banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thư gửi ông Vũ Lưu Xuân

Nguyễn thị Thảo An

Đầu thư, xin nói ngay một điều. Xưa nay, tôi vốn ghét những trận bút chiến. Hầu hết kết quả của những trận bút chiến đều không đi tới đâu cả. Thay vì biện luận để tìm ra cái đúng, cái sai, họ lại cố tranh thắng cho bằng được, rồi ảo tưởng rằng cái thắng là cái đúng.
Tranh luận hay bút chiến chỉ tổ mất thời giờ, vô ích.

Ông Vũ Lưu Xuân là ai, tôi không biết.
Ấy vậy mà hôm nay tôi phải ngồi đây để viết mấy dòng này trả lời thư ông gửi đăng trên trang mạng của ĐHSP SG.

Bắt đầu bằng hai bức email tôi gửi cho ông NAK nêu một vài ý kiến về thơ TTY. Đây là thư riêng, nhưng ông NAK xin phép chia sẻ với một số bạn thân. Tôi đồng ý, và vì chỉ mới phác thảo ý kiến sơ khởi có nhắc chỉ giới hạn trong vài bạn thân mà thôi, không phổ biến rộng. Không ngờ, nó lại được đăng trên mạng ĐHSPSG. Đăng với dạng một bài viết chứ không phải dạng email nguyên thủy. Và cái tựa “Nghĩ về...” cũng không phải của tôi, vì email nguyên thủy không có tựa. Phần cuối cũng thiếu một đoạn.

Email đăng hồi nào tôi không hay. Mấy ngày trước ông NAK có gửi tôi bài viết “Xin trả lời cô Thảo An” của ông Vũ Lưu Xuân đăng trên mạng.
Email là thư riêng, có thể sử dụng như chứng cứ chứ không thể đem ra phê phán. Đây là sự vi phạm đời tư người khác.
Bài “Xin trả lời... “ của ông Vũ Lưu Xuân không hẳn là thư mà đúng ra là một phiên tòa trên giấy. Nó na ná như phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ, xử Điếu Cày, xử nhà giáo Đinh Đăng Định, và những người biểu tình chống TQ. Ông Cù Huy Hà Vũ phê bình sai lầm của Đảng. Ra tòa, người ta không luận bàn những điều ông chỉ trích đúng hay sai, họ chỉ suy xét hậu quả của sự chỉ trích đó. Nó có thể làm sụp đổ chế độ. Vì thế, họ kết án ông tội tuyên truyền lật đổ chế độ.
Cũng bằng những thủ đoạn như vậy, ông Vũ Lưu Xuân cũng vừa suy diễn, vừa quy chụp, vừa xét xử. Xét xử chưa ráo nước miếng, ông liền vội vã tuyên bố chấm hết. Không có bào chữa, không có giải thích, không có trần tình, không có kháng án gì cả. Ông đóng sập cánh cửa, bụm miệng bị cáo như nhà nước giang tay bụm miệng cha Lý. Sau khi đã đắc chí buông những lời thóa mạ người khác. Ông tuyên bố nghỉ. Ông lấy lý do rất thảm. Ông không còn lòng dạ nào nữa...

Qua bài “Xin trả lời...” và đối chiếu với nội dung email có rất nhiều cách hiểu sai lạc. Trong bài này, tôi chỉ sơ lược những điểm chánh cần minh bạch, những điều còn lại xin bạn đọc tự phán xét.

Căn cứ vào bài tùy bút của ông NAK, ông VLX bắt đầu bằng cách suy diễn rồi nhất định quy bài tùy bút của ông NAK chính là bài lý luận phê bình văn học (dù ông K đã nhiều lần đính chính). Bởi vì trong bài có phân tích, có đánh giá, có đối chiếu, vậy thì nhất định nó phải là một bài phê bình văn học.
Nếu cứ dựa vào đó thì cái email của tôi có thể cũng là một email phê bình văn học ư?

Tôi cũng không biết ông lấy ở đâu ra cái ý tưởng “không đọc thơ TTY là một cái tội” hay “là một thiếu hụt lớn trong cuộc đời”,... ?

Tôi viết, “Nếu ai không đọc thơ TTY thì đừng bàn thi ca với họ.” Đây là lời nhắc ông NAK. Vì tôi cho rằng, nếu không đọc thơ TTY, không đọc Võ Phiến, Mai Thảo,... là những tác giả Miền Nam thì người đó không phải là người nghiên cứu hay sống trong môi trường văn chương. Vì vậy, đừng nên bàn văn chương với họ.

Xin trích lại nguyên văn lời ông Vũ Lưu Xuân một lần nữa:

“Tới đây xin bẽn lẽn nói nhỏ một điều: dù được chế độ cũ đào tạo chính thức để dạy Việt văn,
nhưng trước khi đọc NAK, tôi chưa hề đọc một câu nào của TTY, kể cả nhiều nhà thơ, nhà văn miền Nam nổi tiếng khác. Nói thế không phải tôi có ý miệt thị các tác giả, mà chỉ vì cái bệnh “lười lớn” (đại lãn), tính trời, vốn xấu, biết sao. Hơn nữa tôi muốn “tìm” và “sống” cảm
xúc thực sự của mình giữa đời thường, hơn là nhờ người khác cảm xúc hộ. Cuộc đời ngắn quá mà, sống còn chưa đủ thời gian… nếu đồng môn nào chê tôi là ếch ngồi đáy giếng, kiến thức nhỏ bằng hạt đậu, cũng đành, thở dài một tiếng, rồi lại rong chơi, kệ, thật tội lỗi, tội lỗi!
– Lời tự thú đáng xấu hổ này chỉ muốn chứng minh một điều: dù không “có” TTY, nhưng tiếng Việt của tôi vẫn “còn”, và vẫn lằng nhằng xài được
.”

Từ cổ chí kim, có ai từng nghe một người thầy nào tuyên bố là mình lười đọc sách. Ông Vũ Lưu Xuân là người đầu tiên. Cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao ông dạy văn mà tuyên bố mình lười đọc sách. Ông còn nhấn mạnh là không đọc các tác giả Miền Nam, theo tôi hiểu đây là những nhà văn nhà thơ Miền Nam. Ông không đọc họ tức là ông không đọc văn chương. Dạy văn chương mà không đọc văn chương thì có khác gì người bán cá mà không có cá? Vậy mà vẫn bán được trong bao nhiêu năm, thế mới lạ.
Hèn chi trong nước bây giờ người ta hay truyền miệng.
“Thứ nhất là sợ cháy nhà,
Thứ hai là sợ chuyên gia tới trường.”

Tệ hơn nữa, muốn đánh giá bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính hay hơn Trường Sa Hành của TTY, bài Tống Biệt Hành của TT hay hơn... bài gì đó ( không nêu rõ tên), ông không phân tích, không dẫn chứng,.. Hay ở chỗ nào? Hơn ở chỗ nào? Ông nói khơi khơi, nó hay là tại vì nó hay. Vậy thôi. Có lẽ chưa tự tin, ông còn lôi thêm 4 người bạn cộng với ông là 5.

Khi đọc thơ, cách cảm nhận của mỗi người mỗi khác. Đôi khi cùng là một bài thơ, chính mình khi đọc mỗi lúc cũng có những cảm xúc khác. Bài Hành Phương Nam của NB viết khoảng năm 1946-1947, lúc ông lưu lạc xuống Miền Nam. Bài thơ nói lên nỗi buồn tha phương trong lúc Xuân về, tâm trạng một kẻ bất đắc chí nhớ quê hương.

“Hai ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay!

Lòng đắng sá gì non hớp rượu
Mà không uống cạn, mà không say?
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may.

Người giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trói thân vào nợ nước mây
Ai biết thương nhau từ thuở trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây

Nợ tình chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay....”

Mấy năm sau, một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào Nam, nó trở thành bài thơ thịnh hành nhất. Rồi hai miền Nam, Bắc trở thành hai chế độ, hai quốc gia đối nghịch. Cuộc chia ly tưởng chừng như bất tận. Người Bắc trong Nam ngậm ngùi vì Hành Phương Nam. Sau 1975, bài thơ theo chân người Việt tỵ nạn đi khắp nơi trên thế giới. Bấy giờ, quê hương mới thật trở thành cố hương. Chia ly là vĩnh biệt. Người ta rứt ruột vì câu “Quê nhà xa lắc xa lơ đó. Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.”

Ngày nay, khoa học kỹ thuật tiến bộ, giao thông tiện lợi. Nhớ quê hương, người ta có thể bay về. Nhớ bạn bè? Đã có cellphone. Khoảng cách địa lý thu hẹp, bài thơ không còn làm người tha phương nức nở nữa. Ngoài ra, cái không hợp thời của nó còn ở chỗ bài thơ dùng khá nhiều điển tích Trung Quốc. Như “Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã. Mà áo khinh cừu không ai may.”, “Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt. Giữa chợ ai người khóc nhận thây?.”, “Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén. Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay? Mơ gì Ấp Tiết thiêu văn tự. Hài cỏ gươm cuồng ta đi đây.” Người đọc thấy lạ. Cầu Tư Mã tuốt ở bên Tàu, Miền Nam nóng bức chẳng có ai mặc áo khinh cừu. Câu thơ thành sáo.
Mỗi bài thơ có một thời của nó. Trong chiến tranh Việt Nam, bài thơ thịnh hành nhất không phải là Chinh Phụ Ngâm. Thời của Chinh Phụ Ngâm đã qua.
Thời của bài Hành Phương Nam cũng đang qua như thế. Tuy nó vẫn là một bài thơ hay, là tài sản trong thi ca Việt Nam.
Có nên so sánh bài thơ này với bài thơ khác được không?
Quyền so sánh là quyền tự do của mỗi người. Nhưng so sánh để đi đến kết luận bài này hơn bài kia, tác giả này hơn tác giả kia thì nên suy xét kỹ. Thời đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, môi trường xã hội lại càng khác. Thời Chinh Phụ Ngâm, từ Thăng Long đến Ải Chi Lăng là xa lắm. Nỗi chờ đợi tưởng như có thể hóa đá. Thời của Nguyễn Bính, đi từ Bắc xuống Nam cũng xa xôi lắm, cũng làm nên những khắc khoải, xót xa. Nhưng thời đại của TTY thì khác. Khoảng cách địa lý không còn là vấn đề. Cái ranh giới bây giờ là ranh giới của sống chết. Hãy nghe người vợ tìm chồng trong bài thơ Góa Phụ của TTY.

“Em chạy tìm anh ngoài cõi gió
Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn,
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ,
Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn.

Em độc thoại lời kinh ánh xanh.
Trăng lu, khuya mỏi, nén nhang tàn.
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa.
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn.

Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em.
Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh
Hồn xa con đóm lạc sâu đêm...”
Hình ảnh người vợ tìm chồng như con đom đóm nhấp nháy tìm nhau trong cõi tối mịt mùng. Còn vô vọng nào hơn?

Nói về bài Trường Sa Hành của TTY. Ngoài giá trị văn chương, bài thơ có một giá trị lịch sử đặc biệt. Bài thơ được sáng tác trong một chuyến du hành thăm đảo trong bối cảnh Hoàng Sa vừa bị Trung Cộng đánh chiếm. TTY là một nhà thơ đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, viết một bài thơ đầu tiên cho Trường Sa. Bài thơ có một ý nghĩa chính trị về lãnh thổ và chủ quyền đất nước mà chế độ nào, người Việt nào tha thiết với vận mệnh đất nước không thể không biết tới. Từ năm 2009, khi chủ quyền Biển Đông bị đe dọa, nhiều người trong nước đã tìm đọc Trường Sa Hành. Nhiều bạn đọc tỏ ra tiếc. Tại sao trong TSH không có tính chiến đấu? Người ta quen hình ảnh kinh điển, người lính thì phải cầm súng, phải dũng cảm, phải chiến đấu, phải oanh liệt. Chiến tranh phải có lửa khói, có đạn nổ, có bom rơi, có chết chóc. Đó có phải là quy ước khi nói về người lính, về chiến tranh.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến tranh. Thế mà trong lịch sử, qua bao nhiêu chiến thắng lẫy lừng chống ngoại xâm, hình ảnh người lính oanh liệt ngày xưa biến đâu mất. Trong văn học sử chỉ để lại hình ảnh người lính tầm thường, nghèo nàn đến tội nghiệp.
“Ngang lưng thì thắt đai vàng
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.”

Nước mắt như mưa thì làm sao đánh giặc?
Mà không cứ gì đi ra trận mới khóc. Người lính đóng quân ở nơi cheo leo cũng than đến xót ruột.
“Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những dang cùng nứa biết ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng”

Tại sao tác giả lại lấy hình ảnh con cá nó vẫy vùng trong giếng nước trong để kết thúc bài. Hình ảnh con cá này ám ảnh tôi suốt từ thời đi học. “Con cá nó vẫy vùng” mà không phải là “con cá vẫy vùng”. Chữ “nó” thêm vào sau “con cá” có ý nghĩa gì? Câu thơ là một câu than. Nước giếng trong veo, con cá làm sao sống? Ở chốn thâm sơn, cơm gạo đâu ăn? Người lính phải tự xoay sở để tồn tại.

Đất liền đã vậy, ở đảo còn khắc nghiệt hơn. Bài Trường Sa Hành nói về tâm trạng những người lính trấn thủ đảo.
“Bốn trăm hải lý nhớ không tới”
Cái đảo xa xôi như một mảng da thịt bị cắt rời. Khoảng cách địa lý mà trí tưởng cũng không tới được.
“Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
Đảo còn say sóng huống chi người!

Làm sao giữ đảo khi chân đi chưa vững. Ở đây, người lính nhận ra, kẻ thù lớn nhất không phải là giặc ngoại xâm, mà là thiên nhiên. Trước khi chống giặc người ta phải chống chỏi với thiên nhiên. Sóng to, bão lớn. Đảo không nước. Mưa thì hoạ hoằn. Gió miên man bất tận. Nắng sáng lóa như kim giũa. Những con người thời nay bất ngờ bị quăng vào cuộc sống của người tiền sử.

“Mặt trời chiều rã rưng rưng biển.
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,
Nghe cây dừa ngất, gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi...”

Môi trường khắc nghiệt, làm sao bám được cuộc sống để tồn tại?
Trước khi làm lính, người ta làm người cái đã.
Có con người nào đứng trước thiên nhiên vô tận mà không nhận ra cái thân phận nhỏ nhoi của mình.

“Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ.
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.”

Thân phận mong manh, con người như một hạt cát rồi sẽ tan biến bất cứ lúc nào.
Cái đáng sợ nhất không còn là sống và chết nữa, cái kinh khủng nhất là sự Im Lặng của Trời Đất.
“Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ...”

Sự Im Lặng phủ nhận sự hiện hữu của con người trong vũ trụ mênh mông. Có phải vì kiếp người quá ngắn ngủi, sự tồn tại của nhân loại cũng không còn đáng kể?
Ngoài cõi vũ trụ mênh mông kia, có ai, có ai biết đến sự hiện hữu của loài người?
Đời người hữu hạn, đây là quan niệm theo triết lý Phật giáo. Không hiểu sao ông VLX lại máng chủ nghĩa hiện sinh vào thơ TTY?

Thơ TTY minh triết cho nhân sinh quan, cho triết lý của dân tộc.
“…Nghe im lặng mà sống,
Nhìn trời đất mà vui.
Hãy như người từng trải mỏi mê về
Lúc tàn khuya
Nhà hương hỏa tối mốc.
Còn ai không, có gọi chỉ thêm buồn.
Thôi chẳng tiếc túi vàng đã phung phá
Mà mừng mẩu nến chợt tìm ra….”

Đấy lối sống của người Việt đấy. Nhan nhãn trong đời thường ta đã trải qua, đã nhìn thấy. Có cái gì hưởng cái nấy. Không tiếc nuối quá khứ. Không ảo tưởng tương lai. Đó là triết lý của người Việt. Không có cái gì cao xa cả. Chỉ vì đôi khi mình không để ý, không nhận ra.
Nhưng mà thôi. Như đã nói, tôi không muốn bàn thi ca với ông VLX. Bàn với ông vô ích. Vì ông thú nhận, ông không đọc thơ TTY. Không đọc cũng tốt. Vì đọc mà không hiểu thì tốt hơn là không đọc. Không hiểu tốt hơn là hiểu sai. Từ hiểu sai rồi diễn dịch sai. Sai một ly, ông đi... một ngàn dặm.

Cũng bằng cách suy diễn nông cạn như thế, ông còn gán cho tôi nhiều tội danh khác như khinh miệt tiền nhân, miệt thị cả một dân tộc.
Phê bình thơ chỉ có giá trị duy nhất đó là sự thật. Tinh thần phê phán của Việt Nam còn bị chi phối nặng nề về quyền lực, về quan hệ xã hội, và về tuổi tác nữa.
Thường, trong những cuộc tranh luận, khi người ta đuối lý, họ thường phán một câu:
“Khi tao cầm bút thì nó chưa ra đời.”
Chưa ra đời thì đã sao?
Nguyễn Du viết Kiều ở khoảng 40. Chế Lan Viên, Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương,Tô Thùy Yên, Nguyễn Tất Nhiên thành danh khi còn rất trẻ.
Thế mà có những người cho tới bây giờ vẫn cón ám ảnh bởi chuyện tuổi tác. Đối với họ, người có tuổi là tự nhiên ở thế thượng phong. Lẽ phải là của người già. Quan niệm người già luôn luôn đúng, rập khuôn theo kiểu văn hóa làng. Bố nói con nghe. Khi thua lý, các ông bố thường mắng át, mày hỗn. Mắng hỗn để khỏi đối diện cái thế thua.
Ông Vũ Lưu Xuân cũng muốn ăn gian như thế. Đầu thư, ông trưng ngay năm sinh của tôi, rồi xa gần nói về những đàn em của ông ở trường ĐHSP TPHCM. Ngụ ý, với tuổi tôi thì cũng là thuộc thế hệ đàn em. Mà đàn em thì phải thua đàn anh, là lẽ thường.
Ông định lấy tuổi ra dọa đây.
Ông Vũ Lưu Xuân muốn nhắc nhở tôi, người già đồng nghĩa với cái đúng, lẽ phải là của người già.
Nhảm không?

Theo thời gian, người ta sẽ già đi. Ở thời khoa học kỹ thuật hiện đại, tuổi trẻ có cơ hội đọc nhiều hơn, học nhiều hơn, biết nhiều hơn. Già thua trẻ đó là chuyện thường. Mà có vậy loài người mới văn minh hơn. Tuổi già từng trải chỉ có cái hơn kinh nghiệm đối nhân xử thế ở đời. Cái nhìn của người già thường sâu sắc hơn, tinh tế hơn, phóng khoáng hơn, bao dung hơn. Nhưng người già như ông khiến tôi nhạc nhiên không ít.

Trong bài “Xin trả lời...” có cách suy nghĩ nông nổi khá trẻ con, nhiều chỗ nói lẩy, nói xiên, nói xỏ, nói khoé, nói cạnh,... (...nên đấm ngực ba cái...). Hay tếu một chút, nói xiên, nói xỏ bây giờ đã thành... nghề của chàng.
Những người phê bình văn học thường đối diện với nhiều áp lực từ nhiều phía với nhiều lý do khác nhau. Thường thì họ bị kết tội là phủ nhận quá khứ, khinh miệt tiền nhân. Phê một bài thơ tiền nhân là có tội, là khinh miệt tiền nhân? Thật không?
Phê thơ Lục Vân Tiên mộc mạc, bình dân, quê mùa và kính trọng nhân cách cụ Nguyễn Đình Chiểu là hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Chê bài thơ Con Cóc thì bị buộc tội khinh miệt một tiền nhân nào đó ư?

Phê bình chỉ có giá trị khi đó là một lời nói thật. Văn chương Việt Nam đang dậm chân tại chỗ chính vì thiếu những lời nói thật như thế. Nói thật, không dễ. Nói thật những điều chưa ai nói, càng khó. Người ta cần phải có dũng khí để bảo vệ sự thật. Ông Galileo được cả thế giới kính trọng không phải vì ông là người đầu tiên chứng minh trái đất hình tròn mà vì khi đứng trên giàn hỏa ông vẫn dõng dạc tuyên bố trái đất hình tròn.
Trong các cuộc tranh tài thể thao ở Olympics, người vận động viên phải dùng mọi nổ lực để phá bỏ thành tích của chính mình.
Người Việt Nam có dám vượt qua những đỉnh cao trong văn chương để lập nên những đỉnh cao khác?
Xét về thi ca Việt Nam hiện đại, theo tôi, ông là một nhà thơ lớn nhất của Việt Nam trong cả nửa thế kỷ nay. Hơn nữa, ông xứng đáng là một thi hào của dân tộc. Dĩ nhiên, đây mới chỉ là một đề nghị cá nhân. Sau này, khi chế độ Cộng sản sụp đổ, sẽ có những hội đồng nghiên cứu và xét duyệt lại.
Ông VLX và nhóm 5 người của ông cũng có quyền đề nghị bất cứ nhà thơ nào ông thấy xứng.
Không có lý do gì cứ thần tượng một ai thì khư khư muốn giữ thế độc tôn. Càng có nhiều thi hào thì dân tộc đó càng hạnh phúc. Chẳng lẽ tiềm năng, trí tuệ của dân tộc suốt mấy trăm năm chỉ có mỗi Nguyễn Du? Và cũng mong thi ca sau này còn có những người vượt qua được TTY. Đó mới là phúc lớn của dân tộc.
Kính trọng công nghiệp tiền nhân, những thế hệ tiếp nối phải đóng góp công sức mình, chứ không thể khư khư ôm di sản của tổ tiên thờ phượng.
Đọc bài “Xin trả lời...bài “Nghĩ về bài ‘Nghĩ về’ của ông NAK” tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông công kích một cách điên cuồng, gần như mê sảng.
Để chứng minh thơ NB hay hơn TTY, ông dẫn chứng có 5 người bạn ông cũng công nhận thế. Thật buồn cười.
Thấy 5 còn ít, ông kéo thêm 80 triệu người Việt trong nước về phe mình. Căn cứ vào câu, “Ai chỉ sống trong chế độ Cộng Sản thì chỉ thấy bằng một con mắt và suy nghĩ bằng một nửa cái đầu.”
Đọc câu này ông chỉ hiểu được nghĩa đen nên kết tội tôi khinh miệt 80 triệu đồng bào còn kẹt lại trong nước. Một ông thầy Việt văn mà thiển cận thế ư? Cách hiểu của ông làm tôi kinh ngạc quá đỗi? Lẽ nào khi đứng trên bục giảng, ông chỉ giảng nghĩa đen?
Con ngựa bị che mắt không ai nói là con ngựa mù.
Chế độ Cộng sản bắt người dân sống sau bức màn sắt, cấm triệt mọi thông tin bất lợi cho Đảng. Bắt dân chúng chỉ tin một điều rằng chỉ có CNXH là con đường duy nhất đưa đất nước đến ấm no hạnh phúc.
Ngày nay, cán bộ CS đi khắp nơi trên thế giới bất chợt nhận ra Đảng nói láo, Đảng lừa dân. Không có nơi nào theo chế độ CS mà không nghèo đói. Những nước văn minh tiên tiến, ấm no, hạnh phúc đều không cần phải theo chế độ CNXH. Đây không phải là điều tôi đặt ra mà trong kỳ họp Đảng chính những thành phần trí thức của Đảng đã thú nhận.
Sau năm 1975, nhà văn Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo cũng đã từng kinh ngạc trước kho tàng sách vở của Miền Nam. Trong bài “Nhà văn Lê Lựu đã bán linh hồn cho ai?”, nhà văn Trần Mạnh Hảo viết, “Hồi đầu vào Sài Gòn cùng Nguyễn Khải ở nhà tôi gần ba tháng, Lê Lựu chỉ làm hai việc rất chân chính là tìm bồ và tìm mua sách. Gặp kho sách dịch Sài Gòn, Lê Lựu sướng ngất ngây, hệt chuột sa chĩnh gạo. Ông đọc triết tây triết đông qua các bản dịch của các linh mục dạy triết và các nhà Hán Nôm có hạng Sài Gòn. Ông đọc các tiểu thuyết phương Tây mê man, hầu như có khi thức xuyên đêm. Bỏ mẹ, Lê Lựu và tôi rì rầm để cho ông anh Nguyễn Khải ngủ : thế này thì đúng là Sài Gòn nó giải phóng chúng ta chứ cóc phải ngược lại bác Lựu nhẩy. Chết ông be bé cái mồm cho tôi nhờ. Đâu phải cái đúng cái hay cái tốt bao giờ cũng thắng thế đâu. Man di thắng văn minh là thường mà…. Ba tháng trời Sài Gòn ở nhà tôi với Lê Lựu đêm nào cũng quá ngắn, chưa đọc hết sách đã sáng banh cả mắt, rì rầm như hai con khỉ đi ăn trộm ấy. Đọc đến đoạn nào thích chí, Lê Lựu tàn nhẫn bấm tôi dậy để rì rầm đọc ri rỉ như dế cho nghe, đến độ làm bác Nguyễn Khải thức theo bảo : chúng mày tí tửng như gái ngồi phải cọc, mấy cuốn đó tao đọc rồi, hồi trước năm 1945, mà đọc bản Pháp văn. Tội nghiệp các em, có học mà như mù chữ. Thì cũng tại thế hệ chống Pháp các bố dạy chúng tôi chứ ai. Cứ để Tây đấy, đánh nó làm chó gì, để nó dạy chúng tôi như nó đã dạy các bố, thì hôm nay sao chúng tôi lại thành những kẻ có học mù chữ được ? Cứ cái màn nghĩ trộm, nói trộm, đọc trộm thế này có khi nguy…
Sang thời internet, người ta có thể truy cập bất cứ thông tin nào trên thế giới. Đảng không còn bịt mắt, bịt tai dân được nữa. Người ta nhìn thấy cả thế giới qua những màn hình laptop, Ipad, Iphone.
Chế độ Cộng Sản bịt mắt dân, không có ai bảo người dân đó mù.
Cũng như bây giờ nhìn qua Bắc Hàn, không ai nói người Bắc Hàn ngu, chỉ vì họ chưa hề biết internet là gì, mắt chưa thấy cái laptop, tay chưa chạm vào cái cellphone. Họ chưa từng sống trong tự do, chưa biết đến cuộc sống ngoài Bắc Hàn như thế nào. Thế giới không ai bảo người Bắc Hàn ngu. Người ta thương xót cho cái phần hơn phân nửa thế giới mà họ chưa được nhìn thấy, chưa được biết đến của họ.
“Nhìn bằng một con mắt, suy nghĩ bằng một nửa cái đầu.” nghĩa là chưa có cơ hội được hiểu biết một cách toàn diện.
Trong đoạn cuối email viết cho ông NAK, tôi viết, Email này chỉ là email. Không phải là bài phê bình văn học. Chớ để cho ông Bao Bất Đồng nào đó la lên "Không phải đâu là không phải đâu..." nữa thì khổ (cười) Em không có thời gian tranh cãi. Càng không muốn sa đà trong những trận bút chiến. Thời gian để viết những thứ khác. Mà nếu có cãi cũng không cầu thắng, chỉ cố làm sao đừng thua thôi.....

PS: Cái chuyện Không Cầu Thắng là mượn ý của một câu chuyện thiền như sau:
Có một vị kiếm sĩ nổi tiếng lên đò đi qua sông. Đò hẹp, người đông. Ông chợt thấy trên đầu đò có một người hình dung bặm trợn, đầy vẻ cổ quái đang vung đao quát tháo um sùm. Khi biết ông, người này hung hăng đòi thi đấu ngay lập tức. Ông ta nói, bình sinh ông đi khắp thiên hạ cốt chỉ thắng những người nổi danh thôi. Vị kiếm sĩ nói, còn ta khi đấu không cầu thắng, chỉ cố đừng để thua.
Cuối cùng họ đồng ý đấu kiếm để phân thắng bại. Vị kiếm sĩ nói, trên thuyền chật chội, vậy ta hãy lên ghềnh đá kia. Tên hung hăng nói, “Được, lên đó ta sẽ sẽ chẻ ngươi ra làm hai.” Nói xong, đợi thuyền tấp vào gần, hắn phóng vút lên ghềnh rồi huơ đao đứng chờ. Vị kiếm sĩ vơ lấy cây sào, lấy hết sức đẩy thuyền ra xa. Trên thuyền bấy giờ vẫn còn nghe được ting la ơi ới của tên cổ quái đang loi choi gầm thét. (trích truyện thiền)
Lẽ ra, tôi cũng muốn bắt chước vị kiếm sĩ kia đẩy thuyền mà... chạy. Tranh luận với ông chắc tốn rất nhiều thời giờ.
Trong bài trả lời Yêu Ai Ghét Ai của cô Thanh Hương, ông phản bác bằng cách ví bài tùy bút của ông NAK như đứa con trai có cái vòi. Trong bài “Xin trả lời...” ông cũng kết luận bằng hình ảnh chiếc lá đa... Thường theo tâm lý phụ nữ thấy tục, thấy bẩn thì... bỏ chạy. Thời đại nhiễu nhương sinh lắm trò quái dị. Mới đây trên mạng xôn xao vì “thầy” Lê Thẩm Dương vừa dạy học vừa chửi thề.

Chiến thuật công kích của ông Vũ Lưu Xuân làm tôi nhớ đến Bà Triệu Thị Trinh.
Sử chép, “Bà Triệu là người ở huyện Nông Cống. Thuở nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu Quốc Đạt. Bà là một người có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược. Khi quân Ngô sang xâm lược nước ta, Bà lui vào ở trong núi, chiêu mộ binh sĩ, lập quân khởi nghĩa. Anh thấy thế mới can, bà bảo rằng: ‘Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân rakhỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người taBà đi đến đâu dân chúng hưởng ứng theo phò rất đông, quân thù khiếp sợ.
Sau hàng chục trận giao tranh với giặc, trận thứ 39 anh trai bà là Triệu Quốc Đạt tử trận, Bà Triệu lên làm chủ tướng và lập nên một cõi giang sơn riêng vùng Bồ Điền khiến quân giặc khó lòng đánh chiếm. Biết bà có tính yêu sự sạch sẽ, ghét tính dơ bẩn, quân giặc bố trí một trận đánh từ tướng đến quân đều loã thể. Quân Bà ra trận, thấy lính địch trần truồng, tồng ngồng như nhộng thì hoảng loạn bỏ chạy. Quân binh tan rã, Bà không chịu được chiến thuật đê hèn, dơ bẩn đó phải rút lui về núi Tùng. Bà quì xuống vái trời đất: "Sinh vi tướng, tử vi thần" (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn.”
Hồi nhỏ, mỗi lần đọc đoạn sử này là tôi cứ bồi hồi thương cảm. Lâu lâu, tôi lại tự hỏi. Bà có nên bỏ chạy không? Câu hỏi này cứ ám ảnh tôi riết. Tướng Đông Ngô lúc đó là Lục Dận (con của Lục Tốn trong Tam Quốc Chí), hay là Đặng Tuân? Vì lẽ gì với quân số đông hơn, mạnh hơn, họ không nắm được phần thắng mà lại sử dụng một cái kế đê tiện, vô liêm sĩ để đi đánh một người đàn bà?

Bỏ chạy là thua, là mất nước. Nhưng mất đất đai, người Việt có thể lấy lại được. Nhưng mất liêm sĩ của một dân tộc thì không tài nào xóa sạch được vết nhơ trong lịch sử.
Bây giờ thì tôi ngộ ra một điều. Ở đời có những cái mình nên thua.
Tiền nhân tôi đã chạy. Vậy cớ sao mình còn đứng đây?
Chạy.

Atlanta, 12/8/12
Nguyễn thị Thảo An
__________

* Ghi chú của admin website ĐHSPSG:
1) Tựa bài "Nghĩ về..." đăng ở bài của NTTA lần trước là do admin đặt, lý do là nếu bài không có titre thì JOOMLA từ chối không post lên mạng được.
2) Đúng là admin nhận được bài lần trước của NTTA viết dưới dạng email gửi cho anh NAK. Sau khi tham khảo ý kiến vài "người lớn", admin cùng đồng ý với các bậc trưởng thượng là nên đăng dưói dạng bài viết (thay vì điện thư) cho có vẻ khách quan hơn, vì thế admin đã lấy đi một vài đoạn nhỏ và thay tất cả các chữ "em" thành "tôi".
3) Trong email mà admin nhận được bị thiếu phần Post scriptum giải thích về chuyện "không cầu thắng" nên admin không post lên được. Thành thật xin lỗi Thảo An và độc giả.