Chùm hoa cosmos

Lưu An

Chương 17
Khoảng hơn một năm sau lần gặp lại Mai, Đoàn lại cùng gia đình về VN nghỉ hè. Trong dịp về thăm này, anh dẫn vợ con đến thăm gia đình Mai. Đoàn không muốn dấu diếm những gắn bó và những liên hệ của anh và Mai với người vợ tuyệt vời của đời anh. Đoàn cũng không muốn lừa dối Mai, người yêu lỡ làng, chung thủy, mà anh đã ân hận vì những thiếu sót vô tình của mình.
Mặc dầu có nhiều dấu hiệu ngại ngần, nghi ngờ trong sự tiếp xúc đầu tiên giữa vợ Đoàn và Mai. Nhưng nhờ sự xếp đặt tế nhị của Đoàn để hai người gặp gỡ nhau trong không khí thân thiện, nhất là nhờ vợ Đoàn thông hiểu hoàn cảnh không may mắn của Mai. Hai người đàn bà đã nhìn vào nhau trong tinh thần cảm thông. Gia đình Đoàn đến nhà Mai nhiều lần và được đón tiếp niềm nở với những bữa cơm VN ngon miệng. Đoàn rất ngạc nhiên nhìn sự thành công, an định rất nhanh và vững bền của gia đình Mai. Chỉ với sự giúp đỡ duy nhất đầu tiên của Đoàn, Mai mua được một căn nhà nhỏ ở Bàn cờ. Hai mẹ con nàng mở được một tiệm tạp hoá đơn giản nhờ đó nếp sống vật chất được coi là tạm đủ. Hai đứa con của Khoa được đều dặn đi học, chúng học rất giỏi và là hai đứa trẻ rất ngoan, kính mến, nghe lời bà nội và cô.
Rồi nhờ đúng thời kỳ kinh tế mở cửa,  phong trào học ngôn ngữ đang lên ở Sàigòn, Mai kiếm được một chỗ dậy Pháp văn và Anh văn cho một trung tâm sinh ngữ. Ngoài sự nhàn nhã, hợp với năng khiếu về ngôn ngữ, tiền lương của Mai được coi là dư dả cho toàn gia đình sinh sống. Có lẽ đây là một trường hợp giúp đỡ bè bạn, người thân của Đoàn, những người đang sống ở trong nước thành công nhất, làm Đoàn thoả mãn và tự hào nhất. Chỉ một lần giúp đỡ duy nhất, với vài ngàn mỹ kim ban đầu, mà chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi,hơn một năm trời, gia đình Mai đã thoát khỏi sự khó khăn, nghèo khổ để bước vào thành phần có căn bản và thành công về mọi mặt trong xã hội một cách đáng kính phục.
Năm 1989, Thúy con gái của Khoa được 19 tuổi, cũng giống như Mai, cô bé rất có khiếu về sinh ngữ, vừa học xong ban trung học, Thúy được Mai giới thiệu vào dậy tiếng Anh cùng chỗ với nàng. Còn Việt đứa cháu trai, em của Thúy học cũng rất giỏi, luôn luôn là học sinh gương mẫu, tài năng của trường, chú bé đang dự tính thi vào đại học bách khoa Saigon. Với thành qủa đáng phục đó của gia đình Mai, nhất niềm vui đã có phần nào trở lại với Mai, đã làm cho Đoàn vui mừng. Anh cũng cảm thấy bớt đi được phần nào ray rứt vì lãng quên, thiếu xót của mình đối với nàng trong những năm xa nhau.
Sau đó cứ một, hai năm Đoàn lại trở về VN thăm gia đình các cô em gái và ba của Đoàn và cũng để sống với Mai vài tuần lễ. Vợ  Đoàn biết rõ sự gắn bó ngắn hạn của anh với Mai,  thường im lặng tìm cách từ chối khéo léo mỗi lần Đoàn tỏ ý muốn mang cả gia đình về thăm VN. Tuy nhiên không khi nào vợ Đoàn tỏ ý phiền trách hay ngăn cản mỗi khi Đoàn có ý định về thăm quê hương.
Đoàn tưởng rằng không khí hạnh phúc nhỏ nhoi đó sẽ kéo dài như thế mãi. Rồi với thời gian trầm lặng hiền hoà đi qua, cuộc sống của Mai và gia đình sẽ mãi mãi được an định trong sung túc. Hai đứa cháu của Mai sẽ khôn lớn mang theo những thành công mà chúng đạt được nhờ sự cố gắng của chúng và lòng thương của người cô ruột đã đầy lòng hy sinh để dưỡng dục chúng. Còn anh và Mai sẽ bình thản cùng đi theo với thời gian cho đến ngày già lão, quên đi cái dĩ vãng buồn của cuộc tình ngang trái nhưng vẫn đẹp. Đoàn cũng an ủi được phần nào với những sự giúp đỡ của mình.

Nhưng vào khỏang đầu tháng 4 năm 1992, khi Đoàn đang đi công tác ở Bắc Phi Châu. Một buổi chiều, anh ngỡ ngàng nhận được bức điện tín của Thúy gửi gián tiếp qua vợ Đoàn ở Pháp cho biết Mai bị ung thư máu, tình trạng rất trầm trọng. Nàng hiện  đang điều trị ở bịnh viện Chợ Rẫy và muốn được gặp anh ngay! Đọc tờ điện tín, Đoàn lịm người đau xót khi nghĩ đến số phận quá hẩm hiu của Mai. Lưỡi dao định mệnh vẫn chưa từ gĩa nàng!   
Mai ơi, tai hoạ và bất hạnh lại đến cho em nữa sao? Mười hai năm biết bao nhiêu tang tóc với nghèo đói, đau buồn. Rồi ngang trái đến với em vẫn chưa đủ trả nợ cho định số thiệt thòi của em sao? Sáu năm vừa qua, anh cũng chỉ mới giúp em một tí chút, mang lại cho em một vài an ủi nhỏ nhoi. Anh hiểu rất rõ những trớ trêu của hoàn cảnh, éo le của tình yêu giữa em và anh, đã làm em khổ đau, tủi phận. Anh cũng biết, những lần gặp lại em ngắn ngủi vừa qua, em chưa bao giờ nở được nụ cười sung sướng trọn vẹn với anh như ngày xưa. Còn anh, cũng chưa hết được những ân hận về lỗi lầm, những buốt đau vì thiếu sót của anh  đối với em.  
Sáu năm qua với mối tình Chức Nữ, Ngưu Lang. Anh dư biết đó cũng chỉ là vớt vát ái ân trong xót xa, trong lỡ điệu của cuộc tình xưa cũ của chúng mình. Với khoảng thời gian vài tuần lễ bên nhau sau vài năm xa cách cũng chỉ là một vài niềm an ủi thoáng qua cho em mà thôi. Anh đã tưởng rằng, dù rất ít nhưng cũng mang đến em một vài niềm vui nho nhỏ. Mang đến cho lòng anh một khoảng khắc bớt ăn năn. Nhưng đến nay thì tất cả đã đi vào điểm cuối cùng rồi Mai ạ. Trời xanh ơi, sao quá ư tàn bạo! Tạo hóa, định mệnh ơi sao lại nỡ vô tình với em như thế?
Vì khó khăn và rất phiền phức trong việc bỏ ngang công tác ở hải ngoại. Thêm vào đó việc xin giấy tờ chiếu khán, vé máy bay cũng không dễ dàng. Đoàn phải mất 4 ngày lo giấy tờ mới về được Sàigòn.

Đoàn đến bịnh viện Chợ Rẫy vào buổi chiều dưới cái nóng kinh người của đầu tháng tư. Nhìn nét mặt buồn đau, ngơ ngác thất thần của bà Khiêm và hai đứa cháu đang gục đầu bên chiếc giường bệnh viện. Mai nằm thiêm thiếp, mê man, da mặt tái xanh, những lọn tóc lòa xòa vương dính trên khuôn mặt. Tấm thân gầy mỏng như dính xát vào chiếc đệm giường được bao phủ bởi tấm khăn trải giường mầu trắng đục. Tim Đoàn quặn đau, đôi mắt nhoà lệ, anh chẳng biết làm gì hơn là im lặng đến bên giường bệnh,nắm nhẹ bàn tay gầy guộc của Mai. Buông những tiếng thở dài đau khổ cho nỗi bất hạnh của Mai, mà viễn tượng chiến thắng tử thần chỉ là điều vô vọng.
Mai ơi! Thôi đành thế em ạ. Anh về đây với em, nhưng anh làm gì hơn ngoài sự xót đau và thất vọng. Bằng cấp, danh vọng và tiền tài anh đã có trong tay, nhưng chẳng còn ý nhĩa gì nữa phải không Mai? Rồi phong hầu, chức sắc với biết bao những tham vọng tuổi thanh niên của thủa chúng mình yêu nhau ngày đó, để làm gì nữa hả em? Những lời hẹn ước, ngày hồi hương với một lễ cưới, mãi mãi bên nhau, có phải là vu vơ không Mai?... Tất cả những ước mơ, mong đợi của anh và em xa xưa dạo ấy. Rồi cả những hình ảnh tương lai của một mái ấm gia đình trong âm vang của những bản nhạc tình yêu thật đẹp, mà chúng mình mơ tưởng... Tất cả vẫn cũng là không. Thôi, thế là hết! Thế là ảo mộng phải không Mai? Hỡi người anh yêu, người anh mang quá nhiều ray rứt trong tâm anh vì lầm lỗi, vì vô tình lãng quên. Thế là muôn đời chúng mình lỡ điệu, vĩnh viễn xa nhau rồi Mai ạ.  
- Đoàn, mình đoán là cậu. Có lẽ cậu còn nhớ mình chứ?
Câu nói vang lên gần sát tai, kèm với cái vỗ vai nhè nhẹ làm Đoàn chợt tỉnh. Kéo anh ra khỏi phút giây thờ thẫn, buốt đau. Quay lại phía sau, Đoàn giật mình khi nhìn thấy Hậu, người bạn thời trung học của anh ngày xưa, trong bộ blouse trắng của người y sĩ. Hậu buồn bã nhìn Đoàn:
- Mai điều trị ở đây đã được gần 3 tuần lễ rồi. Bất cứ lúc tỉnh táo hay mơ sảng cô ta đều gọi tên cậu hay nói lung tung về cậu. Ban đầu mình không để ý, nhưng một lần ngẫu nhiên nhìn thấy một phong bì viết tên cậu, Mai vô tình đánh rơi dưới sàn nhà lúc mình vào khám bịnh. Khi đó mình mới biết chắc chắn là cậu, người mà Mai đã luôn luôn nhớ mong.
Nói xong, Hậu im lặng nhìn Đoàn như chia xẻ nỗi buồn thất vọng với anh, chậm rãi Hậu tiếp:
- Còn về căn bịnh của Mai. Có lẽ cậu cũng biết mình không thể làm gì hơn là cố gắng duy trì sự sống của Mai từng giờ phút, với hy vọng cậu về kịp để thấy cô ta lần cuối mà thôi Đoàn ạ. Theo mình đóan, chỉ nội ngày mai hay quá lắm là ngày kia mà thôi, không thể nào kéo dài hơn được nữa.
Tối hôm đó, khi hai đứa cháu của Mai về nhà ăn cơm. Đoàn ngồi gục đầu bên cạnh giường của Mai. Thỉnh thoảng ngước đầu lên thẩn thờ nhìn những giọt máu nhỏ đều đặn từ cái chai đang truyền vào mạch máu ở cổ tay nàng. Mai vẫn hôn mê, nằm yên lặng, chẳng  mang một dấu tích gì của một người còn sống. Ngoài sự phập phồng, lên xuống rất yếu của chiếc chăn mỏng đắp trên lồng ngực. Ngồi đối diện với Đoàn, bên kia chiếc giường, mẹ của Mai, bà Khiêm đưa bàn tay sạm đen vì nắng mưa và nhăn nheo của tuổi già cực nhọc vuốt nhẹ cánh tay, thân thể của Mai. Thỉnh thoảng bà buông tiếng thở dài buồn bã, đau khổ.

Đoàn và bà Khiêm chưa nói với nhau một lời nào đúng nghĩa, ngoài vài câu chào hỏi thông thường từ khi Đoàn đến bịnh viện. Bức tường ngăn cách giữa Đoàn và bà đã tưởng rằng đã được đưa vào quên lãng, hay ít ra cũng chẳng còn gay gắt như xưa, sau  thời gian 6 năm vừa qua nhờ những hoá giải tế nhị, khôn khéo của Mai. Nhưng hôm nay, đứng trước một dữ kiện đau buồn, vô vọng này, nhìn sự bất hạnh của Mai. Ký ức Đoàn lại được khơi dậy với những lỗi lầm và thái độ quá đáng xa xưa của bà. Đoàn chợt nghĩ rằng bà phải mang một phần nào trách nhiệm cho sự bất hạnh trong cuộc đời của Mai.
Không nói ra, nhưng bà Khiêm hiểu rất rõ tâm tư của Đoàn. Bà cũng dư biết trong 6 năm vừa qua, rất nhiều lần, mỗi khi Đoàn về nước, đến thăm Mai, rủ Mai cùng với mấy đứa cháu của bà đi phố hay đi ăn tiệm. Lần nào Đoàn cũng nhắc nhở đến bà và có ý mời bà cùng đi.  Nhưng bà luôn luôn tìm mọi lý do khéo léo để từ chối lời mời. Bà nghĩ rằng chỉ là những câu nói lịch sự, làm vui lòng Mai, con gái bà mà thôi. Ngay cả những câu chào hỏi của Đoàn rất lễ độ, rất ngoại giao nhưng bà cũng nhìn thấy trong đó vẫn còn có cái gì nhạt nhẽo, thiếu tình thân. Bà không giận, và cũng không ghét Đoàn vì bà biết rằng bà đã có quá nhiều lỗi lầm với anh ta. Bà cũng hiểu rất rõ, chính nhờ lòng tốt, sự giúp đỡ to lớn của Đoàn trong mấy năm qua, đã kéo gia đình bà ra khỏi địa ngục của nghèo khổ. Đã mang đến cho gia đình bà cuộc sống thoải mái hiện nay.  
Bà cảm thấy ngượng ngập, xấu hổ mỗi khi gặp Đoàn. Bà mong có được một dịp nào đó, tỏ bầy với Đoàn những khổ đau vì lỗi lầm to lớn trong quá khứ của bà và mong Đoàn tha lỗi cho bà. Bà cũng mang rất nhiều ân hận với Mai, người con gái mà bà thương yêu, nương tựa nhiều nhất trong hơn chục năm vừa qua. Nhưng cũng là người đã chịu đau khổ nhiều nhất vì những sự dại khờ, dễ tin của bà. Rất nhiều đêm, khi cả nhà yên giấc. Bà ngồi dậy im lặng nhìn nét mặt ngây ngô, trong sáng của hai đứa cháu nội. Bà lại nhớ đến Khoa, bố của chúng, đứa con trai duy nhất của bà đã lặng lẽ ra đi vì một lý do rất đơn giản. Đó là con trai bà vẫn còn yêu và không thể nào quên được người vợ dù cô ta đã tàn nhẫn và vô tình với nó.
Rồi cũng có đôi lần bà kín đáo nhìn nét mặt bình thản, bao dung của Mai. Nét mặt đã mất đi vẻ bầu bĩnh, sang trọng của cô con gái yêu của bà ngày xưa. Người con gái đã phải gánh chịu tất cả những khổ đau, lỡ làng tình duyên chỉ vì sự thiếu suy nghĩ của bà và gia đình. Một dịp may cuối cùng đã đến cho mối tình duy nhất của con gái bà để ra đi với người nó yêu đương. Nhưng cũng chính bà đã phá hủy hạnh phúc của nó với sự khù khờ tin vào những lời hứa hẹn không đâu. Để rồi cả gia đình bà bị đưa vào sự khổ cực, nhục nhã hơn 10 năm trời !
Đôi lúc bà cũng nhớ đến Quyên, người con dâu quý phái, xinh đẹp ngày xưa mà vợ chồng bà đã tự hào về cô ta. Nhưng sau cùng chỉ còn lại trong lòng bà một sự ngỡ ngàng và chán ghét. Chính cô ta đã làm cho con trai của bà đã mất tích và 2 đứa cháu nội bị ruồng bỏ một cách đớn đau.
Rất nhiều lần thức giấc giữa đêm vì hối hận, bà Khiêm khóc. Bà cầu mong cho hai đứa cháu nội mau lớn khôn, đủ sức để tự lập. Mai có được cuộc sống tạm gọi là thoải mái, bà sẽ tìm đến một ngôi chùa nào đó để đi tu, dành tất cả thời gian cho kinh kệ và sám hối những lỗi lầm của mình.Những dự tính của bà vừa lóe lên một tí ánh sáng vui mừng thì đã bị dập tắt.  Mai bị vướng vào một căn bệnh hiểm nghèo, không mong cứu chữa. Bà biết chắc chắn từ nay bà lại phải đối đầu với những khó khăn mới. Bà không thể bỏ hai đứa cháu nội của bà được nữa, dù chúng có lớn khôn để làm theo ước mơ cuối đời của bà được nữa. Bà phải sống, phải phấn đấu và phải mãi mãi đi bên chúng nó cho đến hết đời của bà.
Đang dìm mình vào suy tư, một tiếng động nhẹ của chiếc giường làm bà Khiêm giật mình. Bà ngước lên nhìn Đoàn, nhìn nét mặt ngơ ngác đau buồn của anh ta. Trên khóe mắt Đoàn vẫn còn đôi giọt lệ. Bà tự nhiên thấy ngượng nghịu, xấu hổ  khi nhớ lại những câu nói khinh rẻ con người, gia thế và cả nghành học của anh ta ngày xưa. Bà kín đáo quan sát rất kỹ  Đoàn. Người đàn ông mà đứa con gái bất hạnh của bà đã yêu và tuyệt đối chung tình với anh ta trong suốt hơn 12 năm xa cách.  
Về hình dáng của Đoàn hoàn toàn tầm thường, nếu không muốn nói là có phần thua kém khi so sánh với phần lớn đàn ông trong xã hội. Anh ta không có dáng dấp sang trọng, qúi phái như đứa con trai của bà và cũng thua kém gần như hầu hết những người bạn của con bà. Dù đã hơn chục năm sống, làm việc ở phương tây nhưng anh ta vẫn không dấu được dáng dấp bình dân của dạng người sống rất giản đơn. Nhưng nếu nhìn kỹ  vào ánh mắt của Đoàn, bà lại tìm thấy trong đó có những tia nhìn thân thương, đôn hậu, biểu lộ bản chất của con người rất nhiệt tâm và chân thành. Thỉnh thoảng anh ta buông tiếng thở dài não nuột đưa bàn tay vuốt nắn nhẹ trên cánh tay, trên bờ vai, khuôn mặt của Mai, con gái bà. Lúc đó bà nhìn rõ trong ánh mắt anh ta một tấm chân tình sắt son ẩn hiện một nỗi đau buồn toả ra như bao phủ cả một bầu trời ảm đạm... Hành động và cảm xúc của anh ta toát ra một cách rất tự nhiên, thật lòng đã làm cho bà muốn rơi nước mắt. Hiện thân con người của Đoàn lúc này đã chinh phục hoàn toàn sự kính mến của bà Khiêm, vì con người và tâm hồn trong sáng của anh.
Bà Khiêm còn nhớ vài năm trước đây, trong một lần Đoàn về thăm VN, anh đến nhà bà tìm Mai bằng xe xích lô. Trong lúc người xích lô ngồi đợi chờ Mai sửa soạn quần áo để chở hai người lên Sàigòn. Đoàn vào nhà nói với Thúy pha cho anh một ly nước chanh đường có đá lạnh. Mọi người đều tưởng Đoàn khát nước, nhưng khi Thúy đưa ly nước cho Đoàn, bà đã lịm người khi thấy Đoàn mang ra đưa tận tay cho người xích lô:
- Chú uống ly nước chanh lạnh cho khoẻ, chắc chú mệt lắm. Chú ngồi nghỉ rồi nhờ chú chở hai đứa chúng tôi lên trung tâm Sàigòn.
Tiếp theo là vài câu nói chuyện thân mật, lo lắng về sức lực, đường xa... rất thân tình của Đoàn với người xích lô. Hành vi quá nhân hậu và cảm thông người nghèo của Đoàn đã làm cho bà suy nghĩ rất nhiều, về những hình ảnh ngày xưa của gia đình bà và bạn bè đã hành xử với những người phục dịch cho gia đình bà. Bà cảm thấy hối hận. Cũng từ  lần quan sát đó bà đã hiểu dần dần cái lý do tại sao con gái bà đã yêu và cảm phục Đoàn, dù tất cả mọi người trong gia đình chống đối và tìm cách ngăn cản.  
Cũng chính lúc đó bà nhớ lại một lần Mai và Quyên trong một cuộc cãi vã. Khi Quyên chê trách Mai là dại khờ đi yêu Đoàn, người đàn ông yếu kém về mọi mặt. Mai đã cho Quyên biết, Đoàn có những cái tốt đẹp và chính vì những cái tốt đó đã làm Mai cảm mến và dẫn đến tình yêu với Đoàn. Mai cũng cho biết, dù có nói ra cũng không làm cho Quyên hiểu được, vì những điều mà Mai cảm phục Đoàn nó ra khỏi bản chất và suy nghĩ của con người Quyên. Đến nay đã gần 20 năm bà mới hiểu lời nói kín đáo, tế nhị của con gái bà là đúng. Nhưng hôm nay, khi bà hiểu được thì con bà đã sửa soạn vĩnh biệt, rời xa bà mãi mãi.    
Đúng lúc bà Khiêm đang nhìn và đờ đẫn suy nghĩ về Đoàn, bất thình lình Đoàn cũng đưa mắt nhìn lên, ánh mắt chạm nhau làm cả hai người bối rối. Sau một lúc, khi lấy lại được sự bình thản. Bà Khiêm cảm thấy đây là dịp cuối cùng để bà thố lộ những day dứt mà bà muốn nói với Đoàn trước mặt con gái bà. Dù bà biết rằng sự hiện diện của Mai trong tình trạng vô tri giác này chỉ còn là hình thức, hoàn toàn vô ích mà thôi. Với giọng nói ít nhiều ngượng ngùng bà nói với Đoàn:
- Cậu Đoàn, rất nhiều lần tôi muốn nói với cậu lời xin lỗi, về những lỗi lầm quá đáng trong quá khứ của tôi và gia đình đã đối với cậu. Nhưng vì quá xấu hổ, quá ân hận cho nên đến nay tôi vẫn chưa làm được. Tôi hy vọng cậuthông hiểu cho nỗi khổ tâm và khó khăn mở lời với cậu của tôi. Hôm nay cậu lại về đây, cậu lại sắp phải nhìn thấy một tai họa, một bi đát đang đến với gia đình tôi. Tất cả những khổ ải của gần 20 năm vừa qua, gián tiếp hay trực tiếp đều bắt nguồn từ những lỗi lầm của vợ chồng tôi và của đứa con trai duy nhất, bất hạnh của chúng tôi. Tôi biết nói gì với cậu khi nhìn đâu đâu cũng là ân hận và lầm lẫn của mình? Sự ngay ngắn của cậu ngày xưa, sự bao dung, tốt lòng của cậu trong những năm sau này. Nhất là tình nghĩa của cậu đối với đứa con gái đáng thương của tôi. Tất cả những điều đó đã làm tôi ngậm ngùi và hối hận với những mù tối của mình. Tôi chỉ còn mong nơi cậu sự thông cảm và tha lỗi cho tôi.

Im lặng ngồi nghe bà Khiêm nói. Đoàn đưa mắt nhìn nét mặt hốc hác không còn sinh khí của Mai. Nhớ lại những khổ nhục mà nàng đã chịu đựng trong gần 20 năm vừa qua... Ký ức Đoàn  lại kéo anh về với bóng dáng của nàng ngày xưa, cô tiểu thư của một gia đình sang trọng, thuộc giới trí thức, thế quyền ngày xưa. Rồi anh ngước lên nhìn nét mặt đau khổ hốc hác, dàn dụa nước mắt của bà Khiêm. Tất cả những hình ảnh và dữ kiện trong quá khứ đang nối tiếp nhau, hiện ra trong tim óc của Đoàn như là một vở kịch đau buồn, quá bi đát cho tất cả mọi người trong gia đình bà. Bà cũng là một bà mẹ VN tuyệt đối yêu chồng, thương con. Bà cũng như người mẹ ruột kính yêu, quá cố của Đoàn, người mẹ mà Đoàn kính mến muôn đời. Bà cũng như hàng triệu bà mẹ VN nguyên thủy đáng tôn thờ khác mà thôi.
Trong gần 20 năm vừa qua, bà cũng  là nạn nhân vì cuộc đổi dời ngỡ ngàng của đất nước. Biết bao nhiêu tai nạn dồn dập đổ lên đầu bà và gia đình. Bà đã mất người chồng, người con trai trong buổi giao thời của đất nước. Rồi bà lại phải chịu sự ruồng rẫy, phủi bỏ tàn tệ của người con dâu và nhận chịu làm mẹ thêm một lần nữa cho hai đứa cháu ruột đáng thương.
Hôm nay bà lại sửa sọan nhận thêm một mất mát to lớn khác. Mai, người con cuối cùng, yêu thương của bà cũng sắp sửa ra đi. Tất cả đã quá đủ tàn nhẫn mà định số đã dành cho bà rồi. Bà phải được thương hại và được giúp đỡ  và cảm thông một cách tận tình hơn.
Nghĩ như vậy, Đoàn đưa tay nắm nhẹ lấy cánh tay nhăn nhúm vì gìa nua và cực khổ của bà Khiêm. Tỏ ý cảm thương và ra dấu cho bà đừng nói tiếp nữa. Rồi anh nhìn bà với đôi mắt thật thân tình, với giọng buồn rầu Đòan nói với bà:
- Thưa bác, cám ơn những lời tâm sự  quá tốt đẹp của bác. Theo cháu nghĩ, hành động của bác ngày xưa, nếu suy nghĩ kỷ cũng chỉ vì thiện ý và lòng thương yêu Mai quá nồng nàn mà ra cả. Còn việc cháu và Mai không kết hợp được âu cũng là không có duyên số bác Khiêm ạ. Hôm nay đứng trước giây phút cuối cùng của Mai, cháu xác nhận với bác là cháu không còn mang một cảm giác giận trách bác nữa. Ngược lại, cháu mong muốn được coi bác như một người thân, rất thân của cháu. Cháu hứa luôn luôn giúp đỡ, cưu mang bác và hai đứa cháu con anh Khoa như ruột thịt của cháu vậy.
Bà Khiêm im lặng đờ đẫn nhìn Đoàn. Đôi mắt bà rướm lệ, sự xúc động tột cùng hiện rõ trên nét mặt già nua khổ cực của bà. Đoàn hiểu rõ, bà đang sung sướng và ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên Đoàn đã chuyển từ chữ Bà nhạt nhẽo, thành chữa Bác thân ái, gần gũi hơn.
Trong nỗi cảm xúc đó. Bà Khiêm lưỡng lự một chút rồi bà mở chiếc xách tay của bà, lấy ra một lá thư đưa vào tay Đoàn, bà nói:
- Cháu Đoàn, trước đây hai tuần lễ, khi vừa vào bịnh viện, lúc Mai còn tỉnh táo tí chút. Em có đưa cho bác đọc một lá thư và yêu cầu bác đưa tận tay cho cháu, coi như lời trăn trối cuối cùng của nó gửi cho cháu. Bác và cả hai chị em cháu Thúy đã đọc, đã khóc rất nhiều. Hôm nay cháu về đây, nhìn thấy cháu còn quá mệt nhọc vì di chuyển và nhất là thấy cháu quá xúc động. Bác và chị em Thúy đã bàn định với nhau, nên giữ lại, không vội đưa cho cháu để tránh sự khích động quá mạnh không tốt cho cháu. Nhưng với lời nói quá chân thành và đầy bao dung, tha thứ lỗi lầm của cháu dành cho bác vừa qua. Bác không thể không đưa lá thư cho cháu đọc ngay lúc này được. Lúc mà Mai trước khi vĩnh biệt cháu, nó sẽ hiểu được rằng ý muốn của nó đã được cháu chấp nhận.
Đoàn nhận lá thư từ tay của bà Khiêm, anh mang tâm trạng buốt đau khi đọc lá thư :

Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày...tháng 4, năm 1992
Anh Đoàn thương,
Em viết lá thư này cho anh trong bệnh viện. Trong sự mệt mỏi và cố gắng vô cùng của những giây phút kiệt sức cuối cùng còn lại của đời em.
Lá thư này có lẽ là lời tâm sự sau cùng em viết cho anh, để rồi vĩnh viễn chúng ta xa nhau anh ạ. Tất cả thời gian của gần 20 năm vừa qua, em đã trả nợ cho định số bất hạnh của đời em. Trong đó với hơn 12 năm khốn khổ, nhục nhằn, nhưng em gặp lại được anh dù trong ngang trái, đau buồn, trong mặc cảm phạm tội, thiếu quang minh. Với 6 năm gặp anh trong chốc lát đó nhưng dù sao em cũng tìm được một vài niềm an ủi. Không phải vì được gần anh trong vài tuần lễ ngắn ngủi sau 2, 3 năm xa cách, mà vì em biết được em đã có một người yêu rất chân thành, thực tình yêu em.
Trong những giây phút cuối cùng này, em chẳng còn gì để ước muốn cho đời em nữa. Em hoàn toàn sung sướng về tình yêu của chúng mình, Đoàn ạ. Dù là một cuộc tình gẫy đổ, oái oăm nhưng vẫn là một mối tình lý tưởng rất đẹp mà trước khi vĩnh viễn xa anh, em cảm thấy tự hào và thoả mãn. Sáu năm vừa qua, với sự cưu mang của anh. Em đã tưởng đời mình đã được đưa vào con đường bình thản, dù bình thản trong mặc cảm, ưu tư... Nhưng hôm nay căn bịnh quái ác, không phương cứu chữa này lại đến với em. Thôi, em đành nhận nó để cho trọn số phận không may của đời mình, chứ biết làm sao đây anh Đoàn?  
Tuy nhiên, ở cái giây phút cuối cùng, vô vọng này. Em xin anh giúp cho em hai việc mà em vẫn còn quá nhiều ray rứt vì dở dang, vì ân hận:
Việc đầu tiên, em nhờ anh chuyển lời xin lỗi và ăn năn của em đến chị. Người đàn bà mà em rất kính phục và mến yêu. Người đàn bà tài năng, hiền thục với đức tính khiêm nhường, bao dung đã thông cảm cho hoàn cảnh ngang trái của em. Đã giúp đỡ và chia xẻ cho em những gì ra ngoài tất cả sự tưởng tượng của em ở những người đàn bà thông thường khác.
Việc thứ hai, Em xin anh tha thứ những lỗi lầm, sai trái của mẹ em đối với anh. Mong anh nhìn mẹ em dưới hình ảnh một người đàn bà đáng thương hại vì mẹ em đã phải nhận chịu biết bao nhiêu tang tóc, khổ sở trong hơn 20 năm qua.
Với hai đứa cháu, con anh Khoa. Theo em chúng là những đứa bé tốt, biết suy nghĩ và em hy vọng chúng đã đầy đủ vững mạnh, khôn lớn để bước vào đời rồi. Em nghĩ chúng có thể tự lập được. Tuy nhiên em vẫn mong anh vì yêu em mà thay em để giúp đỡ, khuyên nhủ chúng trong trường hợp cần thiết, những gì đi ra ngoài tính toán và khả năng của chúng. Em đã tâm sự tất cả những điều lầm lẫn của ba mẹ chúng với anh và em đoan chắc với anh chúng rất kính phục và nghe lời anh.  
Chỉ có hai điều đó thôi, trước khi vĩnh viễn xa anh, em mong anh chấp nhận cho em như lời xin cuối cùng của đời em.
Đoàn ơi, em muốn viết cho anh rất nhiều. Nhiều không bao giờ chấm dứt để rồi không bao giờ được viết cho anh nữa. Nhưng em mệt quá rồi, em mong anh hiểu nhiều hơn những gì em muốn viết, trong lá thư quá ngắn, cuối cùng này của em.  Đoàn ơi, đừng bao giờ làm mất em và kỷ niệm của chúng mình trong tim anh nhé. Còn em, em vẫn yêu anh, yêu anh mãi mãi, yêu anh muôn đời, yêu anh cho đến hơi thở cuối cùng và ở bất cứ đâu dù thiên đàng hay địa ngục em vẫn yêu anh, Đoàn ạ!
Yêu anh và muôn đời vĩnh biệt anh.
Mai                                   

Đọc xong lá thư, Đoàn gục xuống tấm thân còm yếu, bất động của Mai. Anh khóc, khóc rấm rức thành tiếng. Mai ơi, tất cả những gì em nhắn nhủ trong thư, anh sẽ làm cho em hết. Anh sẽ mãi mãi gìn giữ hình bóng và kỷ niệm của em vào trong trí nhớ và thương yêu suốt đời anh. Gần 20 năm qua, kể từ ngày chúng ta xa nhau với những lời thề ước, anh đã cố gắng vươn lên như em nhắn nhủ, như em mong đợi và cả vì tham vọng hướng lên của anh.. Bây giờ anh đã tạm gọi là có tất cả, nhưng cũng chỉ là vô ích, chẳng còn ý nghĩa gì nữa Mai ạ. Tất cả những cái đó sẽ mãi mãi không thể bù lấp cho anh được một điều mất mát to lớn nhất của đời anh, đó là anh đã mất em, em đã không là người đồng hành cùng ca khúc hoan lạc của đời anh nưã.
Đoàn vẫn khóc, vẫn gục đầu trên tấm thân im lặng không sinh khí của Mai. Trong nhãn quan nhoè lệ, trong tâm trạng buồn đau đã làm anh mê mẫn, chẳng biết gì hơn ngoài một mầu tối đen ảm đạm bao quanh, đưa anh vào trạng thái mù mờ. Cho đến một lúc, Đoàn cảm thấy đôi bàn tay của ai đã ôm nhẹ lấy vai anh, kéo anh đứng dậy. Trong ảo giác mù mờ đó, Đoàn nhìn thấy Mai đang đứng trước mặt mình. Mai trong chiếc áo dài mầu vàng nhạt, với những bông hoa trên hai vạt áo. Chiếc áo kỷ niệm gặp gỡ đầu tiên của anh và nàng xa xưa trên chuyến xe đò xuống Vĩnh Long. Hai bàn tay nàng ôm lấy vai Đoàn, Mai khóc và nói với anh những gì mà Đoàn không nghe rõ. Vẫn khuôn mặt trái xoan, đôi mắt hiền thục, hơi buồn mà Đoàn đã yêu mến ngày xưa. Vẫn vành môi đều đặn hơi cong hấp dẫn mà anh đã uống từng hơi thở ngọt ngào của những nụ hôn đắm đuối khi yêu nhau. Vẫn tất cả của Mai yêu thương đắm đuối trong những ngày anh chưa rời xa đất nước theo bả công danh, theo tiếng gọi của phong hầu, chức sắc. Mai đang đứng trước mặt anh, Đoàn ngỡ ngàng đưa đôi tay ôm ghì lấy Mai, với tất cả sự sung sướng anh nói với nàng:
- Mai ơi, em khoẻ rồi sao? Trời ơi, em làm anh buồn quá, anh yêu em, Mai ạ.
Nhưng ngay khi đó, Đoàn lại thấy Mai khóc oà lên, lắc mạnh đôi vai Đoàn, Mai nói với anh trong tiếng nấc:
- Bác Đoàn, cháu đây! Thúy đây, không phải cô Mai đâu. Bác tỉnh lại đi.... !
Câu nói của Thúy  đã kéo Đoàn ra khỏi ảo giác u mê. Anh ngớ ngẩn nhìn Thúy trong vài giây đồng hồ trước khi trở lại với ý thức để biết mình vừa qua một ảo giác vì quá buồn đau với hiện thực. Thúy cũng đã lấy lại được cân bằng. Cô bé nhìn thấy lá thư của Mai đã bị nhăn nhúm và loang lổ vì nước mắt đang còn nằm trên chiếc giường bệnh viện. Cô bé nhặt lá thư lên, nhìn bà Khiêm, vẻ trách móc :
- Bà nội kỳ quá! Con đã nói với nội rồi, đừng đưa lá thư cho bác ấy đọc, trong khi bác ấy còn mệt và bối rối, để sau này khi bác ấy bình thản lại hãy đưa, nhưng nội không nghe...
Mặc dầu vẫn còn choáng váng, chưa thật sự trở lại cân bằng, nhưng Đoàn vẫn nghe và hiểu được lời than phiền của Thúy với bà Khiêm. Anh đưa bàn tay lên ra dấu cho Thúy im lặng, rồi anh nói với cô bé :
- Thúy, cháu không nên trách bà nội như vậy. Việc đưa lá thư của cô Mai viết cho bác lúc này là rất hợp lý cháu ạ. Có lẽ nếu cháu dấu nó, đưa cho bác sau này, khi mọi chuyện đã rồi là một điều lầm lẫn sẽ làm bác rất buồn. Bởi vì bác muốn cô Mai của cháu biết được những lời yêu cầu cuối cùng của cô Mai đã được bác đọc và chấp nhận trước khi cô của cháu vĩnh biệt ra đi Thúy ạ.

Sáng hôm sau, Hậu đến khám bệnh cho Mai xong. Anh nắm bàn tay Đoàn, lắc đầu buồn bã nói:
- Có lẽ Mai không thể nào qua ngày hôm nay được nữa! Mình chỉ hy vọng giúp Mai tỉnh dậy, trước khi ra đi để nhìn thấy cậu mà thôi. Tuy nhiên cũng chỉ là hy vọng thôi, bởi vì Mai quá yếu sức rồi. Theo mình thì cậu và gia đình nên chuẩn bị cho việc im lặng ra đi của Mai. Còn việc mình cố giúp Mai tỉnh lại tí chút khả dĩ có thể nói với cậu và gia đình được đến đâu cũng chỉ là điều không chắc chắn được.
Đoàn và gia đình Mai đứng vây quanh chiếc giường bệnh viện. Khoảng 15 phút sau khi Hậu chích thuốc cho Mai. Nàng hơi cựa quậy rồi mở đôi mắt yếu đuối, thất thần. Nhưng vẫn trong tình trạng mê sảng, mặc dù với lời gọi xót đau của bà Khiêm:
- Mai ơi, anh Đoàn về thăm con đó. Tỉnh dậy đi con! Con cố nói vài câu với anh đi con!
Đoàn đứng im lặng, ngẩn ngơ nhìn trong đau khổ. Mãi một lúc sau, đôi mắt Mai sáng lên, đã có ít nhiều vẻ sống động. Hình như Mai đã nghe được những lời gọi của mẹ và đã nhận ra Đoàn. Mọi người im lặng dành giây phút đó cho Đoàn. Anh cúi xuống nắm nhẹ bàn tay lạnh giá, xương xẩu của Mai, nhìn thật kỹ vào nét mặt tái xanh, không sinh khí của nàng. Đoàn nói dồn dập trong tiếng khóc:
- Mai ơi, anh về với em đây! Em khổ quá Mai ạ. Anh yêu em. Mãi mãi yêu em! Nói với anh vài lời đi Mai. Anh đã đọc lá thư cuối cùng của em rồi, anh hứa với em là anh sẽ làm tất cả những gì em trăn trối.
Đoàn nói liên tục, anh lập đi, lập lại những tiếng nói pha trộn nước mắt và âm thanh bi thảm của mình. Anh nói không phải chỉ cho nàng nghe mà cho chính con tim đang quặn đau của anh nghe nữa. Anh nói như gầm thét, như van xin, oán trách định mệnh! Anh nói như xua đuổi thần chết tránh xa, hãy để cho nàng thêm một phút giây dù ngắn ngủi để nghe anh, hiểu lời nói của anh.  
Đoàn và mọi người chợt thấy đôi mắt Mai sáng lên, chứa đựng tí chút ánh nhìn vui mừng, thông hiểu. Đoàn biết Mai đã nhận ra mình hay đã hiểu những gì anh đã nói. Vội vàng Đoàn cúi xuống, ghé sát tai vào miệng Mai như cố nghe lời nói cuối cùng của nàng. Nhưng vô ích! Đôi môi Mai chỉ nhấp nhẹ, chẳng có một âm thanh nào phát ra. Chẳng có một tiếng nói nào trối trăn, để lại cho anh. Chỉ có thế, vài phút sau, Mai lại rơi vào mê man trong những tiếng gọi thê lương, vô vọng của mẹ nàng và hai đứa cháu.
Hậu đặt bàn tay lên vai Đoàn, anh nói nhẹ bên tai Đoàn:
- Đoàn, không thể nào hơn được nữa, khi mà Mai chẳng còn một tí sinh lực. Mai mở mắt nhìn và nhận ra cậu đã là một cố gắng tối đa rồi. Ánh mắt đó đã nói với cậu nhiều rồi Đoàn ạ.

Đoàn và gia đình Mai buồn bã ngồi nhìn sự im lặng, mê man của Mai. Mọi người hy vọng một năng lực cuối cùng sẽ trở lại với Mai, mạnh mẽ hơn giúp nàng nói được vài câu với mọi người trước khi ra đi. Nhưng chỉ là sự chờ đợi vô ích. Khoảng vài tiếng đồng hồ sau, thân hình Mai chợt hơi rung động rồi im lặng! Im lặng thê lương! Cái im lặng muôn đời vĩnh biệt!
Mẹ và hai đứa cháu của Mai ôm lấy Mai khóc thảm thiết. Đòan đứng trơ vơ, nước mắt anh chẩy dàn dụa. Chung quanh anh, trong nhãn giới của anh, tất cả bị lòa nhoà qua màn nước mắt toàn mầu tang thương ảm đạm. Đoàn cúi đầu xuống nhìn rất kỹ nét mặt bình thản, không mang một dấu tích gì lo âu của Mai. Nét mặt thoải mái, vui lòng như đã phủi bỏ được những ưu phiền của nhân gian, trần thế. Thỏa mãn như đã vĩnh biệt mối tình đẹp đẽ nhưng oái oăm, sương gió của anh và nàng!
Mai ơi, thế là xong! Chúng ta chẳng còn gì để nói với nhau nữa em nhỉ? Em ra đi trong im lặng, không một tiếng ly biệt. Em ra đi trong tức tưởi tim anh. Thôi rồi, kỷ niệm xa xưa với hơn hai năm yêu nhau thật đẹp ngày đó, Vĩnh Long, Cần Thơ, Saigòn. Thôi rồi, những lúc âu yếm bên nhau, vườn tao ngộ quân trường Thủ đức. Thôi rồi, những lần chờ đợi anh về phép, đếm bước bên nhau khi anh ứng chiến Saigòn. Rồi cà phê Thu Hương, Pole Nord. Rồi cháo cá Hiền Vương, cơm tấm Trần Qúi Cáp....Còn đâu những ngọt bùi xa xưa ngày đó phải không em? Khi lang thang Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, lúc ồn ào quán nhậu với đám bè bạn chiến binh, nối khố tuổi ngây thơ của anh. Em ngượng ngùng với những câu chọc ghẹo của lũ bạn đùa nghịch thân thương của anh. Thôi, đến nay thế là hết tất cả rồi phải không Mai? Em ra đi không một lời nhắn nhủ cho anh! Còn lũ bạn bè chiến binh của anh, từng đùa dỡn làm em ngượng ngùng ngày đó, họ đi đâu, về đâu, họ chết nơi đâu trong thời tao loạn?
Thôi rồi, lúc anh vui sướng, lâng lâng rời xa em với bao ước mộng tương lai ngày về, hứa hẹn ba năm ngày tái ngộ. Em lặng buồn, anh hồ khởi ra đi. Nơi viễn xứ anh xây mộng công hầu với đêm ngày, đèn sách. Ở quê hương em trông chờ ngày đoàn tụ, cưới nhau. Nhưng thôi rồi! Đổi thay chợt đến. Với xót xa, khổ ải, hơn mười năm em nhục nhã đợi chờ. Cũng thôi rồi 6 năm qua, anh những tưởng dành cho em tí chút đền bồi trong lỡ điệu ân tình, trong ngang trái ái ân. Nhưng đến hôm nay thì tất cả đã chấm dứt rồi Mai ạ. Em vĩnh viễn, im lặng ra đi. Anh xót đau, ngỡ ngàng ở lại. Thế là xong! Xong cho em, một đời lận đận, phù du. Xong cho anh, ân hận suốt đời, dang dở.
Mai ơi! em là Trương Qùynh Như, anh là Phạm Thái, ngồi câu cá bên sông với vò rượu, be sành, còn thiết tha gì với mộng quang phục nhà Lê? Đúng rồi Mai ạ, Chí lớn trong thiên hạ, làm sao đựng đầy đôi mắt mỹ nhân! (1)
Em là Catherine, anh là Fréderic phủi bỏ chiến tranh, vĩnh biệt chiến trường, rời xa vũ khí. Đã tưởng rằng miên viễn bên nhau với núi đồi Thụy Sĩ tuyết phủ hiền hoà cho trọn vẹn nghĩa yêu đương. Nhưng  cuối cùng cũng chẳng thoát được lần bất hạnh trong một ngày mưa ướt át! (2)

(1) Phạm Thái, Nghiã sĩ thời Lê mạt. Ông cùng với Trần quang Ngọc, Trương Đăng Thụ mưu khởi nghĩa chống Tây Sơn, khôi phục nhà Lê. Nhưng khi Trương Quỳnh Như, người yêu của ông mất, ông buồn chán rời bỏ nghĩa quân,trở về với rượu say và thơ phú. Ông là một thi nhân có biệt tài để lại rất nhiều bài thơ nôm nổi tiếng và một cuốn truyện '' SƠ KÍNH T N TRANG '' diễn tả mối tình của ông và Trương Qùynh Như. Trong đó có một câu nói rất lãng mạn: Chí lớn trong thiên hạ, chẳng đựng đày đôi mắt Mỹ nhân !
(2) A Farewell to Arms, của Ernest Hemingway. Frédric và Catherine, trong thế chiến thứ 2, từ Ý trốn chạy sự tàn bạo của chiến tranh sang Thụy Sĩ. Tưởng rằng sẽ được yêu nhau, sống với nhau ở cái xứ thanh bình đó. Nhưng Catherine lại bị chết trong lúc sinh đẻ ở bịnh viện trong một ngày
mưa tầm tã.  

Chương 18
(Đoạn kết )
Rồi năm tháng vẫn đều đặn lạnh lùng trôi. Đã nhiều năm qua kể từ ngày Mai mất. Mái tóc của Đoàn cũng dần dần đốm bạc theo thời gian. Những đứa con của anh cũng lớn dần với những hẹn hò, đắm đuối như anh ngày xưa.
Vợ Đoàn biết, anh vẫn còn nhớ đến một nhan sắc bất hạnh tên Mai, người yêu xa xưa, người tình gần 30 năm của anh. Nhiều đêm anh vẫn ngồi một mình với đôi mắt đẫm lệ trong bóng tối, trong đêm khuya vùi mình trong âm thanh của những bản nhạc kỷ niệm xa xưa. Vì yêu anh, vì cảm động với mối tình xưa cũ, buồn đau của anh, cũng vì thương cảm một người con gái bất hạnh. Cứ mỗi năm vào tháng tư ngày Mai mất, vợ anh vẫn khuyên anh về thăm VN, thăm gia đình, thăm quê hương, thăm ngôi mộ của người tình xưa bất hạnh mà vợ anh biết chắc anh vẫn còn nhớ thương. Chẳng bao giờ anh quên. Hình bóng của nhan sắc đó vẫn miên viễn trong tim, trong ký ức của anh.
Vợ Đoàn cũng không bao giờ quên nhắc nhở anh mang về, gieo vài cây hoa Cosmos trên ngôi mộ của người tình lỡ đáng thương đó. Lọai hoa ẻo lả, nhiều mầu mà ngày xưa cố nhân của anh yêu thích !  

Đúng như vậy. Người phu quét dọn nghĩa trang, cứ một, hai năm lại thấy một người đàn ông mái tóc bạc dần với thời gian đến ngồi bên cạnh ngôi mộ của một người con gái. Đọc đi, đọc lại những bức thư rách nát với đôi mắt nhòa lệ. Mỗi lần thăm viếng đó, những cây hoa Cosmos trồng nơi đầu ngôi mộ lại được vun trồng, chăm sóc để cho ra những bông hoa ẻo lả, thắm tươi đẹp đẽ, đùa vui trong gió.
(Hết)
Lưu An
Thụy sĩ, 1998

Trích truyện dài "Chùm hoa cosmos" - Tác giả: Lưu An - 2003

 

Đăng ngày 15 tháng 08.2021