Nguyễn Văn Phiên tốt nghiệp Kiến trúc Sư tại ĐH Kiến Trúc Sài Gòn.
Nguyên Giảng viên ĐH Kiến Trúc TP HCM (1976-1979).
Định cư và làm việc trong ngành Xây Dựng tại Canada và Hoa kỳ từ năm 1980.

 

 

Một thời sinh viên

Nguyễn Văn Phiên

Chúng tôi đã sống với nhau hơn 50 năm hạnh phúc.
Tuổi đời cách xa nhau không nhiều, chỉ một năm, tôi là người chồng may mắn được cưng chiều và nhà tôi luôn ở cạnh tôi để giúp đỡ khi tôi cần... tình nghĩa vợ chồng luôn gắn bó với nhau.

Năm nay tôi bước vào tuổi 71, tuy phải uống thuốc chống lại những bệnh thông thường như áp huyết cao, mỡ nhiều trong máu... nhưng đầu óc, trí nhớ luôn sáng suốt.
Từ ngày hai vợ chồng về hưu, chúng tôi vẫn giữ nếp sống cũ, tổ chức những buổi họp mặt với bạn bè, đi thăm con cháu và người thân ở Canada và các tiểu bang khác.
Thỉnh thoảng hai vợ chồng ngồi bên nhau để ôn lại những kỷ niệm thời xa xưa nhất là thời còn là sinh viên, thời tung tăng vùng vẫy dưới khung trời đại học Sài Gòn.

Nhiều người hỏi, tôi và nhà tôi gặp nhau quen nhau trong hoàn cảnh nào, không có gì khó hiểu, ông anh của tôi lúc đó là huấn luyện viên ở TTHL Quang Trung, Hóc Môn muốn làm mai mối Hạnh là bà con bên vợ của anh nên tổ chức họp mặt cho chúng tôi gặp nhau.
Thế rồi "tình Trung duyên Nam" chớm nở. Lần đầu tiên đưa H. về nhà giới thiệu với gia đình của tôi, H. như lạc vào mê hồn trận của thế giới "răng rứa mô tê...", H. không hiểu gì hết,tôi phải ngồi bên cạnh để "thông dịch".
H. lúc đó đang bắt đầu năm thứ nhất trường Luật sau nhiều năm tháng "mài đũng quần" ở trường Nữ TH Gia Long.
Còn tôi thì mới học năm thứ hai của ĐH Kiến Trúc Sài Gòn.
Trường Luật và Trường Kiến Trúc sát bên nhau. Lối vào chính của trường Luật nằm trên đường Duy Tân còn lối vào chính của trường ĐH Kiến Trúc thì nằm trên đường Pasteur nhưng ngã sau của hai trường, chỉ cách nhau một hàng rào ở trên đường Phan Đình Phùng.


Cổng chính vào trường ĐH Kiến Trúc ở đường Pasteur

Cổng sau của trường ĐH Kiến Trúc có một quán cà phê lúc nào cũng đông đảo sinh viên KT ngồi vừa tán dốc vừa chọc ghẹo các cô nữ sinh Luật, có khi xổ ra lời tán tỉnh rất rẻ tiền nhưng rất chi là dễ thương:
- Em ơi em anh là Kiến trúc Sư tương lai đây nè, yêu anh đi, anh làm nhiều tiền lắm...

Trường Luật nằm cạnh trường Kiến Trúc nên tôi có cớ đưa đón và hẹn hò H. đi học, nhiều khi tôi lại phải qua trường luật lấy cours cho H. vì trường Luật nhỏ xíu làm sao chứa mấy ngàn sinh viên, không đủ chỗ ngồi. Thường thường sinh viên Luật lấy "cua" xong rồi ôm "cua" ra vỉa hè hay quán cà phê ngồi đọc.
Nhiều khi tôi phải ở lại trường Kiến Trúc ngày đêm để làm đồ án, người ngợm hôi hám vì mấy ngày không tắm, mặt mày hốc hác vì thức khuya nên khi qua trường Luật nhiều người nhìn tôi đăm đăm không biết "cái bang" nào, rồi họ để tôi tự nhiên lấy "cua" mà không tranh dành, lý do dễ hiểu là họ muốn tránh xa tôi, có lẽ vì tôi hôi quá mà...

Rồi ngày qua ngày hai đứa chúng tôi lại càng gần nhau hơn, có khi bước bên nhau trên con đường được đưa vào huyền thoại bởi Phạm Duy: "Trả lại em yêu khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt..."


Trường Luật ở đường Duy Tân

Dù quen biết nhau qua mai mối, chưa có sự tìm hiểu kỹ càng nhưng đối với tôi nếu có sự tìm hiểu cặn kẽ đối tượng, sáng suốt nhận định, và có sự hợp nhãn và cảm xúc của trái tim, không hẳn mối duyên nào nhờ mai mối cũng đều bế tắc. Hơn nữa tôi vẫn thầm nghĩ tình duyên nào cũng do "trời định" và có duyên số. Vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn, qua sự khuyến khích của gia đình hai bên, chúng tôi quyết định đi tới hôn nhân.
Hồi đó tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh và trong mỗi người đều băn khoăn cho tương lai của chính mình, không biết thân phận của mình sẽ đi về đâu, nhất là sau Tết Mậu Thân, tuổi trẻ chứng kiến sự tang thương chết chóc trên quê hương của mình, ngồi học trong trường nhưng không biết lúc nào sẽ ôm súng chiến đấu ngoài chiến trường... cho nên suy nghĩ về tình yêu và hôn nhân rất đơn giản,không tính toán, không đắn đo, đôi khi lạc quan "yêu cuồng sống vội".

Lấy nhau thời loạn ly, cô dâu và chú rể đều nghèo vì còn là sinh viên năm thứ nhất thứ hai nhưng choáng ngợp trong hạnh phúc thần tiên, bất chấp mọi trở lực, càng không để đồng tiền cản lối.
Chúng tôi cùng học, cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau, rồi khi có con đầu lòng chúng tôi lại cùng nhau săn sóc yêu thương. Thật khó để giải thích thành lời vì sao lại thế, chẳng thể nào giải đáp hết những tình cảm mông lung trong trái tim tôi từng ấy tháng ngày. Cũng như nhà văn, nhà thơ Pháp Saint Exupéry đã nói:
"Loving is not looking at one other, it's looking together in the same direction. S'aimer ce n'est pas se regarder l'un, l'autre, mais regarder ensemble dans la même direction" (Yêu nhau không chỉ là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng).
Đúng vậy chúng tôi không nhìn nhau để khen thưởng nhau, chỉ trích nhau mà cùng nhau bỏ qua tất cả "cá nhân tính" của mỗi người để chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là "xây dựng gia đình", xây dựng một tổ ấm nhỏ nhoi.

Sau khi có con đầu lòng, H. phải bỏ học ở nhà săn sóc con, còn tôi thì tiếp tục học và tìm việc làm. Dù cha mẹ hai bên sẵn sàng giúp đỡ nhưng chúng tôi muốn tự lập, không muốn vướng bận cho người thân vì hoàn cảnh của gia đình mình.
Một hôm khi đang ngồi uống cà phê ở quán Bình Minh ở đường Bàn Cờ, quán này là nơi tôi hay lui tới với bạn bè vừa thưởng thức cà phê ngon vừa nghe nhạc TC Sơn... Tôi chợt nhận ra nhiều món ăn sáng mà sinh viên chúng tôi ưa thích không có trong thực đơn nên tôi có sáng kiến sẽ bỏ mối bánh Batêsô, còn được gọi là pâté chaud, là một loại bánh phồng mặn của Việt Nam. Bánh được làm bằng một lớp bột bên ngoài nhẹ và dễ bong với lớp nhân thịt bên trong.
Tôi thỏa thuận chia 20 phần trăm tiền kiếm được cho quán này và được sự đồng ý của chủ quán.
Rồi cứ mỗi buổi sáng tôi tới lò bánh mì Pháp ở trung tâm Sài Gòn, đây là nơi cung cấp đồ ăn cho hãng hàng không Air Viet Nam lúc bấy giờ, để lấy bánh Pâté Chaud, rồi đến quán cà phê Bình Minh để giao hàng, rồi buổi chiều thì tôi lại tới quán để coi tình hình buôn bán như thế nào, nếu cô chủ quán gật đầu thì tôi biết hàng của tôi được bán hết, nếu cô lắc đầu thì tối hôm đó cả nhà phải ăn pâté chaud trừ cơm.
Sau đó H. thí nghiệm làm da-ua (yogurt) đó là loại sữa chua, gồm sữa đặc có đường, được làm trong các lọ thủy tinh nhỏ. Đó là món ngon nhất, tinh tế chua chua, ngọt ngào và mịn màng khi bỏ vào miệng.
Tôi lại bỏ mối thêm một món hàng nữa.
Công việc làm ăn này đem lại lợi tức không nhiều lắm nhưng cũng vừa đủ để chúng tôi cầm cự qua ngày. Rồi tôi lại liên lạc và bắt mối với nhiều quán cà phê khác trong đó có Câu lạc bộ ĐH Vạn Hạnh.
Sau đó một năm, mẹ của H. muốn trông nom cháu ngoại để H. có thể tiếp tục học. Chúng tôi thấy đó là một ý kiến hay nên dời nhà qua Chợ Lớn là nơi gia đình của H. đang sinh sống và làm ăn đã nhiều năm.
Trong thời gian này vì quá bận rộn học hành, tôi phải làm đồ án liên miên trong trường, lại thêm kiếm được công việc dạy toán tại trường TH Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ nên tôi ngưng công việc bỏ mối cho các quán cà phê.
H. không muốn trở lại trường Luật mà muốn học ĐH Văn khoa, lý do là vì H. muốn thi vào trường ĐH Sư Phạm Sài Gòn mà điều kiện muốn thi vào trường nầy thì phải có chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa.


Trường ĐH Văn Khoa trên đường Cường Để

Thế là tôi được "đi học Văn Khoa", nhà tôi phải ở nhà săn sóc con nên tôi phải tới trường lấy "cua". Cũng như trường Luật, trường Văn Khoa cũng đông đảo sinh viên không kém gì trường Luật và nữ sinh là nhiều nhất. Số liệu thống kê cho biết năm nhà tôi ghi danh vào trường thì có khoảng 5 ngàn nữ trong tổng số hơn 8 ngàn tân SV. Bởi vậy nên có câu quote hơi buồn một chút cho các chàng trai văn khoa: Trai khôn tìm vợ văn khoa...
Riêng tôi thằng con trai Huế bắt đầu biết hát “em tan trường về” trong tôi chỉ mơ Trường Văn khoa nơi có nhiều nữ SV đẹp nhất Sài Gòn trong những chiếc áo dài duyên dáng trong đó có bóng dáng những người ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi danh như Thanh Lan, Hoàng Oanh…
Trước đó, khi còn là học sinh trung học, tôi đã nghe đến Trường ĐH Văn khoa với những tên tuổi thi nhân, nhà văn lớn của Sài Gòn là giáo sư của trường như Giản Chi, Đông Hồ, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Khánh Hoan, Lý Chánh Trung, Lê Ngọc Trụ, Phạm Việt Tuyền, Trần Trọng San, Lê Tôn Nghiêm, Vũ Khắc Khoan... và có khi tôi đã mơ ước mình sẽ trở thành một văn sĩ.
Thế rồi sau một năm lấy "cua" Văn Khoa cho H. học, H. thi đậu chứng chỉ dự bị Văn Khoa và ghi danh thi tuyển vào trường ĐH Sư Phạm Sài Gòn, ban Sử Địa.
Tôi thì mong cho H. ở nhà trông nom con dại nhưng "chó ngáp phải ruồi" H. lại trúng tuyển vào trường Sư Phạm có nghĩa là tôi phải đến trường SP để học giùm H. và phải lấy "cua", "ôm cua" nữa... trời ơi!
Nhưng tôi đã lầm, trường ĐHSP là trường thi tuyển nên số sinh viên không nhiều và tất cả sinh viên phải tới trường học mỗi ngày, tôi không phải đi chen lấn lấy "cua" gì hết, tôi chỉ làm công việc tài xế đưa đón mà thôi.


Trường ĐH Sư Phạm nằm trên đường Thành Thái thuộc quận 5

Không biết tương lai lúc ra trường như thế nào nhưng H. được học bổng 1500đ/1 tháng cũng đủ tiền mua sữa cho con và giúp chúng tôi vượt qua khó khăn về tài chánh.
Tôi thường đón H. ở sân trường ĐHSP, từ đây tôi có thể nhìn lớp học sau một hành lang dài, trên hành lang này tôi nhận diện được các thầy cô mà H. đã mô tả cho tôi biết. Nào là thầy LT Liêm,thầy PĐ Tiếu,thầy HN Thành, Cụ NN Cư, cô NT Cúc, cô TT Khánh Vân, thầy NV Lương...
Thầy Nguyễn văn Lương hay chú Lương dạy Anh văn thì tôi quen biết vì anh ruột của chú là bác Đống là bạn thân của ba tôi, ba tôi gởi tôi học trọ ở nhà bác Đống nên tôi có dịp gặp chú Lương hoài. Chú ăn nói rất bộc trực, nghĩ gì nói nấy không sợ mất lòng ai. Đôi khi trở nên gàn bướng.
Người ta kể, thời gian lúc chú ở Pháp, chú đã trải qua một tai nạn lưu thông đưa đến cái chết cho bà vợ người Pháp và đứa con, điều nầy làm chú buồn và đâm ra tâm trí không được bình thản. Sau đó chú đã trở về nước và có bà vợ thứ hai, chúng tôi ai cũng thương mến thím Lương vì tánh tình hiền hậu khiêm tốn của thím.
Có một hôm tôi đang chờ đợi H. trong sân trường, gần lớp học chú đang giảng dạy. Thấy tôi, chú vẫy tay gọi tôi vào trong lớp, tôi không biết chuyện gì nhưng cứ theo lời chú. Chú liền nói với tôi một hơi bằng tiếng Anh, bị hỏi bất ngờ nên tôi không hiểu gì hết, ngớ ngẩn và mắc cở với sinh viên trong lớp,rồi chú lập lại một lần nữa:
-Who is the author of The Jungle Book?
Tôi liền buộc miệng:
-Kipling.
Chú cười và khoác tay cho tôi đi ra ngoài.
Sau này gặp chú tôi có hỏi tại sao chú kêu tôi vào trong lớp học để hỏi "Ai là tác giả của chuyện rừng xanh" thì chú trả lời vì trong lớp không ai trả lời được.
Riêng tôi sở dĩ tôi biết câu trả lời vì tôi là một huynh trưởng Hướng Đạo ngành Ấu.
Baden-Powell, người sáng lập ra phong trào HĐ thế giới yêu thích Sách rừng xanh, The Jungle Book, của nhà văn, nhà thơ Rudyard Kipling và nghĩ rằng những nhân vật giả tưởng trong truyện sẽ làm cho sinh hoạt, giáo dục trE3 con vui hơn, thiết thực hơn. Dựa trên những tổ chức đó ngành ́Ấu, Cub Scout, của HĐVN ra đời.
Khi H. học lên năm thứ ba thì việc đưa đón của tôi càng bận rộn hơn vì thêm thời khóa biểu thực tập của H. Tôi phải biết nơi chốn và giờ giấc để đưa đón được chính xác. Khi thì trường Võ Trường Toản, khi thì Chu văn An, Trưng Vương, Gia Long...
Mỗi lần thực tập xong, H.thường kể cho tôi nghe, lúc đầu H. sợ đi thực tập với sự hướng dẫn của thầy NN Cư, trong lớp hay kêu là cụ Cư vì cụ rất khó và hay sửa lưng sinh viên trước mặt học sinh nhưng về sau H. nhận ra cụ Cư phê bình rất đúng và không "mị" học trò nên H. càng kính nể và thương cụ nhiều hơn.
Đi thực tập ở trường Nữ thì H. vui và hứng thú nhiều vì mấy em học sinh nữ rất tự nhiên và gần gủi hơn. Có em không ngần ngại nói với H.
- Cô ơi cô dễ thương quá...
- Cô ơi tóc cô dài và đẹp quá...
Còn đi thực tập ở các trường Nam, mấy đứa "khỉ" ngồi bàn cuối cứ vẽ hình hoặc làm thơ chọc cô giáo...
Cuộc đời sinh viên của chúng tôi cứ êm đềm trôi, chúng tôi vẽ vời cho nhau một ước mơ nho nhỏ, tôi ra trường thành Kiến Trúc Sư, H. ra trường thành cô giáo, có vài đứa con cho vui cửa vui nhà, tậu một căn nhà nhỏ và chiếc xe Honda Civic như ông thầy của tôi là tuyệt vời...
Nhưng ước mơ đó bị đổ vỡ không bao giờ thành tựu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Mọi việc bị đảo lộn, thầy cô, học trò mỗi người một ngã, cách giáo dục này biến thành tổ chức giáo dục khác, người trí thức đành phải lũ lượt bỏ nước ra đi.

Cách đây 26 năm trước, nhận lời mời của một người bạn cùng lớp sử địa với H. chúng tôi đã qua Pháp ba tuần, trong dịp này chúng tôi có dịp gặp Thầy LT Liêm và Cô NT Cúc trong một bữa ăn tối tại nhà người bạn. Thầy Cô là người ăn nói nhỏ nhẹ và khiêm tốn. Tôi có hỏi Thầy Cô:
-Thầy Cô cảm thấy thế nào khi không còn làm việc trong ngành giáo dục nữa?
Cô Cúc trả lời với giọng trầm buồn:- Thầy cô cũng buồn thôi, cũng đành phải bỏ nước ra đi.
Nhìn trong đôi mắt của Thầy Cô tôi đọc được giòng chữ:
"Còn nước còn tất cả, mất nước mất tất cả".

Nguyễn văn Phiên
Mùa Cách ly 2020



Đăng ngày 26 tháng 05.2020