Chùm hoa cosmos
Lưu An
Chương 15
(Đoản văn của Mai viết cho Đoàn)
Cuối tháng năm, vài trận mưa đầu mùa vừa đổ xuống, rửa đi cái nóng cháy da của mùa nắng vừa đi qua. Đoàn đã đi được gần 2 tháng rồi. Chúng tôi đã thật sự xa nhau, đời sống của tôi cũng đã đổi khác từ ngày anh ra đi. Tôi cố gắng gò mình tìm quên trong công việc dậy học hay ngồi viết thư cho anh, nhớ đến anh, đến những kỷ niệm của hơn hai năm yêu nhau vừa qua của chúng tôi.
Thời gian trở lên nặng nề với tôi trong công việc, trong những lúc rảnh rỗi và cả trong giấc ngủ của tôi nữa. Bộ salon trong căn phòng khách nhỏ bé với những tập sách báo của anh còn để lại trước khi đi. Những quán cà phê, những tiệm ăn đông đảo về đêm mà chúng tôi thường đến...Tất cả là những dấu tích, kéo tôi về sống với dĩ vãng, của những ngày tháng đẹp đẽ vừa qua. Cuộc đời của tôi bây giờ toàn là nhớ mong và mơ mộng, ngoài cái đó tôi chẳng còn gì nữa.Bởi vì tôi chỉ có một tình yêu đầu tiên say đắm chứa chất trong con tim của mình mà tôi đã trao cho anh mang đi rồi. Trong khi tôi buồn đau vì cô đơn, vì nhớ mong như vậy thì gia đình tôi lại sung sướng khi nghe tin Đoàn đã ra đi. Mặc dù ba mẹ nhìn thấy vẻ buồn bã vương vấn trên khuôn mặt tôi, nhưng nghĩ rằng tình yêu của tôi và Đoàn đã được giải quyết rồi. Thời gian và ngăn cách không gian sẽ mang quên lãng và mới mẻ cho tôi và cả cho anh nữa.
Một cuối tuần, khi tôi về Sàigòn thăm gia đình. Sau bữa cơm tối, cả gia đình quây quần trong phòng khách trước chiếc TV. Thấy tôi im lặng ngồi tư lự một mình ở một góc riêng biệt, không chú ý đến chương trình trên TV. Mẹ đứng dậy vặn nhỏ âm thanh rồi đến ngồi bên cạnh tôi. Đưa tay âu yếm gạt vài lọn tóc lòa xòa trên mặt tôi, mẹ hỏi nhẹ:
- Đoàn, nó có viết thư đều cho con không?
- Dạ có, mẹ !
- Còn con, dĩ nhiên con cũng viết trả lời nó chứ?
- Vâng, nhưng tại sao mẹ lại hỏi con như vậy?
Mẹ im lặng, không trả lời. Một lúc sau, mẹ buông tiếng thở dài:
- Mai, con biết con bao nhiêu tuổi rồi không?
Tôi im lặng, không trả lời. Mẹ nói tiếp:
- Hai mươi bốn tuổi rồi, Mai à. Tuổi tác và thời gian không cho con đợi chờ quá lâu con ạ. Con đừng vì một lời hứa hẹn không đâu để rồi bị quá thiệt thòi.
Khoa đưa tay tắt chiếc TV, quay sang nói với tôi:
- Mai, nếu em đồng ý, anh sẵn sàng giới thiệu em với một vài người bạn của anh.
Quyên tiếp lời chồng:
- Em phải thực tế Mai à. Tình yêu không có suy tính đôi khi dẫn người ta đến dại khờ và mất mát. Em thử nghĩ mà xem, em đợi chờ được bao nhiêu năm nữa, khi tuổi em cứ chồng chất mãi lên?
Ra vẻ lưỡng lự một chút, Quyên tiếp:
- Huống chi, chỉ vì một lời hứa suông, chẳng có gì để bảo đảm. Ai cấm người ta im lìm, không liên lạc với em nữa?! Cuối cùng là chỉ có em bị thiệt thòi mà thôi.
- Chị Quyên, chị có thể nghi ngờ một người mà chị thật lòng yêu thương họ và biết chắc chắn họ cũng yêu thương chị, họ chưa một lần lừa dối chị trong hơn 2 năm quen nhau được không? Chị có nỡ phản bội họ để lấy một người khác mà chị chưa hề thương yêu, không một kỷ niệm gắn bó hay không?
Quyên cau mày, mỉm cười nhẹ, nhìn Mai, với giọng ra vẻ khôn ngoan trả lời:
- Tình yêu sẽ đến sau đó Mai à. Theo chị, ở cái tuổi nào đó, người đàn bà phải hiểu tình yêu là sự kết hợp giữa tình cảm và khôn ngoan. Người ta không thể phí phạm thời gian để nuôi dưỡng tình cảm một cách vô lý,thiếu khôn ngoan nếu không muốn bị muộn màng, đau khổ. Em không thấy sao, biết bao nhiêu người vẫn tìm được tình yêu, gia đình ấm cúng sau khi kết hôn mà?
- Nhưng tình yêu đó, nếu có đi nữa, thì cũng chẳng thể nào so sánh với tình yêu ngày xưa, tình yêu đã được kết tạo bằng thời gian và kỷ niệm được. Ừ nhỉ! Mà tại sao mình phải tìm cách quên lãng mối tình mình đang có, đang tốt đẹp để tìm lấy mối tình khác mà mình chưa biết sẽ ra sao?
Quyên chưa kịp trả lời, thì Ba ho nhẹ vài tiếng, dụi mẩu thuốc lá xuống chiếc gạt tàn, hướng mắt về tôi ba hỏi:
- Đoàn, nó dự tính học bao lâu thì xong? Hiện nay nó bao nhiêu tuổi rồi?
- Anh ấy nói khoảng 3 năm. Hiện nay anh ấy vừa sang 28 tuổi.
- Mai, ba không muốn ngăn cản con yêu thương, kết hôn với nó. Nhưng ba thành thật khuyên con nên nghĩ rất kỹ lại quyết định của mình. Với 3 năm đợi chờ cho đời một người phụ nữ xấp xỉ 25 tuổi như con, theo ba quá dài và cũng chẳng có gì chắc chắn cả. Con đã khôn lớn rồi, quá đủ để con tính suy. Gia đình ngăn cản, khuyên răn con chỉ vì thương con, không muốn con vấp ngã, thua thiệt mà thôi.
Ôm lấy mẹ, tôi khóc, nước mắt thấm ướt vai áo mẹ. Rấm rứt tôi nói với mẹ nhưng cũng để cho mọi người nghe :
- Mẹ, con buồn quá! Thay vì con nhận được lời nâng đỡ tinh thần của gia đình, giúp con có được niềm vui trong cuộc sống. Nhưng ngược lại con phải nghe những lời trách cứ, ngăn cản làm cho con chán nản hơn.
Ngước mắt nhìn mọi người trong gia đình, với giọng nói quyết liệt tôi nói tiếp :
- Con sẽ đợi chờ! Con tin tưởng con không lầm lẫn. Hơn hai năm gần gũi vừa qua, quá đủ cho con và anh ấy nhìn rõ, hiểu rõ con người và bản chất của nhau rồi. Con xin ba mẹ và anh chị đừng đề cập đến vấn đề này của con nữa.
Nói xong, tôi lại ôm lấy mẹ, tôi khóc nhiều hơn! Cảm giác cô đơn, chẳng được ai trong gia đình thông cảm, giúp đỡ bao phủ lấy tâm hồn tôi. Mẹ nâng mặt tôi lên, âu yếm chùi nước mắt cho tôi, kéo tôi đứng dậy, mẹ nói:
- Mai, con lên nhà nghỉ đi. Chuyện của con hôm nay đã quá rõ ràng rồi, từ nay chẳng ai đề cập đến nữa. Con đã khôn lớn, con tự đi vào con đường mà con đã lựa chọn cho riêng con.
Vừa bước vào căn phòng riêng của mình. Tôi nằm vật xuống giường, dụi mặt vào chiếc gối khóc rấm rức mà tôi chẳng biết lý do!
Vâng, Đoàn ạ, như ba me đã nói, em đã đủ khôn lớn để chọn lựa rồi. Em yêu anh, em sẽ đợi chờ anh ba năm hay dài lâu hơn nữa. Em tin rằng em sẽ có đủ sức mạnh và kiên nhẫn, chịu đựng được cô đơn để mong chờ ngày về của anh. Đoàn ơi, đừng bao giờ quên em, đừng bao giờ lừa dối, tội nghiệp em anh nhé.
Nhưng rồi một năm dài lê thê cũng đã qua. Tình yêu của chúng tôi vẫn đằm thắm qua những lá thư hàng tuần viết cho nhau. Khoảng cách thời gian đợi chờ cũng đã ngắn dần lại theo với hy vọng và tin tưởng của tôi. Nhưng tình hình chiến cuộc ở trong nước lại mang cho chúng tôi những lo lắng khác. Hầu hết thư từ Đoàn viết về cho tôi từ đầu năm 1975, anh luôn luôn đề cập đến những thất lợi của miền Nam qua các đài thông tin nước ngoài mà anh nhận được. Tôi cũng chẳng biết làm gì hơn là thỉnh thoảng gọi điện thoại về cho ba để hỏi han tình hình và phản ứng khi cần thiết.
Bước sang tháng tư, sau khi miền Trung thất thủ, không khí chính trị ở miền Nam trở lên ngột ngạt. Các cơ quan hành chánh, giáo dục...gần như chỉ làm việc với tính cách cầm chừng mà thôi. Sáng sớm ngày 27 tháng 4, khi vừa đến trường làm việc, Ba đìện thọai đến, cho biết tôi phải bỏ việc về Sàigòn gấp vì tình hình biến chuyển đến mức nguy hiểm, gia đình có thể rời khỏi VN bất cứ lúc nào khi có lệnh.
Ngay buổi chiều cùng ngày tôi đã có măt ở Sàigòn. Không khí chết chóc, bất an ninh đã lộ ra rõ ràng ở khắp nơi. Những cảnh đập phá nhà hôi tài sản. Vài nhóm đoàn hoạt động trong kín đáo đã dần dần lộ diện bằng những tin đồn, rỉ tai.
Bước sang ngày 29 và 30 Sàigòn hoàn toàn bị bao trùm bởi vòm không khí chết chóc và lo sợ. Những đống quân trang, quân dụng, súng ống, đạn dược vương vãi khắp trên đường đi. Tiếng súng lẻ tẻ hay từng tràng xẩy ra khắp nơi. Tiếng la hét, kêu gào vì mất chồng, mất cha hoà lẫn với cảnh phá nhà cửa cướp tài vật... Chẳng còn ai kiểm sóat được nữa. Sàigòn đã hiện rõ một thành phố loạn ly, vô chính phủ. Vào khoảng gần trưa ngày 30, anh Khoa hốt hoảng về nhà cho biết tình hình rất bi đát, không thể nào chờ đợi sự được nữa. Anh đốc thúc gia đình theo anh lên bến Bạch Đằng, hiện đang có một chiến hạm của Hải quân sửa soạn rời Sàigòn ra ngoại quốc. Nhưng ba từ chối vì tin tưởng sẽ có một chương trình di tản đàng hoàng, của chính phủ Mỹ, dành cho các cấp lãnh đạo trong quân đội và chính phủ VNCH.
Sau một hồi thuyết phục không được, anh Khoa quyết định dẫn vợ và 2 đứa con nhỏ ra đi dù có sự than khóc ngăn cản của mẹ. Cuối cùng mẹ cũng đành gạt lệ đến ôm hôn hai đứa cháu nội từ gĩa:
- Thôi! Đã thế ba mẹ chúc hai con và các cháu đi an toàn. Mẹ cầu Trời Phật phù hộ cho gia đình các con bình an. Nhớ cho gia đình biết tin vui ngay khi con đến nơi nhé.
Mãi đến buổi chiều, trời vừa chạng vạng tối, anh Khoa xơ xác, mệt mỏi, trên tay bồng 2 đứa con xồng xộc chạy vào nhà, anh hỏi:
- Mẹ, Quyên có về nhà chưa?
Chúng tôi ngẩn ngơ chưa kịp trả lời, anh nói tiếp :
- Chúng con bị lạc nhau trên bến Bạch Đằng, vì đông quá, lại chen lấn giành giật nhau lên tầu. Nhiều người đã bị đẩy xuống sông mất tích. Đã thế tình trạng cướp bóc xẩy ra không còn kiểm soát được nữa! Con lo cho Quyên quá mẹ à...
Chúng tôi ngơ ngác, không biết nói sao khi anh Khoa chưa hết kinh hoàng thuật lại cho mọi người nghe. Ngay khi hai vợ chồng anh đến bến Bạch Đằng, vừa đậu hai chiếc xe Honda trước đám đông đang chen lấn lên tầu. Chưa kịp lấy hai túi xách quần áo cột ở sau xe, đã bị một nhóm người chạy đến đẩy vợ chồng và hai đứa bé giật lấy hai chiếc xe chạy mất! Không còn cách nào hơn, anh và chị Quyên mỗi người một đứa con hoà nhập vào đám đông để tìm cách lên tầu. Nhưng người quá nhiều, xô đẩy nhau Chị Quyên bị nén giữa đám đông không thể nào ôm được thằng bé Việt. Đau lòng khi nhìn thấy thằng bé khóc lóc, trong khi vợ thì tóc tai xõa xời đang bị đám đông chèn ép. Khoa nhướn người lên chụp lấy thằng bé trên tay Quyên để cho vợ dễ xoay trở. Nhưng cũng chính lúc đó sức mạnh đám đông đã tách rời hai vợ chồng ra xa nhau. Chỉ vài phút sau Khoa chẳng còn nhìn thấy chị Quyên đâu nữa, dù anh kêu gào, gọi tên vợ liên hồi.
Khoa càng kinh hoàng hơn khi nhìn thấy một vài người phía trước anh, gần bờ sông bị ép đẩy rớt xuống giòng nước mất tích. Rồi tiếng kêu la, tiếng hét, tiếng khóc pha lẫn tiếng súng nổ chát chúa ở trên tầu và giữa đám đông. Vợ thì không biết ra sao. Hai đứa con thì khóc la vì sợ hãi đã làm Khoa rối trí. Anh tìm cách thoát khỏi đám đông đi tìm vợ. Cho đến khi chiếc tầu rời bến để lại trên bến tầu dấu tích tan hoang và vài người với ánh mắt ngơ ngác, nước mắt cũng dàn dụa như anh! Không biết làm gì hơn, Khoa bế con đi bộ về nhà với hy vọng mong manh Quyên cũng sẽ trở về nếu không kiếm được anh.
Mấy ngày sau, tình hình đã được xác định rõ ràng. Không có một cuộc di tản nào được xếp đặt, dành cho các cấp lãnh đạo của miền Nam VN như ba mong đợi. An ninh tạm gọi là đã được vãn hồi. Nhưng bầu không khí lo sợ vẫn còn đè nặng lên tâm trí người dân Sàigòn, nhất là đối với những người có chức vụ của chính quyền cũ. Chị Quyên biệt tăm, sống chết ra sao vẫn là vấn đề đè nặng trong tâm hồn của tất cả gia đình tôi. Sau đó, Ba và anh Khoa buồn bã từ gĩa gia đình với túi đồ ăn trong tay, đi tham dự khoá học cải tạo với lời hứa hẹn, sẽ được trở về với gia đình trong thời gian một tháng.
Gia đình tôi trở nên hoang vắng, buồn tẻ với bốn người, trong đó có hai đứa bé con anh Khoa. Tiếp theo sau là những cuộc khám xét giấy tờ, tài sản cũng như tiêu hủy tất cả những gì mà người ta cho là đồi trụy, sai trái. Ngay cả căn nhà, cũng bị chiếm giữ, chia xẻ cho một gia đình cán bộ từ miền Bắc vào vì lý do quá rộng cho bốn người. Không lâu sau đó với sự phân chia của phường khóm và sự yêu cầu của gia đình người cán bộ ở chung nhà. Mẹ con tôi và hai đứa cháu phải dọn ra ở tạm trong cái nhà để xe, trong thời gian chờ đợi ba và anh Khoa trở về sẽ được dời đi vùng kinh tế mới...
Cũng trong những ngày đầu tháng 5 năm 1975 đó. Tôi xuống Vĩnh Long để làm việc trở lại, nhưng bị từ chối vì lý do lý lịch. Đến căn gác trọ ngày xưa, người chủ cho biết cũng đã bị kiểm sóat, trưng thu tất cả vật dụng vì tưởng rằng tôi đã trốn ra ngoại quốc rồi. Gia đình Hồng cũng như một số bạn bè khác cũng chẳng biết đi đâu. Nhà của họ cũng đã có chủ mới !
Ngày hôm đó, nước mắt tôi dầm dề, bước đi thất thểu trên đường phố quen thuộc của thành phố Vĩnh Long. Chính nơi đây tôi đã gặp Đoàn, tôi đã có mối tình sâu đậm với anh. Chính nơi đây tôi đã bận rộn với công việc làm, với hò hẹn yêu đương. Cũng chính nơi đây tôi đã tưởng rằng sẽ là nơi gắn bó suốt cuộc đời tôi. Tôi và anh sẽ nhận nơi đây là quê hương, rồi những đứa con của chúng tôi sẽ lớn lên, hòa nhập vào nếp sống, vào suy tư của địa phương, miên viễn thành người bản xứ. Nhưng thời thế và ước mơ đã đổi khác, đã không đúng nhịp rung của cung đàn. Để rồi ngày nay, dù chỉ có mấy tuần mưa bão, buị mù của thời cuộc đã đẩy xa tôi ra khỏi Vĩnh Long. Hiện tại tôi đang là kẻ xa lạ với với thành phố có quá nhiều kỷ niệm đẹp đẽ trong tim và trí nhớ của tôi.
Trước khi rời Vĩnh Long để trở về lại Sàigòn sống với mẹ và hai đứa cháu. Tôi cố dành một tí thời gian đi bộ, ngắm nghía lại những dấu tích của nó. Đây ngôi trường trung học mà tôi đã dậy dỗ hơn ba năm qua. Đây bến xe đò nơi tôi đã từng phập phồng ngóng trông bóng dáng của Đoàn lúc hẹn hò, khi anh đến thăm. Đằng kia quán cà phê, nhà hàng ăn sầm uất, nơi đó tôi và Đoàn đã bao lần ngồi bên nhau tâm sự, thương yêu... Tất cả vẫn còn đó. Nhưng tôi chợt thấy lòng mình quặn đau, nuớc mắt tôi trào ra không biết vì sao? Tiếc thương một kỷ niệm, tủi thân vì đã bị đẩy xa khỏi ước muốn... Có phải là lý do của nỗi buồn đau mà tôi đang có trong tim mình hay không?
Rời thành phố Vĩnh Long, tôi cũng không quên dừng lại hai bên bờ con bắc Mỹ Thuận. Cũng vẫn thế, vẫn những quán ăn uống hai bên đường như mấy tuần lễ trước tháng tư. Vẫn những chiếc xe đò mời gọi khách lên xe, nếu có điểm khác biệt, có lẽ trên nét mặt, trong ánh mắt khách thập phương, hình như không còn vẻ đông đúc hay bận rộn, vô tư ngày trước nữa. Thay vào đó là vắng vẻ khách đi xe, trên khuôn mặt mọi người vẫn còn vương vấn ít nhiều lo lắng bàng hoàng vì thế sự vừa qua mà thôi.
Tôi cố ý tìm cặp tình nhân tàn tật Buôn và Vân. Tôi muốn được nghe lại vài bản nhạc trữ tình buồn đau của họ một lần nữa, trước khi chia tay. Muốn được noí với họ vài lời tạm xa hay vĩnh biệt. Muốn được nhìn thấy họ mà tưởng nhớ về một lần hơn ba năm về trước, ngày đầu tiên tôi gặp Đoàn. Tôi đã khóc khi nghe họ hát tặng cho tôi bản nhạc trữ tình đầy nước mắt Lan và Điệp... Nhưng dù cố ý tìm kiếm tôi cũng không thấy được họ. Lòng tôi chợt có một cảm giác lo sợ khi nghĩ đến gió bão phong trần cũng không ngoại trừ họ. Nếu thật thế, thì cuộc đổi đời vừa qua chẳng còn chừa một ai cả. Một người mù lòa đáng thương với chiếc đàn vọng cổ quá cũ, nước sơn đã bóng loáng vì thời gian, mưa nắng. Một cặp tình nhân đã xây tạo nên mối tình thánh thiện... Tất cả đã mất đi trong gió bão, phong trần rồi sao?
Thời gian vẫn nặng nề trôi, đã gần mấy tháng rồi sau ngày 30 tháng 4. Ba và anh Khoa vẫn biền biệt, chẳng có một dấu hiệu gì của ngày về. Thư từ liên lạc với ngoại quốc vẫn trong tình trạng đình chỉ, tôi chẳng biết gì về Đoàn cả. Anh ra sao và hiện nay có còn sống và học ở Nhật bản hay không? Cuộc sống của gia đình tôi càng ngày càng lụn bại. Những đồ dùng, quần áo, dụng cụ... Mẹ và tôi thu gom được tí nào, chất chứa trong chiếc nhà để xe đã dần dần được bán đi để lấy tiền sinh sống. Bóng ma của nghèo đói đã ngấp ngó ở bên cạnh chúng tôi. Tin tức về chị Quyên cũng chẳng có gì khác hơn hai chữ im lìm.
Trong hoàn cảnh bi đát đó. Một buổi chiều vào cuối tháng 6 tôi nhận được một lá thư của Đoàn, qua một người nào đó quen anh từ Hà Nội gửi đến. Theo ngày tháng viết trên lá thư và vài hàng chữ của người chuyển thư, lá thư đã mất hơn hai tháng trời để đi từ Nhật qua Pháp, qua Hà Nội rồi mới đến tay tôi. Lá thư mang đến nguồn hy vọng và niềm vui vô cùng cho tôi, cho mẹ và cả hai đứa cháu con anh Khoa nữa.
Tôi và Đoàn lại liên lạc được với nhau, dù vẫn phiền phức qua nhiều trung gian. Dần dần, thư từ được nối lại bình thường, nhưng cũng phải mất hai, ba tuần lễ chúng tôi mới nhận được thư của nhau. Từ đó gia đình tôi thỉnh thoảng cũng nhận được một vài sự giúp đỡ của Đoàn. Cuộc sống của chúng tôi dù đã khá hơn, nhưng vẫn còn phải đối chọi với đầy rẫy khó khăn. Đến tháng 9 năm đó, chúng tôi nhận được một tin vui khác, chị Quyên đang ở Mỹ. Chị cho biết lúc ở bến Bạch Đằng, chị đã may mắn nhờ đám đông xô đẩy xuống tầu ngay khi tách rời khỏi anh Khoa, nhờ thế chị đã là một trong những người VN đầu tiên đến Mỹ. Gia đình tôi mừng vui vì nghĩ rằng ít ra chúng tôi cũng có một chỗ dựa trong giai đoạn bi đát này.
Thời điểm đó, thư từ giữa Mỹ và VN vẫn còn bị đình trệ. Chị Quyên đành phải nhờ Đoàn làm người chuyển thư của chị về VN cho gia đình tôi. Cũng nhờ vài lần gửi tiền về giúp đỡ của chị Quyên, gia đình tôi đã lấy lại được cân bằng. Hai đứa cháu được ăn uống đầy đủ hơn trước. Nhưng chẳng được bao lâu, thư của chị Quyên càng thưa thớt, ít tình cảm hơn. Cuối cùng vào đầu năm 1976, chúng tôi nhận được lá thư của chị Quyên từ Đòan chuyển về. Lá thư cho biết chị muốn chấm dứt tình nghĩa với anh Khoa và cũng không nói gì đến hai đứa con của chị nữa. Gia đình tôi chỉ biết nhìn nhau ngơ ngẩn, khóc lóc vì đi ra ngoài tưởng tượng của chúng tôi.
Chúng tôi lại bước vào trạng thái bi đát của thiếu thốn vật chất vì nghèo đói. Mẹ lại phải tìm đồ vật đem bán lấy tiền để sống. Quần áo, bàn ghế, bát đĩa, đồ thờ cúng tổ tiên và cả những món trang sức của ông bà cho mẹ làm của hồi môn cũng lần lượt ra đi. Cuối cùng là chiếc nhẫn cưới, kỷ niệm ghi dấu ngày hợp hôn của ba tặng mẹ cũng không cưỡng lại được với đói nghèo!... Tất cả lớn hay nhỏ đã dần dần đi ra khỏi cái garage chật chội để đổi lấy vài ký gạo lót lòng cho bốn người, chờ đợi một đổi thay nào đó của thời cuộc. Đến một lúc, không còn cái gì để bán được nữa, Mẹ và tôi phải nhận những chai lọ thủy tinh được nhặt từ đống rác bẩn thỉu về nhà rửa lấy tiền công. Hai đứa con anh Khoa phải bỏ học, hàng ngày đeo chiếc bịch cói đi bới tìm đồ kim khí phế thải lấy tiền giúp đỡ gia đình.
Những món tiền Đoàn gửi về cho chúng tôi có một giá trị vĩ đại. Đã từng kéo chúng tôi ra khỏi vực thẳm của những dày vò của thiếu ăn! Tuy nhiên, tôi cũng chẳng dám viết thư than van với anh. Dù sao tôi cũng biết anh cũng đang khốn khổ vì sinh nhai và học hành. Anh cũng đang điên khùng với những bàn tay khốn khó từ gia đình anh và nhiều người thân khác của anh còn lại ở VN. Qua người chuyển tiền “lậu" tôi được biết có lúc anh phải cắn răng chịu chi phí với giá cắt cổ 80% cho số tiền gửi về VN.
Cuối năm 1976, tôi đã ngẩn ngơ khi nhận được điện tín của Đoàn. Anh cho biết, anh được vị thầy học giúp đỡ, can thiệp với chính phủ Nhật để kéo tôi sang Nhật với anh dưới dạng hôn thê. Tin này đã đưa đến gia đình tôi niềm vui to lớn, riêng tôi, đó là một bầu trời sáng lạn, một giấc mơ mà tôi không bao giờ nghĩ tới. Đúng như vậy, còn gì hơn tôi được gặp lại anh, lại được nằm trong vòng tay ấm áp của anh mà tôi đã nhớ mong hơn hai năm trời đằng đẵng vừa qua. Còn gì hơn chúng tôi lại gặp nhau, cùng nhìn về một hướng, đi bên nhau trong cuộc đời chồng vợ mà chúng tôi từng thề ước. Và còn gì hơn, tôi lại có dịp may để làm việc, tìm được đồng tiền về báo hiếu mẹ cha, nuôi hai đứa cháu đáng thương mất tình mẹ, vắng bóng tình cha, và tôi còn có dịp cưu mang người cha và anh mình đang trong thời gian lao lý.
Chỉ cần hai tháng trời, dưới sự giúp đỡ của bộ ngoại giao Nhật bản, mọi giấy tờ cần thiết cho việc rời VN của tôi được hoàn tất. Tôi chỉ còn chờ xác nhận ngày giờ rồi nhận vé máy bay từ chính phủ Nhật gửi đến để ra đi. Nhưng cuộc đời tôi có lẽ đã mang sẵn mầm mống bi đát và bất hạnh. Mối tình của tôi và Đoàn có lẽ bị gắn bó với số phận đau buồn, để rồi ước mơ của tôi đành trở về với mây khói, dở dang.
Mẹ tôi trong những lần hội họp ở phường xóm, đã được các nơi đó khuyên răn, nên nói với tôi từ chối, đừng ra đi theo Đoàn. Vì anh là thành phần ưu tú của chính quyền Ngụy ngày trước. Họ cho biết, qua ban điều tra cho biết anh không là hội viên của hội Việt Kiều yêu nước tại Nhật bản. Anh lấy cớ sống ở tỉnh nhỏ, miền cực Nam Nhật, quá xa Tokyo và chỉ có ba, bốn sinh viên VN để từ chối không tham gia những khóa học chính trị của các hội đoàn cấp tiến Hải ngoại v.v... Theo họ nếu tôi bỏ VN theo Đoàn là một sai lầm rất lớn, không có lợi cho Ba và anh Khoa trong thời gian cải tạo. Dĩ nhiên sự trở về của hai người thân đó phần lớn do kết qủa của cá nhân người học tập, nhưng sinh hoạt của người thân trong gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân người đang bị cải tạo. Họ cũng khuyên tôi nên xung phong đi làm việc ở các vùng xa xôi, tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội... Sẽ là những điểm son giúp ba và anh Khoa về sớm hơn.
Nghe mẹ nói, tôi ôm lấy mẹ, tôi khóc như đứa trẻ:
- Mẹ, con cầu khẩn mẹ thông hiểu cho tình yêu của con. Như ba mẹ đã biết, chúng con đã quen nhau gần 5 năm, tình nghĩa sâu đậm, không thể nghi ngờ được nữa. Đã hơn một năm qua, từ ngày ba đi học tập, anh ấy đã tìm đủ mọi cách gửi tiền về cưu mang gia đình mình. Rồi với biết bao khó khăn, may mắn anh ấy mới nhờ vả được vị thầy học giúp đỡ cho con ra đi. Làm sao con nỡ từ chối, để làm dang dở ước mong của con và anh ấy hở mẹ?!
Mẹ tôi cũng khóc, cũng ngẩn ngơ, cảm động khi nghe lời trần tình, van xin của tôi. Ánh mắt mẹ chợt nhìn lên tấm ảnh cũ kỹ của toàn thể gia đình chụp vào một dịp tết năm xưa, lúc gia đình còn toàn vẹn. Mẹ nhìn xuống thấy hai đứa cháu nội ốm yếu xanh xao đang ôm nhau ngủ trên nền nhà. Tứ chi của hai đứa bé lở loét, trầy trụa vì gai góc của bãi rác... Có lẽ những hình ảnh đầm ấm ngày xưa và khốn khổ hiện nay đã hiện ra trong tâm tư và trí nhớ mẹ. Hình ảnh của ba già nua, ốm bệnh vừa chớm tuổi 60 đang trong vòng lao lý. Còn anh Khoa đứa con trai duy nhất của mẹ chắc cũng chẳng khác gì với ba, lại còn phải chịu đựng niềm bất hạnh vì phủ phàng của vợ. Một ngày dài thêm là một ngày khổ ải, buồn đau cho hai người thân thương của mẹ. Không thể được, mẹ không thể chỉ nghĩ đến hiện tại và tương lai của đứa con gái yêu mà làm nỗi khổ đau của hai người thân đó bị kéo dài thêm được nữa. Nghĩ như vậy mẹ cố cầm nước mắt, nói với tôi:
- Mai, con gái của mẹ, mẹ hiểu con, mẹ rất ân hận vì quá khứ đã có những lỗi lầm với Đoàn, người yêu thương của con. Nhưng con nên suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định. Nếu vì sự ra đi của con mà ba và anh con bị nặng nề hơn với lao lý, con có bình tâm mà ra đi được không? Ba đã bước sang tuổi 60 rồi con ạ, làm sao ba có thể chịu đựng được với rừng sâu, nước độc, dù chỉ là một ngày lâu hơn?!
Mẹ ôm lấy tôi, đôi mắt đẫm lệ, nhìn tôi như cầu khẩn:
- Mẹ không bảo con phải chấm dứt liên hệ với Đoàn. Nhưng mẹ chỉ muốn con từ chối dịp may này để tránh gây thêm khổ đau cho ba và anh con mà thôi. Khi hai người thân đó được trở về, mẹ đoan chắc mọi việc sẽ được giải quyết trong khôn ngoan. Đã có lần con nói với mẹ, con sẽ đợi chờ ba năm và nếu cần dài lâu hơn nữa để cho Đoàn học xong, trở về. Vậy tại sao con không có thể chịu đựng được một thời gian ngắn, chờ đợi cho ba và anh con trở về được?
- Mẹ ơi, Con chờ đến bao giờ? Và có thật sự, chờ đợi là một sự giải quyết tốt đẹp cho con không hả mẹ? Mẹ hãy tưởng tượng khi con từ chối lần này thì làm sao có một dịp may khác nữa. Người thầy học của anh Đoàn, bộ Ngoại giao Nhật bản còn tin tưởng vào đâu để giúp đỡ cho con lần thứ hai?
Tôi vẫn khóc, chán nản tôi nói tiếp:
- Rồi con biết viết thế nào cho anh Đoàn đây? Nếu con nói, con không đi vì sợ liên hệ đến sự tù tội của ba và anh Khoa. Con yêu anh ấy và con hiểu cá tính của anh ấy. Anh ấy sẽ làm đủ mọi việc, sinh ra những rắc rối có thể gây ra hậu qủa có hại cho ba và anh Khoa. Nếu con nói, con chưa muốn ra đi vì ba và anh còn đang tù tội Mẹ ơi, anh ấy nói thế nào với vị thầy và bộ Ngoại giao Nhật bản? Con nỡ nào mang nỗi khổ sở vì chờ đợi của mình gán ép vào cuộc sống của anh ấy sao? Đã thế đợi chờ đến bao giờ, một năm, hai năm, năm năm hay mười năm hả mẹ?
Mẹ nâng đầu tôi lên, mẹ nhìn và nói với tôi trong tiếng nấc:
- Mai, nếu con nói vậy, mẹ để tùy con quyết định. Tuy nhiên sự sống của ba và anh con sẽ tuỳ thuộc vào con đó! Con có bao giờ hình dung ra cảnh cô đơn, già cả của mẹ phải sống thế nào để cưu mang hai đứa cháu còn ngây thơ nếu con ra đi không Mai?
Tôi khóc to hơn, với nỗi buồn đứt ruột, tôi quyết định:
- Mẹ ơi, cuộc đời con vô phước quá! Con bị mất mát quá nhiều, kể từ khi con bước vào đời tìm kế sinh nhai. Ngay khi còn quen biết anh Đoàn, con đã bị cả gia đình đẩy ra một góc riêng biệt và tìm đủ mọi cách để ngăn cản, phá vỡ tình yêu của con. Ngày nay khi con vừa chớm tay vào hạnh phúc của mình thì lại bị hoàn cảnh đẩy đưa khiến con không có con đường nào để lựa chọn nữa. Thôi đành vậy, con sẽ nghe lời mẹ. Con sẽ cố tìm một lý do nào đó để từ chối không đi nhưng cũng không làm cho anh ấy khổ đau vì đợi chờ con nữa.
Mẹ lấy vạt áo chùi nước mắt cho tôi, và an ủi :
- Mai, con hãy nhìn xa hơn, sự hy sinh của con sẽ mang đến bao nhiêu điều tốt đẹp cho gia đình. Cho ba, cho anh, cho cả mẹ và cả cho hai đứa cháu bất hạnh nữa. Đời con còn dài, rồi ngày tháng sẽ mang lại cho con những may mắn, nụ cười...
Tôi thổn thức nói với mẹ:
- Nhưng mẹ ơi, lần lựa chọn đớn đau này có lẽ là lần cuối của đời con. Bởi vì con đã mất tất cả rồi. Con chẳng còn gì để mất mát nữa, con biết chắc chắn từ ngày hôm nay, khi con đã quyết định làm vỡ nát mối tình duy nhất của con. Đời con sẽ đi vào một con đường buồn thảm, con sẽ không bao giờ nở đuợc nụ cười trọn vẹn nữa mẹ ạ.
Chán nản, tôi nói tiếp :
- Còn niềm vui mà mẹ đang hình dung ra, nó làm sao đến với đời con được nữa? Con có cảm tưởng nó chỉ là ảo giác mà thôi. Ví dù, nếu có một niềm vui nào khác, thì đó cũng chẳng bao giờ là niềm vui thật sự mong muốn trong lòng con. Làm sao có thể so sánh được với niềm vui mà con đã có với anh Đoàn trong nhiều năm qua được hả mẹ?
Rồi ngay buổi tối hôm sau, tôi miễn cưỡng ngồi khóc viết ba lá thư cùng một nội dung xé nát mối tình của tôi và Đoàn. Hai lá bằng tiếng Anh gửi cho đại sứ quán Nhật ở Hà nội và bộ ngoại giao Nhât ở Tokyo. Lá thứ ba tôi viết cho Đoàn.
Đoàn thương muôn đời của em ơi, thế là hết rồi. Em còn làm gì hơn khi nghe những lời nói đầy nước mắt của mẹ? Em yêu anh, em hiểu rõ bản chất của anh, em cũng đâu nỡ làm lỡ dở cuộc đời anh. Chính vì vậy em đã suy nghĩ rất nhiều để viết lá thư đưa anh vào nghi ngờ lòng chung thủy của em. Dẫn anh vào suy đoán, em đã phản bội anh để sang ngang. Thêm vào đó, em nghĩ rằng khi đã từ chối không đi theo anh, khi em đã chấp nhận sự đổ vỡ tình yêu của chúng mình. Em đâu có muốn gây khổ sở cho anh, vì còn nhớ đến em làm gì nữa. Em muốn anh quên em. Em yêu anh, nhưng em lại muốn anh thù ghét, hận bỏ, chóng quên em, để anh tìm được niềm vui khác trong cuộc sống của anh. Đoàn ơi, hãy tha thứ cho em anh nhé. Có những nỗi khổ đau vì hoàn cảnh khó khăn làm người ta dại khờ với tính suy, điên khùng với quyết định anh ạ.
Trong sự đau đớn tột cùng đó, mẹ lại tin vào lời hứa hẹn giúp đỡ của người cán bộ, chủ mới của căn nhà. Trả cho họ căn nhà để xe, nơi mà gia đình tôi đang tạm trú để họ mở quán cà phê. Đổi lại họ mua cho gia đình tôi một cái chòi bằng tôn, lụp xụp ở gần Phú Lâm. Chính vì vậy vài tuần lễ sau khi gửi lá thư đau khổ cho Đoàn, gia đình tôi đã thay đổi địa chỉ. Nhưng tôi vẫn nhận được lá thư cuối cùng giận dữ, trách mắng của anh. Tôi đọc lá thư cuối cùng đó trong nước mắt vì biết rằng đó là dấu tích cuối cùng của anh dành cho tôi. Là chiếc dao rất sắc cắt nát mối tình đẹp đẽ của đời tôi, một món qùa để tôi vĩnh viễn mất anh trong đời.
Không lâu sau đó, cũng với thúc dục, phân tích của các cơ quan phường xóm ở khu vực Phú Lâm. Mẹ khuyên tôi làm đơn xung phong đi làm việc ở các vùng nông thôn với mục đích tạo sự dễ dàng cho ba và anh Khoa. Lần khuyên nhủ này của me, tôi không có một câu nói nào phản đối. Bởi vì từ ngày chấm dứt tình yêu với Đoàn, cuộc đời tôi chẳng còn gì đáng trân trọng, cần phải giữ gìn, bảo vệ nữa. Tôi được chỉ định xuống dậy học cho một trường văn hoá bổ túc ở Vĩnh Bình thuộc tỉnh Tiền Giang. Học viên là những cán bộ kém văn hoá từ các cơ quan trong tỉnh đổ về. Với cái gốc ngụy của tôi, làm sao tôi có được vị trí bình thường trước những học viên đầy thành kiến và quyền lực được. Bất cứ một lời nói vô ý, một hành động khác lạ, vô tình dù rất nhỏ bé của tôi đều mang đến cho tôi những lời nhục mạ, những câu kết án khinh rẻ của học viên.
Sự nghèo đói đến mức cùng cực, kèm theo những lời sỉ nhục vì cái gốc ngụy quyền mà tôi đã sinh ra (dù cá nhân tôi chỉ là chiếc lá chẩy theo dòng suối) là những cảm giác dằn vặt, đầy ải tôi gần như hàng ngày. Tôi sống ở một căn chòi giữa đồng với một người bạn cùng cảnh ngộ. Chị Sương, chồng là sĩ quan cấp úy cũng đang học tập cải tạo. Chị có hai con còn bé, phải để lại cho cha mẹ dưỡng dục ở Sàigòn, chị xung phong đi làm việc ở vùng nông thôn như tôi với mục đích giúp đỡ cho chồng trong thời gian học cải tạo.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, tôi không biết gì về đời sống của mẹ và hai đứa cháu, cũng như tình trạng học tập của ba và anh Khoa ra sao. Với 15 ký gạo mỗi tháng, tôi và chị Sương chưa đủ xoay trở cho chính bản thân mình, thì làm sao nghĩ đến vấn đề giúp đỡ ai? Những cọng rau trồng ở đường mương quanh nhà, vài con ốc, con cá, tôm tép nhỏ bé trong lạch nước chạy quanh bờ ruộng... Không còn là những sản vật tầm thường với chúng tôi nữa. Tôi và chị Sương nương tựa vào nhau về tinh thần và cũng như về vật chất để sống.
Chúng tôi sống với nhau khoảng hơn một năm trong tình trạng khổ sở như vậy. Một buổi tối, khi đi làm về chị Sương ôm lấy tôi. Chị khóc cho biết, ba mẹ chị ở Sàigòn đang rơi vào cảnh khốn cùng vì bệnh tật. Hai đứa con không nơi nương tựa, hàng ngày lang thang đường phố xin ăn. Chị cho biết, sáng mai chị sẽ bỏ việc làm trở lại Sàigòn, chị sẵn sàng làm bất cứ nghề nghiệp gì dù là cái nghề khốn nạn nhất của người đàn bà để có tiền. Chị cần phải sống với thực tế, cho chính chị, cho hai đứa con nhỏ và cần tiền để thăm nuôi người chồng của chị đang tù tội. Nghe chị nói, tôi không dám đưa ra ra một lời khuyên răn, ngăn cản hay đồng ý, vun vào quyết định của chị. Tôi hiểu rất rõ vì hoàn cảnh chị phải lựa chọn cũng như bản chất con người của chị. Đứng trước sự đói khổ lang thang của hai đứa con thơ dại, mẹ cha bệnh họan không còn gì để sinh sống, ngày về của chồng hoàn toàn mù mờ, vô định. Trong hoàn cảnh bi đát, không có con đường nào khác, chị phải chọn lựa mà thôi. Chị phải đứng dậy đối đầu với trái ngang bằng bất cứ gía nào, dù cái giá đó khốn nạn và bẩn thỉu, đáng khinh đến với chị.
Sau khi chi Sương bỏ về Sàigòn, đời sống của tôi lại càng bi đát, buồn tẻ hơn. Bên cạnh những khinh khi, nhục nhã của học viên, tôi còn bị ray rứt vì cô đơn, không người tâm sự, chia xẻ đắng cay. Cuộc sống của tôi trôi đi trong im lặng, lạnh lùng. Nhất là vào mỗi tối, trong cái không gian trống rỗng, tối om không đèn đuốc của căn chòi lá trơ vơ giữa đồng trống. Âm thanh côn trùng, giun dế như khóc than giữa cảnh hoang dã càng làm tăng thêm sự sợ hãi và cô đơn của tôi. Một buổi cuối tuần, tôi đang ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp để mắt buồn bã nhìn giòng nước chảy róc rách dọc theo bờ ruộng lúa. Tôi nhớ đến Đoàn, tôi tự hỏi, không biết bây giờ anh ra sao? Anh còn sống ở Nhật bản sau khi hoàn tất việc học nữa hay không? Có một lúc nào anh nhớ đến tôi không? Anh có hiểu là tôi vẫn yêu anh, vẫn giữ mối tình sắt son với anh và vẫn nguyện cầu cho anh được hạnh phúc. Nước mắt tôi trào ra khi nghĩ đến hoàn cảnh tang thương của mình.
Tôi còn nhớ, khoảng một năm, sau ngày gửi lá thư đoạn tuyệt với Đoàn. Khi mới xuống Vĩnh Bình làm việc, tôi có viết một lá thư vắn tắt để hỏi thăm về việc học hành và đời sống của anh... Nhưng hơn một tháng sau, lá thư bị trả về với lý do không người nhận. Tôi không biết anh còn ở Nhật hay đã đi sang nước khác rồi? Thôi thế cũng xong, mọi sự cũng đã đi vào dĩ vãng và quên lãng rồi. Dù cái dĩ vãng là mối tình quá đẹp mà tôi chẳng bao giờ muốn quên.
Trong khi tôi đang ngồi suy nghĩ vẩn vơ, vài tiếng ho nhẹ làm tôi giật mình quay lại phía sau. Chị Sương đang chậm rãi đi vào từ con đường ven ruộng phía bên kia căn chòi. Dù chị ăn mặc đơn sơ, kín đáo nhưng cũng không dấu được vẻ đầy đặn, khoẻ mạnh hơn xưa. Tuy vậy ánh mắt chị vẫn không thay đổi, hiền lành, thân thiện và cũng chẳng có gì vui vẻ.
Tôi mừng rỡ la lên :
- Trời ơi! chị Sương, em không ngờ, lại gặp được chị. Hai bác và gia đình chị bình an chứ?
- Mai, em vẫn khoẻ chứ? Cả hơn nửa năm nay, chị lúc nào cũng nhớ đến em. Hôm nay cố gắng lắm chị mới xuống thăm em được.
- Em thì vẫn thế! chẳng có gì thay đổi từ ngày chị đi. Chỉ buồn và cô đơn hơn mà thôi.
- Thôi đi với chị ra ngoài phố. Chị mời em một bữa cơm và có vài điều tâm sự với em.
Tôi lưỡng lự tỏ vẻ không muốn đi. Như thông hiểu chị nói:
- Em đừng ngại gì cả. Tình nghĩa của chị em mình mới là điều đáng quý em ạ.
Ngẫm nghĩ một chút chị tiếp:
- Chị hiểu, có phải em ngại vì vấn đề tiền bạc phải không?
- Chị hiểu lầm em rồi. Em chẳng có vui thú gì khi đi ăn uống ở ngoài chị Sương à. Dù em biết chị có tiền và chị thương em.
Với vẻ nhất quyết tôi nói:
- Thôi, chị em ta ở nhà ăn uống qua loa rồi nói chuyện có lẽ tốt hơn.
Thấy tôi nói có lý, chị ngồi xuống một góc giường, mở chiếc gỉo xách tay kéo ra một tầy bánh tét, một gói chả lụa cùng với gói trà và vài món ăn linh tinh khác. Chị nói:
- Thôi cũng được. Những món ăn này chị đem cho em, nhưng em nói vậy, thì hai chị em mình cùng ăn, cùng tâm sự cho vui
Chị Sương bóc bánh, cắt chả lụa. Tôi nhóm bếp nấu nước, pha trà. Chúng tôi im lặng ngồi đối diện nhau trên chiếc giường tre ọp ẹp. Mặc dầu đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tôi có một bữa ăn thịnh soạn, nhưng tôi vẫn mang cảm giác không vui, ăn lấy lệ, không có gì ngon miệng. Bởi vì tôi nghĩ đến gía trị đắng cay của đồng tiền mà chị kiếm ra được bằng giải pháp miễn cưỡng để mua món ăn này cho tôi. Hình như chị Sương cũng đoán được ý nghĩ ngại ngần của tôi cho nên chị cũng im lặng, không vui khi bóc bánh đưa cho tôi. Không khí im lặng buồn bã bao trùm lấy chúng tôi. Một lúc sau, chị chẳng dấu diếm đưa bàn tay lên gạt hai giòng lệ đang chẩy xuống khuôn mặt, buông tiếng thở dài buồn thảm chị nói:
- Trong cuộc sống, có những sự đánh đổi khốn nạn mà người ta không thể nào từ chối được. Chữ nhân phẩm, tự trọng chẳng có ý nghĩa, gía trị gì, khi không còn một con đường nào khác để lựa chọn, người ta phải gạt bỏ nó sang một bên, chỉ vì không dám hay không có can đảm để tự tử được mà thôi.
Tôi im lặng nghe chị nói tiếp, tiếng chị nghẹn ngào, đau xót vì màn lệ đầm đìa trên khuôn mặt trắng xanh, mệt mỏi của chị:
- Chị đã đánh đổi sự tởm khinh của chính mình, của xã hội để tìm được đồng tiền chữa bệnh, phụng dưỡng bố mẹ chị. Để hai đứa con được đến trường học, không phải lang thang xin ăn ở đầu đường xó chợ. Để có tiền, vài tháng một lần thăm nuôi chồng vẫn chẳng biết ngày nào được phóng thích.
Tôi chẳng biết nói gì hơn là đưa mắt nhìn nỗi khổ đau đang tràn đầy, bao phủ khắp con người chị như muốn cảm thông hoàn cảnh của chị. Qua màn nước mắt lòa nhoà trên khóe mắt của chính mình, tôi cũng hình dung ra hoàn cảnh của tôi. Dù chưa đến nỗi thảm thương như chị nhưng tôi tự hỏi những khổ đau trong đời tôi đã thực sự đến cực điểm chưa? Nếu nó còn tiếp nối gia tăng, liệu tôi có đủ cứng mạnh để sống như chị hay không? Chị khóc thành tiếng, đưa đôi tay ôm lấy vai tôi. Chúng tôi ghì sát vào nhau, cùng khóc như để thấm thía, thông hiểu những xót đau, nhục nhã vì hoàn cảnh oái oăm đã đến với đời chúng tôi. Một lúc sau, khi nước mắt chúng tôi đã làm trôi đi phần nào nỗi bi thương trong lòng. Nhìn vào khuôn mặt tròn trịa, khá xinh đậm mầu sương gió của chị, tôi an ủi bên tai chị:
- Chị Sương, không ai có thể trách mắng chị được. Chị đã làm rất đúng! Hy sinh của chị hoàn toàn hợp lý, đáng trân trọng.
- Mai, cám ơn lời cảm thông của em. Trước đây, chị đã có lần khuyên em phải nhìn vào thực tế, quên đi mối tình không âm thanh hy vọng của em để theo con đường giải quyết khốn nạn như chị. Nhưng đến hôm nay, sau hơn sáu tháng, nhập cuộc, đổi đời. Sự đổi đời khốn nạn, dù nó đã giải quyết được những khó khăn cho bố mẹ, cho hai đứa con của chị. Nhưng chị lại rơi vào một nỗi khổ tâm, đau lòng khác em ạ. Nỗi đau của mặc cảm tội lỗi, của dối trá người chồng tù tội của mình.
Buông tiếng thở dài buồn chán, chị tiếp:
- Chị có cảm tưởng, với bất cứ con đường nào của đời chị cũng đều chứa đầy rẫy bất hạnh mà thôi.
Nói xong, chị Sương đứng dậy, đưa vạt áo lên lau khô khuôn mặt còn dầm dề lệ ướt. Chị móc trong túi áo ra một gói nhỏ, hình như đã được chị xếp đặt sẵn, dúi vào bàn tay tôi chị nói:
- Mai, chị phải về ngay em ạ. Chị biếu em vài trăm ngàn để giúp đỡ em mua gạo.
Tôi ngẩn ngơ, đẩy tay chị sang một bên:
- Chị Sương, chị đừng làm thế! Em nhất định không nỡ nhận đồng tiền của chị đâu.
- Mai, tại sao em làm thế?
Ra vẻ giận chị Sương hỏi tôi. Rồi thẩn thờ, buồn bã chị đưa mắt nhìn thẳng vào tôi, chị nói tiếp:
- Em khinh đồng tiền dơ bẩn, khốn nạn này của chị hay sao?
Tôi giật mình, nước mắt tôi lại ứa ra. Ôm lấy vai chị, trong tiếng nấc tôi nói:
- Chị Sương, sao chị nỡ nói với em câu nói đó? Hai năm sống với chị, nhường nhau từng bát cơm ẩm, từng con tép khô, chia nhau cảm gíac đói cào mấy ngày không có gì ăn... Vẫn không đủ để chị hiểu con người của em sao? Em không nỡ nhận đồng tiền của chị, vì nó chứa đựng một gía trị to lớn vô cùng của tâm hồn và nhục nhã của chị. Nó là những đồng tiền cao quí, đáng trân trọng nhất...
Khóc to hơn, tôi nói tiếp :
- Chị Sương, chị làm em buồn quá!
Hình như lời nói của tôi đã làm chị hối hận. Chị thân thiết nắm lấy bàn tay tôi:
- Mai, chị xin lỗi em! Thôi chị không nói đến chữ tặng hay cho em nữa mà chị muốn cho em mượn, khi nào em có sẽ trả lại cho chị. Chị mong em cho chị một niềm vui.
Biết không thể nào từ chối được. Tôi nhờ chị về Sàigòn đưa món tiền đó giúp đỡ mẹ và hai đứa cháu vì đã hai năm trời, từ ngày xuống đây, tôi chưa bao giờ giúp đỡ được gia đình.
Vào khoảng cuối năm 1978, tôi gặp được một tí may mắn. Một ông cán bộ khá cao cấp, thấy tôi có khả năng sinh ngữ. Ông ta kéo tôi về dậy học tại địa phương của ông ta, cho ở nhờ nhà và nhờ tôi dậy kèm cho người con gái lớn của ông ta đang học trung học. Nhờ vậy tôi quen Hương. Cô ta vừa là học trò, vừa là người ơn và cũng là bạn tâm giao của tôi. Tôi đã kèm cho Hương đậu vào đại học Cần Thơ. Từ ngày ở với gia đình Hương, mặc dầu đời sống vẫn còn nghèo túng, nhưng có phần dễ thở hơn. Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp về thăm mẹ và hai đứa cháu. Mang về được vài ký gạo giúp đỡ gia đình. Hai đứa cháu vẫn phải đi nhặt ve chai giúp đỡ bà nội, việc học hành dù chỉ có hình thức nhưng vẫn có dịp đến trường học. Mẹ cuốn thuốc lá cho những người làm thuốc lá giả 555 để sống qua ngày.
Tôi cũng tưởng sự khổ sở của gia đình tôi đã đến mức cùng cực rồi. Nhưng đầu năm 1980, mẹ báo tin cho biết ba đã mất vì bệnh sốt rét trong trại cải tạo ở miền Bắc. Mẹ thu gom tiền bạc ra Bắc, nhưng cũng chỉ để thắp vài nén hương, đắp thêm vài miếng đất cho nấm mồ của ba mà thôi.
Năm sau, 1981 anh Khoa mãn hạn trở về sau gần 6 năm cải tạo, như phần lớn những người sĩ quan cấp úy khác. Việc trở về của anh ấy chẳng có ảnh hưởng và liên quan gì đến những sự đánh đổi tình yêu và đau khổ của tôi trong 5 năm vừa qua cả.
Anh Khoa trở về, nhìn hoàn cảnh gia đình tang thương. Hai đứa con không mẹ, xanh xao, đói ăn, hàng ngày đi bới rác kiếm ăn. Thêm vào nỗi đau khổ vì vợ dứt tình. Anh chán nản, đạp xích lô kiếm sống. Nhưng đồng tiền kiếm được cũng chẳng đủ cho anh mua rượu tìm quên. Đôi lúc tỉnh rượu, anh vẫn bấu víu vào kỷ niệm, vào tình yêu của anh và chị Quyên ngày xưa. Anh vẫn không tin rằng chị thật sự muốn bỏ anh, mà chỉ vì một hoàn cảnh nào đó làm chị phải tạm thời quên anh mà thôi. Vào một ngày cuối năm, anh Khoa để lại một lá thư cho mẹ. Lá thư cho biết đã vượt biên bằng đường bộ qua ngã Cambodge, với hy vọng sang được Mỹ, tìm lại chị Quyên, người vợ mà anh vẫn còn yêu. Nhưng lá thư đó là nét chữ cuối cùng của anh để lại cho gia đình. Đến nay, 5 năm đã qua, nhưng không bao giờ gia đình nhận được tin tức của anh.
Không lâu sau ngày anh Khoa trở về rồi mất tích, ba của Hương đổi đi làm việc ở tỉnh khác. Tôi lại rơi vào sự khó khăn không nơi nương tựa. Tuy nhiên lần này không quá bi đát như lần trước lúc còn ở Vĩnh Bình. Có lẽ một phần vì có vài sự đổi mới chính sách kinh tế, cũng như việc dậy học của tôi nó bình thường với những người học trò đúng nghĩa. Những đứa học trò tuổi còn thơ ngây, trong trắng, không phải là những người cán bộ đầy thành kiến, hận thù như xưa nữa. Ngoài ra với những năm tháng lăn lộn, chật vật với cuộc sống và nhất là đã biết quen thuộc, hoà nhập với xã hội. Tôi đã khôn ra tí chút, tôi biết liên lạc để kiếm thêm giờ dậy kèm cho các gia đình khá giả, bù vào 20 Kg gạo lương mỗi tháng của mình.
Tất cả những khó khăn, khổ ải về vật chất cũng như về tình cảm, Hương là người tôi tâm sự nhiều nhất. Gia đình Hương cũng rất qúi mến tôi, thỉnh thoảng cũng gửi tiền giúp đỡ tôi. Chính vì vậy hai đứa cháu con của anh Khoa vẫn có dịp tiếp tục học hành. Nhưng bóng tối của đói nghèo, cực nhọc, kiếm ăn từng bữa vẫn phủ trùm lên gia đình tôi. Cuộc sống của mẹ và hai đứa cháu vẫn chỉ vá víu qua ngày, tương lai ra sao hoàn toàn ra ngoài tính toán của tôi và mẹ.
Trong hoàn cảnh bấp bênh đó, một lần chị Sương cùng với vài người bạn của chị ấy tìm đến thăm tôi. Nhìn hoàn cảnh của tôi vẫn bệ rạc, đói khổ, chị và bạn bè khuyên tôi bỏ nghề dậy học để trở về Sàigòn. Theo chị, Sàigòn dù xô bồ nhưng cũng là nơi quen thuộc, dễ kiếm ăn hơn, gia đình được đoàn tụ, dễ xoay trở, nhất là tôi có thể chăm sóc cho mẹ và hai đứa cháu dễ dàng hơn. Chị muốn giới thiệu tôi với một người đàn ông quen biết của chị, anh ta là chủ một cơ sở làm ăn nho nhỏ tạm đủ cho cuộc sống bình thường ở Sàigòn. Với điều kiện đó việc hợp lệ di chuyển của tôi về Sàigòn được coi là không có gì khó khăn. Chị cũng khuyên tôi hãy thực tế hơn để nhìn rõ tình yêu với Đoàn chỉ còn là mộng ảo. Thời gian và ngăn cách đã quá lâu, những lời hứa hẹn đã trở thành vu vơ rồi.
Nhưng Đoàn ạ, em đã từ chối con đường đó, dù em biết đó là những lời khuyên chân thành, thực tế của người bạn cùng hoàn cảnh đáng thương như em. Em yêu anh, thân xác, tâm hồn em đã dành cho anh rồi. Anh mãi mãi là hình ảnh người yêu trong tâm tưởng, trong ký ức em, chỉ có anh ngự trị trong tâm hồn của em mà thôi. Chỉ có anh nhận được và cho em những cảm giác ái ân đó mà thôi. Chính em đã có lỗi với anh, em đã dại khờ nghe theo những lời khẩn nài của mẹ. Em đã ngu ngơ chọn lựa một sai lầm. Chính em đã phá vỡ mối tình đẹp đẽ của chúng mình. Và cũng chính em đã phản bội lời hứa hẹn của chúng mình. Tất cả những lỗi lầm đó, em chỉ có thể vớt vát được một phần nào nếu em còn giữ được sự chung thủy với anh mà thôi. Đó là giá trị cuối cùng của đời em để chuộc lỗi với anh, để bù lấp cho những ăn năn, đau xót mà em đã tạo ra sự cách ngăn của chúng mình. Em không muốn rơi vào một sai lầm nữa Đoàn ạ. Em cũng không muốn cả đời em lại phải khổ đau, ray rứt vì một lầm lẫn tiếp theo. Nếu vì một tai ương, khổ sở nào, ra ngoài sự chịu đựng của em. Em đành lấy sự sống của mình để đền đáp mối tình của anh mà thôi.
Mùa hè năm 1984, tôi bàng hoàng nhận được lá thư của Hương cho biết, Đoàn về công tác tại đại học Cần Thơ cùng với chị và 3 cháu nhỏ. Vợ của anh là người Nhật, cô giáo âm nhạc, chuyên về đàn dương cầm. Nhận được tin đó, tôi đã thẫn thờ với bao nhiêu cảm giác phủ trùm lên tâm hồn và suy tư của mình. Hơn 10 năm rồi, một quãng thời gian quá dài, tất cả đã đổi thay. Mối tình trong dĩ vãng của tôi và anh cũng đã quá xa xôi, chúng tôi đã thự sự rẽ vào một hướng khác rồi. Tôi và anh chẳng còn gì để phải vướng bận với những gì đã qua (dù rất đẹp) đó nữa. Gặp lại nhau để làm gì nữa khi giữa anh và tôi đã có một bức tường oái oăm ngăn cách. Cuộc đời chúng tôi đã bị số phận đẩy đưa, lở dở rồi. Nghĩ như vậy, nói với con tim yếu đuối vẫn còn nặng tình của mình như vậy. Nhưng tôi lại tò mò muốn nhìn lại anh, muốn thấy tận mắt hạnh phúc của anh. Và cũng muốn vơi đi một phần nào nhớ thương trong lòng mình hơn 10 năm nhung nhớ...
Ngay chiều tối hôm sau, tôi xuống Cần Thơ trong tâm trạng quá nhiều dằn vặt và lưỡng lự. Tôi tự hỏi, anh còn là Đoàn của những ngày ân ái xa xưa với tôi nữa hay không? Anh còn cho tôi ánh mắt thân thương dạo đó nữa hay không? Hay anh đã khác lạ, nhìn tôi với anh mắt lãnh đạm, vô tình của một người chưa hề quen biết?
Buổi tối hôm đó, tôi đi lang thang một mình để nhìn lại thành phố Cần Thơ, thành phố đã có với tôi quá nhiều kỷ niệm. Nước mắt tôi chẩy quanh khi nhớ lại những ngày tháng đẹp đẽ, đầm ấm xa xưa. Chính nơi đây chúng tôi đã nói với nhau biết bao nhiêu lời mộng ước, những câu hứa hẹn, trước vài ngày anh sửa soạn rời xa đất nước. Nhưng hôm nay, đã hơn 10 năm đi vào dĩ vãng, tất cả đã qua rồi. Tôi thì vẫn độc thân, vẫn tìm anh trong giấc ngủ, vẫn yêu anh trong trí nhớ. Chẳng bao giờ tôi quên những giây phút hạnh phúc tuyệt vời của đời tôi, lúc bên anh ngày xưa. Tôi vẫn sắt son chờ đợi anh, dù tôi biết chỉ là ảo vọng, đáng thương Còn anh đã trở về với vợ con anh, với mái gia đình hạnh phúc để cho tôi nhìn thấy anh trong màn lệ dở dang, đau buồn.
Sáng hôm sau, tôi đến đại học, tìm một chỗ ngồi khuất ở một góc cuối giảng đường, nhìn và nghe anh giảng dậy. Anh vẫn thế. Thời gian hình như không mang cho anh nhiều thay đổi, dù mái tóc đã hơi chớm bạc. Vẫn lối diễn đạt nồng nhiệt cố hữu của anh trong giọng nói và dáng điệu, như muốn đổ tất cả say mê vào đề tài giảng dậy... Tất cả những cái đó, hình ảnh của anh hơn 10 năm về trước. Ngày chúng tôi còn yêu nhau, ngày của những buổi sáng thứ bẩy tôi im lặng vào ngồi ở cuối lớp học chờ anh, nghe anh giảng bài ở trường Sư phạm cấp tốc Cần Thơ.
Đoàn ơi, Em ngồi nhìn anh giảng bài trong hoàn cảnh khác ngày xưa. Anh đứng trước mặt em, trong nhãn giới của em, nhưng tại sao em cảm thấy anh vẫn xa vời vợi, anh như chiếc bóng mông lung, không thật. Ngày nay anh trở về đúng như anh ước hẹn (dù chậm trễ), đúng như em chờ trông. Nhưng buồn quá. Anh trở về trong hiển đạt, vinh quang, trong hạnh phúc, vợ hiền con đẹp. Còn em trong nỗi xót xa, đơn độc, túng nghèo, phải lẩn trốn anh trong đám đông ở cuối lớp, nhìn anh, nghe anh giảng dậy mà lòng em đầy nuối tiếc!
Trong buổi sáng tao ngộ đơn phương nhiều ray rứt đó. Đôi mắt tôi bao lần thấm ướt. Tâm hồn tôi có những khi trĩu nặng, nhói đau. Tôi khóc vì sung sướng được nhìn lại anh, thấy anh đạt được những ước mơ của tôi và anh lúc chia tay hơn 10 năm xa xưa dạo đó. Hay tôi khóc vì lầm lỡ, vì điều mất mát quá to lớn trong đời tôi? Nào tôi có biết đâu. Nhưng chắc chắn với mấy giờ đồng hồ, ngồi ngẩn ngơ trong buổi sáng hôm đó. Tôi biết được rằng, tôi vẫn còn yêu anh. Tôi vẫn còn nhớ tất cả những ngọt bùi của những nụ hôn nồng cháy, vòng tay ôm xiết chặt, anh đã cho tôi dạo đó. Ngày chúng tôi còn đắm đuối bên nhau. Tôi vẫn yêu anh, dù tôi dư biết tình yêu của mình là ngang trái, là đắng cay, lỡ dở. Tình yêu của tôi chỉ vô vọng, u mê mà thôi !
Buổi chiều, tôi không vào giảng đường nữa. Đã quá đủ để tôi nhìn lại anh, cũng quá đủ để cho tôi biết được rằng tôi vẫn còn quá nặng tình với anh. Ra ngoài sân trường, trông thấy vợ con anh. Hai đứa con lớn lăng quăng chạy theo mẹ, đứa thứ ba ngồi trên chiếc xe đẩy baby. Tôi cùng với vài phụ nữ khác, là vợ của nhân viên giảng huấn trong đại học thì phải. Chúng tôi lân la đến nói chuyện với chị và ba đứa bé. Nhìn nét đẹp hiền dịu, nhu mì, nghe lời nói nhẹ nhàng với các con của chị, không ai trong chúng tôi phủ nhận được bóng dáng hạnh phúc phải có trong gia đình của anh. Anh ngữ của chị vừa đủ để chúng tôi cảm thông trong đàm thoại, truyền giao cảm xúc. Chúng tôi dẫn chị vào một giảng đường trống, nơi đó có một chiếc dương cầm, yêu cầu chị dạo một vài bản nhạc Nhật bản mà chị thích.
Sau vài lời khiêm nhượng từ chối. Nhưng với sự khẩn nài của chúng tôi, chị đã dạo những bản nhạc đã làm cho tôi rúng động. Đó là những bản nhạc tình yêu dễ thương mà anh thích, anh đã gửi cho tôi trong thời gian mới đến Nhật. Ngày chúng tôi còn liên hệ mật thiết với nhau. Bài Anata (người yêu ), bài Seto no Hanayone (Vòng hoa cưới của vùng biển Seto). Tiếp theo là vài bản nhạc Tây phương, cũng làm tôi ngỡ ngàng. Vẫn là những bản nhạc mà tôi và anh yêu thích khi xưa. Bản Feelings của M. Albert, bản La valse du Mariage của Francis Lai. Tôi ngạc nhiên hơn, xúc động hơn, ngẩn ngơ hơn, mắt tôi mờ lệ khi nghe chị dạo những bản nhạc Việt nam, Tôi đưa em sang sông, Em đến thăm anh một chiều mưa, Nỗi lòng, Bài không tên số hai...
Đoàn ơi, toàn là những bài nhạc kỷ niệm xa xưa của chúng mình. Toàn là những âm vang của thưở yêu nhau mà chúng ta đã dành cho nhau dạo đó. Toàn là những tiếng nói yêu thương của lòng mình ngày xưa dành cho nhau, anh nhỉ?! Anh đã làm chị yêu thích, chị luyện tập phải không anh? Nghe tiếng đàn chị dạo, em cảm tưởng như nghe thấy như đang nghe lời anh thì thầm, bên tai em cùng với những vuốt ve ân ái của anh khi xưa.
Em đã hiểu tâm tư anh rồi Đòan ạ. Tình yêu của anh dành cho em vẫn còn ẩn hiện trong những âm thanh, trong những bản nhạc mà chị say sưa vô tình trình diễn cho em nghe. Anh vẫn nhớ, anh vẩn còn giữ những âm vang kỷ niệm đó trong tim, trong cảm xúc của anh dù đã hơn 10 năm xa nhau.Em đã hiểu rõ lòng anh rồi, dù anh đã xa rời em, đã tưởng rằng tình yêu của chúng mình đi vào dĩ vãng, đã được chôn vùi với thời gian và giận ghét.
Trong lá thư cuối cùng anh viết cho em. Anh ghét bỏ, anh nghi ngờ, thù hận em vì nghĩ rằng em đã phản bội anh. Nhưng thật ra trong đáy sâu tâm hồn, trong một góc kín đáo nào đó của tiềm thức. Anh vẫn còn dành cho em cái đẹp đẽ của nhớ thương kỷ niệm phải không anh? Hơn 10 năm cách biệt, không một lần hội ngộ. Hơn 9 năm đau xót, đắng cay, nhục nhã từ ngày em viết lá thư chấm dứt cuộc tình của chúng mình. Nhưng ngày hôm đó, ngồi nghe chị đàn những bản nhạc ngày xưa, âm thanh của kỷ niệm thời ái ân, cảm giác của mặn nồng ân ái khi xưa đã trở về với em. Đã cho em cảm tưởng rằng mình đã được đền bù trọn vẹn, từ những âm thanh của những bản nhạc mà chị đã vô tình đàn cho em nghe. Đã quá đủ, em không đòi hỏi gì hơn nữa anh ạ.
Nhìn thấy anh ngày nay trong may mắn, hạnh phúc. Nghe lại được những âm vang thương ái tiềm ẩn trong tim anh. Thế là quá nhiều, quá thỏa mãn cho em rồi. Gặp lại để làm gì cho rối lòng nhau? Tái ngộ để làm gì cho vẩn đục mối tình xa xưa đẹp đẽ ấy. Thôi em đành xa anh để trở về sống với những kỷ niệm, sống với những dư âm của những bản nhạc ngày xưa, như những tiếng thì thầm của tim anh dành cho em.
Buổi chiều tối hôm đó tôi trở về nhà trọ của Hương với đôi mắt đỏ hoe vì đã khóc rất nhiều. Tôi cho Hương biết sáng sớm ngày mai tôi sẽ từ giã Cần thơ. Hương nhìn thấy dáng mệt mỏi, đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt tôi. Cô ta ái ngại, buông tiếng thở dài, đưa bàn tay nắm nhẹ lấy vai tôi như tỏ vẻ cảm thông, an ủi rồi với giọng chán chường cô ta nói với tôi:
- Thôi cô ạ, chẳng nên buồn đau làm gì cho khổ thân. Tình người là thế đó! Lúc nghèo khổ thì yêu thương, lúc giầu có, danh vọng thì quên nhau, bội bạc nhau.
Nghe Hương nói, tôi giật mình vì sự hiểu lầm của cô ta về Đoàn, tôi nhìn Hương, ánh mắt không vui, trách mắng:
- Hương, em hiểu lầm rồi. Cô có đến giảng đường, cả buổi sáng, kín đáo ngồi ở một góc thật xa, nghe anh ấy dậy học. Anh ấy hoàn toàn không hay biết cô hiện diện, Hương ạ.
Hương ngạc nhiên, cô bé giương mắt nhìn tôi ra vẻ thắc mắc, muốn tôi giải thích. Buồn rầu tôi nói tiếp :
- Cô nhìn hạnh phúc gia đình của anh ấy, cô không muốn tạo ra những rắc rối cho gia đình anh ấy. Em đừng nghĩ oan như vậy, tội nghiệp. Theo cô biết anh ấy vẫn còn nhớ thương cô lắm, Hương ạ.
Hương cau mày, giọng nói vẫn còn đầy nghi ngờ và ngạc nhiên :
- Tại sao cô làm như thế? Không phải cô đã từng tâm sự với em, cô ao ước bao nhiêu năm được gặp lại thầy ấy sao? Được kể lể sự thật về những điều đau lòng, oan ức của cô cho thầy ấy hiểu hay sao?
Hương thấy tôi vẫn đờ đẫn, mắt nhìn đâu đâu, không chú ý vào lời nói của mình. Cô bé chậm rãi,vẻ trách móc, nói tiếp với tôi:
- Tại sao cô phải tự ái, phải mặc cảm? Cứ ngay ngắn gặp mặt, nói vài câu xả giao thông thường để xem thầy ấy có thái độ ra sao? Tốt hay xấu? Tình nghĩa hay vô tâm? Theo em, có khi nhờ đó mà cô nhìn rõ được con người thật của thầy ấy.
Ngại ngần đôi chút, Hương nói tiếp:
- Em hiểu rõ lòng cô, cô còn yêu thầy lắm. Tình yêu của cô đã làm chính em cảm động và kính mến cô. Theo em, đây cũng là dịp để cô gặp lại thầy, ít nhất làm cho cô bớt nhớ thương. Dĩ nhiên sự nhớ thương đó cũng chẳng làm thay đổi được hoàn cảnh.
Lời nói của Hương đã làm tôi cảm động. Tình yêu là thế sao? Dù biết gặp mặt nhau chỉ là vô vọng, khổ đau nhưng vẫn muốn nhìn thấy, muốn nghe nói về người mình yêu? Nghĩ như vậy, tôi chậm rãi kể cho Hương nghe tâm trạng và diễn tiến của một ngày vừa qua. Lúc tôi ngồi nghe anh giảng dậy cho đến lúc tôi gặp vợ con của anh, rồi chị đã vô tình đàn cho tôi nghe những bài nhạc kỷ niệm xa xưa của tôi và anh... Rồi tôi suy đoán là anh vẫn còn nhớ đến tôi, đến những kỷ niệm ngày xưa của tôi và anh.
Sau khi nghe tôi kể lể, Hương cũng đờ đẫn. Cô bé đưa tay lên chùi vội giòng lệ, trong ngẹn ngào cô bé nói với tôi :
- Cô Mai, em tự nhiên thương cô quá. Em cũng cảm thấy, cô không lầm khi nhìn về thầy với ánh mắt đẹp quá đẹp như thế. Tuy nhiên em đề nghị ngày mai cô cố gắng đến gặp thầy. Hay tiện hơn, riêng rẽ hơn, có thể ngay bây giờ, cô đến căn nhà khách của đại học để gặp thầy.
- Thôi Hương ạ, Cô đã suy nghĩ kỹ rồi. Chỉ cần anh ấy còn nhớ đến cô đã là điều cô sung sướng, thỏa mãn rồi. Gặp lại anh ấy để làm gì đây? Biết đâu lại gây ra những điều khó xử cho anh ấy và cả cho cô nữa.
- Nếu thế, em đề nghị với cô. Tối hôm nay cô viết cho thầy một lá thư, nói rõ sự thật về cô trong những năm vừa qua. Ngay buổi sáng ngày mai, sau khi cô về, em sẽ mang đến cho thầy. Ít ra cô sẽ bớt ray rứt vì tâm sự của mình đã được thầy thông hiểu.
Thấy lời đề nghị của Hương có vẻ hợp lý. Suy nghĩ một lúc, tôi trả lời:
- Có lẽ ý kiến của em rất hay. Tuy nhiên không cần thiết phải làm ngay hôm nay em ạ.
Suy nghĩ tí chút tôi tiếp:
- Sau khi rời Cần Thơ, cô sẽ viết một lá thư như em nói và gửi đến em. Trong tương lai nếu có dịp khác, anh ấy trở lại đây lần nữa, cô nhờ em đưa tận tay cho anh ấy.
- Nếu thầy ấy không trở về nữa hay em tốt nghiệp, không còn học ở đây nữa thì sao?, Hương hỏi tôi.
- Trong trường hợp đó thì thôi vậy. Thật ra với cô điều đó không quan trọng lắm.
Hương có vẻ chưa đồng ý, đang định nói gì viớ tôi. Tôi đưa tay ra dấu, với giọng quyết liệt, tôi nói tiếp với Hương:
- Cô đã quyết định rồi, em đừng chú ý đến vấn đề này nữa, Hương ạ.
Đúng như dự tính, sáng thật sớm hôm sau, khi thành phố Cần Thơ còn ngái ngủ. Hương thức dậy, cô bé mắt ướt lệ tiễn tôi ra bến xe đò. Hai chúng tôi chẳng nói với nhau một lời nào, ngoài cái xiết tay từ biệt và khuôn mặt dầm dề nước mắt lúc chiếc xe đò tách bến. Mãi một năm sau, với bao nhiêu đắn đo, suy nghĩ tôi mới viết được lá thư và đoản văn mô tả về đời sống của tôi trong hơn 10 năm vừa qua. Tôi gửi đến Hương với hy vọng, một ngày nào đó Đoàn lại có dịp trở về làm việc hay thăm viếng Cần Thơ, Hương sẽ đưa tận tay cho anh để anh đọc và hiểu rõ nỗi lòng của tôi. Tôi cũng yêu cầu Hương dấu kín địa chỉ của tôi, để tránh gây ra những phiền phức cho anh và cả cho tôi nữa.
Đoàn thương, khi em viết xong đoản văn này, tâm tư em đã nhẹ bớt rất nhiều. Em quyết định không bao giờ gặp lại anh nữa. Nhưng hình bóng, kỷ niệm của anh sẽ mãi mãi trong ký ức, trong tâm tưởng của em. Em sống với nó, em mang nó theo suốt đời em, em coi nó là niềm vui, hạnh phúc của riêng em cho đến ngày trở về với đất đá. Đừng tìm gặp em nữa nhé Đoàn. Xa nhau để mãi mãi nhớ nhau, xa nhau để tình ta muôn đời đẹp đẽ. Đừng gặp nhau nữa để chúng ta khỏi phải khổ sở với những trái ngang, với những giây phút yếu lòng anh ạ. Chúc anh nhiều thành công và hạnh phúc. Em mãi yêu anh dù xa anh miên viễn.
Chương 16
Đọc xong đoản văn của Mai, Đoàn bàng hoàng vì ân hận, nước mắt anh trào ra vì mỗi chữ, mỗi câu trong đỏan văn. Sự nghi ngờ, ghét bỏ Mai trong nhiều năm qua, đã giúp anh quên đi mau lẹ mối tình, mà anh đã cho rằng bị dang dở vì sự phản bội của nàng. Chính nhờ sự suy nghĩ sai lệch, bất nghĩa đó, anh đã tìm được sự bình thản trong cuộc sống, cũng như vui vẻ để đến với những cuộc tình kế tiếp trong đời anh. Giờ đây đứng trước sự thật, Đoàn thấy xót đau, dầy vò vì sự vô tình của mình đối với Mai, người đã dành cho anh một tình yêu chân thành sâu đậm. Đoàn buồn bã, thẫn thờ im lặng đưa mắt nhìn ra bên ngoài căn nhà khách của đại học. Bầu trời đỏ ối, những dải nắng vàng úa của buổi hoàng hôn, từ nóc căn nhà nhiều tầng xa xa chiếu lại. Đoàn chợt thấm thía sự lạnh lùng, đay nghiến của thời gian. Mau chóng quá, như một giấc mộng qua đêm nhưng đã 12 năm đi qua rồi. Khoảng thời gian quá dài so với một kiếp người, đã mang đến cho Mai biết bao nhiêu đổi thay ngỡ ngàng với chồng chất đau thương mà anh đã vô tình hay vì thiếu suy nghĩ mà không biết.
Ký ức chợt kéo Đoàn về với hình bóng của Mai ngày xưa, nét đẹp đẽ, sang trọng trong tà aó dài mầu vàng nhạt của cô tiểu thư vừa bước vào nghề dậy học. Người đã yêu anh, cho anh tất cả để cuối cùng vì một lầm lẫn mà phải chịu những đớn đau. Đoàn thở dài buồn bã, anh hình dung ra Mai bây giờ với thân thể yếu đuối, xác xơ vì hoàn cảnh nghèo khổ chỉ vì sự quên lãng đáng trách của mình. Đôi mắt anh nhoà lệ, xót thương cho cố nhân, một thời anh đã thương yêu đắm đuối. Đang trầm mình vào buồn bã, suy tư, câu hỏi của cô sinh viên đã kéo anh về với thực tại :
- Thầy Đoàn, thầy còn thương cô lắm sao?
Đoàn chuyển ánh mắt buồn bã nhìn cô sinh viên. Trên khoé mắt cô ta vẫn còn đọng lại đôi dòng lệ. Có lẽ cô ta khóc vì cảm động khi nhìn thấy sự đau đớn hiện rõ trên nét mặt của anh lúc đọc lá thư. Cũng có lẽ cô ta ái ngại, đau lòng vì sự éo le cho mối tình vô vọng của Mai, cô giáo mà cô ta thương mến. Đoàn gật đầu nhẹ, buồn bã trả lời:
- Cô Hương, cô nghĩ rằng chỉ có hai chữ còn thương của cô đủ để diễn tả được tình yêu và nỗi đau đớn của tôi lúc này sao? Cũng hai chữ ngắn ngủi đó, có thể chuyên chở được sự ân hận vì nghi ngờ, ghét bỏ, vì vô tình, thiếu xót đáng trách, bất nhân của tôi trong nhiều năm qua đối với Mai hay sao?
Hình như cô sinh viên, vẫn chưa hết xúc cảm. Đôi mắt vẫn đỏ, những giọt nước mắt vẫn còn vương víu trên hàng mi. Cô ta lắc đầu ái ngại nhìn Đoàn không trả lời. Đoàn buồn rầu nói tiếp :
- Cô Hương, Tôi ân hận quá! Tôi đã lầm lẫn, cái lầm lẫn đáng trách và quá phủ phàng. Tại sao tôi lại ngu muội không nhìn thấy sự ngụy tạo đáng thương của Mai nhỉ? Tôi phải làm sao để trả được một phần nào sai lầm của mình đây?
- Xin thầy tha lỗi cho em, em không thể nói cho thầy biết địa chỉ của cô được, dù em rất muốn thầy ạ.
Đoàn ngước mắt nhìn cô sinh viên, lắc đầu nhẹ chán chường, với giọng buồn bã, anh nói với cô ta :
- Tại sao cô xin lỗi tôi, khi cô đã làm một việc rất đúng? Ngược lại, tôi phải cám ơn cô và gia đình đã giúp đỡ Mai rất nhiều trong thời gian vừa qua.Thời gian mà tôi vì ngu ngốc đã vô tình làm môt chuyện bất nhân. Tôi cũng phải cám ơn cô đã mang lá thư và cuốn vở của Mai viết cho tôi mới đúng chứ? Như tôi đã hứa với cô rồi, tôi sẽ không hỏi cô bất cứ gì về Mai sau khi đọc xong lá thư và đoản văn của Mai viết cho tôi nữa. Đúng như cô đã nói, đọc xong tôi đã hiểu tất cả lỗi lầm của mình và sự khổ sở của Mai rồi. Tôi chẳng có một thắc mắc nào nữa cô Hương ạ.
Cô sinh viên im lặng nhìn Đoàn, hình như cô ta đang lưỡng lự chưa muốn từ gĩa ra về. Vẫn với giọng nói buồn bã, đoàn nói tiếp ::
- Tuy nhiên tôi muốn nói với cô, ngay sáng ngày mai, tôi sẽ rời Cần thơ xuống Vĩnh Bình để tìm Mai. Tôi sẽ khởi đầu từ Vĩnh Bình, đến các cơ quan hành chánh địa phương để dò hỏi dần dần về Mai. Với 4 ngày còn lại, trước khi trở về Pháp, tôi nghĩ tôi thời gian đủ cho tôi tìm được Mai. Nếu không gặp được Mai, tôi đành khổ sở mang sự ăn năn về Pháp chỉ vì tôi không có quyền ở Viêt Nam dài lâu hơn nữa. Nhưng chắc chắn không lâu sau đó, tôi sẽ trở lại VN tìm nàng cho đến khi tôi gặp. Không gặp được Mai sự ân hận sẽ dầy vò tôi suốt đời, tôi chắc chắn sẽ không thể vui sống với gia đình và công việc của tôi được.
- Em rất cảm động với tình yêu của thầy dành cho cô. Thành thật, em không ngờ sự thương yêu của thầy còn sâu đậm đến thế. Em xin thầy thông cảm cho sự im lặng của em, chỉ vì em muốn giữ lời hứa với cô. Em kính chúc thầy tìm gặp được cô như thầy mong muốn, thầy Đoàn ạ.
Đoàn nói vài lời cám ơn những lời chúc chân thành của cô sinh viên, rồi anh đứng dậy tiễn cô ta ra về.Trở vào căn nhà khách, Đoàn lại đến ngồi im lặng trên chiếc ghế salon với tâm trạng buồn vô tả. Kỷ niệm trong hơn 2 năm yêu nhau trước ngày rời xa VN trở lại đay nghiến tâm hồn anh. Anh tự hỏi, tại sao anh lại quá dễ dàng tin vào vài câu viết bóng gío trong lá thư đọan tuyệt của Mai như thế nhỉ? Tại sao anh lại có sự lầm lẫn ấu trĩ như vậy, với hơn 2 năm yêu nhau đậm đà, anh không hiểu rõ con người và tình yêu của Mai dành cho anh hay sao?
Trong lúc Đoàn đang trầm mình vào xót đau, tiếng nói của Hương đã làm anh giật mình:
- Thầy Đoàn, em đã suy nghĩ kỹ rồi. Giữ lời hứa với cô chẳng mang lợi ích gì cho cô và cả cho thầy nữa. Thà mang tiếng thất hứa, nhưng em lại giúp cô có được niềm vui gặp lại thầy sau hơn 10 năm đau khổ. Với thầy em không nỡ để thầy phải khổ não, lo buồn khi rời khỏi VN mà chưa gặp được cô. Em sẽ nói với thầy địa chỉ chỗ làm của cô để cho thầy khỏi mất công tìm kiếm.
Đoàn cảm động về lòng tốt của Hương khi cô ta cho anh biết Mai hiện đang dậy ở một trường trung học cấp 2, ngay trung tâm thị xã Mỹ tho. Ngay sáng hôm sau, Đoàn đến tham dự sơ sài buổi lễ chia tay, chấm dứt khóa học, rồi xin lỗi mọi người, vội vã rời Cần Thơ.
Khoảng hơn 11 giờ trưa Đoàn đã đến thành phố Mỹ Tho, đứng trước cổng ngôi trường cấp hai nơi Mai dậy học, ở gần trung tâm thành phố. Người gác cổng cho biết Mai đang có giờ dậy học, chắc chắn nàng sẽ ra về khi tan học vào lúc 11 giờ 45 phút.
Thấy thời gian còn sớm, Đoàn vào một quán nước đối diện cổng trường, ngồi đợi chờ giờ tan học. Cảm giác xốn xang, phập phồng của những lần hò hẹn xa xưa khi hai người mới quen nhau, lại trở về với Đoàn. Những nụ cười vui sướng, những bước chân vội vàng, nắm lấy tay nhau khi gặp nhau nơi hẹn hò... Tất cả lại hiện ra rõ ràng trong ký ức, kéo Đoàn trở về với nhớ thương, tiếc nuối của thời đẹp đẽ ngày đó. Nhìn theo vài chiếc lá úa, lửng lờ trôi trong con lạch nhỏ dọc bên đường. Đoàn mang nặng cảm gíac xót đau khi tưởng tượng ra hình dáng đẹp đẽ, yêu kiều của Mai ngày xưa, sẽ được thay thế bằng những dấu tích già nua, tiều tụy ngày hôm nay. Mai của 12 năm gío bụi chỉ vì sự vô tình đáng trách của mình mà ra. Sự ăn năn phủ kín tâm tư Đoàn, anh tự hỏi mình phải làm gì đây để bù lấp cho Mai vào những ngày sắp tới.
Tiếng chuông tan học reo vang, vài đám học trò ồn ào, ùa ra khỏi lớp học đánh thức Đoàn trở về với thực tại. Anh rời quán nước, bước sang bên kia đường, đứng nấp sau gốc một cây điệp khá to ở ngay sát cổng trường. Đoàn tự hỏi, sau bao nhiêu năm xa cách, không một lần hội ngộ, không một tấm ảnh chân dung, bây giờ nhan sắc của Mai ra sao? Dĩ nhiên với thời gian, nhất là với nghèo khổ đầy đọa, chắc chắn nàng không thể nào giữ được những nét diễm kiều, sang trọng của cô tiểu thư ngày xưa nữa. Nhưng sự đổi thay đó ra sao, ở mức độ nào, có làm cho anh phải ngỡ ngàng hay không? Anh phải nói với Mai lời nói nào, thái độ ra sao để bao trọn được sự nhớ thương, bù đắp cho những mất mát, bất hạnh của đời nàng trong những năm vừa qua?
Mai ơi, em ra sao bây giờ? Những gì em còn lại theo năm tháng? Những gì em mất đi bởi cực nhọc buồn đau? Anh về đây tìm lại em trong ân hận, trong oái oăm của định mệnh, trong cách ngăn của hoàn cảnh. Còn em sẽ nghĩ gì về anh? Đối đãi với anh ra sao khi chúng mình gặp lại nhau? Hàng chục năm xa nhau, có phải sự đọa đầy, đau khổ, đói rách của đời em, để đổi lấy cảm xúc mừng vui của chúng mình trong lần tái ngộ hôm nay không Mai?Anh vẫn yêu em như thủa nào. Anh vẫn nhớ dáng dấp em đi, giọng em nói và cả những cảm giác ân ái bên em thời đó, xa xưa... Tất cả anh vẫn mang theo trong trí nhớ và cảm xúc của anh bây giờ, ngày hôm nay, lúc anh đang đứng đợi chờ giây phút tái ngộ với em đây Mai ạ. Em sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy anh? Khi anh nắm tay em với đôi mắt ngẩn ngơ và có thể hơn nữa, một nụ hôn khởi đầu để tiếp nối cuộc tình quá nhiều tai ương của chúng mình? Khi anh nói, anh vẫn yêu em, em khóc ư? Em vùng vẫy trốn chạy vì gặp nhau trong ngang trái, oái oăm ư?
Đoàn để mắt chăm chú vào bậc tam cấp trước ngôi nhà hai tầng, cũ kỹ nghèo nàn, mầu vôi vàng đất loang lổ với thời gian. Cho đến khi khuôn viên của ngôi trường đã thưa thớt. Những nhóm học trò nghèo khổ vì những khó khăn, thiếu thốn kéo dài nhiều năm qua, đã phân tán, biến mất vào những nẻo đường chung quanh. Đoàn lịm người xót đau khi nhìn thấy Mai chậm rãi từ bậc tam cấp đi xuống sân trường. Anh không thể lầm lẫn được Mai ạ, triệu lần không ! Anh không thể nào quên được bóng dáng của em, dù đã 12 năm xa cách. Vẫn là em, người tình xa xưa của anh. Vẫn là em với nét chậm rãi, bình thản cố hữu xa xưa, dù em đã từng trải với gío sương nhân thế.
Mai ơi, em không khác xưa nhiều như anh tưởng tượng, khi đọc lá thư của em. Em vẫn mong manh, dù hơi ốm hơn xưa. Dáng dấp em vẫn yêu kiều, dù chỉ đơn sơ, nghèo túng trong chiếc áo trắng mầu cháo lòng cũ kỹ, ngả mầu. Trong cái đơn giản, không son phấn, nghèo túng đó, với anh, em vẫn còn nguyên vẹn dấu tích nét thương yêu, sang trọng, kiêu kỳ ngày đó đã làm anh say đắm. Dù thấy em thật xa, nhưng trên bờ môi, trên mái tóc của em, hình như anh vẫn nhìn thấy còn vương vất cảm giác ngọt bùi của những nụ hôn, vòng tay ôm ngây ngất xa xưa.
Mai lững thững một mình ra khỏi cổng trường, tay nàng xách một chiếc gỉo đan bằng cói cũ kỹ, căng phồng, hơi nằng nặng. Đoàn chợt nhớ đến ngày xưa, mỗi lần đi dậy học, nàng thường xách một chiếc gỉo bằng da sang trọng mầu đỏ đậm. Ngày đó anh thường tò mò mở ra xem khi hai người ngồi bên nhau trong quán nước, tiệm ăn.... Trong đó, vài cuốn sách chuyên môn, hộp bút chì mầu, chiếc bút Parker nâu đậm do anh tặng nàng trong ngày sinh nhật lúc mới quen nhau. Thêm vào đó vài thỏi son, bút kẻ lông mày và một hộp phấn mùi thơm nhè nhẹ... Đoàn nhớ tất cả vật dụng của Mai trong cái xách tay mầu đỏ đậm bằng da sang trọng đó. Anh yêu tất cả những gì trong đó của nàng nhưng cũng là những vật kỷ niệm của anh.
Nhưng bây giờ nhìn cái túi rẻ tiền, thô kệch căng phồng, nằng nặng bằng cói khô đan. Đoàn tự hỏi nó đang chứa cái gì ở cái thời điểm nghèo khổ của nàng? Vài cuốn sách hay một xấp bài làm của học trò ư? Một hộp cơm cho bữa ăn trưa hay món qùa với vài ký gạo của học trò biếu tặng?
Mai không hề hay biết, nàng đi qua tàng cây điệp mà Đoàn cố ý đứng lấp ở phía sau. Đoàn thững thờ im lặng bước theo. Anh ngắm nhìn rất kỹ bóng dáng người tình xa xưa của mình mà anh đã từng ẵm bế, thương yêu. Cái lưng, bờ vai của Mai, hơi ốm, mất đi vẻ yểu điệu của cô tiểu thư chưa bao giờ biết đến bùn nhơ, nặng nhọc ngày trước. Nhưng vẫn cho Đoàn cái cảm giác muốn được vuốt ve, khoác tay, ghì sát nàng vào thân thể mình, dìu nàng trong công viên, trên đường phố như ngày xưa. Đoàn bước nhanh đến gần Mai hơn, anh gọi nhẹ tên Mai, cái tên quen thuộc và đã một thời mang theo âm điệu của thương yêu. Tiếng gọi rất nhẹ vì cảm động hay vì quá nhớ thương qua hơi thở:
- Mai!
Chỉ một tiếng, âm thanh ngắn ngủi, đầu tiên ngỡ ngàng của 12 năm cách biệt! Mai quay lại, sững sờ nhìn Đoàn, ánh mắt nàng ngẩn ngơ, bao trọn cả bầu trời ngạc nhiên, xúc động. Im lặng đổ ập đến như một khối đá phủ trùm, đè nặng lên lồng ngực của hai người...Ngay lúc đó Đoàn nhìn thấy hai dòng lệ ứa ra từ khóe mắt, chạy dài xuống đôi má gầy, hơi sạm nắng của Mai. Nhưng cũng chính lúc đó anh cũng cảm thấy mằn mặn đôi môi vì nước mắt của mình!
- Anh Đoàn, anh lại về công tác nữa sao? Em không lầm chứ anh? Vợ con anh đâu?
Mai thẫn thờ nhìn Đoàn, nàng hỏi từng câu chậm chạp như để xác định lòng tin của mình trước một sự thực mà nàng không thể ngờ được.
Đoàn bước vội đến gần Mai, nắm lấy bàn tay, kéo nàng lại gần hơn như lo sợ nàng sẽ mất đi trong đời anh thêm một lần nữa. Trong ánh mắt buồn bã, giọng nói ngập ngừng xúc động, Đoàn trả lời như thì thầm bên tai Mai:
- Anh đây Mai ạ. Anh vừa gặp Hương chiều tối hôm qua. Anh đã đọc tất cả những gì em viết cho anh, anh không ngờ chuyện của chúng mình lại xẩy ra buồn bã như vậy. Anh cũng không thể tưởng tượng được ra những oái oăm, khổ cực mà em đã phải chịu, vì nó ra ngoài suy đoán của anh.
Mai im lặng, những giọt nước mừng vui trộn pha với đau xót, dở dang vẫn chẩy dài trên khuôn mặt. Đoàn vòng tay lên vai Mai, anh kéo sát nàng vào thân anh. Hai người chẳng nói gì, họ lặng lẽ đi bên nhau, nghe rõ nỗi xúc động của nhau qua tiếng đập từ lồng ngực và hơi ấm từ thân thể của nhau. Họ đi chậm rãi dọc theo vài con đương vắng vẻ của trung tâm thành phố Mỹ Tho, nơi đó ngày xưa họ đã từng quen thuộc.Mãi một lúc sau, Đoàn mới dẫn Mai vào một góc của một quán cà phê vắng khách. Vài chậu kiểng thô sơ xếp ở giữa quán là những tấm bình phong khá kín đáo ngăn cách hai người với thế giới bên ngoài. Ánh sáng được chặn bớt như cố làm gia tăng âm thanh buồn bã của vài bản nhạc trữ tình đang nổi lên từ chiếc loa ở góc quán.
Dù cuộc hội ngộ đã dần dần quen thuộc, nhưng ánh mắt của Mai vẫn còn chứa đầy ngỡ ngàng và ngượng ngập vì những hành động thân thiện của Đoàn. Đoàn âu yếm vuốt ve không ngại ngần trên bàn tay, trên bờ vai và cả trên khoé mắt bờ môi của Mai. Hình như vẻ ngượng ngùng, e thẹn của Mai làm Đoàn xúc động. Anh chợt nhìn lại được cảm giác run run, sung sướng của Mai ngày xưa mỗi lần anh có hành động âu yếm khi anh và nàng mới quen nhau. Mãi một lúc sau, bình thản trở lại. Họ mới chậm rãi kể lể, hỏi han về đời sống cùng với những đổi thay của đời họ trong những năm xa cách vừa qua.
Bên ngoài quán, nắng chiều đã kéo dài bóng râm của những hàng cây bên đường lộ. Nhìn chiếc túi xách của Mai để ở góc bàn, tò mò lại đến, Đoàn cầm lấy định mở ra xem. Nhưng với vẻ ngượng ngập Mai đưa tay giữ nó vào lòng, tỏ vẽ không muốn cho anh xem. Với vài cái lắc đầu, Mai nói nhẹ:
- Em không muốn anh mở nó ra. Ngày xưa khác Đoàn ạ.
Đoàn giật mình, anh xững người, ngước mắt nhìn Mai, anh tưởng rằng Mai tỏ thái độ giới hạn sự thân tình của mình. Hình như nhìn thấy ý nghĩ của Đoàn, trong ánh mắt không vui, cũng với giọng nói êm nhẹ nhưng buồn bã, Mai nói :
- Không phải thế đâu anh ạ! Em không muốn đưa cho anh xem, bởi vì trong đó có những cái làm cho anh đau lòng, làm em ngượng ngập mà thôi.
Lưỡng lự một chút, sau khi buông tiếng thở dài, Mai đẩy chiếc bịch xách tay về phía Đoàn:
- Tuy nhiên nếu anh nhất định muốn xem, em cũng chẳng dấu anh làm gì.
Đoàn quặn đau, không thể ngờ được khi nhìn thấy các vật đựng trong chiếc túi xách. Một túi ny lông tái dụng (recycle materials ) mầu xanh xấu xí, đựng một miếng thịt ba rọi tái ngắt khoảng 200 grams. Phần thịt như một sợi chỉ dài chạy giữa hai phần mỡ đã hoá mầu ố vàng vì không khí, buị đường. Một ny lông túi khác chứa vài con cá khô bạc mầu tanh tưởi. Một bịch nhỏ bằng giấy dầu đựng nắm đậu xanh cùng với gói nhỏ bột ngọt thô sơ. Cũng trong cái túi xách đó, một cuốn vở học trò không bìa giấy viết mầu nâu thô kệch. Chỉ có thế, rất nghèo nàn, đáng thương và thật lạ kỳ trong cái xách tay của một cô giáo!
- Thực phẩm bồi dưỡng, thêm vào 20 ký gạo, lương mỗi tháng của em đó.
Mai đưa tay lên gạt nhẹ hai hàng nước mắt đang chẩy dài bên sống mũi. Lắc đầu nhè nhẹ, giọng nói chán chường, buông xuôi, Mai nói tiếp:
- Thế cũng xong, anh ạ. Có lẽ với anh nó có vẻ kỳ lạ, đáng thương. Nhưng mười mấy năm qua, em đã quen thuộc với cực nhọc, đói nghèo rồi. Anh đừng để ý đến vấn đề này nữa.
- Anh đã quá vô tình và quá lầm lẫn! Anh...
Không để cho Đoàn hết lời, Mai nói:
- Anh chẳng có gì đáng trách và lầm lỗi vớí em cả. Anh đã lo lắng, cứu giúp gia đình em, ngay cả mẹ em cũng đã nhìn thấy lòng tốt của anh. Chẳng có gì để phiền trách nơi anh cả, chỉ vì sự chọn lựa sai lầm của em mà ra cả.
Ngần ngừ một chút, nàng tiếp :
- Có lẽ cũng vì phần số của em không may mắn mà thôi.
Đoàn lịm người khi nghe Mai nói. Anh ái ngại nhìn nét buồn bã, chán nản hiện rõ trên khuôn mặt còn nhòa lệ của nàng. Đoàn vuốt nhẹ bàn tay mỏng ốm của Mai, dù không sần sùi như bàn tay của người lao lực, nhưng những ngón thay thon dài, trắng mịn của cô tiểu thư ngày xưa đã biến mất. Thay vào đó là mầu ngăm đen vì khô cháy, cực nhọc của nắng mưa. Anh vuốt nhẹ mu bàn tay, âu yếm đưa lên chà nhẹ vào môi, vào má mình, muốn kéo người thương trở về với khỏang khắc của dĩ vãng đầm ấm xa xưa. Nhưng Đoàn cũng muốn truyền cho Mai sự cảm thông của mình với những khổ cực mà nàng đã phải chịu đựng quá nhiều trong hơn 10 năm vừa qua. Mai im lặng, đờ đẫn chấp nhận sự âu yếm của Đoàn. Những giọt nước mắt từ khuôn mặt rất buồn chạy dài theo gò má, lã chã rơi xuống cánh tay của hai người. Mãi một lúc sau, Đoàn ngước mắt nhìn Mai, anh nói :
- Tội nghiệp em quá, Mai ạ. Anh hứa với em, kể từ ngày hôm nay em thật sự từ giả nghèo khổ. Anh sẽ cố gắng đền bù cho em được phần nào những gì do sự vô tình, quên lãng đáng trách của anh trong những năm vừa qua.
Rồi chẳng đợi cho Mai trả lời, Đoàn kéo nàng đứng dậy với dáng điệu quyết liệt:
- Thôi, dẫn anh về nhà em. Chúng mình còn rất nhiều điều tâm sự em ạ.
- Không! Không được Đoàn ạ, nhà em chẳng có gì để tiếp anh cả.
Im lặng một lúc, Mai buồn bã, chậm rãi nói tiếp :
- Không bàn, không ghế, không có hai cái ly uống nước... Thật ra chỉ là một cái chòi lá, nền đất với một cái chõng tre duy nhất mà thôi anh ạ.
- Mai, tại sao em lại nói với anh như vậy? Em coi thường anh đến thế sao?
Mai không trả lời. Đoàn nhìn nàng với vẻ không vui, anh nói tiếp:
- Em thật tình không muốn hiểu nỗi ân hận, đau xót của anh sao Mai? Với anh bây giờ chẳng có gì quan trọng hơn là anh đã hiểu được tình yêu mà em đã dành cho anh. Anh đi tìm em, gặp lại em hôm nay, sau 12 năm xa cách vì ngộ nhận, vì lỗi lầm của anh. Không phải vì tò mò muốn nhìn thấy những gì em đang có. Anh muốn tìm lại nơi em những gì anh đã yêu, đã được em thương ái dành cho anh trong suốt 12 năm quá dài vừa qua mà anh đã vô tình không biết. Anh đã làm mất nó, một tình yêu quá đẹp trong đời anh.
Đoàn im lặng, đưa tay vuốt vài lọn tóc lòa xòa trên khuôn mặt vẫn còn đẫm lệ của Mai, chậm rãi anh tiếp :
- Chỉ có thế mà thôi Mai ạ. Sang trọng, qúi phái của em ngày nào, nghèo đói, khổ cực của em hôm nay. Ngay cả những đổi thay bàng hoàng của những người thân thương trong gia đình em, tất cả chỉ là phù du, là ảo ảnh mà thôi. Với anh, điều quan trọng là chúng mình vẫn còn yêu mến, lo lắng cho nhau và thật tình muốn gặp lại nhau. Anh sẽ ở với em dù là nền đất ướt xũng mưa soi, tâm sự với em hết đêm nay. Chẳng có gì ngăn cản được ngày tái ngộ của chúng mình sau hơn 12 năm cách biệt cả.
Đoàn vừa nói xong, Mai cuống quýt, lắc nhẹ bàn tay. Giọng nói hơi to, vẻ quyết liệt từ chối:
- Không! Không thế được. Chắc chắn không thể được! Hoàn cảnh ngang trái đã đẩy chúng ta xa nhau rồi, anh dư hiểu biết để hiểu điều này. Còn đạo đức, còn dư luận cho anh, cho em, rồi hạnh phúc gia đình, vợ con anh, anh không nhìn thấy sao? Thôi Đoàn a, chúng ta gặp lại nhau như thế này đã quá đủ rồi. Em chẳng có gì để trách hờn anh cả.
Đoàn lại thấy Mai khóc, anh đưa tay kéo nàng ngồi trở lại, ép sát đầu nàng vào ngực mình. Chậm rãi anh nói nhẹ bên tai nàng:
- Mai, mối tình chân thật và lý tưởng thực sự đã tiềm tàng giá trị đạo đức và nhân bản trong đó rồi. Chúng ta đừng nên mang cái thước đạo đức cứng ngắc để so đo với nó nữa. Đạo đức không có nghĩa là ích kỷ, bất công hay vô tâm với người đã vì sự vô tình, lầm lẫn của mình mà phải chịu những mất mát, khổ đau cả chục năm trời đằng đẵng. Đạo đức cũng chẳng phải là hưởng thụ, những sung sướng trong khi người khác đã vì mình phải đợi chờ, hy sinh cho mình mà phải sống trong cô đơn, đói nghèo.
Ngần ngừ một tí, Đoàn tiếp:
- Còn dư luận, chê bai có lẽ cũng chẳng đáng cho anh để ý nữa Mai ạ. Điều quan trọng là anh tự nhận thấy những việc anh làm, không cắn rứt lương tâm anh, chỉ có thế mà thôi. Với em, anh sẽ cố gắng giúp đỡ, bù đắp cho em một phần nào những đau khổ, mất mát vì sự vô tâm, quên lãng của anh. Còn hạnh phúc, tình yêu và trách nhiệm của gia đình vợ con anh, em chẳng nên lo lắng nhiều về nó. Em tưởng rằng sự tái ngộ của chúng mình sẽ làm hạnh phúc của gia đình anh vỡ đổ sao em? Chẳng bao giờ có chuyện đó đâu Mai ạ. Anh hiểu rõ những gì anh phải làm cho hạnh phúc gia đình vợ con anh.
Thấy Mai ngần ngừ, Đoàn nói tiếp :
- Em còn nhớ mối tình của Buôn và Vân, cặp tình nhân hát dạo ở Bắc Mỹ Thuận không?
- Hoàn cảnh của họ khác xa chúng ta.
- Hình thức thì khác. Nhưng nội dung vẫn giống nhau. Cũng là tình yêu được xuất phát từ sự chân thật và lý tưởng. Như anh đã nói, chỉ sự chân thành và lý tưởng đã quá đủ để anh tự tin vào những gì anh quyết định rồi.
Với giọng nói rõ ràng, Đoàn tiếp :
- Nếu em chỉ nói với anh một câu duy nhất, em thật lòng không muốn gặp lại anh, không còn yêu anh nữa. Anh sẽ từ gĩa em ngay, dù anh rất đau lòng vì những lầm lỗi của anh đối với em.
- Anh Đoàn, anh dư biết bản chất yếu đuối của em đã bị anh nắm giữ, ngay từ ngày chúng ta còn sống với nhau ở Vĩnh Long. Em đã không làm được gì nếu không có anh bên cạnh. Cái lý do em đã từ chối đi Nhật với anh, cũng chỉ vì em quá yếu đuối, thiếu sự hỗ trợ trực tiếp của anh mà ra. Ngay cả bây giờ, em đang sung sướng gặp lại anh. Nhưng...
Đoàn ngắt lời Mai :
- Chẳng có gì để em lo nghĩ cả Mai ạ, em cứ tin tưởng vào anh. Anh sẽ không làm điều gì gây ra rắc rối cho em và cho anh, gia đình anh. Anh cũng quá đủ khôn ngoan, không ngu ngốc, dại khờ để tìm thấy cái trọn vẹn này nhưng lại dở dang, vỡ bể cái tốt đẹp khác. Còn dư luận, em hãy bỏ nó qua một bên. Cuộc đổi dời vừa qua, ngay sau năm 1975, anh đã nhìn thấy quá rõ bộ mặt thật của gỉa tạo và đạo đức qúi phái của quá nhiều người rồi. Anh đã trở nên nghi ngờ nhân thế với những vở hài kịch mà diễn viên rất điêu luyện. Ngày nay anh có cảm tưởng chẳng còn ai đủ tư cách để phán xét tha nhân nữa. Chính những kẻ thích phê phán người khác lại là những kẻ đáng khinh khi, phỉ nhổ nhất.
Nói xong, chẳng đợi ý kiến của Mai. Đoàn kéo nàng đứng dậy, âu yếm ghì sát nàng vào thân mình, chậm rãi dìu nàng ra khỏi quán nước.
Sau cuốc xe lôi, qua vài con đường ngoằn ngoèo ở khu vực bìa thành phố. Hai người xuống xe đi bộ theo một con đường nhỏ lẫn lộn đất đá lởm chởm, len lỏi giữa những thửa ruộng xanh đậm của lúa còn non. Khi vừa bước qua chiếc cổng tre của một căn nhà lá nghèo nàn đứng ẩn giữa một vườn cây ăn trái ở giữa đồng ruộng. Mai chỉ cho Đoàn một chiếc chái cất dựa vào một căn nhà lá:
- Đó là nơi em ở, chỉ là một cái chái lợp lá lụp xụp. Chẳng có cái gì để tiếp đón anh cả, Đoàn ạ.
Đoàn chưa kịp trả lời, một bà già mặc bộ quần áo đen, đầu quấn chiếc khăn ca rô mầu đỏ cũ kỹ, bạc mầu của vùng quê miền Nam. Miệng nhai trầu lép nhép từ căn nhà lá, bà già vồn vã bước ra đón hai người:
- Cô Hai, sao bữa nay dzề muộn dzậy? Con Ti vẫn để phần cơm cho cô đó.
- Cám ơn dì Sáu, con ăn cơm rồi.
Mai trả lời bà già tên Sáu. Rồi với vẻ ngượng ngập, đưa mắt kín đáo nhìn Đoàn, nàng nói vài câu lí nhí với bà Sáu. Đoàn chẳng hiểu, nàng đã giới thiệu hay nói gì về mình với bà Sáu. Nhưng ngược lại, bà Sáu gật đầu lia lịa, miệng cười rất vui vẻ hình như bà đã hiểu rất rõ những gì mà Mai vừa nói với bà. Bà ngước mắt nhìn kỹ Đoàn với ánh mắt cảm tình, đầy vẻ quen thuộc, bà nói với Đoàn :
- Chú Hai à, chú có phước lắm đó nghe. Mấy năm nay cô Hai sống với tôi, lúc nào cũng nhắc nhở đến chú hoài. Cô nói chú phải đi xa ăn học gì đó...
Nghe bà Sáu nói Đoàn đã hiểu ít nhiều tâm tư của Mai. Anh đưa mắt nhìn Mai mỉm cười, cảm động. Mai im lặng nhìn lại anh, bối rối, ngượng ngập. Đúng lúc đó một cô bé gái khoảng 12, 13 tuổi, mừng rỡ từ trong nhà chạy ra, thân thiện nắm lấy tay Mai. Ngước nhìn nàng, cô bé nói:
- Cô Hai, con biết chú Hai thế nào cũng về với cô mà.
Rồi cô bé quay sang nhìn Đoàn:
- Cô Hai khóc và nói chuyện với con về chú Hai hoài à.
Mai càng ngượng ngập, khuôn mặt đỏ lừng, luống cuống hơn vì sự vồn vã, chân thật, vô tình của bà Sáu và bé Ti. Im lặng nhìn Mai, trên môi Đoàn không còn nở nụ cười chọc ghẹo được nữa, anh đờ đẫn nhìn Mai cảm động. Qua những lời nói của đứa bé ngây thơ, của bà lão miền quê chất phác. Đoàn đã nhìn thấy những gì Mai đã dành cho anh trong hơn 12 năm xa cách vừa qua. Mai ơi, anh đã hiểu, vì yêu anh, em đã khổ sở, vì lời hứa hẹn xa xưa, em đã cô đơn, đợi chờ anh. Còn anh thì nhầm lẫn, vô tình đáng trách, hãy tha lỗi cho anh!
Đoàn cầm lấy chiếc xách tay của Mai. Lấy hết những gói thực phẩm mà nàng vừa mua ở nhà trường, rồi anh móc túi lấy ra 4 tờ giấy 50 ngàn đồng VN (khoảng 40 USD, khá lớn vào năm 1986) đưa tận tay bà Sáu. Trong nụ cười thân mật, cởi mở anh nói với bà ta:
- Tụi con về muộn vì Mai phải chờ mua thực phẩm bồi dưỡng, dì Sáu à. Con biếu dì hết đó, còn chút đỉnh tiền con tặng dì và bé Ti mua gạo.
Bà Sáu cảm động giương mắt ngạc nhiên nhìn Đoàn và Mai. Bình thản Đoàn nói tiếp với bà ta:
- Sáng ngày mai, có chút việc cần thiết, tụi con về Saigon vài bữa, rồi Mai sẽ trở lại đây để thu xếp và chào dì Sáu và bé Ti để về luôn Saigòn dì Sáu à. Con cám ơn dì đã giúp đỡ vợ con quá nhiều trong thời gian qua, khi nào rảnh vợ chồng con sẽ xuống thăm dì.
Mai càng luống cuống, ngượng ngập hơn khi nghe câu nói tỉnh bơ, quá tự nhiên của Đoàn. Qua vài câu chuyện với bà Sáu, bé Ti. Đoàn biết được cha của bé Ti, người con trai duy nhất của bà Sáu, vào cuối tháng 4 năm 1975 cả hai vợ chồng không biết vì lý do gì bị mất tích. Để lại đứa con gái chưa đầy một tuổi cho bà. Sự sống của hai bà cháu hoàn toàn nhờ vào vài thửa ruộng và vườn cây ăn trái của tổ tiên. Nhờ sự giới thiệu của gia đình Hương, Mai đã sống với bà Sáu gần 5 năm nay, nàng dậy dỗ, kèm học cho bé Ti. Ba người cùng ăn, sống hoà thuận với nhau như một mái gia đình, cùng lo lắng việc sinh nhai với nhau.
Đoàn thẫn thờ, đau xót khi theo Mai bước vào cái chái bên cạnh căn nhà lá của bà Sáu, diện tích có lẽ không hơn 8 mét vuông. Một chiếc giường tre cũ kỹ trải một chiếc chiếu cói đã ngả mầu nâu kê sát vào vách căn nhà chính. Góc giường một cái thùng carton, đựng chăn màn. Sát chân giường một cái thùng gỗ cũ mục, có lẽ dùng để đựng dụng cụ, quần áo. Gần đó là cái bếp bằng đất nung, khô khan với một tí tro tàn, hình như rất ít được dùng đến. Trên bếp để một cái ấm nước bằng nhôm méo mó đen đủi. Dưới gầm giường một đôi guốc mòn gần hết đế, đôi quai bằng ruột xe Auto, được xếp ngay ngắn trên nền nhà bằng đất bùn đen nhẵn bóng. Chỉ có thế, đơn giản, nghèo túng đến cùng cực, nơi sống của cô giáo ngày nay và cũng là cô tiểu thư sang trọng xa xưa!
Đoàn không thể ngờ được mức độ nghèo túng của Mai đến thế. Anh buông tiếng thở dài ái ngại, Mai ngượng ngập nhìn Đoàn như muốn tìm thấy trên nét mặt khổ sở của anh sự cảm thông. Nàng nói rất khẽ :
- Anh ngồi tạm trên giường đi, em sang dì Sáu lấy nước uống cho anh.
Đoàn im lặng nhìn Mai một lúc rồi nắm lấy bàn tay Mai, kéo nàng ngồi xuống bên cạnh mình trên chiếc giường tre ọp ẹp. Đoàn chợt thấy hai dòng lệ ứa ra từ khoé mắt, chẩy dài trên khuôn mặt vẫn còn đầy dấu tích sang trọng của Mai ngày xưa. Đoàn ôm ghì lấy tấm thân ốm còm của Mai, ép ghì sát vào ngực mình như truyền đạt cho nàng sự ấm cúng của tình cảm xót đau của chính Đoàn đang tràn ngập trong lòng anh. Một lúc im lặng, Đoàn nâng cằm nàng lên để nhìn rõ hơn nỗi khổ ải và dung nhan của người thiếu phụ mà anh đã thương yêu, ẵm bế ngày xưa. Người tình mà anh không thể ngờ được, phải gặp lại trong trạng huống quá bi đát, đau buồn như hôm nay.
Mái tóc của Mai vẫn còn đen bóng như ngày nào, đôi môi vẫn mọng đỏ, hơi cong vẫn còn y nguyên vẻ hấp dẫn của hơn 12 năm về trước. Đôi má hơi rám nắng vì thời gian và khổ cực làm mất đi vẻ bầu bĩnh, đầy đặn của cô tiểu thơ duyên dáng, vô lo xa xưa. Sóng mũi thẳng đều đặn, cân đối vẫn ẩn chứa nét đẹp của cô giáo Mai của thời sang trọng, giầu có. Đôi mắt đen, vẫn những ánh nhìn hiền hậu, êm ả, nhưng vẫn tiềm chứa nỗi buồn kín đáo cố hữu, không lý do mà ngày xưa mà Đoàn từng yêu mến. Anh nhớ ngày đó anh thường nói với Mai, anh yêu đôi mắt của em nhất bởi vì trong đó hình như anh nhìn thấy thấp thoáng nỗi buồn nhè nhẹ, kín đáo của một áng mây buồn, lãng đãng trong buổi chiều mưa ảm đạm.
Đoàn kéo đầu Mai, ép vào ngực mình hơn nữa, vuốt nhẹ mái tóc nàng, im lặng cảm nhận những giọt nước mắt của Mai thấm ướt ngực áo của mình. Đoàn nắn nhẹ bờ vai của Mai như an uỉ, như muốn nói với nàng tất cả những ray rứt, thương ái đang trào dâng trong lòng mình.
Chẳng còn gì ngoài sự im lặng nữa Mai nhỉ? Nói gì với em đây, mọi câu nói của anh lúc này, lúc anh chứng kiến tận mắt hoàn cảnh bi đát của em sau 12 năm quá dài mà em đã đợi chờ anh. Những câu nói chỉ là những điều dư thừa và vô ý nghĩa phải không Mai? Mười hai năm, thời gian quá phí phạm cho cuộc tình lở dở cách ngăn của chúng mình để rồi kết cuộc cũng chỉ là lần hội ngộ trong oái oăm, lỡ làng mà thôi. Hôm nay, nhìn thấy em trong mất mát, trong thiếu thốn, khổ đau,biết được em vẫn gìn giữ mối tình đẹp đẽ xa xưa... Anh ăn năn, cảm động vì lầm lẫn. Anh xót đau vì ngang trái, lỡ làng. Mai ơi, có quá muộn màng và trớ trêu nếu anh nói anh vẫn còn yêu em, yêu em nhiều hơn nữa không, Mai? Đoàn cúi đầu xuống, hôn lên khuôn mặt, lên đôi mắt vẫn còn đẫm lệ của Mai. Anh hôn lên đôi môi mỏng, mềm mại, uống từng hơi thở ngọt ngào của mối tình đã ghi đậm quá sâu vào đời anh. Mai ngượng ngập, sung sướng, lịm người với những cảm giác yêu đương mà nàng đã tưởng rằng, chẳng bao giờ có lại.
Sáng sớm hôm sau, Đoàn và Mai từ giã bà Sáu và bé Ti, lấy xe đò về Saigon. Mai dẫn Đoàn đến một xóm nghèo lao động, lầy lội, bẩn thỉu ở khu Bình Thới, gần Phú lâm. Hai người phải lòn lách bước chân để tránh những vũng nước dơ bẩn loang lổ trên mặt con đường hẻm đầy rác rưởi. Vài đứa trẻ con nhem nhuốc, cởi trần phô bầy thân thể còm cõi đen đủi, vì bụi đường, khói xe, đang chơi đùa trong xóm. Có lẽ nhìn dáng dấp gọn gàng trong bô quần áo sang trọng của Đoàn, lũ trẻ đoán được anh là người khách lạ, giầu có của xóm. Chúng dừng đùa dỡn, đứng sang một bên đường, giương mắt nhìn khi hai người đi qua.
Mai dẫn Đoàn đến trước một căn nhà lụp xụp. Thật ra nó chỉ đúng nghĩa một cái chòi như bất cứ cái chòi nào khác trong ngõ hẻm. Mái là những tấm tôn hoen rỉ đóng ghép vào nhau, từ phía ngoài nhìn vào cũng thấy được những lỗ hổng nho nhỏ thấu lên bầu trời. Vách chòi là những tấm ván cũ kỹ và vài miếng carton tẩm dầu đủ dạng thức, thô kệch ghép chồng lên nhau. Ngay trước cửa một cái bàn gỗ nâu đen, xiêu vẹo, thấp lè xè, trên đó để hai bình thủy tinh đựng chất nước mầu hơi vàng, trong bình ngâm vài trái cóc đã được gọt vỏ, tỉa khoanh. Ngồi bên cạnh bàn, một cô bé gái khoảng 15, 16 tuổi ốm yếu, quần áo xác xơ, đang chăm chú gọt vỏ trái cóc. Phía sau cô bé, một bà đứng tuổi gầy gò, mái tóc đã bạc gần hết, ngồi trên cái phản bằng gỗ cũng chẳng tốt hơn chiếc bàn để hai bình đựng trái cóc ngâm. Bà ta đang cúi đầu chăm chú vuốt nắn vài tấm giấy bạc của bao thuốc lá. Cô bé chợt ngẩng đầu lên nhìn thấy Mai, mừng rỡ reo lên:
- Nội ơi, Cô Mai về.
Bà già ngẩng đầu lên mừng rỡ khi nhìn thấy Mai, nhưng ánh mắt vui mừng chỉ thoáng qua, rồi vội vàng đổi sang ngượng ngùng, luống cuống khi bà nhìn thấy Đoàn. Đoàn chỉ gật đầu, nhẹ, làm ra vẻ chưa xác nhận được bà ta là ai. Nhưng thật ra anh làm sao mà quên được bà ta, mẹ của Mai. Người đàn bà đã thay đổi hình dạng rất nhiều theo thời gian, nhưng anh chẳng bao giờ quên được. Người đã chống đối rất mạnh sự liên hệ tình cảm giữa anh và Mai ngày xưa. Ngày mà chồng bà còn là vị thiếu tá trong QLVNCH trước năm 1975. Ngày đó bà đã từng dành cho Đoàn những câu nói chê bai, coi thường, khinh rẻ cá nhân và cả gia thế của anh. Bà cũng là người đã lầm lẫn xúi dục, khẩn nài Mai từ chối đi Nhật với anh. Phá vỡ mối tình của anh và Mai để hy vọng có được những may mắn cho chồng bà và Khoa, người con trai duy nhất của bà trong thời gian học tập cải tạo. Nhưng với những sai lầm tính suy, những đổi dời ngỡ ngàng của thời thế, đã mang biết bao nhiêu bất hạnh cho chính gia đình bà và làm cho mối tình gắn bó của anh và Mai bị dang dở. Nhất là làm cho Mai, người anh thương yêu đã phải chịu hàng chục năm đầy đọa. Để ngày nay gặp lại Mai trong trạng huống quá thảm thương,làm cho anh mang nỗi ân hận vì đã vô tình ghét bỏ, lãng quên nàng.
Mẹ của Mai nhìn Đoàn như chờ đợi nơi anh một phản ứng, một lời nói nào đó mà bà không thể xét đoán được. Trong ánh mắt gìa nua mệt mỏi, trong nét mặt dạn dầy cực nhọc của bà, hình như Đoàn vừa nhìn thấy một cảm giác ăn năn vì những lời chê bai, khinh rẻ đầy thành kiến của bà dành cho Đoàn ngày xưa. Có lẽ chính lúc này quá khứ đang lần lượt trở lại trong trí nhớ,trong tâm tư của bà, đang dằn vặt, làm cho bà ngượng ngập khi trông thấy Đoàn.
Mai hình như nhìn thấy sự khổ tâm, khó mở lời của mẹ. Cố ra vẻ tự nhiên, Mai nói với mẹ:
- Anh Đoàn vừa về VN công tác trong phái đoàn của chính phủ Pháp. Hôm qua anh ấy thình lình đến Mỹ Tho tìm con. Anh muốn con dẫn về thăm mẹ và hai cháu đó mẹ ạ.
Lời nói tế nhị của Mai đã phá vỡ bức tường vô hình ngăn cách giữ Đoàn và mẹ nàng. Bà Khiêm đứng dậy, cố nở nụ cười giao tế, bà nói với Đoàn:
- Chào cậu Đoàn, Cậu vẫn khoẻ mạnh chứ. Hơn 10 năm rồi nhưng cậu chẳng khác bao nhiêu, vẫn còn trẻ và trắng hơn xưa nhiều.
- Chào bà, Bà vẫn khoẻ chứ ạ? Vâng, thật là mau, mới đây mà cháu đã bước sang tuổi 40 rồi.
Bà Khiêm đưa tay thu dọn vài vật dụng lủng củng trên mặt chiếc phản, ra ý mời Đoàn ngồi :
- Cậu Đòan ngồi tạm xuống đây một tí.
Rồi quay sang cô bé gái, bà nói:
- Thúy, cháu chào bác Đoàn đi, rồi đi kêu em Việt, nói cô Mai đã về.
Lúc này Đoàn mới biết rõ, cô bé Thúy là con gái của Khoa. Đứa bé mũm mĩm, xinh đẹp ngày xưa anh biết mặt trong vài lần đến nhà Mai. Ngay lúc đó một cậu bé cũng vừa về, cúi đầu lễ phép chào Mai và Đoàn:
- Chào cô Mai, chào Bác ạ.
Rồi chạy đến thân thiện, sung sướng nắm tay Mai, chú bé khoe:
- Cháu và chị Thúy trông mong cô quá, ngày nào cũng nhắc đến cô. Tí nữa hai đứa cháu sẽ cho cô xem bảng thành tích, toàn là nhất lớp, luôn luôn được giấy khen đó cô ạ.
Mai kéo chú bé vào lòng, âu yếm vuốt ve tỏ vẻ mừng vui vì kết qủa học hành của chú bé:
- Cô biết hai cháu học thì giỏi rồi, nhưng hai cháu có thật sự ngoan ngoãn ở nhà hay không?
Thằng bé chưa kịp trả lời, cô bé chị đã đưa tay kéo đứa em ra khỏi tay Mai, ra vẻ người lớn, nói với em :
- Việt, em ra học bài đi, để cho cô và Nội nói chuyện với bác Đoàn.
Đoàn thấy hai đứa bé ngoan ngoãn, tỏ vẻ rất kính trọng bà Khiêm và Mai cũng như rất lễ độ với anh. Nhìn ánh mắt trong sáng của hai chị em, anh đoán được chúng là hai đứa trẻ thông minh. Anh thầm kính phục sự giáo dục khuôn thước, nề nếp của Mai và mẹ nàng với hai đứa bé, dù phải sống trong hoàn cảnh bi đát, cực nhọc trong nhiều năm qua.
Trong vài ngày ngắn ngủi, vội vã gặp lại nhau đó Đoàn và Mai thật sự sống lại tất cả những cảm xúc của thời gian yêu nhau 12 năm về trước. Họ trở lại những con đường, những quán ăn, tiệm cà phê ngày xưa, nơi đó bao lần họ đã dừng chân hay làm điểm hò hẹn khi về Sài gòn. Họ dẫn nhau đi dạo trong những vườn hoa của thành phố, tìm lại những cảm giác nồng ấm yêu thương mà họ đã tưởng rằng miên viễn lãng quên. Trong những lần đi lại chốn xa xưa, cố tìm và sống lại những ngọt bùi, hạnh phúc cò lưu giữ trong tim, trong trí nhớ của họ. Đoàn vẫn không bao giờ nhìn thấy Mai cười vui, dù chỉ với một nụ cười rất nhẹ. Mai im lặng, lúc nào cũng mang dáng mặt suy tư. Đôi lúc Đoàn thấy Mai thừ người trong bộ dạng thẩn thờ, để mắt nhìn đâu đâu, không chủ đích hay chợt buông tiếng thở dài buồn bã. Cũng có khi, đang ngồi bên nhau kể lể những chuyện buồn vui trong quá khứ. Bất thình lình Mai đờ đẫn làm như không chú ý, không hiểu gì về câu chuyện mà hai người đang bàn luận.Hay bất chợt, Mai tự nhiên hỏi Đoàn những câu liên quan đến vợ con và hạnh phúc gia đình anh và tỏ ý ngăn cản, tránh xa hành động thân mật vuốt ve của Đoàn.
Một lần, buổi chiều trong một quán cà phê, Đoàn tế nhị đề cập đến vấn đề tình cảm giữa anh và Mai. Bằng những lời bóng gío, Đoàn cho nàng biết cuộc tình của anh và Mai đã bước sang một hoàn cảnh mới. Sự gò bó với những lời thề ước xa xưa chỉ là những khắt khe vô lý, gây ra thương cảm, áy náy nơi anh và mất mát quá lớn cho đời nàng mà thôi. Anh khuyên Mai nhìn kỹ vào thực tế, vẫn không phải là muộn với lứa tuổi 36 của Mai. Anh mong Mai tìm lại một cuộc sống tươi vui, mới mẻ hơn, Đoàn sẵn sàng giúp đỡ và sung sướng nếu Mai tìm được một cuộc tình khác...
Mai im lặng nghe Đoàn nói, nàng đưa mắt buồn bã nhìn bâng quơ ra phía xa xa, như hồi tưởng lại những ngày tháng hạnh phúc đã qua của hơn 12 năm về trước. Mãi một lúc sau Mai lắc đầu nhè nhẹ cùng tiếng thở dài não ruột, đưa mắt buồn bã nhìn Đoàn, chậm rãi nói viớ Đoàn:
- Cám ơn anh,em chẳng còn gì để ước muốn nữa anh ạ.
Đoàn nhìn kỹ vào ánh mắt, vào nét mặt thờ thẫn của Mai. Đôi mắt vẫn đựng đầy sự dịu dàng, lãng mạn như ngày xưa, nhưng sao buồn và thê lương quá. Anh an ủi:
- Mai, em hãy nghe anh. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể khởi đầu được. Tình cảm của chúng ta ngày xưa vẫn còn, nhưng sẽ được hướng dẫn sang một dạng thức khác. Dạng thức của tình bạn thân thương. Rồi niềm vui, nụ cười sẽ lại đến với em.
Mai lắc đầu :
- Nhưng niềm vui, nụ cười đó, nếu có đi nữa, vẫn khác xa, rất xa với nụ cười, niềm vui ngày xưa anh ạ. Ở tuổi này, trong trạng huống này, làm sao còn có được những cảm giác nồng nàn, cuồng nhiệt, như ngày xưa được nữa hả anh? Ngày xưa của hoa mộng và ước mơ! Thôi, anh hãy để cho em sống với ảo giác vẫn hơn. Em thà lựa chọn một giấc mơ không thực tế vẫn hơn một hiện hình chỉ có những niềm vui chưa chắc chắn. Và đã chắc gì cái khởi đầu đó không phải là một dạng khổ đau khác lại đến với mình vì sai lầm lập lại nữa hay sao?!
Đoàn thở dài, cau mắt nhìn ra ngoài, bầu trời vẫn còn gay gắt dưới ánh nắng chiều. Cảm gíác ân hận vì lỗi lầm lại chợt đến dầy vò anh. Buồn bã anh hỏi thật khẽ:
- Cuối cùng, anh là người không tốt với em. Em có buồn và giận anh không?
- Không, không bao giờ. Chính em đã chọn lựa con đường đó mà. Những mất mát, thua thiệt của đời em, chẳng có một tí gì liên quan đến anh cả. Anh đừng cố ép vào mình để nhận lấy cái khổ sở vô lý như vậy nữa.
- Nhưng mà...
Mai đưa lên miệng Đoàn, không muốn anh nói tiếp:
- Anh đã đối với em rất tốt Đoàn ạ. Chẳng có gì được gọi là lỗi lầm, khiếm khuyết cả. Anh chẳng cần phải lo lắng cho em nữa, em đã chọn lưạ sống với ảo giác và kỷ niệm của chúng mình ngay từ khi viết lá thư đoạn tuyệt với anh rồi.
Đưa tay vuốt vài lọn tóc lòa xoà trên khuôn mặt, giọng nói nghẹn ngào, Mai tiếp:
- Vừa khi anh đi Nhật, gia đình em đã tìm đủ mọi cách thuyết phục em chấm dứt, rời xa anh, nhưng em đã chối từ. Rồi sau khi viết lá thư đọan tuyệt với anh năm 1976, lúc đó em phải chịu bao nhiêu khổ cực và nhục nhã. Vài người bạn trong đó có chị Sương, đã khuyên em quên anh để tìm một giải pháp thực tế cho đời em. Họ móc nối em với một vài người quen, khá giả để giúp em thoát khỏi cảnh nghèo khổ,nhưng em cũng chối từ. Em cũng hiểu rất rõ cuộc tình của chúng ta thật sự đã chấm dứt khi ngồi viết lá thư đọan tuyệt gửi cho anh. Em nghĩ rằng chúng ta chẳng bao giờ có dịp gặp lại hay liên lạc lại với nhau nữa. Nhưng Đoàn ạ, dù với những lý lẽ rất thực tế và khôn ngoan của những lời khuyên đó, em vẫn từ chối và chấp nhận sự nghèo khổ, cô đơn để sống với những kỷ niệm đẹp đẽ của chúng mình ngày xưa. Nhất là để em chuộc lại những lỗi lầm, ngơ dại của em khi quyết định viết lá thư cuối cùng đó cho anh.
Ngưng lại một lúc như để suy nghĩ, rồi chậm rãi Mai nói tiếp:
- Khi gặp lại anh, lần anh về Cần Thơ đầu tiên. Nghe lại được âm vang của những bản nhạc kỷ niệm mà chị đã vô tình dạo cho em nghe. Rồi lần này trực diện với anh, nhìn rõ tâm tư anh. Em thấy sự hy sinh, chịu đựng của mình trong hơn 10 năm qua đã được đền bù rồi. Em không nhầm lẫn về anh, dù gặp lại anh trong hoàn cảnh oái oăm, lỡ làng. Một mối tình đẹp và lý tưởng không phải luôn luôn là mối tình trọn vẹn, em chắc chắn anh hiểu rõ điều này, bởi vì chính anh đã nhiều lần tâm sự với em. Hơn nữa sự lỡ làng đó do chính em gây ra, thì làm sao em có thể oán trách anh một cách vô lý được. Mười hai năm, thời gian quá dài với đời người đàn bà, sự đơn độc đã trở lên quen thuộc với em rồi. Bên cạnh đó, ngoài ý muốn gìn giữ kỷ niệm đẹp đẽ của chúng mình xa xưa, em còn có bao nhiêu chuyện khác nữa phải làm. Mẹ em, người mẹ đau khổ, đáng thương, chỉ trong mấy năm trời mẹ đã phải nhận chịu biết bao nhiêu tang tóc. Cái chết của Ba và anh Khoa, sự vô tình tàn bạo của người chị dâu, rồi cả những ăn năn vì lỗi lầm mà mẹ đã gây cho đời em nữa. Mẹ quá thiệt thòi, em có bổn phận phụng dưỡng, an ủi mẹ vào nhnữg năm cuối đời mẹ. Hai đứa con đáng thương, hẩm hiu của anh Khoa, chúng đã coi em như người mẹ và ngược lại em cũng đã dành cho chúng lòng thương yêu như mẫu tử. Với những lý lẽ và bổn phận đó, em đã có niềm vui, có lý do để phấn đấu và hiện hữu rồi, em không cần tìm kiếm một niềm vui khác nữa.
Đoàn định mở miệng ngắt lời. Nhưng Mai đưa tay ra ý cho anh im lặng:
- Có lẽ, điều mà em áy náy nhất, đó là em rất mến chị và các cháu. Ngay khi gặp lại anh vừa rồi, ý chí thôi thúc em phải xa anh. Em không thể gây lên những phiền toái, bất lợi cho hạnh phúc gia đình anh trong tương lai được. Chính vì vậy, em mong anh thông hiểu cho hoàn cảnh của em và hạnh phúc của gia đình anh, hãy giúp em vững mạnh để chúng mình xa nhau, không gặp lại nhau nữa Đoàn ạ. Gặp lại nhau để làm gì khi giữa hai chúng mình đã có một bức tường oái oăm ngăn cách rồi. Gặp lại nhau chỉ gây ra đau khổ và phiền nhiễu cho nhau mà thôi. Đời sống của em và gia đình dù vẫn trong sự nghèo túng nhưng đã thoát ra khỏi mức độ bi đát rồi. Em nghĩ rằng chỉ vài năm nữa hai đứa cháu, con anh Khoa đủ lớn khôn. Chúng là những đứa bé rất ngoan và biết suy nghĩ. Lúc đó gia đình em sẽ bước ra khỏi sự khó khăn, anh đừng lo lắng gì về em nữa. Còn em thì sẽ chẳng có lý do gì để phải thay đổi cả. Em sẽ mãi mãi sống với kỷ niệm của mối tình dang dở nhưng quá đẹp của chúng mình. Hơn nữa đời người con gái chỉ có một thời để yêu đương và mơ mộng mà thôi.
Đoàn thẩn thờ, im lặng nghe nàng nói. Anh ngước mắt nhìn ra phía ngoài đường, Sàigòn vẫn còn giữ ồn ào, bụi bậm cố hữu của nó như ngày xưa. Sau những năm dồn dập với đói nghèo, Sàigòn ngày nay, năm 1986 đang khởi đầu những lay động mà người ta gọi là đổi mới đã có những dấu hiệu khởi sắc. Nhưng vẫn chỉ là thời điểm đầu tiên, Sàigòn vẫn còn vương vất lại rất nhiều những dấu tích khổ cực vừa qua. Con người vẫn xác xơ, nét mặt cau có vì chạy đua với cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Anh kín đáo nhìn nét mặt buồn rầu của Mai, với giọng thành khẫn anh nói :
- Mai, anh không muốn đề cập đến việc còn hay mất, gia tăng hay giảm xút tình cảm của chúng mình trong hơn 10 năm qua nữa. Anh cũng không muốn gò bó vào những khuôn thước của đạo đức để xét đoán cuộc tái ngộ của chúng ta hôm nay đúng hay sai. Nhưng anh muốn nói đến lý trí của một người biết suy nghĩ, lấy công bằng làm tiêu chuẩn để giải quyết. Hơn 10 năm qua, em đã chịu bao nhiêu cực khổ, trả giá cho những gì mà em nghĩ rằng em đã sai lầm, đã gây ra sự dở dang của chúng mình.Nhưng tất cả cũng chì vì yêu anh son sắt của em mà ra.
Đoàn dừng lại, im lặng nhìn nét mặt buồn bã, buông xuôi của Mai, anh tiếp:
- Ít ra anh cũng phải biết, phải làm gì để trả lại những nghi ngờ, những quên lãng đáng trách của anh đối với em? Em không thấy đó là nỗi khổ tâm, dằn vặt của anh nếu anh kjông nghĩ đến em nữa hay sao? Đối với gia đình của anh, anh muốn đoan chắc với em là anh hiểu những gì anh làm được, và anh cũng biết được những gì trong tầm tay và suy nghĩ của chính anh. Anh sẽ nói tất cả sự thật với vợ anh, người vợ đã hiểu anh rất kỹ lưỡng và anh đã may mắn có được trong đời anh. Thương yêu anh, gần gũi, gắn bó với anh như vợ chồng hơn 2 năm trước ngày anh đi Nhật tu nghiệp, em thử xét xem, anh có phải loại đàn ông bỏ bê trách nhiệm của gia đình không? Anh đã nói với em rồi, anh không ngu đần nhận lấy cái mới mà bỏ cái cũ khi anh thấy cái cũ vẫn là cái anh yêu. Em hiểu anh thế nào thì vợ anh cũng đã hiểu anh như vậy Mai ạ.
Mai vội ngắt lời Đoàn:
- Em rất cảm động với tình nghĩa của anh. Nhưng với giải quyết nào chúng mình cũng phải xa nhau mà thôi. Em đã gặp chị và các cháu, anh và chị xứng đáng để nhận không khí hạnh phúc đó. Anh không nên và không có quyền chia xẻ cho bất cứ ai. Chúng ta gặp nhau thế là quá đủ rồi. Ánh mắt nhìn về nhau đã quá rõ ràng, dù nó tiềm ẩn ít nhiều buồn bã nhưng vẫn tràn đầy đẹp đẽ, nhưng đành phải thế mà thôi.
Mai nhìn Đoàn, đôi mắt nhòa lệ:
- Mươì mấy năm qua, từ ngày em rời xa gia đình xuống Vĩnh Long làm việc. Chỉ vì bản chất yếu đuối, thiếu cứng mạnh, em đã chẳng quyết định được điều gì khả dĩ ích lợi cho đời em. Em mất anh cũng chỉ vì tánh đó mà ra. Nhưng biết làm sao được khi em quá nhu nhược hả Đoàn. Chính vì vậy em mong anh giúp đỡ em lần này để xa được anh...
Thấy cuộc bàn cãi đẩy đưa sẽ chẳng đến đâu, Đoàn ngắt lời:
- Thôi, hãy bỏ qua vấn đề đó sang một bên. Điều trước mắt là anh sẽ phải giúp em và gia đình thoát khỏi sự túng cực cấp thời. Tiếp theo anh sẽ cố tạo cho em và gia đình em một căn bản để có một cuộc sống bình thường. Chỉ có như vậy anh mới giảm được phần nào ân hận, áy náy về những lỗi lầm, thiếu sót của anh đối với em trong thời gian vừa qua mà thôi. Chúng mình chẳng nên để tâm đến những gì khác, ngoài những điều quan trọng mà anh vừa nói nữa Mai ạ.
Nói xong Đoàn kéo sát Mai vào thân mình, hai ngươì im lặng nhìn ra bên ngoài, ánh nắng hoàng hôn đã đổ dài bóng cây trên đường phố.Sàigòn vẫn nóng cháy, buị bậm và con người vẫn phải sống và chạy đua với thời gian và tiền bạc.
(còn tiếp)
Trích truyện dài "Chùm hoa cosmos" - Tác giả: Lưu An - 2003
Đăng ngày 10 tháng 08.2021