Từ một chuyến đi

Lư Hồng Phi                

Hạnh và chị Hoàng nghiêng người chồm qua phía sát cửa sổ máy bay để nhìn xuống. Máy bay đang đi từ Washington DC về Los Angeles, rồi từ đó Hạnh phải đáp một chuyến máy bay khác nữa để về đến Melbourne. Chuyến bay dài từ Đông sang Tây, suốt bề ngang nước Mỹ, là chặng cuối cuộc hành trình hai tuần của Hạnh để gặp lại hai người bạn từ thuở thiếu thời: Hương sống ở Nam California và Duyên ở Seattle.

Trời không mây, và máy bay bay khá thấp, nên Hạnh nhìn thấy rõ phong cảnh bên dưới. Những ngọn núi với đường nước chảy từ băng tan trên đỉnh làm thành những vệt ngoằn ngoèo như rễ cây. Những khoảng đất canh tác được chia lô vuông vức, nhưng mầu sắc mỗi ô vuông khác nhau, có lẽ do thời gian trồng trọt hay thu hoạch khác nhau. Những khoảng đất sa mạc mênh mông, nhưng vẫn có một con đường cho xe chạy thẳng tắp. Chắc đó là bang Texas, chị Hoàng nói. Những rặng núi trùng điệp. Chắc đó là Grand Canyon, Hạnh đoán già đoán non. Rồi đến cảnh nhà cửa cao ốc đường xá đông đúc. Chắc mình tới California, hai chị em buộc miệng. Hạnh ráng mở to mắt nhìn xem có cái gì liên quan đến những nơi cô đã đi qua trong mấy ngày trước không, nhưng cô cũng nhận ra rằng mình chỉ đã thấy một phần nhỏ, rất nhỏ, của xứ sở rộng lớn này. Và cũng trong phút chốc, hình ảnh và cảm xúc của những ngày qua lại ùa về, đầy ắp trong lồng ngực....
Khi một người mở cửa mời ta bước vào căn nhà của họ, là người ấy đã mở cửa trái tim để mời ta chia sẻ thế giới rất đỗi riêng tư và mật thiết của họ và của gia đình, những người thân chung quanh họ...

Hạnh it khi đi xa đây đó. Đây là lần đầu tiên cô làm cuộc hành trình dài từ Úc sang Mỹ, để thăm Hương và Duyên. Hương sống ở Orange County, và Hạnh “biết” đến nơi chốn này là qua những lá thư Hương gởi cho cô trong suốt hơn 30 năm. Hương hay nói về những cơn nắng, gió, khí hậu sa mạc khô cằn và về nỗi thèm khát những cơn mưa ở quê nhà. Hai đứa ở hai lục địa khác nhau, thư nào cũng có những câu, "Bên này trời đã lạnh, bên H chắc vẫn còn hè?" hay, “Trời đã vào thu, lá bắt đầu vàng, bên H đang là mùa xuân phải không?” ... Cũng qua những bức thư đó, Hương gởi cho Hạnh - ngày xưa còn là những tấm ảnh 4x6 gởi qua đường bưu điện, sau này, là những attachments qua email, hình của Phúc, con gái Hương, từ lúc bé xíu nằm trong lòng mẹ, đến lúc là một cô thiếu nữ trưởng thành. Mỗi một dặm đường trong cuộc sống của Phúc, mỗi một sinh nhật, cuộc chạy đua hồi tiểu học, video clip đầu tiên thực hiện để làm bài trong lớp, những bài thơ Phúc sáng tác, những tác phẩm mỹ nghệ Phúc làm, tranh sơn dầu, stained glass, ceramic... đều được Hương chụp hình gởi cho Hạnh xem. Do đó, khi đến nhà Hương, nhìn những hình ảnh gia đình và những tác phẩm của Phúc được trưng bày trong nhà, Hạnh thấy rất đỗi quen thuộc. Cũng qua những lá thư trong ngần ấy năm, Hương đã chia sẻ với Hạnh biết bao nỗi niềm, những khó khăn và áp lực trong cuộc sống xứ người, nỗi nhớ thương quê hương cha mẹ ... Giờ đây, ngồi cạnh bạn trong căn nhà bạn đã sống nhiều năm từ khi xa xứ, nghe tiếng bạn nói cười, nhìn thấy những hình ảnh, những khung cảnh bạn đã nhắc đến trong những lá thư, Hạnh cảm nhận rõ ràng hơn những buồn, vui mà Hương đã chia sẻ với Hạnh. Những buồn vui đó càng đậm nét hơn và khiến Hạnh thấy gần gũi bạn hơn.

Những ngày ở Cali, Hương bỏ công ăn việc làm để đưa Hạnh đi đây đó. Cô được đến Balboa Park ở San Diego, một quần thể kiến trúc có ảnh hưởng Tây Ban Nha và hiện đại. Hương biết chị Hoàng thích tìm hiểu về văn hoá và lịch sử, nên chọn nơi này; ở đây có rất nhiều bảo tàng viện để chị tha hồ xem. Hương cũng đưa Hạnh đến nhà thờ cổ San Juan Capistrano. Đây là một nhà thờ cổ xây theo kiến trúc Tây Ban Nha hồi thế kỷ 18, lúc nơi này còn thuộc về Mễ Tây Cơ. Nhà thờ nguyên thủy đã sụp đổ, nhưng một phần vẫn còn được bảo tồn. Từ bên ngoài, Hạnh có thể nhìn thấy bờ tường đá cũ và bốn tháp chuông hình cung. Đặc điểm nơi đây là cứ mỗi năm, vào mùa xuân, chim én từ phương Nam trốn lạnh bay về trú ẩn và làm tổ dưới những vòng cung và hành lang của ngôi nhà thờ cũ. Do đó, biểu tượng của ngôi nhà thờ này là con chim én. Truyền thuyết cho rằng mỗi năm chim én bay đến vào ngày lễ St Joseph (March 19) và đi về lại phương Nam vào ngày lễ St John (Oct 23). Hằng năm cứ đến ngày này là người ta mở hội mừng cuộc trở về của bầy chim én (The annual return of the swallows). Có người nhạc sĩ tên là Leon René cảm hứng trước sự kiện này đã viết nên bài hát “When The Swallows Came Back To Capistrano” năm 1957, trong đó có đọan:
When the swallows came back to Capistrano
That’s the day you promised to come back to me
When you whispered “Farewell” in Capistrano
T'was the day the swallows flew out to sea...”
Phúc cũng đưa cả nhà đi tham dự Sawdust Art Festival ở Laguna Beach, một thị trấn nhỏ ven biển nổi tiếng nhờ có nhiều nghệ nhân, họa sĩ và nhiều art galeries. Đến đấy, cô như cá gặp nước, lội tung tăng giữa những khu triển lãm và những gian hàng trình bày đủ loại thủ công mỹ nghệ, trò chuyện với người artist, góp ý về những sản phẩm, hay học hỏi những kinh nghiệm, kỹ thuật...

Ở Cali mấy ngày, sau đó Hạnh lên Seattle thăm Duyên. Mấy hôm sau, Hương cũng thu xếp lên theo. Vốn bản tính nghệ sĩ, khác người, vợ chồng Duyên chọn một ngôi nhà ở xa thành phố, đất rộng 5 mẫu, sau nhà có con suối nhỏ, gần chân núi. Với đôi tay khéo léo tháo vát, anh Văn chồng Duyên thiết kế phong cảnh ngôi vườn rất nên thơ. Từ ngoài cổng, hàng anh đào dọc theo lối đi dẫn đến ngôi nhà chính. Chung quanh nhà là lối đi được bao bọc bởi đủ loại cây hoa và cây ăn trái mà Hạnh không nhớ hết tên, ngoại trừ một cây táo Fuji. Duyên say sưa kể với bạn, “Cây hoa này anh Văn tự nhân giống để trồng dọc khắp vườn. Đây là lối đi xuống suối anh Văn đang xây. Đây là nhà chứa gỗ, có thể đủ dùng để đốt lò sưởi suốt hai mùa đông. Đây là bẫy để bắt mấy con chuột chũi...” Hạnh nhớ tới một câu hát đã lâu
Je ferai de mes dix doigts
un chez-nous digne de toi...
Câu hát chứa đầy ăm ắp tình yêu, điều Hạnh cảm nhận được qua sự chăm sóc Duyên và anh Văn dành cho mái ấm của họ, và dành cho nhau. Những ngày ở đây, Hạnh và gia đình được “spoiled”  bởi sự hiếu khách chu đáo và tận tình của vợ chồng Duyên. Căn nhà lúc nào cũng tràn ngập thức ăn và tiếng cười. Anh Văn và Duyên sắp đặt sẵn chương trình ngày nào đi chơi những đâu, ăn món gì...

Hạnh được đi xem thác Franklin, thác Snoqualmie, được viếng “thủ phủ” của Microsoft trong lòng Seattle, được đến Pike Place Market, nơi nhà vườn đem những sản phẩm của họ trồng trọt hay sản xuất ra bán, cùng với những nghệ nhân địa phương, ra sức trình bày những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình. Chợ này cũng nổi tiếng với một gian hàng bán cá có những người bán vừa hò reo những món khách đặt mua, vừa ném những con cá khách hàng đã chọn cho nhau trước khi gói lại. Thỉnh thoảng họ lại ném một con cá giả làm giật mình khách qua lại, kết thúc bằng những tràng cười thích thú.

Một địa điểm độc đáo mà lần đầu tiên Hạnh được biết là Ballard Lock. Hồ Washington là hồ nước ngọt, nhưng mực nước của hồ lại cao hơn mực nước biển. Để giúp tàu bè lưu thông qua lại giữa hồ và biển, và để giữ gìn nước ngọt ở hồ không bị nhiễm mặn, người ta làm ra hai cái đập chặn nước (nên mới gọi là khóa) như một cái bồn lớn, có hai ngăn chính. Khi tàu đi từ hồ ra biển, thì người ta giảm mực nước trong bồn xuống đến khi bằng mực nước ngoài biển, rồi mở khóa cho tàu đi ra. Khi tàu đi từ biển vào hồ, người ta nâng mực nước trong bồn lên ngang đến mực nước của hồ, rồi mở khóa cho tàu đi vào. Cũng chính ở nơi có kiến trúc và địa hình đặc thù này, Hạnh được nghe Duyên kể về chuyện cá hồi trở về nguồn.
Chu kỳ cuộc đời của loài cá hồi bắt đầu ở nguồn nước ngọt như sông, hồ. Cá hồi đẻ trứng, vùi dưới lòng sông hồ trong suốt mùa đông. Đến muà xuân, trứng nở thành cá con. Cá con sống trong dòng nước ngọt quê quán của nó khoảng từ vài tháng đến một năm. Khi vừa lớn đủ, chúng xuôi theo dòng sông bắt đầu cuộc di cư ra biển. Tùy theo loại, cá hồi sống ở biển từ 18 tháng đến 7, 8 năm. Ở đấy, chúng hấp thụ nguồn đưỡng chất dồi dào trong lòng biển để sinh tồn và tăng trưởng. Khi đã '‘già'’, chúng theo bản năng mà tìm đường trở về nguồn, nơi chúng được sinh ra. Khi đến nguồn, cá mái giao phối với cá trống rồi đẻ trứng, vùi dưới lòng sông hồ để ấp chờ ngày nở thành cá con. Cá trống và cá mái sau đó chết đi, đem những dưỡng chất chúng đã hấp thụ từ biển trở lại trong lòng sông hồ, nuôi dưỡng thế hệ cá mới. Thế hệ này cũng một ngày sẽ xuôi dòng di cư ra biển, tiếp tục một chu kỳ khác.
Hạnh nghĩ nhiều về cuộc đời loài cá hồi này, và thấy có chút gì gần gũi với cuộc sống con người, nhất là những người tỵ nạn sống tha hương như mình. Có ai mà không mơ một ngày được trở về nguồn. Có bao người ước ao khi nằm xuống được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Nghĩ đến loài cá hồi, bao năm vùng vẫy ngoài biển rộng, hấp thụ bao dinh dưỡng, cuối đời về chết trên quê nhà, đem những dưỡng chất trong cơ thể bồi bổ lại cho lòng sông, cân bằng sinh thái, góp phần nuôi dưỡng thế hệ sau, Hạnh thấy bàn tay tạo hóa thật kỳ diệu vô cùng.
Trong một câu chuyện, Duyên cũng có nhắc đến cha mình. Ông đã quyết định về sống ở Việt Nam cho đến cuối đời. Mẹ Duyên mất đã lâu, và dù con cháu bên này thương yêu đông đủ, ba Duyên vẫn mong ước được trở về quê nhà, làm một con cá hồi bơi ngược dòng nước về nguồn...

Tuần lễ ở Seattle trôi qua nhanh chóng. Hạnh nhớ mãi những cuộc trò chuyện bất tận sau bữa ăn. Những kỷ niệm thời thơ ấu được nhắc lại. Những gương mặt, những tên gọi của bạn bè, thầy cô được kể đến, có vui cùng buồn. Những câu pha trò đem lại tiếng cười ròn rã. Những món ăn đặc biệt được vợ chồng Duyên chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước. Cảm giác bình an và ấm cúng khi biết chắc rằng mình đang được chăm sóc, thương yêu mới ngọt dịu làm sao...
Còn lại vài ngày, Hạnh và chị Hoàng đi tiếp lên Washington DC trong khi Hương trở về lại Cali. Ngày ra phi trường, sau khi dặn dò nhau nhớ giữ liên lạc, giữ sức khỏe… đến lúc không còn gì dặn nữa, Hương bật khóc. Những ngày qua, Hương luôn vui cười và giữ một bề ngoài ung dung kiêu hãnh, nên Hạnh hơi bất ngờ khi thấy những giọt nước mắt của bạn.  Hạnh ôm bạn, ngậm ngùi…

Trên đường về Úc, Hạnh thấy thư của Duyên gởi cho cả Hạnh và Hương.
“Từ khi Hương và Hạnh đi tới giờ trời mưa sụt sùi non stop luôn, bầu trời chìm xuống lẫn với màn sương trĩu hơi nước rầu rầu.  Hôm nay Duyên giặt giũ giường chiếu, cứ vào mỗi phòng lại thấy buồn buồn. Buổi trưa tạnh mưa một chút, Duyên ra vườn định hái nốt mấy trái táo, lại nhớ buổi chiều tụi mình tíu tít bên cây táo nên buồn quá, thôi để phần táo còn lại cho chim và  sóc...”

* * *

“Anh Văn và Duyên thân mến,
Phải nói là chuyến ghé thăm đôi uyên ương ở Seatle là cái “duyên” lớn của chị Hoàng - mặc dù chị được hưởng ké các em Hạnh và Hương. Chị ngồi nghe các em nhắc chuyện đời xưa mà cảm động. Ai ngờ sau những khúc quanh của cuộc đời và biến chuyển của thời thế, chúng ta còn có được những ngày êm đẹp như vừa qua.
Thời gian ngắn ngủi ở Seattle (anh Văn sẽ nói thầm trong bụng: “ngắn gì mà ngắn, tui mệt hả họng mấy ngày trời!”) đủ cho chị có được những ấn tượng đẹp về tình bạn, tình vợ chồng. Chị chưa thấy người chồng nào rót trà cho vợ sau mỗi bữa cơm. Cử chỉ nhỏ nhặt mà ăm ắp tình!  Chị cũng chưa thấy bà vợ nào không nhăn nhó khi ông chồng lái xe trật vuột lạc đường. Suốt mấy ngày chị ...rình coi có lúc nào Duyên gắt gỏng với chồng không mà tiếc quá, không thấy!
Trước khi về chị thắp nhang chào các cụ, và cầu xin các bác hai bên tiếp tục che chở phù hộ cho mọi người dưới mái nhà này luôn được an lành - in love and in harmony.
Thân mến,
Chị Phượng Hoàng"

Lá thư của chị Hoàng đánh dấu sự kết thúc của chuyến đi, nhưng trong Hạnh, cuộc hành trình đi bên hai người bạn vẫn còn tiếp tục. Những hình ảnh, mầu sắc, mùi vị, âm thanh, cảm xúc của những ngày qua, cùng với sự chăm sóc ân cần và những giọt nước mắt vội vã ngoài phi trường vẫn còn lắng đọng mãi trong tâm hồn Hạnh.

Hồng Phi
GL 12C2 /1975

(ĐHSPSG, ban Pháp văn, 1976-1980)

 

(Trích Đặc san Gia Long Nam Cali. "Thoáng Hương Xưa" tháng 12.2019)

 

 

Đăng ngày 30 tháng 12.2019