Đưa anh về
Điệp Mỹ Linh
Sau khi Hương Giang yêu cầu, tài xế cho xe chậm lại, rồi dừng trước tiệm bán sách báo, băng nhạc. Nàng quay ra sau, dặn em:
-Đức! Chị cần mua mấy chai nước, Đức chờ chút, nha.
Đức “dạ”, mắt vẫn khép, rồi lại trầm ngâm, cố xua đuổi hình ảnh ngôi nhà xưa của Ba Mạ gần gốc phượng già bên bờ sông Hương. Lúc trưa Đức bảo tài xế chạy ngang xem có thể vào thăm hay không; nhưng khi xe chạy gần đến, thấy ngôi nhà đã được thay bằng căn nhà nhiều tầng và sơn phết rất lòe loẹt, Đức bảo chú tài chạy thẳng.
Ngôi nhà xưa không còn nhưng hình ảnh bi thương của Ba bị Việt Cộng đập vỡ sọ và hai đứa em bị trói, vất xuống sông Hương, năm Mậu Thân, cứ chờn vờn trong tâm trí của Đức. Vì cái chết oan ức của chồng con và cũng vì hành động tàn ác, dã man của Việt Cộng – khi Việt Cộng vi phạm hiệp ước ngưng chiến do chính Việt Cộng ký kết – Mạ quyết định giữ nguyên tình trạng ba xác chết để làng xóm và các con của Mạ, khi về thọ tang, có thể thấy được!
Khi gia đình Hương Giang, Đức và Đăng – em của Đức – về, thấy Mạ hoàn toàn kiệt sức, vì phải trải qua nhiều ngày đơn độc trong nỗi khổ đau chập chùng! Lúc này chị em của Đức mới biết lý do Mạ và o Thơm – người giúp việc nhà cho Mạ – thoát chết là nhờ Mạ về Đà Nẵng lo tu bổ mồ mả bên Ngoại; o Thơm xin về quê vài ngày.
Chiều đến, o Thơm lo xong bữa ăn nhưng người lớn không ai ăn được; chỉ có các cháu nội ngoại của Ba vừa ăn vừa quẹt nước mắt. Bất ngờ tiếng hát từ chiếc thuyền trên sông Hương vọng vào – mà người hát lại sửa vài chữ – rất hợp với tâm trạng của mọi người:“… Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng, Trời ‘lùa Việt Cộng’ về đây á à ơi! Khiến đau thương thấm tràn …” (1) Tiếng hát vừa đến đây, Mạ gục xuống. Hương Giang đau đớn gọi chồng: “Anh Nam ơi! Làm ơn đóng cửa lại! Mạ chịu không thấu mô!”
Chôn cất Ba và hai em xong, Mạ lê bước không nổi để rời nghĩa trang! Đăng khom người: “Mạ! Mạ ôm cổ con, con cõng Mạ đi.”
Hình ảnh Đăng cõng Mạ rời nghĩa trang vừa thoáng hiện trong tâm thức của Đức thì Đức chợt cảm thấy nhói đau trong lòng vì tiếng hát từ tiệm sách vọng ra: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm nhiều nghĩa địa buồn đi xem mộ bia nhiều như nấm…” (2) Đức vội chồm ra cửa xe, muốn tìm Hương Giang, bảo tài xế lái xe rời chỗ này ngay để chàng khỏi phải nghe bài hát của một thằng bạn cùng quê nhưng khác ý tưởng trách nhiệm; nhưng không thấy Hương Giang. Tiếng hát tiếp: “Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, Mẹ già lên núi tìm xương con mình…” Đức gục đầu, thầm ước, phải chi chàng có thể khóc được, như Mạ đã khóc vùi khi thấy chữ Đăng được bạn tù viết lên khúc gỗ, cắm nơi phần mộ còn mới của Đăng, bên bờ lau sậy của trại tù ngoài Bắc!
Cái chết tức tưởi của Đăng khởi nguồn từ buổi chiều, sau khi cùng vài bạn tù đi chôn người bạn tù chết vì ruột thừa bị làm độc mà ban quản giáo không cho chuyển đi bệnh viện!
Chôn bạn xong, trở về, lòng buồn cho tình cảnh của bạn và tủi cho chính mình, Đăng hát nho nhỏ những câu ca chợt đến trong hồn: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm, cầu gẫy vì mìn, đi thăm hầm chông và mã tấu… Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ…”(3)
Vừa hát đến đây, Đăng bị tên vệ binh đi cạnh phang liên tiếp mấy bá súng vào đầu. Đăng ngồi thụp xuống, dùng hai tay che đầu trong khi bạn tù cùng la lên: “Đang không sao đánh người ta?”
Mấy tên vệ binh khác bu đến, hỏi: “Có ‘sự cố’ gì thế?”
Tên vệ binh đã đánh Đăng đáp: “Nó hát những ‘nời’ phản động thì để nó sống ‘nàm’ đ. gì!”
Tên quản giáo lôi Đăng đứng lên, hất hàm: “Anh hát cái gì, ‘nập nại’ xem.” Đăng lập lại. Tên quản giáo quát: “Đất nước đã được ‘giải phóng’, được thống nhất thì nhân dân phải ‘hồ hởi’, phấn khởi sống trong tự do, hạnh phúc chứ sao ‘nại’ đi thăm mấy chỗ quái quỷ ấy? Rồi ‘nại’ bạn bè xanh mồ ‘nà’ sao, hả?”
Đăng đáp: “Bản nhạc này là của Trịnh Công Sơn, một cảm tình viên hạng nặng của các anh đó”.
Cả nhóm nhìn nhau, lúng túng, chả biết Trịnh Công Sơn là ai. Tên quản giáo hỏi: “‘Chịnh’ Công Sơn ‘nà’ thằng chết tiệt nào, hả? Nó đặt ‘nời’ ca phản động thế đấy mà anh dám bảo nó ‘nà’ cảm tình viên của ‘cách mạng’ à? Cảm tình thì ‘nàm’ sao cân được mà ‘nại’ nặng với nhẹ? Dốt vừa thôi chứ! Cách mạng đã khoan hồng, tha chết cho các anh, giữ các anh trong này để nhân dân không nổi máu căm thù mà giết chết các anh. Anh có hiểu như thế không, hả?”
Đăng cười khẩy: “Hiểu chứ sao không!”
Tên quản giáo hất mặt: “Anh hiểu ‘nà’ hiểu như thế nào?”
Đăng cười nửa miệng: “Miếng bánh cốm mà tôi mời cán bộ hôm trước là do lòng căm thù của nhân dân dành cho Ngụy quân mà tôi có đấy.”
Tên quản giáo đỏ mặt: “Này! Đang ‘chanh nuận’ về thằng phải gió ‘Chịnh’ Công Sơn mà anh nói quàng nói xiên hả?”
Đặng vẫn tỉnh bơ: “Tôi không nói quàng nói xiên. Cán bộ muốn biết Trịnh Công Sơn là thằng phải gió nào thì tôi cho cán bộ biết. Trịnh Công Sơn là tác giả bài Đàn Bò Về Thành Phố đó.” (4)
Tên quản giáo ngạc nhiên: “Bò gì mà ‘nại’ về thành phố cả đàn?”
Đăng cười: “Tháng Tư 75 tụi nó về thiếu gì!”
Tên quản giáo lắc đầu: “Thằng này điên dzồi. Nó nói gì đ. ai hiểu. Đem nó về cho ban quản giáo ‘xử ný’ nó.”
Ban quản giáo “xử lý” Đăng bằng cách biệt giam.
Tối đó, vì bị tên vệ binh đánh nhiều bá súng vào đầu lúc chiều, Đăng bị xuất huyết trong não mà không ai biết!
Hôm sau, ban quản giáo bảo Đăng bị trúng gió, chết!
Lúc được phép dời mộ của Đăng, Mạ phải bán chiếc nhẫn cưới, thuê người cải táng cho Đăng. Khi mở manh chiếu rách bọc thây của Đăng, Mạ thấy mảnh giấy ghim vào chiếc áo tả tơi của Đăng: “Giặc ‘nái’ phản ‘nực’”!
Sau khi được bảo lãnh sang Mỹ, Mạ bị bệnh trầm cảm nặng, ngủ không được. Một hôm, đi làm về, Đức thấy mấy chai thuốc bệnh, thuốc bổ trống trơn nằm cạnh thân người của Mạ! Lúc đưa Mạ vào xe hồng thập tự xong, nhân viên mới gỡ từ tay Mạ tờ giấy ghi “Giặc ‘nái’ phản ‘nực’” trao cho Đức!...
...Trong khi Đức miên man trong dòng ký ức buồn thảm thì Hương Giang, sau khi lấy mấy chai nước, thấy CD nhạc ngoại quốc được bày bán, vội đến xem. Một ông Việt Nam đến:
- Thưa bà, bà cho phép tôi hỏi bà một câu, được không ạ?
- Vâng, anh cứ hỏi.
- Thưa bà, dường như tôi đã gặp bà đâu đó…
- Tại sao anh lại nghĩ như vậy?
- Thưa, vì bà trông quen lắm. Có phải ông nhà, trước 1975, là Hải Quân V.N.C.H. không ạ?
Thấy rõ sự lúng túng như sợ sệt của Hương Giang, ông Việt Nam trấn an bằng cách vừa nói vừa mở khuy áo, hé lộ vùng ngực bên trái để Hương Giang thấy hai chữ “Sát Cộng” còn hằn trên vùng ngực của ông:
- Tôi là lính Hải Thuyền, về sau được sát nhập vào Hải Quân V.N.C.H.
- Trời! Sao anh còn dám để hai chữ đó?
- Hải Thuyền mà, bà! Hồi trước hành quân bằng ghe Di Cư, phải chèo tay, mà tụi tôi còn bắt được ghe Trung Cộng, bên trên ngụy trang là ghe đánh cá, nhưng dưới lườn ghe thì toàn là vũ khí hạng năng đó!
Nghe nhắc đến ghe Trung Cộng ngụy trang, Hương Giang hỏi dò:
- Vậy anh có phục vụ tại Duyên Đoàn 26 hay không?
- Đúng rồi! Em nhận ra chị rồi. Em là Lực đây, chị Hai! Duyên Đoàn 26 bắt 2 ghe Trung Cộng chứ ai!
Ngày trước, Nam không cho thuộc cấp gọi Hương Giang bằng “bà” mà chỉ nên gọi là “chị” hoặc “cô”. Những quân nhân này nghe em của nàng gọi nàng bằng “chị Hai” cho nên họ cũng gọi nàng bằng “chị Hai”. Hương Giang hỏi:
- Hồi đó, sau khi rời Duyên Đoàn 26, anh thuyên chuyển đến đơn vị nào?
- Dạ, Duyên Đoàn 13.
- Ông nhà tôi cũng có thời gian phục vụ tại Duyên Đoàn 13.
- Có lẽ lúc Chỉ Huy Trưởng về thì em đổi đi rồi
- Ông nhà tôi không còn nữa!
- Trời! Sao vậy, chị Hai?
- Lần cuối cùng tôi thăm nuôi ông ấy, ông ấy cứ bảo Mẹ con tôi nên tìm cách về Mỹ Tho mà sống, vì người dân ở đó hiền hòa; còn ở kinh tế mới Long Tân sẽ khổ sở cả đời. Hiểu ý ông ấy tôi về bán tất cả những gì có thể bán rồi đem các cháu vượt biển. Sau đó tôi được gia đình cho hay ông ấy vượt ngục và bị Việt Cộng bắn chết! Gần đây, em tôi liên lạc được với một tổ chức tư nhân, chuyên giúp người miền Nam tìm lại mộ phần hoặc vết tích của người thân ở tù ngoài Bắc. Bây giờ chị em tôi ra Bắc để nhờ họ giúp tìm mộ ông ấy.
- Em biết ổng mà! Đời nào ổng chịu bó tay để tụi Việt Cộng cầm tù!
Giọng bùi ngùi, Lực tiếp:
- Chị cho em đi với, chị Hai.
Hương Giang để mấy chai nước và mấy CD lên quày tính tiền, đáp:
- Đường sá xa xôi, khó khăn lắm, anh Lực à!
- Khó thì khó, tình thầy trò mà, chị. Cho em đi tìm ổng với, chị Hai!
Hương Giang lắc đầu. Lực tiếp:
- Chị nhớ hồi ở Duyên Đoàn 26, em đi hành quân với Chỉ Huy Trưởng suốt mấy ngày, tại hậu cứ Bình Ba, vợ em chuyển dạ, không có phương tiện đưa qua Ba Ngòi, thằng Tài y tá hoảng quá, chạy lên nhờ chị. Chị – dù không phải là y tá hay là nữ hộ sinh – cũng mau mắn đến giúp thằng Tài, đón con trai đầu lòng của em vào đời. Chị nhớ không, chị Hai?
Không ngờ Lực nhắc lại một kỷ niệm mà nàng đã quên từ lâu, Hương Giang xúc động:
- Xin lỗi, tôi nhớ đã dựa vào những kiến thức sơ đẳng để giúp vợ một anh Hải Thuyền sinh “con so”, tại Bình Ba; nhưng tôi không nhớ cháu bé đó là con của ai.
- Chị quên, nhưng vợ chồng em không thể quên. Em không dám nói là để đền ơn chị, nhưng em muốn giúp chị và em cũng muốn làm một chút gì cho Chỉ Huy Trưởng. Nghĩa tử là nghĩa tận, chị Hai!
- Anh làm tôi khó nghĩ.
- Chị đừng nghĩ ngợi gì cả. Ổng và em đã từng sống chết bên nhau trong nhiều cuộc đụng độ nặng. Chị biết mà!
- Vâng. Xin cảm tạ tấm lòng của anh đối với ông nhà tôi và tôi.
Lực nói với cô thâu ngân:
- Con chào bà đi, con. Mẹ về, con nói với Mẹ là Ba gặp lại người đã giúp y tá Tài lo cho Mẹ sinh anh Lưỡng; và Ba đưa bà đi tìm phần mộ của ông.
Quay sang Hương Giang, Lực tiếp:
- Thôi, chị Hai, không tiền nong gì hết. Xin lỗi chị, em vô lấy vài thứ cần dùng để đem theo rồi em ra xe ngay.
* * *
Nhìn chiếc cầu cheo leo bắt ngang dòng suối chảy xiết để qua bên kia khu rừng thưa – nơi Cộng Sản Việt Nam đã giam cầm và đày đọa không biết bao nhiêu quân, cán chính V.N.C.H. – Lực đề nghị:
- Chị Hai, anh Đức và anh Thạch ở lại đây. Em và Niên sẽ qua bên đó.
Hương Giang ngăn:
- Không được, anh Lực! Tôi không thể để anh đi một mình. Nguy hiểm lắm.
- Chị Hai! Chị nhớ, hôm gặp lại chị em đã cho chị xem hai chữ gì không?
- Tôi biết. Nhưng trách nhiệm đối với bà xã và các con của anh nặng lắm, tôi …
- Chị cho em lo cho ổng lần cuối, nhen, chị Hai.
Đức góp ý:
- Em đi với anh Lực, chị khỏi lo.
Lực quay sang Đức:
- Xin lỗi anh. Anh đã có tuổi, lại thêm gần mười năm tù Cộng Sản, phản ứng và sự nhanh nhẹn của anh không thể nào bằng em được.
Nhìn Niên xách các dụng cụ dùng để dời mộ và Lực xách chiếc rương nhỏ để đựng xương cốt của Nam, Hương Giang thở dài. Khi thấy Lực tay vịn vào sợi dây rừng của chiếc cầu treo để lần dò từng bước theo Niên, nàng lặng lẻ khóc. Vừa lấy kleenex thấm nước mắt nàng vừa thầm khấn: “Anh sống khôn thác thiêng, xin phù hộ cho Người Lính Hải Thuyền tốt bụng để anh ấy đem hài cốt của anh về”. Sau giây phút xúc động, nàng lại lo cho Lực:
- Anh Thạch! Từ đây qua bên đó nguy hiểm không?
- Không. Dân tình ở đây hiền lắm. Họ ôm trong lòng “nỗi đau Việt Nam” cho nên ngày trước, hễ thấy vắng vệ binh hoặc cán bộ là họ biếu tù cải tạo những gì họ mang theo để ăn trưa khi làm rẫy.
- Sao anh biết?
- Ngày trước tôi là quản giáo trại tù này mà.
Đức và Hương Giang thoáng giật mình, nhưng trấn tỉnh ngay. Đức góp chuyện:
- Vậy mà tôi cứ tưởng người Bắc căm thù chúng tôi như lời cán bộ thường tuyên truyền.
- Căm thù gì! Ngay như tụi Mỹ mà chúng tôi cũng chả căm thù nói gì người miền Nam.
- Thế tại sao các anh đánh cho “Mỹ cút”?
- Trên bảo đánh, mình phải đánh; không đánh, mình chết – mà không phải một mình mình chết! Ngoài này không như trong Nam. Trong Nam, trốn lính thì chỉ cá nhân đó chịu tội, Cha Mẹ, vợ con không liên đới trách nhiệm. Còn ngoài này, hễ trốn lính là nó cắt khẩu phần, cắt tem phiếu thực phẩm của gia đình. Vợ con chỉ có chết đói thôi! A, anh nhớ vụ John McCain không? Nếu dân căm thù Mỹ thì lúc ấy làm thế nào John McCain sống nổi. Nhưng phải công nhận, John McCain tốt số. Nếu hôm ấy mà John McCain gặp bộ đội hoặc công an thì làm gì còn có thượng nghị sĩ John McCain!
- Tại sao bộ đội và công an lại nuôi căm thù dữ vậy?
- Căm thù trong bài Quốc ca chứ đâu. Trẻ con vừa lớn là phải thuộc lòng bài Tiến Quân Ca, phải gào to “Thề phanh thây uống máu quân thù”. Bây giờ “nhà nước” sửa lại là “Đài vinh quang xây xác quân thù”. Thế thì bộ đội và công an giết người để xây đắp vinh quang cho đảng, cho “nhà nước” và cho cá nhân chứ có phải chiến đấu vì đất nước, vì quê hương con mẹ gì đâu! Còn bài Quốc ca miền Nam thì hiền bỏ xừ! “Thù nước” chỉ biết “lấy máu” của mình để báo thù thôi. Bởi thế nhân dân và lính miền Nam mới hiền!
Hương Giang hướng câu chuyện trở lại sự lo âu của nàng về Lực:
- Công việc dời mộ lâu không, anh Thạch?
- Mộ gì, chị! Hồi ấy Trên chỉ thị là chỉ lấp vội lấp vàng hay là lấy đá chất chung quanh như kiểu “vùi nông một nấm” chứ đâu phải đào sâu xuống đất.
- Trời! Nếu vậy, thú rừng đào lên ăn thịt, làm sao?
- Thời buổi ấy mạng người miền Nam còn thua con kiến mà, chị!
Hương Giang cúi mặt, buồn! Thạch tiếp:
- Nói thật với anh chị, sống và làm việc gần với sĩ quan “Ngụy” tôi thấy họ khác với chúng tôi nhiều lắm.
Đức hỏi:
- Khác như thế nào?
- Đa số sĩ quan Ngụy đều có học vấn cao, người lại cao, to, đẹp “giai” mà lại còn “văn nghệ văn gừng” nữa.
- Anh biết hoặc thích văn nghệ không?
- Hồi đó văn nghệ ngoài này chỉ là “xôn đố mì” và bài Quốc Tế Ca như thời Bố tôi chứ biết gì đâu mà thích! Đến thời tôi và cháu tôi – thằng Niên đấy – thì mới có Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Sau “giải phóng” cũng chưa có gì khác. Mãi đến khi “nhà nước” không còn cấm nhạc vàng nữa thì tôi mới thích nhạc vàng.
- Tại sao lại gọi là “nhạc vàng”? Chúng tôi chỉ gọi là âm nhạc thôi.
- Cái gì quý thì mình gọi là quý như vàng ấy mà.
- Anh vào Nam chưa?
- Chưa. Vợ chồng, con cái tôi nghèo lắm. Từ khi có nhiều người Nam ra Bắc lo vấn đề tìm mộ hoặc vết tích của những sĩ quan “Ngụy” đã chết trong các trại tù, những gia đình nghèo như chúng tôi mới bắt đầu có miếng ăn kha khá.
- Ủa, tôi tưởng, sau 1975, đời sống mọi người khá rồi chứ.
- Khá gì! Những gì anh chị thấy không thể nói lên sự thật đâu.
- Tôi thấy thi hoa hậu, xây tượng đài và lễ lượt linh đình hoài. Nhà ai cũng xe cộ; tệ lắm thì xe hai bánh. Cứ sáng ra là người đông nghẹt ngoài đường. Thanh niên thì suốt ngày ngồi đầy các hàng quán dọc vĩa hè. Các nơi giải trí như cà-phê mùng, bia ôm, xi-nê giường lúc nào cũng đông nghẹt.
- Thi hoa hậu và lễ lượt linh đình để bọn con gái mang giày cao cả tất – mà chúng nó gọi là “em chân dài” – phô trương đồ giả, toàn là bơm với độn! Nói thật, con gái Á đông chinh phục được cảm tình của mọi người trên thế giới là nhờ đặc điểm dịu dàng, thùy mị, khả ái và kín đáo chứ con gái Á đông làm sao “xết-xy” cho bằng con gái Âu Mỹ; mà cái gì của con gái Âu Mỹ cũng đa số là đồ thật, ít bơm, ít độn! Nhưng mục đích chính của “nhà nước” tổ chức thi hoa hậu và lễ lượt liên miên là để ru ngủ thanh niên. Thanh niên ham chơi, chả thèm lưu tâm đến những điều khuất tất do “nhà nước” chủ xướng. Xây tượng đài khắp nơi là vì: Cứ mỗi đồ án cho một tượng đài nhà nước chi ra cả trăm, cả ngàn tỷ thì cấp lãnh đạo bỏ túi, chia nhau từ 3 đến 4 mươi phần trăm tổng số tiền do “nhà nước” chấp thuận cho đồ án đó chứ có phải chúng nó xây tượng vì tôn quý gì mấy ông ấy đâu! Nhiều nhà có xe hai bánh vì cái xe là “chân” đi kiếm cơm. Còn thanh niên bảnh mắt ra ngồi đầy quán vĩa hè vì thằng nào con nào cũng có bằng tiến sĩ thạc sĩ mà tìm việc không ra; vì hai lý do. Thứ nhất, không ai có thể xác nhận được bằng thật hay bằng “mua”. Thứ hai, việc làm chỉ dành cho bọn con ông cháu cha thôi. Các nơi giải trí đồi trụy “mọc” lên như nấm là vì đạo đức suy đồi tận gốc; đó là hậu quả 71 năm trồng người của đảng Cộng Sản Việt Nam và ông Hồ!
- Nói như vậy anh không ngại bị rắc rối với công an sao?
- Rắc rồi gì? Thiên hạ chửi om sòm ngoài đường, trên “phây búc” nữa. “Con giun đánh lắm cũng quằn”!
- Tôi khuyên anh nên cẩn thận.
- Chả nhẻ anh chị đi báo công an bắt tôi? Mà bắt thì bắt, tù vài năm có thể được Mỹ can thiệp rồi biết đâu cả nhà được sang Mỹ!
- Nếu được sang Mỹ, anh có đi hay không?
- Ôi, Giời! Trước 75, ta dốc toàn lực đánh cho Mỹ cút “Ngụy” nhào. Sau 75, ta dốc toàn lực “chôm chỉa” để đưa con sang Mỹ, rồi từ từ con ta bảo lãnh ta sau.
- Nếu vậy thì mấy triệu thanh niên miền Bắc chết cho cuộc chiến chống Mỹ để làm gì?
- Nhờ “in-tơ-nết” mà ai cũng thấy đảng và nhà nước đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.
- Sai lầm như thế nào?
- Này nhá, bao nhiêu nước ngày xưa bị Pháp đô hộ mà ngày nay họ vẫn độc lập, không tốn một viên đạn, một giọt máu. Thắng Pháp rồi ta lại đánh ta còn tàn nhẫn hơn là ta đánh Pháp.
- Ủa, các anh đánh các anh tại sao không ai thấy có cuộc cách mạng nào cả?
- Không phải cách mạng. Tôi muốn nói “cải cách ruộng đất” đấy!
Đức và Hương Giang đưa mắt nhìn nhau. Thạch tiếp:
- “Cải cách ruộng đất” nó tệ hơn một cuộc chiến, vì cuộc chiến thì ta đánh với địch; còn “cải cách ruộng đất” thì con tố cha, vợ tố chồng, đầy tớ tố chủ nhà, gây ra không biết bao thảm cảnh và kinh hoàng! Sai lầm kế tiếp là đánh Mỹ “Ngụy”.
- Anh có hãnh diện là Cộng Sản Việt Nam đã thắng Pháp và Mỹ không?
- Hãnh diện gì! Pháp đô hộ Việt Nam mà mình có Quốc ngữ riêng; mình không phải học và viết chữ như giun bò của Trung Cộng. Bảo rằng Pháp và Mỹ đô hộ mà Pháp và Mỹ có lấy của nhân dân cái nhà nào, mảnh đất nào không? Ngược lại, sau khi “giải phóng” miền Nam, Cộng Sản Việt Nam đã tịch thu tất cả nhà cửa, tài sản rồi đuổi không biết bao gia đình người miền Nam đi kinh tế mới? Thế thì ai mới là kẻ đô hộ? Ngày trước, căn cứ quân sự của Mỹ chỉ có câu “không phận sự, cấm vào”. Còn Trung Cộng ở trên đất nước mình, khai thác tài nguyên của mình, lấy vợ Việt Nam, sinh con, lập khu tự trị mà nó lại để bảng “Nghiêm cấm người Việt lai vãng”.
Hương Giang thầm nghĩ, có thể đây là nghiệp báo. Năm 1954, trước khi tập kết ra Bắc, người Cộng Sản Việt Nam đã “cấy” những “hạt giống đỏ” để lại miền Nam. Khi những đứa bé này lớn lên, người Mẹ kể về người cha tập kết để “giải phóng” miền Nam, thế là trong lòng đứa bé thấp thoáng bóng dáng một “người hùng”. Vì ý tưởng tốt đẹp về người Cha xa vắng, khi lớn hơn tý nữa, những đứa bé này trở thành những tên du kích, nằm vùng, nội tuyến, âm thầm hoạt động rất tích cực để phá hoại miền Nam. Giờ đây Tàu Cộng cũng đã, đang và sẽ “cấy” những hạt giống Tàu và sau này lũ trẻ lai Tàu sẽ quay lại chống phá quê Ngoại – y như những tên du kích, nằm vùng và nội tuyến của miền Nam, ngày trước! Nhưng nàng lại nói khác:
- Nghe bảo tụi Tàu thuê đất của mình mà.
- Đúng là tụi Trung Quốc có hợp đồng thuê đất; nhưng tiền Trung Quốc trả để thuê đất “chạy” vào túi của cấp lãnh đạo hết ba bốn mươi phần trăm rồi! Sau giải phóng chúng tôi mới “ngã ngửa” ra là mấy ông Tướng và quan chức cao cấp V.N.C.H. đều ở trong những ngôi nhà do Pháp để lại chứ họ không có nhà riêng; còn bây giờ, nhà của mỗi ông Tướng, ông tá hoặc quan chức của đảng Cộng Sản Việt Nam là một lâu đài – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Máu xương của người Việt Nam đổ ra trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ đâu phải để cho cấp lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam xây lâu đài, gửi con sang Mỹ du học, đem theo tiền mua bất động sản; trong khi con của nhân dân thì nghèo đói, con trai phải đi lao động nước ngoài, con gái phải phơi thây cho Đại Hàn và Trung quốc chọn lựa, mua về làm vợ cho những kẻ tật nguyền hoặc có khi làm vợ cho cả cha và anh em trai cùng gia đình! Nếu thế thì hô hào “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào” để làm con mẹ gì! Cái thằng đáng đánh là thằng láng giềng khốn nạn Trung Quốc mà đảng và “nhà nước” Việt Nam lại cứ cúi đầu chịu nhục! Bây giờ, vụ cá chết lênh láng ở Vũng Áng và dọc theo miền Trung là do hãng Tàu khựa Formosa thải chất độc làm ô nhiễm môi trường rộng lớn của một đất nước bé nhỏ mà đảng và “nhà nước” cũng im thin thít!
Ở đời, sống phải có cái dũng! Năm 1974, khi Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa, các anh chỉ có “một nửa” nước Việt Nam thôi, thế mà các anh dám cho Tàu khựa và thế giới biết thế nào là tinh thần dũng cảm của người Việt chống ngoại xâm! Rồi đến tháng Tư 75, miền Nam thất trận thì năm vị Tướng lãnh và nhiều sĩ quan V.N.C.H. tuẩn tiết! Một quân đội như thế làm tôi khâm phục. Nếu năm 1974, Cộng Sản Việt Nam ra lệnh ngưng tấn công miền Nam rồi cho lệnh chúng tôi dốc toàn lực hiệp cùng miền Nam chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc tại Hoàng Sa thì – dù thua – nhân dân cả hai miền Nam Bắc cũng đều tôn thờ đảng Cộng Sản Việt Nam rồi!
Nhận xét của Thạch rất chân thật và chính xác, nhưng Đức và Hương Giang cũng vẫn ngại ngùng, không dám góp ý. Đức tìm lý do để không phải kéo dài câu chuyện:
- Mấy hôm nay đi đường xa, em mệt, em muốn nghỉ một tý. Chị Hai cũng cần nghỉ ngơi để còn ngồi xe trở về nữa.
* * *
Trên chuyến xe trở về, Hương Giang để rương đựng hài cốt của Nam cạnh chỗ nàng ngồi. Thỉnh thoảng nàng đưa tay vuốt nhẹ như âu yếm, như mơn trớn người chồng can cường. Xe chạy ngang cầu Tư Hiền, nhìn về hướng hậu cứ Duyên Đoàn 13 cũ, Hương Giang cảm nhận được niềm thương nhớ dâng tràn!
Nhìn vùng biển xa xa, Hương Giang tưởng như thấy được chiếc ghe Chủ Lực đang lướt sóng. Gần mũi ghe, Nam – trong quân phục xanh tím, không áo giáp, không nón sắt – đứng thẳng, tay trái cầm ống liên hợp, áp vào tai, tay phải chống vào mạng sườn.
Hình ảnh Nam rõ dần, rõ dần cũng là lúc tiếng hát nức nở của Whitney Houston vang lên trong lòng người góa phụ: “…It's not very easy living all alone. My friends try and tell me, find a man... But each time I try, I just break down and cry. Cause I'd rather be home feeling blue. So I'm saving all my love for you…” (5)
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
(1) Tiếng Sông Hương của Phạm Đình Chương
(2) (3) Tôi Sẽ Đi Thăm của Trịnh Công Sơn
(4) Du Mục của Trịnh Công Sơn
(5) Saving All My Love For You củaWhitney Houston
Đăng ngày 27 tháng 10.2016