banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Yêu ai Ghét ai...

Tôi vốn mê thơ từ "ngày xưa còn bé". Ngoài các thi sĩ "classique" có tên trong chương trình ở bậc trung học do Bộ giáo dục quy định, tôi đọc hầm bà lằng bất cứ loại thơ nào tình cờ lọt vào tay vào mắt và gặp câu thơ nào "đúng tần số" là tôi thuộc rất nhanh, từ loại thơ đọc hiểu liền như "em là gái trời bắt xấu" của Lệ Khánh đến loại thơ đọc hiểu chết liền như "Liên, đêm mặt trời tìm thấy" của Thanh Tâm Tuyền, tôi đọc tuốt luốt, câu nào hiểu và nhất là thinh thích thì nhớ ngay còn bài nào cao siêu quá chẳng hiểu gì nên cũng chẳng thích luôn thì cho "sổ toẹt". Bắt đầu đọc thơ Tô Thùy Yên từ lúc nào tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ bài thơ đầu tiên đụng phải là bài "Cánh đồng con ngựa chuyến tàu", cũng ráng đọc, hay thì chưa đủ sức để thấy mà thấy ngay là không hiểu nổi "Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi, tàu chạy mau mà qua rất lâu". Cái gì mà mau rồi lại lâu cho cùng một vận tốc? Tôi là loại người 1+1=2, bây giờ gặp phải loại thơ 1+1=1, thấy sao mà rắc rối nhiêu khê thế! Khổ nỗi không hiểu mà tôi lại thuộc nằm lòng ngay hai câu thơ nầy chẳng chút khó khăn. Mấy chục năm trôi qua, cho tới bây giờ già đầu rồi, đọc bài "Trường Sa hành" của ông, dù bị lôi cuốn bởi giọng thơ bi hùng hào sảng nhưng bên cạnh những hình ảnh hiện thực của đời lính cô đơn nơi vùng hoang đảo, tôi vẫn thấy thấp thoáng rất nhiều ý tưởng "siêu hình" mà với tôi là đồng nghĩa với "khó hiểu". (Tuy nhiên, nếu mất đi tính triết lý nầy thì thơ TTY có còn là "thơ TTY" không nhỉ?).
Vậy là tôi đã "vô tư" làm quen với tên TTY cũng như đã "vô tư" làm quen với nhiều tên tuổi khác xuất hiện cùng thời trong nền văn học phong phú của miền Nam vào thời điểm trước 30/04/1975, trong bối cảnh chiến tranh ngày càng khốc liệt giữa hai miền Nam Bắc.

TTY dường như chỉ thích hoặc làm thơ tự do, hoặc làm thơ bảy chữ và chỉ làm rất ít thơ lục bát cùng vài thể thơ khác. Tôi không thích thơ tự do nên những bài thơ tự do của ông tôi không mê. Đúng ra thì đó là những bài thơ đầy triết lý. Không hiểu triết học và không nhạy bén thì khó lòng cảm nhận được thơ tự do của ông mà tôi thì lại thuộc loại độc giả ngô nghê nầy. Tuy nhiên, những câu thơ bảy chữ (pha một chút tự do) của ông lại có sức quyến rũ trí nhớ tôi một cách lạ lùng. Có phải tại cái chất vừa ngang tàng tự tin vừa thành khẩn thiết tha tràn đầy trong thơ ông? Tôi không thuộc được nguyên bài vì phần lớn thơ của TTY bài nào bài nấy dài ngoằng nhưng thường thì mỗi bài tôi "kết" với một câu hay một đoạn. Chẳng hạn bài thơ có cái tựa dài nhất của ông "Mòn gót chân sương nắng tháng năm", tôi "kết" ngay cái đoạn "biển Bắc tuyệt mù con nhạn lạc, thời gian mất trí trắng vô âm, hỡi người cố cựu trong trời đất, khi nước tràn sông có nén tâm". Đọc bài "Qua sông" hai lần, tôi thuộc lòng hai câu cuối "xuống đò đời đã bỏ quên, một sông nước lớn trào lên mắt ngời". Đến bài "Đêm qua bắc Vàm Cống" thì chỉ cần đọc một lần là tôi nhớ ngay hai câu tủ "chiếc bắc xa dần bến, đời xa dần tuổi xanh". Tượng hình tượng ảnh và xúc tích biết bao! Những câu thơ hay vẫn luôn là những người tình chung thủy cư ngụ trong cái đầu bé nhỏ của tôi, giúp cho tôi giữ được một góc thơ mộng cho tâm hồn mình giữa cuộc sống quá nhiều muộn phiền bất trắc. Vậy thì xét về mặt nhân bản, thơ của TTY đáng được tôi vinh danh như một người bạn chân thành cho riêng tôi chứ nhỉ.

Phải thẳng thắn nhìn nhận TTY là một trong những nhà thơ VN đương thời được nhiều nhà văn, nhà báo, nhà phê bình văn học (dĩ nhiên là VN)… đề cập tới nhiều nhất. Thử vào google đánh ba chữ Tô Thùy Yên sẽ có ít nhất 10 trang xuất hiện trên màn ảnh, mỗi trang có 10 bài viết, tổng cộng trên dưới 100 bài chỉ với cái tên TTY mà thôi, nếu đánh theo tiêu đề như "TTY nhà thơ siêu thực" hoặc "TTY nhà thơ siêu hình "… thì sẽ còn dài dài nữa. Nói thế không phải lấy con số để chứng minh là thơ TTY sáng giá, bạo chúa Tần Thủy Hoàng cũng có cả hàng ngàn bài viết về ông ta vậy, nhưng là để xác tín rằng thơ của TTY phải có điều gì đó vượt trội hơn nhiều nhà thơ khác cùng thời khiến ông được nhiều người chú tâm phê bình và khen ngợi. Nếu chịu khó lướt qua một số trang mạng với những bài viết của các nhà văn nhà thơ như Võ Phiến, Phan Nhật Nam, Hồ Trường An, Laurent Phan Lạc Phúc, Phạm Phú Minh, Du Tử Lê… hoặc những nhà phê bình văn học như Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Văn Nam, Trần hữu Thục… tôi tin rằng độc giả sẽ hiểu rõ hơn tại sao có "hiện tượng quá nhiều người bình thơ TTY" và từ đó ít nhiều cũng sẽ chấp nhận dễ dàng hơn "hiện tượng ca ngợi thơ TTY" chăng. Ở đây, tôi chẳng cần lập lại những lời khen ngợi nầy bởi truy cập tìm tòi trên mạng là một việc quá dễ dàng đối với mọi người trong thời đại internet này nên tôi không "xí phần" làm chuyện đó, và cũng bởi sẽ làm cho ít nhất một người "không ưa" đó là nhà văn Vũ Lưu Xuân, người vừa viết bài "Nghĩ về bài“Nghĩ về bài thơ Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên”, tác giả: Nguyễn Anh Khiêm".

Đúng ra, tôi không viết phần trên đây để thuyết phục anh VLX, điều nầy không cần thiết bởi anh VLX đã khẳng định trong bài "Nghĩ về…" của anh: "…Xin khẳng định trước, viết bài này, tôi hoàn toàn không có ý phân tích, phê bình, hoặc đả kích Tô Thùy Yên (TTY), một nhà thơ mà tài năng đã được độc giả miền Nam công nhận lâu rồi, từ trước 75, và cũng không hề có ý chê bai giá trị bài Trường Sa Hành, vì chính tôi đọc cũng thấy hay, mà chỉ xét lại điều Anh Khiêm đã “nghĩ về…”, mà tôi viết bởi cùng một lý do như của anh Nguyễn Anh Khiêm và có lẽ cũng của nhiều người viết khác: thấy hay và đáng trân trọng thì tại sao không ca ngợi? vinh danh một tác phẩm hoặc một tác giả chính là góp phần làm cho tác phẩm hoặc tác giả ấy được trường tồn hay ít ra thì cũng không bị chết yểu quá sớm. Với tôi, đó là một việc làm văn hóa đúng nghĩa.

Anh VLX "hài tội" anh NAK về hai điểm chính: Điểm thứ nhất: Theo anh VLX "bài viết của Anh Khiêm không đơn thuần là những cảm nhận nghệ thuật, mà thực sự là một bài “phê bình văn học”, mà là phê bình văn học thì anh NAK phải tôn trọng những quy tắc của phương pháp luận trong phê bình tức là khách quan vậy mà anh NAK lại tỏ ra chủ quan trong câu: "…vượt xa mọi mặt một trời với mấy bài Tống Biệt Hành và Hành Phương Nam được nhiều nhà phê bình và độc giả luôn nhắc tới của Thâm Tâm và Nguyễn Bính…". Theo anh VLX thì "phương pháp luận trong phê bình buộc tôi phải chứng minh một cách cụ thể: X hơn hẳn Y ở những điểm nào. Nếu không chứng minh được, nhận định của tôi chỉ có tính cách vu vơ, võ đoán, thiếu cơ sở, và không thuyết phục được người đọc…ba bài Hành phương Nam, Tống biệt hành và Trường Sa hành được sáng tác trong những tâm thức và bối cảnh hoàn toàn khác nhau…dù tâm sự của tác giả Trường Sa hành đáng trân trọng, nhưng làm sao có thể xếp ba bài cùng một mâm, để đối chiếu, phân định hơn thua."
Điểm thứ nhì: Anh VLX trích dẫn câu của NAK: "Tôi tin mình không quá đà khi một lần nói chuyện qua email với nhà văn Nguyễn Thị Thảo An rằng có thể lật trang hai tập thơ TTY để bói như người ta bói Kiều…" và một suy nghĩ khác của AK, khi nhận định về thơ TTY, anh Khiêm viết trong một mail gửi chung cho các thân hữu:"… Phạm Quỳnh nói truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tôi không che giấu gì mà nói rằng thơ Tô Thùy Yên còn thì tiếng ta còn...". Theo anh VLX thì "Thơ TTY liệu bao biện được bao nhiêu cảnh ngộ của đời sống muôn vàn ngóc ngách, để người ta có thể dùng bói như bói Kiều…Thử hỏi bao nhiêu phần trăm người Việt biết đến Truyện Kiều, và bao nhiêu phần trăm người Việt đã đọc thơ TTY. Như vậy tác động của TTY đối với dân tộc lớn tới mức nào, mà anh lại cho rằng: thơ Tô Thùy Yên còn thì tiếng ta còn."

Trong "Lục mạch thần kiếm " của Kim Dung có một nhân vật rất ưa lý sự không bao giờ đồng ý với ai chuyện gì, tên là Bao Bất Đồng còn được gọi là Bao Tam tiên sinh vì đứng hàng thứ ba trong phái Cô Tô. Bao Bất Đồng là một trùm cãi, hễ mở miệng là luôn luôn bắt đầu bằng câu "không phải đâu là không phải đâu…", nhờ mấy chữ ngớ ngẩn nầy mà những cuộc tranh cãi của ông ta bớt đi vẻ trầm trọng, đôi khi còn làm cho người nghe bật cười nữa. Tôi cũng muốn mượn đỡ câu nói bất hủ nầy của Bao Bất Đồng để thi lễ với anh Vũ Lưu Xuân trước mỗi câu phản bác.

Thứ nhất: "không phải đâu là không phải đâu" anh VLX ơi. Ở cuối bài "Nghĩ về TSH" anh NAK đã minh định đó là một bài "cảm nhận nghệ thuật của một kẻ đọc thơ bình thường" và trong "Ký Ức Sơ Sài" chương 10 viết về TTY, anh NAK đã viết:
"Nói thẳng ngay đọc thơ Tô Thùy Yên rồi thì đọc thơ ai cũng không còn thấy hay nữa, đây là điều tai hại cả đời tôi không khắc phục được nên đành chịu thua thói xấu đó của chính mình. Thật ra nói cho rõ, cho rạch ròi vì sao mình thích thơ người này rồi đâm ra ngại đọc thơ của ai khác là chuyện khó giải bày. Thích là một chuyện, nói đâu ra đó vì sao mình thích tất phải cắt nghĩa thơ đó ra thì gian nan biết chừng nào, hầu như chuyện bất khả, bởi lẽ chẳng ai có thể giải nghĩa rõ ràng thơ ai được, dù là trong chừng mực tương đối. Nhưng nếu không thể nói gì thì mình chẳng qua chỉ ngụy biện, hoặc tệ hơn, chỉ ngụy thôi chứ có biện gì đâu!
Vậy nên tôi sẽ cố gắng nói đôi điều những cảm nhận của mình về thơ Tô Thùy Yên. Tôi chẳng phải nhà phê bình, sở học vốn nông cạn, kiến thức sơ sài, biện luận chẳng bằng ai, dám bàn về thơ mà lại thơ Tô quân là liều lĩnh. Nhưng đã lỡ. Thôi cũng đành chớ biết làm sao!..."

Anh Nguyễn Anh Khiêm đã nói rõ ràng như thế thì tại sao anh Vũ Lưu Xuân lại nhất định đó là một bài phê bình văn học để "bắt" anh NAK phải tôn trọng phương pháp luận, phải không được chủ quan? Có lẽ anh VLX đã đứng trên vị thế của một giáo sư văn chương đang dạy học trò bài bình luận thi tú tài để phê bình bài của anh NAK đúng hơn là đứng ở vị thế của một nhà văn đang "nghĩ về" tác phẩm của một nhà văn khác.
Vả lại, dù anh NAK có thật sự viết bài "phê bình văn học" đi nữa thì đâu có điều gì bắt buộc anh Khiêm phải hoàn toàn khách quan? phải không được chủ quan khen thơ của TTY hay hơn thơ của Thâm Tâm và Nguyễn Bính? Ngay cả Sử Ký của Tư Mã Thiên được viết vào thời còn trăm nghìn điều cấm đoán mà vẫn còn không hoàn toàn khách quan 100% được thì vào thời điểm nầy sao anh VLX lại "đòi" anh NAK "phải áp dụng phương pháp luận để chứng minh một cách cụ thể: X hơn hẳn Y ở những điểm nào?" cho một bài phê bình nghệ thuật? Nếu đem từng câu thơ của ba bài hành ra đối chan chát với nhau để chứng minh, để có được một so sánh "khoa học" thì e rằng bài phê bình văn học sẽ biến thành một bài luận đề của một thí sinh thi tú tài văn chương mất tiêu. Tôi vẫn nghĩ rằng xưa nay bất cứ bài phê bình văn học nào cũng mang ít nhiều tính chủ quan hết cả.

Khi nói tới sự so sánh nầy anh NAK viết: "Bài hành đồ sộ dài 64 câu, bài thơ lớn không phải vì dài mà vì tư tưởng nhân bản, chủ đề sâu sắc, chữ nghĩa rực rỡ cùng nghệ thuật diễn đạt tuyệt luân, vượt xa mọi mặt một trời với mấy bài Tống Biệt Hành và Hành Phương Nam được nhiều nhà phê bình và độc giả luôn nhắc tới của Thâm Tâm và Nguyễn Bính".
Hai bài Tống Biệt Hành và Hành Phương Nam khá phổ thông nên hầu như ai trong chúng ta cũng biết, đúng là ba bài hành nầy được viết trong ba tình huống khác nhau nhưng đâu phải vì thế mà không so sánh được? bởi có rất nhiều tiêu chuẩn để so sánh chứ đâu phải chỉ có "tâm thức và bối cảnh" như anh VLX đã kể.

Nếu anh VLX đọc kỹ sẽ thấy anh NAK nêu ra 4 điểm để so sánh: tư tưởng nhân bản, chủ đề sâu sắc, chữ nghĩa rực rỡ và nghệ thuật diễn đạt tuyệt luân.

Như anh VLX đã viết: "Hành phương Nam là tâm sự của một người bất đắc chí, lưu lạc phương xa, tết đến nhớ nhà… Tống biệt hành là tâm sự của kẻ phải tiễn biệt người thân ra đi, và không biết bao giờ mới mong gặp lại. Còn Trường Sa hành gắn liền với một biến cố lịch sử, qua đó bàng bạc nỗi xót xa và tấm lòng yêu nước của TTY". Câu viết nầy đủ để cho chúng ta thấy tư tưởng nhân bản trong TSH bao la hơn hết, nó đi từ con người tới đất nước, nó vượt ra khỏi cái tầm thường và bao trùm lên trên cái chất người bình thường của hai bài hành kia. Và như thế dĩ nhiên là chủ đề của TSH cũng sâu sắc hơn chủ đề của hai bài hành kia. Về chữ nghĩa thì qua những nhận xét về cách dùng tĩnh từ động từ của anh NAK cũng như của nhiều nhà phê bình khác, ai cũng phải công nhận là chữ nghĩa của TTY vừa sáng tạo vừa phong phú hàm xúc, đúng là rực rỡ hơn hai bài hành kia về mặt xử dụng từ ngữ khá nhiều. Chỉ có điểm thứ tư thì tôi nghĩ là mỗi bài mỗi vẻ về mặt diễn tả vì nó còn tùy thuộc vào "tâm thức và bối cảnh" sáng tác (như anh VLX đã nhắc tới) nên không thể nói bài nào diễn đạt tuyệt luân hơn bài nào được, tuy nhiên anh NAK nghĩ như thế thì dĩ nhiên là anh có quyền viết như thế. Những tác phẩm hay nhất vẫn luôn là những tác phẩm viết một cách "thật thà" nhất. Những câu thơ chân thật không một từ ngữ trau chuốt của Phùng Quán vẫn theo tôi hoài từ thời trẻ dại đến nay "yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ bảo rằng ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu, dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét…".

Nếu nói tôi xem những câu thơ nầy của Phùng Quán là kinh điển cho thái độ sống của một con người chân chính thì anh VLX có cho là tôi ca vọng cổ Thi sĩ Phùnq Quán quá đáng không nhỉ?

Thứ nhì: "không phải đâu là không phải đâu" anh VLX à. Trước hết anh VLX đừng quên anh NAK chỉ "nói" với những người - tạm gọi là - trí thức khi gửi meo cũng như khi viết bài về TTY, thành phần độc giả mà anh NAK nhắm tới chính là thành phần trí thức. Điều nầy hiển nhiên, bởi TTY là một nhà thơ "trí thức". Muốn hay không thì chúng ta cũng không thể phủ nhận điều nầy được. Cho nên khi đặt vấn đề "bao nhiêu phần trăm người đọc chuyện Kiều và bao nhiêu phần trăm người đọc thơ TTY" là anh VLX đã "trộn" chung tất cả mọi thành phần độc giả, đó không phải là điều anh NAK nhắm tới.

Anh VLX là giáo sư văn chương nhưng dường như rất thích các con số, vậy thì bây giờ chúng ta cùng… đếm: Truyện Thúy Kiều của Văn hào Nguyễn Du có cả thảy 12 chương, dày 145 trang gồm các bài thơ kể cả phần ghi chú điển tích dưới mỗi bài. Thể thơ được xử dụng từ đầu đến cuối là lục bát, một thể thơ "bà con ruột thịt" với ca dao, bình dân, dễ thuộc và dễ ngâm nga. Truyện Kiều có rất nhiều cảnh ngộ éo le trắc trở dành cho nhân vật chính là Kiều và tình cảm của các nhân vật trong truyện nầy xoay quanh "trục chính" là Kiều, một người đàn bà đẹp, đa tình, có tài cầm kỳ thi họa. Ta có thể tìm thấy rất nhiều những cảnh éo le trắc trở nầy qua những điển tích cải lương hát bội và cả trong truyện của Bà Tùng Long hồi trước 75 nữa.

Sở dĩ Truyện Kiều nổi tiếng là vì lời thơ quá hay (chứ không phải vì cốt truyện) và cũng bởi vì tác phẩm nầy ra đời "đúng lúc", nó được "nhìn và đánh giá" theo nhãn quan và "nhu cầu" của các nhà phê bình văn học nhiều hơn là "tự nó nói lên". Nếu Truyện Kiều không được sự hổ trợ của Bộ Giáo dục cho đem vào chương trình học thì liệu nó có được nổi tiếng đến mức được sùng bái như thế không? và trong trường hợp nầy lời tuyên bố của Phạm Quỳnh có được xem là đúng? hay lại bị coi là lộng ngôn?

Thi sĩ Tô Thùy Yên, đến nay, chỉ có 2 tác phẩm thơ:
-"Tuyển tập thơ TTY", xuất bản năm 1995, gồm 36 bài, dày 100 trang, không có ghi chú.
-"Thắp tạ", xuất bản năm 2004, gồm 44 bài, dày 100 trang, cũng không có ghi chú.
Tổng cộng: thơ của TTY dày 200 trang, nhiều hơn Truyện Kiều của Nguyễn Du 50 trang.

Bài thơ đầu tiên TTY viết hình như vào khoảng 1954 khi ông 16 tuổi. Ông đã cùng Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Duy Thanh... gia nhập nhóm Sáng Tạo, khai sinh phong trào thơ mới. Ông làm nhiều loại thơ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Vì ảnh hưởng văn chương Pháp lúc bấy giờ nên những bài thơ đầu tiên của TTY mang nhiều tính triết lý thời thượng của thập niên 60 và xoay quanh những vấn nạn về tình yêu và thân phận con người. Từ khi vào lính, ông sáng tác theo thể thơ bảy chữ nhiều hơn, lời thơ mạnh mẽ trong sáng hơn và chủ đề được mở rộng hơn với những suy tư về chiến tranh, về đất nước. Những bài thơ ông làm trong giai đoạn nầy vừa chân thành vừa bi tráng với đầy đủ hình ảnh "con người" và "chết chóc". Thiên nhiên cũng được ông nhắc nhở tràn đầy với cỏ cây chim muông, với núi đồi mưa gió. Sau 13 năm tù đày ở Bắc Việt trở về, lời thơ của ông u uẩn hơn nhưng cũng gần gũi với đời thường hơn trước. Nếu ngày xưa khi qua bắc Vàm cống, TTY chỉ nghĩ tới mối tình sầu của mình thì bây giờ khi qua bắc Mỹ Thuận, ông lại chú ý tới ông lão hát dạo đang đàn hát bài Dạ cổ hoài lang. Thơ của ông sau nầy được xen vào khá nhiều điển tích, đồng thời tư tưởng về nhân thế mang chất hiền triết Đông Phương ngày càng sâu rộng biến thiên theo cùng với bước chân đi đây đó của ông. Còn về chuyện chữ nghĩa ngày càng phong phú của ông thì đã được anh NAK dẫn giải trước rồi, tôi khỏi cần nhắc lại ở đây.

Kể lể như thế để chứng minh rằng thơ của TTY cũng "bao biện rất nhiều cảnh ngộ với muôn vàn ngóc ngách của đời sống" nên nếu ai muốn dùng thơ TTY để bói như bói Kiều, tôi nghĩ là có thể. Có điều, để "đoán điềm giải mộng" cho khỏi trật đường rầy thì người bói cần phải có một căn bản hiểu biết triết lý và phải yêu thích thơ với ngôn ngữ mà người thơ xử dụng.

Cuối bài viết, anh VLX đã chứng minh tác động của truyện Kiều đối với tiếng Việt và đặt câu hỏi "…tác động của TTY đối với dân tộc lớn tới mức nào, mà anh lại cho rằng: thơ Tô Thùy Yên còn thì tiếng ta còn?"
Và sau cùng anh VLX viết "trước khi đọc NAK, tôi chưa hề đọc một câu nào của TTY, kể cả nhiều nhà thơ, nhà văn miền Nam nổi tiếng khác. Nói thế không phải tôi có ý miệt thị các tác giả, mà chỉ vì cái bệnh “lười lớn” (đại lãn), tính trời, vốn xấu, biết sao. Hơn nữa tôi muốn “tìm” và “sống” cảm xúc thực sự của mình giữa đời thường, hơn là nhờ người khác cảm xúc hộ".

Thẳng thắn mà nói, tôi bị sốc khi đọc câu cuối cùng nầy. Anh có thể không thích đọc thơ văn của người khác, OK. Anh có thể tự mình đi tìm và sống thực với cảm xúc của mình, OK. Nhưng tại sao khi đọc thơ văn người khác anh lại cho là "nhờ người khác cảm xúc hộ"? và vì không muốn "bị" cảm xúc hộ nên anh không đọc sách của người khác?!!! Khi nói ai làm hộ giùm mình chuyện gì có nghĩa là người đó làm thay chỗ mình và mình không làm chuyện đó. Vậy thì khi nói nhờ ngưòi khác cảm xúc hộ có nghĩa là người viết đó cảm xúc thay mình và mình thì không cảm xúc gì hết? Nếu thế thì có lẽ tất cả các nhà văn nhà thơ trên thế gian nầy nên "dẹp qua một bên" hết cho rồi anh VLX ạ.

Như trên tôi đã xác định: khi nói tới thơ TTY là đồng thời phải nói tới thành phần độc giả "gọi là trí thức". Một học sinh lớp 9 có thể bình luận vanh vách một đoạn thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều nhưng một học sinh lớp 12 không chắc gì bình luận được nửa bài "Hề, ta trở lại gian nhà cỏ" của TTY. Lý do là vì truyện Kiều giản dị hơn và được giảng dạy kỹ lưỡng hơn cho học sinh còn thơ TTY "rắc rối" hơn và không hề được giảng dạy ở trường trung học nếu không muốn nói là còn bị ngăn cấm trong nước. Như vậy, nếu kể về số lượng người đọc thì chắc chắn là TTY không đủ tiêu chuẩn để được xem là "có tác động đối với dân tộc". Thế nhưng nếu kể về phẩm chất thì sao?

Với thời đại Internet của chúng ta ngày nay, thơ văn hay bất cứ tư tưởng triết lý, chính trị nào cũng không thể bị bưng bít không cho đến với quần chúng như ngày xưa được nữa. Nhờ vậy, bên cạnh các độc giả yêu thích thơ của TTY ở hải ngoại, ở trong nước, dù bị ngăn cấm, dù không được chính thức phổ biến, thơ của ông vẫn được theo dõi bởi những người yêu thơ như anh NAK, chẳng hạn. Xin nhắc lại: độc giả của TTY là thành phần "độc giả chọn lọc" đại khái là thành phần "trí thức", đó chỉ là một phần của "dân tộc" nhưng là một thành phần nòng cốt trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa của mỗi quốc gia. Điều nầy anh VLX thừa biết nên tôi không "bàn" thêm nữa, chỉ xin nhắc tới để khẳng định ý của anh NAK là: "nếu những người trí thức VN - tức là những người nắm "vận mệnh" văn hóa của đất nước chúng ta - biết nhìn nhận những cái hay, đẹp và phong phú trong ngôn ngữ của TTY để phát huy nó nhiều hơn thì thơ của TTY cũng sẽ xứng đáng được sánh ngang hàng với thơ Nguyễn Du trong văn học nước nhà".

Khi viết như thế anh NAK cũng chỉ đang làm lại cùng một việc làm của Phạm Quỳnh ngày trước, đó là "cổ võ cho phong trào dùng tiếng Việt". Tôi tin chắc rằng với anh NAK, khi viết về TTY, trước sau anh chỉ muốn tham gia vào một trò chơi, đó là trò chơi chữ nghĩa, không hơn không kém.

Thêm nữa, thật tình mà nói, nếu cho Tô Thùy Yên và Nguyễn Du "cùng mâm cùng chiếu" thì cũng đâu có gì là quá đáng. Chẳng lẽ suốt đời văn học VN chúng ta chỉ có một Nguyễn Du với Truyện Kiều để ca tụng thôi sao? đem ai khác so sánh với Nguyễn Du là phạm tội "lộng ngôn" sao? Nếu thế thì Nguyễn Du với Truyện Kiều của ông chẳng khác gì cái bóng ma che chắn tất cả mọi tài năng khác của đất nước sao? hẳn là không phải vậy và chắc chắn là nếu Cụ Nguyễn Du đội mồ sống dậy được thì Cụ sẽ quở trách đám con cháu "bảo thủ" nầy thay vì vuốt râu thích chí.

Phần thưởng dành cho các nhà văn nhà thơ là gì nếu không phải là những lời khen tặng cho dù đôi khi hơi "quá đáng" (nhưng thế nào là "không quá đáng" khi mà ranh giới giữa trò chơi chữ nghĩa lại rất mập mờ).

Tôi biết anh VLX rất ghét việc trích dẫn lại các câu nói của nhà văn nầy tác giả nọ nên từ đầu bài nầy đến giờ tôi không hề lập lại những lời phê bình khen ngợi mà các nhà văn nhà báo đã dành cho TTY, nhưng đến đây tôi xin phép phá lệ để nhắc lại lời phát biểu của TTY trong buổi ra mắt tập "Thơ Tuyển" của ông tại Houston TX ngày 9-3-1996: "thế kỷ mà chúng ta đang sống đây càng lúc càng hiển lộ một hiện tượng tách biệt trầm trọng lạ lùng giữa thơ và đời sống. Tách biệt đến mức tưởng chừng bây giờ thơ đã trở thành một công việc riêng tư hết sức chuyên môn như trong một hội kín giữa các người làm thơ với nhau thôi (...) Nếu lịch sử là nổ lực mô tả những diễn biến cụ thể của thời gian thì thơ, một cách khái quát, là lịch sử trừu tượng của thời gian, là phần hồn thiêng của lịch sử …"

Cụ Nguyễn Du đã từng làm quan, tham chính. Tô Thùy Yên đã từng đi lính VNCH, tham chiến. Vậy thì cả hai đều cùng "đi làm lịch sử". Cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều hay tàn bạo. Tô Thùy Yên viết rất nhiều bài thơ cũng hay tàn bạo luôn. Vậy thì cả hai đều cùng tham gia vào việc viết "lịch sử trừu tượng của thời gian", cả hai đều cùng góp phần vào việc bảo vệ "hồn thiêng của lịch sử".

Hai người sống cách xa nhau hai thế kỷ nhưng coi bộ họ rất gần gũi nhau đấy chứ, anh Vũ Lưu Xuân nhỉ?

trần thanh hương