Bo Bo", grain d'alimentation des vaches). C'était pire pour les détenus des camps de " rééducation “, qui mouraient de faim, au sens littéral du terme, avec un demi-bol de riz rassis et pourri, tout en faisant des travaux forcés. Un bol plein de “bon” riz, offert au prisonnier en ce temps difficile, était un traitement vraiment généreux.
(*) Avant sa défaite en 1975, le Sud-Vietnam était un important exportateur de riz en Asie du Sud-Est. Après la guerre, sous la mauvaise gestion du Gouvernement Communiste, la production du riz n'était même pas suffisante pour nourrir la population du pays. En plus, il devait payer ses dettes de guerre à la Chine ; le riz était l’un des moyens pour le faire.
Les prisonniers qui étaient ici pour un certain temps, recevaient parfois de l'argent ou de la nourriture envoyés par leur famille : sauce de soja, porc effiloché (thịt heo chà bông), poisson fermenté salé (mắm cá), gâteau de riz gluant (bánh tét). Ils ont eu la gentillesse d'en partager avec un nouveau gars comme moi.
Chaque jour, les détenus avaient dix minutes pour sortir de leur cellule (une cellule à la fois), et aller prendre leur “bain” dans un petit étang voisin. C’était plutôt une poche d’eau d'environ 4m x 6m. L'eau était au-dessus du niveau des genoux et assez trouble car plus d'une centaine de détenus s'y rendaient tous les jours pour se nettoyer, laver leurs vêtements... c'était pourtant le moment le plus agréable de notre journée! Nous pouvions nous détendre, nous rafraîchir, bavarder et surtout respirer à pleins poumons cet air qui sentait la boue et les herbes sauvages. Parfois, quand il ne pleuvait pas assez, nous devions récupérer l'eau de cette saloperie de mare et la rapporter dans des bidons en plastique à notre cellule. Là, nous pouvions traiter cette eau avec un petit morceau de "Phèn Chua" (sulfate d'aluminium et de potassium) qui ressemble au sucre candi, puis laisser l'eau reposer pendant la nuit, pour la clarifier des particules boueuses et sales, les faisant reposer au fond. Bien sûr, l'eau semblait plus claire, moins effrayante au regard, mais toutes les bactéries y resteraient en toute sécurité! Quand on a soif, on ne se demande plus de la qualité de ce qu'on buvait. C'est bien simple, non? En revanche quand il pleuvait, c'était une vraie bénédiction pour nous! La pluie apportait non seulement de la fraîcheur mais aussi sa divine source de rafraîchissement! Vous pourriez vous demander : mais comment récupérer cette eau alors que l’on était derrière les barreaux? Il est difficile de croire à quel point l'homme peut être créatif en utilisant ses capacités de survie! “S’il y a un problème, il y a toujours une solution. S’il n’y a pas de solution, c’est qu’il n’y a pas de problème”. (Bob Marley). D'abord, on perce un trou au contour du fond d'une boîte de conserve vide ; on attache ensuite un long manche en bois à l’ouverture de cette boite. Ensuite, on utilise un morceau d'aluminium ou de plastique ramassé quelque part plus tôt et on le façonne comme une longue gouttière. Ainsi, quand il pleuvait, l'eau descendait du toit en tôle ondulée et atterrissait à une distance pas très loin de l'entrée de la cellule. À travers l'espace entre les barres de bois, un premier gars tenait la boîte vide par le long manche, Il essayait de tendre son bras aussi loin qu'il le pouvait, pour atteindre l'eau de pluie qui coulait du toit. Un autre gars tenait une extrémité de la gouttière avec un angle pour recueillir l'eau qui sortait du trou au fond de la boite ; l'eau suivait le canal à travers les barreaux et atterrissait à l'intérieur d'un récipient en plastique à l'intérieur de la cellule. Génial, n'est-ce pas? Nous gardions l'eau dans une douzaine de cruches en plastique comme eau potable pour toute la cellule.
Le deuxième jour à “l'heure du bain“, après être sorti de ma cellule et m’être dirigé vers l'étang, j'ai vu ma femme assise sur ses pieds, enlevant des mauvaises herbes pas trop loin de moi. J'ai collé mes yeux sur les siens, en manière de dire bonjour et de lui demander comment elle allait? La règle de la prison communiste interdisait aux détenus de communiquer entre eux. C'est une réglementation très stricte, toute infraction pourrait vous coûter des châtiments corporels. J'ai vu ma femme sourire et hocher sa tête, signifiant qu'elle a trouvé et récupéré l'or! Je lui ai envoyé mon plus grand sourire en m'éloignant! Difficile de croire que nous étions encore en possession de cet or!
Cette nuit-là, je lui ai envoyé un deuxième message lui disant qu'il y avait sept TDO dans cette ceinture et lui ai demandé de le confirmer si possible demain avec les mêmes signaux convenus. Le lendemain quand elle me voyait, de loin, elle me disait non avec sa tête. J’étais vraiment perplexe par les différents signaux qu’elle m’a envoyés. Hier, elle a acquiescé, aujourd’hui elle a dit non avec sa tête. A-t-elle déjà récupéré cet or ou pas encore? Je n'en savais plus. J'ai reçu plus tard une brève note d’elle me disant: "Six seulement. Je vérifierai et te tiendrai au courant". Qu'est-ce qui est arrivé au TDO qui manquait? Deux jours plus tard, encore une fois, en route vers l'étang, j'ai vu de loin ma femme, cette fois avec un grand sourire, ses deux mains levées à mi-hauteur, montrant sept doigts. Je me sentais soulagé: Elle a trouvé la pièce manquante! Après notre sortie de prison, ma femme m'a raconté ce qui s'était passé. Basé sur mes instructions dans mon premier message codé, elle avait trouvé la ceinture avec seulement six TDO dedans. Elle ne savait pas qu'il en manquait un, jusqu'à ce qu'elle reçoive mon deuxième message. Le lendemain, accompagnée de sa sœur, qui était enceinte à l'époque, elles sont retournées au même peuplier, faisant la corvée comme elles la faisaient tous les jours, mais cette fois pour chercher la pièce manquante. Elles se sont senties tellement chanceuses et ravies de trouver le dernier morceau du… “puzzle”, reposé à plat juste au-dessus des herbes mortes. Avec sa couverture en papier beige foncé, la couleur du TDO et celle de l'herbe morte correspondaient si bien qu’il était très difficile de le détecter.
Le seul gars qui ne semblait pas beaucoup affecté par l'épreuve de la prison était mon fils de cinq ans! De temps en temps, à travers les barreaux de bois de ma cellule, je l’ai vu courir dans la cour de la prison, pieds nus, avec d'autres gosses, suant à grosses gouttes, sa peau est devenue bronzée, presque cuit par le soleil. Il s'est adapté si vite à la vie de la campagne. Une fois, il s'est arrêté devant ma cellule, me cherchant des yeux à travers les barreaux de bois, un morceau de riz roussi (Cơm cháy) dans sa petite main. Avec ses yeux grands ouverts il m'a demandé : “ Papa, tu as faim? Je t'apporte du “cơm cháy”, tu en veux?!” J’ai tenu sa main à travers les barreaux et lui ai adressé un sourire qui devait être plus triste que… souriant! Nous avons pris tous ces risques pour une seule fin : Donner à notre enfant un futur meilleur. Et notre sort nous a joué un mauvais tour en nous envoyant ici. La liberté semblait si illusoire, valait-elle la peine pour nous d'endurer une telle souffrance?
Avec la permission de la direction de la prison, j'ai envoyé une lettre à mes beaux-parents pour leur faire savoir que nous avions échoué et que nous étions bouclés au centre de détention de Long Phu. Une semaine plus tard, nous avons été surpris d'être convoqués au bureau de détention pour recevoir un petit sac de nourriture et de l'argent de poche, laissé plus tôt par mon beau-père, ne sachant pas qu'il était venu en personne nous rendre visite, accompagné du père de Ky, mais ils n’ont pas été autorisés à nous voir. Pauvres parents avec des enfants qui, comme nous, ont tenté de fuir le pays. Ils ont dû souffrir énormément, d’inquiétude, d'incertitude après leur départ, à attendre désespérément de leurs nouvelles : Avec de la chance, ils allaient recevoir de bonnes nouvelles, les informant que les enfants sont arrivés à destination, sains et saufs ; d'autres fois, des nouvelles... moins bonnes, comme la nôtre; et plus souvent que personne n’aimerait y croire, d'horribles nouvelles que leurs enfants ont péri ou se sont perdus en mer! Cette blessure les rongerait pour le reste de leurs jours.
Après plus de dix jours au centre de détention, c'est à mon tour de voir le policier en charge de l'interrogatoire. Quand je suis entré dans son bureau, il m'a observé silencieusement derrière son bureau! J'ai deviné qu'il avait le même âge que moi. Il m'a demandé de m'asseoir. Par son accent, je savais qu'il était du Sud. Comme prévu, je lui ai raconté “mon histoire” : Que j'étais enseignant à l'école élémentaire, que j'ai dû abandonner mon poste il y avait plus d'un an à cause d'une maladie pulmonaire et que je devais vivre des revenus de ma femme, qui est couturière. Sans gagne-pain, j'ai dû vivre sous son ombre. Cette idée me blessait terriblement. Malgré les efforts de ma femme pour nous réconcilier, je suis devenu de plus en plus exaspéré. Notre vie devenait si malheureuse; on se faisait la guerre presque tous les jours pour rien. Une cliente et amie de notre famille qui connaissait notre situation, nous a offert l'opportunité de quitter le pays pour une vie meilleure à l'étranger. Elle nous a dit que puisque le bateau appartenait à sa famille, nous avions juste besoin de partager le coût du carburant, qui était minime, peut-être même pas un quart du prix moyen comparé aux autres passagers. Nous nous sommes sentis tellement heureux que nous avons vendu nos biens pour acheter un TDO et le lui avons donné. Maintenant, nous savons que la dame nous a dupés!
Le policier m'a écouté attentivement, sans un mot, mais je pouvais détecter une lueur de compassion et de compréhension dans ses yeux. De procureur prêt à me donner du fil à retordre, il est soudain devenu un confesseur compatissant, écoutant un autre homme lui confier son chagrin, auquel il pouvait s'identifier comme le sien. Il m'a alors demandé si j'avais été dans l'armée de Saigon? j’ai répondu: “ Non, Monsieur… mais… oui, oui! J'ai suivi le programme de formation militaire pour étudiants quand j'étais à l’Université, pendant les vacances d'été!” C’était un autre mensonge de ma part.
- Quelle est votre religion?
- Je suis catholique, monsieur! (Première réponse honnête de ma part!)
- C’est tout pour aujourd'hui, vous pouvez vous retirer!
Je l'ai regardé dans les yeux et je lui ai dit: “Monsieur, je vous ai tout confessé. J'ai eu tort d'avoir pris la décision de quitter le pays. J'ai appris ma leçon! Donnez-moi une seconde chance, s'il vous plaît!“ Il a hoché légèrement la tête. À son geste, j‘étais presque sûr d'avoir brillamment passé l'interrogatoire avec au moins... la mention Bien!
Au cours de la troisième semaine, tout le monde s'est enthousiasmé à la rumeur d'une possible amnistie à l'occasion de la première élection nationale du Parlement après la “réunification du pays“.. Comme j’ai passé moins de trois semaines au centre de détention, je ne m'attendais pas à ce qu'ils me laissent sortir. Certainement pas! Ils allaient relâcher probablement les femmes et les enfants! J'ai donc écrit un troisième message, disant à ma femme ce que j'ai entendu et que "... s'ils allaient te relâcher sans moi, n'hésite pas pour une seconde, sors le plus vite possible et rentre chez nous. Ne te retourne même pas pour regarder en arrière. Ta mission ultime est de bien prendre soin de “nos bébés" et de les ramener à la maison vite et en toute sécurité!" J'ai écrit "bébés" au lieu d’utiliser la transcription phonétique [bebe] comme avant et au pluriel pour faire allusion à notre fils et... à notre or!
Le 22e jour de mon incarcération, vers quatorze heures, il y a eu de l'agitation dans notre cellule. Les détenus se sont précipités vers l'entrée et ont regardé à travers les barreaux de bois avec excitation! J'ai suivi leurs pas et j'ai vu deux gardiens de prison, un bloc-notes à la main, se diriger vers notre cellule. Ils se sont arrêtés à l'entrée et l’un des deux a annoncé d'une voix forte : “ Écoutez bien, je vais lire les noms de ceux qui vont être relâchés. Si vous reconnaissez le vôtre, sortez vite! ” Après une courte pause, il a commencé à appeler les noms de sa liste: Le Van T., Tran Tuan A., Nguyen Van L.… Les détenus qui ont entendu leurs noms ont rapidement pris leurs affaires et ont filé vers la sortie. Les barreaux ont été ensuite remis en place et verrouillés. Bien que je me sois bien préparé pour ce moment, j'ai ressenti une profonde tristesse m'envahir à l'idée que ma femme et mon fils allaient me quitter dans quelques instants! Un lourd silence s'est fait sentir dans la cellule. Je savais que je n'étais pas le seul à avoir ce sentiment. Ces deux gardes ont déjà fait le tour des autres cellules. Je pouvais voir passer les détenus fraîchement libérés, se parler entre eux avec excitation. Soudain, tout le monde était tellement surpris de voir ces deux gardes réapparaître devant notre cellule. Avec un grand sourire, ils ont annoncé qu'il y avait une deuxième liste de ceux qui allaient être libérés! Nom de Dieu, ça devait être l’humour Rouge! "Nguyen Thanh K., Tran Van Thuan..." J'ai sauté sur mes pieds, c'était moi, il n'y avait pas d'erreur possible! Comme je ne possédais rien, à part les vêtements que j'avais sur moi, j'ai sprinté parmi la foule et j'ai glissé à travers les barreaux de bois, seule frontière entre la captivité et la liberté. Dès que j'ai atteint la zone où tous les détenus s'étaient rassemblés, j'ai pu voir ma femme, sa sœur L., notre fils. Les mamans de Ty et Ky étaient là aussi, mais aucun signe de leurs fils bien-aimés!
La plupart de nos effets personnels nous ont été restitués, bien sûr, les objets de valeur qui ont survécu aux deux premières fouilles, ont succombé cette fois. J'ai vérifié mon portefeuille dans lequel j'ai caché nos deux alliances. Bien sûr, elles ont disparu! Je n'étais pas surpris, mais je me sentais bien ennuyé parce qu'elles étaient des objets-souvenirs de notre mariage! “Eh bien, me suis-je dit, oublie cette petite perte. Avec un peu de chance, tu vas ramener à la maison le plus grand trophée de guerre. Ce serait un exploit remarquable, sans précédent, même miraculeux dont tu pourrais en être fier!
Après que nous nous soyons tous réunis, les gardes ont effectué très rapidement une dernière fouille, principalement les bagages, juste pour la forme! Ils ont effectué leur travail très rapidement. Après tout, à ce stade, il serait raisonnable pour eux de supposer qu'il n'y a plus rien de valeur à voler. Nous étions les seuls, moi et ma femme, à savoir qu'ils ont eu tort, complètement tort! Ils ont raté le plus gros prix de leur saison de chasse!
Nous avons quitté la prison du district, pieds nus, comme une bande de clochards. Pourtant tout le monde était si heureux d'être "libre" et sur le chemin de retour... à l’exception de ma belle-sœur et les mamans de Ky et Ty : Leurs pas encore hésitants, leurs yeux toujours tournés en arrière comme si elles attendaient qu’un miracle imminent se produise et que leur bien-aimé soit relâché à la dernière minute.
Ky m'a dit plus tard qu'ils étaient assez naïfs pour avoir confessé qu'ils étaient "Lieutenants Pharmaciens" pendant l'interrogatoire! Ils auraient dû savoir que sous le régime communiste, dire la vérité à l’autorité, dans la plupart des cas, était un péché mortel!
De retour à Saigon, j'ai dû emmener le père de Ky, M. Diep Minh Chau (*), aller voir ses anciens camarades, l'un d'eux était M. Pham Ngoc Thuan, ancien ambassadeur du Nord Vietnam en Allemagne de l'Ouest, pour obtenir la libération de son fils de prison! Sa nature chaleureuse comme la plupart des gens du Sud, ainsi que son penchant artistique, semblaient l'emporter sur son endoctrinement Marxiste! Pour moi, c'est un homme bon et amusant avec qui j’aimerais converser et partager quelques verres de saké Vietnamien. Un jour, en parlant de Ky, il m'avait confié d’une voix amère : “ Tu ne croirais pas ce que Ky m'a dit il n'y a pas longtemps. “ Papa, je suis un poisson d'eau douce, et toi, tu es un poisson d’eau salée, on ne peut pas partager la même eau!" Une autre fois, M. Diep m'a dit : «J'ai été dans plusieurs pays communistes comme la Russie, la Hongrie, la Tchécoslovaquie, l'Allemagne de l'Ouest… et je peux te dire que les chiens dans ces pays sont mieux nourris que nous, ici au Vietnam?”
(*) Monsieur. Diep Minh Chau, le père de Ky, sculpteur, parmi des milliers d'autres «patriotes» du Sud qui combattaient l'occupation Française, a été charmé par le mouvement Viet Minh, une organisation communiste déguisée en mouvement patriotique national. Après la signature des Accords de Genève (**) en 1954, le père de Ky avait quitté sa femme, enceinte à l'époque de leur premier et unique bébé, pour rejoindre les forces Viet Minh dans le Nord. Plus tard, il est devenu une figure d'artiste très notoire, un sculpteur officiel du régime, auteur de la plupart des projets de sculptures géantes du Nord dont, bien sûr, ceux du “Président Ho“! En 1975, après la chute du Sud, il est revenu à Saigon, à la recherche de sa première femme et de son fils. Seulement cette fois, après une longue absence de plus de deux décennies, il a eu une deuxième famille plus nombreuse avec quatre ou cinq enfants!
(**) Après la défaite des Français à Dien Bien Phu en 1954, les Accords de Genève, qui impliquaient plusieurs nations, ont temporairement séparé le Vietnam en deux zones, une zone Nord, gouvernée par les rebelles Viet Minh et la zone Sud par l’État du Viêt Nam.
C'était la fin d'après-midi lorsque nous avons atteint la ville de Can Tho, nous avons donc décidé d'y passer la nuit. Nous sommes allés à l'Hôpital Central de Can Tho, où travaillait le mari de la défunte tante de ma femme, l'Oncle Nam.
Comme le père de Ky, l'Oncle Nam a rejoint la guérilla Viet Minh, début des années 50, après la mort de sa femme. Après les Accords de Genève en 1954, Il s’est retiré à Hanoi, la nouvelle capitale de la République Démocratique du Vietnam (Communiste) où il a terminé sa formation médicale et est devenu docteur. Après la défaite de Saigon en 1975, il est retourné à Saigon, toujours célibataire après ces longues années. Il a réussi à localiser la famille de sa défunte épouse. Il était très heureux de revoir ma belle-mère, qui était la sœur aînée de sa femme. Elle lui a remis le journal de sa femme, qu'elle a conservé après sa mort. Il l'a serré contre son cœur et a pleuré comme si c’était d’hier. Bien que nous ne connaissions pas grand-chose sur lui auparavant, nous l'aimions tous. Il n'y a rien en lui qui puisse laisser penser qu'il était Marxiste : C'est un homme d'âge moyen, grand, à la peau claire, intelligent et de très bonne humeur. Il nous a traités comme sa propre famille. Il aimait beaucoup mon fils; il le tenait souvent dans ses bras, et avec son doigt pointé sur son visage, il lui adressait d’une voix marrante: “Vieux Viet Cong! Vieux Viet Cong! (Communiste Vietnamien). Un jour, mon fils est allé jouer dans sa chambre, et tout d’un coup, il est sorti précipitamment en criant à pleins poumons: "Vieux Viet Cong a un revolver! Vieux Viet Cong a un revolver!", nous avons tous éclaté de rire.
Il était très surpris quand il nous a vus à l'hôpital, et nous a pris dans ses bras. Il semblait être bien informé de notre infortune par mon beau-père. Il a ensuite regardé tout autour et a demandé : "Mais où est Ky? "Lorsque nous lui avons raconté ce qui s'est passé, il n'arrêtait pas de secouer sa tête et a répondu avec une pointe de désapprobation dans la voix: “Depuis combien de temps a-t-il connu les Communistes pour être si naïf? Dans cette société, croyez moi, mentir n'est pas un péché mais une compétence de survie!”
Cette nuit là nous sommes restés chez Hien, un ami très proche, de la même classe que moi, à la Faculté de Pédagogie. Il était, à l'époque, professeur- assistant à l'Université de Can Tho. La première chose que je lui ai demandé de faire était de trouver un endroit où je pourrais vendre une bague en or afin que nous puissions célébrer nos retrouvailles, aussi bien que notre première soirée de liberté. Nous avons acheté du rôti de porc, de canard rôti, du pain, des choses sucrées pour le dessert... et bien sûr, de la bière, pour compenser les jours de privation à la prison centrale de Long Phu. Affamés comme nous étions, un bon repas, c’était notre instant de paradis, de nirvana. Le bonheur qui semblait si simple pour les personnes démunies, devient quelquefois impossible pour ceux qui ont trop, qui ont tout! Dieu est juste après tout!
Il était tard quand nous sommes rentrés à Saigon le lendemain. Au lieu de retourner tout de suite chez mes parents, nous avons décidé de nous arrêter d'abord chez mon frère pour obtenir de lui un court “ briefing “ sur la situation à la maison. Mon frère était si heureux de nous revoir. Nous avons peut-être raté une fois de plus dans notre tentative de fuite, mais beaucoup d'autres ont raté à jamais la chance de revoir leurs familles. Nous ne voulions pas attirer l'attention de nos voisins avec notre réapparition soudaine, alors nous avons attendu qu'il fasse nuit pour rentrer chez nous. Mes parents, qui pensaient qu'ils ne nous verraient plus, nous regardaient comme si nous étions des revenants, surtout leur petit-fils, qui semblait avoir bien changé, après moins d'un mois! Ils ont ri avec des larmes qui coulaient sur leurs joues quand ils nous ont serrés dans leurs bras! Jamais auparavant le «Home, Sweet Home» n'avait signifié plus qu'à ce moment-là! Leur bonheur a semblé tripler quand je leur ai dit que nous avions réussi à ramener tout notre or!
Le lendemain, après une soirée paisible passée en famille, nous sommes allés voir M. Lam, le gendarme de zone (*), à son poste de l'autre côté de la rue.
(*) Pour consolider leur contrôle sur la population du Sud, immédiatement après la victoire en 1975, l’autorité communiste a divisé chaque quartier en plusieurs petites zones résidentielles d’environ 25 à 30 ménages. Elle a ensuite désigné un “ policier “ pour prendre en charge de chaque zone. Après un certain temps, ce flic saurait tout ou presque tout sur ces ménages sous son contrôle : Combien de membres dans chaque ménage? Leur parcours dans le passé et leur occupation actuelle? Ont-ils servi dans l'ancien gouvernement ou dans l'armée? Ont-ils des invités qui passent la nuit chez eux? Y a-t-il des membres de la famille qui étaient absents récemment? Étant donné que la plupart des maisons avaient leur porte ouverte pendant la journée lorsque le propriétaire était présent, ce policier pouvait avoir accès à tout moment, sans même avoir besoin de frapper à la porte. Il était les yeux et les oreilles du nouveau régime!
Mr. Lam était du Nord, d'âge moyen et pourtant plus sympa que la plupart de ses collègues. Ma mère était gentille avec lui; à chaque fois qu'il venait lui dire bonjour, elle lui offrait “une-petite-quelque-chose”: une limonade, une orange, une banane, une tasse de thé... de temps en temps, quand il annonçait qu'il rentrait chez lui pour rendre visite à sa famille, elle lui donnait un peu d’argent pour acheter des cadeaux pour ses enfants. Il était sans aucun doute bien au courant de notre absence inhabituelle. Il s'arrêtait souvent chez mes parents et n'arrêtait pas de demander à ma mère où nous étions. Ma mère souriait et lui disait que nous étions au travail comme toujours. Il savait bien qu'elle avait menti mais ne semblait pas s'en soucier beaucoup. Quand il nous a vus entrer dans son bureau, il a dit avec un grand sourire: “C’est bon de vous revoir. Où avez-vous été? Laissez-moi deviner! Vous avez dû emmener votre fils à la plage? En effet, il a un très beau bronzage, le petit! ” Avec le même sourire, j'ai dit: “Ce n’est pas vrai, monsieur! Nous aimerions tant y aller mais nous n'avons pas eu beaucoup de temps! Depuis que les Chinois ont attaqué nos frontières Nord, tous les enseignants et leurs élèves ont dû participer à la fabrication de pièges en bâtons de bambou aigus pour aider nos troupes à ralentir leur incursion…”, Même s'il a pu avoir une idée de ce que nous avons machiné pendant notre longue absence, même sans aucune preuve, Mr. Lam n'a pas trop essayé de nous donner un mauvais moment
Tout semblait rentrer dans l'ordre au bout de quelques jours, à une grande exception près : nous étions tous deux licenciés de notre poste à cause de notre longue absence non autorisée! Cela ressemblait à un désastre, mais en réalité, c'était une délivrance, une vraie bénédiction. À vrai dire, nous aimions toujours notre boulot. Nos étudiants tout comme nos collègues allaient nous manquer énormément! Cependant nous étions tellement frustrés d’avoir été maltraités, surchargés et surtout mal payés par le nouveau régime. Nous ne pouvions toujours pas survivre avec notre salaire, il ne nous restait plus rien à vendre pour vivoter et servir un gouvernement que nous sentions étranger et malveillant jour après jour! Nous en avions assez! Désormais, nous n'aurions plus à nous réveiller "avant le soleil" (avant le lever du soleil), à courir après des bus bondés pour aller travailler avec un ventre vide. Ma femme aurait plus de temps pour s'occuper de notre enfant. De mon côté, pour gagner ma vie, j'ai dû rejoindre des amis au “marché noir” (*). Au lieu de ramener à la maison un "revenu négatif" comme avant, j'ai vite réalisé que non seulement je pouvais m'adapter à mon nouveau travail mais que je pouvais le faire bien. J’ai gagné beaucoup plus comparé au maigre salaire de professeur. Après cinq années de lutte désespérée, la vie me semblait reprendre un rythme plus supportable.
(*) Malgré son nom, après 1975, le « marché noir » n'avait rien à voir avec la contrebande. Il s'agissait d'acheter et de revendre n'importe quoi pour en faire un profit : médicaments, vieux vêtements, montres, radio, tourne-disque, vieux bouquin, bijoux, cigarettes, nourriture... parfois de l'or et des dollars. Il y avait un temps quand un grand nombre de gens ont tenté de fuir le pays, les instruments de navigation maritime étaient très demandés et par conséquent la commission résultant de ces transactions était aussi plus grande : une vieille boussole, des jumelles, des cartes militaires, des fusées de détresse, des remèdes contre le mal de mer... C'était la ligne de commerce principale qui complétait les magasins d'État où le prix était beaucoup plus bas mais la qualité plus douteuse et leurs étagères étaient vides la plupart du temps.
TOUT CHEMIN MÈNE À KOH KRA
Peu importe combien de fois nous avons raté, l’intention de nous échapper était notre seule obsession. Comme un joueur passionné, tant qu'il y a encore de l'argent dans sa poche, il ne quittera jamais la table de jeu, avec le seul espoir de regagner l’argent qu’il a perdu!
A cette époque, nous connaissions deux groupes fiables qui s'apprêtaient à décamper. Le premier était la famille d’une collègue de mon frère. La dame et son mari avaient obtenu leur maîtrise aux États-Unis. Leur préparation semblait principalement pour les membres de la famille. Mon frère était au courant de leur tentative et lui a demandé si nous pouvions les rejoindre? Elle n'a fait aucune promesse, disant simplement qu'elle le lui ferait savoir. Peu de temps après, elle a filé sans dire au revoir. Nous avons appris plus tard qu'elle avait atteint les côtes Thaïlandaises. Je me sentais tellement désolé que nous ayons raté l’occasion! Trois mois plus tard, ses amis ont finalement reçu une lettre d'elle, leur racontant son horrible infortune : Leur bateau a été́ attaqué par des Thai pirates après avoir atteint les eaux Thaïlandaises. Après les avoir dépouillés de leurs objets de valeur, ils ont emmené toutes les femmes à bord de leur bateau, puis ils ont coulé le sien en le défonçant avec le leur qui était beaucoup plus grand. Tous les membres masculins de la famille ont péri, y compris son mari, son père, ses oncles et ses frères. Ces monstres les ont ensuite emmenées sur une île déserte nommée Koh Kra, où elles ont été maintenues en captivité pendant des semaines avec juste assez de nourriture et d'eau douce pour survivre. Après leur pêche, la nuit, ils revenaient sur l'île pour fêter, en violant les femmes, brutalisant et parfois tuant ceux qui osaient les résister. Elle était épargnée à cause de sa grossesse tardive.
Nous connaissions le deuxième groupe par l'intermédiaire d'un ancien sergent d'une compagnie de Parachutistes, dont mon frère était commandant avant 1975. Ma famille le connaissait bien puisqu'il s'était arrêté plusieurs fois chez nous avant la chute de Saigon. Il nous a dit qu'il était partenaire actif de l'organisation et nous a demandé si nous aimerions le rejoindre. Il a fixé les frais à trois TDO par adulte et à un TDO pour les enfants. Après avoir été dupés, trompés les deux premières fois, nous avions toutes les raisons de nous méfier. Voyant notre hésitation, le mec fait de plus en plus de concessions, passant de trois à deux TDO. On n'a même pas bougé, enfin il a dit: “Bon, je sais que vous avez peur d'être trompé! Puisque j’ai connu bien votre frère, capitaine T. (mon frère, qui vivait aux USA), laissez-moi vous faire une proposition que vous ne pouvez pas refuser : Vous n'avez pas à me payer maintenant, votre frère me paiera une fois que nous aurons pu atteindre notre destination en toute sécurité!“ Il avait bien raison ce mec, comment refuser une offre aussi convaincante? Pourtant, il y a quelque chose je-ne-sais-quoi en moi, qui nous a empêché de l'accepter! Cependant, mon beau-père, voulant désespérément faire sortir clandestinement son fils de 19 ans du pays, depuis qu'il était devenu fugitif après notre dernière tentative infructueuse (*), a accepté le marché, payé le prix et mon jeune beau-frère est parti avec le groupe une semaine plus tard.
(*) Contrairement à notre situation, il s'est enfui et a été rattrapé plus tard dans un autre District où il a fait également deux mois de taule avant d'être relâché.
Après une longue attente de ses nouvelles, nous avons enfin reçu une lettre, postée d'une adresse en France, dans laquelle sa sœur, qui habitait en Virginie, nous faisait savoir, avec son message "crypté", que son frère a atterri en Thaïlande. Cependant, elle nous a également conseillé de retarder toute tentative de “ déménager “! Quelle grande infortune pour nous d'avoir raté une fois de plus! Nous avons appris plus tard à quel point nous étions chanceux! Le bateau qui emmenait mon beau-frère a subi le même sort : Leur bateau, très petit et surchargé, est tombé en panne en pleine mer. Les pirates Thaïlandais se sont approchés d'eux, les ont volés, puis ils les ont embarqués dans leur bateau de pêche et leur ont donné de la nouriture. Ils pensaient qu’après tout ils étaient sauvés! Ils avaient tort car, vers 4 heures du matin, les Thai les ont emmenés avec eux. D'après mon beau-frère, il faisait encore nuit et la mer était très agitée. Lorsque le bateau était à environ 800 mètres du rivage d’une île , tout à coup, les pirates sont devenus très agressifs. Ils criaient dans leur langue que personne ne pouvait comprendre, mais il était clair qu'ils ont ordonné à tous les passagers de sauter dans l'eau froide et de nager pour atteindre l'île. Ils ont poussé par-dessus bord ceux qui ont hésité. Par pure chance, mon beau-frère a pu saisir un grand bidon vide en plastique, avant d'être poussé dans l'eau. Il a réussi à atteindre la terre et a survécu, avec dix-huit autres passagers. Malheureusement, dix-sept d’entre eux se sont noyés. Ils ont retrouvé leurs corps lacérés les jours suivants sur la plage voisine. Cette île portait le nom Koh Kra. Il y avait déjà sur l'île plus d'une centaine d'autres victimes qui y ont été amenées à des moments différents. Quatre jours plus tard, un pilote du HCR a découvert ces personnes en détresse quand il survolait la région. Ces malheureux ont sauté sur leurs pieds, crié et lui ont fait signe désespérément avec leurs mains. L'homme a alerté les autorités Thaïlandaises, qui ont envoyé un patrouilleur pour vérifier la situation le lendemain. Ils ont ensuite ramené toutes les victimes à Songkhla, un camp de réfugiés thailandais où une enquête a eu lieu. Quelques criminels ont été́ interpellés. Avec l'aide de plusieurs dizaines de témoins, accompagnés par les condamnations de la presse, le gouvernrment Thaïlandais n'ont eu d'autre choix que de traduire ces monstres en justice. On n’a jamais su avec certitude à quelles peines ces pirates avaient été́ condamnés à la fin du procès? Un bulletin d'information publié plus tard par le HCR a montré que plus de 160 réfugiés Vietnamiens avaient été tués, directement ou indirectement, par les pirates Thaïlandais, rien que sur cette île tristement célèbre nommée Koh Kra! Des milliers d'autres ont été tués, violés et leurs corps ont été jetés par-dessus bord et se sont retrouvés sur la ligne côtière Thaïlandaise. Dans de nombreux cas, les femmes, y compris les jeunes filles mineures, après avoir été violées, torturées pendant des jours, échangées de bateau en bateau, n'ont pas survécu à l’épreuve. D'autres se sont suicidées en se jetant dans la mer, ou ont été tuées par la suite pour éliminer les témoins. Il existait également des preuves de filles victimes, vendues à des bordels en Thaïlande ou dans d'autres pays voisins comme le Cambodge, la Malaisie. Il y avait des rumeurs publiques mais bien convaincantes qui disaient que ces atrocités étaient bien connues depuis le début par les autorités Thaïlandaises, mais tolérées et utilisées comme moyen de dissuasion pour décourager les réfugiés Vietnamiens de chercher refuge, même temporaire, sur leur territoire! Vraie ou fausse, cette hypothèse comme ces crimes abominables terniront à jamais l’histoire de ce Royaume connu ironiquement pour sa culture bouddhiste!
“Tout chemin mène à Rome!“ mais dans notre cas, ne serait-il pas plus approprié de dire “Tout chemin mène à Koh Kra“. Si nous avions rejoint l'un ou l'autre de ces deux groupes dans notre tentative d'évasion, où aurions-nous fini? Probablement dans l'estomac de ces requins obèses qui avaient savouré leur festin dans le golfe de Thaïlande!
Était-ce de la chance ou autre chose? me suis-je demandé bien des fois. Je ne crois pas particulièrement à la chance! Étant catholique, l'enseignement bouddhiste du « Karma » m'a semblé pourtant plus explicatif. Au cours de ces moments terrifiants de ma vie, les ailes de mon Karma semblaient m’avoir toujours soulevé hors du danger et m'ont fait reposer sur un terrain paisible et bien protégé!
ONE MORE TRY
Fin 1980, Colonel M., un ami de ma famille, nous informait que lui et sa jeune fille ont payé leurs places sur un bateau dont il connaissait bien la famille. En fait, nous connaissions aussi la famille de l’organisateur, Mr. Hai, qui était de la même ville d’origine que nous. Après une longue entrevue avec lui durant laquelle il nous a parlé un peu de ses préparations que nous avons jugé fiables, nous avons accepté le marché : dix TDO pour ma famille de trois personnes, mais au lieu d'un prépaiement partiel comme auparavant, nous avons dû payer le total de notre frais tout de suite! Portant encore les stigmates des échecs précédents, je me demande pourquoi nous avons néanmoins accepté cet accord avec si peu de réserves? N’était-ce pas la réaction d’un joueur frustré, qui voulait mettre tout son argent sur un dernier match? Tout ou rien?
Toute la famille de Mr Hai a pris ou prendra part aux différentes étapes de préparation du voyage, principalement lui, le mari, et son gendre, un étudiant à l'École d'ingénieurs de Phu Tho. Au cours des derniers mois, ils vivaient presqu’à temps plein à cet endroit, préparant le bateau, tout en recrutant un équipage local qui connaissait bien le réseau fluvial et la topographie complexe du lit des rivières dans cette particulière région. Sans eux, la sécurité du voyage serait très compromise. Nous étions ravis de savoir que tous les préparatifs étaient presque terminés et la date de lancement serait annoncée à tout moment.
Le jour J est arrivé vers la mi-janvier 1981. Encore une fois, nous avons dû faire nos adieux à nos parents. Croyez-le ou pas mais vraiment, je me sentais plus préoccupé par ce moment d’adieu que des dangers de toute nature qui semblaient nous attendre dès ce moment. Bien que mieux préparés que la première fois, en silence nous nous sommes tous étouffés par les larmes.
Il faisait sombre quand nous sommes partis. La ville dormait encore. Nous avons marché en silence comme des somnambules. Les feux jaunes automatiques de circulation ajoutaient une touche irréelle à la scène.
Quel soulagement quand nous avons reconnu notre guide à la Gare Routière de l'Ouest, située à une dizaine de kilomètres de Saigon. Avec un sourire, elle nous a calmement tendu les tickets de bus et nous a demandé de la suivre. Son attitude était très rassurante et bien meilleure que celle de notre précédent guide.
Le bus nous a emmenés à Vinh Long, une province à environ 130 km de Saigon ; de là, nous avons utilisé un bateau public pour nous rendre à notre rendez-vous avec le ‘bateau-taxi’ (*) de l'organisation. Tout s'est bien passé! Quand nous sommes arrivés, le taxi était déjà là avec six ou sept passagers à bord.
(*) Le bateau-taxi n’avait rien qui ressemble à un bateau, c’était tout simplement un petit sampan motorisé en bois d'environ 6m de long, recouvert d'un toit en feuilles tressées qui recouvrait tout le long du sampan. Deux longues planches de bois d'environ 30cm de large le long des deux côtés du sampan servaient de banc pour les occupants.
Un jeune couple local prenait en charge du bateau-taxi. Leur mission était de nous transporter jusqu'au grand bateau. C'était plutôt sombre à l'intérieur et je n'ai pu reconnaître aucun des passagers. Lorsque le taxi est enfin parti, il était environ 17h. Après une longue journée de déplacement continu, nous nous sentions tellement fatigués; ce serait peut-être un bon moment pour nous de faire une petite sieste. Malheureusement, nous étions si tendus et le siège semblait si dur pour nos fesses. Avec mon fils sur mes genoux, poussant mon torse vers l'arrière contre une arche en bois qui soutenait les côtés du sampan. Cette position inconfortable a engourdi le bas de mon dos.
Le crépuscule approchait et le ciel devenait sombre très vite dehors. Les gens se sont mis à somnoler, bercés par le rythme du bateau. Bien que nous naviguions dans une rivière, ce n'était pas moins dangereux car le sampan semblait fragile et légèrement surchargé. Le jeune couple en charge du bateau-taxi s'est montré très compétent, il s'est conduit avec beaucoup d'assurance et très en harmonie: la fille en gardienne à l'avant, le gars en conducteur à l'arrière. Ils gardaient bien leur sang- froid; je les entendais plaisanter de temps en temps et riaient bruyamment dans la nuit comme s’ils étaient des innocents pêcheurs locaux sur leur route de travail. Je les admirais beaucoup: ils étaient nos héros, nos anges gardiens. De temps en temps, nous pouvions voir la lumière d'un projecteur, balayer l'eau sombre d'avant en arrière, peut-être d'un bateau des garde-côtes, à la recherche de leur proie.
Après un très long trajet de plusieurs heures, le sampan a ralenti et s'est finalement arrêté, moteur coupé. Comme nous étions à l'intérieur et qu'il faisait si sombre, je ne pouvais pas dire où nous étions. La jeune fille nous a informé que nous venions d'arriver dans la zone désignée où nous devions attendre l'arrivée du "gros poisson". Bien qu’excité, tout le monde se taisait! Le silence était immense tout autour de nous. À travers le couvercle de l'entrée, j'ai essayé d'avoir un aperçu de l'extérieur. La nuit était sombre et venteuse. Je peux voir des plantes aquatiques là où nous nous sommes arrêtés. L'eau continuait à nous bercer, un moment idéal pour nous relaxer si nous étions dans une situation différente. ll était presque minuit passé. Nous étions épuisés et tendus, j'ai fermé les yeux dans un état de somnolence. L'attente semblait interminable. Soudain, j'ai été réveillé par la voix du guide: “Désolé les amis, nous ne pouvons pas établir contact avec “Le grand poisson”, nous devons battre en retraite tout de suite, avant le lever du soleil! Restez calme, je vous en prie! Tout ira bien!" Silencieusement, j'ai serré la main tremblante de ma femme! La mauvaise nouvelle nous a frappé comme un vilain coup de poing dans l'estomac.
Jusqu'à présent, je me suis toujours demandé: comment ont-ils pu savoir que le plan d'action devait avorter et décidé de faire machine arrière? À l'époque, le téléphone portable n'existait pas encore, et je ne les ai pas vus avoir un “talkie-walkie“ non plus! Peut-être qu'ils ont reçu l'ordre de prendre de telles mesures si le “Grand poisson“ ne se montrait pas après un certain temps? Dieu seul le savait!
En temps de guerre, le retrait des troupes est toujours plus périlleux et demande beaucoup plus de préparations et de compétence de commandement que dans une opération offensive. La mauvaise nouvelle a paniqué la plupart des passagers! L’espoir qui nous a aidé à surmonter la peur et l'épuisement physique, n'était plus là. Cependant le sang-froid et la compétence du jeune couple en charge du taxi étaient les seuls supports qui nous ont aidés énormément à maintenir notre moral. Ces gens ordinaires que nous avons tendance à ignorer dans la vraie vie, sont devenus de manière inattendue nos anges gardiens dans cette situation désespérée!
La retraite s'est déroulée comme un film à l'envers. La nuit était encore noire. De temps en temps, de puissants faisceaux de projecteur balayaient la surface sombre de l'eau pour nous rappeler que la présence des garde-côtes n'était peut-être pas si loin. Le seul gars le plus cool du coin était toujours mon fils, qui a dormi paisiblement dans mes bras.
De nombreuses heures ont dû s'écouler lorsque l’aube se dessinait à l'horizon. Notre "taxi" s'est enfin arrêté dans un port de ferry. Le guide nous a rappelé encore de prendre le ferry pour retourner à Vinh Long et, de là, de reprendre le bus pour Saigon. Le ferry était presque vide, nous étions peut-être parmi les premiers à y avoir mis les pieds.
Jamais je n’aurais cru que le sommeil pourrait être beaucoup plus irrésistible... qu’un corps de femme exposé! Malgré tous mes efforts, mes yeux ne m’obéissaient plus, ils se fermaient malgré moi. Je ne pouvais plus contrôler mon corps. J'ai remis mon enfant à sa mère et dans un coin caché du ferry, je me suis laissé tomber comme un jouet à court de batterie. Le sommeil s’est emparé de moi presque instantanément. À ce moment-là, j'étais au-delà de toute peur, j’étais invincible!
"The third time is a charm" ce qui veut dire "Essayez encore une troisième fois, vous aurez peut-être une meilleure chance de réussir". Cet idiome Américain s'est avéré décevant dans mon cas. Ma première tentative ratée d'évasion m'avait coûté 13 TDO; la deuxième fois, nous avons été bouclés pour quelque temps, et maintenant, cette troisième fois, nous nous sommes trouvés coincés comme des rats sur cette misérable embarcation en retraite!
Une question n'a pas cessé de me tracasser: Pourquoi le "Grand Poisson" ne s'est-il pas montré? Était-ce à cause d'une erreur technique ou était-ce un autre complot pour me voler? Je n'en avais aucune idée, du moins pour le moment.
Nous étions de retour à Saigon vers 17h. Bien sûr, mes parents étaient heureux de nous revoir sains et saufs. Pourtant, cette fois, je croirais avoir ressenti un léger mélange d’émotions de leur part: Du bonheur mêlé de surprise avec une “pincée" de déception. D'innombrables prières ont été dites, beaucoup de larmes déjà versées, bien sûr, plus d'argent à injecter après chaque tentative infructueuse et nous étions encore de retour à la case départ.
Le lendemain, je suis allé voir le propriétaire du bateau pour savoir ce qui s'est passé? Je voulais aussi savoir si je pourrais annuler le voyage et récupérer mon or?
Le propriétaire du bateau s'est excusé du contretemps désolant. Pour des raisons de sécurité, ils avaient dû annuler le lancement à la dernière minute et reporter la date du départ. Il a cependant promis qu'il ne prendrait que peu de temps avant qu'il puisse annoncer la prochaine date de lancement. Il m'a également confirmé que toutes les contributions reçues des passagers ont été investies dans la préparation du voyage et ne seraient pas remboursable, au moins pour le moment. Quel bordel! Encore 10 TDO en péril, c'était sans aucune doute notre dernier atout! Sans eux, ce serait la faillite, le fiasco... et que cela nous plaise ou non, nous devrions renoncer à jamais toute tentative d’évasion et accepter de nous faire partie de ce régime ignoble!
Quand j'ai rencontré colonel Minh quelques jours après, il était plutôt d'une humeur sombre. Il a mentionné une diseuse de bonne aventure vivant dans un appartement pas trop loin et m'a demandé si j'aimerais aller la voir. Tous ses amis l’ont recommandée vivement. Comme je n'avais rien à faire ce jour-là, je me suis porté volontaire pour l'y emmener. Je n'ai eu aucun problème à trouver sa résidence au deuxième étage de l'immeuble. Tous les habitants de ce logement semblaient la connaître et nous ont montré le chemin avant même que nous ayons eu le temps de demander! Une forte odeur d'encens provenant d'un autel remplissait la petite salle d'attente. Il y avait déjà pas mal de monde, assis par terre, attendant leur tour. La "clairvoyante", dans la quarantaine, était assise derrière une petite table avec autorité. Ses clients semblaient intimidés devant elle. Elle a prédit la fortune de ses clients basée sur sa "traduction" des cartes de Tarot qu'ils ont choisies. Je ne pouvais pas les entendre d'où je me tenais, mais j'étais presque sûr qu'il s'agissait de leur prochaine tentative d'évasion! Je ne suis pas un grand fan de la pratique de la divination. Je préfère l'inconnu, un "oui" ou un "non" d'une diseuse de bonne aventure ne pourra jamais me convaincre!
Colonel Minh est sorti après la séance avec la Dame, faisant grise mine. Sans attendre il m’a dit d'une voix nerveuse: “Pas bon! Elle m'a dit que ça va être mauvais et aller récupérer mon argent si c'est encore possible!” C'était exactement ce qu'il a essayé de faire les jours suivants, sans me le dire!
BONNE CHANCE, MAUVAISE CHANCE
Peu de temps après la célébration du Tết, le nouvel an lunaire Vietnamien (1981 était "l'année du coq "), nous avons eu des nouvelles du propriétaire du bateau. Le jour J aurait lieu le dimanche 22 février 1981. Moi qui souffrais en silence de cette crise de confiance après les précédents échecs, les nouvelles d'un nouveau Jour J m'ont redonné l'espoir que l'organisation était authentique et pas bidon comme j'ai toujours eu peur!
Les Boat People ont fui le Vietnam par bateaux dans différentes directions. 389.969 ont survécu à l'épreuve et se sont retrouvés dans différents camps de réfugiés: Hong Kong (86 634), Philippines (35.516), Indonésie (50.742), Singapour (16.997), Malaisie (115.748), Thaïlande (84.332)
Il y a un changement de dernière minute de mon côté. Le frère benjamin de ma femme, Dang, qui avait 19 ans, nous rejoindrait.
Comme la dernière fois, ils ont divisé les participants habitant Saigon en six petits groupes de dix à douze personnes. Le jeune frère de ma femme rejoindrait les trois premiers groupes, qui partiraient le samedi 21 février, un jour avant la date du départ. Les trois groupes restants, comprenant le nôtre, quitteraient Saigon le lendemain, dimanche 22 février, le même jour que la famille du propriétaire du bateau. C'était, à vrai dire, une faveur particulière car il serait moins dangereux de ne pas avoir à passer la nuit dans la zone où le lancement aurait lieu.
Vendredi, j'ai emmené Dang chez Mme Hai pour y passer la nuit afin qu'il puisse partir tôt le lendemain. Parmi les gens que j'ai rencontrés ce jour-là, j'ai vu une jeune et belle dame. D'après son accent, je savais qu'elle venait de Hue, ma ville natale. Au cours de notre conversation, j'ai appris qu'elle était la filleule de Mme Hai; son mari, Lang, qui était chef de district avant la chute du sud Vietnam, a été libéré récemment du camp de concentration. Ils quitteraient le dimanche avec leurs deux enfants et ses deux jeunes frères aussi. Elle m'a demandé avec un sourire: “Ça vous dérange si je vous demande votre âge?" J'ai été assez surpris par sa question mais j'ai quand même répondu: "Pas du tout! Je suis né en 1949, l'année du "Buffle " Elle a dit avec un grand sourire: “Nous avons le même âge alors! Au fait, croyez-vous aux diseurs de bonne aventure?" J'ai souri et j'ai dit: "Non, madame! Et vous?" "Beaucoup!" elle a répondu. "Connaissez-vous le diseur de bonne aventure aveugle au marché de Ba Chieu? Il m'a dit que ce serait mauvais comme lors de notre dernière tentative, et voyez ce qui s'est passé?" Je me suis dit: Non seulement cette dame est superstitieuse, elle serait aussi un peu dérangée! Pourquoi aborder un tel sujet en ce moment? J'ai quand même essayé de la calmer avec quelques mots d'encouragement: “Ne vous laissez pas déranger par sa prédiction! Il y aurait au moins une soixantaine ou plus de personnes sur le même bateau. Qu'est-ce qui vous fait penser que tous vont partager le même sort?” La conversation s'est terminée, et elle a semblé d'accord avec mon raisonnement. Cette causette qui paraissait un échange banal restait toujours vivace dans ma mémoire même après quarante ans. (*)
(*) Un jour plus tard, le dimanche 22 février 1981, le bateau-taxi dans lequel cette jeune dame se trouvait avec sa famille a coulé dans une section du fleuve Mékong. Elle s'est noyée avec ses deux enfants et un de ses frères. Son mari a été sauvé par les villageois mais la police l'a renvoyé en prison. Cette horrible nouvelle nous est parvenue bien plus tard après que nous ayons déjà atteint en toute sécurité la côte indonésienne et temporairement emmenés dans un camp de réfugiés.
Nous avons quitté Saigon très tôt, le dimanche 22 février 1981. Je voudrais vous épargner de toute morosité de ce troisième adieu...
Nous n'avons eu aucun problème à localiser notre guide lorsque nous avons atteint la gare routière de l’Ouest ; il nous a dit qu'une autre famille allait rejoindre notre groupe. Le couple semblait un peu plus âgé que nous, avec deux enfants à peu près du même âge que le mien. J'ai su plus tard que l'homme était Dr. Tan, également de Hue.
Tout s'est bien passé comme la dernière fois avec le même itinéraire. Le dernier arrêt du bus était Vinh Long. De là, un bateau public nous a conduits au rendez-vous avec notre bateau taxi. Le quai où le bateau nous a emmenés était relativement désert, avec peu d'habitations. Le guide nous a demandé de le suivre de distance. Près de la jetée, il y avait un petit stand de café où un groupe de deux ou trois jeunes mecs était assis, ils papotaient tout en sirotant leur café. Je ne serais pas surpris qu’il s’agisse d’une pause-café́ des gars de la sécurité locale!
A dix, quinze pas devant nous, Dr Tan a suivi le guide, tenant son fils dans ses bras. Il s’est dirigé vers un “Cầu Khỉ“ (*), le pont de singe, qui ̣traversait un fossé étroit le long de la route.
Une des versions de “pont de singe”. (Cầu khỉ )
(*) Le “pont de singe“ est une construction très primitive dans la campagne du VN faite de troncs d'arbres ou de bambou, de la taille de votre bras, attachés ensemble avec une corde, reliant les deux côtés d'un fossé ou d'un petit plan d'eau. Selon la distance à traverser, certains sont construits avec garde-corps, d'autres sans.
Avec l'aide du guide, Mme Tan a traversé le fossé en toute sécurité avec sa fille. J’ai cherché des yeux ma femme qui était en arrière quand soudain j'ai entendu un grand bruit amorti devant moi. J'ai tourné la tête, et j'ai vu Dr. Tan, ses pattes dans l’air, son fils toujours dans ses bras, pataugeant dans la boue au fond du fossé! Il a eu beaucoup de chance parce que la tranchée était peu profonde et boueuse, autrement, il aurait pu se blesser et son fils aussi. Dans une autre situation, j'aurais bien aimé rire un bon coup de cette scène hilarante, mais la peur semblait prévaloir. Perdant son sang-froid, Tan a utilisé nerveusement sa main pour nettoyer la boue de son visage et des cheveux de son enfant. Il s'est efforcé de sortir du fossé, trébuchant encore et encore sur le côté avant de réussir enfin à se hisser sur le bord. Sans même regarder en arrière, il a quitté le lieu précipitamment en boitant, laissant même son chapeau derrière lui. C’était une scène absolument comique mais qui nous a mis dans une situation très difficile. Du coin de l'œil, je pouvais voir que ces gars du stand de café étaient au courant de l'accident. Ils ont éclaté de rire en pointant leurs doigts dans notre direction! J'ai senti mon cœur battre très fort dans ma poitrine. Je savais avec certitude que ces gars allaient nous suivre des yeux maintenant, espérant peut-être voir un autre incident cocasse. Tout accident de cette nature pouvait avoir des conséquences fâcheuses car il dénonçait que nous n'étions pas des gens du pays, ceux qui pourraient traverser le "pont de singe" avec leurs yeux fermés. Grâce à la mésaventure du Dr. Tan, nous avons traité la traversée très attentivement et l'avons faite sans accroc.
Après encore un quart d'heure de marche, j'ai aperçu un petit sampan motorisé garé à un endroit assez discret sur le bras de la rivière. Mon groupe était déjà à l'intérieur, alors nous les avons rejoints avec joie. Sans tarder, le conducteur du bateau a mis le moteur en marche et nous sommes partis rapidement. La rivière était vaste et turbulente. D'un côté, on pouvait à peine voir l'autre côté. Toute cette eau à la fois boueuse et agitée ne semblait vraiment pas très réconfortante. Le mouvement du bateau qui montait et descendait sur la surface des vagues ajoutait à notre anxiété. Aucun de nous ne savait nager et nous n'avions pas non plus de gilet de sauvetage. Tout accident serait inévitablement... un “enterrement fluvial“! Ne serait-ce pas une ironie méchante de perdre sa vie dans cette rivière sale et boueuse alors qu’on prévoyait de traverser la mer?
De nombreuses heures s'étaient écoulées et la nuit tombait déjà lorsque l'équipage a annoncé qu'il avait finalement identifié le "Grand Poisson". De l'intérieur, nous ne pouvions rien voir, mais tout le monde était en extase. Le jeune conducteur du bateau taxi nous a demandé de nous calmer et de ne pas faire de bruit. Il nous a fallu près de vingt minutes pour aborder le “gros“ bateau. Le moteur enfin arrêté, le silence est revenu. Nous pouvions entendre le bruit de frottement des deux coques de bateaux. Le déchargement des passagers s'est fait rapidement, en commençant d'abord par les enfants et les femmes. Nous étions très heureux de reconnaître le jeune frère de ma femme parmi ceux qui se tenaient sur le pont avant du bateau. Depuis le temps où nous nous étions engagés dans cette aventure, c’était la première fois que nous pouvions enfin voir de nos propres yeux, toucher de nos propres mains la "marchandise" que nous avons “commandée”: le "Grand Poisson". C'était un moment merveilleux!
Voici à quoi notre "gros poisson" pourrait ressembler! La dimension pourrait être différent de l’un à l’autre.
Tous les passagers se sont déplacés rapidement vers le pont inférieur. Nous n'avons pas eu le temps de nous reposer et de célébrer, après une très longue journée, lorsque M. Hai et son gendre nous ont demandé de former un cercle autour d'eux afin qu'ils puissent faire le point de la situation. L'atmosphère, en général, semblait assez tendue. D'une voix hésitante et sérieuse, il s'est adressé aux passagers: "Bienvenue à tous! Chers amis, j’aimerais partager avec vous une information très urgente! Je pense que peut être quelques-uns d'entre vous le savent déjà: Des trois bateaux-taxi qui ont quitté cet après-midi pour le rendez-vous, un seul est arrivé il y avait quelque moment ; deux autres qui transportaient la plupart de ma famille, y compris mes enfants, petits-enfants et amis proches, sont toujours portés disparus. La raison du retard n'a pas encore été déterminée. Pour aggraver les choses, nos outils de navigation, la nourriture et l'eau potable destinés au voyage ont été́ entreposés sur ces deux "taxis" manquants. Pour cette raison, j'aimerais suggérer que nous reportions le départ jusqu'à demain soir, suffisamment de temps pour déterminer le sort de ces taxis disparus. Quoi qu'il en soit, sans les outils de navigation et le ravitaillement, je doute que nous puissions effectuer ce voyage en toute sécurité? " La réaction générale de l'audience n'était pas loin de la panique. J'ai entendu quelqu'un jurer, d'autres parler de sauter dans la rivière et de nager jusqu'au rivage par crainte de l’intervention des garde-côtes communistes! Tout le monde chuchotait, personne n’a trouvé aucun argument convaincant pour contester les propositions du propriétaire du bateau. Moi non plus, j'étais sans voix ; un mélange de désespoir et d'incertitude semblait m'envahir. Combien de temps cette malédiction serait-elle sur nous? Après tant d’attente, d’angoisse et d’espoir, nous voici maintenant au cœur même du “Grand Poisson” en toute sécurité, et nous ne pouvions toujours pas partir? Était- ce la fatalité, pure et simple? Non, je n’allais pas me rendre à mon sort si facilement. Je devais faire quelque chose, mais quoi mon Bon Dieu? Une idée m'est venue à l'esprit. J'ai rapidement retrouvé mon calme. Je suis monté sur le pont supérieur, à la recherche des deux gars de la Marine dont j'ai entendu dire qu'ils seraient chargés de la navigation du bateau. Je les ai vus parler à voix basse à côté de leur cabine. Après 40 ans, c’est incroyable que je me souvienne encore de leurs noms et de la courte conversation que j'ai eue avec eux. Lưu, net et beau, était seul et Dưỡng, petit, peau foncée, a amené son fils de cinq ans avec lui. Je leur ai demandé: “Que pensez-vous de la proposition de M. Hai?” Lưu avec son sourire détendu a dit: "Je ferai tout ce que M. Hai me demandera de faire". Je me suis tourné vers Dưỡng et lui ai demandé: "Et vous?" Il a réfléchi un instant et il a dit: “ Je pense que nous devrions partir ce soir!“. “Comment pouvez-vous naviguer sans boussole?“ lui ai-je demandé. "J'ai apporté une petite boussole terrestre avec moi, juste au cas où j'aurais besoin d'ajuster l'autre boussole." “Dites-moi en toute sincérité, si, avec cette seule boussole terrestre, vous seriez capable de sortir le bateau de l'estuaire et à le conduire à destination?" Je n’hésitais pas à lui adresser mon inquiétude. Il a réfléchi un instant, la tête hochée et il a dit: «Avec l'aide de Dieu, je pense que ce serait possible!“ Alors, vous êtes d’accord tous les deux de partir ce soir si je peux convaincre M. Hai de changer d'avis?” Leur ai-je demandé. Ils ont acquiescé résolument d’un signe de tête! Maintenant, avec un peu de recul, je crois que personne n’était sûr de rien en ce moment du destin. Ni moi, ni eux! Je les ai incités tout simplement à me mentir, à dissimuler une vérité si inquiétante…
Je me suis précipité vers le pont inférieur. Je croyais cependant qu'il serait crucial de préparer un peu l’opinion des autres passagers avant de m'adresser au propriétaire du bateau. J'ai dit à tous ceux que j'ai rencontrés: “Bonne nouvelle! S'il vous plaît, dites à tout le monde que tout ira bien! Nous avons déjà la boussole! (Je n'ai pas menti. Je leur ai dit seulement la moitié de la vérité! Je n'ai pas mentionné que ce n'était qu'une petite boussole terrestre!) Nous ne pouvons pas attendre ici un autre jour“, ai-je ajouté; “Nous serons arrêtés et mis en prison dans peu de temps. Mais pour ce faire, mes amis j'ai besoin de votre soutien,! D’accord?" Après avoir obtenu le consentement d’un grand nombre de passagers, nous nous sommes rassemblés et avons demandé à parler au propriétaire du bateau. Devant tous, j'ai dit à M. Hai: "Tout d'abord, nous partageons sincèrement votre inquiétude à propos des deux taxis disparus dans lesquels se trouve la plupart de votre famille. Nous savons aussi que votre famille a consacré beaucoup d'efforts à l'organisation de ce voyage. Cependant, notre bateau n'est pas en sécurité dans cette zone, il est trop exposé, d'ici nous pouvons voir l'éclairage des maisons dans les alentours. Si nous restons ici encore une nuit, croyez-moi, le bateau sera certainement découvert et confisqué ; tous les passagers seront appréhendés. Il n'y a pas de gagnant dans votre décision. C'est pourquoi nous vous demandons de nous laisser partir ce soir!” Pour être juste, je dois dire que M. Hai était une personne très décente, calme et toujours à l'écoute. D'une manière ou d'une autre, je peux sentir qu'au fond de lui, il partageait mon point de vue, mais en raison de l'incertitude de sa propre famille, il a hésité à prendre une telle décision. D'une voix tremblante, il disait: “Comme vous le savez tous, le bateau vous appartient puisque vous avez tous payé intégralement. Mais comme je l'ai mentionné plus tôt, la raison qui nous a obligés à retarder le départ n'était pas seulement à cause de l’absence imprévue de ma famille à la dernière minute, mais aussi parce que nous n'avons pas d'outil de navigation, et surtout pas de nourriture ni d'eau potable.” “Ne vous inquiétez pas, M. Hai. Nous avons une boussole de secours!” J'ai répondu rapidement. “Qu'en est-il de la nourriture et de l'eau? “ A-t-il demandé. " Nous avons un sac de riz..." disait quelqu'un. Un autre a ajouté: “Nous pouvons rincer les réservoirs vides de diesel en plastique et les remplir avec l'eau de la rivière… Ce n'est peut-être pas la meilleure eau à boire, mais je pense que cela ne tuera personne!”
La majorité des passagers semblait approuver et a exprimé son soutien à ma demande! Le propriétaire du bateau l'a vu, alors il a dit: «Mes amis, si c'est votre décision finale, finissons tous les préparatifs, et nous partirons à 22 h! Cependant, j'aimerais vous demander une faveur: comme vous le saviez déjà, jusqu'à présent, nous ne savons pas ce qui a pu arriver à notre famille, nous sommes donc prêts à vous laisser, ainsi qu'à l'équipage, prendre contrôle du bateau. Mon gendre et moi, devons retourner pour savoir ce qui s'est passé et prendre soin de la famille”. Pour avoir été trompé tant de fois auparavant dans ma tentative d'évasion du pays, je déteste ces "surprises de dernière minute"! Puisqu'ils sont en charge de l’opération depuis le début, comment pouvons-nous nous en sortir sans eux? Mais sa demande était aussi très raisonnable ; leur famille est en danger et aurait besoin de leur aide. Je lui ai donc offert un compromis: “ Nous comprenons que vous devez prendre soin de votre famille, mais votre présence est également très nécessaire ici. Allons-y! Parlez à votre gendre, l'un de vous deux devrait venir avec nous!” Ils avaient l'air misérable, père et fils. Dans les circonstances actuelles, je pouvais dire qu'ils ne voulaient pas nous rejoindre. M. Hai a joint ses deux mains et a supplié son gendre: “S'il te plaît, laisse-moi retourner m'occuper de notre famille! Si les VC découvrent que nous sommes derrière tout ce bazar, ils seront probablement plus indulgents envers un homme plus âgé comme moi qu'un jeune homme comme toi! S'il te plaît, va avec eux ce soir!" Le jeune homme essuya ses larmes mais ne dit mot.
Un groupe de jeunes a déjà commencé à s’occuper de l'eau potable. Deux d'entre eux ont sauté dans la rivière ; les autres leur ont tendu des bidons en plastique de diesel vides pour les rincer et les remplir d'eau, puis ils ont utilisé une corde pour les tirer jusqu'au pont. Au bout d'une demi-heure, ils se sont retrouvés avec une dizaine de bidons d'environ 20 litres chacun. Pendant ce temps, tous les passagers préparaient leurs “ nids “ dans un espace très restreint. En fait, avec environ soixante-dix personnes, enfants compris, il n’y avait pas d’autre choix que de s'adapter à la disposition des “ sardines “. Si les deux autres bateaux-taxis avaient pu nous rejoindre, le nombre de passagers aurait approché la centaine, je me demandais comment il aurait pu y avoir assez de place pour tout le monde?
Le bateau était enfin prêt à appareiller vers minuit. Dans l'obscurité de la nuit, le bateau a commencé à glisser lentement, se dirigeant vers la mer de Chine. La tension et l'excitation se faisait sentir en ce moment solennel. Seules quelques personnes, chargées de manœuvrer le bateau restaient dans la cabine supérieure, le reste, y compris ma famille, se trouvait dans le compartiment inférieur. Tout le monde priait en silence pour un voyage en douceur et en toute sécurité. Nous n'étions qu'au tout début et j'étais très conscient des dangers qui nous attendaient à chaque étape du voyage. Pour naviguer en toute sécurité la nuit, empêcher le bateau de heurter les dunes ou son hélice de s'emmêler dans les filets de pêche, exigerait que les membres de l'équipage soient locaux et familiarisés avec la topographie de la rivière et avec son courant. Tout incident pouvait arrêter ou ralentir le bateau et nous mettrait tous en danger imminent d'être arrêtés.
Le bateau a fonctionné sans à-coups pendant des heures, mais tant qu'il n'atteindrait pas les eaux internationales, il faudrait toujours nous préparer à des surprises fâcheuses. Quand nous sommes finalement arrivés à l'estuaire, c'était l'aube. Les bateaux de pêche se dirigeaient vers la mer. La peur semblait s'estomper peu à peu. Tout le monde pouvait enfin respirer librement. Cependant, il était trop tôt pour célébrer, trop de dangers planaient encore au-dessus de nos têtes. Une chose à signaler, nous avons appris que le propriétaire et son gendre avaient quittés le bateau discrètement, peut-être juste au moment du départ. Que Dieu les protège!
Après environ 3 ou 4 heures de conduite en douceur, nous avons vu apparaître, assez loin, à notre droite, un gros navire blanc. Certains passagers sur le pont supérieur ont pointé du doigt le navire inconnu avec enthousiasme et ont même suggéré de nous rapprocher pour demander de l'assistance! J'ai rejoint d'autres pour convaincre l'équipage de faire le contraire car nous n'étions même pas sûrs d'avoir déjà atteint les eaux internationales. Si ce navire était russe ou cubain, au lieu de nous secourir, ils seraient heureux de nous prendre à son bord et de nous délivrer à leurs “ camarades “, les garde-côtes communistes. J’avais entendu parler de ce type d’éventualité longtemps avant, quand j’étais encore dans le pays. Dans les moments difficiles, j'ai trouvé que le bon sens et le bon jugement sont les compétences de base de la survie! Le problème c’est que très peu de gens en ont assez.
Le temps était magnifique et l'eau était calme. Nous pouvions déjà sentir la liberté dans chaque bouffée d’air que nous aspirions ; plus de soucis pour les garde-côtes VC. Pourtant, les autres menaces étaient encore toujours là, intactes: les intempéries de la haute mer et les attaques abominables des pirates thaïlandais. Tomber dans l'une des deux pourrait signifier une mort certaine ou des blessures incurables à vie!
Le grand poisson fonçait résolument dans l’obscurité de la nuit sans interruption. À cette heure avancée, j'étais sûr que nous étions déjà dans les eaux internationales. Notre destination prévue était l'Indonésie, dans l'espoir de nous éloigner le plus possible de la route de pêche des pirates thaïlandais, néanmoins, la menace de piraterie restait toujours présente dans mon esprit depuis que nous nous préparions à nous échapper par la mer. Bien que je ne sois pas un catholique très dévoué, j'ai toujours prié Dieu de nous épargner de ces dangereux sauvages. Je pourrais pardonner le vol, mais je ne pourrais jamais tolérer les actes violents et vicieux contre les innocents, en particulier contre les femmes et les enfants. Bien sûr, comme tout le monde, je craignais pour ma vie, mais me connaissant si bien, je savais parfaitement comment je me comporterais dans ces moments abominables. Je ne pourrais jamais faire le mort, ou rester résigné, soumis, à témoigner ces salauds attaquer, violer, tuer leurs victimes, encore moins si cette personne était ma femme, mon enfant, ma sœur... Je préfère mourir sur le champ de bataille contre les agresseurs que de mourir plus tard dans mon lit, rongé par la honte et le remord. Oui, j'avais pratiqué des arts martiaux quand j'étais jeune, mais je ne suis pas Bruce Lee, ni Rambo ; mon sort serait scellé à coup sûr en cas d'affrontement! Même maintenant, à soixante-douze ans, mon allergie à toute saloperie et violence est encore bien connue! Peut-être que le bon Dieu savait que ma prière était sincère et pour une bonne raison; on aperçut aucune activité de pirates pendant tout le trajet. Nous avons vu passer des bateaux géants à la place, parfois à longue distance, d'autres fois très près, si près que nous craignions tellement que les vagues de leur passage aient pu mettre en danger notre tout petit bateau. J'ai vu des gens nous regarder avec de grosses jumelles depuis leur pont. Malheureusement, aucun d'eux n'a répondu à nos signes de détresse, ils nous ont laissés tout simplement en arrière avec notre frustration et notre sensation de fragilité extrême face à l'immensité de l'océan, une sensation que nous n'avions pas connue avant leur rencontre. Heureusement, la haute mer était de notre côté, calme, nous berçant comme une vraie mère. Il y a un vieux dicton vietnamien, basé sur l'expérience des pêcheurs: “Tháng ba bà già đi biển!” (En mars, même les vieilles dames peuvent se permettre de voyager en bateau!). Nous étions pourtant fin février!
Au cours de notre traversée, les passagers se sont vus servir avec une soupe de riz “spéciale“ qui sentait le gasoil, notre eau potable partageait la même odeur. Personne ne s’en plaignait. À d'autres moments, manger et boire aurait été́ un sujet sérieux pour la plupart d'entre nous mais à ce moment particulier, ils n'étaient rien que des instincts de survie.
Le troisième jour en mer, Dieu merci, tout allait encore bien: le bateau a bien tenu et a fonctionné sans faille ; les passagers étaient en bonne santé bien que faibles, à cause du confinement, du manque de mouvement physique, et aussi du manque de nutrition. Ils ont eu amplement le temps de s'adapter aux conditions de navigation. Dans la journée, je venais plus souvent sur le pont supérieur pour respirer plus librement et papoter avec l'équipage.
C'était vers la fin de l'après-midi du troisième jour. L'équipage pensait que nous aurions dû atteindre les eaux malaisiennes ou indonésiennes! Rien de plus qu'une supposition, puisqu'ils ne possédaient même pas de cartes et de boussole de navigation!
Parmi les personnes avec lesquelles je côtoyais sur le pont supérieur, il y avait Hung, le jeune frère d'un ami. Hung était un jeune policier de l'ancien régime envoyé dans un “camp de rééducation“ après la chute du Sud-Vietnam. Il a réussi à s'échapper du camp avec l'aide d'une gardienne VC qui avait le béguin pour lui! Une histoire d'amour très difficile à croire ou une tentative d’évasion avec la complicité du cœur? Néanmoins, il avait une fille de cette relation avant de fuir le pays. En fait, son frère s'est inscrit pour le voyage, mais après la tentative infructueuse du mois dernier, il a eu la trouille et a cédé sa place en faveur de son frère fugitif.
Un tout petit et insignifiant incident dont je me souviens encore après tant d’années: Un soir, j'ai emporté mon imperméable sur le pont supérieur pour le laver de toute trace de mal de mer des jours précédents. Il faisait si noir, je me suis assis à côté de Hung, appuyé contre le bord du bateau, j'ai tenu l'imperméable par le col et je l'ai plongé dans l'eau de mer qui était à ma portée. Soudain, une vague est venue et l’a arraché de ma main et l'a emporté rapidement sous la surface de l'eau sombre. Un incident banal qui m'a envoyé des frissons dans le dos. J’ai l’impression d’avoir vécu le même moment de terreur, comme des milliers de boat people malchanceux, d’être aspirés dans ce ”Black Hole”, ce gouffre noir et insidieux de non-retour. Leurs âmes seraient marquées à jamais par cet atroce instant d’adieu imprévu. Moi-même, après 40 longues années, je porte encore cette sensation effrayante!
La nuit était tombée depuis longtemps. Nous ne voyions toujours aucun signe de terre devant nous. L'équipage avait l'air désespéré, la plupart d'entre eux pensaient que nous avions dû passer à côté sans la voir! Cette conclusion semblait plausible. Comment pouvions-nous espérer atteindre notre destination avec une simple boussole terrestre?
ENFIN LE SALUT
Il devait être minuit passé. Je ne pouvais pas dormir au milieu de tout espoir qui s'évanouissait. Je suis venu sur le pont supérieur pour avoir des nouvelles. L'anxiété semblait planer sur nous. Soudain tout le monde était surpris et complètement émerveillé de voir vaciller une ondulation de lumière de couleur orange entre les nuages de loin sur notre côté droit. Les présomptions étaient nombreuses et variées. À mon avis, ce pouvait être les lumières d'une ville se reflétant sur les nuages. Peu importe l’origine de ces reflets de lumière, sans aucun doute, ce devrait être le même signe céleste qui avait conduit les Rois Mages à la crèche!
L'espoir revint rapidement, et tous ont accepté de changer de direction, visant cette clarté dans la nuit noire. Bien que le bateau ait accéléré, après des heures, les nuages orange étaient toujours loin! Vers 3h00 du matin, nous sommes arrivés enfin à une distance à partir de laquelle nous pouvions enfin identifier la source de lumière, un vrai "changeur de jeu" qui nous a guidé à travers les ténèbres de la nuit. C'était quelque chose qu'aucun d'entre nous n'avait jamais vu auparavant: une grande plate-forme pétrolière crachant du feu comme un dragon géant dans un conte de fées!
Une plate-forme pétrolière indonésienne la nuit, assez semblable à celle que nous avions vue.
Ce feu s'est reflété sur la surface sombre de la mer comme un volcan qui déversait ses laves par-dessus les vagues, qui, à leurs tours, renvoyaient ce reflet orange vers les nuages. C'est ce qui avait attiré notre attention à des dizaines de kilomètres de là. Mystère résolu!
Ce reflet scintillant de lumière apocalyptique, couleur de sang, couplé à notre émotion extatique du moment, m'a rappelé instantanément le chef-d'œuvre de Théodore Géricault (*) "Le radeau de la Méduse " représentant une scène de naufrage. Sans aucun doute, nous étions beaucoup plus chanceux que les victimes de la Méduse! La plupart des passagers s'étaient réveillés pour célébrer ce moment inoubliable de leur vie. Ils se tenaient là, ébahis, hypnotisés. Ajouté à ce paysage unique, un banc de poissons relativement grands et rapides, venu de nulle part, tournaient en rond, plongeant inlassablement autour de notre bateau. Au début, leurs grosses nageoires dorsales nous faisaient croire qu'ils étaient des requins, attendant avec impatience leur “petit déjeuner”. Plus tard, j'ai réalisé qu'il ne s'agissait que de sympas dauphins accueillant les fugitifs fortunés.
(*) Talentueux peintre français du 19ème siècle
Après quelques hésitations, nous avons décidé de nous diriger vers le site de forage. Toute la zone était bien éclairée. Nous pouvions voir une forme humaine debout sur la plate-forme supérieure. De très loin, l'homme agitait ses mains, comme pour nous faire signe de ne pas nous approcher. Ignorants des régulations de sécurité des sites de forage pétrolier et désespérés comme nous étions, nous avons complètement ignoré l'avertissement. L'homme là-haut a continué à nous envoyer son "message", cette fois à l'aide d'un tuyau d'arrosage. Pas de résultat! Nous avons continué à nous approcher jusqu'à ce que, de nulle part, nous voyions un bateau de taille moyenne avec des occupants dessus, se diriger dans notre direction. Avec un mégaphone, ils nous ont demandé de les suivre. Nous avons dû nous soumettre à leurs instructions cette fois, en suivant le bateau de tête jusqu'à ce que nous ayons atteint un ferry de la taille d'un petit terrain de football. Nous avons appris plus tard que le ferry servait d'abri du personnel de forage. Nous avons amarré notre bateau à côté de ce monstre. Quelle différence de taille entre les deux! Seuls des gens comme nous, fous et désespérés, oseraient traverser l'océan dans cette minuscule "coquille de noix". L'équipage nous a permis de monter sur le ferry. Notre bateau tanguait dangereusement, tout le monde devait faire très attention à ne pas se faire piéger et s'écraser contre le flanc métallique du ferry. Il était environ quatre heures du matin, le 26 février 1981, lorsque nous avons mis nos pieds sur le ferry. Bien qu'il fasse encore nuit, ce devait être le moment le plus mémorable, le plus heureux de notre vie. Après plus de trois jours et quatre nuits, bravant l'impensable, nous avons fièrement embrassé la récompense ultime de notre sacrifice: la liberté reconquise!
Un groupe d'ingénieurs indonésiens et de foreurs nous a accueillis sur le pont. Ils étaient très sympas et accueillants. Certains d'entre eux parlaient assez couramment l'Anglais. Ils nous ont offert des boissons, du café ou boissons gazeuses, des fruits comme des bananes, des pommes. Après les jours passés à manger de la soupe claire de riz et à boire de l'eau avec une forte odeur de boue d'huile, tout le monde était impatient de pouvoir manger enfin de la vraie nourriture.
Après environ une heure de repos, de rafraîchissement, de repas léger avec l'équipe Indonésien, nous avons été tellement surpris lorsque notre hôte nous a demandé gentiment de regagner notre bateau et d'être prêt à l'emmener vers la destination finale, le centre de réception des réfugiés de Kuku, pas très loin d'où nous étions. Ils nous ont rassuré que tout irait bien car ils nous fourniraient de la nourriture supplémentaire, de l'eau potable et des cartes marines de base pour nous aider à nous y rendre. Tout le monde était tellement déçu. Comme d'autres passagers, j'avais pensé à tort que nous serions autorisés à rester temporairement sur le ferry en attendant qu’un autre bateau vienne nous chercher et nous emmener dans un camp de réfugiés. Après ce rapide fantasme de liberté, l'idée de repartir avec de nouvelles incertitudes n'était pas très réconfortante, à part les accidents qui peuvent survenir à tout moment, nous ne savions même pas si nous serions les bienvenus ou non à l'île Kuku... mais que faire?
Quand tout le monde est revenu au bateau, il faisait encore très sombre, le “ capitaine “ a mis le moteur en marche avant à plein régime. Soudain un horrible bruit d'écrasement a résonné, accompagné d'un violent soubresaut. Il y avait beaucoup de gémissement parmi les passagers. Je suis monté sur le pont supérieur pour savoir ce qui a pu se passer. Le capitaine, à cause de l'obscurité, n’a peut-être pas vu la chaîne d'ancre colossale qui sécurisait le ferry, ce qui a fait que la proue du bateau a heurté la chaîne et s'est endommagée; cependant les dégâts n'étaient pas très graves et semblaient ne pas mettre le bateau en danger. Embarrassé peut-être par l'incident, le capitaine a tenté une deuxième fois d'avancer le bateau. Il semblait avoir perdu son sang-froid (*), et encore une fois la proue du bateau a heurté la grosse chaîne de fer, elle subissait des dommages plus importants cette fois.
(*) après presque quarante ans, grâce à une communication récente (2020) avec une dame qui a partagé le voyage avec nous, elle a confirmé que l'accident était intentionnel, mis en scène par notre équipage pour donner aux Indonésiens plus de raisons de nous secourir tout de suite. J'étais peut-être le seul imbécile du coin!
Les travailleurs indonésiens, témoins de notre départ depuis le pont de leur ferry, paniqués eux-mêmes par l'incident, ont utilisé le mégaphone pour nous demander de stopper et de revenir tout de suite. L'un des ingénieurs à qui j'ai parlé plus tôt, nous a demandé de rester sur place et de leur laisser le temps de demander des instructions à leur autorité supérieure. Peu de temps après, le même gars est revenu et m'a fait signe de m'approcher. Il m'a dit que nous devions créer une situation d'urgence, comme couler volontairement le bateau pour qu'ils puissent nous secourir tout de suite sans passer par beaucoup de formalités administratives. Sur la base des lois maritimes, ils auraient l'obligation d'assister les personnes en détresse en mer! Non seulement j'ai été surpris par sa suggestion, mais j'étais aussi profondément reconnaissant! Pour m'assurer de bien comprendre sa proposition, je lui ai demandé encore et encore. Enfin, j'ai relayé le message à notre équipage, qui a donné son accord et désigné un petit groupe pour mettre en scène “l'incident“. Cependant, un problème de sécurité m'est venu à l'esprit. Je l'ai partagé avec l'ingénieur indonésien: “Lorsque l'eau commencera à entrer dans le bateau, sans aucun doute, cela provoquera beaucoup de panique et de bousculade parmi les passagers, il serait donc beaucoup plus sûr de permettre aux femmes et aux enfants d'être transférés au ferry avant que cela ne se produise ; le reste pourrait évacuer plus tard”. Mon inquiétude semblait valide; l'homme est revenu un instant plus tard avec l'approbation de son patron.
“L’équipe-sabotage”, sans de bons outils, a eu du mal à perforer la planche de la coque du bateau, pour y faire une ouverture où l’eau pourrait entrer et faire sombrer le bateau. Il a fallu beaucoup plus de temps pour couler le bateau que nous ne le pensions. Après plus d'une heure d'attente, l'équipage indonésien a finalement permis au reste d'entre nous de monter à bord du ferry. Le soleil a commencé à se lever à l'horizon.
Ce n'était que vers neuf heures du matin, après environ 4 heures, que le bateau a été submergé entièrement par l'eau de mer et englouti dans un vortex avec un grand bruit de chasse d’eau terrifiant. C'était horrible de voir un bateau dans lequel nous avons passé ces derniers jours, descendre dans ces eaux sombres et profondes. Dieu merci, il n’y avait personne dedans!
Le temps passé sur le ferry a été court mais merveilleux et relaxant! Même dans mon rêve le plus fou, je ne pouvais jamais penser qu'un jour je serais là, de nulle part, entre la mer et le soleil, “ né de nouveau “, non pas au sens chrétien du terme, mais comme un nouvel homme qui a vaincu sa peur, l'incertitude et les dangers pour être né de nouveau et libre!
J'ai passé le plus clair de mon temps à profiter de la vue panoramique sur la mer et à observer les travailleurs indonésiens passer leur temps libre. J'ai surtout aimé les regarder pêcher, à mains nues et à la ligne. Ils ont tiré les poissons les uns après les autres, sans effort. Ils étaient tous gros et frais! Ecaillant leurs prises, les éviscérant puis les nettoyant à l'eau de mer, tout s'est fait avec dextérité. Dans la dernière étape, ils les ont suspendus pour les sécher au soleil afin de les conserver.
Je me suis lié d'amitié avec Sonny, un ingénieur avec qui j'ai parlé plus tôt, lorsque nous avons mis les pieds pour la première fois sur le ferry. Je me suis renseigné sur sa famille, son travail, et j'ai également partagé des informations sur ma famille et sur la vie au Vietnam communiste d'après-guerre. Il m'a écouté intensément. Je lui ai dit que mes parents devaient être très impatients d'avoir de nos nouvelles. Sans aucune hésitation, Sonny m'a demandé de rédiger un télégramme à ma famille et il serait plus qu'heureux de l'envoyer quand il irait à Singapour pour son week-end. Que son bon cœur soit béni! (*)
J'ai écrit un court message à ma sœur aînée vivant à Houston, au Texas, pour lui faire savoir que nous étions actuellement sains et saufs en Indonésie. Je lui ai également demandé de transmettre la bonne nouvelle à mes parents et à ma belle-sœur en Virginie. Quelque temps après mon arrivée à Houston, ma sœur m'a retourné ce télégramme historique que j'ai toujours en ma possession après plus de 40 ans.
Comme indiqué, le télégramme a été envoyé le 03 mars 1981 de Singapour, douze jours seulement depuis le jour où nous avons quitté Saigon. Incroyable!
(*) Cette grande faveur que j'ai reçue d'un bon Samaritain m'a renvoyé à un vieux souvenir en 1980 quand j'étais encore à Saigon. Un soir, après le dîner, nous avons entendu beaucoup de tumulte devant notre porte d'entrée. Je suis sorti pour voir ce qui se passait. J'ai vu certains de mes voisins entourer un étranger vêtu d'un vieil uniforme militaire du S. Vietnam en lambeaux. Il utilisait des béquilles car apparemment, il avait un pied blessé encore dans un pansement sale qui puait terriblement! Il a dit qu'il était un ancien lieutenant d'infanterie, fraîchement libéré d'un "camp de rééducation". D'après son histoire, étant prisonnier de guerre, avec quelques-uns de ses camarades, il a été contraint de nettoyer un ancien champ de mines. Il a été blessé dans un accident tragique et son pied s'est infecté gravement par manque de soins médicaux. Il a été libéré peu de temps après. Quand il est revenu chez ses parents, il a découvert qu'ils avaient déjà décampé. Sa maison a été confisquée. Ses cousins ont dit que ses parents s'étaient échappés, et ils vivaient maintenant en France. Je lui ai demandé s'il avait leur adresse? Il a hoché la tête et il a fouillé dans son sac en plastique et me l'a donnée. J'ai noté les informations sur un morceau de papier et lui ai promis que je leur écrirais une lettre pour les informer de sa situation. Il m'a remercié poliment et m'a dit qu'il reviendrait plus tard pour me voir. Son histoire nous a touché énormément, alors malgré la maigreur de nos ressources sous le nouveau régime, tout le monde a fait de son mieux pour l'aider, certains avec de vieux vêtements, d'autres avec de l'argent ou avec de la nourriture. De ma part, je lui ai donné un petit sac de riz. J'ai écrit une courte lettre à sa famille comme promis et je l'ai postée le lendemain. La lettre m'a été retournée près d'un mois plus tard parce que l'adresse que le gars m'a donnée était inexistante! Fin de l’histoire! Le gars n'est jamais revenu me voir non plus. Je déteste tirer une conclusion rapide, mais je ne pouvais m'empêcher de penser qu'il était un escroc. Si c'était le cas, ce type était un vrai génie: un conteur hors pair, un excellent psychologue, un acteur de premier ordre qui méritait un Oscar de Hollywood! Dois-je en dire plus?
Ici et maintenant, je me retrouvais presque dans une même situation: un pauvre fugitif, au milieu de la mer, loin de chez moi. Dans le passé, à un moment donné, j'étais un bon samaritain qui a essayé d'aider une âme perdue ; maintenant, j'en ai trouvé un, moi-même, sur ma route, qui est venu à moi avec son cœur bienveillant. Si ce n'était pas le Karma, c'était quoi alors?
Vers 16h00, l'autre bateau qui servait de “taxi” entre le ferry et la plateforme pétrolière, est revenu nous chercher et il nous a emmenés au rendez-vous avec FLORA. Regrettablement, ce n’était pas une dame comme son nom aurait suggéré, c’était un vrai paquebot par sa taille et par sa majesté, avec un équipage volontaire allemand de l'ouest. Leur mission humanitaire était de secourir les boat people en difficulté dans la mer de Chine. Lorsque nous nous sommes approchés suffisamment, l’équipage a descendu un long escalier métallique muni de rampes ; en plus, comme notre bateau tanguait si dangereusement, on a tendu un filet maillant de corde au-dessous de l'escalier au cas où quelqu'un pourrait trébucher et tomber à l'eau: Un petit détail banal pour certains, mais qui m'en disait long! Ces étrangers se souciaient de notre sécurité. Ils avaient tout laissé derrière eux: leur famille, leur travail, leur confort pour venir ici secourir ces êtres humains désespérés qui ont fui leur pays où ils ont été persécutés, maltraités entre les mains de leurs propres frères? Nous avons remercié et dit au revoir à nos frères Indonésiens avant de partir.
J'ai vite appris que le capitaine du FLORA était allemand et parlait plutôt bien le français. Il était surpris et ravi que je puisse faire la même chose. Il m'a fait savoir qu'il avait besoin d'un volontaire pour rejoindre l'équipe de cuisine pour préparer le dîner. J'ai accepté l'offre avec plaisir.
Ce soir-là, nous avons eu un dîner fantastique avec du riz cuit à la vapeur, du ragoût de boeuf, de la soupe de légumes et du poisson frit. Tard dans la nuit, juste avant minuit, nous avons appris que le navire devrait faire un autre arrêt rapide pour prendre un nouveau groupe de “boat people“ qui avait été secouru plus tôt et emmené dans un petit village pas trop loin de notre itinéraire à l'île de Kuku. Je n’ai pas cru mes yeux quand j’ai vu Truc, une connaissance d'enfance, parmi les premières personnes qui ont mis le pied à bord. J’ai bien connu sa famille parce que ses parents ont loué leur maison des miens et y ont vécu pendant une dizaine d’années. Nous avons grandi ensemble dès notre très jeune âge. J'ai quatre ans de plus que lui, je crois. Plus tard, il est devenu pilote de jet du VN Air Force. Il avait quitté Saigon une semaine avant moi. Je le savais car il s'est arrêté chez nous pour nous dire au revoir la veille de son départ. Son bateau a eu beaucoup de problèmes mécaniques en mer qui ont causé du retard. A partir de ce moment, il a rejoint notre groupe jusqu'à son départ pour les États-Unis.
L'ILE KUKU
Avant 1975, l'île de Kuku était une petite île inconnue parmi les 18.300 autres îles qui formaient l'archipel indonésien. Entourée d'autres îles, l'eau y était calme, comme celle d'un lac. En 1979, avec l'introduction du "Programme de départ semi-officiel" (Bán chính thức), une évacuation massive de la population sino-vietnamienne hors du Vietnam poussée par l’autorité communiste après des incidents militaires le long de la frontière entre les deux pays frères. Avec l'approbation du gouvernement Indonésien et du HCR (Haut-Commissariat des Nations Unies pour les réfugiés), l'île a été dédié à l’accueil des milliers de réfugiés qui ont fui Vietnam. Depuis lors, il est devenu l'un des plus célèbres Centres de Réfugiés de toute la région.
Avec le matériel trouvé sur l'île, les réfugiés ont construit de leurs propres mains de nombreuses huttes rudimentaires, rapiécées, juste assez bonnes pour les protéger du soleil et de la pluie. Si vous n'étiez pas bricoleur, vous pourriez engager d'autres personnes pour le faire à votre place.
Les frais pouvaient aller jusqu’à un TDO (Tael d'or) ou moins, selon la dimension et la qualité de la construction, mais ce ne serait pas un vrai problème pour certains des clients qui étaient riches. Bien sûr, ils pourraient aussi revendre leur cahute plus tard, peut-être avec une petite perte, avant leur départ pour se réinstaller dans un autre pays.
Le 01 mars 1981, après huit jours de mer, nous sommes arrivés sur l'île de Kuku. Après le mal de mer, nous avons expérimenté le "mal de terre". Nous nous sentions tous groggy, comme si nous étions ivres. Notre corps avait besoin de se réadapter à une surface plate et solide, après avoir navigué pendant plus d'une semaine.
Nous avons vu une centaine de Vietnamiens se précipiter vers le quai, nous saluer de leurs mains, nous interpeller, demandant d'où notre bateau était parti? Ils ont essayé de savoir s'il y avait quelqu'un de leurs connaissances parmi les nouveaux arrivants.
Nous étions toujours à part dans une zone séparée près du quai, attendant de passer par différents protocoles comme l'enregistrement et l'examen physique préliminaire avant d'être officiellement admis au camp. J'ai pu constater une réaction indignée chez les femmes lors de la session menée par des « hommes-nous-ne-savons-pas-qui ». Étaient-ils médecins, infirmiers ou simplement des soldats curieux, profitant de la situation? Personne ne le savait. Le droit à la vie privée n'existe pas dans les pays du tiers monde, encore moins dans un pays musulman où les femmes sont traitées comme des citoyennes de seconde classe! Heureusement, la séance n'était pas longue et il n'y a pas eu d'autres abus. Après tout, nous n'étions que de pauvres réfugiés, indésirables et repoussés partout, même par les pays que nous avons considérés comme bon voisins ou alliés dans le passé. À quoi pouvait-on s'attendre? Nous aurions dû être reconnaissants que " l'examen physique" ait été effectué par des indonésiens, même “ curieux”, et non par les pirates thaïlandais!
A cette époque, il y avait beaucoup de huttes abandonnées à Kuku, la plupart étaient dans un état lamentable. Notre première tâche a été de choisir un bon emplacement pour notre " chez-nous “: une hutte vacante, solide, avec une vue de face sur la mer, grande assez pour six personnes: moi, ma femme, mon fils, mon jeune beau-frère Dang, et enfin nos deux compagnons improvisés Hùng et Trúc. Notre prochain effort serait d'améliorer notre nouvel abri avec tous les matériaux disponibles provenant d'autres cabanes inoccupées. Pour en finir, notre nouvelle “ Sweet Home “ aurait besoin d'un bon coup de nettoyage. Et voilà! Il était temps de nous y installer!
Nous étions ravis de recevoir des fournitures de base de la part de l'équipe d'accueil du camp, nécessaires à notre séjour temporaire, notamment des moustiquaires (*), des couvertures… Nous avons aussi reçu un réchaud à pétrole pour cuisiner ; “ l’argenterie “ pour six personnes, du riz, des nouilles, des conserves et un grand réservoir d’eau potable...
(*) Le paludisme était encore une cause majeure de décès sur cette île. Il avait tué de nombreux réfugiés vietnamiens à KuKu.
Ma femme était la seule dame de notre groupe, ce n'était donc pas surprenant que nous l'ayons élue à l'unanimité comme notre chef-cuisinière, avec quatre aides fiables à sa disposition. Notre seule préoccupation: à part l'huile de cuisson, il n'y avait aucune autre épice incluse dans notre ration journalière, au moins pour le temps où nous étions à Kuku. Pas de sel, pas de sauce de poisson (Nước mắm) ou de soja, pas de piment, de poivre… zéro! Pour résoudre ce grave problème, à ma suggestion, nous avons commencé à récupérer l'eau de mer et à la faire bouillir dans une casserole jusqu'à ce qu'elle se soit évaporée et ait produit du sel de mer au fond. C’était une expérience nouvelle et excitante pour nous tous. Notre ration quotidienne de riz était assez généreuse, ce qui nous a permis d’utiliser les restes de riz pour échanger contre des poissons frais des pêcheurs locaux. Ils sont partis tôt le matin et sont revenus avec leurs prises en début d'après-midi sur leur petit bateau de pêche. (*) Quand ils nous voyaient de loin leur faire signe, avec un sac en plastique rempli de riz, ils comprenaient et se rapprochaient pour que nous puissions sortir dans l'eau pour les rencontrer.
(*) C'était une "embarcation" très primitive, plutôt mince, qui se composait d'un châssis principal avec une paire de stabilisateurs en bois de chaque côté.
Nous n'avions jamais vu de poissons aussi frais nulle part auparavant, se tortillant encore au bout d'une petite corde! Échange équitable! Tout le monde était content: ils étaient ravis d'avoir plus de riz pour nourrir leur famille; nous étions également ravis d'enrichir notre menu du jour avec des plats plus frais et plus nutritifs, en plus des aliments en conserve.
La nécessité est la mère de toute créativité! Avec très peu de choix dans notre ration quotidienne, ma femme a réussi à satisfaire tous les goûts avec ses créations culinaires uniques, comme “ dessert de haricots verts au miel “ (Chè đậu xanh mật ong), “Nouilles au canard en conserve“ (Mì vịt… hộp), “Spam en sept plats”… (Thịt hộp Spam bảy món).
Dans l’état où nous étions, tout était susceptible de nous apporter appétit, joie et bonheur. Tout pouvait être facilement toléré, même devenir agréable. Optimiste de nature, j’ai vite oublié mes angoisses toutes récentes, ces moments difficiles dans notre tentative d’évasion, histoire de profiter de nos vacances improvisées sur cette île perdue de l’Indonésie! Nous avons vite appris à savourer nos jours avec un esprit de campeur: Être simple, sans souci, se contenter de peu, sans grande demande, à jouir pleinement d’un ciel ouvert, d’un paysage vierge et exotique. Faute d’électricité, nous dinions tôt. Quand la nuit arrivait, nous nous réunissions, et sous un ciel étoilé ou au clair de lune, nous aimions échanger quelques blagues, un petit bout d’histoire ou un vieux souvenir. Truc était grand, avec son teint foncé, ses cheveux bouclés et son grand sourire, il ressemblait plus à un gars du coin qu'à un réfugié vietnamien. C’était un grand farceur et il apprenait vite. Après seulement quelques jours, il pouvait déjà “communiquer” avec un dialecte local de base. Il était bon chanteur avec sa voix rauque, il insistait toujours pour que nous le rejoignions à son spectacle de fin de soirée!
La seule perturbation sur cette île, la nuit, était la présence de rats. Ils rôdaient partout à la recherche de nourriture, résultat possible du grand nombre des boat people vivant sur cette île dans le passé. Pendant la nuit, ils s’aventuraient même près de nos grabats en faisant des bruits grinçants que ma femme détestait tellement.
Une petite note à propos de l’île Kuku: En plus d'être une halte temporaire pour un bon nombre de réfugiés vietnamiens qui ont fui leur pays à la fin des années 70 ou au début des années 80, KuKu était également un lieu de repos final pour un bon nombre d'entre eux, qui n’ont pas pu survivre même après avoir été́ secourus ou qui étaient morts pendant leur séjour sur l’île, de différentes maladies, principalement du paludisme. Après plus de quarante ans, la plupart des tombes sont toujours là. Récemment, certaines familles sont retournées sur l'île pour récupérer les restes de leurs proches et les ont ramenés près de leur famille.
Lors de notre court séjour à Kuku, les représentants du HCR sont venus de Singapour pour interviewer les nouveaux arrivants et finaliser l'enregistrement. Le commandant en charge de l'île de Kuku était Major Dohardjo, officier du Corps des Marines indonésien qui avait servi au Vietnam avant 1975 en tant que membre de la Commission internationale de contrôle, qui supervisait la mise en œuvre des accords de Paris signés en 1973. J'ai eu la chance de parler avec lui plusieurs fois; c'était un homme très gentil et attentionné!
Après près de trois semaines de loisirs à Kuku, le 20 mars 1981, nous avons dû nous préparer pour embarquer à bord du “Sea Sweep”, un cargo parrainé par le World Vision Evangelical Church Group pour être transféré au camp central de réfugiés sur Pulau Galang (île de Galang).
Contrairement au Flora, l'équipe de bénévoles du Sea Sweep n'a laissé aucune trace sur mon cœur sensible car nous n'avons pas eu de contact réel avec eux. C'était un petit groupe de jeunes asiatiques, hommes et femmes, peut-être taïwanais ou singapouriens, qui passaient le plus clair de leur temps à s’amuser entre eux. La seule interaction a eu lieu lorsqu'ils nous ont remis une Bible de poche en vietnamienne lorsque nous avons mis le pied sur leur bateau. C'était comme si nous prenions un bus: monter, descendre et partir! Pour moi, la charité, même sous la forme simple du toucher ou de compassion, est encore une vertu rare chez les asiatiques! Est-ce une observation pessimiste, généralisée et pleine de préjugés de ma part? J'espère sincèrement que c'est le cas.
BIENVENUE À PULAU GALANG
Le camp de réfugiés de Galang d’une superficie de 80 hectares était très encombré en période de pointe. On estime qu’environ deux cents cinquante réfugiés Indochinois sont passés par Galang de 1979 à 1996. Plus de la moitié de ce nombre étaient des réfugiés vietnamiens arrivés par bateau directement du Vietnam ou rejetés par la Malaisie avant d'atteindre l'Indonésie. Le camp était divisé en deux zones différentes: Galang 1 et Galang 2. Mon groupe était à Galang 1. Chaque site avait des dizaines de casernes couvertes de toits ondulés. Deux longues surfaces élevées en bois, une de chaque côté, nous servaient de lits. À l'arrivée, l'autorité du camp a attribué à chaque groupe un identifiant, en fonction du pays d'accueil et de l'ordre d'arrivée de leur bateau. Le mien était IN15129 (IN = Indonésie/ M = Malaisie/ P = Philippines/ H = Hong Kong ; 15.129ème groupe admis en Indonésie)
Ma première impression en arrivant au Camp était comme si je venais d'arriver dans un pauvre petit village de pêcheurs vietnamien: l'air marin, les gens, la langue, même l'odeur des aliments. Il y avait même un petit marché où les vendeurs et les acheteurs étaient tous vietnamiens. Certaines personnes, dont les demandes d'asile avaient été retardées pour une raison quelconque, se sont préparées à un séjour prolongé sur l’ile en ouvrant une petite “ entreprise “ pour obtenir un peu plus d’argent et améliorer leur séjour. Ils vendaient des cigarettes (*), des boissons comme du café glacé au lait concentré, des douceurs comme le “ chè “, des boules de riz gluant, des cocktails de fruits... Certains vendaient même des vêtements neufs, des sandales, des chaussures. Certains faisaient l'échange de devises, dollar américain contre rupiah. D'autres, avec leurs entreprises florissantes, offraient même d'acheter de l'or. Les Vietnamiens, survivants de guerres, sont très débrouillards et aussi très doués au commerce!
(*) La cigarette indonésienne appelée Djarum Black est assez forte avec un agréable goût d'anis. Elle émet un bruit de craquement de brûlure lors de chaque bouffée.
Peu de temps après leur arrivée dans le camp, certains réfugiés ont peut-être reçu une aide financière de leur famille ou de leurs proches déjà réinstallés à l'étranger ; d'autres ont vendu leur or pour leur argent de poche comme c’était notre cas, nous avons vendu une bague en or (*), ce qui allait nous donner assez de Rupiah pour nous adonner à de petits achats le temps que nous passerions dans le camp.
(*) Chaque bague avait la valeur de 1/10 d'un TDO = 3,75 gr d'or pur, valeur actuelle 210 USD 10/2020
J'avais été témoin d'une très grande résilience chez mes compatriotes. Je ne suis pas surpris car je suis l'un d'entre eux. Dans un pays où il y avait plus de temps de guerre que de paix, génération après génération, à maintes reprises, il nous a fallu repartir à zéro. Nous devrions être les descendants directs de Sisyphe, le dieu Grec! L'instinct de survie devrait être profondément implanté dans notre ADN!
Nous avions déjà reçu nos cartes d'identité avec photo. Décidemment ce n’étaient pas des “Glamour shots”, tout le monde avait l'air terrible sur la photo ; c'étaient plutôt des photos d'identité judiciaire comme celles sur la liste des personnes les plus recherchées du FBI. Mais peu importe, rien à redire!
Peu importe!
Contrairement à Kuku, à Galang, il y avait plus d'activités auquelles nous pouvions participer: Des cours d'Anglais, de dactylographie, de couture. Il y a aussi une plage pas très loin où nous pouvions aller nous baigner, un petit marché pour y aller faire des courses. De temps en temps il y avait des projections de cinéma en plein air pour nous divertir. Deux endroits très fréquentés par les réfugiés: l’église Catholique et le temple Bouddhiste. Après avoir survécu à une telle épreuve, il était normal que les croyants soient devenus plus fervents. Le dimanche, l’église était bondée pendant la messe avec une excellente chorale! Pas de surprise, ici elle a eu tout le temps de répéter.
Le Père Dominici, l'aumônier chargé du soutien spirituel de la communauté Catholique Vietnamienne de Galang était une figure très populaire et respectée dans ce camp. Il était d'origine Italienne et a servi au Vietnam pendant près de dix ans avant la chute du Sud. Il aimait le Vietnam et ses habitants. Ses disciples l'ont honoré d'un nom Vietnamien qu'il mentionnait fièrement comme insigne d'honneur: Père ĐỖ MINH TRÍ. Après la victoire Communiste en 1975, ils ont expulsé père Dominici du pays. A la fin des années 70, témoin de l'afflux de “boat people” Vietnamiens, il s'est rapidement porté volontaire pour venir à Pulau Galang, au service des réfugiés dès son ouverture. En tant que prêtre Catholique il était responsable de toutes les activités de l'église, il était également connu comme un organisateur dynamique et un bienfaiteur qui a travaillé avec passion aux côtés du HCR et du gouvernement local au profit de tous les réfugiés Vietnamiens.
Ce fut une grande surprise pour moi de rencontrer Tran Q. Phuc, un de mes amis les plus proches à la Faculté de Pédagogie de Saigon. Il avait quitté Saigon tout seul bien plus tôt que moi, et son bateau a débarqué en Thaïlande après avoir été attaqué à plusieurs reprises par les pirates. Il avait de la chance de ne pas avoir emmené sa femme et ses deux filles avec lui. Il a passé quelques mois aux Philippines puis transféré à Galang, il a été accepté par la délégation Américaine à se réinstaller en Californie.
UNE PERSONNE TRÈS SPÉCIALE
Une personne très spéciale dont la mémoire sera associée à jamais à notre séjour à Galang: Le Trung. Jeune Vietnamien de 29 ans, célibataire et très cultivé, résident de France. Par l'intermédiaire de la Croix Rouge Française, il s'est porté volontaire pour venir dans cette île indonésienne pour servir les réfugiés Vietnamiens. C'est très rare de trouver un expatrié Vietnamien s'engager dans une tâche aussi bénévole. Il semblait très surpris de découvrir que ma femme et moi étions tous les deux professeurs de Français à Saigon au cours d'une conversation. Il a suggéré qu'ensemble nous puissions offrir des cours de Français pour aider les personnes qui ont choisi d'aller en France, ce à quoi j'étais tout à fait d'accord! Nous nous entendions si bien et sommes rapidement devenus de bons amis. Il s'est souvent arrêté pour nous voir, et partager avec nous les souvenirs du bon vieux temps à Saigon!
Malheureusement, notre séjour au Camp Galang n'a pas été suffisamment prolongé pour que notre projet se concrétise. Le jour de notre départ par bateau à Singapour, où nous devions prendre notre vol dans les prochains jours pour les États-Unis, Trung a proposé de nous escorter. Nous avons dû rester deux jours à Singapour et grâce à sa gentillesse, avec lui comme guide, nous avons eu l'occasion de visiter la plus petite République insulaire d'Asie du Sud-Est. Au lieu de nous laisser moisir dans notre abri temporaire. Trung a passé une journée entière à nous faire visiter la ville avec des séances de photo ; à explorer un immense et somptueux centre commercial hors-taxe, non pour y faire nos emplettes mais plutôt du "lèche-vitrines” ; un bon déjeuner dans un restaurant chinois, quelque chose qui semblait si simple mais qui était vraiment spécial pour nous qui avions dû nous en abstenir ces derniers mois. Il n'y avait rien d'extravagant, mais c'était une dette sentimentale que nous portons encore dans nos cœurs.
Après être arrivé aux États-Unis, pendant plus d'un an, bien que très occupé à recommencer une nouvelle vie, j'ai continué à communiquer régulièrement avec Trung pour le tenir au courant de nos allées et venues, l'invitant à venir nous rendre visite au Texas s'il en avait le temps…
De son côté, il nous a adressé ses mots d'encouragement et sa promesse de venir nous rendre visite éventuellement dans un futur très proche. Il m'a dit qu'il s'était fait de nombreux amis pendant son séjour à Galang, mais que j'étais le seul à m'en souvenir et à rester en contact avec lui. La dernière lettre que je lui ai envoyée datait de 1983. Peu de temps après, j'avais reçu une brève réponse, non pas de lui, mais de sa famille, qui nous a informé que Trung était décédé, sans aucune autre explication. Nous étions tellement bouleversés par la nouvelle. Pourquoi le bon Dieu l'a-t-il enlevé si tôt, un jeune homme, de bonne santé, dévoué et plein de bienveillance comme lui? Sa vie a croisé la nôtre, nous l’avons à peine connu, mais les quelques traces qu'il avait laissées resteraient à jamais dans notre cœur! Repose en paix mon ami!
Deux semaines après notre arrivée à Pulau Galang, nous avons enfin pu établir le contact avec nos frères et sœurs aux États-Unis. Dans leur correspondance, ils nous ont envoyé de l'argent, pas beaucoup, car évidemment, c'était une vraie loterie d'envoyer de l'argent par la Poste. Ils nous ont fortement mis en garde de ne pas postuler pour demander l’asile en France. Ils avaient de bonnes raisons de le faire car après tout, ma femme et moi, tous deux éduqués en français, nos diplômes étaient des diplômes français (reconnus par la France), nous connaissions bien son histoire, sa culture et surtout, nous parlions assez couramment le français. Tous ces avantages nous permettraient sans aucun doute de nous réadapter beaucoup plus facilement dans le nouveau pays. Inutile de dire que la tentation était très forte, nous avons pourtant décidé d'aller aux États-Unis, pas nécessairement pour le seul confort matériel de la société américaine, mais pour une raison beaucoup plus simple: nous souhaitions être proches de nos familles où qu'elles soient!
Entre-temps, nous avons reçu de très mauvaises nouvelles de la famille de Mr. Hai, concernant le sort des deux taxi-boat qui avaient manqué au rendez-vous avec le “grand poisson” le jour du départ: Le premier dont le moteur tombait en panne, n’a pas pu atteindre sa destination ; le second, dans lequel se trouvait la famille de la filleule de l’organisateur, cette jeune dame que j’ai rencontrée et avec qui j’ai eu une courte conversation chez Mr. Hai, a coulé sur son chemin, dans une section du Mékong. Bilan tragique de l’accident: La dame s'est noyée aux côtés de ses deux enfants et d'un de ses frères. Son mari a été sauvé, mais la police l'a vite renvoyé en prison après l'accident.
Quand l'équipe d'immigration américaine est venue pour l'entretien, notre demande d'asile a été acceptée aisément. Diplômés universitaires avec une maîtrise de l'anglais supérieure à la moyenne, ancien “sous-lieutenant“ dans l'ancien régime, avec des membres de famille résidant déjà aux États-Unis: tous ces avantages ont fait pencher la balance en notre faveur. À la fin de l'entretien, à ma grande surprise, le jeune chef d'équipe américain de l'immigration, m'a demandé avec un grand sourire si j'aimerais servir d’interprète pour son équipe. Je ne voyais aucune raison pour ne pas accepter. Cela m'aiderait à perfectionner mon anglais.
Avec le recul, le séjour sur les deux îles aurait dû être une merveilleuse expérience pour les réfugiés après avoir fui leur pays. C'était de longues vacances gratuites et sans aucun souci. Étonnamment, très peu de gens semblaient pouvoir profiter pleinement de ces moments de bonheur. L’incertitude en était la raison: Certains s’inquiétaient du prochain tête-à-tête avec la délégation d’immigration ou du résultat de l’entretien et d’autres dont la demande d'asile avait été refusée en raison d'une certaine incohérence dans leurs déclarations. Même ceux qui avaient réussi la sélection étaient encore nerveux et inquiets quant à leur avenir incertain dans un pays étranger. Des années plus tard, tout en luttant pour gagner leur nouvelle vie, certains avec plus d'un emploi, la plupart se souviendraient de ce temps céleste avec grand regret!
Le jour où nous quittions Galang pour nous rendre à Singapour, nous avons été pris en charge par un bateau à grande vitesse à la jetée de Pulau Galang. “Sampai Jumpa Galang!” (Au revoir, Galang!) “Terima Kasih Indonésie atas keramahan anda! (Merci, Indonésie, pour votre hospitalité!)
À Singapour, nous avons été hébergés dans une caserne vacante pendant quelques jours. Les conditions de vie étaient encore pires qu'à Galang parce qu'elle ne semblait pas préparée à accueillir un grand ou même un petit groupe de réfugiés. Nous avions même dû dormir à même le sol, mais il n'y avait rien à redire puisque tout le monde a compris que ce serait un inconvénient très court et final. Pour compenser cette adversité temporaire, nous avions reçu une petite indemnité journalière en dollar singapourien avec laquelle nous pouvions acheter de la nourriture et même de la bière Tiger, ce qui était strictement interdit à Galang car l'Indonésie est un pays musulman. Comme mentionné précédemment, sous la direction de Trung, nous avons fait la connaissance de l'île-nation, ce qui était assez impressionnant, en particulier avec des gens comme nous, qui ont enduré six ans dans le Vietnam communiste, arriéré et appauvri. Géographiquement comparé, Singapour n'était qu'une toute petite île de la taille de moins de la moitié de Saigon, l'ancienne capitale du sud du Vietnam. Seulement dix ans plus tôt, le Premier ministre singapourien Lee Kwan Yew a dit qu'il souhaitait qu'un jour Singapour puisse égaler Saigon. Quelle ironie! À peine six ans sous le régime communiste, le Vietnam était dans la pagaille totale. L'extrême pénurie de quoi que ce soit était la norme dans tout le pays, avec peut-être une seule exception: les camps de concentration “poussaient” partout comme des champignons après la pluie. Pendant ce temps, Singapour, sous la direction de bons dirigeants et bien sûr avec beaucoup de sacrifice, est devenue une puissance industrielle indéniable et prospère en Asie du Sud-Est.
Ses centres commerciaux étaient luxueux, grandioses et hors taxes! Malheureusement, nous n’étions que de pauvres réfugiés à peine sortis du camp, la seule chose que nous pouvions nous permettre était de faire du lèche-vitrines! Ce fut une expérience révélatrice, après tout. La population singapourienne était mixte car, outre la majorité d’origine chinoise, j'ai aussi vu des Indiens, des Malaisiens, des Indonésiens, et vous pouvez y utiliser soit le dollar de Singapour, soit le dollar américain, soit la roupie indonésienne dans toute transaction.
Nous sommes tellement impressionnés par les immeubles de grande hauteur, les centres commerciaux modernes, les transports en commun avec de grands bus luxueux et la flotte de Mercedes utilisées pour les taxis*, les parcs bien entretenus avec des fleurs et des tons verts, la qualité de l’air... Nous étions aussi témoins de la civilité, de l'ordre et de la propreté partout où nous allions.
Dans le même temps, Saigon était fortement polluée par de vieux bus, certains étant remodelés utilisant une chaudière à charbon, comme à l'époque très ancienne, au lieu de l'essence ou du diesel. D'autres, à cause d’une pénurie sérieuse de carburant, n'avaient pas d'autre choix que d'utiliser de l'essence bon marché, mélangée avec “vous-savez-quoi “… La fumée épaisse et noire qu'ils dégageaient n'était pas moindre que celle des vieilles locomotives! La population de l'ancienne capitale avait aussi quadruplé du jour au lendemain, accompagnée d’'une affreuse horde de vélos.
Le jour de notre départ pour les États-Unis, un bus nous a emmenés à l'aéroport Changi de Singapour, une autre expérience étonnante, comparé à l’aéroport Tân Sơn Nhất de Saigon. Chacun d’entre nous tenait une grande enveloppe jaune contenant nos papiers d'immigration et nos dossiers médicaux. En attendant le vol, j'ai entamé une conversation avec un Français, debout là avec une très jeune fille d'environ 4 ou 5 ans, que je croyais être sa fille. Après presque 40 ans, Je me souviens encore de son nom. Monsieur Frantoni, qui avait peut-être mon âge, travaillait pour la BNP (Banque Nationale de Paris) à Hong Kong. Grâce à notre conversation, il savait que nous étions des réfugiés vietnamiens, fraîchement sortis du camp et en route pour nous réinstaller aux États-Unis. Il a semblé aussi très surpris d'apprendre que nous étions tous les deux, anciens professeurs de français. Il m'a demandé poliment si je pouvais lui donner mon nom et, si possible, mon adresse aux États-Unis, et avec ma permission, il aimerait être en contact avec nous plus tard. Dans mon esprit, je pensais qu'il me l’avait dit par gentillesse. Je l'ai quand même noté dans un petit carnet qu’il m’a tendu. Quand je lui ai dit au revoir, il m'a serré la main très fort et nous a souhaités bonne chance.
Après le premier mois à Houston, je n'avais toujours pas de travail et je vivais toujours avec ma sœur aînée. J’ai complètement oublié cette rencontre banale à l’aéroport Changi jusqu’à ce qu’un jour, en vérifiant le courrier, j'ai été assez surpris de voir une lettre de M. Frantoni. Son contenu me faisait chaud au cœur: “Je vous ai rencontrés, vous et votre famille, dans une situation très ironique: j'étais sur le chemin du retour à Hong Kong après une semaine de vacances à Singapour avec ma fille. Au même moment, vous et votre famille veniez de quitter un camp de réfugiés et sur le point de recommencer une nouvelle vie dans un pays étranger, avec plus de questions que de réponses sur les jours à venir. J'admire sincèrement votre courage et vous souhaite, ainsi qu'à votre famille, la meilleure des chances et le succès dans votre nouvelle vie. Au fait, permettez-moi de vous faire parvenir une année complète d'abonnement prépayé au Magazine Littéraire”. Les mots sincères d'un cœur compassionné, m'ont profondément touché et m'ont fait monter les larmes aux yeux! Après six ans dans une société communiste, dans des moments sombres, j'avais cru que la compassion n'existait plus! Ces petites touches , parfois simples mais gentilles, avaient prouvé que j’avais tort. Je me suis réjoui de découvrir que les “ bons cœurs” étaient toujours là, parmi nous!
ADIEU ASIE! BONJOUR AMÉRIQUE!
Après un vol interminable dans le géant Boeing 747 de TWA (Trans-World Airlines), nous sommes enfin arrivés à San Francisco après une courte escale en Alaska.
Un représentant vietnamien de l'USCC (US Catholic Charities) était là pour nous accueillir. Je n'ai pas vu beaucoup d'émotion sur son visage. Il ne nous a pas même souhaité la bienvenue, pas même une question concernant notre long voyage. C’était tout simplement son boulot d’être là. Il avait dû le faire si souvent et pour lui, c'était devenu une routine comme un employé d'une entreprise d'expédition et de réception!
En attendant le bus, il nous a remis une bouteille d'eau potable et un petit sac en papier contenant un sandwich et une banane. Il nous a également dit que nous passerions la nuit à San Francisco, en attendant le vol du lendemain matin vers notre destination finale. Nous sommes montés à bord d'un grand bus qui nous a emmenés au centre d’accueil temporaire. Nous avons été émerveillés par la circulation si dense et très impressionnés par le système sophistiqué d'autoroutes américaines à plusieurs niveaux.
Pendant le trajet, j’ai aperçu un jeune asiatique de mon âge à travers la vitre du bus, au volant d'une vieille Mustang décapotable. Il avait l'air confiant et content, avec ses longs cheveux flottant dans la brise! Pour moi, c'était l'image parfaite d'un homme réussi, quelqu'un que je souhaitais être un jour! Ce moment ordinaire est encore vif dans ma mémoire après plus de quarante ans. Ce type ne saura jamais qu'à un moment donné, un pauvre réfugié l'a regardé avec tant d'admiration!
Nous sommes finalement arrivés à l'abri temporaire, c’était une ancienne caserne militaire, mais qui paraissait bien maintenue et en excellent état. Le guide nous a fait visiter les installations qui étaient bien aménagées pour rendre notre court séjour très confortable: Lits, matelas, douche d’eau chaude, serviettes. On nous a donnés rendez-vous dans la salle à manger à 19h30. Après une douche chaude rapide, la première chose que j'ai faite a été de chercher un téléphone public. Mon frère, qui vivait en Californie, était très excité d'entendre la voix de son jeune frère après tant d’années. Je lui ai fait savoir que nous allions bien et actuellement à San Francisco pour la nuit, et que je prendrais l'avion pour Houston demain. Je lui ai demandé d'informer ma sœur de notre arrivée. Mon frère m’a promis de venir nous voir à Houston le plus tôt possible.
Nous sommes allés à la salle à manger comme prévu et prêts pour notre premier repas en Amérique. Le menu était assez simple: poulet grillé avec salade, et il y en avait beaucoup, croyez-moi! Je n'ai jamais vu autant de poulet (*), surtout pour un petit groupe comme le nôtre. La viande étant devenue une chose rare ces dernières années, notre groupe d'une vingtaine de personnes, inspiré par l'esprit “buffet à volonté“, a tenté désespérément de finir le poulet pour ne pas gaspiller de la nourriture! Pourtant, après le repas, près d’un tiers de la viande est restée intacte! Nous avons terminé notre dîner avec une tasse de café, qui était loin de notre traditionnel café français, fort et savoureux.
(*) Cela m'a rappelé le temps où je suis retourné à mon poste d’enseignement après avoir été libéré du camp de “rééducation“ des communistes. De temps en temps, en tant qu'enseignants, nous pouvions acheter chacun, à prix réduit, un poulet vivant d'une coopérative non loin de notre école. Ces poulets ont été élevés de telle manière que nous avons surnommé avec sarcasme, à la “méthode d'élevage Staliniste“. Ils nous ont rappelé de ces pauvres et décharnés prisonniers des goulags Soviétiques en Sibérie. Le poulet n'était rien de plus qu'une légère boule de plumes avec beaucoup plus d'os que de viande! De nos jours, tout éleveur qui oserait adopter la même méthode serait sans aucun doute poursuivi pour cruauté envers les animaux! Pourtant, deux poulets maigres et trois gros choux pour en faire une “salade de chou au poulet” (Gỏi gà bắp cải) accompagnée d’un pot de soupe mince de riz au poulet, satisferaient amplement plus de 7 ou 8 enseignants affamés!
Après un repas plutôt copieux, j’ai emmené ma femme et mon fils dans la grande cour pour une petite promenade. Quelle agréable surprise, il était 9 heures du soir, et le ciel de San Francisco était encore doucement brillant, et il faisait étonnamment frais pour début juin! Silencieusement, je me laissais plonger dans un profond sentiment de bonheur.
Le lendemain, laissant “notre cœur à San Francisco“ (I left my heart in San Francisco), nous avons embarqué sur un vol Continental Airlines pour notre destination finale: Houston, Texas. Alors que l'avion était sur le point d'atterrir, j'ai été frappé par cette teinte vert foncé couvrant une vaste zone entourant l'aéroport. Dans mon esprit, le Texas, la capitale des Cowboys, devrait être nu, aride et couvert de cactus, comme le montrent tous les westerns. J'ai eu tort!
Le 5 juin 2021 a marqué la 40e anniversaire depuis que nous sommes devenus Texans! J'avais 32 ans, j'aurai 73 ans en mai prochain!
Houston, le 31 Décembre 2021
THUAN V TRAN (STEVE TRAN)
* La version originale de ces mémoires en vietnamien “VƯỢT BIÊN LAN MAN TỰ TRUYỆN“ du même auteur est disponible sur Google ou sur simple demande.
https://daihocsuphamsaigon.org/index.php/van/150-tranvanthuan/1221-vu-t-bien-lan-man-t-truy-n
* La version Anglaise “ESCAPE BY SEA” du même auteur est disponible sur simple demande.
LIBERTÉ/ Paul Éluard (Un poème que j’ai tant aimé)
https://ee.mlfmonde.org/stavanger-lycee-francais/wp-content/uploads/sites/7/2017/02/texte_original_poeme_liberte.pdf
Bổ túc phần Pháp văn ngày 07 tháng 04.2022