banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nguyễn Văn Phiên tốt nghiệp Kiến trúc Sư tại Đại học Kiến Trúc Sài Gòn.
Nguyên Giảng viên Đại Học Kiến Trúc TP HCM (1976-1979).
Định cư và làm việc trong ngành Xây Dựng tại Canada và Hoa kỳ từ năm 1980.
Phu nhân của ông là Đặng thị Mỹ Hạnh, cựu SV Đại học Sư phạm Sài gòn, ban Sử Địa, niên khóa 1972-1976.

 

Khi Nhà tôi bệnh

Nguyễn Văn Phiên

Năm nay tôi bước vào tuổi 72, tuổi Sửu, còn nhà tôi thì tuổi con cọp, 71 tuổi, nhà tôi thường đe dọa tôi:
- Nè em là tuổi cọp dữ lắm chứ không hiền đâu mà hòng bắt nạt em.
Nhà tôi không nói tôi cũng biết rồi, hồi còn nhỏ không biết cãi lộn gì với thằng em, bả giả bộ thua rồi chờ khi thằng em không đề phòng bả đổ tô bún mắm vào đầu.
Hồi nhà tôi còn học trường ĐH Sư Phạm Sài Gòn, năm thứ 3 là phải đi thực tập, bổn phận tôi là đưa đón. Có lần trong khi chờ đợi tôi lén nhìn qua cửa sổ lớp của bả đang dạy, tôi thấy nhà tôi đứng trên bục gổ hùng hồn giảng về lịch sử VN, vừa nói vừa cầm viên phấn trắng vẽ trên bảng đen. Có mấy đứa học trò ngồi bàn cuối, không chịu nghe giảng rồi còn vẽ hình cô giáo bị nhà tôi bắt gặp và đuổi ra khỏi lớp.
Như vậy cũng biết nhà tôi dữ như thế nào.
Chúng tôi đã sống với nhau hơn 51 năm hạnh phúc.
Tôi cảm thấy mình là người chồng may mắn được thương yêu, nể trọng và nhà tôi luôn ở cạnh tôi để giúp đỡ khi tôi cần... Tình nghĩa vợ chồng luôn luôn gắn bó với nhau.
Nhà tôi thích trồng bông hồng và nghiên cứu cách săn sóc làm cho cây có hoa nhiều hơn là lá... thêm vào đó nhà tôi cũng thích đọc sách về lịch sử thế giới... còn tôi thì giúp con tôi bằng cách đưa đón cháu ngoại đi học...
Tôi cảm thấy hạnh phúc thật đầy đủ.

Cách đây không lâu, nhà tôi bỗng dưng có những cử chỉ khác thường làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày, dễ quên những sự việc vừa mới xảy ra, quên các ngày tháng, hỏi đi hỏi lại cùng một câu chuyện...
Đôi khi quá bực mình tôi phải gào to: "anh đã giải thích nhiều lần rồi, hỏi hoài..."  nhà tôi bưng mặt khóc, tôi cảm thấy hối hận và hứa từ nay kiên nhẫn hơn.

Trước đây khi có một công việc quan trọng như mua nhà,bán nhà, hai vợ chồng tôi đều ngồi xuống để bàn bạc, lập kế hoạch, phân công mỗi người lo một việc để giải quyết vấn đề. Nhưng bây giờ nhà tôi lại gặp phải khó khăn khi lập kế hoạch hay giải quyết vấn đề... đó là sự tập trung suy nghĩ và tốn nhiều thời gian hơn để thực hiện các công việc mà nhà tôi đã làm trước đây.
Trước đây nhà tôi cũng thích tổ chức bếp núc cho ngăn nắp, gọn gàng, nếu tôi sơ ý làm xáo trộn thì nhà tôi chỉnh liền:
- Anh đi chỗ khác đi... this is my kitchen...
Nhà tôi cũng thích nấu nướng nhiều món Nam rất ngon như gỏi đu đủ, gỏi tôm thịt, gỏi cuốn... nhưng bây giờ nhà tôi gặp khó khăn tìm kiếm hoặc sắp xếp dụng cụ nấu nướng, chén dĩa ly tách vào chỗ cũ và không còn thiết tha gì đến việc nấu nướng...

Nhà tôi bây giờ nói năng lung tung, không còn chính xác như ngày xưa, lẫn lộn thời điểm này với thời điểm khác, thời gian này với thời gian khác, người này với người khác.
Có lần hai vợ chồng ngồi xem video "You belong with me", nhà tôi chỉ Taylor Swift và nói tỉnh bơ: con nhỏ này hồi học chung ở trường Gia Long nó hay ngủ gục...
Rồi đối thoại khó khăn, vì nhiều khi nói nửa chừng rồi bí.
Tôi thường trách con tôi không hiếu thảo với mẹ, không dành thì giờ để nói chuyện, hỏi thăm mẹ.
Nhưng nghĩ kỹ lại chúng nó thương cha mẹ nhiều lắm nhưng mỗi lần chúng nó tới gặp nhà tôi thì sự đối thoại quá trở ngại đối với chúng, tôi thấy chúng chỉ gật đầu rồi dạ dạ chứ không biết nói gì nữa. The conversation is broken down.

Nhiều khi thấy nhà tôi đứng hàng giờ nhìn những con số hay đếm những tờ giấy quảng cáo mà tôi đau lòng. Mới ngày nào làm việc cho một ngân hàng ở Boulder, thuộc bộ phận kế toán. Mỗi lần có khách hàng cần đầu tư, kinh doanh gì thì nhà tôi nhanh nhẹn trả lời những câu hỏi và giúp khách hàng chọn lựa đúng.
Cách đây gần 20 năm, khi bác sĩ cho biết tôi bị bệnh ung thư ruột, colon cancer, ở thời kỳ thứ 3 và cần phải mổ ngay. Nhà tôi đã lái xe chạy lui chạy tới các văn phòng bác sĩ năn nỉ để tôi được giải phẩu càng sớm càng tốt... nhưng bây giờ nhà tôi không còn muốn lái xe nữa và hầu như quên hết các địa điểm quen thuộc và ngay cả địa chỉ của nhà đang ở.

Khi biết nhà tôi bị căn bệnh quái ác Alzheimer, tôi sững sờ và lo âu vì từ trước đến giờ tôi có kinh nghiệm gì về săn sóc người bệnh này đâu.
Đi bác sĩ gia đình thì được giới thiệu tới bác sĩ chuyên môn rồi cũng không đi đến đâu.
Nếu nhà tôi bị thương chảy máu tôi có thể băng bó, nếu nhà tôi cần oxygen để thở tôi có thể mang bình chứa theo bất cứ nơi đâu, nếu nhà tôi bị bại liệt tôi có thể đẩy xe lăn để di chuyển...
Nhưng nhà tôi lại bị bệnh về đầu óc, tôi không biết làm sao để đối phó...
Từ ngày ấy, chúng tôi vẫn tiếp tục sống bên nhau, giảm bớt dần những giao tế xã hội, bạn bè.

Chúng tôi đã bay nhảy dưới khung trời ĐH Sai Gòn và ráng ra trường trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, rồi vượt biên. Khi đến bến bờ tự do thì làm đủ mọi nghề để sinh tồn nơi xứ lạ quê người. Lúc nào chúng tôi cũng chia xẻ với nhau.
Gần đây thấy một người bạn trên Facebook đăng một tấm hình hai ông bà cụ già cười với nhau bên tách trà buổi sáng, tôi bỗng thốt lên:
- Ôi nhắc chi những chuyện đau lòng ấy.
Anh bạn phản ứng ngay:
- Anh nói chi lạ vậy, hình ảnh hạnh phúc như vậy sao gọi là đau lòng?
Tôi không trả lời vì nghĩ rằng không ai hiểu được lòng tôi... là mơ ước được diễm phúc ngồi uống trà kể chuyện xưa với nhà tôi.

Bây giờ tôi cố gắng tạo cơ hội gần gũi nhà tôi trong những bữa ăn sáng, trưa, chiều...
Tôi cố gắng nấu những món ăn mà nhà tôi thích, cắt những miếng thịt gà nướng bỏ vào dĩa cho nhà tôi:
- Ăn đi em, kỳ này anh nấu ngon lắm.
Khi nào nhà tôi ăn hết thức ăn trên dĩa là tôi thấy vui và hạnh phúc.

Vì không muốn tôi cực khổ, Bác sĩ và người thân của tôi đề nghị tôi đưa nhà tôi vào nursing home có săn sóc đặc biệt cho người bị tâm trí.
Nhưng tôi từ chối, dù sao vợ chồng ở cạnh nhau cũng tốt và tôi ráng săn sóc nhà tôi. I try to do my best.
Chúng tôi thường đi dạo ở một công viên gần nhà trong những hôm nắng đẹp.
Những bồn hoa khoe sắc rực rỡ trên lối đi, những con vịt trời rộn rã gọi nhau làm xao động mặt hồ và bầu trời xanh trong vắt. Dù sao tôi cũng tìm được ít nhiều hạnh phúc trong khoảnh khắc này.

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy,
Có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy,
Dù sao, dù sao đi nữa tôi cũng yêu em ...
(Niệm khúc cuối- Ns Ngô thụy Miên)



Nguyễn văn Phiên
Tháng 8 năm 2021



Đăng ngày 15 tháng 08.2021