Mẹ Chồng
Trần Thùy Liên
(Để tưởng nhớ mẹ chồng hiền như đất, mộc mạc như chuối, như khoai...)
Từ Saigon ra đã hơn 5 giờ chiều, mặt trời chấp chới sau rặng cây xa xa. Còn hai tiếng đồng hồ là tàu sẽ rời bến Phú Mỹ, liệu có đủ giờ để đi gặp em không? Em là cô em gái út của chồng tôi, vẫn phụng dưõng mẹ chồng từ nào giờ, cho đến khi mẹ chồng mất em vẫn ở vậy, quạnh hiu trong căn nhà thênh thang.
Phú Mỹ không phải là cảng cho du thuyền đậu; đó là cảng cho tàu hàng cập bến với cái tên lạ hoắc-- "Tân Cảng Cái Mép". Cảng đìu hiu, quanh quẽ với vài túp lều tranh lụp xụp, khác hẳn với những bến cảng náo nhiệt mà du thuyền thường đậu với hàng loạt cửa hàng miễn thuế, bày bán quà lưu niệm địa phương.
Trên cảng là bãi đậu xe vắng hoe. Giờ này thiên hạ đang lục tục kéo nhau về, đâu còn ai dám rời bến tàu. Khác với những nước du thuyền đi qua và cặp bến, Việt Nam thu giữ hộ chiếu của tất cả khách trên tàu và phát cho tờ giấy lên bờ nhỏ xíu bằng hai ngón tay. Thiên hạ chỉ dám lấy tour của du thuyền tổ chức và lòng vòng chợ Bà Rịa, nơi xe bus của thuyền đổ khách xuống mua sắm.
Nhìn bãi đậu xe vắng vẻ, tôi hơi chột dạ tự hỏi có nên liều lỉnh đi thăm em chồng không? Không dám suy nghĩ nữa vì tôi sợ con thỏ trong tôi sẽ vùng dậy, tôi đi thẳng lại anh xe ôm duy nhất còn lại ở bến cảng. Cầm địa chỉ trên tay, anh nhếch mũ nhìn tôi từ trên xuống dưới xong phán một câu tiếng Anh, "50 chuc đô". Tôi cũng phang lại câu tiếng Việt, "Trời, anh nói chơi hả? Hơn một triệu chỉ tới nhà thờ Thủ Lựu? Thôi cám ơn, tôi không đi đâu." Tôi quay lưng đi lại phía tàu đậu thì anh gọi giật lại, "Để tui tính lại coi, mà cô ở đó lâu không?" Sau một hồi mặc cả anh ta chịu chở tôi đi và sẽ chờ tôi để chở về lại bến cảng.
Trời sập tối nhanh như nỗi sợ hãi trong tôi lớn dần khi ngồi sau lưng xe. Tôi hầu như không đi xe ôm khi về Việt Nam, huống chi trời tối mà trong mình tôi chỉ có tờ giấy lên bờ bé xíu và vài triệu tiền Việt Nam. Tất cả giấy tờ tiền bạc đều nằm trong safe box trong cabin trên tàu. Tôi chợt thấy mình dại dột—nhỡ như anh ta chở tôi đi đâu đó rồi cướp vì nghĩ trong mình tôi có tiền? Hay cho dù anh là người lương thiện, nhưng nếu tai nạn giao thông xảy ra tôi không về tàu kịp thì sao? Trong tình huống tệ nhất là tàu nhổ neo, thì tôi vẫn có thể bắt kịp con tàu ở bến kế tiếp là Nha Trang… Chỉ cần tôi được bình an… Tôi cầu nguyện mẹ, "Mẹ ơi, hãy cho con bình an để đi thăm mẹ và em nha mẹ!" Rồi tôi hình dung khuôn mặt hiền từ của mẹ chồng và nghe yên lòng lại.
Cuối cùng tôi cũng về đến căn nhà của mẹ. Tôi gọi em chồng giữa ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn trong nhà không đủ rọi khoảng sân mênh mông. Em trong nhà chạy ra ôm chầm lấy tôi và bật khóc ngon lành. Khoảng sân này rất nhiều đêm tôi đã ngồi ở hàng hiên nghe mẹ chồng kể chuyện làng xóm bằng giọng Nghệ An đặc sệt, giữa bóng trăng soi nghiêng trên mái tóc trắng của mẹ ngời sáng...Bây giờ chỉ là khoảng hành lang lặng ngắt và nụ cười của mẹ trên khung ảnh bàn thờ lặng lẽ, lặng lẽ dõi trông.
Má tôi mất sớm khi mới qua tuổi 60; tôi đã yêu thương mẹ chồng như bà mẹ thứ hai dù mẹ chồng và má tôi khác nhau một trời một vực. Má tôi quen buôn bán trông coi cửa hàng và nhân viên, ăn nói tự tin vững chãi, lái xe thông thạo… Còn mẹ chồng mù chữ, ăn nói rụt rè nhút nhát. Má tôi đi nước ngoài thường xuyên, hội họp với các đại lý, còn mẹ chưa hề bước chân ra khỏi làng quê. Thế giới của mẹ chỉ quanh quẩn bên căn bếp, bên bầy gà và đám rau.
Khi tôi về Việt Nam lần đầu tiên gặp mẹ, tôi còn nhớ mình đang đứng ngẩn người không biết phải làm gì với thau nước giếng đỏ quạch váng phèn và căn nhà "out house" lạ lẫm chưa từng thấy trong đời, thì mẹ xuất hiện, cầm thau nước mưa trong vắt đưa tôi và nói, "Rửa mặt đi con, rồi mẹ nói em đun nước cho con tắm". Dù không hiểu hết câu vì âm Nghệ nặng trĩu tôi vẫn cảm thấy đôi mắt hiền từ trìu mến của mẹ nhìn mình âu yếm. Khác với má tôi với đôi tay thuôn thả nuột nà, hai bàn tay của mẹ chồng dầy cui đầy chai sạn. Bàn tay đan rổ rá, vá lưới, giã gạo tảo tần nuôi con. Còn đôi chân thì nứt nẻ với những ngón chân thô ráp quen dẫm trên đá sỏi, đôi bàn chân chỉ quen với đôi guốc mộc mà chưa từng xỏ vào đôi giày da…
Mẹ chồng sống giản đơn như củ khoai từ mẹ thích ăn mỗi sáng, như bầy gà mẹ chăm chút sớm trưa. Tôi nhớ nụ cười ngây ngô trẻ thơ của mẹ khi tôi mang hình mẹ đưa lên màn hình computer, mẹ buột miệng "hay quá!". Đó là năm 1996, khi internet còn chậm chạp rùa bò qua đường điện thoại. Và sau đó là những lần về VN thường xuyên mỗi năm, mẹ thích nắm tay tôi đi vòng vòng xóm, gặp ai mẹ cũng khoe "Con du tui đó". Lần đầu khi mẹ mặc áo len tôi mua từ Mỹ về đi lễ, mẹ khoe, "Con du tui mua đó!". Tôi nghe mà phật lòng nhưng im không nói gì. Mãi khi về nhà, tôimới nói nhỏ nhẹ, "Mẹ à, áo con mua cho mẹ chớ đâu phải con du nào". Chồng tôi ngồi cạnh bật cười, "Con du là con dâu đó cưng à!". Chồng tôi thường là thông dịch viên giữa tôi và mẹ chồng, vì cho tới khi mẹ mất tôi vẫn chưa thể hiểu hết những câu bà nói.
Thời gian tôi sống ở Mỹ dài hơn khoảng thời gian tôi ở Việt Nam, cho nên dù cố gắng cách mấy tôi vẫn pha tiếng Anh trong lúc nói chuyện, cộng thêm giọng Nam kỳ Saigon. Còn mẹ thì phát âm nặng giọng Nghệ xen lẫn từ ngữ địa phương, vậy mà mẹ vẫn thích trò chuyện với tôi. Chuyện của mẹ chỉ quẩn quanh trong xóm với những nhân vật quen thuộc với mẹ mà lạ hoắc với tôi. Trong khi trò chuyện bà vẫn không ngừng làm viêc. Khi thì phơi từng rổ me rồi cần mẩn tách hột vắt thành từng nắm, phơi khô để "sang đó con nấu canh chua". Mẹ biết tôi bận bịu rất ít thời giờ nên bà tẩn mẩn bằm xã bỏ vào từng hủ nhỏ đông lạnh để "con có mà nấu, không cần mất giờ bằm, xã mình thơm hơn con ạ ". Bà biết tôi có đầy đủ mọi thứ chỉ thiếu thời giờ, nên bao giờ cũng chuẩn bị những thứ vặt vãnh, sắp xếp để tôi có thể thư thả hơn. Mà quả thật quĩ thời gian của tôi hạn hẹp vô cùng khi bù đầu trong sở. Có khi tôi không thấy mặt trời nhiều tháng với 12-14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ra đi khi trời chưa sáng và về nhà khi sập tối…
Khi hay tin bà bệnh tôi vội vàng xin phép nghỉ, nhưng lúc đó tôi đang chịu trách nhiệm cho một dự án khá lớn của hãng nên thu xếp tìm người thay thế cũng mất vài tháng. Mỗi tuần tôi gọi điện thoại để nghe tiếng mẹ và để tự trấn an mình. Bà cũng nhiều lần bệnh như thế, nhưng khi vợ chồng tất tả về Việt Nam thì bà lại khỏe mạnh, lại giống như thể là bệnh chỉ vì không muốn rời xa con vậy. Tôi dục chồng về với mẹ nhưng anh nấn ná chờ tôi về chung vì bà vẫn tỉnh táo trên điện thoại…
Nhưng lần nầy không giống những lần trước. Khi tôi về mẹ đã hôn mê không mở mắt được nữa. Và cứ thế bà nhắm mắt đi nhẹ nhàng vào giấc ngàn thu đúng một ngày trước khi tôi hết phép phải quay về Mỹ.
Đã 5 năm rồi tôi mới quay về lại căn nhà xưa. Vắng mẹ căn nhà lạnh lẽo với dãy hành lang hun hút quạnh quẽ. Đâu rồi tiếng chổi xạc xào quét sân sáng sớm, bóng dáng gầy guộc nhẹ nhàng đi lễ sớm tinh mơ, dáng người lom khom tưới mấy chậu cây mỗi chiều? Đâu rồi giọng nói nặng âm miền đất Nghệ cỗi cằn với giọng cười ấm áp hiền lành? Tự dưng tôi thắt lòng nhớ câu thơ cũ đọc thuở nào:
Ví dầu con đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười...
(thơ Trần Trung Đạo)
Trần Thùy Liên
GL 12C2 (1968-1975)
(ĐHSPSG, ban Pháp văn, 1976-1980)
(Trích Đặc san Gia Long Nam Cali. "Thoáng Hương Xưa" tháng 12.2019)
Đăng ngày 30 tháng 12.2019