banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Truyện ngắn Nguyễn thị Thanh Dương

nguyen thi thanh duong

Người trong mộng

Anh sẽ gặp lại một người bạn gái cũ sau hơn 30 năm xa cách, là “người trong mộng” của anh thời còn đi học...

Đây là lần thứ hai vợ chồng Tư Chuột về thăm Việt Nam, lần trước cách đây năm, sáu năm. Thời gian cứ vùn vụt trôi, mải mê bận rộn vì cuộc sống, dù nhớ nhà, nhớ người thân hai bên nội ngoại, mà bây giờ mới có dịp trở về lần nữa.
Tư Chuột nao nức về Việt Nam gặp lại người thân, ngoài ra còn vì một lý do khác. Anh sẽ gặp lại một người bạn gái cũ sau hơn 30 năm xa cách, là “người trong mộng” của anh thời còn đi học.
Qua một người bạn học cũ mới liên lạc được, hiện cũng đang sống ở Mỹ, anh ta đã cho Tư Chuột biết tin tức một số bạn bè cùng lớp thời Trung Học. Họ cùng hào hứng nhắc đến người đẹp Ngọc Diệp, cô bé xinh xinh và nổi tiếng làm thơ hay của lớp, đám nam sinh thuở đó cứ mười người thì phải trên năm người có cảm tình với nàng và hâm mộ thơ nàng. Trong số đông đảo những thằng trồng cây si nàng có cả Tư Chuột. Là một người vóc dáng nhỏ thó, gương mặt choắt choeo, lại con nhà nghèo học dở, nên anh nam sinh Lê văn Tư, biệt danh các bạn đặt cho là Tư Chuột không bao giờ dám mơ được tiếp cận nàng thơ, không bao giờ dám “chen lấn” với các nam sinh khác để hòng chiếm được cảm tình của nàng. Tư Chuột chỉ biết thương trộm nhớ thầm người trong mộng.
Ngọc Diệp là một trong số vài người đẹp của lớp, nàng là con nhà giàu, học giỏi, dáng gầy gầy, đôi mắt to đen đằm thắm, và mái tóc dài qua vai luôn buông xỏa về một bên trông càng quyến rũ và lãng mạn. Các anh tha hồ đua nhau làm thơ tặng nàng, Tư Chuột xôn xao chẳng thể nào ngồi yên, anh không biết làm thơ, nên định mua một cuốn sách thơ của nhà thơ nổi tiếng nào đó để tặng nàng, mượn thơ người khác nói lên nỗi lòng của mình hay ít ra cũng làm nàng vui thích vì nhận được cuốn thơ hay. Nhưng anh chưa thực hiện được thì biến cố 1975 xẩy ra.
Bây giờ Ngọc Diệp là goá phụ, hai con, cuộc sống của nàng ở Việt Nam rất nghèo khổ. Mới nghe, Tư Chuột mủi lòng thương xót cho người xưa. Có ai ngờ một cô gái đẹp cao sang thuở đó, bể dâu cuộc đời vùi dập nàng sa cơ thất thế đến tôị nghiệp? Cũng có ai ngờ anh Tư Chuột, tướng tá lù đù, thuở đó không ông thầy bói nào nhìn mà dám mở miệng tiên đoán tương lai giàu sang phú quý cho được, học hành thì lình bình đủ điểm lên lớp là may lắm rồi, nay lại là một người thành đạt, một ông chủ shop sửa xe to lớn và đông khách trên xứ Mỹ, hai con học Đại học, nhà cao cửa rộng trả off từ lâu, vợ Tư Chuột hột soàn đeo đầy cổ, đầy tay.
Tư Chuột đã ghi chép cẩn thận địa chỉ nhà Ngọc Diệp, nàng sống tại Sài Gòn nên sự đi lại càng thuận tiện vì hầu hết họ hàng bên vợ và bên Tư Chuột cũng ở quanh Saì Gòn. Nhất định, anh sẽ đến thăm nàng, cả một đời người anh mới có dịp hiên ngang tiếp cận nàng như thời điểm này. Dù anh gặp lại Ngọc Diệp chỉ với tư cách một người bạn cũ, để nhìn lại bóng dáng người xưa. Nay ai đã phận nấy, hai khung trời khác biệt, cái tình cảm thời tuổi trẻ chỉ còn là kỷ niệm, một kỷ niệm đẹp có lẽ Tư Chuột không thể nào quên.
Tư Chuột dấu vợ, chị vợ hay ghen và giàu tưởng tượng, chỉ cần anh nói đi thăm một người bạn gái cũ là chị ta sẽ suy đoán ra một thiên tình sử ngay, và chị sẽ không rời anh nửa bước. Tư Chuột không muốn vợ đi theo làm tan biến đi giây phuý diệu kỳ hội ngộ, chắc chắn nên thơ và lãng mạn như người thơ thuở ấy.
Tư Chuột đã sắp đặt sẵn mọi thứ trong đầu trước khi đến nhà thăm Ngọc Diệp, anh sẽ ghé tiệm sách mua một cuốn thơ, món quà anh còn mắc nợ nàng bao nhiêu năm về trước. Nhưng nàng nghèo lắm, thơ chỉ có ý nghĩa cho tâm hồn. Anh sẽ tặng nàng một món quà thực tế là tiền, là đô la. Anh ngại ngùng qúa, với một người yêu thơ, làm thơ, mà anh mang chuyện tiền bạc ra có đụng chạm vào tự ái của nàng không? Anh sẽ bỏ món quà ấy vào phong thư cho lịch sự, sẽ nhẹ nhàng kín đáo và nói hết sức khiêm nhường rằng: “ Tôi quý mến Ngọc Diệp chân tình nên mới tặng món quà nhỏ mọn này, mong Ngọc Diệp đừng từ chối làm tôi đau lòng”. Ôi, đôi mắt to đen đằm thắm của nàng chắc sẽ nhìn anh cảm động? và biết đâu trong sâu thẳm tâm hồn nàng sẽ dày vò nuối tiếc sao ngày xưa không để ý đến anh Tư Chuột, thì ngày nay đời nàng sung sướng biết bao?
Sáng nay sau khi ăn uống điểm tâm bên nhà vợ, Tư Chuột thay bộ quần áo bình dân giản dị nhất, chiếc quần màu kaki và áo sơ mi trắng bỏ ra ngoài. Đến nhà Ngọc Diệp trong hoàn cảnh nghèo, anh chẳng muốn mình ăn mặc sang trọng ra vẻ Việt Kiều làm nàng tủi thân. Anh xin phép vợ để đi thăm vài thằng bạn cũ, nhìn cách ăn mặc tàn tàn của anh, chị tin ngay, và dặn chiều về sớm để hai vợ chồng cùng đi dạo phố.
Tư Chuột ra đầu ngõ kêu xe ôm chở đến một tiệm sách gần nhất và bảo anh xe ôm ngồi ngoài chờ.
Từ xưa tới nay Tư Chuột có biết gì về thơ, nay lạc vào một rừng thơ làm anh hoa cả mắt, có nhiều tập thơ của nhiều tác giả khác nhau, cuốn nào trình bày bìa cũng đẹp, những lời đề tựa, lời giới thiệu nào cũng bay bổng trời xanh. Mở ra đọc thử mỗi bài thơ, Tư Chuột thấy bài nào cũng… giống nhau, thất tình, thương nhớ, giận hờn…càng làm anh rối trí. Thà như ở shop xửa xe của anh, xe nào hư không nổ máy, anh mày mò một lúc là tìm ra lý do ngay, thà khách hàng yêu cầu anh thay nhớt xe, anh làm vèo một cái là xong. Còn lựa chọn một cuốn thơ trong đám thơ này sao mà khó khăn qúa!
Tư Chuột cầm một cuốn thơ lên, bìa màu tím, xinh xinh, cuốn thơ tên “Một thời tương tư”, anh thấy thích hợp với mình nhất, anh đã chẳng một thời tương tư Ngọc Diệp đó sao! Muộn còn hơn không, để anh được bày tỏ tình cảm với nàng, dù điều ấy nàng cũng biết thừa từ lâu..
Anh mang cuốn thơ ra quầy tính tiền, nhờ cô nhân viên gói giấy hoa cho đẹp để làm quà tặng, anh đã hào hoa trả tiền gấp đôi gấp ba gía ghi trên bìa sau cuốn thơ và hớn hở ra khỏi nhà sách.
Anh xe ôm tiếp tục cuộc hành trình tìm địa chỉ nhà Ngọc Diệp, một con hẻm nhỏ gần khu chợ Bà Chiểu, anh ta bảo đảm sẽ tìm ra địa chỉ mới ăn tiền xe, nên Tư Chuột yên tâm, âu yếm ôm nhẹ cuốn thơ vào lòng và ngắm nhìn cảnh tấp nập của phố phường. Sau khi anh xe ôm quẹo vào vài con hẻm ngoằn nghoèo, vài lần rẽ trái, rẽ phải đến chóng mặt, Tư Chuột đã đứng ngay trước số nhà muốn tìm.
Anh sửa lại nếp áo, nếp quần cho bớt nhăn nhó và run run đưa tay lên gõ cửa, hồi hộp chờ đợi gương mặt quen thuộc ngày xưa hiện ra. Chắc khi nghe anh giới thiệu là Tư Chuột, Ngọc Diệp sẽ nhớ ra ngay, cái biệt danh độc đáo của anh nam sinh nhỏ con nhất lớp, nhà quê nhất lớp, và học dở nhất lớp, ai cũng biết.
Nhưng trong nhà vẫn im vắng, không một ai ra trả lời! Tư Chuột đang ngỡ ngàng chưa biết tính sao thì một bà hàng xóm sát bên chạy ra, sốt sắng:
- Ông tìm nhà bà Diệp hả?
Tư Chuột mừng rỡ:
- Vâng, có phải đây là nhà bà Ngọc Diệp không?
- Đúng rồi, ba mẹ con bà ấy bán qúan cơm tấm ngoài đầu hẻm, kế bên tiệm bán chè, sinh tố đó, bộ khi nãy vô đây ông anh không nhìn thấy hả?
- Vâng, thôi cám ơn bà.
Từ Chuột leo lên xe ôm và chạy ra đầu hẻm, bây giờ mới để ý thấy qúan cơm đúng như bà hàng xóm nói, Anh trả tiền hậu hĩ cho anh xe ôm và đến hàng sinh tố kêu một ly mãng cầu tươi, ngồi nghỉ chân và suy nghĩ, không lẽ Ngọc Diệp đang bận rộn bán buôn mà anh đến nhận diện người quen, chuyện trò và tặng quà ngay giữa chốn bát nháo ăn uống này thì còn gì là ý nghĩa? Để chiều nay, khi nàng về nhà, anh sẽ đến cũng không muộn màng gì, và sẽ có nhiều thời gian để tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm thời đi học.
Anh thong thả uống hụm sinh tố và dõi mắt sang hàng cơm tấm bên cạnh. Đang tầm sáng, giờ cao điểm đông khách, anh chẳng thấy Ngọc Diệp đâu, chỉ thấy một bà to mập đang ngồi giữa nồi cơm to tướng không kém gì bà ta, và một cái bàn thấp trên bày la liệt những món ăn, những hũ đồ chua và hũ nước mắm, mấy ống đựng thìa, đựng nỉa. Bà vừa xới cơm ra dĩa, vừa gắp thức ăn lia lịa và luôn miệng quát hai phụ nữ trẻ bưng bê:
- Lẹ tay lẹ chân lên chút coi, khách đang ngồi đợi kìa!
- Dẹp mấy cái dĩa không vào đây cho tao, hết dĩa rồi !
Tư Chuột làm bộ bâng quơ hỏi chị bán sinh tố:
- Nghe nói quán cơm này ngon lắm phải không chị?
Chị sinh tố thật thà:
- Quán cơm tấm bà Ngọc Diệp nổi tiếng ngon, ông ăn thử thì biết.
- Chị làm ơn kêu cô giúp việc cho tôi dĩa cơm tấm sườn nướng đi.
- Hai cô đó là con gái bà Ngọc Diệp, ba mẹ con sống nhờ nồi cơm tấm này đó.
- Vậy bà ấy đâu rồi?
- Thì bà Ngọc Diệp to béo đang ngồi bán cơm chứ ai.
Tư Chuột giật mình hụt hẫng, anh tưởng mình nghe lầm. Cố giữ vẻ bình tĩnh, anh nói cho chị sinh tố khỏi nghi ngờ vì thái độ khác thường của mình:
- Nghe danh quán cơm bà Ngọc Diệp, hôm nay tôi mới có dịp ghé đây ăn thử.
Chị sinh tố chẳng thì giờ đâu mà nghi ngờ như chị Tư Chuột nhà anh. Chị ta vui vẻ đi gọi cơm giùm anh, nên Tư Chuột tự nhiên và thoải mái nhìn bà to mập kia kỹ lưỡng hơn. Đúng là Ngọc Diệp rồi, nhờ đôi mắt to đen mà anh đã nhận ra nàng, dù hình dáng nàng thì hoàn toàn khác hẳn.
Mọi thứ trên cõi đời có thể thay đổi, nhưng sao cuộc sống và thời gian lại nỡ biến đổi một cách phũ phàng từ một cô gái xinh xẻo, vóc dáng gầy gầy, một nàng thơ dịu dàng ngày nào thành một bà to mập, ngồi bán cơm ngoài đường phố và luôn miệng quát mắng con trước mặt mọi người như thế?
Cô con gái của Ngọc Diệp bưng dĩa cơm tới bàn Tư Chuột, nhìn cô gái, Tư Chuột đã thấy lại đôi mắt to đen đằm thắm của người mẹ bao nhiêu năm về trước. Anh thong thả ăn từng thìa cơm nhỏ vì bụng hãy còn no, và vì muốn kéo dài thì giờ để nhìn thêm cảnh đời của Ngọc Diệp, cho bõ công lao anh nao nức từ bên Mỹ khi chuẩn bị về Việt Nam, cho bõ công lao anh đã ngồi mỏi lưng sau chiếc xe ôm đi tìm con hẻm nhà nàng cả giờ đồng hồ.
Khách hàng vẫn đông, bà mẹ vẫn the thé sai bảo và mắng hai cô con gái, có lúc rảnh tay bà ngẩng lên, quét ánh mắt lanh lợi như điểm danh các khách hàng, bà ta ngừng lại nơi Tư Chuột vài giây, vẫn không có cảm xúc gì khác lạ, như với bao nhiêu người khách khác mà thôi. Làm sao trong giây phút bận rộn hối hả này, bà có thể nhận ra một người quen sau hơn 30 năm mờ mịt vì gío bụi cuộc đời? rồi bà lại cúi xuống thoăn thoắt xới cơm, lấy thức ăn cho khách.
Tư Chuột kêu tính tiền, cô gái hét gía 40 ngàn đồng, trong khi nãy giờ anh thấy mỗi dĩa cơm tương tự người ta chỉ trả có 20 ngàn đồng. Anh ngạc nhiên nhưng cũng móc túi trả đầy đủ, chị bán sinh tố nhìn Tư Chuột thương hại, thì thầm:
- Mẹ con bà này chuyên môn coi mặt đặt tên, thấy ông là khách lạ, ngàn năm một thuở mới đến quán một lần, nên tính gía trời ơi, kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng còn may cho ông, bữa hôm có chị Việt Kiều về xóm chơi, sáng ra đây ăn cơm tấm, bị chém một dĩa cơm tới 50 ngàn đồng, vì chị đó ăn mặc sang trọng lắm, nhìn vô thấy Việt Kiều liền.
Tư Chuột xót xa, không vì mất thêm tiền một cách vô lý, mà vì lòng tham của con người, lại là người mà anh từng ngưỡng mộ, thương mến. Cuốn sách thơ trong tay Tư Chuột bỗng trở nên thừa thãi, lố bịch, và cái phong thư có vài trăm đô la nằm trong túi áo anh có lẽ không bao giờ cần phải lựa lời tế nhị để trao cho người nhận nữa. Anh bỗng quyết định không cần đến nhà Ngọc Diệp, không đối diện với nàng, người trong mộng của anh đã chết tự lâu rồi. Món tiền này anh sẽ cho những người nghèo khổ nào đó anh gặp trên đường phố, còn cuốn thơ, sẽ có một người xứng đáng hơn Ngọc Diệp để anh trao tặng.
Một thằng bé bán vé số đến bên Tư Chuột, nó chìa xấp vé số ra mời mọc, nhưng Tư Chuột gạt đi và mời lại nó:
- Thằng nhỏ, mày muốn ăn cơm tấm không?
- Muốn, mà không có tiền ông ơi!
- Mày có bao nhiêu đứa bạn kêu hết lại đây, tao bao.
Thằng vé số nhẩy cẩng lên vì vui sướng, vội chạy đi tìm lũ bạn, một lúc sau hơn chục đứa kéo tới bu quanh Tư Chuột, anh ra lệnh:
- Đứa nào muốn ăn gì thì kêu đi, rồi qua uống sinh tố hay ăn chè quán này. Nghe chưa?
Lũ trẻ uà ra chỗ bà bán cơm, xúm xít chỉ trỏ các món ăn. Tư Chuột gọi cô con gái bà hàng cơm ra, đếm bao nhiêu dĩa cơm, mỗi dĩa 40 ngàn đồng , trả tiền ngay tại chỗ, làm cô kinh ngạc không ngờ hôm nay trúng mánh lớn. Tư Chuột lại đưa cho cô một xấp bạc Việt Nam nữa và nói trước mặt lũ trẻ:
- Số tiền này đủ cho lũ trẻ đến đây ăn cơm ít nhất cũng ba lần nữa. Tôi trả trước cho cô đấy.
Anh quay qua trả tiền chị sinh tố cũng đủ cho bọn trẻ ba lần nữa rồi ra về.
Thấy chồng về sớm chị Tư Chuột ngạc nhiên:
- Tưởng anh đi tới nhà bạn bè chiều mới về?
Anh chìa cuốn thơ gói trong tấm giấy hoa xinh đẹp ra:
- Có tìm nhưng không gặp bạn, nên anh ghé vào một tiệm sách, chọn mua tặng em một cuốn thơ tình.
- Một cuốn thơ tình?
Chị Tư Chuột cảm động ngỡ ngàng vì món quà bất ngờ, chồng chị chưa bao giờ tặng chị một món quà thanh lịch như thế này, chị như bay bổng vào cõi thiên thai:
- Anh ơi, tuy em ít đọc thơ, nhưng anh mua tặng thì từ nay em sẽ siêng đọc thơ và sẽ yêu nó.
Chị mở ra thấy cuốn thơ, lẩm bẩm đọc “ Một thời tương tư”, nên càng cảm động và ngạc nhiên:
- Không ngờ anh tối ngày lo sửa xe, tay chân dầu nhớt, mà cũng có tâm hồn thi sĩ ghê. Ở với anh mấy chục năm em mới phát hiện ra điều này. Bộ hồi đó anh tương tư em hả?
Tư Chuột nhìn vợ, chị cũng to mập, sồn sồn không thua gì Ngọc Diệp. Nhưng còn có chỗ dễ thương, chị đôn hậu và thành thật tin vào những lời nói dối của chồng.
Tư Chuột bỗng thấy thương vợ hơn bao giờ, anh nói bằng sự trìu mến như thuở ban đầu mới cưới nàng:
- Vì em mãi mãi là người anh yêu, là người trong mộng của đời anh.
* * *
Buổi chiều đi chơi cùng với vợ, tình cờ đi ngang qua con đường nơi đầu hẻm nhà Ngọc Diệp, quán cơm đã dẹp, chỉ còn quán sinh tố. Tư Chuột bảo tài xế taxi ngừng lại, để anh ghé vào tiệm sinh tố mua một bao thuốc lá ba số. Chị sinh tố nhận ra anh ngay và mau mắn:
- Mấy đứa nhỏ nhờ tôi gởi lời cám ơn ông nếu có dịp gặp lại. Còn bà Ngọc Diệp chủ tiệm cơm, bà ấy tuyên bố một câu về ông, nói ông đừng có buồn nghe?
- Chị cứ nói đi.
- Bà ấy nói với tôi rằng thằng cha đó một là khùng, hai là dân giang hồ làm ăn gian dối, trúng mánh, nên mới thừa tiền bao lũ trẻ bụi đời ngoài đường phố. Biết thằng cha chịu chơi như vậy, lúc nãy tao tính mỗi dĩa cơm 50 ngàn đồng rồi. Tiếc quá!
Tư Chuột chào chị sinh tố lên Taxi, lòng thảnh thơi, không có gì để nuối tiếc khi anh đã quyết định không bao giờ gặp lại người trong mộng ngày xưa của mình nữa.

Nguyễn thị Thanh Dương


Một chuyến về quê ăn Tết

Từ ngày đặt mua vé máy bay để cả nhà cùng về Việt Nam ăn Tết, anh Bông thấy lòng lâng lâng, vui vẻ, anh nôn nao chờ đợi từng ngày.
Anh sẽ về Việt Nam vào đúng ngày 23 Tết, kịp đưa ông Táo về trời, rồi hưởng 3 ngày Tết, những điều thật cũ mà bỗng mới trong anh, rồi anh sẽ
đi thăm bà con, lối xóm, bạn bè gần xa, phố cũ thân quen…
Chỉ có mấy tuần lễ ở Việt Nam, mà anh sẽ sống lại cả một phần đời ròng rã mấy chục năm đã qua. Bao nhiêu kỷ niệm sẽ sống lại trong anh như
chưa hề xa cách10 năm nay. Thấy người ta về chơi Việt Nam nhiều quá, anh cũng ham, nhưng mãi tới bây giờ vợ chồng anh mới có đủ điều kiện.Từ ngày được người chị ruột anh bảo lãnh sang Mỹ, vợ chồng anh miệt mài làm việc và sanh con đẻ cái, thì giờ đâu, tiền bạc đâu mà về Việt Nam như thiên hạ? Bởi chị muốn, thà không về thì thôi, đã về phải cho đích đáng.
Cứ ngày nào rảnh là chị Bông lại đi mua đồ, lúc thì ở Mall đang on sale, lúc thì ở chợ Wal-Mart, chỉ còn vài ngày nữa là ngày lên đường, thì mấy cái va ly đã đầy ngắc.
Buổi tối, thấy chị đang xem xét lại các món quà, anh hỏi chị :
- Xong hết rồi hả em?
- Coi như…tạm xong!
- Ủa! còn thiếu món gì nữa?
- Đây nè, đọc đi thì biết! Chị đưa cho anh lá thư của má chị, từ Việt Nam gởi sang. Và anh đọc:
“ Hai con và hai cháu yêu quý của má,
Được tin gia đình con sẽ về Việt Nam vào dịp Tết này, má mừng quá trời. Má vốn hay mất ngủ, có tin vui này má càng mất ngủ hơn (vậy con
nhớ mang về cho má ít thuốc ngủ).
Các con về đây má sẽ nấu các món ăn ngày Tết Việt Nam như cá lóc kho nước dừa, khổ qua nhồi thịt hầm, gỏi cuốn tôm thịt, bánh tráng cuốn tai heo, dưa giá, dưa món.. v..v.
Lâu lâu mới có dịp về Việt Nam, vậy con mua cho má đủ loại mỹ phẩm từ A tới Z, để nhà xài, và biếu tặng bà con lối xóm làm quà.…
Đọc tới đây, anh quay ra phàn nàn với chị:
- Cái điệu này, em phải…bê luôn cả chợ Wal-Mart về cho má xài quá!
Rồi anh lại đọc thư tiếp: “Đó là phần quà lặt vặt. Sau đây là ba mục tiêu chính:
- Thứ nhất là khi về tới Việt Nam, con mua cho thằng em con một cái xe gắn máy, để nó có chạy với người ta.
- Thứ nhì là em gái con sắp lấy chồng, con cho má tiền để làm
đám cưới và cho nó ít vốn để về nhà chồng làm ăn, buôn bán, có của thì họ đỡ khinh nhà mình con à!
- Thứ ba là con mua cho má đôi bông tai, sợi dây chuyền và
chiếc vòng cẩm thạch đeo tay. Hồi nào tới giờ mang tiếng là có con gái ở nước ngoài mà má đơn sơ quá cũng kỳ. Má đeo vàng bạc lên người là làm tăng giá trị…cho con. Người ta sẽ khen con hiếu thảo biết lo cho má, biết thương yêu má…”
Anh Bông càng đọc càng toát mồ hôi như đang đọc một …truyện ma! Chịu không nổi, anh lại ngừng đọc thư:
- Em ơi, bộ má tưởng em vừa trúng số độc đắc hả? má có hiểu tụi mình đang phải trả góp tiền nhà không? Trả góp tiền hai cái xe không? Cả nhà mình toàn xài đồ on sale không?
- Em không nói làm sao má biết? Mà ngu gì nói ra cho mất…thể diện!
Anh Bông đọc tiếp lá thư “Thôi, má chỉ đơn sơ có bấy nhiêu. Chúc gia đình con lên đường bình an và đoàn tụ với má trong dịp Tết này. Má đang trông chờ các con từng giây từng phút.
Ký tên,
Mẹ hiền của các con.
Tái bút: À quên, con nhớ mua cho má vài chục mét vải “soa” để má may đồ bộ, vải soa ngoại mặc mới sang, nhìn vô là biết đồ “ngoại” liền.”
Anh Bông lại phê bình:
- Lạ lùng ghê! Ở Việt Nam đòi vải vóc,quần áo ngoại, trong khi người ở Mỹ lại thích về Việt Nam mua sắm quần áo, khen rẻ và đẹp.
- Người đời ai chẳng thích của lạ ! Chị bênh vực cho má chị.
Tưởng đã hết lá thư, ai dè vẫn còn một đoạn nữa :
“Tái bút đợt hai: À quên,ngoài ít thuốc ngủ như má đã dặn ở trên, con mua thêm vài thứ thuốc Tây khác như thuốc nhức đầu, đau bụng, thuốc cảm, cúm,thuốc ho, tiêu chảy, thuốc giảm đau, và…nhiều loại nữa mà bây giờ má chưa kịp nghĩ ra. Để phòng khi ốm đau là có thuốc uống liền, mà lại thuốc thứ thiệt nữa, bảo đảm sẽ khỏi bịnh, ở Việt Nam thuốc tây cũng làm giả nữa con ơi.
Tái bút đợt ba: À quên, Mấy lần trước con nói chuyện với má, khen nước mắm ở bển ngon lắm, toàn đồ xuất khẩu từ Thái Lan, từ Việt Nam qua.
Nào nước mắm mực, nước mắm hai con cua, nước mắm cá cơm Phú Quốc.Vậy con có thể mang về cho má, mỗi nhãn hiệu vài chai để Tết này má ăn thử cho biết không?.Con sướng thiệt! đồ ăn nào cũng ngon, cũng rẻ, chứ má ở Việt Nam thứ gì cũng giả được hết, có ngày chết vì ngộ độc ăn uống không biết chừng! Thôi, hẹn được nếm thử nước mắm cao cấp của con mang về.
Nếu còn thiếu gì thì má sẽ gởi thư sang bổ sung sau”.
Anh Bông buông rơi tờ thư xuống bàn:
- Trời ơi, một lá thư tái bút tới ba đợt, mà còn e chưa đủ. Má em tưởng từ đây về Việt Nam gần như Sài Gòn -Chợ Lớn vậy đó, đòi xách về mấy chai nước mắm!! Lên máy bay, thời buổi chiến tranh, khủng bố này, ngửi mùi nước mắm là cả máy bay phải di tản khẩn cấp ngay.
Chị Bông than thở:
- Tội nghiệp má quá! Đến chai nước mắm cũng ước ao, vì ở Việt Nam món gì cũng rổm, cũng giả, bất chấp mạng sống của con người..
Anh Bông lẩm nhẩm tính toán:
- Không kể tiền máy bay, tiền quà cáp đáp ứng theo những yêu cầu của má em chắc cũng lên đến chục ngàn đô chứ ít gì!
Chị Bông gạt đi:
- Nhiêu thì nhiêu! Cả chục năm nay mới về, xài cho đáng, cho thật hoành tráng, người ta còn cho cha mẹ, anh em vài chục ngàn đô, xây nhà cao cửa rộng kia kìa.
- Người ta khác, mình khác May mà gia đình anh ở cả bên này.
Nếu không, hãy thử tưởng tượng má anh cũng ra một cái list như má em thì chắc mình phải…bán nhà để lo tròn chữ hiếu cho đôi bên ?
- Bởi biết vậy nên em mới dám dốc hết sức lực cho má em. Anh à, mình còn làm ra tiền, hãy vui vẻ để ăn một cái Tết Việt Nam và người nhận quà cũng vui vẻ nghe anh.
Chị dịu dàng năn nỉ, đó là những lúc chị cần đến anh, chứ bình thường, chị là người được anh năn nỉ. Vợ đã tính rồi thì làm sao anh cãi lại được?
Xếp lại gọn gàng kẹo bánh quà cáp xong, chị Bông quay ra xếp quần áo của chồng con và tới phần chị, chị lôi từ trong closet ra đủ loại áo quần, váy ngắn, váy dài, quần jean, quần tây, áo xanh, áo đỏ…Cái nào chị cũng ngắm nghía rồi bỏ vào valy.
Anh ngạc nhiên:
- Sao em mang nhiều quần áo thế? Em có phải là người mẫu đi trình diễn thời trang đâu? mình về Việt Nam có ba tuần, mang vài bộ là đủ rồi.
Chị lườm nguýt anh:
- Để người ta cười em hả? Việt kiều gì có ba bộ quần áo?
- Nhưng cái áo lạnh lông xù to kềnh to càng kia em mang theo
làm gì? Chật cả va li
- Em sẽ mặc cái áo này. Chị khẳng định.
- Tết ở Việt Nam nắng ấm, mà em mặc áo lạnh? Anh kêu lên.
- Dĩ nhiên, ai mà không biết điều đó, nhưng cái áo lạnh lông xù đẹp thế này không mang về cũng uổng. Nếu không đời nào người ta biết rằng ở bên đây em đã mặc cái áo mùa Đông lộng lẫy như tài tử Hollywood này.
- Và đời nào người ta biết rằng em đã mua cái áo này ở tiệm đồ cũ có mười đồng bạc?
- Suỵt! Về bên Việt Nam anh đừng có lỡ miệng nói ra nhé. Nếu không đừng trách em.
Chỉ nhìn chị lúi húi xếp ra xếp vào hết bộ nọ đến bộ kia, anh cũng thấy hoa mắt và nhức cả đầu, thà lên giường, dù mất ngủ cũng còn sung sướng hơn .Tới khuya, chị vào giường thấy anh vẫn còn thao thức, chị ngạc nhiên:
- Tưởng anh ngủ rồi chứ? Bộ nôn nóng về Việt Nam nên chưa ngủ được hả?
Anh nói lẫy:
- Phải, nôn nóng quá nên lòng dạ nào mà ngủ được!
Trong bóng đêm chị không nhìn thấy khuôn mặt kém vui của anh, bởi chính lòng chị đang vui, đang nôn nóng thật sự, chị tưởng anh cũng thế. Chị âu yếm ôm lấy anh, thủ thỉ:
- Thôi ráng ngủ đi, mai còn đi làm, để dành sức khoẻ vài ngày nữa về Việt Nam chơi vui…
Chợt chị cao giọng vì chợt nhớ ra:
- Anh nè, em báo anh một tin vui nữa là dì Ba và dì Tư ở dưới
quê Cần Thơ sẽ dẫn đàn con, đàn cháu lên Sài Gòn ăn Tết với tụi mình đấy, nên em cũng cần một ít tiền mặt để tặng hai dì và lì xì cho xấp nhỏ.
Anh giật cả mình:
- Lại thêm một món tiền chi phí nữa hả? Dì ba, dì Tư nào? Có phải hai bà Dì có ông bố ghẻ là anh em con chú con bác với bà ngoại kế của em đó không?
- Chứ còn ai vào đây nữa.Vòng vo tam quốc thế mà anh nhớ không sai tí nào! Chị tấm tắc khen anh.
Anh cố phân bày:
- Xét ra hai dì đâu có dính líu máu mủ ruột thịt gì với nhà mình đâu em.
- Dù sao cũng là liên hệ, là tình cảm bấy lâu. Mấy lần em gởi quà về, má cao hứng về quê chơi và cho hai dì chút tiền. Bây giờ nghe tin mình về Việt Nam ăn Tết, hai dì lên chơi đáp lễ.
Thấy anh không hào hứng, chị đề nghị:
- Hay là…em gọi phone về cho hai dì, nói đừng lên thành phố nữa, nghe?
Anh mừng quá, nói như reo lên:
- Đúng đó em, đường xá xa xôi, từ quê lên tỉnh tội nghiệp mấy dì quá.
- Nhưng bù lại tụi mình… sẽ về quê thăm họ để bày tỏ nhiệt tình, cũng vẫn biếu họ tiền và lì xì xấp nhỏ. Vậy anh chọn cách nào?
Anh cụt hứng:
- Cách nào cũng tốn tiền như nhau, có gì đâu mà lựa chọn?
Chị vẫn cao hứng:
- Khác chứ anh, nếu mình về quê, sẽ được nhìn lại cảnh làng
quê êm đềm. Em sẽ nói hai dì nướng gà bọc đất sét cho anh thưởng thức món đặc sản đồng quê.
- Êm đềm cái gì? Trầy da tróc vẩy mới đến được ngôi làng khỉ ho cò gáy đó. Anh nhớ thuở mới cưới em, theo em về quê ngoại, mang tiếng ở Cần Thơ, tưởng đâu ngay bến Ninh Kiều, ai dè trong một ngôi làng hẻo lánh ở thị xã Long Tuyền, mấy lần xe, mấy lần đò, mấy lần đi bộ qua cánh đồng hoang mới tới… một con rạch, đứng bên này bờ phải hò hét lên thật to, cho người bên kia bờ nghe thấy mà đem ghe ra chở mình sang. Lúc đó mới thật sự tới được nhà hai bà dì của em. Cho nên anh chẳng ngu gì chịu gian khổ lần nữa để ăn món gà bọc đất sét nướng của dì em trong mùa đại dịch cảm cúm này.
- Ừ nhỉ, em quên mất đang dịch cúm gà. Khổ quá, Tết nhất người Việt mình cần có món gà để cúng quẩy, để làm cỗ, món nọ món kia, thế mà phải nhịn.Vậy thôi, cứ để hai dì lên thành phố cho mình đỡ mệt, bù lại, mình cho hai dì tiền rộng rãi để chi phí xe cộ đường xa.
Chị lại cao giọng lần nữa, và làm anh giật mình lần nữa:
- Anh nè !
Thấy anh nằm im, chị hỏi:
- Ủa, anh ngủ rồi hả?
- Em cứ “Anh nè” hoài làm sao anh ngủ nổi ? Mỗi cái “Anh nè”
là thêm một chi phí, cũng như thư của má, mỗi lần tái bút má lại “À quên” là thêm những món cần gởi. Hai má con em giống nhau y chang.
- Anh nè, em mới nghĩ ra một điều vô cùng tuyệt vời, mình phải đi Đà Lạt nữa, mùa Xuân Đà Lạt chắc là đẹp lắm? thành phố của các loài hoa mà . Ngày tư ngày Tết bao cả nhà một chuyến du Xuân cho vui và thuê thợ quay phim, chụp hình làm kỷ niệm. Mình sẽ thuê một cái xe van lớn nghe anh. Nghĩ cho cùng, hồi còn ở Việt Nam, vợ chồng mình nghèo, đâu dám mơ đi Đà Lạt chơi, nay có điều kiện, tội gì không hưởng?
- Trời ơi! Không phải chỉ má em tưởng em trúng số độc đắc. Mà chính em, làm như em đang xài tiền trúng số vậy đó. Em có biết là sau chuyến đi Việt Nam ăn Tết này, vợ chồng mình sẽ sạt nghiệp không?
- Nhằm nhò gì! Người ta năm nào cũng về, mình 10 năm mới về
thì tốn kém mấy cũng chơi luôn.
Anh hờn mát quay mặt vào trong tường. Chị lại gọi:
- Anh nè…
Anh cảm tưởng như đang bị chị “khủng bố”, anh kinh hòang gắt :
- Gì nữa? Em có biết mỗi lần em gọi “Anh nè” là anh giật bắn
người lên như vừa dẫm chân vào gai nhọn hay cục than đỏ hồng không?
Chị nũng nịu:
- Anh nè, lần này em chỉ muốn chúc anh ngủ ngon thôi mà. Good night anh !
Nói xong chị ôm hôn anh, dịu dàng và dễ thương quá, làm lòng anh mềm lại. Cái trò “mỹ nhân kế” của chị không bao giờ cũ đối với anh. Nhưng nghĩ tới sắp sửa phải ra bank rút cả chục ngàn đô cho một chuyến về Việt Nam ăn Tết, anh thấy xót xa quá!
Dĩ nhiên đi chơi là phải tốn kém, phải quà cáp cho người thân, nhưng cái giá này quá đắt, thậm chí vô lý, trong khi ở đây, cuộc sống hàng ngày có bao nhiêu lo âu tính toán, vậy mà về Việt Nam cứ tiêu xài vô tư, thoải mái, cho đẹp mặt đẹp mày. Rồi về lại méo mặt méo mày.
Anh cố tìm giấc ngủ, mấy đêm trước anh còn đi vào giấc ngủ với bao nhiêu là hình ảnh vui tươi, tuyệt vời của ngày Tết Việt Nam. Vậy mà đêm nay những hình ảnh đẹp đẽ ấy biến đi đâu hết?
Anh mong sao sáng mai thức dậy, đọc báo thấy tin chính quyền Việt Nam vừa…ra lệnh cấm không cho Việt Kiều về quê ăn Tết nữa. Chắc lòng anh sẽ…vui như Tết. Khỏi phải đi đâu cả.

Nguyễn thị Thanh Dương


Bé Mốc ngày xưa

Từ phi trường Tân Sơn Nhất, Khoa được gia đình chú Tuyên đón về nhà ở Bà Chiểu chơi mấy hôm.Hôm nay Khoa mới xách va ly trở về xóm cũ Gò Vấp. Mới rời xa Việt Nam 6 năm mà đường phố thay đổi lạ hoắc, cũng may vẫn còn những dấu vết hay chi tiết quang cảnh cụ thể khác để anh không đi lạc.Cổng vào chùa Thiền Quang đây rồi, cũng là ngõ chính dẫn vào nhà anh, phải đi qua một khu mả bằng đá ong, những tảng đá ong nằm có, đứng có, cao hơn đầu người, người ta đồn rằng của người Pháp xây hồi xưa, nên lối xóm quen gọi là khu mả Tây. Trẻ con khu xóm vẫn chơi đùa ở đó, leo trèo lên những ngôi mộ. Nay khu mả Tây không còn, nên trông cái ngõ như rộng ra.Gặp anh, nhận ra anh, ai cũng cất tiếng hỏi han thân mật, bù cho những tháng năm sống ở Mỹ hàng xóm lạnh lùng như người tình đang trong cơn hờn dỗi.

Căn nhà của anh được bao quanh bằng bức tường gạch thấp, phía trên cắm những hàng rào bằng sắt, và vẫn là hai cánh cổng sắt, nhưng không còn cây hoa giấy màu đỏ bên cạnh xòe cành lá và hoa đung đưa trong gío nữa.Chưa kịp tra chìa khóa mở cổng thì một bà hớn hở từ đâu bước vội đến:– Cậu Khoa mới về thăm nhà hả? Sống ở Mỹ vui lắm hả cậu?Khoa chưa kịp nhận ra ai cũng mỉm cười đáp lại:– Vâng, chào bác, sống ở đâu cũng có vui có buồn.– Có nhớ ra tôi không nào? Tôi ở đằng sau nhà cậu đấy…Khoa gật đầu:– À, bác tên Năm, làm nghề thêu, nên thành tên Năm Thêu chứ gì? Bây giờ bác còn sống bằng nghề thêu, rua gì không?– Theo nghề đó là chết đói luôn cậu ơi, thời buổi hiện đại, nghề thêu đan, may vá phải dẹp tiệm nhường cho sản xuất công nghiệp hàng loạt. Tôi chuyển “ngành” rồi, nấu cơm bán cho mấy em công nhân tạm trú ở xóm này, dân miền Trung, miền Bắc “di cư” vào, đói nghèo nên dễ tính, dễ chịu. Hàng cơm tôi cũng đủ sống qua ngày.Bà Năm Thêu đon đã mời mọc một hơi:– Cậu về đây bao lâu? khi nào đi chơi đâu ăn đó thì thôi, còn về nhà thì ăn cơm ủng hộ hàng tôi nghe? Tôi biết Việt Kiều thì chỉ ăn ở những nhà hàng nổi tiếng hay sang trọng, nhưng cậu thử ăn hàng tôi cho biết đá vàng, ăn bữa nào tính tiền bữa đó, đơn giản và sòng phẳng mà. Việt Kiều tôi sẽ nấu loại đồ ăn cao cấp tiêu chuẩn Việt Kiều, nhưng gía cả vẫn là tình làng nghĩa xóm.Khoa cảm động, khiêm nhường và hào hiệp:– Việt kiều mới là thèm những món ăn bình thường dân dã đó bác Năm Thêu. Nhiều người từ hải ngoại về Việt Nam chỉ để ăn cơm nhà rau dưa. Tôi đồng ý ăn cơm ủng hộ hàng bác, vì tôi sẽ ở Việt Nam khá lâu và thường xuyên ở nhà.Bà Năm Thêu còn nhiều chuyện, hỏi tới luôn:– Nghe nói cậu về bàn căn nhà này, phải hôn? Có gì tôi kiếm người “mai mối” cho mau lẹ…– Uả, sao bác biết tôi về Việt Nam để bán nhà?– Dễ ợt mà, mỗi lần ông chú của cậu đến quét dọn hay sửa sang nhà cửa tôi có nói chuyện và hỏi thăm về gia đình cậu hoài, nghe nói ở bển gia đình cậu ổn định, khá gỉa tôi cũng mừng giùm. Vừa rồi ông Tuyên nói là cậu sẽ về bán căn nhà này. Thế là ông Tuyên sẽ rảnh tay khỏi phải lò mò từ Bà Chiểu đạp xe xuống Gò Vấp để chăm sóc căn nhà vắng chủ nữa.– Dạ, đúng thế. Đáng lẽ tôi bán nhà trước khi xuất cảnh, nhưng để lại cho gia đình thằng em vợ chờ đi xuất cảnh sau. Nó dùng dằng mãi mới chịu đi nên giấy tờ bảo lãnh trễ hơn tôi mấy năm.– Nhờ vậy mà hưởng lời đó cậu. Đúng là số cậu trời cho hưởng mà, được gia đình vợ bảo lãnh đi Mỹ sung sướng mọi bề, ngay thời điểm này nhà cửa đang hút gía dữ dội lắm, căn nhà của cậu nằm trong khu đất rộng, có vườn cây, lại thuộc phạm vi thành phố nên khẳm tiền chứ không ít đâu.Khoa đùa vui:– Trời, bác Năm Thêu chuyển ngành nghề môi giới địa ốc, chắc sẽ thành công hơn nấu cơm tháng đấy.Bà Năm Thêu nhắc lại:– Thôi vậy nghen, chiều nay cậu ăn cơm nhà không? thì có cơm mang sang nhà cậu liền.Khoa nể lòng bà hàng xóm:– Vâng, chiều nay cho tôi mở hàng một bữa thử coi, nhớ là mấy món ăn nhà quê dân dã nhé. Tôi muốn ở nhà vài ngày, sống lại kỷ niệm rồi mới đi thăm bạn bè sau.Bà hàng xóm nhanh nhẩu tốt bụng đi rồi, Khoa mới thực sự bước vào nhà mình, hầu hết những đồ đạc của vợ chồng Khoa để lại, gia đình người em vợ vẫn giữ y nguyên, có lẽ vì họ nghĩ cũng sẽ đi xuất cảnh nên chẳng cần thay đổi hay mua sắm thêm đồ mới làm gì.Khoa ra vườn sau, khu vườn trồng nhiều cây mít và cây na, lá rụng quanh năm. Anh dẫm chân lên lớp lá khô tưởng như mùa lá cũ năm nào vẫn nằm ngoan hiền ở đây đợi anh về hội ngộ.Những cây mít đang treo đầy qủa, anh còn nhớ cây này là mít dừa, cây kia là mít nghệ, múi mít loại nào cũng to bằng cả nắm tay. Còn những cây na cũng có giống na dai, giống na bở. Na để chín cây, mắt na nở ra, nhẹ tay bóp qủa na, ăn những múi na trắng thơm, ngon ngọt lạ lùngTrong vườn có một cái giếng sâu và trong, cạnh đó là buồng tắm. Khoa sung sướng được sống lại qúa khứ, anh ra quay nước giếng đổ đầy thùng trong buồng tắm và mang những thứ xà bông, dầu gội đầu vào tắm gội, tưởng như mình vẫn đang sống ở Việt Nam của 6 năm về trước.Tắm xong Khoa vào nhà ngủ một giấc thoải mái, chưa tỉnh giấc hẳn thì đã nghe có tiếng gõ cửa rụt rè, Khoa vội ngồi dậy, vuốt sơ mái tóc và ra mở cửa, anh ngạc nhiên khi thấy một khuôn mặt xinh đẹp, một cô gái lạ, rất trẻ, đang khép nép bên ngoài. Trong phút giây này, khỏanh khắc này, anh bỗng nhớ đến bao năm về trước, Huyền cũng đã e ấp gõ cửa nhà anh, cho anh cảm xúc xao xuyến bất ngờ.– Dạ, em chào anh…Khoa bối rối:– Cô tìm ai? Cô có đi lầm nhà không?– Dạ, em tìm anh Khoa…má em sai em đến giao cơm chiều cho anh.Bây giờ Khoa mới để ý đến gỉo cơm trên tay cô gái. Thì ra lúc nãy anh vào nhà và quên không khóa cổng nên cô gái mới đến thẳng cửa nhà anh như thế này. Cô có đôi mắt to đen như nhung mang phảng phất nét buồn, làm người khác nhìn mà phải u uẩn theo. Dáng cô thon thon cao ráo, không lẽ cô là con gái bà Năm Thêu ? người đàn bà suốt một thời tuổi trẻ chăm chỉ ngồi bên khung vải thêu, rua, đến nghọeo cả cổ và gù cả lưng ?Thấy chủ nhà tần ngần chưa chịu tin, cô gái giới thiệu thêm về mình:– Anh không nhớ em thì thôi, nhưng để em kể ra nhé, ngày xưa em hay sang nhà anh bồng em bé và đút cơm cho con anh đó, em là bé Mốc.– Ôi, bé Mốc !!Khoa reo lên, thêm một lần nữa ngạc nhiên, anh nhớ ngay ra con bé Mốc nhếch nhác ngày xưa, bây giờ lại biến hóa thành cô gái đẹp xinh, duyên dáng y như trong chuyện cổ tích. Giây phút gặp gỡ đầu tiên vẻ đẹp của cô làm anh chóang váng, bây giờ định thần nhìn kỹ lại, đúng là cô gái có những nét hao hao bé Mốc. Mà sao ngày xưa anh ghét nó thế? chỉ sợ nó lây cái vẻ xấu và bẩn của nó sang cho con anh thôi, nhưng Huyền vợ anh vốn thương người, muốn giúp nhà bà Năm Thêu chứ thuê mướn người bồng em đầy rẫy trong xóm, thiếu gì người khá hơn nó.Cô gái thao thao kể tiếp:– Nhà em nghèo, má em đã đưa em sang nhà anh chị, coi em, bồng em để anh chị cho chút tiền, được đồng nào hay đồng đó. Năm đó em 13 tuổi.Khoa hỏi một câu ngẩn ngơ vì vẫn còn bối rối trước vẻ xinh đẹp của cô Mốc:– Nhưng sao em lại là bé Mốc nhỉ?– Má em nói hồi nhỏ em xấu xí, lại bẩn thỉu, mốc meo và ốm tong teo, bé xíu nên gọi em là bé Mốc chết tên luôn, còn tên thật của em không đẹp lắm, nhưng cũng…đỡ hơn. Em tên là Nguyễn thị Nâu.Khoa thành thật:– Dù bé Mốc ngày xưa hay cô Nâu ngày nay, cả hai tên đều lạ cả.Cô Nâu mang giỏ cơm vào nhà, cô nhẹ nhàng và cẩn thận lôi ra chén bát, đũa thìa và cơm canh nóng hổi để lên bàn rồi nói:– Mời anh dùng cơm kẻo nguội, má em nấu món dân quê theo ý anh, cần món gì anh cứ yêu cầu mỗi ngày nghe. Em về đây, lát nữa em sang thu dọn chén đũa.– Sao cơm bình dân mà bát chén kiểu sang vậy cô Nâu?Cô Nâu mỉm cười:– Anh không nghĩ ra hả? vì anh là Việt Kiều thì cũng phải lịch sự với anh chứ, mấy chén đũa này má em mới sắm riêng để phục vụ anh đó.Khoa cảm động ngẩn ngơ. Cô Nâu nói xong từ tốn cúi đầu chào và ra về, dù Khoa chỉ muốn cô ở lại nói chuyện, và dù có ăn cơm canh nguội lạnh anh cũng vui lòng.Bà Năm Thêu cho anh ăn cơm với món đọt rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt, và món tôm đất rim mặn. Qủa thật là ngon miệng..Ăn xong Khoa rửa tất cả chén bát sạch sẽ và đợi chờ cô Nâu đến.Cánh cổng ngoài vẫn chỉ khép để đợi cô vào tận cửa nhà, cô đến đúng hẹn, lần này cô lại thay cái áo khác. Thấy mọi thứ đã sạch sẽ sẵn sàng, cô Nâu không hài lòng:– Kìa anh, sao anh lại rửa ?, lần sau anh cứ để em làm cho, đó là việc của em mà.– Tôi rảnh cũng chẳng biết làm gì.– Việt Kiều như anh hiền qúa chừng, người ta về Việt Nam là tưng bừng hoa lá ngoài đường, ngoài qúan đó anh.Ngay từ đầu cô Nâu đã xưng hô “anh, em” nên Khoa cũng thoải mái, tự nhiên, dù ngày xưa con bé ranh này anh coi như đồ con nít.– Nay mai anh cũng sẽ đi thăm bạn bè, họ hàng chỉ có gia đình ông chú chứ chẳng còn ai.Lần này cô Nâu ngồi nói chuyện lâu hơn. Trong căn nhà vắng êm đềm cô gái như một bức tranh thiếu nữ rực rỡ bội phần làm tâm hồn đa cảm yếu đuối của Khoa bị choáng ngợp trước hào quang của cô Nâu.Cô kể nhà cô từ xưa đến giờ vẫn nghèo, cô bỏ học khi xong bậc tiểu học, làm đủ thứ nghề lao động, và bây giờ thì ở nhà phụ với mẹ nấu cơm, bán cơm trong xóm lao động này. Đôi mắt cô có lúc lóng lánh như muốn khóc, Khoa phải chạnh lòng:– Không ngờ hoàn cảnh em đáng thương thế.Khi cô Nâu đứng lên chào tạm biệt ra về, Khoa tiễn cô ra cửa, khỏang cách hai người rất gần, mùi hương thơm nào đó từ người cô làm anh thoáng ngây ngất. Đôi mắt cô nhìn anh giùng giằng và sâu thẳm:– Em về nhé. Mai anh có ăn cơm không?Khoa trả lời không cần suy nghĩ:– Coi như ngày nào anh cũng ăn cơm hai buổi, cho dù đi đâu anh cũng về ăn cơm…nhà.Cô Nâu ngoan ngoãn:– Dạ, em sẽ ngày hai buổi mang cơm phục vụ anh.Cô Nâu về rồi, nhưng hình ảnh bé Mốc ngày xưa lại lần lượt hiện ra.Dạo đó anh và Huyền ở trong căn nhà này, hai đứa con, đứa lên 4 và đứa lên 2. Vợ anh làm kế tóan tài chánh cho một công ty nước ngoài, còn anh là kỹ sư. Chiều đi làm về, mang hai đứa con từ nhà trẻ về, cả hai vợ chồng đều bận rộn nhiều chuyện khác. Thế là mới có chuyện con bé Mốc thỉnh thoảng sang nhà giữ em giùm để vợ anh nấu cơm, còn anh thì nghiên cứu đọc tài liệu bổ sung cho công việc đang làm tại hãng.Bé Mốc qủa đúng là con bé nhà nghèo, quần áo lôi thôi cũ kỹ, đầu tóc rối ren, mặt thì nhem nhuốc, thế mà hai con anh lại thích bé Mốc, nó bồng bế hay đút cơm, đút cháo hai đứa đều ăn nhiều, có lẽ vì bé Mốc cũng trẻ con, biết cách chiều trẻ con?Bé Mốc hay dẫn hai con anh ra chơi ở sân trước, chán lại ra vườn sau. Có lần anh thấy bé Mốc hái mấy dái mít non ở sau vườn chấm muối ớt ăn ngon lành. Tội nghiệp, con bé đói khát ăn rờ ăn rẫm, từ đó trở đi anh không còn ác cảm với nó nữa, cũng đồng tình với vợ anh để cho bé Mốc trông nom hai con khi vợ chồng anh bận bịu.Những hôm không trông hai con anh, bé Mốc chạy ra khu mả Tây chơi đùa với lũ trẻ cùng xóm, mấy lần Khoa trông thấy nó leo trèo, nghịch ngợm hay lê la đất cát bẩn thỉu từ đầu đến chân.Một buổi chiều anh ra vườn sau kéo nước giếng và tắm táp xong như thường lệ, vợ anh cũng đã xong công việc, chiều ấy Huyền thật xinh và tươi mát với bộ đồ mỏng mới may, làm Khoa bỗng dưng “thèm muốn”, anh kéo vợ vào phòng. Chợt trông thấy con bé Mốc bế em ở một góc nhà đang chăm chú nhìn theo vợ chồng anh, hình như nó hiểu chuyện và biết anh đang muốn gì?. Làm Khoa “quê”, liền bực mình gắt với nó:– Bế em ra vườn chơi đi, chốc nữa hãy vào nhà.Bé Mốc vội vã tay bế tay dắt hai đứa con anh ra vườn sau.Nghĩ đến đây Khoa cười thầm, không biết cô Nâu có còn nhớ chuyện xưa ? Bây giờ anh sẽ “quê” hơn ngày đó nữa.Từ ngày sang Mỹ, vợ anh trông coi một tiệm nail cho em gái mình, vì cô em có hai tiệm nail nên không thể ba đầu sáu tay qủan lý hết được. Cửa tiệm lâu năm, quen khách, đắt hàng nên cô em trả lương chị rất rộng rãi.Còn Khoa học nghề trung cấp kỹ thuật hai năm và ra đi làm. Nhưng mới bị lay off , đang ngồi nhà ăn tiền thất nghiệp.Gia đình thằng em vợ đến Mỹ mấy tháng nay, đúng là thời điểm thuận tiện cho Khoa về Việt Nam lo chuyện bán nhà cửa. Khoa về một mình vì Huyền bận 6 ngày một tuần với tiệm nail, không dứt ra được.Căn nhà nhờ ông Tuyên đứng tên và chăm sóc giùm, hàng tháng vợ chồng Khoa vẫn tế nhị gởi biếu ông chú tiền coi như trả công lao chú hậu hỉ.***Cô Nâu đã trở thành hình bóng thân quen không thể thiếu, mỗi ngày mấy lượt đến giao cơm và lấy đồ về, lần nào cô cũng kín đáo tránh cho hàng xóm biết cô đã ở lâu với người đàn ông trong căn nhà vắng.Hôm nào Khoa đi vắng về trễ thì anh hẹn mang cơm trễ, nên hầu như họ vẫn gặp nhau dù Khoa bận rộn đến đâu.Đã có vài người khách đến xem nhà và đang thương lượng gía cả, Khoa không ngờ bà Năm Thêu nói đúng qúa, người mua sẵn sàng trả gía cao, nhưng anh còn chần chừ xem ai trả cao nhất mới quyết định. Mọi giấy tờ hợp lệ có sẵn, và ông Tuyên cũng sẵn sàng để ký tên.Hôm nay Khoa về nhà hơi muộn, cô Nâu cũng vừa mang cơm đến. Dù đã ăn ở nhà bạn khá no, Khoa vẫn ăn cơm của cô Nâu cho cô vui lòng, và chính anh cũng muốn thế, để giữ chân cô. Nhiều ngày nay đã thân quen, cô ở lại đợi anh ăn cơm xong và dọn dẹp chén bát rửa ráy tại chỗ luôn. Họ đôi bóng như đôi vợ chồng son .Khoa ngắm cô Nâu đang đứng rửa bát, cô mặc bộ đồ bộ lụa mát màu xanh nước biển nhạt, hở vai và đôi cánh tay trần giống như Huyền ngày nào đã làm anh bừng dậy một niềm khao khát. Hôm nay anh gặp lại niềm khao khát ấy.Bất chợt cô Nâu quay đầu lại, nhìn nét mặt bần thần của anh, cô ngây thơ nũng nịu:– Anh nhìn trộm em và chê em gì hả? hả?Trong đôi mắt đen thăm thẳm của người con gái đầy vẻ bí hiểm và thông minh, có lẽ cô Nâu lại đọc được ý nghĩ trong đầu óc anh như khi cô chỉ là con bé Mốc 13 tuổi năm xưa.Anh bối rối chưa biết nói sao thì cô gái nũng nịu tiếp:– Bắt thền anh đó, anh nhìn em hoài làm em rửa chén không có sạch nè !!Anh như bị mê hoặc đến bên cô Nâu và vòng tay ôm lấy đôi vai tròn của cô:– Anh đền em đây…Toàn thân cô gái tựa vào người anh, làm người anh nóng bừng lên, anh xiết chặt thân thể mềm mại của cô Nâu trong vòng tay của mình, thì thầm:– Anh yêu em qúa Nâu ơi…– Em cũng yêu anh…Cô bạo dạn thêm:– Em yêu anh từ hồi em còn là bé Mốc lận, anh không biết đâu, mỗi lần anh tắm em đều lẩn quẩn ở ngoài vườn, chỉ để ngửi mùi xà bông rất thơm tho của anh…Cô áp mặt, dụi dụi vào ngực áo anh rồi hỏi:– Sao bây giờ anh xài mùi xà bông khác ? em không thấy giống mùi cũ nữa…Khoa càng mê man:– Em yêu anh đến thế ư? Em nhớ cả mùi xà bông tắm của anh ư? Ừ, ngày xưa anh dùng xà bông Coast, qùa từ bên Mỹ gởi về, anh thích mùi ấy lắm, nhưng bây giờ anh qua Mỹ thì không còn xà bông hiệu này nữa, nên anh dùng loại khác.– Có lần anh tắm xong, anh rủ chị Huyền vào phòng, em buồn lắm, em ganh với chị Huyền vì đã có anh.– Trời ơi, em còn nhớ vụ ấy hả? Anh xin lỗi Nâu, hôm nay anh sẽ đền cho Nâu ….Người Khoa như lên cơn sốt, quay cuồng, tối tăm mặt mũi, anh không biết gì đến trời đất bên ngoài. Chỉ có cô Nâu xinh đẹp và quyến rũ tuyệt vời trong căn nhà vắng đồng lõa, đồng tình.Chiếm được thân thể cô Nâu với tình yêu đáp trả nhiệt tình của cô, Khoa bỗng là một chàng trai mới lớn đang yêu và si tình, ngày nào anh cũng mong chờ cô Nâu. Cách đây 6 năm làm sao Khoa có thể nghĩ sau này mình sẽ yêu con bé Mốc đến thế này?Cánh cổng sắt ngôi nhà mở đón cô vào, và khép chặt để không bị ai làm phiền, ngoại trừ những lần có hẹn cho người môi giới dẫn khách đến coi nhà.Anh yêu Nâu thật rồi hay chỉ là một cơn choáng ? anh chẳng tha thiết gì đến chuyện trở về Mỹ với vợ con. Khoa còn đang như một cánh buồm lênh đênh trên biển.“ Anh chỉ là một cánh buồm tuyệt vọng,
Giữa biển khơi không biết rẽ lối nào?
Ở nơi đâu cũng là em, là sóng,
Vỗ vào đời anh hạnh phúc, thương đau”
yêu đã làm anh lãng mạn, anh làm 4 câu thơ ấy, đọc cho cô Nâu nghe, không biết cô Nâu có hiểu thơ không mà cô đã khóc trong lòng anh.Khoa buồn bã và thành thật khuyên cô:
– Dù muốn dù không anh cũng phải về Mỹ. Anh yêu em, nhưng không thể bỏ vợ con được. Em hãy quên anh đi Nâu nhé ?.
Cô Nâu trả lời trong nước mắt:
– Em chỉ lấy người đàn ông nào giống hệt như anh thôi, hoặc là em sẽ đợi chờ anh về Việt Nam thăm em, làm người vợ không bao giờ cưới của anh, giống như một tuồng cải lương cũ má con em hay coi…
– Tội em qúa ! mấy kiếp nữa anh cũng không đủ trả nợ tình cho em.
Khoa đã đồng ý bán nhà, vì không còn thời gian chần chờ thêm nữa. Khách hẹn sẽ đến coi lần cuối trước khi chồng tiền và tiến hành thủ tục giấy tờ. Những ngày hiếm hoi còn lại anh càng say sưa yêu cuồng yêu vội cô Nâu hơn nữa. Nhưng chiều nay người giao cơm không phải là cô Nâu mà là mẹ cô, bà Năm Thêu, làm Khoa thất vọng và ngạc nhiên. Bà Năm Thêu theo Khoa vào trong nhà, tự động ngồi xuống ghế và lên tiếng trước:
– Tôi biểu con Nâu ở nhà để tôi sang nói chuyện với cậu.
Linh tính báo cho Khoa biết một điều gì đó không hay đang xảy ra cho Nâu và cho anh. Bà Năm Thêu nhìn thẳng vào mặt Khoa và tiếp như quan tòa lên án:
– Tôi đã biết chuyện tằng tịu giữa cậu và con Nâu nhà tôi. Bây giờ cậu tính sao?
Biết không thể chối cãi được, Khoa đành buông xuôi:
– Tôi trót yêu Nâu, yêu rất nhiều bác biết không?
– Nhưng cậu cũng phải tính sao chứ, không lẽ cậu hưởng con nhỏ cho đã đời rồi khơi khơi về Mỹ với vợ con cậu như không có chuyện gì xảy ra?
Khoa khổ sở:
– Tôi cũng không biết mình phải làm gì nữa, thật tình tôi đau buồn khi chia tay Nâu.
Bà Năm Thêu đanh thép:
– Cậu phải cưới nó, giữ danh dự đời con gái cho nó.
Khoa hoảng hốt:
– Bác Năm Thêu biết tôi còn vợ, còn con mà…
Giơ cao đánh khẽ, bà Năm Thêu xuống giọng tử tế:
– Thôi, không ai nỡ làm gia đình cậu xào xáo ly tan, nhưng cậu phải đền bù đời con gái con tôi cho xứng đáng, cậu giúp nó một số tiền làm vốn, làm lại cuộc đời. Tôi sẽ bỏ qua chuyện này.
Khoa cũng đã nghĩ tới điều này, vì tình yêu anh dành cho cô Nâu chứ không phải vì bị cưỡng bức, đòi hỏi như bây giờ, nên Khoa đồng ý ngay:
– Điều này tôi có thể làm được, tôi cũng muốn giúp Nâu có cuộc sống khá hơn.
Bà Năm Thêu đòi hỏi huỵch toẹt:
– Cụ thể tôi đề nghị cậu cho nó 10 ngàn đô la Mỹ.
– Mười ngàn đô la Mỹ?
Thấy phản ứng của Khoa sửng sốt ngạc nhiên và không hài lòng bà Năm Thêu giáng một đòn đe dọa:
– Nếu cậu muốn trong ấm ngoài êm, chuyện tình của cậu và con Nâu hàng xóm láng giềng chưa ai hay biết đâu. Tôi thề sẽ giữ kín, cậu mới bán nhà được gía qúa mà, tiếc chi món tiền này.
Mười ngàn đô la là số tiền không nhỏ, ngoài dự tính của Khoa, nhưng tội anh to lớn qúa, làm hại đời con gái trinh trắng của cô Nâu, và anh cần bảo vệ hạnh phúc gia đình, với gía ấy vẫn còn rẻ.
Khoa ngẫm nghĩ và đồng ý. Cũng may anh chưa gọi phôn báo cho vợ về gía cả căn nhà mà anh vừa quyết định bán, nên anh có thể thêm đầu này bớt đầu kia cho hợp lý và Huyền sẽ tin, miễn là bán xong căn nhà cho rảnh tay.
***
Khoa về Mỹ, lại lao vào cuộc sống hàng ngày. Một năm trôi qua, tình yêu nóng bỏng dành cho cô Nâu qủa là một cơn chóang, đã vơi dần theo ngày tháng vì xa mặt cách lòng. Khi lạc vào biển yêu trong hoàn cảnh trái ngang ai cũng chỉ là cánh buồm tuyệt vọng, ngẩn ngơ. Bây giờ tỉnh người ra anh mới thấy mình hư qúa, vô tình đã phản bội vợ và hại đời con gái của cô Nâu. Anh thấy lòng tạm thanh thản, với 10 ngàn đô la, có thể đã giúp cô Nâu hay gia đình cô thay đổi cuộc sống khá hơn với một ngành nghề nào đó. Anh chỉ cầu mong cô Nâu sẽ gặp được người đàn ông giống anh, cho cô yêu và lấy làm chồng thì anh mới thật sự yên tâm.
Một hôm Huyền hỏi chồng:
– Anh có nhớ nhà bà Năm Thêu ở phía sau nhà mình ngày xưa không?
Khoa giật bắn người, tim anh đập thình thịch chỉ sợ nghe vợ nói ra những điều tội lỗi thầm kín của anh, nhưng Huyền vẫn vô tư kể tiếp:
– Bà Năm Thêu má bé Mốc, con bé ngày xưa bế con mình đó, nhớ ra chưa?
Khoa dè dặt:
– Biết rồi, sao?
– Chị bạn cùng xóm mới về Việt Nam qua kể lại là năm rồi nhà bà Năm Thêu trúng mối gì không biết, bỗng khá gỉa lắm, có tiền sắm ti vi, xe gắn máy và đồ đạc trong nhà. Nhưng sắm bao nhiêu bà lần hồi bán bấy nhiêu vì bài bạc và số đề…
Khoa buột miệng:
– Tội nghiệp qúa !
Vợ anh chép miệng theo:
– Chưa tội nghiệp bằng con Mốc, tên nó là Nâu, bây giờ người ta đồn nó bị bệnh Aids rồi, nên hàng cơm bà Năm Thêu bị ế ẩm, không ai dám ăn, cảnh nhà càng khốn khổ.
– Trời ơi ! cô Nâu bị..bị…?
Vợ anh lập lại:
– Bị bệnh Aids, tội con bé qúa hở anh? Bé Mốc hồi mới lớn, mới trổ mã đã đi bán bia ôm, làm gái rồi, nhưng kiếm tiền sao cho xuể với người mẹ ham mê bài bạc quanh năm suốt tháng. Trước sau gì cũng đi đến bước đường cùng này thôi.
Trong lời nói và cử chỉ của vợ, Khoa tin là Huyền không hề hay biết gì chuyện tình cảm của anh và cô Nâu. Bà Năm Thêu dù là người tệ hại thế nào, ít ra cũng biết giữ lời hứa, không xì ra chuyện anh đã ngủ với con gái bà, mà nói ra thì mẹ con bà cũng mang tiếng xấu chứ hay ho gì. Có lẽ đó mới là cái “tình làng nghĩa xóm” của bà, mà anh mong muốn nhất. Bây giờ Khoa đã hiểu vì sao bà Năm Thêu đon đã hỏi thăm anh, mời anh ăn cơm hàng nhà bà và gài độ cho cô Nâu, đứa con gái đã từng bán thân nuôi miệng, nuôi cả gia đình, đến với anh, như một đứa con gái trong trắng con nhà nghèo hiền lành, để anh lọt vào cạm bẫy tình yêu của mẹ con cô. Bây giờ anh cũng hiểu con bé Mốc thuở lên 13, không hề là đứa trẻ ngây thơ, nó đã tinh ranh, biết rình rập khi anh tắm và khi vợ chồng anh vào phòng ngủ. Thảo nào khi hai người gần gũi, cô Nâu đã tỏ ra rất nhiệt tình, biết cách làm cho anh thêm say đắm. Suốt mấy tuần lễ cô Nâu mang cơm cho anh, cô đã đóng vai kịch con nhà nghèo, ngây thơ, thật xuất sắc, qua mặt thằng đàn ông thật thà và nhiều tình cảm như anh dễ dàng. Những giọt nước mắt, những lời thổn thức yêu đương của cô dành cho anh, có lẽ cô cũng từng dành cho nhiều người đàn ông khác để làm họ hồn xiêu phách tán. Đó là nghề của cô.
Khoa thấp thỏm lo âu lén vợ đi thử máu, xem có dương tính HIV không, có bị lây nhiễm từ cô Nâu không? mặc dù một năm qua anh không thấy có dấu hiệu gì khác lạ cho sức khỏe. Kết qủa thử máu làm anh sung sướng như vừa được cứu sống từ cõi chết, anh bình thường không hề bị HIV. Có thể cô Nâu bị bệnh HIV nhưng may mắn cho anh đã không bị lây nhiễm? hoặc có thể sau khi chia tay anh cô Nâu mới bị bệnh HIV, khi cô giao tiếp với những người đàn ông khác? Thôi, dù vì lý do gì anh cũng hãy cảm tạ thượng đế đã che chở cho anh an toàn sau một cơn sốt tình mê dại. Anh đã trả gía cho cơn sốt tình ấy 10 ngàn đô la, qúa đắt so với “gía cả” bình thường của cô Nâu “đi” với những người đàn ông khác, và suýt nữa bằng cả sinh mạng của anh và vợ anh, cũng như tương lai của hai con sẽ ảnh hưởng không biết tai hại đến chừng nào.

Nguyễn Thị Thanh Dương


Đừng yêu người làm thơ

Đợi cho Quang ra khỏi nhà là mẹ tôi nói ngay:
- Anh Quang này trông đứng đắn đàng hoàng đấy, vậy con liệu mà bảo nó tính đến chuyện hỏi cưới đi.
Tôi đáp với lòng hãnh diện:
- Sớm muộn gì anh ấy cũng phải lên tiếng thôi, con việc gì phải bảo người ta cho nó mất giá trị !
- Mẹ thấy mấy đám trước cũng tử tế như thế này, cứ kéo dài hò hẹn, tìm hiểu mãi rồi ai cũng rút lui, chẳng hiểu họ chê con vì điểm gì? nên lần này con phải chủ động giục cưới cho chắc ăn, kẻo lại thêm một mối tình lỡ.
- Mẹ yên tâm, đây sẽ là mối tình cuối cùng của đời con.
Mẹ tôi cũng không quá lo xa đâu, có nhiều mối tình đến với tôi, nồng nàn tha thiết bao nhiêu nhưng vẫn không đi đến kết quả tốt đẹp. Mẹ tôi bảo tại tôi lãng mạn quá, trái tim dễ rung động quá, nên yêu nhiều mà chẳng được bao nhiêu, yêu chưa đúng người.
Tôi đã biết yêu từ năm 12 tuổi, hồi đó ở Việt Nam vẫn còn là tuổi của ngây thơ khờ dại. Tôi rất thích ăn mì của cái tiệm ở đầu đường nhà tôi do một người Hoa làm chủ, đứng nấu mì là một anh ba Tàu trẻ, thường thì mẹ dẫn tôi đi hay có khi tôi thèm thì xin tiền mẹ chạy đến tiệm ăn một mình. Dù đi với mẹ hay không, tôi đều thích đứng cạnh xe mì để nhìn ngắm anh Tàu trổ tài nấu mì, anh để một vắt mì vào thùng nước sôi và nhanh chóng vớt lên bằng một cái vợt lưới, bàn tay anh thao tác nhuần nhuyễn, hất tung vắt mì lên vài lần cho ráo nước và sau cùng hất vào tô, bao giờ cũng chính xác, không rớt ra ngoài. Xong anh bày lên những miếng thịt heo nạc thái mỏng còn viền màu đỏ vì đã được ướp xá xíu, một thìa tóp mỡ thái hột lựu, và một thìa củ cải mặn cũng thái hột lựu, rồi mới đến những cọng hẹ cắt khúc ngắn. Anh mở nắp vung thùng nước lèo, cả một mùi thơm bát ngát theo hơi khói bay ra, thuở đó trong mắt tôi thùng nước lèo to, sâu thẳm ấy là một công trình vĩ đại và kỳ bí như trò ảo thuật, vì chẳng biết anh Tàu nấu bằng xương thịt gì, bí quyết gì mà nước lèo thơm ngon thế ? Có bao giờ tôi ăn tô mì mà chẳng húp hết nước sạch sẽ đâu!
Khi thì anh Tàu bê tô mì ra bàn cho tôi, khi anh bận thì tôi tự làm lấy vui vẻ. Tôi thích ăn mì và yêu cả anh Tàu nấu mì, không biết vì anh trẻ đẹp trai vui tính hay vì anh là người đã nấu cho tôi những tô mì ngon ?
Tôi đến tiệm mì thường xuyên đến nỗi anh Tàu nhớ mặt tôi, có lần anh vừa vung vẩy biểu diễn hất vắt mì vào tô vừa cười cười với tôi : “ Hày, con nhỏ này là khách quen của bổn tiệm mà, để tao cho mày thêm vài miếng thịt”.
Hôm ấy tôi ăn tô mì đặc biệt nhiều thịt, vừa sung sướng vì anh nhớ đến tôi, vừa buồn buồn vì anh gọi tôi bằng “mày” và xưng “tao”. Anh Tàu chẳng biết rằng con bé ranh này đang yêu anh, hôm nào không có tiền ăn mì, đi học về qua tiệm tôi đi chậm lại một chút để nhìn thấy anh rồi mới chịu đi nhanh về nhà, tương tư anh nên tôi đã nói với mẹ: “Lớn lên con sẽ lấy anh Tàu bán mì“.
Mối tình đơn phương đầu đời có liên quan đến vấn đề ăn uống ấy chỉ tồn tại được một hai năm, không phải vì có vài lần tôi thấy vợ anh đứng nấu mì thay cho anh, là một chị mập ú, luôn luôn mặc áo sát nách để hở hai cánh tay béo mỡ, vừa nấu mì vừa xổ một tràng tiếng Tàu với hai đứa con nhỏ đang luẩn quẩn bên cạnh, mà vì càng lớn tôi càng có nhiều sở thích khác ngoài ăn mì. Tôi thích đọc sách báo, thơ truyện, tôi biết tưởng tượng đến một người yêu thanh tao gấp mấy chục lần anh Tàu của tôi thuở tôi 12 tuổi.
Năm tôi học lớp 11, đã có vài bài thơ đăng báo nên cả lớp “nể mặt” và đồng loạt bầu tôi làm Trưởng ban báo chí của lớp, sau khi tôi đi họp để bầu Trưởng ban báo chí của toàn trường, tôi phải đứng trước lớp báo cáo lại kết quả buổi họp đó. Tôi đâu có tài ăn nói trước đám đông, trong khi bao nhiêu con mắt đang đổ dồn vào tôi, làm tôi bối rối thì ít mà thằng lớp trưởng đứng bên cạnh làm tôi bối rối thì nhiều, vì tôi yêu và nể nó, tính tình nó hiền lành, ăn nói lưu loát và có tài lãnh đạo. Tôi lí nhí kể lại buổi họp cho thằng lớp trưởng, khi một người ngồi dưới hỏi chị trưởng ban báo chí lớp ơi ! đã bầu xong trưởng ban báo chí toàn trường chưa? Thì thằng trưởng lớp dõng dạc trả lời giùm tôi “Chị cho biết là chưa có bầu”. Cả lớp cười ồ lên còn tôi thì đỏ mặt. Lớp trưởng vội vàng sửa lại, nói đầy đủ hơn: “Chị cho biết là chưa có… bầu trưởng ban báo chí toàn trường”.
Tình yêu là một trò chơi quanh quẩn, trong khi tôi yêu thầm thằng lớp trưởng, nó chẳng thèm để ý đến tôi, (bụt nhà không thiêng?) thì một thằng bên lớp 12 lại trồng cây si tôi mê mệt, luôn luôn tôi thấy có cặp mắt nào đó đang nhìn mình, những lúc tôi đang ăn chè đá đậu hay chấm mút trái cóc chua ngọt với muối ớt trước cổng trường đều bị nó bám sát không rời, làm tôi phải nhịn thèm các món đó luôn vì mắc cở, cho đến cuối năm đó nó rời khỏi trường tôi mới được tự do ăn uống trở lại. Lá thư tỏ tình nó gởi tôi do một đứa bạn cùng lớp đưa lại chẳng bao giờ tôi trả lời vì tôi không yêu nó. Sau 1975 nó đi vượt biên với vợ con và mất tích ngoài biển khơi.
Tôi nghĩ đời tôi có hai cái mai, nếu mối tình với anh ba Tàu mà thành sự thật thì bây giờ tôi đã là chị ba Tàu, chắc cũng mặc áo sát nách đứng nấu mì thay cho chồng và quát tháo lũ con om sòm bằng tiếng Tàu rồi ! hoặc nếu tôi lấy anh chàng lớp 12 si tình kia thì giờ này tôi cũng mất tiêu trên biển với nó rồi !
Cho đến năm tôi 20 tuổi, trước khi đi định cư ở Mỹ thì trong tâm hồn tôi đã có một đống những người tình lý tưởng lấy ra từ trong tiểu thuyết và phim ảnh, Rhett Butler của “Gone With The Wind”, Zhivago của “Dr. Zhivago”, hay ông linh mục Ralph của “The Thorn Birds” hay “chú” Sách tử tế và bao dung yêu vợ trong “Tình nghĩa vợ chồng” của Leon Tolstoi do Bảo Sơn dịch v.v… Tôi từng bị tiếng sét ái tình với người trong phim truyện, thì với người đời bằng xương bằng thịt là lẽ đương nhiên, nhưng dù sét đánh dữ dội thế nào tôi cũng không bao giờ chết, yêu nhanh và quên cũng nhanh. Mẹ tôi bảo tính tôi lãng mạn, mê làm thơ, mê đọc thơ nhiều quá rồi nó vận vào người, toàn là những mộng mơ ảo tưởng ! Đã hơn 30 tuổi rồi mà vẫn chưa “tỉnh” người ra để kiếm một tấm chồng, để sinh con đẻ cái như người ta. Tôi chống chế, thời buổi này người ta lập gia đình trễ sau khi đã có công danh sự nghiệp. Mẹ tôi lẩm bẩm, nhưng con không bận học hành, không làm ăn buôn bán, chỉ đi làm hãng xưởng thì sự nghiệp gì mà chờ đợi cho nó già cả người hở con?
Ba mươi mấy tuổi ! chưa già, nhưng cũng không còn trẻ ! Tôi không “nhìn lên trời” để tìm Rhett Butler hay Dr. Zhivago nữa, mà đã hạ tiêu chuẩn, tìm nhũng người thường xung quanh tôi, lần này tôi sẽ không để mất Quang vì tôi yêu anh và anh cũng yêu tôi như thế.

Đã mấy tuần trôi qua, chẳng hiểu sao Quang không liên lạc với tôi, cell phone và e-mail đều im lặng. Lạ quá ! những tín hiệu tôi gởi đi nhưng anh vẫn không hồi đáp.
Một người bạn thân của tôi báo cho tôi một tin không thể tin nổi là Quang đang quen với một người con gái khác, tôi cười khỉnh vào mặt bạn tôi rằng, đó là tin đồn thất thiệt, mày phải nhớ là Quang yêu tao như thế nào! chiều chuộng từng sở thích của tao như thế nào ! và nhất là Quang yêu thơ của tao nũa ! Anh tìm đâu ra một người yêu vừa lãng mạn vừa biết làm thơ ? người nào mà lấy tao thì cuộc đời sẽ đẹp như thơ.
Tôi bỗng nhận được lá thư của Quang gởi từ bưu điện. Chẳng hiểu sao E-mail tiện lợi, anh không dùng, hay anh muốn cứu giúp ngành bưu điện đang ế ẩm, để các mailman có việc làm ?
Thái độ im lặng thật lâu đã lạ, cách liên lạc của anh càng lạ hơn làm tôi hồi hộp khi bóc thư ra, nhưng tôi vẫn tin rằng đó là một lá thư dài tràn đầy lời thương nhớ và tới tấp xin lỗi em yêu ! Tôi trải tờ thư phẳng phiu ra và khoan khoái đọc:
Thương gởi em ! (biết ngay mà, tôi nghĩ )
Suốt mấy tuần qua, anh đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết lá thư này. Anh phải viết bằng thư tay để em đọc xong và suy ngẫm, chứ gởi qua e-mail coi chừng em delete mất !
Em ơi, chúng mình đã yêu nhau hơn một năm trời, đã bao lần hò hẹn, gặp gỡ tìm hiểu nhau, đủ để đi đến một quyết định… (đọc đến đây tôi nhắm mắt lại, thở phào một cái sung sướng trước khi đọc tiếp lời cầu hôn năn nỉ của anh ta)…
Anh nhận thấy một điều rất rõ ràng là : Anh không thể lấy em ! Có nghĩa là chúng mình sẽ chia tay từ đây ! Vì em lãng mạn quá, em như sống ở trên mây, anh đã cố gắng chiều chuộng em, nhưng thà chiều chuộng một đứa trẻ, khi nó lớn lên một chút là thôi, còn chiều chuộng những đứa làm thơ như em thì phải cả đời.
Em đâu có biết, anh đã mệt mỏi căng thẳng biết bao để chiều lòng em ! Nừa đêm anh đang ngủ ngon để mai đi làm sớm thì em gọi cell phone đánh thức anh dậy để… khoe một câu thơ vừa hiện ra trong đầu, em đọc cho anh nghe, anh mắt nhắm mắt mở chỉ thèm ngủ chứ đâu có thèm nghe thơ, dù hay cỡ nào cũng không thành vấn đề đối với anh trong lúc này. Vậy mà anh phải khen hay, nhưng em không tin, còn bắt anh phân tích hay ở chỗ nào? Anh đành làm nhà phê bình văn học thơ em cho tới sáng, cho tới giờ đi làm. Anh không lạng quạng lái xe đụng người ta trên highway đầy nghẹt xe là may phước cho nhà anh rồi.
Những lúc hai đứa mình đi chơi, anh đang lái xe đến một địa điểm nào đó đã định trước, thì em chỉ huy anh phải quẹo hết con đường này đến con đường khác, mặc dù em không biết nó về nơi đâu ! Nhưng đó là những con đường có hàng cây đẹp làm em mơ mộng, nổi máu muốn làm thơ.
Cái hôm mình đi ăn đám cưới một người bạn, em còn nhớ không? Chỉ vì anh đi theo những con đường thơ mộng đó theo bất chợt cảm hứng của em, mà đến trễ 3 tiếng đồng hồ, vượt hẳn kỷ lục đi trễ của người Việt Nam mình khá xa !

Yêu em nên anh ráng hy sinh, nhưng chuyện chiều chuộng em cuối cùng vừa rồi thì anh chịu hết nổi, và em có còn nhớ không? Đó là một buổi chiều Chủ Nhật, ngày vui của Weekend đã tàn, ai cũng cần nghỉ ngơi để thứ Hai đi làm, trời lại đang gió mưa, thật ấm cúng khi được ngồi ở nhà ăn bữa cơm chiều, hay xem tivi, đọc báo… thì em phone cho anh, đến gặp em gấp. Anh vội vàng thay đồ đến nhà em, tưởng em đang gặp chuyện gì khó khăn, cần có anh giúp một tay. Thì ra em rủ anh đi dạo phố chiều mưa với em cho …. vui, cho romantic. Em ơi, lúc đó mẹ anh mà bị bệnh, kêu anh ra chợ mua cho bà hộp thuốc, chưa chắc gì anh muốn đi, nhưng vì yêu em, thấy em phấn khởi , thích thú quá, anh đành chiều.
Trời mưa rả rích, gió lạnh từng cơn, trên con đường lá rụng ướt đẫm nước mưa, anh cầm dù che cho em là chính, còn anh hứng toàn bộ cơn mưa, ngày xưa còn bé, anh khoái tắm mưa, còn hôm đó anh tắm mưa bất đắc dĩ, mưa ướt anh từ đầu đến chân, người anh run lên vì lạnh, nhưng anh không dám kêu ca, để tôn trọng tâm hồn thi sĩ của em, để cho em hoàn tất được ý thơ cho bài “Hai đứa đi trong chiều mưa gió”.
Khi bài thơ ấy được đăng báo, may ra có một vài người cảm động vì thơ em, nhưng anh phải đánh đổi với cái giá rất đắt, suýt nữa bằng cả một sinh mạng ! Anh về nhà, tối hôm đó bị cảm lạnh, lên cơn sốt cao hừng hực, mẹ anh biết chuyện vừa xót xa thương con vừa tức giận, mắng anh là thằng ngu ! Nó đã dở hơi mà mày cũng dở hơi theo nó đi trong mưa như thế à ? Tao nói cho mày biết nhé, dù con dở hơi ấy có giàu, có đẹp đến đâu cũng không bao giờ tao muốn nó về làm dâu nhà này (Anh xin thề đây là nguyên văn lời của mẹ anh, chứ anh không nỡ gọi em là “con dở hơi”, cho dù anh thấy điều ấy cũng… không sai).
Hôm sau anh phải nghỉ làm, đi Bác sĩ và nằm nhà suốt tuần.
Em, một người làm thơ, có tâm hồn nhạy cảm vô song, một chút nắng đổi màu, một cơn gió xao xác chuyển mùa, hoa lá kia đang nở hay héo tàn… em biết ngay, em sản suất ra thơ ngay. Nhưng anh nằm ốm bệnh lu bù ở nhà thì em không biết, em chẳng đoán ra, chỉ gởi những lời nhắn khơi khơi trên e-mail hay cell phone là “Gọi lại cho em gấp ! Đến nhà em gấp !”

Em không hề thắc mắc là vì sao anh vắng mặt, vì sao anh im lặng, mà chỉ ra lệnh cho anh đến với em.
Sau trận ốm suýt chết oan đó, đọc thấy lời nhắn của em, anh sợ quá, sợ em lại rủ anh đi trong một cơn mưa gió cho một bài thơ khác sắp hiện ra trong đầu em, hay bắt anh chở đi lòng vòng khắp các nẻo phố phường có hàng cây lá đẹp, đến chóng cả mặt, và tốn cả xăng, thời buổi kinh tế khó khăn, giá dầu thô lên 82 đồng một thùng, em biết chưa ?

Nhờ trận ốm đó, anh đã tìm ra một chân lý là “Đừng yêu người làm thơ”, những đứa làm thơ như em, chỉ làm thiệt hại đến người khác, chỉ nương tựa vào người khác. Anh đến nhà em, lần nào cũng thấy mẹ em đang nấu cơm, chưa bao giờ anh thấy em đứng trong bếp, dù chỉ để cắt một cọng hành ! Anh dám chắc là trong đời em chưa bao giờ biết luộc rau muống, chứ đừng nói tới các món cầu kỳ khác ! Thế mà đã mấy lần em mời anh đến nhà ăn cơm chiều, em tự hào khoe, mẹ em kho cá, mẹ em nướng thịt ngon lắm, hay bất cứ món gì khác, mẹ em đều nấu ngon hết.
Em ơi, nếu anh lấy em, ai sẽ nấu cơm cho anh ăn? Nên anh đã tưởng tượng ra thảm cảnh tương lai, anh sẽ phải làm bếp và nếu có con anh sẽ kiêm luôn phần trông con, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, để cho em rảnh tay làm thơ. Vì thế, anh quyết định chia tay em để quen với người khác, một con người thực tế 100 % , không biết làm thơ gì cả ! Chẳng sao, anh mở báo, mở net ra, có cả đống nhà thơ cho anh đọc, cần gì phải cưới một nhà thơ về để phải chiều nó cho mệt cuộc đời? Còn người vợ thực tế của anh sẽ biết đi chợ, sẽ biết lo cho anh miếng ăn, giấc ngủ.
Anh may mắn thoát khỏi tay em, nhưng anh chưa yên tâm đâu, sau này anh sẽ để di chúc truyền đời cho các con, các cháu anh để cho chúng biết mà tránh xa “Đừng yêu người làm thơ”.
Hôn em lần cuối.

Tái bút : Dù sao anh cũng luôn cầu mong em sớm kiếm được một người khác để thay anh dìu em đi trong mưa cho những bài thơ sắp tới của em. (anh tin rằng cuộc đời này lúc nào cũng có sẵn những thằng ngu như anh).

Đọc xong lá thư tôi vừa tức vừa đau khổ, yêu tôi được lãng mạn thế, anh không happy thì thôi, mà còn kết tội tôi và chấm dứt mối tình đang tha thiết. Tôi vùi đầu trong chăn, trong gối, để mặc cho nước mắt tuôn rơi và cõi lòng tan nát.
Nhưng tôi chợt vùng dậy, chạy ra lấy giấy bút ghi vội một đề tài, một câu thơ vừa xuất hiện trong đầu, vì trong đau khổ hồn thơ bỗng lai láng, nên dù buồn đứt ruột vẫn có xen lẫn một chút vui thú vì câu thơ vừa ý. Nay mai tôi sẽ có bài thơ đăng báo là “Hai đứa chia tay trong chiều mưa gió” Và nếu đúng như lời Quang đã nói trong thư, tôi lại chờ đợi một anh chàng ngu ngơ, lù khù nào đó sẽ đi vào đời tôi, để tha hồ mộng mơ tiếp, và hi vọng lần này sẽ… kiếm được một tấm chồng đồng điệu, biết yêu người làm thơ.

Nguyễn thị Thanh Dương

http://sangtao.org

http://phusaonline.free.com